Thứ Sáu 13 Đẫm Máu

Thứ Sáu 13 Đẫm Máu

...cuộc tấn công của khủng bố tại Paris đã gần như xoá bàn cờ chính trị thế giới…

Quả vậy, Thứ Sáu 13 vừa rồi đã mang lại cho cả thế giới những hình ảnh cuộc tấn công của khủng bố đẫm máu nhất kể từ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Tối hôm đó, bắt đầu từ 9 giờ 30, quân khủng bố đồng loạt tấn công bẩy địa điểm ngay trong trung tâm thủ đô Paris. Từ vài quán càphê nhỏ cho tới rạp hát lớn và sân vận động.

Việc kiểm kê chưa hoàn tất, nhưng ít nhất đã có 129 nạn nhân bị chết, gần 300 bị thương trong đó gần 80 người rất nặng, một số sẽ không qua khỏi; và 8 tên khủng bố bị chết trong đó có hai tên chết theo áo bom mang trên người. Chưa rõ bao nhiêu tên tẩu thoát và bao nhiêu tên tham gia vào cuộc “hành quân” quy mô này, trực tiếp hay gián tiếp.

TT Pháp ban hành tình trạng khẩn trương trên cả nước, đóng cửa biên giới hy vọng những tên khủng bố sẽ không có dịp tẩu thoát ra ngoài nước. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi bị tấn công, TT Pháp đã công khai tố cáo tổ chức ISIS là thủ phạm, và cũng ngay sau đó, ISIS chính thức lên tiếng xác nhận đã chủ động cuộc tấn công này để trả thù cho việc Pháp tham gia oanh kích quân ISIS tại Iraq. Một thông hành Syria đã được tìm thấy gần nơi bom nổ tại sân vận động. TT Hollande tuyên bố đây là “chiến tranh” và hứa sẽ trừng phạt mạnh mẽ, tàn khốc nhất, không nương tay.

Cuộc tấn công kinh hoàng của ISIS chấn động cả thế giới, không thua gì vụ 9/11 của Mỹ. Dĩ nhiên đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Tất nhiên sẽ có cả ngàn câu hỏi được nêu ra, hàng loạt điều tra sẽ được mở ra để tìm hiểu và trả lời những câu hỏi đó.

Ngay bây giờ, ta đã phải hỏi ngay làm sao ISIS có thể đẻ ra và thực thi một kế hoạch lớn như vậy, thực hiện một cuộc tấn công quy mô, kết hợp chặt chẽ, đánh thẳng vào thủ đô Paris cách Iraq tới gần nửa trái đất, súng đạn đâu ra nhiều thế trong cái xứ mà súng ống đâu có được bán tự do như Mỹ đâu. Khủng bố trước đây đã đánh một toà báo và giết hết nhân viên tại đó ngay tại Paris, và đã liên tục hăm doạ sẽ tiếp tục cuộc chiến, vậy mà sao khủng bố vẫn đánh được một cách quy mô như đã hăm dọa. An ninh Pháp mắc say xỉn rượu vang hết rồi sao?

Quân khủng bố còn gan to đến độ dự tính giết cả tổng thống Pháp. Hai trái bom đã nổ bên ngoài sân vận động Stade de France trong khi tổng thống Pháp và ngoại trưởng Đức đang xem trận túc cầu giao hữu Pháp-Đức. An ninh quá gắt vì sự hiện diện của tổng thống nên quân khủng bố không vào lọt, đành cho bom nổ bên ngoài. Trong khi an ninh di tản tổng thống, dân Pháp bình tĩnh ngồi coi hết trận đấu, ra về trong trật tự, vừa đi vừa hát quốc ca, phất cờ Pháp.

Tất cả những câu hỏi trên dần dà rồi sẽ có câu trả lời, tuy không trọn vẹn. Nhưng quan trọng hơn những chi tiết đó là những câu hỏi liên quan đến chính sách và kế hoạch chống khủng bố của Pháp nói riêng và của cả thế giới, nhất là của Mỹ, nói chung.

Khủng bố al Qaeda có thể đã chết hay thoi thóp từ lâu rồi. Nhưng những đứa con đẻ, con rơi của al Qaeda đã mọc lên như nấm rơm trên khắp thế giới, nhất là trong các xứ Trung Đông. Mạnh nhất dĩ nhiên là lực lượng ISIS, sanh tại Syria và lớn lên tại Iraq.

Pháp là một trong những đồng minh cột trụ của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ngay từ đầu. Nhưng sự tham gia của Pháp thuộc loại ền ển xìu xìu. TT Bush tuyên chiến với khủng bố từ 2001, Pháp bây giờ mới làm. Pháp tham gia gửi quân qua đánh Taliban nhưng không tích cực lắm, rồi công khai chống việc đánh Iraq, nhẩy qua phe Nga và Trung Cộng, chống Mỹ và Anh tại Liên Hiệp Quốc. Trong nước, chính phủ cũng đắn đo cân nhắc từng lời nói hay hành động đụng chạm đến khối Ả Rập và Hồi giáo. Sự cẩn trọng này bị áp đặt bởi sự hiện diện của một khối dân Hồi giáo và Ả Rập rất lớn tại Pháp, phần lớn là dân gốc Bắc Phi. Có thể nói là khối này chiếm tới 20% dân Pháp. Đây là kết quả của chính sách cư trú rộng rãi với dân thuộc địa cũ, cũng như phù hợp với chính sách di dân mở rộng mà khối cấp tiến chủ trương. TT Hollande thuộc đảng Xã Hội.

Trong vấn đề này, Pháp cũng không khác gì phần lớn các quốc gia Tây Âu, như Bỉ, Hoà Lan, Đức, Đan Mạch. Cũng tham gia ển ển xìu xìu vào cuộc chiến chống khủng bố trong khi phải trực diện với một khối dân Ả Rập và Hồi giáo rất lớn trong nước.

Cái chính sách chung này đưa đến tình trạng Mỹ một mình gồng gánh cuộc chiến chống khủng bố trong khi Tây Âu hoặc là tham gia cho có, hoặc là ngó lơ, an phận thủ thường, tránh xa vùng lửa đạn, hy vọng khủng bố chỉ ghét Mỹ chứ không ghét Tây Âu là những xứ mở rộng cửa đón dân Hồi giáo.

Sau vụ 9/11, chỉ có Anh Quốc là nước tích cực, sát cánh với Mỹ nhất. Tây Ban Nha lúc đầu cũng sát cánh, nhưng bị đánh bom, chết cả trăm người, run rẩy nhẩy ra khỏi vòng chiến, rút hết quân về, vuốt ve tối đa khối Hồi giáo trong nước, và tương đối được yên thân sau đó.

Nói tóm lại, cuộc chiến chống khủng bố là cuộc chiến do Mỹ chủ động, hay đúng hơn, do tổng thống Mỹ chủ động. TT Mỹ đánh mạnh, thế giới đánh mạnh theo, TT Mỹ vuốt ve, cả thế giới cũng lo vuốt theo. Muốn nhận định về cuộc chiến chống khủng bố chỉ cần nhìn vào sách lược của tổng thống Mỹ.

Sau vụ 9/11, TT Bush tuyên bố cuộc chiến chống khủng bố là “chiến tranh” –war-. Toàn thể quân lực Mỹ được huy động và quân khủng bố bị coi như tù nhân chiến tranh, khi bị bắt, không xử án gì hết mà bị giữ cho đến ngày chiến tranh chấm dứt. Một bước nhẩy vọt so với TT Clinton khi ông này coi khủng bố chỉ là vấn đề an ninh trật tự – law and order-, do cảnh sát lo, các tên khủng bố bị bắt là những tội phạm thường dân, bị mang ra toà, có đầy đủ luật sư biện hộ, bị nhốt một thời gian nhất định rồi được trả tự do lại.

Dù không công tâm, thích Clinton cách mấy và ghét Bush cách mấy, cũng phải nhìn thấy rõ kết quả của hai sách lược: sách lược Clinton đưa đến 9/11, sách lược Bush đưa đến hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq, nhưng an toàn trên đất Mỹ.

TT Obama sau khi nhậm chức, đã trở về sách lược của TT Clinton, tìm mọi cách đóng cửa nhà tù Guantanamo, đưa các tên khủng bố ra tòa dân sự Mỹ để gọi là tôn trọng nhân quyền của chúng. Ngay sau khi nghe tin về Paris, TT Obama long trọng kêu gọi phải “mang thủ phạm ra trước công lý”. Vẫn chỉ là chuyện an ninh trật tự công cộng, như thể mấy tên khủng bố tại Paris ăn cướp nhà hàng, không phải chiến tranh.

Ngoài nước, TT Obama cố chấm dứt hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, rút hết quân về càng sớm càng tốt, bất kể hậu quả. Ngày trước TT Bush nói rõ nếu rút nhanh quá, sẽ có ngày phải trở lại. Nhưng đó là nhận định của anh cao bồi. Ông Nobel tự tin rút nhanh không sao vì có đi kèm với chính sách xin lỗi, vuốt ve Hồi giáo và Ả Rập. Rút cứ rút, bất kể mọi biến chuyển của tình hình chiến trường.

Năm 2011, TT Obama ra lệnh đột kích giết Bin Laden. Cuộc đột kích thành công, thiên hạ điếc con ráy nghe TT Obama đấm ngực khoe công. Không ai nghe đến việc TT Bush là người đã thành lập toán đặc nhiệm SEAL để đi lùng Bin Laden trong suốt cả chục năm. Cũng ít người nghe đến chiến công của các quân nhân toán đặc nhiệm. Chỉ nghe đến quyết định của vị tổng thống anh minh, can đảm, quyết tâm,…

Được hỏi sao không nhắc đến công của TT Bush thì những đệ tử của TT Obama mau mắn khẳng định “chuyện xẩy ra dưới tổng thống nào thì tổng thống đó trách nhiệm, công cũng như tội”. Nghe thì có vẻ đúng, nhưng thật ra chỉ đúng một nửa. Câu nói này chỉ áp dụng khi nào TT Obama thành công chuyện gì thôi –như vụ Bin Laden-, còn khi thất bại, thì vẫn là lỗi của Bush, hay lỗi tại tsunami, động đất bên Tàu,… như nạn thất nghiệp kéo dài cả năm sáu năm, kinh tế trì trệ đến bây giờ, bẩy năm sau, vẫn chưa tăng lãi suất qua khỏi mức Zero được. Bẩy năm dưới Obama nhưng vẫn lỗi Bush.

Đưa đến vấn đề ISIS. Đây là tổ chức khủng bố sanh non chết yểu dưới thời TT Bush. Khi TT Obama nhậm chức thì chẳng ai còn nghe nói đến tổ chức khủng bố này hết, vì lực lượng khi đó chỉ lèo tèo dăm ba chục anh. Lãnh tụ al Baghdadi còn đang ngồi tù. Năm 2009, dưới chính sách vuốt ve Hồi giáo cũng như trong tinh thần tôn trọng nhân quyền của khủng bố, TT Obama trả tự do cho al Baghdadi. Chẳng bao lâu sau, năm 2011, al Baghdadi được tôn làm lãnh tụ ISIS (Islamic State of Iraq and Syria), khi đó hoạt động dưới tên IS – Islamic State.

Sự hồi sinh và lớn mạnh của ISIS xẩy ra khoảng từ năm 2009, là năm al Baghdadi được TT Obama trả tự do, lớn mạnh trong suốt gần hai nhiệm kỳ của ông khi quân Mỹ ào ào lên tàu bay về nước. Như vậy là xẩy ra dưới thời TT Obama. Như vậy TT Obama có chịu trách nhiệm không? Đừng hỏi TT Obama và mấy vị đệ tử của ông ta: đó vẫn là lỗi Bush đã đánh Iraq năm 2003.

Thật ra, sự lớn mạnh của khủng bố ISIS là hậu quả trực tiếp của chính sách chống khủng bố kiểu đà điểu vùi đầu dưới cát. Chối bỏ sự thật, hay không dám nhìn thẳng vào sự thật. ISIS là tổ chức như vậy mà TT Obama gọi là đội bóng rổ trung học -junior varsity team? Đánh ISIS bằng vài cái máy bay không người lái, tuần này giết một “lãnh tụ” –tên nào bị giết cũng được Nhà Nước Obama tuyên phong là “lãnh tụ”-, tháng sau giết một tên khác.

Hay là ISIS năm 2012 là đội bóng rổ trung học thật, nhưng đã lớn như thổi dưới chính sách của TT Obama. Như vậy có phải tội của TT Obama không hay vẫn là tội của Bush?

Không cần biết lỗi phải của ai, nguyên nhân từ đâu, chính sách nhắm mắt không nhìn nhận sự lớn mạnh của ISIS, cứ tiếp tục rút quân về để “lính Mỹ khỏi chết” đã chứng minh là một thất bại vĩ đại vì quá thiển cận, nhìn không xa hơn đầu mũi. Tây Âu theo gương Mỹ, nhắm mắt không muốn nhìn thấy ISIS. Mặc cho ISIS tung hoành.

Lính Mỹ và Tây Âu bớt chết thật, nhưng cả triệu dân Trung Đông đang ào ạt chạy qua Âu Châu gây nên khủng hoảng xã hội chưa từng thấy, bây giờ ISIS vươn cánh tay qua tới Pháp luôn, khiến dân chết. Lính Mỹ không chết, nhưng đã có ít nhất 4 thường dân Mỹ chết tại Paris. Tránh cho lính khỏi chết để dân chết thế, đó có phải là sách lược trị quốc đúng không? Trong tương lai, tiếp tục chính sách ển ển xìu xìu này, có thể ISIS sẽ đánh qua tới Bỉ, Hoà Lan, và Anh luôn. Biết đâu chừng sẽ tới Nữu Ước?

Cuộc chiến chống khủng bố, qua những biến cố tại Paris, đã trở lại trang nhất của tất cả mặt báo trên thế giới. Cái điều miả mai trớ trêu nhất là tình cờ, đúng một ngày sau khi TT Obama lên TV ở Mỹ vỗ ngực khoe công sách lược của ông đã kềm hãm –contain- được ISIS thì ISIS bắn loạn đả tại Paris. Chưa hết. Ngoại Trưởng Kerry hùng hổ tuyên bố “ngày tàn của ISIS đang điểm, chúng sẽ bị hủy diệt”. Đúng 12 tiếng đồng hồ sau, cuộc tấn công Paris bắt đầu. Một là chính quyền Obama vẫn tiếp tục bốc phét, hai là vẫn tiếp tục vùi đầu dưới cát. Ba là cả hai vế trên đều đúng.

Nạn nhân của cuộc tấn công chẳng phải chỉ là những công dân Paris, mà còn có luôn cả TT Obama khi thiên hạ thấy sách lược chùm mền chống khủng bố của ông đã là một thất bại thật lớn. Ngay cả đài phe ta CNN cũng phải nhìn nhận cuộc tấn công tại Paris là một đòn đánh vào TT Obama –“blow to Obama”.

Ngay sau khi tin tức cuộc tấn công tại Paris còn đang nóng bỏng, một số dân biểu và nghị sĩ, thuộc cả CH lẫn DC, đã lên tiếng đòi hỏi TT Obama phải mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. TT Obama sẽ bị áp lực rất nặng phải làm một cái gì chứ không thể tiếp tục chùm mền, đánh khủng bố bằng cách bắn tẻ.

Cho đến nay, chưa ai biết TT Hollande sẽ làm gì. Đã có tiếng nói kêu gọi Pháp mang 100.000 quân qua đánh ISIS tại Iraq và Syria, cùng với sự tham chiến của quân Âu Châu và… Mỹ nữa. Nếu thật sự TT Hollande gửi quân đi đánh Iraq mà TT Obama ngồi nhìn thì thế giới sẽ có dịp nhận định, so sánh với phản ứng của đồng minh những năm 2001 khi Mỹ đánh Taliban sau vụ 9/11.

Pháp cũng là thành viên của Hiệp Ước Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương – NATO-, bây giờ Pháp bị đánh, NATO trong đó có Mỹ, phải làm gì? Sẽ làm gì?

Nếu TT Obama tiếp tục tự trói tay mình trong mấy cái máy bay không người lái trong khi vẫn khẳng định ISIS là đội bóng rổ trung học, thì quả là nước Mỹ đã đào ngũ, từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới để về làm bạn với mấy nước… Congo, không có trách nhiệm gì với thế giới nên chẳng cần phải động tĩnh gì khác. Lãnh đạo thế giới quả là trách nhiệm quá lớn đối với một anh tổ chức cộng đồng của một khu phố Chicago.

Cuộc tấn công tại Paris có thể cũng sẽ ảnh hưởng thay đổi cuộc diện cuộc chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ. Nhìn vào tình trạng rối răm lớn của thế giới, nhiều người sẽ suy nghĩ lại xem những tay mơ chẳng chút kinh nghiệm chính trị hay quân sự nào có còn là những ứng viên lý tưởng hấp dẫn nữa hay không. Những ông doanh gia hay bác sĩ có đủ sức chống trả quân khủng bố hay không? Hay những ông cấp tiến cực đoan chủ hoà tuyệt đối có thể còn được tin tưởng là có khả năng bảo vệ nước Mỹ không?

Đài CBS đã vội vã thay đổi đề tài cuộc tranh luận của các ứng viên Dân Chủ tối thứ bẩy để thêm đề tài khủng bố vào. Bà Hillary bị đẩy vào thế bất lợi khi ai cũng thấy ISIS đã lớn mạnh trong lúc bà làm Ngoại Trưởng. Nhưng cả hai ông Sanders và OMalley đều “đánh” rất nhẹ tay, vì quan điểm cấp tiến chủ hoà tối đa, cũng như vì thua xa bà Hillary về kinh nghiệm chính trị quốc tế và an ninh quốc gia. Với kinh nghiệm chính trị của bà, hai ông Sanders và OMalley có triển vọng sẽ bị loại rất sớm.

Nhưng bảo đảm mai này, ứng viên của đảng Cộng Hoà sẽ không nương tay. Bà sẽ phải bị dồn vào thế phải… đổ thừa cho TT Obama. Phải phàn nàn là bà chủ trương mạnh tay hơn tại Trung Đông nhưng bị TT Obama phủ quyết. Đó là cách duy nhất bà chạy tội.

Có một điều lý thú. Khi được hỏi về việc bà biểu quyết cho TT Bush đánh Iraq, bà nhìn nhận đó là một sai lầm, nhưng bà cũng nói thêm, việc đánh Iraq không phải là lý do giải thích sự lớn mạnh của khủng bố. TT Bush chắc thấy mát tai. Phe cấp tiến cho đến nay vẫn nằng nặc đổ lỗi TT Bush đã gây bất ổn tại Trung Đông, gián tiếp khai sinh ra ISIS khi đánh Iraq.

Tình hình biến chuyển có phần lợi cho phe Cộng Hoà nói chung vì sẽ có dịp mang vấn đề an ninh quốc gia trở lại ưu tư hàng đầu của nước Mỹ, mà trong vấn đề này, ai cũng biết đảng Cộng Hoà mới là đảng mạnh. Sách lược vuốt ve, và rút về an phận thủ thường của TT Obama sẽ bị mổ xẻ và tấn công mạnh. Đặc biệt cũng sẽ có lợi cho các ứng viên nhiều kinh nghiệm chính trị như các ông thống đốc và cựu thống đốc, hay nghị sĩ. Trong khi các ông Trump và Carson, bà Fiorina sẽ mất giá.

Trong cái rủi có cái may, bây giờ ta sẽ có dịp nghe các ứng viên nói về cách họ sẽ bảo vệ ta chống khủng bố như thế nào, một vấn đề quan trọng hơn xa chuyện quá khứ thời thơ ấu của BS Carson là đề tài truyền thông phe ta đang tìm rác. Những tiếng nói cấp tiến cực đoan muốn thu hồi luật Patriot Act sẽ bớt ồn ào một thời gian.

Tóm lại, cuộc tấn công của khủng bố tại Paris đã gần như xoá bàn cờ chính trị thế giới, ép tất cả mọi người phải trực diện mối đe dọa lớn của khủng bố, không ai còn có thể vùi đầu dưới cát nữa.

Tất cả các chính phủ Tây Âu và Mỹ sẽ phải duyệt xét lại mọi sách lược. Tất cả các cử tri Tây Âu và Mỹ cũng sẽ phải xét lại quan điểm của mình. Cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ sẽ có chuyển động lớn. Trong tương lai, Tây Âu sẽ có thể ngả mạnh về phiá hữu, với các đảng bảo thủ mang tinh thần quốc gia cực đoan nặng sẽ có tiếng nói lớn. Mặt Trận Quốc Gia – Front National của bố con ông Le Pen sẽ có dịp quậy mạnh tại Pháp. Khối di dân từ Trung Đông sẽ lãnh hậu quả bất lợi nhất trong khi khối di dân lậu ở Mỹ cũng sẽ gặp chống đối mạnh hơn. (15-11-15)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: [email protected]. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay