“Những người anh chị em hèn mọn nhất của Ta”

Đối với vị tân giáo hoàng ngày 13/3/2013 là Đức Thánh Cha Phanxicô, sau một năm giáo triều của ngài, chúng ta thấy nổi bật nhất hai điều, đó là: 1-“Những người anh chị em hèn mọn nhất” của Chúa Kitô (xem Mathêu 25:40,45), và 2- Lòng Thương Xót Chúa.

Trước hết, về “những người anh em hèn mọn nhất” của Chúa Kitô, đối với ngài, bao gồm cả về phương diện “thể lý, luân lý và thiêng liêng” nữa, như ngài đề cập đến trong đoạn cuối của sứ điệp Mùa Chay 2014. Về những người anh chị em hèn mọn nhất về thể lý bao gồm chẳng những người nghèo khổ về vật chất, mà còn cả những người anh chị em bị bệnh nạn tật nguyền hết sức đáng thương.

Trong tuần lễ kỷ niệm từ khi ngài được chọn bầu làm giáo hoàng (13/3) cho tới lễ nhậm chức của ngài (19/3), sau khi đã ôn lại những gì ngài làm trong một năm qua với cuộc phỏng vấn của tờ Nhật Báo Corriere della Sera hôm kia và hôm qua, chúng ta sẽ tiến đến hai điểm chính yếu làm nên giáo triều của vị giáo hoàng “đến từ tận cùng trái đất” Phanxicô rất thân yêu này của chúng ta. Mở màn là bài về “Những Người Anh Em Hèn Mọn Nhất của Ta” sau đây.

“Những người anh chị em hèn mọn nhất của Ta”

(Mathêu 25:40-45)

… Chúa Giêsu tỏ mình ra bằng những thương tích của Người: Toàn thể thân mình của Người tinh tuyền, mỹ lệ và sáng láng, thế nhưng các thương tích của Người vẫn còn đó và đang có đó, và khi Chúa đến vào ngày tận thế, chúng ta sẽ thấy các thương tích của Người….  Đường lối để chúng ta nhờ đó hội ngộ với Đức Giêsu Thiên Chúa đó là các thương tích của Người. Không còn đường lối nào khác…. Đường lối để gặp gỡ Người đó là tìm kiếm các thương tích của Người. Chúng ta tìm thấy các thương tích của Chúa Giêsu nơi các việc thực thi tình thương, bằng cách cống hiến cho thân xác – thân xác – cả linh hồn nữa – nhưng tôi nhấn mạnh đến thân xác của những người anh chị em bị thương tích, vì họ đói, vì họ khát, vì họ trần truồng, vị họ bị hạ nhục, vị họ bị làm nô lệ, vì họ bị tù tội, vì họ ở trong bệnh việnĐó là những thương tích của Chúa Giêsu hôm nay đây. Và Chúa Giêsu xin chúng ta hãy thực hiện một bước nhẩy vọt đức tin tới với Người, nhưng qua các thương tích của Người. ‘A, phải đấy! Chúng ta hãy đặt nền tảng để giúp đỡ những con người ấy, để thực hiện rất nhiều điều tốt cho họ’. Đó là những gì quan trọng, thế nhưng chúng ta dừng lại ở tầm mức này thì chúng ta sẽ chỉ là thành phần có lòng từ tâm mà thôi.

Chúng ta cần phải chạm đến các thương tích của Chúa Giêsu, chăm sóc các vết thương của Chúa Giêsu, nhẹ nhàng băng bó chúng; chúng ta cần phải hôn lên các vết thương của Chúa Giêsu, được hiểu theo nghĩa đen. Chỉ cần nghĩ đến những gì đã xẩy ra cho Thánh Phanxicô, khi ngài ôm lấy người cùi? Cũng thế đã xẩy ra cho Thánh Tôma, ở chỗ đời sống của ngài đã được biến đổi. Để có thể chạm đến Vị Thiên Chúa hằng sống, chúng ta không cần tham dự một khóa bồi dưỡng – ‘a refresher course’ mà cần phải tiến vào các thương tích của Chúa Giêsu, và để làm như thế tất cả chúng ta cần phải tiến ra đường phố. Chúng ta hãy nhờ Thánh Tôma xin ơn can đảm tiến vào các thương tích của Chúa Giêsu một cách êm ái dịu dàng, nhờ đó chúng ta chắc chắn sẽ dược ơn tôn thờ Vị Thiên Chúa hằng sống”.

Bài giảng cho Thánh Lễ sáng kính Thánh Tôma Tông Đồ ngày 3/7/2013 tại Nhà Thánh Matta Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển dịch theo Zenit cùng ngày,

Người đàn ông biến diện trong lồng ngực giáo hoàng

Ông Vincio Riva, 53 tuổi, bị chứng bệnh neurofibromatosis mẫu 1 (tức chứng bướu cơ sợi thần kinh), một triệu chứng hiếm có gây ra những cục bướu nhức nhối mọc lên khắp thân thể của ông, rõ nhất là trên dung nhan, khi được tờ nguyệt san Panorama phỏng vấn, cho biết ông đã nghẹn ngào không nói lên lời khi được gặp Đức Giáo Hoàng.

Thật vậy, hôm Thứ Tư ngày 6/11/2013, sau buổi triều kiến chung hằng tuần của Đức Thánh Cha Phanxicô, tấm hình chụp ngài ôm lấy người đàn ông biến diện này đã được phổ biến nhanh chóng khắp thế giới.

Ông đến Quảng Trường Thánh Phêrô và tham dự buổi triều kiến chung của ĐTC lần đầu tiên trong đời, sau cuộc hành hương hằng năm ở Lộ Đức với nhóm Unitalsi Công Giáo Ý. Ông cho biết việc gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô “như ở trên Thiên Đàng vậy” và cuộc gặp gỡ này là khởi điểm mới của cuộc đời ông. Người đàn ông bất hạnh nhưng có phước này bày tỏ cảm nhận của mình khi được chính vị giáo hoàng ôm lấy như sau:

Đôi tay của ngài hết sức mềm dịu. Và nụ cười của ngài rất ư là tươi nở. Thế nhưng cái đánh động tôi nhất đó là việc ngài không lưỡng lự về việc có nên ôm lấy tôi hay chăng. Tôi không gây lây nhiễm, nhưng ngài đâu có biết như thế. Ngài chỉ biết làm điều ấy thôi: ngài đã ve vuốt cả khuôn mặt của tôi và khi ngài làm thế thì tôi chỉ cảm thấy rằng mình được yêu thương. Trước hết ngài đã hôn lấy bàn tay của tôi, trong khi bàn tay kia của ngài mơn trớn đầu tôi và các vết thương của tôi. Sau đó ngài kéo tôi vào mà ôm chặt lấy tôi, hôn lên gương mặt của tôi. Đầu của tôi dựa vào ngực của ngài, hai cánh tay của ngài ôm choàng lấy tôi. Điều này kéo dài hơn một phút, nhưng đối với tôi nó dường như là vô tận“.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, phóng dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/severely-disfigured-man-embraced-by-pope-gives-interview

Cảm Nghiệm

Nhìn vào những tấm hình về những “người anh chị em hèn mọn nhất của Ta” trên đây, theo đức tin, chúng ta không thể không tự vấn mình ít là bằng ba câu hỏi căn bản sau đây:

1- Những người anh chị em này có tội lỗi hơn tôi hay chăng mà tại sao khi sinh ra đã bị dị dạng như vậy, bị ở trong một hoàn cảnh vô cùng thảm thương như thế?

2- Phải chăng thân phận của những người anh chị em này được sai vào trần gian là để trở thành thương tích của Chúa Kitô mà đền bù tội lỗi cho tôi, cho thế giới??

3- Được may mắn hơn những người anh chị em này tôi có biết ơn Chúa chăng, bằng cách biến bản thân của tôi thành những bàn tay chia sẻ và phục vụ hay chăng???

Nếu chúng ta vẫn còn đặt vấn đề là vậy thì đâu là hình ảnh đích thực của Thiên Chúa, Đấng toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ, nơi những con người dị dạng xấu xí quá sức như vậy? Nhất là tại sao Ngài là Cha nhân lành muốn tất cả mọi sự tốt đẹp nhất cho con người mà tại sao lại để cho họ sống một cuộc đời khốn kiếp và khốn nạn như vậy chứ?

Phải chăng chính vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và lại được Ngài yêu thương mà phẩm giá làm người hay giá trị làm người của những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô ấy không phải ở chỗ “có” mà ở chỗ “là” – “là” tạo vật được Thiên Chúa dựng nên, thậm chí chính vì được sinh ra trong thân phận hầu như vô cùng bất hạnh như thế mà họ phản ảnh Ngài, như Ngài mạc khải ở nơi Lời Nhập Thể, Khổ Nạn và Tử Giá hơn ai hết, Đấng “đã hóa ra như không” (Philiphê 2:7), đến độ “không còn hình tượng gì” (Isaia 52:14), “đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh” (Isaia 53:8),   “như một con sâu bọ đất” (Thánh Vịnh 22:7)?

Phải chăng, đó là lý do, trước nhan Thiên Chúa, Đấng Quan Phòng Thần Linh vô cùng khôn ngoan, họ chính là “những ai Thiên Chúa đã biết trước thì Ngài cũng tiền định cho nên giống Con của Ngài” (Roma 8:29) như thế?

Vấn đề còn lại ở đây là

1- Nếu trước khi sinh ra chúng ta được chọn, một là sinh ra tàn phế vô cùng bất hạnh ở đời này như những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô mà được diễm phúc nên giống hình ảnh Người, thậm chí được đồng hóa với Người, đến độ ai không giúp họ là không giúp Người (xem Mathêu 25:45), hai là được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn (xem Mathêu 16:26), chúng ta chọn đằng nào?

2- Nếu chúng ta cảm thấy mình có giá hơn những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô này là ở chỗ những gì chúng ta “có”, có nhan sắc, có tiền của, có quyền lực, có tài năng, có công nghiệp, có tiếng tăm, có tương lai v.v. thì chúng ta hãy coi chừng lời cảnh báo nghiêm trọng và khẩn trương của Chúa Kitô về những gì chúng ta “có”, những gì chúng ta tích lũy và hưởng thụ hơn là phục vụ và chia sẻ như sau:

Đồ ngốc! Chính đêm nay mạng sống của ngươi bị đòi lại. Tất cả những chồng chất thừa thãi của ngươi ấy sẽ về tay ai đây?” (Luca 12:20)!

Thậm chí, coi chừng “cả thân xác nguyên vẹn (lành mạnh hơn và đẹp đẽ hơn muôn vàn lần những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kirtô vô cùng đáng thương trên đây về thể lý) bị ném vào hỏa ngục” (Mathêu 5:29-30).

Thế nên, Thánh Phaolô đã nhắc nhở và kêu gọi: “Đừng hiến các phần thể nơi thân xác của anh em cho tội lỗi như những thứ khí cụ của sự dữ. Trái lại, hãy hiến bản thân mình cho Thiên Chúa như những con người hồi sinh từ cõi chết, cùng hiến thân xác của anh em cho Thiên Chúa như khí cụ của công lý” (Roma 6:113).

Nhờ đó, “Chúa Giêsu Kitô sử dụng quyền năng bắt mọi sự thuần phục Người mà cống hiến cho thân xác thấp hèn của chúng ta một thể thức mới và tái tạo nó theo khuôn mẫu như thân xác vinh hiển của Người” (Philiphe 3:21).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay