Giáo sư vật lý UCLA thành dân vô gia cư vì lương không đủ trả tiền thuê nhà

Ba’o Nguoi-Viet

October 12, 2024

LOS ANGELES, California (NV) – Trong một đoạn phim TikTok đang lan truyền trên mạng xã hội, Tiến Sĩ Daniel McKeown, một giáo sư đại học University of California, Los Angeles (UCLA), tuyên bố lương bổng eo hẹp là nguyên nhân làm cho ông thành dân vô gia cư, khiến nhiều người theo dõi ông cảm thấy ngỡ ngàng, phóng sự do KTLA thực hiện hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Mười.

“Chào tất cả quý vị, tôi tên là Daniel, giáo sư vật lý thiên văn tại UCLA. Trong niên khóa 2024, tôi chỉ nhận được $70,000,” McKeown nói trong đoạn phim.

McKeown, một giáo sư thỉnh giảng tại UCLA, theo trang mạng của nhà trường, cho biết ông phải dọn ra khỏi chung cư vì hết trả nổi tiền thuê nhà.

Giáo Sư Daniel McKeown khoa Vật Lý Thiên Văn, đại học UCLA (Hình: @danielastrophysics/TikTok)

“Trên thực tế thì tôi là dân vô gia cư. Tôi không có nơi ăn chốn ở. Tôi cũng chả có hợp đồng thuê nhà,” McKeown nói.

McKeown cho biết ông bỏ ra $2,500 một tháng để thuê nhà. Theo RentCafe, giá thuê nhà trung bình tại khu Westwood gần trường UCLA là $3,700.

Và giờ đây, McKeown phải lên mạng xã hội để cầu cứu một nơi nương tựa.

“$100,000 mới đủ để tôi trả tiền thuê nhà, tôi cầu cứu số tiền này để tôi có thể tồn tại ở Westwood, Los Angeles, có như vậy tôi mới có thể đứng lớp hàng ngày được,” McKeown nói trong một cuộc phỏng vấn với KTLA.

Ông yêu cầu chủ nhiệm khoa tăng lương nhưng bị từ chối, McKeown cho biết.

KTLA liên lạc với UCLA nhiều lần để yêu cầu bình luận về những khiếu nại của McKeown nhưng chưa nhận được hồi âm.

Từ lúc trả chung cư, McKeown vừa ở nhờ nhà một người bạn vừa vắt óc tìm cách trả tiền thuê nhà để sinh sống gần trường UCLA. Hiện nay ông đang cư ngụ cách trường đại học vài giờ và chuyển qua dạy học trực tuyến.

Phần bình luận trong đoạn phim TikTok do McKeown đăng tải được công chúng ủng hộ nhiệt tình, trong đó nhiều người khắc khoải vì sao học phí của họ lại cao nhưng thầy cô giáo không nhận được mức lương đủ sống.

“Thầy là giáo sư mà tụi em mến mộ nhất tại UCLA! Em hy vọng mọi chuyện sẽ ổn thỏa,” một người bình luận. “Một người tốt bụng, nhiệt huyết và thấu hiểu người khác nhiều nhất. Thật may mắn khi được thầy dạy.”

Nhiều người khác thắc mắc vì sao UCLA không cấp nhà cho các giáo sư ở. Một người chia sẻ kinh nghiệm của riêng họ trong phần bình luận: “Tôi từng là một giáo sư thỉnh giảng trong một năm và nhận ra chẳng mấy chốc mình sẽ thành dân vô gia cư, nên tôi quyết định nghỉ việc.”

Theo trang mạng trường UCLA, tổng chi phí trung bình cho sinh viên trong tiểu bang là $34,667. Riêng học phí và lệ phí trung bình đã là $13,225.

Khi được hỏi vì sao không chuyển qua dạy ở trường khác, McKeown nói, “Tôi không muốn bỏ ngôi trường này. Tôi vô cùng say mê dạy học, và UCLA là một trường đại học hàng đầu về vật lý.”

McKeown sở hữu văn bằng Tiến Sĩ Vật Lý Thiên Văn.

“Tôi là một thầy giáo làm việc toàn thời gian. Tôi dạy sáu lớp một năm, nhưng tôi chỉ được trả khoảng một nửa số tiền trung bình mà một giáo sư vật lý ở California kiếm được. Chả công bằng chút nào,” McKeown nói với KTLA.

UCLA từng đối diện với vô vàn lời chỉ trích vì thiếu nhà ở giá rẻ trong khu vực.

Năm 2023, The Daily Bruin từng đăng một bài xã luận về vấn đề này, kêu gọi trường đại học giải quyết khúc mắc liên quan tới khả năng chi trả cho nhà ở.

Sáng Kiến Dân Vô Gia Cư Los Angeles ước tính rằng tính tới 2022, Quận Los Angeles thiếu khoảng 499,430 nhà ở giá phải chăng. Năm 2022, UCLA trở thành cơ sở đầu tiên thuộc đại học University of California bảo đảm nhà ở cho sinh viên, nhưng chính sách này không có hiệu lực dành cho các giáo sư.

Đoạn phim do McKeown đăng tải xuất hiện chỉ vài tuần sau khi Hội Đồng Quản Trị University of California bỏ phiếu tăng lương cho viện trưởng, trong phần lớn các trường hợp là 30%, theo tờ Los Angeles Times.

McKeown cho biết ông là thành viên Liên Đoàn Nhà Giáo Hoa Kỳ và đang hợp tác với họ để tìm ra giải pháp. (TTHN)


 

Hai nhà khoa học Mỹ Victor Ambros và Gary Ruvkun đoạt giải Nobel Y học 2024-VOA

VOA Tiếng Việt

Hai nhà khoa học Mỹ Victor Ambros và Gary Ruvkun đoạt giải Nobel Y học 2024 nhờ khám phá ra microRNA và vai trò quan trọng của nó trong quá trình phát triển và tồn tại của các sinh vật đa bào, theo thông báo của tổ chức trao giải hôm 7/10. Xem chi tiết ở phần bình luận.

Nếu không vào được VOA, xin hãy dùng đường link https://bit.ly/voatvfb4 để vượt tường lửa.


 

PAC của Musk hứa tặng $47 cho mỗi cử tri giới thiệu người ký kiến nghị trong các tiểu bang cạnh tranh cao

Báo Nguoi-Viet

October 7, 2024

WASHINGTON, DC (NV) – Tổ chức America PAC, do tỷ phú Elon Musk thành lập, đang mời công chúng ký vào một bản kiến nghị ủng hộ Tu Chính Án Thứ Nhất và Thứ Hai, và hứa trao tặng $47 cho mỗi cử tri đã ghi danh đi bầu tại các tiểu bang chiến trường quan trọng khi giới thiệu được người ký vào bản kiến nghị bảo đảm quyền tự do ngôn luận và quyền mang võ khí, tờ The Hill loan tin hôm Thứ Hai, 7 Tháng Mười.

Tỷ phú Musk, người ủng hộ cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc của cựu Tổng Thống Donald Trump, đã khuyến khích những người theo dõi ông trên nền tảng xã hội X ký bản kiến nghị đó.

Ông Musk loan báo trên trang mạng X: “Khi bạn giới thiệu được một người tại một tiểu bang dao động ký vào bản kiến nghị nói trên thỉ bạn sẽ nhận được 47 Mỹ kim! Kiếm tiền dễ quá mà!”

PAC của Elon Musk tặng tiền $47 cho mỗi cử tri giới thiệu người ký thỉnh nguyện thư cải tổ Tu Chính Án Thứ Nhất và Thứ Hai trong Hiến Pháp Hoa Kỳ tại những tiểu bang đang tranh chấp từng lá phiếu giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris (Hình: @elonmusk/X)

Bản kiến nghị cam kết ủng hộ hai sửa đổi đầu tiên trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, mà theo lời mô tả trong bản kiến nghị là nhằm “bảo đảm bảo quyền tự do ngôn luận và quyền mang võ khí.” Cơ hội kiếm được tiền này có hiệu lực trong hai tuần lễ tới mà thôi.

Tổ chức American PAC đưa ra kế hoạch ký vào kiến nghị nói trên nhằm thu thập chữ ký của 1 triệu cử tri đã ghi danh đi bầu tại bảy tiểu bang dao động chính — hay còn gọi là tiểu bang chiến trường, nơi hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa còn kèn cựa nhau chưa biết ai thắng ai. Đó là các tiểu bang Pennsylvania, Georgia, Nevada, Arizona, Michigan, Wisconsin và North Carolina.

Cuộc bầu cử tổng thống 2024 đã trở thành một cuộc chạy đua quyết liệt kể từ khi Phó Tổng Thống Kamala Harris tham gia tranh cử, đặc biệt là tại những bang dao động, nơi các cuộc thăm dò cho thấy khoảng cách biệt số phiếu giữa hai ứng cử viên thường là rất nhỏ.

Theo kết quả thăm dò dư luận toàn quốc của The Hill/Decision Desk HQ, ứng cử viên Harris đang dẫn trước ứng cử viên Trump 3.4 phần trăm, tức là 49,8% so với 46,4%.

Kết quả trung bình trong cuộc thăm dò của của Decision Desk HQ cho thấy ông Trump dẫn trước bà Harris 1.2 điểm ở Arizona và 0.7 điểm ở cả Georgia lẫn North Carolina.

Trong khi đó, bà Harris dẫn trước 0.2 điểm ở Michigan, 2 điểm ở Nevada, 0.8 điểm ở Pennsylvania và 1.3 điểm ở Wisconsin. (TTHN)


 

Đòi chia tay cảnh sát viên, bà gốc Việt và chồng bị bắn chết ở California

Ba’o Nguoi-Viet

October 7, 2024

ALAMEDA, California (NV) – Một người từng là cảnh sát viên thuộc văn phòng cảnh sát quận 26 tuổi vừa bị kết tội bắn chết tình nhân và người chồng, các viên chức California cho biết.

Năm 2022, Devin Williams, cảnh sát viên Văn Phòng Cảnh Sát Quận Alameda ACSO, nghỉ làm và tới tư gia của Maria Trần và chồng, Benison Trần, tại Dublin, theo thông cáo báo chí do văn phòng biện lý quận công bố hôm Thứ Năm, 3 Tháng Mười được nhật báo The Sacramento Bee đưa tin.

Sau đó, Williams bắn chết hai vợ chồng bằng một khẩu súng do ACSO cấp, các viên chức cho biết.

Xe cảnh sát (Hình minh họa: Pixabay/Pexels)

Người con trai 14 tuổi của vợ chồng nhà Trần có mặt tại nhà vào thời điểm xảy ra án mạng, tờ San Francisco Chronicle từng đưa tin.

Các công tố viên cho biết Williams và Maria Trần có quan hệ tình ái, nhưng Maria Trần đã kết hôn và sống với chồng, các viên chức cho biết.

Maria Trần và Williams gặp nhau tại Bệnh Viện Tâm Thần John George, nơi ông canh gác các tù nhân đang được điều trị y tế còn Maria Trần là một y tá, tờ San Francisco Chronicle đưa tin vào thời điểm đó.

Khi Maria Trần cố gắng cắt đứt quan hệ, Williams liền xuất hiện tại tư gia của bà, theo đơn kiện do KRON thu thập được.

Hai vợ chồng báo cảnh sát vào ngày 8 Tháng Tám 2022, nhưng viên cảnh sát tiếp nhận lời trình báo lại “ưu ái” Williams chỉ vì ông là cảnh sát viên, KRON từng đưa tin, trích dẫn vụ kiện.

McClatchy News liên lạc với ACSO vào ngày 4 Tháng Mười và đang chờ hồi âm.

Năm 2023, thân nhân trong gia đình vợ chồng nhà Trần đệ đơn kiện về cái chết oan uổng, nói rằng nếu Williams bị cho thôi việc, có thể hai vợ chồng đã không chết oan mạng, theo đơn kiện được McClatchy News thu thập.

Sau vụ nổ súng dẫn tới án mạng ngày 7 Tháng Chín 2022, Williams rời khỏi tư gia của nạn nhân và sau đó bị bắt giữ tại Fresno, theo thông cáo báo chí do biện lý quận công bố Tháng Ba vừa rồi.

Giới chức cho biết Williams đang phải đối diện với mức án tù từ 50 năm cho tới chung thân.

Dự kiến bị cáo ​​sẽ hầu tòa vào ngày 12 Tháng Mười Một để lãnh nhận bản án, các công tố viên cho biết.

Dublin cách San Francisco khoảng 30 dặm (48.2 kilometer) lái xe về hướng Đông. (TTHN) 


 

VÌ SAO HẦU HẾT NHÀ Ở HOA KỲ ĐỀU LÀM BẰNG GỖ?

Trên thực tế, mặc dù gỗ không cứng bằng bê tông cốt sắt, nhưng vì gỗ có nhiều ưu điểm hơn bê tông cốt sắt do kết cấu nhẹ, đàn hồi mạnh, có khả năng chống chịu tải trọng tác động tức thời và chịu tác động ít hơn khi có động đất lớn. Khi nền móng bị dịch chuyển, kết cấu sẽ tự phục hồi lại nhờ tính đàn hồi của gỗ và khó bị sụp đổ. Giống như những ngày gió, bão có thể làm bẻ cong cây cối, nhưng khi gió ngừng thổi nó có thể khôi phục lại trạng thái ban đầu, ngoài ra đất đai Hoa Kỳ rộng lớn không thiếu tài nguyên gỗ, đôi khi bạn nhìn thấy những ngôi nhà bê tông cốt sắt, nhưng nó được làm bằng gỗ.

Hoa Kỳ rất giàu tài nguyên gỗ, giá gỗ tất nhiên là rẻ, so với bê tông, cho nên việc làm nhà bằng gỗ ở Hoa Kỳ đã hình thành một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh. Mọi người thợ đã trở nên rất thành thạo trong cách sử dụng vật liệu này. Ngành xây dựng cả vài trăm năm của Hoa Kỳ đã cho thấy có những tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật hoàn thiện từ việc trồng cây, khai thác gỗ, chế biến, đến sử dụng, sơn, ngâm dầu… (hiện nay những cột điện ở Hoa Kỳ cũng sử dụng gỗ) Kích thước gỗ yêu cầu của từng loại là cố định, tất cả đều được sản xuất theo dây chuyền và tiêu chuẩn tại xưởng, người thợ lấy gỗ về là lắp ráp sử dụng được ngay.

Quan trọng bậc nhất của một ngôi nhà là hệ thống điện nước và nước thải sinh hoạt, sau khi các kỹ sư thiết kế thi công xong thì căn nhà đã được 2/3 ngay sau đó những thợ dùng gỗ lắp ghép rất nhanh gọn, việc làm một ngôi nhà gỗ sẽ dễ dàng và nhanh hơn nhiều so với một ngôi nhà bê tông cốt sắt. (Hệ thống điện trong một ngôi nhà cũng rất hay: thắp sáng, đồ gia dụng 97-127 volt. Máy sấy quần áo “ở Mỹ không có phơi quần áo ngoài trời”, máy nước nóng 210-240 volt (những nhà cũ xài gas và điện hỗn hợp, nhà mới không cho xài gas), nhà có hồ bơi dùng 380 volt để sưởi ấm nước hồ bơi khi lạnh giá…Hệ thống ống nước hầu hết đều làm bằng đồng nguyên chất rất bền)

Ngoài ra, việc bảo trì nhà gỗ cũng khá dễ dàng, không cần sửa chữa kết cấu, kích cỡ các thứ đều theo tiêu chuẩn ấn định sẵn nên khi hư hỏng có thể ra tiệm vật liệu xây dựng mua về thay thế dễ dàng, các thành viên trong gia đình có thể tự mình làm được, tiết kiệm được một khoản chi phí. Nếu sử dụng bê tông cốt thép thì dù là nguyên liệu hay nhân công đều sẽ tốn kém hơn rất nhiều.

Kết cấu của nhà gỗ ổn định, độ dẻo dai của gỗ rất lớn, kết cấu của nhà gỗ có thể bù đắp một phần lực rung, trọng lượng nhẹ, có khả năng chống chịu mạnh mẽ. Trận động đất ở Los Angeles năm 1994, nhiều ngôi nhà gỗ bị biến dạng, nhưng dù có di chuyển toàn bộ, rời bỏ nền móng ban đầu thì những ngôi nhà gỗ cũng không dễ bị sập.

Sau trận động đất lớn ở Kobe ở Nhật Bản, ngành xây dựng của họ cũng bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng của người Hoa Kỳ để bảo đảm khả năng chống động đất tốt nhất của ngôi nhà.

Hầu hết các ngôi nhà gỗ ở Hoa Kỳ đều được trang trí bằng những tấm vật liệu nhẹ chống cháy (có thể là thạch cao với bột gỗ), những ngôi nhà như vậy không chỉ có thể điều chỉnh nhiệt độ trong nhà mà còn đảm bảo khả năng cách âm, cách nhiệt tốt, nhiệt trong nhà chênh lệch với ngoài trời từ 2 -5 độ F. Hơn nữa, việc trang trí hoặc sửa chữa một ngôi nhà gỗ tương đối dễ dàng và sử dụng đúng cách thì tuổi thọ của nhà gỗ rất dài, nhiều ngôi nhà có thể ở được qua nhiều thế hệ!

Hầu hết người Hoa Kỳ đều làm nhà bằng gỗ, điều này gắn liền với điều kiện đất nước và thói quen sinh hoạt, chúng phù hợp với người dân Hoa Kỳ hơn là nhà bê tông. Mặc dù nhiều người cho rằng gỗ không bền bỉ như bê tông nhưng với việc sử dụng bảo dưỡng đúng cách, nhà bằng gỗ có thể tồn tại hàng thế kỷ…

Nói chung, nhà cửa ở Hoa Kỳ thông thường được làm rất lâu năm thậm chí vài trăm năm và đắt rẻ tuỳ theo từng khu, khu bình dân thì vài trăm, 3,4 trăm, khá hơn thì 5,6 trăm, có cái cả triệu, vài triệu đô…

Tuy vậy, ở Hoa Kỳ chuyện nhà ở chỉ cần vừa đủ. Vì con cái bên này nhỏ ở với bố mẹ, đến 17, 18 tuổi nhiều đứa đã ra khỏi nhà thuê chỗ khác ở, khi có gia đình riêng hầu như không có đứa nào ở chung với bố mẹ mà dọn ra ngoài, lúc ấy nhà to nhà lớn để hai ông bà già ngồi ngắm… thì chỉ có bán nhà vào “viện dưỡng lão?”

Những ngôi nhà một tầng, hai tầng kiểu này có điểm chung là xây tường, bên ngoài có thể tô (trát) hay để gạch mộc tuỳ khu dân cư, còn bên trong được làm bằng vật liệu nhẹ, giống như ván ép có khoảng trống cách âm, cách nhiệt rồi sơn màu tuỳ thích. Tường ngăn các phòng cũng thế, làm bằng vật liệu nhẹ. Mái nhà nhìn xa như lợp ngói, nhưng không phải mà lợp bằng loại vật liệu nhẹ giống như giấy dầu!. Để cho biết tôi vào gara, leo lên kệ còn thừa vài tấm bẻ thử một miếng, ồ chính xác là “giấy dầu”

Cửa sổ từng phòng, cửa lấy sáng cho nhà, cho tầng hầm đều làm bằng mica trong, hoặc kính không có song sắt bảo vệ chỉ có lưới che chắn côn trùng vào nhà với các loại cửa như vậy, khi có sự cố chỉ cần đạp mạnh, hoặc ném chiếc ghế, vật dụng có sẳn…bình chữa cháy vào là vỡ, khung rơi, có thể thoát ra ngay…

Có một điều lạ, nhà bên Hoa Kỳ rất rộng nhưng cửa chính vào nhà lại rất nhỏ, chỉ đủ cho một người đi qua…và hầu hết đều có tầng hầm (Basement). Một điều lạ nữa là nhà nhiều phòng nhưng không phải phòng nào cũng có restroom, thông thường nhà có bốn phòng nhưng chỉ có 02 restroom, một chiếc ở trong phòng lớn, 01 bên ngoài dành cho ba phòng còn lại dùng chung.

Nguồn: tham khảo kỹ sư Thiện – Texas, Hoa Kỳ.

Ảnh internet.

From: Truong Le


 

Xả súng hàng loạt ở Alabama, 4 chết, 17 bị thương

Ba’o Nguoi-Viet

September 22, 2024

BIRMINGHAM, Alabama (NV) – Bốn người thiệt mạng và 17 người khác bị thương sau khi hứng làn đạn của hàng loạt kẻ xả súng tại trung tâm của một trong những địa điểm giải trí náo nhiệt nhất tại Birmingham, Alabama vào tối Thứ Bảy, 21 Tháng Chín.

Vào khoảng sau 11 giờ tối, tại khu vực Five Points South, một số người lái xe đến địa điểm, ra khỏi xe và nã đạn, rồi quay lại xe lái đi mất, Sở Cảnh Sát Birmingham BPD cho biết hôm Chủ Nhật.

Khi cảnh sát tới nơi, họ phát giác ra hai người đàn ông và một người phụ nữ nằm bất động sau khi trúng đạn, và sau đó cả ba nạn nhân đều được tuyên bố chết tại chỗ, Sĩ Quan Cảnh Sát BPD Truman Fitzerald cho hay.

Nơi xảy ra vụ nổ súng hàng loạt làm 4 người thiệt mạng ở Five Points South, Birmingham, Alabama đêm 21 Tháng Chín, 2024 (Hình: Birmingham Police Department)

Nạn nhân thứ tư là một người đàn ông trưởng thành, được tuyên bố thiêt mạng tại Bệnh Viện University of Alabama, theo nhân viên bệnh viện. Trước đó, cảnh sát nói rằng có 18 nạn nhân bị thương.

Các nhà điều tra tin rằng đây không phải là một vụ nổ súng ngẫu nhiên mà bột phát từ một xung đột riêng biệt trong đó có một người bị nhắm tới. “Chúng tôi tin rằng người nằm trong tầm ngắm là một trong những nạn nhân thiệt mạng,” Cảnh Sát Trưởng Scott Thurmond cho biết tại một cuộc họp báo hôm Chủ Nhật.

“Có ai đó sẵn lòng bỏ tiền ra để giết người đó,” Thurmond nói.

Cảnh sát chưa bắt giữ nghi can nào, BPD đang phối hợp với FBI và các cơ quan khác để điều tra, kêu gọi công chúng trình báo nếu hay biết bất kỳ chi tiết nào.

Tính tới thời điểm này, Hoa Kỳ bổ túc vụ xả súng này vào danh sách của ít nhất 403 vụ xả súng hàng loạt xảy ra trong năm 2024, theo Dữ Liệu Văn Khố Bạo Lực Súng Đạn GVA. Tương tự CNN, GVA định nghĩa một vụ xả súng hàng loạt xảy ra khi có ít nhất bốn người bị bắn, không tính hung thủ.

Birmingham là nơi chứng kiến ​​nhiều vụ xả súng hàng loạt trong năm nay.

Vào Tháng Bảy, một vụ xả súng xảy ra tại một hộp đêm trong thành phố làm bốn người thiệt mạng và 10 người khác bị thương, theo Đài WVRC, ngoài ra còn có bốn người đàn ông bị bắn chết bên ngoài một thư viện công cộng hồi Tháng Hai, Đài WVTM đưa tin vào thời điểm đó.

Five Points South là một khu vực đông đúc nổi danh với các nhà hàng, hộp đêm, quán rượu và địa điểm biểu diễn nhạc sống gần khuôn viên trường đại học University of Alabama tọa lạc tại Birmingham và trung tâm thành phố.

Fitzgerald cho biết các nạn nhân đều đứng trên lề đường hoặc dọc theo đường sá.

Một số nạn nhân khác bị trúng đạn được nhận dạng là dân địa phương và được chở đi các bệnh viện địa phương, Fitzgerald cho biết. Bệnh Viện University of Alabama tại Birmingham tiếp nhận 11 nạn nhân, trong đó có một trong người thiệt mạng, Hannah Echols, phát ngôn viên bệnh viện nói với CNN. Nhà chức trách vẫn chưa công bố tình trạng của các nạn nhân.

Ít nhất bốn nạn nhân bị thương nguy hiểm tới tính mạng, Fitzgerald cho biết.

Cảnh sát Birmingham yêu cầu các doanh nghiệp trong khu vực gửi cho cảnh sát bất kỳ đoạn phim giám sát nào mà họ có.

Fitzgerald cho biết các vụ xả súng hàng loạt “liên quan tới văn hóa nhiều hơn là tội phạm,” đồng thời nói thêm rằng “chúng ta đang thấy rằng bây giờ hễ động một chút là bắn.” (TTHN) 


 

Bà Harris kích động ông Trump khi tranh luận, chiến thuật mới của đảng Dân Chủ

Ba’o Dat Viet

September 12, 2024

Trong cuộc tranh luận ngày 10-9, một trong những chiến lược nổi bật của bà Kamala Harris là khiêu khích đối thủ Donald Trump, nhằm gây kích động. Điều này tạo nên không ít sự chú ý bên cạnh các vấn đề lớn khác như phá thai, kinh tế, và chính sách đối ngoại.

Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đối đầu trực tiếp lần đầu tiên, và có thể là duy nhất, trước cuộc bầu cử vào ngày 5-11. Với thời lượng hơn 100 phút, buổi tranh luận bắt đầu lúc 9 giờ tối, xen kẽ hai lần nghỉ cho quảng cáo.

Chiến thuật kích động đối thủ

Bà Harris chủ động “châm chọc” ông Trump ngay từ đầu với mục tiêu khiến ông mất bình tĩnh. Bà nhắc lại các phát biểu kỳ quái mà ông từng đưa ra trong các buổi vận động, chẳng hạn như tuyên bố “tuabin gió gây ung thư”. Bên cạnh đó, bà còn mỉa mai về không khí uể oải của những người tham dự sau khi rời khỏi các buổi vận động của ông. Điều này lập tức khiến ông Trump phản bác mạnh mẽ, nhấn mạnh rằng các buổi vận động của ông “luôn là lớn nhất và ấn tượng nhất trong lịch sử chính trị”.

Đáng chú ý, ông Trump còn đưa ra cáo buộc rằng người nhập cư trái phép ở Springfield, Ohio, đang giết và ăn vật nuôi của dân cư địa phương. Tuy nhiên, các quan chức thành phố đã bác bỏ hoàn toàn thông tin này, và người điều phối cuộc tranh luận cũng phải lên tiếng nhắc nhở sau khi ông Trump phát biểu.

Công kích quá khứ

Với kinh nghiệm từng là công tố viên bang California, bà Harris không ngần ngại chỉ trích các hành động trong quá khứ của ông Trump, đặc biệt là việc ông cố gắng lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Cách tiếp cận này đã khiến ông Trump liên tục đáp trả. Khi được hỏi về cuộc bạo loạn ngày 6-1-2021 tại Điện Capitol, ông Trump khẳng định ông “không có liên quan gì” và chỉ tham gia do được yêu cầu phát biểu. Đồng thời, ông vẫn tiếp tục khẳng định mình là người thắng cử trong năm 2020, mặc dù không có bằng chứng thuyết phục nào.

Bà Harris đã tận dụng điều này để kêu gọi cử tri hãy nhìn vào những hành động của ông Trump và suy nghĩ về việc đất nước cần một sự thay đổi. Bà mạnh mẽ nhắc lại: “Donald Trump đã bị 81 triệu người Mỹ sa thải, nhưng ông ấy dường như không chấp nhận được sự thật này”.

Phân biệt chủng tộc

Chủ đề về phân biệt chủng tộc cũng nổi lên trong phần sau của cuộc tranh luận. Ông Trump bị chất vấn về việc từng đặt câu hỏi về nguồn gốc của bà Harris, người có gốc Phi và Nam Á. Bà Harris không ngần ngại cáo buộc ông Trump đã sử dụng vấn đề sắc tộc để chia rẽ người dân Mỹ suốt sự nghiệp của mình. Bà đưa ra những ví dụ cụ thể, từ việc ông và cha mình từ chối cho người da màu thuê nhà vào những năm 1970, đến việc ông dẫn đầu cuộc chỉ trích 5 thanh niên da màu bị kết tội oan trong vụ án Công viên Trung tâm năm 1989.

Bà kết luận: “Người Mỹ xứng đáng có một lãnh đạo không lợi dụng vấn đề sắc tộc để chia rẽ họ”.

Tranh cãi về kinh tế và phá thai

Chủ đề kinh tế và phá thai cũng là những điểm gây tranh cãi trong cuộc tranh luận. Bà Harris trình bày các chính sách của mình nhằm cải thiện kinh tế, trong khi ông Trump tập trung bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi sự cạnh tranh không công bằng từ nước ngoài. Về vấn đề phá thai, ông Trump ủng hộ quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ năm 2022, khi họ hủy bỏ quyền phá thai hiến định vốn được bảo vệ từ năm 1973. Tuy nhiên, bà Harris phản đối gay gắt, cho rằng quyết định này đã dẫn đến những lệnh cấm phá thai khắc nghiệt ở nhiều bang.

Chính sách đối ngoại và cuộc chiến Nga – Ukraine

Về chính sách đối ngoại, đặc biệt là cuộc chiến Nga – Ukraine, ông Trump từ chối tuyên bố ủng hộ Ukraine giành chiến thắng mà chỉ tập trung vào việc kết thúc xung đột sớm nhất có thể. Bà Harris liền chỉ trích rằng điều này thể hiện ông thực sự muốn Ukraine đầu hàng vô điều kiện. Bà cảnh báo rằng nếu ông Trump nắm quyền, “Putin đã ngồi ở Kiev” từ lâu.

Tranh luận về hệ thống tư pháp

Một chủ đề gay gắt khác trong cuộc tranh luận là việc lạm dụng hệ thống tư pháp để tấn công đối thủ chính trị. Ông Trump cáo buộc các vụ truy tố nhắm vào ông đều do bà Harris và Tổng thống Biden đứng sau. Tuy nhiên, bà Harris nhanh chóng phản bác rằng chính ông Trump, khi còn là tổng thống, đã từng tuyên bố sẽ truy tố đối thủ nếu ông đắc cử.

Cuộc tranh luận khép lại với nhiều điểm tranh cãi nảy lửa, phản ánh sự đối lập sâu sắc giữa hai ứng cử viên và những vấn đề quan trọng của nước Mỹ trong thời gian tới.


 

Trump luôn miệng vu cáo ‘dân nhập cư ăn thịt chó, Harris thù Israel’

Ba’o Nguoi-Viet

September 11, 2024

PHILADELPHIA, Pennsylvania (NV) – Dân nhập cư ăn thịt thú nuôi. Đảng Dân Chủ ủng hộ hành quyết trẻ sơ sinh. Israel sẽ không còn tồn tại nếu Phó Tổng Thống Kamala Harris đắc cử.

Đó là những lời vu cáo hoặc tuyên bố cực đoan do ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng Hòa, cựu Tổng Thống Donald Trump đưa ra trong cuộc tranh luận với Phó Tổng Thống Đảng Dân Chủ Kamala Harris diễn ra hôm Thứ Ba, 10 Tháng Chín, nhiều lần khiến viên chủ sự buổi tranh luận phải chỉnh sửa, theo hãng tin Reuters.

Có lẽ điều đáng chú ý nhất là khi Trump phóng đại một lời vu cáo dậy lên khắp nơi rằng nhiều dân nhập cư Haiti tại Springfield, Ohio ăn trộm thú nuôi của cư dân địa phương hoặc săn bắt động vật hoang dã trong các công viên để làm thức ăn.

Khán giả theo dõi cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Donald Trump và Kamala Harris trên đài truyền hình ABC News đêm 10 Tháng Chín, 2024, tại The Abbey, một quán rượu nổi tiếng của giới đồng tính ở West Hollywood, California (Hình: Mario Tama/Getty Images)

“Họ ăn thịt chó! Những người nhập cư đó, họ còn ăn thịt mèo nữa! Họ ăn liên tục, họ ăn thịt thú nuôi của cư dân địa phương,” Trump nói trong cuộc tranh luận.

Harris cười và lắc đầu. Viên chủ sự chương trình cho biết không có tin tức đáng tin cậy nào liên quan tới việc thú nuôi bị hãm hại. Trump phản bác rằng ông từng xem các cuộc phỏng vấn trên TV trong đó nhiều người nói rằng chó của họ bị ăn cắp để làm thịt.

Trước đó hôm Thứ Ba, Tòa Bạch Ốc lên án rằng đây là thông tin sai lạc và đang xuất hiện tràn lan, ngay cả người đồng hành tranh cử của Trump, Thượng Nghị Sĩ JD Vance, cũng lan truyền tin tức này. Tòa Bạch Ốc cho biết Trump phát biểu như thế nhằm chia rẽ nước Mỹ bằng những lời nói dối và dựa trên tinh thần kỳ thị chủng tộc.

Trump lặp lại lời nói dối rằng hàng triệu di dân đang đổ xô tới Hoa Kỳ từ các nhà tù và bệnh viện tâm thần ngoại quốc. “Họ chiếm giữ các thị trấn, tòa nhà. Họ đang hung hăng tiến vào Hoa Kỳ,” Trump nói.

Di dân chưa từng vạch ra kế hoạch bạo lực nào nhằm chiếm giữ các thị trấn tại Hoa Kỳ.

Một số tuyên bố của Harris cũng bị Trump làm quá hoặc phản đối, theo Reuters Fact Check, mặc dù phần đánh giá không chỉ ra những lời nói dối liên quan tới những vấn đề nổi trội đến từ phía bà.

Trong một trường hợp, Harris trích dẫn rằng Trump nói sẽ có “máu đổ đầu rơi” nếu ông thất cử, ám chỉ phần phát biểu của Trump vào Tháng Ba 2024 tại Dayton, Ohio. Chiến dịch tranh cử của Trump sau đó cho biết ông đang ám chỉ số phận của ngành công nghiệp xe hơi dưới thời chính quyền Tổng Thống Biden.

Trump cũng nhắc lại một lời nói dối – mà ông thường đưa ra tại các cuộc vận động tranh cử – rằng Đảng Dân Chủ quá cực đoan về quyền phá thai tới mức họ ủng hộ việc sát hại trẻ sơ sinh.

“Ứng cử viên phó tổng thống của Harris nói rằng phá thai khi thai kỳ tới tháng thứ chín là hoàn toàn bình thường. Ông ấy cũng nói về hành động hành quyết sau khi sinh,” Trump tả oán về người đồng hành tranh cử của Harris, Thống Đốc Minnesota Tim Walz.

Harris nói rằng bà ủng hộ việc lật lại phán quyết mang tính bước ngoặt do Tối Cao Pháp Viện đưa ra năm 1973 trong vụ án Roe v. Wade, trong đó công nhận rằng phụ nữ được quyền phá thai theo hiến pháp khi thai kỳ rơi vào khoảng tuần thứ 24 tới 28. Harris và Walz không hề ủng hộ hành quyết trẻ sơ sinh.

Sau đó, trong một cuộc tranh luận về Trung Đông, Trump nói rằng Harris “thù” Israel.

“Bà ấy mà là tổng thống, thì tôi tin rằng Israel sẽ không còn tồn tại trong vòng hai năm tới,” Trump nói, nhưng lại không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào liên quan tới tuyên bố. “Toàn bộ nơi này sẽ bị san bằng … Israel sẽ bị xóa sổ.”

Harris nói rằng bà ấy “hoàn toàn không căm ghét” Israel và nói rằng bà ủng hộ quốc gia này trong suốt sự nghiệp.

Trump cũng nói rằng tỷ lệ tội phạm trên toàn cầu giảm nhưng Hoa Kỳ thì không, nơi mà ông nói rằng tỷ lệ tội phạm “tăng vọt.”

Dữ liệu do FBI công bố vào Tháng Ba cho thấy các vụ giết người trên khắp Hoa Kỳ giảm hơn 13% vào năm 2023, giảm trong năm thứ hai liên tiếp sau một đợt tăng bất chợt trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, dữ liệu này lại trái ngược với thực tế rằng công chúng đang nhận thấy tình trạng  phạm tội ngày càng tồi tệ hơn. (TTHN)


 

Harris đáp trả dữ dội với Trump trong tranh luận, và nước Mỹ vẫn còn đầy chia rẽ

Ba’o Nguoi-Viet

September 10, 2024

Taylor Swift chính thức ủng hộ Kamala Harris

PHILADELPHIA, Pennsylvania (NV) – Trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống tối Thứ Ba, 10 Tháng Chín, Phó Tổng Thống Kamala Harris (Dân Chủ) đáp trả dữ dội – khác với Tổng Thống Joe Biden hồi Tháng Sáu – với cựu Tổng Thống Donald Trump (Cộng Hòa). Cuộc tranh luận cũng cho thấy rõ hơn một nước Mỹ đầy chia rẽ.

Phó Tổng Thống Kamala Harris (phải) bắt tay cựu Tổng Thống Donald Trump trước khi bắt đầu cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại National Constitution Center ở Philadelphia, Pennsylvania. (Hình: Saul Loeb/AFP qua Getty Images)

Chưa rõ thắng thua thuộc bên nào, nhưng ngay sau khi tranh luận kết thúc, nữ danh ca Taylor Swift tuyên bố ủng hộ Phó Tổng Thống Kamala Harris.

“Tôi sẽ bỏ phiếu cho bà Kamala Harris và ông Tim Walz trong cuộc bầu cử tổng thống 2024,” nữ danh ca 14 lần đoạt giải Grammy viết trên mạng xã hội Instagram.

Cô tiếp tục: “Tôi sẽ bỏ phiếu cho bà Harris vì bà tranh đấu cho các quyền và căn nguyên mà tôi tin cần phải có một người như bà. Tôi nghĩ bà là một lãnh đạo có năng khiếu và tôi tin chúng ta sẽ đạt được nhiều điều cho đất nước này nếu chúng ta được lãnh đạo bằng sự ổn định chứ không phải sự hỗn loạn…”

Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút, do đài truyền hình ABC tổ chức ở Philadelphia, Pennsylvania, và do nhà báo David Muir (chương trình “World News Tonight) và nhà báo Linsey Davis (chương trình “ABC News Live Prime) điều khiển.

Khi tới phiên người nào nói thì microphone mới được mở lên.

Ông Trump và bà Harris có bắt tay nhau lúc bước ra sân khấu – lần đầu tiên giữa hai đối thủ. Tuy nhiên, họ không làm như vậy sau khi kết thúc tranh luận.

Gần như trong suốt thời gian tranh luận, ông Trump tìm cách đẩy bà Harris dính với Tổng Thống Joe Biden, một điều mà các cố vấn của ông nói là trọng tâm của tranh luận.

“Bà ấy là Biden. Lạm phát tệ nhất từ trước tới nay. Một nền kinh tế tệ hại vì lạm phát quá tệ. Đó là điều bà không thể thoát khỏi,” ông Trump nói.

Bà Harris đáp lại: “Rõ ràng, tôi không phải là Joe Biden và chắc chắn tôi không phải là Donald Trump. Và điều mà tôi đưa ra là một thế hệ lãnh đạo mới cho đất nước chúng ta, người mà tin rằng chúng ta có thể làm được, người mà tạo ra sự lạc quan về những gì chúng ta có thể làm.”

Về Obamacare, khi được hỏi về sự thất bại của mình trước đây, ông Trump nói rằng ông muốn thử một lần nữa.

“Chúng tôi đang tìm cách. Chúng tôi sẽ có giải pháp. Chúng tôi sẽ thay thế chương trình bảo hiểm này,” ông Trump nói.

Ông cũng thừa nhận hiện nay, ông chưa có một kế hoạch cụ thể để thay thế Obamacare nếu chương trình này bị hủy bỏ.

“Tôi có nhiều ý tưởng lắm. Nhưng hiện tại, tôi không phải là tổng thống,” ông Trump nói thêm.

Ông cũng cho rằng chương trình Obamacare là một thất bại, làm tốn kém quá nhiều tiền của người Mỹ.

Đảng Cộng Hòa không thể hủy bỏ chương trình này hồi năm 2017 vì chỉ thiếu một lá phiếu của cố Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona).

Các giới chức chính quyền Biden nói hôm Thứ Ba rằng, cho tới nay, có gần 50 triệu người Mỹ ghi danh tham gia Obamacare kể từ năm 2014.

Hai ứng cử viên Kamala Harris (phải) và Donald Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại National Constitution Center ở Philadelphia, Pennsylvania, trong 90 phút dưới sự điều hợp của đài truyền hình ABC. (Hình: Saul Loeb/AFP via Getty Images)

Khi được ông David Muir hỏi tại sao nêu vấn đề chủng tộc với đối thủ của mình, ông Trump trả lời một cách có vẻ lúng túng: “Không, và tôi không quan tâm. Tôi không quan tâm bà ấy là ai. Tôi không quan tâm. Tôi không coi đây là chuyện lớn, mà tôi cũng không quan tâm ít hơn. Bà ấy muốn là cái gì cũng không sao với tôi.”

“Nhưng đó là những gì ông đã nói,” ông Muir bồi thêm.

Ông Trump đáp: “Tôi không biết. Tôi không biết. Ý tôi là đó là tất cả những gì tôi có thể nói. Tôi đọc bà ấy nói bà ấy da đen, không phải da đen, do bà ấy đưa ra, và tôi sẽ nói như thế. Và rồi tôi đọc là bà ấy da đen. Mà cũng không sao. Cái nào cũng được. Tùy bà ấy. Tùy bà ấy.”

Bà Harris nói ông Trump “nổi tiếng” về chuyện chủng tộc là một “bi kịch.”

“Thật sự mà nói, tôi nghĩ đó là một bi kịch mà chúng ta có đối với một người muốn làm tổng thống, người mà liên tục trong suốt cuộc đời tìm cách sử dụng chủng tộc để chia rẽ người dân Mỹ,” bà Harris nói.

Rồi bà kể chuyện ông Trump từng không cho người da đen thuê nhà, đòi xử bắn năm thiếu niên da đen và Latino trong vụ Central Park Five, rồi nói dối là tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ không sinh ra ở Hoa Kỳ.

“Tôi nghĩ người Mỹ muốn cái gì đó hơn chuyện này,” bà Harris nói.

Trong phần kết thúc, bà Harris được nói trước, và bà kêu gọi đoàn kết.

“Đó là tổng thống mà chúng ta cần hiện nay. Một ai đó chỉ lo bản thân mình thì không thể vì mọi người được,” Phó Tổng Thống Kamala Harris nói. “Tôi sẽ là tổng thống của mọi người dân Mỹ, tập trung vào những gì chúng ta có thể làm trong 10 hoặc 20 năm tới để giữ vững đất nước này.”

Trong phần kết thúc, ông Trump “dũa” bà Harris, nói rằng tại sao bà không làm gì trong hơn ba năm qua, trong vai trò phó tổng thống, để giải quyết các vấn đề quốc gia.

“Những người này đã làm gì với nền kinh tế của chúng ta… họ phá hủy đất nước chúng ta. Tổng thống tệ hại nhất, phó tổng thống tệ hại nhất trong lịch sử đất nước chúng ta,” ông Trump nói. (Đ.D.)


 

Tin mới nhất  trước giờ Trump – Harris ‘thượng đài’ trên truyền hình

Ba’o Dat Viet

September 10, 2024

Ong Trump “không thèm chuẩn bị”?

ABC News hôm qua dẫn một số nguồn tin cho rằng các cố vấn của ông Trump có thể đã công khai khẳng định ông không cần bất kỳ sự chuẩn bị nào cho cuộc tranh luận sắp tới, nhưng cựu tổng thống đang chuẩn bị nhiều hơn những gì ông tiết lộ. Các nguồn tin khẳng định ông Trump đang tổ chức các phiên họp về chính sách không chính thức với một nhóm nhỏ các cố vấn, trong đó có hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Matt Gaetz.

Giới chuyên gia đã đưa ra một số nhận định về cuộc tranh luận sắp tới giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris.

CNN hôm qua (9.9) đưa tin cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa đã “làm nóng” cuộc tranh luận, dự kiến diễn ra tối 10.9 với ứng viên phía đảng Dân chủ Kamala Harris, bằng tuyên bố nếu trở lại Nhà Trắng, ông sẽ bỏ tù những quan chức bầu cử bị ông coi là gian lận. Cuộc tranh luận sắp tới sẽ được Đài ABC News tổ chức tại Trung tâm hiến pháp quốc gia ở TP.Philadelphia thuộc bang chiến trường Pennsylvania và sẽ được truyền hình trực tiếp vào lúc 21 giờ ngày 10.9.).

Ông Gaetz đã liên tục đặt câu hỏi cho cựu Tổng thống Trump về một số vấn đề khó khăn hơn, chẳng hạn như các rắc rối pháp lý của ông, trong đó có các bản cáo trạng liên bang về cáo buộc can thiệp bầu cử và lưu giữ tài liệu mật, và bản án hình sự trong vụ án chi tiền bịt miệng ở bang New York. Một số nguồn tin biết rõ quá trình chuẩn bị của ông Trump còn tiết lộ rằng ông đã được thông tin về các cuộc tranh luận trước đây của bà Harris.

Trong khi đó, bà Harris đang ở TP.Pittsburgh thuộc bang Pennsylvania cùng với đội ngũ nhân viên để mài giũa kỹ năng cho cuộc tranh luận sắp tới với ông Trump. Việc bà Harris chọn Pennsylvania để chuẩn bị cho cuộc tranh luận cho thấy tầm quan trọng của một bang chiến trường mà bà gần như chắc chắn cần phải giành chiến thắng để trở thành tổng thống, theo CNN.

Cuộc tranh luận “lịch sử”

Cuộc tranh luận giữa bà Harris và ông Trump vào tối 10.9 sẽ trở thành sự kiện quan trọng nhất theo lịch trình trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ (5.11), theo CNN. “Điều đáng chú ý về cuộc tranh luận này là đây lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta thấy một người từng là công tố viên với một người đang bị kết án đối đầu với nhau. Đó là một sự tương phản đáng kinh ngạc. Tôi đoán sẽ không có nhiều cuộc thảo luận chính sách phức tạp”, ông Andrew Koneschusky, chuyên gia về quan hệ công chúng và cựu thư ký báo chí của ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, nhận định.

Nhà phân tích chính trị Donald Nieman tại Đại học Binghamton (Mỹ) nhận định: “Là người tranh luận, ông Trump mang đến năng lượng, truyền tải sự chắc chắn và sức mạnh, và không bao giờ thừa nhận sai lầm”. Ông Nieman cho rằng ông Trump cũng có thể sẽ có lời phóng đại vô căn cứ, cuộc công kích cá nhân không phù hợp và sự lạc đề ngớ ngẩn có tác dụng ngược, đặc biệt là đối với một số ít cử tri chưa quyết định chọn ứng viên nào.

Các nhà phân tích dự đoán trong cuộc tranh luận, bà Harris sẽ dựa vào kinh nghiệm của mình từng là một công tố viên và gây sức ép với ông Trump về vai trò của ông trong cuộc nổi loạn chết người năm 2021 tại trụ sở Quốc hội Mỹ, cũng như những vụ án hình sự chống lại ông. “Bà Harris là một công tố viên sắc sảo”, Giáo sư chính trị học Keith Gaddie tại Đại học Christian Texas (Mỹ) đánh giá, theo AFP.


 

Trump gây áp lực lên Đảng Cộng Hòa, đòi đóng cửa chính phủ

Ba’o Nguoi-Viet

September 10, 2024 : 7:12 AM

WASHINGTON, DC (NV) – Cựu Tổng Thống Donald Trump đang gây áp lực buộc Đảng Cộng Hòa đóng cửa chính phủ vào cuối tháng này nếu Quốc Hội không chấp thuận đề nghị do Đảng Cộng Hòa khởi xướng nhằm thiết lập các quy tắc bầu cử mới trên toàn nước Mỹ, theo NBC.

Trump kêu gọi Đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội đề ra một quy định nhằm bảo đảm việc tài trợ cho chính phủ gắn liền với Dự Luật SAVE, đây là dự luật yêu cầu cử tri phải chứng minh quyền công dân mới được bỏ phiếu — với mục đích nhắm vào việc bỏ phiếu của những người không phải là công dân Hoa Kỳ, về bản chất là bất hợp pháp. Đồng thời các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện cũng đang cân nhắc áp dụng chiến lược này và đấu tranh chống lại Đảng Dân Chủ.

Hạn chót để chấm dứt tài trợ cho chính phủ là 30 Tháng Chín. Hạ Viện do Đảng Cộng Hòa đứng đầu và Thượng Viện do Đảng Dân Chủ lãnh đạo phải đồng nhất về cách thức tiến hành để ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ, mặt khác Đảng Dân Chủ lại lên án rằng Dự Luật SAVE là một liều độc dược.

Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) ngày 23 Tháng Bảy, 2024 ở Washington, DC (Hình: Kent Nishimura/Getty Images)

“Tôi sẽ đóng cửa chính phủ ngay lập tức nếu họ không chịu tiếp thu,” Trump nói trên “Monica Crowley Show” vào cuối Tháng Tám.

Lưỡng đảng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về khoản tài trợ chính phủ trong cả năm, tức là cần có một Quyết Nghị Liền Mạch, hay còn gọi là CR, như một biện pháp tạm thời để tài trợ chính phủ. Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson, Cộng Hòa-Louisiana, công bố hôm Thứ Sáu, 7 Tháng Chín, về một ngân sách chính phủ kéo dài đến cuối Tháng Ba, gắn liền tài trợ chính phủ với Dự Luật SAVE để cố gắng đoàn kết nội bộ đảng phái.

Chiến lược này được nhóm chính trị Freedom Caucus cực hữu ủng hộ. Dân Biểu Đảng Cộng Hòa Texas Chip Roy, thành viên nổi trội thuộc Freedom Caucus, cũng công khai đưa ra lập luận cho chiến lược này.

Đây là một chiến lược rủi ro có thể dẫn tới đóng cửa chính phủ vào ngày 1 Tháng Mười nếu Đảng Dân Chủ không nhượng bộ — và họ có thể sẽ không. Đảng Cộng Hòa từng bị đổ lỗi vì kích động đóng cửa chính phủ bằng cách yêu cầu thông qua các điều khoản mà họ không thể thực hiện bằng quy trình bình thường.

Dự luật SAVE sẽ yêu cầu tất cả cử tri phải ghi danh bỏ phiếu kèm theo bằng chứng về quyền công dân. Trump và các đồng minh trong Đảng Cộng Hòa cho rằng biện pháp này nhằm mục đích ngăn chặn những người không phải công dân đi bỏ phiếu. Johnson và Trump từng đưa ra biện pháp này tại Mar-a-Lago vào đầu năm nay.

Đảng Dân Chủ gạt phăng dự luật, vốn được Hạ Viện thông qua thay cho một biện pháp độc lập, như một “đòn tâm lý chiến làm đảng phái xào xáo nhằm làm thui chột niềm tin dành cho cuộc bầu cử,” tố cáo Đảng Cộng Hòa gây chiến vì một vấn đề vô căn cứ — không phải là công dân mà ghi danh bỏ phiếu đương nhiên đã là bất hợp pháp và rất hiếm khi xảy ra.

Đạo Luật Quốc Gia Về Ghi Danh Cử Tri ban hành năm 1996 “yêu cầu các tiểu bang sử dụng một mẫu ghi danh cử tri chung, gồm có hình phạt về tội khai man khi người nộp đơn không phải công dân Hoa Kỳ,” Trung Tâm Chính Sách Lưỡng Đảng kết luận trong một bản tường trình chính sách. “Các nỗ lực ghi danh và bỏ phiếu bất hợp pháp của những người không phải là công dân thường xuyên được các cơ quan tiểu bang có thẩm quyền, điều tra và truy tố, đồng thời không có bằng chứng nào cho thấy những người không phải là công dân gây ảnh hưởng nhiều tới mức làm xáo trộn kết quả bầu cử.”

Ngoài bản chất của Dự Luật SAVE, Đảng Dân Chủ còn phản đối ý tưởng gắn liền dự luật này với một dự luật tài trợ.

“Như chúng tôi từng nói rằng mỗi lần chúng tôi có ngân sách CR tạm thời, cách duy nhất để hoàn thành tất cả mọi việc là tuân theo định hướng của lưỡng đảng và đó là điều luôn luôn xảy ra,” Lãnh Tụ Khối Đa Số tại Thượng Viện Chuck Schumer, Dân Chủ-New York, cho biết trong một tuyên bố.

Tổng Thống Joe Biden cũng phản đối Dự Luật SAVE, trong đó Tòa Bạch Ốc lập luận rằng dự luật này sẽ “khiến tất cả dân Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu gặp khó khăn trong việc ghi danh hơn nhiều và sẽ loại bỏ rất nhiều cử tri đủ điều kiện ra khỏi danh sách.” (TTHN)


 

Breaking News: Học sinh 14 tuổi xả súng kinh hoàng trong Trường ở Georgia khiến 4 người thiệt mạng, 9 người bị thương

Ba’o Dat Viet

September 5, 2024

Theo Cục Điều tra Tiểu Bang Georgia (GBI), tính đến 4 giờ 45 phút chiều giờ Miền Đông Hoa Kỳ ngày 4 tháng 9 thì có bốn người đã thiệt mạng và chín người khác bị thương trong một vụ xả súng vào buổi sáng thứ Tư tại Trường Trung học Apalachee ở Winder, Quận Barrow. Nghi phạm 14 tuổi hiện đang sống và đã bị bắt giữ, GBI cho biết.

Cảnh sát trưởng Quận Barrow, Jud Smith, xác nhận trong một cuộc họp báo ngắn rằng nhiều cơ quan thực thi pháp luật đã phản ứng kịp thời tại trường sau khi nhận được báo cáo về một kẻ xả súng lúc 10:30 sáng. Cục Điều tra Liên bang (FBI) và GBI đang tham gia điều tra vụ việc.

Cơ quan thực thi pháp luật dự kiến sẽ cung cấp thông tin cập nhật vào lúc 4:30 chiều. Đài FOX 5 Atlanta sẽ truyền hình trực tiếp cuộc họp báo này.

Trường đã được giải tỏa vào lúc 11:30 sáng, và các học sinh đã được cho về với gia đình. Trường Trung học Winder-Barrow cũng đã bị tạm thời phong tỏa như một biện pháp phòng ngừa, mặc dù không có mối đe dọa nào được tìm thấy.

Nhà Trắng xác nhận rằng Tổng thống Joe Biden đã được cố vấn an ninh nội địa, Liz Sherwood-Randall, thông báo về vụ xả súng này. Chính quyền của ông hiện đang phối hợp với các quan chức liên bang, tiểu bang và địa phương.

Nhà Trắng cũng cho biết Phó Tổng thống Kamala Harris đã được thông báo về vụ xả súng trước khi bà rời Căn cứ Liên hợp Andrews. Chiến dịch của bà Harris cho biết phó tổng thống dự kiến sẽ đề cập đến vụ xả súng trong phần mở đầu bài phát biểu của mình tại một nhà máy bia ở New Hampshire.

Theo U.S. News & World Report, có khoảng 1.900 học sinh đang theo học tại trường này. Đây là một trong hai trường trung học thuộc Hệ thống Trường Công lập Quận Barrow. Trường nằm cách Atlanta khoảng 40 dặm về phía đông bắc.