KHI CHÚA THƯƠNG GỌI TÔI VỀ – Michael Le

KHI CHÚA THƯƠNG GỌI TÔI VỀ

Đến tận giờ, sau hơn 50 năm, tôi vẫn còn nhớ rõ tên, khuôn mặt và vóc dáng của bốn nữ tu Dòng Đa Minh phụ trách trường nội trú nơi tôi trải qua hai năm cuối tiểu học.

Đó là trường nội trú dành cho phần lớn là trẻ em cô nhi, con của những quân nhân tử trận. Có độ 60 em nội trú như thế, cả nam lẫn nữ. Ngoài ra, ban ngày còn có độ hơn 100 học sinh bán trú, là trẻ em địa phương.

Trường ở Gò Vấp, thuở đó còn là ngoại ô của Sài Gòn, còn nghèo và còn ‘thôn quê’ lắm. Đúng với cái tên Gò Vấp, vì cứ đi vài bước là vấp phải cái ‘ổ gà’ to như ‘ổ voi’. Những con đường đất bị cày nát vì nhiều xe nhà binh qua lại.

Sơ Nhất, nhưng có lẽ đó không phải là tên thật của Sơ, mà gọi thế chỉ vì Sơ là trưởng cộng đoàn 4 chị em.

Sơ Mãn, lúc đó lãnh nhiệm vụ như hiệu trưởng của trường. Sơ Mãn phụ trách hai lớp 4 và 5. Sơ là cô giáo tuyệt vời mà suốt đời tôi mang ơn. Sau này tôi giỏi Văn và Toán chính là nhờ Sơ.

Sơ Nhi, trẻ nhất, lúc đó còn nhỏ mà tôi đã thấy Sơ rất đẹp, cái đẹp thật thuần khiết và trong sáng. Sơ có nhiều tài khéo. Thủ công, ca hát, đàn, vẽ, múa… môn nào Sơ cũng giỏi.

Đặc biệt là Sơ Phượng, giám thị, người gần gũi gần như 24/24 đám học sinh nội trú chúng tôi. Sơ dạy chúng tôi giáo lý, dạy đọc kinh, cầu nguyện. Sơ ốm yếu và trông khắc khổ nhất nhà. Sơ nhỏ nhẹ, dịu dàng và tận tụy.

Tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ Sơ Phượng. Tôi mấy lần trốn giờ chơi, lẻn vô nhà nguyện một mình, quỳ nhắm mắt cầu nguyện quên cả thời gian, có lẽ cũng vì bị hấp dẫn bởi hình ảnh Sơ đắm mình trong cầu nguyện. Có lẽ chính Sơ Phượng là người đầu tiên nghĩ đến chuyện giới thiệu tôi đi tu.

Sơ Phượng, sau này ngẫm lại, tôi biết cũng ảnh hưởng rất nhiều đến Mạ tôi. Mạ tôi cũng tên Phượng, và nhiều lần trò chuyện với Sơ như phụ huynh của 5 đứa con gởi nội trú đương nhiên phải có nhiều dịp trao đổi với Sơ giám thị.

Năm lớp 6 tôi vào Chủng viện. Lần đầu tiên, và cũng là lần duy nhất cho đến tận nay, Mạ tôi viết thư riêng cho tôi. Lá thư dài tới 2 trang, làm tôi nhớ mãi. Mạ tôi báo tin Sơ Phượng qua đời rồi. Tôi đọc thấy sự xúc động của Mạ tôi.

Mạ, “bà Trung tá” lúc đó chỉ mới độ tuổi 30, mẹ của một bầy con 10 đứa, từng theo chồng thuyên chuyển công tác ở rất nhiều tỉnh thành suốt từ Trung vô Nam… Mạ tôi cũng từng trải lắm, người mẹ thời chiến mà, nhưng tôi hiểu là Mạ tôi rất có ấn tượng khi được quen biết chuyện trò nhiều lần với chị nữ tu Đa Minh khắc khổ và hiền dịu, cùng tên và cùng độ tuổi với mình.

Tôi nghĩ chính cái chết còn rất trẻ của Sơ Phượng đã làm Mạ tôi viết cho tôi lá thư hay đến thế. “Hà, nếu Chúa chọn con đi tu làm linh mục, thì Mạ vui mầng và sẵn lòng dâng con cho Chúa. Mạ tin Sơ Phượng ở trên thiên đàng cũng sẽ luôn dõi theo con, giúp đỡ con và cầu nguyện cho con!…”

Tôi rất biết ơn Ba Mạ tôi đã gởi chúng tôi vào trường nội trú nghèo đó, được sống, được ăn học cùng các bạn nghèo, được các Sơ dấn thân phục vụ người nghèo dạy dỗ trong 2 năm. Năm anh em chúng tôi là những học sinh duy nhất của trường cuối tuần được Ba Mạ đến đón bằng… xe hơi.

Gò Vấp bây giờ, sau nửa thế kỷ, đã trở nên một quận nội thành, đã sầm uất và giàu có khác hẳn ngày xưa. Bạn học của tôi ngày xưa giờ chắc đã có nhiều người thành đạt, giàu có, và sống nếp sống ‘văn minh’ hơn hẳn.

Sự phát triển và thịnh vượng của một vùng đất, luôn luôn được xây bằng bao giọt mồ hôi và cả xương máu. Nhưng lẫn trong mồ hôi và xương máu đó, chắc chắn không thể không kể đến cái nền chắc chắn của những tu sĩ dấn thân xây dựng chính ‘con người’, chính ‘tâm hồn’ của cả một thế hệ đang tới.

Sơ Nhất, Sơ Mãn, Sơ Phượng, Sơ Nhi… chắc đã qua đời hết rồi, khi thằng nhỏ học trò năm xưa là tôi giờ đã 61 tuổi! Suốt bao nhiêu năm qua, nhất là từ khi có mạng xã hội, tôi thỉnh thoảng cứ thèm gặp được ai đó biết gì về các Sơ, kể cho tôi nghe với.

Sơ Phượng đột ngột qua đời vì bạo bệnh khi tuổi còn trẻ, khi đang trong hành trình phục vụ đồng bào và quê hương mình. Tết năm nay nghe tin một anh em tu sĩ Đa Minh khác, linh mục Thanh, cũng đột ngột qua đời ở vùng đất Kontum xa xôi nghèo khó…

Cuộc đời của những anh em, chị em ấy thật đẹp! Tôi rất muốn hát cùng Sơ Phượng, cùng cha Thanh, bài thánh ca quen thuộc mà người Công giáo VN hay hát trong các tang lễ. Mạ tôi nay đã tuổi 90, đang trong nhà dưỡng lão bên Úc, chắc chắn cũng biết bài này. Mạ hát với con nghen, Mạ ơi:

“Khi Chúa thương gọi con về

Hồn con hân hoan, như trong một giấc mơ

Miệng con nức vui tiếng cười

Lưỡi con vang lời ca hát

Ngàn dân tung hô: con thật vinh phúc!”.

=Michael Le=

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay