ĐỜI SỐNG CẦN CÓ CHÚA

ĐỜI SỐNG CẦN CÓ CHÚA

Cố Lm. GB. HỒNG PHÚC ( 1921 – 1999 )

Sau Ngôn Sứ Amos, xuất thân từ một người chăn chiên hiền lành biến thành một con sư tử “gầm thét” tội ác của các nhà lãnh đạo Dân Chúa, nay đến Ngôn Sứ Giêrêmia lên tiếng: “Khốn cho các mục tử làm tản mác và xâu xé đàn chiên”.

Họ đã làm cho nước mất nhà tan, hàng ngàn người chết, hàng vạn người phải lưu đầy qua Babylone, trong số đó chính vị Ngôn Sứ là nạn nhân. Những nhà lãnh đạo Israel phải là kẻ đem lại hòa bình và hiệp nhất cho Dân Chúa, trung thành với giao ước Sinai, vậy mà nay họ lại phản lại Thiên Chúa, gây khốn khổ cho Israel. Nhưng Thiên Chúa là Đấng trung thành, vị Ngôn Sứ nhìn thấy ở chân trời, một Đấng Mục Tử xuất hiện từ chi tộc Đavít. Ngài sẽ đem lại hòa bình và công chính. Tuy nhiên, với điều kiện là đoàn chiên biết nghe lời Ngài. Lịch sử Do Thái là hình ảnh lịch sử nhân loại.

Thánh Phaolô, trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô, cho chúng ta thấy Đấng đã làm “cho đôi bên nên một, phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt hận thù”, chính là Chúa Giêsu. Ngài đến loan báo Tin Mừng bình an. Ngài đến hiệp nhất chúng ta lại. Chúng ta hãy nhìn lên Thập Giá, Ngài chịu treo lên, như gạch nối giữa đất và trời, hai tay giang ra như để ôm chầm cả nhân loại.

Qua bài Phúc Âm, chúng ta thấy Marcô mô tả việc Chúa Giêsu và các môn đệ sau những ngày làm việc mệt nhọc, đã để ra một vài ngày nghỉ ngơi trong yên tĩnh. Quần chúng bao quanh đến nỗi “Ngài không có cả thì giờ để ăn”. Một thời gian để tĩnh dưỡng cho mình và các môn đệ là điều hợp lý.

Và chúng ta thấy Chúa Giêsu biết chọn những chỗ thích hợp, như “trên một ngọn núi cao, xa vắng” ( 9, 2 ), trên bức thành đá ven bờ hồ Tibêriađê ( 5, 1 ), bờ biển Phênicia ( 7, 24-31 ) hay gần nguồn sông Giođan dưới chân núi Hermon ( 8, 27 ). Đây là một cuộc tĩnh tâm của Thầy và các môn đệ, vừa nghỉ ngơi vừa huấn luyện. Các Tông Đồ thuật lại cho Thầy nghe các kinh nghiệm Tông Đồ của mình ( 6, 30 ), Thầy thông cảm với các cộng sự của mình: “Sáng sớm tinh sương, Ngài trỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện ở đó” ( 1, 35 ). Như vậy, khi trở về gặp lại dân chúng, lời giảng pha lẫn với lời kinh của Chúa và của môn đệ hứa hẹn một mùa gặt tốt.

Nhưng Chúa Giêsu và môn đệ không thể tĩnh dưỡng lâu, xa quần chúng. Vì Ngài đến vì dân chúng và dân chúng cũng cảm thấy không thể thiếu Ngài. Họ đi tìm Chúa, “họ như bầy chiên không có kẻ chăn”. Họ cần có Chúa.

Tất cả chúng ta đều cảm thấy cần có Chúa, thiếu Chúa đời ta thiếu tất cả, bơ vơ và lạc lõng. Thánh Augustinô kêu lên: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và tâm hồn con sẽ không bình yên khi nó không an nghỉ trong Chúa”.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu tỏ ra rất thương yêu và am tường các nhu cầu vật chất và tinh thần của các môn đệ. Đời sống Tông Đồ là một đời sống tận hiến tất cả, đầy gian lao và xả thân, nhưng phải luôn luôn trở về nguồn. Phải để ra những ngày nghỉ ngơi, im lặng và cầu nguyện, những ngày sống thân mật với Chúa, chuẩn bị cho những ngày xuất quân mới, đầy nghị lực và tình thương.

Đức Gioan XVIII được gọi là vị Giáo Hoàng năng tĩnh tâm. Mặc dù công việc Giáo Hội bề bộn, với bao nhiêu vấn đề phải suy tư giải quyết. Ngài hằng “trở về nguồn”. Đặc biệt, ngài rất năng tĩnh tâm, tạm dẹp công việc lại một bên, để dành cho Chúa một thời gian. Ngài dọn một phòng riêng ở Vatican, để sống những giờ âm thầm bên Chúa hoặc nghe lời giảng day… Trước khi khai mạc Công ĐồNG Vaticanô II, ngài đã tĩnh tâm một thời gian rồi đi hành hương ở Loretto, nơi lưu giữ ngôi nhà của Đức Mẹ, để xin cho Công Đồng được kết quả.

“Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi…

Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi,

Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng”.

Cố Lm. GB. HỒNG PHÚC ( 1921 – 1999 )

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay