SÀIGÒN ƠI, NẮNG VẪN CÓ CÒN VƯƠNG TRÊN ĐƯỜNG

SÀIGÒN ƠI, NẮNG VẪN CÓ CÒN VƯƠNG TRÊN ĐƯỜNG

( Bài hát “Vĩnh biệt Sàigòn” của Nam Lộc )

Trích EPHATA 658

Mấy hôm nay trời mưa nặng hạt, sáng mưa, trưa mưa và chiều cũng mưa, Sàigòn ướt dầm dề, ngập lụt khắp nơi. Trên mặt báo, các con đường ngập đầy nước, người ta dắt xe chết máy đi trong nước như đang bơi giữa những dòng sông. Những con phố, những khúc đường biến thành sông !

Sàigòn vẫn diện tích ấy, vẫn những con đường ấy, vẫn hệ thống tiêu thoát ấy, phải gánh trên mình gần 10 triệu dân, làm sao chịu nổi khi các hạ tầng kỹ thuật chỉ dành cho một thành phố 4 triệu dân. Mất thật rồi khi không còn những “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”, những dòng kinh trong xanh uốn lượn, những khu phố nối tiếp mùi Ngọc Lan thơm nồng. Mất thật rồi những tà áo trắng tan trường ngây thơ của một thời “Hoàng Thị”, không còn tiếng cười khúc khích của học trò dàn hàng ngang xe đạp, mất cả quán cà phê thân quen đậm chất sương mờ của buổi sáng Sàigòn tinh khôi.

Có những người đã dũ áo bỏ Sàigòn ra đi vào những ngày tháng mệt mỏi, buồn phiền. Thập niêm 80, lịch sử Sàigòn được ghi nhận tràn ngập kinh hoàng của những chuyến vượt biên, những cuộc chia tay không bao giờ nghĩ có ngày gặp lại, những cuộc tình đành tan vỡ vì những chọn lựa sinh tử cuộc đời. Sàigòn ngày ấy âm thầm gánh chịu nhiều đau khổ là vậy. Quyết định tập trung cải tạo xé nát hàng trăm ngàn gia đình, dở dang hàng chục ngàn tình nghĩa, bơ vơ hàng triệu trẻ thơ. Cũng vẫn rất lặng thinh, Sàigòn chứng kiến những cuộc chia tay âm thầm thật kín đáo, kẻ ở lại, người ra đi đến bến bờ xa xăm nào đó đầy rủi ro bất trắc, họ vẫn đi. Biển cả, nguồn sinh lực sự sống bỗng dưng trở nên hung thần, và trở thành biểu tượng của chia ly, những cụm mây lòa xòa trên đầu núi không còn là những bài thơ gởi gắm của thời mộng mơ nữa.

Những năm gần đây, rất nhiều bài báo, rất nhiều ký sự ghi lại những khó khăn, những khổ ải, những mất mát của những người vượt biên, kể cả đường biển và đường bộ, những đau khổ ấy khó mà nguôi ngoai, khó mà quên đươc trong cuộc đời, ít là của những người chứng kiến. Cách này cách khác, nhiều người đã cố tìm cách lưu giữ các kỷ niệm còn lại của những người thân yêu, để nhớ một thời, để yêu một đời…

Những hình ảnh tràn ngập trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác về cuộc di dân ồ ạt từ các nước Trung Đông vượt Địa Trung Hải sang các nước Châu Âu trong những ngày qua. Hình ảnh một em bé chết trôi xác vào bờ biển làm rúng động cả thế giới, em chết như ngủ trong chuyến hành trình tìm đất sống. Châu Âu rúng động, Đức Thánh Cha lên tiếng mạnh mẽ, ngài kêu gọi mở cửa Nhà Thờ, mở cửa Tu Viện để đón người tỵ nạn, ngài nói hãy mở cửa ra, đừng để Nhà Thờ, Giáo Xứ trở nên viện bảo tàng.

http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2015/09/07/
http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2015/09/10/

Mẹ tôi năm nay đã 95 tuổi, bà sống với ký ức và những câu chuyện ngày xa xưa, một trong những câu chuyện bà hay kể cho tôi nghe đó là câu chuyện của những ngày năm 54, bà đã phải gian khổ thế nào để tay bồng tay bế 4 đứa con lên đường vào Nam theo quyết định của cha tôi. Khi ấy cha tôi đóng lính ở Hà Nội, ông biết sẽ di chuyển vào Nam nên tìm mọi cách nhắn tin về quê cho mẹ tôi, bằng mọi giá phải đưa các con vào Nam, gia đình sẽ đoàn tụ trong đó. Mẹ tôi đã phải thoát khỏi những con mắt rình mò của cán bộ du kích, những kẻ chỉ lắm le bắt người thủ tiêu không thương tiếc. Sau này tôi còn nghe cha tôi kể lại tên của một vài người bạn của cha tôi đã bị thủ tiêu ở quê khi không kịp thoát đi. Mẹ tôi còn phải tìm cách thoát khỏi cả ông nội tôi nữa, ông nhất quyết bắt một cháu trai phải ở lại nhà để lo nhang khói, mồ mả tổ tiên. Lên thành rồi, vì thương nhớ đứa con trai còn lại, mẹ tôi buộc lòng tìm về quê nhà trong đêm tối, núp ở bãi tha ma nơi không ai dám tới, rồi tìm cách “bắt cóc” con mình đi trong đêm. Hai mẹ con chạy dưới ruộng suốt đêm vì nếu đi trên mặt lộ sẽ bị bắt lại. Chẳng lâu sau, ông nội tôi bị đấu tố chết trong cuộc cải cách ruộng đất, chết lạnh giữa sân đình ngay trong đêm trước khi bị đấu tố sáng hôm sau, cô tôi đem nắm cơm bò vào tiếp tế thì thấy ông tôi đã chết cứng rồi !

Sự lên tiếng mạnh mẽ của Đức Thánh Cha có thể sẽ làm cho Châu Âu thay đổi, người nhập cư sẽ đông hơn người bản xứ. Thật ra, không có cuộc di cư ồ ạt này thì Châu Âu người nhập cư đã chiếm một vị trí lớn, cứ xem các đội bóng Châu Âu thì biết, có mấy cầu thủ da trắng đâu. Ngày xưa, khi các dân rợ ở các khu rừng bên bìa Châu Âu tiến chiếm làm tan rã nước Cộng Hòa La Mã, người ta rầu rĩ tiếc thương nền văn minh rực rỡ của La Mã sẽ bị vùi dập bởi người man di, nhưng không phải thế, các sắc dân rợ đã xây dựng Châu Âu qua nhiều thế kỷ, tiến lên với một nền văn minh rực rỡ và tốt đẹp hơn.

Các nước văn minh có xuất xứ “rợ” ngày xưa nay đang “được” tràn ngập bởi các sắc dân hoàn toàn xa lạ khác. Lịch sử lại sang trang…

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 10.9.2015

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay