‘Khúc ruột’ hay ‘khúc dồi’ nghìn dặm qua Luật Quốc Tịch mới?

Ba’o Nguoi- Viet

June 29, 2025

Chuyện Vỉa Hè

Đặng Đình Mạnh

Trong nhiều năm qua, chế độ Cộng Sản Việt Nam vẫn thường xuyên tuyên truyền rằng cộng đồng người Việt ở nước ngoài là “một bộ phận không thể tách rời của dân tộc,” là “khúc ruột nghìn dặm,” kêu gọi họ quay về cội nguồn, đóng góp xây dựng đất nước.

Ông Michael Nguyễn, người Mỹ gốc Việt bị kết án 12 năm tù ở Sài Gòn ngày 24 Tháng Sáu, 2019 vì bị vu cho tội “âm mưu lật đổ” chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam. Nhờ Quốc Hội Mỹ áp lực, ông đã được thả ngày 22 Tháng Mười, 2020, và trục xuất về Mỹ.(Hình: VNA/AFP/Getty Images)

Thế nhưng, khi nhìn vào hệ thống luật pháp và chính sách hiện hành, đặc biệt là qua hai đạo luật vừa sửa đổi gần đây – Luật Đất Đai năm 2024 và Luật Quốc Tịch mới đây – Tháng Sáu, 2025, có thể thấy rõ sự phân biệt đối xử một cách hiển nhiên giữa người Việt trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài.

Sự phân biệt này không chỉ giới hạn về mặt pháp lý, mà còn phản ánh một định kiến chính trị sâu sắc và nguy hiểm rằng: Chỉ người Việt “ngoan ngoãn,” “thuần phục,” “có lợi cho đảng Cộng Sản” mới được xem là “đồng bào.”

Luật Đất Đai: Quyền sở hữu, sử dụng nhà đất bị định kiến chính trị kiểm soát

Trong Luật Đất Đai sửa đổi vào Tháng Giêng, 2024, quy định về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được điều chỉnh theo hướng ràng buộc với điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam. Cụ thể, để được sở hữu nhà đất, người Việt ở nước ngoài phải có giấy tờ chứng minh là người gốc Việt và phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Thoạt nhìn, điều kiện này có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, khi đặt trong bối cảnh chính trị cụ thể, nó trở thành một cơ chế loại trừ mang tính chọn lọc chính trị rõ ràng. Bởi lẽ, việc nhập cảnh vào Việt Nam không phải là một quyền tự nhiên của công dân gốc Việt, mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự chấp thuận của các cơ quan an ninh, Bộ Ngoại giao, hay thậm chí là ý chí chính trị từ thượng tầng.

Theo đó, mặc nhiên những người bất đồng chính kiến, từng lên tiếng phản biện chính quyền, những nhà hoạt động dân chủ, các cựu tù nhân chính trị đã định cư ở nước ngoài – dù họ chưa từng bị tước quốc tịch Việt Nam, gần như không có khả năng được nhập cảnh trở lại. Kéo theo đó, họ cũng mất luôn quyền sở hữu hợp pháp tài sản trên quê hương mình.

Việc gắn điều kiện nhập cảnh với quyền sở hữu tài sản cho thấy một điều nguy hiểm: Quyền dân sự cơ bản đang bị chế độ Cộng Sản biến thành công cụ trừng phạt chính trị. Điều đó không còn là luật pháp phục vụ công dân, mà là công cụ để kiểm soát lòng trung thành chính trị với chế độ.

Luật Quốc Tịch: Quyền tham gia chính trị bị độc quyền hóa

Luật Quốc Tịch sửa đổi vào Tháng Sáu, 2025, đặc biệt là Điều 5, tiếp tục thể hiện sự phân biệt nghiêm trọng giữa người Việt trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài, thông qua các điều kiện mang tính loại trừ chính trị đối với những ai muốn tham gia vào bộ máy công quyền.

Theo quy định mới, các vị trí lãnh đạo trong cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, cũng như trong lực lượng vũ trang và tổ chức cơ yếu (các khái niệm ghi trong luật quốc tịch sửa đổi), chỉ được dành cho những người có duy nhất quốc tịch Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Ngay cả công chức và viên chức cũng phải đáp ứng điều kiện này, trừ khi có lợi cho Nhà nước và không phương hại đến lợi ích quốc gia – một điều kiện mơ hồ và mang tính cảm tính cao.

Điều này có nghĩa gì nếu không phải là sự loại trừ toàn bộ người Việt có quốc tịch thứ hai – bao gồm tuyệt đại đa số kiều bào tại Hoa Kỳ, Úc, Canada, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Họ, dù có tài năng, kinh nghiệm, quan hệ quốc tế, tâm huyết với quê hương đến đâu, cũng không đủ tiêu chuẩn “chính trị” để tham gia vào hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền của quốc gia mà mình được sinh thành, là công dân?!

Không dừng lại ở đó, điều kiện “thường trú tại Việt Nam” gần như khép lại cánh cửa quay về đóng góp của người Việt hải ngoại, vốn có cuộc sống định cư ổn định ở nước ngoài. Việc lựa chọn giữa “trở về sống hẳn” hoặc “không được tham gia gì cả” là một tối hậu thư phi lý đối với kiều bào, đặt họ vào lựa chọn duy nhất là thế đứng bên lề.

Tham chiếu chính sách của các quốc gia văn minh

Để thấy rõ tính phân biệt đối xử này, hãy nhìn sang các quốc gia khác – nơi mà chính phủ hiểu rõ vai trò của kiều bào như một lực lượng quan trọng cho sự phát triển đất nước.

  • Hoa Kỳ: Người Mỹ gốc Việt, gốc Hoa, gốc Ấn… vẫn có thể giữ quốc tịch gốc mà không bị cấm cản trong việc tham gia chính trị, thậm chí được bầu làm dân biểu, thị trưởng, nghị sĩ.
  • Pháp, Anh: Không có bất kỳ điều kiện chính trị nào ngăn cản công dân gốc nước ngoài tham gia các cơ quan công quyền khi họ đủ tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức.
  • Nhật Bản, Hàn Quốc: Luôn có chính sách thu hút nhân tài người Nhật, người Hàn ở nước ngoài quay về phục vụ chính phủ, với nhiều ưu đãi về cư trú, thuế, và cơ hội thăng tiến.
  • Đài Loan, Singapore: Tích cực tạo điều kiện để người gốc Hoa hải ngoại về đầu tư, nắm giữ vai trò lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương.

Trong tất cả các quốc gia này, quốc tịch không phải là cái cớ để cản trở người dân tham gia xây dựng đất nước, mà là công cụ để mở rộng sức mạnh mềm, thu hút chất xám và tài nguyên toàn cầu. Họ không bắt kiều bào phải chứng minh lòng trung thành chính trị một cách hình thức, mà tạo điều kiện để lòng trung thành đó được chuyển hóa thành hành động cụ thể, hữu ích cho quốc gia.

Chính sách của chế độ Cộng Sản Việt Nam – Sự loại trừ có chủ đích

Trái lại, chính sách của chế độ Cộng Sản Việt Nam, thông qua hai đạo luật kể trên đã thể hiện ý đồ không gì rõ hơn được nữa, là thủ đoạn chọn lọc người Việt với tiêu chuẩn có thể kiểm soát được để “cho” hưởng quyền lợi. Ai nằm ngoài tiêu chuẩn đó – cho dù chỉ vì mang hai quốc tịch, hay vì không được “ưu ái nhập cảnh”, thì đều bị gạt ra ngoài lề chính trị.

Thậm chí, những người có năng lực, tâm huyết, từng đóng góp nhiều tiền bạc và uy tín cho hình ảnh quốc gia, nếu rơi vào danh sách “bất đồng chính kiến,” thì sẽ không chỉ không được khuyến khích đóng góp, mà còn bị coi là mối đe dọa tiềm ẩn, họ không chỉ bị khước từ quyền trở về quê hương, mà còn bị tước đoạt cả quyền sở hữu tài sản và quyền tham gia vào tiến trình chính trị trong nước.

Điều này khiến tuyên bố “người Việt ở nước ngoài là một phần máu thịt của dân tộc” trở nên trống rỗng, nếu không muốn nói là đạo đức giả. Họ không phải là “khúc ruột” được giữ gìn, mà là “khúc dồi” – chỉ có giá trị khi cần vắt chất xám, tiền bạc, kiều hối, và bị loại bỏ không thương tiếc nếu có dấu hiệu “không phục tùng.”

Ngày 24 Tháng Sáu, 2025, Quốc Hội CSVN biểu quyết thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc Tịch Việt Nam. Chỉ những kẻ nào ngoan ngoãn, thần phục chế độ độc tài đảng trị mới được gọi là “đồng bào.” (Hình: chinhphu.vn)

Gần đây nhất, vào thời điểm kỷ niệm ngày chấm dứt cuộc chiến cách nay 50 năm, ông Tô Lâm, tổng bí thư đảng Cộng Sản đưa ra bài viết với tựa đề “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.” Rốt cuộc, đây chỉ là lời lẽ mị dân đầy xảo trá. Vì lẽ, luật pháp mà ông ấy chủ trương đang thể hiện đến hai Việt Nam. Một Việt Nam trong nước và một Việt Nam khác ở hải ngoại.

Một tương lai chia rẽ hay hòa hợp?

Việt Nam đang ở vào thời kỳ đầy thách thức: Cần nguồn lực để phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, chống chọi với các khủng hoảng địa chính trị. Trong bối cảnh đó, nguồn lực người Việt ở nước ngoài là tài sản vô giá. Nhưng nếu tiếp tục giữ quan điểm loại trừ, nghi ngờ, kiểm soát chính trị hóa như hiện nay, thì nhà nước không chỉ đánh mất lòng tin của hàng triệu người con xa xứ, mà còn tự mình làm nghèo đi chính quốc gia.

“Khúc ruột nghìn dặm” chỉ có giá trị khi thực tâm xem đồng bào ở hải ngoại là một phần thân thể không thể tách rời, phải được chăm sóc, đối xử bình đẳng và trân trọng. Còn nếu chỉ xem như là “khúc dồi nghìn dặm” để nhâm nhi cùng rượu Mao Đài trong những bữa tiệc phân chia chức vụ, lợi ích trên đầu nhân dân thì hãy thôi hô khẩu hiệu. Vì nhân dân đã quá hiểu bản chất chế độ này.

Dân tộc không thể thăng tiến bằng sự phân biệt đối xử và đất nước không thể phát triển bằng sự loại trừ.


 

Tự do Ngôn luận – Rubio đã gióng chuông cho Hà Nội

Tác Giả: Đàn Chim Việt

29/06/2025

Ngày 28 tháng 5 năm 2025, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio tuyên bố một chính sách thị thực mới, không phải để đối phó ngoại giao, mà là để xác lập giới hạn đạo lý của nước Mỹ: Bất kỳ quan chức nước ngoài nào – nếu đồng lõa trong việc kiểm duyệt, đe dọa, hay đàn áp công dân Hoa Kỳ vì phát biểu quan điểm – sẽ bị từ chối cấp visa nhập cảnh. Tuyên bố này không chỉ là lời nói. Nó đã được luật hóa theo Mục 212(a)(3)(C) của Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch, trao quyền cho Ngoại trưởng từ chối cấp thị thực đối với bất kỳ ai có hành vi gây tổn hại đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ – mà trong trường hợp này là tổn hại đến quyền tự do ngôn luận, quyền hiến định cốt lõi của người Mỹ. Và nếu có một quốc gia nào cần phải nghe thật rõ tiếng chuông cảnh báo này – thì đó chính là Việt Nam. Việt Nam – nơi mà sự thật bị còng, còn nhà báo bị đóng gông Tại Việt Nam, không có tự do báo chí. Không có báo chí tư nhân. Không có quyền được viết về sự thật nếu sự thật đó không phù hợp với lợi ích chính trị của Đảng Cộng sản.

  • Nhà nước kiểm soát toàn bộ báo đài, đưa tin theo chỉ đạo.
  • Người dân viết blog bị bắt.
  • Người livestream bị ghép tội phản động.
  • Người chia sẻ bài viết trên Facebook bị kết án từ 5 đến 15 năm tù. Phạm Chí Dũng – 15 năm tù. Nguyễn Tường Thụy – 11 năm tù. Lê Hữu Minh Tuấn – 11 năm tù. Họ là nhà báo. Họ không mang vũ khí. Họ không hô hào bạo lực. Họ chỉ viết – và vì viết, họ bị đối xử như tội phạm nguy hiểm. Còn những kẻ ra lệnh bắt họ? Chúng sống tự do, hưởng đặc quyền, gửi con đi du học Hoa Kỳ, gửi tiền đầu tư vào California, chụp hình trước trụ sở Liên Hiệp Quốc như thể chưa từng bỏ tù ai. Từ kiểm duyệt trong nước đến đàn áp xuyên biên giới Không dừng lại ở trong nước, Hà Nội đã mở rộng bàn tay kiểm duyệt ra tận hải ngoại, nhắm vào người Mỹ gốc Việt – những người lên tiếng vì lương tâm, vì ký ức, vì khao khát một đất nước không còn sợ hãi.
  • Phóng viên Chân Như (RFA) – công dân Mỹ – bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 2014.
  • Nhiều nhà báo, nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt bị đưa vào danh sách đen, bị từ chối visa, hoặc bị đe dọa qua thân nhân ở quê nhà.
  • Có người không thể về chịu tang cha, vì từng viết một bài trên blog. Có người bị khủng bố mạng, bêu danh trên truyền thông nhà nước, vì phát biểu trong hội nghị quốc tế ở Washington. Những hành vi đó – theo ông Rubio – không còn được dung thứ. Chính sách visa mới là hồi chuông pháp lý: “Không ai có quyền kiểm duyệt công dân Hoa Kỳ. Không ai có quyền truy đuổi tiếng nói tự do xuyên biên giới.

” Tôi – một người trong cuộc. Tôi viết những dòng này với tư cách là nhân chứng sống. Năm 2014, tôi – cùng 5 nhà báo độc lập khác tại Việt Nam – được mời sang điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ. Chúng tôi lên tiếng về tình trạng kiểm duyệt, đàn áp người viết, và lạm dụng luật hình sự để bỏ tù tự do ngôn luận. Chúng tôi cảnh báo về một hệ thống kiểm soát tư tưởng toàn trị, và về nguy cơ mà thế giới tự do chưa nhận ra khi ấy. Sau chuyến đi: • Tôi buộc phải rời Việt Nam, tị nạn tại Mỹ, sống kiếp lưu vong.

  • Nguyễn Tường Thụy – người đứng cạnh tôi hôm đó – bị bắt, kết án 11 năm tù, hiện vẫn đang bị giam trong điều kiện y tế khắc nghiệt. • Những người còn lại trong đoàn – kẻ bị theo dõi, kẻ im lặng để sinh tồn. Chúng tôi đã gióng chuông năm 2014. Nhưng hôm nay, chính Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã thay chúng tôi gióng lại hồi chuông ấy – bằng ngôn ngữ của chính sách và pháp lý. Nếu Hà Nội còn kiểm duyệt – thì Hà Nội sẽ bị chặn cửa Chính sách visa mới không chỉ là răn đe. Đó là cơ chế trừng phạt chính đáng. Nếu một viên chức Việt Nam từng ra lệnh bắt nhà báo, từng ký công văn yêu cầu Facebook gỡ bài viết của người Mỹ gốc Việt, từng báo cáo người biểu tình ở Little Saigon – thì họ và gia đình có thể không bao giờ đặt chân được vào đất Mỹ. Không còn đặc cách ngoại giao. Không còn visa du học, đầu tư hay chữa bệnh. Những kẻ bịt miệng người khác – sẽ bị cấm lời tại vùng đất của tự do. Việt Nam – chọn đi: tự do hay kiểm duyệt Hà Nội không thể vừa bắt người vì viết blog, vừa đòi họp chiến lược với Hoa Kỳ. Không thể vừa bỏ tù người phát biểu, vừa mong được gọi là đối tác toàn diện. Nếu Việt Nam còn tiếp tục bịt miệng những người viết – thì thế giới sẽ bịt cửa với những người ra lệnh. Ngoại trưởng Marco Rubio đã nói rõ. Hồi chuông đã gióng. Giờ là lúc Hà Nội phải trả lời: Muốn đứng trong thế giới văn minh – hay muốn bị cô lập cùng những kẻ sợ sự thật?

 Lê Thanh Tùng – Viết từ Washington, D.C.


 

LÀ MÔN ĐỆ-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Con Người không có chỗ tựa đầu!”.

“Cái ách và thập giá là ‘biểu tượng sinh đôi’ của trải nghiệm Kitô giáo. Thập giá nói đến ‘rời bỏ thế gian’ vì Chúa Kitô, cái ách nói đến việc ‘ôm lấy nó’ vì Ngài; thập giá nói đến hy sinh, cái ách nói đến phục vụ. Là môn đệ Chúa Kitô, bạn không thể chọn cái này, bỏ cái kia; nhưng mang lấy cả hai!” – TS. Rendall.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay kể chuyện một kinh sư tự nguyện làm môn đệ Chúa Giêsu bất cứ Ngài đi đâu; và câu trả lời của Ngài khá khác thường, “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu!”. Ngài không vồ vập, cũng không từ khước ý muốn tốt lành của anh; nhưng đưa ra một tuyên bố để làm sáng tỏ thế nào ‘là môn đệ!’.

Trước hết, cần lưu ý bối cảnh của cuộc đối thoại! Nó xảy ra ngay sau một loạt phép lạ khiến “đám đông vây quanh Chúa Giêsu, đến nỗi Ngài phải ra lệnh sang bờ bên kia”. Chính trong bầu khí phấn khích đó, những gì vị kinh sư thưa lên với Ngài là điều dễ hiểu, “Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo!”. Ai lại không muốn ‘là môn đệ’ của một người lẫy lừng? Chúa Giêsu rất tinh ý – Ngài có quyền nghi ngờ – vì thế, câu trả lời của Ngài rất trung thực và trực tiếp, “Con Người không có chỗ tựa đầu!”. Ngài muốn nói, “Không phải lúc nào cũng như thế này đâu. Sẽ có những ‘trường khổ đau’; và thập giá thấp thoáng ở cuối chân trời!”. Ngài biết, nhiều người sẵn sàng theo Ngài trong thời thuận lợi; nhưng sẽ sớm bỏ Ngài trong buổi gian truân.

Ai muốn đi theo Chúa Giêsu phải biết mình đang chọn cái gì! Đó là nghèo khó hơn là giàu có, khờ dại hơn là khôn ngoan; đó là hiền lành, nhân ái, yêu thương, cầu nguyện, làm phúc và tha thứ cho kẻ thù của mình. Tắt một lời, đó là xót thương như Thiên Chúa xót thương. Và thật bất ngờ, bài đọc Sáng Thế hôm nay cho thấy Abraham như một ‘biểu tượng tiên tri’ của việc ‘là môn đệ’ trong ‘Vương Quốc Mới’. Trước một Sôđôma và Gômôra tội lỗi, ông đã liều lĩnh ngã giá với Chúa để van vái cho người tội lỗi, cho thành xấu xa, “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Chắc không được đâu!”; và Chúa đã xiêu lòng, vì “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Con Người không có chỗ tựa đầu!”. Vậy động lực nào khiến bạn và tôi đi theo Chúa Giêsu? Có phải vì Ngài là Con Thiên Chúa – Đấng Cứu Độ – đáng được yêu mến và tôn thờ chỉ vì ‘Ngài là ai?’. Đúng thế! Chúa Giêsu muốn chúng ta bước theo Ngài trong nghèo khó, ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, sống đơn sơ và bỏ mình mỗi ngày; và cuối cùng, chấp nhận nên giống Ngài đến tận cái nghèo trần trụi trên thập giá. “Người môn đệ được kêu gọi để bước theo Chúa Kitô không phải trên con đường tiện nghi, mà trên con đường bị đóng đinh – vì đó là con đường tình yêu!” – Von Balthasar. Nhưng sau đó, họ chia sẻ sự sống phục sinh vinh quang của Ngài trong Vương Quốc.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì con không ngại ‘khoác lấy ách’ và ‘ôm lấy thập giá’ đời con. Chỉ như thế, con mới có thể cứu độ linh hồn con, cứu độ thế giới!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

**************************************
Thứ Hai Tuần XIII Thường Niên, Năm Lẻ

Anh hãy đi theo tôi.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.   Mt 8,18-22

18 Khi ấy, thấy xung quanh có đám đông, Đức Giê-su ra lệnh sang bờ bên kia. 19 Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng : “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” 20 Đức Giê-su trả lời : “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

21 Một môn đệ khác thưa với Người : “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.” 22 Nhưng Đức Giê-su bảo : “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.”


 

ĐỪNG NHẦM LẪN KHI CUỘC ĐỜI ĐÃ QUÁ ĐỦ LẪN LỘN

  Tu Le

Nhiều người trong đời này học nhiều, đọc lắm, bằng cấp đầy mình – vậy mà nói một điều giản dị thôi cũng thành rối rắm. Triết lý đầy miệng, nhưng sống thì chật vật giữa đạo đức giả và sự vô minh.

Tôi từng gặp những người mang danh “cao cấp lý luận chính trị”, giảng thao thao bất tuyệt về triết học Duy Vật Biện Chứng, nhưng lại không phân biệt nổi giữa “nhiều” và “tốt”. Họ nghĩ rằng cứ có nhiều tờ báo là có tự do báo chí, có nhiều hội là có dân chủ, có nhiều bằng khen là có đạo đức, có nhiều đền chùa miếu mạo là có tâm linh. Họ lẫn lộn cả giá trị sống lẫn giá trị tuyên truyền.

Than và kim cương đều từ carbon mà ra, nhưng không vì thế mà đem cả đống than ra để chứng minh mình đang sống giữa châu báu. Chúng ta đang sống giữa thời đại mà người ta nhầm lẫn giữa số lượng và phẩm chất, giữa hình thức và bản chất, giữa lấp lánh và sáng thật.

Cái đáng sợ không phải là một xã hội nghèo vật chất, mà là một xã hội nghèo minh triết. Cái nguy hiểm không phải là dân trí thấp, mà là người tưởng mình trí tuệ nhưng chỉ là học thuộc lòng mớ lý luận rỗng, sống mà không thấy được gốc rễ vấn đề. Họ không thiếu chữ nghĩa, nhưng thiếu lòng thương. Họ không thiếu lời rao giảng đạo lý, nhưng thiếu khả năng sống tử tế trong đời thường.

Sống trong một thế giới đầy ắp thông tin, nhưng vẫn thấy lạnh lẽo vì thiếu một lời nói thật. Thừa ngôn từ, nhưng thiếu tình người. Chúng ta xây cao bao nhiêu tầng lầu, mở rộng bao nhiêu xa lộ, thì cũng đừng quên đào cho mình một cái giếng lòng đủ sâu – để thấy tận đáy mà không sợ soi gương.

Tôi không viết những dòng này để phán xét. Tôi chỉ mong, một người, hai người, hay vài ba người đọc rồi tự hỏi: mình có đang sống thật với lương tri không? Mình có còn dám nói thật, nghe thật, nhìn thật và cảm thật không? Hay mình cũng đang học thuộc lòng những ngôn từ rỗng như cái xác không hồn?

Tự do không đến từ số lượng. Chân lý không đến từ những hô khẩu hiệu. Tình thương không đến từ những bài giảng đạo đức được in đậm trên bảng hiệu hội trường. Mà đến từ cách ta sống, cách ta đối xử với nhau trong im lặng – khi không ai nhìn, không ai chấm điểm, không ai khen thưởng.

Tôi mong những người làm báo – những người cầm bút – sẽ thôi sống bằng sợ hãi. Tôi mong những người học triết lý – sẽ thôi lặp lại như con vẹt, mà hãy sống cho có minh triết. Tôi mong những người làm cha mẹ – sẽ dạy con biết yêu cái thật, chứ không chỉ là biết làm vừa lòng đám đông.

Và tôi mong chính bản thân mình – mỗi ngày – biết im lặng đúng lúc để lắng nghe một tiếng nói nhỏ nhoi của lương tâm. Dù nhỏ thôi, nhưng nếu nó thật – thì có khi còn sáng hơn cả ngàn ngọn đèn ngụy tạo.

Sống trên đời, điều đáng giá không phải là “hơn ai”, mà là “có còn không một tấm lòng”?

_____

Ký tên: Một người đang học làm người tử tế.

(Phỏng theo tinh thần học giả Canh Le: giản dị – sâu sắc – tỉnh thức – vị nhân sinh)

#TuệMinh #ngườiviếtgiữahaimiền #Tueminh


 

Thẻ đảng – không phải bùa hộ mệnh-Đoàn Bảo Châu

Ba’o Tieng Dan

27/06/2025

Đoàn Bảo Châu

Vài năm trước, trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, một chiếc xe chở toàn các chiến sĩ công an giao thông “công tác khẩn” phóng như tên bắn với tốc độ 150–160km/h. Kết quả: Đâm thẳng vào xe khác, tất cả đều tử vong. Không phải tử vì đạo hay vì giặc, mà tử vì… tự tin thái quá.

Vụ tai nạn làm dân tình chấn động – không chỉ vì mức độ nghiêm trọng, mà còn vì một sự thật không thể phủ nhận: Nhiều cán bộ công an ngày nay lái xe như thể mình là “con ông Trời”, cài thẻ đảng trong ngực nên “bất khả chiến bại”. Đáng tiếc, thẻ đảng không giúp được các đồng chí… bật khi túi khí chưa kịp bung.

Và mới đây thôi, lại thêm một “ông trời con” khác là đội trưởng Phòng PCCC – Công an tỉnh Bắc Ninh, sau khi uống cạn chén, đã lái ô tô đi tông thẳng vào cả dãy xe máy dựng ven đường như đang chơi bowling. Hậu quả: Hai người phải nhập viện, chín chiếc xe máy và một chiếc ô tô bán tải bị dập tơi tả. Đáng nói hơn, nồng độ cồn trong hơi thở của “chiến sĩ PCCC” này là 0,435mg/l – đủ để đốt cháy luôn cả cái lý trí cuối cùng.

Ảnh chụp màn hình từ báo Tiền Phong

Người ta vẫn nói “chống giặc lửa là nghề nguy hiểm”, nhưng không ngờ nguy hiểm nhất lại là khi giặc lửa cầm vô lăng đi uống rượu.

Tình trạng “ông nội dân” phóng nhanh, vượt ẩu, xem luật như đồ trang trí, không phải chuyện lạ. Một phần vì tâm lý “có lý lịch tốt”, một phần vì trong đầu đã lập trình sẵn: “Đã có tổ chức lo”. Nhưng thưa các đồng chí, thần chết không phân biệt đảng viên hay quần chúng. Khi xe lao 160km/h, mọi thẻ đỏ, thẻ xanh, thẻ đảng… đều trở thành giấy lộn.

Công an – lực lượng có trách nhiệm bảo vệ luật pháp – thì càng phải là người đầu tiên tuân thủ luật pháp. Việc Bắc Ninh đình chỉ cán bộ lái xe gây tai nạn là điều đáng hoan nghênh. Nhưng đình chỉ thôi chưa đủ. Cần đình chỉ cả thói kiêu ngạo, cả cái tư duy “trên luật”, cả kiểu “uống rượu thay cơm, lái xe thay cảm xúc”.

Nhớ cho:

Làm công an không có nghĩa là bất tử.

Thẻ đảng không chống được xe lật.

Và đạo đức không thể được cấp phát theo hệ số lương.

Ngành công an, nếu muốn lấy lại niềm tin trong dân, thì trước hết phải xử lý nghiêm chính nội bộ mình – không phải bằng khẩu hiệu, mà bằng hành động cụ thể. Khi đó, dân mới không còn nhìn cảnh sát như “bố đời”, mà như những người thực sự bảo vệ mình.


 

Không bom rơi, không đạn nổ nhưng chúng tôi đang gục ngã…- Tân Nguyễn

Kimtrong Lam

Tân Nguyễn

 26 tháng 6, 2025

Không chiến tranh. Không tiếng còi báo động. Không camera nào ghi lại. Nhưng giữa lòng đất nước này, một cuộc chiến âm thầm đang diễn ra, nơi máu không chảy, nhưng nước mắt rơi nhiều đến không đếm xuể.

Tôi là một người làm doanh nghiệp. Tôi đã từng tin vào những điều rất giản đơn: cứ chăm chỉ là sẽ có kết quả, cứ tử tế là sẽ có người tin, cứ nỗ lực là sẽ vượt qua.

Nhưng rồi thực tế cho tôi một cái tát rất đau. Bởi không phải cứ cố gắng là đủ. Không phải ai cũng bơi được qua một cơn lũ, nhất là khi dòng nước quá xiết và đôi khi…không ai chịu ném cho bạn một sợi dây.

5 tháng đầu năm 2025, hơn 111.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nghĩa là mỗi ngày, có gần 900 doanh chủ ngã xuống…âm thầm, lặng lẽ, không tiếng than van.

Tôi nhìn quanh, bạn tôi đóng tiệm. Anh tôi giải thể công ty. Còn tôi, sáng mở mắt ra là thấy mình như một kẻ chạy trốn, trốn hoá đơn, trốn ngân hàng, trốn cả ánh mắt của nhân viên khi lương chưa trả đúng hẹn.

Không viral. Không lên báo. Không một hashtag nào lan truyền. Chỉ là những câu thở dài rơi giữa đêm khuya:

“Tôi mất hết rồi.”

“Tôi đang nợ 5 tỷ, vợ chồng gần như không còn nói chuyện.”

“Em đóng quán rồi chị ơi, bán đồ cũ được bao nhiêu thì trả lương tụi nhỏ.”

Người ta gọi đó là “thanh lọc thị trường”. Nhưng chỉ người trong cuộc mới hiểu: mỗi cái tên biến mất là một giấc mơ bị nghiền nát. Là một gia đình rơi vào bấp bênh. Là một người chủ từng đứng hiên ngang, giờ phải cúi đầu…Cúi để xin lỗi. Cúi để buông tay.

Chúng tôi không chết vì thiếu năng lực. Chúng tôi gục vì đơn hàng không còn, vì chi phí tăng vọt, vì người tiêu dùng phải chọn tiết kiệm thay vì hy vọng. Gục vì phải đối mặt với những chính sách quá lạnh lùng trong một thời đại quá khắc nghiệt.

Và đau nhất là gục trong im lặng, khi chẳng ai nghe, chẳng ai thấy.

Nếu bạn còn đang may mắn giữ được công việc, còn tiêu dùng được chút gì, xin hãy nhìn chúng tôi một cách thấu cảm.

Nếu bạn đang định mua xe, mua nhà, mở quán, đầu tư…

Hãy gặp người bán, trò chuyện, hỏi han dù chỉ để lắng nghe.

Có thể bạn chưa mua hôm nay, nhưng cái gật đầu, ánh nhìn hay một cuộc hẹn, có khi là cứu cánh để một người chủ tiếp tục bước tiếp.

Vì hơn ai hết, chúng tôi không chỉ đang bán hàng, chúng tôi đang bám víu vào hy vọng, vào lòng tin, rằng nếu còn tử tế, nếu còn cố gắng, thì sẽ còn một con đường để đi tiếp.

“Không bom rơi, không đạn nổ…

Nhưng ở đâu đó, có những doanh nhân đang khóc thầm trong bóng tối, vì giấc mơ họ từng ôm chặt…đã không còn kịp giữ lại.”


 

SỤP ĐỔ TAN TÀNH 

Kimtrong Lam

SỤP ĐỔ TAN TÀNH 

Hiện nay, hầu như ngày nào chúng ta cũng được biết thông tin về những cú ngã chấn động – từ các hoa hậu nổi tiếng, những doanh nhân quyền lực, các quan chức cấp cao, cho đến những người từng được tung hô như hình mẫu lý tưởng… Giữa ánh hào quang sáng chói mà bao người mơ ước và tưởng như không bao giờ tắt, họ lần lượt đổ sập vì làm và buôn bán hàng giả, thuốc giả, sữa giả, thực phẩm giả; hoặc lừa đảo, lợi dụng quyền lực, tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản người khác… Tất cả vì họ đã đặt nền tảng đời mình trên một thứ có sức hấp dẫn vô cùng: TIỀN, nhưng đồng thời cũng là thứ dễ làm cho mọi thứ sụp đổ tan tành nhất.

Tiền bạc, danh vọng, quyền lực là những thứ tưởng chừng như là đá tảng để xây nên cuộc sống chúng ta, nhưng khi mọi thứ bỗng chốc sụp đổ, ta mới thấy chúng chỉ là “cát lỏng”.

Giữa thời đại mà sự giả dối được che đậy bằng lớp sơn bóng bẩy của mạng xã hội và danh tiếng, Lời Chúa lại vang lên như một hồi chuông tỉnh thức: “Khi cuồng phong thổi qua, ác nhân sẽ biến mất, còn người ngay chính thì đứng vững muôn đời” (Cn 10,25).

Chúng ta có thể qua mặt người đời, lừa dối dư luận, giấu mình sau vỏ bọc hoàn hảo, nhưng chúng ta không thể lừa dối Thiên Chúa.

Bởi vì, Ngài biết chúng ta được dựng nên bằng gì và Ngài thấy rõ mọi điều từ trong lòng, trong suy nghĩ của chúng ta – từ ý định nhỏ nhất đến lựa chọn lớn nhất.

Khi nhìn vào cuộc đời của các “tội nhân” và các Thánh nhân, chúng ta nghiệm ra được một điều là người nào xây ngôi nhà của đời mình trên “cát” sẽ sớm thấy nó sụp đổ tan tành khi cơn bão đến – dù đó là bão đời hay bão lòng. Chỉ có ai xây cuộc đời mình trên đá tảng là chính Đức Kitô, mới có thể đứng vững giữa những cám dỗ, chao đảo, mất mát và thử thách. Đó là người chọn sống thật, chọn sự ngay thẳng, chọn thi hành Lời Chúa – không phải để đẹp lòng người, mà để sống đúng với lương tâm và lẽ thật.

Vậy thì bạn ơi, đừng đợi đến khi bão nổi mới bắt đầu tìm vật liệu xây dựng nền móng cho ngôi nhà của mình. Hãy bắt đầu từ hôm nay – từ chính Lời Chúa – và bạn sẽ không bao giờ lung lay.

Sr. Tiểu An, OP

* Hình ảnh chỉ mang tính minh họa

LÝ THUYẾT MÁC-LÊ XUẤT PHÁT TỪ NHỮNG NHẦM LẪN, PHẢN TIẾN HÓA-   HÀ SĨ PHU

Hà Sĩ Phu

  LÝ THUYẾT MÁC-LÊ XUẤT PHÁT TỪ NHỮNG NHẦM LẪN, PHẢN TIẾN HÓA (Bài dài, để tra cứu khi cần thiết)

                              HÀ SĨ PHU

 MỤC LỤC :

1/ Mác-Lênin hiểu nhầm về thời đại mà các ông đang sống

2/ Mác-Lênin hiểu nhầm Lịch sử, tưởng Lịch sử chỉ là một chuỗi đấu tranh giai cấp, và coi đấu tranh giai cấp là động lực của Tiến hóa

3/ Mác-Lênin tưởng nhầm vai trò lịch sử của mình, nên đoạn tuyệt với các giá trị truyền thống, không đi tiếp con đường văn minh của nhân loại

4/ Mác-Lênin ảo tưởng vì không hiểu bản tính Con người

5/ Mác-Lênin hiểu nhầm về nguyên nhân khổ ải và bất công, và do đó sai lầm về các biện pháp giải quyết

   Xin không bàn về những lý thuyết thuần túy Triết học của Marx, mặc dù Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử Mác-xít cũng có những điều rất cần phải tranh luận về mặt Triết học. Điều có ý nghĩa thực tế cần thiết cho xã hội ở đây là chỉ xét những “lý sự” gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin được dùng làm kim chỉ nam chỉ đạo mọi chủ trương của Đảng Cộng sản, những điều đã thành nhận thức phổ thông, tuyên truyền phổ cập ai cũng biết. Hiện nay về lý thuyết cũng như thực tiễn Cộng sản tuy có những biến đổi để hòng thích nghi nhưng bản chất chủ thuyết căn bản vẫn không có gì thay đổi.

Trong bài Từ Nguyễn Phú Trọng đến Lê Hiền Đức (2012, đăng trên trang mạng của nhà văn Phạm Thị Hoài) tôi đã kể qua 9 điều “nhầm lẫn nhỏ” (mà các Cụ nhà ta thường dùng chữ rất hay là “bé cái nhầm”) của Mác-Lênin khi dựng một học thuyết cao siêu và vĩ đại. Ở đây chỉ xin nhắc lại năm điều nhầm lẫn quan trọng nhất.

1/ Mác-Lênin hiểu nhầm về thời đại mà các ông đang sống

    Tại sao có thể nói các nhà Mác-xít kinh điển đã “đọc nhầm” thông điệp của Thời đại?

Thế kỷ 18-19 và đầu thế kỷ 20 là thời kỳ phôi thai bột phát của nền văn minh Công nghiệp, vừa đem lại những thành quả nhảy vọt nhưng đồng thời cũng tạo ra những tai họa nhất thời mà lúc đầu chưa có phương án chế ngự, đó là sự áp chế của một số chủ Tư bản đối với Công nhân và sự áp chế của các nước đại công nghiệp đối với các nước còn lạc hậu cổ hủ, sự áp chế được gọi là Chủ nghĩa Đế quốc và Chủ nghĩa Thực dân.

  Chủ nghĩa Đế quốc-Thực dân ấy thực ra chỉ là bước chập chững, loạng choạng, hăm hở chào đời của một “đứa hài nhi” sẽ thành khổng lồ, nhưng Mác-Lê tưởng “Chủ nghĩa Đế quốc là giai đoạn tột cùng của Chủ nghĩa Tư bản”! Đã là “giai đoạn tột cùng” rồi thì tất nhiên là già nua sắp chết, nên phải nghĩ ngay ra một Chủ nghĩa mới để thay thế, trước mắt là huy động “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” để đào mồ chôn nó đi! Nhưng rồi theo thời gian đứa hài nhi có gien khổng lồ ấy “cứ giãy mãi mà không chết”, ngày càng trưởng thành và sửa chữa những điều ấu trĩ của mình, còn cái chủ nghĩa với đội quân đi “đào mồ chôn” nó thì cứ huênh hoang vô địch nhưng bỗng lăn ra chết ngay tại quê hương của mình, mà chẳng thấy giãy giụa gì.

2/ Mác-Lênin hiểu nhầm Lịch sử, tưởng Lịch sử chỉ là một chuỗi đấu tranh giai cấp, và coi đấu tranh giai cấp là động lực của Tiến hóa

   Theo Mác, Lịch sử là một chuỗi những cuộc đấu tranh giai cấp, với tư cách là động lực của Tiến hóa (trích: Giai cấp bị trị và giai cấp thống trị luôn đối kháng nhau về quyền lợi nên sinh ra đấu tranh giai cấp. Nô lệ chống chủ nô làm chế độ chiếm hữu nô lệ tan rã. Nông dân chống địa chủ phong kiến làm chế độ phong kiến tan rã. Giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản làm chủ nghĩa tư bản sụp đổ…

… Kết quả cuối cùng của những cuộc đấu tranh đó đều dẫn tới sự ra đời của phương thức sản xuất mới thông qua đỉnh cao của nó là những cuộc cách mạng xã hội).

Mác nhìn lịch sử Tiến hóa của nhân loại như một chuỗi những đoạn đứt khúc do các cuộc Cách mạng, dùng bạo lực lật đổ nhau để tạo ra thể chế mới và mỗi lần như thế làm cho xã hội tiến hóa lên một bước mới. Đó là quan điểm Chính trị Mác-xít xuất phát từ Chủ nghĩa Kinh tế (khi hạ tầng Kinh tế thay đổi thì thượng tầng Chính trị cũng thay đổi theo).

Nhưng trên quan điểm khoa học thì phải hiểu sự Tiến hóa như thế nào?

Trước hết, trong thế giới động vật, Tiến hóa là sự chọn lọc tự nhiên trong đấu tranh sinh tồn, đấu tranh giữa sống và chết, do đó cơ thể phải biến đổi để thích nghi. Động vật thích nghi với điều kiện sống chỉ bằng chính cơ thể của nó, loại cơ thể nào không biến đổi được để thích nghi thì bị tiêu diệt. Tiến hóa để lại dấu ấn trên cấu tạo cơ thể và do đó cũng thay đổi các tập tính.

   Nhưng sự Tiến hóa của con người, sống thành xã hội, thì khác hẳn:

Do có TRÍ TUỆ, là sự phát triển cao nhất của Sinh giới, nên hình thành tiếng nói và chữ viết để ghi lại những thành quả của thế hệ trước để thế hệ sau tiếp tục “ngồi lên vai” mà tiến cao hơn. Sự tích lũy và gia tăng của Trí tuệ để lại dấu ấn trong sách vở, trong công cụ lao động và cả trong phương thức quản lý-điều hành xã hội. Con người thích nghi với môi trường bằng những công cụ và những phương tiện do Trí tuệ và lao động của mình tạo ra, nên cấu tạo cơ thể không cần thay đổi mà cả xã hội vẫn tiến hóa ngày một cao hơn.

   Như vậy, sự tích lũy và gia tăng Trí tuệ, tức động lực của Tiến hóa, xảy ra có tính liên tục, và có sự cộng tác, hiệp lực với nhau trong xã hội, cho dù vẫn còn mâu thuẫn với nhau về quyền lợi. Còn sự Đấu tranh giai cấp cũng chỉ là một mặt trong sinh hoạt xã hội, đấu tranh giai cấp bằng các cuộc Cách mạng như thế là những bước gián đoạn, có thể thúc đẩy sự Tiến hóa nhưng cũng có khi làm hại cho Tiến hóa (cuộc đấu tranh giai cấp, một mất một còn trong Cải cách ruộng đất và trong Cải tạo Tư bản tư doanh của xã hội Việt Nam do Đảng Cộng sản chỉ huy là một ví dụ làm hại cho Tiến hóa, biến Việt Nam từ một xã hội có đoàn kết nhân ái và có tiềm năng phát triển biến thành một xã hội đầy thù hận và “không chịu phát triển” như bấy lâu nay).

3/ Mác-Lênin tưởng nhầm vai trò lịch sử của mình, nên đoạn tuyệt với các giá trị truyền thống, không đi tiếp con đường văn minh của nhân loại

    Do tiếp nhận được tinh thần “vạch đường cho nhân loại, cải tạo cả nhân loại” của chủ nghĩa Mác-Lê cực đoan và ngạo mạn, nhà thơ mê tín Cộng sản Tố Hữu đã có những câu thơ để đời ca ngợi Cách mạng vô sản Tháng Mười Nga như sau:

      Thuở Anh [Cách mạng tháng Mười] chưa ra đời,

       Trái đất còn nức nở,

        Nhân loại chửa thành người.

Người Cộng sản coi cả nhân loại này không đáng là người khi chưa được Mác-Lê dẫn lối. Họ muốn xóa sạch loài người cũ không đáng là người, để nhận trách nhiệm lịch sử dựng một loài người mới cho xứng đáng là người ư? Ngông cuồng đáng khôi hài đến thế là cùng!

    Về quản lý xã hội thì Mác-Lê coi mọi Nhà nước xưa nay chẳng qua là công cụ để bóc lột người lao động, nên phải tiến tới làm cho nhà nước tiêu vong đi để cho giới lao động trực tiếp làm lấy việc quản lý. Thế là không thèm hiểu về sự phân công xã hội. Cũng do không thèm hiểu về sự phân công xã hội nên mới coi giai cấp công nhân, giai cấp lao động, chính là “giai cấp tiền phong, giai cấp lãnh đạo, giai cấp tiêu biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất”!

  Mặc dù có nhà lý luận cố bênh vực Mác rằng “Sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản không phải là “ý muốn nhân tạo”, hoặc “lựa đặt ngông cuồng” của C. Mác mà do địa vị kinh tế – xã hội khách quan quy định”, nhưng thực tế thì một giới lao động nào đó cũng chỉ là sản phẩm của một nền văn minh tương ứng sinh ra, chứ tiêu biểu và dẫn dắt cho nền văn minh đó phải ở giới chuyên viên và trí thức tinh hoa, có đủ Trí tuệ, đủ trình độ điều hành, vì đó là sự phân công tự nhiên trong xã hội.

   Thực ra đến thời các ông Mác và Lê ra đời, tức thời kỳ Văn minh Công nghiệp Nhân loại đã tiến được những bước khá xa, đã có ý thức nâng đỡ sự phát triển cá nhân để tạo ra mọi giá trị, đồng thời biết quản lý xã hội theo nguyên tắc Dân chủ và Pháp trị: DÂN CHỦ để cá nhân có điều kiện phát triển nhưng đồng thời cần PHÁP TRỊ để khống chế sự phát triển Tự do cá nhân sao cho không thể ảnh hưởng xấu đến người khác và đến cả cộng đồng.

   Trong xã hội Pháp trị, Đạo đức “phải trở thành thừa”, không cần anh đạo đức, anh cứ làm đúng Pháp luật là đúng đạo đức rồi. Giáo dục đạo đức chỉ là biện pháp hỗ trợ, rất cần cho tuổi thanh thiếu niên. Khi trưởng thành, sống trong xã hội thì “Trường đời” mới là trường học tự nhiên hun đúc con người. Xã hội có Pháp trị lành mạnh thì hun đúc ra những con người tử tế, xã hội vô pháp thì hun đúc ra những con người lưu manh. Khi bộ máy cầm quyền còn hư hỏng thì làm sao các công dân lại có thể sống cho tử tế được, dù có giáo dục đạo đức bao nhiêu cũng bằng thừa, vì “Trường đời” đã giáo dục tất cả.

  Khi Mác (1818-1883) và Lê (1870-1924) ra đời thì đã có những nhà tư tưởng về Dân chủ và Pháp trị như John Locke (1632–1704), Montesquieu (1689-1775), Jean-Jacques Rousseau (1712–1778), Voltaire (1694-1778)…, họ đã tạo ra cả một thời đại Khai sáng, với lý thuyết về Khế ước xã hội, chống chủ nghĩa chuyên chế và xây dựng Chủ nghĩa tự do, đặc biệt là hình thành lý thuyết về Tam quyền phân lập để điều hành xã hội. Lịch sử loài người hàng nghìn năm mới đạt đến trình độ như vậy, nền văn minh ấy đã đạt được rất nhiều thành quả nhưng lại tạo ra những mâu thuẫn mới mà xã hội cần tìm cách khắc phục, chứ không thể nói nhân loại lúc ấy “chưa thành người”!

   Chính Mác-Lê “đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với các giá trị truyền thống” mới là người mắc bệnh “phủ nhận quá khứ”, mà “phủ định sạch trơn” một cách vô lý nhất, chứ những người dân chủ ngày nay có phủ định con đường Mác-Lê cũng chỉ là “phủ định sự phủ định” đúng phép biện chứng để trả lại cân bằng cho thế gian, đem lại bình yên cho cuộc sống mà thôi!

    Nếu trào lưu Cộng sản chỉ như một làn sóng phản biện, chỉ vạch trần, phê phán những yếu kém, những bất công do xã hội Công nghiệp lúc ấy tạo ra thì quá tốt, để giúp xã hội buộc phải thanh toán những khuyết tật của mình. Cộng sản muốn tranh giành quyền bính cũng tốt thôi, nhưng phải giành bằng cách cạnh tranh công khai-dân chủ, chứ không thể “cướp” chính quyền, và giành được chính quyền rồi thì đi tiếp con đường tiến bộ của nhân loại tức con đường Dân chủ đa nguyên Pháp trị như các nước Bắc Âu bây giờ (đó là nền Dân chủ Xã hội bắt nguồn từ Quốc tế 2), rồi cũng thực hiện đường lối Lao-Tư lưỡng lợi như cụ Phan Châu Trinh đã nghĩ đến (tạo điều kiện để các nhà Tư bản kinh doanh chân chính và thu lãi nhiều để có tiền góp cho các quỹ phúc lợi xã hội, trợ cấp người lao động, người nghèo, người già yếu tàn tật…).

Con đường Dân chủ Xã hội (đừng dịch nhầm là Xã hội chủ nghĩa) của Bắc Âu tuy có tiếp nhận Mục đích tốt đẹp mà Mác-Lê gợi ý, nhưng Phương tiện tiến hành hành thì hoàn toàn khác nên thành công rực rỡ, dù bị các nhà lý luận Mác-xít ghét bỏ như kẻ thù, nhất là lý luận gia Nguyễn Đức Bình, bởi đó là đối chứng hùng hồn nhất, chứng minh Mác-Lê muốn làm điều tốt song cách làm hoàn toàn sai lầm nên gây hiệu quả ngược với mục đích.

   Lối thoát danh dự cho Cộng sản Việt Nam hiện nay là từ bỏ con đường cực đoan ảo tưởng Mác-Lê của Quốc tế 3, để theo con đường Bắc Âu (tức con đường từ Quốc tế 2 mà Thụy Điển là tiêu biểu), cũng là con đường Phan Châu Trinh chủ trương (con đường bị Hồ Chí Minh phê phán là hữu khuynh thân Pháp). Thực chất cái gọi là “chủ nghĩa Tư bản” chẳng qua là một giai đoạn khá cao trong tiến trình Tiến hóa tự nhiên của xã hội loài người, giai đoạn văn minh Công nghiệp và Đại Công nghiệp, gọi là “chủ nghĩa” nhưng không ai nghĩ ra trước, không có tác giả như trường hợp “chủ nghĩa Cộng sản”.

Nhưng sai lầm chết người ở chỗ phong trào Cộng sản tưởng nhầm là lịch sử giao cho mình nhiệm vụ phải làm lại thế giới, cướp lấy chính quyền để xây dựng một chế độ Mác-xít, theo một chủ nghĩa do một vài tác giả cụ thể bốc đồng nghĩ ra trong một thời gian ngắn, một Thiên đường hết sức chủ quan, thiếu hiểu biết, rất phản khoa học, phản quy luật. Cái chủ nghĩa Cộng sản mới toanh ấy tuyên bố “đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với các giá trị truyền thống đã có”, nên gạt bỏ hết mọi giá trị mà nhân loại phải hàng nghìn năm mới đạt được là nền Dân chủ đa nguyên Pháp trị với thiết chế Tam quyền phân lập.

   Mục đích Cộng sản thì cao siêu nhưng phương cách thực hiện là bạo lực cách mạng, là độc đảng toàn trị nên thực tế đã đạp đổ tất cả nền Dân chủ Pháp trị vừa mới manh nha. Người Cộng sản coi các giá trị đó là sản phẩm của chủ nghĩa Tư bản nên quyết tâm đào mồ chôn nó đi. Chính từ sự kiêu ngạo vô lối này, chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lê đã tự đào mồ chôn chính mình trước lịch sử tiến hóa Nhân loại.

4/ Mác-Lênin ảo tưởng vì không hiểu bản tính Con người

– Mác-Lê dám tưởng tượng sẽ có ngày “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” vì tin rằng khi được chế độ Cộng sản giáo dục thì “con người mới” sẽ rất thánh thiện chứ không ai tham lam, muốn làm ít mà đòi hưởng nhiều!

– Tuy Mác vẫn nhắc một danh ngôn cổ điển “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi” nhưng có lẽ Mác vẫn không hiểu, không chấp nhận bản tính tự nhiên của con người. Nếu Mác-Lê biết bản tính con người vốn tham lam và lợi dụng khi không bị luật pháp kiềm chế thì Mác-Lê đã không cho phép Đảng Cộng sản được độc quyền lãnh đạo. Không có đa nguyên kiềm chế, khiến cho các Đảng Cộng sản cầm quyền đều mặc sức lạm quyền, mặc sức tham nhũng quyền lực như ở các nước Cộng sản ngày nay (ví dụ: đã làm Tổng Bí thư lại muốn kiêm luôn Chủ tịch nước để nắm gọn toàn bộ quyền lực trong tay như Tập Cận Bình và những người tương tự)! Nếu hiểu bản tính tham lam của con người, sao lại trao toàn bộ khối Công hữu khổng lồ của đất nước cho cơ quan nhà nước “thống nhất quản lý” để nó biến hết của công thành của tư? Chính luật pháp Tư bản hiểu rõ con người nên mới không cho tập trung quyền lực mà phải “Tam quyền phân lập” hẳn hoi, chứ không lừa dối bằng kiểu “tam quyền phân công” từ một đầu mối là sự chỉ huy thâu tóm của một đảng duy nhất.

5/ Mác-Lênin hiểu nhầm về nguyên nhân khổ ải và bất công, và do đó sai lầm về các biện pháp giải quyết

   Đi vào những việc cụ thể Mác-Lê cũng mắc những nhầm lẫn. Mác-Lê quy nguyên nhân mọi tai họa là do tính Tự do cá nhân và tính Tư hữu nên tìm mọi cách để “chống chủ nghĩa cá nhân” và diệt Tư hữu để công hữu hóa hết thảy, và để nhà nước Cộng sản duy nhất quản lý. Kết quả là không có gì phát triển được và chính cái nhà nước Vô sản độc quyền quản lý tài sản Công hữu thì nó biến mọi Công hữu thành Tư hữu của họ. Để tránh tệ nạn tham nhũng và cậy quyền thì Đảng Cộng sản lại dùng biện pháp “phê và tự phê, tu dưỡng đạo đức, theo đạo đức Bác Hồ”, kết quả là những kẻ càng ca tụng đạo đức bao nhiêu thì sự tham lam lại ngày càng phát triển bấy nhiêu. Nền Kinh tế chỉ huy (với các kế hoạch 5 năm) và Kinh tế quốc doanh làm cho nhà nước và nhân dân đều kiệt quệ nhưng cái túi riêng của những “học trò xuất sắc của đạo đức Bác Hồ” thì căng đầy tiền tỷ đô la để gửi ngân hàng Thụy Sĩ! Về sau, tuy biết sai lầm nên đã chuyển sang Kinh tế thị trường và ca ngợi Kinh tế tư nhân, nhưng tất cả vẫn nằm trong tay một đảng độc quyền và một “nền Pháp trị xã hội chủ nghĩa” thì tất cả vẫn chỉ là sự “đánh bùn sang ao”, kể cả việc “đốt lò” rùm beng cũng vậy.

   Công hữu hay Tư hữu, đó là một mấu chốt của tình hình diễn biến. Thuở ban đầu thì những người Cộng sản thật sự chân thành tin vào con đường Công hữu như lời Mác dạy. Nhưng khi bước vào thực hiện thì chút liêm khiết lúc đầu bị cái máu tham trong lòng tấn công. Máu tham tự nhiên cứ như một kẻ gian truyền kiếp ẩn nấp sẵn trong lòng những tín đồ Cộng sản, cứ đêm ngày xui họ biến những của Công trong tay thảnh của Tư, một sự “cướp ngày” có giấy tờ rất đúng quy trình! Và cứ thế tình hình mỗi ngày một xấu. Cái máu tham phục sẵn trong mỗi con người hỏi Mác có biết không, có “xa lạ” với Mác không?

   Đã từ lâu, miệng nói Công hữu nhưng tay làm Tư hữu, nhưng không phải thứ Tư hữu lành mạnh công minh mà là Tư hữu gian manh. Cờ thì giương cao Búa và Liềm nhưng hành động thì cướp đất của Nông dân và không cho Công nhân tự lập hội để bảo vệ quyền lợi. Công và Nông là những người khổ nhất hiện nay, trong khi trên truyền hình toàn thấy những ông bà Nông dân (phần đông có gốc Bộ đội) có hàng chục héc-ta đất, thu lợi hàng chục tỷ mỗi năm, quá đẹp!

   Trước tình trạng Cộng sản nói một đằng làm một nẻo như vậy thì tôi biết tranh luận những điều lý thuyết là hoàn toàn vô ích, vì người ta nói như vậy nhưng có làm như vậy đâu nên tranh luận về lời nói làm gì? Song, tôi vẫn muốn chốt lại một vài điều về lý thuyết chỉ để thấy cái gọi là học thuyết Mác-Lê và Chủ nghĩa Xã hội khoa học ngay từ đầu đã chỉ là một tà thuyết, phản khoa học, một ảo tưởng xuất phát từ khát khao đẹp đẽ muốn giải phóng con người.

  Tà thuyết đã phản lại Thiện tâm, nó sẽ bị cuộc đời vứt bỏ, Nghị quyết 1481 của Quốc hội 46 nước châu Âu đã khẳng định Chủ nghĩa Cộng sản là một chủ nghĩa chống Nhân loại.

   Nhưng trong xã hội Việt Nam hiện nay, đừng vội tưởng Ý thức hệ Cộng sản đã hết tầm quan trọng để không cần quan tâm đến nữa. Trái lại Đảng Cộng sản vẫn còn giữ chặt và đẩy mạnh giáo điều Mác-Lê và xiết chặt bộ máy Chuyên chính hơn bao giờ hết, bởi đó là chất xi măng gắn kết của hệ thống và là cái áo giáp sắt giữ an ninh chế độ. Đảng Cộng sản mỗi khi mở cửa một chút thông ra thế giới thường khiến cho nhiều người vui mừng, vì nghĩ cứ mỗi ngày một chút, một tí chút thôi thì lâu dần, tích tiểu thành đại, cũng sẽ ngày một khá lên. Xin thưa, đấy là kiểu tư duy đơn giản thuận chiều của con nít. Mỗi lần mở ra cũng kèm theo một kế hoạch xiết lại, chặt hơn. Phía trước chờ ta luôn có một dấu hỏi, ngay bên cạnh một niềm hy vọng.


 

Người vợ Ukraine 20 năm ở Việt Nam chăm chồng đột quỵ

Thầy Lê Văn Thông

Giữa trưa tháng 6, trời Hà Nội như đổ lửa. Trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, Svetlana Nguyen rướn mình, dùng hết sức xốc người chồng liệt toàn thân lên vai, di chuyển từng đoạn nhỏ ra xe đẩy.

“Mình chuyển viện Papa nhé”, vuốt vội mồ hôi trên trán, người phụ nữ Ukraine với mái tóc vàng thủ thỉ và xoa nhẹ tay người đàn ông ngồi trước mặt. Ông Thắng – chồng bà – dù không nói được cũng cố đánh ánh mắt sang nhìn vợ, miệng ú ớ. Khoảnh khắc đó khiến Svetlana mừng rỡ bởi bà hiểu chồng mình đang dần bình phục. Đã gần 20 năm, kể từ ngày ông Thắng lâm bệnh, không thể tự chăm sóc bản thân, Svetlana dường đã quen với cảnh hai vợ chồng “ở viện nhiều hơn ở nhà”.

“Có những lúc cuộc sống bế tắc tưởng không thể tiếp tục, nhưng rồi nhìn chồng và các con, tôi lại có thêm động lực để cố gắng”, Svetlana Nguyen nói.

Tình yêu của họ bắt đầu từ năm 1988 khi hai người lần đầu gặp nhau tại căng-tin Cục hải quan thành phố Kiev trong một lần anh Thắng đến gửi hàng. Hai năm sau, họ kết hôn. Chàng trai Việt Nam quyết định ở lại Ukraine, thay vì về nước như kế hoạch trước đó. Năm 2000, anh bàn với vợ, mình và con gái 9 tuổi về Việt Nam tìm cơ hội làm ăn, hứa công việc ổn định sẽ đón cả chị và cậu con trai sang đoàn tụ.

Chồng về nước được một năm thì Svetlana nghe tin anh đột quỵ, giữ được tính mạng nhưng liệt toàn thân. “Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc, thấy bế tắc cùng cực. Nhưng rồi lại tự dặn lòng phải cố gắng, biết đâu có phép màu xảy ra”, người phụ nữ 55 tuổi hồi tưởng cú sốc 20 năm trước. “Dù khó khăn thế nào cũng phải cố gắng. Chúng tôi đến với nhau bằng tình yêu khi khỏe mạnh thì cũng đối xử với nhau bằng tình yêu khi ốm đau”, chị khẳng định rồi mua vé bay sang quê chồng.

Có lẽ 30 năm trước, khi lần đầu tiên nắm tay người đàn ông Việt, Svetlana không ngờ chặng sau của cuộc đời mình lại nhiều chông gai đến vậy.

Sang Việt Nam chăm chồng, hàng ngày Svetlana dậy rất sớm nấu ăn cho cả nhà rồi ngồi xoa bóp chân tay để chồng đỡ đau nhức. Anh Thắng bị liệt, nằm lâu nên các cơ xương co cứng. Để đưa chồng xuống ghế ngồi, người vợ phải dùng hết sức xốc lên vai rồi di chuyển từng bước nhỏ. Mỗi lần như thế chị phải xoay xở hàng chục phút, người đẫm mồ hôi. Svetlana nói, nếu không làm vậy, chồng nằm lâu trên giường lưng hông dễ lở loét.

Ngày khỏe mạnh không sao, có lúc chồng con cùng lúc ốm, bản thân mệt mỏi không dậy nổi, nằm trên giường mà nước mắt chị chảy ướt gối. Thế nhưng, khóc xong chị lại ngồi dậy làm việc vì cả gia đình chỉ dựa vào mỗi mình. Hai mươi năm ở Hà Nội, người phụ nữ Ukraine chỉ về nước một lần để bán hết nhà cửa, đồ đạc, xe cộ và cả nhẫn đính hôn… mang tiền sang chữa bệnh cho chồng.

Không biết tiếng Việt, vừa chăm chồng lại nuôi 3 con nhỏ, Svetlana nhiều lúc thấy ông trời quá bất công với mình. Thấy chị vất vả, bạn bè có người khuyên nên về nước tự giải thoát cho bản thân, nhưng Svetlana chỉ im lặng quay đi. Chị bảo: “Vợ chồng sống với nhau còn vì tình nghĩa. Nếu tôi bỏ đi, ai là người chăm lo cho anh mỗi ngày”. Nhờ sự chăm sóc của vợ, sức khỏe của anh Thắng dần được cải thiện, sau hai năm có thể đi lại và tự chủ được một số việc.

Hơn hai năm chồng ốm, tiền tiết kiệm cũng cạn kiệt. Svetlana quyết định kiếm việc làm. Nhà chồng cho một căn hộ tập thể ở phố Ngọc Khánh, họ chia đôi một nửa để ở, một nửa mở quán bán cà phê. Cả nhà gom góp được vài trăm nghìn mua chiếc tủ lạnh cũ, đường và cà phê cũng được bạn bè giúp đỡ. Không có tiền thuê nhân viên, hai con lớn đang học cấp hai phải dành nửa buổi phụ giúp mẹ bán hàng.

Quán cà phê nhỏ của bà chủ người Ukraine mở năm 2004 thỉnh thoảng đón tiếp đồng hương và những người học tập tại Liên Xô cũ ghé qua. Vài lần Svetlana mời họ những món ăn tự tay nấu, được khen ngon, họ gợi ý nên bán thêm những món ăn của quê hương. Thực đơn của quán dần được hình thành và thêm thắt theo nhu cầu của khách.

Từ khi quán ăn được mở rộng, cuộc sống gia đình 5 người cũng bớt khó khăn. Ba người con không còn phải mặc lại quần áo cũ người khác cho, tiền viện phí của anh Thắng không phải vay ngoài nữa. Thu nhập từ quán cũng giúp Svetlana nuôi ba con trưởng thành, đều học đại học. Hai con lớn hiện mở quán ăn Nga tại Sài Gòn, còn cậu út theo học tại Canada.

Natalia, một người bạn của hai vợ chồng nói, cô phục Svetlana ở tinh thần lạc quan, chưa bao giờ nản chí. “Để có tiền đóng viện phí cho chồng, chị ấy làm việc không ngừng. Lễ Phục sinh vừa rồi, có những ngày Svetlana làm việc đến 2h sáng để hoàn thành đơn hàng cho khách, sáng lại vào viện mà chẳng tỏ ra mệt mỏi bao giờ”, cô gái Nga nói về người bạn của mình.

Cuộc sống được cải thiện nhưng thử thách cuộc đời lại không chịu buông tha người phụ nữ Ukraine. Hai mươi năm qua, ông Thắng đã có hàng chục lần nhập viện, vài lần thập tử nhất sinh và 4 lần bị đột quỵ, hai lần liệt toàn thân nhưng sau tập luyện lại đi đứng được. Lần gần nhất vào tháng 2/2021, ông bị suy tim, tụ máu não, chuẩn bị phẫu thuật lại bị tai biến ngay tại viện. Dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội cuối tháng 4, người nhà không được vào phòng bệnh chăm sóc. Nằm liệt nhiều ngày, ông bị viêm loét lưng, tiếp tục phải chuyển viện để chữa vết thương trước khi ca mổ chính diễn ra.

Ở lần đột quỵ này, có thời điểm ông hôn mê nhiều ngày, bác sĩ thông báo trả về lo hậu sự. Nghe tin, Svetlana suy sụp, mọi cố gắng và hy vọng của cô dần như tan biến. Người vợ vào phòng bệnh, ngày ngày nắm tay chồng, nói về tình yêu ngày xưa của họ, về những đứa con đã trưởng thành, mong ngóng bố ra viện. Một lần, ông có phản ứng, nắm tay vợ rất chặt, Svetlana quyết xin cho chồng ở lại điều trị tiếp. “Tôi luôn tin sẽ có ngày anh ấy sẽ khỏe lại”, cô thuyết phục bác sĩ.

Con cái đều đang ở xa, những ngày chồng nằm viện, Svetlana phải cáng đáng mọi việc. Mỗi ngày cô dậy từ 5h sáng, sang thăm chồng rồi về quán chuẩn bị đồ ăn phục vụ khách. Khi rảnh lại qua viện, rồi lại trở về quán làm việc, tất bật cho đến 12h đêm. Hơn một tháng Hà Nội tạm dừng hoạt động quán ăn phục vụ tại chỗ do Covid-19, doanh thu của quán gần như không có. Để lo tiền viện phí cho chồng, Svetlana nhờ con cái giúp đỡ và vay mượn thêm mới đủ. Tuy vậy, cô chưa bao giờ nghĩ đến hai từ “bỏ cuộc”.

Hai mươi năm đủ để thay đổi diện mạo của một thành phố, cũng có thể thay đổi số phận một con người, nhưng với người phụ nữ này, điều không thay đổi là tình yêu dành cho người chồng Việt. “Tôi chỉ muốn cùng anh ấy già đi và trải qua quãng đời còn lại cùng nhau”, Svetlana nói.

Người phụ nữ Ukraine luôn hy vọng sẽ có ngày chồng khỏe lại, hai người cùng quay lại thăm thành phố Kiev – nơi nhiều năm trước họ đã gặp và yêu nhau.

Hải Hiền


 

ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT ĐƯỢC GIẢM 14 NĂM TÙ, EM GÁI ĐƯỢC TRẢ TỰ DO

BBC News Tiếng Việt 

 ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT ĐƯỢC GIẢM 14 NĂM TÙ, EM GÁI ĐƯỢC TRẢ TỰ DO

Sáng ngày 26/6, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã công bố bản án phúc thẩm đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái và 23 bị cáo khác – những người đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo phán quyết của tòa phúc thẩm, ông Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 7 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (so với 18 năm ở phiên sơ thẩm) và 4 tỷ đồng tiền phạt cho tội Thao túng thị trường chứng khoán (so với 3 năm tù ở phiên sơ thẩm).

Tổng cộng, ông Quyết được giảm tới 14 năm tù so với bản án sơ thẩm (từ 21 năm xuống còn 7 năm).

Hội đồng xét xử cho hay các tình tiết giảm nhẹ bao gồm tình trạng sức khỏe yếu, đang phải điều trị tại bệnh viện với “nguy cơ tử vong rất cao”.

Ông Quyết cũng khắc phục vượt quá số tiền hậu quả của vụ án, khi riêng ông nộp tổng cộng 1.886 tỷ đồng đã nộp, vượt hơn 20 tỷ đồng so với mức thiệt hại. (Trước đó, vợ ông Quyết cũng đã nộp khắc phục hậu quả hơn 2.470 tỉ đồng.)

Ngoài ra, hơn 100 bị hại và các tổ chức, cá nhân cũng đã gửi hơn 5.000 đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Quyết.

Mặc dù vắng mặt trong suốt phiên phúc thẩm, tòa đánh giá ông Quyết đã thể hiện thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và có nhiều bằng khen. Tất cả những yếu tố này đã khiến tòa chấp nhận một phần kháng cáo của ông.

Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam vào tháng 3/2022 để điều tra các hành vi sai phạm. Tính tới nay, ông đã bị giam khoảng 3 năm 3 tháng.

Tòa phúc thẩm cũng chấp nhận kháng cáo của hai em gái ông Quyết, chuyển hình phạt tù sang phạt tiền đối với tội Thao túng thị trường chứng khoán và giảm án tù cho tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cũng do có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Theo đó, bà Trịnh Thị Minh Huế bị phạt 3,5 tỷ đồng và 4 năm 6 tháng tù. Án sơ thẩm tuyên 14 năm tù.

Bà Trịnh Thị Thúy Nga, cựu phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, bị phạt 3 tỷ đồng và phạt bằng thời gian tạm giam (38 tháng 21 ngày) với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa tuyên trả tự do cho bà Nga ngay tại tòa, với điều kiện bà không bị khởi tố, bắt giam trong vụ án khác.

Trước đó, bà Nga bị tòa sơ thẩm tuyên 8 năm tù.

#BBCTiengViet

#TrinhVanQuyet

#FLC 

This picture taken on July 30, 2018 shows Vietnam propery tycoon Trinh Van Quyet posing during an interview at his office in Hanoi.

 

 Tại sao bạn không biết trân trọng ?

Chuyện tuổi Xế Chiều – Công Tú Nguyễn

 Trên một chuyến xe lửa tốc hành, có một anh thanh niên 25 tuổi cứ nhìn ra cửa sổ và hỏi ba anh ta: Oh ba ơi, sao mấy cái cây nó vụt qua nhanh quá, sao mới nhìn thấy con bò mà bây giờ nó biến mất rồi, sao mấy ngọn núi thấy rõ mà đi hoài chưa tới…?

Một bà ngồi đối diện thấy bực mình quá vì anh thanh niên này cứ như con nít nên mở miệng nói với ba anh ta: Tôi nghĩ ông nên đưa con ông đi bác sỹ tâm thần đi, và ông này vui vẻ trả lời: Nó vừa ở bệnh viện ra đấy chứ, bởi vì nó bị mù từ nhỏ, bây giờ nó mới được nhìn thấy mọi thứ, nên nó thấy lạ thôi. Nghe vậy, bà này xấu hổ và im luôn !

Trong cuộc sống, đôi khi bạn không biết trân trọng những gì mình đang có, nên bạn không thể sống vui là vì vậy !

Ví dụ:

  • Bạn có mắt, nhưng bạn lại luôn nhìn mọi người không thân thiện và cảnh vật u sầu. Trong khi người mù, họ chỉ ước ao để được nhìn.
  • Bạn có miệng, nhưng bạn lại luôn dùng nó để chửi người khác. Trong khi người câm, họ chỉ ước ao làm sao để nói được những lời yêu thương với những người họ yêu.
  • Bạn có tai, nhưng bạn lại không muốn nghe những lời hay ý đẹp. Trong khi người điếc, họ chỉ ước ao để được nghe và hiểu được mọi người nói.
  • Bạn có tiền, nhưng bạn lại xài phung phí. Trong khi người nghèo, họ chỉ ước ao có được một chén cơm.
  • Bạn có người yêu, nhưng bạn lại đòi hỏi đủ điều. Trong khi người cô đơn, họ chỉ ước ao có được một người để yêu thương.
  • Bạn có thời gian, nhưng bạn lại không biết dùng nó. Trong khi người đang hấp hối, họ chỉ ước ao để làm sao cho thời gian đi chậm lại.
  • Bạn đang có tất cả, nhưng bạn lại chán nản. Trong khi người đang khổ cực, họ chỉ ước ao có được một phần nhỏ may mắn của bạn thôi, là họ cũng vui rồi.

Vậy thì làm sao mà bạn có thể sống vui, nếu bạn không biết trân trọng cuộc sống ?

Đừng than vãn rằng, tại sao cuộc đời tôi cứ gặp bất trắc. Đôi khi những bất hạnh của bạn không bằng một hạt cát của người khác đâu bạn nhé !

Vì vậy, cách sống vui là phải biết trân trọng và tận hưởng những gì mình đang có. Đừng tham lam và xem thường, nếu không thì bạn sẽ mãi mãi khổ vì những đòi hỏi quá mức của bạn !

Nguồn:BSTL


 

Robotaxi, cuộc đua kỳ thú giữa các hãng công nghệ của Hoa Kỳ và Trung Cộng

Tổng hợp của Chat GPT – Copilot

Trong lĩnh vực xe tự lái và robotaxi, hiện nay có hai trường phái kỹ thuật chính được đại diện rõ rệt bởi Tesla và Waymo:


🚘 1. Trường phái “Camera + AI” (Tesla)

  • Người đại diện tiêu biểu: Tesla
  • Công nghệ chính:
    • Chỉ sử dụng camera (8 camera xung quanh xe)
    • Không dùng LIDAR hay radar
    • Dựa vào mạng nơ-ron nhân tạo (neural networks) và học sâu (deep learning) để “học lái” từ dữ liệu thực tế
  • Triết lý:
    • Mô phỏng cách con người lái xe: chỉ dùng mắt (camera) và não (AI)
    • Tin rằng hệ thống sẽ tự học và cải thiện theo thời gian nhờ dữ liệu từ hàng triệu xe Tesla đang chạy trên đường
  • Ưu điểm:
    • Chi phí phần cứng thấp hơn
    • Dễ mở rộng quy mô toàn cầu
  • Nhược điểm:
    • Gặp khó khăn trong điều kiện ánh sáng kém, sương mù, mưa lớn
    • Dễ bị đánh lừa bởi các ảo ảnh thị giác

🚖 2. Trường phái “Cảm biến đa tầng” (Waymo, Baidu, v.v.)

  • Người đại diện tiêu biểu: Waymo (thuộc Google/Alphabet)
  • Công nghệ chính:
    • Kết hợp nhiều loại cảm biến: LIDAR (laser), radar, camera
    • Dùng bản đồ độ phân giải cao (HD maps)
    • Hệ thống điều khiển dựa trên quy tắc và mô hình vật lý
  • Triết lý:
    • Tạo ra một hệ thống cảm nhận môi trường chính xác và an toàn tuyệt đối
    • Không phụ thuộc hoàn toàn vào học máy, mà kết hợp với logic và bản đồ
  • Ưu điểm:
    • Hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết và ánh sáng
    • Độ chính xác cao trong việc phát hiện vật thể và định vị
  • Nhược điểm:
    • Chi phí phần cứng cao (LIDAR rất đắt)
    • Khó mở rộng nhanh vì phụ thuộc vào bản đồ chi tiết từng khu vực

ROBOTAXI – WAYMO

Waymo Given Green Light to Provide Driverless Rides in San Francisco

ROBOTAXI – TESLA

Tesla unveils self-driving 'Cybercab' at Los Angeles event | Driving

Hệ thống sử dụng LIDAR cỏ vẻ như đang vượt trội hơn rõ rệt trong tất cả các tình huống thử nghiệm, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu hoặc các tình huống khi người lái bị ảo giác. Điều này cho thấy cảm biến chủ động như LIDAR có thể cung cấp độ an toàn và độ tin cậy cao hơn so với hệ thống chỉ dựa vào camera và trí tuệ nhân tạo như

Hiệu Suất của hai loại xe (theo thang điểm 10):

Tình huống kiểm traWaymo (LIDAR)Tesla (chỉ dùng camera)
Sương mù95
Mưa96
Ánh sáng chói87
Tường giả (đánh lừa thị giác)103
Lái xe ban đêm96
Vật cản bất ngờ97

 

Tesla đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực xe tự hành và robotaxi, đặc biệt là từ các công ty như Waymo, Baidu (Apollo Go), WeRide và Pony.ai. Sau đây là bức tranh tổng quan về bối cảnh hiện tại tính đến giữa năm 2025:

Waymo (Alphabet)
Điểm mạnh: Thành tích hoạt động lâu nhất tại Hoa Kỳ, với các hoạt động tại Phoenix, San Francisco, Los Angeles và Austin.

Công nghệ: Sử dụng bộ cảm biến đa phương thức (LIDAR, radar, camera), được một số chuyên gia xe hơi tuyên bố là an toàn hơn các hệ thống chỉ sử dụng kỹ thuật hình ảnh với AI phân định, như  cách mà Tesla đang thực hiện.
Quy mô: Thực hiện khoảng 250.000 chuyến đi mỗi tuần, với hơn 10 triệu chuyến đi đã hoàn thành.

Baidu (Apollo Go)
Điểm mạnh: Mở rộng nhanh chóng tại Trung Quốc và quốc tế (thử nghiệm tại Hồng Kông, UAE, với kế hoạch triển khai tại Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ).
Quy mô: Vượt qua 11 triệu chuyến đi, vượt qua Waymo2.
Hỗ trợ: Được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp mạnh mẽ của chính phủ và chuỗi cung ứng trong nước vững mạnh.


WeRide & Pony.ai
Điểm mạnh: Cả hai đều đang mở rộng trên toàn cầu thông qua quan hệ đối tác (ví dụ: với Uber ở Châu Âu và Trung Đông).
Hiện diện: Đang thử nghiệm tại Hoa Kỳ và được niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ.
Nhà đầu tư: Được hỗ trợ bởi các công ty lớn như Nvidia và Toyota 2.


⚡ Tesla
Phương pháp tiếp cận: Hệ thống chỉ có tầm nhìn sử dụng mạng nơ-ron và dữ liệu thực tế từ đội xe của mình.
Trạng thái: Vừa bắt đầu thử nghiệm robotaxi ở Austin, với kế hoạch cho San Francisco và Los Angeles 1.
Thách thức: Sự chậm trễ và hoài nghi về mức độ sẵn sàng của nó; chỉ có 30% khả năng ra mắt trước tháng 7 năm 2025 theo thị trường cá cược 1.
Triển vọng
Thị trường robotaxi toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trưởng từ 58 tỷ đô la hiện nay lên hơn 330 tỷ đô la vào năm 2030 1. Trong khi Tesla có sức mạnh thương hiệu và lợi thế dữ liệu khổng lồ, các đối thủ cạnh tranh của công ty này—đặc biệt là ở Trung Quốc—đang mở rộng quy mô nhanh hơn và có thể có lợi thế về mặt pháp lý trên thị trường quốc tế.

Waymo

Baidu – Apollo go

Tesla – FSD

Weride 

Pony AI