Make Christianity Great As Always is at Giáo xứ Phường Đúc – Huế.
{Những người vô danh chết vì Đạo Chúa}
Ở sâu trong thôn Thượng Bốn làng Dương Xuân Thượng và Dương Xuân Hạ, thành phố Huế, ít có ai biết ngôi mộ của Mười Hai Ông Cỏ (những người vô danh chết vì đạo Chúa).
Các vua chúa Việt Nam thời xưa nuôi rất nhiều voi, vì voi là loài dễ thuần hóa và thông minh trong chiến đấu. Vào triều vua Gia Long (1802), ở xã Nguyệt Biều, Thừa Thiên có cơ sở dụ voi, và 3 xưởng voi ở xã Phú Xuân và Dương Xuân. Vào thời này các giáo dân bị kết án “Tả Đạo“ (theo đạo Gia tô hay đạo Thiên Chúa ngày nay) đều được đưa về đây bứt cỏ nuôi voi (hay còn gọi là án thảo tượng).
Vào đời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), có 26 lính ngự lâm quân (21 nam và 5 nữ) không chịu bỏ đạo, bị kết án thảo tượng và khắc tự ở trán, mang xích ở chân và cổ. Trong đó có ông Cai Pho người Thợ Đúc bị bắt năm 1714.
Đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765), theo Đức Cha Lefebvre Từ (nay là Thánh tử đạo Việt Nam) có hai chủng sinh bị kết án và có ông Đamianô quê ở Thợ Đúc.
Đời Huệ Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765 – 1777), Cha Pigneau người coi xứ đạo lúc bấy giờ cho hay có 30 người bị án này hơn 20 năm. Theo cha Pigneau có 3 giáo dân từ Nha Trang ra Huế chịu án thảo tượng, có một chủng sinh chết vì chịu đựng không nổi.
Như vậy trong 3 đời chúa, thì đời Minh Vương, các vị bị khắc tự “Tả Đạo” ở trán, hai đời chúa sau thì mang miếng gỗ hoặc đồng ghi “Tả Đạo”, chân và cổ mang xích, suốt ngày họ phải chèo đò, vào tận núi để bứt cỏ và bị lính hạch sách đủ điều như cỏ xấu, cỏ bứt không đủ số lượng. Trong thời gian thụ án này, các tù nhân đều vui vẻ sống đạo một cách sốt sắng. Các thừa sai thời bấy giờ thương cảm cũng kêu gọi các giáo dân đi bứt cỏ giúp hoặc góp tiền thuê người bứt cỏ.
Đặc biệt có những trường hợp, quan trên tha không buộc phải mang xích nhưng họ từ chối, hoặc tạo cơ hội để họ trốn nhưng họ cũng không làm vì họ sợ bị hiểu lầm và làm ô danh đạo.
Trong số người bị án thảo tượng thì họ Thợ Đúc có hai vị: ông Câu Pho và ông Đamianô. Hiện nay theo ghi chép, có 12 vị bị án này tại Thợ Đúc được an táng ở sâu trong thôn Thượng Bốn. Dù hữu danh hay vô danh, hy vọng các Ngài đang được hưởng Nhan Thiên Chúa.
Vào năm 1999, Đức Tổng Giám mục Stêphanô đã giao cho Cha sở xứ Thợ Đúc tôn tạo lại mộ Mười Hai Ông Cỏ một cách xứng đáng và tôn nghiêm.