Suy Tư Chúa nhật thứ 21 thường niên năm B 26/8/2018
(Ga 6: 54a, 60-69)
Tại hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu tuyên bố:“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời.” Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” Nhưng Đức Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông:”Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.
Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.”Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.
Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai:”Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ông Simôn Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”
* * *
“Em đi rồi, sám hối chạy trên môi,”
“Những tháng ngày trên vai buồn bỗng nặng…”
(dẫn từ thơ Nguyên Sa)
Mai Tá lược dịch.
Nhà thơ buồn, vì người em rày đã đi. Em đi rồi, nhà thơ thấy sám hối chạy trên môi, nên tháng ngày vật vã cứ chĩu nặng trên vai buồn. Nhà Đạo lại rất vui mà ra về khi Tiệc Thánh đến hồi chấm dứt, lòng những mang theo bài sai Chúa nhắn nhủ, và gọi mời.
Trình thuật thánh Gioan nay kết thúc với lời cuối Tin Mừng ở chương 6 Chúa nói về “Bánh Hằng Sống” khiến người nghe thấy chướng tai, bèn bỏ Ngài lại một mình. Và khi đó, Ngài hỏi đồ đệ xem các thánh nhận xét ra sao về chúng dân, đồ đệ bèn quả quyết: ai bỏ Chúa thì cứ bỏ,nhưng các thánh không bỏ Thày và cũng chẳng đi đến nơi nào không có Thầy ở đó.
Cuối buổi Tiệc, dân con Chúa những tưởng Tiệc Thánh đã chấm dứt khi chủ tế giơ tay ban phép lành kèm lời nhắn: “Anh chị em hãy ra đi bình an.” Kỳ thực, lời chúc “ra đi” hay “ra về” bình an, đều hàm ẩn một thôi thúc dân con dự Tiệc hãy về với thế trần mang theo sứ vụ Chúa trao phó, cho mọi người. Nhưng, bài sai đây là sứ vụ gì? Thực hiện sứ vụ này ra làm sao? Kết quả dẫn đến sẽ thế nào?
Ở đây, dân con dự Tiệc vào phút cuối sẽ khám phá ra một hiện diện khác từ Tiệc Thánh. Đó là, sự hiện diện mặt-đối-mặt của các sự vật có tính cách chỉ như vật thể. Dự Tiệc, không là hiện diện bằng thân xác mà dân con/cộng đoàn từng trải nghiệm theo cung cách chủ quan, hạn chế. Nhưng, hiện diện đây là qui cách hiện hữu mà chỉ mình Chúa mới có. Chính đó là Hiện Diện theo nghĩa của việc tặng ban/cho đi. Cho một cách nhưng-không chẳng màng gì lợi danh, đổi chác hoặc đáp trả theo nghĩa “có đi có lại mới toại lòng nhau”.
Đức Chúa không tặng ban cho ta chỉ một hiện hữu có ích, Ngài cũng chẳng trông chờ ta cảm kích biết ơn để rồi tạo thành ràng buộc khiến ta mất tự do, chẳng thoải mái. Ngài cũng không muốn lấy đi giây phút hiện tại ta đang sống trong nhà Chúa như một sự thể chính đáng. Và, Ngài cũng không đánh giá quá thấp chuỗi ngày dài đầy những quá khứ hoặc tương lai đang trờ đến.
Ta tưởng đó như một hiện tại kéo dài để rồi thiết lập nên những mẩu chuyện nhỏ cho một tổng thể lớn. Tổng thể, là đường lối hoàn toàn khác cho thấy người đời vẫn đặt nặng mọi thứ hơn là hiện tại. Nhất là, hiện tại xảy ra ở cuối buổi Tiệc Thánh, vào lúc ta được bảo: hãy “ra đi” mà trở thành kẻ tản bộ trong ước mơ tuy chậm nhưng rất chắc, ở thế trần. Ra đi, vì bài sai Chúa gửi đến thế trần không do ta chọn và thiết lập, mà chỉ tuân thủ và thực thi.
Và, Hội thánh hôm nay cho thấy thái độ “đóng kín” không am tường bản chất của mình, nên đã không phản ánh cái đẹp của trần thế bằng việc thể hiện động thái của mình. Và, cũng vì không am tường bản chất của chính mình nên cũng không tạo ảnh hưởng nào lên trần thế hết.
Thành thử, khi nhận bài sai ra đi về với thế trần làm chứng nhân rao giảng Lời Chúa và sống cho Chúa, nhiều dân con đi Đạo cảm thấy khó mà sống thực niềm tin giữa lòng dân tộc, thời hiện đại. Bởi thếnên, nền văn hoá thời đại chẳng dám đón nhận sứ điệp của Đạo Chúa, nữa. Thế trần thời hiện đại, là chốn miền khiến ta khó mà sống niềm tin rất đích thực. Bởi, ngày nay người người vẫn dễ dàng sống theo lề thói rất vật chất, tự do vui hưởng lợi lộc do chủ thuyết tiêu thụ dọn sẵn ý hướng chệch choạc.
Ở đây cũng thế, không dễ gì có thể định hướng được tính khí của nhân loại để người người có thể ra đi mở rộng Nước Chúa, sống cho Chúa. Bởi lẽ, cơ chế xây dựng nên Hội thánh hôm nay ngày càng ít trở nên gương mẫu cho đời thường, ở trần thế. Và vì thế, Hội thánh càng xa rời đời sống của chúng dân. Vì, nơi thế trần hôm nay cũng vậy, ngày càng thấy ít đi các Tiệc thánh hiến tế hoặc Tiệc Lòng mến thân thương đông người dự. Số lượng linh mục phục vụ Tiệc ngày càng ít, kéo theo sự thể là sứ vụ rao giảng Lời Chúa ngày càng chất chồng lên đôi vai trần của một vài vị còn ở lại với thánh hội.
Từ đó, có mục tử cùng lúc phải coi ngó nhiều giáo xứ. Có vị phải bỏ nhiều giờ để tới vùng sâu vùng xa mà “rao giảng”.
Thế nên, hôm nay, nhu cầu đòi dân con dự Tiệc nhận bài sai “ra đi rao giảng Nước Trời” trở thành chuyện sống thực ở đời. Sống thực, là sống đúng ý nghĩa của Tiệc Lòng Mến biến cải thế giới thành chốn miền đặc biệt để sống và lao động. Hôm nay, hơn năm mươi năm trôi qua kể từ ngày Công Đồng Vatican II ban hành nghị định thư về sự sống còn của dân con nhận bài sai rao giảng, cho thấy đó là quan điểm cách mạng chứng thực vai trò giáo dân đã đến hồi nở rộ, đẹp đẽ. Tốt lành.
Vấn đề của giáo dân hôm nay, không nhằm khuếch trương Hội thánh theo số lượng tăng nhanh bao gồm sự việc và phong trào do Hội thánh chủ trương. Cũng chẳng là phải làm gì hoặc làm thế nào để số người đến nhà thờ ngày một đông, có thêm người đọc kinh, hát xướng. Mà là, sống thực cuộc sống có hiệp thông ta học được từ Tiệc Thánh xảy đến ngay trong trần thế rất khí thế.
Trở thành giáo dân đúng nghĩa, là ơn gọi nhận bài sai ra đi rao giảng Lời, chứ không phải chức vụ mình nhận để thực thi. Ơn gọi giáo dân đây, là ân lộc gọi mời mọi người trở nên dân con của Chúa bằng cuộc sống hiệp thông, rất thương yêu. Gọi mời mọi người trở thành dân con sống thực Lời Chúa trong một thế giới chỉ chú trọng vật chất. Sống thực Lời Chúa, là sống hiệp thông thương yêu trong khuôn khổ của trần thế.
Sống thực ở đây không là kinh nghiệm hiệp thông rước lễ rút từ Tiệc Thánh rồi phổ biến cho thế giới cũng làm như thế. Làm thế, khác nào biến thế giới bên ngoài thành chi nhánh của Hội thánh ở bên trong. Làm thế, tức như thể dân con mình không còn tôn trọng tính đặc biệt của thế giới bên ngoài và lại chỉ muốn tân trang đổi mới mặt ngoài của thế giới, thế thôi.
Sống thực Lời của Chúa, là cởi mở với tính chất rất trần thế nơi cuộc sống đời thường vẫn như thế; để rồi, từ đó khám phá ra sự thể của cuộc sống có hiệp thông, thương yêu rút từ Tiệc Thánh đang thăng tiến với thế trần. Mãi đến nay, Hội thánh vẫn chưa đạt thành tích về chuyện này. Hội thánh lâu nay vẫn hãi sợ “thế gian” rất phàm tục. Thế gian, là cụm từ Hội thánh ít muốn nghe đến. Thế gian, là từ ngữ về hệ thống giá trị mang tính phàm tục đối nghịch hệ cấp giá trị của thánh hội. Và Hội thánh vẫn cứ sợ cả những giáo dân bên trong thánh hội của mình một ngày nào đó sẽ qua mặt cả hệ cấp rất thánh nữa.
Nay, đã thấy một vài đổi thay trong thái độ của thế gian. Nhiều vị sống ở thế giới gian trần này, nay đã biết được rằng: song song với các vận động đề cao nhân quyền của dân thường và các vậnđộng bênh vực những người thuộc sắc tộc thiểu số cùng nghèo hèn, Hội thánh nay cũng tích cực đề bạt và bàn bạc với trần thế để đi đến hành động chính đáng. Nhiều vị trong Hội thánh, nay đã biết dân con mình dù sống trong trần thế, với “thế gian” vẫn nhận lãnh nhiều ân lộc từ Đức Chúa.
Vậy thì, việc đó nói lên điều gì? Và có từ đâu? Phải chăng từ bài sai “ra đi” mà hiệp thông, thương yêu. Hiệp thông thương yêu, là kết hiệp và cảm thông với những người khác mình, trong quan hệ thường nhật. Bởi thế nên, thông điệp ở đây hôm nay, là: nếu ta học được điều hay từ hiệp thông thương yêu trong thánh hội, thì hãy sống thực điều đó bên ngoài hội thánh. Sống được thế, sẽ mang đến cho ta một khí thế, rất sống động. Hiệp thông yêu thương, là biết tôn trọng mọi người để rồi cùng họ đem tình thương đến với người khác, dù theo cung cách rất đời thường, hoặc “thế gian”.
Giáo dân ta, nay là người có cơ may nhiều hơn triều thần giáo sĩ và tu sĩ do việc họ vẫn sống và làm việc ngay trong cơ cấu trần thế. Việc của giáo dân, nay là lập quan hệ với những người sống trong trần thế, theo cung cách rất thế trần. Như thế, và như thể chính giáo dân mới là người đóng đúng vai trò thừa sai có từ bài sai “hãy ra đi mở mang Nước Trời, ở trần gian”.
Vào lúc kết thúc buổi Tiệc Thánh, giáo dân dự Tiệc là những người vẫn được giáo triều sai bảo “hãy ra đi mà về với thế gian” để triển khai công tác tốt đẹp được Chúa ủy thác. “Hãy ra đi”, bởi nay quý vị được ủy thác công tác ra mà đi, vì đã có phép lành từ Đức Chúa của hiệp thông/thương yêu ở với mình. Ra mà đi, vì ngay tại nơi mình đến đã thấy rõ dấu hiệu của sự sống lại, rất trổi trang.
Ra mà đi, nhưng không hãi sợ trần thế rất “thế gian” khi xưa được gọi là kẻ thù thứ ba rất đáng sợ. Bởi, thế gian là ta và cũng là người, chứ đâu là quỉ. “Ra mà đi”, hầu nhận lãnh sứ vụ gửi đến con người và cho con người có đính kèm phúc lành, chứ không phải lời chúc dữ dành cho “kẻ thù” là quỉ sứ, đáng hãi sợ. Hãy hiên ngang mà ra đi, vì Đức Chúa vẫn ở với mình và với người, là thế gian Ngài thương mến.
Trong tinh thần phấn chấn mà ra đi, cũng nên ngâm tiếp lời thơ vừa ngâm dở, ở trên, rằng:
“Em đi rồi, sám hối chạy trên môi,
Những tháng ngày trên vai buồn bỗng nặng.
Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn,
Giữ hộ anh, màu áo lụa Hà Đông.
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng,
Giữ hộ anh, bài thơ tình lụa trắng.”
(Nguyên Sa – Áo Lụa Hà Đông)
Thơ tình hay áo lụa, vẫn cứ là lời nhắn nhủ của thế trần hôm nay không còn là “kẻ thù” rất dữ tợn. Nhưng đã là mục tiêu của thánh hội được Chúa ủy thác một bài sai, bấy lâu nay.
Lm Kevin OShea DCCT biên soạn
Mai Tá lược dịch
From Vuisongtrendoi gởi