Ngoảnh lại, Nàng Thơ đã ở bên,

“Ngoảnh lại, Nàng Thơ đã ở bên”,

Mỉm cười, Ồ khoé miệng trăm duyên.

Lời nào tả được tình lưu-luyến?

Buổi mới ân cần, với bạn Tiên!”.

(Dẫn từ thơ Thế Lữ)

Mai Tá, Giáo-dân lược dịch

Vừa rồi, chúng tôi định mua một cặp loa tốt, khả dĩ tạo được làn sóng âm thanh dịu dàng, dễ nghe. Cân nhắc kỹ, chúng tôi quyết định chọn nhãn hiệu “BOSE” vừa gọn nhẹ, lại vừa đạt chất lượng cao. Toàn hệ thống âm thanh trung thực chỉ nằm trong chiếc hộp nhỏ, nhưng có khả năng phát ra những âm thanh tuyệt cú, ngoài sự mong ước. So với giàn âm thanh hiện có, thì loa của hãng BOSE cho giọng trầm và ấm. Mạnh mẽ. Trung thực.

Với loa tốt, âm nhạc mới thể hiện tính hiện thực cần có, làm nền cho giọng kim bay bổng, lên xuống thật đúng ý của người biên sọan. Ngày nay, máy móc tân kỳ tạo cho âm thanh, tần số có được sự thanh tao, trong sáng. Nhờ vậy, công trình sắc sảo của nhà biên soạn mới được bộc lộ đúng cách. Dễ nhận.

Sách Công vụ Tông đồ hôm nay tập trung nhấn mạnh một điểm: quần chúng thời ban sơ, khi nghe đồ đệ Đức Kitô dẫn giải công việc Chúa làm, ai cũng hiểu biết đầy đủ sự việc diễn tiến theo ngôn ngữ rất riêng của mình. Nói theo ngôn ngữ thời nay, đây chính là sự thanh tao, trong sáng cần phải có mỗi khi ta rao giảng Lời Chúa. Với đồ đệ Chúa thuở ban đầu, ai nào được phú ban cho tài khéo ăn, khéo nói khả dĩ lôi cuốn người nghe?

Nhưng may thay, phần đông cử toạ đều có được đôi tai rất thính. Nhờ đó, họ biết lắng nghe và mau chóng lãnh hội sự thanh tao trong sáng, qua mỗi sự việc được dẫn giải. Đề cập đến tài lắng nghe và đón nhận Lời Chúa thời kỹ thuật thông số hôm nay, nhiều vị vẫn lẫn lộn giữa âm thanh đơn thuần với âm thanh nổi, giữa sự đồng bộ và đồng cảmvà đồng-thuận.

Với Hội thánh thời tiên khởi, ngày Thánh Thần Chúa hiện đến, ngày mà tín hữu Đức Kitô chẳng thấy khó khăn gì trong việc lắng nghe và đón nhận lời Ngài, hết. Ai cũng hiểu rằng, có nói cùng một thứ tiếng cũng không quan trọng bằng biết chăm chú nghe người khác nói. Lắng nghe từng giọng. Chăm chú vào từng động tác của mỗi người.

Hội thánh tiên khởi là một cộng đoàn phức hợp. Đa dạng. Tựa như hôm nay, mọi người đều được kêu gọi hãy lắng nghe người khác nói. Ngõ hầu thông hiểu nhau hơn. Cảm thông hơn về nhiều vấn đề. Về mọi chuyện.

Quả là, vào các năm tháng, ngày đầu của thời điểm Thánh Thần Chúa hiện đến, cộng đoàn kẻ tin đã nhận ra rằng: giữa thánh Phêrô và Phaolô đã có nhiều tranh cãi. Bất đồng. Bất đồng về các vấn đề của người Do Thái, của dân ngoài Đạo về vấn-đề trở lại. Nhiều vị đã cam đảm nhận đón cái chết nhục để chứng tỏ niềm tin của mình.

Tuy thế, cũng có người phản bội các thánh, vội quay đầu về với giới cầm quyền. Không còn tin vào lời các ngài nữa. Cùng là tín hữu Đức Kitô, nhưng có người tự hào cho mình thuộc phe Phaolô hoặc phe Apollô hơn là nghĩ rằng: dù thuộc cánh nào, phe nào rồi cũng qui về một mối. Tức: cuối cùng, cũng trở thành đồ đệ của Đức Chúa. Hết lòng. Hết mực.

Mải tranh cãi, đến nỗi có người cứ nghĩ là ngày tận thế đã gần kề. Rồi, chán nản. Mất niềm tin. Tuy nhiên, qua nhiều trường hợp trắc trở, âm sắc thâm trầm và ấm cúng của giòng nhạc hùng tráng vẫn vang rền. Thúc bách. Giọng thâm trầm ấm cúng ấy nhằm chứng tỏ rằng: Đức Kitô đã sống. Ngài đã vui lòng chấp nhận cái chết nhục. Và cuối cùng, đã sống lại vinh hiển. Về với Cha. Trong khi đó, thanh âm giọng kim bổng vút chát chúa của tranh cãi/bất đồng đã át đi thanh-âm trầm-ấm mà Đức Chúa đã phát đi.

May thay, hơn bốn thập niên trước, Công Đồng Vatican II đã hồi phục truyền thống cổ xưa của niềm tin trong Hội thánh bằng nhiều phương cách khác biệt, đột xuất. Quyết nối kết hoà mình với nền văn hoá địa phương mỗi vùng. Xem như thế, Lời Chúa được gửi đến với mỗi dân tộc có văn hoá riêng tư khác biệt, hài hòa. Hợp tác.

Ngày nay, chúng ta đều nhận thức: mỗi khi cất bước ra đi rao truyền Tin Vui An Bình của Chúa, vị thừa sai giảng thuyết đều cưu mang, trân quý mọi văn minh, văn hoá khác biệt, riêng tư của đất miền mà các ngài tạm dung. Và, các ngài vẫn cương quyết sửa đổi lề thói, tác phong “cha cố” chuyên áp đặt văn hoá cổ xưa của mình lên văn hoá, người bản xứ. Làm như thế, các ngài không bức bách, cũng chẳng đả phá tinh hoa, thuần thục của sắc dân bản xứ. Dù tinh hoa ấy đang đi dần vào chốn diệt vong.

Trong quá trình thực hiện quyết tâm này, nhiều nối kết được nảy sinh từ nền văn minh Kitô-giáo và văn hoá địa phương. Các nối kết, thành tựu ấy đã trở thành niềm tin thấm nhuần mầu sắc dân tộc. Đây là trạng huống kết tinh, mà Hội thánh tiên khởi đã tạo cho mình. Rất nghiêm chỉnh. Nhờ vào phong thái tinh tế, Hội thánh sở tại đã thực sự sống và rao truyền niềm tin, được uỷ thác.

Hôm nay, được Thánh Thần Chúa thánh hoá, chúng ta nhận ra rằng: để xây dựng và củng cố niềm tin của mình lên những gì người đi trước đã thiết lập. Chúng ta có bổn phận lắng nghe, và tìm hiểu nền văn minh, văn hoá đương đại của mỗi dân. Hãy đem niềm tin về với trao đổi, đối thoại cùng Tin Mừng của Chúa.

Chính vì thế, ta có thể quyết đoán thêm rằng: lòng quả cảm thật ra cũng là quà tặng từ Thánh Thần Chúa, vào ngày Ngài hiện đến với mọi người. Chúng ta không được phép rút vào bóng tối. Né tránh thế gian, hoặc coi rẻ loài người.

Nhưng, hãy ra đi tham gia đối thoại với thế giới, nhân trần. Tham gia, trao đổi và để tai trầm lắng đón nhận nhạc khúc giao hưởng mà Chúa biên soạn. Ở đây. Ngay lúc này. Có lắng nghe như thế, ta mới nhận ra thanh-âm sắc sảo đang xuất hiện trong cuộc sống thường nhật. Đôi lúc cũng trộn lẫn với âm-sắc thâm trầm, ấm cúng trải dàn nơi cuộc sống. Sự chết và sự sống lại vinh hiển của Đức Chúa thân yêu.

Tham dự Tiệc thánh mừng Thánh Thần Chúa hiện đến với ta hôm nay, hãy cầu mong sao ta có đôi tai rất thính. Biết lắng nghe và nhận rõ những gì Thần Khí Ngài đang thổi đến với ta. Thần Khí Ngài thổi vào đôi tai ta những âm sắc thâm trầm. Đầy thương mến. Hãy cầu mong sao cho ta biết sẵn sàng cống hiến cả đời mình, để rao truyền Tin Vui An Bình của Chúa với chốn phồn hoa. Đô hội.

Ở nơi ấy, vẫn hiện diện cùng khắp, nền văn minh/văn hoá của dân gian. Thị trường. Cầu và mong cho ta biết dấn thân, hoà mình với nền văn hoá đương đại. Hợp tình. Hợp lý. Làm như thế, ta sẽ phải sử dụng đôi tai, nghe nhiều hơn nói. Nghe nhiều, để có thể đón nhận các thanh-âm trầm-ấm, như làn gió thoảng vào hồn.

Nghe cho kỹ. Hiểu cho thông. Từ đó, ta sẵn sàng ra đi rao truyền Vương quốc của Đức Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Ra đi để rao truyền niềm tin vui tươi. Rất thâm trầm. Muốn được thế, hãy để lòng mình trùng xuống mà đón nhận Lời Chúa. Ấm cúng. Thâm trầm.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá, Giáo-dân lược dịch

THÁNG HOA ĐỨC MẸ

THÁNG HOA ĐC MẸ

Lm. Đoàn Quang, CMC

Là người Công giáo Việt Nam, nhất là những người đã lớn lên trong một xứ đạo miền Bắc, Trung hoặc Nam, có lẽ họ không lạ gì sinh hoạt tôn giáo trong tháng Năm, tháng Hoa Đức Mẹ.

Khi ngàn hoa xanh, đỏ, trắng, tím, vàng nở rộ trong cánh đồng, thì con cái Mẹ cũng chuẩn bị cho những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời.  Những điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhất là bài “Đây Tháng Hoa” của nhạc sĩ Duy Tân với điệu 2/4 nhịp nhàng:

“Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà.  Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc.  Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc.  Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhòa.

– Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần.  Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng.  Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời.  Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

– Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về.  Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi.  Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ.  Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời”.

Nếu có ai tự hỏi:  Tháng Hoa có từ đời nào?  Do ai khởi xướng?  Gốc tích như thế này:  Vào những thế kỉ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng những cuộc tổ chức gọi là những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.  Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên.  Họ tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

Có nơi người ta tổ chức các cuộc “Rước xanh.”  Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ.  Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.

Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh.  Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.

Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ.  Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ.  Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công.  Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.

– Đức Giáo hoàng Piô 12, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, cho “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”.

– Đức giáo hoàng Phaolô 6, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết:“Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ.  Đó là dịp để “bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng.

Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ các tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt.  Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ” (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, p. 236).

Một câu truyện cũ đáng ta suy nghĩ:

Ở thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu.  Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan.  Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình , nhưng chồng cứng lòng mãi.  Năm ấy đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ.  Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con.  Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục.  Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa.  Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianey.

Cha Vianey là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người tặng là vị thánh sống.  Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền bảo:

– Đừng lo cho linh hồn chồng bà.  Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

– Cha sở nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết.  Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.

Nghe xong lời cha Gioan, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ. (Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trang 10).

Nếu chỉ vì mấy bông hoa mọn dâng kính Đức Mẹ cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy, thử hỏi, những ai trong tháng Năm này tham dự dâng Hoa, rước kiệu, đọc kinh Mân côi, hơn nữa, họ dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh nạn… chắc sẽ còn được Đức Mẹ ban muôn ơn trọng hơn nữa?  Vì Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng Cậy, hoa Đỏ của Lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hãm mình, hoa vàng của niềm tin, hoa Hồng của kinh Kính mừng lắm lắm.

Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: “Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng”.

Thánh Bênado diễn tả văn vẻ hơn: “Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã.  Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ.  Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng.  Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ”.

Lm. Đoàn Quang, CMC
NS.TTDM tháng 5-08 trg 4

ĐTC: Xin phép, cám ơn và xin lỗi là ba từ giúp chúng ta duy trì cuộc sống hạnh phúc gia đình

ĐTC: Xin phép, cám ơn và xin lỗi là ba từ giúp chúng ta duy trì cuộc sống hạnh phúc gia đình

Linh Tiến Khải

Xin phép, cám ơn và xin lỗi là ba từ giúp chúng ta bước vào trong tình yêu của gia đình, duy trì cuộc sống hạnh phúc và bình an trong gia đình và trong xã hội, vì chúng giúp tránh các rạn nứt có thể trở thành các hố sâu ngăn cách. Vì thế đừng bao giờ kết thúc ngày sống trong gia đình mà không làm hòa với nhau.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm 13-5-2015.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài Gia đình và ba lời nói viết trên cửa: Xin phép, cám ơn và xin lỗi. ĐTC nói:

Bài giáo lý hôm nay giống như cửa vào của một loạt các suy tư về cuộc sống gia đình, cuộc sống thực tế của nó với các thời điểm và các biến cố. Trên cánh cửa này có viết ba từ: “Có đuợc phép không?”, “cám ơn”, “xin lỗi”. Thật thế các từ này mở ra con đường giúp sống hạnh phúc trong gia đình. …

Chúng là các từ đơn sơ, nhưng thực thi chúng thì lại không đơn sơ như thế! Chúng gói ghém một sức mạnh lớn: sức mạnh gìn giữ gia đình cả qua hàng ngàn khó khăn và thử thách; trái lại việc thiếu chúng, từ từ mở ra các nứt rạn có thể làm cho nó sụp đổ.

Chúng ta thưòng coi các từ đó như các từ của “nền giáo dục tốt”. Đúng nền giáo dục tốt quan trọng. Một Giám Mục lớn là thánh Phanxicô de Sales, thường nói: “nền giáo dục tốt là một nửa sự thánh thiện”. Tuy nhiên hãy chú ý trong lịch sử chúng ta cũng nhận ra một khuynh hướng hình thức của các cung cách hành xử có thể trở thành mặt nạ che dấu sự khô cằn của tâm hồn và sự thờ ơ đối với tha nhân. Người ta thường nói: ”Đàng sau các cung cách tốt ẩn dấu các thói quen xấu”. Cả tôn giáo cũng không thoát khỏi nguy cơ này, khiến cho việc tuân giữ hình thức rơi vào tinh thần thế tục. Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu đưa ra các cung cách tốt và trích dẫn cả Thánh Kinh nữa. Xem ra nó là một thần học gia. Kiểu của nó bề ngoài đúng đắn, nhưng ý hưóng của nó là nhằm làm sai lệch sự thật của tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta trái lại hiểu nền giáo dục tốt trong các phạm trù đích thực, nơi kiểu của các tương quan tốt đâm rễ sâu trong tình yêu sự thiện và trong sự tôn trọng tha nhân. Gia đình sống nhờ sự tinh tế ấy của tình yêu thương nhau.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC khai triển từng từ một. Trước hết là “xin phép” hay hỏi “Có được phép không?” Khi chúng ta lo lắng xin một cách lễ phép, cả khi chúng ta nghĩ rẳng có thể yêu sách, là chúng ta đặt một sự bảo vệ đích thật cho tinh thần sống chung trong hôn nhân và gia đình. Bước vào trong cuộc sống của người khác, cả khi nó là một phần cuộc sống của chúng ta, đòi hỏi sự tế nhị của một thái độ không xâm lăng, canh tân lòng tin tưởng và sự kính trọng. Chuyện riêng không cho phép coi mọi sự là tự nhiên. Và tình yêu càng thân tình và sâu xa bao nhiêu lại càng đòi hỏi việc tôn trọng sự tự do và khả năng chờ đợi người khác mở cửa tâm lòng họ bấy nhiêu. Liên quan tới điểm này chúng ta hãy nhớ lời Chúa Giêsu nói trong sách Khải Huyền: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20). Cả Chúa cũng xin phép để vào! Chúng ta đừng quên điều đó.

Từ thứ hai là “cám ơn”. Vài lần người ta nghĩ rằng chúng ta đang trở thành một nền văn minh của các cung cách hành xử xấu và các lời nói xấu, làm như thể chúng là dấu chỉ của sự thoát ly. Nhiều lần chúng ta cũng nghe nói công khai như thế. Sự tử tế và khả năng cám ơn được xem như một dấu chỉ của sự yếu đuối, có khi lại dấy lên ngờ vực. Phải chống lại khuynh hướng này ngay rong gia đình. Chúng ta phải đòi hỏi đối với việc giáo dục sống biết ơn, nhớ ơn: phẩm giá con người và công bằng xã hội đều đi qua đó. Nếu cuộc sống gia đình lơ là lối sống này, cả cuộc sống xã hội cũng sẽ mất nó. Thế rồi, đối với một tín hữu lòng biết ơn là trung tâm của đức tin: một kitô hữu không biết cám ơn là một người đã quên đi tiếng nói của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ câu Chúa Giêsu hỏi khi chữa mười người phong cùi và thấy chỉ có một người trong bọn họ trở lại cám ơn (x. Lc 17,18).

Lời thứ ba là « xin lỗi ». Đây là lời khó nói, chắn chắn rồi nhưng cần thiết. Khi thiếu nó, các nứt rạn nhỏ trở thành lớn hơn – cả khi không muốn – cho tới khi trở thành các hố sâu. Không phải vô tình trong lời kinh Lậy Cha Chúa Giêsu dậy chúng ta tìm thấy kiểu nói này: « Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con » (Mt 6,12). Thừa nhận dã thiếu sót và ước ao trả lại những gì đã bị lấy mất – tôn trọng, chân thành, yêu thương – khiến đáng được tha thứ. Và như thế là chúng ta ngăn chặn nhiễm trùng. …

Nếu chúng ta không có khả năng xin lỗi, thì có nghĩa là chúng ta cũng không có khả năng tha thứ. Trong gia đình nơi người ta không xin lỗi thì bắt đầu thiếu dưỡng khí, nước tù đọng. Biết bao nhiêu vết thương đối với lòng yêu mến, biết bao nhiêu xâu xé trong các gia đình bắt đầu với sự mất đi lời nói qúy báu này « Xin lỗi ». Trong cuộc sống hôn nhân người ta cãi nhau biết bao nhiêu lần… có khi điã chén bay nữa, nhưng tôi xin cho anh chị em một lời khuyên: đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hòa với nhau. Và để làm điều đó thì chỉ cần một cử chỉ bé nhỏ, một cái vuốt ve…

Ba lời chìa khóa này của gia đình là những lời đơn sơ và có lẽ ban đầu chúng khiên cho chúng ta cười. Nhưng khi chúng ta quên chúng, thì không có gì để mà cười, có đúng thế không ? Có lẽ nên giáo dục của chúng ta bỏ bê chúng quá. Xin Chúa giúp chúng ta đặt để chúng trở lại vào đúng chỗ, trong con tim chúng ta, trong nhà chúng ta và trong cả cuộc sống chung xã hội nữa.

ĐTC dã chào các đoàn hành hương đến từ các nưóc Bắc Mỹ và Âu châu, cũng như các đoàn hành hương đến từ Đài Loan, Camerun, Mêhicô, Honduras, Argentina, Brasil. Ngài đặc biệt chào các thành viên Hội Tương trợ truyền giáo quốc tế Pháp hoạt động trong lãnh vực y tế và cổ võ truyên giáo trong các giáo phận và dòng tu.

Chào các đoàn hành hượng nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC nói 13 tháng 5 là lễ Đức Mẹ Fatima. Ngài xin tín hữu gia tăng các cử chỉ hằng ngày tôn sùng Mẹ và noi gương Mẹ và hãy tín thác cho Mẹ mọi sự để trở thành dụng cụ lòng thương xót và hiền dịu của Thiên Chúa đối với các thành phần khác trong gia đình cũng như bạn bè thân hữu. ĐTC mời đức ông người Bồ Đào Nha đọc một kinh Kính Mừng bằng tiếng Bồ kính Đức Mẹ.

Ngài cũng chào các trẻ em Ba Lan mới rước lễ lần đầu và chúc các em càng ngày càng yêu Chúa Giêsu hơn, tín thác nơi Chúa và sống thân tình với Chúa.

Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào các linh mục sinh viên trường Thánh Phaolô của Bộ Truyền giáo đã xong chương trình học và chuẩn bị về nước làm việc. Ngài khích lệ các vị đừng bao giờ đánh mất đi lòng hăng say truyền giáo.

Chào giới trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC khuyên mọi người vun trồng lòng tôn sùng Mẹ Maria, siêng năng lần hạt mỗi ngày và cảm thấy Mẹ luôn gần gũi đặc biệt trong những lúc khó khăn.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi nguời.

HƯỚNG LÒNG VỀ TRỜI CAO

HƯỚNG LÒNG VỀ TRỜI CAO

Tác giả: Huệ Minh

Lễ Thăng Thiên Năm B

Cv 1, 1-11; Ep 1, 17-23; Mc 16, 15-20

Mở lại những trang thơ của nhà thơ Hàn Mạc Tử, ta bắt gặp bài thơ : “Những giọt lệ”:

Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi!

Bao giờ tôi hết được yêu vì

Bao giờ mặt nhật tan thành máu

Và khối lòng tôi cứng tợ si??

Họ đã xa rồi không níu lại

Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa….

Người đi một nửa hồn tôi mất

Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?

Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?

Sao bông phượng nở trong màu huyết

Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?

Tâm tình sao mà da diết quá !

Người đi một nửa hồn tôi mất

Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Người đi thì mặc kệ người đi chứ có mắc mớ gì đến ta, dính dáng gì đến ta mà hồn ta bỗng dại khờ ?

Nói như thế, ắt hẳn không thỏa đáng bởi lẽ là con người, bên cạnh lý trí, con người còn có những cảm xúc, tình cảm hết sức đặc biệt. Nhất là với những người thân quen, những ai đã hơn một lần gặp gỡ, hơn một lần sống chung, làm việc chung. Đặc biệt với người mà mình thương mến, khi xa cách sẽ có một cảm xúc khó tả và thật khôn lường.

Với những lẽ như vậy, ta hiểu được phần nào tâm trạng của các môn đệ khi xa cách Thầy mình. Khi chứng kiến cảnh Thầy lên trời, lòng cứ lâng lâng, cứ bâng khuâng nhìn mãi. Đang lâng lâng, đang bâng khuâng đó thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”.

Tiếc thương cũng rồi ! Đành thôi đã lên trời ! Còn đâu, ước mơ gì cũng thế !

Nếu ta là các môn đệ, ta cũng tiếc nuối, cũng nhớ nhung, cũng bâng khuâng nuối tiếc vì sự ra đi của Thầy Chí Thánh.

Nhìn vào cuộc đời các môn đệ, ta bắt gặp được những tình cảm hết sức tự nhiên, rất thật của con người. Các môn đệ tiếc nuối đó, đau đớn đó nhưng rồi nhờ ơn Chúa Thánh Thần, nhờ Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu hứa sẽ gửi đến đã đồng hành, đã cùng hoạt động nơi các ông. Các môn đệ tưởng chừng như mất phương hướng, tưởng chừng như buông xuôi đó nhưng lại mãnh mẽ lên đường để loan tin mừng Phục Sinh cũng như loan tin rằng Chúa đã lên trời để gọi là dọn chỗ cho những ai muốn đi theo Ngài.

Biến cố lên trời thật sự là một biến cố mất mát dưới cái nhìn của trần gian, dưới cái nhìn của tình cảm con người nhưng việc Chúa Giêsu lên Trời “có lợi hơn cho anh em” như Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ. Hẳn nhiên không ở lại mãi ở dưới đất với các môn đệ được. Và nếu cứ ở mãi dưới cái cõi nhân gian này thì cũng chẳng có gì để bàn, để nói cả.

Đọc và suy mầu nhiệm thứ hai trong mầu nhiệm Mân Côi mùa Mừng như thế này : Thứ hai thì gẫm Đức Chúa Giêsu lên Trời, ta hãy xin ái mộ những sự trên Trời ! Lời gẫm, lời xin ấy xem ra đơn giản nhưng thật sự là khó bởi lẽ ái mộ thì ai cũng có thể ái mộ bằng lời nói, bằng cái miệng của mình nhưng để sống mầu nhiệm Nước Trời không phải là chuyện giản đơn.

Thật khó khi ta sống trong cái thân phận làm người mà Chúa lại mời gọi ta hướng lòng về Trời cao mà Trời cao đó chưa ai thấy, chưa ai nếm, chưa ai biết cả. Có chăng chỉ biết qua lời mà Thiên Chúa nói nơi Đức Giêsu là sứ giả của Thiên Chúa, là Con Một của Thiên Chúa mà thôi.

Lời của Chúa Giêsu, sứ mạng của Chúa Giêsu khép lại ở trần gian nhưng đã mở ra một cửa ngõ khác là cửa ngõ về trời. Như Chúa Giêsu đã hứa là Chúa đi và dọn chỗ cho chúng ta. Chính vì vậy, ta lại hoàn toàn tin tưởng và lại ngong ngóng hướng về Trời cao, nơi Chúa đã dọn sẵn cho mỗi người chúng ta.

Quả thật là khó khi ta sống trong cái thân xác này mà lại đòi hỏi lòng hướng về Trời. Quá khó để sống tâm tình đó vì lẽ trong ta mãi mãi có sự giằng co của sự thiện và sự ác, giằng co của cái bám víu vào thực tại trần gian và cái làm cho ta bay bổng lên cùng Thiên Chúa.

Ta thấy, như cánh diều biếc, càng nhẹ nhõm thì càng dễ vút lên trời. Ngược lại, con diều nặng nề sẽ không dễ dàng hay dù có lên trời đi chăng nữa cũng sẽ chòng chành và sẽ dễ rớt.

Nghĩ về con diều, nhớ về con diều để ta nhìn đến phận người của chúng ta. Cuộc đời của chúng ta cũng như những cánh diều biếc như vậy. Càng nhẹ nhõm, càng thanh thoát thì ta càng dễ đến gần Chúa và ở bên Chúa hơn.

Nhìn vào cuộc sống, đôi khi ta mãi mê thế sự trần gian nhưng ta quên điều chắc chắn của đời người đó chính là ai ai trong chúng ta không thể nào thoát ra khỏi cái chết. Chính cái chết đã bắt buộc ta phải bỏ lại những cái gì mà ta từng trân quý, ta từng ấp ủ trong đời, ngay cả người mà ta gọi là cha, là mẹ, là vợ, là chồng, là con cái … những người thân thương. Yêu lắm, thương lắm, nhớ lắm nhưng buộc lòng ta phải để lại chứ không ai có thể mang theo được. Và, dù người còn lại có yêu ta cỡ nào đi chăng nữa cũng không thể nào đi theo ta hay níu kéo ta được.

Thực tế là ta phải khép cuộc đời ta ở trần gian này tùy theo thánh ý Chúa cho ta sống bao nhiêu năm trên trần gian. Khi ta khép cuộc đời ở trần gian này ta bước qua ngưỡng cửa khác, ngưỡng cửa mới đó chính là ngưỡng cửa Nước Trời.

Nước Trời thật ra cũng dễ vào nhưng cũng rất ư là khó vào bởi lẽ Chúa Giêsu đã hơn một lần nói cho ta biết là phải vào cửa hẹp mới vào được Nước Trời, phải bỏ của cải thế gian, phải làm tôi Thiên Chúa, phải đáp ứng được những đòi hỏi của Nước Trời.

Ngày hôm nay, mừng kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu lên Trời, ta không được dừng lại ở cái nhìn của trần gian, của con người xác thịt nhưng ta xin Chúa cho lòng ta hướng lên Trời thật sự. Lòng hướng lên Trời thật sự khi và chỉ khi ta bỏ bớt những đam mê của trần gian, những quyến rũ của trần gian.

Vẫn là con người mong manh mỏng dòn và yếu đuối, chính vì thế ta lại càng cần xin ơn Chúa hơn nữa để ta bỏ đi những gì là dính bén vào đời ta làm cho ta nặng nề và khó siêu thoát. Xin Chúa thêm ơn cho ta để dù sống trong cuộc đời này nhưng lòng ta luôn hướng về Quê Trời nơi quê hương đích thực của mỗi người chúng ta.

Huệ Minh

Mục sư Rick Warren và sự Nhập cuộc của tín đồ tôn giáo.

Mục sư Rick Warren và sự Nhập cuộc của tín đồ tôn giáo.

Bài của  :  Đoàn Thanh Liêm

Tại nước Mỹ kể từ sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt, thì có nhiều vị mục sư nổi danh với ảnh hưởng rất lớn lôi cuốn được số đông quần chúng khắp nước Mỹ và cả ở ngoại quốc nữa. Trong số này, phải kể đến mục sư Billy Graham, mục sư Martin Luther King và mục sư Rick Warren.

Billy Graham sinh năm 1918 là một vị giảng thuyết lôi cuốn đến hàng trăm triệu người khắp nước Mỹ và cả trên thế giới. Luther King là vị lãnh đạo kiệt xuất của phong trào tranh đấu dân quyền  (civil rights movement) của người Mỹ gốc Phi châu trong các thập niên 1950-60. Rick Warren là một tác giả cuốn sách “The Purpose Driven Life” (Cuộc sống có mục đích) bán chạy nhất, đến trên 30 triệu cuốn trong vòng có 6-7 năm.

Trong bài này, tôi xin viết về mục sư Rick Warren là người trẻ tuổi nhất, sinh năm 1954 tại San Jose và là người sáng lập nhà thờ Saddleback Valley Community Church tọa lạc tại thành phố Lake Forest trong Quận Cam, miền Nam California liền sát với khu Little Saigon của người Việt chúng ta. Trong bài sau, tôi sẽ viết riêng về mục sư Billy Graham. Còn về mục sư Luther King, thì đã có quá nhiều người biết đến rồi, nên tôi thiết nghĩ khỏi cần viết gì thêm về ông nữa.

1 / Tóm lược tiểu sử của Rick Warren.

Rick Warren là con của một vị mục sư và chính bản thân ông cũng đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Cứu thế theo truyền thống của phái Tin Lành Southern Baptist. Ông tốt nghiệp bậc cử nhân tại California Baptist University ở Riverside, bậc cao học về Thần học tại Southwestern Baptist Theological Seminary ở Fort Worth, Texas và bậc tiến sĩ về mục vụ tại Fuller Theological Seminary ở Pasadena, California.

Ông thừa nhận mục sư Billy Graham, giáo sư Peter Drucker và mục sư Jimmy Warren người cha của ông là những vị trong số những cố vấn đáng tin cậy nhất của mình (mentor).

Năm 1975, sau khi được truyền chức mục sư, Rick Warren làm lễ thành hôn với Kay Lewis sinh trưởng ở San Diego trong một gia đình có người cha cũng là một vị mục sư. Hai ông bà có 3 người con hiện đều đã trưởng thành và 4 cháu nội ngoại. Cả hai người cùng hợp tác trong việc truyền đạo và phát triển cộng đoàn tín hữu từ con số vài trăm người lúc mới thành lập tại Saddeback trong thành phố Lake Forest vào năm 1980 lên đến con số trên 20,000 tín hữu vào năm 2005. Với số tín đồ thường xuyên tham dự thánh lễ và các sinh họat rất đa dạng hàng tuần đông đảo như vậy, Saddleback Valley Community Church đã trở thành một “Megachurch” đứng hàng thứ 8 trong số trên 1,200 “đại giáo đoàn” của toàn nước Mỹ hiện nay. Megachurch là một hiện tượng tiêu biểu cho phong trào phát triển tôn giáo rất mạnh mẽ, lôi cuốn được hàng triệu tín đồ của các giáo hội Tin lành trong vòng 50 năm qua tại nước Mỹ và cả tại Đại Hàn.

Song song với việc phát triển cơ sở mục vụ này, Rick còn đóng góp rất tích cực vào việc đào tạo, hướng dẫn cho trên 400,000 mục sư và giới chức lãnh đạo hội thánh trên toàn thế giới, dựa theo tinh thần đã được phác họa trong cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1995, được bán rất chạy, với nhan đề là “The Purpose Driven Church”.

Rick Warren lại còn nổi danh hơn nữa với cuốn sách được xếp vào loại bán chạy nhất (bestseller), mà hiện đã lên đến 30 triệu cuốn, đó là cuốn sách có nhan đề “The Purpose Driven Life”. Người viết sẽ giới thiệu chi tiết hơn về hai cuốn sách này trong một dịp khác.

Với số lợi tức thu nhập thật lớn lao do việc bán sách, vào năm 2005 Rick Warren đã hoàn lại cho nhà thờ toàn bộ số lương bổng  ông nhận được trong 25 năm với cương vị một mục sư. Và còn hơn thế nữa, ông tiếp tục đóng góp cho nhà thờ 90% số lợi tức thâu nhập của mình, thay vì số 10% mà người tín đồ thường đóng góp vào công quỹ của hội thánh, được gọi là “tithe” (thập phân).Và ông bà tiếp tục sống thanh đạm trong căn nhà nhỏ bé, với cái xe cũ kỹ, chứ không hề có một biểu hiện xa hoa nào của một gia đình triệu phú thường tình.

Nhưng điều đáng ghi nhận hơn cả về vị mục sư danh tiếng này, chính là việc ông đã tổ chức cho các tín đồ và các bạn hữu thân tín của mình tham gia dấn thân nhập cuộc với các dự án hết sức lớn lao về xã hội, y tế, giáo dục và phát triển có tầm vóc toàn cầu. Ta sẽ xem xét công việc này trong các mục tiếp theo đây.

2 / Sự gắn bó với Phi châu : Khởi sự ở Rwanda.

Sau mấy năm chuẩn bị, Rick Warren đã bắt đầu một loạt chương trình hành động của “đại giáo đoàn Saddenback” được mệnh danh là PEACE plan tại nước Rwanda là nơi có cuộc diệt chủng kinh hoàng vào năm 1994, tàn sát đến gấn một triệu sinh mạng trong một quốc gia với dân số chỉ có 9 triệu người. Chữ PEACE này ngoài ý nghĩa là Hòa bình, lại chính là chữ viết tắt của khẩu hiệu gồm 5 mục : Promote Reconciliation, Equip servant-leaders, Assist the poor, Care for the sick, Educate the next generation (Phát triển công cuộc Hòa giải, Trang bị cho người lãnh đạo-phục vụ, Giúp đỡ người nghèo khó, Chăm sóc người bệnh tật, Giáo dục thế hệ tương lai).

Vào năm 2005, tức là 11 năm sau vụ diệt chủng, Rwanda vẫn còn là một quốc gia vào loại nghèo nhất trên thế giới với 90% dân chúng có thu nhập chưa tới 2 dollars mỗi ngày. Ngay từ lúc đặt chân tới đây, Warren liền phát động ngay một chương trình hành động cấp thời gồm nhiều phương diện y tế, xã hội, giáo dục và nhất là cả kinh tế. Ông dẫn các giám đốc xí nghiệp, các doanh gia từ trong số các thành viên của cộng đoàn Saddenback đến tiếp súc và làm việc với giới doanh nghiệp và nhân viên chánh phủ Rwanda để tìm cách xây dựng nền kinh tế của xứ sở này. Họ chú trọng vào công việc đào tạo huấn luyện cho các nhà doanh nghiệp nhỏ tại các làng quê hẻo lánh, cho đến cả việc yểm trợ các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở rất lớn lên đến nhiều triệu dollar. Điển hình như  dự án xây dựng đường sắt dài 720 miles nối liền Rwanda với Tanzania và Burundi, chi phí lên đến 2.5 tỷ mỹ kim vừa do 3 nước đó ký kết vào tháng Tư năm 2009.

Rick Warren rõ ràng là có tầm nhìn xa và có uy tín để kết hợp được cả giới lãnh đạo chánh quyền, giới doanh nghiệp tư nhân, cũng như giới lãnh đạo tôn giáo ở hạ tầng cơ sở tại những xóm làng hẻo lành, để cùng nhau thực hiện được rất nhiều dự án cụ thể về y tế đại chúng, từ việc lo chăm sóc cho hàng vạn người mắc bệnh HIV/AIDS, cho bao nhiêu trẻ mồ côi cha mẹ đã chết vì căn bệnh hiểm nghèo này, cho đến việc cấp vốn cho các gia đình nghèo túng để giúp họ phương tiện tự lực mưu sinh, để khỏi phải lệ thuộc mãi vào sự bố thí của người khác.

Phái đòan do Rick Warren hướng dẫn đã được chính Tổng thống Rwanda là Paul Kagame và tòan thể chánh phủ tín nhiệm và hợp tác rất chặt chẽ; nhờ vậy mà sau mấy năm làm việc chung với nhau, thì quốc gia này đã gặt hái được những thành quả rất đáng khích lệ về nhiều mặt kinh tế, xã hội cũng như văn hóa, ngọai giao.

3 / Quần chúng tín đồ các tôn giáo là một nguồn tiềm năng vô biên.

Trong nhiều dịp được mời tham gia các diễn đàn quốc tế như ở New York, Washington DC, ở Davos Thụy sĩ v.v…, Rick Warren đã luôn luôn trình bày rất thẳng thắn đại để như thế này :  “Trên thế giới ngày nay, chúng ta có đến trên 2 tỷ người tín đồ Thiên chúa giáo gồm Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo, trên 1.5 tỷ người tín đồ Ấn độ giáo và Phật giáo và trên 1 tỷ người tín đồ Hồi giáo. Khối quần chúng tín đồ lớn lao như thế đó là một nguồn tài nguyên vô biên, mà cho đến nay chưa được mấy ai trong các tổ chức quốc tế chú trọng đúng mức để động viên thuyết phục họ cùng bắt tay dấn thân vào việc giải quyết những khó khăn bế tắc trầm trọng có tầm vóc tòan cầu. Riêng cá nhân tôi là một mục sư Thiên chúa giáo, thì với khả năng hạn hẹp của mình, tôi đã cùng với các tín đồ của nhà thờ Saddenback phát động kế hoạch PEACE để góp phần vào công cuộc phục vụ bà con đang gặp khó khăn ở nhiều nơi, cụ thể như ở Rwanda. Và tôi cũng ước mong quý vị tất cả nên chú ý đến cái khối tiềm năng vĩ đại này, hầu đề ra được những giải pháp tốt đẹp cho thế giới chúng ta đang gặp bao nhiêu bế tắc khủng hỏang ngày nay…”

Dịp khác, ông còn gợi ra hình ảnh tôn giáo là cái chân thứ ba để cùng hợp với khu vực nhà nước và khu vực tư nhân để tạo được thế đứng vững chắc cho tòan bộ chiếc ghế của thế giới ngày nay. Với uy tín sẵn có, Warren có dịp thường xuyên trao đổi và hợp tác với các nhân vật có tầm vóc họat động rộng rãi tòan cầu, điển hình như cựu Tổng thống Bill Clinton, cựu Thủ tướng Tony Blair …

Trong mùa tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008, Warren đã mời được cả hai ứng cử viên John McCain và Barak Obama cùng đến Saddenback để trình bày với cử tri về lập trường của mỗi người trước những vấn đề hệ trọng của đất nước. Và mục sư Warren lại còn được mời đọc lời kinh cầu nguyện trong buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Obama tại thủ đô Washington vào đầu năm 2009.

Tạp chí US News and World Report xếp hạng Rick Warren là một trong “25 vị lãnh đạo hàng đầu của nước Mỹ” vào năm 2005. Tạp chí Time thì gọi ông là một trong “15 nhà lãnh đạo thế giới đáng kể nhất trong năm 2004” và cũng là một trong “100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới” vào năm 2005. Còn báo Newsweek trong năm 2006, thì gọi ông là một trong “15 nhân vật đã làm cho nước Mỹ trở thành vĩ đại”.

Tuy được tung hô khen tặng như vậy, Warren vẫn luôn giữ được sự khiêm cung đạo hạnh của một tu sĩ. Ông thường xuyên cầu nguyện và bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào sự dẫn dắt của Thiên chúa trên bước đường phục vụ tha nhân. Niềm xác tín và lòng nhiệt thành của ông đối với sứ mệnh rao giảng lời Chúa như vậy đã lôi cuốn, thuyết phục được hàng triệu tín đồ cũng như các mục sư khác cùng nhau dấn thân nhập cuộc vào những chương trình cụ thể, thiết thực nhằm chống lại nạn nghèo đói và bệnh tật, mở mang về giáo dục cho lớp người bị gạt ra ngòai lề xã hội và bảo vệ môi sinh trên phạm vi tòan cầu.

Tư tưởng cũng như hành động của mục sư Rick Warren quả thật là rất gần gũi với lập trường của Hội đồng Giám mục Công giáo Châu Mỹ La tinh (CELAM) đã được xác định từ lâu, đó là “Sự Chọn lựa của Giáo hội đối với Người Nghèo khổ” ( Church’s Option for the Poor) vậy./

California đầu tháng Mười 2010

Đòan Thanh Liêm

VÀO ĐỜI ĐỂ VỀ TRỜI

VÀO ĐỜI ĐỂ VỀ TRỜI

Trầm Thiên Thu

Ai cũng muốn “về trời”, nhưng không phải ai cũng thật lòng muốn “vào đời.”  Phải thực sự can đảm mới đủ sức dấn thân vào đời, vì trách nhiệm nhiều mà đau khổ cũng chẳng ít.  Nhưng phải VÀO ĐỜI rồi mới có thể VỀ TRỜI với Đức Giêsu Kitô.  Chính Ngài cũng đã vào đời và chịu nhiều đau khổ, thậm chí còn phải chết trên Thập Giá.

Là những người đi theo Ngài, chúng ta cũng không thể đi lối tắt hoặc đường khác mà về trời.  Chắc chắn như thế!  Thật vậy, trước khi Chúa Giêsu về trời, Ngài bảo chúng ta phải vào đời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).  Tuy nhiên, chúng ta không lẻ loi hoặc đơn độc, vì Ngài hứa chắc: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).  Hơn nữa, chính Đấng Bảo Trợ là Thần Chân Lý sẽ dạy chúng ta những điều phải làm (x. Ga 14:26).  Cứ an tâm mà vào đời!

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã dạy bảo các Tông Đồ mà Ngài đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần.  Ngài còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Ngài vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình.  Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, điều mà họ đã nghe Ngài nói tới, đó là: “Ông Gioan làm phép rửa bằng nước, còn họ sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1:5).

Đã có những người “vô tư” hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” Nhưng Ngài đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:7-8).  Thời đó, người ta cứ tưởng Chúa Giêsu là một chính trị gia có thể đảo chính để cướp chính quyền mà khôi phục quốc gia Ít-ra-en.  Nhưng ai cũng lầm, vì có lần Ngài đã xác định trước mặt tổng trấn Phi-la-tô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36).

Sau 40 ngày sống lại, Chúa Giêsu căn dặn xong, Ngài được cất lên ngay trước mặt các tông đồ, và rồi có đám mây quyện lấy Ngài, khiến họ không còn thấy Người nữa.  Đang lúc các ông còn đăm đăm ngước lên trời, nhìn theo phía Ngài đi, bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời?  Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1:11).

Lên trời là một hiện tượng vô cùng lạ, các ông ngạc nhiên là điều tất yếu.  Lên trời ở đây là “về trời” chứ không phải lên trời du lịch một thời gian, cũng chẳng phải như Chú Cuội bám gốc đa bay lên cung trăng, hoặc như Táo quân cưỡi cá chép bay lên trời.  Đó chỉ là huyền thoại.  Lại càng không phải như các phi hành gia bay lên cung trăng bằng phi thuyền.  Đó chỉ là dạng lên trời không chính thức, họ lên trời nhưng không thể sống được nếu không có bình dưỡng khí.  Phải trở lại đất cho nhanh, kẻo hết dưỡng khí là chết.  Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác định với ông Ni-cô-đê-mô: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3:13).

Chúa Giêsu lên trời là sự kiện vô cùng kỳ lạ.  Các ông đã từng ngơ ngẩn khi thấy Thầy Giêsu bị người ta giết chết, tưởng thế là hết, nào ngờ Thầy phục sinh.  Hạnh phúc tràn ngập.  Nay các ông lại càng ngơ ngẩn hơn vì Thầy đi rồi, còn lâu Thầy mới trở lại, tiếc hùi hụi, nhớ ngẩn ngơ, nhưng chắc chắn các ông phải vào đời.  Và mỗi chúng ta ngày nay cũng vậy, ai cũng phải vào đời để hy vọng và mong chờ ngày về trời.

Cuộc chia tay nào cũng có phần lưu luyến, thường buồn hơn vui, nhưng khi Chúa Giêsu chia tay lại không buồn vời vợi mà lại tràn đầy niềm hy vọng.  Ngài về trời là dấu chỉ cho biết chắc chắn chúng ta cũng được về trời.  Vậy là vui chứ không buồn.  Tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi!  Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo!  Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu” (Tv 47:2-3).

Chúa Giêsu thăng thiên, Ngài về trời, nơi Ngài đã xuất phát, chúng ta vui mừng khôn tả, tác giả Thánh Vịnh mô tả là “rộn rã tiếng hò reo, vang dội tiếng tù và, đàn ca kính mừng Ngài.”  Nhưng cuộc sống đôi khi không êm đềm như thảm lụa, nên chúng ta luôn phải tiếp tục động viên nhau: “Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu, hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.  Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân, Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả” (Tv 47:8-9).

Trước khi về trời, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).  Đó không chỉ là lời căn dặn, là lời người ra đi, mà còn là mệnh lệnh – tức là điều phải thực hiện bằng mọi giá.  Ngài vừa hứa hẹn vừa cảnh báo: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16:16).  Đó là hệ lụy tất yếu chứ không là sự hù dọa.

Đức tin rất quan trọng, tạo nên sức mạnh vô song, tạo nên điều kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của loài người.  Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác nhận: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.  Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc cũng chẳng sao.  Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16:17-18).  Thực tế cũng đã và đang có những người làm được như vậy, đó là tặng phẩm mà Thiên Chúa trao cho ai thì người đó phải biết sử dụng hợp lý.  Ai cũng có một tặng phẩm, người được tặng phẩm này, kẻ được tặng phẩm khác, có người được hai hoặc ba tặng phẩm, cũng như kẻ được một nén, ba nén, năm nén, nhưng dù nhiều hay ít cũng chỉ là để làm sáng danh Thiên Chúa, chứ không phải để cậy mình hoặc nhắm tư lợi nào đó.

Thánh sử Mác-cô cho biết: “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.  Còn các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16:19-20).  Rõ ràng, Chúa Giêsu về trời rồi thì các ông đã vào đời, làm chứng về Đức Giêsu Kitô “ba-trong-một”, với ba sự kiện: Chịu chết trên Thập Giá, phục sinh và lên trời.

Vào đời như thế nào?  Thánh Phaolô cho biết về phong cách vào đời: “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người.  Được ơn làm ngôn sứ thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin.  Được ơn phục vụ thì phải phục vụ.  Ai dạy bảo thì cứ dạy bảo.  Ai khuyên răn thì cứ khuyên răn.  Ai phân phát thì phải chân thành.  Ai chủ toạ thì phải có nhiệt tâm.  Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12:6-8).  Mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi hoàn cảnh và trình độ khác nhau, mỗi người là một các chi thể khác nhau nhưng vẫn chung một Nhiệm Thể Đức Kitô.  Tất cả các chi thể phải đồng tâm nhất trí, cùng hợp lại để phát triển Nhiệm Thể Thánh.

Thánh Phaolô nói thêm về phong cách vào đời: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ.  Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.  Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.  Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12:9-13).  Được vậy thì thật hạnh phúc cho chúng ta, và Thiên Chúa cũng vui mừng vì Ngài được tôn vinh nơi chính mỗi người chúng ta.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết “ái mộ những sự trên trời” bằng cách sống nhân bản, nên hoàn thiện hàng ngày, chứng tỏ sự sống dồi dào của Đức Kitô qua việc thể hiện lòng thương xót với mọi người, nhất là đối với những người hèn mọn.  Xin Đức Maria và Đức Thánh Giuse hướng dẫn chúng con biết đi đúng lối về trời và đưa chúng con đến đích thật.  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Trầm Thiên Thu

CHỨNG TỪ VÀ VIỆC RAO GIẢNG

CHỨNG TỪ VÀ VIỆC RAO GIẢNG

Cha Mark Link, S.J.

Một vị tuyên uý quân đội người Mỹ vừa giảng một bài cho các binh sĩ Mỹ trong một thánh lễ tại một giáo đường ở Châu Âu.  Chủ đề của bài giảng là: “Hãy tự hào về đức tin công giáo của bạn; Đừng xấu hổ khi phải công khai tuyên xưng nó.

Sau thánh lễ, một lính thủy do rất xúc động vì bài giảng đã chận vị tuyên uý ngay trước cửa giáo đường và hỏi; “Thưa cha, cha có bằng lòng nghe con xưng tội không?”  Vị tuyên uý trả lời: “Tôi rất sung sướng được nghe anh xưng tội.”  Thế là chàng lính thủy quì ngay xuống lối đi bên cạnh ngay trước giáo đường.  Vị tuyên uý vội nói; “Đừng quì gối kẻo thiên hạ nhìn kìa!”  Chàng lính thủy đáp lại: “Kệ họ, thưa cha, cứ để họ nhìn, con hãnh diện về đức tin của con.”

*********************************

Tinh thần làm chứng nhân của anh lính thủy quả là hơi “quá” nhiệt tình, nhưng chắc chắn anh đã có một ý nghĩ đúng đắn.  Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Chúa Giêsu bảo các môn đệ “Các ngươi sẽ làm chứng cho Ta đến tận cùng trái đất.”  Lệnh truyền của Chúa Giêsu bao hàm tất cả chúng ta, qua Bí Tích Rửa tội, Thêm sức, tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.  Nhưng Bí tích Rửa tội và Thêm sức còn đòi hỏi chúng ta đi xa hơn, chúng yêu cầu chúng ta nhiều hơn nữa.  Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Hãy công bố Tin Mừng cho mọi tạo vật.”  Đó cũng là điều mà tất cả chúng ta phải thi hành.

Việc công bố Tin Mừng về Chúa Giêsu không dành riêng cho các linh mục hay các tu sĩ.  Đó là bổn phận mà tất cả chúng ta đều phải thực hiện sau khi đã nhận lãnh phép Rửa tội và Thêm sức.  Điều này gợi lên một vấn nạn: Một người trung bình có thể rao giảng như thế nào về Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay?

Tôi xin chia sẻ với quí vị câu chuyện nói về cách thế mà một người đã dùng để trả lời cho câu hỏi ấy.

Ruddell Norris là một chàng trai cần mẫn.  Chỉ tội chàng ta nhút nhát.  Nói chuyện với kẻ khác chàng đã thấy là khó khăn rồi, huống chi phải bàn chuyện tôn giáo với họ.  Thế rồi một ngày kia chàng nảy ra một ý kiến.  Ruddell đọc sách khá nhiều và chàng biết có nhiều cuốn sách nói về đức tin công giáo.  Vì vậy chàng quyết định dành riêng một phần tiền tiết kiệm hàng tuần để mua những cuốn sách ấy.  Ruddel để những cuốn sách ấy ở những nơi mà chàng nghĩ người ta thường cầm chúng lên đọc.  Chẳng hạn, ở những phòng chờ đợi và tiếp khách.

Một hôm, một thiếu phụ vốn là bạn của gia đình chàng kể cho cha mẹ chàng biết cô ấy đã trở lại đạo thế nào và chồng cô đã trở về với Giáo hội thế nào.  Cô nói: “Tất cả bắt đầu do một quyển sách nhỏ mà tôi đã tìm thấy tại phòng chờ đợi ở bệnh viện.”  Anh chị em có thể tưởng tượng được chàng trai đã phấn khởi biết bao khi biết được tầm ảnh hưỏng mà chỉ một trong những tập sách nhỏ của chàng đã tạo ra.

*********************************

Câu chuyện của Ruddell Morris nhấn mạnh một điều quan trọng trong việc công bố Tin Mừng:  Có nhiều cách để công bố Tin Mừng.  Chúng ta có thể công bố một cách trực tiếp như Ruddell đã làm.  Hoặc “công bố” một cách gián tiếp, chẳng hạn bằng lời cầu nguyện hoặc giúp đỡ tài chính cho các hoạt động truyền giáo của Giáo hội.

Lễ Thăng Thiên là một trong những lễ quan trọng nhất của toàn năm phụng vụ.  Đó chính là lý do khiến chúng ta mừng lễ Thăng Thiên với hình ảnh chuyền gậy từ vận động viên này tới vận động viên khác trong một số cuộc chạy đua tiếp sức.

Cũng ngay này, cách đây hơn 2000 năm, Đức Giêsu đã chuyền chiếc gậy tượng trưng công việc của Ngài cho các môn đệ để các môn đệ tiếp tục chuyền đi.  Chúng ta có thể tiếp tục công việc ấy bằng cách làm chứng cho đức tin của mình như anh lính thủy kia đã làm và công bố đức tin ấy cho kẻ khác như Ruddell đã làm.  Đây là một trách nhiệm hai mặt mà lễ Thăng Thiên đặt ra cho chúng ta.  Mỗi người chúng ta phải chu toàn trách nhiệm này theo cách thức mà Chúa Thánh Thần linh ứng cho từng người.

Để kết thúc, chúng ta hãy nhắc lại những lời Đức Giêsu truyền dạy cho các môn đệ Ngài trong bài giảng trên núi.  Chúng có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta trong ánh sáng của ngày lễ hôm nay.

Các con là muối ướp cho mọi người, nếu muối nhạt, thì chẳng còn cách gì làm cho nó mặn lại được, nó trở thành vô dụng, chỉ còn nước ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.

Các con là ánh sáng cho toàn thế giới, là một thành phố xây trên một ngọn đồi nên không thể giấu được….

Cũng thế, ánh sáng các con phải sáng lên trước mặt thiên hạ để họ nhìn xem những việc thiện các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5: 13-16)

Cha Mark Link, S.J.

http://www.nguoitinhuu.org

MẸ LÀ TẤT CẢ CỦA ĐỜI CHÚNG CON

MẸ LÀ TẤT CẢ CỦA ĐỜI CHÚNG CON

(Tháng Hoa Đức Mẹ)

Tuyết Mai

Khuyên tất cả mọi người con cái Chúa sống ở trên Trần Gian luôn bám rịt vào Mẹ Maria của mình không rời nửa bước vì ai cũng hiểu biết rằng Mẹ chẳng bao giờ bỏ ai mà không là tìm cách để cho người con hư hỏng ấy có cơ hội trở về cùng Chúa, Mẹ.   Thưa nhất là trong thời buổi mà lương tri của con người hầu hết bị ma quỷ chúng làm cho đui mù qua những hưởng thụ làm chết mất linh hồn, qua những đam mê dần giết thân xác đẹp đẽ Chúa tác thành tức là Đền Thờ của Thiên Chúa.

Ở đời có những cái khó khăn mà chúng ta phải cố gắng tìm kiếm và học hỏi suốt cả cuộc đời, kiên trì và cương quyết không ngừng nghỉ, cố làm cho bằng được để sống được với đời … Thì lẽ nào chúng ta lại làm biếng không đến cùng Mẹ rất dấu yêu của chúng ta nói một lời cảm ơn, hỏi thăm nói chuyện tâm sự cùng Mẹ hoặc giãi bầy những khó khăn trong ngày gặp phải.

Thì lẽ nào chúng ta lại coi thường linh hồn sống đời của chúng ta mà không biết có sự chuẩn bị hành trang để cuối đời linh hồn của chúng ta nó khát khao muốn được đến Lâu Đài hạnh phúc Nơi có Chúa Mẹ ban cho hết thảy chúng ta cuộc sống hoan lạc viên mãn.   Một Nơi không còn tham, sân, si hay không còn sinh, bệnh, lão, tử.

Dễ dàng để được Đức Mẹ Maria thương yêu, canh giữ xác hồn, an ủi và giúp chúng ta xa tránh được mọi sự cám dỗ trên trần đời mà không ai không biết ấy là siêng năng lần chuỗi Mân Côi … Là sợi dây liên lạc nhanh chóng nhất khi chúng ta cần đến Mẹ.   Là giây điện thoại trực tiếp chuyển đến Mẹ những lời khẩn cầu, nguyện xin, và cảm ơn Mẹ đã hằng cứu giúp con cái Mẹ khỏi mọi sự dữ, sự tối tăm của kẻ thù luôn bủa giăng.

Chúng con nguyện dâng lên Mẹ Maria tất cả tấm chân tình và hương hoa lòng của chúng con.   Xin giúp chúng con hãy siêng năng tìm đến Mẹ luôn vì chỉ có Mẹ mới có thể giúp chúng con đến gần với Chúa ngày một hơn.   Thay đổi chúng con từ trong ra ngoài và chỉ duy nhất có Mẹ mới có thể cản ngăn được lằn roi cùng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Cha giáng trên người tội lỗi của chúng con.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ nhân ái, Mẹ hiển vinh! Mẹ chính là Nữ Vương, là Trạng Sư, là Mẹ con.   Con dâng Mẹ đây tâm hồn, đây trí khôn.   Cả dĩ vãng, cả hiện tại, tới tương lai.   Đức thiện toàn con cương quyết gắng đi tới.   Cúi xin Mẹ là gương mẫu của đời con  … Amen.

** Xin bấm vào mã số để nghe và hát:
https://www.youtube.com/watch?v=dYhH7HMzaJU

(Chào Đức Nữ Đồng Trinh Maria)

Y Tá của Chúa,
Tuyết Mai
05-11-15

———————————————–

** Chào Đức Nữ Đồng Trinh Maria! **
(Thơ và nhạc của Tuyết Mai)

Mẹ Maria ơi!
Trên Kiệu Mẹ thấy những gì?
Hãy tỏ cho chúng con vui!
Hãy cười cho chúng con vui!

Chung quanh Mẹ là những người con hiếu thảo,
Lặn lội phương xa gồng gánh một ước nguyện,
Đến với Mẹ để cùng chung dâng câu ca tiếng hát,
Để cùng chung dâng lời nguyện kinh.
Chung quanh Mẹ là những đàn con khao khát,
Ước mong tìm bình an Chúa Con Mẹ ban,
Qua lời cầu bầu thật thiết tha của Mẹ,
Chúa sẽ nghe lời vì Mẹ thật dấu yêu.

Ai, ai trong chúng con không yêu mến Mẹ!?
Ai, ai trong vũ trụ không nghiêng mình cung nghinh?
Ai, ai trong mọi giống loài không bái lậy Mẹ?
Ai, ai trong hỏa lò không run giùng khi Mẹ hiển dung?
Có phải vì Mẹ là Mẹ Chúa Trời?
Có phải vì Mẹ là Nữ Tử của Thiên Chúa Cha?
Có phải vì Mẹ là Mẹ của Giáo Hội?
Có phải vì Mẹ là Nữ Hoàng Của Muôn Loài?

Ôi, chúng con bao thế kỷ luôn Tri Ân Mẹ!
Nhờ Mẹ mà Chúa Cha phải dằn cơn thịnh nộ,
Nhờ Mẹ mà chúng con luôn được an ủi đỡ nâng,
Nhờ Mẹ mà con cái Mẹ không hư mất?
Mẹ ơi! Còn lời nào có thể ca tụng Mẹ cho đủ?
Còn lời nào khẩn thiết cho bằng,
Là chúng con luôn cần đến Mẹ,
Như đàn gà con luôn được Mẹ ủ ấp,
Trong đôi cánh yêu thương trìu mến của Mẹ.

Mẹ ơi! Mẹ có thấy những đóa hoa muôn mầu sắc thắm?
Là những mùi hương riêng biệt của tấm lòng chúng con,
Là những gì chúng con gặt hái,
Là một chút quà mọn chúng con dâng.
Như đứa con thảo luôn hướng về Mẹ,
Như đứa con mong được Mẹ chở che,
Như đứa con hoang luôn thích rời xa Chúa và Mẹ,
Như đứa con nhọc nhằn trôi nổi lắm mồ hôi.
Như đứa con lao đảo vì cuộc đời,
Rày đây mai đó chẳng lúc nào được yên,
Vì cuộc đời ngày ngày là nỗi thống khổ,
Của mất mát của chua cay của đắng đót.

Dù cuộc đời là lo toan là trách nhiệm,
Dù cuộc đời là vất vả với cơm bánh,
Dù cuộc đời là sóng xô đưa đẩy,
Dù cuộc đòi là trắc trở của bể dâu.
Nhưng có Mẹ chúng con tin vào cuộc đời,
Luôn có Mẹ sát cánh,
Lùa chúng con về đôi cánh của Mẹ,
Để được bình an bên Mẹ suốt một đời.

Chúng con vui mừng khôn tả,
Vì không gì vui sướng cho bằng,
Nhìn ngắm Mẹ trên kiệu đầy hoa muôn sắc,
Mẹ đẹp tuyệt trần nên cả vũ trụ,
Muôn loài hạnh phúc được chiêm ngắm,
Vẻ đẹp dịu hiền toát ra mọi nhân đức của Mẹ.

Không một ai trên đời có thể,
Sánh ví cho bằng Mẹ Maria,
Mẹ của toàn nhân loại trên địa cầu,
Có được vẻ đẹp do Thiên Chúa Cha,
Tác tạo dựng nên Mẹ từ muôn thuở muôn đời.
Quả tuyệt diệu thay!
Hạnh phúc cho nhân loại chúng con lắm thay!

Mẹ Maria ơi!
Trong ngày Thánh Mẫu Mẹ sẽ chờ đợi những gì?
Có thể cho chúng con hay!?

*** Để cảm tạ, ngợi khen, và tôn vinh Thiên Chúa là Cha chung của tất cả chúng ta, tôi chân thành mời anh chị em hãy dùng những bài hát của tôi để hát, đem đến tận phương trời xa, để làm Sáng Danh Thiên Chúa.

Đức Giáo hoàng: Hãy mang chính trị vào các giáo xứ

Đức Giáo hoàng: Hãy mang chính trị vào các giáo xứ

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-05-10

Audio: Đức Giáo hoàng: Hãy mang chính trị vào các giáo xứ Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

000_Hkg8382406.jpg

Bức chân dung Giáo Hoàng Francis tại cổng chính của một nhà thờ ở Hà Nội hôm 15/3/2013

AFP photo

Your browser does not support the audio element.

Trong một lần trả lời về việc dấn thân của người tu sĩ trong giáo hội, Đức Giáo hoàng Phan Xi Cô nói rằng “Nếu Chúa gọi anh chị em trên con đường này thì xin anh chị em lên đường, hãy làm chính trị dù con đường này có thể làm anh chị em đau khổ”.

Giáo hội Công giáo Việt Nam đã đem giáo huấn của Đức Giáo Hoàng vào đời sống như thế nào và liệu câu hỏi người tu sĩ không nên làm chính trị có còn đứng vững hay không? Mặc Lâm phỏng vấn linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.

Mặc Lâm: Thưa Linh mục, xin ông cho biết giáo huấn của Đức Giáo Hoàng về việc dấn thân trong đời sống chính trị có được áp dụng vào mục vụ của giáo hội Công giáo Việt Nam hay không và các tu sĩ thực hiện giáo huấn này cụ thể như thế nào?

LM Lê Ngọc Thanh: Về mặt giáo huấn chung của Giáo hội tôi xin được nói cái giáo huấn gần nhất của giáo hội đó là thông điệp “Niềm vui tin mừng” của Đức Giáo hoàng Phan xi cô vừa ban hành cách đây hơn một năm. Trong chương IV ngài nói rất rõ những việc phải dấn thân trong xã hội. Ngài chỉ ra hàng loại những vấn đề rất cụ thể và ngài bảo rằng tôi muốn một giáo hội lem luốc trên đường phố với người nghèo hơn là ẩn mình trong sự an toàn giả tạo. Và ngài bảo rằng cần phải cơ cấu lại, không phải bài giảng đâu, mà cần thiết thì phải cơ cấu lại giáo xứ để làm sao đáp ứng được nhu cầu đó và ngài nhấn mạnh rằng việc phục vụ cộng đồng, xã hội trong tư cách là một chính trị gia của giáo dân nó là một việc bác ái cao cả hơn cả bởi vì nếu việc bác ái bình thường chỉ giúp được một hai người, còn một vị chính trị gia làm việc nghiêm túc, công minh thì sẽ giúp cả một cộng đồng xã hội hàng ngày cứu giúp giáo dân.

Mặc Lâm: Có phải vì thế mà nhiều bài giảng thuộc DCCT gần đây đã không ngại nêu bật những khiếm khuyết của xã hội lẫn chính quyền và trong một chừng mực nào đó đã gây cảm hứng mới cho giáo dân. Xin linh mục cho biết những bài giảng như thế có được sự đồng thuận từ giáo hội hay không?

LM Lê Ngọc Thanh: Trước tiên thì tôi phải khẳng định rằng là bài giảng nơi tòa giảng trong nhà thờ luôn xuất phát từ lời Chúa chứ không phải tùy ý do sở thích của một linh mục hay của một nhóm một cộng đoàn riêng lẻ  nào đó. Cái đó không thuộc phạm vi tự quyết của cá nhân một linh mục hay của một cộng đoàn như Dòng Chúa cứu thế mà đây là sứ điệp của Chúa trong hội thánh được công bố hàng tuần. Chúng tôi công bố lời Chúa vì chính lời Chúa xuất phát từ trong một cộng đồng xã hội cụ thể và quay lại áp dụng cho một cộng đồng cụ thể với những vấn đề mà chúng ta không thể im lặng, với những vấn đề chúng ta không thể cho qua.

Những vấn đề mà anh em DCCT thật ra không nằm ngoài lề giáo hội mà triển khai những vấn đề của giáo hội mà có thể nhiều cha xứ khác, ở nhiều nơi khác, vì lý do mục vụ cụ thể hoặc là vì sự đơn độc khi ở một mình có thể dễ dàng bị tấn công, bị trả thù nên các ngài khôn khéo hơn, cẩn thận hơn trong cách nói công khai trên tòa giảng. Nhưng có thể nói một điều chắc chắn như thế này là ở lúc gặp gỡ và chia sẻ với giáo dân tất cả các linh mục đều nói rõ về bản chất dấn thân cho xã hội của Giáo hội Công giáo mà không ngoại trừ DCCT.

Mặc Lâm: Phản ứng của giáo dân đối với giáo huấn mới của Đức Thánh Cha có tích cực lắm hay không trong bối cảnh o ép hiện nay tại Việt Nam và sau những bài giảng sống động trong nhà thờ giáo dân có phản ứng như thế nào?

LM Lê Ngọc Thanh: Tôi lấy kinh nghiệm ở Thái Hà ở Hà Nội và Đền Đức mẹ hằng cứu giúp ở Sài Gòn để chúng ta thấy.

” Ban đầu thì giáo dân hơi sợ hãi nhưng sau khi nghe giảng xong thì giáo dân nói với chúng tôi rằng chúng con chỉ sợ rằng là đang thánh lễ hay sau thánh lễ họ sẽ vô bắt các cha.
– LM Lê Ngọc Thanh”

Ban đầu thì giáo dân hơi sợ hãi nhưng sau khi nghe giảng xong thì giáo dân nói với chúng tôi rằng chúng con chỉ sợ rằng là đang thánh lễ hay sau thánh lễ họ sẽ vô bắt các cha. Ban đầu là như vậy nhưng dần dần họ thấy và nói với chúng tôi rằng đây là điều mà họ chỉ nghe được ở đây. Họ là những người thuộc nhiều giáo xứ khác cứ canh giờ lễ đó mà đến để được hiệp thông, cầu nguyện để được nghe giáo huấn.

Tôi thấy rằng ít nhất là vào buổi lễ Công Lý Hòa bình vào 8 giờ tối Chúa nhật cuối tháng, một thánh lễ quy tụ trên 3.000 người ở tại Sài Gòn và Hà Nội cũng vậy.

Có đến 80% người tham dự là những người biết rõ và họ chủ động tìm đến để được giáo huấn theo cách như vậy chứ không phải chỉ đi lễ như một giáo dân bình thường vào ngày Chúa Nhật.

Mặc Lâm: Xin linh mục cho biết những hoạt động dấn thân, những bài giảng thiết thực với đời sống rõ ràng là đụng đến vấn đề mà nhà nước cho là nhạy cảm. Chính quyền đã có những hành động nào để ngăn chặn hay cản trở hay không?

LM Lê Ngọc Thanh: Trước đây khi chúng tôi bắt đầu những chia sẻ như vậy với giáo dân thì họ dùng những tờ truyền đơn dán vào các cột điện, gốc cây trong khu vực nhà thờ. Họ rải trong sân nhà thờ, họ rải trong khu xóm, trong quán ăn để nói xấu và lên án các cha. Họ không dừng lại ở việc lên án về nội dung bài giảng, họ bắt đầu vu khống kể cả việc dựng đứng lên họ nói đó là đời sống vô đạo đức của các cha như vậy.

Riêng đối với nhà cầm quyền thì có một lần họ đã chất vấn về tính hợp pháp của website chúng tôi, còn về tòa giảng thì họ chỉ nói với cá nhân linh mục này, với cá nhân cha kia để gây sự chia rẻ trong nội bộ của anh em chúng tôi và cũng có dùng nhóm giáo dân này nhóm giáo dân kia chống lại nhau. Nhưng có thể nói rằng là những tác động giảm dần và đến bây giờ không còn tác động gì nữa cả.

Mặc Lâm: Xin cám ơn linh mục Lê Ngọc Thanh.

YÊU NHƯ THẦY YÊU

YÊU NHƯ THẦY YÊU

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

( Ga 15, 9-17)

Chúa nhật thứ VI Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta nhớ lại lệnh Chúa Giêsu truyền trước khi về Trời. Quả thật : nếu chúng ta muốn về Trời với Chúa như lời hứa “Thầy đi dọn chỗ cho các con” (Ga 14, 2), người kitô hữu cần phải vâng theo lệnh Chúa truyền là “các con hãy yêu mến nhau” (Ga 15, 12).

Tôi tự hỏi, phải chăng con người dùng những tình cảm tự nhiên để yêu như bạn bè yêu nhau, cha mẹ yêu thương con cái, đồng lớp đồng niên mến thương nhau, hay hai người nam nữ yêu nhau là chưa đủ hay là khác với tình yêu Chúa Giêsu đã yêu chúng ta sao mà Đức Giêsu còn dạy chúng ta phải : Yêu như Thầy đã yêu ?

Vậy, “yêu như Thầy đã yêu” là yêu như thế nào, có gì mới mẻ chăng ? Xem ra chữ “như” có chất chứa hy sinh khi yêu, có nét mới mẻ và đáng sợ, vì chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo. Thánh Augustinô viết : khi nói “yêu như Thầy đã yêu mến các con” là Chúa Giêsu nói đến tình yêu thí mạng : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 14, 13). Quả thật, chết vì bạn hữu là hành vi lớn nhất của tình yêu. Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “Các con là bạn hữu” (Ga 14, 14). Chúa đã yêu các môn đệ nói riêng và con người nói chung bằng tình yêu thí mạng. Nay Người đòi buộc các môn đệ, cụ thể là chúng ta phải yêu nhau như Chúa yêu. Tình yêu mà Chúa Giêsu yêu chúng ta phát xuất từ Chúa Cha : “Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu các con” (Ga 14, 9). Như vậy là có một nguồn suối tình yêu chảy tràn từ Chúa Cha đến Đức Giêsu, và tiếp tục chảy tràn xuống các môn đệ, dòng suối ấy không ngừng chảy trên chúng ta, nếu chúng ta giữ lại, tình yêu đó sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp, nên chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Vậy đâu là bằng chứng để chứng tỏ chúng ta yêu Chúa ? Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời, “Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người” (Ga 15, 10). Yêu như Thầy yêu là thế đấy.

Thánh Augustinô nói tiếp : “Yêu như Thầy đã yêu các con“, khác với lòng mến tự nhiêu thuần túy. Thánh Gioan Tông Đồ viết : “Thiên Chúa là Tình Yêu… hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa… Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4, 7 – 8). Gioan quả quyết : “Thiên Chúa đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta” (1 Ga 4, 10).

Chúng ta thấy, cuộc sống cần tình yêu, nhân loại cần tình yêu, mỗi người sống trong cuộc đời này đều cần tình yêu và rất cần tình yêu. Có thể nói, tình yêu là lẽ sống, là niềm hạnh phúc, là sự bình an của tất cả mọi người không trừ ai. Nên có bao nhiêu tiểu thuyết là có bấy nhiêu chuyện tình. Có bao nhiều phim truyện, tiểu phẩm, bài hát là bấy nhiêu cách diễn tả tình yêu. Người ta khai thác tình yêu trên mọi lĩnh vực : thơ ca, hò vè, quảng cáo.v.v…

Sống ở trên đời có trăm bẩy loại tình yêu, tôi xin tạm liệt kê. Chúng ta tự hỏi, tại sao cha mẹ lại yêu con cái và con cái lại yêu cha mẹ? Thưa là vì ông bà ấy là người sinh ra chúng, chúng là con của ông bà đó. Đây là tình yêu huyết tộc.

Ngày nay phú quí sinh lễ nghĩa, đó đây chúng ta gặp những buổi hội ngộ đồng niên, đồng lớp, đồng ngũ, đó là thứ tình đồng niên, bạn bè cùng lớp cùng tuổi mến thương nhau.

Một loại tình yêu lấn át mọi thứ tình yêu, khi nói đến người ta nghĩ ngay đến nó, nhất là những người trẻ, đó là tình yêu nam nữ. Đây là tình yêu đơn phương, vì con người yêu nhau. Tình yêu đôi lứa, tình yêu bạn bè, tình yêu đồng đội, tình yêu của anh chị em một nhà… tình yêu của cha mẹ với con cái. Tất cả những tình yêu đó đều cao đẹp, đều phù hợp ý Chúa.

Một thứ tình yêu cao thượng mà Chúa dạy chúng ta là tình yêu vì Chúa. Kinh Kính Mến chúng ta vẫn đọc : “…vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy“.  Như thế, tình yêu của chúng ta không còn giới hạn bởi huyết tộc, bạn bè quen biết, mà mở rộng tới hết mọi người, tôi yêu họ vì Chúa yêu tôi và truyền dạy tôi.

Chúng ta vẫn thường nghe nói: “gia đình là Giáo hội thu nhỏ”, thế nên, gia đình cũng phải mang lấy những đặc tính mà Chúa Giêsu muốn là: “yêu thương và hợp nhất, thực thi lời Chúa, cử hành phụng vụ và loan truyền tin mừng”.

Gia đình kia có một cô con gái, tính tình đào hoa, phóng khoáng. Sau lần tiếp bạn ngày đầu năm, mẹ cô nói với cô :  Này con, con yêu ai thì yêu, lấy anh nào thì lấy một thôi, chứ tết này mẹ thấy nhiều anh quá, bố mẹ chẳng biết anh nào là rể tương lai nữa. Cô trả lời : ồ, bố mẹ hay thật, Chúa chẳng dạy chúng ta là yêu hết mọi người sao ?

Chuyện khác : Có một chàng thanh niên, gõ cửa một nhà dòng để xin vào tu. Cha bề trên nhìn chàng, khẽ mỉm cười và hỏi:

Thế con đã yêu ai chưa? Chàng thanh niên đỏ mặt, ấp úng trả lời: Dạ thưa cha, chưa ạ.

Cha bề trên lại mỉn cười và bảo: Thế thì con hãy về, học yêu thương trước, rồi mới tới tu học sau.

Yêu thương là điều Chúa dạy, hơn nữa đó là lệnh truyền của Chúa : “Thầy truyền cho các con” ( Ga 14, 12 ), vì thế không ai có quyền từ chối yêu thương, càng không có quyền thù nghịch anh chị em mình. Có yêu nhau thật lòng, người ta mới có thể sống cho nhau, chết vì nhau. Thử tưởng tượng, một thế giới không có tình yêu, không ai yêu ai, thì thế giới sẽ kinh khủng biết chừng nào. Bởi đi tới đâu, ta cũng chỉ thấy thù hận, bạo động, diệt chủng… Hãy yêu thương, hãy trao tặng cho nhau tình yêu thật lòng để cuộc đời đáng yêu và đáng sống. Tình yêu sẽ làm cho cả người đang yêu lẫn người được yêu bình an và hạnh phúc. Hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta.

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi, nguồn suối tình yêu liên kết chúng con nên một trong tình yêu Chúa.

Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Nếu Không Nên Như Trẻ Thơ Thì Sẽ Chẳng Được Vào Nước Trời

Nếu Không Nên Như Trẻ Thơ Thì Sẽ Chẳng Được Vào Nước Trời

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Lạy Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng, con yêu mến Chúa

Câu chuyện êm ái ngọt ngào mang đầy mầu sắc ngây thơ trong trắng xảy ra vào một ngày xa xưa cách đây lâu thật lâu bên vương quốc Anh.

Hôm ấy vị Thừa Sai quy tụ một nhóm trẻ em và say sưa nói về sự hiện diện thật sự của Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong bí tích Thánh Thể. Vị Thừa Sai giải thích thêm rằng Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể vì quá yêu thương loài người nên ẩn mình – như một tù nhân – trong Nhà Tạm đơn sơ bé nhỏ đặt bên trên bàn thờ trong mọi thánh đường Công Giáo.

Trong nhóm trẻ hiện diện hôm ấy có một bé trai đặc biệt lắng nghe lời giải thích của vị Thừa Sai. Bỗng chốc, có một ý tưởng loé lên trong đầu cậu bé.

Cậu bé lặng lẽ rời các bạn và đi ngay vào nhà thờ. Cậu bé đến thẳng trước bàn thờ bên trên có đặt Nhà Tạm. Nhưng vì Nhà Tạm quá cao so với tầm thước bé nhỏ của mình, cậu bé liền lấy một cái ghế rồi leo lên ghế và trèo lên ngồi gọn trên bàn thờ ngay trước cửa Nhà Tạm. Sau khi ngồi yên ắng trên bàn thờ, cậu bé lấy tay gõ nhẹ cửa Nhà Tạm, bên trong có Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể đang ẩn mình. Cậu bé ghé sát miệng vào cửa Nhà Tạm và hỏi nhỏ:

– Thưa Đức Chúa GIÊSU, Chúa đang có mặt ở đây phải không?

Hỏi xong, cậu bé im lặng lắng tai nghe ngóng. Nhưng không có tiếng trả lời.

Vẫn không nao núng cũng không hề đánh mất điềm tĩnh, cậu bé gõ cửa Nhà Tạm lần nữa và hỏi nhẹ:

– Chúa đang có mặt ở đây phải không? Xin Chúa trả lời cho con biết! Trong giờ giáo lý người ta dạy con rằng đúng thật là Chúa đang có mặt ở đây!

Mặc cho câu hỏi van xin của cậu bé, Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể vẫn giữ thinh lặng, không trả lời. Trong khi đó cậu bé vẫn không đánh mất niềm kiên nhẫn, đưa tai ghé sát vào cửa Nhà Tạm và chờ đợi câu trả lời. Nhưng im lặng vẫn hoàn toàn im lặng. Lần này cậu bé tự nhủ:

– Có lẽ Đức Chúa GIÊSU đang ngủ chăng, vậy mình phải đánh thức Chúa dậy!

Và để đánh thức, cậu bé dùng lời lẽ thật ngọt ngào thưa với Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể:

– Lạy Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng, con yêu mến Chúa, con ngưỡng mộ Chúa và con tin nơi Chúa. Xin Chúa làm ơn trả lời cho con biết, xin Chúa nói chuyện với con đi!

Và hiện tượng lạ lùng đã xảy ra .. Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể không thể giữ mãi thinh lặng trước một lời van xin êm-ái ngọt-ngào và đầy lòng tin tưởng ngây-thơ trong-trắng của cậu bé can cường. Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể cất tiếng trả lời:

– Có, Cha đang có mặt ở đây, hỡi con bé nhỏ yêu quí của Cha. Con muốn gì? Hãy xin thì Cha sẽ ban cho con điều con ước nguyện.

Bất ngờ nghe tiếng trả lời cậu bé suy nghĩ một chút rồi thưa:

– Má con luôn luôn nổi giận vì Ba con không chịu giữ Đạo. Vậy, lậy Đức Chúa GIÊSU, xin hoán cải lòng Ba con, con van xin Chúa ban cho con điều này.

Và tiếng Đức Chúa GIÊSU trả lời:

– Con hãy về đi! Cha hứa sẽ cứu rỗi linh hồn Ba con!

Được như lòng ước nguyện, cậu bé hân hoan trở về nhà. Ngày hôm sau – hôm ấy là Chúa Nhật – cậu bé sung sướng khi nghe Ba nói với Má là Ba đi nhà thờ với Má để tham dự Thánh Lễ.

Kể từ đó, thân phụ cậu bé bắt đầu sống đạo nghiêm chỉnh đúng với tư cách một tín hữu Công Giáo ngoan Đạo.

Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể đã ân thưởng bội hậu cho Đức Tin đơn sơ nhưng vững chắc của cậu bé và thực hiện lời đã hứa với cậu bé! Ôi êm ái dịu ngọt biết bao Tình Yêu Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể dành cho tín hữu Công Giáo nào biết đặt trọn niềm tin tưởng và yêu mến bí tích THÁNH THỂ.

… Đức Chúa GIÊSU gọi một em nhỏ đến đặt vào giữa các môn đệ và bảo: ”Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không hoán cải mà nên như trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã” (Matthêu 18,2-7).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, Anno VII, n.21, 25 Maggio 2008, trang 15).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Đôi lời trong thánh lễ kỷ niệm 40 năm Giám mục.

Đôi lời trong thánh lễ kỷ niệm 40 năm Giám mục.

Tác giả bài viết: ĐGM. GB Bùi Tuần

Thánh lễ kỷ niệm 40 năm Giám mục của tôi hôm nay là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho tôi.

1-

*Hồng Ân lớn lao, vì qua Lễ Thụ Phong Giám Mục trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi nhận ra sự Chúa sai tôi vào lịch sử Việt Nam, ngay trong giờ phút Quê hương bước sang một giai đoạn mới, là một ơn đặc biệt.
*Hồng ân lớn lao, vì khi nhận ra sự trùng hợp lịch sử đó là do ý Chúa, tôi đã cùng với nhiều người, góp phần vào việc xây dựng sự hòa hợp, sự yêu thương trên Quê hương Việt Nam yêu dấu.
Hôm nay, mừng 40 năm hồng ân được Chúa sai đi, tôi xin nói ba lời: Xin cảm tạ, xin tha thứ và xin cầu nguyện.
2.
Trước hết, xin hết lòng cảm tạ Chúa vì muôn ơn Chúa ban cho tôi trong suốt 40 năm qua. Ơn mà tôi coi là quý giá nhất, đó là ơn biết lo nhận ra ý Chúa và biết lo thực thi ý Chúa trong một giai đoạn lịch sử đầy chuyển biến phức tạp.
3.
Thực vậy, giai đoạn lịch sử 40 năm qua đã có nhiều chuyển biến phức tạp, trong xã hội, trong Giáo Hội, và trong chính bản thân tôi.
Chúa dạy tôi là không nên và không thể tránh được những chuyển biến phức tạp đó, nhưng hãy nhìn chúng như một thực tế mà Chúa sai tôi vào, để sống mầu nhiệm nhập thể.
4.
Ý Chúa mà tôi nhận ra là: Sống trong một thực tế phức tạp như thế, tôi phải chú ý rất nhiều đến việc đào tạo mình. Chúa soi sáng cho tôi điều đó, bằng những lo âu rất nóng, Chúa đốt lên trong tôi.
Ý Chúa còn là: Tôi phải đào tạo mình nhờ động lực nội tâm luôn khao khát thuộc về Chúa, luôn thao thức được là người trung tín trong ơn gọi được sai đi.
Ý Chúa còn là: Sự đào tạo mình nhờ động lực nội tâm như thế sẽ phải thường xuyên gặp gỡ Chúa, luôn coi ơn thánh là ưu tiên hàng đầu, luôn kiên trì phấn đấu từ bỏ mình. Tất cả ý Chúa trên đây ví như ngọn lửa nung nấu lòng tôi.
5.
Tôi đã lo nhận ra ý Chúa.
Tôi đã lo cố gắng thực thi ý Chúa. Những lo lắng đó thực là ơn Chúa. Xin tạ ơn Chúa. Nhiều người tại Việt Nam đã làm gương cho tôi về sự nhận ra ý Chúa và thực thi ý Chúa như vậy.
6.
Gương sáng gần gũi nhất của tôi là Đức Cha Cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ.
Trong suốt mấy chục năm sống thầm lặng, Đức Cha Cố Micae luôn là con người cầu nguyện, hãm mình và đọc các tài liệu tu đức. Ngài hay nói: “Phải tận dụng mọi thời giờ để lập công đền tội, xin Chúa cứu các linh hồn”. Tôi coi nếp sống đạo đức như thế của Đức Cha Cố Micae là một gương sáng về đào tạo chính mình trong tình hình mới.
Từ đó tôi nhận ra rằng: Đào tạo chính mình như vậy là chuẩn bị cho mình một nền nhân bản chắc về nhân ái, một nền văn hoá rộng về yêu thương, một nền tu đức sâu về bác ái, để dễ làm chứng cho tình yêu Chúa trong lịch sử phức tạp hiện nay. Những chứng nhân như thế có thể ví như những hạt lúa tốt gieo vào lòng đất Quê Hương Việt Nam này. Họ sẽ âm thầm liên kết các bàn tay hợp tác. Họ sẽ âm thầm nối kết các trái tim tình nghĩa. Tất cả sẽ đều vì lợi ích chung của Nước Chúa
7.
Tôi thường sợ mình không tự đào tạo mình đủ và đúng theo thánh ý Chúa. Biết sợ như vậy là một ơn Chúa. Nên tôi hết lòng cảm tạ Chúa về ơn biết sợ đó.
8.
Cùng với lời cảm tạ trên đây, tôi xin phép nói lên lời xin tha thứ.
Tôi xin hết lòng khẩn nài ơn tha thứ, vì suốt 40 năm qua, tôi đã lỗi phận rất nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những thiếu sót.
9.
Lãnh vực, mà tôi xin Chúa tha thứ nhiều hơn hết, chính là lãnh vực tha thứ. Nghĩa là: Tôi đã không biết lãnh nhận sự tha thứ và tôi đã không biết cho đi sự tha thứ.
Thực vậy, trong tình yêu, việc tha thứ là rất quan trọng. Thế mà, 40 năm làm chứng cho tình yêu Chúa, biết bao lần tôi đã không coi trọng những tha thứ được dành cho tôi, từ Chúa, từ Hội Thánh, từ Quê Hương, từ các tôn giáo bạn, từ những người nghèo, từ chính cộng đoàn của tôi. Hơn thế nữa, 40 năm qua, để làm chứng cho tình yêu Chúa, bao lần tôi đã không cho đi sự tha thứ, cho dù sự tha thứ đó chỉ là lẽ công bằng.
10.
Không biết đón nhận sự tha thứ và không biết cho đi sự tha thứ, những hiện tượng đó đang có chiều hướng gia tăng. Có thể tôi cũng đang phần nào rơi vào cảnh đáng buồn đó. Do vậy, tôi đặc biệt xin Chúa tha thứ cho tôi mọi lỗi lầm thiếu sót trong lãnh vực tha thứ. Tôi cũng xin gởi lời xin tha thứ đó tới Hội Thánh của tôi, Quê Hương của tôi, cộng đoàn của tôi.
11.
Thú thực là: Tha thứ là việc không dễ chút nào. Chính vì nó rất khó, nên tôi hết lòng xin Chúa thương ban ơn giúp sức cho chúng ta, nhất là trong một tình hình mà niềm tin vào con người đang giảm sút trầm trọng.
12.
Những lời xin cảm tạ và xin tha thứ trên đây sẽ được kết thúc bằng lời xin cầu nguyện. Tôi xin các Đức Cha và tất cả anh chị em cầu nguyện nhiều cho tôi. Tôi yếu đuối lắm về mọi mặt. Xin anh chị em hãy coi tôi như một bức thư nhỏ Chúa gửi cho anh chị em. Bức thư nhỏ này chỉ mang một lời kêu gọi thân thương, đó là “Chúa Giêsu vẫn là Đấng hiền lành, khiêm nhường, giàu lòng thương xót. Người là Đấng cứu độ. Hãy tin cậy phó thác nơi Người”. Vậy, tôi xin phó thác cho Chúa Giêsu mọi lo lắng của tôi về bản thân, về Hội Thánh, về Quê Hương, về mọi người thân.
Xin khiêm nhường phó thác cho Chúa tương lai của chúng ta, một tương lai sẽ có nhiều khó khăn và nhiều bất ngờ đáng sợ, nhưng cũng có nhiều hy vọng lớn lao mang ơn cứu độ.

Xin Chúa thương xót chúng con. Amen.

Long Xuyên, ngày 30.4.2015.

Tác giả bài viết: ĐGM. GB Bùi Tuần

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi