Về Việt Nam ăn Tết – Tại sao về? Tại sao không?
Nguoi-viet.com
Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER, Calif. (NV) – Mỗi năm, khi tiết trời Calif. bắt đầu trở nên bớt lạnh, đêm về muộn hơn một tí, và đặc biệt, nhìn thấy chợ hoa Phước Lộc Thọ khai trương, là lòng người xa xứ dường như lại mênh mang một cảm xúc, có thể vui, có thể buồn, bởi Xuân đang sắp chạm ngõ sân nhà.
Bên cạnh những người vẫn trôi theo vòng quay hối hả của cuộc sống nơi đây, không còn thời gian nghĩ đến chuyện Ông Táo về trời, không có nỗi xôn xao khi biết Tết đang rất gần, thì lại có nhiều người mang tâm trạng đầy háo hức chuẩn bị hành trang về quê ăn Tết sau một năm hay nhiều năm trông ngóng khoảnh khắc này.
Ăn Tết ngay tại quê người, hay bằng mọi cách phải về quê nhà đón Giao Thừa, tất cả đều có lý do rất riêng, với mỗi người.
Một góc chợ Tết tại Little Saigon (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) |
“Mua vé về Việt Nam ăn Tết mỗi ngày một đông”
“Dựa vào thông tin trên hệ thống bán vé máy bay thì thời điểm này không còn vé về Việt Nam trong dịp Tết nữa. Nếu có cũng phải trên $2,000, hoặc không thì sau Tết hai tuần mới có vé,” chị Mỹ Tiên, nhân viên công ty du lịch ATNT ở thành phố Fountain Valley, gần Little Saigon, cho biết.
Theo chị Mỹ Tiên, “thông thường mùa Tết số người về Việt Nam đông lắm. Lượng khách mua vé tại ATNT mỗi năm mỗi nhiều lên.”
“Vé năm nay rẻ hơn những năm trước, dù rơi vào mùa nào. Ví dụ mùa Tết năm nay có khách mua vé khứ hồi chỉ khoảng hơn $600, chưa có visa, trong khi những năm trước giá rẻ nhất phải từ $750-$800. Năm nay hầu hết các hãng máy bay đều có giá vé rẻ hơn những năm trước. Có thể do giá xăng rẻ,” đại diện công ty ATNT giải thích thêm.
Dĩ nhiên, đó là giá vé cho những ai đã có sẵn chương trình về Việt Nam ăn Tết từ lâu, và mua vé từ ba, bốn tháng trước.
Cô Kiều Nguyễn, đại diện cho Kiều Nguyễn Travel ở Austin, Texas, cũng nhận thấy “lượng người đi Việt Nam dịp Tết này tăng gần gấp đôi.”
“Cách đây ba tháng, giá vé khứ hồi từ Austin về Sài Gòn chỉ vào khoảng $600-$700, rất rẻ, cho nên có nhiều người không có ý định về Việt Nam dịp Tết này, nhưng vì thấy giá vé rẻ quá nên sắp xếp công việc về chơi, có gia đình đó rủ nhau đi hơn 20 người luôn,” cô Kiều nói.
Nhận xét của chị Mỹ Tiên là “khách về Việt Nam mùa Tết hầu như là người lớn tuổi, vì người trẻ thì có gia đình con cái, bận đi làm đi học nên cũng khó đi. Tuy nhiên cũng có gia đình thu xếp được thì họ cũng đi bốn, năm người cùng lúc.”
Với cô Kiều Nguyễn thì “người lớn tuổi và người làm nail” là số người về Việt Nam ăn Tết đông nhất, bởi “người già thì về thăm con cháu, người làm nail thì mùa này luôn là mùa vắng khách nên tranh thủ đi chơi.”
Tết Mỹ nhạt? Tết Việt Nam ấm áp tình thân?
Bà Đỗ Tú Nhạn (trái), cư dân quận Cam, “Năm nào cũng về Việt Nam ăn Tết để có chút thời gian gắn bó với người thân.” (Hình: Nhân vật cung cấp) |
Ông Ngọc Huỳnh, cư dân thành phố Garden Grove, về Sài Gòn ăn Tết lần đầu tiên sau bốn năm định cư tại Mỹ để “được sống trong tình cảm ấm áp của gia đình.”
“Sự có mặt của mình trong gia đình vào thời khắc ấy xúc động và thiêng liêng lắm,” ông Ngọc nói.
Ông kể, “Năm đầu tiên đến Mỹ đón Tết thấy lạt lẽo quá. Buồn vì nhớ Sài Gòn, buồn khi thấy ngày Tết mà không có cha mẹ, anh em ở bên cạnh như mấy chục năm qua, dù rằng ở đây thì có gia đình vợ, nhưng thiếu vẫn thiếu.”
“Muốn nói gì nói, Tết ở đây không thể nào vui bằng Tết ở Việt Nam. Tết ở đây, tôi được nghỉ có một ngày, nên coi như cũng chẳng có Tết, trong khi ở Việt Nam thì nghỉ Tết cả một thời gian dài, mình mới hưởng trọn cái Tết,” ông Ngọc tâm sự.
Ông nhận xét thêm, “Về Sài Gòn ăn Tết thấy ngộ lắm. Bối cảnh xung quanh rất vui, khiến mình xôn xao lạ lắm. Còn ở đây thì bình thường. Sau mấy năm ở đây, tôi vẫn thấy Tết ở Mỹ nhạt nhẽo, giả giả làm sao đó, như có một cái gì gán vào trong đời sống thường ngày của mình chứ không phải là Tết của mình.”
Bà Đỗ Tú Nhạn, hiện sống ở Westminster, thì “năm nào cũng về Việt Nam ăn Tết.”
“Lúc trước con gái tôi còn ở bển, năm nào tôi cũng về. Nay thì nó đã sang Mỹ rồi nhưng tôi còn chị chồng, anh chồng bên đó cũng cô đơn quạnh quẽ nên tôi về để có chút thời gian gắn bó với gia đình,” bà Nhạn cho biết.
Bà chia sẻ, “Tôi qua Mỹ đã mười mấy năm, chỉ có một năm ăn Tết ở Mỹ thôi, thấy vô vị quá! Lúc đó tôi còn đi làm ở Santa Monica, Tết vẫn phải đi làm, chẳng thấy không khí Tết gì hết, mọi chuyện đều bình thường. Trong khi về Việt Nam ăn Tết thì tâm trạng khác lắm, nôn nao chờ đợi và chuẩn bị cả… nửa năm trước.”
Một lý do nữa mà bà Nhạn vẫn thường về Đà Nẵng đón Xuân là “để đi tìm lại kỷ niệm xưa của chính mình.”
“Chồng tôi chết trước khi tôi đi Mỹ định cư. Mỗi lần về quê, tôi thích đi lang thang trên biển một mình, để nhớ về chồng, nhớ những câu thơ ông từng viết cho tôi. Tôi về để đi tìm lại kỷ niệm xưa của chính mình,” bà trầm giọng.
Với bà Jennifer Nguyễn, một cư dân Garden Grove, thì “về quê ăn Tết có được cái không khí Tết, nhất là trước Tết vui, nhộn nhịp, có người này người kia đi ra đi vào, cùng gói bánh tét, dọn dẹp nhà cửa. Còn ở Mỹ thì chỉ nhà nào có người lớn mới còn có sự chuẩn bị cho Tết, chứ không thì mọi thứ đều bình thường.”
Về Việt Nam ‘tốn kém và căng thẳng thần kinh’
Bà Jennifer Nguyễn, “về quê có không khí Tết nhưng luôn luôn bị ‘chém đẹp’ và tốn tiền lì xì.” (Hình: FB Jennifer Nguyễn) |
Về Sài Gòn ăn Tết là điều ông Ngọc cảm thấy vui vì được trở lại trong vòng tay ấm áp của gia đình. Tuy nhiên, ông Ngọc cũng không ngần ngại “tiết lộ,” “lần tới có về thì tôi không chọn đi dịp Tết nữa, trừ khi tôi trúng số.”
Tại sao? “Vì về dịp Tết tốn tiền nhiều quá!”
“Lần về thăm nhà dịp Tết, tôi đem theo gần $10,000 mà coi như sạch túi luôn, thấy không thấm vô đâu hết. Bao nhiêu cũng không đủ. Tốn tiền rất nhiều, vì gặp ai cũng phải lì xì hết,” ông Ngọc vừa kể vừa cười một cách đau khổ vì quan niệm “ai cũng nghĩ mình là Việt Kiều nên mình phải cư xử cho … giống Việt Kiều.”
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến ông “tốn tiền” nữa là “sau mấy năm sống ở Mỹ trở về, nhìn thấy nhiều người khổ quá, thấy tội nghiệp quá, nhất là mấy người bán vé số, đạp xích lô, chạy xe ôm, ăn xin, mà nhất là dịp Tết nữa nên càng thấy thương họ, nên cứ gặp là cho tiền.”
Ông giải thích, “Ngày còn ở Việt Nam, khi thấy mấy anh em bà con Việt kiều về hay cho người nghèo tiền, tôi thường cản, nói không cần phải cho nhiều như vậy. Không dè đến khi chính mình trở về, tôi lại có cảm xúc y chang, mới hiểu vì sao ngày trước họ làm như thế.”
Bà Jennifer dù đang chuẩn bị hành trang để ra sân bay về Đà Lạt ăn Tết, dù cho rằng “Tết ở quê có không khí hơn” nhưng cũng thẳng thắn nói “không thích về dịp Tết vì về dịp này luôn bị ‘chém đẹp’, lại tốn tiền lì xì cho con cháu dưới quê.”
Đó là kinh nghiệm bà có được trong lần đầu về Việt Nam ăn Tết sau gần 20 năm không đón Xuân tại quê nhà. Giờ là lần thứ hai bà lại về vào dịp Tết nhưng chẳng qua “phải đi vì có công việc.”
Với bà Nhạn, dù đều đặn về quê mỗi dịp cuối năm, chuyện luôn phải chuẩn bị tinh thần đối phó với “hải quan sân bay hay công an cửa khẩu” vẫn là điều bà phải bận tâm.
“Tôi vẫn căng thẳng thần kinh để đối đầu với tụi nó, nhưng may là tôi đối đầu được, tức là cách hành xử của họ vẫn làm cho mình mệt mỏi, nhưng tôi vẫn cứ đi,” người phụ nữ nhỏ nhắn nói bằng giọng chắc nịch.
Bà Lê Ngô ở Westminster, “Tôi thấy Tết ở Bolsa này là nhất thế giới, không ham đi đâu nữa cả.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) |
Những chuyện “bực bội” mà bà Nhạn từng phải đối diện khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, và sau này là sân bay Đà Nẵng, là sự vòi vĩnh, hạch sách của nhân viên hải quan khi làm thủ tục nhập cảnh. Đây cũng chính là một trong những lý do mà nhiều người không muốn về quê. Bởi, như ông Phú Nguyễn ở quận Cam, người đã đôi lần trở về Sài Gòn sau 25 năm sống ở Mỹ, nhận xét, “chẳng đặng đừng khi có chuyện cần thì tôi mới phải bay về, chứ vừa xuống máy bay, nhìn thấy thái độ của hải quan Việt Nam là tôi muốn quay ngược về Mỹ liền lập tức.”
“Thiệt là ngán ngẩm. Tôi phải đối đầu từ khi bước xuống sân bay Sài Gòn ra tới Đà Nẵng, khi thì bắt đóng thuế thùng hàng dư ra, mặc dù mình đã đóng tại sân bay LAX rồi, khi thì họ hỏi trắng trợn ‘chị về có mang quà gì cho em không?’ rồi lật tới lật lui coi mình có kẹp tiền vào passport không… Ui chao mệt là mệt,” bà Nhạn nhớ lại.
Nói thì nói vậy, nhưng người phụ nữ ngoài 60 này vẫn về mỗi khi Tết đến, và chưa bao giờ cảm thấy “tốn kém” bởi vì “khi tôi có kế hoạch về thì tôi đã phải chuẩn bị từ nửa năm trước, muốn mua quà cáp gì cho ai, cái quần cái áo cái giỏ tôi đều tính trước và tha lần tha lần cho đến ngày đi nên không thấy tốn kém. Mà có tốn thì cũng xứng đáng vì nó mang lại cho tôi một mùa Xuân rất ấm áp trong tình gia đình người thân.”
Lần này bà Nhạn về quê ăn Tết cùng con dâu, 2 cháu nội và người chị ruột.
Không về, vì chẳng còn ai và Tết chẳng như xưa
Chị Châu Diệp, chủ một gian hàng bán hoa đào hoa mai giả trong chợ Tết Phước Lộc Thọ, cho biết, “Mình ở đây từ năm 79 đến giờ, chưa bao giờ về Việt Nam ăn Tết. Nhưng nghe nói Tết ở đây vui hơn vì ở đây được đốt pháo.”
“Lý do chính mà mình không về Việt Nam ăn Tết là vì gia đình bà con mình đều ở Mỹ. Tết là sum họp mà cả gia đình đã sum họp tụ tập ở đây hết rồi thì còn đi đâu nữa,” chị nói thêm.
Bà Lê Ngô ở Westminster tâm sự, “tôi ở California này 20 năm là 20 năm tôi đều đi chợ Tết Phước Lộc Thọ, nghĩa là tôi không về Việt Nam ăn Tết. Tôi thấy Tết ở Bolsa này là nhất thế giới, không ham đi đâu nữa cả. Vừa ấm áp vừa vui vẻ. Đi ra đi vào thấy người Việt mình chào nhau, hỏi thăm nhau là vui rồi.”
Ông Nam Đặng, chủ nhân một gian hàng bán cây quýt, tắc, bưởi trong chợ Tết Phước Lộc Thọ cho biết khoảng 10 năm trước ông có về Việt Nam ăn Tết một lần, vì “mấy đứa em kêu về.”
Nhưng theo ông thì “Tết ở Mỹ vui hơn, còn ở Việt Nam thì mình không được tự do nên đâu bằng bên này được.”
Với ông Nam, “Tết đến, chỉ cần thấy có thịt kho dưa giá, dưa hấu, là thấy y như Tết ở Việt Nam mình thôi.”
Cô Kiều Lưu, cư dân Fountain Valley, lại nghĩ khác, “Thật ra Tết Việt Nam bây giờ cũng đâu giống ngày xưa nữa! Tết bây giờ là thời gian người ta nghỉ ngơi, đưa gia đình đi chơi xa, thậm chí là đi chơi nước ngoài chứ đâu còn cảnh ‘Mùng Một Tết cha, Mùng Hai Tết bạn, Mùng Ba Tết thầy’ như xưa nữa, không thấy còn gì là truyền thống hết. Cũng chẳng mấy ai tụ tập gói bánh chưng bánh tét gì nữa đâu.”
Cô Kiều từ Áo sang Mỹ định cư cách đây 5 năm, “lúc còn ở Áo thì năm nào cũng về Việt Nam ăn Tết. Từ lúc sang Mỹ thì chưa về bao giờ.”
Cô Kiều Lưu, Fountain Valley, “Tết ở đây cũng như ngày thường, không có gì rộn rã như ngày xưa, ngày càng thấy thờ ơ.” (Hình: Kiều Lưu cung cấp) |
Lý do chị Kiều không về vì “Tết rơi vào thời gian các con bận đi học, không nghỉ được.”
“Nếu nghĩ chuyện Tết về Việt Nam thì tôi muốn chồng tôi về ăn Tết với ba mẹ chồng vì ông bà còn ở bên đấy. Riêng tôi thì thấy chuyện về không quan trọng vì cả nhà tôi ở đây hết rồi.”
Nói về cảm xúc sau khi trải qua năm cái Tết tại Mỹ, Kiều cho rằng, “năm đầu tiên tôi có tham gia gói bánh chưng với bạn, thấy cũng vui. Nhưng rồi nhạt dần, thấy cũng bình thường. Tết ở đây cũng như ngày thường, không có gì rộn rã như ngày xưa, ngày càng thấy thờ ơ. Không biết tại sao, có thể do mình già rồi. Thêm nữa, Tết ở đây cũng đâu có được nghỉ, cũng như ngày thường thôi.”
***
Về hay không về, ở Mỹ hay ở Việt Nam, cuối cùng điều quan trọng là nơi đâu cho mình cảm giác ấm áp của sự sum vầy, của tình yêu thương gia đình thì nơi đó mang ý nghĩa Tết trọn vẹn.
—
Liên lạc tác giả: [email protected]