Chào Đức Nữ Đồng Trinh Maria!

 Chào Đức Nữ Đồng Trinh Maria!
(Thơ và nhạc của Tuyết Mai) Dâng Mẹ Maria Ngày Thánh Mẫu

Mẹ Maria ơi!
Trên Kiệu Mẹ thấy những gì?
Hãy tỏ cho chúng con vui!
Hãy cười cho chúng con vui!

Chung quanh Mẹ là những người con hiếu thảo,
Lặn lội phương xa gồng gánh một ước nguyện,
Đến với Mẹ để cùng chung dâng câu ca tiếng hát,
Để cùng chung dâng lời nguyện kinh.
Chung quanh Mẹ là những đàn con khao khát,
Ước mong tìm bình an Chúa Con Mẹ ban,
Qua lời cầu bầu thật thiết tha của Mẹ,
Chúa sẽ nghe lời vì Mẹ thật dấu yêu.

Ai, ai trong chúng con không yêu mến Mẹ!?
Ai, ai trong vũ trụ không nghiêng mình cung nghinh?
Ai, ai trong mọi giống loài không bái lậy Mẹ?
Ai, ai trong hỏa lò không run giùng khi Mẹ hiển dung?
Có phải vì Mẹ là Mẹ Chúa Trời?
Có phải vì Mẹ là Nữ Tử của Thiên Chúa Cha?
Có phải vì Mẹ là Mẹ của Giáo Hội?
Có phải vì Mẹ là Nữ Hoàng Của Muôn Loài?

Ôi, chúng con bao thế kỷ luôn Tri Ân Mẹ!
Nhờ Mẹ mà Chúa Cha phải dằn cơn thịnh nộ,
Nhờ Mẹ mà chúng con luôn được an ủi đỡ nâng,
Nhờ Mẹ mà con cái Mẹ không hư mất?
Mẹ ơi! Còn lời nào có thể ca tụng Mẹ cho đủ?
Còn lời nào khẩn thiết cho bằng,
Là chúng con luôn cần đến Mẹ,
Như đàn gà con luôn được Mẹ ủ ấp,
Trong đôi cánh yêu thương trìu mến của Mẹ.

Mẹ ơi! Mẹ có thấy những đóa hoa muôn mầu sắc thắm?
Là những mùi hương riêng biệt của tấm lòng chúng con,
Là những gì chúng con gặt hái,
Là một chút quà mọn chúng con dâng.
Như đứa con thảo luôn hướng về Mẹ,
Như đứa con mong được Mẹ chở che,
Như đứa con hoang luôn thích rời xa Chúa và Mẹ,
Như đứa con nhọc nhằn trôi nổi lắm mồ hôi.
Như đứa con lao đảo vì cuộc đời,
Rày đây mai đó chẳng lúc nào được yên,
Vì cuộc đời ngày ngày là nỗi thống khổ,
Của mất mát của chua cay của đắng đót.

Dù cuộc đời là lo toan là trách nhiệm,
Dù cuộc đời là vất vả với cơm bánh,
Dù cuộc đời là sóng xô đưa đẩy,
Dù cuộc đòi là trắc trở của bể dâu.
Nhưng có Mẹ chúng con tin vào cuộc đời,
Luôn có Mẹ sát cánh,
Lùa chúng con về đôi cánh của Mẹ,
Để được bình an bên Mẹ suốt một đời.

Chúng con vui mừng khôn tả,
Vì không gì vui sướng cho bằng,
Nhìn ngắm Mẹ trên kiệu đầy hoa muôn sắc,
Mẹ đẹp tuyệt trần nên cả vũ trụ,
Muôn loài hạnh phúc được chiêm ngắm,
Vẻ đẹp dịu hiền toát ra mọi nhân đức của Mẹ.

Không một ai trên đời có thể,
Sánh ví cho bằng Mẹ Maria,
Mẹ của toàn nhân loại trên địa cầu,
Có được vẻ đẹp do Thiên Chúa Cha,
Tác tạo dựng nên Mẹ từ muôn thuở muôn đời.
Quả tuyệt diệu thay!
Hạnh phúc cho nhân loại chúng con lắm thay!

Mẹ Maria ơi!
Trong ngày Thánh Mẫu Mẹ sẽ chờ đợi những gì?
Có thể cho chúng con hay!?

 ** Xin bấm vào mã số dưới đây để hát theo:

     http://www.youtube.com/watch?v=dYhH7HMzaJU

     (Chào Đức Nữ Đồng Trinh Maria)

Y Tá Của Chúa,
Tuyết Mai

98,87%

98,87%

                                                         trích: Ephata 515

                                                                              Lm. VĨNH SANG, DCCT

Ngày thứ ba 19.6.2012, Bộ Giáo Dục – Đào Tạo đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông của cả nước là 98,87%, một con số gây ngỡ ngàng cho tất cả mọi người, những người còn lương tri. Ngỡ ngàng rồi chua xót !

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ tư ngay sau đó đã đăng trên trang nhất một tấm hình đầy tính mỉa mai, một tấm hình được lắp ghép bởi ba hình ảnh: cảnh quay cóp nhau ở Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang, biểu đồ tỷ lệ tốt nghiệp những năm gần đây và cảnh thí sinh đi xem kết quả thi tốt nghiệp. Biểu đồ tỷ lệ tốt nghiệp cho thấy, năm 2006: 92%, năm 2007 66,72% ( năm này ông bộ trưởng tuyên bố hai không trong giáo dục: không gian lận, không thành tích ), năm 2008: 75,96%, năm 2009: 83,80%, năm 2010: 92,57%, năm 2011: 95,72%, năm 2012: 98,87%. Con số 98,87% ngay bên cạnh hình ảnh quay cóp !

 

Con số tỷ lệ 98,87% tốt nghiệp sau một kỳ thi quốc gia đã là một tiếng chuông thông báo về sự phá sản tan tành về giáo dục, con số này là chữ ký cuối cùng trong hồ sơ bệnh án của một thân thể thoi thóp rồi mất sức sống, là giấy chứng tử của nhân viên hộ tịch kết luận về một sự sống không còn.

Trong một cơ chế xã hội, giáo dục đào tạo là yếu tố quan trọng nhất, nó quyết định tương lai của một dân tộc, là sự sống còn của dân tộc đó. Người Nhật trên đống đổ nát sau thế chiến thứ hai, họ đã xây dựng trở thành một quốc gia hùng mạnh bắt đầu từ sự chú trọng vào giáo dục. Ở các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới, người ta thành công trên nhiều phương diện chính vì đã sở hữu một nền giáo dục hoàn chỉnh. Con người là chính, con người làm ra của cải, phát triển kiến thức và xây dựng xã hội, vì thế nếu không chú ý đến con người, không giáo dục con người cho xứng đáng thì con người không thể cất đầu đi lên được.

Báo Tuổi trẻ số ra ngày thứ bảy 23.6.2012, loan tin nơi trang 13, bài “Thêm trẻ sơ sinh tử vong khi sinh mổ”. Bài báo cho biết: “Đây là ca tử vong trẻ sơ sinh thứ 20 tại khoa sản Bệnh Viện Đa Khoa Quảng Ngãi kể từ đầu năm đến nay”. Chắc chắn đây là sản phẩm của những con người mang bằng tốt nghiệp phổ thông tỷ lệ cỡ 98,87% ! Đây chỉ là một trong vô vàn những sản phẩm khác mang nhãn hiệu 98,87%.

Trong một loạt các bài báo tham gia nhận định về con số này, người ta đọc thấy những câu chuyện của một số trường thông báo với thí sinh rằng hãy đi mà “xem kết quả ở bảng không tốt nghiệp” ! Hoặc táo tợn hơn có trường thông báo “không cần xem vì tỷ lệ tốt nghiệp 100%” ! Ngay Bộ Giáo Dục – Đào Tạo dám công bố tỷ lệ này thì cũng đã là một hành vi táo tợn và không còn… liêm sỉ ! Chúng ta sẽ không lấy làm lạ vì con số 98,87% khi có những “người thầy” như vậy. “Chuyện bây giờ mới kể” nhưng đã triền miên diễn ra từ rất nhiều năm.

Năm 1999, hai mươi bốn năm sau cuộc biến động 1975, tôi có dịp đi nước ngoài, ngày đầu tiên khi được đón về nhà, anh em bạn bè thăm viếng chào hỏi, khi trời buông màn tối, tôi giật mình nhắc chủ nhà dẫn tôi ra đăng ký tạm trú, mọi người lăn ra cười vì trên đất nước họ sinh sống làm gì có chuyện phải đăng ký tạm trú tạm vắng ! Một khi anh được chấp nhận vào quốc gia họ, anh có quyền đi đến bất cứ nơi nào người ta không cấm mà không phải trình báo với ai cả.

Tôi sống trong miền Nam suốt hai mươi hai năm không hề có việc đăng ký tạm trú tạm vắng, thế mà chỉ hai mươi bốn năm sau cái năm 75 ấy, nỗi sợ hãi phải đi đăng ký tạm trú tạm vắng ăn sâu vào máu huyết đến nỗi trở thành một thứ phản xạ tự nhiên. Tương tự như vậy, tôi muốn nói, những con người xuất thân từ “98,87%” nêu trên, không ít thì nhiều, dù hoàn toàn không hề muốn đi nữa, đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi “con số” quái dị này.

Chúng ta còn phải chấp nhận thực tế bi đát khác, ấy là một số những người trẻ đi ra từ “con số 98,87%” đã, đang và sẽ là ứng sinh cho các Đại Chủng Viện và các Dòng Tu, chắc chắn trong một ngày không xa họ sẽ trở nên các “nhà lãnh đạo tinh thần”.

Chúa có cách làm của Chúa để dẫn dắt Dân của Người, chẳng nên dại dột muốn làm thay Chúa, chúng ta cần phải tin vào Chúa Thánh Thần và tin vào khả năng thay đổi của con người. Nhưng Chúa lại ban cho chúng ta khối óc, đôi bàn tay và con tim để làm dụng cụ của Chúa, trách nhiệm của chúng ta là phải làm những gì đây, trên những sản phẩm từ “con số 98,87%” này ?

Đặt câu hỏi về “sản phẩm 98,87%” nhưng cũng là đặt câu hỏi cho những người “làm thầy” của sản phẩm đó trong Giáo Hội.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 24.6.2012,
Lễ sinh nhật bậc làm thầy, Gioan Baotixita

Cô ơi cô, nhà cô có nến không ạ?

 
Cô ơi cô, nhà cô có nến không ạ?
 
Có một cô gái trẻ vừa chuyển nhà mới
Cô phát hiện ra hàng xóm nhà mình là một phụ nữ goá chồng, nghèo, sống với hai đứa con nhỏ.

Một ngày nọ, khu phố bị mất điện đột ngột. Cô gái trẻ đang lục lọi trong ngăn kéo bàn để lấy nến ra thắp sáng căn phòng. Đúng lúc đó thì có tiếng gõ cửa. Hoá ra là đứa bé nghèo con nhà hàng xóm.

Nó hồi hộp hỏi: “Cô ơi cô, nhà cô có nến không ạ?”
Cô gái trẻ nghĩ: ” Nhà nó nghèo đến nỗi nến cũng không có mà dùng ư? Cho nhà nó một lần, lần sau nó lại sang xin nữa cho mà xem!”

Thế là cô gái xẵng giọng lạnh lùng nói: “Không có!”
Cô đang định đóng cửa lại thì đứa trẻ nghèo nhà hàng xóm mỉm cười nói: “Cháu biết ngay là nhà cô không có nến mà!” Nói xong, nó chìa ra hai cây nến: “Mẹ cháu với cháu sợ cô chỉ sống có một mình, cúp điện không có nến nên bảo cháu mang nến sang cho cô dùng tạm nè”

Cô gái đứng sững sờ không nói được một lời …. 


Trong cuộc sống của chúng ta cũng sẽ có những lúc như thế. Dù con người sống trong hoàn cảnh khó khăn hay giàu có, họ đều cần đến sự quan tâm, an ủi từ ai đó.
Đừng ích kỷ, hãy lắng nghe âm thanh của cuộc sống. Cuộc sống của ta sẽ không tệ, mà thậm chí nó còn đẹp hơn khi chúng ta biết cho đi.  Bởi… CHO đi chính là NHẬN lại!

Thân chúc các bạn một ngày bình an.

nguồn: từ Nguyễn Kim Bằng gởi


 
 
 

 

Thánh Gioan Tẩy Giả

Thánh Gioan Tẩy Giả

 

                                                                                                   24 Tháng Sáu
    Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

     Đức Giêsu gọi Gioan là người cao trọng nhất trong tất cả mọi người và là người đến trước Ngài: “Ta nói với các ngươi, trong những người sinh ra bởi phụ nữ, không ai cao trọng hơn Gioan…” Nhưng có lẽ Thánh Gioan sẽ hoàn toàn đồng ý với điều Ðức Giêsu nói thêm sau đó: “Tuy nhiên, người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông ta” (Luca 7:28).

     Có một thời gian Thánh Gioan sống trong sa mạc, là vị ẩn tu. Ngài loan báo nước trời đã gần đến, và mời gọi mọi người hoán cải đời sống.

     Mục đích của ngài là chuẩn bị con đường cho Ðức Giêsu. Ngài nói, phép rửa của ngài là để ăn năn sám hối. Nhưng Ðấng sắp đến sẽ rửa với Thần Khí và lửa. Gioan không xứng đáng để xách dép cho Người. Thái độ của Thánh Gioan đối với Ðức Giêsu là: “Ngài phải nổi bật lên; tôi phải lu mờ đi” (Gioan 3:30).

     Trong khi thanh tẩy những kẻ tội lỗi, Thánh Gioan đã khiêm tốn nhận ra Ðấng Thiên Sai và nói: “Tôi cần được thanh tẩy bởi Ngài” (Mt 3:14b). Nhưng Ðức Giêsu nhất định, “Hãy tiếp tục thi hành, vì như vậy chúng ta mới giữ trọn đức công chính” (Mt 3:15b). Ðức Giêsu, một con người đích thực và khiêm tốn cũng là Thiên Chúa hằng hữu, đã sẵn sàng thi hành bổn phận của bất cứ người Do Thái tốt lành nào. Thánh Gioan như vậy đã công khai đi vào tập thể của những người đang chờ đợi Ðấng Thiên Sai. Nhưng khi tự trở nên một phần tử của cộng đồng ấy, quả thực ngài thuộc về Ðấng Cứu Tinh.

     Sự cao trọng của Thánh Gioan, một địa vị then chốt trong lịch sử cứu chuộc, được nhận thấy qua tường thuật của Thánh Luca về sự sinh hạ và các biến cố sau đó của Thánh Gioan — cả hai yếu tố này đều xảy ra song song với cuộc đời của Ðức Giêsu. Thánh Gioan thu hút được rất nhiều người đến bờ sông Giođan, và một số người đã coi ngài như Ðấng Thiên Sai. Nhưng ngài luôn luôn chỉ đến Ðức Giêsu, ngay cả một số môn đệ của ngài cũng được sai đến để trở thành các môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu.

     Có lẽ Thánh Gioan không nghĩ là Nước Trời được hoàn tất một cách tuyệt hảo trong sứ vụ rao giảng của Ðức Giêsu. Vì bất cứ lý do gì, (trong khi ở tù) ngài đã sai các môn đệ đến hỏi Ðức Giêsu xem có phải Người là Ðấng Thiên Sai hay không. Câu trả lời của Ðức Giêsu cho thấy Ðấng Thiên Sai mang hình ảnh Người Tôi Tớ Ðau Khổ trong sách tiên tri Isaia. Chính Thánh Gioan cũng đã chia sẻ trong sự đau khổ của Ðấng Cứu Tinh, ngài đã chết vì sự trả thù của Herodias.

    Lời Bàn

     Thánh Gioan thách đố mọi Kitô Hữu chúng ta hãy có lối sống xứng hợp của những người theo Ðức Kitô — hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa Cha, qua Ðức Kitô. Ngoại trừ Mẹ Thiên Chúa, không ai có chức năng cao cả hơn trong việc khai mở ơn cứu độ. Tuy nhiên, Ðức Giêsu nói, người bé mọn nhất Nước Trời còn cao trọng hơn Thánh Gioan, vì chính ơn sủng tinh tuyền nhất mà Thiên Chúa Cha đã ban cho. Sự khắc khổ cũng như sự nổi tiếng của Thánh Gioan, khi ngài can đảm tố giác những điều xấu xa — tất cả là bởi ngài tận hiến triệt để và hoàn toàn cuộc đời ngài cho thánh ý Thiên Chúa.

    Lời Trích

     “Và điều này không chỉ đúng có một lần từ lâu trong quá khứ. Nó luôn luôn đúng, vì điều ngài kêu gọi là sự sám hối và đó luôn luôn là con đường dẫn vào Nước Trời. Ngài không phải là một nhân vật mà chúng ta có thể quên đi vì Ðức Giêsu, sự sáng thật, đã xuất hiện. Thánh Gioan luôn luôn xứng hợp vì ngài kêu gọi sự chuẩn bị mà tất cả mọi người cần phải thi hành. Do đó, hàng năm có bốn tuần lễ trong lịch trình Giáo Hội để chúng ta lắng nghe tiếng gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ðó là các tuần Mùa Vọng” (Giáo Lý Công Giáo).

 nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Khối Ðá Cẩm Thạch

 

     Khối Ðá Cẩm Thạch

                                                                     trích Lẽ sống    

Một lần kia các phụ nữ giàu có sinh sống tại thành phố Firenze, miền bắc nước Italia nảy ra sáng kiến góp một khối đá cẩm thạch lớn và thuê một nhà điêu khắc tạc thành bức tượng nào tùy ý, mà ông nghĩ là dân chúng sẽ ưa thích để làm quà cho thành phố.

     Nhưng có lẽ đây không phải là một nhà điêu khắc tượng có biệt tài hay vì khối đá bị sẻ không đúng theo quy luật điêu khắc, nên sau khi nghiên cứu một thời gian, ông ta không biết dùng khối đá để tạc tượng gì nên đành bỏ cuộc với lời quả quyết: “Ðây là một khối đá vô dụng”.

     Kể từ ngày ấy, khối đá cẩm thạch quý giá bị bỏ ngoài trời mặc cho mưa sa tuyết phủ. Một nhà điêu khắc khác cũng được mời đến xem khối đá, nhưng sau khi nhìn ngắm và có người thử phác họa vài nét nháp trên giấy, tất cả đều bỏ đi với cùng một ý kiến của nhà khắc tượng đầu tiên.

   Cho đến một ngày kia, Michelangelo, nhà điêu khắc và kiến trúc thời danh có dịp ghé thăm thành phố nhà. Không rõ có ai lưu ý ông về khối đá hay ông tình cờ khám phá ra, nhưng ông cảm thấy muốn tạc một bức tượng được tạc từ khối đá mà ai cũng cho là vô dụng.

    Ông đo mọi kích thước. Ông bỏ hàng ngày để nhìn ngắm khối đá để tìm hứng. Bỗng chốc ông thấy thật rõ ràng một bức tượng mà ông xác tín là dân chúng thành Firenze sẽ rất mến mộ. Ông nhìn thấy hình chàng thanh niên David vai mang cái ná bắn đá, tay cầm những hòn sỏi, trong tư thế sẵn sàng ra chiến đấu với tên khổng lồ Goliát.

     Những nhà khắc tượng khác đồng ý cho rằng: đây là một khối đá vô dụng.

     Nhưng dưới cặp mắt của Michelangelo khối đá ấy đã mang hình ảnh chàng thanh niên David, vị anh hùng dân tộc Do Thái và lập tức ông lấy dụng cụ bắt tay vào việc, mặc cho những người tạc tượng khác lắc đầu mỉm cười ngụ ý nói rằng: đây là thật công dã tràng.

     Nhưng Michelangelo vẫn miệt mài làm việc, gác ngoài tai những tiếng thị phi. Rồi cuối cùng, mỗi nhát búa, mỗi cái đục đẽo làm nổi hẳn một bức tượng chàng David hiên ngang, oanh liệt, mà trải qua bao thế kỷ vẫn làm say mê hàng vạn du khách, trố mắt đứng nhìn một kỳ công tuyệt tác của nghệ thuật điêu khắc.

     Không ai trong chúng ta là khối đá vô dụng khi được chọn để tạc thành những bức tượng tín hữu Kitô sống động dưới những nhát búa, nét đục của Chúa Giêsu.

    Lời Chúa và sự hiện diện của Ngài muốn tạo chúng ta thành những Kitô hữu xứng với danh gọi, nghĩa là giống Chúa Giêsu.

    nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Thánh Giuse Cafasso

Thánh Giuse Cafasso
    (1811-1860)
 

                                                                      23 Tháng Sáu

    Thánh Giuse Cafasso là một trong những linh mục thánh thiện có chân trong tổ chức Dòng Ba Phanxicô. Cha mẹ ngài là nông dân ở vùng Piedmont, nước Ý.

     Ngay khi còn là một thanh niên, Giuse Cafasso đã yêu quý Thánh Lễ và nổi tiếng về sự khiêm tốn cũng như hăng say cầu nguyện. Sau khi thụ phong linh mục năm 1833, ngài được bổ nhiệm về một chủng viện ở Turin. Ở đây ngài hoạt động đặc biệt chống với ảnh hưởng của lạc thuyết Jansen và sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động của Giáo Hội. Cha Giuse dùng phương cách của Thánh Francis “de Sales” và Thánh Anphong Liguori để điều hòa sự khắc khổ quá đáng mà thời ấy rất phổ thông trong các chủng viện.

     Cha Giuse đề nghị các linh mục tham dự vào Dòng Ba Phanxicô. Ngài thúc đẩy việc sùng kính Thánh Thể và khuyến khích rước lễ hàng ngày. Ngoài nhiệm vụ dạy học, Cha Giuse còn là một người giảng thuyết có tài, là cha giải tội nhân từ và là bậc thầy tổ chức tĩnh tâm. Nổi tiếng về hoạt động của ngài với các tử tù, Cha Giuse đã giúp nhiều tù nhân chết lành trong ơn nghĩa của Chúa.

     Cha Gioan Bosco là một trong những học trò của Cha Giuse. Chính ngài khuyến khích Cha Gioan Bosco thành lập dòng Salesian để hoạt động cho giới trẻ ở Turin.

     Cha Giuse từ trần ngày 23 tháng Sáu ở Turin và được phong thánh năm 1947.

    Lời Bàn

    Việc sùng kính Thánh Thể đã đem lại nhiệt huyết cho các hoạt động của Thánh Giuse Cafasso. Trong lịch sử Giáo Hội, sự sùng kính Thánh Thể là đặc tính của nhiều người Công Giáo gương mẫu, trong số đó có Thánh Phanxicô Assisi, Ðức Giám Mục Fulton Sheen, Ðức Hồng Y Joseph Bernardin và Mẹ Têrêsa Calcutta.

 nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

GIỌT NƯỚC CÁM ƠN

 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb dịch
 

 

1. VỊ KHÁCH ĐẶC BIỆT
 Đúng năm giờ bác Chu tài xế xe taxi phải giao xe, nhìn đồng hồ đã bốn giờ mười lăm rồi, nên bác đem tấm bảng “tạm thời không đón khách” treo lên. Ngày cuối tuần, học sinh trong ký túc xá của trường trung học số bốn mươi chạy ùa ra. Bác Chu tài xế theo thói quen, dừng xe, nhìn học sinh đi đi lại lại, chúng nó mặc đồng phục nhà trường, trên mặt tươi cười rạng rỡ.
– “Bác tài, cháu…cháu muốn ngồi xe của bác.” Một bé gái chân đi cà thọt, lưng mang cặp sách đi đến, nhìn hai bên phải trái, nói vội vàng. Bác tài nói phải giao xe và chỉ dừng xe chút xíu thôi. Em gái cúi đầu, mấy giây sau nó thành khẩn nói: “Cám ơn bác, bác tài, cháu chỉ ngồi một trạm thôi.”
Hai chữ “cám ơn” làm cho bác Chu động lòng. Ông nhìn em gái mặc cái áo giặt trắng tinh, một cái cặp sách cũ không thể cũ hơn được nữa, cầm lòng không được, bèn thở dài nói: “Lên xe.” Em sung sướng lên xe.Xe đến khúc quanh, bé gái đột nhiên hắng giọng, nói: “Bác tài, cháu chỉ có ba đồng bạc mà thôi, cho nên, đến nửa trạm thì cháu xuống.” Bác tài nhìn trong kính chiếu hậu thấy em mặt đỏ gấc, không nói gì. (Đây là xe taxi ở thành phố, giá mỗi đoạn đường có thể là năm đồng.)
Đến trạm dừng công cộng, bác tài dừng xe, em bé đứng nơi cửa, vui vẻ nói: “Thật cám ơn bác, bác tài.”
Bác tài xế nhìn theo bé gái khập khiễng đi về phía trước, đột nhiên trong lòng có chút ái ngại. Cũng từ ngày ấy, mỗi cuối tuần, bác Chu tài xế đều thấy em bé gái đứng đợi ở cổng trường. Mấy chiếc xe taxi chạy qua, bé gái nhìn như không nhìn, chỉ đứng chờ. Em bé đợi mình ? Bác đoán, trong lòng cảm thấy ấm áp và lái xe đến. Em gái từ đàng xa giơ tay vẫy vẫy. Bác Chu kinh ngạc, xe bác màu da cam giống với các xe taxi khác, bé gái làm sao có thể nhìn mà biết được chứ ?
Đây là ba đồng, đây là một trạm. Bác tài không hỏi bé tại sao chỉ đứng đợi xe của mình, và cũng không hỏi tại sao chỉ ngồi có một trạm ? Trong lòng mỗi bé gái đều có một bí mật nhỏ. Bác rất hiểu điều này.
2. LÊN XE LẦN CUỐI
Một lần, hai lần, ba lần, dần dần trở thành thói quen : cuối tuần trước khi giao xe, người cuối cùng bác Chu phải chở nhất định là cô bé thọt chân của trường trung học số bốn mươi. Bác tài đem tấm bảng “tạm không chở khách” treo lên, chuyên tâm đợi trước cổng trường. Em gái chỉ mười bốn mười lăm tuổi, vừa nhìn thấy ông thì giống như con nai nhỏ chạy qua đường, lớn tiếng nói với bạn học “tạm biệt”, bất quá chỉ năm phút đồng hồ là em xuống xe, câu cuối cùng luôn là: “Cám ơn bác, bác tài.” Hình như để nghe được câu nói ấy, cuối tuần bất kể là đi bao xa bác Chu cũng lái xe đến trường. Có lúc giao xe bị phạt, bác cũng nhất định chở em một đoạn đường.
Thời gian qua rất nhanh. Bác chở em thêm một năm nữa. Chớp mắt mùa hè của năm thứ hai đã đến. Nhìn em gái mang cặp sách thật nặng nề, bác Chu đột nhiên cảm thấy như đánh mất cái gì đó. Bác biết em đã tốt nghiệp phổ thông cấp hai và nó sẽ học cấp ba ở đâu ?
– “Bác tài, cám ơn bác, có lẽ đây là lần cuối cùng cháu ngồi xe của bác, thật làm phiền bác quá. Cháu thi đậu trường trung học Tân Tập Nhất, có lẽ nửa năm mới về nhà một lần,” em nói như thế.
Bác tài từ trong kính chiếu hậu nhìn cặp mắt em gái, trong lòng bồn chồn không yên. Em bé quả nhiên rất giỏi, trường Tân Tập Nhất là trường điểm của tỉnh, thi đậu vào đó là đã bước một chân vào ngưỡng cửa đại học rồi.
– “Vậy để bác đưa con về nhà.” bác tài nói.
Em lắc đầu nói mình chỉ có ba đồng bạc mà thôi.
– “Lần này không lấy tiền.” Bác tài nói xong nhìn đồng hồ, đưa em  về nhà thì nhất định giao xe bị trễ giờ, có thể bị phạt chút tiền, nhưng có quan hệ gì chứ ? Bác muốn ngồi chung với em thêm chút nữa. Em nói địa chỉ rất xa, thêm bảy trạm nữa, nửa giờ sau, xe dừng, em bé ôm cặp bước xuống, bác tài lấy trong xe ra một cái hộp, nói: “Đây là quà bác tặng cháu.”
Em kinh ngạc tiếp nhận quà, sau đó cúi mình chào và nói: “Cám ơn bác, bác tài.”
Nhìn em gái thọt chân đi vào nhà, bác Chu tài xế thở dài : Cháu bé, từ nay không còn gặp lại sao ? Bác cũng không biết tên em bé là gì nữa !
3. TÌM NGƯỜI TỐT MƯỜI NĂM TRƯỚC
Đã qua mười năm !
Bác Chu tài xế vẫn lái xe taxi.
Hôm nay, việc làm không nhiều, ông đang lái xe, nhưng lại nghe được chương trình ca nhạc của đài giao thông phát đi chương trình “nhắn tin tìm người : tìm bác tài xế mười năm trước thuê xe của công ty Thắng Lợi, số xe là Axxxx.” Bác Chu tài xế vừa nghe thì ngẩn cả người, có ai tìm mình ? Mười năm trước, xe số đó,chính ông lái.
Điện thoại đến tổng đài, người phụ trách đưa cho bác tài số điện thoại. Bác Chu nghi hoặc, là ai nhỉ ? Mỗi ngày bận bịu vì kế sinh nhai, ngoại trừ bà vợ ra, bác tài không quen biết người phụ nữ nào khác.
Gọi điện, bác tài nghe giọng của một cô gái trẻ. Cô gái vui mừng, ngạc nhiên hỏi: “Là bác sao, bác tài ?”
Bác tài giựt mình, âm thanh này, lời nói này rất quen thuộc, nhưng bác tài không nhớ là ai cả.
– “Cám ơn bác, bác tài.” Cô gái lại nói.
Hai người hẹn gặp nhau ở một quán cà phê, khi gặp lại cô gái ấy, bác Chu hình như nhận không ra, trước mắt là một cô gái thướt tha, là bé gái mười năm trước đi xe chỉ có ba đồng bạc đó ư ? Cô gái đứng lên cúi mình chào bác tài và nói: “Từ trong đáy lòng, cháu cám ơn bác, bác tài.”
Uống cà phê, cô gái kể chuyện ngày trước:
Mười hai năm trước, ba của cô cũng là một tài xế lái xe taxi, ông rất thương yêu cô. Mỗi ngày cuối tuần, dù bận cách mấy, ông cũng lái xe đến trường đưa cô về nhà. Tết đến, cả nhà về quê, vì để mang được nhiều đồ, ba cô mượn xe bánh mì của người bạn. Lái xe được nửa đường, đột nhiên tuyết rơi rất nhiều, không may tông vào một chiếc xe hàng, xe bánh mì bị hư toàn bộ, ba của cô chết tại chỗ, chân của cô bị thương nặng.
Chôn cất ba xong, mẹ phải bồi thường xe cho người bạn của ba một khoản tiền lớn, và để làm phẫu thuật chân cho cô, nên mẹ làm việc ngày đêm không nghỉ. Còn cô, sau khi vết thương lành thì lập tức đi học, nhất tâm muốn mau lớn. Cô rất kiên cường, việc gì cũng có thể chịu đựng, nhưng duy chỉ có một việc là không chấp nhận người khác thương hại mình. Vì thế, cô không nói cho ai biết việc bị tai nạn trên đường. Tan học về nhà, khi bị bạn học hỏi tại sao bây giờ lại đi xe công cộng ? Cô bé nói dối là vì ba đi xa, nói dối được nửa năm, cho đến khi gặp bác Chu tài xế. Cô bé thấy chiếc xe taxi dừng bên đường không chút động đậy, giống như ba cô lái xe đến đợi trước cổng trường.
Chỉ có ba đồng để đi xe công cộng nhưng cô bé lấy tất cả để ngồi taxi, chỉ ngồi một trạm. Sau đó đi bộ nửa giờ nữa về nhà. Dù đường rất xa nhưng cô vẫn thản nhiên đi, bởi vì không ai có thể đoán biết là ba của cô đã chết.
– “Chắc chắn bác không biết, chiếc xe taxi mà bác đang lái là chiếc xe ba cháu đã lái, số xe cứ in mãi trong óc của cháu.”
Cô gái nói xong thì nước mắt rơi xuống: “Cho nên,cháu nhận ra nó liền từ xa.” Bác Chu tài xế thấy lỗ mũi nóng, chút xíu nữa thì cũng chảy nước mắt.
– “Tấm huy chương này cháu luôn mang trên mình. Không biết, nếu không có nó, cháu có thể đi được đến ngày hôm nay không. Hơn nữa,tiền xe,bác trả lại, cháu vẫn giữ. Có một chút tiền, cháu cảm thấy vấn đề gì cũng có thể giải quyết được. Mặc dù mất phụ thân, nhưng cháu vẫn có phụ thân như cũ.” Nói xong, cô gái lấy trong túi ra tấm huy chương mang vào mình. Góc cạnh của tấm huy chương đó đã biến thành màu đen, sau tấm huy chương có viết hàng chữ: “Chúc cuộc sống của con cũng như tấm huy chương này.”
Tấm huy chương này, bác Chu tài xế tặng cô bé mười năm trước.
4. GIỌT NƯỚC BÁO ÂN
Cô gái dắt cánh tay của bác Chu tài xế rời khỏi quán cà phê. Nhìn cô gái lái xe đi rất xa, bác Chu dừng xe bên đường, để cho nước mắt chảy xuống. Cô gái thọt chân, cô gái ấy bây giờ bác tài biết tên cô là Lâm Mỹ Tuyết. Cô bé và con của bác tài (đã chết cách đây mười năm vì ung thư), quả thật là giống nhau ! Mỗi ngày cuối tuần,bác đều lái xe đến trường đón con gái khi cô bé còn sống. Trước khi lên xe,con gái bác nói : “Cám ơn ba.”, xuống xe cũng câu ấy: “Ba, con cám ơn ba.”, làm bác cảm thấy rất hạnh phúc !
Con gái được thưởng tấm huy chương trong kỳ thi Olympic, đã làm cho bác rất kiêu hãnh và hy vọng. Nhưng cô bé chết đột ngột làm ông hụt hẫng.
Đến ngày cuối tuần, đi ngang qua trường trung học số bốn mươi, ông luôn dừng xe lại, tưởng như con gái vẫn có thể từ cổng trường chạy ra, lên xe, và lớn tiếng nói: “Ba, cám ơn ba.”
Trên đường về nhà, bác Chu mua một tờ báo. Vừa mở ra xem, bác thấy ngay hình của cô gái thọt chân. Cô như cười tươi với bác Chu tài xế. Tiêu đề là hàng chữ lớn: Lâm Mỹ Tuyết – phó tổng giám đốc trẻ nhất của công ty đa quốc gia, niềm kiêu hãnh của thành phố S…” bác Chu tài xế kinh ngạc, há hốc miệng, lướt thật nhanh, vừa đọc vừa móc túi lấy thuốc hút theo thói quen.
Đột nhiên, tay của ông chạm phải một phong bì,bên trong đựng đầy tiền đô la Mỹ dày cộm. Bác Chu ngớ ra,không biết Lâm Mỹ Tuyết bỏ tiền vào túi ông lúc nào ? Có phải khi cầm cánh tay mình dẫn đi không ?
Giữa xấp tiền Mỹ kim ấy kẹp một tờ giấy nhỏ: “Bác tài, đây là lợi tức của yêu thương, xin bác nhận lấy. Còn cái vốn vô giá thì vĩnh viễn ở trong lòng cháu. Cám ơn bác, bác tài !”
Cặp mắt của bác tài lại mờ thêm một lần nữa…
Tác giả: Mao Hán Trân
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch từ tiếng Hoa.

Chữ nhẫn của thời nay.

Chữ nhẫn của thời nay.

 Báo Tuổi Trẻ có đăng câu chuyện về một người Mỹ có một cô con nuôi gốc Việt ở với ông từ hồi còn bé, nhưng cô ấy vẫn nói tiếng Việt như một người Việt Nam thuần túy .

 Điều tôi muốn nói đây không phải về người con nuôi gốc Việt, mà về ông cha nuôi người Mỹ. Ông ta là thi sĩ và là giáo sư đại học, tên Bruce Weigl.

http://en.wikipedia.org/wiki/Bruce_Weigl

Từ lúc đem cô con nuôi bé tí về, ông đã khuyến khích cô bé học tiếng Việt với một quan niệm rất rõ ràng: con người phải có nguồn cội. Nếu con nuôi ông sau này trở thành một người Mỹ và không biết đến nguồn gốc văn hóa của quê hương mình thì tình cảm của cô chẳng thể nào là chân thật được.

 Bây giờ cô đã xong đại học. Cô kể lại :

” Ở với bố nuôi từ bé đến lúc trưởng thành, nhưng cô chỉ mới hiểu được ông khoảng vài năm nay. Ấy là một hôm, bố nuôi cô đến đón cô về nhà. Trời mùa đông tuyết giá, có một người da đen xin quá giang, và ông đã lái xe hơn một tiếng đồng hồ để đưa người da đen đến nơi anh ta nhờ. Lúc xuống xe thay vì một lời cám ơn thì người này lại lên tiếng chửi đổng. Cô tỏ ý bực mình với bố, nhưng ông lại an ủi cô: “ Làm bất cứ điều gì cho người khác, không nên chờ đợi một lời cám ơn, thì việc mình giúp đở mới có ý nghĩa. Con không nên quan tâm tới thái độ của người đó thì trong lòng sẽ được thoải mái hơn.”

 Thái độ của bố nuôi có thể nói đã khai thị cô gái, và kể từ đó, cô có quan niệm sâu xa hơn về tình yêu đối với mọi người chung quanh.

 Ông bố nuôi thi sĩ của cô đúng là một vị Bồ Tát. Tấm lòng vị tha của ông thật hiếm có và suy nghĩ lại cô thấy bản thân mình chưa bao giờ đạt được đến như thế .

 Trong kinh Phật có kể chuyện về Ngài Xá -Lợi –Phất, là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật. Trong một kiếp tu, Ngài hành đạo bố thí . Ngày nọ gặp một người muốn xin ngài một con mắt. Ngài bảo rằng con mắt chẳng có ích lợi gì, nếu ông muốn xin bất cứ gì khác tôi sẽ cho ông. Người ăn xin khẳng định chỉ muốn con mắt. Cuối cùng Ngài Xá-Lợi-Phất móc con mắt cho người nọ. Không những không cám ơn, người đó còn chê con mắt hôi hám và lấy chân chà đạp lên rồi bỏ đi. Ngài Xá-lợi –Phất suy nghĩ và cho rằng có những người tâm tính quá xấu, không thể thí pháp, khai ngộ cho họ được và ngài đã thay đổi lối tu. Đã có suy nghĩ về người được bố thí, nghĩa là có cân nhắc đến việc bố thí của mình. Đến như ngài Xá-lợi –phất, trong một tiền kiếp cũng thế, huống chi người đời thường.

 Phần đông lúc giúp đở người khác, ai ai cũng chờ đợi thái độ biết ơn của người đó, ít nhất là một lời cám ơn đơn giản nhất, dù chính mình biết, đôi khi, chỉ là một lời nói lịch sự đầu môi. Có những sự giúp đở to lớn, quan trọng hơn, đem đến lợi ích cho người được giúp đở, thì nếu không biết thể hiện sự cám ơn, kẻ nhận được sự giúp đở đó sẽ được xem như là môt người vô ơn. Có những sự giúp đở, xem ra thì chẳng đáng gì gọi là to lớn, nhưng thực ra đã giúp cho người khác rất nhiều mà họ không hay.

 Trong câu chuyện kể trên, người da đen này không một lời cám ơn thì chớ, lại còn buông tiếng chửi đổng mà ông bố nuôi này chẳng quan tâm thì quả thật là hi hữu.

 Thực ra, cũng có người nhận được sự giúp đỡ của người khác, nhưng vẫn ngại một lời cám ơn mà họ cho là khách sáo. Ngại hơn nữa là một hiện vật để tỏ lòng tri ơn, vì họ tự trọng và tôn trọng người làm ơn. Tuy nhiên, việc thể hiện vẫn là một thực tế không có.

 Trong cái thế giới mà con người bon chen nhau từng chút lợi danh, tranh nhau từng chút vật chất, kèn cựa nhau từng lời nói, có người không quan tâm về một thái độ biết ơn như ông bố nuôi trong câu chuyện kể trên thì quả thật là một điều nên học hỏi. Nghe thì thật đơn giản, nghĩ mình có thể làm được, nhưng thực tế không phải như thế. Có một lần tôi đang lái xe trên đường phố cùng con gái, bỗng một chiếc xe từ trong lề đường đâm ra một cách bất ngờ làm tôi hốt hoảng phải lách ra để tránh. May là đường vắng ở phía bên ngoài không có xe, nên không gặp phải chuyện gì. Sau cơn hốt hoảng là một sự tức giận, và tôi cố vượt lên để có thể biểu lộ một sự tức giận nào đó với người lái xe kia. Đến khi song song với cái xe nọ, thì mới hay người lái xe kia là một người đàn bà chở một đứa bé. Có lẽ biết tôi giận dữ, nên bà ta nở nụ cười tỏ ý xin lỗi. Tôi cũng bất giác mĩm cười trả và bao nhiêu cơn giận tiêu tan. Tôi nghĩ ngay đến một trường hợp, giả sử người lái xe không phải là người đàn bà chở con, mà là một người da đen hung bạo, thử hỏi tôi phải làm gì. Tôi nhìn qua con gái ngồi bên cạnh và phát ngượng vì sự nóng giận thiếu ý thức của mình. Nếu có thể kềm giữ được cảm xúc nóng giận của mình thì hay biết bao. Cũng thế, nếu có thể không quan tâm trước một cử chỉ vô ơn của một người khác thì mình cũng sẽ thoải mái biết bao.

 Tôi nhớ đến một câu chuyện về một người lái xe bên Mỹ trên xa lộ. Một chiếc xe đàng sau bóp còi qua mặt và ép anh ta vào lề. Sự tức giận làm anh ta không kềm chế được, anh tăng tốc vượt lên trước và thắng lại, đứng giữa đường chờ chiếc xe kia, nhưng anh ta chỉ vừa ra khỏi xe thì chiếc xe kia đã húc vào anh ta trước sự chứng kiến của vợ con anh đang ngồi trong xe.

 Một chữ nhẫn đơn giản nhưng không thể nào làm được.

 Tôi quả thực hâm mộ ông bố nuôi người Mỹ kia vô cùng. Người ta vô cớ chửi mình, cũng có thể nhẫn nhịn xem có nguyên nhân nào không. Đàng này làm ơn, giúp đở người ta, mà lại còn bị chửi, nhịn được thì quả là Bồ Tát, là thần thánh.

 Trịnh Công Sơn cũng từng nói về chữ nhẫn “ Ban đêm tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung, nhìn đường đi của kiến, để biết về sự nhẫn nhục …” và lòng nhẫn nhịn đã giúp anh thoát ra được rất nhiều nổi ưu phiền.

Riêng tôi, tôi đã học cái đức tính này bằng một cách đơn giản. Có một người xúc phạm mình, điều hay nhất phải làm là “ hoãn “ lại phản ứng của mình càng lâu càng tốt. Trong thời gian này có thể chiêm nghiệm vì sao người ta xúc phạm mình. Càng lâu thì cơn giận dữ của mình nguội dần và có thể tan biến đi lúc nào không hay.

Có một câu đọc được ở đâu đó thật thú vị :

“ Nhẫn nhất thời, phong bình lãng tĩnh;

Thoái nhất bộ, hải khoát thiên không. ”

Được tạm dịch:

” Nhịn một lần, gió yên sóng lặng.

Lùi một bước, biển rộng trời cao.”

Hoàng Tá Thích

LÊ VŨ CẦU : GƯƠNG MẶT ĐIỂN HÌNH CỦA “NGƯỜI THỢ GIỜ THỨ 11”

LÊ VŨ CẦU : GƯƠNG MẶT ĐIỂN HÌNH CỦA “NGƯỜI THỢ GIỜ THỨ 11” 

                                                                                                                   Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Những ngày cuối đời, đang khi đối diện với cơn đau nghiệt ngã của chứng bệnh ung thư gan, Lê Vũ Cầu không còn sức để tham dự Thánh Lễ Chúa nhật như anh vẫn thường tham dự. Thế nhưng, đặc biệt Tin mừng Chúa nhật 25 thường niên vừa rồi, khi Giáo hội công bố cho mọi người Tin mừng của Chúa, tin mừng loan báo về tình thương xót của Chúa với nhưng người thợ đến làm việc cho Chúa vào giờ thứ 11, tôi chợt nhận ra một trong những khuôn mặt điển hình của nhóm thợ ấy là nghệ sĩ Lê Vũ Cầu.

Tôi may mắn được nghe anh trực tiếp nói chuyện với công chúng vào năm cuối thế kỷ 20. Ngày ấy, còn là đệ tử của Dòng Chúa Cứu Thế, anh em nói có chương trình giao lưu với nghệ sĩ Lê Vũ Cầu, vốn dĩ mến mộ anh nên tôi tham dự buổi giao lưu ấy. Buổi giao lưu thật ngắn ngủi nhưng hình ảnh của anh còn in đậm nét trong lòng tôi. Anh không ngần ngại kể lại cuộc đời đầy gian lao khốn khó của mình. Sinh ra, anh đã rơi vào phận của một kẻ mồ côi không nhà không cửa. Và hình như, cái phận không nhà không cửa ấy cứ đeo bám anh cho đến ngày anh nhắm mắt xuôi tay với đời vậy.

Bằng tấm lòng đơn thành, chân thật, anh đã kể lại cho mọi người trong khán phòng của Nhà Văn Hoá Thanh Niên hôm ấy về cuộc đời lang bạc của anh. Anh cũng không hề giấu diếm cuộc đời làm đệ tử ruột cho “nàng tiên nâu”. Anh cũng chẳng hề giấu diếm cuộc đời bon chen giật dọc đầu đường xó chợ sau những năm dài nghiệt ngã. Thế nhưng, tuyệt vời nhất, ấn tượng nhất của buổi giao lưu hôm ấy chính là sự hoán cải của anh trước những thói hư tật xấu đã đeo đuổi anh.

Không có thời gian cũng như điều kiện để tiếp xúc thân cận với anh như những người quen biết, đồng nghiệp nhưng tôi vẫn cố thu xếp để theo dõi những vai diễn mộc mạc và chân thành của anh. Những vai diễn, những lời thoại của anh đã để lại ít nhiều lòng mến, lòng trân trọng trước một đời miệt mài hy sinh vì nghệ thuật.

Bẵng đi một thời gian dài không biết tin tức gì về anh thì bỗng nhiên một hôm Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi tổ chức một buổi họp mặt thân mật của những người cộng tác với quý cha quý thầy trong công việc mục vụ. Buổi gặp mặt hôm ấy, chẳng hiểu cơ duyên thế nào, hình ảnh của Lê Vũ Cầu bỗng dưng sáng hẳn trong lòng tôi. Chuyện là một người cộng tác viên của quý cha quý thầy, một người làm chứng hôm ấy đã say sưa nói về Lê Vũ Cầu và sự trở lại của anh. Anh đã được Đức Mẹ ban cho ơn bình an, ban cho sự chịu đựng để đón nhận bệnh tật cũng như ban cho anh vượt qua sự đau đớn do căn bệnh nan y mang lại. Trước tình thương của nhiều người, trước lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Hằng Cứu Giúp anh đã trở lại đạo.

Anh đã đi vào lòng người với quán cơm từ thiện “Vợ thằng Đậu” tại Thủ Đức. Anh làm chuyện này không phải là để cho người đời biết đến anh nhưng anh làm điều này như là “trả lại cho đời chút ơn” mà anh đã đón nhận từ nhiều tấm lòng đã đi ngang đời anh.           Việc nhỏ nhoi ấy đã được nhiều vòng tay cộng tác, nhiều tấm lòng rộng mở để chia sẻ cho những người đói cơm, thiếu áo. Địa chỉ “Vợ thằng Đậu” như là một điểm hẹn, điểm hẹn của tình trời, tình đất và tình người.

Nhận được lòng thương xót Chúa cũng như Đức Trinh Nữ Maria, anh Cầu đã không giữ riêng cho mình và anh đã chia sẻ cho người nghèo khổ bất hạnh. Những ngày còn khoẻ và điều kiện cho phép, anh đã lặn lội từ Thủ Đức về nhà thờ Huyện Sỹ cũng như các nhà thờ khác có thể được để minh chứng cho tình yêu tuyệt dịu mà Chúa và Mẹ đã dành cho anh.

Suốt những năm tháng dài đối chọi với những cơn đau vật vã của bệnh tật, có những lần làm cho lòng anh như muốn buông xuôi tất cả, chối bỏ tất cả nhưng chẳng hiểu sao Thiên Chúa vẫn ở mãi bên anh. Cuối cùng anh đã ra đi thanh thản trong vòng tay yêu thương, trìu mến của những bạn bè thân hữu và của nhóm cầu nguyện Thánh Linh.

Ngày anh nằm xuống, tôi hơi lo khi anh không được cử hành nghi lễ an táng theo truyền thống Công giáo vì anh là người đã trở lại đạo. Mở mạng lên, đọc thấy dòng tin là trước khi đưa anh về quàn tại Ban ái hữu nghệ sĩ anh được những người thân thương đưa đến nhà thờ ở Thủ Đức để cử hành lễ an táng lòng tôi nhẹ đi và cảm thấy vui với anh.

Phải chăng Lê Vũ Cầu là một gương mặt điển hình trong nhóm thợ “giờ thứ 11” mà Chúa Giêsu nói đến trong thánh lễ Chúa nhật 21 tháng 9 vừa qua ! Phải chăng anh là người được hưởng 1 quan tiền như những người đã đến làm vườn cho Chúa vào giờ 3, 6 và 9 trong tin mừng theo Thánh Matthêu ?

Theo ý nguyện của anh là anh sẽ gửi thân xác vật hèn của anh ở phần đất trong Chùa Nghệ Sỹ ở Gò Vấp nhưng tôi tin rằng anh có một chỗ trong lòng Abraham trên Thiên Đàng rồi. Sống là gửi, thác là về. Sống : anh gửi thân phận anh ở Chùa. Thác : anh được trở về trong cung lòng người Cha giàu lòng thương xót mà bấy lâu nay anh mong gặp mặt.

Trong lòng tin, chắc chắn anh được Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Hằng Cứu Giúp – sẽ ôm anh vào lòng và cho anh hưởng nhan Thánh Chúa như lời Chúa đã nói với những người đến làm vườn cho Chúa muộn như anh. Và ngày anh ra đi, ngày anh rời bỏ cõi tạm này cũng là ngày mà Nước Trời rất vui vì đón nhận một người con như anh là suốt cuộc đời hầu như lang bạc nhưng cuối đời đã quay đầu trở về cùng Chúa.

Sống trên đời này, không phải là thành công về tiền bạc, không phải thành công về địa vị, không phải thành công về danh vọng. Sống trên đời này thành công hay không thành công đó là ở chỗ được cứu hay không được cứu mà thôi ! Vậy, anh Cầu mến ! Anh đã thành công ! Anh đã thành công vì anh đã được Thiên Chúa cho anh hưởng nhan Thánh Chúa như lời Chúa hứa !

Anh còn thành công nữa là khi anh nhắm mắt chia tay với đời, với cái cõi tạm này anh thanh thản và anh mỉm cười còn chúng tôi, những người ở lại lại rơi đôi dòng lệ khóc cho kẻ đã ra đi. Những gì mà anh sống, những gì mà anh quyết định không phải ai cũng làm được đâu anh Cầu ơi ! Anh đã sống một cuộc đời phiêu bạt nhưng chuyện quan trọng nhất là cuối đời anh đã quyết định theo Chúa. Đó chính là chung cuộc thành công của đời anh.         

Giờ này, anh là người hạnh phúc nhất vì anh đã thư thái bình an trong tay Chúa. Anh ra đi trước tôi, xin anh hiệp lời cầu nguyện cho tôi để một ngày kia tôi cũng được như anh là được hưởng nhan Thánh Chúa trên Nước Trời.

Tác giả: Lm. Anmai

Câu chuyện của một Tiến sĩ toán học Harvard University

Câu chuyện của một Tiến sĩ toán học Harvard University

Ngày 28/9/1997, An Kim Bằng, học sinh lớp 12 trường Trung học số 1 của Thiên Tân (Trung Quốc) đã đoạt Huy chương Vàng cuộc thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 38 tại Argentina. Sau lưng của An Kim Bằng và tấm Huy chương Vàng làm cả Thiên Tân tự hào là một câu chuyện về mẹ.

 

 Người mẹ nông dân của tôi

Ngày 5/9/1997, là ngày tôi rời gia đình đi nhập học ở Đại học Bắc Kinh, khoa Toán.

Ngọn khói bếp dài cất lên từ trên nóc ngôi nhà nông dân cũ nát gia đình tôi. Người mẹ chân thập thễnh của tôi đang nấu mì sợi cho tôi, những bột mì này có được nhờ mẹ đổi năm quả trứng gà cho hàng xóm, chân mẹ bị thương vì mấy hôm trước, để thêm tí tiền cho tôi nhập học, mẹ đẩy một xe chất đầy rau từ thôn ra thị trấn, trên đường bị trật chân.

Bưng bát mì, tôi đã khóc.

Tôi buông đũa quỳ xuống đất, xoa nắn chỗ chân sưng phồng lên to hơn cả cái bánh bao của mẹ, nước mắt rơi xuống đất… Nhà tôi ở Thiên Tân, làng Đại Hữu Đới, huyện Vũ Thanh, tôi có một người mẹ tốt nhất thế gian tên là Lý Diệm Hà.

Nhà tôi vô cùng nghèo khó.

Khi tôi ra đời, bà nội ngã bệnh ngay trên giường sưởi, tôi bốn tuổi, ông nội lại mắc bệnh hẹp khí quản và bán thân bất toại, những món nợ trong nhà lớn dần theo năm.

Khi bảy tuổi, tôi được đi học, học phí là mẹ vay người khác.

Tôi thường đi nhặt những mẩu bút chì bạn bè vứt đi, dùng dây buộc nó lên một cái que rồi viết tiếp, hoặc dùng một cái dây chun xoá sạch những cuốn vở bài tập đã viết, rồi viết lại lên đó, mẹ thương tôi đến mức, cũng có lúc đi vay vài hào của hàng xóm để mua vở và bút chì cho tôi.

Nhưng cũng có những khi mẹ vui vẻ, là khi bất kể bài kiểm tra nhỏ hay kỳ thi lớn, tôi luôn đứng đầu, toán thường được 100/100 điểm. Dưới sự khích lệ của mẹ, tôi càng học càng thấy ham thích. Tôi thực sự không hiểu trên đời còn có gì vui sướng hơn được học hành.

Chưa đi học lớp một tôi đã thông thạo cộng trừ nhân chia và phân số, số phần trăm; khi học Tiểu học tôi đã tự học để nắm vững Toán Lý Hoá của bậc Trung học Phổ thông; Khi lên trung học, thành phố Thiên Tân tổ chức kỳ thi vật lý của bậc Trung học, tôi là đứa học trò nông thôn duy nhất của cả năm huyện ngoại thành Thiên Tân được giải, một trong ba người đỗ đầu.

Tháng 6 năm đó, tôi được đặc cách vào thẳng trường Trung học số 1 danh tiếng của Thiên Tân, tôi vui sướng chạy như bay về nhà.

Nào ngờ, khi tôi báo tin vui cho cả nhà, mặt bố mẹ chất chứa toàn những đau khổ; bà nội vừa mất nửa năm, ông nội đang gần kề cái chết, nhà tôi đã mắc nợ tới hơn mười nghìn Nhân dân tệ rồi. Tôi lặng lẽ quay về bàn học, nước mắt như mưa suốt một ngày.

Đến tối, tôi nghe thấy ở ngoài nhà có tiếng ồn ào. Thì ra mẹ tôi đang định dắt con lừa con của nhà đi bán, cho tôi đi học, nhưng ba tôi không chịu.

Tiếng ồn ào làm ông nội nghe thấy, ông đang bệnh nặng, trong lúc buồn bã ông đã lìa đời.

Sau lễ an táng ông nội, nhà tôi lại mắc thêm vài nghìn tệ tiền nợ nữa. Tôi không còn dám nhắc đến việc đi học nữa, tôi cất “Giấy báo nhập học” thật kỹ vào vỏ gối, hàng ngày tôi ra đồng làm việc cùng mẹ.

Sau hai hôm, tôi và ba tôi cùng lúc phát hiện ra: con lừa con biến mất rồi.

Ba tôi sắt mặt lại, hỏi mẹ tôi: “Bà bán con lừa con rồi à? Bà bị thần kinh à? Sau này lấy gì kéo, lương thực hoa màu bà đẩy xe tay nhé, bà tự cõng nhé? Bà bán lừa một hai trăm bạc liệu cho nó học được một học kỳ hay là hai học kỳ?”

Hôm đó mẹ tôi khóc, mẹ tôi dùng một giọng rất dữ dội rất hung dữ để gào lại ba tôi:

“Con cái mình đòi đi học thì có gì sai? Nó thi lên được trường số 1 của thành phố nó là đứa duy nhất của cả huyện này đấy, tôi không thể để cho tiền đồ của nó bị lỡ dở được. Tôi sẽ dùng tay đẩy, dùng lưng vác, để cho nó đi học…”

Cầm sáu trăm tệ mẹ vừa bán lừa, tôi thật sự chỉ muốn quỳ xuống dập đầu trước mẹ. Tôi đã thích được học quá rồi, mà còn học t
iếp, thì mẹ sẽ khổ sở bao nhiêu, vất vả bươn chải thêm bao nhiêu?

Mùa thu năm đó tôi quay về nhà lấy áo lạnh, thấy mặt ba tôi vàng như sáp, gầy da bọc xương đang nằm trên giường sưởi. Mẹ bình thản bảo: “Có gì đâu, bị cảm, sắp khỏi rồi”. Ai ngờ, hôm sau tôi xem vỏ lọ thuốc của ba, thì thấy đó là thuốc ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển.

Tôi kéo mẹ ra ngoài nhà, khóc hỏi mẹ mọi chuyện là thế nào, mẹ bảo, từ sau khi tôi đi học, ba bắt đầu đi ngoài ra máu, ngày càng nặng lên. Mẹ vay sáu nghìn tệ đưa ba lên Thiên Tân, Bắc Kinh đi khắp nơi, cuối cùng xác định là u nhu ruột bowel polyps, bác sĩ yêu cầu ba phải mổ gấp. Mẹ chuẩn bị đi vay tiền tiếp, nhưng ba kiên quyết không cho. Ông nói, bạn bè họ hàng đã vay khắp lượt rồi, chỉ vay mà không trả thì còn ai muốn cho mình vay nữa!

Hàng xóm kể với tôi: Mẹ dùng một phương pháp nguyên thuỷ và bi tráng nhất để gặt lúa mạch.

Mẹ không đủ sức gánh lúa mạch ra sân kho để tuốt hạt, mẹ cũng không có tiền thuê người giúp, mẹ bèn gặt dần, lúa mạch chín chỗ nào gặt chỗ đó, sau đó dùng xe cải tiến chở về nhà, tối đến mẹ trải một tấm vải nhựa ra sân, dùng hai tay nắm từng nắm lúa mạch đập lên một hòn đá to…

Lúa mạch trồng trên ba mẫu đất của nhà, một mình mẹ làm, mệt đến mức không đứng dậy nổi nữa thì mẹ ngồi xổm xuống cắt, đầu gối quỳ còn chảy máu, đi đường cứ cà nhắc…

Không đợi hàng xóm kể hết, tôi chạy như bay về nhà, khóc to gọi mẹ: “Mẹ, mẹ, con không thể đi học nữa đâu…”. Kết quả, mẹ vẫn tống tôi lên trường.

Tiền sinh hoạt phí mỗi tháng của tôi chỉ 60 đến 80 tệ (tương đương 120-160.000 VND), thật thảm hại nếu so với những người bạn học khác mỗi tháng có 200-240 tệ. Nhưng chỉ mình tôi biết, món tiền nhỏ này mẹ tôi cũng phải tằn tiện lắm, từ ngày đầu tháng đã dành từng hào từng hào, bán từng quả trứng gà, rau xanh lấy từng đồng từng đồng, có lúc dành dụm không đủ đã phải giật tạm vài đôi chục. Mà cha tôi, em trai tôi, dường như chẳng bao giờ có thức ăn, nếu nhà ăn rau cũng chẳng dám xào mỡ, chỉ chan tí nước dưa muối ăn qua bữa.

Mẹ không muốn tôi đói, mỗi tháng mẹ chăm chỉ đi bộ hơn mười cây số mua mì tôm với giá bán buôn. Rồi mỗi cuối tháng, mẹ vất vả cõng một túi nặng lên Thiên Tân thăm tôi. Trong túi ấy ngoài những gói mì tôm ra, còn có nhiều xếp giấy loại mẹ phải đi bộ ra một xưởng in ngoài thị trấn cách nhà 6km để xin cho tôi (đó là giấy để tôi làm nháp toán), cả một chai tương cay rất to, cải bẹ muối thái sợi, và cả một cái tông đơ để cắt tóc. (Cắt tóc nam rẻ nhất Thiên Tân cũng phải 5 tệ, mẹ muốn tôi dành tiền cắt tóc để mua thêm lấy vài cái bánh bao mà ăn).

Tôi là học sinh cấp 3 duy nhất của Thiên Tân đến cả rau ở bếp ăn nhà trường cũng không mua nổi, chỉ có thể mua vài cái bánh bao, mang về ký túc ăn cùng mì sợi khô hoặc chấm với tương ớt, kẹp dưa muối để ăn qua bữa. Tôi cũng là học sinh duy nhất không có giấy kiểm tra, chỉ có thể tận dụng giấy một mặt của xưởng in để viết bài. Tôi là đứa học sinh duy nhất chưa bao giờ dùng xà phòng, khi giặt quần áo tôi thường đi nhà bếp xin ít bột kiềm nấu ăn (alkali – chất kiềm, dùng để hấp bánh bao, làm bánh nướng, làm nước sôđa) là xong. Nhưng tôi chưa bao giờ tự ti, tôi cảm thấy mẹ tôi khổ cực cả đời, như người anh hùng chống lại đói khổ, làm con của người mẹ như thế tôi rất tự hào.

 

 Hồi mới lên Thiên Tân, tiết học tiếng Anh đầu tiên khiến tôi ù cạc. Khi mẹ lên, tôi kể cho mẹ nghe tôi sợ tiếng Anh thế nào, ai ngờ mẹ chỉ cười bảo: “Mẹ chỉ biết con là đứa trẻ con khổ cực nhất, mẹ không thích con kêu khó, vì chịu khổ được thì chả còn gì khó nữa.”

Tôi hơi bị nói lắp, có người bảo, học tiếng Anh đầu tiên cần làm chủ được cái lưỡi của mình, bởi vậy tôi thường kiếm một hòn sỏi ngậm vào miệng mình, rồi gắng đọc tiếng Anh. Hòn sỏi cọ xát vào lưỡi tôi, có lúc máu chảy ra bên mép, nhưng tôi cố gắng để kiên trì.

Nửa năm trôi qua, hòn sỏi nhỏ đã bị mài tròn đi, lưỡi tôi cũng đã nhẵn, tiếng Anh đã thành người giỏi thứ 3 của lớp.

Tôi vô cùng cảm ơn mẹ, lời mẹ khích lệ tôi vượt qua khó khăn lớn trong học tập.

Năm 1996, lần đầu tiên tôi được tham gia cuộc thi Olympic tri thức toàn quốc khu vực Thiên Tân, đoạt giải Nhất môn Vật lý và giải Nhì môn Toán học, tôi được đại diện Thiên Tân đi Hàng Châu tham gia Cuộc thi Olympic toàn Trung quốc môn Vật lý.

“Đoạt lấy chiếc Cup giải Nhất toàn Trung quốc tặng mẹ, rồi lên đường dự Olympic Vật lý Thế giới!” Tôi không ngăn được nỗi khao khát trong lòng, tôi viết thư báo cho mẹ tin vui và mơ ước của tôi.

Kết quả, tôi chỉ được giải Nhì, tôi nằm vật ra giường, không ăn không uống.

Dù tôi là người đạt thành tích cao nhất trong đoàn Thiên Tân đi thi, nhưng nếu tính cả những khốn khổ của mẹ tôi vào, thì thành tích này không xứng đáng!

Tôi về trường, các thầy ngồi phân tích nguyên nhân thất bại cho tôi thấy: Tôi những muốn phát triển toàn diện cả Toán Lý Hoá, những mục tiêu của tôi quá nhiều nên sức lực tinh thần tôi phải phân tán rộng. Nếu giờ tôi chỉ chọn một mục tiêu trước mắt là kỳ thi Toán, nhất định tôi thắng.

Tháng 1 năm 1997, tôi cuối cùng đã giành chiến thắng tại kỳ thi Olympic Toán toàn Trung Quốc với điểm số tuyệt đối, lọt vào đội tuyển Quốc gia, cả mười kỳ thi kiểm tra ở đội tuyển tôi đều là người đứng đầu. Với thành tích đó, tôi được sang Argentina tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế.

Nộp xong phí báo danh, tôi gói những sách vở cần chuẩn bị và tương đậu cay của mẹ lại, chuẩn bị lên đường.

Giáo viên chủ nhiệm và thầy giáo dạy Toán thấy tôi vẫn mặc bộ quần áo thải của người khác cho, những thứ áo quần màu sắc chả đâu vào đâu, kích cỡ khác nhau, bèn mở tủ áo của tôi ra, chỉ vào những áo trấn thủ vá, những áo bông tay đã phải nối hai lần, vạt đã phải chắp ba phân, hỏi tôi:

“Kim Bằng, đây là tất cả quần áo của em ư?”

Tôi chả biết nói sao, vội đáp: “Thầy ơi, em không sợ người khác chê cười! Mẹ em thường bảo, Phúc Hữu Thi Thư Khí Tự Hoa – trong lòng có sách vở tất mặt mũi sáng sủa, em mặc những thứ đồ này đi Mỹ gặp tổng thống Clintơn em cũng chẳng thấy ngượng.”

Ngày 27/7, Olympic Toán học Thế giới lần thứ 38 chính thức khai mạc.

Chúng tôi thi liên tục suốt năm tiếng rưỡi, từ 8 giờ 30 phút sáng tới 2h chiều. Ngày hôm sau công bố kết quả, đầu tiên công bố Huy chương Đồng, tôi không muốn nghe thấy tên mình; Sau đó công bố Huy chương Bạc, cuối cùng, công bố Huy chương Vàng, người đầu tiên, người thứ hai, người thứ ba là tôi.

Tôi khóc lên vì sung sướng, trong lòng tự nói: “Mẹ ơi, con mẹ thành công rồi!”

Tin tôi và một người bạn nữa đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học ngay chiều hôm đó đã được Đài phát thanh Nhân dân Trung ương TQ và Đài truyền hình Trung ương TQ đưa. Ngày 1/8, chúng tôi vinh quang trở về, lễ đón long trọng được Hiệp hội khoa học Trung Quốc và Hội Toán học TQ tổ chức. Khi đó, tôi muốn về nhà, tôi muốn sớm gặp mẹ, tôi muốn chính tay tôi đeo tấm huy chương vàng chói lọi lên cổ mẹ…

Hơn mười giờ đêm tối hôm đó, tôi cuối cùng đã đội trời đêm về đến nhà. Người mở cửa là ba tôi, nhưng người một tay ôm chặt lấy tôi vào ngực trước lại chính là mẹ tôi.

Dưới trời sao vằng vặc, mẹ tôi ôm tôi rất chặt…

Tôi lấy tấm huy chương vàng đeo lên cổ mẹ, khóc một cách nhẹ nhõm và sung sướng.

Ngày 12/8, trường Trung học số Một của Thiên Tân chật ních người, mẹ được ngồi lên bàn Chủ tịch danh dự cùng với các quan chức Cục giáo dục Thiên Tân và các giáo sư toán học hàng đầu. Hôm đó, tôi đã phát biểu thế này:

“Tôi muốn dùng cả sự sống của tôi để cảm tạ một người, là người mẹ đã sinh và nuôi nấng tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ nông dân bình thường, nhưng những đạo lý mẹ dạy tôi nên người đã khích lệ tôi cả đời. Năm tôi học lớp 10, tôi muốn mua cuốn sách “Đại từ điển Anh-Trung” để học tiếng Anh, mẹ tôi không có tiền, nhưng mẹ vẫn nghĩ cách giúp tôi.

Sau bữa cơm sáng, mẹ tôi mượn một chiếc xe cải tiến, chất một xe rau cải trắng, hai mẹ con tôi đẩy ra chợ huyện cách hơn bốn mươi km bán rau. Đến được chợ đã gần trưa, buổi sáng đó tôi và mẹ chỉ ăn hai bát cháo ngô nấu với khoai lang đỏ, lúc đó bụng đói cồn cào, chỉ mong có ai tới mua cho cả xe rau ngay. Nhưng mẹ vẫn nhẫn nại mặc cả từng bó, cuối cùng bán với giá 1 hào một cân. Hai trăm cân rau đáng lẽ 21 tệ, nhưng người mua chỉ trả 20 tệ.

Có tiền rồi tôi muốn ăn cơm, nhưng mẹ bảo nên đi mua sách trước, đó là việc chính của ngày hôm nay. Chúng tôi đến hiệu sách hỏi, giá sách là 18 tệ 2 hào 5 xu, mua sách rồi còn lại 1 tệ 7 hào 5 xu. Nhưng mẹ chỉ cho tôi 7 hào rưỡi đi mua hai cái bánh bột nướng, một tệ kia còn phải cất đi để dành cho tôi làm học phí. Tuy ăn hết hai cái bánh nướng, nhưng đi bộ tiếp 40km về nhà, tôi vẫn đói tới mức hoa mắt chóng mặt, lúc này tôi mới nhớ ra tôi đã quên không phần cho mẹ ăn một miếng bánh nướng nào, mẹ tôi chịu đói cả ngày, vì tôi mà kéo xe suốt 80km đường xa.

Tôi hối hận tới mức chỉ muốn tát cho mình một cái, nhưng mẹ tôi chỉ bảo: “Mẹ ít văn hoá, nhưng mẹ nhớ khi nhỏ được thầy giáo dạy là, Golgi có nói một câu: Nghèo đói là trường đại học tốt nhất. Nếu con có thể tốt nghiệp trường đại học này, thì những trường đại học như Thiên Tân, Bắc Kinh con chắc chắn đều đỗ.”

Khi mẹ nói thế mẹ không nhìn tôi, mẹ nhìn ra con đường đất xa xôi, cứ như thể con đường đất đó có thể thông tới tận Thiên Tân, đi thẳng tới Bắc Kinh.

Tôi nghe mẹ bảo thế, tôi không thấy đói nữa, chân tôi không mỏi nữa..

Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì tôi muốn nói rằng, người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giáo giỏi nhất của đời tôi.”

Dưới khán đài, không biết có bao nhiêu đôi mắt đã ướt đẫm, tôi quay về phía người mẹ tóc hoa râm của tôi, cúi người xuống kính cẩn…

 

Bánh bột nướng

 Trang Hạ 

(tổng hợp các báo Trung Quốc, cuốn “Tâm hồn cao đẹp”, tự truyện của An Kim Bằng, tự truyện của Lưu Lệ Quyên)

nguồn từ Đinh Việt Nữ gởi

GIOAN TẨY GIẢ : MỘT ƠN GỌI – MỘT HUYỀN NHIỆM

GIOAN TẨY GIẢ : MỘT ƠN GỌI – MỘT HUYỀN NHIỆM

  Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

                                                                                    Tác giả:  Anmai, CSsR

            Mỗi người chúng ta có mặt trên cuộc đời này, xét về nghiên cứu y khoa thì khi nam nữ gần nhau và có điều kiện thì sẽ thụ thai. Và, 9 tháng 10 ngày sẽ sinh ra em bé ! Đó là điều dĩ nhiên. Cũng như cha mẹ chúng ta, gần nhau và vào ngày có khả năng thụ thai thì sẽ thụ thai và sinh ra chúng ta.

             Vấn đề thụ thai này, khoa học nghiên cứu là như vậy nhưng đâu phải muốn thụ thai là thụ thai và đâu phải lần nào gần nhau là có thai.

            Thật là khó lý giải ngay cả về khoa học. Và vì thế, sự hiện diện của mỗi một người xét về góc độ tâm linh, xét về góc độ niềm tin của con người thì quả thật mỗi một con người là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm vì lẽ thật sự thì không ai có thể biết được lúc nào mình sẽ thụ thai dù sinh hoạt vợ chồng vẫn bình thường. Sự hiện diện của mỗi người chúng ta, đứng trước niềm tin của Thiên Chúa thì quả thật đó là một ơn gọi, một huyền nhiệm ơn gọi và một ơn ban.

            Ơn gọi, huyền nhiệm về cuộc đời của mỗi một người vẫn diễn ra, vẫn xảy ra mỗi ngày trong dòng chảy của lịch sử cứu độ.

             Bình thường, có lẽ ít ai nhận ra sự hiện diện của mình là huyền nhiệm, sự hiện diện của mình trong cuộc đời này là ơn gọi.

            Quá nhiều huyền nhiệm, quá nhiều ơn gọi được Thiên Chúa gọi, Thiên Chúa chọn trong cõi nhân sinh này.

            Thử một chút nhìn lại cuộc đời của ngôn sứ Giêrêmia

             Giêrêmia là vị ngôn sứ được xem là chịu đau khổ nhất, ông sống cả cuộc đời trong sự cô đơn, bị ghét bỏ, bị bách hại của những người xung quanh vào thời đó. Ta có thể thấy ông chỉ có một việc duy nhất là đi tuyên sấm và rao giảng về lời mà Đức Chúa phán cho ông. Vậy tại sao ông lại phải làm những việc đó để rồi ông phải chịu đau khổ ? Tại sao ông phải tuyên sấm về những việc không may để rồi ông bị bắt bớ hành hạ ? Để rồi khi ông chịu không nổi nữa thì ông đã phải dày vò mình ? Có lẽ ông sẽ nói rằng : Chính Chúa “đã quyến rũ “tôi. Nếu chúng ta đọc những lời tâm sự của ông ở chương 20,7-18 ta sẽ thấy đây là một lời tâm sự thật tuyệt vời nhưng cũng mang một cảm giác tuyệt vọng bởi lẽ diễn tả được tâm trạng của Giêrêmia – một con người đã cảm nhận được Chúa đã mạnh tay với ông như thế nào.

            Thiên Chúa đã kêu gọi ông làm ngôn sứ và để rồi từ một con người nhút nhát, thích sống đơn sơ âm thầm bỗng chốc phải trở thành người nói Lời Chúa nhưng những lời ấy lại gây sự khó chịu cho dân vì toàn tiên báo những tai họa. Trong nỗi đau khổ vì bị mọi người lên án ông như muốn tố cáo lại Thiên Chúa, vì chính Chúa đã “quyến rũ” đã “mạnh hơn” và “đã thắng” để giờ đây ông phải nói những điều này dù trước đó ông đã từ chối làm ngôn sứ.

            Ông đau đớn vì không biết trước mình sẽ phải chịu nhiều đau khổ đến như vậy. Nỗi đau ấy dằn xé trở nên cuộc đấu tranh trong con người ông tuy nhiên nó cũng cho ta thấy được ‘sự chi phối của Đức Chúa trên ngôn sứ ‘.

 “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con,

và con đã để cho Ngài quyến rũ.

Ngài mạnh hơn và Ngài đã thắng.” (Gr 20, 7a)

             Thử một chút nhìn lại cuộc đời của Hôsê : Được mời gọi làm ngôn sứ của Chúa nhưng cuộc đời của Hôsê quá bi đát. Ngôn sứ Hôsê có một cuộc hôn nhân nhiều trắc trở : Vợ ông là một gái điếm được ông yêu thương cưới về. Nhưng như ngựa quen đường cũ, nàng vẫn tiếp tục ngoại tình. Dù vậy Hôsê vẫn yêu thương và kiên trì dùng tình yêu mà sửa đổi vợ. Cuối cùng nàng đã hoán cải.

             Ngày hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Mừng sinh nhật ai đó là nhìn lại dấu ấn ngày người đó có mặt trong cõi đời này. Trong năm Phụng Vụ, chỉ có 3 người được mừng sinh nhật đó chính là Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Gioan Tẩy Giả. Xét về mặt con người thì Gioan Tẩy Giả quả là một nhân vật tiêu biểu, một nhân vật đặc biệt trong dòng chảy lịch sử cứu độ.

            Cha mẹ của Gioan Tẩy Giả, như chúng ta đã biết : già rồi ! Già rồi thì còn làm ăn gì được nữa nhưng Thiên Chúa lại làm cái điều lạ lùng cho hai ông bà cho gia đình và cho mọi người thấy. Bà lại có thai trong lúc tuổi già. Với biến cố ấy, chồng bà bỗng dưng câm khi đang tế lễ trong đền thờ. Việc lạ lùng của Gioan Tẩy Giả đã được đánh dấu ngay từ lúc cha mẹ của Gioan đặt tên cho ông. Thường dân Do Thái tên của người cha, tên của họ hàng nội phải được đặt tên cho đứa bé mới sinh ra. Ở đây, cái huyền diệu, linh thánh đã xảy ra ngay lúc cắt bì cho con trẻ.Lúc cắt bì cũng là lúc đặt tên cho đứa bé. Mọi người cứ tưởng lấy tên cha Giacaria đặt tên cho bé, nhưng bà Êlisabét lên tiếng:” Không, phải đặt tên cháu là Gioan“ (Lc 1, 60). Đây là cái tên do chính Thiên thần đã báo trước cho Giacaria biết ông và vợ ông sẽ sinh được một cháu trai dù hai ông bà đã luống tuổi, cao niên không thể nào sinh con nếu không có bàn tay Thiên Chúa can thiệp…

             Và rồi, chúng ta cũng biết được phần nào cuộc đời của Gioan Tẩy Giả qua sách Thánh. Ngài đã sống trọn vẹn ơn gọi của Ngài, sống trọn vẹn cuộc đời của Ngài.

            Chúng ta còn nhớ lời của Ngài ở dòng sông Giođan :  “Tôi là người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1,23). Và hết sức đặc biệt : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7).

            Phải nói rằng quan niệm sống của Gioan Tẩy Giả hết sức dễ thương. Hoàn thành sứ mạng ngôn sứ của mình trong tâm tình khiêm tốn.

             Ngày hôm nay, sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả là cơ hội để chúng ta nhìn lại ơn gọi, nhìn lại huyền nhiệm của chúng ta trong cuộc đời này.

             Chúng ta được Thiên Chúa mời gọi sinh ra trong cuộc đời này với mỗi người một ơn gọi, mỗi người một huyền nhiệm. Chúng ta, có thể là kỹ sư, bác sĩ, giáo viên … có thể là người công nhân quét rác … nhưng trước mặt Chúa chúng ta có một chỗ đứng, một vị trí, một ơn gọi.

             Sáng sáng, thức khá sớm, nhìn mấy cụ quét rác, ghi ơn các cụ đó đó. Nếu như không có các cụ đó quét rác, dọn vệ sinh thì nhà dòng bẩn lắm. Ngoài đường cũng thế thôi, nếu như không có những công nhân vệ sinh thì chắc đường phố bẩn thỉu lắm. Nếu ai cũng làm bác sĩ thì ai sẽ làm công nhân, ai cũng làm kỹ sư hết thì ai sẽ là người thợ điện, thợ làm ống nước cung cấp điện nước cho ta.

             Có lẽ vì cuộc đời quá ồn ào, quá náo động để chúng ta không nhận ra sự hiện diện của chúng ta trong cõi đời này.

           Thi thoảng, con có nghe bài con luôn tin rằng. Lời bài hát như thế này : Con luôn tin rằng, tình Ngài thương con không bờ không bến. Con luôn tin rằng, Ngài chọn tên con khi chưa có sao trời. Mặt trời Mặt trăng theo con ngày ngày, nẻo đường con đi thiên nhiên dịu vời. Ngài phủ vây con với khí trời mát trong

             Và này con đến Chúa ơi, xin quyết theo Ngài. Dẫu có cô đơn, dẫu chút lo âu con luôn vui bước. Một điệu nguyện ước Chúa ơi, ân thánh Chúa trời. Dẫn lối con đi, dẫn bước trung trinh, nơi thánh điện Ngài.

             Chúa thương Chúa chọn mỗi người chúng ta sống trong cõi đời này, cùng cộng tác với Ngài trong khả năng mà Thiên Chúa mời gọi.

             Nhìn lại lịch sử cứu độ, những người được Thiên Chúa chọn không giống như cách nhìn, cách nghĩ của thế gian :

 Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình.

Người chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên…

Thiên Chúa cần một người phát ngôn.

Người chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng.

Thế là Môisê đứng lên…

Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân mình.

Người chọn một cậu thanh niên nhỏ nhất, yếu nhất trong nhà.

Thế là Đavít đứng lên…

Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo Hội.

Người chọn một anh chối đạo.

Thế là Phêrô đứng lên.

Thiên Chúa cần một gương mặt để diễn tả tình yêu cho nhân loại.

Đó là Maria Mađalêna.

Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô lên sứ điệp của Người.

Người chọn một kẻ chuyên bắt đạo.

Đó là Phaolô gốc thành Tác-xô.

Thiên Chúa cần một ai đó để quy tụ dân và đi đến với những người khác.

Người đã chọn bạn.

Dù bạn run sợ, lẽ nào bạn không đứng lên?

 Thiên Chúa, chắc có lẽ cũng không mời gọi chúng ta phải đào non lấp biển đâu. Thiên Chúa mời gọi chúng ta minh chứng, thể hiện tình yêu của Ngài giữa cõi đời này.

 30 tuổi, 40 tuổi, 70 tuổi … Lẽ nào chúng ta không nhận được tình thương của Thiên Chúa trên cuộc đời chúng ta sao ?

 Vậy thì chúng ta hãy hoàn thành sứ mạng ơn gọi của chúng ta là diễn tả tình yêu Thiên Chúa ngay trong chính gia đình chúng ta, trong khu xóm chúng ta, trong công sở chúng ta và trong họ đạo của chúng ta đang sống.

 Nếu như mỗi người, mỗi thành viên trong gia đình, xứ đạo diễn tả tình yêu của mình thì quả thật hạnh phúc sẽ tràn đầy trong gia đình, trong họ đạo của chúng ta.

 Tác giả:  Anmai, CSsR

nguồn: Từ MariaThanh Mai gởi

Thánh Paulinus ở Nola

     Thánh Paulinus ở Nola
    (354?-431)
 

                                                                                         22 Tháng Sáu

   

 Qua thư từ của các thánh khác mà chúng ta biết được cuộc đời và đặc điểm của Thánh Paulinus mà ngài là bạn của các thánh Augútinô, Giêrôme, Martin, Grêgôriô và Ambrôsiô.

    Sinh ở Bordeaux, nước Pháp, Paulinus thuộc dòng dõi quý tộc Rôma mà cha ngài là một pháp quan ở Gaul (Pháp). Gia đình ngài làm chủ không biết bao nhiêu ruộng đất ở Ý và Aquitaine. Paulinus được theo học ở trường Bordeaux về luật Rôma, thi văn, hùng biện, khoa học và triết. Sau đó ngài trở thành một luật sư có tiếng.

   Sau khi cha mất sớm, Paulinus được Hoàng Ðế Gratian bổ nhiệm làm nghị sĩ Rôma khi mới 25 tuổi và một năm sau, ngài làm thống đốc Campania, cư ngụ ở vùng đồi núi Nola, ở phía đông Naples. Dường như Paulinus không thích sự phù hoa và danh vọng của chức quyền.

     Sau khi được chứng kiến cảnh dân chúng được chữa lành ở mộ Thánh Felix, là quan thầy của Campania, Paulinus đã có ý định trở lại Kitô Giáo. Ngài hy sinh bộ râu cho Thánh Felix, từ chức thống đốc và trở về sống với người mẹ đang mong đợi ngài.

     Sau khi du lịch đến Tây Ban Nha, Paulinus kết hôn với bà Therasia. Vào năm 36 tuổi, trước sự chứng kiến của người vợ, Paulinus (cùng với người em trai) được rửa tội bởi vị giám mục thánh thiện của Bordeaux là Thánh Delphinus.

     Vào thời bấy giờ, Paulinus được gặp gỡ, chuyện trò với những người thánh thiện đương thời, tỉ như Thánh Martin ở Tours đã chữa lành con mắt thương tích của Paulinus một cách lạ lùng, và có lẽ sự hoán cải của người bạn tâm giao, Thánh Augustine, là động lực sau cùng thúc đẩy Paulinus theo Kitô Giáo.

    Theo Ðức Kitô có nghĩa sống khó nghèo, do đó Paulinus đã bán tất cả tài sản ở Gaul và phân phát tiền bạc cho các người nghèo và những người làm công cho gia đình. Khi hai ông bà sang Tây Ban Nha, bà Therasia cũng bán tất cả đất đai của mình và dùng tiền của để chuộc các người nô lệ và các con nợ.

    Hai ông bà có được một con trai, nhưng chỉ sau một tuần lễ, đứa bé đã từ trần cách đột ngột. Cho rằng cơ thể của bà Therasia không thích hợp để sinh con, Paulinus coi việc từ bỏ quyền làm chồng như một hành động bác ái, do đó hai người thề sống khiết tịnh và sống với nhau như anh em trong suốt cuộc đời.

    Vì đời sống thánh thiện của hai ông bà, dân chúng ở Barcelona đã kiệu Paulinus đến trước mặt vị giám mục và yêu cầu tấn phong Paulinus làm linh mục, và ngài đã đồng ý với điều kiện của Paulinus là không bị ràng buộc vào một giáo xứ hay giáo phận. Sau đó Thánh Ambrôsiô là người đã chỉ dẫn cho Paulinus về nhiệm vụ linh mục.

     Ðể sống lý tưởng của một chủ chăn, hai ông bà Paulinus và Therasia đã biến căn nhà của họ thành nơi tiếp đón người nghèo và người vô gia cư. Bà Therasia sống ở tầng trệt như một người quản lý, còn tầng trên là một đan viện mà Paulinus và các ẩn tu khác biến thành một trung tâm đan sĩ đầu tiên ở Tây Phương với lối sống cực kỳ kham khổ.

    Vào năm 410, trước khi bà Therasia từ trần không lâu, dân chúng ở Nola đã chọn Paulinus làm giám mục. Quả thật ngài là vị giám mục tài giỏi vào thời ấy. Ðức Paulinus tiếp tục sống ở đan viện, ngài xây hệ thống thoát nước cho Nola cũng như các nhà thờ ở đây và ở Fondi.

     Ðức Paulinus là một người hài hòa giữa con tim và trí óc. Các thư từ của ngài cho thấy sự khiêm tốn, tính tình dễ mến, thích khôi hài, trọng kỷ luật, và đời sống chiêm niệm của ngài. Những bút tích của ngài để lại chứng tỏ ngài là một thi sĩ Kitô Giáo và cũng là một tay viết văn xuôi có hạng.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi