Chân Phước Waldo

     8 Tháng Năm

   Chân Phước Waldo

    (c. 1320)

       Waldo, còn được gọi là Vivaldo hay Ubaldo, là môn đệ của một linh mục thánh thiện, Cha Bartolo, cả hai quê quán ở miền bắc nước Ý. Khi Cha Bartolo bị bệnh cùi và phải nằm bệnh viện, Waldo đã đi theo hầu hạ ngài cho đến khi chết trong vòng 20 năm. Ðổi lại, nền tảng đạo lý của Waldo được phong phú hơn nhờ sự chỉ dẫn của vị linh mục thánh thiện.

     Sau cái chết của cha linh hướng, Waldo quyết định sống tách biệt khỏi thế gian để chỉ đối thoại với Thiên Chúa và hướng lòng đến những sự trên trời. Theo đó, ngài đi vào một khu rừng không xa nơi sinh trưởng là bao, và tìm thấy một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu, chỉ đủ để một người quỳ ở trong đó. Và ngài đã sống cuộc đời ẩn dật trong nhiều năm, hoàn toàn cô độc.

     Người ta kể rằng, một ngày trong tháng Năm 1320, chuông nhà thờ ở ngôi làng gần đó tự nhiên vang lên từng hồi một cách lạ lùng. Khi dân làng đổ về nhà thờ để chứng kiến cảnh kỳ lạ ấy, thì một người thợ săn từ khu rừng đi ra. Ông cho biết trong khi đi săn, ông thấy một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu và các con chó của ông vừa quấn quít chung quanh cây ấy vừa cất tiếng sủa một cách vui mừng. Khi quan sát thân cây thì ông khám phá ra vị ẩn tu đã chết trong tư thế quỳ ở chỗ lõm của cây. Ngay khi ông ngừng kể thì tiếng chuông cũng im bặt.

  Ðối với người dân trong làng, hiển nhiên vị ẩn tu ấy là một người thánh thiện. Họ vào rừng, đem thi thể Waldo về nhà thờ và chôn cất ngay dưới bàn thờ chính. Trong những năm kế đó, nhiều phép lạ đã xảy ra ở ngôi mộ của Chân Phước Waldo, và một nhà nguyện được xây cất ở nơi khu rừng ngài sinh sống để kính Ðức Maria.

nguồn từ Maria Thanh Mai gởi

Chân Phước Rose Venerini

  Chân Phước Rose Venerini

    (1656 – 1728) 

     Chân Phước Rose sinh ở Viterbo, Ý Ðại Lợi, năm 1656. Cha ngài là một bác sĩ. Sau cái chết của vị hôn phu, Rose gia nhập một tu viện nhưng chỉ được vài tháng cô đã phải về nhà để chăm sóc người mẹ goá sau khi cha cô từ trần.

     Lúc bấy giờ cô Rose vẫn sống độc thân và mỗi tối cô thường quy tụ các thiếu nữ trong phố để lần chuỗi Mai Khôi. Cô được một linh mục dòng Tên linh hướng, là người tin rằng ơn gọi của cô là trở nên một giáo chức “ở ngoài đời” hơn là một nữ tu chiêm niệm trong dòng; do đó, với sự trợ giúp của hai người khác, cô mở trường học cho các thiếu nữ ở Viterbo mà chẳng bao lâu trường ấy rất nổi tiếng và thành công.

     Cô Rose có tài ăn nói hoạt bát, có khả năng giáo dục và huấn luyện giáo chức. Cô không dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn trong việc phục vụ Thiên Chúa. Không bao lâu, cô được nổi tiếng và năm 1692, Ðức Hồng Y Barbarigo đã mời cô làm người cố vấn và giúp huấn luyện giáo chức cũng như mở các trường học trong địa phận. Chính ở đây cô trở nên một người bạn và là cô giáo của Lucia Filippini, là người sáng lập dòng và được phong thánh năm 1930.

     Cô Rose còn mở trường ở nhiều nơi khác, đôi khi phải đương đầu với sự chống đối có lúc quyết liệt, tỉ như họ dùng cung tên mà bắn giáo chức và đốt trường. Nhờ sự kiên nhẫn và tín thác vào Thiên Chúa nên cô đã vượt qua mọi trở ngại. Năm 1713, cô sáng lập một tổ chức ở Rôma và được chính Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XI khen ngợi.

 Người giáo chức tận tụy này từ trần ở Rôma ngày 7 tháng Năm 1728, hưởng thọ bảy mươi hai tuổi. Sự thánh thiện của ngài được xác nhận qua các phép lạ, và năm 1952 ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong chân phước. Sau cái chết của ngài, các giáo chức trong các trường của ngài quy tụ thành một tu hội. Ngày nay, các Nữ Tu Venerini có mặt ở khắp nơi trên thế giới, hoạt động trong các cộng đồng di dân người Ý.

nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Biết Tha Thứ

 Biết Tha Thứ

 Lịch sử Hoa kỳ còn ghi lại một hành động tha thứ nổi bật của vị tổng thống nổi tiếng của họ, ông Abraham Lincoln. Trong thời tranh cử tổng thống, Abraham Lincoln đã bị địch thủ chính trị của mình là ông Edwin McMasters Stanton đã kích, vu oan đủ điều. Dầu vậy, Abaraham Lincoln vẫn đắc cử làm vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Ðến lúc phải chọn những người cộng tác trong chính phủ, Abaraham Lincoln bắt đầu chọn người cho những chức vị phụ thuộc trước. Và cuối cùng, đến chức vụ quan trọng cuối cùng của thời đó, chức vụ tương đương với chức vụ Bộ Trưởng Quốc Phòng ngày nay. Mọi người mong đợi ông Abaraham Lincoln chọn kẻ có công nhất trong cuộc tranh cử, thì ông lại chọn chính kẻ đã thóa mạ mình, ông Edwin McMasters Stanton. Những cộng tác viên nhắc khéo: “Thưa Tổng thống, ngài hẳn quên ông Edwin Stanton này đã từng công kích và vu oan cho ngài trong lần bầu cử vừa qua hay sao? Ông ta sẽ phá hoại chương trình hành động của ngài. Ông có suy nghĩ kỹ chưa, thưa tổng thống?” Tổng thống Abaraham Lincoln lúc đó trả lời: “Ðúng vậy, tôi biết rất rõ ông Stanton này là ai, đã làm cho tôi những gì. Nhưng tôi đã tha thứ cho ông ta, và nhìn nhận ông ta là kẻ có tài năng hơn những người khác để giữ chức vụ này”. Và ông Stanton đã trở thành người cộng tác viên đắc lực nhất của tổng thống Abaraham Lincoln. Rủi thay, không bao lâu sau, tổng thống Abaraham Lincoln bị ám sát. Giữa những lời từ biệt trong lễ an táng, thì lời từ biệt của Stanton đáng giá hơn cả. Ông Stanton đã gọi tổng thống Abaraham Lincoln là con người cao cả nhất, con người lưu danh mãi mãi trong lịch sử vì đã tha thứ cho kẻ thù mình, và biến kẻ thù thành bạn, thành người cộng tác.

 Chắc chắn rằng, tổng thống Abaraham Lincoln không phải là người đầu tiên đã làm cử chỉ đẹp tha thứ cho kẻ vu oan mình. Chúng ta hãnh diện vì Chúa Giêsu Kitô, vị thầy và là đấng cứu rỗi chúng ta, cũng đã tha thứ cho những kẻ bách hại, đóng đinh Ngài trên thập giá. Ngài đã để lại cho chúng ta lời dạy quan trọng: Hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm ơn cho kẻ bách hại anh em… Chỉ như thế, anh em mới xứng đáng làm con cái của Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời, và không ngừng thi ân cho tất cả mọi người lành cũng như kẻ dữ.

 Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con học được bài học tha thứ của Chúa. Sự tha thứ có sức mạnh giải thoát và biến cải người anh chị em. Xin giúp con nhìn thấy điều tốt nơi anh chị em và đừng để con sống nô lệ cho những tâm tình ganh tương, hận thù. Xin dạy con sống quảng đại yêu thương như Chúa đã nêu gương. Amen.

 nguồn: do Cindy Do gởi

10 ĐIỀU LÃNG PHÍ TRONG CUỘC ĐỜI

10 ĐIỀU LÃNG PHÍ TRONG CUỘC ĐỜI

 Trong hành trình tạo dựng một cuộc đời có ý nghĩa, nếu bạn lỡ coi thường một trong 10 điều thiết yếu dưới đây, coi như bạn đã tự đánh mất một phần nhựa sống của chính mình.

1. Sức khoẻ: Lúc còn trẻ, người ta thường ỷ lại vào sức sống tràn trề đang có. Họ làm việc như điên, vui chơi thâu đêm, ăn uống không điều độ… Cứ như thế, cơ thể mệt mỏi và lão hoá nhanh. Khi về già, cố níu kéo sức khoẻ thì đã muộn.

2. Thời gian: Mỗi thời khắc “vàng ngọc” qua đi là không bao giờ lấy lại được. Vậy mà không hiếm kẻ ném 8 giờ làm việc qua cửa sổ. Mỗi ngày, hãy nhìn lại xem mình đã làm được điều gì. Nếu câu trả lời là “không”, hãy xem lại quỹ thời gian của bạn nhé.

3. Tiền bạc: Nhiều người hễ có tiền là mua sắm, tiêu xài hoang phí trong phút chốc. Đến khi cần một số tiền nhỏ, họ cũng phải đi vay mượn. Những ai không biết tiết kiệm tiền bạc, sẽ không bao giờ sở hữu được một gia tài lớn.

4. Tuổi trẻ: Là quãng thời gian mà con người có nhiều sức khoẻ và trí tuệ để làm những điều lớn lao. Vậy mà có người đã quên mất điều này. “Trẻ ăn chơi, già hối hận” là lời khuyên dành cho những ai phí hoài tuổi thanh xuân cho những trò vô bổ.

5. Không đọc sách: Sách truyền bá văn minh. Không có sách, lịch sử im lặng, văn chương câm điếc, khoa học tê liệt, tư tưởng và suy xét ứ đọng. Từ sách, bạn có thể khám phá biết bao điều kỳ thú trên khắp thế giới. Thật phí nửa cuộc đời cho nhưng ai chưa bao giờ biết đọc sách là gì.

6. Cơ hội: Là điều không dễ dàng đến với chúng ta trong đời. Một cơ may có thể biến bạn thành giám đốc thành đạt hay một tỷ phú lắm tiền. Nếu thờ ơ để vận may vụt khỏi tầm tay, bạn khó có thể tiến về phía trước.

7. Nhan sắc: Là vũ khí lợi hại nhất của phụ nữ. Có nhan sắc, bạn sẽ tự tin và chiếm được nhiều ưu thế hơn so với người khác. Tuy nhiên, “tuổi thọ” của nhan sắc có hạn. Thật hoang phí khi để sắc đẹp xuống dốc. Hãy chăm sóc mình ngay từ bây giờ.

8. Sống độc thân: Nhiều người ngày nay theo trào lưu “chủ nghĩa độc thân”. Thực tế là khi sống một mình, bạn rất cô đơn và dễ cảm thấy thiếu vắng vòng tay yêu thương của chồng/vợ và con cái. Bận bịu gia đình chính là một niềm vui. Sống độc thân, bạn đã lãng phí tình cảm đẹp đẽ ấy.

9. Không đi du lịch: Một vĩ nhân đã từng nói: “Khi đi du lịch về, con người ta lớn thêm và chắc chắn một điều là trái đất phải nhỏ lại”. Vì thế, nếu cho rằng đi du lịch chỉ làm hoang phí thời gian và tiền bạc, bạn hãy nghĩ lại nhé.

10. Không học tập: Một người luôn biết trau dồi kiến thức sẽ dễ thành công hơn người chỉ biết tự mãn với những gì mình biết. Nếu không học hành, bạn đang lãng phí bộ óc.

Nguồn: MariaThanh Mai gởi

Hiểm Họa Nhiễm Độc Bởi Nước Sơn Móng Tay Chân

Hiểm Họa Nhiễm Độc Bởi Nước Sơn Móng Tay Chân

(05/06/2012)  Trích ViệtBao  vietbao.com

SAIGON (VB) — Cơ quan Kiểm soát chất độc hại (DTSC) của Mỹ vừa cảnh báo là đã tìm thấy 3 hóa chất toluene, dibutyl phthalate và formaldehyde có nguy cơ gây sẩy thai, tổn hại đến sức khỏe con người trong một số loại sản phẩm sơn móng lưu thông trên thị trường nước này, như: Sation 99 basecoat, Sation 53 red-pink nail color, Dare to Wear nail lacquer, Chelsea 650 Baby’s Breath Nail Lacquer, New York Summer Nail Colorv.v… Rất có thể các sản phẩm này đã lưu hành từ lâu ở Việt Nam, lẫn lộn với những loại sơn không nhãn hiệu, nhập lậu từ các nước Á châu và bày bán tràn lan ở các chợ.

Theo một bài điều tra của báo TN, chỉ riêng vùng Sài Gòn, rất dễ tìm thấy các loại sơn móng vô danh nói trên tại các chợ Bình Tây, An Đông, Tân Định, Thái Bình, v.v…  Tại chợ Thái Bình (quận 1), hàng trăm loại mỹ phẩm, nước hoa, dầu gội, lăn khử mùi, son môi, phấn, sơn móng tay chân… chất đống trong các khay, rổ nhựa đặt dưới đất. Nhờ giá rẻ, nhiều chủng loại, màu mè xanh đỏ bắt mắt nên được khá nhiều phụ nữ chọn mua. Các loại sơn móng này rất đa dạng, như loại hàng được người bán cho biết là đồ Trung Quốc, Hàn Quốc… đổ đống ngổn ngang, cũng bày đặt dán tem nhãn nhưng tem hết sức lem luốc, không thể đọc ra xuất xứ, thành phần hóa chất… Ngay các sạp có tủ kiếng đàng hoàng cũng bán đủ loại sơn móng, xuất xứ mơ hồ.

Nước sơn móng không nhãn hiệu đổ đống trong rổ nhựa, bày bán lẫn lộn với các thứ khẩu trang, găng tay và đồ dùng phụ nữ khác…(Photo VB)

Ngoài ra, các “tiệm” làm móng dã chiến ở các chợ và những chị thợ làm móng dạo ở các khu phố, đường hẻm… cũng sử dụng không gì khác hơn là các loại sơn móng đáng nghi ngại nói trên. Khách thì chỉ chọn màu nước sơn, không quan tâm lắm đến chất lượng hay nguy cơ độc hại từ loại sơn mình chọn. Thực tế, cả thợ lẫn khách, hầu hết đều không biết chút gì về lai lịch của các sản phẩm làm đẹp này.

Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi

Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi

Sau thời cách mạng Pháp, trước cửa một nhà thờ tại Balê, người ta thường thấy một người hành khất với một dáng vẻ lạ thường. Xuyên qua lớp áo rách rưới, ai cũng có thể nhìn
thấy trên vòng cổ của người ăn xin một cây thánh giá nhỏ bằng vàng.

Người khách quen thuộc nhất của người xấu số này là một vị linh mục trẻ. Vị linh mục thường đến dâng thánh lễ tại nhà thờ này. Mỗi lần ra khỏi nhà thờ, ông không quên hỏi han và giúp đỡ người hành khất.

Ngày nọ, vị linh mục trẻ không còn thấy người ăn xin lảng vảng trước cửa nhà thờ nữa. Lần mò hỏi thăm, vị linh mục đã tìm đến thăm người hành khất đang trong cơn rét run vì bệnh tật và đói ăn. Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, ông ta đã kể lại cuộc đời của mình như sau: “Khi cách mạng vừa bùng nổ, tôi làm quản gia cho một gia đình giàu có. Hai vợ chồng chủ tôi là những người đạo đức, giàu lòng thương người. Thế nhưng tôi đã phản bội
họ. Quân cách mạng tìm cách bắt họ. Hai vợ chồng và hai đứa con của họ đã bị bắt giữ và kết án tử hình. Chỉ còn người con trai duy nhất là thoát khỏi”.

Nghe đến đây, vị linh mục như muốn té xỉu, nhưng ông đã cố gắng giữ bình tĩnh để nghe tiếp câu chuyện của người hành khất: “Tôi nhìn họ leo lên đoạn đầu đài và thản nhiên theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Tôi quả thực là một quái vật khát máu… Từ đó, tôi không thể nào có sự bình an trong tâm hồn. Tôi bắt đầu đi lang thang khắp các ngả đường để quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của gia đình họ trong túi áo này đây. Cây thánh
giá tôi đang treo ở đầu giường là của người chồng, còn chiếc thánh giá bằng vàng tôi đeo trên cổ đây là của người vợ… Xin Chúa tha thứ cho tôi”.

Vừa nghe xong những dòng tâm sự và cũng là lời tự thú của người hành khất, vị linh mục trẻ đã quỳ gối xuống bên cạnh chiếc giường của người hấp hối và thay cho một công thức giải tội, ông đã nói như sau: “Tôi chính là người con trai còn sống sót trong gia đình. Ðại diện cho gia đình và với tư cách là một linh mục, tôi tha thứ cho ông nhân danh Cha và Con và Thánh Thần…”.

Câu chuyện tha thứ trên đây là một trong những mẩu chuyện đã và đang xảy ra ở mọi thời đại và mọi nơi. Giữa sa mạc cằn cỗi của lòng người, Thiên Chúa vẫn còn cho mọc lên những hoa trái của yêu thương, tha thứ. Tha thứ là vẻ đẹp thanh tú cao sang nhất của lòng người…

Sự hiện diện của bà Muzeyen Agca tại Roma dạo tháng 02/1987 nhắc lại cho chúng ta một biến cố vô cùng đau thương, nhưng cũng gợi lại một nghĩa cử vô cùng cao quý của vị Cha chung. Ngày 13/5/1981, giữa lúc hàng ngàn người đang chen chúc tại công trường thánh Phêrô để chờ đón Ðức Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên từ đám đông đã làm cho mọi người như đứng tim. Ðức Thánh Cha đã gục ngã trên chiếc xe Jeep mui trần, máu me vọt lên tung téo. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị Giáo Hoàng bị mưu
sát.

Ali Agca, thủ phạm chính của vụ mưu sát, đã bị bắt giữ ngay sau đó. Người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị giam giữ tại nhà tù Rebibbia ở Roma. Biến cố đẫm máu trên đây đã ghi đậm sự thù hận đang sôi sục trong lòng người… Nhưng thế giới không chỉ được nung náu bằng lò lửa của hận thù. Thiên Chúa đã tạo dựng con người để yêu mến và tha thứ…

Năm 1984, một biến cố khác đã làm chấn động dư luận thế giới: Ðức Gioan Phaolô II đã đích thân đến nhà giam Rebibbia để nói chuyện với Ali Agca và tha thứ cho anh. Không ai biết hai bên đã trao đổi những gì, nhưng ai cũng cảm động trước cảnh tượng kẻ sát nhân và người bị mưu sát đã bắt tay nhau và trao cho nhau ánh mắt của tha thứ, của hòa giải…

Trích Lẽ Sống
nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

TÔI ĐÁNH MẤT TÔI…

TÔI ĐÁNH MẤT TÔI…

Tôi sinh ra vốn tay không, trần trụi

Một ngày nào tôi tay trắng ra đi

Của cải trần gian khi ấy ích gì?

Càng giầu có tôi càng đau lòng lắm!

Lúc tuổi trẻ – Tôi chất thuyền  thật khẳm

Bởi tiện tằn – Tôi chắt bóp từng xu

Nhưng rồi rong chơi – Tôi đã chu du

Khắp biển rộng sông dài – Âu Á Mỹ!

Cuộc sống của tôi toàn là vị kỷ

Tôi thừa dư nhưng tích của làm giầu

Người nghèo bần tôi có nhớ gì đâu

Tôi không giúp, không hề cho một cắc!

Những của cải dù trong kho rất chắc

Nhưng một ngày rồi chúng cũng ra đi

Chứng khoán tiêu, nhà cửa xuống bởi vì

Cả hoàn cầu nạn suy trầm kinh tế!

Cuộc đời tôi rồi trở nên tồi tệ

Lại tuổi già tôi đau ốm luôn luôn

Ngẩng nhìn trời đôi dòng lệ rơi tuôn

Rồi nay mai lìa đời tôi tự huỷ

Những gì là đáng lẽ giúp cho tôi

Quá tham lam tôi đã sống tệ tồi

Đã phí uổng cả kiếp người hoa gấm!

Đã bao lần nghe lời Ngài thương nhắn

– Con hỡi con, hãy kính Chúa, yêu người

Của đời sau, con cất ở trên trời

Là giúp đỡ, ủi an người cùng khổ!

Làm bác ái không bao giờ sợ lỗ

Làm cho người là con làm cho Cha!

Nhưng hồn tôi chai đá, chẳng thiết tha

Tôi đánh mất tình yêu thương của Chúa!

Giờ lâm chung linh hồn tôi ngập ngụa

Bao âu lo, bối rối lẫn chán chường

Nếu tôi biết tìm ra một con đường

Những phút chót cuộc đời, đâu đến nỗi!

Giờ lâm chung dù rằng tôi thống hối

cũng muộn màng bởi mọi chuyện đã xong!

Tôi sống như một kẻ quá thân vong

Đánh mất mình, không bao giờ tìm thấy

Bút Xuân Trần Đình Ngọc  

nguồn: conggiaovietnam.net

Ba lời ước sau cùng của Alexander Đại Đế

             Ba lời ước sau cùng của Alexander Đại Đế

 Đại Đế Alexender khi sắp chết, cho triệu tập các quan trong triều đến, để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của mình cho hậu thế, Ngài phán:

 *Quan tài của ta phải được khiêng bởi chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất của thời đó.

 *Tất cả các báu vật của ta (vàng, bạc, châu báu…) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến mộ ta.

 *Đôi bàn tay của ta phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài cho mọi người cùng thấy.

 Ngài Alexender Đại Đế giải thích như sau:

 Ta muốn chính các vị ngự y bác sĩ phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng: một khi phải đối mặt với cái chết thì chính họ là người giỏi nhất cũng không tài nào cứu chữa.

Ta muốn châu báu của ta phải được vung vãi trên mặt đất để cho mọi người thấy rằng: của cải, tài sản mà ta gom góp được sẽ mãi mãi ở trên thế giới này, một khi ta nhắm mắt suôi tay từ giả cõi đời.

Ta muốn hai bàn tay của ta đong đưa trên không để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến thế giới này với hai bàn tay trắng và khi rời khỏi thế giới này, chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng.

 Đến cuối cuộc đời, chúng ta mới nghiệm ra rằng kho tàng quý giá nhất trên thế gian là:” Tình Yêu Thương”

 trích từ báo Trái Tim Đất Mẹ số 413 (tháng 5-2012)

HƯỚNG LÒNG VỀ THƯỢNG GIỚI

 

HƯỚNG LÒNG VỀ THƯỢNG GIỚI
 
Khi con người chỉ biết nhìn xuống…
 
Người phụ nữ có biệt danh là ‘Bà Năm Khòm’ đã trở thành nhân vật quá quen thuộc đối với những ai hay lui tới công viên của thành phố nầy. Đã lâu lắm rồi, từ sáng tới chiều, ngày nầy qua ngày khác, người ta thấy bà lầm lũi cúi gập người xuống để tìm nhặt những đồng tiền xu mà khách nhàn du đánh rơi đâu đó trong công viên. Hình như nghề nầy đem lại cho bà nguồn thu nhập tương đối khá, nên ngày nào bà cũng khom người xuống và căng mắt tìm kiếm miệt mài như con kiến cần cù chăm chỉ nhất.
Vì ngày nào bà cũng cúi gập người xuống, đôi mắt lúc nào cũng đăm đăm nhìn sát mặt đất để tìm kiếm những đồng tiền rơi nên rốt cuộc, cần cổ của bà cụp xuống, lưng còng hẳn đi đến nỗi bà không còn ngửng lên nhìn trời được nữa. Vì thế, người dân quanh đó gán cho bà biệt danh là “Bà Năm Khòm.”
Thế là mặc dù kiếm được khá tiền, nhưng bà đã đánh mất cuộc sống. Bà chỉ biết có mặt đất mà không biết có bầu trời. Bà chỉ biết ky cóp những đồng tiền xu mà chẳng biết gì đến thế giới bao la muôn màu muôn vẻ chung quanh!
Hình ảnh người đàn bà còng lưng trên đây là biểu tượng cho những người chỉ biết có thế giới vật chất mà không màng gì đến thế giới thiêng liêng.
Nếu không được ánh sáng phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa Giê-su soi sáng, con người chỉ có thể thấy gần mà không thể thấy xa, chỉ biết chú mục vào cuộc sống phù du đời nầy mà lãng quên cuộc sống mai sau, chỉ biết vun quén của cải vật chất tạm bợ trần gian mà không lo tích lũy cho kho tàng vĩnh cửu, chỉ biết kiếm tìm lạc thú chóng qua mà lãng quên hạnh phúc trường cửu muôn đời…  Họ chối bỏ Trời, quay lưng lại với Thiên Chúa, khước từ thế giới thiêng liêng!
Họ xem mặt đất nầy là quê hương duy nhất. Họ xem nấm mồ như điểm đến cuối cùng của cuộc sống, như nhận định của thi hào Nguyễn Du:
“Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.”
Hãy ngước nhìn lên
 
Sự kiện Chúa Giê-su lên trời mở ra cho loài người một viễn tượng mới: Thế giới loài người không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ vật chất nhưng còn mở vào cõi vô biên. Cuộc đời con người không chấm dứt trong nấm mồ tối tăm nhưng vượt qua đó để tiến vào vĩnh cửu.
Như ấu trùng ve sầu chui ra khỏi những lớp đất tăm tối, lột bỏ chiếc vỏ chật hẹp để đón chào thế giới mới, cất tiếng ca vang dưới ánh nắng mặt trời, con người cũng được mời gọi vượt lên trên thế giới hữu hình, phá bỏ lớp vỏ vật chất bó chặt đời mình để vươn vai trở thành tạo vật mới, sống một đời sống mới.
Thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta hãy hướng về đích xa:
“Quê hương chúng ta ở trên trời” (Phi-lip 3, 20)
Thế nên: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.” (Col 3, 1-4)
Sự kiện Chúa Giê-su lên trời kêu gọi chúng ta hướng về đích cao: đừng chỉ lo phần xác mà quên mất phần hồn, không chỉ biết đời nầy nhưng còn phải chuẩn bị cho đời sau.
Chỉ dán mặt xuống đất mà không biết ngẩng lên nhìn trời là đánh mất cuộc sống.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà     nguồn: từ Maria Mai gởi

ĐGH John Paul II bị ám sát ở Vatican

ĐGH John Paul II bị ám sát ở Vatican  

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, ĐGH đã bị một người đàn ông Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmet Ali Ağca bắn trọng thương khi Ngài đang đứng trên xe chạy vòng quanh Quảng trường Thánh Phêrô như thường lệ.

ĐGH lập tức quỵ xuống vì đau đớn rồi từ từ ngã trong vòng tay các cận vệ. Ngay sau đó, hung thủ thực hiện vụ mưu sát bị cảnh sát tóm gọn. Nhưng kẻ tòng phạm đứng cách đó một đoạn xa thì nhanh chóng chạy thoát.

Viên đạn chỉ đi xuyên qua ổ ruột, cách động mạch vài ly, rồi rớt ngay trong xe, khiến ĐGH dù bị mất đến 2/3 số máu trong cơ thể, nhưng vẫn được cứu sống kịp thời. Các bác sĩ cho rằng nếu viên đạn cắt ngang động mạch, ĐGH sẽ chết tại chỗ hoặc trên đường cấp cứu. Về phần mình, ĐGH lại xem đó như một sự can thiệp lạ lùng của Ðức Mẹ Maria.

Sau khi hồi phục, ĐGH đã tuyên bố với mọi người rằng: “Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi, người tôi đã chân thành tha thứ”. ĐGH đã viết thư định gửi cho hung thủ Ağca: “Tại sao anh lại bắn tôi khi mà cả hai chúng ta đều chung đức tin vào Chúa?” Nhưng thay vì gửi bức thư đó, đã quyết định đến gặp Ağca. Năm 1983, ĐGH đến thăm Ağca và tha thứ cho việc ám sát Ngài. ĐGH còn cầu khẩn nhà cầm quyền Ý ân xá cho Ağca. Ngài đã giữ liên lạc với gia đình của Ağca nhiều năm sau đó và đã thăm mẹ Ağca năm 1987.    xem thêm: thanhnhacngaynay.

VỀ BỨC ẢNH ĐỨC MẸ ĐỠ ĐỨC GIÁO HOÀNG
KHI NGÀI BỊ TRÚNG ĐẠN

Pope in bed

ĐGH trên giường bệnh

Pope john paul injured

ĐGH bị trúng thương

Pope shot - See the gun

Khẩu súng nhìn thấy trong vòng tròn trên ảnh

Pope with Ali Agca

ĐGH với hung thủ Ali Agca

Pope with mother of Ali Agca

Thăm mẹ của hung thủ Ali Agca

Pope with the man who shot him

ĐGH vào trại giam thăm kẻ ám sát Ngài

Joseph Ratzinger: Nhà Thần học và Đức Giáo Hoàng

Joseph Ratzinger: Nhà Thần học và Đức Giáo Hoàng
 
 
            Như một sự trọng kính ĐTC Benedict XVI vào sinh nhật thứ 85 của Ngài và kỷ niệm lần thứ 7 với ngôi vị kế thừa Thánh Phê-rô của Ngài, nhật báo “Il Sole 24 Ore” và “L’Osservatore Romano” đã chuẩn bị một cuốn sách 88 trang tựa đề, “Joseph Ratzinger teologo e pontefice.” Công việc xuất bản được bao gồm cả miễn phí trong ấn bản hàng ngày của nhật báo Milan vào ngày 24 tháng Tư, ngày Nhiệm kỳ Giáo Hoàng của ĐTC Benedict được tấn phong trọng thể cách đây bẩy năm. Tường thuật kỹ thuật số sẽ được chuyển tiếp trên website của “Il Sole 24 Ore,” được bổ sung bằng nhiều phương tiện truyền thông nội dung bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha. Ngôn ngữ cuối cùng, cuốn sách sẽ được xuất bản vào ngày 26 tháng tư bằng tiếng Tây Ban Nha bởi “La Razón,” như một sự đính kèm trên website ấn bản hàng ngày. Tổng biên tập viết lời bạt của cuốn sách.
Vào ngày 19 tháng Tư năm 2005 Giu-se Ratzinger được bầu chọn Giáo Hoàng – gần một ngày bởi Hội đồng Hồng y thiêng liêng nhất trong lịch sử – nhiều người ngạc nhiên. Vì một lý do, chủ yếu bởi vì nghi thức xã giao ôn hòa bền bỉ, vì đa phần người Đức, vì thời gian gian 23 năm đáng kể mà Ngài với tước hiệu chính thức nguyên Văn phòng Tòa Thánh và hầu như bất cứ điều gì quan trọng Ngài đóng một vai trò trọng đại trong việc thừa hành Đức Gio-an Phao-lô II, người mà đã gọi mời Ngài tới Roma mà Giu-se đã cộng tác mật thiết.
 
Đã có những dự đoán và mong đợi khác xa những sự kiện, giống như hình ảnh rập khuôn, dàn trải phi thực tế bởi nhiều điều vô căn cứ. Hiển nhiên, vị Hồng y ấy, đã được Hội đồng Hồng y bầu chọn Giáo Hoàng, người mà đã có một thời gian ham mê ẩn dật nơi quê hương Bavaria của mình để trở lại với toàn bộ thời gian nghiên cứu. Không làm bất cứ việc gì cho đến khi được bầu chọn. Đó là điểm mấu chốt quan trọng có thể làm đảo lộn tất cả mà không được tìm thấy, do vậy, giống như một con người vào năm 1977 đã để lại dấu ấn của nhà thần học tuổi 50 lẫy lừng này. – người mà hơn 15 năm trước đã đến Roma tham dự Hội nghị Công đồng Vaticano II với tư cách là một cố vấn duy nhất của những thành viên lỗi lạc Hội đồng Giám mục Đức – sự chỉ định tổng Giám mục và ngay sau đó được ĐTC Phao-lô VI tấn phong Hồng y.
 
DÀnh cho kỳ niệm mừng sinh nhật lần thứ 85 của ĐTC Benedict XVI, và dành cho khởi đầu năm thứ tám của ngôi vị Giáo Hoàng, ý tưởng này được kết hợp và cập nhật trong một cuốn sách nhỏ một số những công việc được biết đến ít ỏi so với công việc của ngài: trong một ánh sáng nhưng không phải là một cuộc đốithoại thiển cận giữa một con chuột (Armando Massarenti) và một con voi (Giuliano Ferrara) về người thế tục và tôn giáo, vì sự đề nghị đọc những tác phẩm của Ratzinger – không chuyên môn hóa cũng không hệ thống hóa, mà chỉ là trí năng và nhận thức – được đề nghị bởi một sử gia (Lucetta Scaraffia), và cuối cùng là bảng tóm tắt niên đại cuộc đời của một nhà thần học bước lên ngôi vị Giáo Hoàng.
 
Khả năng bắt đầu công việc này được hai nhật báo khuyến khích – Il Sole 24 Ore và L’Osservatore Romano – chủ yếu truy tìm để giới thiệu một con người và sau đó là những tác phẩm của một bậc tài trí đã cống hiến và cống hiến đời mình cho công trình nghiên cứu bất tận và truy tìm chân lý vô tận cho một cuộc đối thoại không ngừng giữa đức tin và suy lý, với một tài hung biện để nói với tất cả.
 
Nhân dịp trọng đại này với niềm hy vọng của Nghi lễ Đế quốc La mã Đông phương eis ete polla có thể được áp dụng, bằng tiếng La tinh cô đọng cầu chúc ad multos annos với những lời mộc mạc, kính chúc Đức Thánh Cha một Sinh Nhật Hạnh Phúc.
 
 Jos. Tú Nạc, NMS

Thánh Athanasius

02/05/2012

 2 Tháng Năm

  Thánh Athanasius
    (296? – 373)

     Cuộc đời Thánh Athanasius đầy bôn ba vì tận tụy phục vụ Giáo Hội. Ngài là quán quân bảo vệ đức tin đối với sự lan tràn của lạc thuyết Arian. Sự nhiệt huyết của ngài được thể hiện trong các trước tác giúp ngài xứng đáng là Tiến Sĩ Hội Thánh.

     Sinh trong một gia đình Kitô Giáo ở Alexandria và được giáo dục kinh điển, Athanasius gia nhập hàng giáo sĩ và là thư ký cho Ðức Alexander, Giám Mục của Alexandria, và sau đó chính ngài được nâng lên hàng giám mục. Vị tiền nhiệm của ngài, Ðức Alexander, từng là người lớn tiếng chỉ trích một phong trào mới đang bành trướng ở Ðông Phương thời bấy giờ, đó là lạc thuyết Arian, họ khước từ thiên tính của Ðức Kitô và không coi Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa.

     Khi Ðức Athanasius đảm nhận vai trò Giám Mục của Alexandria, ngài tiếp tục chống với lạc thuyết Arian. Lúc đầu, cuộc chiến dường như dễ dàng chiến thắng và lạc thuyết Arian sẽ bị kết án. Nhưng thực tế thì trái ngược. Công Ðồng Tyre đã được triệu tập và vì một vài lý do không rõ ràng, Hoàng Ðế Constantine đã trục xuất Ðức Athanasius đến miền bắc nước Gaul. Ðây là chuyến đi đầu tiên trong một chuỗi hành trình và lưu đầy có nét phảng phất như cuộc đời Thánh Phaolô.

     Khi Constantine từ trần, hoàng tử kế vị đã phục hồi quyền giám mục của Ðức Athanasius. Nhưng chỉ được có một năm, ngài lại bị truất phế vì sự liên hiệp của các giám mục theo phe Arian. Ðức Athanasius đã đệ đơn lên Rôma, và Ðức Giáo Hoàng Julius I đã triệu tập một công đồng để duyệt qua vấn đề và các khó khăn liên hệ.

     Trong bốn mươi sáu năm làm giám mục, ngài đã phải lưu đầy mười bảy năm chỉ vì bảo vệ tín điều về thiên tính của Ðức Kitô. Trong một thời gian, ngài được an hưởng 10 năm tương đối bình an để đọc sách, viết lách và cổ võ lý tưởng của đời sống đan viện mà ngài hết lòng tận tụy.

     Các văn bản và giáo lý của ngài hầu hết là các bài bút chiến, trực tiếp chống lại mọi góc cạnh của lạc thuyết Arian. Trong các văn bản của ngài về đời sống khổ hạnh, cuốn Ðời Sống Thánh Anthony được nhiều người biết đến và góp phần lớn trong việc thiết lập đời sống đan viện trên khắp thế giới Kitô Giáo Tây Phương.

    Lời Bàn

     Khi là Giám Mục của Alexandria, Thánh Athanasius đã phải đau khổ nhiều vì những thử thách. Ngài được Chúa kiên cường để chống lại một điều tưởng như không thể nào vượt qua được vào lúc bấy giờ. Thánh Athanasius đã sống trọn vẹn trách nhiệm của một vị giám mục. Ngài bảo vệ đức tin chân chính cho đàn chiên, bất kể giá phải trả. Trong thế giới ngày nay, chúng ta cũng được mời gọi để giữ vững đức tin chân chính với bất cứ giá nào.

    Lời Trích

  Những khó nhọc mà Thánh Athanasius đã phải đau khổ trong khi lưu đầy — trốn tránh, bỏ chạy từ nơi này sang nơi khác — nhắc nhở chúng ta về những gì mà Thánh Phaolô đã đề cập đến trong cuộc đời ngài: “Trong nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, ở sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; trong vất vả mệt nhọc, qua những đêm không ngủ, qua sự đói khát, thường xuyên phải nhịn ăn uống, qua sự lạnh lẽo và trần truồng. Ngoài những điều này, hằng ngày tôi còn bị ray rứt vì sự ưu tư lo cho tất cả các giáo hội” (2 Corinthians 11:26-28).

Tay con chuỗi hạt ngọc ngà

Con ca tụng Mẹ lời hoa thắm tình

Ngày ra từ buổi bình minh

Đến chiều còn vọng khúc kinh tuyệt vời

 nguồn:  từ Maria Mai gởi