ĐƯỜNG NÊN THÁNH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 HÔM NAY

ĐƯỜNG NÊN THÁNH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 HÔM NAY

Bs. Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà

Ngày lễ Đức Mẹ Maria Hồn Xác lên Trời có nhiều ý nghĩa quan trọng về phương diện thần học và đời sống đức tin, tôi chỉ chia sẻ một ánh sáng chợt đến khi suy niệm hôm nay.  Ngày lễ này, Giáo Hội chọn đoạn Tin Mừng Đức Maria vội vã lên đường thăm viếng và giúp đỡ, chăm sóc người chị họ Elizabeth đang mang thai lúc tuổi già (Lc 1,39-56).  Thật bất ngờ và ngỡ ngàng!  Ngày lễ Đức Mẹ Maria Hồn Xác lên Trời được Giáo Hội làm nổi bật với cuộc lên đường của Mẹ Maria, một mình Mẹ không ngần ngại đường xá xa xôi gập ghềnh sỏi đá của xứ Palestine để phục vụ tha nhân, cho ta thấy con đường lên đến Trời cao chính là con đường của cuộc sống đời thường, chính là con đường mà mỗi người chúng ta hàng ngày đi đến bệnh viện, trường học, công sở, đi gặp gỡ… tùy theo nhiệm vụ và nghề nghiệp của mỗi người, khi con đường đó được dệt bằng tình yêu, bằng trái tim yêu thương, bằng hành động nhân ái, bằng tấm lòng chia sẻ và liên đới.  Như thế, ngày lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời nhắc nhớ chúng ta hướng về Trời cao, với niềm hy vọng hạnh phúc vĩnh hằng, nhưng đồng thời cũng nhắc chúng ta con đường dẫn tới Trời cao chính là con đường phục vụ, sẻ chia, liên đới trong cuộc sống đời thường hiện tại.  

Giữa cơn đại dịch đang diễn biến khốc liệt trên quê hương Việt Nam, cách riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), hầu hết chúng ta phải đối diện với rất nhiều thử thách cho đời sống thường nhật về mọi mặt, kể cả khía cạnh đức tin.  Tuy nhiên, dưới ánh sáng đức tin, đoạn suy niệm ngắn trên lại chiếu tia sáng cho mỗi người chúng ta hôm nay, trong hoàn cảnh này, Chúa muốn chỉ cho ta con đường hướng về Trời cao như Mẹ Maria, hay nói cách khác, con đường NÊN THÁNH hôm nay. 

NHỮNG NGƯỜI TRÊN ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Các bác sĩ (BS), y tá, nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chống dịch, họ đang bước vào một trận chiến thực sự, luôn có nguy cơ bị phơi nhiễm và hy sinh cả mạng sống.  Trong nhiều tháng liền, họ đã phải xa gia đình, cha mẹ, vợ /chồng, con thơ, để giành giật từng mạng sống của các bệnh nhân nguy kịch.  Chính bản thân cũng mang nhiều nỗi lo toan và nhớ thương, nhưng các thiên thần áo trắng vẫn nỗ lực đem lại hy vọng, niềm an ủi, sức khỏe và sự sống cho người bệnh.  Vâng, các vị là chứng nhân sống động của tình yêu tha nhân, huynh đệ đại đồng!  Các vị đã đặt quyền lợi bản thân dưới quyền lợi của người bệnh.  Các chiến sĩ áo trắng là những anh hùng thời đại.  Các vị đang trên đường NÊN THÁNH!

Đã có các chiến sĩ áo trắng quỵ ngã, như BS Lý Văn Lượng, thuộc nhóm các bác sĩ đầu tiên ở Vũ Hán chết vì tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.  Câu thơ Anh để lại trước khi chết là lời của Thánh Phaolô:

Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp,

Tôi đã chạy hết chặng đường,

Tôi đã giữ vững đức tin,

Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính (2Tm 4, 7-8a).

Các tu sĩ và các tình nguyện viên ở các bệnh viện chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, các anh chị không tránh khỏi nỗi lo lắng, sợ hãi ban đầu: mới tiêm một mũi vaccine ngày hôm trước, hôm sau đã lên đường, vaccine chưa kịp phát huy tác dụng; không có chuyên môn về y khoa lại tiếp xúc trực tiếp với F0, sự an toàn của chính mình có thể gặp nguy cơ.  Vâng, nỗi sợ thật bình thường và chính đáng!  Các anh chị vẫn sợ nhưng một tình yêu lớn đối với Thiên Chúa và tha nhân đã giúp các anh chị vượt qua nỗi sợ để lên đường dấn thân!  Nếu ai cũng sợ và lùi bước thì ai sẽ xông pha chiến trận bảo vệ quê hương, người bệnh?  Các anh chị không phải là nhân viên y tế, chỉ tham gia công tác vệ sinh phòng bệnh, thay tã, đổ bô, thay drap cho bệnh nhân, cho người bệnh ăn, và vệ sinh thân thể cho họ… công việc nhỏ nhưng với tình yêu lớn!  Vâng, các anh chị đang là chứng nhân sống động của tình yêu Thiên Chúa!  Các anh chị đang trên đường NÊN THÁNH!

Các công nhân vệ sinh môi trường, hàng ngày âm thầm đẩy xe rác nặng nề, tiếp xúc với rác thải dơ bẩn và nguy hiểm, để bảo vệ sức khỏe cho mọi người.  Các tình nguyện viên ở tuyến đầu chống dịch, hay tham gia công tác hậu cần, đặc biệt những nơi phong tỏa, cách ly, nhóm tài xế thiện nguyện thành lập đội xe cấp cứu 0 đồng, chuyên chở F0 đi cách ly… khi nhận việc các anh chị quên hẳn những cảnh báo của người thân về việc mình có thể bị nhiễm bệnh.  Các anh chị đã được thúc bách bởi một Tình Yêu.  Vâng, các anh chị đang là chứng nhân sống động của tình yêu tha nhân HƠN chính mình!  Các anh chị đang trên đường NÊN THÁNH! 

Biết bao người Samari nhân hậu thời đại, tại TP HCM và nhiều tỉnh thành khác, nhiều sáng kiến được đưa ra để hỗ trợ những người bán vé số, lượm ve chai, xe ôm, người nghèo… bị ảnh hưởng trong thời gian cách ly xã hội.  Từ các cha xứ đi phát lương thực từ thiện, các siêu thị mini 0 đồng, các ATM gạo, nam sinh viên chở rau miễn phí từ Kontum về TP HCM, anh công an hỗ trợ sản phụ trên đường đến bệnh viện phụ sản, các chiến sĩ  gặt lúa giúp dân ở khu phong tỏa, em bé dành tiền tiết kiệm để giúp người nghèo…  Thật ấm lòng!  Thật đẹp thay tình người!  Công việc ý nghĩa trên đời là những gì ta làm để chăm sóc lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau và mang lại lợi ích cho nhau, sống tình liên đới.  Những người Samari nhân hậu thời dịch bệnh đang trên đường NÊN THÁNH!

“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.  Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm…  Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25, 34;37). 

Có lẽ hơn bao giờ hết, giữa đau thương thử thách, tình người lại được thắp sáng cả bầu trời.

Hàng trăm ngàn bệnh nhân COVID-19 đang đau khổ và thậm chí đối diện với cái chết bất ngờ.  Đau khổ, cách riêng là đau khổ trong những giờ phút cuối cuộc đời, có một vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Đau khổ quả thật là chia sẻ cuộc khổ nạn của Đức Kitô và hiệp nhất với hy tế cứu độ của Ngài trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.  Như thánh Phaolô nói: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10).  Sự thật này tuy không làm vơi đi nỗi đau và sự sợ hãi, nhưng cho chúng ta sự tin tưởng, và ân sủng để mang lấy sự đau khổ thay vì để nó đè bẹp chúng ta.  Và như thế, các bệnh nhân đang trên đường NÊN THÁNH!

Những ngày qua hàng ngàn người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 chết cô độc.  Karl Rahner, nhà thần học lớn thế kỷ XX đã chiêm niệm về cái chết: “bất luận sự chết có tàn bạo, có làm con người đau khổ thế nào thì cũng không thể hủy hoại tính cách độc lập và tự ý thức của con người.  Chính nhờ sức sống của đức tin mà chúng ta biết rằng: khi đối mặt với cái chết, con người có thể nhìn thấu vào những giới hạn của cái chết, và chính khi ấy chân trời mới của huyền nhiệm Thiên Chúa được khai mở, nhờ thế cuộc sống con người có được ý nghĩa tròn đầy vĩnh viễn.”  Chính thời khắc vô cùng đáng sợ của sự chết lại biến thành thời cơ quan trọng nhất để con người tiến gần Thiên Chúa hơn.

Có những người Kitô hữu hấp hối đã tỉnh thức chờ đợi Chúa đến trong bình an, nhưng cũng có nhiều người chưa tỉnh thức sẵn sàng.  Ắt hẳn mọi người Công giáo đều biết đến câu chuyện của người trộm lành, “Kẻ của phút thứ năm mươi lăm của giờ thứ mười một.” 

Ở một nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống kia có bức tranh Chúa Phục Sinh.  Bức tranh mô tả cảnh Chúa Phục sinh đang giải thoát những người công chính thời Cựu Ước: Ngài giúp Ađam chỗi dậy khỏi mồ, Evà đang quỳ mọp đôi tay hướng về Đấng Cứu Độ, trong khi các ngôn sứ đang diễn hành, tay cầm biểu ngữ trên có ghi lời sấm nổi tiếng nhất của mình.  Thiên đàng còn trống vắng, chỉ một mình tên trộm lành giữa cây cối tươi tốt.  Anh ta đã không có thì giờ khoác chiếc áo cưới của những người được tuyển chọn, vẫn còn đóng cái khố của tên tử tù, nhưng giờ đây nó lại trắng tinh, tươm tất.  Anh ta là vị thánh đầu tiên của thiên đàng, là kẻ được chính Chúa Giêsu phong thánh: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở trên thiên đàng với ta.”  Vì sao anh ta lại được diễm phúc như thế?  Vì hắn đã tin!  Và bởi tin, hắn đã thốt lên lời cầu xin bất hủ trong giờ phút chót: “Ông Giêsu ơi, khi nào ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23, 42).  Vậy đừng ai bỏ lỡ cơ hội phút cuối cùng: với lòng tin cậy, hãy nài xin lòng thương xót của Chúa. Khi ấy bạn vẫn có cơ hội NÊN THÁNH!

Với gia đình có người thân qua đời vì COVID-19, không được gặp lại nhau phút lìa đời, thật đau đớn, và chỉ nhận được hũ tro cốt sau đó.  Có người đã than thở “Nước mắt người ra đi cũng xong, nhưng nước mắt người thân yêu còn sống chẳng biết đến bao giờ mới nguôi ngoai.  Lệ có khô, nhưng nước mắt chảy vào trong còn mãi, ngậm ngùi nhớ thương chẳng bao giờ cạn.”  Trong đức tin, chúng ta biết rằng: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.  Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất” (Kh 21,4).  Đức Maria hồn xác về Trời, Kinh Tin K ính tuyên xưng niềm tin: xác chúng ta ngày sau sống lại.  Thân xác và linh hồn hiệp nhất với nhau, hiện tại thân xác người thân yêu qua đời có thành tro bụi, chúng ta sẽ gặp lại người thân, cả hồn và xác trong ngày sau hết.  Trong tin yêu phó thác, hãy kết hợp với Đức Maria dưới chân thập giá, hiệp thông với Người Con thân yêu bị các môn đệ bỏ rơi, chết trần trụi, khi ấy, chúng ta được thông phần với hy tế cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta NÊN THÁNH trong vâng phục Thánh Ý Chúa Cha nhiệm mầu.

Với các bạn trẻ thời gian cách ly xã hội, ở trong nhà nhiều hơn, nhờ đó bạn trẻ có thể học thinh lặng và thấy được giá trị của đời sống nội tâm, dành nhiều thời gian để sống cho những người thân yêu trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, hay sống gần Chúa, gần thiên nhiên nhiều hơn.  Mỗi ngày bạn trẻ tham dự thánh lễ online, bàn học bạn trở thành bàn thờ!  Bạn hãy tạ ơn Chúa và tôn vinh Ngài qua những nỗ lực học tập, mong muốn góp phần xây dựng quê hương mai sau, và làm vinh danh Chúa hơn.  Khi ấy, các bạn trẻ đang trên đường NÊN THÁNH!

Các cặp vợ chồng đang gặp khó khăn, thất nghiệp, phải ở nhà cùng nhau 7 ngày/24 giờ.  Hãy dành cho nhau những lời an ủi, ân cần chăm sóc cho nhau: “Anh/ chị em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều.  Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn.  Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-4).  Được như thế, các anh chị đang trên đường NÊN THÁNH!

Và biết bao người nữa, mỗi người chúng ta, khi làm một việc nhỏ cho tha nhân, cho cộng đồng với tình yêu lớn thúc bách, chúng ta đang trên đường NÊN THÁNH.

Xin tạ ơn Chúa!  Xin chúc tụng và ngợi khen Chúa!

Giữa bao đau thương cuộc đời, qua Mẹ Maria, Chúa đã chỉ cho chúng con Con đường hướng về Trời cao, con đường NÊN THÁNH của mỗi người chúng con được hiện thực hóa trong từng hành vi, cử chỉ, chọn lựa yêu thương trong cuộc sống đời thường.

Bs. Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà

From: langthangchieutim

THÁNH LAURENSÔ, PHÓ TẾ, TỬ ĐẠO – Ngày 10 tháng 8

May be art of 2 people

Ngày 10 tháng 8

THÁNH LAURENSÔ, PHÓ TẾ, TỬ ĐẠO

“Hoàng đế không thấy nửa người tôi được nướng chín kỹ rồi sao? Hãy lật phía kia để nướng tiếp cho kỹ đi để Hoàng đế có thể ăn thịt nướng này.”

Thánh Laurensô sinh tại thôn Huêca nước Tây Ban Nha. Cha mẹ ngài là người rất đạo hạnh. Quãng đời thơ ấu của Laurensô không được ghi lại tường tận, chỉ biết rằng: Ngài sớm từ biệt quê hương thân yêu để sang du học tại Rôma và đã sống cả cuộc đời trần thế tại đây

Được sống nơi kinh đô Giáo Hội, Laurensô hăm hở học hành và rèn luyện nhân đức, nên chẳng bao lâu tiếng nhân đức và tài học rộng hiểu sâu của ngài vang lừng khắp nơi. Khi vừa lên ngôi ngày 30 tháng 8 năm 257, Đức tân Giáo Hoàng Xíttô đã chọn Laurensô làm Phó tế giúp việc cho ngài.

Nhưng rồi cơn bách hại đạo làm cho Giáo Hội Chúa lại phải sống trong âu lo và thử thách. Giông tố đó do Hoàng đế Valêrianô gây ra. Để trốn tránh, giáo sĩ cũng như giáo dân phải sống dưới những hang toại đạo hoặc trong những nhà giáo dân kín cổng, cao tường.

Hoàng đế Valêrianô ra lệnh cho quân lính bí mật theo dõi Đức Giáo Hoàng và một đêm kia, quân lính đã tìm ra con đường nhỏ, quanh co dẫn xuống hầm giữa nghĩa địa Prêtêta. Bắt được Đức Giáo Hoàng đang ngồi giảng dạy Lời Chúa giữa đông đảo giáo dân. Quân lính xông vào bắt Đức Giáo Hoàng và đoàn tháp tùng đem nộp cho quan. Ngài bị án chém đầu. Được tin sét đánh này, thầy Phó tế Laurensô vội vã chạy theo Đức Giáo Hoàng và năn nỉ xin được cùng chết với vị cha chung. Nhưng Đức Giáo Hoàng Xíttô an ủi:

– Con yêu dấu, cuộc bách hại đạo dữ dội đang chờ đợi con, vài ngày nữa con sẽ theo Cha. Phần Cha, nay đã già cả, Cha sẽ trải qua những thử thách này cách nhẹ nhàng, nhưng con còn trẻ trung, đầy nghị lực, con sẽ phải trải qua cuộc bách hại đạo vẻ vang hơn nhiều. Rồi Đức Giáo Hoàng ban phép lành vĩnh biệt người con yêu dấu, để đi ra pháp trường.

Trước cái tang chung của Giáo Hội và trước cảnh “Đoàn chiên không chủ chăn”, thầy Phó tế Laurensô suốt ngày đêm đi săn sóc và an ủi giáo dân đang ẩn nấp, rải rác khắp thành Rôma.

Hoàng đế Valêrianô là con người độc ác, lại tham lam, khi biết Giáo Hội còn nhiều tài sản, lập tức, ông hạ lệnh bắt thầy Phó tế Laurensô tới để tra của. Hoàng đế nói với thầy:

– Giáo Hoàng và các người Kitô giáo trách ta xử ác với họ. Giờ đây ta hứa sẽ dễ dãi nếu ông đem nộp cho ta tất cả của cải như chén vàng, đĩa bạc, chân nến và các đồ thờ quý giá: Ta rất cần các đồ đó để tăng cường ngân quỹ quốc gia.

Thầy nhanh nhẹn trả lời:

– Thưa Hoàng đế, tôi rất giàu, chính kho bạc của Hoàng đế cũng không thấm vào đâu, tôi sẽ nộp cho Hoàng đế những vật quý báu ấy. Vậy xin Hoàng đế cho tôi ít ngày để kịp thu gom của cải đó lại.

Hoàng đế gia hạn ba ngày.

Còn thầy Phó tế Laurensô ngang nhiên đi khắp thành phố Rôma, tập trung các bệnh nhân mà Giáo Hội vẫn cấp dưỡng, gồm mọi thứ bệnh: Phong cùi, mù loà què quặt, độ chừng 1.500 người. Ngài thuê những chiếc xe ngựa chở họ thẳng tới cung điện Hoàng đế.

Thấy công việc kỳ lạ của thầy, dân thành Rôma rủ nhau đi xem rất đông. Đoàn xe ngừng trước cung điện Hoàng đế, thầy tâu trình lớn tiếng:

– Tâu Hoàng đế, đây là tất cả kho tàng quí báu của Giáo Hội Công giáo chúng tôi, đây là những người nghèo khổ, bệnh tật, nhưng chính nhờ công việc cứu trợ họ và chúng tôi đã tích trừ được nhiều kho báu trên trời. Xin Hoàng đế hãy đón nhận tất cả của cải này để dùng cho thành Rôma và cho chính Hoàng đế.

Trước những lời đầy khiêu khích đó, Hoàng đế Valêrianô đỏ mặt, tía tai, nổi giận đùng đùng, ông truyền đánh đòn thầy bằng roi sắt; rồi truyền đem các dụng cụ hành hình ra trước mặt thầy và nói:

– Ngươi sẽ phải chết, nhưng ngươi đừng tưởng sẽ được chết ngay đâu ta sẽ kéo dài cái chết của ngươi bằng trăm ngàn cực hình .

Người lính dũng cảm của Chúa Kitô mạnh dạn thưa:

– Ngài tưởng tôi sợ cực hình sao? Không đâu! Ngài cho những cực hình đó là ghê sợ, nhưng tôi không sợ chút nào, mà còn ước mong từ lâu.

– Ngươi tưởng rằng, “những của cải quí báu” kia sẽ cứu ngươi thoát những cực hình sao?

– Tôi cậy vào của cải trên trời, đó là lòng Chúa nhân từ thương xót. Thiên Chúa sẽ ban cho tôi được giải thoát, dù khi thân xác tôi phải phanh ra làm trăm ngàn mảnh.

Hoàng đế truyền đánh đòn thầy lần nữa. Đồng thời, Hoàng đế truyền cho lý hình nung đỏ những thanh sắt dí vào khắp mình ngài.

Không kêu la, than trách, thầy ngửa mặt lên trời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin hãy thương đến tôi tớ Chúa đã bị kết án là không chối Chúa, đã bị tra tấn vì dám tuyên xưng Danh Thánh Chúa giữa trăm ngàn cực hình”.

Hoàng đế tức giận hét lên:

– Mày là thằng phù thủy, mày coi khinh cực hình, nhưng nhân danh các thần minh, nếu mày không tế lễ các ngài, ta sẽ hành hạ mày như chưa từng ai có thể làm được.

Thầy mạnh dạn trả lời:

– Nhờ ơn Chúa, tôi không sợ chút nào, mọi cực hình sẽ qua đi. Chúc Hoàng đế hăng hái thi hành điều ngài dự định để làm khổ tôi.

Được lệnh, lý hình lấy roi sắt tua gắn chì đánh túi bụi vào thân xác ngài, đến nỗi những mảnh thịt bóc ra tung toé. Khắp mình mẩy tím bầm, đẫm máu. Thầy tưởng giờ phút vinh quang đã tới. Nhưng từ trời có tiếng vang lên báo cho ngài biết ngài còn phải chịu đựng thử thách gay go hơn nữa. Chính Hoàng đế cũng nghe thấy những tiếng vang đó, Hoàng đế kêu lên:

– Đoàn quân Rôma, các ngươi không nghe thấy ác quỉ đang kéo tới cứu phạm nhân, khinh dể thần minh và coi thường các khổ hình sao?

Như không để ý đến lời hò hét của Hoàng đế, thầy sốt sắng cầu xin:

– Lạy Chúa, xin thương đến người tôi tớ bất xứng này, con nguyện xin Chúa hãy ban cho những người có mặt đây được trở lại cùng Chúa. Xin Chúa hãy an ủi họ trước toà phán xét.

Bấy giờ, một Thiên thần lấy hình một thanh niên tới an ủi và lau chùi các vết thương cho thầy. Một binh sĩ tên là Rômanô được Chúa cho xem thấy sự lạ này, đã mạnh dạn tiến thẳng tới xin thầy Phó tế Laurensô rửa tội cho anh và sau đó Rômanô cũng được phúc tử đạo.

Hoàng đế Valêrianô vẫn chưa nguôi căm tức, Hoàng đế truyền đặt trước mặt thầy những dụng cụ hành hình có thể làm sởn tóc gáy người xem. Hoàng đế hỏi lý lịch, thầy trả lời:

– Quê tôi ở Tây Ban Nha, từ nhỏ tôi đến ở Rôma được rửa tội và được giáo dục trong đức tin Công giáo.

– Ngươi tôn thờ Thiên Chúa, Đấng dạy ngươi bất kính các thần minh và coi thường các khổ hình phải không?

– Nhân danh Chúa Kitô, tôi không sợ khổ hình chút nào .

Nghe lời thách thức đó, Hoàng đế căm giận như điên cuồng, truyền nung đỏ giường sắt và đặt thầy lên giường sắt nung đỏ. Lúc đó, ngài cầu nguyện:

– Lạy Chúa, xin nhận hy lễ xông hương thơm ngọt ngào này.

Rồi, quay sang phía Hoàng đế, ngài nói:

– Tâu Hoàng đế, Hoàng đế có biết không, lửa này chỉ làm cho tôi tươi tỉnh hơn, nhưng nó sẽ dành sức nóng để thiêu đốt Hoàng đế đời đời.

Hoàng đế Valêrianô tức giận, sùi bọt mép và trở nên mù quáng trong giận dữ còn thầy tươi cười nói tiếp:

– Hoàng đế không thấy nửa người tôi được nướng chín kỹ rồi sao? Hãy lật phía kia để nướng tiếp cho kỹ đi để Hoàng đế có thể ăn thịt nướng này.

Khi lý hình đã lật thầy lên, ngài nói:

– Đã chín rồi, mời Hoàng đế ăn đi.

Lúc đó, đoàn giáo dân đứng vây quanh, thấy một vầng sáng lạ lùng bao quanh thầy và xác ngài toả ra hương thơm ngào ngạt.

Biết rằng cuộc chiến đấu sắp hoàn tất, thầy cảm tạ Thiên Chúa:

– Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, vì nhờ Chúa mà con sắp được vào nước hạnh phúc,

Rồi ngài tắt thở, hôm đó là ngày 10 tháng 8 năm 258.

Xác thầy được hai linh mục kính cẩn an táng một nơi cách thành phố Rôma hai ngàn thước. Thế kỷ IV, Hoàng đế Constantinô đã xây cất một ngôi thánh đường nguy nga trên chính mộ thánh nhân và được mang tên thánh Laurensô.

TgpSaigon.net  

NHÀ

NHÀ

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Nhà không chỉ là một ngôi nhà hay một nơi chốn trên bản đồ.  Nó là một nơi trong lòng người, nơi mà đến tận cùng chúng ta muốn tìm về nhất.  Ý niệm ẩn dụ về nhà có thể giúp chúng ta giải quyết nhiều điều, thậm chí cả cách mà tình dục liên hệ với tình yêu.

Tình dục không bao giờ đơn giản là chuyện qua đường, chỉ phục vụ cho mục đích giải trí, một thứ không liên quan đến linh hồn.  Tình dục luôn chạm đến linh hồn, dù tốt hay xấu.  Hoặc tốt đẹp hoặc gây hại.  Hoặc củng cố hoặc phá nát linh hồn.  Khi đúng đắn, nó làm chúng ta tốt đẹp lên, và khi sai trái, nó làm chúng ta bớt nhân cách.  Nói một cách ẩn dụ, khi đúng đắn, nó đưa chúng ta về nhà, khi không đúng đắn, nó đẩy chúng ta xa cách nhà.  Tình dục do Thiên Chúa tạo nên và theo lẽ tự nhiên là để đưa chúng ta về nhà.  Thật sự là, nó được định để làm nhà cho chúng ta.  Nếu chúng ta về nhà sau khi làm tình, thì có một cái gì đó sai trái rồi.  Trước hết, tôi nói thế không phải là để phán xét về đạo đức, nhưng đây là một nhận định nhân học thay mặt linh hồn.

Như chúng ta biết, linh hồn không phải là một vài tế bào tâm linh vô hình trôi nổi trong cơ thể chúng ta.  Không thể họa nên linh hồn theo tưởng tượng, nhưng có thể hiểu được nó như một nguyên tắc.  Khi nhìn vào những diễn tả thấu suốt của các triết gia như Aristotle và Tôma Aquinô, linh hồn là một nguyên tắc kép trong chúng ta.  Nó là nguyên tắc của sự sống (của mọi sinh lực trong chúng ta) và là nguyên tắc của sự tích hợp (những gì giữ chúng ta trọn vẹn).  Điều này có vẻ mơ hồ, nhưng không phải thế.  Nếu bạn từng ở bên người hấp hối, bạn biết chính xác lúc nào hồn lìa khỏi xác.  Không phải vì bạn thấy một linh hồn bay khỏi thể xác, nhưng vì mới đây cơ thể còn sống, còn là một tổ chức, ngay sau đó nó trơ ra, vô hồn, đã chết và bắt đầu phân rữa.  Linh hồn giữ chúng ta sống và linh hồn giữ chúng ta cố kết với nhau.

Nếu đúng là thế, và là thế thật, thì bất kỳ việc làm có ý nghĩa nào của chúng ta, bất kỳ điều gì chạm đến tâm can chúng ta, tác động trên linh hồn chúng ta, động đến cả chất lửa và chất keo của linh hồn, thì nó sẽ làm suy yếu hoặc tăng cường.  Tình dục cũng vậy.  Thật sự, đó là một ví dụ rõ nhất.  Tình dục rất mạnh và chính vì thế nó không bao giờ là chuyện vặt vãnh.  Nó xây dựng hoặc phá nát linh hồn.

Ba mươi năm trước, khi dạy một lớp đêm ở đại học, tôi đã đưa cho lớp đọc quyển nghị luận của Christopher de Vinck, Chỉ Những Trái Tim Mới Biết Cách Tìm Ra Nhau – Ký Ức Quý Báu Về Thời Gian Không Có Đức Tin (Only the Heart Knows How to Find Them – Precious Memories for a Faithless Time).  Những bài luận này là các suy ngẫm của tác giả về cuộc đời của mình trong tư cách người chồng, người cha.  Những câu chuyện ấm áp, không lãng mạn vô cớ, đầy tính nghệ thuật và không có chỗ cho những thứ đa cảm.  Chúng là tiếng nói ủng hộ cho hôn nhân, không phải bằng những lập luận biện giải, mà đơn giản bằng cách chia sẻ làm thế nào mà hôn nhân có thể đem lại một nhà, một nơi thanh bình của sự cô tịch chung, có thể đưa chúng ta vượt lên những cuộc tìm kiếm miệt mài bủa vây chúng ta ở tuổi dậy thì, và đẩy chúng ta ra khỏi nhà cha mẹ để đi tìm nhà của mình.  Hôn nhân và chiếc giường hôn nhân có thể đưa chúng ta về lại nhà.

Đến cuối học kỳ, một nữ sinh viên gần 30 tuổi, đến văn phòng tôi nộp bài.  Cô cầm theo quyển sách của Vinck và chia sẻ thế này: “Đây là quyển sách hay nhất em từng đọc.  Em lớn lên mà không có nhiều hướng dẫn về tôn giáo hay đạo đức, và em đã ngủ lang khắp nửa nước Canada, nhưng bây giờ em biết mình thật sự muốn gì rồi.  Em muốn cái mà tác giả này có!  Em muốn chiếc giường hôn nhân.  Em muốn tình dục đưa em về nhà, trở nên ngôi nhà của em.”  Thấu suốt của cô xứng đáng được nhắc lại, không phải chỉ vì trong văn hóa thời nay, tình dục thường bị tách biệt khỏi hôn nhân và nhà.

Khi đi dạy và làm mục vụ, có những thời gian tôi làm việc nhiều với thanh niên, những người đang cố xác định ý nghĩa của tình yêu, quyết định kết hôn với ai và cố sống cả đời với ai, có một câu hỏi thường xuất hiện trong đầu tôi: Làm sao để nhận ra loại tình yêu nào có thể làm nền tảng để xây dựng hôn nhân?  Đây là câu hỏi tối quan trọng, vì tình yêu không phải là thứ dễ hiểu hay dễ đánh giá.  Chúng ta có thể phải lòng với đủ loại người, thường là nhầm người, những người chúng ta có thể tán tỉnh hoặc có thời gian mặn nồng ngắn ngủi nhưng lại không thể sống đến trọn đời.

Loại tình yêu nào có thể làm nền tảng để xây dựng hôn nhân?  Cần có loại tình yêu đưa chúng ta về nhà.  Chúng ta cần nhận thức rõ ràng, chẳng hạn với người này, chúng ta được ở trong nhà, vì hôn nhân rất khác với trăng mật.  Đi trăng mật xong, là chúng ta về nhà.  Trong hôn nhân, chúng ta ở trong chính căn nhà của mình.

Cả tình dục cũng thế.  Nó phải là thứ đưa chúng ta về nhà và là nhà của chúng ta, chứ không phải một thứ mà khi xong việc, chúng ta lại đi về nhà.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

 From: Langthangchieutim

NGUỒN TRỢ LỰC SIÊU NHIÊN

NGUỒN TRỢ LỰC SIÊU NHIÊN

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Lời Chúa trong sách Các Vua kể với chúng ta việc ông Êlia chạy trốn vua Akáp.  Là người thực thi sứ mạng Chúa trao, ngôn sứ Êlia đã nhiệt thành can đảm, dám đương đầu với 450 tiên tri của thần Baal.  Kết quả là 450 tiên tri này đã bị giết chết.  Sự thua cuộc bẽ bàng đã khiến cho hoàng hậu Zerabel nổi giận và thề giết cho được Êlia.  Nghe tin dữ đó, Êlia đã chạy trốn.  Trong tâm trạng buồn chán, ông xin Chúa cho mình được chết đi.  Chúa không bao giờ bỏ rơi những ai dấn thân phụng sự Ngài.  Chính vào lúc Êlia đang buồn chán thì Chúa can thiệp.  Ngài đã sai sứ thần đem đến cho Êlia bánh và nước.  Nhờ bánh và nước này mà vị ngôn sứ của chúng ta có đủ sức trong 40 ngày trên đường tiến về núi Horeb.  Bánh và nước đã cho ông sức mạnh để tìm về núi Hôreb, là núi của Thiên Chúa, để tìm ở đó nguồn sức mạnh siêu nhiên.

Nếu ngôn sứ Êlia được Chúa nuôi dưỡng trên đường lên núi Horeb ngày xưa, thì hôm nay Chúa cũng đang nuôi dưỡng chúng ta trong hành trình trần thế.  Cuộc sống của con người, theo nhãn quan Kitô giáo, cũng là một hành trình vượt sa mạc để lên núi của Thiên Chúa.  Cuộc hành trình và lên núi này đòi hỏi chúng ta phải có đủ sức mạnh thể lý và tinh thần, vì đây là hành trình đầy gian nan và cám dỗ.  Lương thực mà Chúa ban cho chúng ta chính là Thánh Thể và Lời Chúa.  Nhờ nguồn trợ lực siêu nhiên này mà chúng ta có thể tiến bước trong bình an và hạnh phúc.

Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay tiếp tục ghi lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do Thái về đề tài Bánh trường sinh.  Chúa Giêsu nhấn mạnh tới khía cạnh thần linh của bánh mà Người sẽ ban.  Người Do Thái chỉ nhận ra nơi Chúa Giêsu là con ông Giuse thợ mộc, nên họ khó nhận ra bánh mà Đức Giêsu nói tới.  Đây là bánh từ trời, cũng như Đức Giêsu từ trời xuống, vì thế, bánh này là lương thực thiêng liêng Chúa ban.  Nếu ngày xưa, Thiên Chúa nuôi dân trong hành trình sa mạc bằng Manna, thì nay, Chúa Giêsu là Manna từ trời xuống.  Cũng như bánh cần thiết cho sự sống thân xác, bánh thiêng liêng là chính Chúa Giêsu cần thiết cho sự sống thần linh nơi chúng ta.  “Bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”  Nếu chúng ta có mặt lúc bấy giờ, chắc hẳn chúng ta cũng sẽ ngạc nhiên như những người Do Thái, khi nghe Chúa Giêsu nói về thịt của Người.  Nếu mầu nhiệm nhập thể dẫn tới việc “Ngôi Lời đã trở thành xác thịt” (Ga 1,14), thì nay, “xác thịt đã trở thành Bánh” (Ga 6,51).  Khi nghe Chúa Giêsu nói, Người sẽ lấy thịt mình cho họ ăn, người Do Thái coi đây là sự mạo phạm.  Liên hệ với cuộc khổ nạn và được soi sáng bởi mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu, người Kitô hữu nhận ra nơi Thánh Thể chính là thịt và máu Chúa Giêsu, Đấng Cứu nhân độ thế.  Đây là lương thực thiêng liêng, là lương thực giúp chúng ta được tăng trưởng mỗi ngày trong hành trình lên núi của Thiên Chúa về quê trời.

Cơn đói bánh là nỗi lo của con người mọi thời đại.  Những xung đột và chiến tranh xảy ra cũng nhằm để giải quyết cơn đói này.  Đâu là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn nhắn gửi nhân loại, khi hiến trao thân mình Người cho chúng ta?  Đó là sứ điệp của sự sẻ chia, dấn thân phục vụ.  Thánh Thể là bài học yêu thương.  Như Đức Giêsu đã trao ban chính bản thân mình, người tín hữu được mời gọi bắt chước Chúa, dấn thân phục vụ, để trở nên những cánh tay nối dài của Người giữa trần gian.  Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự và trao phó cho con người quản lý.  Nếu biết phân phối công bằng, thì của cải trên thế giới đủ để nuôi sống tất cả mọi người.  Nghèo đói, bất công là con người ích kỷ, chỉ biết chiếm hữu cho mình mà quên tha nhân.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Sự phân phối bất công của cải vẫn tồn tại, tạo nên tình trạng tội lỗi mang tính xã hội, tình trạng ấy kêu thấu trời xanh và làm cho quá nhiều anh chị em chúng ta không có khả năng đạt được một cuộc sống đầy đủ hơn.”  Nghĩa cử quảng đại chia sẻ sẽ đem cho chúng ta hạnh phúc, vì “Chỉ khi nào biết xả thân cho người khác, chúng ta mới thành công trong đời sống và mới cảm nghiệm được nỗi vui mừng của Thiên Chúa” (Michel Quoist).

Được nuôi dưỡng nhờ Thánh Thể, cuộc đời người Kitô hữu phải được canh tân.  Thánh Phaolô nói với giáo dân Êphêsô: “Anh em hãy loại ra khỏi anh em mọi thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác.  Anh em hãy ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô.”  Vị Tông đồ dân ngoại cũng khuyên các tín hữu hãy chia sẻ quảng đại theo gương Đức Giêsu: “Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta.” (Bài đọc II).

Trong những ngày này, qua các phương tiện thông tin, chúng ta được biết có hàng ngàn hàng vạn người dân nghèo vội vã rời bỏ các đô thị có dịch để trở về quê, tránh đại dịch Covid-19.  Nhiều cảnh đời rất đáng thương, vạ vật bên đường.  Không chỉ những người trên đường về quê, có nhiều nơi đang phải cách ly, phong toả và giãn cách.  Họ đang cần lắm những “sứ thần” mang đến cho họ sự giúp đỡ.  Nếu không có khả năng giúp đỡ vật chất, chúng ta đều có thể cầu nguyện cho họ, xin Chúa cho những người nghèo khó và đau khổ được ơn nâng đỡ nhờ nguồn trợ lực siêu nhiên.  Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng, Chúa có thể làm những điều kỳ diệu để nâng đỡ chúng ta.  Ngài chính là nghuồn trợ lực siêu nhiên đối với những ai tin tưởng trông cậy nơi Ngài, như tác giả Thánh vịnh chia sẻ với chúng ta: “Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người.  Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.”

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org

From: Langthangchieutim

Đám đông lầm lũi đi theo người  

Đám đông lầm lũi đi theo người  

Tramtubensuoi

Tin Mừng Gioan 6: 2

Có đông đảo dân chúng đi theo Người,

bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ

Người đã làm cho những kẻ đau ốm.

Ngày xưa, dân chúng đi theo Người vì những dấu lạ: chữa bệnh, trừ quỷ,

vì được ăn no nê còn dư 7 thúng đầy.

Ngày nay, chúng tôi theo Chúa vì những điều gì?

Có nhiều nguyên nhân, nhiều mục đích lắm, tùy mỗi người, tùy mỗi hoàn cảnh, thay đổi theo thời gian.

Còn nhỏ, chúng tôi theo Chúa bằng cách giữ đạo vì cha mẹ ép buộc.

Lớn lên, theo Chúa… kiểu ai sao tôi vậy. làm dấu, đi lễ, đọc kinh như người máy.

Khá hơn chút nữa, chúng tôi tham gia vào hội đoàn. Nghe có vẻ như là những con chiên ngoan đạo qua những việc đạo đức rầm rộ bên ngoài…nhất là những dịp lễ lớn…

Tuy nhiên, thấp thoáng đâu đây những tranh đua ngấm ngầm làm cách nào cho hội đoàn tôi nổi nhất xứ thậm chí qua những bộ đồng phục không đụng hàng !!!

Ngoài ra, ngay trong một hội đoàn, chúng tôi còn phân biệt ra ngô ra khoai thành những ốc đảo rõ rệt: nhà giàu chơi với nhau, không thèm đếm xỉa tới xóm nhà lá bần hàn. Khi phân chia công tác, cũng ưu tiên cho khu nhà ngói những việc quan trọng như đọc sách, lời nguyện giáo dân… Thánh Giá nên cao dẫn đầu đoàn rước kiệu…còn xóm nhà lá chịu khó quét sân, lau cửa kiếng nhà thờ.

Có lẽ ngon lành nhất là khi chúng tôi có dịp tham gia vào những cộng đoàn. Nơi đây, hàng tháng, chúng tôi được học hỏi rất bài bản, tương đương với chương trình thần học giáo dân, chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ đời sống ơn phúc …

Đặc biệt là trong thời gian đầu, chúng tôi nhận được khá nhiều ơn…khiến gia đình chúng tôi hạnh phúc hẳn lên…

Chúng tôi tự phong cho mình là những người Kitô hữu đích thực, hơn hẳn những người Kitô hữu tình tang khác.

Thậm chí, có anh trưởng kia còn hùng hồn tuyên bố: Ai muốn được cứu độ, phải vào trong cộng đoàn mình!!!

Nhưng có điều rất kỳ lạ, sau những tháng ngày bồng bềnh thú vị ban đầu, lòng sốt mến nguội dần, chúng tôi từ từ lùi về gần như ngày xưa…

Bằng chứng là sau hơn 10 năm chia sẻ Lời Chúa, chúng tôi vẫn dậm chân tại chỗ ở mức trên trung bình một tí !!! Nói Lời Chúa vanh vách nhưng chẳng biết áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình…như thế nào cả.

Vẫn biết mến Chúa, yêu người…nhưng lòng mến Chúa giống như giả vờ, lúc nóng lúc lạnh, lúc gần lúc xa…

còn yêu anh em bằng mình mới cực kỳ khó… yêu những ai đây?…ngoài một số anh chị em trong tổ,  trong cộng đoàn của mình.

Yêu thế nào cho đủ?

Khi chia sẻ đời sống, chúng tôi tránh né bằng cách kể lại những chuyện của anh em khác, và lờ đi chuyện chính gia đình mình.!!!

Lâu lâu, chúng tôi nhắc lại mục đích của cộng đoàn mình là Nên Thánh…nhưng dường như chúng tôi chẳng bao giờ dám nghĩ tới chuyện cao siêu này…

Bằng chứng là vừa rước Chúa vào lòng xong, chúng tôi tranh nhau lên hôn tượng Chúa bằng thạch cao một cách rất ư là thành kính. Chúa ở đâu nhỉ???

Thánh lễ đã hết chúng tôi ra về…Chúa ở lại trong nhà Tạm nhé.

Hóa ra một mặt, chúng tôi vỗ ngực tự phong cho mình là những người Kitô hữu đích thực…

Mặt khác,  chúng tôi vẫn đi theo Chúa kiểu nửa nóng nửa lạnh mà thôi.

Nói theo tục ngữ thế gian: Đường ai nấy đi.

Chúa khác – tôi khác.

Chúa đi đường Chúa – tôi đi đường tôi giữa cuộc đời lữ hành đầy sóng gió này.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng chìm trong đám đông lầm lũi đi theo người

tuy có vẻ gần gũi…qua những việc đạo đức thường ngày…

Nhưng trong thực tế cuộc sống, tôi và Chúa dường như xa xôi thế nào ấy !!!

Quả thật, chúng tôi thấy mình dường như vẫn còn đang chìm trong đám đông lầm lũi đi theo người

From: KimBang Nguyen