NHỮNG MẢNH ĐỜI TAN NÁT VÌ CHIẾN TRANH (I)
Sau cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” những mảnh đời này bị đẩy ra sống bên rìa xã hội: bị kỳ thị, khinh rẻ, vạ vật kiếm sống qua ngày. Cũng là xương, là máu, là thịt đổ xuống vì Đất Nước, nhưng bị gọi là “nguỵ quân” nên họ đã phải lang bạt, lê lết, lưu đày trên ngay trên Đất Nước của chính mình. Họ là ai? Họ là những người thua cuộc và thảm hơn nữa họ đã bị chiến tranh cướp đi những phần cơ thể để giờ họ có một tên gọi là THƯƠNG PHẾ BINH VNCH.
Ông Nguyễn Văn Hùng sinh năm 1949, cựu binh nhất- Đại đội 51, sư đoàn Nhảy Dù. Ông bị thương đúng trận cuối cùng ngày 29-4-1975. Ông kể rằng: Do không muốn đi đánh trận, gia đình ông đã chạy tiền khai tuổi ông sinh năm 1956, do đó đến năm 72 ông mới đi lính. Ông làm nhiệm vụ nghe điện đàm và truyền tin qua cái điện đàm BC25. Cả đại đội ông hơn 300 người bị đánh dồn từ Khánh Dương về Nha Trang. Trên đường bị chết rất nhiều nên khi về đến Nha Trang chỉ còn hơn 30 người. Từ Nha Trang các ông được máy bay đưa về Đồng nai để chốt giữ nhà máy nước Đồng Nai.
Lúc 2 giờ sáng ngày 29-4-1975, một trận giao tranh ác liệt giữa quân Giải Phóng và đại đội gần 30 người của ông ngay trên cầu Đồng Nai. Lúc đó đại đội trưởng là ông Huỳnh Hữu Sanh chỉ huy. Đêm đó một người đồng đội bị thương, ông Hùng đã chạy ra cứu, ôm người bạn về thì bị một loạt đạn bắn , ông bị đạn trúng tay làm rơi luôn đồng đội, còn người lính kia cũng bị thương vào đầu và chết ngay lập tức. Sáng hôm sau là ngày 30-4-1975, đại đội ông còn 5 người và ông Sanh đại đội trưởng. Do ông nhặt được cái đài Philip 10 băng của quân Giải Phóng, đến trưa 30-4 ông nghe qua radio lệnh của ông Dương Văn Minh kêu gọi binh lính bỏ súng, quy hàng. Ông Sanh, ông và những người còn lại quăng súng, cởi quần áo vào nhà dân xin quần áo thường phục mặc vô, rồi tìm đường về nhà. Ông phải dưỡng thương 2 tháng mới lành. Do bị thương nên ông bị đi học tập cải tạo 3 ngày. Khi học xong 3 ngày , người bên quân Giải Phóng hỏi: Ông có hiểu gì không? ông trả lời: Tôi không hiểu gì cả, họ bắt ở lại học tiếp 3 ngày nữa. Những ngày đầu sau khi được cho về, ông đi ăn xin, rồi bà con người qua đường thương mua cho chiếc xe lăn và góp tiền có chút vốn, ông đi bán vé số. Sau mấy năm ông lấy được vợ và có hai con, ông sống nhờ bên nhà vợ. Hiện hai con ông đi làm công nhân nên cũng không đủ tiền phụng dưỡng cha mẹ, do đó ông vẫn đi bán vé số kèm xin ăn để sống qua ngày.
Những năm gần đây, được biết Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) luôn tổ chức khám chữa bệnh và có những ngày Tri Ân TPB VNCH, ông về để được cảm nhận như một con người. Khi cô Tình nguyện viên (TNV) đưa ông chuỗi hạt Mân Côi và nói với ông rằng: Chú hàng ngày đọc kinh nhé. Ông quay lại tôi rưng rưng nước mắt: Nếu không tin vào Thiên Chúa, tin vào ơn lành của Mẹ Maria chắc ông không có nghị lực để vượt qua mọi thử thách, đau khổ trong hơn 40 mươi năm qua.
Teresa Avila Sương Quỳnh
Xin xem thêm:
NHỮNG MẢNH ĐỜI TAN NÁT VÌ CHIẾN TRANH (II)
NHỮNG MẢNH ĐỜI TAN NÁT VÌ CHIẾN TRANH (III)