Làng Fatima, Bồ Ðào Nha

Làng Fatima, Bồ Ðào Nha

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

Nếu bạn đang đâu đó trong đất nước Portugal vào ngày 13 tháng 5, thì có lẽ bạn sẽ thuê xe đi Fatima ngay chỉ vì một lý do duy nhất: một Thánh lễ quốc tế được tổ chức ở đây mỗi năm một lần để kỷ niệm ngày Ðức Mẹ Maria đã hiện ra nói chuyện với 3 đứa trẻ chăn cừu vào năm 1917.

Rất nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo và du khách từ khắp mọi nơi đổ dồn về thánh địa Fatima vào ngày này. Hình như tôi có được duyên lành với địa danh linh hiển Fatima nên tôi có mặt ở đây đúng vào ngày Thánh lễ mà không hề có sự sắp xếp trước.

Nhà nguyện Ðức Mẹ Hiển Linh, Vương Cung Thánh Ðường và quảng trường Fatima vào ngày 13 tháng 5. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Fatima chỉ cách Lisbon khoảng 120km về hướng Bắc và bây giờ không còn là một ngôi làng nhỏ vùng quê nữa.

Những ngôi nhà gạch, những building đã thay thế những ngôi nhà xiêu vẹo năm xưa. Ðức Mẹ hiển linh cũng đã gần 100 năm rồi! Câu chuyện kể vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, 3 đứa trẻ chăn cừu Lucia, Francisco, và Jacinta đã có cơ duyên được gặp Ðức Mẹ. Bà hiện ra bên trên cây sồi (holmoak) và được Lucia mô tả là hình ảnh “Bà mặc áo trắng, tay cầm chuỗi hạt. Hình ảnh Bà sáng chói hơn cả mặt trời.”
Cả 3 đứa trẻ không phải chỉ gặp Ðức Mẹ 1 lần mà chúng đã gặp Bà đến 6 lần. Năm lần gặp đều đúng vào ngày 13 của các tháng 6, 7, 9, 10. Một lần thì chúng gặp gỡ Bà vào ngày 19 tháng 8. Nội dung chính vào các lần gặp gỡ, Ðức Mẹ đã gửi thông điệp và những tiên tri đến con người qua 3 đứa trẻ. Những điều tiên tri đó đúng như thế nào thì cũng tùy theo suy tư và đức tin của từng người. Nhưng riêng tôi thầm nghĩ một điều là 3 đứa trẻ, đứa lớn nhất là Lucia cũng chỉ mới 10 tuổi, Francisco 9 tuổi và đứa nhỏ nhất Jacinta mới 7 tuổi. Chúng đều ở một cái tuổi (vào thời đó) con nít chưa biết nói dối. Việt Nam mình có câu “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” nên tôi tin là chúng “nói thật,” có nghĩa là tôi tin vào những thông điệp và những tiên tri của “Bà áo trắng hiện trên cây sồi” đã nói với các đứa trẻ chăn cừu đó.

Tượng Thánh Giá trên quảng trường Fatima và rất đông người tham dự buổi Thánh lễ. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Nhưng hai đứa trẻ Francisco và Jacinta chết sớm 2 năm sau đó vì bệnh. Riêng cô bé Lucia thì sau này trở thành nữ tu của Religious Sister of Saint Dorothy. Bà mất năm 2005 thọ 97 tuổi. Theo những thông tin của Fatima thì sau này Lucia vẫn còn gặp Ðức Mẹ thêm 3 lần nữa, một vào tháng 10, 1925, một vào 15 tháng 2, 1926 và lần cuối vào đêm 13 rạng sáng 14 tháng 6, 1929.
Những gì “Bà áo trắng, sáng hơn cả mặt trời” đã nói với các đứa trẻ chăn cừu trở thành 3 điều tiên tri bí mật Fatima. Hai điều bí mật đầu đã được Lucia nói ra sớm, nhưng điều thứ 3 thì mãi đến năm 1944 Luciua mới tiết lộ cho Tòa Thánh Vatican. Ðiều bí mật thứ nhất nói về sự chấm dứt Thế Chiến Thứ I và sự khởi đầu của Thế Chiến Thứ II. Ðiều bí mật thứ hai nói về sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Ðiều “bí mật thứ ba Fatima” thì lại bị Tòa Thánh Vatican giữ kín cho đến ngày 13 tháng 5, 2000 mới được Ðức Giáo Hoàng John Paul II công bố. Ðó là lời tiên tri về sự việc Ðức Thánh Cha bị ám sát và sự ăn năn thống hối trở về lại niềm tin Thiên Chúa của nước Nga. Câu chuyện về các điều bí mật Fatima cũng đã ít nhiều được nhân loại biết đến, mức độ tin như thế nào thì cũng tùy theo đức tin của mỗi người.

Tượng Ðức Mẹ được đặt ngay chỗ cây sồi, nơi Ðức Mẹ đã hiện
ra gặp 3 trẻ chăn cừu. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Mỗi năm vào trước ngày 13 tháng 5 các tín đồ Thiên Chúa Giáo từ khắp nơi đổ về
ngôi làng Fatima nhỏ bé để tham dự buổi Thánh lễ ngày Ðức Mẹ hiển linh. Nhiều
đoàn người đã cắm lều chung quanh quảng trường Fatima vì vào tuần lễ này không
dễ dàng tìm được hotel tại Fatima. Cả thành phố nhỏ bé Fatima chỉ có vào khoảng
10,000 phòng trong khi số lượng người đến đây có khi đến hàng trăm ngàn mỗi khi
có dịp cử hành các buổi Thánh lễ.

Tôi đến Fatima hơi trễ, hơn 10 giờ sáng, nên cứ tưởng Fatima ít người. Khi bước
chân vào đến quảng trường thì mới kinh ngạc. Số lượng người đông vô số kể,
không làm sao có thể vượt lên đến khu vực Nhà-Nguyện-Ðức-Mẹ-Hiển-Linh. Thánh lễ
đã bắt đầu trước đó ít lâu, những lời cầu nguyện của vị giám mục dâng lễ vang
lên trong những speaker treo quanh quảng trường.

Số lượng khoảng 200,000 người đến từ khắp nơi trên thế giới, tụ hội về đây tham
dự Thánh lễ. Ðiểm đặc biệt là mọi người đã tụ hội với một thái độ thân thiện
cởi mở cho dù không cùng màu da, không phân biệt dân tộc, không phân biệt tuổi
tác. Một điều thực tế không hề đơn giản chút nào khiến tôi suy nghĩ về hai chữ
đức tin. Có lẽ đức tin đã mở được cửa trái tim yêu thương của con người nên
người ta nhân nhượng nhau, tặng nhau nụ cười nhiều hơn khuôn mặt cau có. Có thể
sau khi ra khỏi quảng trường Fatima, khi không còn nhìn thấy nhà nguyện Ðức Mẹ
Hiển Linh nữa thì người ta lại trở lại với cái “thật” con người, bao nhiêu nụ
cười mất đi cả, bao nhiêu nhân nhượng thân thiện yêu thương trả lại cõi trên.
Không biết có phải khi đức tin đi vắng, con người chỉ còn gìn giữ được sự giận
dữ, đố kỵ, bon chen, dối trá và ích kỷ.

Người thiếu phụ Phi Châu đi bằng hai đầu gối cùng đàn con
dâng hoa Ðức Mẹ. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Cả quảng trường hát vang những lời thánh ca, tôi không hiểu được một chữ (ngoài
chữ Amen) vì các vị giám mục làm lễ bằng tiếng Portugese, đôi khi có cả tiếng
Anh. Khắp quảng trường, đâu đâu cũng thấy người đứng kín khắp nơi, hướng về
ngôi nhà nguyện Ðức Mẹ Hiển Linh đọc kinh cầu nguyện và hát thánh ca. Người
hướng dẫn địa phương cho biết năm 2000 khi Ðức Giáo Hoàng John Paul II đến
Fatima thì con số người tham dự lên đến nửa triệu người, một con số không thể
hình dung được ở không gian quảng trường Fatima. Bên ngoài quảng trường những
ai không có chỗ đứng, đành phải đi dạo quanh hoặc ngồi đợi hết Thánh lễ rồi mới
đi vào khu nhà nguyện, hướng về tượng Ðức Mẹ tìm một chỗ đứng đọc kinh. Buổi
Thánh lễ khá dài, suốt từ 10 giờ sáng mãi đến gần 1 giờ trưa thì các tín đồ mới
hát chào và vẫy khăn chia tay với Ðức Mẹ.

Tháng 5, Fatima tuy có mát vào buổi chiều tối nhưng lại khá nóng vào buổi trưa,
sức nóng lên đến hơn 90 độ F, có những cụ già đã không chịu nổi cái không khí
nóng bức lẫn sự đông người nên ngất xỉu và đành phải bỏ ngang Thánh lễ. Nhưng
hình ảnh làm tôi cảm động nhất là những hình ảnh như bà mẹ da đen Phi Châu, tay
cầm bó hoa tay dắt ba đứa con thơ, có đứa còn ngồi trên xe đẩy. Bà quì và đi
bằng hai đầu gối để đến bên Ðức Mẹ dâng hoa cầu nguyện. Có bà mẹ Châu Mỹ bế con
thơ trên tay, vừa quì vừa đi bằng hai đầu gối vừa đọc kinh cầu nguyện. Bà mẹ
này hãy còn trẻ lắm, nhưng sao lại có được một đức tin như vậy! Có người phụ nữ
lớn tuổi đến từ Brazil, hai đầu gối bà quá mỏi cộng với sức nóng giữa trưa, gần
như không còn bò nổi trên đường đến bên nhà nguyện Ðức Mẹ Hiển Linh, nhưng bà
đã quyết không bỏ cuộc. Tôi nhìn theo từng bước cố gắng của bà. Bà vừa quì, vừa
bò lê vừa làm dấu Thánh giá mỗi khi quá mệt và cuối cùng bà cũng đến nơi, mắt
hướng về tượng Ðức Mẹ với nụ cười rạng rỡ.

Dù xác thân mệt mỏi, nhưng với đức tin mãnh liệt, nhiều
tín đồ vẫn không bỏ cuộc. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Ngoài những hình ảnh cảm động như trên, còn có hình ảnh làm tôi kinh ngạc khi
bắt gặp người phụ nữ ngồi lật từng trang kinh ngồi đọc giữa quảng trường hực
nóng. Và dĩ nhiên còn nhiều hình ảnh khác cũng tô đậm vào tâm hồn tôi trong
buổi thánh lễ Fatima 13 tháng 5. Làm sao tôi có thể diễn tả hết được sự cảm
động trong tâm tư của mình trước những hình ảnh như thế!

Ba trăm ngàn người tham dự một buổi meeting không phải là một số lượng nhỏ.
Nhưng làm sao để số lượng người lớn như vậy có một không gian thân thiện cởi mở,
nụ cười nhiều hơn tiếng la hét thì không phải là dễ. Những ngày tháng qua ở các
đất nước vùng Trung Ðông cũng có hàng chục ngàn người tụ họp để đòi hỏi một nhu
cầu nào đó trong đời sống, nhưng người ta đã được những gì sau đó. Những hận
thù tiếp nối, những điều đau thương liên tục xảy ra. Những cuộc tụ họp đó không
dựa vào đức tin, không dựa vào tình yêu thương nên người ta không nhân nhượng
nhau, người ta chỉ có bạo lực hận thù để đạt đến những điều nhất thời, để thỏa
mãn một yêu sách nào đó, nên người ta vẫn chạy trong vòng đau khổ. Phải chăng
Thượng Ðế đã ngủ quên trong đức tin của họ!

Từ thế kỷ 20 chủ nghĩa cộng sản đã có cả một khoảng thời gian dài tưởng rằng có
khả năng ngự trị trên trái đất này, tưởng rằng có thể dùng bạo lực tiêu diệt
giai cấp để đem lại cơm no áo ấm cho nhân loại. Nhưng chỉ hơn 80 năm thì con
người muốn quên hẳn đi chủ nghĩa cộng sản, quay mặt với quá khứ cộng sản và rất
ghê sợ nó. Chưa có một đất nước nào theo chủ nghĩa cộng sản mà đời sống tinh
thần người dân đất nước đó được bình yên thăng tiến thì còn nói gì đến chuyện
đủ ăn đủ mặc. Di sản của chủ nghĩa cộng sản để lại cho xã hội của họ là những
gian dối, lừa lọc, tham ô, ích kỷ từ cá nhân đến gia đình và xã hội. Cần bao
nhiêu năm nữa thì những di sản này mới tẩy sạch được trong các xã hội cộng sản
cũ. Hãy thử tìm xem có một đất nước nào theo chủ nghĩa cộng sản mà có một hàng
ngũ lãnh đạo liêm chính và một sự công bằng tối thiểu cho người dân!

Ngồi đọc kinh giữa trời nắng gắt tại quảng trường Fatima.
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Chính nước Nga cũng đã quay lưng với chủ nghĩa cộng sản trở về với nguồn cội Chính
Thống Giáo của mình, trở về với niềm tin vào Thiên Chúa và Ðức Mẹ. Ngôi nhà thờ
Chúa Cứu Thế vĩ đại đã được xây lại ngay tại trung tâm Moscow. Ngôi nhà thờ
Chúa Cứu-Rỗi-Trên-Máu, Ðại giáo đường Ðức Mẹ Kazan và đại thánh đường St. Issac
tại St. Petersburg và biết bao nhiêu ngôi nhà thờ bé nhỏ khác cũng đã được
trùng tu xây dựng lại to lớn hơn, nguy nga tráng lệ hơn ngày xưa để trả về lại
cho tâm linh người dân Nga một sức sống niềm tin mãnh liệt hơn bao giờ hết. Bí
mật thứ ba của Fatima là nước Nga ăn năn trở lại không còn là bí mật nữa, chúng
ta đã và đang chứng kiến ngay từ đầu thế kỷ 21. Một mảnh tường đổ vỡ Berlin
được đem về dựng trong quảng trường Fatima như là một kỷ niệm nói về sự chia
tay của con người đối với chủ nghĩa cộng sản.

Fatima mang những thông điệp từ một tôn giáo tạo thành một niềm tin, một đức
tin cho con người sống trong tình thương yêu đùm bọc, thân thiện và nhân nhượng
lẫn nhau. Có những đức tin mình chỉ học được khi nhìn thấy những người khác
biểu lộ đức tin đó. Tôi không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo nhưng tôi cũng
chưa bao giờ lại cảm thấy rõ ràng Ðức Mẹ lại đến gần tâm tư tôi như thế. Không
phải số lượng người tham dự Thánh lễ 13 tháng 5 đã thu hút tôi mà chính những
người cho tôi nhìn thông suốt được đức tin nơi họ, bất chấp mọi sự cực khổ để
đến gần Ðức Mẹ. Ðiều đó mới chính là cục nam châm thu hút tâm hồn tôi trong
ngày Thánh lễ. Ðức tin luôn ở trong tâm hồn con người.

Anh Nguyễn v Thập gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay