Mother’s Day và ước mơ Được Làm Mẹ
Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Hôm nay Ngày Lễ Mẹ. Từ hai ngày trước, chị N.H, chủ nhân một tiệm bánh Pháp ở Houston, đã phải thức suốt đêm ngoài tiệm, để làm kịp những chiếc bánh đẹp mắt nhất cho những đứa con đến mua về tặng cho các bà mẹ.
“Tôi chúc họ Happy Mother’s Day. Họ cũng chúc lại tôi như thế. Nhưng họ đâu biết, trong tôi tràn ngập một nỗi bùi ngùi. Tôi là một phụ nữ. Tôi là một người vợ. Tôi cũng muốn làm một người mẹ. Nhưng có lẽ cả đời này tôi sẽ không bao giờ nghe được hai tiếng gọi ‘Mẹ ơi’.” Giọng người phụ nữ như lạc vào chốn nào.
Khao khát đó của chị N.H, cũng như của bao người phụ nữ đang hiếm muộn hay từng trải qua thời gian đau khổ trước khi được ôm trong tay một đứa con của chính mình, càng trở nên tha thiết vô cùng ở thời khắc này.
Mặc cảm ‘không có con’
Đài Trang, y tá làm việc ở Kaiser, cùng hai con có được do thụ tinh trong ống nghiệm:
“Có con có sự lo, có sự cực, nhưng niềm vui con cái mang lại không có tiền bạc nào mua được hết.” (Hình: Đài Trang cung cấp) |
Mặc dù đã hơn 13 năm buông xuôi hành trình đi tìm cho mình một đứa con, vậy mà đến thời điểm này, cảm giác “đau đớn, thiếu thốn” của người đàn bà chưa một lần được làm mẹ trong chị N.H vẫn như nguyên vẹn.
Lập gia đình năm 38 tuổi với một người mà chị chọn lựa thật kỹ để “người ấy có thể không là một người chồng tốt nhưng chắc chắn sẽ là một người cha tốt,” nhưng chị N.H lại không thể ngờ đường con cái của mình lại quá gian nan.
“Tôi lập gia đình là vì tôi muốn có con. Ngay từ lúc mới lớn, tôi đã muốn có con. Tôi muốn cho con mình tất cả những gì mình từng thiếu thốn trong đời.” Ước mơ giản dị tưởng chừng như sẽ là một tất nhiên với bất kỳ người phụ nữ nào, lại bỗng trở nên quá tầm tay với đối với chị N.H.
Năm năm liên tiếp sau khi lập gia đình là 5 năm chị N.H như bị chìm trong sự khủng hoảng bởi nỗi khao khát có một đứa con không thành hiện thực. Để rồi khi chấp nhận đầu hàng, từ năm 2002, đến giờ, chị vẫn ngậm ngùi “Tôi chưa từng nghĩ sanh con để sau này nó nuôi mình, mà sanh con là để được thương yêu, chăm sóc nó, để cho nó tất cả những gì mình thiếu thốn thuở nhỏ, và để được thấy mình là đàn bà, là người mẹ. Nhưng tôi không có được. Buồn lắm.”
Khác với chị N.H, Kiều Oanh lập gia đình năm 2002, khi cô 28 tuổi, và có bầu ngay lập tức. Tuy nhiên, thời gian đó vừa muốn đeo đuổi tiếp chương trình học cao học, vừa gặp khó khăn trong công việc nên Oanh chọn giải pháp không sanh con, bởi “tôi nghĩ mình còn trẻ chờ vài ba năm nữa ổn định rồi sanh cũng không sao.”
Tuy nhiên, đến lúc sẵn sàng cho việc có thêm một thành viên mới trong gia đình thì “không thấy gì hết.” Chờ đợi hoài không có bầu, Oanh đi bác sĩ thì biết mình bị “tắt vòi trứng.”
Sau sáu tháng chữa trị, Oanh đón nhận tin vui. Nhưng. Cuộc đời luôn có những chữ “nhưng” nghiệt ngã. Oanh bị thai ngoài tử cung. Kết thúc một tháng nằm bệnh viện với hai lần giải phẫu, hai tuần tiêm hóa chất, Oanh trở về nhà, chờ đợi.
Dẫu vậy, cảm giác có một sinh linh mới tượng hình trong cơ thể mình đã không quay trở lại với Kiều Oanh.
“Gia đình chồng mong tôi có con, nhưng mà họ cũng không tỏ ý trách móc gì, trừ ba chồng tôi. Ông nói thẳng hoặc là tôi ly dị để chồng tôi đi lấy vợ khác, hoặc tôi phải để chồng có con bên ngoài.” Oanh kể.
Với chị Khanh Charles, đang làm việc như một chuyên viên thẩm mỹ ở Orange County, thì việc mong muốn có một đứa con ở tuổi 47-48 là “để thể hiện tình cảm trân quý những gì mà người chồng sau đã lo lắng cho mấy mẹ con tôi suốt những năm qua. Tôi muốn ảnh vui, muốn mẹ ảnh vui.”
Vẫn là một suy nghĩ đầy tính nhân bản của một người phụ nữ. Không chỉ cảm kích những ân tình mà người chồng sau mang lại cho mình, chị Khanh còn nhìn thấy cả nỗi khao khát con của người chồng đã ngoài 50, và nỗi mong đợi cháu của bà nội đã bước gần đến tuổi 90.
“Chồng tôi chỉ có hai mẹ con, ba ảnh mất khi ảnh lên hai tuổi, mẹ ảnh ở vậy nuôi ảnh ăn học. Năm 75 hai mẹ con đi sang đây, đến giờ vẫn không hề có một ruột rà thân thích nào hết. Cho nên việc trông ngóng có một thế hệ thứ ba trong gia đình ảnh lại là một áp lực rất lớn với tôi.” Chị Khanh tâm sự.
Những tưởng đã trải qua ba lần sanh nở tự nhiên với người chồng trước, thì cũng không gặp bất kỳ trở ngại nào ở lần này. Thế nhưng, chữ “không ngờ” có chừa một ai. Chị Khanh cũng mất năm năm đeo đuổi với bao nỗi lo chất chồng để đạt được ước mơ sanh cho chồng sau một đứa con.
Còn Đài Trang, một y tá đang làm việc ở Kaiser, đã gần như rơi vào cơn trầm cảm khi phát hiện ra mình bị chứng bệnh đa nang buồng trứng (PCOS – Polycystic Ovary Syndrome) trong quá trình đi tìm hiểu lý do vì sao mình lại không thể có bầu.
Bởi lẽ, với căn bệnh đó, ngoài chuyện không thể thụ thai bình thường, nó còn là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường, ung thư, các tai biến… trong khi “từ nhỏ tới lớn, lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ mình sẽ là mẹ của ba đứa con. Mà chưa bao giờ trong đầu nghĩ đó sẽ là con ruột hay con nuôi, chỉ biết là có ba đứa.”
Sau thời gian khủng hoảng với việc lên cân, từ cô gái mảnh khảnh 90 pounds, chỉ trong hai năm, Trang nặng hơn 140 pounds, và đau khổ, khóc lóc, tự nhốt mình trong chính mình, không muốn trò chuyện với bất kỳ ai, Trang bắt đầu đối diện với sự thật:“Bệnh mình, mình không chữa thì ai giúp mình?”
Trang bắt đầu hành trình đi tìm cho mình những đứa con trong giấc mơ ngày nào…
Chị Khanh Charles cùng chồng và con gái Kiera Khanh Nguyễn:
“Tôi và ông xã quá khổ mới có Kiera nên đứa con này thực sự là vô giá.” (Hình: Khanh Charles cung cấp) |
‘Tìm con’ – đoạn trường ai có qua cầu mới hay
Biết mình không thể có con bình thường, nhiều người khuyên Trang tìm con nuôi.
“Tôi cũng sẵn sàng cho chuyện tìm con nuôi nhưng đồng thời vẫn muốn được sanh con, muốn có một đứa con mang dòng máu của chính mình.” Trang giãi bày.
Tuy nhiên, với chứng bệnh đa nang buồng trứng, Trang chỉ còn một chọn lựa duy nhất để có con, đó là thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization – IVF).
Với phụ nữ hiếm muộn hay gặp khó khăn trong việc mang thai, ngoài việc cần phải có tiền để có con bằng cách này hay cách khác, thì sức ép tinh thần mang lại từ nỗi lo, sự khắc khoải, buồn phiền lại nặng nề hơn bao giờ hết. Đài Trang không là ngoại lệ.
Dành dụm, chắt chiu để có đủ số tiền làm IVF lần thứ nhất. Thất bại. Lần thứ hai. Lại thất bại.
“Mỗi lần làm đau lắm, nhất là khi bác sĩ đưa dụng cụ vào lấy trứng ra rất là đau. Đau nhưng ba ngày sau mình phải khỏe để bác sĩ đặt bọc trứng đã bơm tinh trùng vào. Không khỏe cũng phải khỏe, nếu mình nghĩ cơ thể mình yếu thì làm sao có bầu được.” Trang nói về ý chí làm mọi cách để có con.
Đó là chưa kể có lúc cơ thể quá nhạy cảm với những “vật lạ” từ ngoài đưa vào, cô còn bị sưng, bị phù phải vào bệnh viện. Nhưng vì nỗi khao khát có con, cô bất chấp hết. Chỉ biết “mỗi lần không thành công, thai không đậu là mỗi lần buồn, khóc quá trời.”
Nhưng sau cùng, Trang được đền bồi cho tất cả những gì mình cố gắng. Dù rằng “hai tuần sau khi biết là thai đậu, thì cũng là lúc bắt đầu ói mửa như điên. Trong suốt thời gian mang bầu cho đến khi sanh được đứa con đầu tiên, tôi phải nghỉ làm hẳn, vì ói kinh khủng lắm, từ lúc có bầu cho đến gần tháng thứ bảy. Vừa ngưng ói ba tuần thì sanh non.”
“Nhưng có con rồi thì mình thấy tất cả những gì mình trải qua đều là xứng đáng hết, tất cả đều không còn quan trọng gì nữa hết.” Trang nói bằng giọng mãn nguyện sau quá trình gần 5 năm mới có được mụn con đầu.
Tương tự như Đài Trang là trường hợp chị Khanh Charles. “Không một ai trong gia đình tôi lẫn bạn bè tán thành việc tôi mang thai sanh con ở tuổi 47-48, ngoại trừ chồng tôi, lúc đó ảnh 53 tuổi.”
Sau năm năm làm đủ mọi cách, “ai chỉ gì làm đó nhưng đều thất bại”, chị Khanh chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, dù bác sĩ nói cơ hội thành công ở những người lớn tuổi như chị chỉ từ 15 đến 20%. “Vừa làm vừa cầu nguyện và may mắn sao ngay trong lần đầu tiên là được luôn.”
Biết tin thai đậu, là suốt 3-4 tháng liền chị Khanh chỉ nằm một chỗ, chích thuốc liên tục. Bên cạnh nỗi lo của một người lớn tuổi mang thai, người mẹ này lại bị hiện tượng “thai bám cổ tử cung”, nguy cơ sẩy thai rất dễ dàng. Nỗi lo chồng chất nỗi lo.
Không chỉ vậy, trong “quyết định sống còn” này, chị Khanh lại từ chối hết mọi cuộc xét nghiệm để xem bào thai có bị các dị tật hay bệnh hiểm nghèo gì không.
Chị bảo, “Nếu xét nghiệm mà biết nó bị hội chứng ‘Down’ thì sao? Bỏ à? Tôi không nghĩ vậy. Vả lại, tôi tin rằng không một ai trong gia đình mình bị thì sẽ không có chuyện gì xảy ra.” Người mẹ mang tâm trạng lo lắng triền miên đó cho đến ngày cô con gái chào đời, “làm thay đổi hết cuộc đời” chị.
Dẫu gian nan, mòn mỏi, và số tiền bỏ ra không nhỏ nhưng sau cùng Đài Trang hay chị Khanh Charles đều đã có thể được ôm ấp, được chăm sóc, được yêu thương đứa con của mình. Trong khi niềm hạnh phúc đó với Kiều Oanh hay chị N.H vẫn đang ở xa tầm tay với.
Khao khát được nghe một lần “Mẹ ơi”
Kiều Oanh chọn cách thích nghi với cuộc sống không con, “về già mình sẽ vào viện dưỡng lão.”
Trong hình, Kiều Oanh và đứa cháu cô nuôi nấng như con. (Hình: Kiều Oanh cung cấp) |
Kiều Oanh, hai năm sau khi chữa trị thai ngoài tử cung, vẫn không mang bầu. Cô tích cóp tiền làm thụ tinh trong ống nghiệm. Thất bại lần đầu. Hai năm sau, lại chắt mót với sự phụ giúp thêm của gia đình, cô làm lần thứ hai. Vẫn thất bại.
“Tôi rất buồn vì miệng lưỡi thế gian. Họ chỉ biết gặp mình và hỏi ‘sao không đẻ con đi’ mà không hiểu được tâm trạng mình là gì.” Oanh tâm sự.
Không có đủ tài chánh để tiếp tục theo đuổi ước vọng này, Oanh chỉ biết chọn cách thích nghi với cuộc sống không con, “về già mình sẽ vào viện dưỡng lão,” dù rằng “Tôi nghĩ được làm mẹ là một cảm giác tuyệt vời, và tôi vẫn luôn mong muốn điều đó.” Oanh ray rứt.
Chị N.H thì truân chuyên hơn trong hành trình đi tìm giọng nói của trẻ thơ.
Biết rằng trứng mình không đủ khỏe để làm thụ tinh trong ống nghiệm, chị N.H tâm sự với em gái ruột của mình, để xin trứng vì “dù sao đó cũng là dòng máu chị em mình.” Người em đồng ý cho trứng để bơm tinh trùng của chồng chị N.H vào, sau đó sẽ đưa vào cơ thể chị N.H. Chị N.H sẽ là người mang thai.
Mọi sự chuẩn bị đâu vào đó thì, đùng một cái, “bên gia đình chồng cô em gái không đồng ý, ông Cha ở nhà thờ cũng cho rằng làm như vậy là vi phạm quy tắc một vợ một chồng.”
Khát vọng được làm mẹ đưa chị N.H đi đến một quyết định táo bạo: đăng báo tìm người cho trứng!
Chị kể, “Chỉ có duy nhất một cô gọi điện thoại lại cho tôi. Cổ đồng ý cho, dĩ nhiên, tôi sẽ có tiền bồi dưỡng cho cổ.”
Thế nhưng. Lại là “nhưng.”
“Lý do để tôi không thể nhận trứng của cô gái đó là vì cổ cho biết đã từng cho người khác trứng của cổ rồi.” Chị nói.
“Như vậy, làm sao biết được sau này, con tôi và con của ai đó cũng mang trứng của cổ lớn lên, gặp nhau, yêu nhau, thì đó có phải là anh/chị em cùng mẹ lấy nhau không?” Suy nghĩ đó khiến chị N.H rùng mình, và từ chối cơ hội có thể được làm mẹ.
Vẫn chưa bỏ cuộc. Chị N.H về Việt Nam tìm kiếm sự giúp đỡ. Chị cũng tìm được một cô gái ở quê đồng ý cho trứng và mang thai giúp chị, bởi “sau bao nhiêu lần điều trị bướu, trong người tôi có quá nhiều ‘tì vết’ nên thai không thể nào bám được.” Chồng chị N.H, một người đàn ông gốc Pháp, dù cũng quá mệt mỏi với hành trình tìm con cho vợ, nhưng vẫn theo chị về Sài Gòn để gặp bác sĩ trong hy vọng phương pháp thụ thai trong ống nghiệm sẽ thành công khi có người cho trứng và mang thai giúp.
Mọi việc sẵn sàng, thì, chị N.H đụng phải những rắc rối về thủ tục pháp lý. Làm sao chứng minh được đứa bé đó là con của mình, mình là cha mẹ nó, để mang nó ra khỏi Việt Nam rồi nhập cảnh vào Mỹ?
Thế là, thêm một lần bỏ cuộc.
Trở lại Mỹ, chị N.H chỉ còn biết bám vào cơ hội cuối cùng: tìm xin con nuôi.
Chị N.H đã thức suốt đêm ngoài tiệm để làm kịp những chiếc bánh đẹp mắt nhất nhân ngày Lễ Mẹ,
“nhưng có lẽ cả đời này tôi sẽ không bao giờ nghe được hai tiếng gọi ‘Mẹ ơi’.” (Hình: N.H cung cấp) |
“Đứng ngoài nhìn vào thấy gì cũng dễ, nhưng bước chân vào mới thấy cam go ra sao. Xin con nuôi ở Mỹ không dễ dàng một chút nào hết. Chi phí để xin một đứa con nuôi ở đây nhiều kinh khủng. Ngoài việc họ kiểm tra lý lịch ‘cả 3 đời’ của cả hai vợ chồng, họ còn xem thu nhập có đủ không, nhà cửa ra làm sao, bắt buộc phải có phòng riêng cho đứa bé… Nhiêu khê lắm! Tôi thấy mình không đáp ứng đủ các điều kiện để xin con nuôi ở Mỹ nên đành phải từ bỏ.” Chị N.H nói bằng giọng không thể buồn hơn.
Sau 6 năm kiên trì đeo đuổi đủ mọi cách, đến năm 2002, chị N.H chấp nhận bỏ cuộc.
“Thấy nhà người ta có con cái, tôi thích lắm, nhưng cũng buồn lắm.” Chị nén tiếng thở dài.
Thiêng chức làm Mẹ – không gì đánh đổi
May mắn có được đứa con như mơ ước, giọng chị Khanh dường như vẫn còn rạng rỡ nỗi hân hoan, “Tôi và ông xã quá khổ mới có nó nên đứa con này thực sự là vô giá. Bé Kiera ra đời làm thay đổi hết cuộc đời tôi. Khó khăn qua đi, mẹ chồng cũng vui với mình, chồng cũng thương mình hơn, tất cả vì đứa con này.”
Đài Trang thì kể, “Có con thật là cực nhưng mình có niềm vui khác. Mỗi ngày thức dậy chỉ muốn thấy con, đi làm cực khổ về chỉ muốn chơi với con thôi. Tôi đi làm y tá, làm thêm được biết bao nhiêu tiền, nhưng tôi không quan tâm, hết giờ tôi chỉ muốn về nhà gặp con mình mà thôi. Có con có sự lo, có sự cực, nhưng niềm vui con cái mang lại không có tiền bạc nào mua được hết.”
“Lúc trước buồn, tôi có thể đi shopping mua cái bóp L.V, vui được một ngày, một tuần, hai tuần, nhưng mà có con niềm vui đó không thể diễn tả được. Nó thiêng liêng lắm. Như con gái tôi được 2 tuổi, nó biết mình yếu, nên đi đâu nó cũng lấy cái nón cho mình, nắm tay mình, sự ân cần quan tâm đó không có tiền bạc nào mua được hết. Những điều đó sẽ làm mình nhớ cả đời, chứ mua cái bóp mình có nhớ cả đời đâu.” Giọng người mẹ đong đầy hạnh phúc.
Sau khi có được đứa con trai thứ nhất, Trang đã có thêm đứa con gái thứ hai. Và hiện tại, cô lại chuẩn bị thụ tinh trong ống nghiệm lần ba cho trọn vẹn giấc mơ có ba đứa con ngày nào.
Riêng với chị N.H và Kiều Oanh, điều họ nuối tiếc nhất khi không thực hiện được thiêng chức của người mẹ là ở chỗ: không có người kế thừa lại những di sản mà họ muốn trao.
“Di sản không phải là tài sản vật chất. Mà đó là những gì tốt đẹp nhất mình chắt chiu muốn để lại cho con mình, nếu có.” Oanh giải thích.
“Với những gì mình đã trải nghiệm, mình mong muốn có con để bù đắp, để cho nó những gì mình từng mơ ước, từng thiếu thốn. Nhưng mình muốn mà trời không muốn, biết làm sao đây.” Nỗi niềm của người phụ nữ đang chuẩn bị bắt tay làm tiếp những chiếc bánh thật đẹp cho khách hàng nhân ngày Lễ Mẹ, nghe thênh thang trong đêm…
—
Liên lạc tác giả: [email protected]