Đại bồi thẩm đoàn ở Mỹ có vai trò thế nào?

VOA

Những người biểu tình đòi Công lý cho Tất cả tuần hành tại New York ngày 13/12/2014 để phản đối vụ giết hại hai người Mỹ gốc Phi. Đại bồi thẩm đoàn đã quyết định không truy tố các cảnh sát trong vụ giết ông Eric Garer tại New York và ông Michael Browm tại Ferguson, Missouri.

Những người biểu tình đòi Công lý cho Tất cả tuần hành tại New York ngày 13/12/2014 để phản đối vụ giết hại hai người Mỹ gốc Phi. Đại bồi thẩm đoàn đã quyết định không truy tố các cảnh sát trong vụ giết ông Eric Garer tại New York và ông Michael Browm tại Ferguson, Missouri.

Đại bồi thẩm đoàn đóng vai trò trung tâm trong hệ thống tư pháp Hoa Kỳ. Họ có nhiệm vụ lắng nghe bằng chứng do các công tố viên và nhân chứng đưa ra, sau đó quyết định bằng cách bỏ phiếu kín xem có đủ bằng chứng để buộc tội một người phạm trọng tội hay không, là bất kỳ tội hình sự nào có thể bị phạt ít nhất một năm tù.

Đại bồi thẩm đoàn được yêu cầu trong các vụ truy tố trọng tội liên bang và nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ đã áp dụng một hệ thống tương tự. Tuy nhiên, ở một số tiểu bang, các công tố viên cũng có thể đưa ra bằng chứng của mình trước thẩm phán, người sau đó sẽ quyết định liệu một người nào đó có thể bị truy tố về một tội hay không.

Đại bồi thẩm đoàn liên bang gồm từ 16 đến 23 thành viên. Ít nhất 12 bồi thẩm viên phải đồng ý trước khi một bản cáo trạng — một cáo buộc chính thức — có thể được đưa ra chống lại một người nào đó. Các đại bồi thẩm viên được chọn từ cùng một nhóm công dân bình thường, những người làm các bồi thẩm viên xét xử. Những người này được xác định từ các hồ sơ công cộng như bằng lái xe và thẻ cử tri. Các đại bồi thẩm viên phục vụ từ 18 đến 36 tháng, thường họp vài lần một tháng và có quyền đặt câu hỏi cho các nhân chứng và đưa ra trát đòi hầu tòa.

Ông Peter Joy, giáo sư luật tại Đại học Washington ở St. Louis, nói: “Hệ thống đại bồi thẩm đoàn rất quan trọng trong việc quyết định ai sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự, nhưng cũng quan trọng trong việc công dân dính líu vào hệ thống tư pháp hình sự.” “Nguồn gốc của hệ thống đại bồi thẩm đoàn, theo một nghĩa nào đó, dựa trên một mức độ cố gắng giữ cho chính phủ lương thiện.”

Đại bồi thẩm đoàn ban đầu được hình thành như một biện pháp bảo vệ chống lại quyền lực của chính phủ. Nhưng cựu công tố viên liên bang Bruce Green không tin cái gọi là “uỷ ban nhân dân” hoàn thành chức năng đó một cách có ý nghĩa.

“Nếu ý tưởng ban đầu của những người lập quốc là kiềm chế quyền lực của chính phủ… thì đó có lẽ không phải là một công cụ hiệu quả để bảo vệ mọi người khỏi bị truy tố thái quá,” ông Green, người hiện đang là giáo sư tại Trường Luật Đại học Fordham nói. “Và có một rủi ro khá lớn là, nếu công tố viên nghĩ trong đầu rằng ai đó có tội, họ có thể đạt được một bản cáo trạng cho dù người đó có tội hay không.”

Đại bồi thẩm đoàn hiếm khi từ chối truy tố. Trong năm 2010, số liệu thống kê của chính phủ cho thấy rằng các đại bồi thẩm đoàn liên bang đưa ra các cáo buộc hơn 99%.

Nguy cơ cao

Mặc dù đại bồi thẩm đoàn có thể là bù nhìn trong hầu hết các trường hợp, nhưng ban hội thẩm có nhiều khả năng đóng một vai trò có ý nghĩa hơn trong các trường hợp thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng.

Ông Joy nói: “Tôi nghĩ rất có thể các công tố viên khi trình bày bằng chứng trước đại bồi thẩm đoàn đã cố gắng đưa ra nhiều bằng chứng hơn mức họ có thể làm trong một vụ án đơn cử và trình bày theo cách cân bằng.”

Một số tiểu bang yêu cầu các công tố viên đưa ra bằng chứng rằng bị cáo có thể vô tội. Tuy nhiên, các công tố viên liên bang không bắt buộc phải làm như vậy.

“Bị cáo có nhân thân càng cao thì càng có nhiều khả năng là công tố viên thực sự muốn có một vụ án chắc chắn, và họ sẽ muốn kiểm tra bằng chứng theo cách có thể mang lại cho họ nhiều tự tin hơn,” ông Joy nói.

“Bởi vì rủi ro rất cao, một công tố viên thông minh — nếu có một số bằng chứng trái ngược mà có thể khiến người ta đặt dấu hỏi là có tội hay vô tội — thì họ dường như sẽ sử dụng đại bồi thẩm đoàn như một tiến trình [trắc nghiệm] cho điều đó.”

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay