Bữa tiệc đầu tiên

Bữa tiệc đầu tiên

Bởi  AdminTD

Thái Hạo

5-11-2021

Từ vụ “rắc muối”, nhớ đến một chuyện xưa cũ, đó là năm thứ nhất đại học. Sau buổi đại hội, tôi “được” các bạn bầu làm bí thư của lớp. Đại hội, tất nhiên rồi, thành công tốt đẹp.

Chúng tôi được dắt đến một nhà hàng. Tôi từ nông thôn lên thành phố đi học, cái nhà hàng và bữa tiệc như thế khá xa lạ với tôi. Tôi áng chừng, với đồ ăn, bia bọt… như thế bữa tiệc này có thể bằng mấy tháng tiền cha mẹ chu cấp cho mình ở thời điểm đó. Lúc ấy, tôi ngồi cạnh một anh năm 4 là bí thư liên chi đoàn. Tôi hỏi anh “Mình đi nhậu thế này, là tiền ai?”, anh ấy trả lời “Tiền quỹ đoàn”.

Sau này, vì cứ thắc mắc mãi trong lòng, tôi mang chuyện này hỏi thầy tôi, rằng tại sao “cán bộ” đi nhậu mà lại dùng tiền quỹ của đoàn viên đóng góp, tiền ấy đáng ra phải được sử dụng vào những việc công và hữu ích chứ…”. Thầy tôi nói một câu dường như rất lạc đề: “Em là người chưa tha hóa”.

Lúc ấy tôi không hiểu, mãi về sau mới dần dần cảm nhận được ẩn ý của thầy khi đã nhìn thấy, đọc thấy, nghe thấy đủ nhiều. Chính cái “bữa tiệc đầu tiên ấy” đã ở lại mãi trong tâm trí tôi, nó khiến tôi nhìn và luôn nhìn vào cái cách tổ chức, cách vận hành và cách xài tiền công, về cả căn bệnh “vua tập thể”, nó dẫn tôi đến ngó sâu hơn vào cả nạn tham nhũng, tệ mua quan bán tước, ăn trên ngồi trước… Viết đến đây bỗng nhớ bài thơ “Sở kiến hành” (Những điều trông thấy lúc đi đường) của Nguyễn Du, miêu tả hai hình ảnh trái ngược của quan và dân:

“Thức ăn thừa đổ đi
Chó no ngấy món ngon,
Biết đâu bên đường quan,
Có mẹ con cực khổ!”

Đến nay, những hình ảnh như thế dường như càng được tô đậm hơn bởi những bất công oan nghiệt giữa thế kỷ 21 này.

Tiêu tiền của người khác dĩ nhiên là không thể chấp nhận được rồi, điều ấy không cần phải bàn nữa; nhưng hoang phí tiền bạc của chính mình cũng vẫn là một điều tệ hại. Tôi không khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng có những giá trị phổ quát mà cả nhân loại thừa nhận và nỗ lực giữ gìn, xiển dương, như là đức khiêm cung, là sự tiết độ. Xã hội chỉ lành mạnh khi con người sống lành mạnh và giàu có về tâm hồn.

Từ những bữa tiệc cò con ở cấp thôn xã lên tiệc sang của cấp huyện tỉnh, rồi đại yến… Nó không phải chỉ đơn thuần là câu chuyện lãng phí hay tiêu tiền chùa. Sự hưởng thụ vật chất vô độ chỉ chứng tỏ một tinh thần nghèo nàn thảm hại. Sự trống rỗng của cái đầu và trái tim phải được bù đắp bằng sự đầy ắp của cái bụng và cái đít.

Hoang phí bằng lối sống xa hoa phè phỡn là biểu hiện của sự tha hóa nhân tính. Đối với một triều đại thì đó là dấu hiệu của suy tàn và diệt vong.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay