Bước tiếp (3): Sự chết
Scott Peck
Lm. Lê Công Đức chuyển ngữ
VRNs (20.03.2015) – Sài Gòn – Tôi đang đi chuyến tàu nhanh, một chuyến tàu loại ‘xịn’.
Mười lăm toa tàu mang cả ngàn hành khách,
xình xịch lao qua thảo nguyên, lướt vào sương mù, băng ngang bóng tối….
(Rồi đây, những toa tàu này sẽ rệu rã.
Và những hành khách này sẽ tiêu ma.)
Tôi hỏi anh chàng ngồi bên: “Bạn đi về đâu?”
Anh ta trả lời: “Omaha.”
Carl Sandburg đã viết những giòng như thế trong bài thơ mang tên “Hữu Hạn” (Limited). Rõ ràng ông đang nói rất cô đọng về sự chết, một đề tài mà người ta thường hay lãng tránh. Nhưng riêng phần mình, tôi đã say mê sự chết từ rất lâu rồi. Có thể nói rằng tôi bị ám ảnh bởi sự chết ngay từ khi còn là một thiếu niên, nhưng dĩ nhiên tôi không phải là một kẻ có khuynh hướng tự tử đâu! Đúng hơn, sự trằn trọc này nơi tôi là một phản ứng lại đối với môi trường mà tôi đã lớn lên. Ngôi nhà tôi trải qua thời niên thiếu là một nơi mà những cái nông cạn, hời hợt bên ngoài – chẳng hạn, ăn món này bằng cái nĩa nào – lại được xem là chuyện rất quan trọng!
Cách đây ít năm, có xuất hiện một ‘mốt’: người ta tặng quà ngồ ngộ cho nhau nhân dịp Lễ Giáng Sinh. Tôi đã mua tặng nhà tôi một chiếc tạp dề có hình con vịt trời to tướng, phía trên in giòng chữ lớn: BEFORE TRUTH THE RIGHT FORK (6). Tuổi thơ của tôi cũng y như thế. “Áo quần làm ra con người”, bố mẹ tôi thường xuyên nhắc nhở tôi điều đó. Nhưng ảo tưởng ấy làm sao bền được? Vì chẳng chóng thì chầy, tôi cũng sẽ gặp một tay nào đó vừa rất đần độn vừa ăn mặc rất ‘kẻng’!
Vì thế, ngay từ thuở nhỏ, có lẽ xuất phát từ tinh thần phản loạn, tôi đã tự nhủ mình: “Hãy dẹp phứt những thứ rác rưởi ấy đi. Có gì thật sự quan trọng trong đó đâu!” Tôi bắt đầu phát triển một thói quen nhìn xuyên qua bề mặt của sự vật, nhìn thấu vào bên trong mọi sự. Thói quen này đã trở nên rất hữu ích cho tôi từ đó. Và khi tôi tự hỏi điều gì là quan trọng nhất liên quan đến cuộc hiện sinh con người, câu trả lời đầu tiên đến với đầu óc tôi là: Cuộc sống con người là một cái gì rất hữu hạn, tất cả chúng ta đều đang đi đến cái chết. Thế là tôi ‘bén duyên’ với sự chết kể từ đó.
Lớn lên, tôi mới sực hiểu ra rằng sự chết không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống con người – mà có lẽ nó là điều quan trọng thứ hai. Và một phần của tiến trình lớn lên là nhìn nhận rằng tất cả chúng ta đều sẽ chết, tất cả chúng ta đều “sẽ rệu rã”, đều “sẽ tiêu ma”!
Nhận ra tính hữu hạn của đời sống, nhiều người trong chúng ta hóa nên trăn trở với một cảm thức về sự vô nghĩa. Tất cả chúng ta đều sẽ đến lúc bị luỡi hái định mệnh cắt phăng đi không thương tiếc. Vậy liệu cuộc sống ngắn ngủi này có ý nghĩa gì? Cứ cho là trong vài thế hệ tới, ít là một số con cháu cũng còn chút ký ức nào đó về chúng ta; nhưng liệu một trăm năm, hai trăm năm nữa, có còn ai nhớ đến chúng ta không?
Bạn có biết bài thơ nổi tiếng mang tựa đề Ozymandias của Shelley không? Trong bài thơ này, ông mô tả vết tích còn lại của một pho tượng trong sa mạc. Trên mặt đế tượng, người ta đọc thấy giòng chữ: Tôi là Ozymandias, Vua của các vua. Hỡi Đấng Toàn Năng, hãy chiêm ngắm các công trình của tôi, và hãy ghen tị!
Thế nhưng, tất cả những gì còn sót lại của pho tượng ấy chỉ là … cái đế tượng: Hai khúc chân cụt to đùng bằng đá, đứng trơ vơ; còn cái đầu thì đã vỡ tan tành tự đời nào, chỉ còn một mảnh lấp vùi trong cát. Chẳng ai biết Ozymandias là ai!
Vậy đó, ngay cả dù bạn thuộc số ít vĩ nhân để lại dấu ấn của mình trong lịch sử nhân loại, thì khi các thế kỷ qua đi, những dấu ấn ấy cũng sẽ nhạt nhòa, tan biến mất.
“Cuộc đời là một bóng tối đang lê bước. Nó là một câu chuyện được kể lại bởi một gã khù khờ, đầy âm thanh và cuồng nộ, chẳng có ý nghĩa gì.” Nhân vật Macbeth của Shakespeare đã chua xót thốt lên như thế.
NỖI SỢ CHẾT
Cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì – và cho dù nó có ý nghĩa gì, thì chính cái chết sẽ quét sạch mọi ý nghĩa của nó! Thật vậy chăng? Có thật cuộc đời hoàn toàn vô nghĩa?
Tôi không tin như thế. Sự chết không phải là cái gì bi thảm như ta nghĩ. Sự chết không tước đoạt ý nghĩa mà trái lại còn trao ban ý nghĩa.
Hơn bất cứ gì khác, ‘duyên nợ’ của tôi với sự chết đã giúp tôi có một cảm thức về ý nghĩa của cuộc sống này. Sự chết là một người tình kiều diễm. Nếu bạn bị giày vò bởi một cảm thức vô nghĩa hay chán chường thì tôi không thể khuyên bạn điều gì tốt hơn là hãy bắt đầu đi vào trong một cảm thức nghiêm túc với hồi kết thúc cuộc hiện sinh này của bạn. Như bất cứ cuộc tình tuyệt diệu nào, sự chết mang đầy huyền nhiệm và đó là nơi bắt nguồn rất nhiều niềm nôn nao rạo rực của chúng ta. Vì khi bạn vật lộn với mầu nhiệm sự chết của mình, bạn sẽ khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống mà mình đang sống.
Dĩ nhiên phần đông người ta không mặn mấy với chuyện thao thức về sự chết của mình. Thậm chí họ không muốn nghĩ về điều đó. Họ muốn đào thải nó ra khỏi ý thức của họ. Vì vậy, tựa đề “Hữu Hạn” của Sandburg không chỉ nói về chuyến tàu kia mà còn mang ý nghĩa rộng hơn nhiều. Cuộc đời người ta bị giới hạn; và kẻ nói rằng mình sắp đi Omaha cũng bị giới hạn trong nhận thức về bến đỗ thực sự của anh ta là sự chết.
Một số người không bị giới hạn đến như vậy – như rất nhiều nhà văn và nhà tư tưởng lớn – chẳng bao lâu sẽ trở thành thích thú với sự chết. Albert Schweitzer viết:
“Tất cả chúng ta, nếu muốn trở nên những con người tốt đích thực, đều phải làm quen với ý tưởng về sự chết. Đành rằng chúng ta không cần trăn trở về nó hằng ngày hay hằng giờ. Nhưng khi cuộc sống đưa bạn tới một cơ hội thích hợp nào đó – lúc mà khung cảnh chung quanh bạn nhạt nhòa đi và bạn chiêm nghiệm chính viễn ảnh cuối cùng, thì bạn đừng nhắm mắt vô tình bỏ qua. Bạn hãy dừng lại chốc lát, nhìn viễn ảnh ấy, rồi tiếp tục sống. Nghĩ về sự chết theo cách này sẽ đem lại cho chúng ta tình yêu đối với sự sống. Khi chúng ta quen thuộc với sự chết, chúng ta sẽ đón nhận mỗi tuần, mỗi ngày của cuộc sống mình như một hồng ân. Chỉ khi nào chúng ta có khả năng đón nhận đời sống như vậy, thì đời sống mới trở thành một cái gì quí giá đối với mình.”
Thông thường, người ta không ‘quen’ được với sự chết như vậy. Trong nghề nghiệp trị liệu tâm lý của tôi, tôi đã phải đẩy ít nhất một nửa số thân chủ của mình tới đối diện với thực tại sự chết của họ. Thực vậy, chính sự ngần ngại của người ta trong việc này xem ra là một phần của bệnh trạng nơi họ. Họ cảm thấy đời sống mình thật chán chường và khủng khiếp. Họ lảng tránh không thăm viếng bạn bè trong bệnh viện, họ lật nhanh qua các trang cáo phó trong tờ báo, họ ‘quên’ viết thư phân ưu … Và ban đêm, họ thường bất chợt thức dậy, mồ hôi ướt đẫm, mơ thấy mình chới với chết đuối …
Nếu tôi không giúp họ phá vỡ những giới hạn mà mà họ tự áp đặt cho ý thức mình như vậy, thì không thể có sự chữa lành hoàn toàn. Chúng ta không thể sống với đầy can đảm và tự tin trừ phi chúng ta có một mối quan hệ với sự chết của chính mình. Thật vậy, chúng ta không thể sống trọn vẹn nếu không có một cái gì đó để chúng ta sẵn sàng chết cho nó.
Những giới hạn này trong ý thức con người đôi khi có thể làm cho con người trở nên rất khiếp nhược. Hồi tôi mới hành nghề trị liệu, một thân chủ đến gặp tôi trong trạng thái hốt hoảng cao độ – số là trước đó ba ngày, người anh vợ của anh ta đã tự sát bằng một phát súng bắn vào đầu. Anh ta kinh hãi đến độ không thể đi đến văn phòng tôi một mình. Vợ anh phải cầm tay anh dẫn đi. Anh ngồi xuống và bắt đầu nói trong hơi thở hổn hển: “Thưa bác sĩ… Anh vợ tôi… Anh ấy bắn vào đầu… Anh ấy có khẩu súng ngắn… Ôi, ghê quá! Chỉ một phát đạn thôi… Anh ấy đã chết. Ôi, nếu tôi có một khẩu súng… Ồ không, tôi không có… Nhưng nếu tôi có súng và muốn tự sát, thì cũng chỉ đơn giản vậy thôi… Chỉ cần đặt ngón tay, nhấn cò … và gục xuống …!”
Tôi lắng nghe anh ta, và nhận ra rằng cái đã làm anh ta hốt hoảng không phải là nỗi thương tiếc về cái chết của người anh vợ, mà đúng hơn bởi vì biến cố này đã đẩy anh tới đối mặt với chính sự chết của mình. Và tôi đã giải thích cho anh ta điều đó.
Ngay lập tức, thân chủ của tôi phản đối: “Không. Tôi không sợ chết!”
Chính lúc ấy, vợ anh xen vào. Chị nói: “Này, anh yêu! Có lẽ anh nên kể cho bác sĩ nghe về chuyện anh ngại gặp các xe tang và các nhà táng đi.”
Thế là anh ta bắt đầu giải thích cho tôi rằng anh có một nỗi ám ảnh về các xe tang, nhà táng và tất cả những gì liên quan đến chết chóc. Thực vậy, được biết nỗi ám ảnh ấy lớn đến nỗi mỗi buổi sáng khi đi bộ đến chỗ làm và mỗi chiều khi trở về nhà từ sở, anh phải đi vòng một lối khác xa hơn ba khối phố – nghĩa là anh phải đi thêm sáu khối phố mỗi ngày – chỉ để tránh đi qua một cơ sở dịch vụ mai táng. Cũng vậy, bất cứ khi nào trông thấy một xe tang từ đằng xa, anh liền tức khắc tránh đi, chẳng hạn, anh lủi nhanh vào một nhà hay một cửa hiệu nào đó!
“Bạn thực sự có một nỗi sợ chết”, tôi nói với anh ta. Nhưng anh ta tiếp tục chối bai bải: “Không, không, không. Tôi không sợ chết. Đấy chỉ vì những xe tang và những nhà táng ấy tởm gớm làm tôi khó chịu.”
Xét về khía cạnh động lực tâm lý, các nỗi ám ảnh thường bắt nguồn từ một cơ chế gọi là chuyển đổi (displacement). Người đàn ông này sợ chết đến nỗi anh ta thậm chí không thể đối mặt với chính nỗi sợ ấy của mình – và do đó anh ta chuyển đổi nỗi sợ ấy thành những chiếc xe tang và những cơ sở nhà táng.
Việc tôi thường dùng các bệnh nhân tâm thần của tôi làm ví dụ dễ khiến bạn tưởng rằng họ nhút nhát và khiếp sợ hơn đa số chúng ta. Nhưng không phải vậy đâu. Những người đến với tâm lý trị liệu là những người khôn ngoan và can đảm nhất trong tất cả chúng ta đó. Mọi người chúng ta đều có vấn đề, nhưng chúng ta thường cố giả vờ như các vấn đề đó không tồn tại, hoặc cách này hay cách khác chúng ta quay lưng lại và phớt lơ các vấn đề ấy. Chỉ những người có đủ khôn ngoan và dũng cảm mới sẵn lòng dấn mình vào trong tiến trình khó khăn của việc khảo sát chính mình – loại tiến trình diễn ra trong văn phòng của các bác sĩ tâm thần.
Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta sống trong một nền văn hóa nhút nhát, phủ nhận sự chết. Một nữ đồng nghiệp tôi đã nói với tôi rằng lần nọ trong thị trấn của chị, sau khi một học sinh trung học chết vì bệnh bạch cầu và một học sinh khác chết vì tai nạn xe hơi, thì người ta ở đó – cả trẻ lẫn già – đã kiến nghị vị hiệu trưởng đưa vào chương trình giảng dạy một khóa học đặc biệt, không có tín chỉ, nói về sự chết và tình trạng hấp hối. Một mục sư thậm chí xung phong bảo trợ khóa ấy và tìm giáo viên giảng dạy miễn phí; như vậy, khóa học sẽ không đòi bất cứ ai trả bất cứ đồng nào.
Nhưng mọi khóa mới trong trường đều phải được phê duyệt bởi hội đồng nhà trường. Hội đồng này đã biểu quyết 9/10 chống lại việc mở khóa học này, giải thích rằng nó có vẻ không lành mạnh. Khoảng ba mươi hay bốn mươi người đã viết thư gửi cho báo chí để phản kháng sự phủ quyết của hội đồng trường, và một biên tập viên của một tờ báo đã viết bài xã luận về vấn đề này. Đã có đủ cơ sở và áp lực dư luận để yêu cầu nhà trường xem xét lại quyết định của họ. Hội đồng nhà trường lại nhóm họp và – một lần nữa – đi đến biểu quyết 9/10 phiếu chống lại việc mở khóa học.
Theo tôi, không phải là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên – như đồng nghiệp tôi ghi nhận – rằng những người viết thư cho tờ báo, người biên tập viên viết bài xã luận kia và người thành viên duy nhất trong hội đồng trường ủng hộ khóa học đều là những người hoặc đang hay đã từng nhận sự trị liệu tâm lý. Như tôi xác nhận trên kia, các bệnh nhân tâm thần không hề nhút nhát hơn số đông người còn lại. Trái lại, có thể nói họ can đảm hơn rất nhiều người khác.
CHỌN KHI NÀO ĐỂ CHẾT
Trong nền văn hóa phi bác sự chết của chúng ta, sự chết được xem như một tai nạn, như một cái gì ập tới húc vào chúng ta mà không hề có một lý do gì, cũng không hề chịu sự kiểm soát nào của chúng ta. Sự chết là một cái gì thê thảm, nó như một cái vòng luẩn quẩn tóm lấy chúng ta. Cũng vì quá sợ chết, chúng ta không dám đến gần sát nó để nhận ra rằng nó chẳng đáng sợ đến mức như mình tưởng.
Nền văn hóa của chúng ta nhìn cái chết như một tai nạn phi lý. Và đây là cái nhìn hoàn toàn sai lầm. Thực vậy, đa số trong chúng ta đều muốn chọn thời điểm, chọn nơi chốn và chọn cách thế để chết. Điều đó thoạt nghe có vẻ ‘sốc’, nhưng thực sự là thế. Phần đông chúng ta – mức nào đó – đều muốn thực hiện sự chọn lựa này. Ở đây tôi không có ý nói về những vụ tự tử. Tôi không có ý nói đến những tay nghiện ngập tiếp tục nghiện ngập cho đến chết. Tôi cũng không có ý nói đến tất cả những tình trạng thần kinh loạn thông thường mà mọi người đều biết. Ở đây tôi nhằm nói đến những rối loạn y học như các chứng bệnh về tim và ung thư, và có chứng cứ khoa học hậu thuẫn cho quan điểm của tôi.
Cách đây khoảng ba chục năm, mỗi khi có ca phẫu thuật tim mở ngỏ (7) – dĩ nhiên hồi đó nguy hiểm hơn bây giờ nhiều – mọi người đều hồi hộp và xôn xao bàn tán không biết bệnh nhân sẽ sống hay chết. Và đây là thực tế được ghi nhận: Những người tiên đoán giỏi nhất về kết quả của các ca mổ tim mở ngỏ không phải là chính các bác sĩ phẫu thuật, cũng không phải là các chuyên gia tim mạch, mà lại là các bác sĩ tâm thần! Đã xảy ra một cuộc nghiên cứu – trong đó các bác sĩ tâm thần phỏng vấn các bệnh nhân sắp sửa được mổ tim. Dựa vào các câu trả lời của họ, các bác sĩ tâm thần phân họ thành ba nhóm khác nhau: nhóm nguy hiểm cao, nhóm nguy hiểm vừa, và nhóm nguy hiểm thấp. Nhóm nguy hiểm thấp bao gồm những người khi được yêu cầu nói về cuộc giải phẫu của mình, đã trả lời đại loại như: “À, ông biết đó, ca mổ được dự kiến sẽ diễn ra vào thứ sáu tới, và tôi thực sự lo sợ. Nhưng, đã tám năm rồi, bệnh trạng của tôi không cho phép tôi làm được việc gì cả. Chơi đánh gôn cũng chẳng được! Lại thường xuyên khó thở! Bác sĩ của tôi cho tôi biết rằng nếu sống được qua ca mổ và qua được giai đoạn hậu phẫu, thì chỉ cần sáu tuần là tôi có thể trở lại sân gôn! Chà, như vậy đó sẽ là ngày 1 tháng 9 tới! Tôi đã lên chương trình cho mình rồi đấy. Nào, tôi sẽ có mặt ở sân vào đúng tám giờ sáng, lúc ấy cỏ vẫn còn đẫm hơi sương. Tôi sẽ …., tôi sẽ …”
Còn nhóm nguy hiểm cao sẽ trả lời tương tự như câu trả lời sau đây của một phụ nữ: “Hở, cuộc phẫu thuật thì sao hở?” Vị bác sĩ tâm thần nhắc lại câu hỏi, rõ ràng hơn: “Xin cho biết tại sao chị nhận phẫu thuật? Tại sao chị cần điều đó?” Người phụ nữ đáp: “Bác sĩ của tôi bảo với tôi như vậy.”
“Chị có kỳ vọng sẽ làm được gì sau khi được giải phẫu không?”
“Tôi chưa tính đến chuyện đó.”
“Chị rất khó thở và chị đã không thể đi mua sắm trong tám năm nay. Chị có mong mình sẽ có thể đi mua sắm trở lại không?
“Ồ, tôi không hề mong điều đó. Tôi rất khiếp sợ việc lái xe từ nhiều năm nay rồi.”
Nếu tôi nhớ không lầm thì cuộc nghiên cứu trên cho thấy rằng 40% số bệnh nhân thuộc nhóm nguy hiểm cao đã chết, con số tương ứng phía nhóm nguy hiểm thấp là 2%. Cùng một chứng bệnh tim, cùng những nhà phẫu thuật tim, cùng những ca mổ như nhau, nhưng tỉ lệ tử vong thì chênh lệch nhau đến hai mươi lần – và sự chênh lệch này, có thể nói, đã được dự báo ngay trước khi tiến hành phẫu thuật!
Một nghiên cứu với những kết quả gây sửng sốt đã được tiến hành bởi David Siegel, một bác sĩ tâm thần tại Standford University. Siegel đã nghiên cứu hai nhóm phụ nữ bị ung thư di căn. Nhóm thứ nhất được cung ứng sự săn sóc y khoa đúng qui cách; nhóm thứ hai cũng được săn sóc đúng qui cách, song thêm vào đó còn được yêu cầu trải qua tâm lý trị liệu. Không mấy ngạc nhiên khi kết quả là nhóm thứ hai ít phàn nàn hơn, ít trầm uất hơn và ít đau đớn hơn – nhưng điều lạ lùng là chỉ có ba trong số các phụ nữ này đã chết. Và Siegel nhận ra rằng những người nhận trị liệu tâm lý đã sống lâu gấp đôi so với những người thuộc nhóm kia.
NHỮNG SỰ CHỮA TRỊ “THẦN DIỆU”
Đã hàng bao thế kỷ nay, các bác sĩ biết rằng rất họa hiếm chuyện hồi phục đột xuất từ bệnh ung thư. Song bạn vẫn có thể nghe nói đến những trường hợp trong đó các bác sĩ mổ một bệnh nhân và nói: “Chúng tôi đã mổ anh ta, và chúng tôi … bó tay! Chẳng còn có thể cứu vãn gì được nữa. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là khâu vết mổ lại. Anh ta may lắm thì sống được sáu tháng nữa.” Nhưng rồi, năm, mười năm sau, bệnh nhân ấy vẫn còn sống phây phây mà không hề có dấu vết gì của ung thư cả.
Bạn có thể nghĩ rằng các y sĩ sẽ hết sức ngạc nhiên với những trường hợp hi hữu này, và chắc hẳn đã tiến hành điều tra nghiên cứu tường tận sự việc. Không có như vậy đâu. Trong rất nhiều năm, các bác sĩ vẫn khư khư rằng một điều như thế không thể xảy ra được. Chỉ mới mười lăm năm trở lại đây, các nghiên cứu mới được chính thức tiến hành. Còn quá sớm để có được toàn bộ con số thống kê – nghĩa là, những con số hoàn toàn dựa theo các tiêu chuẩn khoa học – nhưng có những bằng chứng cho thấy một trong những điểm chung của các trường hợp hiếm hoi ấy là các bệnh nhân đều tỏ ra có những thay đổi rất sâu xa trong cuộc sống của họ. Một khi được báo cho biết họ chỉ còn sống được một năm nữa, họ tự nhủ: “Chà, chỉ còn có một năm nữa! Vậy tội gì mà mình phải tiếp tục ngày hai buổi đến làm cho công ty IBM ấy. Tốt hơn là mình nên sửa chữa và sắp xếp lại đồ đạc trong nhà – đó là điều bấy lâu nay mình vẫn muốn làm mà rồi cứ khất lần khất lữa mãi.” Hoặc: “Ồ, nếu mình chỉ còn có một năm để sống, thật là điên khùng nếu mình cứ tiếp tục sống với anh chồng vũ phu ấy của mình.” Rồi, sau khi họ quyết định thực hiện những thay đổi như vậy, căn bệnh ung thư của họ biến đi mất!
Hiện tượng này gây ngạc nhiên cho một số nhà nghiên cứu ở UCLA. Người ta quyết định điều tra phải chăng một cuộc đổi đời có thể là một liệu pháp. Nhưng vấn đề khó khăn là phải tìm được những bệnh nhân sẵn lòng thử cách này. Thường thì một bác sĩ tâm thần sẽ đến gặp một ai đó được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư không thể chữa, và nói: “Chúng tôi có lý do để tin rằng nếu bạn sẵn sàng nhận tâm lý trị liệu và khảo sát lại đời sống của bạn để làm một số thay đổi căn bản, thì bạn sẽ có thể kéo dài đời sống của bạn lâu hơn.”
Ngay lập tức, bệnh nhân sẽ nhảy cẫng lên: “Ồ, thưa bác sĩ, ngài là người đầu tiên đem lại cho tôi chút hy vọng.”
Vị bác sĩ tâm thần đề nghị: “Một số bệnh nhân giống như bạn sẽ làm việc với chúng tôi tại phòng 4, sáng ngày mai vào lúc 10 giờ. Bạn có muốn đến và trao đổi về điều này không?”
“Ồ,vâng. Thưa bác sĩ, chắc chắn tôi sẽ đến.”
Nhưng sáng hôm sau, lúc 10 giờ, chẳng thấy anh bệnh nhân ấy đến. Vị bác sĩ trở lại gặp anh ta để tìm hiểu lý do; anh ta nói:
“Ồ, xin lỗi, tôi quên mất tiêu.”
“Bạn vẫn còn muốn điều đó chứ?”
“Thưa còn ạ.”
“Chúng tôi sắp có một cuộc làm việc nữa cũng tại phòng 4, lúc 3 giờ chiều mai. Bạn không vướng bận gì lúc đó chứ?”
“Ồ, nhất định tôi sẽ đến ạ.”
Nhưng rồi, anh ta lại không đến. Vị bác sĩ tâm thần thử lại một lần nữa, và cuối cùng đành chào thua: “Có lẽ anh không nồng nhiệt lắm với loại trị liệu này.”
Rốt cục, anh bệnh nhân thú nhận: “Thưa bác sĩ, tôi có nghĩ đến chuyện đó. Và tôi nhận thấy mình đã đến tuổi chẳng còn thay đổi gì được nữa!”
Điều này không phải luôn luôn đáng trách. Chúng ta thường thấy mình đã đến tuổi quá già chẳng còn thay đổi gì được. Các bác sĩ cũng thường nghĩ như thế thôi. Tôi đã gặp rất nhiều y sĩ đầy tài năng song lại tin rằng bệnh nào cũng chỉ có một nguyên nhân: hoặc thể lý hoặc tâm lý. Họ không thể hình dung một bệnh – cũng tựa như một thân cây – có hai gốc rễ đồng thời, hay thậm chí có nhiều hơn hai gốc rễ.
Sự thực thì hầu như mọi bệnh đều một trật có liên quan đến tâm lý, thể lý, tinh thần và xã hội. Dĩ nhiên, cũng có những ngoại lệ, như những rối loạn bẩm sinh hay những chứng liệt não chẳng hạn. Nhưng ngay cả trong những trường hợp ấy, ý chí muốn sống của người ta vẫn có thể kéo dài đáng kể và cải thiện rất nhiều cuộc sống của họ.
Đáng tiếc là điều ngược lại cũng đúng. Khi tôi phục vụ ở Okinawa, trong quân đội, tôi được yêu cầu chữa trị một thiếu phụ 19 tuổi mắc chứng hyperemesis gravidarum (8). Tôi tìm hiểu và biết rằng người phụ nữ Mỹ này đã lớn lên ở miền duyên hải phía Đông, và cô có một mối quyến luyến có tính bệnh lý với mẹ mình. Năm mười bảy tuổi, cô đã được gửi sang miền Tây để sống với một ông cậu, và lúc ấy cô bắt đầu bị chứng nôn mửa. Hồi ấy cô không mang thai. Cô nôn mửa quá nhiều đến nỗi phải được gửi trả lại miền Đông, nơi cô sống vui vẻ mạnh khỏe bình thường cho đến khi kết hôn với một quân nhân, mang thai và theo chồng sang Okinawa. Vừa khi bước chân xuống khỏi máy bay, cô bắt đầu nôn thốc tháo, và sau vài ngày cô phải được đưa vào bệnh viện.
Nếu bệnh trạng của bệnh nhân ở mức đủ nghiêm trọng, tôi có quyền gửi họ về điều trị ở Mỹ. Và tôi biết rằng nếu tôi cho chuyển người phụ nữ này về Mỹ, chứng nôn mửa của cô sẽ ngừng ngay lập tức. Tôi cũng biết rằng có lẽ khó hy vọng đề phòng chứng nôn mửa này nơi cô ta mỗi khi tách cô ta xa khỏi mẹ mình.
Trong quyền hạn của tôi lúc đó, tôi đã quyết định không gửi cô ta về nhà ở Mỹ. Tôi bảo cô: “Bạn phải lớn lên và phải học cách sống tách biệt khỏi mẹ mình.” Và cô đã thuyên giảm đủ để xuất viện. Nhưng rồi bệnh lại tái phát và cô phải trở vào bệnh viện. Cô lại nôn mửa, và tôi lại nói với cô rằng tôi sẽ không gửi cô về Mỹ. Và một lần nữa, cô thuyên giảm và được xuất viện. Tuy nhiên, hai ngày sau, trong căn hộ của cô, cô bất thần ngã xuống và chết. Cô đang ở tuổi 19 và đang mang thai 4 tháng. Người ta tiến hành khám nghiệm tử thi và đã không phát hiện được vì sao cô chết. Dĩ nhiên, tôi vô cùng ân hận về quyết định của mình. Nhưng tôi tin rằng vì một lý do nào đó đã có một lúc trong đời mình, cô đã quyết định làm một em bé. Tôi không cho phép cô làm một em bé. Tôi muốn cô biết nhận trách nhiệm, và cô đã chết!
CÁC RỐI LOẠN THỂ LÝ VÀ TÂM THỂ
Hồi tôi còn theo học trường y, chúng tôi xếp chung vào một loại rối loạn ‘chức năng’ những tình trạng như tâm thần phân liệt, chứng hưng trầm cảm, và chứng nghiện rượu. Với từ “chức năng”, chúng tôi có ý đi nước đôi và cho rằng có lẽ một ngày kia các nhà nghiên cứu sẽ khám phá ra một khiếm khuyết rất tế nhị nào đó trong cơ cấu thần kinh hoặc một loại vấn đề sinh học nào đó. Nhưng chúng tôi thực sự tin rằng những rối loạn này đều thuộc lãnh vực tâm lý. Và trong tư cách là một bác sĩ tâm thần, chúng tôi đã vạch ra mọi cơ chế tâm lý của chúng.
Tuy nhiên, trong ba mươi năm trở lại đây, chúng ta đã biết rằng có những gốc rễ rất sâu thuộc lãnh vực sinh học đối với mọi rối loạn tâm thần này, và chúng ta còn biết nhiều hơn thế nữa. Thật vậy, một trong những vấn đề mà chúng ta đương đầu ngày nay đó là các bác sĩ tâm thần đã trở nên quá si mê sinh hóa học đến nỗi họ có nguy cơ quên hết tất cả những sự khôn ngoan của tâm lý học cũ, một số những sự khôn ngoan ấy vẫn còn đúng đắn hôm nay. Những tình trạng như tâm thần phân liệt không chỉ đơn thuần là các rối loạn thể lý. Chúng cũng là những rối loạn tâm lý, tinh thần và xã hội nữa. Và điều tương tự cũng đúng đối với các căn bệnh như ung thư. Tất cả đều có những nguyên nhân đa diện – vừa thể lý vừa tâm thể.
Thành tố tâm thể lý trong nỗi khổ của con người đã được nhận ra trong ngôn ngữ của chúng ta từ bao thế kỷ nay. Kho thành ngữ của chúng ta chứa đầy những kiểu nói như tê tái lòng; thúi ruột; sốt ruột; tím gan; đắng họng; lạnh gáy, vv… để mô tả những cảm xúc tâm lý, song không phải là không có liên quan đến thể lý – vì thế các bác sĩ tâm thần gọi đó là loại ‘ngôn ngữ bộ phận’ (vì có liên quan đến bộ phận nào đó nơi thân thể chúng ta). Biết bao người đến phòng cấp cứu vào ban đêm với cơn đau nơi ngực – dù có hay không có bệnh tim – ngay sau khi họ trải qua một cuộc tình tan vỡ! (9)
Những rối loạn cột sống là những rối loạn về sự can đảm. Và một lần nữa, điều này được phản ảnh trong ngôn ngữ của chúng ta. Chúng ta nói: “Anh chàng ấy đúng là không có xương sống”, hay “Cô ta quả thực có một xương sống vững vàng”. Bản thân tôi đã chịu đựng nhiều chứng đau lưng trong phần lớn cuộc đời tôi, nhất là một tình trạng gọi là spondylosis (có đốt sống) đặc biệt nghiêm trọng trong cổ tôi. Nhìn một phim X-quang chụp phần cổ tôi, bạn sẽ nghĩ rằng tôi đã già 200 tuổi! Khi tôi lần đầu tiên được chẩn đoán mắc chứng này, tôi hỏi các bác sĩ phẫu thuật thần kinh và các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình: “Điều gì làm cho cổ tôi trông già đến thế?” Và họ trả lời: “À, có lẽ hồi còn bé, anh đã có lần bị gãy cổ”.
Tôi chưa bao giờ bị gãy cổ. Nhưng khi tôi cho họ biết điều đó, họ chỉ nói: “Nếu vậy, chúng tôi thực sự không biết cái gì đã gây ra tình trạng có đốt sống của anh.” Tôi rất mừng nhận được một câu trả lời như thế, bởi vì rất ít bác sĩ sẵn sàng nhìn nhận đơn giản rằng ‘tôi không biết’.
Thực ra, tôi biết rất rõ về nguyên nhân gây ra tình trạng có đốt sống của tôi. Tôi phát hiện ra cách đây khoảng 13 năm khi cơn đau ấy hành hạ tôi cực độ, đồng thời làm tê bại một cánh tay tôi. Tôi nhận một cuộc phẫu thuật thần kinh kéo dài và căng thẳng. Lúc ấy, tôi tự nhủ mình: “Này Scotty, mày biết đó, quả là phiền phức việc trải qua cuộc phẫu thuật đắt tiền và đầy nguy hiểm này cứ vài năm một lần. Nhưng mày thử xét xem mày có vai trò nào trong chứng rối loạn này không?”
Vừa khi tôi sẵn sàng đặt ra câu hỏi ấy, tôi lập tức nhận thấy là có. Trong phần lớn cuộc đời nghề nghiệp của mình, tôi đã luôn luôn có được tên tuổi và uy tín hơn các đồng nghiệp mình, và tôi vẫn thường xuyên lo ngại việc sinh ra đụng chạm. Thực tế tôi có gặp một số đụng chạm, dù không nhiều như tôi dự đoán, song như vậy cũng cho thấy nỗi sợ của tôi có cơ sở. Nói gì thì nói, tôi đã đi qua cuộc đời mình với cái đầu và cái cổ cúi gằm về phía trước, như một cầu thủ bóng đá sắp sửa lao tới đánh đầu quả bóng tầm thấp vào khung thành đối phương. Bạn hãy thử giữ đầu và cổ bạn kiểu đó trong ba mươi năm, và bạn sẽ biết thế nào là chứng có đốt sống (spondylosis)!
Dĩ nhiên, mọi chuyện không đơn giản ở đây. Có vô số nguyên nhân đối với hầu hết các chứng bệnh. Mặc dù không đến mức độ như trường hợp của tôi, song cha tôi, mẹ tôi, anh trai tôi đều đã phải chịu đựng chứng có đốt sống trong cổ một cách khác thường, ngay cả dù họ không bao giờ nổi tiếng là những người chuyên ‘nhướn cổ ra’! Vì thế, có một nhân tố sinh học – có tính di truyền – trong tình trạng của tôi. Bạn đừng quên, tôi quả quyết rằng hầu như mọi sự rối loạn đều không chỉ có liên quan đến tâm thể mà còn có liên quan đến tinh thần và xã hội nữa.
Ở đây tôi không đang xướng xuất một điều chi mới mẻ đâu. Rất nhiều người đã viết về mối quan hệ giữa thân thể và tâm trí. Một số người ngày nay cảm thấy có tội khi họ bị bệnh; nhân tố tâm thể của tình trạng này đã được rất nhiều người nhận ra. Dĩ nhiên, không cần thiết phải tự dằn vặt mỗi khi bạn bị cảm lạnh hay cảm cúm. Nhưng nếu bạn bị một chứng bệnh nghiêm trọng hay một chứng bệnh kinh niên, thì quả bạn có bổn phận phải kiểm tra chính mình và tự hỏi phải chăng mình đang đóng một vai trò trong chứng bệnh ấy của mình.
Nhưng nếu bạn làm thế, vì Chúa, thì bạn cũng phải biết ‘nương tay’ với chính mình. Một cách nào đó, có thể nói rằng đời sống vốn gây ra căng thẳng, và nó làm cho chúng ta mệt nhoài. Xin đừng quên sớm hay muộn tất cả chúng ta đều phải chết bởi một chứng rối loạn tâm thể nào đó.
Một lần nữa, tôi không có ý nói rằng mọi chứng ung thư giai đoạn cuối đều có tính tâm thể. Tôi không có ý nói rằng một phòng điều trị ung thư trẻ em – trong đó một bé bốn tuổi đang hấp hối với chứng adrenal carcinoma (ung thư thượng thận), một em khác sáu tuổi đang hấp hối do một chứng medulloblastoma, và một bé khác nữa đang hấp hối do một bướu Wilms – thì phòng điều trị đó chỉ là một chỗ tự sát của trẻ em không hơn không kém. Tôi cũng không có ý nói rằng các nạn nhân của một vụ rơi máy bay đã cố ý tập trung lại tại phi trường để thực hiện một cuộc tự sát tập thể – hay sáu triệu người Do Thái kia tự nguyện bước tới cái chết hồi thời Hitler. Nhưng khi chúng ta xem xét cái chết đơn thuần như một tai nạn, thì chúng ta cũng đang phớt lờ rất nhiều trường hợp chết thực tế khác và phớt lờ cả huyền nhiệm của sự chết nữa.
NHẬN HIỂU SỰ CHẾT
Một bước đột phá trong nhận thức của chúng ta về bản chất đích thực của sự chết là sự kiện xuất bản quyển Chết Và Hấp Hối (On Death and Dying) của Elisabeth Kubler-Ross, M.D. Cho tới lúc bấy giờ, sự chết vẫn là lĩnh vực độc quyền của các linh mục. Các bác sĩ thì quan tâm đến sự sống, và sự sống nhằm phục vụ cho người sống. Còn sự chết được bỏ lại cho mấy cơ sở mai táng. Nhưng Kubler-Ross đã dám chuyện trò với những người đang hấp hối và dám hỏi xem họ đang nghĩ gì, đang cảm nhận gì về cái chết cập kề họ. Bà đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự. Chỉ một thập niên sau đó, đã có những khóa học về cái chết và về tình trạng hấp hối trên khắp nước Mỹ. Và nhà ‘vĩnh biệt’, một nơi mà người ta có thể đến để chết, đã được phát minh hoặc được tái lập. Dường như nữ tác giả này đã gây ra một cuộc cách mạng.
Tác phẩm của bà đã mở đường cho những quyển sách về cùng chủ đề, trong số đó có quyển Đời Này Sang Đời Khác (Life after Life) của Raymond Moody và Phút Lâm Chung (At the Hour of Death) của Karlis Osis và Erlendur Haraldsson, người đã viết về chính khoảnh khắc chết và những kinh nghiệm của người đang tiến gần sát cái chết. Có một sự giống nhau lạ kỳ giữa những gì họ khám phá ra. Raymond Moody, một nhà khoa học và đồng thời là bác sĩ tâm thần, đã cho biết rằng phần đông những ai nhớ lại kinh nghiệm gần chết của họ đều liên hệ đến một sự biến đổi luân chuyển. Trước hết, có vẻ như từ trần nhà, họ nhìn thấy chính thân xác họ đang nằm trên giường, và họ thấy rất chính xác tất cả những gì các y tá và bác sĩ đang làm cho họ. Điều xảy ra kế tiếp – phần đáng kinh sợ duy nhất của kinh nghiệm này – là họ như đi xuyên qua một con đường hầm tối mịt. Họ vụt qua đó một cách nhanh chóng, rồi họ đối diện với ánh sáng, ánh sáng này được hiểu là Thiên Chúa hay đôi khi được hiểu là Chúa Giêsu. Và trong ánh sáng này, họ được yêu cầu nhìn lại đời sống của họ. Nhìn lại, họ thấy đời sống mình thật lộn xộn, nhưng thực thể ánh sáng ấy thì vô cùng yêu thương và tha thứ. Rồi ánh sáng ấy dẫn họ quay trở lại. Họ quay trở về một cách miễn cưỡng, nhưng trong tinh thần vâng phục ánh sáng ấy.
Thường những người có kinh nghiệm như thế, theo Moody, không có nhiều khuynh hướng tâm linh trước đó, nhưng trở thành rất có khuynh hướng tâm linh sau đó. Và nói chung, họ trở nên tin tưởng vào sự sống sau khi chết – và nỗi sợ chết nơi họ giảm đi rất nhiều.
Khi chúng ta tiến tới đủ gần sát cái chết, chúng ta thấy rằng cái chết không đáng sợ đến mức như mình vẫn nghĩ – điều đó thật là thú vị! Song nó không đem lại cho bạn sự thoải mái đâu. Bạn đứng trước những dấu hỏi như: “Nó có liên quan gì với cuộc sống này không? Cuộc hiện sinh tạm bợ này của chúng ta có thể có ý nghĩa gì?”
Nếu bạn tự hỏi như thế, tôi tưởng rằng đấy chính vì bạn đã nhận thức được rằng cuộc sống của mình thật hữu hạn, và bạn đang kiếm tìm ý nghĩa của nó. Nhưng hãy giả sử tự thân việc kiếm tìm ý nghĩa này đã là một việc đầy ý nghĩa. Hãy giả sử đó là một phần của cuộc chơi, một phần của lý do hiện hữu của chúng ta. Rất có thể chúng ta đang có mặt đây để kiếm tìm một cái gì đó chứ, phải không? Nếu câu trả lời là “Vâng!”, thì sự chết sẽ thúc bách việc kiếm tìm ấy.
Khi tôi trằn trọc với huyền nhiệm sự chết của mình, khi tôi kiếm tìm ý nghĩa của cuộc sống này, tôi đã gặp thấy điều mình tìm kiếm. Điều ấy thật đơn giản: Chúng ta đang có mặt trong cuộc đời này để học. Mọi sự xảy đến với chúng ta để giúp chúng ta học. Và không có gì giúp chúng ta học tốt hơn là cái chết.
Tôi đã đi tới kết luận rằng chúng ta được trao ban một môi trường học tập lý tưởng. Tôi dám thách bạn, trong khả năng tưởng tượng của bạn, hãy nghĩ ra một môi trường lý tưởng hơn cuộc sống này để phục vụ cho việc học hỏi của con người. Trong những khoảnh khắc ảm đạm của mình, dường như tôi thấy nó là một loại trại huấn luyện cho người ta vào thiên đàng, đầy những bài tập vượt chướng ngại được phác họa cho việc học của chúng ta. Và tôi nghĩ chướng ngại được phác họa ‘ác’ nhất là giới tính. Trong thực tế, sự chết là một hệ quả của tính dục chúng ta.
Các sinh vật hữu cơ ở đáy bậc thang tiến hóa không truyền sinh qua con đường tính dục. Chúng sinh sản một cách hoàn toàn vô tính. Chúng tự nhân giống (chẳng hạn nảy chồi), và chất liệu di truyền của chúng tiếp tục và tiếp tục mãi. Rõ ràng chúng không bao giờ chết, trừ phi có ai đó đến và tiêu diệt chúng. Chúng không kinh nghiệm sự già lão hay sự chết tự nhiên. Chỉ ở bậc cao nào đó trên thang tiến hóa, sinh vật mới truyền sinh qua con đường tính dục, và cũng chỉ ở đây mới bắt đầu có hiện tượng già nua và sự chết tự nhiên. Cái gì cũng có giá của nó!
Chúng ta học tốt nhất khi chúng ta có một hạn mức. Từ ‘deadline’trong Anh Ngữ là một từ ngữ tuyệt vời! (10) Trong nghề trị liệu tâm lý của tôi, tôi thường sử dụng một kỹ thuật rất có tiềm năng, nhất là khi làm việc với các nhóm. Khi các thành viên của một nhóm hành động như thể họ sẽ ‘còn sống muôn đời muôn kiếp trên trần đời này’, tôi sẽ đến với họ một lúc nào đó và nói: “Này, nhóm của các bạn chỉ còn làm việc sáu tháng nữa thôi. Tôi sẽ giải thể nhóm này trong sáu tháng nữa.” Thật là thú vị! Những người vốn rề rà uể oải nhất nay bỗng dưng linh hoạt hẳn lên, khi mà họ được trao cho một hạn mức!
Trong trị liệu cá nhân cũng thế. Một hạn mức thường có tiềm năng tác động rất lớn. Việc chấm dứt một mối quan hệ thân tình giữa một bệnh nhân và một nhà trị liệu đôi khi có thể được sử dụng để tượng trưng cho toàn thể vấn đề sự chết, đồng thời để trao cho bệnh nhân một cơ hội nhận hiểu sự chết.
NHỮNG BƯỚC CHẾT VÀ NHỮNG BƯỚC TRƯỞNG THÀNH
Elizabeth Kubler nhận thấy rằng những người hấp hối đi qua một tiến trình theo thứ tự sau đây:
– phủ nhận
– giận dữ
– mặc cả
– suy sụp
– chấp nhận
Giai đoạn thứ nhất là phủ nhận. Họ từ chối sự chết. Họ nói: “Phòng xét nghiệm chắc hẳn lẫn lộn kết quả xét nghiệm của tôi với một ai đó khác. Đó không phải là tình trạng của tôi. Tôi không thể chết.” Nhưng sự phủ nhận này không thể kéo dài.
Thế là họ giận dữ. Họ giận các bác sĩ, họ oán các y tá, họ trách bệnh viện, họ phàn nàn những người thân của họ, và họ giận cả Thiên Chúa.
Khi cơn giận cũng chẳng đem lại gì tốt hơn cho họ, họ bắt đầu mặc cả. Họ nói: “Có lẽ nếu tôi trở lại với nhà thờ và bắt đầu cầu nguyện trở lại, căn bệnh ung thư của tôi sẽ biến mất”, hoặc: “Có lẽ nếu tôi vui vẻ hơn với con cái để thay đổi bầu khí trong nhà, thì hai quả thận của tôi sẽ khá hơn.”
Nhưng khi điều này cũng không đem lại kết quả gì, họ bắt đầu nhận ra rằng thế là xong, vô phương! Họ trở nên suy sụp.
Nếu họ có thể cầm cự ở giai đoạn này và làm điều mà các nhà trị liệu chúng tôi gọi là ‘vượt qua suy sụp’ thì
họ có thể sống còn qua cơn suy sụp để bước vào giai đoạn thứ năm: chấp nhận! Đây là giai đoạn an tĩnh tâm hồn và thanh thản, thậm chí là một giai đoạn của ánh sáng. Những người đã chấp nhận sự chết sẽ có được ánh sáng trong mình. Như thể họ đã chết rồi và đã được phục sinh trong một cảm thức tâm linh nào đó. Đây là một sự việc rất kỳ diệu.
Tuy nhiên, điều nói trên không xảy ra thông thường lắm. Phần đông người ta không chết trong giai đoạn thứ năm tuyệt vời này. Người ta thường chết khi vẫn còn phủ nhận, vẫn còn giận dữ, vẫn còn mặc cả, hay vẫn còn suy sụp. Lý do là vì công việc ‘vượt qua suy sụp’ đớn đau và khó khăn đến nỗi khi họ chạm vào nó, họ thường thối lui lại tình trạng phủ nhận hay giận dữ hay mặc cả. Có một điều rất thú vị mà Kubler-Ross đã không nhận ra – đó là chúng ta cũng đi qua đúng những giai đoạn đó và trong cùng một thứ tự đó bất cứ khi nào chúng ta thực hiện được một bước có ý nghĩa trong hành trình phát triển tâm lý và tâm linh của chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta sải một bước dài tiến lên phía trước trong hành trình sa mạc cuộc đời, bất cứ khi nào chúng ta có một sự cải thiện đầy ý nghĩa nơi chính mình, thì chúng ta đều đi qua tiến trình phủ nhận, giận dữ, mặc cả, suy sụp và chấp nhận.
Chẳng hạn, thử hình dung có một khiếm khuyết nghiêm trọng trong nhân cách của tôi – và các bạn tôi bắt đầu phê phán tôi về những biểu hiện của khiếm khuyết ấy. Phản ứng đầu tiên của tôi sẽ là gì? Tôi nói: “Cô ấy chắc hẳn nhìn gà hóa cút!”, hoặc: “Anh ta chắc hẳn bị vợ cằn nhằn sáng nay. Tôi không dính dáng gì!” Thế đấy, tôi phủ nhận.
Nếu họ tiếp tục chỉ trích tôi, tôi sẽ nói: “Ai cho các anh cái quyền chỏ mũi vào chuyện của tôi? Các anh không hiểu gì cả về hoàn cảnh của tôi. Tại sao các anh không lo lấy chuyện riêng của các anh?” Nghĩa là, tôi giận dữ.
Song nếu người ta vẫn còn thương tôi đủ để tiếp tục chỉ trích tôi, tôi sẽ bắt đầu nghĩ: “Chà, gần đây mình đã không có lời nào khen tặng anh ta về những gì anh ta đã làm.” Thế là tôi tìm cách ‘nịnh’ anh ta, mỉm cười với anh ta, hy vọng như vậy sẽ khóa được cái mồm lộn xộn của anh ta. Mặc cả!
Thế nhưng nếu bạn tôi vẫn không chịu ngừng chỉ trích tôi, tôi sẽ bắt đầu tự nhủ: “Có thể anh ta đúng? Có thể có một cái gì đó không ổn với Scott Peck vĩ đại này?” Và nếu câu trả lời là “Vâng”, thì tôi bắt đầu chán nản, suy sụp. Trong trường hợp tôi có thể cầm cự với sự suy sụp này và bắt đầu tự hỏi cái trục trặc nơi mình là cái gì, rồi suy ngẫm kỹ về nó và phân tích nó, tách bạch nó, nhận diện nó, thì tôi có thể bước vào tiến trình tiêu trừ nó và giải phóng chính mình khỏi nó. Một khi hoàn tất việc ‘vượt qua suy sụp’ này, tôi sẽ nhận ra mình biến đổi trở thành một con người mới, một con người được phục sinh, một con người tốt hơn con người cũ của mình.
HỌC CHẾT
Những điều tôi vừa đề cập thực sự không có gì mới mẻ. Trong Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi, tôi đã trích dẫn câu nói của Seneca – xấp xỉ 200 năm rồi: “Trong suốt cuộc sống, người ta phải không ngừng học sống. Và một điều sẽ làm bạn ngạc nhiên đây, trong suốt cuộc sống, người ta phải không ngừng học chết nữa.” Học sống và học chết là hai việc không rời nhau. Để học sống, chúng ta phải quan tâm và giải quyết vấn đề sự chết của chúng ta – vì sự chết nhắc cho chúng ta nhớ giới hạn của cuộc hiện sinh này. Chúng ta cần ý thức về sự ngắn ngủi của cuộc sống này, nhờ đó ta có thể tận dụng triệt để thời gian của mình.
Don Juan, vị guru già của thổ dân ở Mexico trong các tác phẩm của Carlos Castaneda, đã xem sự chết như một đồng minh. Trong lối nói của Don Juan, các đồng minh là những quyền lực đáng sợ mà người ta phải chiến đấu với chúng trước khi chúng được thuần hóa. Sự chết cũng y như thế. Chúng ta phải vật lộn với sự chết, chiến đấu với huyền nhiệm sự chết trước khi chúng ta có thể nắm được nó và vác nó lên vai, như Don Juan đã làm. Và bấy giờ, ngày này qua ngày khác, chúng ta có thể không ngừng thu nhận bao ích lợi từ những nhắc nhở đầy khôn ngoan mà sự chết trao ban cho mình.
“Đồng minh” trước hết có nghĩa là một người bạn. Nhưng ít nhất trong văn hóa tây phương, chúng ta không quen nhìn sự chết như một người bạn. Trong các nền văn hóa đông phương, trong các tôn giáo như Phật giáo và Ấn giáo, sự chết được người ta niềm nở đón nhận hơn so với chúng ta. Thực vậy, trong thuyết hóa kiếp luân hồi – là thuyết có mặt trong cả hai tôn giáo nói trên – thì phần thưởng trọn vẹn, điểm nhắm cuối cùng là sự chết. Theo quan niệm này, chúng ta tiếp tục được tái sinh – hết kiếp này đến kiếp khác – cho tới khi chúng ta đã học hết tất cả những gì cần phải học trên dương thế này. Khi ấy và chỉ khi ấy, chúng ta mới có thể thoát ra khỏi bánh xe luân hồi và cuối cùng đạt giác ngộ.
Dù bạn có nhìn nhận lý thuyết ấy hay không, bạn cũng có thể nhận thấy rằng trong thuyết luân hồi, mục đích của cuộc sống cũng là để học. Thực ra, không có chứng cứ nào cho thấy các tín đồ Ấn giáo và Phật giáo ít sợ chết hơn số còn lại trong chúng ta. Sợ chết, đó là chuyện bình thường thôi. Chết là đi tới chỗ vô minh, mù mịt – và xét một mức nào đó, nỗi sợ đối với việc bước vào chỗ vô minh là điều hoàn toàn lành mạnh thôi. Chỉ không lành mạnh khi chúng ta cố phớt lờ nó.
Một trong những phê phán thường xuyên mà tôi nghe từ các bạn vô thần, đó là tôn giáo là một cây nạng để giúp chống đỡ người già khi họ đối mặt với huyền nhiệm sự chết, với nỗi sợ chết. Tôi nghĩ họ đúng khi cho rằng một tôn giáo trưởng thành bắt đầu từ một cuộc chiến đấu với huyền nhiệm sự chết. Nhưng có lẽ họ sai khi bảo tôn giáo là một cây nạng, làm như thể người ta sẽ dũng cảm hơn khi đối mặt với cuộc sống này nếu cuộc sống này không có ý nghĩa gì và nếu không hề có đời sau. Tôi nghĩ như thế bởi vì những con người tín ngưỡng – một khi nhận ra và đối mặt với tầm quan trọng của sự chết – thường chứng tỏ rằng họ là những con người can đảm hơn. Người vô thần, theo tôi, có khuynh hướng phủ nhận tầm quan trọng của sự chết; họ tuyên bố rằng sự chết chẳng có ý nghĩa gì hơn việc ngừng đập của một trái tim, rồi họ lập tức chuyển sang nói chuyện khác. Đó là một loại tránh né. Họ không muốn tiến tới đủ gần sự chết để nhận hiểu nó còn hàm chứa những gì.
Bạn cần lưu ý rằng so với những người vô thần, đa số những người chuyên chăm đi nhà thờ cũng không nồng nhiệt đối với việc chiến đấu với huyền nhiệm sự chết của mình hơn bao nhiêu. Phần đông các tín đồ siêng năng đi nhà thờ cũng chỉ bộc lộ một lòng sùng ngưỡng mê tín, gia truyền – như những bộ y phục được truyền từ đời cha sang đời con – những bộ y phục có thể vẫn giữ cho họ được ấm, song vẫn chỉ là những cái bẫy. Đó là lý do tại sao có câu nói: “Thiên Chúa không có cháu!” (God has no grandchildren). Chúng ta không thể liên hệ với Thiên Chúa xuyên qua cha mẹ chúng ta . Chúng ta phải thiết lập một mối tương quan trực tiếp với Thiên Chúa. Chúng ta không thể nhờ một ai đó khác – linh mục, cha mẹ, vv… – chiến đấu với huyền nhiệm sự chết của chính chúng ta. Trong cuộc hành trình tâm linh đi qua cuộc sống, có những việc chúng ta phải tự làm lấy một mình, và một trong những việc đó là chiến đấu với huyền nhiệm sự chết. Bạn không thể đùn đẩy cho bất cứ ai đảm nhận thay bạn cuộc chiến đấu này.
Thế nhưng, có nhiều tín hữu siêng năng đi nhà thờ nhưng lại tránh né vấn đề sự chết như tránh dịch tả. Đa số người mang danh nghĩa là Kitô hữu thậm chí đã gỡ Đức Giêsu ra khỏi thập giá. Nếu bạn hỏi tại sao, họ sẽ trả lời rằng họ muốn nhấn mạnh sự Phục Sinh của Chúa hơn là cuộc khổ nạn thập giá. Nhưng đôi khi tôi không thể không tự hỏi phải chăng chỉ vì họ không muốn nhìn tất cả những máu me, thương tích và thực tại chết ấy ngay trước mắt họ để nhắc nhớ họ về sự chết của chính bản thân mình.
NỖI SỢ CHẾT VÀ CHỨNG TỰ YÊU
Nhưng tại sao chúng ta thường sợ chết quá mức như thế?
Đấy chủ yếu bởi vì chứng tự yêu (narcissism) của chúng ta. Tự yêu là một hiện tượng không bình thường và rất phức tạp. Xét một mức nào đó, tự yêu là điều cần thiết trên phương diện tâm lý đối với bản năng sinh tồn của chúng ta, nhưng phần lớn thì chứng tự yêu còn tồn đọng từ tuổi ấu thời và có tính tự hủy diệt. Khi chứng này bị thả lỏng, thì đó là sự mở đường cho những tình trạng bệnh hoạn về tâm lý và tinh thần. Cuộc sống tinh thần lành mạnh hệ tại ở cuộc vượt thoát không ngừng ra khỏi tính tự yêu. Nhưng thực tế thường người ta không thoát ra được khỏi nó, và đây là điều vô cùng tai hại.
Khi các bác sĩ tâm thần nói về các thương tổn để tự hào, thì đó là các thương tổn của chứng tự yêu. Trên bậc thang các thương tổn tự yêu của tôi, tôi xếp sự chết ở chóp đỉnh. Chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng bị thương tổn do chứng tự yêu, dù với mức độ rất nhỏ: một người bạn cùng lớp gọi tôi là điên khùng, chẳng hạn; hoặc vì tôi là người cuối cùng được chọn vào đội bóng chuyền của trường; hoặc các đồng nghiệp chế giễu tôi; hoặc tôi bị sa thải; hoặc con cái tôi phản kháng tôi, vv… Khi những thương tổn ấy của chứng tự yêu xảy ra, hoặc là tôi trở thành bực dọc cay đắng, hoặc là tôi lớn lên. Nhưng cái chết thì có tầm mức rộng hơn nhiều. Không có gì đe dọa mối ràng buộc giữa tính tự phụ của chúng ta và chứng tự yêu nơi chúng ta hơn là cái chết đang treo lơ lửng trên đầu mình. Vì thế, sự kiện chúng ta sợ chết là điều vô cùng tự nhiên.
Có hai cách để xử lý nỗi sợ ấy: cách thông thường và cách khôn ngoan. Cách thông thường là xua đuổi nỗi sợ ấy ra khỏi tâm trí mình, hạn định ý thức của mình về nó, cố gắng không nghĩ về nó. Cách này xem ra hữu hiệu khi chúng ta còn trẻ. Nhưng chúng ta càng xua đuổi nó, nó càng sấn tới sát gần chúng ta hơn. Và đến một lúc nào đó, mọi sự dường như đều bắt ta nghĩ đến cái chết: đứa con mình tốt nghiệp, bạn mình bị bệnh, cái khớp xương mình kêu răng rắc … Nói chung, cách thông thường xem ra không khôn ngoan lắm. Thật vậy, chúng ta càng quay mặt lẩn tránh sự chết của mình thì tuổi già của chúng ta càng trở nên đầy đe dọa hơn cho mình.
Cách khôn ngoan hơn là đối diện với sự chết càng sớm càng tốt. Và khi làm thế, chúng ta có thể nhận ra một cái gì đó thực sự rất đơn giản. Nghĩa là, ngần nào chúng ta có thể vượt qua chứng tự yêu của mình thì ngần ấy chúng ta có thể vượt qua được nỗi sợ chết.
Đối với những người thành công trong việc này, thì viễn ảnh sự chết sẽ trở thành một động lực thúc đẩy sự trưởng thành tâm lý và tâm linh của họ. Họ nghĩ: “Dù sao tôi cũng sẽ chết, nên chẳng nghĩa lý gì việc cố bám víu vào cái tôi ngốc nghếch của mình.” Bấy giờ, họ tiến lên trong một cuộc hành trình giũ bỏ sự vị kỷ.
Đó không phải là một cuộc hành trình dễ dàng và dễ chịu. Những ‘cái vòi’của chứng tự yêu nơi chúng ta rất nhạy cảm và sắc bén; chúng phải được chặt đứt từ ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, thập kỷ này qua thập kỷ khác. Bốn mươi năm sau khi tôi lần đầu tiên nhìn nhận chứng tự yêu nơi mình, tôi vẫn còn phải tiếp tục làm công việc chặt đứt những ‘cái vòi’ của nó!
Hành trình này quả là không dễ, nhưng rõ ràng nó thật đáng giá. Bởi vì khi chúng ta tiến xa hơn trong việc loại trừ chứng tự yêu nơi mình, loại trừ xu hướng qui ngã của mình, thì chúng ta càng nhận ra rằng mình không chỉ ít sợ chết hơn mà còn trở nên ít sợ sống hơn nữa! Tấm lòng chúng ta sẽ rộng mở hơn. Chúng ta không còn bị áp lực phải bảo vệ chính mình nữa. Chúng ta có thể ngước mắt lên, thôi nhìn mình, để thật sự nhận ra người khác. Và chúng ta bắt đầu cảm nghiệm một niềm hạnh phúc sâu xa mà trước kia mình chưa bao giờ cảm nghiệm được. Vì bấy giờ chúng ta ngày càng quên mình hơn nên chúng ta có khả năng nhớ đến Thiên Chúa hơn.
Đây là sứ điệp cốt lõi trong mọi tôn giáo lớn: Hãy học chết! Các tôn giáo nhắc đi nhắc lại với chúng ta rằng con đường ra khỏi chứng tự yêu chính là con đường tiến đến ý nghĩa. Các tín đồ Phật giáo và Ấn giáo nói về điều này trong hai tiếng ‘vô ngã’; đối với họ, ngay cả ý niệm về bản ngã cũng là một ảo tuởng. Đức Giêsu cũng nói tương tự: “Ai muốn cứu mạng sống mình (nghĩa là ai cố bám lấy chứng tự yêu nơi mình) thì sẽ mất nó. Và ai dám liều mạng sống mình vì Ta, thì sẽ tìm được nó.”
Scott Peck
Lm. Lê Công Đức chuyển ngữ
—————-
(6) Tạm dịch: ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT LÀ CHỌN CHO ĐÚNG CÁI NĨA.
(7) open-heart = mổ tim trong khi máu được tuần hoàn.
(8) chứng nôn mửa quá nhiều khi mang thai
(9) heartbreak trong Anh ngữ, có gốc ở heart (= trái tim)
(10) vì deadline có nghĩa là hạn mức, và bản thân từ này có gốc dead = chết.