Vấn đề xử dụng điện thoại di động
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Điện thoại di động đã trở thành một phương tiện cần thiết cho con người trong mọi xã hội năng động, di chuyển hiện nay. Nó được sử dụng trong nhiều liên lạc, từ dịch vụ thương mại, giao tế nhân sự, tới hẹn hò yêu đương hoặc băng đảng tội lỗi. Với điện thoại di động, ta có thể nói chuyện được với khắp nơi trên trái đất, từ chốn thâm sơn cùng cốc tới vùng biển cả xa xôi, miễn nơi đó có máy.
Cho tới nay, theo ước lượng, có khoảng gần 700 triệu người dùng điện thoại di động trên thế giới, và con số có thể tăng lên đến một tỷ rưỡi vào năm 2005. Ở Mỹ, cứ 10 người, có 4 người sử dụng điện thoại di động, và vào năm 2000, đã có trên 100 triệu người sử dụng, so với 5 triệu vào năm 1990. Theo ước đoán của David Pearce, Chủ biên tạp chí The Futurist, chỉ mươi mười lăm năm nữa, 80% dân chúng Mỹ sẽ có cell phone và họ chỉ dùng điện thoại không dây này mà thôi. Có người còn hài hước nghĩ, với đà này, trong tương lai khi sanh ra, mỗi đứa bé sẽ được cho một số điện thoại, như số thẻ căn cước, thay cho Số An Ninh Xã Hội.
Cell phone phổ biến, công dụng như vậy, song vài năm gần đây giới tiêu thụ đã trở nên rất bối rối vì những tin tức khác nhau về sự có hoặc không nguy hại của máy. Đã có nhiều kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng xấu cho sức khỏe do phóng xạ của điện thoại di động. Nhưng giới tiêu thụ, vì nhu cầu, vẫn dùng mặc dù cho tới nay chưa có giải đáp dứt khoát nào về vấn đề này.
Điện thoại di động
Điện thoại di động mà ta còn gọi là cell phone, điện thoại cầm tay handies hoặc cellular phone, là loại điện thoại có gắn antenne trong máy, với bộ phận phát điện và thu phát tín hiệụ Máy phát ra một lượng rất nhỏ vi ba phóng xạ. Khi nói, toàn bộ máy được áp sát vào tai.
Khái niệm về cell phone đã manh nha từ thập niên 1950. Tới năm 1977 thì công ty AT&T làm ra một cell phone mẫu. Năm 1979, máy được bán ở Nhật. Năm 1981, công ty Motorola Hoa Kỳ cho ra một loại cell phone tối tân hơn. Hiện nay cell phone được trang bị dưới dạng digital. Chỉ mới hơn ba chục năm mà cell phone đã có một thị trường vững vàng trên khắp thế giới. Nhưng bão tố cũng bắt đầu đến với cell phone.
Sóng gió trên cell phone
Câu chuyện bắt đầu với một chương trình của đài BBC Luân Đôn, cách đây mấy năm, công bố kết quả nghiên cứu của bác sĩ Lennart Hardel bên Thụy Điển: một bệnh nhân bị ung thư não, về phía đầu mà người này thường xuyên áp điện thoại di động để nói và nghe. Vị bác sĩ này cho hay rằng điện thoại di động có tác dụng không tốt tới sức khỏe con người và vấn đề cần được làm sáng tỏ bằng các nghiên cứu khoa học khách quan. Trong khi chờ đợi kết quả, ông ta đề nghị mọi người nên giới hạn sự tiếp cận với nguồn phóng xạ từ điện thoại di động. Trong chương trình này, kết quả một nghiên cứu tương tự ở Mỹ về liên hệ giữa phóng xạ từ điện thoại di động với tổn thương của nhiễm thể tế bào cũng được đài công bố.
Bác sĩ Goerge Carlo, trước đó hợp tác với American Cellular Industry, quả quyết rằng, kỹ nghệ cell phone hiện đang ở vào tình trạng báo động và không còn là lúc đưa ra những lời tuyên bố lững lờ, nước đôi về sự an toàn của cell phone.
Tháng 5 năm 1999, bác sĩ Mild công bố kết quả một nghiên cứu từ Thụy Điển cho hay sử dụng điện thoại di động đưa đến nhiều triệu chứng như nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, mất trí nhớ, nóng bỏng trên da và lắng nghe khó khăn. Theo ông ta, người dùng cell phone 30 phút mỗi ngày thì hay than phiền là mau quên nhiều gấp đôi so với người chỉ dùng dưới hai phút; người dùng ba bốn lần trong ngày thì bị nhức đầu gấp ba người chỉ dùng hai lần trong ngày. Điều cần ghi nhớ là thiếu niên bị các triệu chứng trên nhiều hơn người lớn.
Trước đó, vào tháng 5 năm 1998, các nghiên cứu tại Thụy Điển, Na Uy và công ty điện thoại Scandinavian cũng đưa ra các nhận xét tương tự.
Nhiều người nghe điện thoại tự động áp vào tai than phiền trên da nổi lên một vết đỏ, đau, cứng có bề lớn bằng chiếc điện thoại mà họ đang dùng. Công ty sản xuất Microshield kể trường hợp một người máng điện thoại vào hông và bị ung thư cột sống lưng, ngay chỗ mang điện thoại.
Những giải thích
Theo viện Ung Thư Hoa Kỳ, các đồ điện trong nhà như T.V, microwave oven, chăn và nệm điện, máy sấy tóc, quạt trần, đồng hồ điện báo thức cũng phát ra từ trường điện tương tự như cell phone.
Theo giải thích của World Health Organization (WHO), thì các phóng xạ từ cell phone rất nhỏ, khoảng 0.2-0.6 watt, thuộc loại không gây ra xáo trộn cho tế bào con người như quang tuyến X.
Phóng xạ này tan biến trong không gian, tùy theo khoảng cách giữa máy và cơ thể. Cũng theo WHO, phóng xạ này khi xâm nhập cơ thể, sẽ tạo ra một sức nóng rất nhẹ mà cơ chế điều hòa thân nhiệt có thể hóa giải dễ dàng. WHO cũng nhận rằng có nhiều nghiên cứu nói phóng xạ của cell phone làm thay đổi sinh hoạt điện năng não bộ, giảm thời gian phản ứng, gây vài xáo trộn giấc ngủ, nhưng rất ít và không tạo ra khó khăn gì cho người sử dụng cell phone. WHO kết luận là các phóng xạ đó chưa chắc đã gây ra ung thư não và sẽ tài trợ để các khoa học gia nghiên cứu thêm.
Các nhà sản xuất cell phone cho hay là điện thoại di động an toàn vì đã được làm đúng theo tiêu chuẩn do chính quyền đưa ra. Tiêu chuẩn đó gồm ảnh hưởng của nhiệt do cell phone phát ra và các vi ba từ trường được phân phối ra hết cả đầu. Chương trình truyền hình ABC 20/20 cho hay là tiêu chuẩn của chính quyền có nhiều kẽ hở mà các nhà sản xuất điện thoại di động qua mặt dễ dàng.
Trong khi đó thì Chủ tịch công ty điện thoại di động vĩ đại Ericsson khẳng định rằng sẽ có nhiều người sử dụng điện thoại di động để nối tiếp với mạng lưới, thay vì dùng điện thoại có dây trong nhà, vì tiện lợi hơn.
Cơ quan Federal Communication Commission Hoa Kỳ cho hay là cho tới nay, chưa có bằng chứng nào kết luận rằng điện từ trường có hại cho sức khỏe. Chuyên viên Ed Mantiply của cơ quan này cho hay, là cơ quan đã đặt ra một tiêu chuẩn cho phóng xạ từ điện thoại di động, giống như giới hạn tốc độ lái xe tự động. Không có gì bảo đảm là dưới giới hạn đó chúng ta sẽ an toàn và trên giới hạn đó là nguy hiểm. Cơ quan khuyên dân chúng áp dụng nguyên tắc là cầm xa máy một inch nếu máy phát ra một watt năng lượng, nếu máy phát ra 10 watts thì ở cách xa máy mười inches. Nhưng các nghiên cứu cho hay, ngoài sức nóng, cell phone còn phát ra các phóng xạ có hại, đồng thời các phóng xạ này phát ra từng lúc mạnh yếu khác nhau nên có hại hơn là phát ra liên tục.
Cơ quan Food and Drugs Hoa Kỳ có trách nhiệm về sự an toàn thực và dược phẩm, các mỹ phẩm, trang bị điện tử trong nhà thì nói: cell phone phát ra một lượng điện từ trường không đáng kể và kết quả nghiên cứu chưa xác định nó có hoặc không có hại. Và cơ quan khuyên dân chúng áp dụng các phương pháp đề phòng thường lệ.
Tập san International Journal of Oncology tháng Năm 1999, đăng kết quả nghiên cứu trên 600 người dùng điện thoại di động cho hay không có bằng chứng gì về vụ gây ung thư não vì phóng xạ từ điện thoại này.
Ảnh hưởng trên sức khỏe
Nhưng phe quan tâm tới ảnh hưởng phóng xạ từ điện thoại di động vẫn không hài lòng với giải thích của chính quyền và của các công ty sản xuất cell phone. Họ vẫn quả quyết là phóng xạ này rất hại cho cơ thể.
Phóng xạ điện từ trường thoát ra từ điện thoại di động khi mở máy và khi điện đàm. Vi ba phóng xạ xâm nhập xương sọ, vào não bộ, mắt, mũi và các tế bào trên mặt. Một bác sĩ Đan Mạch có nói: “Chắc không có ai muốn đút đầu vào lò hâm thực phẩm vi ba, nhưng nhiều người lại hân hoan áp chiếc điện thoại di động sát vào tai, vào đầu”. Microwave oven cũng phát ra những vi ba phóng xạ như điện thoại di động.
Bác sĩ Bruce Hocking đã tường trình trước Thượng Viện Úc Đại Lợi rằng, người sử dụng điện thoại cầm tay có thể bị tổn thương da chung quanh vành tai với cảm giác khác thường ở trong đầu, mấy phút sau khi họ quay số điện thoại và kéo dài có khi cả mấy tiếng đồng hồ. Ngoài ra họ còn cảm thấy buồn ói, rối loạn thị giác cũng như có vài dấu hiệu thần kinh khác. Theo ông, đây không phải là do tưởng tượng, mà là có thực vì được phát hiện ở nhiều người khác nhau, trên khắp thế giới khi họ dùng cell phone.
Cơ Quan Y Tế Thế Giới cũng đề cập tới vấn đề tia phóng xạ của điện thoại di động trên sức khỏe và khuyên dân chúng nên giới hạn sử dụng, nên dùng hands free devices, giữ điện thoại xa cơ thể. Cơ quan này đã tài trợ 4 triệu mỹ kim để nghiên cứu ảnh hưởng của tia phóng xạ từ điện thoại di động.
Các nghiên cứu gia bên Anh Quốc báo động là trẻ em dùng nhiều điện thoại di động có thể gặp khó khăn trong vấn đề tăng trưởng với đầu nhỏ. Công ty Hỏa xa Nhật yêu cầu khách giảm dùng điện thoại di động trên xe lửa để tránh ảnh hưởng tới các y cụ mang trên cơ thể một số hành khách trên tầu như pacemaker, trợ thính cụ… Theo kết quả điều tra bên Đức thì phóng xạ vi ba từ cell phone làm tăng huyết áp vì các mạch máu co thu dưới tác dụng của phóng xạ. Báo Daily Mail ngày 13 tháng 12 năm 1999 đăng tin các nghiên cứu bên Anh cho hay sử dụng cell phone có thể đưa tới thất thoát chất huyết cầu tố từ hồng huyết cầu và gây ra bệnh tim và sạn thận.
Phóng xạ từ điện thoại di động có thể làm giảm trí nhớ ngắn hạn và đột nhiên mất định hướng. Phóng xạ từ cell phone cũng ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch, theo khoa học gia Roger Cogwill. Các khoa học gia của Karolinska Institute bên Thụy Điển đang nghiên cứu về hậu quả này.
Người mang kính mà dùng cell phone thì ảnh hưởng của phóng xạ vào mắt tăng 20%, vào đầu tăng 6%, lý do có thể là do khung kính đeo mắt bằng kim loại thu hút nhiều chất phóng xạ hơn. Nhiều người có răng trám bằng kim loại than phiền có cảm giác nóng nóng trong miệng và đau nhức răng khi nói chuyện trong cell phone. Theo báo Úc Sunday Telegraph ngày 2 tháng 5 1999, phóng xạ từ điện thoại di động gây ra khuyết tật cho trên 10.000 con gà con vì trứng tiếp cận với chất phóng xạ này.
Hội nghị về ảnh hưởng phóng xạ từ cell phone, họp tại Vienne vào tháng Giêng năm 1999, đi đến một nghị quyết chung là ảnh hưởng sinh học phát ra từ radio wave, microwave là có thực và cần được khoa học kiểm chứng.
Các bác sĩ Henry Lai và NP Singh, University of Washington, Seattle, cho hay khi sử dụng cell phone, có tới 50% DNA bị hư hao vì chất phóng xạ từ máy và ông ta cáo giác là các nhà sản xuất cell phone đã yêu cầu ông thay đổi kết quả của nghiên cứu tới hai lần. Nghiên cứu lại do chính các công ty điện thoại tài trợ, nhưng khi thấy kết quả bất lợi họ yêu cầu ông ta thay đổi.
Vấn đề với các trụ phát tín hiệu cho điện thoại di động ở vùng dân cư đông đúc cũng được nêu lên. Bên Anh, nhiều nghiên cứu cho hay, sống gần và dưới ảnh hưởng của đường dây điện có nhiều nguy cơ ung thư phổi vì các tia phóng xạ ô nhiễm dính với nhau và đọng trong phế nang. Theo tổ chức nghiên cứu các loài chim ở Thụy Sĩ, ngay cả chim khi bay quanh quẩn trụ phát tuyến cũng bị lạc đường vì mất định hướng dưới ảnh hưởng của điện từ trường.
Công ty bảo hiểm với cell phone
Vào tháng Bẩy năm 2000, một bác sĩ chuyên khoa thần kinh Hoa Kỳ đã kiện công ty Motorola và các công ty điện thoại di động khác, đòi bồi thường 800 triệu mỹ kim vì ông ta bị ung thư não gây ra do phóng xạ từ điện thoại di động. Kỹ sư Robert Kane làm việc cho Motorola kiện công ty vì bị ung thư óc trong thời gian thử nghiệm antenne cell phone cho công ty. Một vụ kiện Motorola khác do Dean Vincent Rittman bị ung thư não vì điện thoai di động cũng đang được thụ lý tại Texas.
Các công tư bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm về hậu quả có thể xẩy ra do cell phone, vì họ cho rằng vấn đề này cũng tương tự như vấn đề chất cách nhiệt abestos, thuốc lá và dân bảo hiểm sẽ phải bồi thường nhiều tỷ mỹ kim. Theo công ty bảo hiểm Thụy Sĩ Swiss Re, căn cứ vào các dữ kiện hiện có thì các nạn nhân của cell phone có nhiều hy vọng thắng trong các vụ kiện. Công ty bảo hiểm lớn Lloyd bên Anh đã từ chối bán bảo hiểm liên can tới điện thoại di động.
Dụng cụ giảm phóng xạ
Trước sự lo ngại của giới tiêu thụ, nhiều trang bị che chở cơ thể, nhất là não bộ với phóng xạ từ cell phone đã được tung ra thị trường. Các công ty sản xuất mobile phone Hitachi, Ericsson, Alcatel tung ra các trang bị phụ hands free devices, Microshield để làm giảm phóng xạ phát ra từ điện thoại di động, ngõ hầu bảo vệ sức khỏe người dùng máy này. Chính các công ty sản xuất máy cũng phân phát Microshield cho nhân viên khi dùng điện thoại tự động, vì theo họ, dù chưa có bằng chứng xác đáng nhưng mọi người đều e ngại, che chở đề phòng thì cũng nên làm. Cảnh sát Luân Đôn được lệnh giới hạn dùng điện thoại di động dưới năm phút, đồng thời cũng được cung cấp dụng cụ che chở.
Các trang bị giảm phóng xạ này chẳng biết có công dụng gì không, nhưng theo nhiều người, lại có thể làm sự truyền tín hiệu thay đổi, khó nghe, điện thoại phải tăng cường độ, đưa dến nhiều phóng xạ hơn là làm giảm. Hands free devices thường dùng gồm có một cực nghe gắn vào lỗ tai, một cực thu âm thanh, nối với điện thoại bằng sợi dây điện. Khi máng ống nghe vào tai, chất phóng xạ cũng thất thoát ra ngoài đồng thời người nghe cũng có nhiều vấn đề trong lỗ tai.
Theo thống kê, có tới trên 60% người sử dụng điện thoại di động mua dụng cụ ngăn phóng xạ vì sợ chất này phát ra từ máy. Công ty sản xuất trang bị Microshield cho hay dụng cụ này thu hút tới 90% chất phóng xạ, mà nếu không có nó, sẽ chạy tuốt vào não của con người.
Nhãn hiệu báo động
Do sự đòi hỏi của dân chúng và với con số gia tăng mỗi ngày dùng điện thoại di động, các nhà sản xuất điện thoại Mỹ Motorola, Thụy Điển Ericsson, Nokia Phần Lan sẽ dán nhãn hiệu trên điện thoại ghi rõ số lượng chất phóng xạ do điện thoại di động phát rạ Phát ngôn viên Mikael Westmark của công ty Ericsson cho hay đây là vấn đề mà khách hàng rất quan tâm và công ty sẽ cung ứng các thông tin xác thực.
Cần phải làm gì?
Vấn đề của điện thoại di động đang được tranh luận, nghiên cứu. Chưa có kết luận nào xác quyết là cell phone tạo ra ảnh hưởng không tốt thì cũng chưa có chứng minh rằng cell phone an toàn. Người sử dụng cell phone bây giờ vô tình được dùng như là để thử nghiệm coi nó có nguy hại hay không. Cũng như thuốc Thalidomides cách đây mấy chục năm, vì không được nghiên cứu tính cách an toàn trước khi dùng, nên đã gây ra đau khổ cho nhiều gia đình với con khuyết tật. Hoặc như chất cách nhiệt abestos, đã gây ra biết bao nhiêu trường hợp ung thư phổi, mà cao độ phải mấy chục năm sau mới xuất hiện. Ung thư thường cần vài chục năm để phát sinh. Hoặc như ảnh hưởng của thuốc lá với ung thư phổi.
Nếu cơ thể có sức đề kháng mạnh thì vi ba phóng xạ từ cell phone không làm gì được, nhưng nếu yếu thì, mỗi ngày một ít, phóng xạ sẽ hủy hoại tế bào và trong trường kỳ, đưa tới bệnh hoạn. Không giống như khói thuốc lá, từ trường phóng xạ là chất vô hình, không mầu sắc, không mùi vị. Chúng âm thầm xâm nhập cơ thể nơi có tiếp cận và tạo ảnh hưởng xấu.
Nên khi đã có người nêu ra vấn đề, thì lúc sử dụng cell phone, ta cũng cần có một thái độ khôn ngoan, dè dặt:
– Không dùng cell phone khi có điện thoại loại thường.
– Dùng điện thoại thường bất cứ lúc nào có thể.
– Dùng trang bị phụ để khỏi áp điện thoại vào tai.
– Nói trên điện thoại di động càng ngắn càng tốt.
– Dùng loại điện thoại di động có antenne ở ngoài máy, xa đầu và não bộ.
– Ở nhà hoặc văn phòng, khi có ai kêu trên cell phone, thì kêu lại bằng điện thoại thường.
– Sử dụng tối đa máy nhắn tin pager.
– Mang máy điện thoại trong túi xách tay, chứ đừng bỏ trong túi áo, túi quần.
– Giới hạn sự sử dụng cell phone ở thiếu niên dưới 16 tuổi vì giới này bị ảnh hưởng xấu từ điện thoại di động nhiều hơn người trưởng thành.
Nhiều người cho rằng, sống trong xã hội hiện tại, con người có nhiều nguy cơ gặp hiểm nghèo thường xuyên. Lái xe nửa giờ mỗi ngày còn nhiều cơ hội xấu tới sức khỏe hơn là 10 phút nói trên điện thoại di động; vận động đi bộ có thể bị du đãng cướp bóc, đánh đập; uống thuốc chữa bệnh có thể bị phản ứng chết người; ăn tiệm có thể trúng độc; làm tình có thể thượng mã phong… Ôi đủ thứ nguy cơ!
Nhưng phòng bệnh hơn chữa bệnh mà.
An toàn lái xe
Một khía cạnh khác của điện thoại di động cũng đáng lưu tâm. Đó là việc điện đàm tâm sự ba hoa khi lái xe đã gây ra nhiều tai nạn chết người cho người lái và người khác. Số tử vong này có lẽ còn cao hơn là do phóng xạ và quá rõ ràng, khỏi cần tốn tiền nghiên cứu chứng minh lôi thôi.
Bài học căn bản lái xe là cần luôn luôn cảnh giác, thận trọng và ứng xử lịch sự. Đầu hướng về phía trước, mắt vừa nhìn đường, vừa ngó kính chiếu hậu và quan sát người lái chung quanh. Tôn trọng luật đi đường, giới hạn tốc độ và mang nịt an toàn. Nếu lại dùng cell phone, thì cũng tốt thôi, vì phương tiện này có nhiều ích lợi thực tiễn: giúp ta liên lạc với nhau, làm đời sống giản dị hơn, mang lại cấp cứu cho ta khi cần cũng như giúp người khác khi hoạn nạn. Tiện đấy nhưng cũng hại đấy. Nên cần đề phòng.
1.- Điện thoại bây giờ nó nhiều nút, nhiều cách dùng phức tạp, nhưng nếu làm quen được với chúng thì lại rất có lợi. Chẳng hạn nút kêu khẩn cấp, nút kêu lại tự động, nút số điện thoại thường kêu… mà khi cần, chỉ việc nhấn nút là điện đàm được.
2.- Sắm thêm trang bị phụ để khỏi phải lấy tay cầm áp điện thoại vào tai, dành hai tay cho bánh lái.
3.- Để điện thoại gần ngay chỗ mình ngồi, dễ lấy, không phải quay mình ra sau, đảo mắt tìm kiếm.
4.- Đang điện đàm mà thấy có bất an lưu thông như tai nạn trước mặt, mưa to chợt tới, nhiều xe cộ… thì ngưng ngay.
5- Giới hạn quay số điện thoại khi đang lái xe. Quay số khi xe ngừng đèn đỏ hoặc trước bảng stop. Nếu cần lắm, thì quay một nửa, nhìn đường rồi quay tiếp.
6.- Không ghi chép, tìm số điện thoại trong khi lái xe.
7.- Tránh nói chuyện gây nhiều xúc động mạnh trong lúc vừa lái vừa nói, vì ta rất dễ bị chia trí, gây ra tai nạn.
Phải chi mà ai ai, ngay cả mình, cũng cẩn tắc như vậy, thì đỡ việc cho Ông Tobia biết mấy!
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC