DANH DỰ và PHẨM CÁCH DÂN TỘC

Tích Lê Văn

Năm 1905, cụ Phan Bội Châu cùng một số đồng chí của Cụ ( Cụ Tăng Bạt Hổ và cụ Đặng Tử Kính ) tìm đường sang Nhật Bản để cầu viện, cứu quốc. Đến ga tàu hỏa Tokyo, các cụ muốn tìm đến nơi ở của một người quen là Ân Thừa Hiến để tạm tá túc. Cụ Phan gọi một người phu kéo xe đến, nhưng ông ta không biết chữ, vội đi tìm một người khác biết chữ tới gặp nhóm khách Việt Nam. Cứ theo địa chỉ cụ Phan viết ra, người kéo xe đưa cả đoàn tới nơi, nhưng Ân Thừa Hiến không còn ở đó nữa.

Đang lúc cụ Phan bối rối vô cùng thì người phu xe Nhật Bản bảo cả nhóm chờ rồi tự mình đi tìm địa chỉ ông Ân Thừa Hiến. Suốt từ 2 giờ chiều, đến 5 giờ chiều thì ông ta quay lại, hớn hở báo tin rằng đã tìm thấy địa chỉ, rồi kéo xe đưa Phan Bội Châu và những người khác đến nơi. Rồi ông ấy hỏi xin hai hào rưỡi (0,25 Yên) tiền kéo xe.

Cảm phục, biết ơn và cũng muốn đền đáp công sức của người phu xe, Phan Bội Châu cảm tạ và xin trả ông ấy 1 đồng. Người phu xe kiên quyết từ chối. Và để an lòng nhóm cụ Phan, ông ấy nói:

“Chiếu theo quy luật Nội vụ sảnh đã định, thì từ ga Đông Kinh đến nhà này giá xe chỉ có ngần ấy. Và lại ý ta nghĩ các người là người ngoại quốc, yêu mến nước Nhật Bản mà đến, vậy nên ta hoan nghênh các người, chứ không phải hoan nghênh tiền đâu. Bây giờ các người cho tiền quá lệ, thì là khinh bạc người Nhật Bản rồi đó.”

Sau này Phan Bội Châu nhớ lại, cụ viết:

“Chúng tôi nghe lời ấy, từ tạ anh ta xong, mà tự nghĩ càng thêm tủi. Than ôi! Trí thức trình độ dân nước ta, xem với người phu Nhật Bản chẳng đáng chết thẹn lắm hay sao!”
(Phan Bội Châu, Toàn tập, tập 6, Nxb Thuận Hóa, 2000, tr. 153-154.)

ĐÓ LÀ CHUYỆN CỦA GẦN 115 NĂM VỀ TRƯỚC.

Còn hôm nay, ở nước ta, giữa thế kỷ 21 này, một gã lái xe xích lô tên Phạm Văn Dũng (48 tuổi) ở Tp. Hồ Chí Minh đã thừa cơ lừa đảo, thu của một cụ già người Nhật Bản tên là Oki Toshiyuki (83 tuổi) 500.000 đồng cho 1 cuốc xe khoảng 5 phút. Dã man hơn, khi cụ già ngoại quốc trả tiền, hắn còn chộp ví, cướp đoạt thêm của cụ 2.400.000 đồng nữa.

Thật là khốn nạn, đê tiện hết chỗ nói.

Nhưng chuyện đó, dù có tệ, cũng chưa thấm vào đâu so với chuyện ở Hà Nội.
Cả nhóm chuyên gia Nhật Bản lội xuống dòng sông Tô Lịch, bất chấp nắng mưa, ô nhiễm dầm mình để thí nghiệm, tìm cách ứng dụng công nghệ cao để làm sạch dòng sông thiêng giữa lòng Thủ đô.

Thế mà nhân danh “đúng quy trình”, người ta xả nước vào sông giữa lúc thí nghiệm chưa xong. Khi bị chất vấn còn cãi nhem nhẻm, rằng “đúng quy trình”, “bất khả kháng” vv…

Nếu có lương tâm, trách nhiệm, sao trước khi xả nước, họ không thảo luận kĩ với nhóm chuyên gia Nhật?

Sao họ không tìm giải pháp khác???

Nói như cụ Phan hơn 114 năm trước: Thật đáng chết thẹn lắm!
Cụ Phan ơi! Hơn 100 năm trước, cụ đã mượn lời người khác để mắng mỏ dân tộc mình: “dã man quen thói ngu hèn”.

Cụ mắng thế là mong cho người mình thấy hổ thẹn mà sửa mình để lớn lên, sao cho xứng với nhân quần thế giới. Nhưng đã hơn 100 năm qua rồi, dân tộc mình vẫn thế.
….
Hổ thẹn lắm cụ Phan Bội Châu ơi!

Kính gửi tới ông Oki Toshiyuki : toàn dân Việt Nam chúng tôi thành thật xin lỗi ông.

——-
nguồn fb Phạm Tứ Kỳ

Image may contain: one or more people, people sitting, eyeglasses, hat and text
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay