NGƯỜI TRỘM LÀNH, ANH LÀ AI?

Make Christianity Great As Always

NGƯỜI TRỘM LÀNH, ANH LÀ AI?

Khi đọc các trình thuật Tin Mừng về Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, không ít người đã xuýt xoa hay thậm chí là ghen tị với số phận của “người trộm lành”: cả đời ngập trong tội lỗi, lại đen đủi để bị bắt và xử tử, vậy mà trong chính những phút cuối cùng của cuộc đời lại được cho vào Thiên Đàng. Thế nhưng, câu chuyện về người trộm lành mà các thánh sử kể lại cho chúng ta có đơn giản và hiển nhiên như vậy không? Thật ra, anh ta là ai? đã làm gì? câu chuyện về anh đã được đưa vào các bản văn Tin Mừng như thế nào? và nhất là, cuộc đối thoại giữa anh và Chúa Giêsu dạy cho chúng ta điều gì? Ta hãy cùng nhau đi vào các bản văn Kinh Thánh để thử tìm hiểu về những vấn nạn thú vị này…

1.THẾ LÀ ĐÃ ỨNG NGHIỆM

Khoảng 700 năm trước Chúa Giáng Sinh, được Thần Khí thúc đẩy, ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm những lời được ghi lại trong bản văn thường được biết đến như là Bài ca Thứ Tư về Người Tôi Trung sau đây:

“Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,

bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;

người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,

đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành…

Người đã bị chôn cất giữa BỌN ÁC ÔN

bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo

và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa” (Is 53, 5.9).

Để rồi tám thế kỉ sau đó, sách Tin Mừng được viết đầu tiên vào khoảng năm 65 của thánh Marcô và sách Tin Mừng được viết thứ hai vào khoảng năm 80 của thánh Matthêu đã tường thuật lại cho chúng ta khung cảnh cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên đồi Golgotha:

“Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh HAI TÊN CƯỚP, một đứa bên phải, một đứa bên trái. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp” (Mc 15, 27-28).

“Cùng bị đóng đinh với Người, có HAI TÊN CƯỚP, một tên bên phải, một tên bên trái” (Mt 27, 38).

Đối chiếu các bản văn, ta có thể thấy là lời tuyên sấm của ngôn sứ Isaia về Người Tôi Trung “bị chôn cất (chịu chết) giữa bọn ác ôn” dường đã được ứng nghiệm trong cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu? Dựa và những phân tích của Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI trong cuốn Đức Giêsu thành Nazareth (tập 2) về trình thuật Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta hãy thử tìm hiểu sâu hơn về việc “bọn ác ôn” theo lời Isaia cụ thể là những ai, và “hai tên cướp” theo trình thuật của các thánh sử có nhân thân chính xác là như thế nào.

2.QUANH CON THÚ DỮ BỦA VÂY (x. Tv 22, 13)

Chúng ta hãy cùng đọc lại bản trình thuật của Mt:

“Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào! ” Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: “Ta là Con Thiên Chúa! ” Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế” (Mt 27, 35-44).

Quan sát bản văn của Mt, ta thấy có ba nhóm người đã cất tiếng chế nhạo Chúa Giêsu khi Ngài bị treo trên cây Thập Giá. Thứ nhất là những ‘kẻ qua người lại’, tức là những người đi đường. Họ nhại lại những lời Chúa đã từng nói về Đền Thờ: “Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi!” (Mc 15, 29-30). Những người nhục mạ Chúa muốn cho Người thấm thía đến độ cay đắng về sự dường như bất lực trên Thập Giá của Người, nó đã cho thấy cái tâm lý “đổ lỗi cho nạn nhân” khá dễ có của người đời đối với những kẻ sa cơ lỡ vận. Hành động của họ đồng thời cũng làm gợi nhớ lại cơn cám dỗ của ma quỷ năm xưa: ‘Hãy sử dụng quyền năng của ông đi, hãy cứu lấy mình đi, hãy dùng tới bạo lực đi’.

Nhóm chế nhạo thứ hai là những người đã đi theo ra từ dinh tổng trấn Philatô và đứng trên đồi Golgotha trong suốt buổi hành hình, mà theo Mc là gồm các thượng tế và kinh sư, tức là các thành viên của hội đồng Sanhedrin; Mt thêm ‘các kỳ mục’ (Mt 27, 41) còn Tin Mừng theo thánh Luca (Lc), Tin Mừng thứ ba, được viết vào khoảng năm 90, bổ sung cả ‘lính tráng’ (Lc 23, 36) vào nhóm này. Và hoá ra, những lời bọn họ đã buông ra trong chiều ngày hôm đó lại ứng với những lời đã được viết ra khoảng 150 năm trước đó trong sách Khôn Ngoan:

“Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,

hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.

Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,

để biết nó hiền hoà làm sao,

và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào” (Kn 2, 12-13.17-20).

Dù chính những người chế nhạo không ý thức được, nhưng bằng những lời độc địa nhắm vào Chúa Giêsu, quả thực họ đã làm cho ứng nghiệm những lời được viết ra trong sách Khôn Ngoan, qua đó xác nhận Chúa Giêsu chính là Người Công Chính được Cựu Ước nói đến. Như vậy, chính ngay trong lúc hoàn toàn bất lực, Chúa Giêsu đã tự mạc khải Người chính là Con đích thực của Thiên Chúa, chính ngay trong lúc chịu nhạo báng, mà bản tính Thần Linh Tối Cao của Người được xác nhận. Và cũng như Người đã không bị cám dỗ nhảy từ trên nóc Đền Thờ xuống đất như ma quỷ thách thức, giờ đây, Người cũng dửng dưng trước cám dỗ vì Người biết rõ là Thiên Chúa sẽ cứu Người, nhưng với một cách khác hẳn loài người có thể tưởng tượng.

Tiếp tục với nhóm người chế giễu thứ ba, ta có thể thấy họ trong cả ba bản văn Mc, Mt, và Lc (tuy nhiên ở Lc có một khác biệt khá quan trọng mà ta sẽ phân tích sau). Họ là những người cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu, những người mà Lc gọi là “gian phi”, còn Mt và Mc gọi là “kẻ cướp”, cùng một từ mà Tin Mừng theo thánh Gioan, Tin Mừng được viết muộn nhất, vào quãng năm 100, dùng để gọi Barabas; còn chính Ga thì chỉ nói về họ là “hai người khác nữa” (Ga 19, 18). Bản văn của Ga không hề đề cập gì đến lời nói hay hành động của hai người này, nhưng bản văn của Mc và Mt cho thấy hai tên cướp đã “nhục mạ” (Mc 15, 32) và “sỉ vả” (Mt 27, 44) Chúa Giêsu. Như vậy, với việc các thánh sử đều nhất trí tường thuật lại rằng Chúa Giêsu đã bị rất nhiều người khiêu khích, nhạo báng và sỉ vả cách độc địa trong những giờ phút cuối cùng, quả thực đã ứng nghiệm sấm ngôn của ngôn sứ Isaia về việc Người Tôi Trung phải chịu cảnh “bị chôn cất (chịu chết) giữa bọn ác ôn”.

Thế nhưng, về hai tên cướp cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu, các thánh sử thật ra đã không đưa ra những trình thuật hoàn toàn giống nhau về họ. Chúng ta hãy thử cùng nhau tìm hiểu sâu hơn về hai nhân vật này, xem họ là ai, tại sao lại xuất hiện ở đồi Gongotha, và những biểu hiện của họ khi bị treo hai bên Chúa Giêsu có thể được lý giải như thế nào?

3.NHỮNG KẺ ĐỤC NƯỚC KHUẤY TRỜI

Dựa vào danh từ “tên cướp” mà Mc và Mt dùng để gọi hai người này, ta có thể ngay lập tức cho rằng họ có thể là những tên cướp đường ác ôn thường tấn công và cướp bóc các khách bộ hành trên những con đường vắng vẻ của các miền đồi núi xung quanh Jerusalem mà Chúa Giêsu đã có lần đề cập đến trong dụ ngôn Người Samaria nhân hậu của Người. Nhưng thuật ngữ “tên cướp”, trong hoàn cảnh chính trị ngày xưa ở xứ Palestine, có thể mang thêm một ý nghĩa đặc biệt khác, tương đương với một chiến sĩ cách mạng, tức muốn chỉ về thành viên của nhóm Zelot. Theo hướng nghĩa này, hoàn toàn có thể cho là hai người này là đồng bọn với Barabas, được Ga gọi là “tên cướp”, đã tham gia vào một cuộc nổi dậy (Mc 15, 7) và bị tố cáo là đã giết người (Lc 23, 19), và thường được các nhà chú giải đồng tình xem như là một Zelot. Không thấy các Tin Mừng nói gì về một cuộc xử khác diễn ra cùng ngày ở dinh tổng trấn, nên có thể là hai người này đã bị bắt và tuyên án tử hình trước đó ít lâu, và rất có thể là cùng một lần với Barabas, nhưng được giam giữ để thi hành án vào ngày áp lễ Vượt Qua, thời điểm mà người Do Thái hành hương về Jerusalem để dự lễ, như một động thái răn đe và khủng bố mà chính quyền chiếm đóng Rome dành cho cư dân bản địa.

Nếu quả thực hai người này là những Zelot và cùng một toán với Barabas, sẽ khá hợp lý để giải thích cho việc tại sao họ lại tỏ ra giận dữ và hùa theo đám đông trên đồi Golgotha để nhục mạ và sỉ vả Chúa Giêsu. Bởi lẽ, dù không liên quan gì, nhưng để ép tổng trấn Philatô tuyên án tử hình, các thành viên Sanhedrin đã cố khoác vào Chúa Giêsu cái tội danh chính trị là Người đã “sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa” (Lc 23, 2), rồi sau đó lại ép Pilatus thả Barabas để đem Chúa Giêsu xử tử thế vào. Như ta có thể suy ra, nếu không phải là hai tên cướp đường bình thường mà lại là hai chiến sĩ nổi dậy chống lại ách đô hộ Rome, họ có thể tự xem mình như những anh hùng dân tộc, và buổi hành hình ngày áp lễ Vượt Qua trước toàn thể dân chúng đó là ngày mà sự nghiệp của họ đạt tới đỉnh cao “không thành công thì cũng thành nhân”. Thế nên, khi thấy thay cho vị thủ lĩnh Barabas, giờ đây họ lại bị chết treo hai bên cái ông Giêsu này, người mà có thể họ đã nghe phong thanh là đã thực sự bị kết án vì những lý do không liên quan gì tới chính trị, hẳn nhiên là họ sẽ thấy phẫn nộ. Đã vậy, tổng trấn Philatô lại còn đổ thêm dầu vào lửa khi cho treo trên đầu Chúa Giêsu tấm bảng viết dòng chữ “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái” (Ga 19, 19), điều khiến cho họ cảm thấy như mình đã bị chơi xỏ: vinh quang mà họ chấp nhận đổi bằng xương máu đang bị người ta đem ra làm nhục.

Ta có thể đẩy suy đoán của mình tới bước cuối cùng, là dù không liên quan gì cũng không thù ghét gì với Chúa Giêsu trước đó, nhưng giận cá chém thớt, hai người họ đã quay qua đổ lên đầu Người những đắng cay và giận dữ chất chứa trong lòng họ. Và có lẽ vì không biết gì mấy về Người trước đó, họ đã cứ thế lặp lại những lời chế nhạo và chửi rủa mà họ đã nghe được từ các thành viên Sanhedrin và những người qua đường. Quang cảnh ngày hôm đó ở đồi Golgotha cho thấy quả thực sự dữ có thể lan nhanh như một đám cháy rừng, nhất là nếu như khu rừng đó thường ngày đã bị làm cho khô cằn bởi nông cạn và nhỏ nhen, bởi đố kỵ và thù ghét, bởi bạo lực và cuồng nộ.

4.KẺ BÊN TẢ THEO ĐÀNG TẢ, KẺ BÊN HỮU THEO ĐÀNG HỮU

Đến đây, chắc hẳn một câu hỏi đã trồi lên, thậm chí là chọc vào tâm trí người đọc: vậy thì người trộm lành quen thuộc ở đâu? Đây, anh ấy ở đây. Trong bốn sách Tin Mừng, Lc là Tin Mừng duy nhất kể về một người trộm lành được treo bên phải Chúa Giêsu trong cái ngày bi thương trên đồi Golgotha năm ấy. Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại xem thánh nhân đã viết những gì:

“Có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Người. Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái… Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! ” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! ” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! ” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 32-33. 39-43).

Như vậy, theo thánh Luca, không phải cả hai người cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu đều chế nhạo Người, mà một trong hai người dường như đã nhận thức được mầu nhiệm trong người đang cùng chịu hành hình với mình. Anh đã nhìn, đã nghe và nhận ra rằng loại tội mà Người bị kết án thật khác biệt. Có lẽ anh còn nhận ra gương mặt Thiên Chúa nơi người đang cùng chịu đóng đinh với anh. Anh là người duy nhất trong bốn Tin Mừng đã gọi đích danh Chúa Giêsu: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! ” (Lc 23, 42). Trên thập giá, anh đã hiểu được, chính con người không có bất cứ quyền lực nào này lại là Vua đích thực, là Đấng mà Israel mong đợi, và anh ao ước từ việc bị treo cùng Người trên đồi Golgotha, anh sẽ được ở cùng Người trong vinh quang.

Câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho anh vượt quá xa lời cầu xin của anh. Thay vì hứa hẹn với anh một giao ước vu vơ sẽ được thực hiện trong một tương lai bất định nào đó, như cách mà các chính trị gia thường đưa ra cho đám đông dân chúng, Người đã nói với anh: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43). Theo Đức Nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, “câu nói này mang đầy bí nhiệm, nhưng giúp chúng ta thấy một điều chắc chắn: Chúa Giêsu biết rõ, Người sẽ trực tiếp đi vào trong sự hiệp thông với Cha, nên Người có thể hứa ‘Thiên Đàng’ ngay ‘hôm nay. Người biết Người sẽ lại dẫn con người vào vườn địa đàng, nơi mà họ đã bị đuổi ra ngoài, nhưng từ nay, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, con người sẽ tìm được ơn cứu độ đích thực”.

Vậy, điều gì đã khiến thánh Luca đưa trình thuật về người trộm lành vào bản văn Tin Mừng của ngài? Việc cho rằng có một tên trộm lành đã được Thiên Chúa thương xót có khiến Lc mâu thuẫn với hai bản văn Mt và Mc? Trình thuật về tên Trộm Lành liệu có phải là một sáng tác văn chương của riêng Lc không? Ta hãy cùng nhau thử suy luận một chút về vấn đề này.

5.CÁC LỜI CHỨNG BỔ KHUYẾT CHO NHAU

Chìa khóa để giải vấn nạn xem ra khó hiểu này, hóa ra có thể lại nằm ở trình thuật cuộc Khổ Nạn của Tim Mừng thứ tư. Chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe thánh Gioan kể lại:

“Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa… Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la” (Ga 19, 17-18.25).

Như vậy, khác với hai trình thuật ở Mc 15, 40 và Mt 27, 55-56, trong đó Maria Magdalena và một vài phụ nữ được nêu đích danh khác chỉ ”đứng nhìn từ đằng xa”, Ga lại ghi nhận là Maria Magdalena, Maria vợ ông Cleopad, Đức Maria mẹ Chúa Giêsu và người môn đệ Chúa yêu, có thể là chính thánh Gioan, đã tiến sát tới ngay dưới chân Thánh Giá để nghe những lời trăn trối cuối cùng của Chúa Giêsu. Điều này có giá trị gì đây? Ta biết rằng đa số các nhà chú giải đều cho là hai chương 1 và 2 của Lc, những chương chứa đựng những trình thuật duy nhất trong bốn Tin Mừng về biến cố Truyền Tin và những kỉ niệm thơ ấu của Chúa Giêsu, đến từ một nguồn riêng, mà rất có thể là những trao đổi cá nhân của thánh Luca với Đức Maria. Vậy thì từ đó, ta cũng có thể suy luận khá hợp lý rằng câu chuyện về người trộm lành của Lc cũng đã đến từ nguồn của Đức Maria. Có thể Mẹ đã đứng kề bên Thánh Giá, và đã nghe được những lời đối thoại thân thương giữa Chúa Giêsu và người trộm lành, rồi thuật lại cho thánh Luca để ngài đưa câu chuyện này vào trong Tin Mừng thứ ba.

Đến đây, sau khi đã đối chiếu bốn bản văn Tin Mừng về hai người tử tội bị treo hai bên Chúa Giêsu trong chiều Golgotha năm ấy, ta có thể lờ mờ nhận ra cái đặc tính “thống nhất trong khác biệt” của các bản văn Tin Mừng: có những chuyện có ở đây mà không có ở kia, có những chuyện sai khác chút ít giữa các bản văn, và có những trình thuật xem ra như mâu thuẫn với nhau. Giải thích thế nào đây? Học giả hàng đầu về Kinh Thánh là Rudolf Schnackenburg cho rằng: “Các tác giả Tin Mừng không dùng những truyền thống riêng lẻ để ghép lại bức chân dung của Đức Giêsu chung với nhau. Đúng hơn, họ đã bắt đầu với một bức chân dung chung của Đức Giêsu và kết nhập những câu chuyện riêng lẻ như những minh họa đức tin của họ. Họ không muốn tạo ra một bức tranh khảm, nhưng phát họa một bức chân dung có tính tổng thể, trong đó lời nói, những phép lạ, những hoạt động công khai và những chỉ thị cho các môn đệ của Đức Giêsu chảy chung với nhau vào trong một tổng thể hiệp nhất. Bức chân dung đó cho ta một cái nhìn vào trong mầu nhiệm cá nhân của Đức Giêsu, dĩ nhiên là một Đấng mà bản thể Ngài là vô phương dò thấu, chỉ được mạc khải như một mầu nhiệm và chợt nắm bắt bởi đức tin.”

Như vậy, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu đôi nét về người trộm lành qua các trình thuật của bốn thánh sử, nhưng để cho việc tìm hiểu của ta được trọn vẹn, ta đừng chỉ dừng lại ở việc xác thực thân thế của người trộm lành mà hãy cùng nhau suy ngẫm thêm về hành động và lời nói của ông khi bị treo bên cạnh Chúa Giêsu. Nó là một sự kiện ngẫu nhiên và nhỏ nhặt hay là một biến cố nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa?

6.MỘT CHỨNG NHÂN CHO LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

Về người Trộm Lành, khi phân tích các dụ ngôn trong Lc như ‘Người Samaria nhân hậu’ (Lc 10, 29-37), ‘Người cha nhân hậu’ (Lc 15, 11-32), ‘Người Pharisêu và người thu thuế lên Đền Thờ’ (Lc 18, 9-14), một vài người đã muốn xem anh như là bằng chứng xác nhận về Lòng Thương Xót bao la đến độ gần như vô lý của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải qua các dụ ngôn. Nhưng ngoài điều đó ra, anh còn là điều gì khác nữa không? Dựa vào các bản văn Kinh Thánh, ta sẽ thấy, hóa ra người Trộm Lành còn là kết quả ứng nghiệm lời tiên báo của chính Chúa Giêsu và một số bản văn ngôn sứ khác trong Cựu Ước.

Như ta đã biết, thánh nữ Maria Magdalena, người được Chúa Giêsu trừ cho bảy quỷ, đã được Mc, Mt và Ga nên đích danh trong số những chứng nhân cho cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, cũng chính bà đã được cả bốn tác giả Tin Mừng đồng thanh tuyên bố là người đầu tiên chứng kiến biến cố Ngôi Mộ Trống và loan báo tin mừng Chúa Phục Sinh. Chính thánh nữ, liên kết với ơn cứu độ của người Trộm Lành, đã làm cho ứng nghiệm lời tiên báo trước đó của Chúa Giêsu phán với các thượng tế và kỳ mục khi Người giảng dạy trong Đền Thờ: “Tôi bảo thật các ông: những người tội lỗi (thu thuế) và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21, 31).

Cũng như vậy, trong các bản văn Cựu Ước, bên cạnh các đoạn cho thấy sự công thẳng và nghiêm minh của Thiên Chúa, cũng có những đoạn cho thấy Lòng Thương Xót vô bờ bến của Người, như đoạn trích trong sách ngôn sứ Hôsê (viết vào khoảng năm 700BC) sau đây:

“Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết,

Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?

Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết

– sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng

Vậy hãy trở lại và hãy sống” (Ed 18, 23.32).

Như đã thấy trong các sấm ngôn Cựu Ước cũng như trong những dụ ngôn và tuyên bố minh nhiên của chính Chúa Giêsu, việc người Trộm Lành nhận được Ơn Cứu Độ không phải đến từ một phút ngẫu hứng của Chúa Giêsu mà là sự chín muồi Thánh Ý ngàn đời của Chúa Cha. Hiểu thấu bài học đức tin mà trình thuật về người trộm lành mang lại, Đức Nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã tuyên bố: “Trong lịch sử đạo đức Kitô giáo, người Trộm Lành trở thành hình ảnh của hi vọng – sự an ủi chắc chắn và lòng nhân từ của Thiên Chúa có thể đến với chúng ta trong giây phút cuối cùng. Chúng ta tin chắc rằng, dù là sau một cuộc đời lầm lạc, lời cầu nguyện van xin Lòng Thương Xót nhân hậu của Thiên Chúa, sẽ không bao giờ hóa ra vô ích”.

Thực vậy, trong suốt thời gian ba năm đi rao giảng, Chúa Giêsu đã không ngừng nhắc lại rằng Thiên Chúa ban Ơn Cứu Độ như một món quà tuyệt đối cho không, Người đã đến trần gian “không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17 – Mt 9, 13 – Lc 5, 32). Để rồi, trong chính giờ phút quyết liệt nhất của đời Người, khi Người sắp lìa thế gian mà về cùng Cha, Chúa Giêsu đã chứng thực một cách rõ ràng đến độ không thể nghi ngờ gì nữa về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Với người Trộm Lành ấy, người đã nhận biết rằng mình “chịu như thế này là đáng” (Lc 23, 41) và chẳng còn biết trông cậy vào đâu ngoại trừ lòng phó thác khiêm cung mà cương quyết vào Chúa Giêsu, thì Chúa Giêsu đã phán với anh: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43). Với lời phán truyền này của Ngôi Lời, thử hỏi ai còn dám nghi ngờ gì nữa về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và ai còn dám dem công đức của mình ra khoe khoang nữa?

7.TỘI NHÂN HỠI MAU QUAY ĐẦU TRỞ LẠI (Tb 13, 8)

Ở hướng ngược lại, về phần người Trộm Lành, tôi cho rằng anh không phải là kẻ ăn may vĩ đại, vì như lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Thiên Chúa không bao giờ chán tha thứ, chỉ có chúng ta chán xin Chúa tha thứ. Vì Ngài là Thiên Chúa, Ngài giàu Lòng Thương Xót, và vì Thương Xót là căn tính tiên quyết của Thiên Chúa. Danh Ngài là Thương Xót… Điều cần thiết là chúng ta phải xin ơn nhận ra mình là người có tội. Càng nhận thức mình đang túng quẫn, càng cảm thấy hổ thẹn và tủi nhục, chúng ta càng sớm cảm nhận được vòng ôm dịu dàng của Chúa”. Chắc hẳn, trong cuộc đời lấm lem tội lỗi của anh, không ít lần người Trộm Lành đã đau khổ về những yếu đuối và lầm lỗi của mình. Và quả thực, có lẽ chính nhờ vậy mà khi Ơn Chúa gõ cửa lòng anh, đúng lúc anh đang ngắm nhìn cảnh tượng Chúa Giêsu bị treo trên Thánh Giá, anh đã thực lòng sám hối ăn năn, và đã được nhận Ơn Cứu Độ. Vậy nên, ở điểm này, cần phải nói rõ hơn về những người nghĩ rằng họ có thể tiếp tục yên tâm sống trong nẻo đường gian tà lươn lẹo và tự nhủ rằng thế nào rồi họ cũng sẽ làm được một cú quay đầu vĩ đại như anh Trộm Lành, rằng: có thể họ chưa lường hết được sức mạnh của sự dữ và sự yếu mềm của ý chí con người đâu. Bởi lẽ, thử hỏi nếu một người không liên lỉ giục lòng ăn năn sám hối tội lỗi mình và siêng năng lãnh nhận ơn chữa lành trong Bí tích Hoà Giải, thì lấy gì để có thể dám chắc rằng người đó vào giờ phút cuối đời lại vẫn có thể dẹp bỏ sự kiêu ngạo và hư hỏng lâu năm của mình để mở miệng kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, hay là họ sẽ tiếp tục đi hết con đường chai cứng của tội lỗi và sẽ mãi mãi lánh mặt Thiên Chúa?

Lạc Vũ Thái Bình

Huế, 4-2022

Thư mục tài liệu tham khảo

  1. Kinh Thánh (ấn bản 2011), Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2019.

2.ĐGH Benedict XVI, Đức Giêsu thành Nazareth (tập 2), Nguyễn Văn Trinh dịch, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2011.

3.ĐGH Phanxicô, Danh Ngài là Thương Xót, Thái Thuận Hoà dịch, Nxb Hồng Đức, 2016.

4.Rudolf Schnackenburg, Đức Giêsu trong các Tin Mừng, Nguyễn Luật Khoa dịch, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2009.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay