THƯ GỬI “sư em” MINH TUỆ

Dieu Le-Những câu chuyện Nhân Văn

Anh và em chưa một lần gặp mặt

Và biết em chưa chắc đọc thư này

Nhưng tâm tình thì cứ gởi liền tay

Nhờ phây lưu biết ngày sau giá thử.

Nhiều năm trước anh cũng từng phát nguyện

Sang Thái Lan đi khất thực dăm ba ngày

Tập quấn y mà cứ mãi trầm trây

Rồi nguyện đẹp cũng dần dà trôi luống.

Nay thấy em tấm hình hài buông xuống

Phấn tảo y ôm lấy chiếc thân gầy

Bước chân trần em rong ruỗi đó đây

Anh cúi đầu với biết bao xúc cảm.

Đang đối mặt với trần gian ảm đạm

Giữa chúng ta ai thoát khỏi phiền ưu.

Em hơn anh ở dám quyết dám liều

Anh thua em vì nhiều duyên nợ khác.

Hành trạng em dù chưa tròn “y bát”

Như Luật Nghi, giáo pháp đề ra,

Theo dõi bước chân, anh thấy thật xót xa

Phải chi quanh em là vô ngôn tuyệt đích.

Chuyện đời thường mặc kẻ ưa người thích

Việc của mình, “muốn nhích” cứ làm thôi.

Mặc cho người chỉ trích hoặc bám, hôi.

Mong em giữ vững sơ tâm bền chí cả.

Xưng thầy, xưng con, chẳng có gì trí trá

Lõi nồi cơm hay ứng lượng khí bàn chi

Như đói ăn, khát uống bất tư nghì.

Khi hết thở, một mảnh đời dừng lại.

Nụ hoa Tuệ em có từng muốn hái?

Cõi Niết mơ hồ em có định hướng chưa?

Hay cực đoan khổ hạnh chốn đời thừa,

Để vớt vát bóng hình đời đang thiếu?!

Hành cước em vốn đặc thù chất liệu

Nhưng bướm ong vo vẻ nhện tơ giăng

Khiến tâm đan bỗng chốc bị phược thằng

Khiến trân phẩm vô tình thành phế phẩm?!

Gửi đến em bằng tình thương sâu thẳm

Như bao người, không phân biệt thân sơ.

Giữa chúng ta tuy bèo nước hững hờ,

Nhưng nguyện sẽ là người đồng lý tưởng.

Dẫu đường đi mỗi người theo mỗi hướng

Gá mộng thân theo cách của riêng mình

Sống hết lòng với cuộc thế phù sinh

Hết hành trình, ta hiện sinh chốn khác.

Anh chúc em giữa mưa chang gió tạt

Thân đủ an và sức khoẻ kiện khang,

Chân đủ lì để tiếp tục lang thang

Vẽ bức tranh nhàn du vô định.

———

Nguồn sưu tầm

Nam Mô A Di Đà Phật

Người đăng bài

Sa Môn Tỳ Kheo Thích Minh Thành


 

 Trương Thị Mai từ chối ghế ‘tứ trụ’, Bộ Chính trị chỉ còn 12 ủy viên

Ba’o Dat Viet

May 14, 2024

Trương Thị Mai và Nguyễn Phú Trọng

Trương Thị Mai đã có đơn xin nghỉ việc từ khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ra quyết định thành lập đoàn “Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Vương Đình Huệ” hôm 20-4-2024. Trọng động viên Mai ở lại để giữ chức Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch Quốc hội, nhưng bà nàty kiên quyết từ chối.

Vụ các phe tấn công Mai tung tin hỏa mù rằng có lời khai từ các quan chức Lâm Đồng về việc bà can thiệp cho nhóm Trương Mỹ Lan – Nguyễn Cao Trí có được dự án Đại Ninh là không đúng sự thật.

Về tin đồn Mai được tặng một biệt thự đắt tiền ở Sài Gòn, cũng là tin vu khống.

Mai là phụ nữ không chồng, không con; bà được đánh giá là nhân vật “sạch sẽ” nhất trong trung ương đảng. Vụ bà xin nghỉ việc, không liên quan gì tới Trương Mỹ Lan, Nguyễn Cao Trí hay dự án Đại Ninh.

Sau khi Trương Thị Mai chính thức rút lui khỏi chính trường, thì 18 ủy viên Bộ Chính trị khoá 13 từ đầu nhiệm kỳ đến nay chỉ còn 12 người. Sáu ủy viên Bộ Chính trị “rơi rụng”, theo thứ tự thời gian như sau: Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai.

Dự kiến sáng 19-5-2024, Bộ Chính trị và Ban Bí thư sẽ nhóm họp để phân công nhiệm vụ các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngồi vào các vị trí chủ chốt bị khuyết hoặc sẽ có sự thay đổi như: Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng, bộ trưởng Bộ Công an…

Danh sách đề cử chính xác hiện vẫn chưa có. Bộ Chính trị, Ban Bí thư trình nhân sự, Trung ương sẽ cho ý kiến đề cử bổ sung danh sách, sau đó chốt số lượng và tiến hành bỏ phiếu kín.

Sẽ có 5 người được đề cử trong danh sách ứng viên Bộ Chính trị để bầu 4 người. Riêng Ban Bí thư sẽ đề cử 3 người, bầu 2 người.

Thông tin rò rỉ cho hay, nhân sự cấp cao của đảng sẽ có những thay đổi căn bản. Bộ Chính trị dự kiến trình Trung ương bỏ phiếu giới thiệu:

Tô Lâm ứng cử chức danh Chủ tịch nước.

Trần Thanh Mẫn ứng cử chức danh Chủ tịch Quốc hội.

Lê Văn Đoành


 

Đảo chính đang diễn ra tại Việt Nam

Ba’o Nguoi-Viet

May 13, 2024

Đặng Đình Mạnh/SGN

Giữa cơn rối ren chính trị của chế độ, nếu chỉ nhìn vào sự hạ bệ cá nhân các tên tuổi Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Hoàng Trung Hải, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và sắp tới đây là Trương Thị Mai, vì những nghi vấn tham nhũng, trục lợi cá nhân… thì chúng ta chưa nhìn thấy hết sự tầm vóc sự việc.

Chúng không đơn giản chỉ là việc chống tham nhũng qua công cuộc “đốt lò” mà ông Nguyễn Phú Trọng phát động trong nhiều năm qua với mục tiêu chỉnh đốn đảng CSVN.

Hãy nhìn rộng ra, trong vỏn vẹn chưa đầy hai tháng, rằng tất cả quyền lực nhà nước cao nhất từ một chủ tịch nước, một chủ tịch Quốc Hội, một thường trực Ban Bí Thư Trung Ương Đảng… và trên tất cả, quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư đảng… đều rơi vào sự tê liệt từ một môi trường chính trị vốn thường hãnh diện về sự ổn định, mới thấy tầm vóc nghiêm trọng của sự việc.

Gọi đúng tên, đó chính là sự đảo chính ở Việt Nam!

Không cần quá hiểu biết về chính trị, thì công chúng cũng sẽ dễ dàng nhìn ra thấy bàn tay cầm trịch cuộc đảo chính của ông Tô Lâm, đại tướng, bộ trưởng Bộ Công An.

Theo thang bậc trong đảng, ông Tô Lâm chỉ đứng ở vị thế thứ năm sau tứ trụ. Nhưng sau khi ra tay đảo chính, hạ bệ hai trong số bốn trụ, thì tuy chưa từng một ngày thay đổi chức vụ, nhưng ông Tô Lâm hầu như đang nắm giữ vị thế số một, trên cả ông Nguyễn Phú Trọng đang bị cách ly với xã hội bên ngoài với danh nghĩa bệnh tật do tuổi già.

Nhân vật còn lại là ông Phạm Minh Chính. Tuy vẫn nằm trong số tứ trụ quyền lực, nhưng tin tức truy nã hàng ngày đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người được đồn đãi là người tình tội phạm của ông đã trở thành lưỡi gươm Damoclet treo lơ lửng trên đầu để kìm chế mọi tham vọng quyền lực cá nhân của ông, nếu có. Cho nên, người ta chợt thấy ông Thủ tướng họ Phạm trở nên kiệm lời, nhu mì và “biết điều” hơn mức cần thiết.

Lúc này, để quan sát mọi động thái của chính quyền, công chúng hướng về tòa nhà Bộ Công An – nơi đặt văn phòng bộ trưởng tại phố Phạm Văn Đồng chứ không còn hướng về tòa nhà Trung Ương Đảng – nơi đặt văn phòng tổng bí thư đang cửa đóng then gài im ỉm tại phố Hùng Vương theo truyền thống nữa.

Chúng ta không thể tự hỏi, sau khi hạ bệ một loạt các quan chức lãnh đạo cao cấp tham tàn, thì ông Tô Lâm sẽ làm gì? Phải chăng đơn thuần ông ấy chỉ thay đổi chủ nhân chiếc ghế Tổng Bí thư bằng chính mình để thỏa mãn cơn tham vọng quyền lực cá nhân? Hoặc ông ấy sẽ quyết định thay đổi số phận của cả dân tộc này bằng một cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc, hay thoát ly vĩnh viễn chế độ Cộng Sản độc tài để trở thành một Putin độc tài phiên bản Việt?

Hãy nhìn vào một chi tiết mà ít người trong chúng ta để ý trong cuộc đảo chính của ông ấy, để chúng ta có thể đoán chừng về những bước đi sắp tới của ông Tô Lâm. Đó là trường hợp hạ bệ ông Vương Đình Huệ.

Trước khi bị hạ bệ, ông Vương Đình Huệ có chuyến thăm và làm việc khá dài ngày đến Trung Quốc (ngày 07 đến 12 Tháng Tư 2024). Trong chuyến đi, ông gặp gỡ các quan chức chính trị hàng đầu của Trung Quốc, từ người có thẩm quyền cao nhất là ông Tập Cận Bình đến người đồng cấp.

Ông Vương Đình Huệ (trái) và ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, trong chuyến thăm Trung Quốc cuối cùng của ông Huệ chỉ nửa tháng trước khi mất ghế. (Hình: Chính Phủ)

Theo truyền thống quan hệ hai quốc gia, những chuyến đi Bắc Kinh như vậy, đều là cơ hội giúp củng cố vị thế cá nhân như ông Vương Đình Huệ trong bàn cờ nhân sự sắp tới. Chắc chắn, ông ấy sẽ có vai trò đáng kể trong đảng, thậm chí, kế thừa ghế tổng bí thư quyền lực số 1.

Thế nhưng, ngay khi bước chân về nước vào tối ngày 12 Tháng Tư 2024, trợ lý thân tín của ông là ông Phạm Thái Hà bị bắt giữ ngay chân máy bay. Ít ngày sau, ngày 26 Tháng Tư 2024, ông Vương Đình Huệ bị ép phải chính thức rời chức vụ chủ tịch Quốc Hội ngay tại hội trường Diên Hồng trong tòa nhà quốc hội.

Rõ ràng, động thái bắt giữ trợ lý, sau đó, thẳng tay hạ bệ quan chức cao cấp, người vừa được chính quyền Bắc Kinh tổ chức đón tiếp trọng thể, ký kết nhiều văn kiện quan trọng trong quan hệ song phương như là một đối tác tin cậy, quan trọng… là một hành vi bỉ bôi, như cái hắt nước lạnh vào mặt không hề dễ chịu với chính quyền Bắc Kinh.

Ông Tô Lâm thừa biết một động thái như vậy mang ý nghĩa gì với chính quyền Bắc Kinh, mặc dù vậy, ông vẫn thực hiện (!) Điều đó, khiến cho chúng ta không khỏi thắc mắc về động cơ gì đã có thể đủ mạnh đến mức độ thúc đẩy ông ấy có động thái như xúc phạm đến “thiên triều” như vậy?

Chưa kể rằng, việc quyết định số phận thành viên của tứ trụ không hoàn toàn thuộc thẩm quyền trọn vẹn của đảng CSVN, nếu chưa có sự tham vấn ý kiến từ đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trong khi đó, với trường hợp hạ bệ ông Vương Đình Huệ, thì có vẻ chỉ cần quyết định của ông Tô Lâm là đủ, không chỉ bất chấp Bộ Chính Trị đảng CSVN mà còn bất chấp ý kiến phía Trung Quốc.

Giải thích được điều đó, giúp chúng ta đoán chừng được bước đi kế tiếp của ông Tô Lâm, tác giả cuộc đảo chính.

Bản thân ông Tô Lâm không phải là người trong sạch, đầy vi phạm tày trời theo cách lộ liễu nhất, không che giấu như những người mà ông đang hạ bệ, như: Nghi vấn trong vụ tai tiếng AVG, tổ chức bắt cóc quốc tế, sinh hoạt cá nhân xa hoa tai tiếng, lũng đoạn công tác lập pháp quốc hội qua các thủ tục về hộ chiếu, căn cước…

Thế nhưng, ông ấy lại đang làm hài lòng công chúng khi thẳng tay vạch mặt, buộc từ chức hàng loạt lãnh đạo cao cấp tham tàn như là những tên tội phạm. Bằng cách “chuộc tội” đó, có vẻ như ông Tô Lâm đang từng bước muốn “quay đầu là bờ.” Tuy vậy, công chúng vẫn trông đợi ông ấy làm hơn những điều như thế, vì lẽ, lúc này không ai trong số 100 triệu người Việt có cơ hội, khả năng và điều kiện làm thay đổi xứ sở tốt hơn.

Ghi chú: Mọi cuộc đảo chính thường được định nghĩa thông qua phương thức bất hợp hiến để chiếm giữ quyền lực. Điều đó có thể đúng với những chính quyền hợp pháp. Thế nhưng, với một chính quyền luôn luôn bị nghi vấn về tính chính danh khi không được thành lập bằng bầu cử tự do như ở Việt Nam, thì cách buộc chính khách “thôi chức” hàng loạt như ông Tô Lâm đang thực hiện để chiếm giữ quyền lực, nó cũng có thể được xem là một cuộc đảo chính.

(tựa do SGN đặt)


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Quà biếu mẹ già

 Ba’o Dan chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Đời về chiều, tôi mới (chợt) để ý tới ca dao:

Buồn vì một nỗi tháng Giêng
Con chim cái cú nằm nghiêng thở dài
Buồn vì một nỗi tháng Hai
Đêm ngắn ngày dài thua thiệt người ta
Buồn vì một nỗi tháng Ba
Mưa dầu nắng lửa người ta lừ đừ
Buồn vì một nỗi tháng Tư
Con mắt lừ đừ cơm chẳng muốn ăn
Buồn vì một nỗi tháng Năm …

Tháng này, ở Việt Nam, hay có những buổi chiều mưa – mưa đầu mùa – khiến không ít người bâng khuâng nhớ mẹ, nhất là vào Ngày Hiền Mẫu. Theo Wikipedia tiếng Anh:

Mother’s Day is a celebration honoring the mother of the family, as well as motherhood, maternal bonds, and the influence of mothers in society. It is celebrated on various days in many parts of the world, most commonly in the months of March or May. (Ngày của Mẹ là ngày vinh danh người mẹ, cũng như tình mẫu tử, và ảnh hưởng của họ trong xã hội. Lễ hội này được tổ chức ở nhiều nơi, khắp toàn cầu, vào những ngày khác nhau, và thường vào tháng Ba hoặc tháng Năm.)

Wikipedia tiếng Việt còn ghi chép thêm rằng ngoài mấy bà mẹ bình thường (hoặc tầm thường) và “đám mẹ ngụy,” xứ sở này còn có những bà mẹ phi thường – super mom – được vinh danh là Mẹ Việt Nam Anh Hùng:

Đây là danh hiệu mà nhà nước Việt Nam tặng hoặc truy tặng những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế…

Tiêu chuẩn đạt danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (kể cả là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam) dành cho những phụ nữ đạt một trong những tiêu chuẩn sau:

  • Có hai con trở lên là liệt sĩ
  • Có hai con mà một con là liệt sĩ, một con là thương binh với thương tật từ 81% trở lên.
  • Chỉ có một con mà người đó là liệt sĩ;
  • Có một con là liệt sĩ, chồng hoặc bản thân là liệt sĩ.

Người con là liệt sĩ bao gồm con đẻ và con nuôi của Bà mẹ được pháp luật thừa nhận, và đã được Chính phủ tặng Bằng Tổ Quốc Ghi Công…

Từ tháng 12 năm 1994 đến hết năm 2001, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho:

Cả nước: 44.253 người

– Miền Bắc: 15.033 người

– Miền Nam: 29.220 người

Riêng miền Trung – tôi đoán – chắc số lượng Mẹ Việt Nam Anh Hùng quá đông, đếm không xuể, thống kê cũng không hết nên đành cho mấy bả qua một bên luôn.

Để độc giả, nhất là quí vị sinh sau đẻ muộn, có thể hình dung ra cuộc đời của một bà MVNAH, xin ghi lại đây toàn văn bài viết (“Người Mẹ Ở Cao Nguyên Lâm Viên”) của hai nhà báo An Nhiên và Hoàng Yên:

“Trong một dịp đến với cao nguyên Lâm Viên, chúng tôi được gặp và trò chuyện với Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tất, quê Quảng Nam trong ngôi nhà tình nghĩa đơn sơ ở thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Mẹ Tất 85 tuổi, quê Điện Bàn. Tuổi cao, sức yếu, không còn đi lại được, nên khi chúng tôi đến, có người để nói chuyện, mẹ vui lắm. Mẹ kể những câu chuyện của cuộc đời mẹ, của chiến tranh, với những hy sinh, mất mát không bao giờ quên.

Năm 1962, mẹ Tất cùng chồng con vào thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, định cư. Trước đó, ở Điện Bàn, gia đình mẹ làm cơ sở nuôi giấu cán bộ, vừa tiếp tế vừa làm giao liên. Vào thôn Xuân Sơn, vợ chồng mẹ tiếp tục hoạt động cách mạng. Mẹ có 8 người con (4 trai, 4 gái), đều tham gia hoạt động cách mạng. Chồng mẹ – ông Trần Cương, ngày đi làm vườn, làm thợ mộc kiếm tiền mua lương thực, thực phẩm trữ giấu trong nhà nuôi cán bộ; ban đêm đi hoạt động cách mạng.

Đêm 7.7.1968, chồng mẹ và con gái là Trần Thị Minh Rê đi tiếp tế cho bộ đội gặp địch càn quét, chúng phát hiện hai cha con và bắn chết tại rừng Xuân Sơn. Sáng sớm hôm sau, bà con khiêng thi thể cha con về thôn, mẹ như điên dại. Dân trong thôn cứ ngỡ mẹ không qua khỏi cơn đau này, khi trước đó 2 tháng, mẹ mất đứa con út (5 tuổi) do bị bệnh. Vết thương lòng chưa kịp lành thì năm 1971 mẹ nhận hung tin người con trai đầu Trần Quang Vinh (19 tuổi) hy sinh ở vùng rừng đoạn sông La Bá.

Vì Tổ quốc, mẹ bước qua nỗi đau, cùng các con tiếp tục hoạt động cách mạng. Người con tiếp theo của mẹ, anh Trần Minh Quang trở thành thương binh, con gái Trần Thị Minh Xuân theo mẹ đi rải truyền đơn, con gái út tuổi còn nhỏ cũng đã biết giúp mẹ nấu cơm tiếp tế, làm giao liên cho cách mạng. Rồi mẹ bị địch bắt giam ở Đà Lạt 3 năm (sau này mẹ được công nhận là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày), bị tra tấn chết đi sống lại nhưng mẹ một mực cương quyết không khai tổ chức, cơ sở của cách mạng. Ngày 30.4.1975, miền Nam giải phóng, mẹ Tất cùng các chiến sĩ bị địch giam cầm phá nhà lao Đà Lạt trở về.

Cả cuộc đời của mẹ Tất trải qua biết bao sự hy sinh mất mát. Sưởi ấm lòng mẹ những năm tháng tuổi già là người con gái út luôn gắn bó kề bên. Chị Trần Thị Minh Sơn – con gái út của mẹ Tất nói rằng: ‘Bây giờ chị đã 52 tuổi, trừ 3 năm mẹ đi tù, còn lại là quãng thời gian chị ở bên mẹ và sẽ suốt đời bên mẹ’.

Chúng tôi rời căn nhà nhỏ, mẹ dặn khi nào rảnh lại ghé nhà mẹ chơi. Lời mời của mẹ làm lòng chúng tôi dấy lên cảm giác khó tả. “Dạ. Chúng con có cơ hội sẽ lại về. Về với mẹ để lòng thêm vững chãi”

Nhị vị tác giả của bài báo thượng dẫn thiệt là vô tâm, nếu chưa muốn nói là đểnh đoảng. Thăm một bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng đã gần đất xa trời (tới nơi) rồi mà không có quà cáp chi ráo trọi. Những cán bộ tỉnh đoàn hay thành đoàn của Đảng thì hoàn toàn khác, họ chu đáo hơn nhiều – theo tường thuật của phóng viên (Hoà Hội) báo Tiền Phong:

Ngày 20/5, Tỉnh Đoàn Hậu Giang tổ chức trao tặng 600 bộ cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho các gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng, nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Bác.

Mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Sa ở xã Vĩnh Viễn (Long Mỹ, Hậu Giang) vui mừng nói: “Tôi rất vui vì được các bạn trẻ đem đến nhà tặng cờ và ảnh của Bác. Việc làm có ý nghĩa lớn đối với bản thân tôi và người dân vì không cần phải đi đâu xa mà trong nhà hằng ngày đều được gặp hình ảnh của Bác Hồ vĩ đại.”

Má Đinh Thị Sa thiệt là dễ vui, và dễ tính. Công luận – xem chừng – có vẻ khó khăn (và xét nét) hơn chút xíu:

  • Yên Vũ: “Đồ đểu”!
  • Phung Tran: “Mẹ VN anh hùng cần ăn hơn cần hình”!
  • Phan Anh: “Sao không tặng các mẹ cá gỗ để các mẹ ngắm ăn cơm với mắm”?
  • Hieu Thai: “Moá nó, tiền thì đi mua xe sang để chạy còn tiền đâu để tặng cho các mẹ, tặng mỗi người 10 tấm để các mẹ chùi đít”.
  • Dìm Hàng: “Hậu Giang là tỉnh nghèo, việc cung cấp giấy là việc bình thường”.
  • Trương Vĩnh Phúc: “Kiên định lập trường xem pháo hoa, ngắm ảnh quên đói”!

Riêng nhà báo Trương Duy Nhất thì chỉ buông (duy nhất) có mỗi một câu thôi:

“Không biết tự bao giờ, người ta nghĩ ra được những món quà khốn nạn đến thế.”


 

Thánh Mát-thi-a, Tông đồ – thế kỷ thứ 1-Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia đình, hôm nay Giáo Hội mừng kính trọng thể thánh Mát-thi-a, Tông đồ—thế kỷ thứ 1 (St. Matthias the Apostle). Mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm bổn mạng nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 14/05/2024

Theo Tông Ðồ Công Vụ 1:15-26, sau khi Ðức Giêsu Lên Trời, các tông đồ cần phải tìm người thay thế cho Judas Iscariot. Với tất cả những bàng hoàng chưa thông hiểu, những nguy hiểm đang phải đương đầu, tại sao các ngài lại chú ý đến việc tìm vị tông đồ thứ mười hai? Số mười hai là con số quan trọng cho Dân được chọn: mười hai là con số của mười hai chi tộc Israel. Nếu một Israel mới phát sinh từ các môn đệ của Ðức Kitô, thì cần phải có mười hai tông đồ. Nhưng biết ai để mà chọn?

Khi Thánh Phêrô đứng lên đề nghị phương cách chọn lựa, lúc ấy có một trăm hai mươi người đang tụ tập cầu nguyện. Thánh Phêrô biết rằng người được chọn phải là người đã theo Ðức Kitô từ ban đầu — từ lúc Ngài chịu thanh tẩy bởi Gioan Tẩy Giả cho đến khi Lên Trời. Lý do thật dễ hiểu, tông đồ phải là người theo Ðức Kitô trước khi bất cứ ai biết đến, phải trung thành với Ngài dù có những khó khăn và đã chứng kiến sự phục sinh của Ðức Kitô.

Có hai vị hội đủ điều kiện – Matthias và Giuse Barsabbas. Các tông đồ biết hai vị này đã từng ở với họ và ở với Ðức Kitô trong suốt thời gian Ngài thi hành sứ vụ. Nhưng ai thực sự quyết tâm làm nhân chứng cho sự phục sinh của Ðức Kitô. Chỉ có Thiên Chúa mới biết được điều đó. Và các tông đồ đã cầu nguyện và bỏ phiếu. Người được chọn là ông Matthias, là người được thêm vào nhóm Mười Hai thay Judas Iscariot.

Theo một tương truyền Hy Lạp, thánh nhân giảng đạo ở Capadoce và bị ném đá chết tại Colchis năm 80 AD; xác thánh nhân được chôn ở Jerusalem. Thánh tích còn tại nguyện đường tu viện ở Triers, phần khác do thánh nữ Helene đưa về La Mã tại Đền Thánh Đức Bà cả. Ðó là tất cả những gì chúng ta được biết về Thánh Matthias.

Lời Bàn: Ðức Clêmentê ở Alexandria nói rằng Thánh Matthias, cũng như tất cả các tông đồ khác, được Ðức Kitô chọn không phải vì họ tốt lành, nhưng vì Ðức Kitô đã thấy trước con người tương lai của họ. Các ngài được chọn không phải vì sự xứng đáng nhưng vì các ngài sẽ trở nên người xứng đáng. Ðức Kitô cũng chọn chúng ta giống như vậy. Thử nghĩ xem Ðức Kitô muốn bạn trở nên một người như thế nào? [Chính những gì bạn làm ngay bây giờ sẽ quyết định tương lai của bạn đó.]

(Trích Gương Thánh Nhân – ns Người Tín Hữu online và Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saints, Santi-Beati-Testimoni và “Điển Ngữ Các Thánh” của cố linh mục Hồng Phúc, CSsR)

From: Do Dzung

Đường con theo Chúa -tinmung.net

ĐỪNG BAO GIỜ NGHĨ MÌNH LÀ ĐỒ BỎ ĐI!

  1. Einstein lên 4 tuổi vẫn không biết nói. Các giáo viên đều nhận định cậu bé này không có năng lực học tập.
  2. Walt Disney, nhà làm phim hoạt hình, nghệ sỹ, nhà kinh doanh nổi tiếng thê giới. Nhưng hồi trẻ ông bị sa thải khỏi một tờ báo vì can tội “thiếu sáng tạo và nghèo trí tưởng tượng.”
  3. Thời trung học, Michael Jordan bị loại khỏi đội bóng rổ ở trường. Cậu ấy từng đóng cửa phòng riêng và khóc một mình nhiều ngày liền.
  4. Diễn viên nổi tiếng quyến rũ nhất thế kỷ 20, Marilyn Monroe bị hãng phim 20th Century-Fox từ chối. Cô ấy bị chê “không xinh và năng lực diễn xuất kém”
  5. Ban nhạc Beatles từng bị từ chối bởi nhà sản xuất băng đĩa Decca Recording Studio. Hãng này cho rằng Beatles chơi nhạc rất tồi và không thể có được vị trí nào trong làng giải trí.
  6. Khi 30 tuổi, Steve Jobs bị hội đồng Apple sa thải. Anh rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi phải từ bỏ công ty do chính mình sáng lập.
  7. Lincoln, tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, người được ngưỡng mộ như bậc thánh nhân bởi lòng đức độ và trí tuệ nhìn xa trông rộng, đã từng hai lần kinh doanh thất bại, bảy lần hỏng trong hoạt động tranh cử thống đốc bang.
  8. Bill Gates bỏ dở việc học ở Harvard. Công ty đầu tiên của ông là Traf-O-Data cũng không thành công.
  9. Oprah Winfrey, siêu sao truyền hình, triệu phú Mỹ, có tuổi thơ đầy giông bão. Chị là con gái của một thiếu phụ da đen bị hãm hiếp. Bản thân chị hồi nhỏ cũng bị lạm dụng tình dục. Chị nhiều lần bị sa thải và giáng lương khi là ký giả cho một tờ báo do “thiếu năng lực.”
  10. Thomas Edison, nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20 với gần 3000 sáng chế, đã từng bị cô giáo nhận xét là “quá dốt để đào tạo.”
  11. Henry Ford từng bị phá sản với ba công ty trước khi thành công với Ford Motor Company ở độ tuổi 53.
  12. Soichiro Honda, người sáng lập ra hãng Honda nổi tiếng, từng làm thợ máy cho công ty Toyota và bị công ty này buộc thôi việc do năng lực kém.
  13. Colonel Hardland David Sanders, chủ nhân đầu tiên của KFC, đã từng vật lộn trong nghèo khổ. Món gà rán của ông ta bị 1000 nhà hàng từ chối bán. Ngoài 70 tuổi, ông ấy mới bắt đầu biết đến mùi của thành công.
  14. Nữ nhà văn tỷ phú, giàu gấp 5 lần Phạm Nhật Vượng, tác giả của bộ Harry Potter nổi tiếng từng hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều năm, ly hôn chồng sau khi sinh một cô con gái. Chính bộ Harry Potter cũng từng bị 12 nhà xuất bản từ chối in.

Vậy nên, đừng bao giờ cho phép bản thân có ý nghĩ mình là đồ bỏ đi. THAY ĐỔI KHÔNG BAO GIỜ LÀ MUỘN.

V.H.N

From: Tu-Phung


 

TÂN GIÁM MỤC – (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Họ rút thăm, thăm trúng ông Matthia: ông được kể thêm vào số mười một tông đồ”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, bằng cách ấy – ‘rút thăm’ – chúng ta có vị ‘tân Giám mục’ đầu tiên! Mừng kính thánh Matthia, chúng ta mừng kính Giáo Hội Chúa Kitô với sự liên tục của thừa tác vụ tông đồ. Tôn vinh Matthia, chúng ta tôn vinh sự thật rằng, Chúa Giêsu đã ban cho các ‘Giám mục’ đầu tiên của Ngài năng quyền truyền chức thánh cho những người kế vị.

Bài đọc thứ nhất tường thuật cuộc bầu chọn Matthia, người sẽ thế chỗ Giuđa. Phêrô cho biết, đó là “Những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta… cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng, Người đã phục sinh!”.

Và khi Giáo Hội tiếp tục phát triển, luôn có những người khác được chọn, được tấn phong để trở thành các ‘tân Giám mục’. Ngày nay, mỗi Giám mục đều có những người kế vị trực tiếp được chọn từ một hay nhiều vị ‘tân Giám mục’ của mình. Sự kế thừa không gián đoạn này là mối liên hệ trực tiếp của chúng ta với Thừa Tác Vụ Linh mục của Chúa Giêsu khi nó được truyền lại cho Giáo Hội.

Đây quả là một món quà! Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói, “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con!”. Đúng thế, các ‘tân Giám mục’ là những người được chính Chúa Giêsu chọn. Và chúng ta biết, không phải mọi Giám mục hay Linh mục đều là thánh. Tất cả các ngài đều nhận thức khá rõ điều đó. Nhưng cũng đúng là mọi Giám mục và Linh mục đều chia sẻ hồng ân tuyệt vời Thừa Tác Vụ Linh mục của Chúa Kitô. Và chức vụ này không dành cho họ mà dành cho bạn và tôi.

Chúa Giêsu ước mong chính Ngài sẽ đích thân tiếp tục sứ vụ của Ngài một cách cụ thể, cá nhân qua những con người. Ngài muốn chính Ngài sẽ hiện diện mỗi lần Rửa tội, Thêm sức và Rước lễ. Ngài muốn đích thân đến đó để ban những ân sủng này cho đoàn chiên Ngài. Và Ngài ở đó, qua thừa tác vụ Giám mục, Linh mục, những con người Ngài chọn.

Điều quan trọng là chúng ta phải nhìn thấy Chúa Kitô trong mỗi tác vụ đó. Mỗi Linh mục hay Giám mục đều là đại diện độc đáo của Chúa Kitô theo cách riêng của mình. Mỗi người trong họ đều phản ánh Chúa Kitô trong nhân cách và sự thánh thiện của con người ngài. Nhưng quan trọng hơn, họ đại diện Chúa Kitô bằng cách hành động trong chính Ngài, nhân danh Ngài. Chính Chúa Kitô nói những lời giải tội và thánh hoá của Ngài qua họ. Vì thế, bạn và tôi cần nhìn xa hơn những gì ở bề mặt hầu có thể nhìn thấy Chúa Kitô trong họ. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện nếu chúng ta tiếp cận những người giúp việc cho Chúa bằng đức tin.

Anh Chị em,

Hôm nay, hãy suy gẫm về cách bạn và tôi tiếp cận các Linh mục và Giám mục của Chúa. Bạn nói về họ thế nào? Bạn có tìm kiếm Chúa Kitô nơi họ không? Bạn có cởi mở để Chúa Kitô phục vụ qua họ không? Sứ vụ tông đồ mà họ chia sẻ là một món quà thực sự từ Chúa Kitô vốn phải được yêu thương và chấp nhận như thể chúng ta đang đón nhận chính Chúa Kitô. Đó chính xác là những gì chúng ta đang làm và cần làm.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã ban những người phục vụ Lời Chúa và các Bí tích cho con. Xin cho các ngài tiếp tục là những khí cụ thánh thiện của tình yêu Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

********

Ngày 14 tháng 5

THÁNH MÁT-THI-A, TÔNG ĐỒ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

12 “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”


 

THÁNH MATTHIA TÔNG ĐỒ-Enzo Lodi

Enzo Lodi

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Việc tôn kính thánh Matthias chỉ xuất hiện tại Rôma vào thế kỷ IX.  Lễ của ngài được cử hành vào Mùa phục sinh, phù hợp với câu chuyện bầu cử ngài diễn ra giữa hai ngày lễ Chúa Thăng thiên và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 1, 15-26).

Matthias (hay Mathias) tiếng Do Thái mattatyah (= hồng ân của Thiên Chúa) là môn đệ của Đức Giêsu.  Vài Giáo phụ như Clément d’Alexandrie, đồng hóa ngài với Giakêu.  Có lẽ ngài chết tử đạo ở Giêrusalem.  Song một truyền thống khác nói ở Éthiopie.  Thánh tích của ngài được tôn kính tại Trèves (Đan viện thánh Matthias) và tại Rôma (Đền thờ Đức Bà Cả).  Ngài được minh họa, tay cầm giáo hay thanh kiếm, và đôi khi lại bị gươm kiếm đâm thâu qua.

  1. Thông điệp và tính thời sự
  2. Câu chuyện trong Công vụ đọc vào ngày lễ (1,15-26) thuật lại diễn từ của Phêrô trước việc rút thăm chọn Matthias.  Các Tông Đồ ý thức việc cần lập một nhóm Mười Hai tách biệt, được Đức Giêsu tuyển chọn để tiếp tục sứ vụ của Người.  Vì con số ấy chỉ còn Mười Một sau bội ước của Giuđa Iscariote, nên cần một người khác nhận phần việc thay cho kẻ phản bội (Cv 1, 21), để số 12 trong Tông Đồ đoàn luôn được đầy đủ.

Quả vậy, trong Kinh thánh, con số “mười hai” được xem như là con số linh thánh và mang ý nghĩa tượng trưng: các môn đệ Đức Giêsu sẽ ngồi trên mười hai tòa để xét xử mười hai chi tộc Israel (Mt 19, 28; Lc 22, 30), và Giêrusalem mới sẽ có mười hai cửa mang tên mười hai chi tộc Israel.  Cũng thế, mười hai nền móng của thành thánh mang tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên (Kh 21, 12 – 14).

Phêrô nhắc lại các điều kiện cần thiết để được nhập vào nhóm Mười Hai và như thế tham gia vào sứ vụ đầu tiên của nhóm trong tư cách là những người trực tiếp làm chứng về Đức Kitô sống lại, từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất (Cv 1, 8).  Người được chọn phải là một trong các chứng nhân về cuộc đời và sự Phục Sinh của Đức Giêsu, cho đến khi Người lên trời.  Phêrô nói: Vậy một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh (Cv 1, 22: bài đọc một trong Thánh lễ; xem Bài giảng của thánh Gioan Kim Khẩu trong Kinh sách).  Chính cảm nghiệm trong tư cách chứng nhân trực tiếp về đời sống và nhất là về sự sống lại của Thầy mình, đã đem lại cho nhóm Mười Hai sự bảo chứng, sức mạnh và sự khả tín trong sứ vụ Tông Đồ Tin Mừng của mình.

  1. Phụng Vụ lễ thánh Matthias cũng nhấn mạnh một phương diện khác, không những về ơn gọi của nhóm Mười Hai, mà còn về mọi ơn gọi khác.  Đức Giêsu nói với các Tông Đồ: không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại (Ga 15,9 –17): bài Tin Mừng Thánh lễ).  Như thế, khi Phêrô mời gọi cộng đoàn một trăm hai mươi anh em rút thăm một trong hai ứng viên để được sát nhập vào nhóm Mười Hai, thì cả hội nghị cầu nguyện rằng: Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai … (Cv 1, 24).
  2. Ơn gọi của thánh Matthias cũng nhắc chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta được hưởng “gia sản của các thánh trong ánh sáng của Chúa” (lời nguyện sau hiệp lễ).“Hãy nhìn xem tình yêu Chúa cao cả dường bao!  Chúng ta là con Thiên Chúa, được tiền định trong thánh Tử độc nhất của Người…  Mắt nhìn lên thành trì hoan lạc, chúng ta sẽ thấy được thánh Nhan uy nghi của Người” (xướng đáp bài đọc – Kinh sách)

Enzo Lodi

From:Langthangchieutim Continue reading “THÁNH MATTHIA TÔNG ĐỒ-Enzo Lodi”

Chứng mất trí nhớ – Khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu – Sam Nguyễn

Kimtrong Lam

Chứng mất trí nhớ – Khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu

Sam Nguyễn –

13 tháng 5, 2024

Tập thể dục giúp làm giảm chứng mất trí nhớ. (Hình minh họa: Emma Simpson/Unsplash).

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization – WHO), chứng mất trí nhớ là tình trạng do một số bệnh phá hủy dần dần các tế bào thần kinh và làm tổn thương não, dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức.

Với sự tiến bộ của y học, khoa học và công nghệ, con người ngày càng sống lâu hơn và dân số già trên thế giới đang tăng với tốc độ chưa từng thấy, làm tăng nguy cơ có một nhóm lớn hơn những người mắc chứng mất trí nhớ.

Theo WHO, tính đến năm 2023, toàn cầu có hơn 55 triệu người mắc chứng mất trí nhớ. Một báo cáo gần đây cho biết khi dân số người lớn tuổi toàn cầu tăng, số người mắc chứng mất trí nhớ cũng tăng, khoảng 139 triệu người vào năm 2050. Khi đó, số người dân từ 65 tuổi trở lên tăng gấp đôi hiện nay: 2.1 tỷ người.

Chứng mất trí nhớ hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ bảy và là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng khuyết tật và sự phụ thuộc ở người lớn tuổi trên toàn cầu, với gần 10 triệu trường hợp mắc chứng mất trí nhớ mới mỗi năm.

Mặc dù không có cách chữa, nhưng theo thử nghiệm được WHO công bố vào năm 2023, các nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu đang nỗ lực ngăn chặn sự khởi phát của nó.

Tuổi tác vẫn là yếu tố nguy cơ lớn nhất được biết đến đối với chứng mất trí nhớ, nhưng các nhà nghiên cứu tìm thấy một bộ “12 rủi ro có thể ngăn chặn được,” theo báo cáo năm 2020 của The Lancet Commission. Đó là: kém hiểu biết; tăng huyết áp; khiếm thính, hút thuốc; béo phì; trầm cảm; không hoạt động thể chất; bệnh tiểu đường; it tiếp xúc xã hội; nghiện rượu; chấn thương sọ não; ô nhiễm không khí.

Theo The Lancet, 12 rủi ro có thể ngăn chặn được chiếm khoảng 40% số ca mắc chứng sa sút trí tuệ trên toàn thế giới, do đó về mặt lý thuyết có khả năng ngăn ngừa hoặc trì hoãn được căn bệnh này.

Mặc dù tình trạng kinh tế xã hội và trình độ học vấn có thể ảnh hưởng đến sự khởi phát của chứng mất trí nhớ, đặc biệt là ở giai đoạn đầu đời, nhưng một số rủi ro khác là hoàn toàn tránh được.

Timothy Singham, nhà tâm lý học lâm sàng tại National University of Singapore, nói với CNBC Make It, những gì tốt cho tim cũng tốt cho não. Vì vậy, việc thiếu tập thể dục, ăn thực phẩm không lành mạnh, không ngủ đủ giấc, uống rượu, hút thuốc lá quá mức sẽ gây căng thẳng cho não, và có nguy cơ phát triển các bệnh suy giảm trong tương lai, giống như gây nguy hiểm cho tim.

Trong khi một cơ thể khỏe mạnh có thể giảm thiểu nguy cơ sa sút trí tuệ thì một tâm trí khỏe mạnh cũng không kém phần quan trọng. Singham cho biết: “Chúng tôi biết rằng những người có các triệu chứng sức khỏe tâm thần đeo bám, họ có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn. Nếu sức khỏe tâm thần được cải thiện, khả năng bị mất trí nhớ sẽ giảm.”

Có năm yếu tố bảo vệ chính, hoặc những điều mà mọi người nên làm để giúp ngăn ngừa sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ:

-Hoạt động thể chất thường xuyên

-Ăn uống lành mạnh

-Xây dựng mạng lưới hỗ trợ lành mạnh

-Ngủ nghỉ đầy đủ

-Tìm mọi cách để điều tiết căng thẳng và cảm xúc

Nhiều người dễ dàng bị cuốn vào nhịp độ “nhanh như chong chóng” của cuộc sống hàng ngày, vì vậy điều quan trọng là phải nghỉ ngơi. “Sức khỏe tinh thần sẽ ảnh hưởng rất nhanh nếu bạn không hoạt động thể chất, bạn không thở, bạn không được ngắm nhìn thiên nhiên nhiều, bạn bị nhốt trong văn phòng hoặc ở nhà cả ngày,” Singham nói.

Giấc ngủ ngon rất quan trọng. (minh họa: MILAN GAZIEV/Unsplash).

Ngoài ra, điều quan trọng là phải xây dựng một mạng lưới hỗ trợ lành mạnh, không chỉ trực tuyến mà còn cả trực tiếp. “Tôi nghĩ nhiều người trẻ đang dựa vào mạng xã hội trực tuyến, nhưng cũng đừng từ bỏ việc gặp gỡ trực tiếp với bạn bè,” Ng Ai Ling, phó giám đốc kiêm cố vấn trưởng tại Cộng Đồng Viriya Services (Viriya Community Services) nói với CNBC Make It.

“Một điều nữa tôi khuyến khích những người trẻ tuổi làm là ngủ nghỉ thật tốt và sống có kỷ luật, vì bộ não cần được nghỉ ngơi,” Ng nói. Cô đề nghị mọi người nên ngủ ít nhất bảy giờ mỗi đêm.

Cuối cùng, việc tìm cách điều chỉnh cảm xúc và căng thẳng là rất quan trọng. Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp khi được yêu cầu hoặc dựa vào mạng lưới hỗ trợ là những cách để bảo vệ sức khỏe tinh thần, bên cạnh việc duy trì khẩu phần ăn uống lành mạnh, tập thể dục và ngủ đủ giấc hàng ngày.

“Bản thân những người chăm sóc đang phải vật lộn để hiểu căn bệnh này. Khi ai đó mất đi một người vì căn bệnh này, và người mà họ từng liên lạc và giao tiếp với, cũng không còn như xưa nữa,” Ng nói. Cô giải thích người chăm sóc và những người thân yêu có thể có nguy cơ phát triển các vấn đề về sức khỏe tâm thần, như lo lắng, trầm cảm và mất ngủ.

“Một người thân của bạn, chẳng hạn bố, hay mẹ, hay anh chị em trong nhà bỗng dưng không biết bạn là ai, bạn sẽ đau khổ biết dường nào,” cô nói.


 

Chỉ số thượng tôn pháp luật năm 2023 của Việt Nam-Đỗ Kim Thêm

Ba’o Tieng Dan

Đỗ Kim Thêm

12-5-2024

Ảnh chụp Chỉ số Thượng tôn Pháp luật năm 2023 của WJP.

Hàng năm, tổ chức WJP (World Justice Project: Dự Án Công Lý Thế Giới) thực hiện các cuộc khảo sát, đánh giá hơn 100 quốc gia trên thế giới để xếp hạng nước nào có “Chỉ số Thượng tôn Pháp luật” (Rule of Law Index: RLI) cao nhất. Năm 2023, tổ chức này cũng đã thực hiện các cuộc khảo sát ở 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Chỉ số mà WJP công bố dựa vào khảo sát của các chuyên gia và hộ gia đình. Số điểm trung bình của mỗi quốc gia dựa trên tám yếu tố: Hạn chế quyền lực của chính phủ, không tham nhũng, chính phủ cởi mở, quyền cơ bản, trật tự và an ninh, chấp pháp, tư pháp dân sự và hình sự.

Bằng phương pháp tổng hợp công phu và khoa học, chỉ số RLI do WJP công bố có giá trị hàng đầu thế giới, với các đặc điểm nguyên gốc và độc lập.

Chỉ số Thượng tôn Pháp luật của Việt Nam năm 2023

Theo WJP, Việt Nam bị xếp hạng 87 trong số 142 nước. Xếp hạng theo khu vực, Việt Nam hạng 11 trên 15 nước và theo thu nhập là 11 trong số 37 nước. Việt Nam đạt được 0,49 điểm trong tổng số 1 điểm.

Điểm số cụ thể của Việt Nam như sau:

  1. Những biện pháp hạn chế quyền hành của chính phủ: 0,45 điểm
  2. Không có tham nhũng: 0,42 điểm
  3. Chính phủ mở: 0,45 điểm
  4. Quyền cơ bản: 0,45 điểm
  5. Trật tự và An ninh: 0,78 điểm
  6. Chấp pháp: 0,44 điểm
  7. Tư pháp dân sự: 0,45 điểm
  8. Tư pháp hình sự: 0,46 điểm

Nhìn về tương lai toàn cảnh, chỉ số này tiên đoán hệ thống pháp quyền của Việt Nam sẽ ngày càng tồi tệ hơn, nhưng WJP không giải thích chi tiết.

Có lẽ người dân Việt bình thường không ngạc nhiên lắm về kết quả mà tổ chức WJP công bố, bởi những gì đã và đang xảy ra ở Việt Nam, họ có thể đoán trước được kết quả.


 

BẤT NGỜ ĐẾN TUYỆT VỜI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói!”.

“Đức tin là tác động của Thiên Chúa, soi sáng tâm trí và niêm phong trái tim! Con đường phía trước luôn bất ngờ tuyệt vời. Nó là quà tặng đơn thuần của Ngài!” – Arminius.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu con đường phía trước của đức tin luôn bất ngờ tuyệt vời thì Thánh Thần mà Chúa Giêsu hứa ban, cũng là Đấng mà Phaolô cầu xin cho các tín hữu Êphêsô qua Lời Chúa hôm nay còn là quà tặng ‘bất ngờ đến tuyệt vời’ hơn biết bao!

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ mô tả thực trạng đức tin của các tín hữu Êphêsô, họ không biết Chúa Thánh Thần! Thật ý vị, nó tiết lộ thực trạng đức tin của bạn và tôi! Vì lẽ, thú nhận của họ, cách nào đó, có thể là nhìn nhận của nhiều người trong chúng ta. Rằng, “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói!”. Các tín hữu Êphêsô cần được hướng dẫn về vai trò của Chúa Thánh Thần; cũng như chúng ta, cần được củng cố trong đức tin về Ngài.                                             Trong Tin Mừng hôm nay, c ác môn đệ tỏ ra tự tin – pha lẫn chút tự phụ – về nhận thức của họ đối với Chúa Giêsu, Thầy mình, “Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và không cần phải có ai hỏi Thầy. Chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến!”. Ngờ đâu, Chúa Giêsu chọc thủng sự tự tin mong manh đó! Ngài cho biết, chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ sẽ bỏ rơi Ngài và mỗi người sẽ đi theo một con đường riêng, “Này đã đến giờ, và giờ ấy đã đến rồi, các con sẽ phân tán mỗi người một ngả, để Thầy cô độc một mình!”.

Như các tín hữu Êphêsô, chúng ta còn phải học biết rất nhiều điều về Chúa Giêsu, về Thiên Chúa, cũng như học biết mối quan hệ hỗ tương giữa chúng ta với Ngài và ngược lại. May mắn hơn các môn đệ Êphêsô, chúng ta được nghe, được lãnh nhận Thánh Thần; tuy nhiên, mỗi người vẫn phải tìm hiểu vị trí và vai trò của Ngài trong từng biến cố đời mình. Và khi nói đến đức tin, Thánh Thần sẽ là một tác nhân không thể thiếu của linh hồn; vì nhờ Thánh Thần, chúng ta mới có khả năng khám phá mỗi ngày những ‘cảnh vực thần linh’ kỳ diệu của đời sống ân sủng với tư cách con cái của Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp mỗi người khám phá con đường phía trước vốn luôn ‘bất ngờ đến tuyệt vời!’.

Anh Chị em,

“Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói!”. Hãy để nhìn nhận của người Êphêsô thức tỉnh bạn và tôi! Bởi lẽ, biết Chúa Thánh Thần là một chuyện, sống theo Thánh Thần là chuyện hoàn toàn khác! Bằng chứng là chúng ta chưa biến đổi, chưa nên thánh! Hiểu biết của chúng ta đang chỉ ở tầm thấp với những gì khả giác; chỉ với Thánh Thần, chúng ta mới có khả năng với tới những tầm cao của ân sủng. Chúa Thánh Thần không ngừng vén mở cho chúng ta những điều mới lạ từ Thiên Chúa, và điều bất ngờ lớn nhất là tình yêu của Ngài dành cho mỗi người! Vì thế, giữa cuộc đời cam go này, hãy bám chặt Chúa Thánh Thần, ngoan nguỳ, dễ dạy với Ngài! Con đường phía trước luôn ‘bất ngờ đến tuyệt vời’ cho dù đó có thể là chông gai, thập giá. Có Ngài, chúng ta an tâm!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con thoái chí trước những gì Chúa muốn, không bao giờ nhàm chán trước những gì đơn điệu, hầu Thánh Thần Chúa có thể xô con vào những ‘cảnh vực thần linh!’”, Amen.

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

********

Thứ Hai Tuần VII – Mùa Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

29 Khi ấy, các môn đệ thưa với Đức Giê-su rằng : “Bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. 30 Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” 31 Đức Giê-su đáp : “Bây giờ anh em tin à ?    Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian.”