CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU

CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU

 

                                                                                               Lm. John Nguyễn, New York.

Vào ngày 13 tháng 11 năm 2009, theo tờ Dallas Morning News đã đưa tin, bà Carrie Gehling, 45 tuổi, đã bị mất cả hai chân vì bệnh tiểu đường, đau tim, và cần được ghép thận sau nhiều năm lọc thận.  Bác sỹ cho biết bà đang gặp nguy cơ đến tính mạng.  Trong lúc bệnh tật và khó khăn, Bà Gehling chạy đến Đức Ông và cũng là cha xứ Mark Seitz tại nhà thờ Saint Rita ở Dallas, tiểu bang Texas, để nhờ ngài tìm kiếm quả thận cho bà.  Khi nhận được tin này, Đức Ông Seitz đã suy nghĩ, tại sao không phải là tôi?  Sau đó, ngài quyết định tặng quả thận của mình cho bệnh nhân, ngài coi việc hiến tặng này là biểu lộ tình yêu và nhiệm vụ của linh mục.  Ngài nói rằng: “Tôi noi gương Chúa Giê-su vì Ngài đã hy sinh mạng sống cho tôi, thì tôi cũng có thể cho đi một quả thận cho người đang cần được sống”.

 

 Hơn nữa, ngài rất ngưỡng mộ lòng dũng cảm của bà Gehling khi phải đối phó với căn bệnh khủng khiếp này, nhưng bà ấy luôn vẫn tin tưởng vào lòng nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa khi tiếp cận với những người khác.  Để có được đức tin mạnh mẽ như thế, thì bà ta cũng đã trải qua một kinh nghiệm về quá khứ của tuổi trẻ.  Như lời bà Gehling nói với Dallas Morning News rằng: Khi được 20 tuổi, bà đã bị mất niềm tin một thời gian sau khi người cha qua đời vì căn bệnh đau tim.  Một ngày kia, tôi tỉnh dậy và nghĩ rằng, mình thật là điên khùng.  Bà nói tiếp: Nếu cha tôi còn sống sau cơn đau tim, thì ông ta chỉ sống như một loài thực vật.  Vậy những gì Chúa đã làm là tốt nhất.  Lời sau cùng, bà Gehling nói rằng: Không có từ ngữ nào có thể nói lên lời cảm ơn.  Làm thế nào để có thể nói lời cảm ơn với một người đã cho bạn một cuộc sống mới!  Bà đã gọi đây là quả “thận thánh”, trong khi đó vị linh mục Seitz nói, món quà ấy chỉ là một cố gắng sống theo gương của Chúa Kitô.

 

Gương mục tử hiến tặng quả thận có thể dẫn đưa chúng ta đến gần với trang Tin mừng hôm nay về sự từ bỏ, quên mình và làm chứng cho Tin mừng, cho tình yêu Thiên Chúa một cách sống động và thiết thực hơn.  Cha Seitz đã chia sẻ sự sống của mình cho bà Gehling, một người đang khát khao để được sống.

 

Khi Chúa Giê-su sai các Tông đồ đi rao giảng, thì Ngài ban cho các ngài được quyền chữa trị trên các thần ô uế, và chỉ thị đầu tiên của Ngài đối với các Tông đồ là không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không mang lương thực, bao bị, tiền bạc v.v… Khi nghe những lời căn dặn này, chúng ta nghĩ rằng, nó không thực tế trong bối cảnh của xã hội ngày nay.  Bởi vì, chung quanh chúng ta đâu có ai nghèo đến nỗi không có hai áo, giày dép, bao bị, tiền bạc, ngay cả các linh mục, tu sỹ cũng ăn mặc đàng hoàng, và có những điều kiện tối thiếu để sinh hoạt hàng ngày, đằng khác có người còn dư thừa không chỉ có hai bộ mà có cả tủ quần áo thì sao!  Chúng ta có lý do để cho rằng, lời dặn của Chúa Giê-su không phù hợp với những gì con người đang có, sử dụng và hưởng thụ.

 

Cho nên, chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn trong bối cảnh của đoạn Tin mừng.  Lúc bấy giờ dân chúng đang sống trong cảnh lầm than, đói khổ, bệnh tật và hoạn nạn, bị áp bức và thống trị, cho nên họ cũng mong được giải thoát khỏi cảnh khốn khổ lầm than.  Chúa Giê-su là nhà cách mạng cho công lý, cho sự thật, cho hòa bình trước khổ đau của con người.  Lời căn dặn và chỉ thị của Ngài mang ý nghĩa nhân sinh hơn, bởi vì lời rao giảng đó phải được gắn liền với việc làm.  Nếu các Tông đồ không sống, không thực hiện đời sống khó nghèo thì giáo lý của Chúa Giê-su rao giảng cho ai?  Khi Chúa trao cho các ông có quyền trong tay, rồi chuyện gì sẽ xảy ra, vì lòng tham của con người là vô tận.  Đằng sau lời căn dặn đó, Chúa Giê-su muốn các Tông đồ đừng bám víu vào của cải vật chất, phải siêu thoát và từ bỏ, thì mới có thể rao giảng và làm chứng cho Thiên Chúa giàu lòng từ bi và nhân ái.  Ấy thế mà vẫn có Giu-đa bán Thầy vì tham tiền.

 

Có lẽ bài học được rút ra từ Lời Chúa cho chúng ta hôm nay, bài học đó không chỉ dừng lại trên phương việc sử dụng của cải vật chất sao cho hợp lý, mà còn là bài học của cái tâm biết thương người.  Giáo hội cần có tấm lòng quảng đại của những vị mục tử tốt lành dám hy sinh vì đoàn chiên bệnh tật, nghèo nàn, đau khổ, và tất cả mọi người kitô hữu mang danh Chúa Kitô dám sống và làm chứng cho tình yêu.  Nếu chúng ta nhận ra khuôn mặt của Chúa Giê-su đang hiện diện trong những người nghèo khổ, bệnh tật, bị áp bức là lúc chúng ta sống với giá trị của Tin mừng.

 

Cho dù, những lời chỉ thị của Chúa Giê-su cho các Tông đồ ngày xưa trong hoàn cảnh khác xa với hiện tại ngày nay, nhưng lời đó vẫn tiếp tục mời gọi mọi người chúng ta thực hiện trong cuộc sống hôm nay.  Như lời cha Seitz nói: “Việc làm của tôi là cố gắng theo gương Chúa Giê-su”. Và Mẹ Têrêxa Calcutta thì nói: “Không ai nên Thánh một mình, và không ai lên Thiên Ðàng một mình”.

 

Lạy Chúa, mọi người chúng con được Chúa sai đi làm chứng nhân tình yêu Thiên Chúa giữa dòng đời, thì xin cho chúng con biết sống yêu thương, chia sẻ, cảm thông, và biết tìm kiếm Nước Trời là cùng đích của cuộc đời chúng con.

 

Lm. John Nguyễn, New York.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay