Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Thứ 3 mùa Chay năm B 04/3/2018
Tin Mừng (Ga 2: 13-25)
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.
Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.
& & &
“Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn,”
“Hết tâm hồn và hết cả da xương.”
(dẫn từ thơ Bùi Giáng)
Yêu trần gian, hết tâm hồn cùng da xương chẳng kể gì chuyện xảy đến, hỏi rằng: đó có là tình yêu thực không? Chắc vẫn là tình yêu người ngoài Đạo? Trong khi đó, người Do thái lại đổ hết tình yêu thần thánh vào đền thờ Giêrusalem, tượng trưng cho lòng đạo mê say, khác biệt.
Trình thuật thánh Gioan nay kể về động thái Chúa “dọn sạch” đền thánh Giêrusalem nơi dành riêng cho việc phụng thờ Chúa suốt đêm ngày. Người Do thái coi Giêrusalem là nơi chốn họ bỏ “hết tâm hồn và cả da xương” vào đó, mà thờ Chúa. Với người Công giáo, đền đài Chúa ngự, không chỉ đơn thuần để mọi người đến đó mà dâng lễ vào ngày của Chúa thôi, nhưng còn là chốn tỏ bày tình thương yêu dự Tiệc nữa.
Hỏi rằng: nơi Chúa ngự, có cần Chúa đến dọn sạch nghi tiết phụng vụ mà Giáo hội bày ra, không? Nghi tiết phụng vụ, trước hết, được coi như sự thể để Chúa ban ơn cho mọi người. Điều đó rất đúng, nhưng không chỉ mỗi thế. Nghi tiết phụng vụ, còn là diễn tả nhiều điều khác như cung cách Chúa sử dụng đền thờ để có tương quan mật thiết với mọi người. Đó là dấu chỉ. Là, biểu tượng và ảnh hình về ơn huệ Chúa ban cho mọi người, hầu tất cả sống lành mạnh, thánh thiện. Sống cung cách cộng đoàn trong tương quan hai chiều có Chúa ở cùng. Và, tham dự Tiệc Thánh, ta cảm kích được việc Chúa gặp mỗi người theo cách riêng tư, để từ đó mỗi người và mọi người lại sẽ gặp nhau trong Chúa, cùng Chúa.
Có người bảo: đây là cách linh thiêng, bí nhiệm giúp ta tiếp cận Chúa và cộng đoàn Nước Trời bằng bí tích thánh thiêng. Đó là cơ hội để ta có quan hệ yêu thương với mọi người, qua niềm tin. Đó cũng là cách Chúa thương yêu/tiếp cận mỗi người và mọi người, như ta. Thật ra, bằng vào tương quan gặp gỡ, ta tin và hiểu rằng: Chúa đang ở với ta, giúp ta nhận diện Cha bằng cách đi dần vào đời sống xã hội, rối bời. Tham dự Tiệc, là cử hành nghi tiết phụng vụ trong chính đời mình hầu giúp ta nhận ra việc ấy, đồng thời để ta dùng ơn huệ Chúa ban mà giúp mọi người nên lành thánh, tốt đẹp qua tư cách dân con Ngài yêu chuộng.
Hỏi: ngày nay Chúa có “dọn sạch” đời sống bí tích của ta không? Thông thường, mọi người vẫn bảo: tôi đến nhà thờ để “đi” lễ hoặc “đi” xưng tội; nhưng thật ra, đó không là động thái chỉ rõ việc có “đi” hay “đứng” theo nghĩa cất bước ra đi hoặc đứng dừng lại, mà là chung phần dự Tiệc. Là, sẻ san bằng sự hiện diện của chính mình, hoặc “thực hiện” việc lành thánh với nghi tiết phụng vụ thánh thiêng, mà thôi. Nếu bảo: tôi “đi” nhà thờ là để được ơn lành Chúa ban rồi sống thánh thiện, thì đúng ra phải dự Tiệc san sẻ Mình Chúa hoặc lễ tế, là để diễn tả sự lành thánh/dễ thương Chúa tỏ bày trong quan hệ với mọi người. Bởi, dự Tiệc Thánh mà không tỏ bày tình thương với mọi người, thì chắc chắn Chúa sẽ “đi” nhà thờ để “dọn sạch” chốn phụng thờ mà người người đang cử hành nhiệm tích yêu thương/đỡ đần, ngay lập tức!
Thật ra, thực thi động tác cử hành nhiệm tích Thánh mà lại không nói lên cung cách Chúa tỏ bày tình thương yêu độ lượng của Ngài ngang qua mọi người, thì việc ấy không còn mang tính thánh thiêng/huyền nhiệm cách trọn vẹn nữa. Mà, đó chỉ là hành xử mang tính xảo thuật đầy kinh ngạc, thôi.
Vấn đề là, làm sao ta nhận ra cách Chúa tỏ bày tình Ngài thương ta, nơi nhiệm tích Thánh?
Việc này chỉ hiểu được khi ta tin và nhận rằng Chúa tỏ cho ta biết qua mặc khải và bằng tâm tình người dự đối xử với nhau. Nếu không, người dự Tiệc chỉ ngồi đó nghe/nhìn/ca hát cách biếng nhác/thụ động không là phụng vụ.
Thật ra, ta còn thực hiện việc “dọn sạch” cả trong đời của mình nữa. “Dọn sạch” cuộc sống ở nhà. Tại sở làm. Với bạn bè và cho bạn bè, như thế mới đúng. Nên, “dọn sạch” là việc trước nhất Chúa tỏ cho mọi người biết rõ đường lối Ngài đối xử với con người. Nếu nghĩ rằng: việc tiên quyết ta phải làm là: xây dựng đền thờ mà thôi, tức là ta đã lật ngược ưu tiên trên dưới, được sắp đặt. Chúa nhập thể làm người, Ngài đâu thực hiện ở chốn thánh thiêng/đền thờ hay hội đường. Nhưng, ở thôn làng nhỏ bé có căn phòng bé nhỏ để thú bầy nghỉ ngơi, thế thôi. Nên, “dọn sạch” cuộc sống huyền nhiệm qua nghi tiết phụng vụ, là bắt đầu từ nhà.
Làm chuyện lành thánh ở nhà và với người thân, là đã chứng tỏ tình thương yêu của Chúa. Làm như thế, tức cử hành nghi tiết phụng vụ rất huyền nhiệm! Ngôn ngữ đời thường cho thấy: thật ra không phải như thế hiểu theo cách trọn vẹn. Trên thực tế, ta không thể cử hành nghi tiết phụng vụ tại nhà của Chúa mà lại không thực hiện điều ấy, ngay nhà mình. Bí tích rửa tội sẽ không long trọng và đủ nghĩa nếu không có tiệc mừng sinh nhật ngay sau đó.
Bí tích xá tội ở toà cáo giải, cũng sẽ không mang ý nghĩa thực thụ, nếu ta không được người thân thuộc nhà mình cảm thông yêu thương, ngay trước đó, khi sai phạm điều gì khó coi. Cũng thế, Tiệc Thánh sẽ không là chuyện thực tế nếu trước đó, ở nhà, ta chẳng có gì để ăn. Cũng thế, lễ cưới nhà thờ sẽ không đáng để đôi trẻ ký kết sống trăm năm cuộc đời, nếu hai người không thực sự yêu nhau và cưới nhau. Cả việc hai vợ chồng mới cưới ôm hôn hoà bình trước mặt mọi người, ở nhà thờ, sẽ không còn ý nghĩa nếu cả hai người không thực lòng yêu nhau, ngay tại nhà mình. Xức dầu kẻ liệt, sẽ là việc phiền toái rất vô nghĩa nếu không ai chịu ở lại để đỡ nâng người bệnh đang cần mọi người đến giúp.
Vậy, cử hành nghi tiết phụng vụ ở nhà thờ để làm gì? Có nghĩa gì?
Dĩ nhiên, ta vẫn cần nghi thức như thế. Nhưng, có nhiều cách diễn tả tình thương của Chúa, mà cuộc sống ở nhà hoặc sinh hoạt nơi làm việc, hoặc nơi bạn bè vui chơi, đều giới hạn để ta có thể “cưu mang” tình nồng thắm rất yêu thương. Ta vẫn cần khung cảnh lớn rộng hoặc nơi thuận tiện để mọi người trong gia đình cùng đến với nhau mà tỏ bày tình thương yêu Chúa uỷ thác. Vẫn cần nơi rộng rãi để thực hiện việc ấy cho kết quả. Tuy nhiên, kết quả của nơi chốn lớn rộng như đền đài thánh thiêng vẫn tuỳ vào khung cảnh nhỏ bé, ở gia đình trước đã.
Phải chăng những thứ ấy làm ta dễ tỏ bày tình thương yêu với mọi người, và với nhau hơn? Làm thế có để cho động thái diễn tả tình thương yêu mật thiết hầu tỏ bày thực chất điều Chúa đòi hỏi nơi mỗi người không? Nếu có, ắt ta sẽ chẳng cần ai đến “dọn sạch” chốn đền đài ta sinh hoạt? Bởi, Chúa vẫn cùng ta sinh hoạt trong cuộc sống, ở đời.
Chừng như thập niên qua, người Công giáo cũng đổi thay theo chiều hướng tốt. Nhất là chiều hướng hiểu rõ nhiệm tích thánh thiêng đối với mình. Có thể, họ không dùng ngôn từ chính xác để nói lên điều đó, nhưng thực sự hiểu biết hơn. Có thể, họ không cần ai giải thích để có cảm giác giống như thế, ngang qua các đổi thay trong phụng vụ. Có thể, các cấp lãnh đạo tôn giáo không mấy thích thú đón nhận họ khi họ làm thế. Tuy nhiên, nay mọi người Công giáo làm được việc ấy, mới là chuyện tài tình.
Ngày nay, Đức Giêsu vẫn tiếp tục “dọn sạch” đền đài Ngài ngự qua và bằng vào nghi tiết phụng vụ được “dọn sạch” theo cung cách giản đơn để người tín hữu theo chân Chúa hiểu rõ hơn. Có thể nói: toàn bộ cuộc sống rất hiện hữu của người Công giáo nay cũng đổi thay. Vẫn tiếp tục thay đổi như thế mãi, chứ không chấm dứt vào lúc thánh lễ vừa hoàn tất.
Cả ở Tiệc Thánh, người tham dự như đang nghe Ngài thầm nói: Này Ta đây, đang đến với con. Và con dân của Ngài cũng đang nói với nhau, những câu nói hệt như thế. Chứ không chỉ làm mỗi việc “dọn sạch” đền thờ Chúa ngự, thôi. Nói chung, người dự Tiệc Thánh đang làm những điều được Chúa đỡ nâng để hoàn tất, đúng ý Ngài.
Tựa như cử hành lễ cưới, người người đều nghĩ đến tiệc cưới mỗi ngày trong đời mình. Và mỗi khi hiểu lầm một ai, người con của Chúa vẫn nên tìm đến nhau mà sửa sai/xin lỗi để rồi thông cảm nhau, yêu thương nhau nhiều hơn trước. Đó là phụng vụ cuộc đời, có “dọn sạch”. Đó là đền thờ nơi Chúa ngự mọi ngày/mọi lúc trong đời.
Dự Tiệc ở đền thờ, còn để nhận lãnh phép lành từ Hội thánh. Ơn ấy, không chỉ hoá giải lỗi lầm ta vi phạm mà thôi, nhưng còn là tiến trình mang đến cho mình biểu hiện của tình thân thương mật thiết. Có điều là: để ý một chút, ta sẽ thấy Hội thánh nay cũng hơi khác Nước Trời cần phải có, như dạo trước. Hội thánh phải luôn là hội của các thánh biết sống đời lành mạnh, biết khám phá ra Đức Kitô và tin vào Ngài. Hội thánh phải nhận chân ra rằng: nhóm hội rất thánh của mình là chốn đền đài nơi đó mọi người sẽ sống khác xưa, vì niềm tin và tình thân thương lẫn nhau do niềm tin mang đến. Tin rằng: Chúa vẫn yêu ta và chờ đợi ta yêu Chúa đang hiện diện nơi mỗi người và mọi người.
Quả thật, hôm nay Hội thánh tưởng nhớ ngày Chúa “dọn sạch” đền đài của Ngài. Ơn thánh không phải là thành phần của công cuộc trị liệu cách tiểu tiết, bán lẻ. Thế nên, cũng đừng tìm cách mua bán/đổi chác mọi thứ để được ơn lành Chúa ban. Bởi, Chúa của ta đâu nào bán buôn. Nhưng, hãy tỏ bày niềm cảm kích biết ơn nhau nhiều hơn, vì Ngài độ lượng nên mới giới thiệu với ta tình Chúa Cha yêu thương hết mọi người. Dự Tiệc Thánh hôm nay, cũng nên biết rõ điều ấy, để ta không còn cần Chúa đến “dọn sạch” đền đài Ngài ngự, hầu dồn “hết tâm hồn và hết cả da xương” vào việc thực hiện Lời Chúa, qua yêu thương.
Trong tâm tình đó, cũng nên ngâm tiếp lời thơ yêu còn bỏ ngỏ ở đâu đó, rằng:
“Xin yêu mãi mãi và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn.”
(Bùi Giáng – Phụng Hiến)
“Xin yêu mãi mãi và yêu nhau mãi”, là ý nghĩa của đời người mà nhà thơ nay khám phá. Thế đó, là niềm riêng con dân nhà Đạo nay cương quyết. Quyết thể hiện tình thân thương mật thiết để Chúa không đến “dọn sạch” đền đài Ngài ngự như Ngài đã làm với người Do thái ở Giêrusalem chốn nguy nga, hoành tráng rất thánh thiêng, là Đạo Chúa.
Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn –
Mai Tá lược dịch.