Cầu Simon Bolivar trở thành con đường cứu trợ cho người dân Venezuela đang chật vật với cuộc sống hàng ngày. Cuộc khủng hoảng tại Venezuela đã diễn ra vài năm qua với nền kinh tế có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, những bất ổn và bạo lực diễn ra thường xuyên, theo CNN.
Giá dầu giảm trên thế giới khiến nền kinh tế Venezuela lâm vào khó khăn, nơi có nguồn thu nhập chính từ dầu mỏ. Các công ty nhà nước khổng lồ nhưng làm ăn yếu kém. Hàng hóa và thuốc men trở lên đắt đỏ với những người dân bình thường, khiến nhiều gia đình vật lộn để sinh tồn.
Tình hình đó dẫn đến các phong trào biểu tình chống chính phủ, đòi Tổng thống hiện tại Nicolas Maduro từ chức. Trong khi đó, Tổng thống này lại cử quân đội đến trấn áp các cuộc biểu tình. Truyền thông cũng bị hạn chế tại đây, ngay cả các nhà báo nước ngoài cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt về thị thực.
Theo hãng tin AP, vào năm 2013 khi đắc cử tổng thống, ông Maduro cam kết tiếp tục đưa Venezuela theo con đường xã hội chủ nghĩa như kế hoạch của cựu Tổng thống Hugo Chavez đề ra.
Mua sữa và giấy vệ sinh
Hiện nay, mỗi ngày cây cầu Simon Bolivar chứng kiến hàng đoàn người qua lại để mua các vật phẩm cơ bản. Hầu hết mọi người Venezuela mang các valy và túi xách sang Colombia. Khi quay về, các túi đó chứa đầy hàng hóa mà họ không thể mua ở quê nhà.
Theo BBC, có khoảng 135.000 người Venezuela phải đi qua biên giới mỗi ngày để mua các hàng hóa thiết yếu.
Một siêu thị lớn của Colombia ở khu vực biên giới này có quảng cáo: “Chào mừng những người bạn từ Venezuela, chúng tôi có sữa và giấy vệ sinh giá tốt đây”, theo CNN.
Ông Enrique Sanchez từ Venezuela muốn cảm ơn Colombia. Ông nói: “Bởi vì họ có đủ hàng hóa cho họ và cho chúng tôi”. Cứ hai ngày một lần, ông đi hàng tiếng đồng hồ để đến biên giới Colombia và mua: bột mỳ, dầu, gạo và đường.
Victor Martinez, một học sinh trung học, cứ 6 tuần một lần đi chuyến xe buýt dài từ Caracas đến đây để mua gạo, mỳ và xà phòng cho gia đình. Victor phải nghỉ học hơn một tháng nay vì các cuộc biểu tình và bất ổn xã hội.
Thanh Long