Từ cây xanh đến con sông, một tội ác không thể tha thứ
Lê Diễn Đức
Nếu đến thành phố St. Petersburg, ta mới thấy được tầm nhìn xa của Pie Đại đế trong việc quy hoạch đô thị.
Cách đây hơn 300 năm, vào năm 1703, Pie Đại đế đã phát lệnh khởi công xây dựng thành phố Sankt Peterburg. Vào lúc ấy phương tiện đi lại thông dụng là xe ngựa, vậy mà hơn 300 năm sau, những con phố chính ở khu trung tâm với cây xanh và vỉa hè rộng thênh thang vẫn đủ mở những con đường hai chiều, mỗi chiều hai ba lằn xe hơi. Kinh nghiệm của Pie Đại đế sau những cuộc đi thăm viếng phuơng Tây cùng với đầu óc viễn kiến đã làm cho S. Petersburg trở thành một thành phố du lịch đẹp nổi tiếng nước Nga.
Năm 1990 nước Đức thống nhất. Một phần tư lãnh thổ hợp nhất với ba phần từ còn lại, đã ngốn hàng ngàn tỷ D Mác mà vẫn không thể cân bằng được mức sông Đông-Tây. Chi phí lớn nhất cho tiến trình hội nhập Đông Đức với Tây Đức là giải quyết bảo vệ môi sinh, thậm chí một số nhà máy phải đóng cửa vì mức độ xả nước thải công nghiệp ra sông gây ô nhiễm quá lớn.
Ba Lan, nơi tôi sống nhiều năm, sau khi gia nhập Liên minh châu Âu năm 2005, đã nhận được hàng chục tỷ euro cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tiền đầu tư cải thiện môi trường chiếm tỷ trọng rất cao, nếu không nói là nhiều nhất.
Chặt đốn cây ở Ba Lan trong thành phố cần phải có giấy phép của cơ quan chức năng nhưng không phải đối với loại cây nào cũng có thể cho phép. Chặt đốn cây xanh có tuổi trên 10 năm trong sân vườn nhà của mình cũng đòi hỏi phải có giấy phép. Tiền phạt cho những vi phạm tổn hại cây xanh được quy định cao đến mức gần như phi lý.
Sau khi chế độ cộng sản Ba Lan sụp đổ vào năm 1989, từ thập niên 90 đến thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, thủ đô Warsaw như một công trường xây dựng. Quy hoạch và phát triển thành phố từ cấu trúc của xã hội chủ nghĩa cũ thật khó khăn. Khắp nơi, ở đâu cũng thấy cần cẩu, người ta xây những khu nhà mới hay những ngôi nhà cao chọc trời ở giữa trung tâm, các nhà ga tàu điện ngầm mọc lên, nhưng tôi không nhìn thấy một cây xanh nào bị đốn, mà chỉ thấy các thảm cỏ và cây xanh được trồng thêm.
Quy hoạch và phát triển đô thị đòi hỏi phải có tầm nhìn dài hạn cho hàng chục, hàng trăm năm sau. Nếu chỉ làm đến đâu biết đến đấy, theo lối ăn xổi ở thì, thì tương lai không biết sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tiền cho đủ để cứu vãn môi trường bị huỷ hoại.
Kế hoạch chặt đốn 6.700 cây xanh ở Hà Nội là thể hiện cái nhìn một chiều ở tầm rất thấp.
Tôi chưa thấy hay nghe nói có một thành phố nào trên thế giới chặt đốn hàng ngàn cây xanh cổ thụ đồng loạt và vội vã như thế.
Vấn đề thay những cây quá già, bị sâu mọt, có thể gây hiểm hoạ giao thông, ở đâu người ta cũng làm, nhưng chỉ thay thế những cây xấu ấy bằng cây khác, tuyệt nhiên không có tình trạng đốn hàng trăm cây trên một con phố, kể cả những cây còn xanh tốt như ở Hà Nội. Nếu cây cối gây cản trở cho các dự án phát triển đô thị thì công trình buộc phải bảo quản tối đa cây xanh và có biện pháp di dời thích hợp.
Cây xanh là lá phổi của thành phố. Những cây xà cừ, cây sấu, hoa sữa với tuổi thọ cả trăm năm, mang trên mình những thăng trầm lịch sử, che chắn mưa gíó, mang bóng mát cho con người, là một trong những nét đặt thù của thủ đô Hà Nội trữ tình và lãng mạn.
Bỗng nhiên bị tước đoạt vô căn cứ một phần dưỡng khí, người Hà Nội nổi giận, biểu tình phản đối quả thật hợp lý. Chưa cần nói tới việc đằng sau kế hoạch chặt đốn cây có nhữmg lợi ích mờ ám nào của các quan chức lãnh đạo thành phố Hà Nội mà công luận đang đòi hỏi phải làm rõ.
Khi câu chuyện cây xanh Hà Nội vẫn đang là chủ đề nóng thì nghe nói người ta đang cho phép doanh nghiệp tư nhân lấp sông Đồng Nai.
Hệ thống sông Đồng Nai cung cấp nước sinh hoạt cho 18 triệu người thuộc 11 tỉnh thành gồm Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Nước sông Đồng Nai đang có các chỉ số ô nhiễm vượt quy chuẩn. Chất lượng nước từ con sông này đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất hữu cơ, vi sinh, kim loại nặng… Các nhà khoa học, cơ quan chức năng đều khẳng định nguyên nhân là do nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, dân cư… và sự quản lý yếu kém của các cơ quan liên quan.
Theo ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước và Môi trường (Bộ Xây dựng), hệ thống sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm trầm trọng. Mỗi ngày con sông tiếp nhận trên 500 ngàn mét khối nước thải công nghiệp từ trên 60 khu công nghiệp và gần 2 triệu mét khối nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị, trong đó trên 60% nước thải công nghiệp và 85% nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Dự kiến đến năm 2020, tổng lượng nước thải đô thị, nước thải công nghiệp thải ra sông Đồng Nai mỗi ngày có thể lên đến gần 4,5 triệu mét khối.
Ông Tuấn cho rằng, nếu các tỉnh thành trong lưu vực không có đột phá trong xử lý nước thải, bảo vệ nguồn nước thì hệ thống sông Đồng Nai sẽ càng ngày càng ô nhiễm nặng nề và có nguy cơ trở thành dòng sông “chết”!
Thế mà, gần đây, nhà chức trách Đồng Nai bằng quyết định 2230/QĐ-UBND ngày 21/07/2014 và quyết định số 2827/QĐ-UBND ngày 15/09/2014, đã cho phép Công ty Toàn Thịnh Phát lấp một phần sông Đồng Nai để thi công dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”, còn có tên là dự án “The Pegasus Riverside”.
Công trình này có chiều dài 1,3 ki lô mét, từ Công viên Nguyễn Văn Trị đến cầu Rạch Cát, thành phố Biên Hòa, dự kiến hoàn thành vào năm 2022 với tổng mức đầu tư là 3 ngàn 200 tỷ đồng.
Tổng diện tích đất của dự án là 84 ngàn mét vuông, trong đó phần lấn sông hơn 77 ngàn 200 mét vuông, chiếm trên 90% diện tích, đoạn lấn ra sông xa nhất đến hơn 100m (đoạn từ cầu tàu nhà máy nước Biên Hòa), theo báo Xây dựng điện tử thuộc Bộ Xây dựng.
Thông thường về nguyên tắc xây dựng, thiết kế ven sông, biển bao giờ cũng dành đất để làm hành lang bảo vệ có khi đến 50 mét. Đây là điều bắt buộc và không một dự án nào, nhất là dự án thương mại, có thể vi phạm. Cho phép công ty Toàn Thịnh Phát đầu tư, nhà chức trách Đồng Nai đã đạp bỏ lên nguyên tắc cơ bản nhất.
Dự án lấp sông sẽ bê tông hóa lòng sông làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ sinh vật và làm mất đi cơ chế tự bảo vệ, tự làm sạch của dòng sông. Điều đáng quan ngại nữa là khi dòng chảy thay đổi thì sẽ làm xói lở bờ bên kia, đặc biệt nguy hiểm đối vời khu dân cư đông đúc…
Nhà chức trách Đồng Nai đã không lấy ý kiến của người dân mà cũng không hề hỏ ý kiến các chuyên gia của Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai. Ông Bùi Cách Tuyến đã nói với báo giới: “Họ làm độc lập. Chúng tôi không được tham vấn. Với tư cách là Phó chủ tịch Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, tôi không biết và với tư cách là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, tôi cũng không hay về dự án này.”
Hiện vẫn chưa có phương án cụ thể nào trong một ngày gần để xử lý tổng thể nước sông Đồng Nai trước nguy cơ ô nhiễm, thì việc cho lấp một phần sông dáng thêm một đòn cho dòng sông “chết” hẳn!
Cái giá để phục hồi đối với sông Đồng Nai rồi sẽ rất khủng khiếp, chắc chắn lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh tế sẽ không thể đủ để bù đắp cho chi phí cải thiện môi trường.
Vì những quyền lợi ích kỷ hôm nay, nhà chức trách Hà Nội và Đồng Nai đã xem nhẹ hậu quả từ những quyết định ấu trĩ và ngu xuẩn. Vì đồng tiền mà thiển cận, làm ngơ trước hiểm hoạ huỷ diệt môi trường là tội ác.
Hãy xem lại lương tri và tỉnh ngộ khi còn kịp!
© Lê Diễn Đức – RFA