Stress là gì?

Stress là gì?

BS Hồ Ngọc Minh

Hôm qua trong khi lái xe đi làm, tôi giật mình khi làm một con tính trong đầu: trong 20 năm qua khoảng cách lái xe đi làm của tôi cộng lại thành hơn 3 lần khoảng cách từ trái đất lên mặt trăng.

Một người bạn nói với tôi, so với phi hành gia Apollo thì tôi chịu đựng stress giỏi hơn nhiều, vì lẽ, sau khi ra khỏi trái đất, mấy ông phi hành gia ngồi “cruise control” tà tà đợi phi thuyền tới mặt trăng, và leo xuống đi một vòng chụp hình “selfie”, mà còn được cả thế giới hoan hô!

Có những việc chúng ta làm thường ngày vẫn không thấy gì gọi là stress, trong khi đó nhiều chuyện lặt vặt xảy ra trong đời sống lại tạo áp lực không ít cho tâm trí và thể xác chúng ta.

Vậy stress là gì?

Mới nghe tới chữ stress là nhiều bạn đã thấy tóc mình muốn dựng đứng lên rồi, phải không? Chúng ta dùng chữ stress những khi mình có cảm tưởng như bị chôn vùi vào trong một mớ hỗn độn của áp lực đời sống và cảm thấy sức lực dường như cạn kiệt. Tất cả chúng ta đều bị stress nhiều lần trong cuộc sống. Một ít stress cũng tốt thôi, vì nếu không có stress thì “cuộc đời chán bỏ xừ”. Một số người có thể đối phó với stress tương đối dễ dàng như… “nước đổ đầu vịt” hay nói nôm na là “điếc không sợ súng”, một số khác thì không. Dù thế nào đi nữa mỗi người đều có một giới hạn của sự chịu đựng.

Stress có thể định nghĩa là phản ứng của hệ thần kinh để đáp ứng một yêu sách, một thử thách, hay một nguy cơ nào đó có ảnh hưởng đến sự an bình của con người. Có nhiều lý do đưa đến stress, nhưng phần lớn là sự thay đổi. Con người ta không thích thay đổi, cho dù sự thay đổi ấy tốt hay xấu, thực hay hư. Sự thay đổi có thể là tạm thời ngắn hạn, nhưng có thể là thường xuyên năm này qua tháng nọ. Thí dụ như chuyện tôi phải lái xe đi làm hơn 250 miles mỗi ngày. Trên đường lái xe, những thay đổi về xe cộ lấn qua, lấn lại thường xuyên, tiếng động xe cộ, tạo cho não bộ những “yêu sách” đòi hỏi não bộ và cơ thể phải đáp ứng tức thì. Có những thay đổi khác lớn lao hơn như ly dị, bệnh tật, hay… tàn tật vì tai nạn xe cộ do lái xe nhiều quá!

woman-stress-body

Những gì xảy ra cho cơ thể khi chúng ta bị stress?

  1. Trước hết là não bộ và hệ thần kinh: Khi chúng ta bị stress, cho dù stress về thể xác hay stress về tâm thần, hệ thần kinh bắn ra tín hiệu, “viber hay tweeter” đến các cơ phận khác trong cơ thể để đặt cơ thể trong tình huống báo động, hoặc chiến đấu tới cùng hoặc bỏ chạy là thượng sách, phản ứng gọi là “fight or flight”. Hệ thần kinh cảm ứng sympathetic gửi text message cho tuyến thượng thận adrenal gland tiết ra hai hormone gọi là adrenaline và cortisol. Hai hormone nầy làm cho tim đập nhanh hơn, áp suất máu tăng cao, hệ tiêu hóa thay đổi, và lượng đường trong máu tăng vọt. Thông thường thì khi nguy cơ qua đi, có thể trên nguyên tắc sẽ trở lại bình thường nhưng thật ra cũng không bình thường hoàn toàn, vì có cơn bão nào đi qua mà không để lại tàn phá?
  2. Hệ cơ bắp: Khi bị stress các bắp thịt co thắt, gồng lên như sắp sửa… đánh lộn. Sự co thắt của bắp thịt làm cho ta bị nhức đầu hay đau nhức khớp xương, “long thể bất an”.
  3. Hệ hô hấp: Stress làm cho bạn thở nhanh hơn (hyperventilation) có khi tạo cảm giác như hụt hơi, xỉu, chóng mặt, và bị kinh hãi (panic attack).
  4. Hệ tuần hoàn, mạch máu: Khi bị stress cấp kỳ, như khi bị kẹt xe, xém bị tai nạn xe cộ vì người khác vượt đèn đỏ, làm cho nhịp tim đập nhanh hơn, bắp thịt tim co thắt mạnh hơn. Tất cả các mạch máu mở rộng ra để đưa máu đến khắp cơ thể. Bị stress thường xuyên, thí dụ như lái xe đi làm xa mỗi ngày, tới phòng mạch là phải lo khám bệnh nhân tới tấp, có thể làm cho mạch máu bị lở loét, bị nghẽn mạch máu, và dễ bị đột quỵ tim!
  5. Hệ nội tiết: Như nói trên, khi bị stress, hệ thần kinh trung ương “gọi viber” xuống tuyến thượng thận, yêu cầu sản xuất gấp epinephrine và cortisol. Hai thứ hormone nầy “facebook chat” với lá gan, thúc giục đổ đường ra mạch máu. Lý do vì cơ bắp sẽ cần đường làm nhiên liệu trong trường hợp “sơn hà nguy biến”. Khổ cái là đường tăng trong mạch máu sẽ tạo hiệu ứng “rim đường”, glycosylation như đã giải thích trong bài viết “Đường là chất độc”, lại làm tăng thêm sự lở loét của mạch máu và tế bào. Cho dù khi cơn nguy biến qua rồi, đường sẽ không rút đi mà được biến thành mỡ đặc và cholesterol. Cơ thể tự dưng lại thiếu đường tạm thời và thúc đẩy chúng ta… thèm ngọt. Đó là lý do tại sao khi chúng ta bị stress thường xuyên có thể làm cho bụng bự. Nghiên cứu mới cho thấy cho dù có sức nặng lý tưởng, những người bụng bự vẫn dễ chết vì bệnh tim mạch nhiều hơn.
  6. Hệ tiêu hóa: Stress làm bạn có thể cảm thấy đói và ăn nhiều hơn, hoặc ngược lại không muốn ăn gì cả. Khi bị stress bạn có thể bị ợ chua, khó tiêu. Bao tử của bạn cồn cào như có bươm bướm bay ở trong bụng. Bạn có thể buồn nôn, ói mửa. Lâu ngày có thể bị đau, loét bao tử. Trong khi đó thức ăn chạy qua ruột non sẽ không được hấp thụ bình thường, bạn có thể bị tiêu chảy, hay bị táo bón bất thường.
  7. Hệ sinh dục: Khi bị stress, lượng hormone đàn ông testosterone giảm làm cho yếu sinh lý, liệt dương, hiếm muộn. Phụ nữ bị stress có kinh nguyệt bất thường, đau đớn khi hành kinh. Và tương tự như quý ông, không thích chuyện gối chăn, mây mưa, và bị hiếm muộn.

Để đối phó với stress bạn cần người bạn, người thân hiểu biết và giúp đỡ cho bạn. Nên tập thể dục thường xuyên, nên để ý tới cách thức ăn uống, và nên có một “cái nhìn” phóng khoáng. Nên để ý và tìm hiểu những nguyên nhân nào đưa đến stress cho bạn để tìm cách ứng phó. Có khi, bạn nên hiểu là, như mưa và nắng, chuyện trời đất, bạn không thể nào kiểm soát được, và nên chọn thái độ “tới đâu hay tới đó”, như “nước đổ lá môn” mà thôi. Có nhiều tài liệu để đối phó với stress trên mạng, và trong tương lai, tôi sẽ viết thêm về chủ đề này.

Trở lại chuyện mặt trăng, ai dám nói là nó không trong tầm với? Tôi đã lên đến mặt trăng và về một vòng. Hiện nay tôi mới rời khỏi mặt trăng để trở về trái đất cho vòng hai, hy vọng là vòng cuối cùng. Này nhé, trong 20 năm qua, tôi đi 800000 miles, chia cho khoảng cách từ trái đất lên mặt trăng là 238900miles, vị chi là 3.35 lần!

Thấy stress nhiều không?

BS Hồ Ngọc Minh

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay