Ebola Tới Mỹ!
Tác giả: Vũ Linh
…Tỷ lệ chết cực kỳ cao, tới 90% vì không có thuốc chữa…
Cuối cùng thì chuyện gì phải đến đã đến: dịch Ebola đã tới đất Mỹ. Tới Dallas!
Từ 6 tháng qua, dịch Ebola đã hoành hành như chưa từng thấy bên Tây Phi, tại 3 nước Guinéa, Sierra Leone, và Liberia. Đầu tháng Tám tổng cộng chưa tới 1.000 người mắc bệnh, vài chục người chết. Đầu tháng Mười, hơn 10.000 người đã mắc bệnh, và trên 3.500 người đã chết. Và những con số này leo thang vùn vụt mỗi ngày, bất kể hàng loạt biện pháp chữa trị, ngăn chặn. Chính quyền mấy nước này đang bù đầu chống đỡ, với sự giúp đỡ của cả thế giới.
Đây không phải lần đầu tiên Ebola tấn công. Trước đây đã có khá nhiều lần, đều là ở Phi Châu. Lần đầu Ebola được phát hiện là năm 1976, tại Congo, khi đó gọi là Zaire, ở Trung Phi. Lần cuối cùng là tại Uganda, láng giềng của Congo, năm 2012. Nhưng những vụ tấn công này đều mau chóng được ngăn chặn kịp thời, chỉ khiến vài chục hay cùng lắm vài trăm người chết. Từ ngày Ebola được khám phá ra gần 40 năm nay, có tổng cộng khoảng 2.000 người chết cho tới đầu năm nay. Lần này, Ebola đã khiến hơn 3.500 người chết và đã lan qua tới Mỹ và Âu Châu.
Có cả thẩy năm loại vi khuẩn Ebola, tất cả đều từ các giống khỉ truyền qua người, cũng như bệnh AIDS. Trong năm loại, có bốn xuất phát từ khỉ Phi Châu, và một xuất phát từ khỉ Phi Luật Tân. Cho đến nay, chưa ai chết vì Ebola từ Phi Luật Tân.
Người ta cũng chưa rõ tại sao Ebola thỉnh thoảng lại bộc phát như vậy, nhưng có nhiều lý do để tin bệnh này thường xẩy ra từ những bộ tộc hay ăn thịt khỉ, là món ăn rất bình thường trong những bộ lạc Phi Châu.
Ebola là một thứ bệnh dễ lây mà cho đến nay đã không có thuốc trị, cũng không có thuốc ngừa. Đại cương thì bệnh này lan truyền qua các chất lỏng trong người như nước tiểu, tinh dịch, máu, mồ hôi, và ngay cả nước bọt (nước miếng), qua quan hệ tình dục, hay sử dụng kim chích hay ngay cả dụng cụ nha khoa không khử trùng kỹ, hay nhiều cách thông thường khác. Nói nước bọt cũng có nghiã là ăn uống cùng ly cùng chén cùng đuã, hay ngay cả dính nước bọt của người đối thoại khi người này ho, hắt xì hơi, hay nói chuyện văng nước bọt. Nói tóm lại rất dễ lây.
Khi lây thì triệu chứng phải chờ một thời gian mới xuất hiện, sớm là một tuần, nhưng cũng có thể tới ba tuần, hay 21 ngày, mới phát bệnh. Thời gian đó là thời gian vi khuẩn bắt rễ vào cơ thể, rồi bắt đầu tấn công.
Triệu chứng cũng khó biết ngay, đại khái lúc đầu cũng như cảm cúm thường, nóng lạnh chút đỉnh, khô cổ, uể oải, mắt đỏ, sau đó nóng lạnh giống như bị sốt rét, rồi tức ngực, khó thở, khó nuốt. Chỉ sau khi bị nặng hơn thì sẽ ói mửa ra máu, tiêu chảy, liệt giường,… Khi đó thì lục phủ ngũ tạng gì đó, nhất là thận và gan, đều đã bị tàn phá nặng, coi như hết thuốc chữa rồi.
Tỷ lệ chết cực kỳ cao, tới 90% vì không có thuốc chữa. Gần đây, hai bác sĩ Mỹ bị lây bệnh bên Phi Châu, được chở về Trung Tâm Phòng Ngừa Bệnh –Center for Desease Control, CDC- tại Atlanta điều trị và đã khỏi. Nhưng đây là những cuộc điều trị theo kiểu thử nghiệm, cực kỳ tốn kém và khó khăn, chưa thể đại chúng hoá được. Một phóng viên bị Ebola từ Phi Châu đang được chữa trị tại Mỹ, chi phí vài tuần đã lên tới hơn nửa triệu đô, bảo hiểm không trả. Một vài bệnh viện cũng thử chữa trị bằng nhiều thuốc khác, có khi dùng cả thuốc trị bệnh AIDS, khi thành công, khi thất bại. Cuối cùng vẫn chưa có thuốc gì bảo đảm chữa trị hết.
Điều đáng biết là vi khuẩn Ebola khi ra khỏi môi trường trong con người, rất dễ bị tiêu diệt, bằng chlorine, hay ngay cả bằng sà bông và nước thường. Do đó, có cách phòng bệnh rất hữu hiệu là chịu khó rửa tay, rửa mặt bằng sà bông thường xuyên, nhất là sau khi chung đụng với người bị cảm cúm. Thực tế phương thức này có phần khiếm nhã, cần tế nhị và khéo léo.
Tóm lại, Ebola là một bệnh dịch cực kỳ nguy hiểm mà cả thế giới hiện nay vẫn đang lấn cấn tìm cách đối phó.
Tin “mừng” cho dân ở Mỹ, là cho đến nay, chỉ mới có đúng một người được xác nhận đã chết vì bệnh, tuy đã có khoảng một trăm người còn đang ở trong tình trạng theo dõi.
Người này là anh Thomas Duncan, công dân Liberia, nơi Ebola đang hoành hành, nhưng có thẻ xanh sinh sống ở Dallas. Anh ta gần đây ở bên Liberia với một cô đào. Anh lấy máy bay từ Liberia về Dallas. Một tuần sau khi về tới nhà, anh cảm thấy khó chịu trong người, nghi ngờ và tới bệnh viện Texas Health Presbyterian. Tại đây, bác sĩ khám sơ qua, chẩn bệnh là bị cúm, cho thuốc trụ sinh rồi cho về. Vài ngày sau, anh bị liệt giường, ói mửa, khiến gia đình phải kêu xe cứu thương chở khẩn cấp vào bệnh viên, và tại đây họ đã xác nhận anh đang trong tình trạng nguy kịch vì Ebola. Anh bị cô lập trong nhà thương và không may, đã qua đời sau mấy ngày mặc dù có tin bác sĩ đã thử nghiệm nhiều loại thuốc mới để chữa trị cho anh.
Câu chuyện anh Duncan đưa ra ánh sáng nhiều vấn đề lớn.
Ebola hoành hành từ nửa năm nay, báo Mỹ đăng tin rầm rộ, và Nhà Nước Obama khẳng định đã sẵn sàng đối phó, với đầy đủ các biện pháp đã được ban hành trước là ngăn chặn Ebola vào được nước Mỹ, sau là nếu vào được thì cũng đầy đủ cách ngăn chặn.
Tháng Tám, TT Obama tuyên bố rõ ràng tất cả những biện pháp cần thiết đã được ban hành để không một bệnh nhân Ebola nào có thể lên máy bay đến Mỹ (nguyên văn: “all the necessary steps had been taken so that someone with the virus doesn’t get on a plane for the United States”).
Vụ anh Duncan cho thấy Nhà Nước Mỹ chẳng có gì sẵn sàng hết. Với những phản ứng luộm thuộm, hoàn toàn bất lực.
Anh Duncan ở Liberia đã sống và có “quan hệ” với một cô gái điạ phương, có con với cô ta nữa. Cô này bị bệnh, chính anh Duncan là người đã đưa cô vào bệnh viện, và tại đây cô chết vì đã dính Ebola. Anh Duncan sau đó tỉnh bơ về Mỹ để làm đám cưới với người hôn thê Mỹ. Khi rời phi trường ở Liberia, anh phải làm tờ khai đã có liên hệ với người nào bị Ebola không thì anh ta khai “không có”, một sự nói láo trắng trợn vì anh biết rõ người con gái anh có quan hệ đã chết vì Ebola. Rồi khi về đến Dallas, anh về ở với hôn thê, con cái, qua lại với họ hàng, bạn bè như bình thường.
Mấy thư ký, y tá tại bệnh viện Texas Health Presbyterian biết rõ anh này là dân Liberia, vừa mới ở Liberia qua được mấy ngày, có ghi trên phiếu nhập viện. Vậy mà không ai nghĩ là anh có thể bị Ebola, chỉ cho vài viên thuốc trụ sinh rồi cho về. Ta có thể tưởng tượng với những tin tức về Ebola tràn lan trên cả nước, cùng với những lời trấn an của Nhà Nước Obama, thì Bộ Y Tế cũng đã phải có chỉ thị cho tất cả các bệnh viện hay bác sĩ, nên cảnh giác và có biện pháp đề phòng rõ ràng. Việc nhân viên bệnh viện này lơ là chứng tỏ đã không có chỉ thị cảnh giác gì của Bộ Y Tế, và họ chỉ là một nhóm chuyên viên hoặc cực kỳ vô trách nhiệm, hoặc hết sức u tối, không đọc báo hay coi TV, chẳng biết Ebola đang hoành hành tại Liberia. Có tin gia đình anh Duncan sẽ thưa nhà thương ra tòa.
Sau khi khám phá anh bị Ebola, hôn thê và gia đình được nhà chức trách yêu cầu đừng ra khỏi căn hộ họ đang ở cùng anh Duncan. Nhưng họ bất chấp lời yêu cầu, vẫn ra đường như thường, khiến nhà chức trách phải áp dụng biện pháp mạnh hơn, mới đầu cho lính gác cấm cửa, mãi bốn ngày sau mới chở họ đi cô lập một nơi khác, rồi cho tẩy rửa, khử trùng căn hộ.
Có bốn đứa trẻ sống cùng với anh Duncan. Tin tức báo chí không nói rõ liên hệ của chúng với anh Duncan. Chỉ biết mấy đứa trẻ này vẫn đi học bình thường, chung đụng với bạn bè cùng trường đến khi bị cô lập.
Nhà chức trách gửi nhân viên y tế đến thu hốt mùng mền, chăn gối, dụng cụ ăn uống tính mang đi thiêu hủy, để rồi khám phá ra họ không di chuyển mấy thứ này đi đâu được hết. Đây là những “vật liệu nguy hiểm”, gọi là “hazardous materials” mà mọi vận chuyển phải có giấy phép của Bộ Y Tế và Bộ Giao Thông. Và mấy Bộ không biết Ebola có đủ tiêu chuẩn để được định nghiã là “nguy hiểm” chưa nên chưa cấp giấy phép được. Ebola nguy hiểm gì cũng không qua được thủ tục hành chánh của công chức! Để rồi đồ đạc được bỏ bao plastic, niêm phong, cất trong một nhà xe sau căn hộ, chờ giấy phép.
Cách đối phó với trường hợp anh Duncan cho thấy một hình ảnh hết sức đáng lo ngại về khả năng ngăn chặn Ebola của chính quyền Obama, ở cấp liên bang cũng như địa phương. Dĩ nhiên đây là trường hợp đầu tiên nên không tránh được lúng túng, sơ xuất. Nhưng vấn đề là nguy cơ của Ebola đã được biết trước cả 6 tháng nay rồi, và Nhà Nước Obama luôn khẳng định đã sẵn sàng trong khi thực tế cho thấy chẳng sẵn sàng gì hết để đến nay, cả nước Mỹ lo sót vó.
Ông “vua xách động” mục sư Jesse Jackson, đã mau chóng bay xuống Dallas, tự phong là phát ngôn viên của gia đình anh Duncan, và nêu đủ loại câu hỏi, trong đó có tại sao lại không chịu chữa trị cho anh Duncan lần đầu khi anh vào nhà thương, tại sao có 5 người bị Ebola đang chữa tại Mỹ, mà chỉ có anh Duncan là chết? Tại vì anh là da đen? Thật ra, những người khác bị Ebola đã được chữa trị ngay từ đầu, trong khi anh Duncan đợi đến lúc ói mửa ra máu, gần chết, mới được nhập viện, làm sao chữa kịp? Cái lỗi là việc làm tắc trách của đám y tá và thư ký nhà thương, chẳng liên hệ gì đến chuyện kỳ thị da đen. Nhưng ngày nào nước Mỹ còn những tay xách động cuyên nghiệp như Jesse Jackson thì ngày đó xung đột trắng đen vẫn không giải quyết được.
Có nhiều người đã đề nghị cấm đi lại giữa Mỹ và những nước Phi Châu đang bị dịch Ebola hoành hành. Biện pháp này dĩ nhiên không thực tế. Trong thế giới “mặt bằng” hiện nay, mỗi ngày có cả chục triệu người ngồi máy bay đi từ xứ này qua xứ nọ, rồi từ xứ nọ qua xứ khác, ai biết ai đi từ đâu đến đâu? Như anh Duncan đi từ Liberia qua Bỉ, rồi từ Bỉ đi Hoa Thịnh Đốn, từ Hoa Thịnh Đốn đi Dallas. Làm sao cấm hàng triệu người này đi lại khi họ có cả triệu lý do chính đáng để đi lại? Nhất là khi họ chưa có triệu chứng hiển hiện nào.
Tại một vài phi trường Phi Châu và mới đây tại Mỹ, tất cả hành khách đều phải đi qua máy đo nhiệt độ, nếu cao, có thể bị giữ lại kiểm tra kỹ hơn, có khi phải bỏ chuyến bay, đưa đi thử máu. Nhưng đây cũng không phải là phương pháp thực tế và hiệu nghiệm. Trong cả triệu người đi máy bay mỗi ngày, thiếu gì người hơi nóng, cảm cúm chút đỉnh, làm sao có thể thử máu cả ngàn người được?
Cách tốt nhất ngăn ngừa bệnh này phát tác có lẽ là từ chính người bệnh. Những người này phải ý thức được mối nguy mình tạo ra cho người chung quanh. Ngay khi ta bị cảm cúm, tốt nhất là cẩn trọng, càng tránh xa những người thân càng sớm càng tốt. Hay nên mang khăn che mũi miệng, mà VN bây giờ gọi là “khẩu trang”, tránh ăn uống chung, tránh ra đường.
Khi đi máy bay, có thể bị ho hay hắt hơi trên máy bay nên đeo vào để tránh làm cho mấy người ngồi cạnh lo sợ. Hay ta ngồi cạnh người nào ho hoài thì cũng nên đeo vào cho chắc ăn. Muốn lịch sự thì xin lỗi người bên cạnh và cứ nhận là mình đang bị cảm.
Anh Duncan là một bệnh nhân thiếu tinh thần trách nhiệm rõ rệt, khai gian là đã không có liên hệ với người đã bị bệnh. Rồi sau đó, bình thàn về nhà sống với hôn thê và mấy đưá trẻ. Nếu họ bị nhiễm bệnh thì hoàn toàn là lỗi của anh Duncan.
Một chuyện thiếu ý thức khác khiến bệnh Ebola khó trị tại Phi Châu là thông thường, bệnh nhân bị nhốt, cô lập rất kỹ. Nhiều người không muốn như vậy, vì vẫn coi thường, muốn được tự do đi lại. Nhiều bệnh nhân bên Phi Châu đã trốn nhà thương, chạy về nhà. Tệ hơn nữa, rất nhiều dân Phi Châu còn mê tín, tin vào những cách chữa trị của các thầy pháp trong làng, nên vẫn sống như thường với gia đình, rồi chữa theo bùa phép, cỏ cây, do các thầy pháp chỉ dạy.
Nhưng lý do quan trọng nhất khiến bệnh phát tác mau lẹ có lẽ là việc các nhà chức trách Phi Châu, cũng như Âu Châu, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Orgamization-WHO), và nhất là Mỹ, vì nhu cầu muốn tránh hoảng loạn trong dân chúng đã luôn luôn khẳng định Ebola không dễ lây, khiến người dân cũng lơ là, không đề cao cảnh giá lắm.
Khi hai bác sĩ Mỹ bị Ebola được mang về chữa trị tại Atlanta, Nhà Nước Obama trấn an không có gì đáng lo vì bệnh này tuy lây nhưng không dễ lây. Những lời trấn an này trở thành rỗng tuếch khi thiên hạ coi truyền hình thấy những người bệnh cũng như các nhân viên nhà thương đón tiếp những người bệnh, tất cả đều mặc quần áo bít bùng như phi hành gia đi Hoả Tinh. Nếu không dễ lây, sao phải làm vậy?
Rồi tin mới nhất, một bà y tá Tây ban Nha đã lây bệnh sau khi săn sóc hai giáo sĩ bị Ebola từ Phi Châu về, bất chấp những biện pháp phòng ngừa hết sức kỹ lưỡng. Có tin bà y tá bị lây vì lỡ dụi mắt bằng găng tay đã đụng vào người bệnh nhân. Như vậy sao có thể nói không dễ lây?
Chính quyền Obama quyết định đưa 3.000 quân nhân qua Phi Châu để tiếp ngăn chặn sự bành trướng của Ebola. Số quân nhân này phần lớn là quân y đi qua tiếp tay cho các y tá, bác sĩ, và công binh đi qua để tiếp xây nhà thương, trại cấm. Đây là cử chỉ thiện chí đáng hoan nghênh, nhưng nhìn vào cách xử lý chuyện anh Duncan và chuyện bà y tá Tây Ban Nha, người ta không khỏi thắc mắc Nhà Nước Obama đã có biện pháp chu đáo để bảo vệ mấy ngàn quân nhân này chưa, hay lại để yếu tố chính trị khỏa lấp chuyện an toàn của họ.
Câu chuyện thiếu sẵn sàng của Nhà Nước Obama cũng phơi bày ra một nguy cơ mới, nguy cơ khủng bố cuồng tín Hồi giáo sẽ xử dụng Ebola, hay bất cứ bệnh dịch nào khác, làm vũ khí mới tấn công Mỹ.
Ta có thể tưởng tượng sự cuồng tín, sẵn sàng thí mạng cùi của các tên khủng bố đang sống cuộc sống cơ cực, mơ được lên thiên đàng với 72 trinh nữ. Họ có thể chấp nhận cho cấy vi khuẩn đủ thứ bệnh nguy hiểm như Ebola, rồi qua Mỹ, phát tán bệnh này ra cho dân Mỹ. Ta đừng quên phải cần từ một đến ba tuần vi khuẩn Ebola mới xuất hiện và đưa ra triệu chứng, trước đó tuyệt nhiên không có triệu chứng gì cả. Tức là mấy tên khủng bố có khoảng thời gian tới ba tuần để vào Mỹ tung bệnh ra. Làm sao ngăn chặn tình trạng này? Nhất là khi len qua biên giới Mễ quá dễ dàng.
Trả lời một câu hỏi trên truyền hình, bộ trưởng An Ninh Quốc Gia đã nói một cách mơ hồ là chính quyền chưa thấy có triệu chứng gì là có tình trạng như vậy. Vấn đề không phải là “chưa thấy gì” mà là chính quyền đã nghĩ đến và có biện pháp đề phòng chưa, chứ đợi đến lúc “thấy gì” rồi thì chỉ sợ là quá muộn thôi.
Vấn đề Ebola không phải là chuyện nhỏ không đáng quan tâm. Tất cả tùy thuộc cách đối phó của Nhà Nước, cũng như ý thức cẩn trọng của mỗi người dân. Cách đối phó hết sức luộm thuộm của Nhà Nước Obama cho đến bây giờ không giúp trấn an ai hết. Công bằng mà nói, chẳng phải Nhà Nước Obama không, mà cả thế giới, kể cả WHO cũng luống cuống trước cơn dịch quá lớn này. Nếu có một điều có thể nói là “an ủi” chúng ta được, làm cho chúng ta yên tâm hơn, thì điều đó chính là chuyện chúng ta đang sống ở Mỹ, là nước có hệ thống y tế tốt nhất thế giới, và nếu có một nước nào có đủ phương tiện kỹ thuật y học, tài chánh và nhân sự để đối phó, thì đó chính là nước Mỹ.
Cẩn tắc vô áy náy, nhưng không mất tỉnh táo. Xứ Mỹ với hơn ba trăm triệu dân, chỉ mới có một người bị Ebola chết thôi. Xác xuất tử vong khó hơn trúng số một trăm triệu đô. (12-10-14)
Ghi chú: Tác giả không phải bác sĩ y khoa, chỉ viết theo tài liệu. Muốn biết rõ hơn về Ebola, quý độc giả cần hỏi bác sĩ.
Vũ Linh