Tranh cử tổng thống 2016 sôi nổi, nhưng hết hào hứng

Tranh cử tổng thống 2016 sôi nổi, nhưng hết hào hứng

Ông Donald Trump xuất hiện cùng một số phụ nữ ủng hộ ông trong cuộc vận động ở North Carolina. (Hình: AP Photo/ Evan Vucci)

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

WASHINGTON, DC (NV) – Cuộc tranh cử tổng thống đang ở giai đoạn quyết liệt nhất trong hơn ba tuần lễ cuối cùng. Tuy vậy, có lẽ không còn hào hứng để chờ kết quả vì mọi chuyện hầu như đã ngã ngũ, với ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump không còn bao nhiêu hy vọng đảo ngược tình hình.

Trong một cuộc vận động chiều Thứ Năm, ông Trump tuyên bố với những người ủng hộ: “Thăm dò dư luận cho thấy chúng ta đang ngang ngửa (dead heat).” Nhưng tờ Huffington Post không đồng ý với sự mô tả ấy. Trích dẫn từ điển Merriam-Webster: “’Dead heat’ là tình trạng tranh đua mà hai đối thủ ngang điểm hay đạt mức đến cùng lúc.” Và tờ báo này nói rằng đó là tình hình hồi Tháng Chín, còn bây giờ căn cứ trên các thăm dò mới nhất, cuộc tranh cử của ông Trump đang gần tới “dead” (chết) chứ không phải “dead heat.”

Theo Huffington Post, tỉ lệ cử tri toàn quốc ủng hộ bà Hillary Clinton là 49.2%, ông Donald Trump là 42.9%, ông Gary Johnson 6.4%. Nếu cuối cùng không có bao nhiêu cử tri sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Johnson của đảng Libertarian thì bà Clinton hơn ông Trump tới 8%, và đó không phải “dead heat.”

FiveThirtyEight tổng hợp các thăm dò, toàn quốc và tiểu bang, cho kết quả Clinton 49.3% – Trump 42.9%.

Trang mạng của cơ quan chuyên nghiên cứu về bầu cử này phân tích các dữ kiện tâm lý, xã hội và dùng các phương tiện điện tử, dự đoán triển vọng đắc cử của bà Clinton 84.7%, ông Trump 15.3%.

Cuộc tranh cử bây giờ trở thành một trận đánh có ba phe tham chiến: Dân Chủ, Cộng Hòa và truyền thông. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các cơ quan truyền thông, từ các hệ thống truyền hình lớn đến các tờ báo có ảnh hưởng toàn quốc hay chỉ ở cấp tiểu bang và địa phương, đều đồng thanh phê phán ông Trump.

Xét trên nhiều bình diện khác nhau, theo họ, ông Trump không có khả năng của một nhà lãnh đạo, không có tư cách xứng đáng ở vị trí tổng thống/tổng tư lệnh nước Mỹ, chỉ là một kẻ mị dân, kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, nói những điều sai sự thật, liên tục phát biểu bừa bãi rồi chối. Vì vậy, họ có trách nhiệm phải trình bày với dân chúng về tác hại cho đất nước nếu bỏ phiếu cho ông Trump.

Nhà báo Lê Phan, trong một bài viết trên nhật báo Người Việt, cho biết, báo chí Mỹ có truyền thống tin tưởng ở bổn phận thông tin đúng đắn của mình và đồng thời ít khi nào trực tiếp can thiệp vào bầu cử bằng cách công khai ủng hộ bên nào. Nhưng năm nay rất nhiều tờ báo đã phá bỏ thông lệ ấy để đả kích thẳng ứng cử viên Cộng Hòa. Mặc dù nhìn nhận rằng ý kiến của báo chí chưa chắc đã ảnh hưởng thay đổi suy nghĩ của cử tri, họ đồng thuận là phải thẳng thắn nói ra, không thể nào khác.

Ngược lại, ngay từ giai đoạn bầu cử sơ bộ, ông Trump đã tấn công truyền thông bằng những lập luận rất gay gắt. Ông diễn tả họ là “những nhóm đặc quyền đặc lợi, gian lận mỗi ngày với dân chúng Mỹ.” Ông cũng mạnh mẽ phê phán truyền thông thiên vị và bị ban tranh cử Dân Chủ mua chuộc. Tất cả những điều này chắc chắn chỉ thu phục và củng cố được sự tin tưởng của những người đã quyết ủng hộ ông Trump. Dù vậy, truyền thông có lợi thế cùng phương tiện để duy trì cuộc chiến kéo dài cho đến ngày bầu cử và tổn thất lớn nhỏ chắc chắn về phía ông Trump.

Từ cuối tuần trước, bùng nổ chuyện tai tiếng về ông Trump liên quan đến phụ nữ với cuốn băng video Access Hollywood năm 2005. Tiếp theo, dù cho có thể nhiều người không thích những chuyện ruồi bu ấy, nhưng tất cả đều là sự kiện có bằng chứng cụ thể, và các cơ quan truyền thông liên tiếp đưa ra thêm nhiều chuyện bê bối khác về cá nhân ông Trump. Số phụ nữ lên tiếng tố giác ông Trump mỗi ngày mỗi thêm, từ hai, rồi ba, bốn, và tám, rồi chưa biết còn bao nhiêu nữa.

Chưa từng thấy ở những cuộc tranh cử trước kia, năm nay ông Trump có lối đặt cho đối thủ những biếm danh. Ông gọi cựu Thống Ðốc Jeb Bush là “yếu pin,” Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz là “Ted nói láo,” Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio là “thằng nhỏ Marco,” và bà Hillary Clinton là “Hillary lươn lẹo.” Bây giờ đến lượt các phụ nữ tố giác ông Trump về hành vi sách nhiễu tình dục, gọi ông là “Trump Octopus” vì bị tố cáo có bàn tay như bạch tuộc khi sờ soạng phụ nữ.

Hôm Thứ Năm, hội những người nuôi bạch tuộc làm thú nuôi lên tiếng phản đối cách gọi ấy. Ðề cập tới lời cô Lessica Leed tố giác ông Trump đã sờ soạng mình trên máy bay, một phát ngôn viên hội này nói: “Mặc dù những phát biểu ấy có thể khiến người ta hiểu lầm, bạch tuộc không có gì giống như ông Donald Trump. Các con bạch tuộc của chúng tôi dùng sáu vòi vào việc lấy đồ ăn và nắn bóp thăm dò các vật, hai vòi để di chuyển. Không, tôi xin nhắc lại là không, có chiếc vòi nào dùng để sờ soạng.”

Dù muốn dù không, ông Trump phải vất vả chống đỡ, phủ nhận, giải thích về những cáo buộc đã có và có lẽ sẽ còn nữa. Cho đến tuần này đã có tới 10 phụ nữ lên tiếng tố cáo ông. Phát biểu trong một cuộc vận động ở Greensboro, North Carolina, hôm Thứ Sáu, ông nói “chẳng biết những phụ nữ ấy ở đâu ra.” Nhưng ông tố cáo họ đã toa rập với truyền thông và ban tranh cử Dân Chủ. Ông khẳng định tất cả là “chuyện 100% bịa đặt, dàn dựng, không có nhân chứng.” Tuy vậy có một số trường hợp truyền thông đưa ra băng video hoặc ghi âm. Rồi không nói tên ai nhưng ông lại lần lượt phản bác lời của các phụ nữ ấy.

Vói sự tế nhị khôn khéo, phía Dân Chủ không đi sâu khai thác trận chiến giữa ông và truyền thông, nhưng tất nhiên không bỏ qua lợi thế do từ tình hình ấy.

Hôm Thứ Sáu, Tổng Thống Barack Obama đến Cleveland, Ohio, vận động cho bà Clinton. Ông mô tả ông Trump là “con người sống trên Trái Ðất 70 năm chỉ nói về những cao ốc của mình lớn thế nào, sự giầu sang phú quý của mình ra sao, rồi loanh quanh bên cạnh những tài tử, diễn viên, bỗng chốc tự nhận mình là người của dân chúng, một nhân vật ưu tú toàn cầu…” Và ông kết luận bằng một ngôn ngữ bình dân nhắc lại hai lần: “Come on, man,” tương đương tiếng Việt có thể là “Thôi đi cha nội.”

Tổng Thống Obama cũng chỉ trích đảng Cộng Hòa về quyết định lánh xa Trump là quá ít, quá trễ. Hôm Thứ Năm, Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama, bằng những lời lẽ tình cảm trong bài nói chuyện với dân chúng lần thứ tư vận động cho bà Clinton, đã nặng nề và quyết liệt phê phán ông Trump.

Tình hình tranh cử của ông Donald Trump hiện nay như một cuộc chiến trên ba mặt trận: Ðương đầu với bà Hillary Clinton, đối phó với những nhân vật Cộng Hòa lìa bỏ ông, và chống trả những trận đánh liên tục của truyền thông. Mặt trận thứ nhất ông đang yếu thế, mặt trận thứ nhì không thể thắng, và mặt trận thứ ba chỉ có thể là thua. Nếu ông đắc cử thì có lẽ là phép lạ trong cuộc bầu cử 2016 hoàn toàn không giống các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong lịch sử.

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay