“Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”

TIN MỪNG Mt 20,1-16a
“Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”

X Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” Họ liền đi.

Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.” Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền.

Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ:

“Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.” 

Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”

Suy niệm:

Lòng rộng lượng và thiện hảo của Thiên Chúa rất giầu sang không ai có thể đo lường được Và dĩ nhiên không thể nào so sánh được. Làm sao có thể so sánh được những tội lỗi chúng ta được chúa tha với lòng rộng lượng xót thương của Chúa. Cho dù chúng ta làm biết bao việc bác ái từ thiện về nhiều phương diện cũng không thể so sánh Với lòng rộng lượng khoan dung của chúa đối với tội lỗi của mỗi chúng ta.

Bài học về sự bất mãn của những người đến làm sớm trong vườn nho giúp chúng ta nhìn lại về đời sống vật chất và Đức tin: Biết bao ơn lành chúng ta nhận được từ Thiên Chúa mà không do một công trạng gì của chúng ta cả. Những gì chúng ta có thì chúng ta là ai đều do thiên chúa ban tặng nhưng không.

Mỗi khi chúng ta càm nhàm, ghen tị với những người khác, chúng ta quên mất Chúa là Đấng công chính và Ngài rất rộng lượng với chính cá nhân mình.

Thầy Bạch gởi

HÃY LÀ CÔNG CỤ HỮU ÍCH CỦA THIÊN CHÚA

HÃY LÀ CÔNG CỤ HỮU ÍCH CỦA THIÊN CHÚA

Lạy Chúa thường ngày chúng con có lối sống khoe khoang, tự cao tự đại, tự cho mình là người hay giỏi hơn người khác, thích có người để sai bảo và thích ở trên cao như phải tậu nhà cho cao có nhiều tầng, xe cũng phải leo cho cao dù người thấp bé, rồi thích được ngồi ở chiếc ghế cao cao, được mọi người mời ngồi vào chỗ nhất cách rất tự nhiên trong những buổi tiệc, v.v…

Chúng ta giáo dân quên hẳn một điều rằng dù khi chúng ta hoàn tất những công việc mà ông Chủ là Thiên Chúa giao cho hằng ngày thì đấy chỉ là mới có hoàn tất công việc và được trả lương theo công việc mà thôi. Thí dụ chúng ta đi tìm việc nấu ăn tại một nhà hàng sang trọng thì phải ít nhất cần có kinh nghiệm trên dưới 10 năm và phải kèm theo giấy giới thiệu của ông đầu bếp hoặc từ ông hiệu trưởng của trường dạy nấu ăn nổi tiếng thì may ra đơn xin việc và mình mới có hy vọng được mướn.

Sau khi được mướn thì có phải ta vui mừng khôn xiết mà mở tiệc ăn mừng để báo tin vui cho gia đình cùng bạn bè thân thiết được biết. Rồi trong thời gian làm việc ai trong chúng ta cũng phải cách nào đó chứng minh cho ông chủ thấy rằng chúng ta không có chểnh mảng trong công việc được giao phó cho dù nó là những công việc rất khiêm nhường của người bồi bàn là lấy thực đơn, bưng thức ăn ra cho khách, bị khách sai biểu, lau chùi, dọn dẹp cùng những luật lệ phải theo đó là giờ giấc đến và về phải nghiêm chỉnh thực thi … nếu bị cảnh cáo đến lần thứ hai thì có thể chúng ta sẽ nhận được tiền lương cuối cùng của ngày hôm đó.

Nói thế để chúng ta hiểu rằng con người thì luôn có khiếm khuyết và ngoài đời thì không ai dễ chấp nhận khiếm khuyết của chúng ta đâu. Không đủ tiêu chuẩn thì bị chủ đuổi ngay vì sao? Thưa vì người tìm việc thì rất là đông nhưng tìm được người có đủ tiêu chuẩn cho công việc thì lại ít có mấy ai có thể đảm đang mà ông chủ Cần kiếm. Nhưng bao giờ nó cũng có những điều khác lệ, những khả năng riêng biệt của người tìm việc mà họ được mướn ngay.

Vì người chủ tinh mắt sẽ nhận thấy rõ ràng là người này có tâm tốt, có sự cố gắng, tận lực, chịu vất vả như làm thêm giờ mà không kêu ca hay thường bị chủ mắng chửi cho mà không sờn lòng trong suốt thời gian được mướn làm thử … Thì xin thưa ông chủ đã tìm được người tín cẩn trong công việc và nhờ thế mà có thể nhà hàng, công ty của ông sẽ ngày càng thành công hơn nhờ những người nhân viên cật lực, có lòng chân thật và chấp nhận cùng vui vẻ với công việc như thế.

Thì đối với Thiên Chúa là Ông Chủ của linh hồn sống đời của chúng ta cũng như thế. Do Ông đã tác tạo ra từng người và Ông cũng đã ban cho chúng ta công cụ để sống ở đời và công cụ ấy chúng ta có cố gắng để dùng nó cho đúng đắn hay không?. Hay như con dao mà không được dùng?. Cây kiếm bằng vàng có gắn kim cương chỉ để chưng?. Những công cụ mua sắm rồi để đóng bụi … Vì cái tánh lười biếng mà ra?. Vì không muốn làm mà muốn có ăn nên trở thành những gánh nặng cho gia đình và cho xã hội.

Lạy Thiên Chúa là Đấng toàn năng luôn yêu thương con người, xin giúp hết thảy chúng con luôn biết sống trong tâm tình cảm tạ, tri ân và phó thác. Nhất là giúp chúng con sống trong khả năng và luôn là công cụ HỮU ÍCH của Chúa. Có nghĩa giúp cho chúng con ra khỏi cái an nhàn, khỏi sự thoải mái, khỏi sự bon chen mà cái tấm thân hay chết này luôn thích có … Bởi chính nó mà làm cho công cụ Chúa ban cho chúng con ngày càng bị rỉ sét, hư hỏng, lỗi thời, v.v… vì không bao giờ được dùng đến huống gì được dùng đến để giúp cho ai.

Ấy thế mà chúng con luôn kêu ca, luôn than vãn, ỉ ôi suốt ngày phải không thưa Chúa ơi!!!. Amen.

Y Tá của Chúa, 
Tuyết Mai 
18 tháng 8, 2018

—————————————————–

https://www.youtube.com/watch?v=9ZHrR6YU5ds

Cảm Tạ Thiên Chúa Ba Ngôi 
Tuyết Mai (20) 09 – 28 – 2003

TÍN ĐIỀU ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

TÍN ĐIỀU ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

GM Giuse Vũ Duy Thống

Ngày 1.11.1950, ĐGH Piô XII đã long trọng công bố tín điều Đức Mẹ Lên Trời với nội dung: “Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa, sau khi hoàn tất hành trình dương thế, đã được cất nhắc về trời cả hồn lẫn xác.”  Chọn công bố chân lý đức tin này trong ngày lễ các thánh nam nữ, Giáo Hội hữu ý cho thấy Đức Mẹ dù đứng trong hàng ngũ những người đã được thánh hoá, nhưng vinh quang Mẹ được hưởng đã đưa Mẹ lên vị trí hàng đầu: Mẹ là Đấng “đầy ơn phúc.” 

  1. Tín điều Đức Mẹ Lên Trời: ưu thắng của lòng đạo đức bình dân.

Đây là một tín điều mới mẻ, mới được định tín cách đây hơn 65 năm, quý vị từ 65 tuổi đổ lên đã có một thời gian sống không có tín điều này; nhưng không phải là tín điều mới lạ, vì được châm rễ sâu trong lòng sùng mộ của dân Chúa từ lâu đời rồi.  Thế kỷ thứ VI ở đông phương đã thấy có lễ mừng Đức Mẹ Ngủ, sang thế kỷ thứ VII lịch phụng vụ Rôma đã ấn định lễ Đức Mẹ Lên Trời vào ngày 15/8 hằng năm, và đến thế kỷ IX cả châu Âu đã mừng lễ với tên gọi Mông Triệu như ngày nay.  Lex orandi, lex credendi, luật cầu nguyện đã dần dà chín mùi và khi đến thời đến lúc trở thành luật đức tin.

Nếu việc Đức Mẹ Lên Trời đã rõ rệt trong lòng sùng mộ của dân Chúa, thì việc đưa ra nền tảng thần học giải thích vẫn còn phải vất vả truy tìm.  Một mặt biến cố Đức Mẹ Lên Trời không được Phúc Âm nói đến, cũng dễ hiểu vì Phúc Âm là cuốn sách viết về đời và lời của Chúa Giêsu.  Còn Đức Mẹ xuất hiện trong đó chỉ như nhân vật phụ, lại nữa Mẹ rất kiệm lời, trong Phúc Âm chỉ thấy 7 lời của Mẹ thôi.  Mặt khác như Phúc Âm thứ tư cho biết, từ dưới chân thập giá Mẹ đã được trao cho sự chăm sóc của thánh Gioan, nên sau lễ Thánh Thần hiện xuống, Mẹ cũng dần dần rút lui vào hậu trường cầu nguyện để nhẹ nhàng ra đi không để lại dấu vết gì.

Tuy nhiên, điều không tìm thấy trong Thánh Kinh lại gặp được trong Thánh Truyền.  Giữa lòng Giáo Hội đông tây, từ rất sớm, các giáo phụ mỗi vị theo cách của mình đã nói đến việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời như biến cố ở đoạn cuối cuộc đời trần thế của Mẹ, và diễn giải bằng những hình bóng Thánh Kinh rất ý nhị và sâu sắc, vừa hỗ trợ cho lòng đạo nơi dân Chúa, vừa từng bước đưa ra những nền tảng hình thành tín điều đặc biệt này.  Trước 1.11.1950, người ta có quyền tin hay không, nhưng kể từ ngày định tín, tín hữu vui mừng tuyên xưng đức tin của mình: Đức Mẹ đã lên trời cả hồn lẫn xác.

  1. Tín điều Đức Mẹ Lên Trời: minh định rõ thêm những đặc ân của Đức Mẹ.

Có bao nhiêu đặc ân của Đức Mẹ?  Thưa có bốn: Hai đặc ân cổ thời được xác tín từ lâu dựa trên phẩm tính của Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đồng Trinh.  Hai đặc ân tân thời được định tín trong vòng trên dưới 150 năm nay đóng khung cuộc đời trần thế của Đức Mẹ, khởi đầu là Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội và kết thúc là Ơn Hồn Xác Lên Trời.  Cả bốn đặc ân này dẫu bản chất có khác nhau nhưng đều hoà quyện trong ơn tuyển chọn của Chúa Cha, ơn cứu độ của Chúa Kitô và ơn thánh hoá của Chúa Thánh Thần.

Chẳng phải nói đâu xa, ngay trong danh xưng ngày lễ hôm nay cũng nói lên trọn vẹn ý nghĩa của tín điều tuyên xưng.  Gọi là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Giáo Hội minh định đoạn kết vinh quang sau khi Đức Mẹ đã chu toàn trách vụ đường đời bên cạnh Đấng Cứu Thế.  Còn gọi là lễ Mông Triệu, Giáo Hội lại muốn nhấn mạnh khía cạnh mầu nhiệm, Đức Mẹ không tự mình mà nhấc lên trời, nhưng do Thiên Chúa triệu vời.  Nhưng dù gọi bằng danh xưng nào, đúng nghĩa Assumptio tiếng latinh, Đức Mẹ được kết hợp với Chúa Kitô phục sinh.  Còn muốn đi xa hơn một chút, ta có thể lý giải: dựa trên mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ đã cung cấp chất liệu xác thân cho Đấng Cứu Thế làm người, nên khi thân xác Đấng Cứu Thế phục sinh về trời, thân xác Mẹ cũng được chia sẻ hiệp thông.  Còn dựa trên mầu nhiệm cứu độ, Mẹ đã hiệp công cứu độ trọn vẹn với Chúa Kitô, Mẹ cũng được hiệp thông sự sống vinh quang trọn vẹn với Người trong trời mới đất mới.

  1. Tín điều Đức Mẹ Lên Trời: gieo thêm tin yêu hy vọng cho đời tín hữu

Tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời như vậy đã sáng tỏ cho lòng tin của chúng ta.  Nếu có gì còn khó hiểu, có lẽ nằm ở chỗ mình chưa tách bạch được hai tình trạng của thân xác: tình trạng lữ hành và tình trạng phục sinh.  Trong tình trạng lữ hành, xác thân nặng nề; còn trong tình trạng phục sinh, thân xác được biến đổi thăng hoa.  Thân xác của Đức Maria lên trời chính là thân xác đã được ghi dấu bằng sự phục sinh của Đức Kitô.  Đức Kitô trưởng tử trong gia đình nhân loại, đã lên trời do tự mình, còn Đức Mẹ là hoa quả đầu mùa được triệu vời lên trời do ân sủng Chúa ban.  Trong ngắm thứ tư Mùa Mừng ta tuyên xưng từ thuở nào “Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời,” có điều hôm nay khi mừng lễ, ta nâng cao tâm hồn để chung mừng với Giáo Hội trong lời tuyên xưng trọng thể và chung vui với Đức Mẹ nơi đặc ân lạ lùng này, “Chúa đã làm cho Đức Mẹ những điều cao trọng.”

 Nhưng tín điều hôm nay kỷ niệm còn hướng các tín hữu đến việc xem Đức Mẹ như mẫu gương tuyệt vời, quyết tâm yêu mến bước theo Mẹ, sống như Mẹ để một mai khi lìa đời ta cũng sẽ có kết cục giống như Mẹ, được hưởng ơn phục sinh của Chúa Kitô.  “Đức Maria, thầy dạy đức tin”, chúng ta hãy khiêm tốn tìm đến mái trường Đức Maria, học theo Mẹ những bài học từ cơ bản đến nâng cao, và sẵn sàng đi vào chuyên sâu để sống đời tận hiến cho Chúa theo gương sống của Mẹ.

Chính trên đỉnh cao của lòng tin mến ấy, chúng ta không ngại bộc bạch cho Mẹ nỗi niềm cậy trông.  Mẹ nào mà chả thương con, chỉ có con bỏ mẹ chứ mẹ chẳng bỏ con bao giờ.  Nếu tình mẹ nhân loại còn dạt dào như bể thì tình mẹ trên trời còn ví thể gấp trăm.  Sở dĩ con cái nhân gian có thể cậy trông Mẹ, là bởi vì trước đó Tấm lòng Mẹ đã mở rộng, đôi tay Mẹ đã sẵn sàng thi ân.  Mẹ lên trời không phải để cách xa cuộc sống nhân loại, nhưng trên đỉnh vinh quang thiên đàng, đó là lúc Mẹ có điều kiện phù hợp để gần gũi che chở đỡ nâng mọi người một cách rộng rãi và thuận lợi hơn.

Tóm lại, tín điều Đức Mẹ Lên Trời giúp ta tuyên xưng đức tin cách trọn vẹn hơn, giục giã yêu mến Đức Mẹ cách đậm đà hơn, và cũng thúc đẩy cậy trông nơi Mẹ gắn bó hơn.  Bởi lẽ xét cho cùng, tuyên tín Mẹ lên trời không chỉ cho vinh quang của riêng Mẹ, mà còn cho hạnh phúc của con cái Mẹ trên dương thế là chính chúng ta.

Có người hỏi “Ở Tàpao có những phép lạ nào?”  Tôi trả lời: Phép lạ thì không biết, nhưng ơn lạ thì hầu như ngày nào cũng có, nhất là ơn biến cải đời sống.  Đang mê chuyện đỏ đen, đi Tàpao về bỏ được hết, đang xào xáo gia đình, đến Tà pao khấn về được bình yên, hay đang khô khan nguội lạnh theo bạn đến Tàpao về bỗng dưng thấy sống đức tin cách tích cực hơn, đó chẳng phải là ơn lạ ở Tàpao sao?

Xin được cùng với khách hành hương dâng lên Mẹ lời kinh tôn vinh và trông cậy:

Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ Đồng Trinh,

Mẹ Thiên Chúa, Mẹ uy linh muôn đời.

Hôm nay mừng Mẹ lên trời,

Hành hương con đến chung lời ca khen.

Cúi xin Mẹ rất dịu hiền,

Thương con, dẫn dắt về miền trời cao,

Đời con có Mẹ Tàpao.

GM Giuse Vũ Duy Thống

Mẹ Về Trời & Tình con yêu Chúa

Kính mừng Đại lễ Đức Maria hồn xác lên trời 15.08.2018

Hòa chung niềm vui của mẹ Giáo Hội Công Giáo. 

httpv://www.youtube.com/watch?v=cuFgoZu0YXo&list=RD83ShcuFOqxw&index=27

Mẹ Về Trời Ns: Phanxicô. Cs: Mai Thiên Vân 

httpv://www.youtube.com/watch?v=fSlW3c2rt7U&index=9&list=RD83ShcuFOqxw

Tình con yêu Chúa – Cẩm Ly.mpg

Trung tâm nghiên cứu Pew: Lý do khiến một số người Hoa Kỳ không thống thuộc tôn giáo

Trung tâm nghiên cứu Pew: Lý do khiến một số người Hoa Kỳ không thống thuộc tôn giáo

vietcatholic.net 10.8.2018

Vũ Văn An

Theo Becka A. Alper của Trung Tâm Nghiên cứu Pew, số người Hoa Kỳ không thống thuộc tôn giáo ngày càng gia tăng. Gần đây Trung Tâm này có thăm dò hơn 1,300 người trong số họ, mà ngôn ngữ hiện nay gọi là “nones”, để biết lý do tại sao họ đã không đồng hóa với bất cứ tôn giáo nào. Trong số các lý do có thể chọn trong cuộc thăm dò, lý do được chọn nhiều hơn cả là họ nghi ngờ các giáo huấn tôn giáo.

 Sáu trong mười người Hoa Kỳ không thống thuộc tôn giáo, tức những người trưởng thành tự mô tả căn tính tôn giáo của mình là vô thần, bất khả tri hay “không gì đặc biệt cả”, cho rằng nghi ngờ các giáo huấn tôn giáo là lý do rất quan trọng khiến họ không thống thuộc. Lý do được chọn nhiều thứ hai làchống đối các lập trường của các giáo hội về các vấn đề xã hội và chính trị, được 49% người trả lời trưng dẫn (cuộc thăm dò đưa ra các câu hỏi riêng biệt về mỗi một trong 6 chọn lựa). Số ít hơn, nhưng vẫn đáng kể, nói rằng họ không ưa các tổ chức tôn giáo (41%), không tin Thiên Chúa (37%), coi tôn giáo không liên quan đến họ (36%) hoặc không thích các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Những người tự nhận là vô thần, bất khả tri hoặc “không gì đặc biệt cả” có khuynh hướng đưa ra các lý do khác nhau cho việc không thống thuộc của họ, cho thấy người “nones” không phải là một nhóm thuần nhất (monolithic group). Thí dụ, khoảng chín trong mười người tự mô tả mình vô thần (89%) nói: việc họ không tin Thiên Chúa là lý do rất quan trọng đối với căn tính tôn giáo của họ, so với 37% người bất khả tri và 21% người “không gì đặc biệt cả”. Người vô thần cũng có nhiều xác xuất hơn những người “nones” khác trong việc nói rằng tôn giáo đơn giản không liên hệ gì tới họ (63% người vô thần so với 40% người bất khả tri và 26% người trưởng thành không có tôn giáo đặc thù nào).

Trung tâm cũng hỏi những người không thống thuộc tôn giáo câu nào trong sáu tuyên bố có thể có là lý do đơn nhất quan trọng hơn cả khiến họ không thống thuộc. Một lần nữa, nghi ngờ các giáo huấn tôn giáo đứng đầu các câu trả lời, với một phần tư mọi người “nones” cho biết đây là lý do quan trọng nhất. Số tương tự (22%) trưng dẫn việc không tin Thiên Chúa, và 16% cho hay lý do quan trọng nhất là họ không thích lập trường của các giáo hội về các vấn đề xã hội và chính trị.

Cũng có nhiều dị biệt lớn giữa ba tiểu nhóm không thống thuộc về vấn đề này. Ba phần tư người vô thần nói lý do quan trọng nhất khiến họ vô thần là họ không tin Thiên Chúa. Ít người bất khả tri (17%) và người “không gì đặc biệt cả” (8%) nói lý do này. Trong số những người tự coi mình là bất khả tri, lý do quan trọng nhất được trưng dẫn khiến họ bất khả tri lànghi ngờ khá nhiều giáo huấn tôn giáo (38%).

Những người tự nhận “không gì đặc biệt cả” đưa ra một loạt các câu trả lời khác nhau khi được hỏi lý do quan trọng nhất khiến họ không thống thuộc tôn giáo, chứ không có câu trả lời đơn độc nào trổi vượt cả. Một phần tư cho hay lý do quan trọng nhất là nghi ngờ nhiều giáo huấn tôn giáo, 21% nói họ không thích lập trường của các giáo hội về các vấn đề xã hội và chính trị, và 28% nói không có lý do nào đề nghị là quan trọng cả…

Trong một cuộc thăm dò trước đây, Pew yêu cầu những người Hoa Kỳ không thống thuộc tôn giáo nhưng trước đây từng được dưỡng dục trong tôn giáo (chiếm đa số trong mọi nhóm không thống thuộc) giải thích bằng chính ngôn từ của họ tại sao họ không còn đồng hóa với bất cứ nhóm tôn giáo nào. Vấn đề này cũng nhận được hàng loạt các trả lời khác nhau từ nhóm “không gì đặc biệt cả”. Một số nói rằng họ không tin các giáo huấn tôn giáo hoặc không thích tôn giáo có tổ chức, trong khi những người khác cho hay họ là người tôn giáo (dù không thống thuộc) hoặc họ tin Thiên Chúa nhưng không thực hành bất cứ tôn giáo nào.

From:  KimBằngNguyễn

BÍ QUYẾT YÊU MẾN KINH THÁNH

BÍ QUYẾT YÊU MẾN KINH THÁNH

Cuối tháng Chín hàng năm, Giáo hội kính nhớ Thánh tiến sĩ Giêrônimô, bổn mạng các dịch giả.  Ngài sinh ra không là thánh ngay, ngài có tính nóng này và gay gắt nên nhiều người không ưa, ngài còn bị cám dỗ dữ dội về đức khiết tịnh nên ngài chiến đấu bằng cách cầu nguyện và ăn chay nhiều.

Mặc dù khuyết điểm về tính khí và thường xuyên bị kẻ thù tấn công, ngài vẫn là người thông minh xuất chúng, đam mê nghiên cứu, nhất là say mê Lời Chúa.

Giáo Hội rất biết ơnThánh Giêrônimô, đặc biệt về lòng yêu mến Lời Chúa và tác phẩm nghiên cứu của ngài.  Có điều quan trọng là ngài đã hoàn tất bản dịch Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latin – chúng ta gọi là “Vulgate” (bản phổ thông), và từ bản phổ thông này, Kinh Thánh đã tiếp tục được chuyển dịch sang nhiều ngôn ngữ khác – tiếng Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Việt Nam,…  Kinh Thánh là sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất, khoảng 2.500 ngôn ngữ.  Tất cả đều nhờ công việc khó nhọc của Thánh Giêrônimô.

Công Đồng Vatican II đã xuất bản bốn Hiến chế về Tín lý, bốn cột trụ của Giáo Hội trong thế giới ngày nay: Sacrosanctum Concilium (Hiến chế về Phụng Vụ Thánh), Gaudiumet Spes (Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội), Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân) và Dei Verbum (Lời Thiên Chúa) – đề cập sự mặc khải và Lời Chúa. Thánh Giêrônimô nổi tiếng với câu nói này: “KHÔNG BIẾT Kinh Thánh là KHÔNG BIẾT Đức Kitô – IGNORANCE of Sacred Scripture is IGNORANCE of Christ.”

Đúng vậy!  Nếu chúng ta không đọc Kinh Thánh, đặc biệt là các Phúc Âm, chúng ta không thể biết Chúa Giêsu là ai, không biết Ngài thì không thể yêu mến Ngài, do đó mà khó có thể đi theo Ngài và làm môn đệ của Ngài được.  Vì thế, chúng ta phải dành cho Chúa tâm hồn mình, yêu mến và quý trọng Lời Chúa, bằng cách thực hiện ít nhất vài điều trong số các điều này:

  1. SỞ HỮU KINH THÁNH – Kinh Thánh có nhiều cuốn và đa dạng, nhưng bạn nên có được cuốn Kinh Thánh của Giáo Hội Công giáo.  Với điện thoại thông minh, bạn có thể sử dụng các Apps liên quan Kinh Thánh, nhưng phải cẩn trọng và chọn đúng Kinh Thánh Công giáo!
  2. TRAO TẶNG KINH THÁNH – Các dịp đám cưới, sinh nhật, kỷ niệm ngày rửa tội, thêm sức, ngân khánh, kim khánh,…  Thật là rất ý nghĩa nếu chúng ta tặng nhau một cuốn Kinh Thánh.
  3. YÊU MẾN KINH THÁNH – Hãy đặt cuốn Kinh Thánh ở nơi trang trọng, đừng bao giờ bất kính.  Điều đó có nghĩa là đừng bao giờ để sách Kinh Thánh ở nơi bất xứng – để trên nền nhà, ghế ngồi,… Kinh Thánh là Lời Chúa, chúng ta phải nâng niu, trân quý.
  4. ĐỌC VÀ SUY NIỆM – Kinh Thánh không là phần trang trí hoặc bộ sưu tập của lễ Giáng Sinh, cũng chẳng là vật kỷ niệm.  Kinh Thánh là để đọc và suy niệm không ngừng.  Hãy khắc dạ ghi tâm lời Thánh Vịnh: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày”(Tv 1:1-2).  Ước gì chúng ta cũng thích đọc Kinh Thánh và suy niệm Lời Chúa suốt ngày đêm!
  5. GHI NHỚ NHỮNG CÂU QUAN TRỌNG– Chúa Giêsu là gương mẫu của chúng ta!  Ngài ăn chay 40 đêm ngày, ma quỷ cám dỗ Ngài.  Cơn cám dỗ thứ nhất nó xúi giục Chúa Giêsu biến đá thành bánh mà ăn.  Ngài nói thẳng với nó: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”(Mt 4:4).
  6. BẢO VỆ ĐỨC TIN BẰNG LỜI CHÚA – Thánh Phaolô nói rằng Lời Chúa như gươm hai lưỡi tách xương và tủy.  Ngài có ý nói rằng Lời Chúa mạnh mẽ, nên được dùng làm linh khí để chiến đấu với Satan và đồng bọn của nó – những kẻ dối trá.  Hãy đọc Thánh Thomas Aquinô với Tổng Luận Thần Học (Summa Theologica) và cách ngài bảo vệ tín lý dựa vào Lời Chúa.
  7. THÁNH LỄ VÀ LỜI CHÚA – Hãy tham dự Thánh Lễ hằng ngày – cách cầu nguyện tuyệt vời nhất trên thế gian này!  Hiến chế Sacrosanctum Concilium giải thích về Thánh Lễ và Phụng Vụ, cho biết rằng có hai bàn tiệc nuôi dưỡng chúng ta trong Thánh Lễ: Bàn Tiệc Lời Chúa với Bàn Tiệc Thánh Thể.  Hãy tham dự Thánh Lễ – thực sự là Bàn Tiệc Nước Trời!
  8. LINH THAO VÀ LỜI CHÚA – Khi có cơ hội, cố gắng sống theo cách Linh Thao (Spiritual Exercises) của Thánh Inhaxiô Loyola.  Có thể đó là cuộc tĩnh tâm một tháng, tám ngày, hoặc một tuần, hoặc ngay hôm nay, tĩnh tâm giữa đời thường, có thể kéo dài sáu tháng hoặc một năm, cùng với một vị linh hướng.  Phương pháp Linh Thao của Thánh Inhaxiô Loyola là cách suy niệm hoặc chiêm niệm Lời Chúa.  Hãy thử và bạn sẽ không bao giờ hối tiếc!
  9. ĐỨC MẸ VÀ LỜI CHÚA – Khi cố gắng phát triển lòng yêu mến đối với Lời Chúa,đừng quên đến với Đức Trinh Nữ Maria, vì chính Đức Mẹ đã cưu mang Ngôi-Lời-hóa-thành-nhục-thể trong cung lòng 9 tháng.  Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Mẹ đã suy niệm Lời Chúa trong Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ.  Sau khi các mục đồng đến kính viếng Hài Nhi, Đức Mẹ hoàn toàn im lặng: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”(Lc 2:19).  Cầu xin Đức Mẹ thêm sức cho chúng ta làm được như vậy – suy niệm Lời Chúa bằng cách đọc Kinh Thánh, cầu nguyện bằng Kinh Thánh, thấm nhuần Kinh Thánh và noi gương Đức Mẹ sống Lời Chúa!

Lm Ed Broom, OMV

– Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ Catholic

From: Do Tan Hung & KimBang Nguyen

Linh mục Phêrô Phạm Văn Dương( bị MÙ): THIÊN CHÚA VIẾT THẲNG TRÊN NHỮNG ĐƯỜNG CONG

Image may contain: 3 people, people standing and indoor
Image may contain: one or more people, people standing, tree, shoes, child and outdoor
Image may contain: 1 person, closeup
Tôi Là Người Công Giáo

14 hrs

Linh mục Phêrô Phạm Văn Dương( bị MÙ):
THIÊN CHÚA VIẾT THẲNG TRÊN NHỮNG ĐƯỜNG CONG

Đôi tay người linh mục trẻ lướt nhanh thoăn thoắt trên cuốn sách lễ Rôma in bằng chữ nổi Braille.

Mọi con mắt đổ dồn về phía bàn thờ.

Không gian yên ắng đợi chờ.

Không ít người cảm động chỉ chực rưng rưng nước mắt.

Trong phút chốc, một thanh âm đĩnh đạc đầy bất ngờ được cất lên dẫn cộng đoàn bước vào thánh lễ long trọng.

Thứ thanh âm được kết tinh trong nước mắt, tăm tối, khổ đau nhưng vẫn sáng ngời niềm hy vọng…

Đúng là Thiên Chúa đã viết thẳng trên những đường cong với bất cứ ai có tấm lòng thành tâm thiện chí.

Cha Dương, tên đầy đủ là Phêrô Phạm Văn Dương, sinh ngày 6/6/1973, tại Rú Đất, hạt Bảo Nham, giáo phận Vinh, thuộc địa bàn xã Long Thành, Yên Thành, Nghệ An.

Ngài là con thứ 3 trong gia đình làm nông nghiệp và có tới 10 anh chị em.

Cuộc đời dâng hiến của Ngài bắt đầu từ mốc gia nhập dòng Anh em Đức Mẹ Về Trời (AA) kể từ năm 1998.

Sau một thời gian học tập tại Việt Nam, năm 2002, thầy Dương qua Pháp.

Thật không may mắn, đến năm 2004, khi đường tu còn dang dở, đau thương ập đến với người tu sỹ trẻ tuổi khi thầy bị một loại virus đặc biệt tấn công khiến đôi mắt trở nên mù hẳn.

Con đường ơn gọi tưởng chừng chấm dứt. Giữa lúc đau khổ cuộc sống, thầy Phêrô Dương vẫn một lòng tin tưởng vào thánh ý Chúa.

Con người lạc quan, có cách nói chuyện vui vẻ, hay đùa, hay tếu ấy không bao giờ đầu hàng số phận.

Và cuộc đời không phụ sự nỗ lực vươn lên và dấn thân miệt mài của vị tu sĩ mù.

Ngài được bề trên truyền chức vào ngày 14.10.2012 tại giáo xứ Hyppolyte, TGP Paris, Pháp quốc và chuẩn bị sứ mệnh phục vụ cộng đoàn tại Việt Nam.

Việc phong chức cho người khuyết tật hầu như “xưa nay hiếm”.

Nhiều năm trước, báo đài Công giáo loan tin một giáo phận Hàn Quốc quyết định truyền chức cho một chủng sinh khuyết tật để phục vụ anh em đồng cảnh ngộ. Dù sao, đó cũng là trường hợp hy hữu, rất đặc biệt.

Nhìn vào hành trình ơn gọi của tân chức Phêrô Phạm Văn Dương, con người nhận ra Thiên Chúa đưa là lời mời gọi và tuyển chọn không giống ai: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16).

Cha Phêrô quả là nhân chứng cho tình yêu thương dạt dào không bờ bến của Chúa. Thiên Chúa nhân lành đã “viết thẳng trên những đường cong” qua cuộc đời tưởng chừng đi vào ngõ cụt của Cha.

Hàng ngày, Cha tự dâng Lễ và làm các việc mà không hề cần ai trợ giúp, ngoại trừ việc dắt lên dắt xuống.

Những ai chứng kiến thì hoàn toàn nể trọng, cảm động và thán phục Cha. Ngoài ra, Cha còn có năng khiếu giảng rất hay và ý nghĩa.

Cha đã là tấm gương ngời sáng về sự vượt khó cho những người khuyết tật.

Chúng ta cùng cúi đầu tạ ơn Chúa với Cha và cầu cho Cha luôn là vị mục tử tuy mù loà thể xác nhưng chói sáng tình yêu thương- yêu mến Chúa và xót thương con người nơi tâm hồn. Amen.

Nguồn: http://daichungvienvinhthanh.com/le-ta-on-tan-linh-muc-phe…/

“SƠ ÊLIDABET – SỨC MẠNH CỦA ĐỨC TIN”

            MỘT CUỐN PHIM CÔNG GIÁO ĐOẠT NHIỀU GIẢI THƯỞNG 2017 và 2018,

                                    “SƠ ÊLIDABET – SỨC MẠNH CỦA ĐỨC TIN”

Phan Sinh Trần       

               

Có thể nói đây là một phim tài liệu hay, mô tả về cuộc đời của sơ Êlidabet, một người sống trong thời đại của chúng ta. Với đức tin mạnh mẽ, Sơ đã trải qua, làm nên nhiều điều huyền diệu: nào là thoát chết trong vượt biên tỵ nạn, rồi đến việc mua nhà, tạo mãi mà trong túi không có tiền, tiếp theo xây dựng nên các cơ sở rất lớn lao từ hai bàn tay không nhằm phục vụ cho người già cả hưu dưỡng ở Canada và Hungary, cũng như các nơi khác trên thế giới. Đã có nhiều các sự kiện giống như trong mơ, các biến cố thoát hiểm cách nhiệm mầu như được một phép lạ. Cuộc đời thành công của Sơ làm chứng cho ta và cho thế giới rằng, “nếu có một đức tin mạnh mẽ thì không có gì là không thể”. Chúa sẽ làm cho công việc thánh hiến được hoàn thành và hoàn thành vượt mức giống như câu Kinh Thánh sau:

–          … Quả thật, Ta bảo các ngươi: nếu các ngươi có lòng tin bằng hạt cải, thì các ngươi có bảo núi này: Hãy bỏ đây qua đó! Nó cũng sẽ chuyển qua, và các ngươi sẽ không bất lực trước một điều gì.(Mat thêu 17:20)

Sinh ra ở làng Pilisvörösvár thuộc nước Hungary vào mùa thu năm 1918, trong một gia đình không khá giả lắm. Ngay từ khi còn là một thanh nữ mới 17 tuổi, cô Êlidabet đã tỏ lộ thiên tài về điều hành và tổ chức, khi thấy Cha mình bị bệnh liệt gường, cô xin phép Cha cho mình được bắt đầu việc điều hành, vực dậy cơ sở nhỏ bé, sản xuất nước sô đa đang đà xuống dốc của cả nhà, bằng cách đạp xe đi khắp các tiệm ăn trong làng và vừa khéo léo vừa bạo dạn, yêu cầu chủ nhân các tiệm chỉ mua nước sô đa của cơ sở mình. Với sáng kiến để vượt qua các khó khăn về đồng vốn, về chai đựng, nguyên liệu… Cô đã thành công.

Sau khi kiếm đủ tiền cho Cha mua miếng đất chỗ đang dùng làm mái gia đình, đến một ngày nọ tình cờ cô tham dự tĩnh tâm ở dòng nữ Thánh Tâm vì nể lời mời gọi của Cha xứ, không ngờ trong cuộc tĩnh tâm này, cô biết rõ Chúa đang gọi mình và cương quyết đi theo tiếng gọi của Tình Yêu Chúa. Cô xin vào dòng nữ tu, cho dù bị Cha của mình cấm cản. Sự thể dần xấu đi, vì chuyện đi tu của Elidabet, ông Bố bất mãn không muốn mất con tháo vát việc nhà, việc hãng và sa sút đức tin, trong khi đó, bà Mẹ lại ủng hộ cho con gái được đi tu. Quá đỗi tuyệt vọng, ông quyết định ly dị vợ, đoạn tuyệt với cả nhà nhất là để xa lánh cô con gái không nghe lời.

Ở vào hoàn cảnh khó xử, thiên tài Elidabet sẽ ứng xử như thế nào đây? Sau khi cầu nguyện hỏi ý Chúa, cô quyết định rời nhà Dòng Thánh Tâm về nhà phụng dưỡng Cha Mẹ. Làm cho Bố nguôi giận, cô bày tỏ lòng kính trọng và hiếu thảo, lo chăm sóc, ân cần với Cha trên gường bệnh, ông cảm động và nhận ra sự khôn ngoan, tài giỏi của con gái, nó sẽ giúp ích cho Giáo Hội. Ông được Chúa thay lòng đổi dạ và tự ý đề nghị cho con tiếp tục đường tu trì. Thế là Elidabet lại được toại nguyện thành công một lần nữa.

Trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai, Hungary tham chiến trong phe trục Đức Quốc Xã và bị tấn công dồn dập từ hai phía Liên xô và Đồng Minh, thành phố Pudapest tan hoang, đổ nát, đói khát. Trong khi xã hội vật vã vì thiếu lương thực để sống còn, với ơn Chúa, sơ Elidabet chậy vậy lo đủ thức ăn từ thị trường chợ đen, từ làng quê mang lên thành phố cho cả nhà Dòng với nhiều người. Chúa cho cô được hoàn thành nhiệm vụ lo ăn cho Dòng đông nữ tu trong thời chiến.

Sau đệ nhị thế chiến, Liên xô cai trị Hungary và thiết lập chính quyền chuyên chính Cộng Sản, các Dòng tu bị giải tán, tài sản bị tịch thu, bề trên Dòng chủ trương cho các sơ chạy trốn, cũng như các thuyền nhân Việt vượt biên lánh nạn Cộng Sản nhiều thập kỷ tiếp theo, Elidabet đã tổ chức vượt biên, cùng một sơ già khác, họ đi qua những bãi mìn, các trạm lính gác cộng sản Hungary, trốn lánh các xe tuần tra của bộ đội Sô Viết và sơ đã thành công. Sơ nói giống như một phép lạ kỳ diệu, sơ vượt thoát được khi sinh mạng như “sợi chỉ mành treo chuông” và chỉ còn nước hoàn toàn phó thác trong bàn tay quan phòng lo liệu của Chúa.

Đến được Áo rồi sau đó đi định cư ở xứ sở tự do, nước Canada, tỉnh bang Ontario, thành phố Hamilton năm 1951.  Sơ tu trong Dòng Thánh Tâm, Cảm thông với hoàn cành nghèo nàn của di dân Hungary, sơ Elidabet ước ao được thiết lập một nhà ở cho người già đau yếu, vô gia cư trong số di dân Hungary, thiết tha muốn cho họ có nơi cư ngụ cuối cùng trước khi qua đời. Cuộc đời tu trì vốn không có tiền, không tài sản, không sở hữu nhà làm sao tiến hành công trình. Sơ cầu nguyện ngày đêm xin Chúa hướng dẫn và can thiệp. Sau nhiều ngày cầu nguyện, Chúa làm cho một ông thợ nướng bánh mì của nhà Dòng động lòng trắc ẩn, ông đã hứa giúp.

 Có một căn nhà cũ nằm trên đường John đăng biển bán, đòi giá 30 ngàn đô, sơ trả 20 vì trong túi sơ chả có đồng nào, ai ngờ họ bán. Sơ báo cho ông thợ biết, không bao lâu sau đó, ông thợ bánh quyết định bán đi căn nhà bé nhỏ, khiêm tốn của mình đang ở, được vỏn vẹn 15 ngàn đô, cùng với một ngàn đồng tiền mặt tặng thêm; Thời gian cấp bách, đúng vào hạn chót, trong ngày cuối sơ phải giao nạp tiền mua căn nhà trên đường John, Sơ nhận được tin vui “đã có tiền rồi” từ ông thợ bánh, thế là Sơ lên xe đạp, hăng hái nhấn pê đan, chạy một mạch 80 cây số đường trường,  cả đi lẫn về,  đến Toronto, nơi cư ngụ của ông thợ làm bánh, nhận tiền mang về gộp lại các quyên góp khác thì đã được đúng 20 ngàn. Vào buổi chiều tối hôm đó, sơ giao ngay cho người bán. Thế là giống như mơ, với lòng nhiệt thành tín thác vào Chúa kính yêu, Sơ lại thành công một lần nữa, mua được nhà làm cơ sở đầu tiên cho người già neo đơn. Một điều thú vị là vị ân nhân của Sơ, về cuối đời đã đến ở nhà Hưu Dưỡng, được sự ưu ái đặc biệt của mọi người, ông sống trong một phòng chung cư đặc biệt dành riêng cho ông. Kể từ cơ sở đầu tiên đó, sơ tiếp tục phát triển công việc mục vụ Bác Ái cho người già một cách tài tình, sơ thành lập hội bác ái mang tên “Hội nhà Thánh Elizabeth” vào năm 1967. Trong ba mươi năm trường, sơ cùng với Hội tiếp tục xây dựng nên cả một làng hưu dưỡng dành cho người già cả đau yếu. Dân chúng và nông gia Canada tiếp tục hiến tặng thực phẩm và tài vật cho hội, thuở ban đầu, ở nhà hưu dưỡng đầu tiên, sơ còn trẻ, lái xe về nông thôn để nhận thịt bò do một nông dân cho, ai ngờ đến nơi, bò còn sống, bác nông dân đang chờ người xẻ thịt sẽ đến vào tuần sau, không thể để cho hưu dưỡng viên dùng bữa thiếu thịt bò, sơ mượn dao tự giết xẻ thịt con bò làm bác nông dân phải nể phục, sững sờ.

Làng hưu dưỡng St Elisabeth Mills, bao gồm 600 căn nhà đơn và dưỡng đường, thánh đường trải dài trên 200 mẫu Anh, làng có 16 hồ nước thiên nhiên rất nên thơ bao quanh.

 Công việc bác ái của hội bác ái “nhà thánh Elizabeth” phát triển qua nước Hungary, ở ngoại ô Budapest, tại thành phố Pilisvôrovar với nhà Szent Erzsébet Otthon

Nhà có 200 chỗ cho những người già tuổi nhất với các phương tiện tối tân nhất thời đó ở Hungary, ngoài ra sơ cũng tiếp tay xây dựng lại nhà Dòng Mẹ ở Hungary

Chưa dừng ở đó, sơ còn tiếp tục đi ra hải ngoại, xây nhà hợp tác với Mẹ Teresa ở Ấn Độ, xây nhà cho người già ở Pakistan. Mời Bạn đọc thăm trang nhà của Hội bác ái “Nhà Thánh Elizabeth” ở mạng https://www. stelizabethhomesociety.org/

Ai cũng biết rằng, cuộc đời dương thế càng nhiều thành công càng có lắm gian truân, sơ Êlidabet đã bị báo chí soi mói và bị nghiệp đoàn ganh ghét muốn dành quyền, tuy nhiên sơ đã thoát khỏi sự ganh ghét vu oan, sự tham lam muốn cưỡng đoạt các cơ sở nhà cửa to tát, sự trả thù và bôi nhọ của thế gian. Cho dù gặp đủ thứ gian truân vượt sức chịu đựng ở tuổi 75, thậm chí bị đe dọa phải quay về Hungary, mất hết danh dự, mất làng hưu dưỡng thân yêu, sơ vẫn dí dỏm khôi hài, vui tươi nhờ vào đức tin son sắt vào Chúa Giê Su kính yêu mà vượt qua và chiến thắng vang dội ở tòa án năm 2005, trong công luận và trong Giáo Hội. Sơ nhận được sự tưởng lệ cao quý từ Đức Thánh Cha, lời biết ơn sâu xa từ Đức Hồng Y Giáo Phận Toronto, Gerald Carter và phần thưởng, huy chương cao quý từ thủ tướng Trudeau Canada, từ tổng thống Hungary, Arpad Goncz, … về công việc bác ái nhà hưu dưỡng của mình. Cho đến hơi thở cuối cùng, yếu ốm, sơ vẫn khiêm nhường ngày ngày ân cần đến bên các cụ già trong nhà hưu dưỡng. Ngài về nhà Chúa vào ngày 4 tháng 10 năm 2010 ở tuổi 92.

Cuộc đời của Sơ được ứng nghiệm với câu kinh thánh,

–          Chúa phán: “Nếu các ngươi có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các ngươi có bảo cây dâu này: “Hãy bứng rễ mày đi mà xuống mọc dưới biển”, nó cũng sẽ vâng lời các ngươi” (Luca 17:6).

Xin Chúa cho Hội Thánh có nhiều hạt cải đức tin trong thời đại văn hóa sự chết của chúng con.

Sau hết, xin mời các bạn thưởng thức phim sơ Êlidabet qua Amazon Prime miễn phí, hoặc xem phim  ở kết nối sau đây:

http://www.truli.com/video/ sister-elisabeth-the-strength- of-faith

Phan Sinh Tran