PHÚC ĐỨC TẠI MẪU

 

PHÚC ĐỨC TẠI MẪU

1. LỜI CHÚA: Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

2.CÂU CHUYỆN: CÁCH DẠY CON CỦA MỘT BÀ MẸ

Mạnh Tử thuở nhỏ nhà ở gần nghĩa địa thấy người ta đào huyệt và mang xác chết đi chôn, về nhà cậu cũng bắt chước đào huyệt, khóc lóc và an táng người chết. Bà mẹ thấy thế tự nhủ rằng: “Chổ này không phải là chổ cho con ta ở đuợc“. Rồi bà liền dọn nhà ra phố chợ. Mạnh tử thấy người ta mua bán gian xảo, ăn nói chua ngoa tục tĩu, cậu cũng học chơi trò buôn bán xảo trá lừa lọc và ăn nói lỗ mãng với mọi người .Bà mẹ thấy thế tự nhủ rằng: “Chổ này cũng không phải là chổ ở tốt cho con trai ta“. Sau đó, bà dọn nhà đến gần trường học. Mạnh Tử thấy các học trò biết lễ độ kính trên nhường dưới và chăm chỉ học tập các sách thánh hiền, cậu cũng bắt chước học đòi bút nghiên đèn sách. Thấy vậy, bà mẹ rất hài lòng và tự nhủ rằng: “Đây mới thực là chỗ ở tốt cho con trai ta“.

Một hôm Mạnh Tử đến chơi nhà hàng xóm, thấy họ làm thịt heo liền về nhà hỏi mẹ rằng: ”Mẹ ơi, nhà bên cạnh người ta giết heo làm gì vậy ?” Bà mẹ nói đùa với con: ”Họ giiết heo cho con ăn đấy !”. Nói xong, biết mình lỡ lời, bà liền suy nghĩ “Con mình còn nhỏ chưa phân biệt thật giả đúng sai. Nếu ta nói dối nó thì chẳng khác gì ta đã dạy cho con ta nói dối hay sao ?” Sau đó, bà đã ra chợ mua một cân thịt heo về nhà làm món ăn ngon cho con.

Lần khác ,Mạnh Tử  đang học ở trường bỗng trốn học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi bên khung cửi dệt vải, biết con trai trốn học, liền cầm con dao chặt đứt tấm vải đang dệt và dạy con rằng: ”Con ơi! Con đang học mà bỏ trốn đi chơi thì chẳng khác gì mẹ đang dệt tấm vải mà lại chặt đứt nó vậy !” Từ đó, Mạnh Tử quyết tâm chuyên cần học tập. Về sau ông đã trở thành một hiền nhân xuất chúng và rất nổi tiếng của nước Trung Hoa.

3.SUY NIỆM : 

Trong việc giáo dục con cái, người ta thường hay đỗ lỗi cho các bà mẹ nếu con cái bị hư hỏng như câu : ”Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà“. Tuy nhiên nếu con cái được thành đạt thì vai trò của bà mẹ cũng đựơc đặc biệt đề cao : ”Phúc đức tại mẫu“ do biết dạy dỗ con cái : “Dạy con từ thuở còn thơ“. Chính nhờ có một bà mẹ khôn ngoan, biết ứng xử nhanh nhậy và có khả năng tiêu liệu điều tốt cho con mà ngày nay chúng ta mới có được một hiền nhân rất nổi tiếng là thây Mạnh Tử. Vậy cha mẹ cần dạy con từ khi nào ? Phải dạy con những gì ? và nên dạy con bằng phương pháp nào ?

1)PHẢI DẠY CON TỪ KHI NÀO ?

Một nhà trồng tỉa muốn uốn cây cảnh mỹ thuật, cần phải uốn khi cây còn non mới đem lại kết quả tốt. Cha ông chúng ta cũng dạy các bậc làm cha mẹ : “Dạy con từ thưở còn thơ”. “Còn thơ” hay “còn nhỏ” còn được hiểu là ngay từ khi con còn trong bụng mẹ. Khoa học ngày nay cho thấy: Người mẹ cũng ảnh hưởng đến tâm tính và sức khoẻ của đứa con ngay từ lúc còn phôi thai. Việc giáo dục này được gọi là thai giáo. Trong thời gian này, các tâm tình và thái độ ứng xử của bà mẹ sẽ ghi dấu sâu đậm trên tâm tính thai nhi của mình. Tránh cho bà mẹ mang thai bị xúc động như buồn sầu bực tức, để thai nhi được phát triển khỏe mạnh cả về thể xác cũng như tâm hồn.

Tuy nhiên, thời gian thuận tiện nhất để trực tiếp giáo dục con cái là khi con bắt đầu nhận biết những lời cha mẹ dạy dỗ : “Dạy con từ thuở lên ba”. Trong giai đọan này gia đình chính là mái trường đầu tiên dạy cho đứa bé những bài học làm người, và cha mẹ chính là những “thày cô” được con tín nhiệm và vâng lời hơn cả, vì cha mẹ sống gần con, hiểu biết tính nết của con và có lòng yêu thương con hơn tất cả.

2) CHA MẸ CÔNG GIÁO CẦN DẠY CON NHỮNG GÌ?

Mục tiêu của việc giáo dục đức tin là giúp con cái thành một người trưởng thành nhân cách và thành con hiếu thảo của Cha trện Trời theo gương Chúa Giêsu là “Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha”.

a)Giáo dục nhân bản: Cha mẹ cần quan tâm giáo dục con về đức dục, trí dục, thể dục và tính dục:

-Thể dục: dạy con ăn ở vệ sinh sạch sẽ, bảo vệ sức khỏe bản thân.

-Trí dục: giúp con trau dồi học vấn và nghề nghiệp, có khả năng sống tự lập và giúp ích cho tha nhân.

-Đức dục: Lọai trừ các thói hư tật xấu và tập luyện các tính tốt. Nhất là các đức tính nền tảng như: khôn ngoan, công bình, khiêm tốn, thật thà, tiết độ và dũng cảm. Ngòai ra nam giới còn cần học Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, và nữ giới cần học về Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

-Giới tính: Ngoài ra, trong việc giáo dục nhân bản cũng phải để ý đến việc giáo dục giới tính, hướng dẫn con cái về phái tính và tính dục. Việc giáo dục này nhằm mục đích giúp con cái hiểu biết căn bản về tính dục phù hợp với lứa tuổi và tầm nhận thức, để chúng có thể sống trong sạch, trưởng thành, xứng đáng là theo thánh ý Thiên Chúa. Trong việc giáo dục này, cũng cần dạy cho con cái biết sử dụng cách đúng đắn các phương tiện truyền thông, đặc biệt phim ảnh, trò chơi game và sử dụng mạng dưới sự kiểm sóat của cha mẹ.

b) Giáo dục đức tin:

Mến Chúa yêu người: Ngoài nền giáo dục nhân bản, cha mẹ công giáo còn phải giáo dục đức tin cho con, nghĩa là ngay từ nhỏ, đã phải dạy cho con biết “mến Chúa yêu người”, biết tuân giữ những giới luật của Chúa, năng tham dự những việc đạo đức, năng lãnh nhận các bí tích… Nhờ đó, con cái sẽ trở thành những tín hữu thực sự, nghĩa là có Đức Kitô trong tâm hồn và mang Đức Kitô giới thiệu cho người chưa biết Chúa.

Đáp lại tiếng Chúa kêu gọi: Trong việc giáo dục đức tin, cũng cần để ý tới việc giúp con cái nhận ra lời mời gọi của Chúa và sẵn sàng đáp lại ơn gọi dâng mình phục vụ Chúa theo lý tưởng tu trì.

Chia sẻ sứ vụ loan Tin Mừng: Khi con cái tới tuổi học giáo lý, cha mẹ nên quan tâm tìm hiểu hệ thống các lớp giáo lý tại giáo xứ của mình. Cha mẹ nên tham gia dạy giáo lý, là cách đơn giản để nâng cao trình độ của mình và trang bị khả năng đào tạo đức tin cho con cái sau này. Hiện nay việc giảng dạy giáo lý thường được giao cho Giáo lý viên chưa lập gia đình. Thật ra, đội ngũ Giáo lý viên cần những người có bề dày kinh nghiệm sống đức tin, nên Hội Thánh rất mong các cha mẹ trẻ quảng đại tham gia vào sứ mạng này.

4)Để việc giáo dục đạt kết quả tốt

a)Đồng tâm nhất trí: Cha mẹ phải nhất trí với nhau trong đường hướng và phương thức giáo dục con cái: Tìm hiểu tính tình, năng khiếu của con cái và phải biết dùng những phương pháp thích hợp với lứa tuổi để việc giáo dục đạt hiệu quả. Ngoài ra cha mẹ cần cộng tác với thầy cô nhà trường và các Giáo lý viên nhà thờ.

b)Làm gương sáng“Cha nào con nấy, mẹ nào con nấy”, “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”; “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”; “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”; ….Thật vậy, đứa con chưa có đủ trí khôn để phân biệt điều tốt và điều xấu, nên thường bắt chước những gì đập vào mắt nó. Vì thế, gương sáng của cha mẹ là điều cần thiết trong việc giáo dục con cái. Người xưa có câu: “Lời nói hương bay, Gương bày lối kéo”.

c)Tạo bầu khí gia đình đầm ấm: Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980 số 12 viết: “Gia đình của anh chị em phải trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái yêu thương và rèn luyện tinh thần tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa”.

d)Tìm hiểu con cáiViệc đầu tiên cần thực hiện là cha mẹ phải tìm hiểu con cái, phải biết con cái nghĩ gì, muốn gì, nói gì và làm gì thì mới có thể hướng dẫn chúng cách hữu hiệu. Duy trì phát triển điều tốt của con cái và uốn nắn nhắc bảo chúng lọai bỏ điều xấu, Cần dạy con bằng những lời lẽ ôn tồn tế nhị và yêu thương. Tránh la mắng con bằng lời thô lỗ tục tĩu.

e)Kiên nhẫn dạy dỗ: Người xưa đã từng khuyên: “Dục tốc bất đạt”. Trẻ con thường ham chơi và mau quên. Cho nên cha mẹ phải nói nhiều lần, phải nhắc đi nhắc lại để những lời khuyên ấy thấm dần vào đầu óc chúng. Nhất là phải dùng lời Chúa mà khuyên dạy con. Đừng bao giờ thất vọng nản chí trong việc sửa dạy con.

d) Cầu nguyện cho con cái:

Trong việc giáo dục con cái, hai vợ chồng cần chạy đến với Chúa, bởi vì như Chúa dạy: “Không có Thầy, anh em không làm được gì” (Ga 15,5). Đến với Chúa để xin Người soi sáng và hướng dẫn cách dạy dỗ. Năng cầu nguyện cho con cái, đặc biệt trong những giai đoạn phát triển khó khăn cuộc đời của chúng.

Sau cùng chúng ta cần học nơi Chúa Giêsu như Người đã nói : “Hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29). Người sẽ ban Thánh Thần cho ta để ta được biến đổi nên hiền lành và khiêm nhường noi gương Ngừơi. Đây là điều kiện để cha mẹ chu tòan sứ mệnh giáo dục con cái.

4. THẢO LUẬN:

 1)Hãy kể một số câu hướng đẫn cho các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái và cho biết bà mẹ thày Mạnh Tử đã áp dụng những câu nào để day dỗ con mình ?”. (Chẳng hạn: ”Yêu  cho rôi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi; Dạy con từ thuở còn thơ; Học ăn học nói học gói học mở; Tiên học lễ,hậu học văn; Gần mực thì đen gần đèn thì ság…).

 2)Trong các phương cách giáo dục con cái nói trên, bạn thấy cách nào hữu hiệu nhất giúp cha mẹ chu tòan bổn phận giáo dục đức tin cho con cái ?

5.LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giêsu. Xin giúp mỗi tín hữu chúng con ý thức và chuẩn bị cho mình có các nhân đức tự nhiên và siêu nhiên hầu chu tòan bổn phận nuôi dạy con cái cả về nhân bản và đức tin. Ước chi chúng con năng học sống Lời Chúa dưới ơn soi dẫn của Thánh Thần để được ơn biến đổi ngày càng nên hoàn thiện hơn, hầu có thể chu tòan bổn phận làm cha làm mẹ đạo đức, tích cực cộng tác với Chúa trong việc nuôi dạy con cái nên “Con rát yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha” noi gương Chúa khi xưa. Amen

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com

 nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay