Khủng Hoảng trong Đảng đã hết thuốc chữa chưa?

Theo Đài BBC và Báo Chí Quốc Tế

Hãng tin Reuters: Chủ tịch nước Việt Nam từ chức, đặt ra câu hỏi về sự ổn định

Hãng tin NBC: Các nhà đầu tư và nhà ngoại giao nước ngoài đã nhiều lần đổ lỗi cho chiến dịch này đã làm chậm lại các quyết định ở một đất nước vốn đang phải vật lộn với bộ máy quan liêu cồng kềnh.

Viện Chiến Lược Úc: Cuộc loại bỏ Thương đã diễn ra sau hai tháng đồn đoán – một số đã được truyền thông nước ngoài đăng tải – về tình trạng hỗn loạn trong giới lãnh đạo (Hà Nội).

 

Nikkei Á Châu: Những người lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam bị lật đổ khiến Hà Nội mất phương hướng về kinh tế. ‘Tứ trụ’ của chính phủ giảm xuống còn hai trong (cái gọi là) nỗ lực chống tham nhũng. 

… Sự thay đổi mới nhất trong giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam có thể làm dấy lên mối lo ngại mới về sự ổn định chính trị ở trung tâm sản xuất Đông Nam Á, nơi phụ thuộc nhiều vào đầu tư và thương mại nước ngoài.

 

Hãng tin CNN: Tuyên bố của Chính phủ không nói rõ những khuyết điểm của (chủ tịch nước) Thương, nhưng những thay đổi lãnh đạo lớn ở nhà nước độc đảng gần đây đều liên quan đến chiến dịch chống hối lộ “đốt lò” trên diện rộng. Nó nhằm mục đích dập tắt nạn tham nhũng tràn lan nhưng cũng bị các nhà phê bình nghi ngờ là một công cụ để đấu đá chính trị.

Nikkei Châu Á: Việt Nam đang mất dần sức hấp dẫn là mảnh đất có sự lãnh đạo ổn định, đủ năng lực.

Thời Báo Nữu Ước:Việc Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ chức gây ra sự hỗn loạn chính trị mới.

Báo Gazette: Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, cho biết: “Nó cũng làm nổi bật sự bất ổn cực độ trong một môi trường chính trị thường được ca ngợi về sự ổn định của nó, khi ba nhà lãnh đạo hàng đầu đã bị sa thải chỉ trong một năm”. Nhà phân tích Giang cho biết Huệ trước đây được coi là người có khả năng kế nhiệm Trọng. Ông nói: “Sự sụp đổ của ông ấy sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kế nhiệm ở Việt Nam”.

Kỹ thuật đầu tuần: Phi thuyền thám hiểm mặt trăng loại mới của NASA

Tổng hợp báo chí khoa học

NASA vẫn hy vọng sẽ cẩn thận hạ các phi hành gia xuống bề mặt mặt trăng từ tàu Starship của SpaceX, đánh dấu sự trở lại thành công của con người trên bề mặt của nguyệt tinh sau hơn nửa thế kỷ. Đó là theo kế hoạch hiện tại, với sứ mệnh Artemis 3, NASA đang tìm cách phóng một phi hành đoàn bốn người lên Mặt trăng sớm nhất là vào năm 2026 trên tàu Orion và sau đó hạ cánh xuống bề mặt trên một Starship.

NASA công bố kết xuất mới về tàu vũ trụ của SpaceX hạ cánh trên bề mặt Mặt trăng

NASA đã chọn trong các giải pháp cho Hệ thống Hạ cánh Con người (HLS) của hai hãng chế tạo Blue Origin và SpaceX để bắt đầu công việc thiết kế và phát triển ban đầu các phiên bản tàu chở hàng đổ bộ (mặt trăng) của họ, chúng có thể chở một lượng lớn hàng hóa lên bề mặt mặt trăng.

Tàu đổ bộ Blue Origin Blue Moon

Tàu đổ bộ Mặt trăng  của Blue Origin sẽ chở các phi hành gia đáp xuống, trong sứ mệnh Artemis 5. ảnh minh họa của hãng Blue Origin. NASA đã đề cập đến công việc này trong một thông báo ngày 9 tháng 1.

NASA cho biết,  “NASA hy vọng những tàu đổ bộ chở hàng lớn này có tính tương đồng cao với các hệ thống hạ cánh của con người đang hoạt động với những điều chỉnh về giao diện tải trọng và cơ chế triển khai”. “Các yêu cầu thiết kế sơ bộ bao gồm việc vận chuyển 12 đến 15 tấn lên bề mặt mặt trăng.”

… Tàu đổ bộ chở hàng sớm nhất sẽ được sử dụng là Artemis 7, một sứ mệnh dự kiến ​​​​không sớm hơn đầu những năm 2030.

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đang trong giai đoạn đầu phát triển Argonaut, tàu đổ bộ chở hàng mà ESA đang đề xuất cung cấp cho các sứ mệnh Artemis trong tương lai. Argonaut, theo thiết kế hiện tại, sẽ chở khoảng hai tấn hàng hóa, ít hơn nhiều so với những gì NASA đang đề xuất với các biến thể HLS chở hàng.

ESA - Argonaut

Tàu vận chuyển hàng Argonaut của ESA, cơ quan vũ trụ Âu Châu

Tàu vũ trụ Argonaut có ba thành phần chính: bộ phận hạ cánh mặt trăng đảm nhiệm việc bay lên Mặt trăng và hạ cánh xuống mục tiêu, bộ phận bệ chở hàng là giao diện giữa tàu đổ bộ và trọng tải của nó, và cuối cùng là bộ phận mà các nhà thiết kế sứ mệnh muốn có gửi lên Mặt Trăng.

yếu tố Argonaut

Tổng kết các lần phóng lên mặt trăng của các nước trên thế giới

Tên
Quốc gia
Phóng
Đến
Kiểu      
Kết quả
Trường Nga 5
Trung Quốc
23/11/2020
1/12/2020
Đem mẫu về trái đất
Thành công
Danuri (Tàu quỹ đạo mặt trăng tìm đường của Hàn Quốc)
Hàn Quốc
04/8/2022
16/12/2022
Tàu quỹ đạo
Thành công
Hoa Kỳ
16/11/2022
21/11/2022
Bay tiếp cận
Thành công; chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của tên lửa Hệ thống Phóng Không gian và Phi thuyền Orion
Nhiệm vụ Hakuto-R 1
Nhật Bản (ispace)
11/12/2022
21/3/2023
tàu đổ bộ
không thành công
Sứ mệnh mặt trăng của Emirates
các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất
11/12/2022
21/3/2023
xe thám hiểm
không thành công
Chandrayaan-3
Ấn Độ
14/07/2023
23/08/2023
Lander và Rover
Thành công; Tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh mềm gần Nam Cực mặt trăng.
Mặt Trăng 25
Nga
10/08/2023
19/08/2023
tàu đổ bộ
không thành công
MẢNH KHẢNH
Nhật Bản
06/09/2023
25/12/2023
Lander và Rover
Hạ cánh nhẹ nhàng nhưng hạn chế sử dụng các tấm pin mặt trời.
Nhiệm vụ Peregrine 1
Hoa Kỳ (Astrobotic)
08/01/2024
không áp dụng
tàu đổ bộ
Không thành công; Lần phóng đầu tiên trong chương trình Dịch vụ Tải trọng Mặt trăng Thương mại của NASA
IM-1
Hoa Kỳ (Máy trực quan)
15/02/2024
22/02/2024
tàu đổ bộ
Cuộc đổ bộ mặt trăng mềm bằng tàu thương mại đầu tiên. Tàu đổ bộ bị lật làm cản trở liên lạc.

“TRỘM SÁCH”-Bài viết của Trần Gia Huy

“TRỘM SÁCH” SAU 1975.

Mấy ngày nay trên Facebook có chia sẻ lại câu chuyện (nghe nói là xảy ra năm 2014) về cô bé đã “ăn cắp” 2 cuốn sách tại một nhà sách ở Gia Lai. Thay vì cảm thông cho cô bé ham đọc sách, người ta đã bắt cô bé lại, trói 2 tay vào thành lan can, đeo tấm bảng ghi chữ “Tôi là người ăn trộm” trước ngực, rồi chụp hình và bêu rếu lên mạng xã hội. Hành động bất nhân, không chút tình người của những người quản lý ở đây khiến ta nhớ lại câu chuyện đã xảy ra cách đây rất lâu.

TRỘM SÁCH THỜI VNCH TRƯỚC 1975.

Một cậu bé khoảng 14-15 tuổi cũng ăn cắp sách trong tiệm sách Khai Trí của bác Nguyễn Hùng Trương, mà người đời hay gọi là ông Khai Trí. Khi thấy lùm xùm, do nhân viên nhà sách định làm dữ với cậu bé, một vị khách ôn tồn hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện, tỏ vẻ khâm phục cậu bé vì học giỏi mà không tiền mua sách nên phải ăn cắp, ông đã ngỏ lời xin tha và trả tiền sách cho cậu.

Ngay lúc đó thì ông Khai Trí bước vào…

Thấy ồn ào, ông dừng lại hỏi chuyện gì. Cô thâu ngân viên thuật lại sự việc và ông khách cũng đề nghị trả tiền như ông đã nói với cô thâu ngân. Ông Khai Trí cầm cuốn sách lên coi sơ qua rồi nói:

– Phải là học trò giỏi mới dùng tới cuốn sách này chứ học kém thì không dùng tới. Cám ơn lòng tốt của ông nhưng để tôi tặng cậu ta, không lấy tiền và sẽ còn giúp cậu ta thêm nữa…

Ông trao cuốn sách cho cậu bé, thân mật vỗ vai khuyên cậu cố gắng học hành rồi móc bóp lấy tấm danh thiếp, viết vài chữ, ký tên và đưa cho cậu:

– Từ nay hễ cần sách gì cháu cứ đem danh thiếp này đến đưa cho ông quản lý hay cô thâu ngân, họ sẽ lấy sách cho cháu. Ngày trước bác cũng là học sinh trường Pétrus Ký mà…

Ông bắt tay, cám ơn ông khách lần nữa rồi đi vào trong.

Ba năm sau, nghe nói cậu bé đậu xong Tú tài phần II, được học bổng du học nước ngoài, hình như sang Canada.

Một buổi chiều (sau 1975 khá lâu), người ta thấy một “ông già” khoảng ngoài 70 tuổi, ăn mặc theo lối Việt kiều, đứng ngắm trước cửa nhà sách Sài Gòn với nét mặt buồn buồn rồi bước vào hỏi thăm các cô bán sách về ông Khai Trí, các cô nói hình như ông đã mất cách đây đến hàng chục năm.

“Ông già Việt kiều” lại ra đứng ngắm trước cửa tiệm sách hồi lâu, lấy khăn giấy lau nước mắt, chắp tay hướng lên trên trời khẽ vái ba vái rồi đi. Không ai biết ông ta là ai cả…

Đọc chuyện xưa rồi ngẫm chuyện nay…”

Bài viết của Trần Gia Huy


 

 Không phải chỉ tham và dốt, mà là cố tình phá hoại

Ba’o Tieng Dan

Song Chi

27-4-2024

Lãnh đạo Sài Gòn tham, dốt nên chặt bỏ những hàng cây rợp bóng mát khiến Sài Gòn đã nóng càng thêm nóng, hay đây chỉ là một trong những sự cố tình phá hoại thành phố này?

Vì như nhiều người cũng nhận xét, trước kia tại những con đường có bóng mát việc kinh doanh cũng sầm uất hơn, người đi lại nhộn nhịp hơn, khách du lịch cũng thích thú đi dạo. Còn bây giờ, ngay cả những đại lộ khu trung tâm như Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng… cứ vào những giờ nắng lên cao là vắng ngắt.

Về kinh tế thì xem Sài Gòn như con bò để vắt sữa, làm ra bao nhiêu tiền phải đóng vào ngân sách tới 82% rồi 79% (trong khi có những thành phố chả đóng góp hoặc đóng góp rất ít vào ngân sách quốc gia thì tối ngày xây cổng chào, tượng đài tiền tỷ để “ăn”); hạ tầng cơ sở thì không xây dựng, không những thế còn phá. Phá nát tất cả những gì thuộc Sài Gòn xưa, từ kiến trúc cũ, những địa điểm, địa danh lịch sử cho tới phi trường quốc tế Tân Sơn Nhứt cũng bị biến thành phi trường nội địa, rồi những hàng cây rợp bóng mát một thời lãng mạn của Sài Gòn… Không phải cố tình phá hoại thì là gì?

Cộng sản ở đâu cũng tâm địa nhỏ nhen giống nhau. Cứ nhìn Hong Kong, từ một làng chài nghèo qua tay người Anh đã trở thành một trung tâm tài chính thương mại quốc tế, một thành phố tự do, dân chủ, văn minh, hiện đại, âm nhạc, phim ảnh gì cũng đều phát triển (thập niên 50, 60, 70, 80 của thế kỷ trước các nước láng giềng trong đó có Việt Nam đều mê phim Hong Kong, diễn viên tài tử ca sĩ Hong Kong, hồi đó phim Hàn, nhạc Hàn làm gì đã “xuất hiện” đình đám như bây giờ). Vậy mà, chỉ về với “đất mẹ” chưa tới 3 thập niên, toàn bộ sự tự do dân chủ của Hong Kong bị triệt tiêu, Hong Kong xuống về mọi mặt, bởi vì sau khi học hỏi những cái hay của Hong Kong một thời gian là Bắc Kinh siết lại, và chỉ tập trung đầu tư cho những thành phố lớn của đại lục như Thượng Hải, Thẩm Quyến…

Không chỉ Sài Gòn, miền Tây Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long từng một thời trù phú, làm chơi ăn thật, không bao giờ biết đến hạn hán là cái gì, người nông dân Nam Bộ thông minh biết thuận theo thiên nhiên, mùa nào thì trồng cây gì, nuôi con gì. Vào tay các lãnh đạo duy ý chí, dốt nát, đem những bài học xử lý đê điều các thứ của vùng đồng bằng sông Hồng áp dụng vào miền Tây, làm đảo lộn hệ sinh thái sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long gây bao nhiêu thiệt hại, hạn hán ngập mặn bắt đầu xảy ra, cộng thêm việc Trung Cộng, Lào, Campuchia xây các đập thủy điện gây tác hại thêm mà không thấy Việt Nam có những động thái mạnh mẽ gì hoặc lo có kế hoạch đối phó; đến vụ kênh đào Funan Techo đã rập rình từ mấy năm nay rồi bây giờ mới thấy Việt Nam bắt đầu chính thức lên tiếng, liệu có quá trễ?

Quan chức lãnh đạo từ trên xuống dưới chỉ lo vơ vét cho đầy túi tham, rồi lo đánh nhau giành ghế, có quan tâm đến chuyện gì khác đâu?


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Phan Thắng Toán (1932 – 30.04.1994)

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

28/04/2024

Giới yêu nhạc Việt, có lẽ, đều đã từng nghe bản nhạc “Tình Lỡ” của Thanh Bình (“Thôi rồi còn đâu chi anh ơi/ Có còn lại chăng dư âm thôi/ Trong cơn thương đau men đắng môi…) nhưng e không nhiều người biết đến tác phẩm “Lá Thư Về Làng” do Lúa Mới phát hành hồi 1956:

Từ miền Nam, viết thư về thăm xóm làng
Sắt son gửi trong mấy hàng
Thăm bà con dãi dầu năm tháng
Từ Tiền giang thương qua đèo Cả

thương sang
Đêm đêm nhìn vầng trăng sáng                                                                         

Thương những già hôm sớm lang thang

Em thơ ơi có còn học hành sớm tối
Áo nâu tươi gái làng còn che môi cười
Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi
Nhớ nhung rồi, thương quá lắm bé thơ ơi…

Đám “bé thơ” mà Thanh Bình “nhớ nhung” (hồi giữa thế kỷ trước) nay đều đã trở thành những công dân lão hạng, nếu mà sống sót. Còn tác giả thì qua đời từ lâu, sau một thời gian “hôm sớm lang thang” ngay tại Sài Gòn – một thành phố đã mất tên – nơi mà ông đã tìm đến để lánh nạn khi còn là một thanh niên.

FB Lâm Ái cho biết:

“Ở cái tuổi 80, ít ai tin rằng một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng không nhà không cửa, lang thang xin ăn ở chợ, bến xe. Các anh công an đưa ông về trại dưỡng lão thì phát hiện ra là nhạc sĩ Thanh Bình và đưa ông về ở với cháu gái (con gái của chị ruột).

Vợ chồng cháu gái làm công nhân, làm thuê đời sống hết sức khó khăn. Đầu năm nay ca sĩ Ánh Tuyết đã tổ chức đêm nhạc cho ông, chị cũng đã làm được 2 sổ tiết kiệm. Nhưng vì ông đột ngột mất, con gái đang đi tù nên không thể rút được tiền làm đám tang.

Ca sĩ Ánh Tuyết lại là người bên ông, lo cho đám tang của ông. Điều đáng buồn, dù ca sĩ Ánh Tuyết có kêu gọi hỗ trợ nhưng dường như số tiền vẫn không đủ để lo cho đám tang, đành xin quan tài lục giác của chùa để an nghỉ.”

Thôi thế cũng xong!

Cuối cùng, Thanh Bình cũng đã có nơi “an nghỉ” – dù hơi cô quạnh! Bạn đồng nghiệp và đồng thời với ông, lắm kẻ – tiếc thay – đã không có được chút may mắn đó:

“Trúc Phương là một trong những nhạc sĩ gốc miền Nam được yêu mến nhất, từng được mệnh danh là ông vua của thể điệu Bolero tha thiết trữ tình… Tháng 4 năm 1975, Trúc Phương bị kẹt lại. Năm 1979, ông vượt biên nhưng bị bắt và bị tù.

Sau khi được thả, cuộc sống của ông trở nên vô cùng thê thảm về thể xác vật chất cũng như tinh thần… Vào một buổi sáng năm 1995, Trúc Phương không bao giờ thức dậy nữa. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Tất cả gia tài để lại chỉ là một đôi dép nhựa dưới chân.” (Hoài Nam. “Bẩy Mươi Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam 1930 – 2000”).

Sao lại đến nông nỗi thế nhỉ? Chả lẽ chỉ vì Trúc Phương “lỡ dại vượt biên”, và vì Thanh Bình “lỡ chân vượt tuyến” nên mới ra cớ sự chăng?

Không hẳn thế đâu!

Có những kẻ luôn sống ở miền Bắc, không hề di cư hay di tản (lần nào cả) nhưng vẫn phải trải qua một kiếp nhân sinh còn bầm dập/te tua và tơi tả hơn thế nữa. Ông tên là Phan Thắng Toán – biệt danh Toán Xồm –  sinh năm 1932, bị bắt giam từ năm 1968 (vì tội “tuyên truyền văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc”) và đã lìa đời từ lâu.

Bi kịch của cuộc đời Phan Thắng Toán có thể hiểu được – phần nào – qua vài câu đối thoại (hơi hài) do nhạc sỹ Tô Hải ghi lại, trong một phiên tòa tại Hà Nội, vào hôm 12/ 01/1971:

Chánh án: Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi truỵ không?

Toán xồm: Dạ! Thưa quý toà, con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng Hoà Dân Chủ Đức thôi ạ!

Chánh án: Anh nói láo! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai?

Toán Xồm: Dạ! Paloma là của nước bạn Cu Ba ạ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ! Nhà xuất Bản của nhà nước đã in và sân khấu nhà nước đã có nhiều ca sỹ biểu diễn ạ!

Chánh án: Vậy anh có biết cha cha cha là cái gì không?

Toán Xồm: Dạ! Có ạ!! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cu Ba ạ!

Chánh án: Thế còn Tango bleu chắc anh cũng đổ cho Cu Ba hết hả?

Toán xồm: Dạ không! Tango là một điệu nhảy Ác-giăng-tin nhưng đã được quốc tế hoá. Vừa giờ Đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước XHCN đều xử dụng cả ạ!

Chánh án: Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác. Đừng có ngụy biện!

Toán Xồm: Dạ! Đánh y hệt ạ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn… chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ!

Chánh án: Anh hãy im miệng! Đồ ngoan cố!

Và cứ như vậy, suốt phiên tòa Chánh án chỉ sử dụng câu “Im miệng! Đồ ngoan cố” để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa.

Cuối cùng, toà luận án và tuyên án: “Việc làm của bọn này đã gây ảnh hưởng xấu cho phong trào trật tự trị an, phá hoại việc thực hiện một số chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách lao động sản xuất, chính sách nghĩa vụ quân sự… xâm phạm nghiêm trọng đến hạnh phúc, phẩm giá của phụ nữ, đến đạo đức và đời sống của nhiều người, và tuyên truyền xuyên tạc lại chế độ xã hội chủ nghĩa trong lúc cả nước đang chiến đấu chống Mỹ xâm lược.”

“Do tính chất nghiêm trọng của vụ án nói trên, toà quyết định xử phạt Phan Thắng Toán 15 năm tù giam và 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Đắc, 12 năm tù giam và 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Lộc 10 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân …” (“Phan Thắng Toán và Đồng Bọn Đã Bị Xét Xử” – báo Hà Nội Mới 12/ 01/1971).

Chơi nhạc Tango, Rumba, Cha Cha Cha … thì có gì mà “nghiêm trọng” đến độ phải ngồi tù lâu dữ vậy, hả Trời?

Mãn hạn tù lại bắt đầu một bi kịch khác:

“Nhà tôi có 5 người chen chúc trong cái phòng 09 m2, thêm anh Toán Xồm nữa là sáu. Thế nên anh cũng không thể tá túc mãi ở chỗ tôi. Anh có mỗi bà chị ruột thì đã di cư vào Sài Gòn trước 1954, ở Hà Nội không còn ai thân thích. Anh Toán Xồm cứ lang thang ‘lãng tử’ nay đây mai đó, lúc màn trời khi chiếu đất.

Cho đến ngày 30/04/1994 … sáng đó là kỷ niệm ngày thống nhất đất nước nên công an phường đi dẹp đường. Họ bắt gặp anh Toán Xồm vạ vật và hấp hối trên vỉa hè, liền cho người báo tin. Nhưng anh chẳng còn ai trong giờ phút lâm chung, chỉ có cái vỉa hè … chứng kiến.”  [Kim Dung – Kỳ Duyên. Cung Đàn Số Phận (Hồi Ký Lộc Vàng). Hội Nhà Văn: Hà Nội, 2018].

Qua năm sau (1995) thì Trúc Phương qua đời tại Sài Gòn, cũng không có ai “chứng kiến” ngoài … “đôi dép nhựa dưới chân.” Tuy kẻ Bắc/người Nam nhưng số phận của cả ba ông, tưởng chừng, chả khác gì nhau?

Tưởng vậy thôi, chớ không phải vậy đâu.

Họ khác chớ và khác lắm!

Tuy sinh cùng thời (và cùng nơi) với Phan Thắng Toán nhưng nhờ di cư vào Nam nên Thanh Bình đã có cơ hội viết được nhiều bản nhạc bất hủ, trước khi cuộc cách mạng vô sản biến ông thành một kẻ trắng tay (rồi) một lão … ăn mày! Trúc Phương cũng thế, ông cũng kịp “để lại cho chúng ta một di sản vô giá” (theo nhận định của nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam) rồi mới nằm chết cong queo ngoài bến xe đò.

Còn ở giữa lòng Hà Nội (nơi được mệnh danh là “Thủ Đô Của Lương Tâm & Phẩm Giá Con Người”) thì Toán Xồm chả hề có được chút cơ hội hay cơ may nào sất, và dường như ông không có chi để lại cho đời – dù chỉ là một “đôi dép nhựa”!


 

THÁNH TÊRÊSA AVILA

Thánh nữ Têrêsa sinh ngày 28 tháng Ba năm 1515 tại thành Avila, nước Tây Ban Nha.  Từ khi còn là cô gái nhỏ trong gia đình giàu có, Têrêsa và người anh trai là Rôđrigô đã ham thích đọc truyện các thánh và các đấng tử đạo.  Dường như đối với hai trẻ, các vị thánh tử đạo vào nước trời thật là dễ dàng!  Rồi hai trẻ bí mật trẩy tới một miền đất xa lạ, hy vọng ở đây có thể được chết cho Đức Chúa Giêsu.

Nhưng may thay, chưa đi được bao xa thì hai trẻ đã gặp người cậu!  Lập tức, ông đem các trẻ về cho bà mẹ đang lo lắng của chúng..  Rồi hai trẻ lại quyết định làm hai vị ẩn sĩ trong khu vườn của mình, nhưng việc này cũng chẳng thành công.  Các trẻ không có đủ đá để xây các túp lều cho mình.

Chính Thánh nữ Têrêsa Avila đã viết lại các mẩu chuyện vui này khi kể về cuộc đời thơ ấu của ngài.  Và sự việc là khi bước vào tuổi hoa niên, Têrêsa đã thay đổi hoàn toàn!  Têrêsa Avila ham thích đọc quá nhiều truyện tiểu thuyết và các truyện lãng mạn ngốc nghếch đến nỗi ngài đã giảm lòng ham ước cầu nguyện.  Têrêsa bắt đầu để ý nhiều về cách trang điểm để làm đẹp.  Nhưng sau khi trải qua một cơn bạo bệnh, Têrêsa Avila đọc truyện thánh Giêrônimô.  Và lập tức, Têrêsa Avila quyết định sẽ trở nên hiền thê của Đức Chúa Giêsu.  Têrêsa Avila gia nhập dòng Cátminh năm 1536.

Cả khi đã khấn dòng, Têrêsa Avila vẫn thường cảm thấy khó cầu nguyện.  Thêm vào đó, sức khỏe của Thánh nữ rất yếu kém.  Mỗi ngày, Têrêsa phung phí thời giờ vào những cuộc trò chuyện vô bổ.  Thế rồi một ngày kia, khi đứng trước bức ảnh của Đức Chúa Giêsu, Têrêsa cảm thấy hết sức đau buồn vì đã chưa yêu mến Người cho đủ.  Và thánh nữ bắt đầu tập sống cho riêng một mình Đức Chúa Giêsu dù phải hy sinh khó nhọc đến mức độ nào.  Đáp lại tình yêu của Têrêsa, Chúa Giêsu đã ban cho Thánh nữ đặc ân được nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn.  Têrêsa Avila cũng học biết cầu nguyện cách tuyệt diệu.  Thánh nữ nổi danh vì đã thiết lập thêm mười sáu tu viện Cátminh mới.  Các tu viện này chứa đầy các nữ tu ham ước sống cuộc đời thánh thiện.  Họ làm nhiều việc hy sinh vì lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu.  Chính Têrêsa Avila đã nêu gương sáng cho các nữ tu này.  Thánh nữ cầu nguyện với rất nhiều tình yêu và thi hành các nhiệm vụ hằng ngày cách chăm chỉ.

Thánh nữ Têrêsa Avila là nhà lãnh đạo đại tài cũng như là một người rất mực yêu mến Đức Chúa Giêsu và Giáo hội.  Têrêsa Avila về trời năm 1582 và được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh năm 1622.  Đến năm 1970, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tôn nhận Têrêsa Avila làm nữ Tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên của Giáo hội Công giáo.

Bất cứ khi nào cần một chút “sức đẩy tinh thần” để cầu nguyện cách tập trung và yêu mến hơn, chúng ta có thể cầu xin với thánh Têrêsa Avila.  Chúng ta hãy nài xin thánh nữ giúp chúng ta biết tìm những phương thế thực tiễn để có thể trung thành cầu nguyện mỗi ngày.

****************************

CÁC CÂU CHÂM NGÔN THÁNH TÊRÊSA AVILA 

–          “Tất cả tội lỗi đều do thiếu đức tin mà ra.”

–          “Khi ta chỉ có một tham vọng làm đẹp lòng Chúa, thì chính Chúa sẽ ban cho ta sức mạnh để thắng mọi tình cảm khoe khoang..”

–          “Cái gì ngăn cản chúng ta dùng con mắt của tâm hồn để nhìn về Chúa?  Ngài chỉ chờ đợi cái nhìn của chúng ta mà thôi.

–          “Đừng để gì làm bạn xao động, và làm bạn sợ hãi.  Mọi sự đều đang qua đi; Thiên Chúa không bao giờ thay đổi.  Sự nhẫn nại chịu đựng đem lại tất cả.  Ai có Thiên Chúa thì không thiếu thốn gì.  Một mình Thiên Chúa đã đủ.”

–          “Kẻ kiên nhẫn sẽ đạt được tất cả.”

–          “Cho dù đang mắc tội trọng đi nữa, anh em cũng cứ cầu nguyện.  Tôi xin đảm bảo với anh em rằng anh em sẽ đạt đến bến cảng phần rỗi.”

–          “Trong quãng thời gian hai mươi tám năm, tôi đã mất hơn mười tám năm trời trong cuộc chiến giằng co vì tôi đã cố sức dung hoà Thiên Chúa với thế gian.”

–          “Đừng bao giờ ngoan cố, nhất là trong những điều quan trọng.  Chúa Kitô không cưỡng ép ý chí chúng ta, Người chỉ nhận những gì chúng ta dâng hiến cho Người mà thôi.  Nhưng Chúa cũng không ban mình hoàn toàn cho chúng ta cho đến khi nào Người thấy chúng ta phó mình trọn vẹn cho Người.”

–          Thánh Têrêsa Avila, một hôm chịu quá nhiều đau khổ nên trách với Chúa rằng, “Tại sao Chúa lại để cho con nhiều thánh giá thế này.”  Chúa liền hiện ra với chị Thánh và nói, “Vì Cha yêu thương con, nên Cha mới gửi đến cho con nhiều đau khổ, thánh giá, ngõ hầu con làm vinh danh Cha và cứu các linh hồn.”

–          Trên đường đi thành lập một đan viện Carmelite, thánh nữ Têrêsa Avila đã bị lật xe và người ta nghe ngài kêu lên: “Thảo nào Chúa chẳng có bao nhiêu bạn hữu, vì Chúa đối xử với họ như thế này đây.”

Sưu tầm

From: ngocnga_12 & NguyenNThu


 

Ở LẠI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thầy là cây nho, các con là cành!”.

“Tôi cảm thấy rất tiếc cho những người không muốn già đi. Tôi say sưa với những năm tháng cuối đời của mình. Đây là những năm tháng đẹp nhất đời tôi, một đời gắn bó với Chúa. “Con người bên ngoài” của tôi đang hư mất, nhưng “con người bên trong” của tôi đang được đổi mới và tôi hân hoan mỗi ngày. Bởi lẽ, tôi không chỉ ‘ở lại’, nhưng sẽ ‘ở đời đời’ với Ngài, ‘Cội Nguồn tồn tại’ của tôi!” – Henry Durbanville.

Kính thưa Anh Chị em,

“Cội Nguồn tồn tại của tôi!”. Với Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu tự giới thiệu Ngài là cây nho đích thực và chúng ta, những cành nho, không thể sống nếu không kết hợp với Ngài. Không cây nho nào mà không có cành và ngược lại. Cành không tự cung cấp nhưng phải gắn chặt – ‘ở lại’ – với thân nho, ‘cội nguồn tồn tại’ của nó.

Chúa Giêsu dùng động từ “ở lại” đến bảy lần! Trước khi rời bỏ thế gian, Ngài đã trấn an các môn đệ rằng, họ có thể tiếp tục hiệp nhất với Ngài bằng cách “Ở lại trong Thầy!”. Việc “ở lại” này không thực hiện cách thụ động, “ngủ quên” trong Chúa, mặc cho cuộc sống ru ngủ. Không! Việc “ở lại” Chúa Giêsu đề nghị là ‘ở lại’ cách tích cực và hỗ tương. Tại sao? Vì như cành lìa cây, không thể làm được gì, chúng cần nhựa để lớn lên và sinh trái, vì đó là ‘cội nguồn tồn tại’. Nhưng thật thú vị, cây nho cũng cần cành nho vì quả không mọc trên thân! Đây là một nhu cầu hỗ tương để sinh hoa trái. Chúng ta ở trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở trong chúng ta. Chúng ta cần Ngài, Ngài cần chúng ta!

Nói rằng, Chúa Giêsu cần chúng ta như thân cần cành. Điều này xem ra có vẻ táo bạo! Vậy Ngài cần chúng ta theo nghĩa nào? Ngài cần chứng tá của chúng ta! Như những cành nho, hoa trái chúng ta sinh ra là chứng tá cho đời sống Kitô hữu. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, nhiệm vụ của các môn đệ – của bạn và tôi – là tiếp tục loan báo Tin Mừng. Và chúng ta làm điều đó bằng cách làm chứng cho tình yêu Chúa. Hoa trái phải sinh ra là tình yêu. Bên cạnh đó, gắn bó với Ngài, chúng ta nhận được các ân huệ Thánh Thần, nhờ đó, có thể làm điều tốt cho người lân cận, cho xã hội và cho Giáo Hội. Xem quả thì biết cây! Qua 2.000 năm, các Kitô hữu thực sự đã làm chứng cho Chúa Kitô.

Anh Chị em,

“Thầy là cây nho, các con là cành!”. Để có thể thực sự là một cành sống động trên thân nho Giêsu, chúng ta hãy yêu mến việc cầu nguyện. Cầu nguyện là ‘ở lại!’. Sống bác ái yêu thương là ‘ở lại!’. Hãy sống cuộc sống của mình cách sáng tạo để người khác được hưởng lợi! Vì lẽ, những người khác chỉ đến được với Chúa Giêsu khi họ có thể nhìn thấy ảnh hưởng của Ngài trên cuộc đời chúng ta – qua lời nói, hành động và hành vi – của một lối sống Kitô trong một nền văn minh tình thương. Vậy “Đã có bao nhiêu người biết và tin Chúa Giêsu nhờ tôi? Có bao nhiêu người xin được rửa tội nhờ gương sáng của tôi?”. Chỉ qua cách sống của chúng ta mà mọi người mới được truyền cảm hứng để khám phá những gì chúng ta khám phá. Điều chúng ta khám phá là niềm vui được biết tình yêu của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu và Hội Thánh của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con lo lắng và không muốn già đi. Cho con luôn ‘ở lại’ với Chúa hôm nay, và cả khi con đã ‘ở đời đời’ với Ngài, con cũng tiếp tục đơm hoa kết trái!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen


 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

 1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.5 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”


 

ĐÊM TỐI NGÕ CỤT – Rev. Ron Rolheiser, OMI

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Chuyện gì xảy ra khi chúng ta trải qua đêm tối linh hồn?  Chuyện gì đã xảy ra và chúng ta phản ứng như thế nào?

Số lượng sách vở viết về chuyện này có thể chất đầy thư viện, mỗi quyển sách hay mỗi bài viết đều có cái lý riêng của nó, nhưng ở đây, tôi muốn chia sẻ một thấu suốt độc nhất vô nhị của nữ tu dòng Cát Minh Constance FitzGerald, là người được nhiều ngòi bút thiêng liêng trích dẫn khi nói về đêm tối linh hồn.

Sơ dùng từ “ngõ cụt” để diễn tả điều thường được gọi là đêm tối linh hồn.  Với sơ, đêm tối linh hồn là khi chúng ta đi đến một ngõ cụt trong cuộc đời về mặt tình cảm, trí tuệ và tưởng tượng.  Mọi cách thức chúng ta từng hiểu, từng tưởng tượng, từng cảm nhận trước đây, nhất là những điều liên quan đến Thiên Chúa, đức tin và cầu nguyện, giờ đây không còn hiệu quả nữa.  Có thể nói chúng ta bị tê liệt, không thể trở lại như trước, không thể tiến tới.  Và một phần sự tê liệt chính là do chúng ta không thể suy nghĩ, cảm nhận hay tưởng tượng để thoát ra khỏi chuyện này.  Chúng ta rơi vào ngõ cụt, không lùi được mà cũng không tiến được.  Vậy chúng ta phải làm gì?  Làm sao để đi ra khỏi ngõ cụt?

Con đường để đi ra không đơn giản cũng không nhanh chóng.  Chúng ta không thể tưởng tượng, suy nghĩ hay cảm nhận để thoát ra khỏi nó, bởi vì tầm nhìn, những biểu tượng, những câu trả lời và cảm giác chúng ta cần thì chưa có, hoặc ít ra là chưa có cho chúng ta.  Chính vì thế mà chúng ta rơi vào ngõ cụt và bị tê liệt về tình cảm và trí tuệ.  Tầm nhìn và những cảm giác mới có thể thiết lập lại tầm nhìn, những suy nghĩ và cảm giác, những điều phải được thai nghén và khai sinh thông qua đau đớn và hoang mang.

Ở giai đoạn này, không có câu trả lời, ít nhất là không có câu trả lời cho chúng ta.  Có lẽ bạn đã đọc chuyện về những người đã gặp ngõ cụt, bây giờ họ khuyên cách trải qua đêm tối linh hồn.  Những điều này có thể hữu ích, nhưng lòng bạn, trí tưởng tượng và trí tuệ của bạn mới là những gì đang được thử lửa.  Biết người khác từng trải qua ngọn lửa đó thì có thể giúp bạn có được tầm nhìn và sự an ủi trong cơn tê liệt, nhưng ngọn lửa đó vẫn phải đi qua đời bạn để bạn thiết lập lại trí tưởng tượng, suy nghĩ và cảm giác của bạn.

Với nữ tu FitzGerald, ở trong trạng thái này chính là ở ngưỡng của giới hạn mà chúng ta có thể tìm ra bản ngã.  Đây là lò lửa thanh tẩy trong lòng chúng ta.  Và với sơ, lối thoát chính là đi xuyên qua nó.  Lối thoát ra khỏi đêm tối dạng này là qua “chiêm niệm,” cụ thể là ở lại trong ngõ cụt, kiên nhẫn chờ đợi với nó, chờ Thiên Chúa phá vỡ ngõ cụt bằng cách biến đổi trí tưởng tượng, trí tuệ và tâm hồn chúng ta.

Cho nên, xét tận cùng, ngõ cụt này là thách thức chúng ta trở nên nhà thần nghiệm, không phải là chúng ta bắt đầu tìm kiếm trải nghiệm tôn giáo phi thường, mà là chúng ta để những ảo tưởng, những biểu tượng rạn vỡ và ý nghĩa mất mát của chúng ta trở thành một không gian để Thiên Chúa có thể thiết lập lại đức tin, cảm giác, tưởng tượng và trí tuệ của chúng ta bên trong một chân trời mới, với mọi sự đều được diễn giải lại triệt để.

Cụ thể chúng ta làm thế nào?  Chúng ta chiêm nghiệm thế nào?  Bằng cách ngồi xuống trong căng thẳng, bất lực nhưng kiên nhẫn, cởi mở, chờ đợi, và ở lại đó bao nhiêu lâu cần thiết để từ trong sâu thẳm tâm hồn, chúng ta nhận được một cách tưởng tượng, suy nghĩ và cảm nhận mới về Thiên Chúa, đức tin, cầu nguyện để vượt ra khỏi ngõ cụt.

Hơn nữa, những biểu tượng rạn vỡ, ảo tưởng và bất lực không thể suy nghĩ hay cảm nhận lối thoát ra khỏi ngõ cụt, chính nó là điều khẳng định với chúng ta, tầm nhìn mới chúng ta được ban, chính là điều phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng, của phóng chiếu hay tư lợi của bản thân chúng ta.

Một trong những phê phán sâu cay nhất về trải nghiệm tôn giáo là của triết gia Friedrich Nietzsche, ông tuyên bố mọi trải nghiệm tôn giáo, tất cả, xét tận cùng đều là sự phóng chiếu của con người.  Ông lập luận chúng ta tạo nên Thiên Chúa theo hình ảnh và hình tượng của mình vì lợi ích của mình, vì thế mà nhiều đức tin và tôn giáo chân thành có thể giả hình và sai lầm.  Trả lời cho lập luận này, triết gia, thần học gia Dòng Tên Michael Buckley đã phản bác: Nietzsche đúng 95%.  95% của những điều tự nhận là trải nghiệm tôn giáo thật ra là sự phóng chiếu của con người.  Nhưng Nietzsche sai 5%, và 5% đó làm nên sự khác biệt, bởi vì trong 5% đó, sự mặc khải của Thiên Chúa đi vào cuộc sống chúng ta một cách nguyên tuyền, không bị ô nhiễm.

Và 5% đó xảy ra chính xác vào lúc chúng ta đang ở trong đêm tối linh hồn, khi các biểu tượng của chúng ta rạn vỡ, trí tuệ bất lực, tưởng tượng trống rỗng và tâm hồn lạc lối.  Chính vào lúc đó, khi chúng ta bất lực không thể tự giúp mình, thì chúng ta cũng bất lực không thể đánh lận hay làm ô nhiễm cách thức Thiên Chúa đi vào chúng ta.

Thiên Chúa có thể đi vào cuộc sống chúng ta một cách thuần khiết, không chút ô nhiễm khi chúng ta đang ở ngõ cụt, không thể lấy tầm nhìn của mình để thay thế tầm nhìn của Thiên Chúa.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutim


 

Những ngày cuối của thủ đô yêu dấu – Lâm Nguyễn

Lâm Nguyễn –
22 tháng 4, 2024
Sáng 28 Tháng Ba, ba cứ dẫn cả nhà đi tới đi lui. Tàu mỗi lúc mỗi ít mà người thì mỗi lúc mỗi đông. Mình không nhớ rõ ràng từng chi tiết lắm nhưng cái hình ảnh mấy trăm ngàn con người ứ đọng lại trên bến tàu để giành giựt 1 chỗ trên tàu và thỉnh thoảng lại có những tiếng rơi nặng nề xuống biển thì không làm sao mình quên được.
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, bối rối, kinh hoàng, cùng quẫn. Kẻ đi tới, người đi lui, khóc lóc, kêu réo dội lên nghe thật dễ sợ. Mấy bao gạo sấy cứng như đá nhưng cũng được tụi mình chiếu cố tận tình. Suốt một ngày vất vả, lang thang khắp các xó xỉnh của bến cảng, đợi chờ, hy vọng rồi tuyệt vọng, cả nhà mệt lả. Mình tưởng như không thể nào đi nổi nữa (Lúc đó mình là đứa con lớn nhất trong nhà chỉ mới 11 tuổi).
Đêm đến. Người đến mỗi lúc một đông. Cả nhà đứng trên bến. Mình còn nhớ rõ lúc đó có một chiếc tàu đậu ở ngoài xa. Nhũng người đứng trên bến kêu la í ới nhưng chiếc tàu không vào được. Nếu lúc đó chiếc tàu tiến vào, mấy chục ngàn người mà ùa xuống, chắc chắn sẽ chết mấy trăm lần so với những ngày qua vì điều chắc chắn là chiếc tàu sẽ chìm lỉm.
Lúc đó có một người lính có lẽ vì hoảng quá đâm ra liều lĩnh nên nhảy đại xuống biển và cố gắng bơi ra chiếc tàu. Mặt biển tối sẫm nhưng cũng thấy đầu ông lúc trồi lên lúc chìm lỉm. Mọi người trên bờ hồi hộp theo dõi, thỉnh thoảng lại cổ vũ: “Gắng lên, gắng lên, gần tới rồi” và hàng trăm tiếng “Ồ” bật lên mỗi khi thấy ông ta bị chìm có lẽ vì đuối sức. Cứ thế mọi người kể cả tụi mình hồi hộp theo dõi nhưng cuối cùng ông ta mất tăm. Mọi người cũng chẳng còn hơi sức, tâm trí đâu để mà than thở, hay tỏ một câu thương xót cho cái chết bi thảm của ông. Hình ảnh ấy cứ bám riết tâm trí, ám ảnh mình suốt chuyến đi.
Ba dẫn cả nhà ra ngay giữa bến. Ngoài khơi có một chiếc tàu to đang tiến vào. Nhưng rồi nó cũng không dám vào sâu hơn nữa vì mỗi lần tiến lên được chút ít là “họ” từ trên núi pháo xuống mặt biển ầm ầm. Có một ông lính to cao mặc đồ bộ binh, mũ giáp đàng hoàng cầm đèn pin chớp chớp 3 cái một, hình như là để ra hiệu cho tàu vào. Thình lình ở phía bên phải bỗng chớp lên một vệt sáng dài như sấm chớp. Mình nghe tiếng ông ta hét to: “Pháo, nằm xuống”.
Ba dúi đầu tụi mình xuống. Cả nhà vừa kịp nằm dài ra là :”Ầm, ầm”. Lúc đó mình mới thật sự thấy khiếp sợ. Ngày hôm qua, tuy bị nhưng họ pháo rải ra, thưa thớt hơn và cả nhà ở trong một phòng kín. Còn bây giờ thì liên tiếp không ngớt. Tưởng chừng như bao nhiêu tiếng động kinh khiếp của trái đất đều đổ dồn vào đây. “Ầm ầm” liên tục làm mọi người không ngóc đầu dậy được. Tụi mình nằm im thin thít.
Người tỵ nạn cộng sản từ Đà Nẵng, Huế và các thành phố thất thủ khác của miền Nam Việt Nam, chen chúc hành lý trên xe buýt, cố gắng kiếm thức ăn và nước uống khi họ từ Thành phố Cam Ranh hướng về Sài Gòn (Bettmann / Getty Images)
Sau này nghe ba nói lại mình mới biết là lúc đó ba đã cố ý cho cả nhà nằm túm tụm vào nhau để lỡ có rủi quả nào rớt trúng thì bị hết cả nhà còn hơn là người còn người mất. Pháo cứ trên núi dội xuống trên đầu mọi người. Giữa bến không có một tàng cây hay một túp nhà nào. Mọi người buông xuôi, mặc cho may rủi. Nằm lồng lộng giữa trời để hứng những quả pháo không có mồm có mắt. Nghĩ lại mình còn thấy ghê sợ. Pháo vừa ngớt, ba kéo hết ra một cái hầm dầu ca-dôn. Nói là hầm nhưng thật ra đó là một đường ống giống như những cái cống chứa đầy dầu trơn nhẫy. Tụi mình phải nửa ngồi nửa đứng, hai tay bấu vào vách đá, lưng dựng vào vách này, chân bíu vào vách kia. Láng quáng sảy chân rơi xuống cũng chết. Mình không hiếu lúc đó hai cu Kỳ và Tí (5 và 3 tuổi) lấy sức đâu mà bíu vào vách đá như vậy. Tê dại cả chân tay đầu óc. Pháo gần khoảng 1 tiếng thì ngớt dần và ngưng hẳn. Lúc đó trời đã rạng sáng. Sáng 29/3.
Lúc này soát xét lại thì đồ đạc lẫn lộn đâu hết, chỉ còn một xách gạo sấy, 1 xách quần áo trong có cái radio cassette. Còn cái xách Boeing của nhà trong đựng những bộ quần áo quý của má thì mất tiêu. Nhưng cũng chẳng ai có vẻ tiếc rẻ (khi cả nhà mình vừa thoát khỏi cái chết). Còn hơi sức đâu mà nghĩ tới những chuyện vớ vẩn nữa.
Mặt trời lên. Một cảnh tượng hiếm có đập vào mắt mình. Trên bến la liệt những đồ vật, xe cộ, người bị thương, bị chết nằm ngổn ngang. Xe cộ nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Xen giữa những hàng xe cộ là đồ vật. Quần áo, ti vi, máy quạt, va-ly, túi xách, kể cả những đồ vật đắt tiền và thậm chí mình còn thấy cả những đôi hài, sandale, hoặc đôi giày cao gót của đoàn người di tản cởi bỏ và vất lại.
Ba má lại thất thểu kéo tụi mình ra đi. Dọc đường, mình thấy máu me và tiếng rên rỉ xin cứu vớt, xin nước của người bị thương vang lên không ngừng. Có một người đàn bà bị thương nặng, 4 đứa con vây quanh bà ta khóc lóc nhưng bà xua đi và nặng nhọc nói:
– Thôi mẹ gần chết rồi, mấy đứa con đi đi. Chạy theo họ chứ không là bị pháo kích nữa đó.
Bốn đứa nhỏ vùa chạy theo sau đoàn người nhà mình vừa quay lại nhìn bà mẹ và khóc nức nở. (Cảnh tượng này suốt đời mình không bao giờ quên được). Không biết máu của ai văng lên cái xách đồ mà dính be bét trên quần áo. Vào đến Cam Ranh, nhà mình mới hay.
Có người chết rồi mà mắt mở trừng trừng. Có người bị thương đau quá rên siết thật thê thảm. Có người nuốt nước mắt bỏ thân nhân bị chết ở đó và ra đi. Chưa bao giờ mình thấy đồ đạc nhiều như vậy. Đồ đạc nằm chỏng chơ trên cảng, lăn lóc ngoài đường. Giá lúc ấy có ai mà chụp được cảnh đó hẳn bức ảnh đáng giá ngàn vàng.
Khung cảnh cảng ngổn ngang, bừa bãi và vắng lặng vì bây giờ, sau trận pháo kinh thiên động địa, mọi người lại hoảng hốt ra đi. Đi về đâu? Cũng chẳng ai biết chắc họ sẽ đi về đâu. Nhưng thấy người khác đi, mình cũng đi. Cứ như những con kiến hoảng hốt bò quanh miệng chén nước sôi. Cùng quẫn, tuyệt vọng, bơ phờ, kinh hoàng, ngần ấy thứ in hằn lên từng khuôn mặt già cũng như trẻ.
Cứ đi, dù không có cái đích cuối cùng, kéo nhau đi hoài, đi hủy dù không có phương tiện. Cả nhà cùng đoàn người chạy loạn lại kéo nhau về Sơn Chà – Chợ Chiều. Từ Cảng Tiên Sa đi ra Chợ Chiều cũng 9, 10 cây số. Đi ngang dãy nhà ở Tiên Sa mà hồi xưa gia dình mình ở, mình thấy ở đó đã bi pháo dội đổ nát hết.
Lúc đó mình mới 11 tuổi, QG 9, Bé Ba 7, Bé Tư 6, cu Kỳ 5, cu Tí 3 và Bé Tí 2. Lại thêm bà Tuyên cùng hai đứa con: đứa 1 tuổi, đứa hai ngày tuổi. Thật là nheo nhóc. Ba thì xách đồ, chị Lụa bồng bé Tí, má bồng đứa con lớn của bà Tuyên, bà Tuyên bồng đứa mới sinh.
Ba dặn mình phải níu tay Bé Tư. Bé Ba đi với QG. Còn Kỳ và Tí thì đi sát bên ba. Lên đường, không phấn khởi, không tin tưởng, không có đích như những chuyến đi chơi. Tới đâu hay tới đó. Cả nhà mình như trôi đi trong một khối biển người khổng lồ, cuồn cuộn, nối tiếp nhau tưởng chừng như không bao giờ hết được.
Dọc đường đi, nhiều cảnh tượng kinh khủng đã đập vào mắt mình. Và người! Người từ Sơn Chà, từ Đà Nẵng lại đổ trở ra Tiên Sa.
Người vô kẻ ra. Đúng là môt bầy kiến vĩ đại đang bò quanh miệng chén nước sôi. Thật là bế tắc. Mọi người lại nhìn nhau bàng hoàng, ngơ ngác. Bây giờ phải đi đâu, đến đâu. Đứng im một chỗ cũng không thể bình tĩnh được nên phải chạy tứ tung ngoài đường. Rốt cuốc hàng đoàn người dài dằng dặc đi ngược chiều nhau, nhìn ngó nhau, thắc mắc, lo sợ và tuyệt vọng.
Có những cái đã in sâu trong óc mình. Mình đã gặp dọc theo con đường (ngay trước cổng vào khu hải quân ở Sơn Chà) một người đàn ông mặc bộ đồ thủy quân lục chiến nằm vắt tay lên trán, bên cạnh là chiếc xe Honda chất đầy đồ đạc. Trông ông ta có vẻ thản nhiên quá. Lại ngủ nữa à? Không ai biết được là ông ta đã chết rồi, người chạy loạn thương tình xếp lại tư thế nằm của ông cho ngay ngắn. Có thể giờ này vợ con ông đang đi tìm ông. Trông tư thế nằm của ông có vẻ vô tư quá. Trông như 1 bác nông dân đang say sưa đánh giấc sau khi làm những đường cày.
Tái bút:
Hành trình chuyến đi còn kéo dài đến hơn 10 ngày mới đến được Sài Gòn nhưng không hiểu sao lúc đó mình chỉ viết đến đây thì dừng. Tuy nhiên, cách đây vài năm, mình có nhớ lại nên viết kể tiếp về chuyến đi với đích đến cuối cùng là Sài Gòn. Chuyện cá Ông cứu thuyền là có thật. Năm 2018, mình đã đưa ba má ra đảo Bình Ba (ba má sau khi lục lọi trí nhớ đã xác định tên đảo) để thắp hương tại Lăng Cá Ông, cảm tạ Ông đã cứu chiếc ghe không bị lật chìm giữa biển.
Cuối cùng, điều mình muốn nói là qua chuyến đi chết chóc này, mình muôn vàn cảm tạ, biết ơn ông bà Tổ Tiên phúc đức đã che chở cho cả nhà toàn vẹn cho đến khi đặt chân lên đất Sài Gòn dù thân hình xơ xác, tiều tuỵ đúng nghĩa đen đầu trần chân đất.

Những Ngày Tháng Tù Đày Không Thể Quên – Thanh Thương Hoàng.

Kimtrong Lam

Thanh Thương Hoàng.

Tôi bị bắt ngày 5 tháng 4 năm 1976, trong cái trò bắt người mà cộng sản gọi là “chiến dịch X2 đánh Văn Nghệ Sĩ phản động”. Chiến dịch X1 trước đó “đánh” tư sản mại bản (tức những nhà tỷ phú người Việt và người Việt gốc Hoa, đa số ở Chợ Lớn). Có 3 nhà tỷ phú người Việt bị bắt là cụ Hoàng Kim Quy (cựu Thượng Nghị Sĩ đệ nhị VNCH), 2 anh em vua tàu thủy Phạm Quang Khai và Phạm Quang Hoa. Trước và sau tôi bị bắt vài ngày có hơn trăm người gồm đủ bộ môn văn nghệ Miền Nam (Văn, Thơ, Báo chí, Nhạc, Kịch, Đạo diễn Điện ảnh, Đạo diễn Cải lương có đôi chút tên tuổi). Đa số giam ở T20 (số 4 Phan Đăng Lưu bên hông chợ Bà Chiểu, Gia Định) vài người đi khám Chí Hòa.

Khoảng mười tháng sau một số lớn được tha về, chỉ còn mươi người bị quy kết tội “có nợ máu nhân dân” và “chống cộng ở thượng tầng kiến trúc” bị giữ lại. Đây là những “tội” có thể đưa tới tử hình. Sau 2 năm tra vấn hỏi cung xong, họ đưa bọn tôi lên trại Gia Trung (xứ sương mù Pleiku) nằm trong khu rừng già, nghe nói trước đây là mật khu của Việt cộng, để lao động khổ sai. Tưởng cũng nên kể ra đây tôi là người trong giới Văn nghệ đầu tiên, mới nhập trại đã bị tống ngay vào “biệt giam” (cachot) khu B1, phòng 11 trại Phan Đăng Lưu. Có lẽ họ tưởng tôi là nhân vật quan trọng, là tay sai của CIA được dựng lên làm Chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam hoạt động trong báo giới. Vì ngoài Bắc chức vụ này “to” lắm, do đảng đưa ra và quyền hạn cũng như quyền lợi ngang bộ trưởng.

Trong cùng dẫy biệt giam khu B1 có những nhân vật tên tuổi như Thượng Tọa Thích Huyền Quang, Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Linh mục Đỗ Bác Ái, Tiến sĩ Mai Văn Lễ (cựu Khoa trưởng Khoa Luật đại học Huế), Luật sư Nguyễn Hữu Doãn, Luật sư Nguyễn Khắc Chính, Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ, Nhà báo Hồ Văn Đồng, Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến,Nhà Văn Nhà báo (nguyên dân biểu) Hồ Hữu Tường. Những người này lần lượt vào biệt giam sau tôi 1, 2 tuần. Đầu dẫy khu biệt giam buồng số 1 là “tướng phục quốc Nguyễn Việt Hưng”. Tôi rất tiếc khi đó không biết nhiều về nhân vật này. Ông là người đầu tiên cầm đầu một số dăm bẩy người trấn trong nhà thờ Vinh Sơn (đường Trần Quốc Toản) đánh CS với vài vũ khí thô sơ, khi CS vào Saigon mấy tháng. Sau đó ông bị CS xử bắn.Vụ “vùng lên” khởi đầu chống đối CS này đã gây tiếng vang rộng lớn làm trấn động dư luận khắp nước khi đó. CS phải điều động bộ đội công an cảnh sát vây hãm quanh khu vực Nhà Thờ mấy ngày liền mới trấn áp được. Tôi nghĩ chúng ta thật vô tình khi ở ngoài này, trải qua mấy chục năm, không thấy một ai nhắc nhở tới ông (người được gọi là tướng Nguyễn Việt Hưng mà dư luận khi đó đồn đãi là biệt danh của Tướng NCK hoặc Tướng cảnh sát NNL ở trong mật khu lãnh đạo cuộc chiến đấu với rất nhiều “hồ hởi phấn khởi”). Theo tôi đây là người chiến sĩ quốc gia can trường bất khuất, dám đứng ra chống CS ngay từ ngày đầu, chúng ta nên tỏ bày lòng ngưỡng mộ và khâm phục. Phía sau dẫy biệt giam B1 là dẫy biệt giam B2 có giáo sư Vũ Quốc Thông, ông chủ nhiệm nhật báo Lẽ Sống Mới Ngô Công Minh (vào đầu năm 1975 làm phụ tá Tổng Trưởng Thông Tin), ông Tống Đình Bắc, Trưởng ty Công an nổi tiếng sát cộng Miền Tây, ông chủ Nhà sách Khai Trí và một vài người nữa từng giữ chức vụ cao chế độ cũ. Riêng ông Ngô Công Minh sau khi lên trại tù lao động Gia Trung với chúng tôi hơn tháng thì CS đưa ông đi nơi khác. Từ đó không ai biết tin tức về ông. Có dư luận nói ông bị đem thủ tiêu vì mấy tay tổ văn nghệ, báo chí CS (từng quen biết ông trước kia) muốn cướp không ngôi nhà lớn của ông ở Saigon và vàng bạc của cải. Theo tôi, ông không phải nhà hoạt động chánh trị, chỉ là nhà báo thuần túy nên không thể bị sát hại vì lý do chánh trị. Khi tù về tôi có dò hỏi tin tức ông nhưng không ai biết một cách chính xác.

Trong thời gian “nằm” biệt giam tôi cũng có vài việc để nhớ xin kể ra đây. Cứ mỗi tháng tù biệt giam được cho ra ngoài cắt tóc. Bọn “thế nhân” chúng tôi tất cả đều bị “gọt” trọc đầu kể cả vị Linh mục, nhưng với 2 vị Thượng Tọa Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ thì cai tù lại bắt để tóc. Hai cụ phản đối, cai tù thản nhiên: “Đó là chính sách Nhà nước!” Việc thứ hai là vì biệt giam mới làm chưa lắp ống dẫn nước nên mỗi ngày chúng tôi chỉ được từ 2 tới 3 phút vòi nước ở ngoài thọc vào để làm vệ sinh. Tôi không biết nên thản nhiên chà xà bông gội đầu (bằng xà bông giặt). Đang làm nửa chừng vòi nước rút ra mặc cho tôi nài nỉ. Báo hại đêm đó đầu tôi bị xà bông làm ngứa ngáy khó chịu không tài nào nhắm mắt ngủ yên được. Cũng vì “nước” tôi phải tự “tranh đấu” với mình mãi mới nuốt xong phần cơm tù. Tôi chỉ có 2 cái tô nhựa: một dùng đựng cơm, một dùng đựng canh. Vì phải chứa nước làm vệ sinh (khi đi cầu) tôi nhịn tắm lấy nước chứa vào cái tô lớn màu xanh. Trong khi đi “làm việc” (hỏi cung) tôi viết mấy chữ bằng bút chì dặn anh tù hành sự để cơm vào nửa tờ giấy báo cũ, còn canh để vào tô nhựa màu đỏ. Nhưng anh ta đổ hết nước trữ đi, để cơm canh vào 2 cái tô và đặt ngay trên bệ cầu tiêu chưa được dội nước còn nồng nặc mùi phân của mình.Tôi ngồi hơn nửa tiếng đồng hồ nhìn 2 tô cơm canh muốn ứa nước mắt tự “tranh đấu” với mình. Ăn hay nhịn? Nếu ăn, khó nuốt trôi miếng cơm vì tởm lợm. Nhưng nếu không ăn sẽ bị đói tới trưa hôm sau. Tôi lại mắc chứng đau dạ dầy từ ngày CS chiếm Saigon nên sẽ khốn khổ lắm. Cuối cùng tôi đành nhắm mắt nuốt vội chút cơm canh lạnh ngắt với hai hàng nước mắt.

Tôi bị nhốt biệt giam hơn 10 tháng, vào một buổi sáng trời âm u, được gọi tên mang đồ ra khỏi buồng giam. Phía chéo buồng giam, tôi liếc nhìn thấy nhà văn Duyên Anh để mặt sát ô vuông cánh cửa sắt phòng giam tập thể hướng về phía tôi nói khá lớn: “Nhớ ghé nhà tao nói với vợ tao…” Tôi chỉ nghe được tới đây thì bị viên cai tù nạt nộ cấm nói. Thì ra Duyên Anh tưởng tôi được tha về nhờ tôi tới nhà nhắn tin vợ.

Khi đi đến trước sân “nhà khách” trại giam tôi thấy vài người quen ngồi đó với đồ đạc cá nhân lỉnh kỉnh.Chúng tôi chỉ đưa mắt chào nhau. Mấy phút sau họ điểm danh từng người xong còng tay lại đưa lên chiếc xe hơi bít bùng chuyển về cơ quan An ninh nội chính (Nha Công an thành phố Saigon cũ đường Trần Hưng Đạo). Cùng trên chuyến xe có tiến sĩ Mai Văn Lễ, thạc sĩ Vũ Quốc Thông, ông Tống Đình Bắc và một vài người nữa (giờ tôi quên mất tên). Trong lúc ngồi ngoài sân cơ quan chờ làm thủ tục gì đó, các bạn tù của tôi bàn cãi sôi nổi về dự đoán chúng tôi được đưa lên đây làm giấy tờ tha. Có vị còn “cá” một chầu ăn uống linh đình ở Chợ Lớn. Rồi lần lượt từng người được gọi tên đem hành lý đi vào phòng… biệt giam! Tôi được gọi tên sau chót (may mắn cho tôi vì biệt giam hết chỗ (?) – viên công an tiếp nhận tù nói vậy) nên được nhốt vào khu tập thể A (làm từ thời Pháp). Gần 100 người đủ thành phần già trẻ lớn bé, tư sản, chính trị gia, Linh mục, Mục sư,Thượng tọa, Đại đức, trộm cắp, buôn lậu, nhốt chung trong 1 phòng dài trên 10 mét, bề ngang nhỏ hẹp, u tối, ẩm ướt, thiếu ánh sáng và khí trời. Phòng có 2 “sàn”, sàn trên cao khoảng 1 mét. Mỗi người được cấp manh chiếu rách cáu bẩn, nồng nặc mùi chua mồ hôi người tích tụ lâu năm đã kết thành “cao”. Ở trên tôi nói may mắn không phải vào lại biệt giam vì mấy tháng sau anh Mai Văn Lễ được thả khỏi biệt giam vào phòng tôi kể cho nghe thảm cảnh trong buồng biệt giam anh đã “chết trong cõi sống” mấy tháng qua. Buồng biệt giam Sở An ninh nội chính được xây từ thời Pháp thuộc có tuổi đời trên mấy chục năm. Tường bẩn thỉu lam nham đầy cáu bẩn đen đúa, sàn xi măng ẩm ướt quanh năm. Mùi mồ hôi, mùi phân, nước tiểu người tích tụ bao năm tạo thành một thứ mùi hôi hám khó tả, ngửi phải muốn nôn ọe ngay. Khủng khiếp nhất là cái cầu tiêu đã nứt nẻ và vỡ nhiều mảnh, mỗi khi trời mưa nước từ trong lỗ cầu dâng lên tràn lan khắp buồng với những cục phân chưa tiêu hủy. Nếu mưa lâu khoảng một giờ, nước cầu tiêu dâng ngập buồng giam hơn gang tay, tù chỉ còn biết đứng dựa vào tường chờ cho nước rút hoặc ngủ đứng. Và khi nước vừa rút hết, sàn si măng còn ẩm ướt, tù mới ngả lưng nằm thì một hai chú chuột cống khá to, lông lởm chởm ghẻ lở khắp mình trông dơ dáy khủng khiếp chui lên từ miệng cầu, thản nhiên gặm bàn chân tù, đạp đuổi nó cũng cứ gan lỳ không chạy! Có lẽ từ lâu nó sống bằng xương thịt tù bị chết chưa kịp mang đi. Anh Mai Văn Lễ kết luận: “Đúng là tầng chót địa ngục trần gian, có một không hai trên thế giới!” Tôi được biết Linh mục Hoàng Quỳnh,người lãnh đạo giáo dân khu Bùi Chu Phát Diệm nổi tiếng chống CS bằng vũ lực hồi còn ngoài miềnBắc. Linh mục bị bắt từ ngày đầu tháng 5/1975, bị giam và chết trong “tầng chót địa ngục trần gian” này. Khi họ đem xác Linh mục đi trên cái băng ca, thân thể teo tóp gầy đét bé nhỏ như đứa trẻ lên 10.

Sau 2 ngày đêm 15 chiếc xe vận tải lớn,trước đây dùng chở heo, chở mấy trăm tù ngồi bó gối trên sàn xe chật cứng nhúc nhích cánh tay cũng không được. Với bao gian khổ đói khát trên con đường dài mệt lả người, chập choạng tối chúng tôi tới trại tù lao động cải tạo Gia Trung (thuộc tỉnh Pleiku) nằm trong khu rừng núi hoang vu. Nghe nói nơi này khi trước là mật khu của CS. Trại Gia Trung lúc bọn tôi tới đã có 3 trại giam, mỗi trại cách nhau khoảng cây số. Trại nào cũng đầy nhóc người: từ 700 tới 1000. Tù đa số là các viên chức cấp nhỏ, địa phương quân, nhân dân tự vệ và đông nhất vẫn là tù hành sự từ các nơi đưa tới, có án hoặc chưa có án. Có cả tù chưa đến 10 tuổi, đói quá liều ăn tô bún riêu ở chợ không tiền trả bỏ chạy bị bắt.

Những nỗi đói khổ nhục nhã, sống cuộc đời trung cổ, sách báo đã nói nhiều từ hơn 30 năm, tôi xin miễn kể ra đây. Sự khổ sở nhục nhã chúng tôi còn có thể chịu đựng được. Nhưng cái khủng khiếp nhất đối với chúng tôi là sự vô vọng ngày trở về đoàn tụ với gia đình, với đời sống ngoài xã hội. Bọn cai tù bắt chúng tôi “học tập” chính sách Nhà nước là đem vợ con lên vùng đất tù đày này cuốc đất trồng khoai sinh sống (như ngoài Bắc đã thực hiện). Tất nhiên chúng tôi không thể làm theo họ. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh đời mình chứ không thể để vợ con đã khốn khổ ngoài đời lại phải gánh thêm cảnh tù đày.

Trong những năm tháng không tên dài dằng dặc như bao thế kỷ sống như cây cỏ, như súc vật, chúng tôi hết cả hy vọng, hết cả chờ mong thì có những tin tức như những làn gió mát mang theo hơi sống tới: tin đồn về chương trình HO, người Mỹ sẽ cứu chúng tôi đem sang Mỹ. Trong thời gian này các con tôi gửi thư cho tôi nói bóng nói gió là 2 hội Văn Bút QuốcTế và ViệtNam đang ráo riết can thiệp vận động cho anh em cầm bút chúng tôi. Và các con tôi cũng báo tin có nhận được “quà” của 2 hội gửi. Thời gian này bọn tù chúng tôi “hồ hởi phấn khởi” lắm. Chỗ nào cũng bàn tán về chương trình HO (mỗi người tán một kiểu toàn có lợi cho mình) với bao hy vọng tốt đẹp. Và chúng tôi cũng hết lời ca ngợi Tổng Thống Carter– vị ân nhân vĩ đại– sẽ lập cầu Không vận đưa chúng tôi từ VN qua Mỹ sống một đời ấm no tự do tươi sáng. Tôi cũng nghe nói tới tên một bà lúc ấy còn rất xa lạ với chúng tôi: bà Khúc Minh Thơ. Biết bao giai thoại đồn đại thêu dệt về bà được dựng lên. Qua câu chuyện và lời bình luận của anh em tù,tôi có cảm tưởng bà Khúc Minh Thơ như một bà tiên đang cầm cây đũa thần giúp chúng tôi từ vực thẳm lên. Rồi ngày tháng tiếp tục lặng lẽ trôi qua, tất cả mọi việc vẫn như cũ không có biến chuyển gì xẩy ra, chúng tôi lại tiếp tục buồn nản thất vọng lê cái thân tù đày mòn mỏi héo hắt trong quốc nạn khổ sai. “Mong nhưng không đợi không chờ” như câu thơ của Giáo sư Vũ Quốc Thông làm và đọc cho tôi nghe.

Sau gần 10 năm thân thể rã rời hư hao chỉ còn bộ da bọc xương, tinh thần suy sụp chán nản chẳng còn gì để mong để chờ và cũng hết cả “cú” tha bất ngờ thì anh Doãn Quốc Sỹ được gọi tên tha, năm sau anh Hồ Văn Đồng rồi thời gian sau nữa là giáo sư Vũ Quốc Thông. Những người này được tha về làm sự hy vọng tưởng tắt ngấm trong chúng tôi lại lóe lên, dù là ở cuối đường hầm mù mịt.

Có lẽ do nguồn từ gia đình ký giả Cao Sơn lên thăm nuôi nói đài VOA vừa loan tin tôi và họa sĩ CHÓE (Nguyễn Hải Chí) hiện bị giam tù ở trại Gia Trung, Pleiku. Thế là ầm cả trại đến nỗi viên quản giáo đội tôi cũng tò mò hỏi anh tù nấu nước có biết tôi không và hiện ở đội nào (vì đài VOA chỉ loan bút hiệu của tôi nên anh ta không biết). Báo hại tôi từ khi có tin này không được tự động đi gánh phân người từ trại ra ngoài đồng nữa, phải về đội cuốc đất chặt cây đào mương như mọi anh em tù khác. Gánh phân tuy có vất vả bẩn thỉu hôi hám mất vệ sinh thật nhưng chỉ nửabuổi là “thanh toán” xong các hố xí. Thời gian còn lại thoải mái xuống suối tắm giặt và đi “va tạt linh tinh” kiếm củ khoai mì hay vài cọng rau lang “cải thiện”cho “ấm” cái bụng thường trực rỗng. Nếu tôi nói đã hơn một lần “tự động” ăn… phân người, có lẽ nhiều người không tin cho là tôi nói quá để kể khổ thân phận tù đày dưới chế độ cộng sản. Lần thứ nhất quãng hơn 10 giờ, tôi vừa đói vừa khát ghé vào chỗ chòi đun nước uống của đội để uống nước. Anh bạn được phân công đun nước, nguyên đại úy cảnh sát quốc gia, vốn quý mến tôi, thấy tôi đến, anh mắt nhìn chỗ khác nhưng miệng nói nhỏ: “Bác đi tới phía bụi cây bên trái”. Tôi biết là “có gì” rồi. Tới nơi nhìn vào trong bụi cây tôi thấy nửa trái dưa chuột nhỏ. Tôi cầm lên bỏ vào miệng nhai liền. Có lẽ trong đời tôi chưa bao giờ ăn miếng dưa chuột ngon đến thế (tôi vốn không thích ăn dưa chuột).Vừa nuốt xong nửa phần dưa chuột tôi chợt nhớ ra, ngừng nhai, tiến lại chỗ anh bạn đun nước, nói: “Này ông ơi, có phải trái dưa này “tẩm” phân người?” Anh bạn gắt nhẹ: “Đã bảo, bác cứ ăn đi, không chết đâu mà sợ!” Nghe anh bạn nói, tôi biết mình đã lỡ ăn rồi (hơn nữa cũng tại đói) nên tiếp tục cố nhai và nuốt nốt phần dưa chuột còn lại. Nguyên do thế này: Trong vườn ươm giống của đội trồng rau có 1 giàn dưa chuột. Khi dưa mới kết trái to hơn ngón tay đã bị tù (và cả cai tù) hái trộm ăn hết nên ban giám thị trại tù ra lệnh lấy phân tươi của người hòa với nước rồi hàng ngày quết vào những trái dưa chuột cho hết bị trộm. Nhưng tù vẫn hái trộm ăn sau khi rửa sơ qua. Thế là lần thứ nhất tôi ăn phân người. Lần thứ hai thì chính do tôi (và mấy ông bạn) chủ động ăn phân người. Tôi và mấy “đồng sự” được “bố trí” dọn phân cầu tiêu các phòng giam. Một số anh em tù hình sự ra ngoài đồng làm việc đã hái và ăn tươi nuốt sống các trái bắp. Vì ăn trộm nên không kịp nhai (sợ cai tù thấy) các bạn tù hình sự cứ thế mà nuốt. Bắp già hạt cứng dạ dầy không tiêu nổi, hôm sau đi cầu ra nguyên cả hạt. Chúng tôi lúc đầu còn sợ bẩn sợ hôi và bệnh nhưng sau khi sôi nổi “bàn thảo”, chúng tôi đi tới việc lấy những hạt bắp này đem ra suối rửa, luộc hai ba lần cho hết mùi hôi rồi ăn một cách ngon lành thoải mái! Nhiều bạn tù biết chuyện cũng xin ăn ké. Tôi được “ấm bụng” ít ngày thì bị “ngưng công tác” (vì tin đài Voa loan)? Đó là hai dấu ấn khủng khiếp trong trại tù cho tới ngày hôm nay, mỗi khi nghĩ tới tôi vẫn không khỏi rùng mình tự hỏi không hiểu sao mình lại có thể “ghê gớm” đến thế!

Còn một chuyện nhỏ nữa mà tôi cũng khó quên. Tôi vốn bị quy kết “học tập cải tạo” xấu, tư tưởng không ổn định và trây lười lao động nên thường xuyên bị ăn 13 ký một tháng (5 ký gạo, 8 ký khoai mì, nhưng bọn cai tù và bọn nhà bếp đồng lõa ăn chặn mất 2 ký gạo nên chỉ còn 3 ký). Trong 7 năm sống ở trại Gia Trung tôi được gia đình “thăm nuôi” có 3 lần. Đáng nhớ nhất là lần hai con tôi (còn vị thành niên: một trai 15 tuổi và một gái 13 tuổi) đi xe đò hơn ngàn cây số lên thăm bố với gói quà khoảng 10 ký. Khi đến cây số 25 (quốc lộ 18) thì xuống xe, lúc đó là 2 giờ đêm. Trời rất lạnh lại ở chốn rừng thưa hoang vắng không biết đường vào trại, hai anh em phải ngồi dựa lưng vào nhau chờ sáng trong lòng vừa sợ vừa lo mọi thứ, nhất là với thú dữ và kẻ cướp.

Sáng hôm sau tôi được gọi thăm nuôi. Tôi cố làm nét mặt lạnh lùng vô cảm để tránh trận nước mắt của 2 con tôi khi nhìn thấy thân thể tiều tụy mòn mỏi hết sinh lực của bố chúng. Như đã viết ở trên vì tôi học tập cải tạo xấu, lao động kém nên chỉ được nhận 2 ký đồ thăm nuôi.Tôi nhìn thấy 1 gói bột trắng khoảng 1 ký,tôi tưởng là bột gạo hoặc bột sữa nên lấy gói này và 1 gói xả xào mắm ruốc vừa đủ 2 ký. Hai con tôi đứng trước cửa nhà thăm nuôi nhìn theo, tôi biết chúng đang khóc nhưng không đủ can đảm quay lại nhìn:tôi sợ không cầm được nước mắt và òa khóc. Tôi nghe tiếng con gái tôi nói trong nước mắt: “Bố ráng giữ gìn sức khỏe để còn sống trở về với các con”. Vào tới buồng tôi mở ngay gói bột ra pha nước vào cái tô nhựa và ngoắng cho tan bột. Bột bị ngoắng sủi bọt lên trắng xóa. Đang đói đang khát tôi đưa lên miệng uống liền một ngụm lớn. Nhưng chất bột vừa trôi vào cổ họng, thấm vào lưỡi đắng chát và nóng rát, không có mùi vị gì có thể gọi là sữa cả, dù là sữa quá “đát”, tôi muốn nôn ọe vội nhổ ra ngay. Thì ra đó là xà bông bột (mà tôi cứ đinh ninh là bột gạo hay bột sữa). Kể lại cho anh em trong trại nghe ai cũng ôm bụng cười. 2 con tôi thật ngây thơ đem xà bông bột cho tù giặt quần áo! Sau này tù về tôi mới biết hai con tôi cũng vô cùng khốn khổ trong chuyến về này. Vì xe đò hết chỗ chật cứng, chủ xe bảo 2 con tôi muốn đi thì lên mui xe mà “nằm”. Bát đắc dĩ chúng phải làm theo. Mấy lần suýt chết khi xe chạy qua những cái “cầu” thấp nhỏ bắc ngang đường, chỉ sơ sẩy một chút là bị vướng gạt ngã xuống đường chỉ có chết, nếu không thì cũng vỡ đầu gẫy chân tay.

Đầu năm 1985 tôi bất thần được gọi tên tha về cùng một số anh em quân nhân. Ngoài tôi không có thêm tên anh bạn văn nghệ sĩ nào. Các anh mừng cho tôi thì ít, lo lắng chán nản thất vọng cho mình thì nhiều. Viên quản giáo trở nên tử tế với tôi, gã chạy vào phòng nói: “Mừng cho anh nhé. Có thuốc men gì cho tớ xin”. Tôi cho gã mấy viên thuốc cảm, gã đòi lấy hết nhưng tôi không cho để cho anh em tù nghèo không thăm nuôi.

Trại tù phát cho chúng tôi 50 đồng tiền đi xe, trong khi giá xe về Saigon 150 đồng. Đi bộ từ trại tù ra tới quốc lộ 25 gần 5 cây số. Chúng tôi phải nài nỉ mãi bà chủ xe đò mới “thông cảm” lấy 50 đồng. Xe đầy nhóc người ì ạch chạy như rùa bò trên con đường vòng vèo dốc núi cheo leo đầy bất trắc, nguy hiểm. Tôi và 3 anh tù đi cùng chuyến xe không một đồng bạc dính túi, phải nhịn đói nhịn khát 2 ngày đêm liền cho tới khi về tới nhà ở Saigon. Một anh có “sáng kiến” đem bộ quần áo tù mới tinh được trại tù phát khi tha, gạ bán cho mấy người trên xe để lấy tiền ăn, nhưng đều bị từ chối vì ai cũng sợ xui khi mặc đồ tù.

Rời nhà tù nhỏ ra nhà tù lớn sống mấy năm thì “phong trào HO” nở rộ và tên tuổi bà Khúc Minh Thơ được anh em tù về hết lời ca ngợi công đức. Bà là ân nhân của tù cải tạo. Tôi vì nghèo, tiền ăn không có lấy đâu ra vàng đút lót hối lộ để được đi HO. Nhưng nghe theo lời các bạn đồng nghiệp cũ may mắn thoát sang Mỹ trước, viết thư về khuyên tôi cứ đến đường Nguyễn Du nộp đơn kèm theo những giấy tờ can thiệp (từ trước tới nay) của các tổ chức như Hội Văn Bút Quốc Tế,Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Liên Đoàn Ký Giả Quốc Tế, Hội Nhân Quyền..v..v… Nhưng tất cả đều vô vọng. Lần nào cũng vậy, 2 lần, tôi “ôm” hồ sơ xin xuất cảnh tới Sở Ngoại Vụ đường Nguyễn Du đều được các viên chức hữu quyền (công an CS) trả lời dứt khoát: “Nhà Nước không có chính sách cho anh xuất cảnh. Bọn lính cũ không có súng ống đâu còn đánh được chúng tôi nhưng với bọn anh chỉ 1 cây viết vẫn có thể chống phá chúng tôi như các anh đã làm trước đây. Anh nên biết bên đó bọn báo chí phản động nhiều như nấm”. Thế là con đường sống bị triệt. Hết hy vọng, hết chờ mong. Tôi đành sống kiếp mạt rệp – một thứ công dân hạng bét – ngay trên quê hương đất nước mình. Nhưng tới cuối năm 1998 tôi được anh bạn nhà văn Hoàng Hải Thủy từ Mỹ gửi thư về báo cho biết tôi và Nhà văn Uyên Thao được bà Khúc Minh Thơ, chủ tịch Hội Bảo Vệ Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam đã tận tình can thiệp với Bộ Ngoại Giao Mỹ để chúng tôi được sang Mỹ định cư. Chính Hoàng Hải Thủy sốt sắng giới thiệu 2 chúng tôi với bà Khúc Minh Thơ và cộng tác mật thiết với bà trong công việc vận động. Con đường hy vọng, con đường sống, lại mở rộng trước mắt tôi.

Buổi tối ngày 18 tháng 5 năm 1999 tôi lên máy bay giã biệt quê hương tăm tối sang Mỹ định cư. Tôi lại được sống lại dưới bầu trời tự do dân chủ như tại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Tuy nhiên nhiều đêm vẫn giật mình thức giấc vì những ám ảnh não nề thê thảm khốn cùng của những năm tháng tù đày.

Thanh Thương Hoàng.


 

Nguyễn Phú Trọng, người cô đơn trên đỉnh cao quyền lực

Ba’o Tieng Dan

Thu Hà

27-4-2024

Ngai vàng, quyền lực, vàng son, nhung lụa chưa chắc làm cho người ta hạnh phúc. Trong giấc mơ, dù là lãnh tụ tối cao hay dân cày, niềm vui và nỗi buồn gặp phải, tất cả đều giống nhau.

Chinh phục vương quyền

Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14-4-1944 tại Hà Nội. Ông vừa trải qua sinh nhật lần thứ 80. Ông là sinh viên khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1967. Ông có bằng Tiến sĩ chuyên ngành xây dựng đảng khi học tập ở Liên Xô, giai đoạn 1981-1983.

Ảnh: Khoảnh khắc vô tư của ông Nguyễn Phú Trọng khi gặp lại người đồng môn thời đại học Nguồn: Tác giả Thu Hà gửi riêng cho Tiếng Dân

Cuộc đời ông Trọng kiên định, theo đuổi chủ nghĩa Mác – Lenin đến mê muội, cũng như giấc mơ vô định về “thiên đường XHCN”.

Ông Trọng sống chết với lý luận, điều lệ, nghị quyết, quy chế và vô số thứ “hầm bà lằng” khác, gọi chung là văn kiện. Ông từng công tác tại Tạp chí Cộng sản và rồi trở thành Tổng Biên tập TCCS giai đoạn 1991-1996.

Năm 1997, ông Trọng được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khoá 8 và trở thành người đứng đầu Quốc hội năm 2006, sau đó ngoi lên ghế Tổng bí thư khoá 11 vào năm 2011.

Từ đầu năm 2012, ông Trọng bắt đầu đấu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để giành quyền lực về phe đảng, khi mà chính phủ của ông Dũng thâu tóm rất nhiều quyền hành thời đó.

Cuối năm 2012, ông Trọng thành công trong việc cho tái lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương, nhằm đối trọng với phe Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Bá Thanh, bí thư Đà Nẵng, được ông Trọng kéo ra Ba Đình, cho ngồi ghế Trưởng ban Nội chính. Vương Đình Huệ, bộ trưởng Bộ Tài chính, được điều sang nắm vị trí Trưởng ban Kinh tế.

Ông Trọng có tham vọng đưa Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ bầu bổ sung vào Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 7, khoá 11. Thế nhưng phe của ông thất bại thảm hại, khi cả Thanh và Huệ đều rơi đài. Mong muốn quy hoạch Huệ ngồi vào ghế Chủ tịch Quốc hội và Thanh vào ghế Thủ tướng chính phủ trong khoá 12, nhiệm kỳ 2016-2021 của ông Trọng đã bị “cuốn theo chiều gió”.

Tháng 1-2016, Nguyễn Phú Trọng loại được Nguyễn Tấn Dũng, để giành suất “nhân sự đặc biệt”, ung dung ngồi lại cái ghế tổng bí thư nhiệm kỳ 2. Sau đó, dưới sự chỉ đạo của ông Trọng, các cơ quan của Đảng trở thành công cụ chính trong chiến dịch “đốt lò”, chống tham nhũng. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ban Nội chính trở nên quyền lực song hành, phối hợp với Bộ Công an.

Phe ông Trọng gia tăng sức mạnh của bộ máy Đảng, tương quan với bộ máy nhà nước và bắt đầu thanh trừng diện rộng.

Mở màn là Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, sau đó đến Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình… cùng vô số sĩ quan cấp tướng công an, quân đội, từng là đồ đệ gắn bó trung thành với Nguyễn Tấn Dũng, đều bị Nguyễn Phú Trọng “ném vào lò” hoặc kỷ luật đảng, phế bỏ chức tước, đuổi về vườn…

Cả hệ thống chính trị “lên đồng”, tung hô ông Trọng là “người đốt lò vĩ đại”. Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và tiêu cực cấp tỉnh, một sáng kiến khác của Nguyễn Phú Trọng, được thiếp lập ở tất cả các địa phương. Nhưng ông Trọng đặt niềm tin không đúng chỗ, bởi đứng đầu các Ban chỉ đạo này lại là các bí thư tỉnh, thành; chúng là các “ông trùm” tham nhũng!

Khôi hài ở chỗ, “ông trùm” lại giám sát các cuộc điều tra chống tham nhũng ở cấp địa phương và báo cáo về trung ương. Họ giám sát “hay” đến nỗi, các bí thư tỉnh uỷ, kiêm Trưởng ban này ,lại biến thành “củi”, chui vào “lò của ông Trọng”, như bí thư các tỉnh Bình Dương, Hải Dương, Quảng Nam, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Bến Tre…

Hai vũ khí chính của ông Trọng là giáo dục đạo đức cho cán bộ, kể cả cán bộ đảng viên cấp cao và … bỏ tù. Có gì đó sai khi đi dạy nhân cách lẫn tư tưởng cho những kẻ 30 đến 40 năm tuổi đảng. Càng sai hơn, khi đem nhà tù ra doạ, nhưng cho phép án tù tỷ lệ nghịch với số tiền mà quan tham nôn ra.

Các văn bản giáo huấn của đảng càng dài ra, theo chiến dịch “học tập tấm gương” của thầy Trọng, chứ không phải Hồ Chí Minh. Nguyễn Phú Trọng “say máu”, hả hê trong chiến thắng. Ông ngồi rung đùi, cho xuất bản sách “Kim chỉ nam” của Nguyễn Phú Trọng và nhặt “củi” ném “vào lò”. Ông quên mất rằng, những cao thủ chính trị vẫn miệt mài trong bóng đêm, chờ cơ hội phản công.

Vào tháng 4-2019, ông Trọng bất ngờ bị đột quỵ trong chuyến đi kinh lý Kiên Giang. Trong những ngày ông Trọng vắng mặt dài hạn trên chính trường, đã dấy lên những đồn đoán về sức khỏe của ông, cũng như khả năng tranh giành quyền lực trong Đảng.

Thoát chết khỏi bạo bệnh, đi không vững, người run bần bật, nhưng ông Trọng vẫn không hề nghĩ đến chuyện rời bỏ và chuyển giao quyền lực. Lúc nào cũng hô hào “ngăn chặn tham vọng quyền lực” nhưng bản thân ông Trọng lại là người khư khư ôm cái ghế cao nhất, không chịu buông ra.

Điều lệ Đảng quy định “Tổng Bí thư giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”, nhưng ông Trọng lờ đi. Các ứng viên Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng lần lượt ra đi vì lý do này, lý do kia. Riêng ông Trọng vẫn ngồi ghế tổng bí thư nhiệm kỳ 3. Bỏ ngoài tai mọi đàm tiếu, chỉ trích trong đảng và dư luận xã hội, có lẽ ông Trọng cho rằng chỉ có ông “tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng”.

Cô đơn trên đỉnh cao quyền lực

Cho đến thời điểm này ông Trọng vẫn không có “đồ đệ chân truyền”. Sở dĩ hai nhân vật Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng được ông nâng đỡ và dìu dắt, chẳng qua ông nhìn thấy ở họ có “tố chất cộng sản” hơn những kẻ khác mà thôi.

Huệ và Thưởng kiên định chủ nghĩa Mác- Lenin, có trình độ học vấn, trình độ lý luận rõ ràng, chắc chắn hơn các đồng chí “chuyên tu – tại chức”, các anh “tiến sĩ tội phạm học”, “tiến sĩ hình sự học” và giáo sư… “tra tấn học”. Huệ và Thưởng cũng có bộ dạng sáng sủa, ăn nói lưu loát và nhất là một lòng theo… ông Trọng.

Ông Trọng “đốt lò” giỏi, lý luận hay, nhưng “chơi cờ” trong bàn cờ chính trị rất dở. Ông hoàn toàn có thể chuẩn bị người kế nhiệm và chọn thời điểm thích hợp để ra đi trong thế ngẩng cao đầu, nhưng ông đã không làm.

Nhiều chính trị gia lão thành đã cảnh báo, việc ông Trọng không quy hoạch, sắp xếp nhanh người kế vị, là sai lầm chết người. Tình huống này có thể dẫn đến tình trạng tranh giành quyền lực một mất một còn, ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị của đất nước. Khi thiếu vắng các cơ chế kiểm soát và cân bằng, di sản chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Trọng có thể bị đe dọa.

Hai nhân vật Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng mà Nguyễn Phú Trọng dành niềm tin tuyệt đối để quy hoạch vào ghế A1 và A2 của vương triều cộng sản cho hai nhiệm kỳ liên tiếp là 2026-2031 và 2031-2036 đã bị bật gốc.

Cú “ngã ngựa” của Thưởng và Huệ đau hơn của ba Uỷ viên Bộ Chính trị khác trong khoá 13 như Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Tuấn Anh rất nhiều. Cả Thưởng và Huệ đều bị bêu réo trên báo đảng là “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm” và “đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân”.

Võ Văn Thưởng sang Bắc Kinh ra mắt Tập Cận Bình vào tháng 10-2023. Đến tháng 3-2024 thì em họ Thưởng bị bắt giam, ngay sau đó Thưởng bị các đồng chí của mình “cưa” ghế.

Vương Đình Huệ sang trình diện Tập Cập Bình vào tháng 4-2024. Kết thúc chuyến đi, vừa về đến sân bay thì Trợ lý Phạm Thái Hà bị bắt. Nửa tháng sau, Huệ bị truất phế.

Hai cánh tay đắc lực luôn xuất hiện cặp kè bên Nguyễn Phú Trọng, đã bị hạ gục. Đây không những là đòn chí mạng mà phe tấn công nhắm vào uy tín của ông Trọng, mà còn dội một gáo nước lạnh vào mặt Tập Cận Bình.

Những thuộc hạ một thời mà ông Trọng tự hào là “đội ngũ trẻ trung, ưu tú của đảng” đã rơi rụng gần hết. Ông Trọng giờ xem như đang cô đơn trên đỉnh cao quyền lực.

Nguyễn Phú Trọng bên cạnh hai đồ đệ Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng. Ảnh cắt từ báo Lao Động

Hơn 30 năm trước, ông Trần Xuân Bách, Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư khoá 6, đã đưa vấn đề “đa nguyên, đa đảng” ra trước trung ương. Ông Bách cho rằng “Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử…”.

Còn tướng Trần Độ, Ủy viên Trung ương khoá 6, Phó Chủ tịch Quốc hội khoá 7, tuyên bố: “Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp”.

Dân chúng muốn đảng Cộng sản chia sẻ quyền lực, cạnh tranh công bằng. Dân muốn nhân sự lãnh đạo, điều hành đất nước phải thật sự do dân bầu ra, bằng các cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu. Thế nhưng, người đứng đầu đảng chẳng cần đếm xỉa tới.

Để cứu vãn, ông Nguyễn Phú Trọng nên làm điều gì đó như các bậc tiền bối nêu trên đã làm. Ít ra họ cũng để lại chút tiếng thơm, lưu tên trong lịch sử như một người cộng sản chân chính. Còn nếu không, ông Trọng sẽ để lại “ngàn năm bia miệng”, qua hình ảnh đi vào thiên thu với sợi xích Huân chương Hữu nghị treo dài trên cổ của ông mà họ Tập đã tặng cho ông trong chuyến đi “khấu đầu” hồi tháng 10-2022!

TBT Nguyễn Phú Trọng đeo Huân chương Hữu nghị trên cổ do Tập Cận Bình tặng. Nguồn: Redian


 

Qua cơn bĩ cực-Triều Phong/SGN

Ba’o Nguoi-Viet

April 25, 2024

Triều Phong/SGN

Ngày 15 Tháng Năm 1975, theo lệnh Ủy Ban Quân Quản Saigon-Gia Định, dân chúng được lệnh tập họp tại địa phương để chuẩn bị tới Dinh Độc Lập mừng ngày Sài Gòn được “giải phóng!”

Đối với cộng sản, đây là cuộc mít tinh vô cùng to lớn và quan trọng đầu tiên kể từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam thành lập vào ngày 03 Tháng Hai 1930 vì “đất nước hoàn toàn độc lập, sạch bóng quân thù!”

Ngay từ 2 giờ khuya đêm đó, người ta bắt đầu kêu nhau ơi ới. Mọi người tuân lệnh răm rắp, không ai dám nói hay có bất cứ hành động hoặc cử chỉ phản đối nào. Tôi theo cậu Tư của tôi; một đại úy giải ngũ của quân đội VNCH, và chú Luân em chồng của dì Sáu tôi, nguyên là một thiếu tá, tiểu đoàn phó bộ binh, chạy loạn từ Đà Nẵng về tá túc nhà dì, tới tập trung ở Nhà thờ Hội Thánh Tin Lành trên đường Ngô Tùng Châu.

Do số người quá đông nên cán bộ yêu cầu chúng tôi xếp hàng hai và ngồi xổm xuống đất chờ đợi, trong khi bộ đội, nữ du kích mặc đồ bà ba đen đi dép râu với khăn rằn quấn cổ, súng AK47 lủng lẳng, im lặng đi lên đi xuống theo dõi mọi người. Dần dà dân chúng ở các khu phố khác từ từ kéo đến và dù đang là ban đêm nhưng nhiều băng rôn đề cao Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh được trương lên, rất nhiều kẻ giơ cao hình “Hồ Chí Minh”.

Thỉnh thoảng vài cán bộ hô to những khẩu hiệu ca ngợi sự lãnh đạo “tài tình và sáng suốt” của Đảng trong “cuộc chiến thần thánh” đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, “đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào”… Ở tận cùng của men say chiến thắng, những tay “Cách Mạng Ba Mươi,” các thành phần xu thời, đón gió trở cờ quá khích, xăng xái nhảy ra phụ họa hò hét, càng khiến tình hình thêm ngột ngạt.

Họ là những kẻ chỉ điểm nguy hại nhất chuyên “lập công kiếm điểm.” Xen lẫn trong thành phần lăng xăng đó, tôi thấy bà Năm bán thuốc lá lẻ ngoài Ngã Năm Bình Hòa; ông Bảy quét rác ở chợ; Vinh, lao công đào binh của VNCH từ nhà tù Chí Hòa mới về, đang cầm loa đi tới đi lui huy động quần chúng giữ trật tự.

Sau hai tiếng đồng hồ, nhiều người mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật. Số khác thì hết đứng lại ngồi, miệng phì phà điếu thuốc Bastos hay Ruby. Riêng chú Luân, cũng còn máu “sĩ quan” nên lâu lâu lén móc gói Capstan xanh và chuyền cho cậu Tư tôi. Đó là những loại thuốc lá cuối cùng của miền Nam. Khói thuốc bay quyện lên cao rồi tan biến trong đêm tối mịt mùng như phận đời của họ. Tôi thỉnh thoảng cũng đứng dậy uốn éo mấy bận cho đỡ mỏi trong lúc cậu Tư và chú Luân thì thầm nhỏ to chuyện thế sự. Bất chợt bà Năm đến chỗ chúng tôi và lên tiếng:

-Chà, đông quá, chúng tôi cần “giải phóng” cái sân này! Yêu cầu mọi người di tản ra ngoài đường ngồi chờ hé.

Giữa lúc tôi còn chưng hửng với cách nói chuyện bằng ngôn ngữ mới của bà thì tất cả mọi người xung quanh lục tục đứng lên. Chúng tôi được hướng dẫn ra ngoài ngồi cùng một phía bên nhà thờ, bởi vì phía bên kia đường bây giờ là địa bàn thuộc về khu vực kiểm soát của địa phương khác. Sau đó, như muốn chứng tỏ sự “trung thành” với chính quyền mới, bà bắt loa, giọng oang oang:

-Để cho buổi mít tinh có khí thế và thành công tốt đẹp, bây giờ mọi người hát theo tôi nha. Nói xong bà cất tiếng hát “Như có Bác Hồ… Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…” Bà Năm bắt bài và vỗ tay theo nhịp cho mọi người ca theo. Giọng bà ồ ồ như cái loa bể. Vì bài nhạc còn mới mẻ, đa số mọi người không thuộc nhưng môi vẫn nhép nhép, tay vỗ theo đều đều.

Càng về sáng, dân chúng mọi nơi kéo tới càng đông, với thêm rất nhiều cờ xí và băng rôn. Đến khoảng năm giờ sáng thì số người tập trung đã lên đến hàng ngàn, chật kín các ngã đường! Lúc này đám cán bộ phường và du kích quân ra sức sắp xếp đội hình cho dân chúng. Họ cầm loa phóng thanh kêu gào mọi người giữ trật tự, và không được đứng lên đi tới đi lui lộn xộn.

Nhìn ông Bảy và bà Năm “tất tả lo công tác” với nhiệm vụ mới, tôi nhủ thầm “đúng là thời thế thay đổi!” Tiếp đến tên Vinh giới thiệu đồng chí “Ngũ Lục,” bí thư chi đoàn phường trong tương lai. Người ta thấy một thanh niên môi thâm sì trong bộ đồ bà ba đen với nón tai bèo, khăn rằn, dép râu, ăn vận đúng khuôn mẫu du kích quân (mà sau này tôi biết anh ta từ Côn Đảo mới về). Hắn bước lên trước, nói như ra lệnh:

-Bà con cô bác lưu ý nà, bây giờ là 5 giờ sáng rồi, chỉ vài phút nữa là chúng ta di chuyển ra thành phố để họp cùng với dân chúng các nơi khác, tham dự cuộc mít tinh lịch sử của dân tộc. Yêu cầu bà con im lặng, trật tự, ngồi ngay hàng thẳng lối. Để thay đổi không khí, tôi sẽ bắt bài “Kết Đoàn,” yêu cầu mọi người cùng hồ hởi ca theo nhé. Dứt lời, giọng nhà quê của anh ta vang lên phá tan màn đêm: “Kết đoàn, chúng ta là sức mạnh. Kết đoàn, chúng ta là sắt gang… Chúng ta thề đánh tan quân thù thực dân. Đế quốc sài lang với phe phản động ta đập tan hoang…

Hắn vừa hát vừa vỗ tay. Bộ đội và du kích phụ họa theo. Mọi người cũng vỗ tay, môi lại mấp máy nhưng tôi biết họ cũng như tôi có biết gì đâu mà ca với hát. Thú thực là những bài ca, sặc mùi “mưa máu, gió tanh” như loại này tôi nuốt không vô! Cạnh tôi, chú Luân và cậu Tư cũng lép nhép nhưng tôi biết hẳn là hai người đang đau đớn lắm!

Đoàn người bắt đầu di chuyển. Họ đi chậm chạp, rồng rắn qua các con phố. Và vì có quá nhiều người từ Tân Cảng, Thanh Đa đổ qua, từ Phú Nhuận kéo tới nên rốt cuộc khi trời sáng hẳn chúng tôi mới đến được đường Thống Nhất. Cả chục ngàn dân với cờ quạt trùng trùng từ mười tám quận huyện nội ngoại thành quy tụ về dày đặc công viên trước Dinh Độc Lập. Những người đi sau đành đứng xa xa nhìn về hướng Dinh nhưng chỉ thấy cái tháp của Vương Cung Thánh Đường trên nền trời cao.

Lúc đó khoảng chừng 8 giờ sáng. Chúng tôi bị choáng ngợp bởi sắc đỏ của màu cờ phủ trùm cả một không gian rộng lớn, cùng hằng hà sa số băng rôn, biểu ngữ lớn, nhỏ, ca tụng bác và đảng, được cầm tay hay giăng mắc khắp nơi, như “Hoan Nghênh Sài Gòn Đại Thắng!”, “Đảng Cộng Sản Việt Nam Muôn Năm” hoặc “Hồ Chủ Tịch Vĩ Đại Sống Mãi Trong Sự Nghiệp Của Chúng Ta.” Mấy chục ngàn người chen chúc như đám rừng dày đặc dưới ánh nắng chói chang, gay gắt, với tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Nào ai biết được!

Trong lúc ấy, ban tổ chức giới thiệu thành phần tham dự của Chính Phủ, Đảng và Nhà Nước Cộng Sản, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam do Tôn Đức Thắng dẫn đầu, Trung Ương Cục có Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt… Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam với Nguyễn Hữu Thọ; Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Sài Gòn-Gia Định mới thành lập hôm 7 Tháng Năm có Thượng tướng Trần Văn Trà; đại diện Trung ương có Lê Đức Thọ và Văn Tiến Dũng… Hàng trăm xe tăng T54, xe tải quân sự, xe kéo hỏa tiễn Sam và mấy chục ngàn bộ đội đủ quân binh chủng cộng sản duyệt binh trước mặt quan khách trên lễ đài cao. Phóng viên báo chí nước ngoài cùng Việt Nam cũng tới quay phim, viết phóng sự…

Đến giờ làm lễ, họ hát “Tiến Quân Ca”, bài Quốc ca của Cộng Sản Việt Nam do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác. Sau đó, họ nói về vai trò của Đảng Cộng Sản Việt Nam từ khi còn là Đảng Cộng Sản Đông Dương đầu thập niên 1930, tự diễn thuyết nhiệm vụ lớn lao của Đảng trong việc giải phóng đất nước đánh thắng thực dân Pháp vào năm 1954 qua trận Điện Biên Phủ, kể lể hùng hồn chiến dịch “Đại Thắng Mùa Xuân” trong việc đánh bại đế quốc Mỹ và lật đổ tay sai “Ngụy quyền Sài Gòn.”

Họ tự nói, tự khoe thành tích, tự tâng bốc bác và đảng của họ, tự khen ngợi cuộc chiến thần thánh của họ, rồi vỗ tay. Mọi người chỉ có phận sự lắng nghe và hùa theo mà thôi. Buổi mít tinh kéo dài đến hai giờ chiều. Quần chúng giải tán. Chúng tôi len lỏi các con đường nhỏ đi thất thểu vì mệt do đói khát và thiếu ngủ. Đó là cuộc mít tinh đầu tiên và đầu đời của tôi mà tôi còn nhớ mãi!

Sau hào quang chiến thắng, hòa bình trên đầu môi là những tháng ngày bị bắt nạt, đàn áp. Mọi người sống trong lo âu hồi hộp, với nỗi sợ hãi bị bắt bớ tù đày, tinh thần mọi người luôn bị khủng bố trước sự tráo trở bịp bợm của chính quyền mới. Cạnh đó, chúng còn tiến hành chính sách bần cùng hóa xã hội để dễ cai trị bằng mấy đợt đánh tư sản, đổi tiền hoặc xua đuổi dân chúng đi lên chốn rừng thiêng nước độc để cướp nhà cửa.

Xã hội điêu linh, dân tình đói khổ xác xơ! Giai đoạn này cũng là thời gian của sự đấu tố tàn bạo! Ai cũng sợ đám “Cách Mạng Ba Mươi”. Bọn a dua nịnh bợ, theo “đóm ăn tàn” như bà Năm, ông Bảy hoạt động rất tích cực, luôn đâm thọt, chỉ điểm vô cùng tận tình. Nhất là tên Vinh. Hắn rất nhiệt thành trong những đợt “bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy” mà tôi đã trình bày trong câu chuyện Những tháng ngày bỏ lại.

Vì sống không nổi dưới sự hà khắc, tráo trở của chế độ, và cai trị độc ác bởi công an nên dân chúng đành “bán mạng” lũ lượt trốn cộng sản qua mọi cách có thể. Tôi cũng vậy! Sau năm lần bảy lượt tù tội với hai mươi lần cố gắng, cuối cùng tôi tới được Phi Luật Tân để rồi phải cay đắng nằm gai nếm mật chịu đựng hơn mười năm trời tranh đấu cho tự do mới đến được Mỹ vào cuối năm 1999!

Năm 2016, tôi trở về Việt Nam ba tuần để thăm ba tôi khi ông đau nặng, nằm cấp cứu ở Bệnh viện Nguyễn Trãi. Hằng ngày vào bệnh viện thấy cảnh kẻ bệnh người nuôi nằm la liệt khắp các phòng, đầy dẫy nơi hành lang nhếch nhác bẩn thỉu, khiến tôi ngao ngán não nề! Trong những ngày ở nhà, em gái tôi thường cho tôi ăn dưa hấu tráng miệng. Đây là loại dưa hấu sọc của Thái Lan.

Thấy tôi hảo thứ này, một bữa khá trưa, em gái lấy xe gắn máy chở tôi chạy qua đường Phan Văn Trị ghé vào hàng hiên trước một căn nhà bày bán dưa hấu. Trong khi tôi đứng chờ, có đứa bé gái chừng mười lăm hay mười sáu gì đó đẩy xe đạp dựng kế bên hông nhà ra. Khi con nhỏ chuẩn bị đạp xe thì người đàn ông hỏi:

-Nè Nga, đi đâu đó?

-Con chạy lại nhà con Hoàng chút ba.

-Nhanh rồi về đưa em đi học nha. Hôm nay nó có lớp Anh văn đó!

Con nhỏ đạp xe đi chẳng thèm quay đầu lại:

-Con biết!

Trong lúc em tôi lựa hai trái bỏ vô giỏ xe rồi lấy bóp trả tiền, tôi quan sát người đàn ông và thấy anh ta có cái răng vàng trông khá quen thuộc. Sau khi thanh toán tiền xong, cô em chở tôi về. Khi xe chạy tới chùa Hòa Khánh, tôi hỏi:

-Ông đó phải thằng cha Vinh hồi xưa không em?

-Ừ, chả chứ ai. Ủa mà sao anh còn nhớ ổng hay vậy? 

-Thì tao ngờ ngợ khi thấy hắn và lúc hắn hả miệng, tao thấy cái răng vàng khè mới nhớ đấy chứ… Ừ, mà tao tưởng bây giờ hắn làm tới chủ tịch phường là ít chứ đâu dè lại đi bán dưa hấu, thảm như thế này đâu?  

Đoạn tôi nhắc cho nhỏ em nhớ ngày xưa thằng “Cách Mạng Ba Mươi” này rất cuồng nhiệt Việt cộng và cầm đầu mấy cuộc đốt sách mà chẳng hiểu sao bây giờ không được sơ múi gì? Em tôi cho biết:

-Đâu có, sau này ổng cũng được cất nhắc lên làm gì đó trong phường. Tuy nhiên ổng muốn làm chủ tịch phường nhưng ai mà cho, bởi dẫu sao ông Vinh này cũng là lính đào ngũ của VNCH, thành thử họ nghĩ lý lịch chả chắc cũng xấu, anh biết hôn. Vì vậy sau này ổng thấy có “phấn đấu” mấy cũng không được gì nên nghe đâu cũng mánh mung, tham nhũng gì đó nên bị đi tù rồi và bị đẩy ra…

-Đáng đời! Ngày nào đốt sách vở Anh văn, giờ lại hối hả cho con đi học tiếng Anh. Vậy mới biết là thứ chẳng ra gì.

-Ôi, nghĩa lý gì cái đám “ăn hại đái nát” này anh ơi! Em tôi vừa chạy xe vừa la lớn giữa phố xá đông người.

Nhìn giao thông hỗn loạn, đường xá rối tung, mạnh ai nấy chạy trong tiếng còi xe bóp inh ỏi, tôi nhức cả đầu, hoa cả mắt. Có lắm người còn chạy lên vỉa hè hay chạy ngược chiều một cách ngang nhiên. Tôi não nề chán nản cho một đất nước sống với luật rừng, môi trường ô nhiễm, tình trạng vệ sinh vô cùng kém, chính quyền đầy đám sâu bọ đục khoét, bất công tràn lan. Tôi bỗng nhiên muốn chóng xong việc để trở về Mỹ.

Nhiều năm sống thoải mái ở một đất nước dân chủ nhưng vô cùng tự giác đã tạo cho tôi một tinh thần thượng tôn pháp luật không gì thay thế được. Đúng là cây một khi mang ra khỏi chậu trồng ngoài đất rồi, và sau thời gian dài phát triển nhờ hấp thụ khí trời, dinh dưỡng đầy đủ thì không thể nào bỏ trở vô chậu được nữa! Con người cũng thế, đã sống trong xứ sở tự do rồi thì làm sao có thể về với cộng sản được nữa đây?