Việc ĐGH Bênêđictô XVI từ nhiệm là một sứ điệp của Năm Đức Tin
+GM. Bùi Tuần
2/13/2013
nguồn: Vietcatholic.net
1. Tin Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm đã và đang gây xôn xao trong mọi tầng lớp xã hội và Giáo Hội.
Đức Giáo Hoàng từ nhiệm, đó là biến cố rất bất ngờ. Bất ngờ đó gây ra trong tôi
một nỗi bàng hoàng choáng váng.
Lấy lại sự bừng tỉnh nhờ cầu nguyện, tôi cúi đầu lắng nghe Chúa dạy bảo. Chợt
tôi nhớ lại một chi tiết nhỏ riêng tư, lần tôi được gặp Đức Giáo Hoàng lúc Ngài
còn là Hồng Y Bộ trưởng Bộ Đức Tin. Trong trao đổi, tôi thấy Ngài chú ý đặc
biệt đến sự gặp gỡ Đức Kitô. Như thế căn cốt của đức tin là gặp gỡ riêng tư và
thân mật với Đức Kitô, để bước theo Đức Kitô. Nên trong thinh lặng nội tâm lúc
này, Chúa dạy tôi hãy dùng chi tiết đó như một ánh sáng để hiểu sự từ nhiệm của
Đức Giáo Hoàng.
Nhờ ơn Chúa giúp, tôi dần dần nhận ra rằng: Sự từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng
Bênêđictô chứng tỏ Ngài đã và đang gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô. Nhờ
đó Ngài nhấn mạnh đến mấy điểm rất cần sau đây cho Năm Đức Tin:
2. Trước hết, theo Ngài, tin là gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô trong sự
từ bỏ quyền lợi riêng, và bước xuống thân phận con người hèn yếu, vì yêu thương
con người và để cứu chuộc loài người.
Tôi nhớ lại ở đây lời thánh Phaolô nói về nét đẹp đó của Đức Kitô:
“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không phải nhất quyết duy trì địa vị
ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân
phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Đức Kitô đã bước xuống, để hoà mình, để chia sẻ, để gần gũi, để cứu chuộc loài
người bằng yêu thương hoà trộn với hy sinh quên mình.
Đức Kitô đã nêu gương sáng đó cho các môn đệ Chúa. Các môn đệ Chúa hiểu sự
khiêm nhường bước xuống như thế là một đặc điểm của người môn đệ Chúa.
Thánh Phêrô càng hiểu điều đó. Nên, khi được Chúa Giêsu trao trách nhiệm chăn
dắt đoàn chiên của Chúa, thánh Phêrô đã thề hứa với Chúa là hết lòng mến yêu
Chúa. Trong lòng yêu mến đó có sự cam kết sống khiêm nhường bước xuống theo
gương Chúa.
Các đấng kế vị thánh Phêrô vẫn giữ tinh thần bước xuống theo gương Đức Kitô,
theo những cách khác nhau.
3. Tuy nhiên, với những biến chuyển của lịch sử, Hội Thánh dần dần trở thành
một tổ chức. Tổ chức này vừa có yếu tố siêu nhiên, vừa có yếu tố nhân loại. Một
lúc nào đó, tổ chức trở thành cơ chế phức tạp, như một guồng máy nặng nề. Trong
hoàn cảnh đó, vị đứng đầu Hội Thánh, dù muốn dù không, cũng phải bước lên chỗ
gọi là Ngai, là Toà.
Chức cao, quyền cả đó là một vinh dự rất lớn, nhưng cũng là một trách nhiệm rất
nặng nề. Nhất là khi yếu tố nhân loại chẳng may trở nên mạnh trong cơ chế phức
tạp. Trong tình hình như thế, cho dù người đứng đầu Hội Thánh, kế vị thánh
Phêrô, có muốn đổi mới Hội Thánh, bằng việc kêu gọi mọi người hãy tập trung vào
Đức Kitô, và giới răn yêu thương của Người, thì công việc đổi mới ấy không dễ
gì thực hiện được. Cản trở do những yếu tố ngoài Hội Thánh vẫn mạnh. Cản trở do
những yếu tố nhân loại trong cơ chế nội bộ Hội Thánh cũng mạnh không kém.
Trước một thực tế quá nhiều thách đố như vậy, vị lãnh đạo Hội Thánh sẽ phải suy
nghĩ rất nhiều. Suy nghĩ đi tới những chọn lựa. Khi chọn lựa của Ngài là sự từ
nhiệm, thì chọn lựa đó phải được coi là khiêm nhường và can đảm. Từ nhiệm là
bước xuống. Bước xuống để lui vào đời sống cầu nguyện, cũng vẫn là một cách đại
diện cho Chúa Kitô, lo cho đoàn chiên của Chúa.
Ngài bước xuống như vậy, là nhờ đức tin. Tin nơi Ngài là gặp gỡ Đức Kitô và
bước theo Đức Kitô.
4. Hơn nữa, khi đức tin của Ngài là gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô, thì
Đức Giáo Hoàng bước thêm một bước nữa, đó là chịu đóng đinh mình một cách nào
đó vào thánh giá.
Ở đây, tôi nhớ lại lời thánh Phaolô nói về Đức Kitô:
“Ngài lại hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên
cây thánh giá” (Pl 2,8).
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng đã vâng lời đức tin cho đến cùng. Với sự từ
nhiệm của Ngài, Ngài nói sơ qua về tình hình sức khoẻ của Ngài đang suy giảm.
Chừng ấy thiết tưởng đã đủ, để chúng ta hiểu sự đau đớn Ngài phải chịu. Đau đớn
phần xác, đau đớn phần hồn. Đau đớn do ngoại cảnh, đau đớn do nội bộ. Chính sự
từ nhiệm cũng được coi là một quyết định đau đớn.
Những đau đớn ấy chính là một thứ thánh giá Ngài đang vác trên vai, và cũng là
thánh giá mà Ngài như bị đóng đinh vào, để dâng mình làm của lễ, kết hợp với
của lễ xưa của Chúa Giêsu trên thánh giá.
Tôi có cảm tưởng là một cách nào đó, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI muốn nhắc lại
cho đoàn chiên của Ngài lời thánh Phaolô xưa: “Được thông phần những đau khổ
của Đức Kitô, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết của Người”
(Pl 3,10), đó chính là hướng đi của đời Ngài.
5. Với những cảm nghĩ trên đây, tôi coi sự từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô
XVI là một sứ điệp quý giá của Năm Đức Tin.
Đọc sứ điệp này tôi thấy mình cần phải học nhiều điều.
Thứ nhất, tin là gặp gỡ Đức Kitô và bắt chước Đức Kitô.
Thứ hai, nếu tin là bắt chước Đức Kitô, thì tôi phải khiêm nhường bước xuống,
để chia sẻ, hoà mình, gần gũi, và để giải cứu con người bằng tình thương hy
sinh quên mình.
Thứ ba, nếu tin là bước theo Đức Kitô, thì tôi luôn phải sẵn sàng từ bỏ những
gì không thích hợp với sự phát triển của Nước Thiên Chúa, để dấn thân vào những
gì thích hợp hơn, theo thánh ý Chúa. Những gì không thích hợp như các công
trình phô trương tốn phí. Những gì thích hợp hơn như đời sống nội tâm.
Thứ tư, nếu tin là gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô, thì mọi chọn lựa của
tôi luôn phải khiêm tốn và yêu thương.
Bốn điều trên đây sẽ không dễ thực hiện được, nếu không có ơn Chúa. Nên tôi
phải tăng cường việc cầu nguyện và làm những việc hy sinh nho nhỏ trong đời
sống thường ngày.
6. Khi sự từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI được coi là một sứ điệp của
Năm Đức Tin, thì sứ điệp này không chỉ là một bài học, mà còn là một cảnh báo.
Cảnh báo về một tương lai sẽ có những bất ngờ gây bàng hoàng sửng sốt. Có thể
sẽ xảy ra những biến cố về sự bước xuống đau đớn và cảnh chịu đóng đinh vào
thánh giá. Nơi ít nơi nhiều, những bất ngờ đau đớn đó sẽ xảy ra.
Với những bài học và những cảnh báo, sứ điệp Năm Đức Tin tiềm ẩn trong sự từ
chức của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI rất đáng được chúng ta suy nghĩ trong
thinh lặng nội tâm, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần.
Cần suy nghĩ nghiêm túc, để điều chỉnh lại đời sống một cách mau lẹ. Kẻo, khi
những bất ngờ đau đớn xảy tới mới tìm hướng đi, thì sẽ quá muộn.
Cần thức tỉnh mau lẹ. Đừng trì trệ, dửng dưng, khô cứng. Kẻo giờ Chúa đến bất
ngờ, mà chưa chuẩn bị, thì sẽ không kịp theo Chúa đi vào Nước Trời.
Bất ngờ tiếp nối bất ngờ. Sứ điệp trong sự từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô
XVI mới chỉ là khởi đầu. Ở đây, tôi nhớ tới những khủng khiếp, mà Đức Mẹ đã
tiên báo ở Fatima.
Long Xuyên, ngày 13 tháng 02 năm 2013
Do Trần Tân goi