SỰ THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU THEO THÁNH GIOAN

SỰ THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU THEO THÁNH GIOAN

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHUA GIE SU

Mỗi năm vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, giáo hội chúng ta đều đọc Sự thương khó của Chúa Giêsu theo thánh Gioan.  Như chúng ta biết, phúc âm của thánh Gioan viết sau các phúc âm khác, có lẽ khoảng bảy mươi năm sau khi Chúa Giêsu chết, các năm tháng này đã cho thánh Gioan nhiều thì giờ chiêm nghiệm về cái chết của Chúa Giêsu, nêu bật lên một số khía cạnh mà các phúc âm khác không nêu rõ bằng.  Những khía cạnh đặc biệt đó là gì?

Lời kể của thánh Gioan về cái chết của Chúa Giêsu nhấn mạnh đến cuộc xét xử.  Phần lớn tập trung vào cuộc xét xử chúa Giêsu và phán quyết cuối cùng là lên án tử hình.  Nhưng nó được viết một cách tài tình.  Gioan viết về cuộc xét xử Chúa Giêsu theo một cách mà, trong khi Chúa Giêsu là người đang bị xử tội, thì tất cả các người khác đều đang bị xét xử ngoại trừ Ngài.  Philatô đang bị xét xử, các nhà cầm quyền Do Thái đang bị xét xử, các vị tông đồ và môn đệ của Giêsu đang bị xét xử, đám đông đứng xem xử tội đang bị xét xử, và chúng ta những người nghe câu chuyện này bị xét xử.  Riêng một mình Chúa Giêsu là không bị xét xử, dù cuộc xử tội của Người là cuộc xử tội của mọi người khác.  Vì vậy mà khi Philatô hỏi Chúa Giêsu:  Sự thật là gì?  Thì sự im lặng của Chúa Giêsu đã đưa Philatô ra xét xử bằng cách ném lại sự im lặng cho chính ông, sự thật của chính ông.  Với chúng ta cũng vậy.

Tiếp theo, thánh Gioan nhấn mạnh vào thiên tính của Chúa Giêsu trong câu chuyện về sự Thương khó của Ngài.  Như chúng ta biết, phúc âm của thánh Gioan nhấn mạnh về sự hiện hữu trước của Chúa Giêsu với thiên tính của Người nhiều hơn là nhân tính.  Điều này soi sáng trong toàn bộ câu chuyện: Trong phúc âm thánh Gioan, Chúa Giêsu dù đang bị đóng đinh trên thập giá nhưng Người luôn luôn chủ động.  Người không hề e sợ, không tỏ vẻ yếu đuối, mang thập giá của chính mình, chết một cách thanh thản và được chôn như một vị vua (với dầu thơm và dầu lô hội, áo liệm ướp hương nhu).  Giêsu của thánh Gioan không cần bất kỳ ông Simon vùng Cyrene nào mang giúp thánh giá, cũng không hề khóc lóc trong đau đớn và bị bỏ rơi.  Thánh Gioan viết sự Thương khó của Chúa từ góc độ thiên tính của Ngài.

Sau đó thánh Gioan sử dụng một số hình ảnh có tác động mạnh để giúp nhấn mạnh những điểm này.

Thánh nhân viết Giuđa và quân lính đến bắt giữ Giêsu mang theo “đèn lồng và đuốc.”  Người định nêu một nét khôi hài mạnh mẽ như sau:  Giêsu là ánh sáng của thế gian và không thể không nhận thấy nét khôi hài ở đây, những kẻ chống đối người, những kẻ đến tìm người mà phải tự dẫn đường bằng thứ ánh sáng nhân tạo yếu ớt – đèn lồng và đuốc.  Bên cạnh những điều khác, điều này cho thấy bọn họ yêu thích bóng tối hơn ánh sáng và họ biết những gì họ đang làm chỉ làm được ban đêm vì nếu làm dưới ánh sáng mặt trời, chuyện này sẽ bị phơi bày một cách nhục nhã.  Những thế lực chống đối Chúa cần phải có lớp che đậy là bóng đêm và ánh sáng nhân tạo.
Kế đó, vào cuối cuộc xét xử, Philatô đưa Giêsu ra trước đám đông và hỏi họ có muốn công nhận Người là vua của họ hay không.  Bọn họ đáp lại: “Chúng tôi không có vua nào, trừ Xêda!”  Về mặt lịch sử, đối với người theo đạo Do Thái, nói như vậy vào thời Chúa Giêsu giống như chối bỏ hy vọng của họ về Đấng Thiên Sai.  Điều này cũng đúng với chúng ta:  Bất cứ khi nào chúng ta không thừa nhận quyền năng của Chúa nơi con người đang bị đóng đinh trên thập giá kia, chúng ta đang chối bỏ hy vọng cứu rỗi của chính mình và công nhận quyền năng của thế gian này, đối với chúng ta, là thực tại sâu sắc nhất.

Ngoài ra, câu chuyện thương khó của thánh Gioan nhấn mạnh Chúa Giêsu bị kết án tử hình vào chính ngọ, chính cái giờ trước ngưỡng cửa của lễ Vượt Qua khi các thầy tư tế trong nhà thờ bắt đầu giết cừu tế lễ.  Rõ ràng có thể suy luận ra:  Giêsu chính là con cừu tế lễ thật sự đã chết để chịu tội.

Cuối cùng, trong câu chuyện về sự thương khó của thánh Gioan, sau khi Chúa Giêsu chết, binh lính đến và lấy mũi giáo đâm mạn sườn Người.  Ngay lập tức máu và nước chảy ra.  Đây là hình ảnh giàu ý nghĩa:  Trước hết, nó tượng trưng cho sự ra đời.  Khi đứa trẻ chào đời, máu và nước đều chảy ra.  Đối với thánh Gioan, cái chết của chúa Giêsu là sự chào đời của một điều gì đó mới mẻ trong đời sống chúng ta.  Đó là điều gì?

Các Kitô hữu đôi khi quá vội vàng coi hình ảnh này là ngụ ý về các bí tích của lễ Rửa Tội và Thánh Thể, dòng máu chảy là tượng trưng cho Thánh Thể và dòng nước tượng trưng cho Rửa Tội.  Có thể điều này thật sự có ý nghĩa, nhưng trước hết có một điều còn quan trọng căn bản hơn hình ảnh đó:  Máu tượng trưng cho dòng sự sống trong chúng ta.  Nước vừa xoa dịu cơn khát vừa rửa sạch bụi bặm khỏi thân thể chúng ta.  Điều mà thánh Gioan muốn nói qua hình ảnh này là những người chứng kiến cái chết của chúa Giêsu nhận ngay lập tức tình thương mà Giêsu đã thể hiện qua việc chết theo cách đó đã tạo ra một nguồn năng lượng và tự do mới trong cuộc đời của họ.  Họ cảm thấy vừa có một nguồn năng lượng vừa là một sự gột rửa, máu và nước, tuôn chảy từ cái chết của Giêsu.  Cốt yếu, họ cảm thấy một quyền năng chảy từ cái chết của người vào cuộc đời họ giúp họ sống bớt sợ hơn, ít mặc cảm tội lỗi hơn, nhiều niềm vui hơn, và nhiều ý nghĩa hơn.  Điều này vẫn còn đúng với chúng ta ngày nay.

Câu chuyện thương khó của thánh Gioan đem tất cả chúng ta ra xét xử và đưa ra một phán quyết giải phóng chúng ta khỏi những xiềng xích sâu xa nhất của mình.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

RỬA CHÂN

RUA CHAN

Trầm Thiên Thu

Khi tham dự phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta hãy suy niệm những bài học Chúa Giêsu đã làm.

Rửa là hành động làm cho sạch.  Cái gì cũng phải rửa mới sạch, thân xác cần được rửa đã đành, chính tâm hồn cũng cần được rửa để làm sạch những “vết nhơ.”

Rửa chân là bổn phận phục vụ và là công việc của tôi tớ (hoặc nô lệ).  Ngày xưa, tôi tớ phải rửa chân cho chủ.  Rửa chân là một cách phục vụ của tôi tớ.  Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa nhưng Ngài đã hạ mình để làm việc của tôi tớ mà rửa chân cho người khác, dù Ngài đã xác định: “Tôi tớ không trọng hơn chủ” “kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.”  Trước khi các Giáo hoàng ký các văn bản, truyền thống Giáo hội có “cách nói” khiêm nhường thật tuyệt vời: “Tôi tớ của các tôi tớ.”

Có lẽ chân đi nhiều nên phải rửa.  Tay muốn phạm tội mà chân không đi thì cũng… “bó tay.”  Rửa chân còn có nghĩa là yêu thương, khiêm nhường, phục vụ và tha thứ.

Rửa Chân Là Yêu Thương

Trong Phúc âm, thánh Gioan ghi chép lại nghi lễ rửa chân do chính Chúa Giêsu thực hiện vào đêm cuối đời Ngài trên thế gian.  Đây là điểm khác so với các Phúc âm nhất lãm.  Rửa chân người khác là hành động yêu thương.  Nghi thức rửa chân chỉ có trong Phúc âm của thánh Gioan – là “chàng trai trẻ” tự xưng “người môn đệ Chúa yêu” và vì thế mà thánh Gioan cũng rất thích nói về tình yêu.  Người rửa chân là “người thực hành yêu thương,” còn người được rửa chân là “người được yêu thương” – và cũng có trách nhiệm yêu thương người khác.

Tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, như thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8).  Tình yêu ấy là Lòng Thương Xót vô biên của Ngài, là khối tình cuồng si không ai hiểu thấu: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10).  Tình yêu có lý lẽ riêng của con tim mà lý trí không thể hiểu hết, nó có những nghịch lý vừa “kỳ diệu” vừa “dễ thương” và khả dĩ chấp nhận.  Thánh Gioan phân tích: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1 Ga 4:12).  Đại văn hào Victor Hugo cũng có ý tưởng độc đáo: “Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn nữa.  Chết vì yêu là sống trong tình yêu.” Chết vì yêu lại là sống trong tình yêu.  Quá ngược đời, và lạ thật!  Người đời còn nhận ra như vậy, huống chi Thiên Chúa.

Rửa Chân Là Khiêm Nhường

Người có lòng yêu thương thì luôn sống khiêm nhường.  Mà khiêm nhường chính là nền tảng mọi nhân đức.  Rửa chân người khác là động thái chứng tỏ sự khiêm nhường, khi chúng ta làm vậy là chúng ta vâng lời mà thực hành mệnh lệnh Chúa Giêsu đã truyền dạy.  Chúa Giêsu quan tâm công việc mà người ta cho là hèn hạ đó, thế nên chúng ta cũng phải noi gương mà làm với sự vui vẻ và lòng khiêm nhường, khi đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa để hiểu đúng và làm đúng.  Ý nghĩa sâu sắc này sẽ giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của gương Chúa Giêsu đối với chúng ta ngày nay.

Có vẻ lạ khi 3 tác giả phúc âm kia (Mátthêu, Máccô và Luca) tập trung vào Bánh và Rượu mà Chúa Giêsu biến thành Mình Máu Ngài lúc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể vào chiều tối ngày Thứ Năm Tuần Thánh, buổi tối cuối cùng của đời Ngài.  Tông đồ Gioan lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Chúng ta biết rằng “người môn đệ Chúa yêu” ghi lại đầy đủ các hành động và lời nói của Chúa Giêsu, còn các tác giả kia không ghi lại.  Câu trả lời có thể đơn giản là Gioan cảm thấy nghi thức rửa chân cần được thuật lại trong Tân ước.  Mặt khác, Gioan có thể nhận thấy có sự nối kết trực tiếp giữa việc rửa chân và “việc làm khác thường” của Đức Kitô trong cuộc đời Ngài, trong cái chết của Ngài và sự sống đời sau.

Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã noi gương Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, không chỉ rửa chân cho người khác mà còn cúi xuống hôn chân người được rửa chân.  Một động thái “kỳ lạ” gây ấn tượng rất sâu sắc, nhưng thật là dễ thương!

ĐGH Phanxicô, lúc còn là Hồng y Bergoglio TGM của TGP Buenos Aires, ngài cũng đã rửa chân và hôn chân người được rửa.  Một biểu hiện của đức khiêm nhường và tôn trọng nhân vị của người khác.  Ngài chỉ thở bằng một lá phổi từ hồi thiếu niên, nhưng ngài vẫn khỏe mạnh vì lá phổi đó hít thở không-khí-yêu-thương của Đức Kitô.  Ngài sống giản dị, thương người nghèo, tự nấu ăn và không có xe đưa rước, sống cầu nguyện, điều đó cho thấy ngài là một người thánh thiện.

Ngày nay khó tìm được những linh mục, giám mục và hồng y sống khó nghèo như vậy.  Không can đảm thì không thể sống nghèo và sống phục vụ trong yêu thương!  ĐGH Phanxicô đã và đang làm gương cho mọi người là HÀNH ĐỘNG chứ không NÓI SUÔNG, nhất là đối với những người Công giáo, và đặc biệt là đối với các giáo sĩ.

Rửa Chân Là Phục Vụ

Người có lòng khiêm nhường thì luôn sẵn sàng phục vụ người khác.  Chúa Giêsu xác định: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20:26).  Ngài không nói cho có lệ, không nói suông, mà chính Ngài đã nêu gương và xác định: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28; Mc 10:45).

Nghi thức rửa chân được ghi lại trong Ga 13:1-17 cho chúng ta một cái nhìn mới về tính cách của Đấng Cứu Độ.  Khi nào chúng ta áp dụng bài học “độc nhất vô nhị” này trong đời sống, chúng ta sẽ có thể hiểu hơn về lý do có người vẫn cố gắng đi tìm hạnh phúc mà chưa đạt được trọn vẹn, còn có người lại may mắn đầy ắp niềm vui sướng – như người Việt Nam nói: “Sướng từ trong trứng sướng ra” hoặc “đẻ bọc điều.”  Đây cũng là một bí ẩn mầu nhiệm của cuộc đời, một dạng “vô cực.”

Chúa Giêsu đã làm công việc mà người ta cho là hèn hạ, đó là rửa chân, nhưng không phải là rửa chân cho người trên mà là rửa chân cho người dưới quyền mình.  Rõ ràng là Ngài không muốn được phục vụ mà chỉ muốn phục vụ.  Tuy nhiên, đó cũng chính là mệnh lệnh của Ngài: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.  Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.  Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:13-16).

Thánh Luca cũng nói đến việc đó trong buổi tối lễ Vượt Qua: “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất.  Đức Giêsu bảo các ông: Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân.  Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ.  Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai?  Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22:24-27).

Qua hành động, Chúa Giêsu cho thấy rõ rằng Ngài không đòi hỏi chúng ta làm gì cho Ngài, dù Ngài là Thủ lĩnh và Đại huynh của chúng ta, đáng lẽ Ngài phải được người khác phục vụ, thế mà Ngài lại phục vụ họ – tức là chúng ta, và Ngài không chỉ muốn mà còn bắt buộc chúng ta phải vui vẻ phục vụ nhau.  Như vậy, chắc chắn sự phục vụ là thực chất của việc lãnh đạo.

Chúa Giêsu thích phục vụ, cả đời Ngài rong ruổi khắp nơi để phục vụ người khác – đặc biệt là những người nghèo khổ.  Điều này được xác định qua mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và tông đồ Phêrô trong trình thuật Ga 13:6-10: “Chúa Giêsu đến chỗ ông Phêrô, ông liền thưa với Ngài: “Thưa Chúa, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”  Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.”  Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”  Nhưng Chúa Giêsu nói ngay: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.”  Sợ không được chung phần, ông Phêrô phấn khởi: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa.”  Chúa Giêsu cười rất hiền: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa, toàn thân người ấy đã sạch.”  Và Ngài “láy” một câu quan trọng: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”

Rửa Chân Là Tha Thứ

Người mau mắn phục vụ thì dễ dàng tha thứ.  Vì cảm nghiệm được ơn tha thứ nên muốn tha thứ, muốn rửa mình và rửa người khác.  Ở đây, động từ “rửa” không chỉ là làm cho sạch mà còn là tha thứ.  Phàm cái gì bẩn thì phải rửa, dù bẩn theo nghĩa đen hay nghĩa bóng.  Thánh vương Đa-vít cũng đã cầu nguyện: “Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:4).

Rửa sạch là việc cần làm ngay, tha thứ cũng là việc cần làm càng sớm càng tốt và càng nhiều càng tốt.  Có lần ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18:21).  Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22).  Không chỉ vậy, chúng ta còn phải yêu thương, tha thứ, cầu nguyện và làm ơn cho cả kẻ thù nữa (Mt 5:44; Lc 6:27).  Khó quá, nhưng không được phép không làm!

Tha thứ mỗi ngày 1 lần cũng khó rồi, nhất là khi “sự xung đột” trầm trọng, huống chi mỗi ngày tha thứ 7 lần.  Giáo hoàng Phêrô nghĩ mình có thể tha thứ 7 lần là “khá” lắm rồi, ai dè…!

Chúng ta thực sự may mắn nên có thể tạ ơn vì luôn tận hưởng hồng ân tha thứ mỗi khi chúng ta cần đến Lòng Thương Xót của Chúa.  Nếu chúng ta không biết tha thứ thì chúng ta là người đầy tớ không biết thương xót đồng loại (x. Mt 18:23-35), nghĩa là chúng ta vừa ích kỷ vừa độc ác nên không thể được Thiên Chúa tha thứ!

Lòng Chúa Thương Xót quá lớn nên ơn tha thứ của Ngài cũng vô cùng, vẫn cầu xin Chúa Cha thương chính những kẻ đã dã tâm giết chết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).

Lạy Chúa, xin rửa chúng con được sạch.  Xin giúp chúng con biết chân thành yêu thương, luôn sống khiêm nhường, vui vẻ phục vụ và mau mắn tha thứ cho nhau như Con Một Ngài.  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con.  Amen.

  Trầm Thiên Thu

CHA PIO NĂM DẤU VÀ PHÉP GIẢI TỘI

 CHA PIO NĂM DẤU VÀ PHÉP GIẢI TỘI

Giải tội cho người thập phương:

Ngài giải tội tùy theo tình trạng mỗi tâm hồn, chỉ cốt sao cho họ thành thực, được ơn tha thứ và cải thiện đời sống, nên nhiều khi ngài có những cư xử khác thường:

CHA PIO NAM DAU

1/ Một người viết báo ở Rôma kể: Trước khi cha Piô ban phép giải tội, ngài nói với tôi cách gắt gỏng là hãy cẩn thận với vài khuyết điểm. Lời ngài nói như xuyên qua linh hồn tôi. Trong một dịp khác, ngài vạch rõ những khuyết điểm ăn sâu trong lòng, và tôi dần dà cải đổi. Lần thứ ba, ngài hỏi: từ bấy lâu nay có xưng tội không? Tôi mỉm cười và trả lời tự tin: Ngày nào con cũng dự lễ và rước lễ mà. Cha Piô nhăn mặt và gay gắt nói:
– Con đến đây để xưng tội chứ không để ca ngợi mình. Thế con có nóng giận với các em gái con không?
– Dạ có.
– Đó là điều con phải xưng. Và đừng làm thế nữa.

2/ Một bà kia xưng tội phạm đức trong sạch. Bà biết rõ khi trở về bà sẽ bị cám dỗ và sa ngã lại. Cha Piô từ chối ban phép giải tội. Lần sau bà đến nữa, ngài cũng không giải tội. Lần thứ 5, khi xếp hàng, bà nghĩ: Tôi thà chết không phạm tội này nữa. Khi bà xưng, cha Piô lắng nghe, và ngài đã ban phép giải tội cho bà. Ngài biết được nội tâm người ta.

3/ Một bà khác xưng rằng:
– Con đọc sách báo xấu.
– Con có xưng tội này rồi phải không?
– Dạ phải.
– Cha giải tội nói gì với con?
– Cha giải tội bảo con không được phạm tội này nữa.
– Không nói một lời, cha Piô đóng sầm cửa sổ, quay sang giải tội cho người bên kia. Người phụ nữ ấy khóc lóc và đi xưng tội với một linh mục khác, sau đó rước lễ từ tay cha Piô. Trước khi ra về bà khóc lóc, nói: “Tôi muốn đốt hết tất cả những sách báo xấu xa trên toàn thế giới”.
Cha Piô thật hài lòng, ngài muốn tội nhân thay đổi khi ra khỏi tòa giải tội.

4/ Ngày kia, có một anh thanh niên đến xin xưng tội với cha Piô. Ngài nhìn anh với đôi mắt nghiêm nghị, ngài la lên “đồ con heo!”. Mọi người quay về phía anh, thật nhục nhã, anh ta vội vả rời phòng giải tội. Một linh mục kinh ngạc, đăm đăm nhìn cha, nói:
– Sao cha dùng những lời lẽ thậm tệ đến thế?
– Cha Piô nhún vai: nếu tôi không la vào mặt hắn, hắn sẽ phải án phạt đời đời. Hắn sống với vợ lẽ, và đây là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa. Sự nhục nhã đó có lợi cho hắn, vài ngày nữa hắn sẽ trở lại. Nếu tôi ban phép giải tội cho hắn bây giờ, hắn sẽ không sám hối và không sửa đổi.
Anh ta đã không thể ngủ nghỉ, ăn uống khi nghĩ tới mối liên hệ bất chính. Anh ta đã trở lại, quì gối xuống ăn năn khóc lóc trước mặt cha Piô. Ngài cúi xuống khoác tay lên người anh, ngài ôn tồn nói:
– Con thấy không, bây giờ Chúa Cứu Thế rất hài lòng về con.

5/ Một hôm, ngài đang nói chuyện với một bà có ông chồng vừa qua đời. Trước đây chồng bà đã bỏ bà và 2 con nhỏ để sống với một phụ nữ khác trong 3 năm. Bất thình lình ông bị bệnh ung thư. Trước khi ông chết, bà vợ này khẩn khoản xin ông lãnh nhận các Bí tích cuối cùng. Ông nhận lời.
Người đàn bà nhỏ nhắn và đơn sơ này đưa tay sửa lại chiếc khăn vuông trên đầu và hỏi cha Piô:
– Thưa cha, linh hồn chồng con bây giờ ở đâu?
– Cha Piô nhìn bà ta với đôi mắt lo ngại. Hình như ngài cảm được nỗi buồn phiền trong tâm hồn của bà, Ngài nói khẽ:
– Linh hồn chồng bà đã bị án phạt đời đời.
Người đàn bà lắc đầu khổ sở, nước mắt tuôn tràn.
Cha Piô nói tiếp cách buồn bã:
– Khi nhận các Bí tích sau cùng, ông ta đã giấu nhiều tội. Ông không ăn ăn hối hận, cũng không quyết tâm chừa cải. Ông vẫn là tội nhân đối với lòng thương xót Chúa, vì ông muốn hưởng hết lợi lộc của cõi đời này, rồi sau đó mới quay về ăn năn, thống hối…, nhưng không còn thì giờ cho ông nữa!.
Trước khi bà ra về, ngài hết sức an ủi bà, nhưng suốt ngày những điều ấy chờn vờn trong tâm trí ngài, vì một người đã bị hư mất.
(Cuộc đời Cha Piô, Người Tín Hữu xb, 2000, trang 188).

DẤU CHỨNG TÌNH YÊU

DẤU CHỨNG TÌNH YÊU

Cô Ann Thomas kể lại câu chuyện sau đây:

Hôm đó, cô và Betty ghé vào một sạp bán đồ cũ. Ann vừa lôi ra một khay đồ linh tinh, Betty bước tới hỏi:

– Cô có đồ gì đáng giá không?

Ann trả lời:

– Không toàn là đồ năm vố thôi.

Đoạn cô bước sang bên cạnh nhường cho Betty vào xem. Betty chăm chú nhìn vào đống lặt vặt, nhặt lên một cây thập giá cũ han gỉ và nói:

Thật khó mà tin được. Tôi đã tìm được đồ quí: cây thánh giá này làm bằng chất bạc xưa.

Cô bạn của Ann đem về nhà lau chùi và đánh bóng cây thập giá. Đây quả là một vật quí.

Về sau, đứa con trai bảy tuổi của Betty tên Bobby cầm cây thập giá lên ngắm nghía hồi lâu. Bỗng nhiên cậu bé oà lên khóc. Betty liền hỏi:

– Con sao vậy?

Bobby nói:

– Con không cầm lòng được khi thấy Chúa Giêsu bị treo trên thập giá.

***

Ba người nhìn vào cây thập giá, có ba thái độ khác nhau: một người dửng dưng cho là đồ ve chai, người khác thích thú vì khám phá ra vật quí, còn người khác nữa lại xúc động rơi lệ vì nhận ra Đức Giêsu chịu đau đớn trên thập giá.

Tin Mừng hôm nay kể, Đức Giêsu bất thần hỏi các môn đệ: “Đám đông nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioian Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”. Nhưng Người lại muốn biết suy nghĩ của chính họ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Và chỉ một mình Phêrô mau mắn, đầy xác tín thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9:18-20).

Phêrô trả lời quá chính xác, các môn đệ khác thở phào nhẹ nhõm vì các ông còn mơ hồ không biết Thầy là ai. Nhưng Đức Giêsu phải xác định ngay rằng Đấng Kitô đây không phải là vị vua chiến thắng muôn nước, bá chủ muôn dân, khôi phục nước Israel, giải phóng nô lệ Rôma như họ vẫn nghĩ. “Đấng Kitô của Thiên Chúa” sẽ là vị vua chiến thắng tử thần, chinh phục các tâm hồn, khôi phục quyền làm con Chúa, và giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, ma quỉ.

Tuy nhiên, con đường đi đến chiến thắng lại là con đường đau khổ, con đường thập giá: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sống lại” (Lc 9,22). Tất cả những ai muốn làm môn đệ Người, không thể đi con đường nào khác: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).

Thập giá tuy là một khí cụ độc ác và ô nhục mà con người đã nghĩ ra để hành hạ kẻ khác, nhưng Đức Giêsu lại biến nó thành dấu chứng của tình yêu: Tình yêu vâng phục thánh ý Cha và tình yêu dâng hiến cho nhân loại. Khi nhìn lên thập giá, chúng ta không ngừng nghe vang vọng lời yêu thương ấy. Chính tình yêu đã biến thập giá trở nên nhẹ nhàng, và khổ đau thành nỗi hân hoan.

Chúa đã chết thay cho chúng ta, mặc dầu chúng ta không xứng đáng ơn cao cả ấy, tại sao chúng ta lại không dám chết cho chính mình, từ bỏ tội lỗi để bước theo chân Người? Chúa đã sẵn lòng chịu mọi đau khổ cực hình thay cho chúng ta, mặc dầu chúng ta ngàn lần bất xứng, tại sao chúng ta lại từ chối hy sinh cho anh em, đang cần sự nâng đỡ ủi an?

***

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phán: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”, xin ban cho chúng con ơn can đảm, để chúng con luôn sẵn lòng bỏ mình cho tình yêu. Xin cho chúng con tìm được niềm vui khi đón nhận mọi gian nan thử thách Chúa gởi đến trên đường đời. Amen!

Thiên Phúc

Anh chị Thụ & Mai gởi

NGƯỜI CHA CỦA ĐỨC GIÊSU

NGƯỜI CHA CỦA ĐỨC GIÊSU

Trần Duy Nhiên

Nếu bạn hỏi mười người xem, ngoài Ðức Mẹ, vị thánh lớn nhất đối với họ là ai, thì có sáu đến bảy người sẽ nói rằng đó là thánh Giuse.

GIUSE

Nhưng nếu đề nghị họ kể bạn nghe những điều thánh Giuse đã làm, thì rất ít người có thể nói một cái gì mới lạ: họ sẽ bảo rằng thánh Giuse là cha nuôi của Chúa Giêsu, hoặc kể vài chuyện truyền kỳ về ngài mà ta không biết đúng sai đến độ nào: ví dụ như câu chuyện chàng thanh niên Giuse được chọn làm hôn phu của cô Maria vì cây gậy của chàng trổ hoa…

Ta hãy trở lại Kinh Thánh để xem các tác giả viết gì về thánh Giuse.

Thánh Mat-thêu giới thiệu như sau: “Bà Maria, thân mẫu của Ðức Giêsu, đính hôn với ông Giuse, nhưng trước khi chung sống thì đã có thai bởi phép Chúa Thánh Thần.  Ông Giuse, vốn là người công chính, không muốn tố cáo bà công khai, nên định bỏ bà kín đáo.  Ông tính làm như vậy thì có sứ thần của Chúa đến báo mộng rằng: “Này Giuse, đừng sợ rước Maria về…” Thức giấc, ông Giuse vâng theo sứ thần Chúa dạy, rước vợ mình về nhà.” (Mt 1, 18-24)

Bạn thuộc đoạn văn trên nằm lòng đến độ tôi rất ngại ngùng khi phải chép lại.  Mọi chuyện đã rõ:  Thánh Giuse có do dự đấy, nhưng thiên sứ đã đến sắp xếp mọi việc và đâu lại vào đấy, đúng với “chương-trình-mầu-nhiệm-của-Thiên-Chúa”

Mọi chuyện có thực sự xảy ra dễ dàng như thế không?

Tôi không chắc đâu.

Hình ảnh thánh Giuse luôn luôn là một cụ già râu tóc uy nghi, một người cha nhân lành và không biết thế nào là đam mê của tuổi trẻ.

Xin bạn nhớ cho: Cô Maria lúc ấy là một thiếu nữ vào độ tuổi 15-17, thế thì chàng hôn phu không thể là một ông già.  Chàng Giuse lúc bấy giờ là một chàng trai đầy sức sống ở lứa tuổi đôi mươi.  Chàng và Maria yêu nhau thắm thiết.  Cặp tình nhân đẹp tuyệt vời, nhất là ở nét đẹp tâm hồn.  Giuse thật hạnh phúc và bình an: Một người như Maria thì không thể có gì bất trắc xảy ra khiến cho cuộc sống gia đình tương lai họ bị đe dọa.

Thế mà đùng một cái: Người hôn thê thánh thiện của chàng lại mang thai!  Giuse có giàu óc tưởng tượng đến đâu cũng không thể hình dung nổi một tiếng sét giữa trưa hè chói chang như thế!

Thế nhưng, sự việc đã hiển nhiên như vậy đó.  Dù vậy, tự thâm sâu, tình yêu của Giuse vẫn trỗi vượt.  Ông không hề quay lại bản thân để cảm thấy mình bị lừa dối, bị xúc phạm, mà chỉ hướng về người yêu để tiếp tục tin rằng người hôn thê mình trong sạch vẹn tuyền.  Ông không hề tra hỏi dằn xé Maria một lời.  Ông im lặng ôm lấy nỗi đau và âm thầm trả Maria về với bí mật của cô.

Bạn sẽ bảo rằng tình yêu này đã được tưởng thưởng, bởi vì sau đó, sứ thần đã đến trình bày mọi sự.  Bạn có đi quá xa thực tế chăng?

Kinh Thánh ghi rõ: “Sứ thần đến báo mộng…”  Bạn thử sống lại hoàn cảnh của Giuse lúc ấy xem.  Bạn có một người hôn thê, bỗng nàng có mang, bạn nằm mộng thấy thiên thần bảo rằng hôn thê mình chưa bao giờ liên hệ với một thanh niên nào và bào thai trong lòng là do phép lạ Thiên Chúa.  Khi thức giấc, bạn có tin không?  Tôi thì dứt khoát không.

Thế mà Giuse đã làm gì nào?  “Thức giấc, Giuse vâng theo sứ thần, rước vợ mình về nhà.”  Ðơn giản chỉ có thế.  Ðơn giản đến độ vô lý.

Vâng, thế đấy.  Giuse vâng phục thánh ý Chúa một cách chóng vánh, quyết liệt và dứt khoát đến độ vô lý.  Ông chỉ cần một dấu hiệu cỏn con là đọc được thánh ý Chúa và thực thi ngay lập tức:  Đó là lý do mà ông được gọi là “người công chính.”

Còn bạn và tôi thì sao?

Chúng ta có tự coi mình là công chính chăng?  Chúng ta có sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa qua một dấu hiệu thật nhỏ và tuân theo mà không bàn cãi chăng?  Hay chúng ta chờ đợi những phép lạ nhãn tiền và sau đó, lý luận, mặc cả trước khi hành động?

Người công chính” Giuse suốt đời là một người luôn thức tỉnh trước thánh ý Chúa, thức tỉnh ngay cả trong giấc ngủ.  Bằng chứng?  Bằng chứng là mỗi lần Chúa tỏ ý, là mỗi lần ông nằm mộng.

Ngoài lần nằm mộng ở Nazaret, thì ít nhất còn ba lần khác:

– Ở Bêlem: Sứ thần đến với ông Giuse báo mộng rằng: Hãy chỗi dậy, đem Hài nhi trốn sang Ai-cập… (Mt 2, 3)

– Ở Ai-cập: Sứ thần hiện ra báo mộng cho ông Giuse ở bên Ai-cập, bảo rằng: Hãy chỗi dậy, đem Hài nhi về Israel… (Mt 2, 19)

– Ở Giuđê: Khi biết Akêlao thay Hêrôđê thì ông sợ, thế là theo như lời Thiên Chúa báo mộng, ông lánh sang vùng Galilê (Mt 2, 23)

Sở dĩ Giuse xác tín rằng các giấc mộng của mình đúng là thánh ý Chúa, ấy là vì cứ mỗi lần nằm mộng, là mỗi lần ông phải quyết định ngược lại với mọi toan tính của mình.

Khi ông dự định âm thầm rời bỏ Maria thì Thiên Chúa bảo ông ở lại với hôn thê mình.

Ngược lại, khi ba vị đạo sĩ đến xác nhận vương quyền của Hài nhi và hẳn là người cha nuôi nghĩ rằng mình sẽ có thể thoải mái ở lại Bêlem cho đến khi con mạnh mẹ khỏe, thì chính lúc đó Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay, giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc; không phải về quê nhà, mà sang Ai-cập để sống kiếp lưu đày.  Ông nghĩ gì khi trước mặt là đường dài vạn dặm, mà vợ yếu con sơ?  Ông nghĩ gì khi ngày mai, ở xứ lạ quê người, tương lai ông cũng tối đen như trời khuya hôm ấy?

Thánh Kinh nói rất gọn: “Giuse chỗi dậy, đem Hài nhi và Mẹ trốn sang Ai-cập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2, 13).  Lại thật đơn giản.  Ðơn giản đến độ vô lý.

Sau những ngày đầu khó khăn ở Ai-cập, giờ đây, Giuse hẳn đã sắp xếp ổn định cuộc sống gia đình.  Thế nhưng, một lần nữa, Chúa lại bảo ông phải bỏ tất cả mà ra đi.  Ông nghĩ gì khi nhìn lại cơ ngơi mà ông đã xây dựng từ hai bàn tay trắng?  Ông nghĩ gì khi nhìn về cái quê hương đã muốn giết hại con mình, rồi giờ này ông lại phải trở về mà không biết sẽ cư ngụ nơi đâu?  Nhưng Giuse vẫn là Giuse. “Giuse chỗi dậy đem Hài nhi và Mẹ về đất Israel” (Mt 2, 21).  Cũng lại đơn giản đến độ vô lý.

Tất cả những truân chuyên mà Giuse gánh chịu, rốt cuộc để làm gì?  Phải chăng vì lợi ích bản thân?  Tuyệt nhiên là không.  Tất cả là để bảo vệ Hài nhi, mà có lần trong mộng, ai đó đã bảo rằng Hài nhi ấy sẽ là vị cứu tinh dân tộc.  Giuse không bao giờ đặt lại vấn đề.  Không bao giờ ông cho rằng con trẻ gây cho ông quá nhiều rắc rối.  Ông chỉ một mực canh giữ con trẻ, người con do Thánh Thần, trong mọi toan tính hằng ngày.

Bạn và tôi có sẵn sàng trả giá để cho Chúa Giêsu luôn mãi sống trong mình chăng?  Hay nhiều khi quá mệt mỏi, ta chỉ muốn yên thân lo toan chuyện của mình và bỏ mặc dung mạo Chúa Giêsu ra thế nào thì ra?

Giuse đã trả mọi giá để giữ gìn Giêsu, nhưng đôi khi sức người cũng có hạn.  Trong chuyến đi Giêrusalem, năm con trẻ 12 tuổi, ông đã để Giêsu vuột khỏi tầm tay.  Ba ngày ròng, ông kiếm tìm.  Ba ngày ròng, ông bà “đau khổ tìm con”.  Và khi tìm thấy thì ông được gì?  Một gáo nước lạnh tạt vào mặt: “Sao lại phải tìm con? Cha mẹ không biết là con phải ở trong nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49).

Cậu bé ấy khi ra đời, chỉ là một hài nhi nằm gọn trong máng cỏ.  Mười hai năm trời chịu kham chịu khổ để cho cậu khôn lớn thế này.  Mười hai năm trời yêu thương để thêm da thêm thịt cho cậu thành một thiếu niên nặng cân như thế.  Mà tình thương thì có nặng gì cho cam, phải tốn bao nhiêu tình thương, cậu mới được như ngày hôm nay…!  Thế mà gặp một câu trả lời…!  Ông không hiểu gì cả, nhưng ông vẫn đón nhận lặng thinh.

Và đấy cũng là chiều kích bất ngờ của thánh Giuse.  Trong suốt bốn cuốn Tin Mừng, không thấy ghi lại một câu nói nào của thánh Giuse.  Ðức Maria được xem là mẫu mực của sự thinh lặng nguyện cầu, Người luôn ghi nhận và suy niệm trong lòng, thế nhưng cũng có 6 lần, Người lên tiếng.  (2 lần ngày truyền tin, 1 lần trước Ysave, 1 lần khi tìm lại trẻ Giêsu, 2 lần trong tiệc cưới Cana).  Còn thánh Giuse thì tuyệt đối không hề nói một lời.  Ngay cả lần tìm lại con ở đền thờ, thì cũng chính người mẹ lên tiếng: “Sao con lại làm như thế, cha con và mẹ đã đau khổ tìm con” (Lc 2, 48)

Trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ, phụ nữ là hạng người không đáng kể.  Phúc âm thánh Mat-thêu ghi lại hai lần Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, lần đầu để nuôi 5000 người, không kể đàn bà và trẻ con, lần thứ hai 4000 người, không kể đàn bà và trẻ con (x. Mt 14, 21; 15, 38).  Giuse biết mình là chủ gia đình, nhưng người lên tiếng, vẫn là Maria.

Giuse sống cuộc sống càng ngày càng mờ để cho Ðức Giêsu càng ngày càng sáng.  Ông sống mờ nhạt đến độ những người trong thị trấn Nazaret không buồn nhớ đến tên ông, mà chỉ gọi là “ông thợ mộc.”

Theo thánh Mat-thêu và Mac-cô, khi Ðức Giêsu trở về Nazaret sau những ngày rao giảng, người đồng hương bàn tán: “Ông ấy không phải là con ông thợ mộc và bà Maria sao?” (Mt 13, 55; Mc 6, 3).  Sau này, khi viết lại Phúc âm, thánh Luca hẳn đã thấy cái chua chát đó nên đã sửa lại: “Ông ấy không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4, 23).

Dù sao đi nữa, sự âm thầm của Giuse quả là một đặc trưng của thánh nhân.  Âm thầm đến độ mà khi Ðức Giêsu bắt đầu lên tiếng trong đời sống công khai, thì Giuse không còn được nhắc đến mảy may; thậm chí thánh nhân chết lúc nào, thế nào, ở đâu thì cũng chẳng ai nói đến.  Trong cuộc đời công khai của Chúa thì thánh Giuse, người cha của Ðức Giêsu, có vẻ như bị xem nhẹ hơn cả bà gia của Phêrô hay đứa con gái của Zairô.

Nhưng chính điều đó đã biến thánh Giuse thành một vị đại thánh, bởi vì ngài đã đem cuộc đời mình biến thành một Lời Chúa sống động.

Gioan Tẩy giả đã khiêm tốn rao giảng: “Chúa phải lớn lên và tôi phải nhỏ lại.”  Thánh Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời.

Tiếng “xin vâng” của Ðức Mẹ ở Nazaret và tiếng “xin vâng” của Chúa Giêsu ở Getsêmani đã được hòa âm trong trọn cuộc đời thánh Giuse.

Và Thánh Giuse sẽ mãi mãi là tấm gương cho bạn và tôi.

Tấm gương của một con người luôn luôn thao thức lắng nghe tiếng Chúa, và khi nghe được thì đáp lại không chần chừ, dù cho phải trả giá.

Tấm gương của một con người luôn luôn làm đủ mọi cách để gìn giữ Chúa với mình, và nếu chẳng may lạc nhau thì đi tìm Chúa không ngơi nghỉ cho đến khi gặp lại.

Tấm gương của một người “công chính,” chỉ làm có mỗi một điều là trình bày Chúa Giêsu cho mọi người, rồi âm thầm xóa mình đi khi Chúa bắt đầu lên tiếng với các linh hồn.

Trần Duy Nhiên

CÔ ĐƠN VÀ THẤT VỌNG

CÔ ĐƠN VÀ THẤT VỌNG

R. Veritas

Một người đàn ông sau những ngày đắm chìm trong sự cô đơn và thất vọng đã quyết định thắt cổ tự tử. Sau khi đã thắt dây thòng lọng quanh cổ và cột dây vô một cành cây. Ông nhảy vội từ cành cây xuống và nói:

– Tạm biệt thế giới tàn ác, buồn thảm và xấu xa này.

Tuy nhiên sợi dây bị đứt và ông té xuống đất mà vẫn sống như thường. Bực quá, ông về nhà lấy khẩu súng lục và bắn xuyên qua trán, nhưng cò súng gẫy và súng cũng chẳng nổ được. Người đàn ông vẫn khăng khăng không chịu thôi. Ông chạy xuống bếp và lấy con dao chặt cánh tay mình, nhưng ông rất ngạc nhiên vì dao cùn quá nên da ông cũng không đứt. Quá giận dữ, ông quyết định đi mua thuốc độc. Ông chạy ào ra đường và dừng lại một lúc bên vệ đường. Tên qủy từ đầu đến giờ vẫn theo đuổi người đàn ông sung sướng lắm và thì thầm thúc giục ông:

– Sao lâu thế? Lẹ lên! Hãy mua thuốc độc và uống đi! Ta sắp sửa lấy được mạng của ngươi rồi.

Người đàn ông lập tức trả lời tên quỷ:

– Sao mày ngu thế? Mày đui à? Hàng loạt xe nối tiếp nhau đang chạy như bay, tao băng qua bây giờ thì chết làm sao?

***

Sống trên cõi đời, thế nào cũng có lúc ta cảm thấy cô đơn. Sự cô đơn rất dễ làm cho chúng ta buông thả và có thái độ tiêu cực. Thường thì sự cô đơn sẽ dẫn đến một tâm trạng buồn tủi. Hơn nữa, nếu ta cứ để mặc cho nỗi buồn cuốn ta đi thì sức mạnh của nó sẽ tăng lên cấp số nhân và tàn phá tâm hồn ta đến tan nát, nó rút hết nhuệ khí của ta và làm cho ta trở nên kiệt quệ.

Cô đơn trong nỗi đau sẽ dẫn ta đến sự cô độc. Chính nỗi buồn và sự cô đơn đã đưa người đàn ông trong câu chuyện trên đây đi đến quyết định đầy tiêu cực là tìm đến cái chết bằng bất cứ giá nào. Chỉ có cách duy nhất giúp ta thoát khỏi những nỗi cô đơn và những hệ quả tiêu cực là chúng ta hãy dừng lại để suy nghĩ về những giá trị của con người và của cuộc sống.

Như chúng ta quan sát thấy trong câu chuyện vui trên, chỉ một chút dừng lại bên vệ đường cũng đủ làm cho người đàn ông trên nhận ra rằng dù sao cuộc sống vẫn còn đáng sống, cuộc sống tự nó vẫn có giá trị. Hơn nữa, là người Kitô, chúng ta còn có mẫu gương của Chúa để chiến thắng và thách thức sự cô đơn. Người biết đi vào trong thinh lặng để trở về với Thiên Chúa Cha, để lắng nghe, để xác nhận sứ mạng được Chúa Cha trao phó là chu toàn thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Người vào trần gian:

“Lạy Cha, xn hãy cất lấy chén này khỏi con, nhưng xin đừng theo ý riêng con mà vâng theo ý Cha mà thôi”.

Chúa Giêsu luôn hướng về Cha, vì Người biết rằng trong mọi hoàn cảnh, mọi thăng trầm và mọi đảo điên của cuộc sống chỉ có ý của Thiên Chúa Cha mới giải thoát Người. Nhất cử nhất động của Chúa Giêsu đều nhằm thực hiện thánh ý Chúa Cha. Vậy, bằng hết khả năng của mình, chúng ta hãy sống cho trọn vẹn những giá trị cao đẹp của con người với ý thức rõ ràng về sứ mạng lãnh nhận từ Chúa, với quyết tâm thực hiện thánh ý Chúa trong mọi sự.

Chắc hẳn có những lúc chúng ta cảm thấy cô đơn, cảm thấy đơn thương độc mã, cảm thấy bất lực, mỏng dòn, khi đó ta cần biết mình phải nương tựa vào Chúa, Đấng đã sống đến tột cùng của sự cô đơn và những yếu đuối, nhưng đã toàn thắng và luôn sẵn sàng nâng đỡ ủi an chúng ta.

***

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống và chia sẻ với chúng con trong nỗi cô đơn tột cùng của con người, trong bản tính nhân loại. Xin ban ơn trợ lực để chúng con luôn biết hướng lên Ngài, tìm ra con đường Ngài muốn chúng con đi, vì chúng con biết rằng chỉ có Chúa là Đấng giải thoát chúng con khỏi những thăng trầm của cuộc sống, nhờ đó, chúng con sẽ vững vàng bước đi trong hành trình đức tin.

R. Veritas

Xin cho con có được những gì con muốn, để những gì con có đều là của Chúa

CO DON

 

NGẪM NGHĨ VỀ MỘT MÙA CHAY NỮA

NGẪM NGHĨ VỀ MỘT MÙA CHAY NỮA

Thiên Ân

Khi nói đến Mùa Chay, người ta thường hay đề cập đến những từ như ăn chay, giữ chay, hoán cải, trở về, cầu nguyện, sám hối, bố thí, chia sẻ bác ái cho người nghèo kèm theo.  Nhưng tất cả những điều đó chỉ là những phương thế để dẫn đến một mục đích tối hậu là “đói khát Thiên Chúa.”

Là người giáo dân, khi nghe cụm từ “đói khát Thiên Chúa,” tôi thấy thật lạ tai!  Tôi thầm nghĩ chỉ có các tu sĩ, linh mục và những ai muốn làm… thánh sống, mới có khát khao ấy, chứ còn mình – với tâm hồn lạnh tanh, làm sao có tâm trạng đó được!

MUA CHAY

Tuy nhiên, sau một thời gian ngẫm nghĩ cặn kẽ, với nhiều Mùa Chay tiếp nối, nhờ ơn Chúa, tôi chợt khám phá ra, khao khát Thiên Chúa phải trở nên mẫu số chung và là lẽ sống của mọi Kitô hữu.  Câu chuyện sau đây đã giúp tôi tỉnh ngộ:

Thuở xưa, vua Salomon nổi tiếng thông minh, đã đưa ra một câu đố cho quan cận thần: Tìm đâu ra một chiếc vòng mà khi nhìn nó, người hạnh phúc hóa ra u buồn; người đau khổ nhìn nó thì lại thấy niềm vui?

Nghe vua nói thế, quan sa sầm nét mặt, vì biết đó là một bài toán khó có lời giải đáp vẹn toàn.  Quan lên đường chu du khắp năm châu bốn bể mong tìm ra chiếc vòng kỳ diệu.  Lang thang từ các làng mạc đến chốn thị thành nhiều tháng ngày, cực nhọc trăm bề, mà vẫn vô vọng, chưa tìm ra lời giải đáp nào cho nhà vua, khi kì hạn đã gần hết.

Bỗng một hôm, khi đến một làng, ông gặp một ông lão ngồi bán đồ linh tinh ở ven làng.  Ông lão ngồi bán nhưng như không bán, ông cứ đưa mắt nhìn xa xôi, rồi nhắm mắt trầm tư trong tư thế thiền!

Quan ghé vào tai ông lão hỏi nhỏ:

– Ông ơi!  Ông có bán chiếc vòng nào, khi nhìn nó, người vui hóa buồn; người buồn hóa vui không ông?

Lão ông không nói gì, lẳng lặng mở chiếc túi vải đeo bên mình ra và lấy một chiếc vòng bên trên có hàng chữ: “điều đó rồi cũng qua đi,” rồi trao cho ông quan.

Thì ra là như vậy, tất cả mọi sự ở trên đời này rồi cũng trôi qua.  Dẫu là sướng vui hay vất vả, đau khổ, tất cả rồi cũng sẽ tan bay.  Chỉ có Thiên Chúa mới chính là suối nguồn hạnh phúc chân chính và vĩnh cửu.

Bằng cách này hay cách khác, hành động của mọi người đều nhằm mưu cầu hạnh phúc đời này và cả đời sau, như niềm tin đa số tín hữu.  Mùa Chay cho ta cơ hội để tái định hướng hạnh phúc mà mình đang tìm kiếm.  Đây là mùa sống chậm, để sống đậm chiều kích tâm linh, nâng cao chất lượng nội tâm.  Mùa Chay cũng là thời gian phục hồi, bồi dưỡng tâm hồn.  Là lúc “thuận tiện,” là “giờ cứu độ” để ta chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Chúa Phục Sinh và kết hiệp với Chúa Kitô Phục sinh.

Hành trình hoán cải và canh tân trong Mùa Chay gồm các bước sau:

–       Ý thức tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa

–       Hối hận tội mình đã phạm: ray rứt, đau buồn (nhưng không mặc cảm tội lỗi)

–       Gặp gỡ Thiên Chúa trong nội tâm

–       Quyết tâm thú nhận tội – đón nhận Bí tích Hòa giải

–       Thực sự sửa đổi đời sống (thường ta hay quên bước này)

Thế nên, tâm trạng đói khát Thiên Chúa không thể chỉ là tâm trạng của riêng giới nào, mà phải là tâm trạng của con cái Chúa, thái độ của những ai muốn đi theo làm môn đệ của Đức Giêsu Kitô.

Lạy Chúa,
Bước vào Mùa Chay thánh này, con mang theo gì?
Nếu không phải là những hành lý nặng nề của con,
Với tâm tư nặng trĩu những lo toan, gánh bổn phận hàng ngày
Cơn mê bã lợi thú, danh vọng phù hoa đang bủa vây
Chúa ơi!  Chúng giăng bẫy rình rập con tứ phía
và kiềm hãm con tiến bước đến bên lòng Chúa khoan nhân.

Con vẫn biết: chúng chỉ là phù vân và sẽ qua đi
Nhưng thú-lợi-danh mạnh mẽ lôi kéo con từng giờ
Và vẻ bề ngoài của chúng thật hấp dẫn, êm ái!
Trong quá khứ, con đã không đủ sức để vượt thắng chúng.
Con đã sa lưới kẻ thù, vấp ngã thê thảm, té đau từ trên cao.

Chúa ơi!  Chẳng lẽ Mùa Chay này cũng sẽ trôi qua vô vị
và con lại tiếp tục ra đi với hai bàn tay lấm lem?

Tâm hồn con đang tan nát, rã rời,
như kẻ dở sống, dở chết,
khi kẻ nội thù như sư tử đang rình rập, chờ dịp cấu xé con.

Giờ đây, con chỉ có thể trông mong Chúa xót thương
Và cậy dựa vào quyền năng của Chúa.
Con không dựa dẫm vào người đời,
vì họ không thể giúp con tránh xa tội.

Chúa ơi!  Xin cứu giúp con người đầy yếu đuối của con.
Xin ban ơn hoán cải, để con cương quyết dứt bỏ tội lỗi,
Can đảm khước từ bóng tối
Và vui sống như con cái của sự sáng
Xin đừng để cho bất cứ điều gì chiếm hữu lòng con,
ngoại trừ một mình Chúa.
Hãy cho con không ngừng đói khát Chúa,
Hạnh phúc đích thực và trường tồn của đời con!

Thiên Ân

Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá năm C 20/3/2016

Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá năm C 20/3/2016

Tin Mừng (Lc 19: 28-40)

 Nói những lời ấy xong, Đức Giêsu đi đầu, tiến lên Giêrusalem. Khi đến gần làng Bếtphaghê và làng Bêtania, bên triền núi gọi là núi Ôliu, Người sai hai môn đệ và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó đi. Nếu có ai hỏi: “Tại sao các anh cởi lừa người ta ra”, thì cứ nói: “Chúa có việc cần dùng! Hai người được sai liền ra đi và thấy y như Người đã nói. Các ông đang cởi dây lừa, thì những người chủ nói với các ông: “Tại sao các anh lại cởi lừa người ta ra?” Hai ông đáp: “Chúa có việc cần dùng.”

Các ông dắt lừa về cho Đức Giêsu, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Người cỡi lên. Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ôliu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!

Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pharisêu nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!” Người đáp: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!”

“Dáng em thu nhỏ trong lời nguyện,”

                            “Phơ phất hồn thiêng, cánh bướm ma.”

                                                (Dân từ thơ Đinh Hùng)

Mai Tá lược dịch.

Thu nhỏ trong lời nguyện hoặc phơ phất hồn thiêng, vẫn là và sẽ là lối sống của nhiều người.

Sống phù hợp Đạo Chúa, người Công giáo vẫn hay hát cả khi vui, lẫn lúc buồn. “Hát là cầu nguyện, những hai lần”. Người nhà Đạo hát rất chăm. Suy tư rất nhiều. Có những bài ca làm tỉnh giấc, như bài “How Great Thou Art”, nghe chưa được chuẩn cho lắm, chí ít là tiểu khúc, câu 3. Như tác giả dẫn ý: Hân hoan tình Chúa rất bao la, chẳng ngại hồn đau vẫn cứ là Con Một Hiền lành theo cõi chết ôm trọn tội người, trọn ý Cha.

Vâng, tiểu khúc trên, dù mang cả một truyền thống ý nghĩa, vẫn coi cái chết của Đức Kitô, như hành động chuộc tội, do Cha muốn. Nhận định như vậy, tức bảo là: khổ đau và sự chết của Đức Giêsu là giá chuộc mạng mà Ngài đã trả cho bọn xấu để ta chia sẻ sự sống với Cha, như chọn lựa cái chết của Đức Giêsu phải được coi như hành động duy nhất làm Cha nguôi giận về tội người. Chính vì thế, mà Cha vẫn tiếp tục thương yêu loài người như khi trước.

Nghe nhạc ướt át như thế, đôi lúc làm ta sợ, vì thế nên kiểm xem lời ca ý nhạc có chuẩn hợp với thần-học không. Một đằng, thần học khẳng định rằng: tình thương yêu đặc biệt Chúa ban, rất cao sang vời vợi. Tình yêu Ngài, ngang qua mọi thăng trầm của cuộc sống, khi vui lúc buồn.

Đằng khác, khi hát, ta kể nhiều về nỗi khó khăn, buồn phiền mà Đức Giêsu gánh chịu. Xem thế, há chẳng phải ta chủ trương: Đấng Tạo Hoá đầy lòng bao dung, vẫn đẩy Người Con Thân Yêu vào nỗi chết, có tủi nhục? Há ta coi đây như phương cách duy nhất khiến Ngài hài lòng, sao?

Áp dụng vào xử án, đôi lúc cũng nên hỏi: quan án có để cho đương can vô tội chết lặng trong lỗi phạm? Và như thế, Đức Chúa, vị Quan Án Tối Cao, có quyền bính gì trên sự dữ/ác thần, chăng? Đây là cách duy nhất để Ngài kiểm nghiệm sự hy sinh cao cả của Con Yêu Dấu của Ngài, sao?

Các vấn nạn ấy, gây ảnh hưởng lên đời sống đức tin của người đi Đạo. Đôi lúc, điều này làm ta xa vời niềm tin đích thực, lâu nay thường được nhắc nhớ, rằng: Chúa trên cao vẫn thương mọi người, dù cho con người có lầm lỡ, lỗi phạm nhiều điều.

Ngày nay, ta nghe nhiều về các nạn nhân, không còn chọn lựa nào khác, đã rơi vào bẫy cạm của lỗi phạm. Thật ra, trong nhiều trường hợp, việc ấy không do họ. Mà, do người khác đối xử không theo lẽ Đạo. Người khác, là những người có tự do trong đối xử rất “khác người”. Rất lạ kỳ, buồn bã.

Người khác đây, vẫn là người biết nhiều, hiểu nhiều. Nhưng, đứng ở góc cạnh nào đó, ta sẽ cùng với “người khác” ấy, biểu đồng tình cho rằng: Đức Kitô là nạn nhân của thánh ý Cha. Khi Ngài chấp nhận khổ đau, và nỗi chết. Hiểu như thế, tức cho rằng: Cha vẫn muốn có hy sinh, vẫn muốn chuộc mạng, để đổi chác lấy tội con người, hòng tha thứ?

Hiểu như thế, sẽ kéo theo ngộ nhận rằng: mình là nạn nhân của Chúa, không chừng. Nếu Cha muốn Đức Kitô phải khổ và chết, thì phía ta, sao lại buồn khi lĩnh nhận thánh giá tưởng-chừng-như-là-quá-nặng?

Suy tư theo chiều hướng này, sẽ thêm nghi ngờ, là bài Thương khó thánh Mác-cô ghi lại, có thể đã nhấn mạnh tính miễn cưỡng của Chúa khi Ngài chấp nhận khổ ải. Quả là, thánh sử có nhắc việc Ngài ngồi cùng bàn với phường giá áo, túi cơm. Làm bạn với bọn phản phé. Làm thầy những người chối bỏ sự thật, bỏ của chạy lấy người… Nhưng không thể hiểu như thế.

Không thể theo khuynh hướng này. Bằng không, sẽ có người ngờ: thánh Mar-cô ám chỉ Chúa hoảng sợ trước cái chết ô nhục, gần kề. Và, trong chiều hướng ấy, sẽ nghĩ là: khi Ngài cất tiếng “Lạy Cha”, tức là Ngài kêu lên lời ai oán để cứu mình khỏi cơn buồn phiền, sao?

Cuối cùng, hiểu theo chiều hướng này, sẽ có người nghĩ rằng: Đức Kitô nhận “làm theo ý Cha”, nhưng phút cuối, vẫn thấy như mình bị bỏ rơi trên thập giá? Không. Đó không phải là thần học.

Suy cho kỹ, hiểu theo các chiều hướng này, chắc chắn có sai sót. Đọc kỹ, đoạn Chúa chấp nhận thánh ý Cha tại Vườn Âu Sầu, thay vì hiểu theo hướng xấu, đổ riệt mọi lỗi cho Cha, có lẽ nên coi đây như một khẳng định. Khẳng định rằng: Đức Kitô một lòng chung thuỷ với đường lối Ngài tuân theo, trong hành xử với Cha.

Với con người. Ngài vẫn một mực tuân phục Cha. Tuân phục đến chết. Vẫn thương yêu con người, và yêu thương đến hơi thở cuối cùng.

Có thế, Đức Kitô mới trấn át giới chức đạo-đời, thời bấy giờ. Ngài qui chiếu khẳng định nòng cốt này, đến nỗi họ thấy không làm gì được, ngoài chuyện ra tay ám hại Ngài. Xem thế, qua việc chấp nhận cái chết trong tuân phục, Ngài hy sinh đến phút cuối. Ngõ hầu chứng tỏ cho mọi người thấy:Ngài thương yêu loài người đến cùng.

Điều này cho thấy: Chúa đã sống thực. Sống tư cách rất “người”. Vì trung thực với cuộc sống thủy chung, Ngài bị quyền lực đen tối sự dữ/ác dẫn đến nỗi chết về thể xác, chết rất nhục.

Hôm nay, có kinh qua thống khổ của thập giá; và chết cho chính mình, ta mới nhận ra được cái giá phải trả, khi giáp mặt thực trạng của người phạm lỗi, trái luật. Và có như thế, mới sống đúng yêu cầu của Vương Quốc Nước Trời. Vương Quốc bình an và công chính.

Tuần thánh năm nay, ta cử hành tuyên xưng mầu nhiệm sống xứng hợp Đạo. Bằng vào cử hành tưởng niệm sự sống, nỗi chết và sự sống lại của Chúa, ta cầu mong được chuyển thể từ tâm trạng sai lầm -nghĩ mình là nạn nhân do Chúa muốn ta hy sinh, đau khổ- để tiến tới trở thành kẻ có ý thức chọn lựa. Chọn, lối sống mẫu mực yêu thương của Chúa, Đấng suốt đời trung thành, thuỷ chung. Trung thành trong thuần phục. Thuỷ chung trong thương mến.

Cầu và mong, cho ta biết trân quý sự sống vì có trân quý ta mới thực sự từ bỏ thái độ tiêu cực của những người luôn nghi kỵ, chống đối. Chống Vương Quốc Nước trời, ở trần gian. Cầu và mong, ta dõi bước chân mềm của Chúa.

Biết rập khuôn bắt chước lối sống thuỷ chung, trong hành xử giữa Cha và Con. Dù, sự việc có xảy đến thế nào, và đường đời có gian nan đi nữa có Đức Kitô là mẫu mực cho sự thủy chung/tuân phục, thì dù gặp muôn vàn khổ ải đến cùng cực, ta vẫn cứ đầu cao mắt sáng, hiên ngang lên mà chúc tụng.

Chúc tụng Ngài, cả vào lúc cộng đoàn kẻ tin đang sầu buồn, than khóc ngày Chúa chịu khổ nạn. Bởi, với người dõi bước theo Chúa, sẽ chẳng có gì là tang tóc, đáng để ta than khóc cả. Mà, tất cả vẫn là yêu thương và đồng cảm.

Đạo Chúa là Đường dẫn ta đi vào đời, lắm gian nan nhưng không là tang chế, với ta.

Lm Richard Leonard, sj biên soạn – 

Mai Tá lược dịch.

Chuyện Phiếm đọc trong tuần thánh năm C 20/03/2016

Chuyện Phiếm đọc trong tuần thánh năm C 20/03/2016

“Hầy hô! Hây hồ! Ta đi vô vườn dừa,”

“Hầy hô! Hây hồ!

Nhịp nhàng khoan thai bước khẽ

Đi trong mưa nhè nhẹ.

Hầy hô! Hây hồ! Hây hố!”

(Phạm Duy – Ngày mùa êm ru)

(1 Thessalônikê 5: 12-19)

 Trần Ngọc Mười Hai

 

Ít khi nào, bần đạo bầy tôi đây lại trích-dẫn hoặc trích-dịch những bài ca nghe rất “êm ru ngày mùa” như bài ở trên do nghệ-sĩ họ Phạm, sáng tác. Bài ca này, cứ hát đi hát lại mãi câu “Hầy hô!” với lại “Hây hồ!” suốt, chỉ mỗi nghe qua đã thấy oải.

Ấy là thế đấy! Có nghe đi/nghe lại cũng chỉ bấy nhiêu câu, rất ngày mùa như sau:

“Hầy hô! Hây hồ! Hấy hô!

Gà chuồng le te gáy rõ

Ta nghe ta đợi chờ…

 Hầy hô! Hây hồ! Hấy hô!

Ngoảnh nhìn quanh ta vẫn nhớ,

Ôi êm ru ngày mùa…

 Hầy hô! Hây hồ! Hây hô hấy hô ngày mùa!

(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Ngày mùa có “êm ru” đến độ ca đi/hát mãi có mỗi câu như thế cũng chẳng thấy gì là êm và ru hết!

Thế nhưng, đời người có nhiều thứ cũng “êm-ru-bà-rù” nhưng lại ngán như cơm nếp nát, chẳng ai muốn ăn. Thật thế ư? Vâng. Không tin, xin quí chư huynh/chư đệ hay tỷ/muội ở ngoài đời hãy giúp giùm tìm hiểu thực/hư thế nào, rồi sẽ rõ.

Hôm nay, bầy tôi đây, chỉ muốn bàn chuyện nhà Đạo rất Công-giáo, thôi. Bàn chuyện đạo của người Công-giáo nhiều lúc suy đi/nghĩ lại, thấy cũng nản. Nản, nhưng vẫn xin bạn và tôi, ta cứ hạ hồi tính chuyện thích thú, còn bây giờ: hãy bàn chuyện gì có dính đến Đức Giáo Tông/Giáo-chủ, để xem sao. Hy-vọng sẽ êm ru không “bà rù” chút nào hết.

Chuyện Đức Giáo Tông với truyền-thông, có nhiều điều xem ra cứ bàn đi bàn lại, mãi không chán. Đúng thế, bạn ạ. Hết bàn rồi tán, lại còn tản-mạn những tin tức …mình về Đức Giáo Tông nhà Đạo mình, tưởng cũng được vài ba trang giấy, những viết và lách cho trọn một đời.

Chuyện Đức Giáo Tông, có gì mà ghê gớm thế?

Thôi thì, bạn và tôi, ta cứ từ từ tìm cách moi đầu/moi óc ra mà bàn suốt, rất như sau. Nhưng, trước hết và trên hết, là chuyện liên-quan đến hai ba vị Giáo chủ, đấy các cụ ạ.

Trước hết và trên hết, lại là chuyện mới xem ra, qua phỏng-vấn Đức Phanxicô ở đâu đó, trên máy bay hoặc với báo/đài của nước Ý xem ra cũng rất Đại-lợi, bởi bên cạnh đó lại có những chuyện bên lề, rất đáng bàn như sau:

“Trang mạng “ Vatican Insider” của Ý cho biết: trong vòng 24 tiếng đồng-hồ sau khi công-bố phỏng-vấn, đã có hơn trăm bài báo và bình luận được đăng trên truyền-hình Trung Quốc. Trong bài xã-luận, Giám-đốc báo “Global Times”, nhật-báo tiếng Anh được xem như báo bán chính-thức của đảng Cộng-sản, cho rằng “thiện-chí của Đức Giáo hoàng góp phần làm dịu các quan-hệ giữa Trung-Quốc và Vatican.”

 Báo Nhân-Dân khen ngợi sự khuyến-khích đối-thoại và kiến-tạo hoà-bình của Đức Phanxicô. Báo này có nhắc lại việc góp phần của Toà thánh trong quan-hệ ngoại-giao giữa Cuba và Hoa Kỳ. Báo này còn khẳng-định việc “xích lại gần nhau” giữa Trung Quốc và Vatican là điều mà nhiều người dân Trung quốc mong muốn”, nhưng cũng chận lại các người “chống-đối sợ rằng Vatican hy-sinh quyền-lực của họ.”

 Một số người Công-giáo Trung quốc lo sợ kết-quả của việc “xích lại gần nhau” về ngoại-giao của Toàn thánh Vatican và Bắc Kinh là quá sớm, với cái giá phải trả là hy-sinh một số sự/việc, bắt đầu là việc tự-do tổ-chức Giáo-hội Trung quốc…” (Nguồn: cath.ch, Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển-dịch, phanxico.vn)

 Có phản-ứng hay không phản-ứng, các sự-kiện mang tính chính-trị được lồng vào địa-hạt tôn-giáo, là chuyện “dài nhân dân tự-vệ” ở thời trước. Có tìm và hiểu hay không hiểu và tìm, thì các hệ-lụy rút từ công-bố chính-thức, mới là chuyện của ta và người, bàn đến hôm nay.

Chuyện của ta hôm nay, chỉ là “chuyện bên lề” gồm các tin (rất) tức ở nhiều nơi và của nhiều người. Tin (rất) tức …mình, lại vẫn là chuyện để ta ngồi buồn… bèn có đôi giòng chảy lai rai cho đỡ …ngứa cái miệng.

Và hôm nay, xin bạn và tôi, ta có đọc những giòng này hay không, cũng xin hai chữ bình-an, rồi đi vào sự việc rất “Đạo”, sau này. Nhưng, trước khi đi vào chi-tiết, cũng nên về lại với bài ca và nốt nhạc ghi trên, mà hát cho “êm ru ngày mùa” của Giáo-hội, là: hội của những người sống Đạo trong đời. Vậy, hãy cứ hát những lời rằng:

“Hầy hô! Hây hồ! Hây hô

Gà chuồng le te gáy rõ

Ta nghe đợi chờ…

 Hầy hô! Hây Hồ! Hây hô!

Ngoảnh nhìn quanh ta vẫn nhớ

Ôi êm ru ngày mùa…

 Hầy hô! Hây hồ! Hây hô…

Hầy hô! Hây hồ! Hây hô…

(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Cứ ngoảnh lại mà nhìn quanh ta đi, sẽ thấy rất nhiều “sự” xảy ra không như mình tưởng hoặc nghĩ. Tức, những thứ và những sự rất “kể lể” như truyện kể ở bên dưới để “minh-hoạ” một lập-trường-sống vẫn nghe và vẫn nhìn theo cách con nhà có Đạo, ở đời thường, như sau:

“Truyện rằng:

“Cô vốn là một người con gái xinh đẹp. “Vệ tinh” xung quanh cô nhiều không kể xiết, nhưng cô bỏ ngoài tai tất cả để chọn anh – một công nhân làm việc ở nhà máy, thu nhập còn không đủ cho 3 bữa ăn hàng ngày. Cô chấp nhận từ bỏ cả gia đình, thậm chí là công việc đầy tương lai của mình để cưới anh.

Sau khi kết hôn, anh và cô mượn được nhà kho của một người bạn, họ sắp xếp lại thành một tổ ấm giản dị. Mùa đông đến, căn nhà kho trống trải hút gió lại càng trở nên lạnh giá. Khi ấy chưa đủ tiền mua chăn, cô thường bị giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì lạnh. Những lúc đó, anh chỉ biết ôm chặt cô vào lòng, dùng hơi ấm của cơ thể sưởi ấm cho cô.

Một ngày cô trở về nhà với vẻ mặt thất thần nhợt nhạt, anh lo lắng hỏi cô có phải bị bệnh rồi không? Cô chỉ mỉm cười nói: “Em hơi mệt thôi!” rồi hân hoan rút từ trong túi ra một tờ bạc nhét vào tay anh: “Chúng mình có tiền rồi anh ạ, mình đi mua một chiếc chăn thật ấm để đắp nhé.” Anh sững người ngạc nhiên nhìn tờ tiền trong tay cô, giọng run run: “Làm sao em lại có nhiều tiền vậy?” Cô vui vẻ kể lại cho anh tiền là do cô kiếm được khi đi phát tờ rơi. Cô phải đứng từ sáng đến tối mới được trả ngần ấy tiền. Nói rồi cô vội vàng kéo anh ra khỏi nhà, không cho anh hỏi thêm điều gì nữa. Họ mua môt cái chăn vừa tầm tiền. Từ đó, giữa đêm cô không còn bị giật mình thức giấc nữa.

Vài năm sau, anh tìm được công việc tốt hơn, rồi kiếm được nhiều tiền, tự mở công ty. Không bao lâu anh đã xây cho cô một ngôi nhà khang trang, mua ô tô cùng rất nhiều đồ dùng đắt tiền khác. Anh nói muốn dành cho cô một cuộc sống ấm no đầy đủ bù đắp lại những tháng ngày khó khăn vất vả trước đây. Cuộc sống bỗng vụt thay đổi khiến cô có phần bàng hoàng chưa kịp thích nghi với điều kiện mới.

Ngày chuyển nhà, anh bảo những đồ đạc cũ trong căn nhà kho của họ trước đây anh đều muốn vứt đi không giữ lại bất cứ cái gì. Nhưng cô khăng khăng nói muốn giữ lại cái chăn để đắp. Và rồi một thời gian dài nữa họ vẫn dùng cái chăn cũ ấy, giờ đây nó đã trở nên xù xì cũ kĩ, còn bị rách khá nhiều chỗ. Anh không ngừng phàn nàn với cô: “Thôi bỏ cái chăn cũ này đi em, mình có thể mua một cái chăn mới ấm áp và tốt hơn rất nhiều. Em xem cả nhà mình toàn những đồ đắt tiền, nhìn cái chăn cũ này trong nhà trông thật chướng mắt”. Nhưng cô vẫn cố chấp nhất quyết giữ lại cái chăn cũ ấy, vì chỉ khi đắp nó cô mới cảm thấy ấm áp và được che chở.

Một hôm, anh về nhà mang theo một cái chăn mới và nhất quyết bảo cô bỏ cái chăn cũ đi. Lần này dù không nỡ nhưng cô vẫn nghe theo lời anh. Từ đó, hàng đêm cô ngủ không còn ngon giấc nữa, trong lòng cô lúc nào cũng cảm thấy thấp thỏm lo lắng khiến cô lại không ngừng giật mình giữa đêm. Và mỗi lần tỉnh dậy như thế, hai mắt cô lại đầm đìa nước. Anh vốn không biết rằng để mua được cái chăn đó cô đã phải đi bán máu lấy tiền chứ không phải đi phát tờ rơi như cô nói với anh. Lần đầu tiên bán máu, biết bao đau đớn, cũng chỉ vì muốn có cái chăn này. Vậy mà anh lại nỡ vất bỏ nó. Cô dần cảm thấy anh không còn yêu cô như xưa nữa.

Một ngày anh có việc gấp phải ra ngoài, quên mang theo máy tính xách tay quen thuộc. Trên màn hình của anh vẫn hiện lên trang blog anh viết hàng ngày. Và cô bất chợt đọc được dòng chữ anh hình như mới viết không lâu.

“Ngày hôm ấy em từ đâu về khuôn mặt tái xanh nhợt nhạt khiến cho tôi lo lắng vô cùng. Rồi em nói em đi phát tờ rơi để mua chăn cho hai đứa. Tối hôm đó chúng tôi nằm ngủ ấm áp trong chiếc chăn mới, thấy em nằm cuộn tròn trong lòng tôi say trong giấc ngủ, tôi thương em biết bao. Đã bao đêm rồi em không được ngủ ngon đến vậy. Và rồi tình cờ tôi nhìn thấy trên tay em có một vết sưng nhỏ, dường như bị kim tiêm đâm vậy. Tôi bỗng hiểu ra tất cả. Hóa ra em nói dối tôi em đi phát tờ rơi, thực ra em đã đi bán máu để có tiền mua chăn, chỉ vì một cái chăn mà em đã phải khổ sở đau đớn đến vậy. Đêm đó tôi đã khóc vì thương em và cũng thầm hứa sẽ cố gắng làm việc, phấn đấu trở thành một người thành đạt, để có thể bù đắp lại những ngày tháng khốn khó này cho em. Và giờ đây tôi đã thực hiện được lời thề đó. Hôm qua tôi quyết định đến trạm hiến máu, tôi chỉ muốn cảm nhận một chút nỗi đau em từng trải qua. Khi chiếc kim tiêm đâm vào mạch máu, một cảm giác nhói buốt lan dọc khắp cơ thể. Nhưng tôi không thấy đau, ngược lại, rất hạnh phúc. Tôi lấy tiền bán máu và đi mua chiếc chăn mới này. Tôi muốn nó là món quà bất ngờ dành cho em…”

Nước mắt cô đã ướt đẫm tự độ nào. Hóa ra tình yêu của anh dành cho cô vẫn sâu đậm và lớn lao đến vậy. Mùa đông năm nay anh đã đổi máu của mình tặng cho cô chiếc chăn ấm, có lẽ đó cũng sẽ là chiếc chăn ấm áp nhất cô có trong đời…(Sưu tầm)

             Nên chăng áp dụng câu truyện trên vào trường hợp của các đấng bậc vị vọng trong đạo?

Phải chăng, các cặp vợ chồng ngày nay vẫn sống đẹp như cặp phối-ngẫu trong truyện kể trên? Áp-dụng trường-hợp hành-xử của đấng bậc chốn chóp bu nhà Đạo, cũng thế ư? Cũng thế là thế nào? Phải chăng sự việc cũng đơn-sơ/chân-chất như nhiều người tưởng?

Thôi thì, trước khi trả lời câu hỏi này, tưởng cũng nên về với vườn hoa thơm phức những lời vang đầy khuyến-dụ mà người đời gọi là Kinh Sách rất thánh, có những giòng như sau:

“Thưa anh chị em,

chúng tôi xin anh chị em hãy quý trọng

những ai đang vất vả vì anh chị em,

để lãnh đạo anh chị em nhân danh Chúa

và khuyên bảo anh em.

Hãy lấy tình bác ái mà hết lòng tôn kính những người ấy,

vì công việc họ làm.

Hãy sống hoà thuận với nhau…

hãy khuyên bảo người vô kỷ luật,

khích lệ kẻ nhút nhát,

nâng đỡ người yếu đuối,

và kiên nhẫn với mọi người.

Anh chị em hãy vui mừng luôn mãi

và cầu nguyện không ngừng.

Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.

Anh em hãy làm như vậy,

đó là điều Thiên Chúa muốn…”

(1 Thessalônikê 5: 12-19)

 Chiếu lời vàng ở trên, nhiều bạn lại đến hỏi bần-đạo: phải chăng, đấng bậc ở chốn chóp bu nhà Đạo, đã từng thực-hiện lời dặn như thế, chứ?

Hỏi những câu tương-tự, thì ai mà trả lời cho thoả-đáng, chứ! Vâng. Thay vì trả lời/trả vốn cho đúng cách/đúng sự thực, thiết tưởng ta cứ đi vào với lời bình (rất) luận hoặc nhận-định rất chuẩn của giới truyền-thông/báo chí, để rồi có lập-trường/nhân-sinh sao cho phải lẽ.

Vâng. Đúng như thế. Thôi thì, mời bạn và mời tôi, ta thử xét lời bàn của sử gia Vatican là Alberto Melloni từng phát-biểu về chuyến gặp mặt giữa hai đấng bậc chóp bu Công-giáo và Chính-thống Nga, sau đây:

“Alberto Melloni, một sử-gia chuyên về Vatican lại cũng biểu-lộ cho thấy, là: cuộc họp thượng-đỉnh ở Cuba hàm-ẩn ý-nghĩa của thứ địa-lý chính-trị, bởi lẽ cuộc họp mặt này lại diễn ra ngay vào lúc các nhà ngoại-giao tầm cỡ của Hoa-kỳ và châu Âu đang cùng nhau hợp-tác tính chuyện cách ly nước Nga khỏi vòng cương-toả của nước lớn. Giáo-hội Nga lại chặt-chẽ đặt mình cùng hàng với chính-phủ của nước này. Ông Melloni nói thêm: cuộc họp cấp cao với Giáo-hoàng Công-giáo chắc chắn phải có sự đồng-thuận của ông Putin. Chấp-thuận gặp gỡ, cho phép tổng thống nước Nga có được cung-cách khác-biệt mà ông có thể dùng đến hầu tránh khỏi mọi ly-gián. Với Putin, thì gặp gỡ như thế rất có lợi, bởi đây là thứ chính trị tùy thuộc địa lý/địa-hình của các nước.

 Riêng Giáo Hoàng Phanxicô đã chứng tỏ mình là con người đầy tham-vọng, một diễn-viên ngoại-giao trên chính trường thế-giới. Ông giúp các nhà môi-giới bán-buôn có được sự hoà-giải giữa Hoa-kỳ và Cuba , và nhất thứ là ông lại đạt được sự tôn-kính từ ông Castro, tổng-thống Cuba . Đổi lại, ông Castro giúp giàn xếp các kế-hoạch gặp gỡ vào tuần tới.

 Giáo Hoàng Phanxicô cũng thẳng-thắn tiến về phía trước để hoàn-thành một mục-đích khác mà lâu nay Vatican hằng trông ngóng, đó là việc tái-tạo các bang-giao quốc tế với Trung-Quốc. Giáo-hoàng Phanxicô từng cho biết ao-ước của ông muốn trở-thành vị Giáo-hoàng đầu tiên sang thăm nước Trung Hoa lục địa.

 Tuần này, Giáo hoàng Phanxicô sẽ dùng cuộc phỏng-vấn với tờ Asia Times, một ấn-bản bằng tiếng Anh phát-hành tại Hồng Kông để chuyển-tải lời chúc mừng Năm mới Âm-lịch đến nước này và đưa ra lời trấn-an vốn dĩ bảo rằng: một nước Trung Hoa đang lớn mạnh không có nghĩa là đe-doạ cho ai hết.

 Vị Giáo-hoàng này đã nói trong cuộc phỏng-vấn rằng: “Với tôi, Trung Quốc lâu nay vẫn là trọng-điểm của sự cao cả. Là một đất nước vĩ-đại; và hơn cả quốc-gia nữa, mà là một nền văn-hoá vĩ-đại có sự khôn-ngoan hiểu-biết rất vô-tận.” (X. Elisabetta Povoledo, Pope Francis set for historic meeting with leader of Russian Orthodox Chursh , New York Times 06/02/2016)

Xem xét thế rồi, nay ta cũng nên có giòng chảy lịch-sử về vai trò chóp bu trong Đạo, theo tầm nhìn của một số học-giả chuyên ngành, như sau:

“Khi đế quốc La Mã chinh-phục toàn thế-giới lúc ấy, giới ngoại-đạo đã triển-khai từ xứ miền Babylon lan rộng đến nhiều nước khác nhau và từ đó, hệ-thống đạo-giáo của La Mã cũng từ đó xuất-hiện với nhiều người. Điều này bao gồm cả ý-niệm cùng vai-trò của vị Trưởng-tế cao-cấp nhất mà người Âu Châu dùng cụm từ “Pontiff” là dựa vào tên tuổi của Pontifex Maximus. Thế nên, giới ngoại-đạo Babylon, lúc đầu được thể-hiện dưới triều vua Nimrod, sau này kết-hợp dưới quyền-uy thế-lực của một đấng trị vì là Julius Caesar. Khi ấy, vào năm 3 trước Công nguyên, là lúc Hoàng đế Julius Caesar đã chính-thức được coi là “Pontifex Maximus” của đạo-giáo bí-ẩn, nay thiết-lập tại Rôma.

Có điều lạ, là: vào thời Đức Giêsu đang rao giảng, người nghe Ngài giảng có mang đồng tiền kẽm khắc hình Hoàng đế Augustus Caesar (27-14 trước Công nguyên) đến cho Đức Giêsu coi, và Ngài hỏi: “Tiền này khắc hình ai thế? Và họ trả lời: hình Hoàng-đế Caesar…” (Mt 22: 17-22)

Các hoàng-đế La Mã (trong đó có cả Constantine thời sau này) đã tiếp tục duy-trì chức-năng của Trưởng-tế Pontifex Maximus mãi đến niên-biểu 376 khi Gratian vì các lý-do tôn-giáo đã từ chối nó. Ông ta coi danh-xưng và chức-năng này mang tính “ngẫu-thần” rất báng-bổ. Mãi cho đến khi ấy, Giám mục thành La Mã được nâng quyền-bính chính-trị và thanh-thế. Kết quả là, vào năm 378, Đức Giáo-hoàng Demasus, Giám-mục thành La Mã được bầu là Trưởng-tế tối cao, tức: Pontifex Maximus, là vị thượng-tế cao-cấp nhất của các quyền-lực thần-bí được chính-thức công-nhận.

Cũng từ đó, Rôma (tức: La Mã) đã được coi là thành-trì quan-trọng nhất trên thế-giới, và tín-hữu Đạo Chúa lại đã coi vị Giám-mục thành La Mã như “Giám-mục của các giám-mục” làm đầu Hội-thánh. Điều này gây ra tình-huống có một không hai trên thế-giới. Và, một người duy-nhất được coi là “Đấng làm đầu” của mọi tín-hữu cả Đạo Chúa lẫn giới ngoại-đạo. Đến khi ấy và vào các năm tiếp theo sau, giòng chảy ngoại-đạo và Đạo Chúa đã đan xen và cùng chảy với nhau và vào nhau tạo những gì được gọi là Hội thánh Công-giáo La Mã, dưới sự lãnh-đạo của vị Trưởng-tế cao-cấp nhất, mà ngày nay ta gọi là Đức Giáo Hoàng, hay Giáo-Chủ…” (X. Alexander Hislop, The Two Babylons, New York: Loizeaux Brothers 1959, tr. 207)

            Nói thế tức bảo rằng: các tôn-giáo đều có gốc-nguồn từ ngoại-giáo ư? Có quá đáng lắm không? Có lẽ là không. Bởi đó là lịch sử hoặc dã-sử về các đạo-giáo cũng như Công giáo La Mã mình. Bởi, Đạo Chúa đâu do Đức Giêsu thiết-lập, nhưng lại xuất-phát từ Do-thái-giáo, rất Babylon . Babylon xưa, là nguồn-cội của nhiều Đạo đã biến-hoá và phát-triển khắp thế-giới theo chiều ngang/dọc và có thể cả chiều cao, cũng không chừng!

Có thể nói: dù muốn dù không, người người không thể chối bỏ lịch-sử ngàn năm văn-vật rất Babylon . Chí ít là chuyện Đạo và đặc-biệt là chuyện giữ Đạo và sống Đạo. Vấn-đề có thành hay không là hỏi rằng: dù ở hoàn-cảnh/môi-trường nào đi nữa, người ta –tức ta và người – đã và sẽ sống Đạo ra sao? Đạo ấy từ đâu đến? Do Ai? Và của Ai?

Hôm nay, nói thế không phải để chê-trách, cãi cọ chuyện này nọ, nhưng chỉ bảo nhau bằng ca-tư rất “êm ru” ở bài hát rất bên trên, rằng:

“Hầy hô! Hây Hồ! Hây hô!

Ngoảnh nhìn quanh ta vẫn nhớ

Ôi êm ru ngày mùa…

 Hầy hô! Hây hồ! Hây hô…

Hầy hô! Hây hồ! Hây hô…

(Phạm Duy – bđd)

Nhớ và hát thế rồi, hẳn tôi và bạn cũng sẽ không quên lời nhắc nhở của bậc thánh-hiền vẫn cương-quyết nhắc hoài và nhắc mãi những câu như:

“Hãy sống hoà thuận với nhau…

hãy khuyên bảo người vô kỷ luật,

khích lệ kẻ nhút nhát,

nâng đỡ người yếu đuối,

và kiên nhẫn với mọi người.

Anh chị em hãy vui mừng luôn mãi

và cầu nguyện không ngừng.

Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.

Anh em hãy làm như vậy,

đó là điều Thiên Chúa muốn…”

(1 Thessalônikê 5: 12-19)

 Sống vui mừng, hoà-thuận mãi với mọi người. Hẳn, đó là lời khuyên và bàn rất muôn thuở.

 Trần Ngọc Mười Hai

Nay chả dám khuyên

Chả dám bàn với những ai

ngoài chính mình mình, mà thôi.

KHÔNG CẦN BIẾT EM LÀ AI

KHÔNG CẦN BIẾT EM LÀ AI

Xã hội càng văn minh, phụ nữ càng được giải thoát, và ngược lại.  Ðó là thước đo mức tiến bộ nhân loại.  Ngày xưa, ngay trong dân Chúa, số phận phụ nữ cũng không khá hơn các dân khác.  Câu truyện ném đá người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng hôm nay là một điển hình.

Theo Kinh thánh, trong vụ án ngoại tình, cả hai đồng phạm đều phải đưa ra ném đá (Lv 20:10; Ðnl 22:22).  Thế nhưng, những nhà lãnh đạo Do thái đã cố tình coi thường luật này.  Họ chỉ bắt người phụ nữ, mà không tố cáo người đàn ông tòng phạm.  Các người lãnh đạo đã dùng người phụ nữ này như một chiếc bẫy lừa Ðức Giêsu.  Nếu Người không đồng ý ném đá, họ sẽ tố cáo Người vi phạm luật Môsê.  Nếu Người không đồng ý, chưa chắc họ đã nghe theo Người, trái lại có thể họ vịn vào cớ đó để lên án và ném đá cả Chúa lẫn người phụ nữ ngoại tình.  Nếu Người khuyến khích họ xử tử nàng, họ sẽ báo cáo cho quân Rôma biết Người chống lại lệnh cấm người Do thái thi hành án tử hình (Ga 18:31).  Nếu thế, còn đâu hình ảnh nhân hậu của Người trong lòng dân?  Những người lãnh đạo Do thái thâm độc thật!

CHUA VE TREN DAT

Bên ngoài, họ có vẻ là những người tha thiết với Luật Môsê và bảo vệ công lý.  Nhưng thực ra, họ muốn thử thách đức nhân hậu và lòng bác ái của Người.  Làm sao vừa giữ vững công lý vừa duy trì được lòng nhân ái đối với mọi người?  Thật là một bài toán hóc búa.  Vậy mà, Người đã tìm thấy đáp số rất tài tình.  Chỉ cần một câu hỏi gọn nhẹ, nhưng xoáy sâu vô nội tâm, Người đã có thể phá tan hàng rào pháp lý và đám đông dầy đặc đang thét gào chung quanh.  Tất cả lời tố cáo đều im bặt trước câu thách đố: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8:7).  Một tiếng sét xé ngang bầu trời ồn ào hôm đó và đâm thấu tận tim đen đám đông.  Tất cả đã từ từ rút đi sau một giây hồi tâm.  Như thế, Chúa vừa cứu được người phụ nữ ngoại tình, vừa làm cho đám đông, nhất là giới lãnh đạo, trở về với sự thật lòng mình.  Họ lần lượt ra đi như một lời thú tội.  Thế là họ mắc vào bẫy chính mình đã giương lên.  Còn Chúa, Người chẳng cần giương bẫy, nhưng đã bắt được cả hai con chim.
Khi trở thành nạn nhân của những mưu thâm chước độc, con người biến thành phương tiện cho con người.  Người phụ nữ ngoại tình chỉ là một phương tiện được dùng để tố cáo và lên án Ðức Giêsu mà thôi.  Người không bao giờ xử dụng con người làm phương tiện cho mình.  Trái lại, không những lấy con người làm trung tâm cho sứ mệnh của mình, Người còn tự biến mình thành “con đường” (Ga 14:6) cho con người đến với Chúa Cha.  Người đã hy sinh tất cả cho con người.  Con người trở thành mục đích cho toàn thể công trình sáng tạo và cứu độ.  Thật thế, vì là “hình ảnh Thiên Chúa” (St 1:27), con người được Thiên Chúa đặt ở “trung tâm và tột đỉnh mọi loài thụ tạo.” Chúa đã thấy tất cả phẩm giá lớn lao đó nơi người phụ nữ ngoại tình, dù tội nàng có lớn tới đâu.  Trái lại, những nhà lãnh đạo Do thái đã đồng hóa con người với tội lỗi, nên nàng không còn lý do hiện hữu trên cõi đời này nữa.  Tội nhân không còn cơ hội để làm lại cuộc đời.

Trong suốt thời gian căng thẳng giữa rừng người khát máu, Chúa Giêsu luôn bình tĩnh và sáng suốt để tìm đường thoát hiểm cho người phụ nữ nạn nhân và cho chính mình.  Người giúp đỡ cô, nhưng không hề bênh vực cho tội ngoại tình của cô.  Bằng chứng, sau khi “tòa án nhân dân” đã giải tán, Người không quên căn dặn: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8:11).  Còn lời nào cương nghị và đầy nhân ái hơn?

Chính vì thế, tội nhân đã tìm đến với Ðức Giêsu để tìm một cơ hội lớn trở về với Thiên Chúa.  Không còn con đường nào khác!  Không những phẩm giá họ được nhìn nhận, nhưng họ còn được đưa vào mối tương quan với Thiên Chúa.  Vì được dựng nên “giống hình ảnh Thiên Chúa,” (St 1:27) nên “tự bản chất, con người hiện hữu trong tương quan chủ yếu và sâu xa nhất với Thiên Chúa.”  Như thế, trước sức mạnh tình yêu, tội lỗi không thể hủy diệt bản chất đó của con người.  Tình yêu nối lại mối dây thân tình sâu xa giữa con người với Thiên Chúa.  Tình yêu đó chỉ có thể tìm thấy nơi Con Người Ðức Giêsu trên Thánh Giá.

Tình yêu mạnh hơn sự chết.  Không phải chỉ bằng lời nói, nhưng bằng hành động, Ðức Giêsu đã cứu con người không những thoát khỏi đám đông khát máu, nhưng khỏi bàn tay ác thần hung bạo.  Người giải thoát không những thể xác khỏi cái chết đời này, nhưng cả linh hồn khỏi cái chết đời sau.  Chính vì Người đã chết, toàn thể nhân loại được cứu sống và đi sâu vào tình yêu Chúa Cha.  Cái chết trên thập giá trở thành cần thiết cho sự sống nhân loại.  Khi cứu sống nhân loại, Người không nhìn vào tội ác họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng nhìn vào chính con người với tất cả giá trị cao cả của họ nơi Thiên Chúa.  Chính vì hạnh phúc và phẩm giá con Thiên Chúa của họ, nên Chúa đã chấp nhận tất cả.
Khi thấy nhân loại phạm tội, Người đã không tra cứu sách luật hay Kinh thánh.  Trái lại, Người nhìn sâu vào lòng nhân từ của Chúa Cha và hình ảnh của Cha nơi nạn nhân, để đem lại một chiều kích mới mẻ và toàn triệt cho lề luật.  Con người đã không có được cái nhìn như thế, nên mới dễ bạo động.  Chính Người cũng đã trở thành nạn nhân của đám đông bạo động.

Ðám đông thời ấy và đám đông thời nay có khác nhau không?  Giả sử, đứng giữa “tòa án nhân dân,” Chúa Giêsu cũng đặt vấn đề tương tự như thế, liệu có ai dừng tay và bỏ đi không?  Dầu sao đám đông thời Chúa Giêsu vẫn còn lương tâm và biết nhìn nhận sự thật.  Ðám đông ngày xưa vẫn can đảm hơn đám đông ngày nay.  Còn ngày nay, biết bao người đã chết oan vì lương tâm không còn hoạt động nơi đám đông.  Chẳng hạn, biết bao nạn nhân vô tội đã gục ngã trong những vụ cải cách ruộng đất ở ngoài Bắc Việt.  Sự thật thuộc về đám đông chuyên môn “lấy thịt đè người.”  Dù biết mình sai, họ vẫn không có can đảm nhìn nhận sự thật và không dám rút lui vì sợ bẽ mặt.  Trái lại, họ còn dựa vào sức mạnh vũ khí, nhà tù, quyền lực để áp đảo tiếng nói lương tâm và chà đạp sự thật.
Cuộc đấu tố ngày xưa ở Bắc Việt và những cuộc bắt bớ các nhà tranh đấu cho dân chủ trong nước hiện nay có khác việc lên án phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng hôm nay không?  Có khác chăng là phụ nữ ngoại tình có tội thật, còn những người bị đấu tố và các nhà đấu tranh cho nhân quyền ở trong nước có tội gì?  Phải chăng hành động theo tiếng lương tâm là một thứ tội?
Ai dám bênh vực họ đây?  Ngày xưa, Chúa Giêsu đã mạnh mẽ bênh vực và tìm cách giải thoát phụ nữ ngoại tình, mặc dù biết nàng là người có tội.  Hôm nay, Nhiệm Thể hay Hiền Thê của Người là Giáo Hội không đủ can đảm bênh vực cả những người vô tội hay sao?  Phật Giáo Thống Nhất có những vị lãnh đạo cao cấp như Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ dám hy sinh cả đời để tranh đấu cho tự do tôn giáo.  Còn Giáo Hội Công Giáo Việt nam, Hàng Giáo Phẩm đang ở đâu?
Lạy Chúa, từ trước tới nay, con đã làm gì khi anh em xúc phạm đến con?  Con luôn muốn công lý phải được thi hành.  Lúc nào con cũng có đủ lý do biện hộ cho việc phục thù của con.  Chắc chắn hôm nay Tin Mừng đòi hỏi con phải cúi xuống tĩnh niệm, trước khi đụng đến tha nhân.   Xin cho con luôn sẵn sàng dành cho anh em một cơ hội.   Xin hãy mở trái tim con ra để mọi người thấy tình yêu Chúa đang sôi sục trong con.  Amen!

 Đỗ Lực