NHÂN ĐỨC ĐẦU TIÊN

NHÂN ĐỨC ĐẦU TIÊN

(Lm Phạm Quốc Hưng, CSsR)

 

Khi có người hỏi Thánh Augustinô: “Nhân đức đầu tiên con phải tập là nhân đức nào?” Thánh nhân trả lời: “Đó đức khiêm nhường!” Người ấy hỏi tiếp: “Nhân đức thứ hai là nhân đức nào?” Thánh nhân lập lại: “Đức khiêm nhường!” “Còn nhân đức thứ ba?” Thánh nhân vẫn nói: “Đức khiêm nhường!” Rồi ngài thêm: “Nếu anh tiếp tục hỏi về nhân đức ngàn lần, tôi vẫn cứ trả lời như thế. Vì khiêm nhường là sự thật, mà Thiên Chúa là sự thật nên ai thực sự có đức khiêm nhường là có Thiên Chúa ở cùng và có mọi nhân đức khác!” Nơi khác, thánh nhân quả quyết: “Không ai buớc vào Thiên Đường được nếu không nhờ đức khiêm nhường!”

Đức khiêm nhường, nhân đức đầu tiên và là mẹ mọi nhân đức mà Thánh Augustinô ân cần khuyên dạy chúng ta phải có để được cứu độ và nên thánh, là một trong những chủ đề dễ nhận thấy trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay. Thật vậy, ngay trong bài đọc một, tác giả sách Huấn Ca đã ân cần khuyên nhủ mọi người, nhất là những ai làm lớn, phải có đức khiêm nhường và tránh tội kiêu ngạo, để được đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chúc phúc: “Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hòa, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý trọng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa, vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa. Tai họa dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết. Người thông minh suy ngắm trong lòng lời dụ ngôn, chăm chỉ nghe là kỳ vọng của người khôn ngoan” (Hc 3:19-21,30-31).

Rồi trong Tin Mừng hôm nay, khi dự tiệc tại nhà một vị thủ lãnh và nhận thấy những thực khách chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn về cách tham dự tiệc cưới và khuyên dạy mọi người: “Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên” (Lc 14: 8-11).

Một tác giả dựa vào Tin Mừng hôm nay ghi lại câu truyện sau: Có một người ghi nhớ lời Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng hôm nay và quyết tâm thực hành. Một hôm, anh được mời tham dự một bữa tiệc mà chính Chúa Giêsu là Vị Thuợng Khách. Khi vào phòng tiệc, anh tìm ngồi vào chỗ cuối rốt. Các khách mời lần lượt bước vào. Anh hồi hộp chờ mong, nhưng chẳng ai mời anh lên chỗ cao hơn cả. Cuối cùng Chúa Giêsu đã đến. Có một chỗ danh dự ở trên dành cho Người. Nhưng lạ thay, Người không ngồi vào chỗ ấy, nhưng Người tiến về phía anh. Anh ngỡ rằng Chúa sẽ mời anh lên chỗ gần Người. Nhưng không phải thế! Chúa Giêsu đến và chọn ngồi vào chỗ bên cạnh anh. Và anh đã hiểu: Chỗ rốt hết là chỗ Chúa Giêsu chọn cho chính Người, vì Người chính là Hiện Thân của Sự Thật và của Đức Khiêm Nhường!

Linh mục Cajetan Mary da Bergamo (1672-1753) đã bắt đầu tác phẩm Khiêm Nhường Trong Lòng của ngài với nhận xét sau: “Trong Thiên Đàng có nhiều vị Thánh không bao giờ làm việc bố thí, vì các ngài quá nghèo. Có nhiều vị Thánh không hề hãm mình phạt xác bằng ăn chay, vì cơ thể các ngài quá yếu đuối bệnh tật. Có nhiều vị Thánh không đồng trinh, vì các ngài ở bậc kết hôn. Nhưng trong Thiên Đàng không có vị Thánh nào mà không khiêm nhường cả. Thiên Chúa đuổi các thiên thần ra khỏi Thiên Đàng vì kiêu ngạo; vậy nên làm sao chúng ta có thể đòi vào đó mà không lo giữ đức khiêm nhường?” Đây cũng là điều đã được Thánh Augustinô xác định khi người nhận xét:  Kiêu ngạo biến thiên thần thành ma quỷ, và khiêm nhường biến con người thành thiên thần!”

Cha Bergamo viết thêm: “Chúa Kitô mời gọi chúng ta vào trường học của Người, không phải để học làm phép lạ, cũng không phải để học làm cho thế giới phải ngỡ ngàng bằng những việc kỳ diệu, nhưng để học trở nên khiêm nhường trong lòng như chính Người đã phán Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng’ (Mt 11:29)”. Đây cũng chính là những lời của Chúa Giêsu mà Hội Thánh muốn chúng ta ghi nhớ khi cho lập lại trong phần tung hô Alleluia trong Phụng Vụ hôm nay.

Trong Kinh Magnificat, Đức Mẹ Maria cũng đã tuyên dương sự tuyệt đối cần thíêt và cao trọng của đức khiêm nhường khi Mẹ nói: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường(Lc 1:52). Sự cần thiết và quan trọng của đức khiêm nhường còn được Đức Mẹ khẳng định khi Mẹ hiện ra với Thánh Faustina-Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa- và dạy Chị rằng: “Nếu con muốn làm con gái hai lần của Mẹ, con phải có ba nhân đức: khiêm nhường, khiêm nhường, khiêm nhường, trong sạch và kính mến Chúa”.

Ghi nhớ lời dạy của Chúa Kitô, Thánh Phêrô-Vị Giáo Hoàng tiên khởi của Hội Thánh cũng đã ân cần khuyên nhủ những tín hữu đầu tiên phải thực hành đức khiêm nhường như sau: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn hco kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định” (1Pr 5:5b-6).

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII, trong Tâm Hồn Nhật Ký của ngài, cũng từng ghi nhận: “Tôi cần khiêm nhường và mến yêu. Nhưng có lẽ tôi cần khiêm nhường hơn, vì không thể có mến yêu thực sự ngoài sự khiêm nhường”. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Vị Thánh Sư của “đường thơ ấu thiêng liêng”, viết: “Tôi không biết mình có khiêm nhường không, nhưng tôi nhìn thấy sự thật trong mọi việc”.

Vì khiêm nhường là nhận biết và sống theo sự thật, nên chúng ta có thể noi gương Thánh Augustinô tập đức khiêm nhường bằng việc năng thưa cùng Chúa: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” Biết Chúa là Đấng tốt lành vô cùng, quyền năng và nhân hậu vô cùng, để ta yêu mến Chúa và theo Chúa. Biết mình chỉ là hư vô và hơn nữa còn là tội nhân để ta bỏ mình và sửa mình. Một lời nguyện tất rất quý giá và đẹp lòng Chúa giúp chúng ta ghi nhớ và thực hành đức khiêm nhường và gia tăng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là: “Lạy Đức Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa”.

Ave Maria, xin Mẹ dạy chúng con biết nỗ lực noi gương Chúa Giêsu Con Mẹ sống khiêm nhường để trở nên những người con yêu dấu của Mẹ. Amen.

From: hnkimnga &

Anh chị Thụ & Mai gởi

Thành phố Madison, Wisconsin tuyên bố thứ sáu là ngày John ‘Vietnam’ Nguyen

Thành phố Madison, Wisconsin tuyên bố thứ sáu là ngày John ‘Vietnam’ Nguyen

Thị trưởng Thành phố Madison Paul Soglin.

Thị trưởng Thành phố Madison Paul Soglin.

30.08.2013

Một sinh viên người Mỹ gốc Việt 19 tuổi, cũng là một nghệ sĩ nhạc hip-hop tài hoa, và một nhà hoạt động tích cực cho công bằng xã hội, đã được thành phố Madison ở Wisconsin vinh danh qua tuyên bố Thứ Sáu là Ngày John “Vietnam” Nguyen, một năm sau ngày giỗ đầu của anh.

Báo Wisconsin State Journal tường thuật rằng Thị trưởng Thành phố Madison, ông Paul Soglin đã ra tuyên bố này hôm qua ngay trước bức tượng của nhà tranh đấu dân quyền nổi tiếng của Mỹ, là Mục sư Luther King Jr., tại tiền đình Tòa Thị Chính thành phố Madison, Wisconsin.

John Nguyen chết đuối tại Hồ Mendota đúng một năm về trước, để lại bao thương tiếc cho đông đảo người hâm mộ anh, vì tài năng cũng như vì các hoạt động xã hội của anh.

John Nguyen là một sinh viên thuộc chương trình First Wave và một nghệ sĩ hip hop có tài, chuyên cổ vũ cho công bằng xã hội, chủ nghĩa đa văn hóa, và sự dấn thân của công dân. Anh đi khắp nơi lưu diễn và trong những dịp này, luôn luôn gây ấn tượng đẹp và gợi cảm hứng cho những người đến xem, bằng những bản nhạc có lời lẽ và ý tưởng mới lạ và phong cách trình diễn độc đáo. John cũng thường xuất hiện tại các buổi hội thảo và chứng tỏ khả năng thuyết phục công chúng trong các bài đọc và tham khảo của anh.

Báo Wisconsin State Journal trích lời ông Willie Ney, Giám đốc Điều hành của Văn Phòng Nghệ Thuật Đa văn hóa – OMAI, nói rằng “John Nguyễn có một cá tính lớn hơn đời thường. John là biểu tượng của các nhà khoa bảng First Wave, vì anh vừa là một nghệ sĩ tài năng, một nhà hoạt động lại vừa là một nhà khoa bảng.”

Một số sự kiện cho “Ngày John Vietnam Nguyen” trùng hợp với chương trình “Nhìn lại Quá khứ, Hoạch định Tương lai”, nhân Lễ Kỷ niệm 50 năm cuộc tuần hành đòi dân quyền tại Hoa Kỳ.

Khi có cha là tỷ phú

Khi có cha là tỷ phú

Warren-Buffett

Là con trai thứ hai của nhà tỷ phú huyền thoại Warren Buffett, nhưng nói tới Peter Andrew Buffett người ta nhớ tới ngay một nhạc sĩ kiêm nhà soạn nhạc nổi tiếng. Dấu ấn duy nhất nhà tỷ phú này khắc lên con đường trở thành người nổi tiếng của con mình chỉ là sự tin tưởng…

Năm 19 tuổi, Peter nhận được số tiền thừa kế… 90,000 Mỹ kim. Gần 100,000 đô, “not bad” nếu như bạn xuất thân trong một gia đình bình thường. Nhưng nếu có cha là tỷ phú có khối tài sản hàng chục tỷ đô thì bạn nghĩ sao?

Và đây là tài sản thừa kế duy nhất của anh em nhà Buffett nhận được từ người cha nổi tiếng của họ.

Số tiền $90.000 mà ông Warren cho họ là tiền bán một trang trại của gia đình, họ cũng chẳng được nhận tiền mặt. Tiền được đổi thành cổ phiếu của công ty Berkshire Hathaway mà tỷ phú Warren làm chủ tịch và Peter được cha trao cho kèm với lời dặn dò: “Hãy thận trọng với món quà này. Vì con sẽ không bao giờ nhận được thêm gì nữa”.

Và con của nhà Buffett quả là con nhà tông. Trong cuốn hồi ký mới của mình Life Is What You Make It, Peter giải thích rằng ông may mắn vì cha mình đã không để lại tài sản cho con cái một cách dễ dàng. Để trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng với giải thưởng Emmy, điều Peter cần là những hỗ trợ tinh thần chứ không phải tiền bạc.

Sau đó Peter đã bán cổ phiếu lại cho cha mình để lấy tiền mặt chi xài trong thời gian học tại Đại học Stanford và bắt đầu sự nghiệp sáng tác nhạc.

Để thành danh trong lĩnh vực nghệ thuật không phải chuyện một sớm một chiều và đòi hỏi sự đầu tư tiền bạc khá lớn. Vậy mà ngoài số tiền thừa kế, tỷ phú Warren đã nói thì như đinh đóng cột, nhất quyết không cho con thêm bất cứ thứ gì nữa, kể cả cổ phiếu trong công ty của ông.

Một lần khi 20 tuổi, Peter hỏi vay cha tiền nhưng bị từ chối. Điều này khiến anh thấy tổn thương và cha con họ không liên lạc với nhau một thời gian dài. Chỉ tới khi gặt hái được thành công, Peter mới hiểu rằng quyết định của cha lúc ấy là hoàn toàn đúng đắn. “Nếu tôi có một đống tiền từ cha tôi thì có lẽ cuộc sống của tôi đã không có ý nghĩa như ngày hôm nay. Tôi tin rằng những gì cha tôi làm xuất phát từ tình yêu thương. Ông đã từng nói với tôi rằng: Cha tin con vì con là con trai của cha. Con sẽ vẫn thành công mà không cần sự giúp đỡ của bất kỳ ai”.

Cách dạy con của ông tỷ phú càng đáng nể hơn nếu biết $90.000 là tài sản thừa kế duy nhất mà Peter Buffett cũng như anh chị em của ông nhận được, nhưng bù lại, họ được cha trao cho khoảng 1 tỷ đô để làm từ thiện. Peter và vợ ông đã dành nhiều năm để nghĩ cách làm từ thiện sao cho hiệu quả nhất.

Cuối cùng, họ đã thành lập Novo Foundation – một tổ chức phi lợi nhuận dành cho phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới. Hai người con còn lại của tỷ phú Warren cũng có những đóng góp đáng kể trong hoạt động từ thiện. Howard Buffett thành lập tổ chức giúp đỡ những nông dân nghèo khó tại các quốc gia kém phát triển với mục tiêu tăng cường sản xuất lương thực ngăn ngừa nạn đói. Susie Buffett thì thành lập quỹ hỗ trợ hoạt động giáo dục cho trẻ em và thúc đẩy việc tuyên truyền phòng chống mang thai ở trẻ vị thành niên.

Warren Buffett là cổ đông lớn nhất, kiêm Chủ tịch Tập đoàn Berkshire Hathaway và đứng trong top 3 những người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Những gì các con ông đạt được cho thấy, điều ông dạy họ không phải là tiền bạc và cách kiếm tiền mà đơn giản chỉ là cách sống. Peter tin rằng mình đã được cha “đầu tư” đúng mực với cách giáo dục tốt nhất mà nhiều người ước ao. Ông hóm hỉnh: “Điều mà tôi ngưỡng mộ nhất ở cha tôi là sự tin cậy. Sự tin cậy là điều quan trọng nhất”.

Warren rất ít khi nói chuyện với các con về chuyện làm ăn. Ông quan tâm tới những triết lý của cuộc sống, chẳng hạn như: “Các con không cần phải thử sức trên tất cả các lĩnh vực. Khi con đã sẵn sàng để đầu tư (ví dụ như nhà đầu tư cổ phiếu), con chỉ cần tưởng tượng nó giống một quả bóng tròn đang di chuyển từ từ”.

Đối với Warren, việc tìm cho các con một công việc ở Wall Street hay công ty Berkshire Hathaway của ông để duy trì đế chế của gia đình Buffett hoàn toàn đơn giản. Vậy mà ông lại chứng tỏ mình là một người cha tuyệt vời khi để các con trưởng thành theo cách riêng.

Peter Buffett nói rằng món quà lớn nhất có thể tặng cho cha là đi theo bước chân của ông, bằng cách tin tưởng vào chính mình. Năm 1977, khi Peter còn nhỏ, Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã mua lại tờ The Buffalo Evening News bất chấp thực trạng ngành báo in đang điêu đứng, lượng phát hành và quảng cáo đã giảm nghiêm trọng. Giờ thì tờ báo này đã là The Buffalo News bề thế.

Đối với Warren Buffett thì những thứ cũ, lỗi thời cũng không làm ông lay chuyển lối sống. Peter vẫn đến thăm cha tại Omaha, Nebraska. Cha ông vẫn sống trong ngôi nhà mà Peter từng lớn lên, bất chấp sự giàu có vô biên của ông.

Cũng chính nhờ bài học lớn của người cha về niềm tin mà Peter đã có những quyết định sáng suốt cho cuộc sống của mình. Sau khi soạn nhạc cho Dances with Wolves (Khiêu vũ với bầy sói), phim đoạt giải Oscar, ông nhận được khá nhiều lời mời từ các hãng phim của Hollywood. Họ sẵn lòng mời gia đình ông chuyển từ Milwaukee đến Los Angeles nếu ông muốn trở thành một nhà soạn nhạc phim lừng danh.

Peter từ chối, vì “Tôi đã nghĩ về cha mình. Tại sao cha tôi không chuyển đến New York, để gần Wall Street hơn? Khi xem lại cách thức cha tôi làm việc trong những năm qua, tôi nhận ra rằng không nên chọn một công việc nào đó chỉ bởi vì việc đó nhìn hấp dẫn hơn”.

Giờ đây, các con của tỷ phú Warren Buffett hiểu rằng “nếu tin cha sẽ ra tay cứu giúp mỗi khi mình gặp rắc rối về tài chính thì bất cứ thành công nào đạt được không còn giá trị nữa”. Và đến bây giờ, mọi người đều biết rằng, những gì con cái nhà Warren có được chẳng hề liên quan đến sự giàu có của cha họ.

Phạm Hoàng (Theo Yes Magazine, DNSG)

THINH LẶNG

THINH LẶNG

“Những đan sĩ phải siêng năng trau dồi thinh lặng trong mọi lúc.”

Thinh lặng là mẹ của Thần Khí.  Nó nảy nở trong chúng ta một đan viện của tâm hồn.  Nó mang chúng ta ra khỏi tiếng ồn ào từ sự hỗn độn, huyên náo, và mơ hồ của một thế giới quay cuồng và đưa chúng ta đến một trọng tâm trầm tĩnh, lắng đọng của một bản chất thiêng liêng.

Tại trọng tâm này thinh lặng cho chúng ta nghỉ ngơi.  Ở đó Chúa làm việc trong ta, giũ sạch trong con tim chúng ta những ý nghĩ, nỗi đau, ao ước, đòi hỏi, tiếng la hét tựa như một đứa trẻ đòi được để ý và những điều ấy tách rời chúng ta khỏi con người tốt đẹp của chúng ta.

Trong thinh lặng, chúng ta học lắng nghe những người khác cũng đang tìm kiếm Thiên Chúa trong một đan viện của tâm hồn, để nghe những nỗi đau và sự khôn ngoan của họ, những kinh nghiệm của họ và sự thật trong con người họ, để từ đó đưa sự khôn ngoan của chúng ta ra ánh sáng, đặt vấn đề và phát triển nó.

Chính thinh lặng kiềm chế chúng ta khỏi ước muốn luôn sẵn sàng xuất phát những ý tưởng trống rỗng và những bình luận ác nghiệt từ con người ích kỷ của chúng ta.

Luật [Thánh Biển Đức] dạy rằng, “Có câu chép rằng, trong lúc thao thao bất tuyệt anh sẽ không tránh được sự tội.”

Chúng ta được đòi hỏi, mời gọi, để từ bỏ những thoả mãn quá thường tình nơi những chuyện thế tục khi mà chúng ta có những bắt bẻ sắc bén, những phê bình chanh chua, những cám dỗ không thành thật, và những điều này thường đi kèm với những lời nói ba hoa trống rỗng thiếu suy tư, những lời nói lãng phí đi chiều sâu của cuộc sống.

Trong Đan Viện của Tâm Hồn, chúng ta được thách thức để thay thế tất cả những tư tưởng trống rỗng bằng chiều sâu của sự suy niệm, sự thanh thản của ý nghĩ, và sự sáng tỏ của hiểu biết sâu sắc mà qua đó chính sự thinh lặng lại mang đến sự thức tỉnh cho một linh hồn đang mong mỏi sự thinh lặng đó đến – trong thinh lặng.

Thinh lặng che chở chúng ta khỏi sự ồn ào của chính mình và chuẩn bị chúng ta cho công việc của Chúa nơi chúng ta.

Trong thinh lặng, chúng ta hiểu được chính mình.

Trong thinh lặng chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa mời gọi chúng ta vượt lên chính chúng ta, để luôn hướng tới cái gì tốt hơn và hơn thế nữa.

Điều cốt yếu là trong Đan Viện của Tâm Hồn, không gian dành cho sự thinh lặng được trân quý và giữ gìn, được tìm kiếm và làm cho linh thiêng, khiến cho đời sống thiêng liêng có thể phát triển và hưng thịnh nơi chúng ta, nếu không trong chúng ta chỉ có cỏ lùng bén rễ bằng những lời nói trống rỗng mà thôi.

Trong cuộc sống của chúng ta, khi chúng ta dành chỗ cho sự thinh lặng, chúng ta có thời gian  để chữa lành những gì hãy còn âm ỉ nung nấu và đang ẩn nấp ở một chỗ nào đó trong ta mà đôi khi ngay cả chính chúng ta cũng không biết, nhưng sức mãnh liệt của những nung nấu âm ỉ này có khả năng thiêu rụi linh hồn chúng ta với nọc độc của nó theo thời gian.

Như Luật nhắc nhở chúng ta, “Có câu chép rằng, “Cái lưỡi nắm giữ chìa khoá cho sự sống và sự chết.”

Thinh lặng là một lá chắn giúp chúng ta thoát khỏi những thúc đẩy bồng bột khiến chúng ta ngăn cản những thay đổi, hay loại bỏ những thách đố mới, hay bác bỏ những tư tưởng mới, hay lên án những ý kiến của người khác.

Thinh lặng là điều khước từ sử dụng hài hước gây tổn thương, lời mỉa mai nhằm làm giảm giá trị, lời phê phán để hạ phẩm giá của người khác.

Luật dạy, “Chúng ta tuyệt đối lên án bất kỳ hành động thô bỉ, chuyện tầm phào, và cuộc trò chuyện nào dẫn tới sự cười đùa.”

Như vậy, sự thinh lặng mở mang cho chúng ta nhiều triển vọng, đón nhận người khác, tới nhiều dòng tư tưởng, mà nếu như không có thinh lặng mang tới thì chúng ta mãi mãi không cảm nhận được.

Chuyển ngữ từ sách “Đan Viện của Tâm Hồn: Lời Mời Gọi cho Cuộc Sống Đầy Ý Nghĩa (Monastery of the Heart: An Invitation to a Meaningful Life, Bluebridge, 2011), của Sơ Joan Chittister, OSB.

From: Ngọc Nga

Có Phải Người Già Sợ Chết Nên Siêng Đi Lễ Đọc Kinh?

Có Phải Người Già Sợ Chết Nên Siêng Đi Lễ Đọc Kinh?

Đó là câu hỏi khá thú vị, nếu không nói ra, ai cũng cho là đúng. Xin ghi lại một cuộc trao đổi ngắn với một vị được gọi là già.

Trước hết xin rõ ràng, bao nhiêu tuổi thì được gọi là già?

Một chị quê ở miền bắc đến xin hội đoàn chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn ông cụ (Bố) em mới qua đời. Xin hỏi: Ông cụ tên thánh là gì? Năm nay cụ được bao nhiêu tuổi?. Thưa: Ông tên thánh là Giuse, năm nay cụ được 52 tuổi.

Trong mỗi xứ đạo đều có các giới sinh hoạt như: Giới trẻ, giới hiền mẫu, giới gia trưởng, giới phụ lão. Các giới này được phân chia theo độ tuổi. Giáo xứ chúng tôi trước kia giới phụ lão quy định là 55 tuổi trở lên, nay nâng lên 60. Như vậy có nghĩa là 60 tuổi được coi là già.

Chúng tôi quan sát các thánh lễ ngày thường lúc 4 giờ 30 sáng, quả là có nhiều người già đi lễ, nhưng cũng chỉ khoảng phân nửa số người già trong xứ. Hỏi thăm một ông tuổi đã ngoài 60.

* Chào ông. Sáng nào ông cũng đi lễ?
* Vâng. Sáng nào tôi cũng đi.
* Theo ông, đi lễ mỗi ngày có phải là một thói quen?
* Cũng có thể, riêng tôi, tôi không cho là thói quen. Qua một ngày đêm Chúa cho an lành, con cháu vui khỏe, không lẽ nào tôi làm ngơ, hơn nữa, Vinh Danh Chúa, Tạ Ơn Chúa là bổn phận của tôi, thể hiện niềm tin của mình cho con cháu và mọi người chung quanh. Ngày nào vì mệt mỏi hay ngủ quên không đi lễ, ngày đó tôi cảm thấy bổn phận của mình thiếu xót.
* Ông có cho rằng, người già đi lễ, đọc kinh cầu nguyện nhiều là vì họ sợ chết không?
* Người già như tôi thì có nhiều, nhưng đâu phải ai cũng đi lễ thường xuyên. Có ông nói rằng, mình không làm điều gì sai trái, không gian tham trộm cắp, ở nhà đọc kinh cũng đủ. Theo tôi, như vậy là chưa đủ, trải qua 60 năm cuộc đời đâu phải dễ, nhiều người đã không bước tới được ngưỡng cửa này. Sự ra đi đột ngột của anh bạn tôi 10 năm trước đã làm tôi tỉnh thức. Sự chết đâu phải chỉ đến với người già. Sự chết không phải là nỗi sợ hãi với người có niềm tin, nhưng sự chết là nỗi sợ hãi của những ai chưa sẵn sàng. Giá trị cuộc đời không đo bằng thời gian, nhưng đo bằng nhân đức yêu thương. Quan trọng hơn cả, mỗi ngày tôi được sống kết hợp với Chúa qua Bí Tích Thánh Thể là tôi đã sẵn sàng.

Như anh thấy, hôm nay thứ hai đầu tuần, ngày khá bận rộn, nhưng thấy cũng có nhiều người lao động đi lễ, họ hy sinh giấc ngủ, đến đây để nói lên niềm tin, sống kết hợp với Chúa và để sẵn sãng.

* Bà nhà có đi lễ sáng với ông?
* Có. Ngoài việc đến nhà thờ cầu nguyện, bà ấy còn có điều thú vị nữa là vừa đi vừa lần hạt vừa tập thể dục, sự kết hợp này đem lại sức khỏe cả phần hồn phần xác.
* Cám ơn ông. Xin Chúa chúc lành cho ông bà.

Như vậy, kiểu lý luận: “chỉ tin là đủ, đạo tại tâm! Không cần đi thờ, đi lễ”, là không ổn, không hợp với đạo Chúa. Không gắn kết với Chúa qua những lời kinh, những thánh lễ cũng như các việc lành, chúng ta sẽ như cành lìa khỏi thân cây. Lúc ấy người ta chỉ biết mang cành cây ấy đốt đi thôi!

Do đó, việc đi thờ, đi lễ rất cần thiết cho mọi người. Ước mong sao các bạn già, các bạn trẻ cũng như tất cả những ai xưng mình là Kitô hữu, luôn biết siêng năng cầu nguyện, chuyên cần đi lễ, nhờ vậy mà được sống dồi dào và sinh nhiều hoa thơm trái ngọt cho đời.

Tôma Đỗ Lộc Sơn

chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Con Yêu Chúa Quá Muộn Màng!

Con Yêu Chúa Quá Muộn Màng!

Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài

“Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung.

Con yêu mến Chúa quá trễ: Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó.

Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong Chúa.  Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa.

Chúa đã gọi tên con, Chúa đã lớn tiếng kêu gọi con, Chúa đã đâm thủng đôi tai giả điếc làm ngơ của con.

Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con.

Chúa thở ra hơi thơm ngào ngạt, con hít vào và con khao khát Chúa.

Chúa đã chạm đến con và con luôn cảm thấy nung nấu được hưởng sự bình an của Chúa”.

Trên đây là một đoạn trong quyển “Tự Thú” (Confessions) của thánh Augustinô, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay.

Sau khi ăn năn trở lại, ngài đã nhận lãnh Phép Rửa vào năm 33 tuổi, chỉ sau đó 3 năm ngài được phong chức linh mục, 5 năm sau đó được đề cử làm giám mục thành Hippo, Phi Châu.

Duyệt qua cuộc sống của thánh Augustinô, chúng ta có thể nói:  ngài là một tội nhân đã trở thành thánh nhân nhờ được Thiên Chúa đến gõ cửa lòng bằng câu nói mạnh mẽ của thánh Phaolô:  “Ðừng sống theo dục tình và lạc thú dâm ô, nhưng hãy mặc lấy Ðức Giêsu Kitô”.

Và kể từ đó, có thể nói được là Tình Yêu Thiên Chúa không bao giờ buông tha ngài, trái lại tạo trong tâm hồn ngài một sự khắc khoải và khao khát để đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa.

Ngoài lời mời gọi và thôi thúc của Tình Yêu Thiên Chúa, quãng đầu cuộc đời của Augustinô, một tội nhân trở thành thánh nhân, có lẽ được vẽ lại bằng những nét chấm phá và những bàn tay cộng tác với ơn Chúa trong việc hoán cải như sau:

¨    Trước tiên, cường độ của sức sống nơi ngài trên con đường thụt lùi xa lìa Thiên Chúa cũng như cường độ mãnh liệt hơn của sức sống ấy trên con đường tiến về Thiên Chúa.

¨    Tiếp đến, những dòng nước mắt sầu đau và những kinh nguyện thành tâm của  mẹ ngài, bà thánh Mônica (mà Giáo Hội mừng kính hôm qua) dâng lên Thiên Chúa trong kiên tâm, bền chí ròng rã bao năm trời.

¨    Và sau cùng là sự hướng dẫn tận tình của thánh Giám Mục Ambrôsiô.

Tất cả những yếu tố trên cộng lại, đã giúp chuyển tình yêu cuộc sống thành một cuộc sống cho đi và sống vì Tình Yêu, như thánh nhân đã tự thú trong đoạn sách được trích dẫn ở trên:

“Lạy Chúa,

con yêu mến Chúa quá trễ, ôi vẻ đẹp của ngàn xưa,  nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung”.

 

Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài

From: Thiên Kim &

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

CHÍNH TÔI ĐÃ ĐƯỢC ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ CHIẾM ĐOẠT

CHÍNH TÔI ĐÃ ĐƯỢC ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ CHIẾM ĐOẠT!

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt



… Thứ bảy 29-6-2013 Tổng Giáo Phận Paris bên Pháp có thêm 6 tân Linh Mục. 5 Vị tuổi từ 28 đến 33. Một Vị 43 tuổi. 5 Vị sinh ra và lớn lên tại thủ đô Paris. 1 Vị ở vùng phụ cận Paris. Xin giới thiệu chứng từ của tân Linh Mục Augustin Bourgue 33 tuổi nhấn mạnh đến thừa tác vụ linh mục được chu toàn trong việc mở rộng cho thế giới và tình huynh đệ.

Cha Augustin Bourgue là con thứ hai trong một gia đình Công Giáo có 7 người con. Con cái được giáo dục và thức tỉnh Đức Tin nhờ các buổi đọc kinh chung trong gia đình và nhờ gương sáng lành thánh của bậc Cha Mẹ hiền đức, sống rất gần với linh đạo của Cộng Đoàn Emmanuel. Cuộc sống đạo đức còn được phong phú thêm nhờ việc tham dự thường xuyên vào các sinh hoạt của giáo xứ.

Thời niên thiếu vì tham gia các hoạt động thuộc lãnh vực Đức Tin nơi giáo xứ Sainte-Jeanne de Chantal mà cậu Augustin được cảm nghiệm niềm vui suy niệm Lời Chúa. Rồi cậu trở thành Chú Giúp Lễ và gia nhập phong trào Hướng Đạo. Augustin hồn nhiên lớn lên trong khung cảnh gia đình, giáo xứ và học đường lành mạnh nhưng không bao giờ chú ý đến Ơn Gọi Linh Mục. Mãi cho đến năm cuối bậc trung học đệ nhất cấp, vào một bữa ăn tối trong gia đình, Augustin nhận việc bảo trợ ơn gọi cho chủng sinh Frédéric bằng lời cầu nguyện. Từ đó nẩy sinh mối tình huynh đệ thiêng liêng mang lại thành quả phong phú. Xin nhường lời cho tân Linh Mục Augustin Bourgue kể lại con đường đưa đến thiên chức Linh Mục.

Qua anh Frédéric tôi khám phá Lý Trí có thể phục vụ Đức Tin. Một ngày, thể theo lời khuyên của một vị Linh Mục và được anh Frédéric tháp tùng, tôi đến sống một tuần tĩnh tâm nơi một đan viện ở Bretagne. Tại đây tôi khám phá sự hiện diện gần gũi thân tình của THIÊN CHÚA. Vô cùng ngỡ ngàng tôi liền quyết định sẽ sẵn sàng đáp lại bất cứ tiếng gọi nào đến từ THIÊN CHÚA.

Thời gian 7 năm trôi qua từ sinh viên đến kỹ sư, ơn gọi như mỗi lúc một sáng tỏ trong tôi. Tôi ngạc nhiên ý thức rằng tôi rất yêu thích nói về Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tôi cũng hiểu rằng chính Người cho tôi niềm vui hưởng nếm cuộc đời và với Người, tôi có thể chọn nếp sống độc thân. Chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ ban tặng tất cả!

Với tâm tình trên đây mà tôi hân hoan gia nhập Chủng Viện. Trước đó vì từng tham gia các sinh hoạt thể thao nên trong thời gian thụ huấn ở Bruxelles, thủ đô vương quốc Bỉ, tôi cũng gia nhập một Hội thể thao. Thể thao là phương tiện nối kết mối giây giao hảo với con người thời đại ngày nay. Đầu tháng 7 năm 2013 tôi chủ sự lễ hôn phối cho một thành viên Hội thể thao này. Tôi là linh mục bạn thân của chú rể.

Ngoài ra tôi cũng đặt nặng vấn đề đối thoại liên tôn và mở rộng với thế giới. Chính vì thế mà ngay trong năm thứ hai ở Chủng Viện tôi đã bắt đầu học tiếng Ả-Rập. Chúng ta được may mắn là thành phần của Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo thúc đẩy và khuyến khích chúng ta sống tình huynh đệ đại đồng. Ngày thụ phong linh mục tôi chọn câu Phúc Âm trích từ thánh Gioan chương 10 câu 10: ”Thầy đến để cho loài người được sống và sống dồi dào”.

Thời thụ huấn bên Bỉ tôi học một bài học quý giá từ một Cha Sở. Cha Sở đặc trách hai giáo dân trong giáo xứ nhiệm vụ cổ động và canh chừng làm sao để tất cả mọi con chiên bổn đạo trong giáo xứ đều quen biết lẫn nhau. Thật là ý tưởng tuyệt vời.

Sứ mệnh của Linh Mục là xây dựng nhiệm thể Đức Chúa GIÊSU KITÔ bằng cách hoạt động cho tình hiệp nhất và mối hiệp thông. Hiệp nhất và hiệp thông cũng là đích điểm chung kết của bí tích Thánh Thể.

… ”Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Chúa KITÔ, tôi cho là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức KITÔ GIÊSU, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Chúa KITÔ và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức KITÔ, tức là sự công chính do THIÊN CHÚA ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức KITÔ, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết. Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Chúa GIÊSU KITÔ chiếm đoạt” (Philipphê 3,7-12).

(”PARIS NOTRE-DAME, L’Église en mission à Paris”, Journal du Diocèse de Paris, Hebdomadaire, No 1483, 20 Juin 2013, trang 18)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

SÁNG NÀO THIÊN CHÚA CŨNG BAN ÂN HUỆ MỚI!

SÁNG NÀO THIÊN CHÚA CŨNG BAN ÂN HUỆ MỚI!

vietvatican.net

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Bà Anne-Dauphine Julliand là ký giả kiêm văn sĩ và là bà mẹ Công Giáo năm nay 40 tuổi. Bà sinh ra và sống tại Paris, thủ đô nước Pháp. Ngày 10-3-2011 bà phát hành tác phẩm: ”Deux Petits Pas Sur Le Sable Mouillé – Hai Bước Chân Nhỏ Trên Cát Ướt” vỏn vẹn hai năm sau khi bé gái Thaiis 3 tuổi rưỡi qua đời. Tác phẩm là một bản tình ca: yêu sống, yêu con và yêu THIÊN CHÚA. Hai năm sau, ngày 23-5-2013, bà lại viết cuốn ”Une journée particulière – Một ngày đặc biệt” nhắc lại những yêu thương dành cho con gái Thaiis. Một ngày đặc biệt là ngày 29-2 ngày sinh nhật của bé Thaiis – mà nếu còn sống năm nay sẽ tròn 8 tuổi – và người ta chỉ có thể cử hành ngày này cứ bốn năm một lần!

Ông bà Loic và Anne-Dauphine Julliand cho ra chào đời bốn đứa con, 2 trai 2 gái: Gaspard, Thaiis, Azylis và Arthur. Đứa con gái lớn tên Thaiis bị mắc chứng di truyền loạn-dưỡng-bạch-cầu (leucodystrophie) và được chẩn bệnh vào năm lên hai tuổi. Các bác sĩ cho biết bé chỉ sống sót trong vòng vài tháng. Khi nhận hung tin, bà Anne-Dauphine thì thầm vào tai con gái lời hứa:
– Con sẽ có một cuộc đời đẹp. Cuộc đời không giống các trẻ khác nhưng là một cuộc đời mà con có thể hãnh diện!

Và đúng như lời hứa. Bé Thaiis sống thêm gần hai năm và là hai năm tràn đầy yêu thương. Đúng là một câu chuyện tình yêu.

Nhưng thử thách vẫn chưa chấm dứt. Bé gái thứ hai cũng mắc cùng chứng bệnh y như chị Thaiis của bé. Xin nhường lời cho bà Anne-Dauphine Julliand, người mẹ Công Giáo trẻ thật can đảm, tràn đầy hy vọng và đặt trọn niềm tin nơi THIÊN CHÚA.

Nói rằng mình có một đứa con bị đau ốm thì dễ hơn là thú nhận mình có đứa con khuyết tật. Khuyết tật gây lo âu sợ hãi hơn là đau bệnh. Khuyết tật tạo nên một tình cảm khang-khác khiến người ta lúng túng không thoải mái. Đứa con khuyết tật thay đổi nhiều điều trong cuộc sống gia đình của tôi. Thành thật mà nói cuộc sống thường nhật trở nên rắc-rối nhiêu-khê hơn. Đôi khi thật nặng nề. Thế nhưng đứa con khuyết tật đã thay đổi tâm lòng của chúng tôi. Chúng tôi học cách cảm thức trở lại sự giòn mỏng của đứa con cũng như của chính chúng tôi.

Khi khám phá ra Azylis – đứa con gái thứ hai của chúng tôi – mang cùng chứng bệnh với Thaiis, đã là một trận động đất trong đời sống lứa đôi của chúng tôi. Thế rồi trong khoảng thời gian đầu của cơn thử thách, chúng tôi đã quên mất nếp sống phu thê để dồn mọi chú ý trên đứa con khuyết tật. Chúng tôi không gặp khó khăn trong việc chu toàn nghĩa vụ của bậc làm cha làm mẹ, nhưng chỉ thiếu sót trong tình nghĩa vợ chồng. Từ từ chúng tôi học trở lại cách thức vợ chồng nhìn nhau, chú ý và chăm sóc lẫn nhau. Chúng tôi cũng học cách an ủi lẫn nhau nữa.

Trên đây tôi nói khuyết tật gây sợ hãi hơn là cơn bệnh. Điều làm cho chúng tôi sợ chính là sự khác biệt. Đối diện với người khuyết tật chúng tôi lo sợ không biết phải nói năng truyền thông như thế nào, không biết phải xử sự ra sao. Chúng tôi cố gắng dồn mọi nỗ lực thực thi điều chúng tôi có khả năng làm và không nghĩ đến chuyện nhìn người kia. Tôi chỉ lo sợ không thể hiểu được đứa con gái khuyết tật của mình. Tôi bèn học với con cách thức nói năng thông truyền bằng một kiểu khác.

Đức Tin giúp ích nâng đỡ tôi rất nhiều. Đức Tin không ngăn chặn tôi khỏi khóc lóc và khỏi đau khổ, nhưng Đức Tin giúp tôi nhìn sự việc dưới một nhãn quan khác, theo một cách thức khác. Tôi nghĩ rằng ngày hôm nay Đức Tin của tôi được lớn mạnh. Điều thay đổi trong Đức Tin của tôi chính là chiều sâu và nét nhân bản thực tế. Ngày người ta loan báo cho chúng tôi biết căn bệnh của đứa con gái thứ hai của chúng tôi, tôi nhận ra rằng Trời Cao không đổ ập trên đầu chúng tôi, nhưng Trời Cao đi vào căn nhà của chúng tôi, để cùng khóc với tôi và để đề nghị với tôi sự hiện diện của Trời Cao. Chính sự hiện diện của THIÊN CHÚA trong cuộc đời tôi là điều vô cùng thân thương và thật quý báu đối với tôi. Kể từ ngày tôi cảm nhận được điều này cùng với trọn Tình Yêu vô điều kiện tháp tùng, tôi không còn sợ hãi cuộc sống nữa. Tôi không còn sợ đau khổ cũng không sợ ngã quỵ lẫn không sợ yếu ớt giòn mỏng.

… ”Xin nhớ đến nỗi khốn cùng của con, và cuộc đời con vất vưởng nuốt cay ngậm đắng. Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng, khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi. Đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con vững dạ cậy trông: Lượng từ bi THIÊN CHÚA đâu đã cạn, lòng thương xót của Ngài mãi không vơi. Sáng nào Ngài cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Ngài cao cả biết bao! Con tự nhủ: ”THIÊN CHÚA là phần sản nghiệp của con, vì thế nơi Ngài, con trông cậy”. THIÊN CHÚA xử tốt với ai tin cậy Ngài, với ai hết lòng tìm kiếm Chúa. Biết thinh lặng đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ của THIÊN CHÚA, đó là một điều hay. Cũng là một điều hay cho người nào phải mang ách từ khi còn trẻ” (Sách Ai Ca 3,19-27).

(”OMBRES & lumière”, Revue Chrétienne Des Personnes Malades Et Handicapées, De Leurs Familles Et Amis, Mai-Juin 2013)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Những Người Không Chịu Lùi Bước Trước Nghịch Cảnh

Những Người Không Chịu Lùi Bước Trước Nghịch Cảnh

Tác giả : Đoàn Thanh Liêm

Hồi đầu tháng 8 mới đây, tôi được nhà báo Thanh Thương Hoàng dẫn đi tham dự một buổi trình diễn văn nghệ thật là đặc sắc diễn ra tại Trung tâm Hội Nghị của thành phố Santa Clara gần với San Jose. Các nghệ sĩ trình diễn đều là những người khuyết tật, người thì cụt hết cả cánh tay mặt như nhạc sĩ Thế Vinh, người thì bị mù lòa như nhạc sĩ Hà Chương, người thì bị câm ngọng hồi còn nhỏ như ca sĩ Thủy Tiên v.v… Cử tọa hôm đó gồm đến 600 người ngồi chật kín cả cái sảnh đường được trang trí như là một rạp hát và mọi người đều nhiều lần đứng lên vỗ tay tán thưởng các mục trình diễn cùa những nghệ sĩ khuyết tật – vừa có người mới từ trong nước qua, vừa có người đã định cư lâu năm tại Mỹ.

I – Từ chương trình văn nghệ “Ngọc Trong Tim” của Việt Nam đến các cuộc thi đua thể thao “Special Olympics” của Mỹ.

Buổi trình diễn văn nghệ nói trên là một trong những tiết mục sinh họat được tổ chức lưu động tại nhiều địa điểm trên thế giới, nơi có đông bà con người Việt sinh sống. Chương trình này nhằm giới thiệu tài năng và cố gắng luyện tập hết sức công phu bền bỉ của những người khuyết tật hầu đạt tới trình độ cao về nghệ thuật sáng tác và trình diễn âm nhạc cũng như trong một số bộ môn khác. Chương trình có tên gọi là “Ngọc Trong Tim” ngụ ý diễn tả cái kho tàng quý báu vẫn còn chứa chất trong trái tim con người – cụ thể như tấm lòng trắc ẩn cảm thông trước nỗi khổ đau của người khác – mà đặc biệt là sự quan tâm chăm sóc đến sự phát triển tài năng của lớp người bị thua thiệt do số phận ngặt nghèo của tật nguyền gây ra. Điển hình là Trung tâm Hướng Dương do nhạc sĩ Thế Vinh thiết lập ở Bình Dương để giúp nơi ăn chốn ở và hướng dẫn việc học tập cho các em khuyết tật.

Chương trình “Ngọc Trong Tim” này làm chúng ta nhớ đến tổ chức “Special Olympics” (Thế vận hội Đặc biệt) dành riêng cho người khuyết tật tham gia thi đua tranh tài về thể thao tại nhiều thành phố trên đất Mỹ. Chương trình này xuất phát là nhờ ở sáng kiến vận động và tổ chức khôn khéo của bà Eunice Kennedy Shriver (1921 – 2009) là người em gái của Tổng Thồng Kennedy – mà cũng là phu nhân của ông Sargent Shriver người lãnh đạo tài ba tiên khởi của chương trình Peace Corps nổi tiếng của chính phủ Mỹ bắt đầu từ năm 1961. Khỡi sự từ năm 1968 – các cuộc tranh tài Special Olympics này đã được nâng lên tầm mức quốc gia không những tại nước Mỹ, mà còn được nhiều nơi trên thế giới mô phỏng theo nữa. Và hiện nay thì các người con của ông bà Shriver cũng đang tiếp nối góp phần vào việc điều hành chương trình này.

Cố gắng vượt qua sự hạn chế của tật nguyền do các nghệ sĩ cũng như các vận động viên thể thao nói trên mà thực hiện được – thì rõ rệt đã làm cho chúng ta nhớ lại nhận xét thật sâu sắc của cụ Nguyễn Du qua câu thơ trong Truyện Kiều, đó là:

Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.
II – Chuyện về một số người “bất chấp bệnh tật”.

Trên đây là một số chương trình có tầm vóc lớn dành riêng cho số đông người khuyết tật có thể tham gia trong lãnh vực văn nghệ cũng như thể thao. Nhưng trong đời sống thường ngày của các cá nhân, ta vẫn thấy có rất nhiều người đã có những cố gắng bền bỉ phi thường để vượt qua được những nghịch cảnh trớ trêu của số phận – mà tôi xin ghi lại dưới đây một số trường hợp của những người trong số thân quen gần gũi với mình.

Trong số những bạn hữu tôi quen biết, thì cũng có khá nhiều người có ý chí vươn lên để vượt qua được nghịch cảnh do tuổi già hay do tật bệnh gây ra. Bài viết này xin được ghi lại một số chuyện “người thật, việc thật” của vài ba người mà tôi được biết từ bấy lâu nay. Và để công chúng được biết thêm về các chuyện đáng chú ý này, tôi xin các bạn được nói đến trong bài cho phép tôi được tiết lộ đôi chút trong cuộc sống riêng tư của mỗi người. Xin được ghi trước ở đây lời cảm ơn chân thành đến các bạn.

1 – Tác giả Nguyễn Công Luận vẫn không ngừng công việc nghiên cứu biên khảo, dù đã đau bệnh từ 25 năm nay.

Sau khi đi tù “cải tạo” về nhà ít lâu, thì Thiếu tá Nguyễn Công Luận mắc chứng bệnh Parkinson run rảy chân tay, đi đứng khó khăn. Nhưng anh vẫn kiên trì nhẫn nại theo đuổi công việc nghiên cứu sáng tác của mình – nhất là từ khi qua định cư ở bên Mỹ anh được tự do viết lách và phổ biến công trình biên sọan của mình. Anh được mời làm Phụ tá Chủ biên (Associate Editor) cho bộ sách dày 1,200 trang có tên là “The Encyclopedia of the Vietnam War” (Bách khoa Tòan thư về cuộc chiến tranh Việt nam) xuất bản năm 1998 – trong đó anh đã tham gia viết đến cả chục bài.

Và đặc biệt là cuốn Hồi ký do anh Luận viết trực tiếp bằng Anh ngữ trên 600 trang do nhà xuất bản Đại học Indiana ấn hành năm 2012. Cuốn sách này đã được nhiều người Mỹ vốn am hiểu tình hình Việt nam và nhất là các sĩ quan cao cấp trong Quận đội Mỹ ca ngợi nhiệt tình. Về phía người Việt, thì đã có nhà văn Mặc Giao ở Canada và cả tôi cũng đã viết bài giới thiệu cuốn Hồi ký này với độc giả trước đây nữa. Tác giả Nguyễn Công Luận sẽ giới thiệu cuốn Hồi ký nhan đề “ Nationalist in the Vietnam Wars ” này với công chúng tại San Jose vào đầu tháng 10 năm 2013 sắp tới.

2 – Nhà báo Trương Gia Vy vẫn lo điều hành tuần báo Viet Tribune và còn tham gia công tác từ thiện nhân đạo, dù bị bệnh tật ngặt nghèo.

Từ nhiều năm nay, dù bị bệnh phải thay lọc máu mỗi ngày, mà nhà báo Trương Gia Vy vẫn sát cánh cùng với phu quân là nhà văn Nguyễn Xuân Hòang trong việc điều hành tờ báo Viet Tribune ở San Jose. Vào đầu tháng 8 mới đây, khi được tin anh Hòang bị đau nặng, tôi đã tìm cách đến thăm anh chị tại nhà riêng ở thành phố Milpitas – thì tôi thấy anh Hòang tuy đau yếu gày còm, nhưng vẫn còn bình tĩnh tỉnh táo và chuyện trò vui vẻ với bạn hữu đến thăm. Thế nhưng anh cho biết hiện lúc đó là vào 10 giờ sáng ngày thứ Bảy mà bà xã Gia Vy vẫn còn đang phải lo việc lọc máu mỗi ngày.

Ấy thế mà vào chiều ngày Chủ nhật hôm sau, tôi lại thấy Gia Vy có mặt tham gia với Ban Tổ chức chương trình “Ngọc Trong Tim” tại Santa Clara Convention Center như đã ghi ở trên. Nhà báo Thanh Thương Hòang – là người đã từng sinh sống nhiều năm ở San Jose – cho tôi biết: “Trương Gia Vy là người phụ nữ rất năng nổ tích cực trong công tác từ thiện nhân đạo – mặc dầu chị bị bệnh tật lâu ngày và lại rất bận rộn trong việc điều hành tờ báo. Mà nay lại còn phải lo chăm sóc cho ông xã cũng đang bị chứng bệnh nan y nữa. Đó quả thật là một con người có ý chí nhẫn nại và tấm lòng nhân ái – đáng ca ngợi trong cộng đồng người Việt tại khu vực miền Bắc California này…”

3 – Họa sĩ Trần Bản Anh đến khi về hưu ở tuổi 70 mới ghi tên đi học vẽ.

Chị Bản Anh theo học ban Trung học tại trường Quốc Học ở Huế từ cuối thập niên 1940 qua đầu những năm 1950. Sau khi lập gia đình, chị đi làm nhiều năm tại Bộ Kinh tế ở Saigon. Qua Mỹ đầu năm 1990 với diện HO theo ông xã là anh Dương Công Liêm trước 1975 là Đại tá ở Cục Công Binh. Anh chị vẫn tiếp tục đi làm ở thành phố Los Angeles và sau năm 2000 mới về nghỉ hưu và hiện định cư ở San Jose.

Chừng 7 – 8 năm nay, chị Bản Anh mới đi theo học về hội họa theo lối Tàu với một giáo sư người Trung quốc. Nhận thấy chị có năng khiếu đặc biệt, nên ông thày ra sức khuyến khích và tận tâm chỉ dẫn cho chị. Và từ vài ba năm gần đây một số bức tranh của chị đã được ông thày tuyển chọn để gửi đi triển lãm ở bên Đài Loan. Kết quả là họa sĩ Bản Anh của chúng tôi đã mấy lần nhận được bằng khen của Ban Tổ chức cuộc triển lãm cũng như của chánh quyền của một thành phố bên đó.

Vốn tính khiêm tốn, chị không để cho giới nhà báo phỏng vấn để viết bài ca ngợi thành công của một họa sĩ nghiệp dư ở lứa tuổi đã cao. Mà chị chỉ để cho các bạn hữu thân thiết đến thưởng thức tác phẩm hội họa của mình tại nhà trong chỗ riêng tư, âm thầm kín đáo mà thôi. Vì thế, mặc dầu là chỗ quen biết gần gũi với anh chị đã lâu, tôi cũng chưa được chị gửi cho ảnh chụp bức tranh nào của chị để mà giới thiệu với công chúng bạn đọc được.

III – Chính khí ngất trời của Tổng Đốc Hoàng Diệu (1828 – 1882).

Lịch sử nước ta đã ghi lại rất nhiều tấm gương đẹp đẽ tuyệt vời của những vị anh hùng lẫm liệt đã hy sinh xả thân mình trong cuộc tranh đấu bảo vệ đất nước trước sự xâm lăng của ngọai bang. Một trong những vị anh hùng đó là Tổng Đốc Hòang Diệu – ông đã tự kết liễu đời mình khi quân Pháp xâm lược đánh chiếm được thành Hanoi do ông trấn giữ vào năm 1882. Ông đã tuẫn tiết bằng cách tự treo cổ mình trên một cành cây – để tránh không cho quân giặc bắt được vị chỉ huy pháo đài thành lũy.

Vì thế mà sau này trong dân gian nhiều nơi bà con ta vẫn truyền tụng bài thơ “Hà Thành Chính Khí Ca”- để ca ngợi tấm gương tiết tháo anh hùng của ông.

Chuyện của ông có chi tiết này mà chỉ gần đây tôi mới được biết đến – đó là do một hậu duệ của cụ Phạm Phú Thứ thuật lại. Xin lược ghi lại như sau:

Khi được triều Huế cử ra nhậm chức Tổng Đốc Hà Thành ngòai miền Bắc, cụ Hoàng Diệu đã đến thăm và vấn kế bậc đàn anh và cũng là người đồng hương từ đất Quảng Nam với mình: đó là cụ Phạm Phú Thứ người đã cùng với cụ Phan Thanh Giản đi sứ qua Pháp vào năm 1864 để bàn thảo chuyện thương thảo ngọai giao giữa hai nước Việt và Pháp sau khi quân Pháp đánh chiếm đất Nam Kỳ vào năm 1860 – 61. Cụ Phạm lúc đó đã nghỉ hưu, nhưng cũng giúp cụ Hoàng bằng cách phân tích chi tiết về tương quan thế lực giữa bên Việt nam và bên phía quân Pháp. Cụ Phạm kết luận là nhiệm vụ của vị Tổng Đốc Hà Thành thật là nặng nề khó khăn lắm đấy.

Cuộc hội kiến giữa hai cụ Hòang và Phạm chấm dứt. Trước khi vị khách ra về, hai vị chủ và khách đều “LạyTạ nhau” lúc từ biệt. Xin ghi rõ là hai cụ Lạy Tạ nhau, chứ không phải là vái, là xá nhau theo như lối chào hỏi xã giao thường lệ. Vì lý do là cả hai cụ đều biết rõ là vị Tổng Đốc Hà Thành sẽ phải đi vào chỗ chết, vì không có cách nào mà chống trả nổi thế lực quá ư hùng hậu mạnh mẽ của quân Pháp. Và đó là cử chỉ bày tỏ sự Vĩnh biệt giữa hai người bạn thân thiết quý trọng lẫn nhau. Mà cũng đúng như lịch sử đã ghi lại rành rành là: “Tổng Đốc Hòang Diệu đã phải tuẫn tiết sau khi Hà Thành thất thủ về tay quân xâm lược – lúc ông mới có ngoài 50 tuổi.”

Thành ra cụ Hoàng Diệu, dù biết trước nỗi hiểm nguy của chức vụ trấn thủ thành Hanoi, thì cụ cũng không hề nhát gan khiếp nhược để mà thóai thác cái nhiệm vụ này. Mà trái lại cụ vẫn lên đường và sẵn sàng đi vào cõi chết để giữ vững tiết tháo trung trinh của bản thân mình đối với đất nước – cũng như để bảo tồn được danh dự cho giống nòi.

Vào năm 1928, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổng Đốc Hoàng Diệu (1828 – 1928), nhà báo Phan Khôi là người cháu ngọai của cụ đã cho phổ biến rộng rãi trên báo chí nguyên văn bài hùng sử ca “Hà Thành Chính Khí Ca” – mà trước đó chỉ mới được phổ hạn chế trong dân gian theo lối truyền khẩu mà thôi.

Nhân tiện cũng xin ghi là khí phách rạng ngời của nhà báo kỳ cựu Phan Khôi trong vụ đòi tự do dân chủ thời phong trào Nhân Văn Giai Phẩm hồi năm 1955 – 1957 ở miền Bắc – thì chắc chắn là phải bắt nguồn từ cái truyền thống anh hùng bất khuất của Vị Tổng Đốc Hà Thành vốn là ông ngọai của nhà báo. Quả thật Phan Khôi là một hậu duệ rất xứng đáng của Tổng Đốc Hòang Diệu vậy.

Costa Mesa, California, Mùa Vu Lan Quý Tỵ 2013

RƯỢU MỚI CỦA CHÚA THÁNH THẦN.

RƯỢU MỚI CỦA CHÚA THÁNH THẦN.
Gioan Nhật Trân.

Người ta thường đặt câu hỏi , Canh Tân Đặc Sủng có
thực sự làm nên một luồng gió mát cho Giáo Hội không ? Những người trong ơn
Thánh Linh có nhiều cử chỉ khác lạ có thực sự sống trong ân sủng Thánh
Linh như thời giáo hội sơ khai ? Có ai cần đến cách sống cổ xưa, nặng về Kinh
Thánh, chiêm niệm , chay tịnh trong một thế giới văn minh , tiện lợi, nhanh nhạy
cùng với một hệ thống  truyền thông vượt qua mọi biên giới của thời hiện đại

– Sống đạo kiểu Thánh Linh có là một hình thức mê tín hoặc quá độ không ?
Ca ngợi Chúa một ngày mấy tiếng đồng hồ có làm cho trí khôn mình ra ngây dại không ?
Để có thể tìm trả lời cho các câu hỏi quan trọng này , tôi đã cầu xin Chúa cho mình trải nghiệm ơn Chúa Thánh Linh một cách trực tiếp và sau đó có thể làm chứng, thậm chí bạch hóa về những kinh nghiệm của mình đối với Nhóm Canh tân đặc sủng Công Giáo.
Khi đó là vào năm 2008 , Tôi đi dự tĩnh tâm Canh Tân Đặc Sủng tổ chức tại Gx . Đó là một kỳ tĩnh tâm sốt sắng kéo dài 3 ngày . Tôi quyết xin Chúa cho tôi từng trải về ơn Chúa Thánh Linh , bằng cách ăn năn thống hối và mời Chúa đến thăm viếng và ngự lại làm chủ cuộc đời của tôi, xin Ngài mang đến cho tôi những kinh nghiệm mới mẻ về Chúa Thánh Linh. Nói thì dễ nhưng được Chúa thương đoái đến không phải dễ khi mà lòng tôi còn chất chứa các oán hận, đam mê, và sự yếu lòng chiều theo dịp tội. Rất khó để có kinh nghiệm viếng thăm của Chúa, đã một làn tôi không toại nguyện vào năm 1975 , khi tôi tham dự tĩnh tâm tại Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng , Sài Gòn , khi đó tôi mới có 18 tuổi và còn nhiều điều chưa thông. Lần này coi bộ tình trạng cũng giống như lần trước.
Túng thế , tôi đã dùng một cách khá táo bạo, cách tôi mời gọi Chúa viêng thăm mình là “thách thức Chúa”. Sau khi tôi cầu nguyện mãi mà không được Chúa đụng chạm thì tôi đã thưa với Chúa:
– Lạy Chúa con tuy bất xứng và lòng chất chứa các ngang trái , làm cản trở sự ăn năn của con khiến Chúa không thăm viếng con , nhưng nay con thốt lên nếu ơn Thánh Linh là có thật thì Chúa hãy đến chiếm đoạt con cho Chúa Cha đi.
… Bạn biết chuyện gì xảy ra cho tôi không , tôi đã ngả ra , an nghỉ trong Chúa khi Cha đến đặt tay. Nằm trên mặt đất , nước mắt tôi trào ra, tôi ước ao mình không còn phạm tội và làm mất Chúa nữa, tôi cầu xin Chúa đừng để cho Hội Thánh có them một bộ phận khong tinh sạch trong thân thể Giáo Hội nữa. Lòng tôi thiết tha mong Chúa làm chủ đời mình. Trong khi tâm trí chìm đắm trong những ước ao đó thì miệng tôi bắt đầu phụ họa theo bằng những tiếng lạ, càng tha thiết trong lòng thì miệng càng thốt lên, lớn giọng hơn, tôi đã cầu nguyện lien lỉ trong 30-40 phút . Có lẽ chưa bao giờ tôi cầu nguyện lâu như vậy trong đời mình. Sự ngã xuống này bắt đầu cho những ngày tháng mới của đời tôi, đã có thật nhiều thay đổi liên tiếp xảy ra:
  1. 1. Khi tôi trở về nhà, trong một buổi cầu nguyện khuya với Chúa thì ơn cầu nguyện tiếng lạ đã trỏ lại, ơn này có các đặc điểm sau: chỉ khi nào mình thiết tha cầu nguyện với hết tâm tình yêu mến biết ơn Chúa nhân từ , hết trí khôn cảm phục uy quyền của Chúa Giê Su và nhận chân vẻ đẹp của Ngài , hết ý chí ước mong điều tốt cho mình hoặc cho Anh Em thì khi đó tiếng lạ mới bật lên, càng hết linh hồn trong ý cầu nguyện thì tiếng lạ càng mạnh mẽ và cao giọng. Không bao giờ ở trong tình trạng phạm tội , mất ơn nghĩa với Chúa mà tôi lại có thể cầu nguyện bằng tiếng lạ! Cầu nguyện tiếng lạ bao giờ cũng đòi hỏi nơi tôi một sự kết hợp sốt sắng và thân mật với Chúa.
  2. 2. Điều thay đổi đáng chú ý nhất là lòng mình dâng lên niềm tin yêu dành cho Chúa GieSu một cách cụ thể , sống động và say đắm . Khi trước mình tin Đạo bằng suy luận , bằng ý chí gượng ép, mình yêu Chúa có khi vì cơ hội được nhờ vả , yêu để Chúa đáp lại lời cầu xin, còn thực ra thì lòng mình dù nhiều, dù ít cũng đều cảm thấy Chúa Giê Su khá xa xôi và trừu tượng. Nhưng nay, sự Tin Yêu Chúa của tôi dành cho Chúa là Tin Yêu dành cho “người yêu” nhất đời của mình, tình yêu này có tính dâng hiến , và không hề thiếu nét thơ mộng nó giống như lời nhận xét của Thánh Phê-rô : “Ðấng anh em không thấy mà yêu, và hiện không giáp mặt mà tin, mà hớn hở vui mừng, cái vui khôn tả và rạng rỡ vinh quang” (I Phê-rô 1: 7). Tình yêu này giúp tôi hiểu được tại sao các Thánh ngày đêm ca ngợi chuyện trò với Chúa , làm tôi hiểu ra tại sao Đức Giáo Hoàng Benedicto VI đã muốn từ chức để ngày đêm kết hợp với Chúa trong suy niệm và ca ngợi.
Có khi tôi tự hỏi mình nếu không có Chúa, không có tình yêu của Chúa, không có công lý và lòng thương xót của Chúa tôi có còn ham sống không ? Tôi có còn muốn sống không và Tôi có thể sống nổi không? Đã có một mối quan hệ thân tình với Chúa cùng với một đức Ái sinh động .
  1. 3. Nhưng sự thay đổi mà tôi thích nhất là tinh thần mới mẻ của một đời sống mới , đời sống trong Chúa Thánh Linh, đặc điểm của đời sống này là : hoàn toàn đầu phục Chúa , và kết hợp với Chúa khi mà những vướng mắc của tục lụy và đam mê của trần gian đã gần như bị lột bỏ, cùng với những thói hư , tật xấu như bị tan rữa đi, giống như là có một giòng suối mát từ Chúa tuôn đổ ngày đêm trong hồn tôi , ân sủng này không chỉ làm tươi mát , tỉnh táo cả người mà còn có tác dụng rửa sach các bợn nhơ , các đam mê , ham muốn xấu hằng làm giặc trong lòng tôi .Tự lòng Ngài có những sông tuôn chảy nước sinh sống. Ðiều ấy, Ngài nói về Thấn khí các kẻ tin vào Ngài sẽ lĩnh lấy (Gioan 7: 38).
Giòng nước mát của Chúa làm cho tôi xem nhẹ và quên hầu hết các thú vui , kể cả lợi , danh ở đời và sẵn sang chấp nhận làm một người vô danh tiểu tốt miễn là Danh Cha cả sáng trong đời sống của mình. Đã có đời sống mới lớn lên mạnh mẽ nhờ Chúa Thánh Linh.
  1. 4. Mỗi khi các nhọc nhằn , bon chen ở đời làm cho tôi trở nên lem luốc thì với sự ăn năn và Ca Ngợi Chúa, tôi lại được tẩy sạch và tắm mát trong dòng suối mát ân sủng và trở nên nhẹ lâng lâng, tươi tỉnh, lúc nào cũng có thể nhoẻn miệng cười hết mức. Điều này có lợi trực tiếp cho sức khỏe của tôi , bạn bè ai cũng nói tôi vui vẻ hơn trước nhiều và còn trẻ trung hơn tuổi , nụ cười của tôi làm lây thiện cảm và niềm vui cho người thân quen mà tôi gặp gỡ. Tôi chợt nhận ra ca ngợi , kết hợp với Chúa là hơi thở của đời sống mà không có nó thì linh hồn sẽ khô cằn và chết ngạt, thật là ngạc nhiên nếu có ai ở trong ơn Thánh Linh mà không cần ca ngợi Chúa! Có một chuyện vui là khi đó tôi có một trận cãi vã kịch liệt vởi Vợ, tưởng là không còn muốn thấy mặt , sau khi tôi phạm vào lỗi nay, dĩ nhiên Chúa không them nói chuyện với tôi nữa và khi tôi ca ngợi Chúa trong vòng năm phút Chúa làm cho tôi nhận ra lỗi của mình. Áy náy và có sự can đảm Chúa ban thì tôi đã có thể đi ra , xin lỗi và hôn tay vợ. Chỉ có Chúa mới có thể mang đến sự thay dạ đổi lòng cho tôi, trong vòng 5 phút như thế mà thôi.
Đã có sự thờ phượng , ca ngợi Chúa với cả tâm hồn
  1. 5. Sự ca ngợi thờ phượng Chúa cùng với các Anh Chị Em trong Nhóm rất đẹp lòng Chúa , nhất là trong các buổi tĩnh tâm Thánh Linh cùng với các Cha đáng quí mến của Canh Tân Đặc Sủng , đã có nhiều khi, chúng tôi say sưa ca ngợi Chúa, rồi được Chúa viếng thăm , bằng chứng về sự hiện diện của Chúa là nhiều quà tặng mà Chúa ban cho : khi thì cho một người có bịnh nan y được lành tức khắc , khi thì một người trùm băng đảng được ơn trở lại yêu mến Chúa và tha nhân, ngay trong lúc chúng tôi còn đang say sưa ca hát. Thường khi Chúa đến thăm thì bao giờ Chúa cũng mang theo một món quà nào đó. Có hôm chúng tôi thường nói đùa , Chúa cho một cục kẹo tức là môt người được khỏi binh vể phần xác, còn khi chúng tôi nói văn vẻ , Chúa cho một tặng phẩm (lớn) tức là một linh hồn được ơn quay về với Chúa… Đã có sự linh nghiệm trong lời Ca ngợi Chúa
  1. 6. Nhờ Cha Đinh Thanh Sơn hướng dẫn trong môt buổi tĩnh tâm nọ , tôi ý thức được là mình có thể nhờ danh Chúa Giê Su mà xua đuổi các mưu mô của Quỉ dữ và cầu xin phước lành cho Anh Em mình. Mỗi khi trong thân xác hay trong tâm trí có các cám dỗ về xác thịt nếu khi đó tôi đang trong ơn nghĩa với Chúa , tôi chỉ cần gọi tên Chúa Giê Su kính yêu thì bao nhiêu xáo trộn của cơ thể sẽ tan biến tức khắc, bao nhiêu hình ảnh xấu trong tâm trí sẽ bị tan biến ngay như bong bóng xà phòng vỡ. Điều này không chỉ xảy ra với tôi, mà còn nơi các bạn trẻ khác trong nhóm.
Đã có vinh quang của Chúa trong đời sống mình.
  1. 7. Tôi còn được các trải nghiệm khác nữa mà khi kể ra thì sẽ cần nhiều trang, bài chia xẻ khác nữa. Xin tóm tắt một số như sau :
    1. a. Lúc nào mình cũng muốn cầu nguyện và xót xa với các các khó khăn , đau khổ của anh em nghèo khổ.
    2. b. Chúa chỉ dậy cả những điều lỗi nhỏ trong quá khứ cách đây có đến 35 năm vể trước, mình cũng bừng nhở lại và xin lõi làm hòa với người mà mình có lỗi vì Chúa yêu ai thì ngài “ tỉa tót nhánh cho càng nảy sinh nhiều hoa trái “.
    3. c. Tôi không còn ngán ngại việc cầu nguyện vì khi cầu nguyện là lúc tôi được gặp gỡ Chúa , giống như nhiều Anh Chị Em khác trong Nhóm, tôi có thể cầu nguyện nhiều giờ , cầu nguyện qua đêm.
    4. d. Trong lòng lúc nào cũng thao thức được làm chứng về Chúa cho anh em dù đây là việc mà trước đây tôi vốn ngán ngại nhất.
    5. e. Nhiều khi cái tôi hoàn toàn tan biến , không còn là Tôi của mặt mũi , của danh vọng , tiếng tăm , … nữa. Khi đó lòng chỉ còn một ước vọng là hoàn toàn theo thánh ý của Chúa. Mặc dù trước đây , tôi cố gắng rất nhiều nhưng không làm sao tiêu diệt được “cáiTôi” to cỡ mặt trời, nay thì không cần cố gằng gì cả , nó tự tan biến đi…
    6. f. Không những thế, Chuá còn cho thêm của cải vật chất đủ dùng nữa , Job của tôi , của vợ , con tôi đều được ưu đãi quá mức mà ai cũng phải công nhận là quá tốt, thật đúng như câu kinh thánh : Với những ai yêu mến Thiên Chúa, thì Người đồng công cộng tác biến mọi sự nên lành (Roma8:28b) .
Tôi biết mình còn xa mới đạt tới được sự thánh thiện của các Thánh trên đường trọn lành, nhưng tôi có được nếm trải rượu mới của Chúa Thánh Thần, và được biến đổi , thành một tạo thành mới khác xa con người cũ khi xưa của tôi. Cho nên ai ở trong Ðức Kitô, kẻ ấy là tạo thành mới: cũ đã qua đi, và này mới đã thành sự! (IICor 5:17)
Các bạn ơi , nếu Bạn đã nếm rượu mến của Đức Thánh LInh xin bạn hãy kể về các trải nghiệm của Bạn, những trải nghiệm còn ngoạn mục hơn nhiều, để cho tôi và mọi người được mục kích Tình thương tuyệt vời của Chúa kính yêu dành cho con người chúng ta và được dịp chiêm ngắm vinh quang đẹp đẽ của Chúa.
Còn đối với các Bạn chưa ở trong ơn Chúa Thánh Linh , tôi xin được đề nghị rằng, các bạn có thể thử nghiệm như tôi , có thể cách đó là đúng nhất để mình nhận xét về một ơn, hay vể một quà tặng nào, là đồ thật hay của giả khi ta nếm thử, sử dụng thử và có kinh nghiệm về điều đó.

NÉT ĐẸP ĐỜI LINH MỤC

NÉT ĐẸP ĐỜI LINH MỤC


LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J


Cuộc sống quanh ta với biết bao là nét đẹp.  Nét đẹp của hoa cỏ đồng nội.  Nét đẹp của trăng sao, cá nước chim trời.  Nét đẹp của những cánh đồng mênh mông bát ngát, hay nét đẹp của những dòng sông hiền hòa, trĩu nặng phù sa.  Nét đẹp của thiên nhiên và nét đẹp của con người.  Đó là nét đẹp của trí tuệ, nét đẹp về hình thể, nét đẹp của lòng nhân ái bao dung, nét đẹp trong những lời thơ, tiếng hát v.v…  Thế nên, một nhạc sĩ đã từng viết: “Cuộc đời quanh ta có biết bao là nét đẹp.”  Vậy những nét đẹp của đời linh mục là gì?  Tại sao đời linh mục lại có những nét đẹp như thế?

Trong một bài viết đã lâu, linh mục Anthony Đào Quang Chính, OP, có đề cập đến 6 niềm vui sướng và 5 niềm khổ đau trong đời linh mục: “Cái sướng thứ nhất là được gọi bằng “cha”; thứ hai là được bài hát nào đó ca tụng rằng: Chúa chọn con lên hàng khanh tướng; thứ ba là nghe tội người khác; thứ tư là ngồi chỗ kính trọng; thứ năm là không bị lo lay-off, nghĩa là thất nghiệp; và thứ sáu là cha nói một tiếng bằng chúng con nói mười tiếng.” Suy cho cùng, những niềm vui sướng ấy chỉ dừng lại ở khía cạnh hình thức bên ngoài mà thôi.  Những niềm vui sướng ấy không nói lên những nét đẹp nơi căn tính và sứ vụ của người linh mục.  Căn tính sâu xa của đời linh mục đó chính là nét đẹp của tâm linh, nét đẹp của sẻ chia, nét đẹp của tha thứ, và nét đẹp của hy sinh.

Nét đẹp của tâm linh
Linh mục là con người của cầu nguyện, là thầy dạy về cầu nguyện.  Là con người của cầu nguyện, linh mục nguyện gẫm, suy niệm Lời Chúa, giảng dạy Lời Chúa, viếng Chúa, Chầu Thánh Thể và dâng Thánh lễ mỗi ngày.  Đó là những nét đẹp tâm linh trong đời linh mục.

Mỗi lần nguyện gẫm, linh mục có thời gian nhìn lại chính mình, nhìn lại mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa, hay mối tương quan giữa mình với giáo dân.  Mỗi lần suy niệm hay giảng dạy Lời Chúa, linh mục phải là người để Lời Chúa soi sáng, dẫn đường để rao giảng những lời của an ủi yêu thương, những lời của sự thật và sự sống.  Mỗi lần viếng Chúa, chầu Thánh Thể, linh mục quỳ gối thinh lặng, cầu nguyện và chiêm ngắm Thánh Thể là bí tích của tình yêu, một tình yêu cao trọng, một tình yêu đến cùng mà Chúa Giêsu, vị linh mục thượng phẩm đời đời đã dành cho nhân loại.  Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần linh mục hiệp cùng hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá, để dâng cả những suy nghĩ, dự định, ước muốn; dâng cả những lỗi lầm, bất xứng trong đời linh mục lên cho Thiên Chúa Cha, để cầu nguyện cho bản thân, nhất là cầu nguyện cho những đau khổ của đoàn chiên mà Chúa trao phó.

Nét đẹp của sẻ chia
Nhiều bổn đạo đau khổ, tuyệt vọng bởi những biến cố đau thương giữa đời thường.  Họ tìm đến nhờ linh mục cho những lời khuyên, giúp lời cầu nguyện để vượt qua những khó khăn và thử thách.  Đau khổ về tinh thần lẫn vật chất.  Nhiều bà con vướng vào cảnh nợ nần, hoặc quá nghèo tìm đến với linh mục, nói thật những đau khổ ấy với linh mục, họ hy vọng được ngài sẻ chia.  Có cha mẹ nào lại không thương những đứa con đang hoạn nạn, nghèo túng của mình.  Vì vậy, người linh mục luôn đồng cảm với những nỗi thống khổ của nhiều bổn đạo trong giáo xứ mà ngài coi sóc.  Cha giúp lời cầu nguyện. Cha thăm viếng động viên.  Thậm chí cha giúp một chút tiền để họ vượt
qua khủng hoảng và bế tắc.  Vì vậy, linh mục là người “bị ăn”, là tấm bánh được bẻ ra để phân phát cho những ai đang đói khát.

Nhiều linh mục tổ chức mời đoàn bác sĩ ở thành phố về nhiều giáo xứ tỉnh lẻ ở thôn quê để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con giáo dân.  Nhiều linh mục tổ chức những đợt phát quà cho bà con giáo dân nghèo mỗi dịp Giáng sinh hay Tết đến.  Nhiều linh mục tổ chức những đợt phát học bổng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn nhưng chăm chỉ học hành.  Gia đình nào có tang chế, linh mục đến hiệp dâng Thánh lễ, cầu nguyện và chia sẻ sự mất mát lớn lao.  Đó là những nét đẹp của sẻ chia và yêu thương trong đời linh mục.

Nét đẹp của tha thứ
Theo gương Chúa Giêsu, người linh mục là con người của tha thứ.  Ngài tha thứ cho những bổn đạo nói xấu, chỉ trích, lên án mình.  Ngài tha thứ cho nhiều hối nhân nơi tòa giải tội.  Ngài tha thứ cho những lầm lỗi, thiếu sót cho bà con đang làm việc trong các hội đoàn.  Đó là nét đẹp của lòng bao dung.  Vì yêu thương con cái nên cha mẹ sẵn sàng tha thứ, không chấp nhất những lỗi lầm, khuyết điểm của con. Vì yêu thương đoàn chiên nên người linh mục luôn đón nhận tất cả vào vòng tay nhân ái của người mục tử nhân lành.

Vì vậy, nơi nét đẹp của tha thứ, mỗi Kitô hữu chúng ta còn khám phá ra nơi khuôn mặt của mỗi linh mục sự hiền lành và phúc hậu.  Nét đẹp ấy đã giúp nhiều hối nhân lấy lại niềm tin yêu và cậy trông vào Thiên Chúa.  Cả thế giới vô cùng cảm kích trước nghĩa cử Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tới một nhà tù, thăm hỏi và tha thứ cho người thanh niên bắn những phát súng để ám sát ngài.  Phải chăng đó là nghĩa cử xuất phát từ những gì Chúa Giêsu đã dạy và đã sống?

Nét đẹp của hy sinh
Làm linh mục đòi hỏi phải có sự hy sinh.  Hy sinh thời gian, sức khỏe; hy sinh những phút thư giãn của bản thân để phục vụ nhu cầu tâm linh của nhiều bà con bổn đạo; hy sinh sống đời độc thân không có vợ con để dành trọn thời gian và công việc cho việc phục vụ Giáo hội và mọi người.  Bởi vậy, nét đẹp của hy sinh được kết nên bởi những từ bỏ trong đời linh mục.  Người linh mục đúng nghĩa phải là một con người của sự từ bỏ của cải vật chất, từ bỏ những quyến luyến của tình cảm, của đam mê xác thịt, hay từ bỏ những cám dỗ quyền lực, danh vọng để sống đơn sơ, thanh thoát và dấn thân cho sứ vụ mục tử.

Tình yêu đòi hỏi phải có hy sinh.  Hy sinh càng nhiều tình yêu càng có ý nghĩa và đúng nghĩa.  Tuy nhiên, ngày nay, tâm lý tự nhiên ai cũng sợ hy sinh và từ bỏ.  Người linh mục sợ hy sinh vì thấy lòng mình chưa thật sự từ bỏ dứt khoát những lôi cuốn của sự đời.  Người linh mục sợ cô đơn vì động lực dấn thân vì lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội chưa thật sự mạnh mẽ.  Vì vậy, tận trong sâu thẳm cõi lòng, nhiều linh mục vẫn chân nhận rằng mình cảm thấy cô đơn và đấu tranh với những phân mảnh trái ngược nhau diễn ra trong tâm hồn như trong “Lời Kinh Chiều Chúa nhật”, Linh mục Michel Quoit đã viết: “Lạy Chúa, chiều nay chiều Chúa nhật, một mình con quỳ đây đối diện với ngọn đèn chầu, đối diện với Thánh Thể Chúa.  Giờ này, nhiều gia đình đang sum họp ăn uống, cười nói vui vẻ bên nhau, còn con thì lặng lẽ âm thầm cầu nguyện với Chúa.  Con bắt tay nhiều người nhưng không giữ lại một bàn tay nào cho riêng mình.  Con tiếp xúc với nhiều trẻ con, nâng niu và vui đùa với chúng.  Nhưng lạy Chúa, đó là những đứa trẻ của người khác chứ không phải là của con.  Con giơ tay ban phép lành xá tội cho nhiều người, nhưng những tội đời của con thì chỉ có Chúa mới hiểu mà thôi… Lạy Chúa, làm linh mục có những phút giây cô đơn rất thật như thế, nhưng con tin rằng những phút giây ấy là cơ hội để con trắc nghiệm lại động lực ơn gọi dấn thân trong sứ vụ đời mình.”

Tóm lại, trong cuộc đời này cái gì cũng đều có hai mặt.  Đời linh mục cũng vậy.  Nhiều bậc cha mẹ muốn con đi tu làm linh mục cho sướng cái thân, ra đời lăn lộn kiếm tiền, vất vả khổ cực lắm!  Nhưng họ đâu biết rằng, đằng sau những hào nhoáng, sung sướng bên ngoài ấy, người linh mục hằng ngày phải chiến đấu với bản thân, chiến đấu trong lời kinh, nguyện cầu.  Làm linh mục có nhiều cái sướng nhưng khổ đau cũng không phải là ít, thậm chí khổ nhiều hơn sướng.  Thế nhưng, nhờ những nét đẹp tâm linh, nét đẹp của sẻ chia, nét đẹp của tha thứ, hy sinh mà người linh mục có thêm động lực tình yêu để sống trọn vẹn trong ơn gọi.  Những nét đẹp đời linh mục cho thấy Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng của niềm vui, của niềm tin yêu và hy vọng cho thế giới hôm nay.


LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J

From: ngocnga_12

Lần đầu tiên có bằng cử nhân Việt Ngữ tại Hoa Kỳ

Lần đầu tiên có bằng cử nhân Việt Ngữ tại Hoa Kỳ
Bà Natalie Trần (trái) là đồng chủ tịch Hội đồng Cố vấn Giáo dục Mỹ - Việt của Đại học Cal State Fullerton.
Bà Natalie Trần (trái) là đồng chủ tịch Hội đồng Cố vấn Giáo dục Mỹ – Việt của Đại học Cal State Fullerton.
26.08.2013
Một trường đại học của Hoa Kỳ đang gấp rút chuẩn bị các chương trình đào tạo cử nhân Việt Ngữ để giúp các sinh viên có hành trang tốt hơn khi hòa nhập với cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ cũng như ở các nước khác.

Đại học Cal State Fullerton tại tiểu bang California hiện đang chuẩn bị cho 3 chương trình giảng dạy gồm chương trình bằng cử nhân Việt Ngữ, chương trình sư phạm giảng dạy Việt Ngữ và chương trình song ngữ Việt – Anh.

Bà Natalie Trần, giảng viên tại trường này, cho VOA Việt Ngữ biết rằng bà cảm thấy có trách nhiệm tham gia và đóng góp cho chương trình này vì bà là người Mỹ gốc Việt.

Bà nói: “Cộng đồng người Việt Nam sống tại hải ngoại đã được 38 năm. Chương trình này giống như một ước mơ, và một hoài bão của nhiều người trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Cộng đồng Việt Nam ở quận Cam có một số lớp Việt Ngữ đang dạy trong các trường công lập nhưng mà đa số các thày cô dạy các lớp này có chứng chỉ dạy các môn khác như toán, lý hay hóa. Hiện giờ chưa có chương trình nào đào tạo cho giáo viên có kinh nghiệm và kiến thức để dạy các chương trình Việt Ngữ. Thì đây sẽ là chương trình đầu tiên”.
Cộng đồng người Việt Nam sống tại hải ngoại đã được 38 năm. Chương trình này giống như một ước mơ, và một hoài bão của nhiều người trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.
Bà Natalie Trần nói.
Đây được coi là chương trình đào tạo cử nhân Việt Ngữ đầu tiên và duy nhất ở Mỹ hiện nay và sẽ chính thức nhận học viên vào năm 2014.

Bộ Giáo dục Mỹ đã hỗ trợ một khoản ngân quỹ để Đại học Cal State Fullerton thực hiện các chương trình vừa kể.

Dân biểu Ed Royce, một nhà lập pháp quan tâm tới tình hình Việt Nam và là một cựu sinh viên của Đại học Cal State Fullerton, được cho là người đã có công giúp trường này giành được khoản ngân quỹ thực hiện chương trình đầu tiên là hơn 200 nghìn đôla.

Với số lượng người Việt tại Mỹ tập trung nhiều nhất ở California, hiện có nhu cầu lớn học tập Việt Ngữ tại bang này.

Bà Natalie nói Việt Ngữ rất quan trọng đối với cộng đồng tại đây, nhất là những người trẻ tuổi.

Bà nói: “Vấn đề ngôn ngữ rất là quan trọng và cần thiết. Khi mà các em có được hai ngôn ngữ thì các em có rất nhiều lợi ích cho cộng đồng của chúng ta cũng như cho cộng đồng Mỹ. Thứ nhất là vấn đề tìm việc làm có thể dễ dàng hơn.Thứ nhì là tiểu bang California cần một lực lượng lao động không những có kiến thức văn hóa mà còn biết cả ngôn ngữ về Việt Nam để sử dụng hàng ngày đồng thời tăng cường khả năng đóng góp cho cộng đồng”.

Việc thành lập Hội đồng Cố vấn Giáo dục Mỹ – Việt của Đại học Cal State Fullerton mà bà Natalie là đồng chủ tịch được coi là một bước quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho chương trình đào tạo.
Natalie cũng nhận được rất nhiều đóng góp ý kiến từ các vị không những trong cộng đồng Việt Nam tại Quận Cam mà còn từ các tiểu bang khác mà còn từ nươc khác như Úc hay Canada, nơi cộng đồng Việt Nam sinh sống.
Bà Natalie Trần.
Các thành viên của hội đồng này bao gồm nhiều thành phần trong cộng đồng người Việt, trong đó đa phần là những người làm việc trong ngành giáo dục.

Bà Natalie cho biết các thành viên của hội đồng đã có những đóng góp nhằm hình thành chương trình giảng dạy cử nhân Việt Ngữ.

Nữ giáo sư này cho hay, cộng đồng người Việt nói chung phản ứng tích cực trước tin sẽ có chương trình đào tạo cử nhân Việt Ngữ.

Bà Natalie nói: “Trong thời gian 6 tháng nay, khi mà Natalie đi ra tiếp xúc với cộng đồng thì cảm thấy cộng đồng của mình hết sức nỗ lực hỗ trợ cho 3 chương trình này, như là về phương diện truyền thông cũng như là về phương diện phân phối chia sẻ tin tức cần thiết cho chương trình này cho các hội đoàn và các tổ chức. Natalie cũng nhận được rất nhiều đóng góp ý kiến từ các vị không những trong cộng đồng Việt Nam tại Quận Cam mà còn từ các tiểu bang khác mà còn từ nươc khác như Úc hay Canada, nơi cộng đồng Việt Nam sinh sống”.

Ngoài ngôn ngữ, theo bà Natalia, các sinh viên cũng sẽ được giảng dạy về cả văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Giới chức của trường báo chí địa phương hay rằng họ hy vọng sẽ đào tạo được khoảng 100 sinh viên thuộc cả 3 chương trình mỗi năm.