“Tôi cứ tưởng bây giờ tôi đã chết,

 “Tôi cứ tưởng bây giờ tôi đã chết,

Trước dung-nhan Thượng-Đế, xét tội/công.

Xin tha-thứ bao tội lỗi chất-chồng

Những chối bỏ, khinh chê người tật/bệnh.

Kẻ già nua, thơ trẻ Ngài truyền lệnh

Người bơ-vơ hèn mọn chính là Ta.”

(Dẫn từ thơ Nguyên Đỗ)

Mai Tá lược dịch.

Bơ vơ hèn mọn. Tật bệnh, lũ trẻ thơ. Và, người nữ-phụ chất-chồng nhiều tội-lỗi, Chúa thứ tha. Chúa tha thứ, Ngài thẩm-định mọi việc không do quá-khứ, hệ-lụy mà do biết từ-bỏ những gì lôi kéo người người xuống bùn đen. Bùn đen hôm nay, mon men đến gần với Chúa, để được tha-thứ. Tin Mừng cho thấy diện-mạo hai nhân-vật: một Biệt-phái tên Simôn, một nữ-phụ gọi tắt là Maria. Biệt-phái theo ngôn-ngữ Do-thái-giáo, là “người tách riêng”. Vào thời của Chúa, người Biệt phái như thế rất đông. Đông đến 6 ngàn người. Và, họ ở rải-rác trên toàn cõi Palestine.

Hôm nay, Biệt Phái Simôn mời Đức Kitô đến nhà, phải chăng để huênh hoang khoe chòm xóm: mình quen lớn. Hay, chỉ muốn thách thức thái độ và lời dạy của Đức Kitô, thôi? Điều này, không rõ. Nhưng, chúng ta đều biết, Đức Giê-su không chọn người để đến thăm. Ngài nhận lời đến với người giàu – kẻ nghèo, dù Biệt Phái. Với giới kinh sư, thu thuế, và người phạm tội, rất đáng ghê. Vào nhà Biệt Phái Simôn, ta thấy dường như ông ta cố ý để ngỏ cửa, và tiếp đón hời hợt như muốn đặt Đức Kitô vào tình trạng lúng túng, khó xử. Cửa để ngỏ, khiến người nữ phụ tội lỗi dễ đi  thẳng vào bên trong, để gặp Chúa. Dù không đuợc mời, nhưng chị vẫn đến. Chị đến, để xem Đức Kitô đối xử ra sao với đám tội phạm. Lạm dụng tình.

Cử chỉ của người nữ phụ tội lỗi, những là: xõa tóc, đổ dầu thơm lên chân. Rồi còn, hôn chân Chúa và khóc lóc, làm đẫm ướt chân Ngài. Cảnh tượng này, có lẽ đã gây xúc phạm đối với những người công chính hiện diện, buổi hôm ấy. Trình thuật kể rõ chi tiết, để nêu lên hai thái cực của hai loại người tội lỗi. Hai thái cực này, có thể gây khó chịu cho nhân vật chính được mời, là Đức Kitô.

Lỗi của Biệt Phái Simôn, là: tuy mời Đấng Thiên Sai Đức Chúa, nhưng ông lại không làm thủ tục xã giao đúng với qui cách của nhà chủ, tức: ông ta đã không rửa chân, không ôm hơn hoà bình. Không đổ dầu lên tóc. Cả đến cử chỉ sám hối – ăn năn, cũng không. Cảnh trí trong truyện, còn dẫn đến tình huống gay hơn: khi Chúa quay về phía người nữ phụ từng phạm lỗi khi trước, Ngài nói: “Tội của chị nhiều thật đấy, nhưng đã được tha; bằng chứng là chị đã yêu mến nhiều.” (Lc 7: 47)

Trình thuật Phúc âm, ngay từ đầu cho thấy: các xử sự của Đức Kitô rất nhẹ nhàng. Tự do. An bình. Ngài không tỏ dấu hiệu bất an. Lúng túng. Cũng chẳng ra lệnh cho người nữ phụ phải ngưng ngay các hành vi dễ gây ngộ nhận, ra như thế. Bởi, với người đời, chị luôn bị coi là người tội lỗi, mà lại dám có cử chỉ khiếm nhã, với Đấng Hiền Từ, Yêu Thương là Đức Kitô, sao? Thay vì nổi giận hoặc ngượng ngùng trước những động tác hơi xỗ sàng ấy, Đức Kitô đã không khiển trách chị; trái lại, Ngài tuyên bố: tội của chị đã được tha. Tuyên bố như thế, chẳng phải là: Chúa muốn chứng tỏ quyền uy của Ngài, là tha tội. Nhưng, qua hành động ấy, Ngài muốn nói với mọi người, rằng: lòng tin-yêu và hối cải của người phạm lỗi đã đem lại cho họ sự thứ tha. Tha thứ ấy, nay được thể hiện qua việc đổ tràn tình thương tiếp diễn, ngay sau đó.

Tình yêu và tội lỗi, hai điều không thể đi chung, cùng sống tương hợp với nhau. Càng không thể hiện diện trong cùng một nhân vị. Nhưng ở đây, người nữ phụ đã bày tỏ lòng chị đã tin-yêu Chúa thật sự. Nên, vì tình thương ấy, mọi lỗi phạm của chị đã trở thành những sơ xuất chị làm trong quá khứ. Hiện tại, khi được thứ tha, tâm hồn chị trở nên trong trắng. Rất nhiều. Xem thế thì, tình thương yêu xóa bỏ được mọi tì vết dù rất lớn, trong quá khứ. Quá khứ, không quan trọng. Hiện tại, mới cần quan tâm.

Thời nay, người đời thường chú trọng đến những gì người khác đã làm trong quá khứ. Vẫn cứ chụp lên đầu những người làm điều sai quấy bằng các nhãn hiệu/tên gọi rất khắt khe. Dù, họ đã biết đổi thay. Khắt khe quá, khiến đương sự dù có muốn, cũng không thoát khỏi các tai tiếng về các lỗi phạm, thời quá khứ. Và cứ thế, tiếng xấu cứ đeo bám họ suốt chuỗi ngày còn lại. Với Chúa, quá khứ tội lỗi không còn là vấn đề. Điều Ngài quan tâm, là: biết hối hỗi. Và, từ nay không làm thế.

Trong tâm tình này, tay trộm nghèo treo cạnh Chúa trên đồi cao hôm ấy, cũng đã ý thức. Hắn biết kêu gọi tình thương Chúa tha thứ. Nên, được Chúa hứa cho về với Ngài, nơi cõi phúc. Có lẽ, nhiều người sẽ cho đây là chuyện bất công, Chúa đã làm? Nhưng hãy nhớ rằng: ý niệm công bằng của Chúa, không là công bằng trần gian, ta vẫn hiểu. Thử hỏi: nếu Chúa không tha thứ; không đặt nặng đến hành vi ta làm trong hiện tại, thì e rằng người người sẽ không khỏi lúng túng về các lỗi phạm thời đã qua, của mình.

Đây còn là ý chính ở bài đọc 1. Nếu chỉ kể những việc mình làm trong quá khứ, thì Đavít sẽ là tay tội phạm tày trời. Hết cướp vợ người khác, lại giết người không gớm tay, không buông tha cả những đầu xanh vô tội. Nhưng, Đavít đã biết sám hối và đổi thay, nên ông được Yavê Chúa thứ tha. Nhờ sám hối – đổi thay, Đavít đã đi vào vòng tay ôm thương yêu của Chúa. Đúng như lời tiên tri Nathan nói: “Về phía Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài rồi.” (2Sm 12: 13).

Một lần nữa, Thiên Chúa cho thấy: Ngài muốn cải hóa người phạm lỗi, chứ không xử phạt. Xử phạt là hành vi hủy hoại. Chúa chẳng bao giờ hủy hoại ai. Một thứ gì. Ngài muốn mọi người trở nên một. Một thân mình. Một cộng đoàn yêu thương. Cộng đoàn biết sống hài hoà. Bình an. Trong nội tâm.

Tư tưởng này, thánh Phao lô cũng bộc bạch ở bài đọc 2. Tất cả mọi người hãy củng cố niềm tin vì đã có tình thương yêu tha thứ của Chúa, với mình. “Người được nên công chính không phải nhờ đã làm những gì luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Kitô.” (Gl 2: 16). Đó là khác biệt giữa lối hành xử của Simôn Biệt Phái và Maria, người nữ phụ đầy lỗi phạm.

Hôm nay, tất cả mọi người, công chính cũng như có tội, nhờ có niềm tin thương mến nơi Chúa, nên đã được cứu rỗi. Tin, không là động thái của tri thức. Tin, cũng không phải là mớ tín điều mọi người cần giữ. Nhưng, trước hết và trên hết, tin chính là hành động của những người biết yêu thương. Tin tưởng vào điều gì. Vào người nào.

Nếu agapè (lòng mến) là ngôn từ chỉ định tình Cha thương yêu, thì pistis (lòng tin), là đường lối để ta đáp lại tình yêu thương ấy. Ta không thấy Chúa, cũng không bao giờ biết được Ngài, nhưng vẫn tin vì đã dựa vào các trình thuật/truyện kể, nơi Phúc Âm. Ở nơi đó, Chúa đến với ta,qua xác hèn phàm trần bằng xương bằng thịt, của Đức Kitô. Nhờ đó, ta có bước dài củng cố lòng tin mà dâng hiến trọn mình để Ngài chăm sóc. Mến thương. Tựa như người nữ phụ tội lỗi đã làm, hôm nay. Và như thánh Phaolô khuyên nhủ, tin vào Đức Kitô đã cải hoán cuộc đời của chúng ta.

Như thánh Phaolô, luật lệ không còn mang ý nghĩa gì, đối với ta. Luật lệ, sẽ không là chuyện cần thiết ta phải có, khi cuộc sống của mọi người đã có tình thương yêu hướng dẫn. Ai yêu thật sự, chẳng bao giờ làm điều sai quấy. Ác độc. Dù họ có vi phạm những chấm phết của luật lệ. Và, khi đã yêu, thì luật lệ tự khắc sẽ được tuân thủ. Nói khác đi, nếu chỉ giữ luật mà không yêu thương, thì kết cuộc cũng sẽ đưa đến những hậu quả thảm khốc, không ngừa trước.

Chính vì thế, mà thánh Phaolô  -người Biệt Phái hăng say săn bắt người phạm luật Do Thái thuở trước-  đã biết từ bỏ luật lệ của nhóm mình để trở về hiến tặng trọn đời mình cho Đức Chúa. Và khi đã hiến trọn chính mình, thánh nhân dám nói lên câu để đời: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2: 20). Hôm nay, cuộc sống và lời rao giảng của thánh nhân đã trở thành gương sáng, cho ta theo.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay