httpv://www.youtube.com/watch?v=NDtie9PdniI
Ai Có Tật Thích XÉT ĐOÁN XẤU Cho Người Khác Nên Nghe Bài Giảng Này Của Lm Phạm Tĩnh
Về Công Giáo và Phật Giáo cùng các tôn giáo khác
httpv://www.youtube.com/watch?v=NDtie9PdniI
Ai Có Tật Thích XÉT ĐOÁN XẤU Cho Người Khác Nên Nghe Bài Giảng Này Của Lm Phạm Tĩnh
httpv://www.youtube.com/watch?v=kAowZwXapXU
httpv://www.youtube.com/watch?v=7a_4JFkjlZ0
httpv://www.youtube.com/watch?v=OFBt9AlGgpk
TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN?
Lm. Giuse Trần Thăng Hưng, O. Carm.
Tháng 11, Giáo Hội dùng cả tháng để cầu nguyện cho các linh hồn, được bắt đầu bằng Lễ Các Đẳng Linh Hồn vào ngày 2 tháng 11. Nhiều nơi trên thế giới vẫn gọi tháng 11 là tháng cầu cho các đẳng linh hồn.
Tại sao chúng ta cần cầu nguyện cho các linh hồn? Khi họ còn sống, họ đã làm gì mà khi chết đi chúng ta phải cầu nguyện cho họ?
Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, Con người sau khi chết sẽ xảy ra ba tình trạng; Được lên Thiêng Đàng, xuống Hoả Ngục hay vào Luyện Hình (Luyện Ngục).
Thiên Đàng, khi một người sống theo luân lý Công Giáo, luôn kính sợ Thiên Chúa và sống theo giới răn của Ngài. Thiêng Đàng là phần thưởng Thiên Chúa dành cho họ vì công trạng và sự mong ước khi họ còn sống. Thiên Đàng là hạnh phúc bất diệt, là sự sống đời đời và là sự hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa, các Thiên Thần, và các Thánh.
Hỏa Ngục, là những người khi còn sống, đã từ chối ân sủng của Thiên Chúa. Những người ta biết tỏ tường điều tốt xấu nhưng vẫn phạm tội chống lại Thiên Chúa và tha nhân để chọn điều xấu. Hoả Ngục là những người biết được lòng yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa nhưng vẫn khước từ và không bao giờ hoán cải.
Luyện Ngục, đó là những người sau khi chết, được Chúa hứa ban Thiên Đàng nhưng vẫn phải cần một thời gian thanh luyện vì có những tội lỗi họ đã phạm khi còn sống. Giáo Lý Công Giáo định nghĩa Luyện Ngục là “Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa với Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng” (số 1030).
Có một điều là những linh hồn nơi luyện hình không thể cầu nguyện cho chính họ, và họ phải hoàn toàn nhờ vào lòng thương xót và lời cầu nguyện của những người đang còn sống.
Khi một người đã qua đời, chúng ta cũng không thể biết được chính xác linh hồn đó sẽ lên Thiên Đàng, hay xuống hoả ngục, hay sẽ vào chốn Luyện hình vì có những công trạng hay tội lỗi mà chỉ có mình Thiên Chúa và linh hồn đó biết mà thôi, vì vậy việc cầu nguyện cho người qua đời là hết sức cần thiết.
Ngay từ thuở đầu, Giáo Hội luôn cầu nguyện cho những người qua đời, đặc biệt trong Thánh Lễ và các phụng vụ chung. Trong Thánh Lễ, tất cả các Kinh Tạ Ơn đều có phần cầu nguyện cho các linh hồn. Kinh Tạ Ơn II ghi rằng: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa.” Cũng vậy, trong Phụng Vụ các Giờ Kinh dành cho các tu sĩ và giáo sĩ đọc hàng ngày, đều có lời cầu nguyện dành cho người qua đời đặc biệt là phần Kinh Chiều. Kinh Chiều Chúa Nhật I ghi rằng: “Vì lòng từ bi cao cả Chúa, xin thương đến những người đã qua đời, – và cho họ được vào an nghỉ trong Nước Chúa.”
Tuy nhiên bổn phận của chúng ta là những người Kitô Hữu chúng ta cũng phải đọc kinh cầu nguyện cho các Linh Hồn, tại sao?
Lửa Luyện Tội là có thật: Ở Roma, tại Nhà Thờ Thánh Tâm có một viện bảo tàng trưng những chứng tích các linh hồn hiện về xin cầu nguyện cho họ. Các chứng tích cho thấy trên các sách kinh, khăn bàn thờ, hay trên mặt bàn bị cháy nám in hình bàn tay hay các ngón tay. Họ hiện về xin cầu nguyện cho họ để mau thoát lửa luyện tội và để lại các chứng tích như một bằng chứng. Các Thánh hiện về cũng cho biết, lửa Luyện tội cũng không khác mấy so với lửa Hoả Ngục.
Họ là người thân yêu của chúng ta: Những người qua đời, chắc chắn trong số là những người thân yêu của chúng ta, ông bà cha mẹ anh chị em bạn hữu của chúng ta. Họ đã là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của chúng ta, nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục, chúng ta phải biết cầu nguyện cho họ. Mặc dù nếu chúng ta không có bà con bạn bè thân thuộc, chúng ta cũng phải cầu nguyện cho các linh hồn, vì qua bí tích Rửa Tội, tất cả đều là anh chị em của chúng ta.
ĐGH Phanxicô đã nói trong một buổi trưa đọc Kinh Truyền Tin: “Truyền thống Giáo hội luôn thúc giục chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời, đặc biệt là dâng lễ cầu cho họ. Đó là cách giúp đỡ tốt nhất mà chúng ta có thể làm cho các linh hồn, nhất là các linh hồn bị bỏ rơi. Nền tảng của việc cầu nguyện cho các linh hồn là tình hiệp thông trong Nhiệm Thể Đức Giêsu Kitô.”
Thân phận chúng ta: Cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện hình cũng là một cách để nhớ đến thân phận của chúng ta. Có thể khi nhắm mắt lìa đời chúng ta cũng sẽ vào Luyện Hình để chịu sự thanh luyện của Thiên Chúa. Vì vậy khi cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta được mời gọi để sống tốt hơn và thánh thiện hơn đời sống Kitô hữu của chúng ta để ước mong khi chết chúng ta được Chúa cho hưởng phúc Thiên Đàng.
Tập cho con cái biết cầu nguyện: Cầu Nguyện cho các linh hồn và tập cho con cái cầu nguyện cầu nguyện cho các linh hồn là điều hết sức cần thiết cho con cái sau này. Nếu chúng ta không cầu nguyện cho các linh hồn và không tập cho con cái cầu nguyện cho các linh hồn thì khi chúng ta nằm xuống, ai sẽ cầu nguyện cho chúng ta?
Sinh Ơn Ích cho chính chúng ta: Cầu nguyện cho các linh hồn không những giúp các linh hồn mau hưởng phúc Thiên Đàng nhưng còn sinh ơn ích cho chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta không những trở nên những người gần gũi với Thiên Chúa, là những người biết nghĩ đến và yêu thương người khác, là người sống vị tha và không ích kỷ. Những việc làm này đều được Thiên Chúa ghi nhận và chúc phúc cho đời sống của chúng ta.
Niềm Vui cứu rỗi: Cầu nguyện cho các linh hồn thật sự mang rất nhiều hiệu quả thiết thực. Chắc chắc các linh hồn trong luyện ngục sẽ được “rút ngắn” thời gian thanh luyện vì lời nguyện của chúng ta. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó chúng ta được gặp anh chị em của chúng ta trên Thiêng Đàng và biết rằng chính những lời nguyện và hy sinh của chúng ta đã giải thoát họ sớm chốn Luyện Hình. Khi chúng ta vào Thiêng Đàng rất nhiều linh hồn đến cảm ơn chúng ta vì những lời nguyện và hy sinh nhỏ chúng ta đã làm cho họ.
Rất dễ làm: Cầu nguyện cho các linh hồn không những rất dễ và lại còn có nhiều cách khác nhau. Đọc kinh Vực Sâu, một vài kinh Kính Mừng hay một vài kinh Lạy Cha, ngắn hơn thì đọc kinh cầu các Linh Hồn (Chúng con cậy vì danh Chúa….) trước khi ngủ hay trong lúc đi bộ. Sốt sáng hơn thì đọc một chuỗi mân côi cầu nguyện cho các Linh Hồn. Chúng ta có thể xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn và cùng hiệp thông với Linh mục trong Thánh Lễ đó. Hy sinh, hãm minh và làm việc bác ái để cầu cho họ là những điều rất cần thiết. Thăm viếng Nghĩa Trang và phần Mộ của người thân yêu đặc biệt là trong tháng 11, Mùng 2 Tết và ngày Giỗ của họ là những điều rất ý nghĩa và thiết thực.
Các Linh Hồn luôn mong chờ những lời cầu nguyện và những hy sinh nhỏ bé của chúng ta.
Lạy Nữ Vương Cát Minh, Xin cứu các linh hồn nơi chốn luyện tội.
Lm. Giuse Trần Thăng Hưng, O. Carm.
From: Langthangchieutim
ĐẦU TƯ CHO SỰ THÁNH THIỆN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Ai trong các con không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Tôi!”.
Thời sự thế giới trong những tuần qua nóng lên trước quyết định từ bỏ hoàng gia của công chúa Mako, Nhật Bản. Bất chấp sóng gió, Mako kết hôn với Komuro, một luật sư, con của một người mẹ đơn thân. Luật hoàng gia quy định, các thành viên nữ phải từ bỏ tước vị nếu kết hôn với một thường dân; các nghi lễ truyền thống trong đám cưới bị huỷ. Theo truyền thống, các nữ thành viên hoàng gia lập gia đình sẽ nhận được 1,3 triệu Mỹ kim hồi môn; tuy nhiên, Mako đã từ chối. Là một trong những công chúa tài sắc, giới trẻ ngưỡng mộ, Mako chia sẻ, “Chúng tôi nghĩ, mình đã tìm được người bạn đời quý giá, phụ thuộc vào nhau cả lúc hạnh phúc và bất hạnh”; Mako trải lòng, “Những gì tôi muốn, là có một cuộc sống yên ả trong môi trường mới của tôi!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu công chúa Mako đã hy sinh tất cả để đầu tư cho tiếng gọi của con tim, thì Tin Mừng hôm nay cũng tiết lộ số vốn ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ của người môn đệ Chúa Giêsu quả không hề rẻ và không dễ! Bởi lẽ, không chỉ vật chất, “Tất cả của cải mình có”, mà ngay cả những người thân yêu; thậm chí, bản thân đều phải đứng hàng thứ yếu sau Ngài, “Ai đến với Tôi mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Tôi!”.
Minh hoạ kế hoạch đầu tư xây dựng của một người xây tháp, Chúa Giêsu nói đến kế hoạch đầu tư trong đời sống thiêng liêng, ‘đầu tư cho sự thánh thiện’. Điều đó sẽ là gì? Hy sinh nhiều! Thế nhưng, như cảm giác hồi hộp khi cắt băng khánh thành toà tháp đã được thanh toán hoàn toàn và sẵn sàng đưa vào sử dụng, mọi nỗ lực ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ của người môn đệ sẽ mang lại một kết quả tuyệt đẹp đến tận đời đời!
Bên cạnh đó, Chúa Giêsu đưa ra minh hoạ thứ hai, một vị vua sắp đi giao chiến. Ngài cho thấy đâu là mục tiêu tiên kiến của một kế hoạch chiến đấu. Câu trả lời rất đơn giản: Đừng để mình bị đánh bại! Qua đó, người môn đệ cần biết, chiến tranh luôn nghiệt ngã và nếu khả năng bị đánh bại là một điều có thể thấy trước, thì tốt hơn, nên tìm một chiến thuật khác. Cũng thế, với sự thánh thiện, cần nhớ rằng, chúng ta sẽ dễ dàng thắng một số “trận chiến”; đang khi có những “trận chiến” phải tránh hoàn toàn. Vì thế, đừng ngu khờ đánh giá cao năng lực của mình; điều này xảy ra, đặc biệt, khi chúng ta biết mình không thể không phạm tội, và nghĩ rằng, bản thân đủ mạnh để vượt qua chúng; vì đôi khi, chiến lược đối đầu tốt nhất không phải là chiến đấu, mà là chạy trốn!
Nói đến kế hoạch và nguồn lực ‘đầu tư cho sự thánh thiện’, Chúa Giêsu đưa ra một số lời khuyên xem ra khá cực đoan và nghiệt ngã. Ngài khá cường điệu khi đòi chúng ta “từ bỏ mọi của cải” hay “ghét cha mẹ”; những mối quan hệ này dù quan trọng đến đâu cũng không thể chiếm vị trí hàng đầu trong trái tim người môn đệ. Ở đó, ‘một Ai đó’ đã chiếm hữu, một Đấng yêu thương bằng một tình yêu dịu dàng và nồng nàn; Đấng ấy chính là Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã để Chúa Cha chiếm trọn trái tim, trọn con người, trọn tâm trí khi Ngài chu toàn ý muốn của Cha một cách triệt để, toàn vẹn, kể cả cái chết trên thập giá; vì thế, Ngài đã trở nên khuôn mẫu cho chúng ta noi theo. Vậy mà trớ trêu thay! Đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, “từ bỏ mọi của cải” hay “ghét cha mẹ” lại thực sự dẫn đến một tình yêu lớn hơn, hy sinh hơn, phong nhiêu hơn và trù phú hơn khi người môn đệ được chính Thiên Chúa trả lại “gấp trăm ở đời này” như Ngài đã hứa!
Anh Chị em,
‘Đầu tư cho sự thánh thiện’ nơi người môn đệ quả không rẻ, cũng không dễ! Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta đặt mọi thứ ở vị trí thứ hai. Không ai có thể làm điều này nếu không có sự trợ giúp của ân sủng Chúa. Chúng ta yếu đuối và mãi yếu đuối, nhưng tin rằng, chính Chúa sẽ cho chúng ta sức mạnh cần thiết để đi vào những lối hẹp của Tin Mừng, lối hẹp của lề luật. Chúng ta ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ bằng cách để Thiên Chúa chiếm trọn con người mình, thực hành yêu thương, vâng phục, như thánh Phaolô nói trong thư Rôma hôm nay, “Yêu thương là chu toàn mọi lề luật”; đồng thời, quảng đại với tha nhân như lời Chúa dạy, “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn!” như Thánh Vịnh đáp ca nhắn nhủ. Và được như thế, là chúng ta đã đầu tư tốt!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con dám ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ bằng việc chết đi mỗi ngày cho những gì còn vướng bận khiến con không thể chấp cánh bay cao trên ‘bầu trời nên thánh’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
From: NguyenNThu
httpv://www.youtube.com/watch?v=FHSKXtJGQi0
MỤC ĐÍCH CUỐI CÙNG CỦA CUỘC ĐỜI LÀ GÌ? – ĐC Phêrô Nguyễn Văn Khảm
LÁ THƯ NGỎ GỬI BÀ GÓA NGHÈO
Lm Piô Ngô Phúc Hậu
Bà Đại Tâm kính mến!
Tôi là dân Galilê về thủ đô dự lễ. Tình cờ tôi thấy Thầy Giêsu ca tụng tấm lòng to lớn của bà. Vì thế tôi mạn phép đặt tên cho bà là Đại Tâm. Bà hiểu tôi rồi chứ. Bây giờ xin mời bà nghe tôi kể chuyện.
Ở ngoài Bắc, dân chúng say mê thầy Giêsu như một siêu sao. Người đi đến đâu, thì dân đeo theo tới đó. Người ta chen lấn nhau, để được Người đặt tay trị bệnh. Lắm lúc Người không còn thời giờ ăn uống và nghỉ ngơi. Có khi vừa ăn vừa giảng. Giảng mải mê đến mức độ ổ bánh mì cầm ở tay, mà lâu lắm mới cắn được một miếng. Khi nào đuối sức quá, thì Người phải trốn sang bên kia sông Giođan, hoặc lên tận miền cực Đông Bắc, vùng núi Hermon để nghỉ ngơi đôi chút.
Vừa về tới thủ đô, tôi vội vã đi tìm Thầy Giêsu. Tìm mãi chả thấy. Bỗng thấy Người ngồi trên bậc thềm. Rất đăm chiêu. Thấy người nghiêm nghị quá, tôi không dám lại gần, chỉ đứng xa xa mà chiêm ngưỡng. Người quan sát thiện nam tín nữ bỏ tiền vào thùng công đức. Dường như Ngài hiểu hết tâm tư của người dâng tiền.
Có những người Do Thái kiều từ nước ngoài trở về. Quanh năm họ sống trên mảnh đất của người ngoại. Hằng ngày họ giao tế với người không cắt bì. Họ giàu lắm, nhưng lương tâm họ không lúc nào mà không cắn rứt. Họ mang mặc cảm tội lỗi đầy mình. Hôm nay về quê hương, họ bỏ tiền vào thùng công đức thật nhiều, vừa có ý đền tội, vừa có ý khoe: khoe đạo đức; khoe giàu sang. Thầy Giêsu nhìn họ bằng nét mặt vô tư.
Có những bà mệnh phụ giàu sang: vòng vàng đeo rủng rỉnh; lại có vài cô hầu đi theo. Họ đứng bên thùng tiền, nói chuyện với nhau thật rôm rả, moi tiền trong bóp ra một cách chậm rãi, bỏ tiền vào thùng một cách trang trọng và nhiều lần. Khách bàng quan nhìn họ bằng cặp mắt thèm thuồng và kính trọng. Nét mặt của Thầy Giêsu cứ vô tư.
Có những chàng thanh niên tay này cầm ổ bánh mì, miệng nhai nhóp nhép; tay kia cầm đồng tiền bỏ vội vào thùng, rồi quay ngoắt một cái. Vừa chạy đi vừa cười toe toét, y như một trò chơi vô duyên. Không ai nói gì, vì đấy là chuyện bình thường. Thầy Giêsu cúi đầu, cắn môi tỏ vẻ buồn phiền.
Có một ông trung niên, khăn áo chỉnh tề, dõng dạc đi tới trước thùng tiền. Mọi người lui ra để nhường chỗ. Ông moi từ hầu bao ra bảy đồng tiền bóng láng, xếp một hàng ngay ngắn trên mặt thùng, rồi nhón từng đồng, nhẹ nhàng bỏ vào thùng. Bỏ xong đồng tiền thứ bảy, ông dang tay cầu nguyện một lúc lâu, rồi trang trọng lui gót. Mọi người cúi đầu chào. Ông mỉm cười, giơ tay vẫy chào. Thầy Giêsu xòe hai bàn tay bưng vội lấy mặt. Dường như Ngài thổn thức…
Có một người đàn bà rụt rè đi tới. Khăn áo lùng bùng, cũ kỹ, nhưng không tồi tàn. Bà cầm giữa hai ngón tay một đồng xu mỏng dính, nhét vào kẽ thùng công đức, rồi thẹn thùng rút lui. Thầy Giêsu đứng bật dậy, tập trung lập tức mười hai đệ tử đang đứng xớ rớ xung quanh đó. Người dang tay chỉ về phía người đàn bà đang lủi vào đám đông, phấn khởi tuyên bố: “Đó là người dâng cúng nhiều nhất. Người giàu có bỏ vào thùng nhiều tiền lắm, nhưng dù nhiều thì cũng chỉ là tiền lẻ trong sinh hoạt của gia đình thôi. Còn bà góa ấy tuy chỉ bỏ vào thùng một đồng xu thôi, nhưng đồng xu ấy là tất cả những giọt mồ hôi của một ngày tất bật lao động, là nồi cơm mỏi mắt trông chờ của một gia đình.”
Mười hai đệ tử kiễng chân và rướn người để tìm người đàn bà ấy. Còn tôi thì ba chân bốn cẳng, rượt theo người đàn bà ấy. Người đàn bà ấy chính là bà đấy…
Tôi lặng lẽ và lẽo đẽo theo bà cho tới tận xóm ổ chuột. Bà chui vào căn chòi tồi tàn. Còn tôi thì đi từ đầu đến cuối xóm. Nhà nào tôi cũng vào, để điều tra lý lịch của bà. Tôi phải hiểu thật nhiều về bà, để hiểu thật nhiều về Thầy Giêsu của tôi.
Bà Đại Tâm kính mến!
Bây giờ bà đang lúi húi bên bếp lửa, trong cái chòi tồi tàn ở xóm ổ chuột. Còn tôi thì đang ngồi xếp bằng trên giường nệm của một nhà trọ. Tôi không muốn ăn, vì không thấy đói. Tôi không muốn ngủ, vì lòng trí tôi không chịu ngưng đọng. Tôi muốn nghĩ thật nhiều: nghĩ về Thầy Giêsu trong bối cảnh đại lễ tại thủ đô; nghĩ về bà, một người “Bần cư trung thị, vô nhân vấn” (người nghèo ở giữa chợ, chẳng ai thèm hỏi), thế mà lại được sư phụ Giêsu tôn vinh như một hoa hậu, như một siêu sao.
Ở ngoài Bắc dân chúng đeo theo Thầy Giêsu trùng trùng điệp điệp. Thế mà hôm nay về thủ đô tôi thấy Ngài ngồi thơ thẩn một mình. Ngài rảnh rỗi đến độ ngồi xem người ta bỏ tiền vào thùng. Quần chúng đi lại nườm nượp, đi qua ngay trước mặt Ngài, mà cứ phớt lờ như không biết. Tức quá, tôi mở ngay một cuộc điều tra. Ra ngoài phố, gặp ai tôi cũng hỏi. Hỏi từ ông kinh sư, đi đứng đàng hoàng như ông thiên triều, cho tới người hành khất ngồi co ro, dúm dó như con khỉ già sắp chết. Chừng đó tôi mới hiểu.
Sau sự cố Thầy Giêsu cho ông Ladarô chui ra từ hầm mộ, nơi ông được an táng đã bốn ngày, thì uy tín của Thầy bao trùm trên mọi tâm tư của toàn thể dân cư ở thủ đô Giêrusalem. Uy tín của Ngài lên cao bao nhiêu, thì uy quyền của thượng tế Caipha và Công nghị xuống thấp bấy nhiêu. Bị dồn vào chân tường, Caipha ra vạ tuyệt thông cho bất cứ ai tin theo Thầy Giêsu. Bị vạ tuyệt thông đồng nghĩa với bị truất quyền tín đồ và công dân Do Thái. Một nỗi sợ bao trùm. Mọi lương tâm áy náy. Thương Thầy Giêsu quá, nhưng lại sợ vạ tuyệt thông quá thể. Đành cắn răng, cúi mặt làm thinh.
Thầy Giêsu cô đơn giữa một rừng người hâm mộ. Chuyện ngược đời. Nhưng đời là thế và vẫn thế. Tức quá, tôi đi tìm Thầy Giêsu và phỏng vấn Ngài. Ngài không buồn không tủi, trả lời một cách bình thản: “Chúa Cha đã an bài hết rồi. Tôi sẽ bị bắt, bị hành hạ, bị giết. Nhưng ngày thứ ba tôi sẽ sống lại.” Tôi nghe Thầy tâm sự mà như vịt nghe sấm. Không dám hỏi, vì không muốn tỏ ra là mình dốt. Tôi để đấy, để ngẫm nghĩ từ từ. Sau chừng mười giây im lặng, tôi chuyển đề tài phỏng vấn sang hướng khác.
Tôi hỏi: “Tại sao một người đàn bà nghèo mạt chỉ bỏ vào thùng công đức một đồng xu quèn, mà Thầy hứng chí và ca tụng rùm beng làm chi vậy?” Thầy âu yếm nhìn tôi và tâm sự rất lâu. Giọng nói ôn tồn và ánh mắt trìu mến của Thầy làm tôi xúc động đến ứa lệ.
Bây giờ tôi mới biết Thầy yêu người nghèo da diết. Thầy sống nghèo như người nghèo và với người nghèo để chia sẻ kiếp sống lầm than của họ. Thầy tự đồng hóa với họ để dạy loài người một bài học: yêu người nghèo là yêu Chúa, khinh dể người nghèo là xúc phạm đến Chúa. Ngài quyết tâm nâng đạo yêu người lên ngang tầm với đạo yêu Chúa. Ngài kể lại cho tôi nghe dụ ngôn “Ngày thẩm phán cuối cùng.”
Con Người ngự trên ngai phán với người lương thiện rằng: “Hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc…” Mọi người lương thiện đều trợn mắt lên tỏ vẻ bỡ ngỡ cực kỳ: “Chúa ơi, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, thấy Chúa khát mà cho uống đâu…” Đức Vua từ trên ngai vui sướng dang tay, niềm nở giải thích ngay tức thời: “Ta bảo thật: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, thì là làm cho chính Ta.” Người lành kéo nhau vào thiên đàng vừa đi vừa bỡ ngỡ nhìn nhau.
Sau đó Đức Vua dòm sang bên trái, gay gắt phán với bọn ác nhân rằng: “Hỡi quân bị nguyền rủa, hãy cút đi mà vào lò lửa đời đời dành sẵn cho Ác Quỷ. Ngày xưa Ta đói mà không cho ăn; Ta khát mà không cho uống…” Hàng ngàn cánh tay vung lên phản đối ầm ĩ: “Chúng tôi có thấy Chúa bao giờ đâu mà Chúa bảo chúng tôi không cho Chúa ăn, không cho Chúa uống…?” Chúa nghiêm nghị trả lời: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những kẻ nhỏ nhất đây, thì là đã không làm cho Ta…” Bọn ác nhân khóc òa lên một cách tuyệt vọng.
Bà Đại Tâm ơi, sau khi Thầy Giêsu ngỏ bày hết nỗi lòng của Ngài đối với người nghèo, Ngài xúc động nhắc đến bà, quý mến bà như cục vàng trong hũ, như ngàn hoa trên rừng Xuân. Chỉ vì cái tấm lòng của bà: cao quý quá, chân thành quá. Đối với Thầy Giêsu, cái tâm ấy là tuyệt vời. Cái tâm ấy mà ẩn chứa trong thân phận nghèo khổ như bà, thì là trên tuyệt vời.
Bà Đại Tâm ơi! Mừng cho bà!
Lm Piô Ngô Phúc Hậu
From: Langthangchieutim
httpv://www.youtube.com/watch?v=1elC8Pkibks
httpv://www.youtube.com/watch?v=mVl7GB79e7g
TẦM QUAN TRỌNG CỦA THA THỨ – Lm Matthew Nguyễn Khắc Hy
httpv://www.youtube.com/watch?v=88IWsKAXr0U
Make Christianity Great As Always is at Giáo xứ Phường Đúc – Huế.
{Những người vô danh chết vì Đạo Chúa}
Ở sâu trong thôn Thượng Bốn làng Dương Xuân Thượng và Dương Xuân Hạ, thành phố Huế, ít có ai biết ngôi mộ của Mười Hai Ông Cỏ (những người vô danh chết vì đạo Chúa).
Các vua chúa Việt Nam thời xưa nuôi rất nhiều voi, vì voi là loài dễ thuần hóa và thông minh trong chiến đấu. Vào triều vua Gia Long (1802), ở xã Nguyệt Biều, Thừa Thiên có cơ sở dụ voi, và 3 xưởng voi ở xã Phú Xuân và Dương Xuân. Vào thời này các giáo dân bị kết án “Tả Đạo“ (theo đạo Gia tô hay đạo Thiên Chúa ngày nay) đều được đưa về đây bứt cỏ nuôi voi (hay còn gọi là án thảo tượng).
Vào đời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), có 26 lính ngự lâm quân (21 nam và 5 nữ) không chịu bỏ đạo, bị kết án thảo tượng và khắc tự ở trán, mang xích ở chân và cổ. Trong đó có ông Cai Pho người Thợ Đúc bị bắt năm 1714.
Đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765), theo Đức Cha Lefebvre Từ (nay là Thánh tử đạo Việt Nam) có hai chủng sinh bị kết án và có ông Đamianô quê ở Thợ Đúc.
Đời Huệ Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765 – 1777), Cha Pigneau người coi xứ đạo lúc bấy giờ cho hay có 30 người bị án này hơn 20 năm. Theo cha Pigneau có 3 giáo dân từ Nha Trang ra Huế chịu án thảo tượng, có một chủng sinh chết vì chịu đựng không nổi.
Như vậy trong 3 đời chúa, thì đời Minh Vương, các vị bị khắc tự “Tả Đạo” ở trán, hai đời chúa sau thì mang miếng gỗ hoặc đồng ghi “Tả Đạo”, chân và cổ mang xích, suốt ngày họ phải chèo đò, vào tận núi để bứt cỏ và bị lính hạch sách đủ điều như cỏ xấu, cỏ bứt không đủ số lượng. Trong thời gian thụ án này, các tù nhân đều vui vẻ sống đạo một cách sốt sắng. Các thừa sai thời bấy giờ thương cảm cũng kêu gọi các giáo dân đi bứt cỏ giúp hoặc góp tiền thuê người bứt cỏ.
Đặc biệt có những trường hợp, quan trên tha không buộc phải mang xích nhưng họ từ chối, hoặc tạo cơ hội để họ trốn nhưng họ cũng không làm vì họ sợ bị hiểu lầm và làm ô danh đạo.
Trong số người bị án thảo tượng thì họ Thợ Đúc có hai vị: ông Câu Pho và ông Đamianô. Hiện nay theo ghi chép, có 12 vị bị án này tại Thợ Đúc được an táng ở sâu trong thôn Thượng Bốn. Dù hữu danh hay vô danh, hy vọng các Ngài đang được hưởng Nhan Thiên Chúa.
Vào năm 1999, Đức Tổng Giám mục Stêphanô đã giao cho Cha sở xứ Thợ Đúc tôn tạo lại mộ Mười Hai Ông Cỏ một cách xứng đáng và tôn nghiêm.
Lễ vật cao quý
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
(Suy niệm Tin mừng Mác-cô (12, 41-44) trích đọc vào Chúa nhật 32 thường niên)
Một ông lão nghèo bước vào nhà một người quyền quý gõ cửa xin ăn. Chủ nhà nhìn ông với vẻ mặt khinh khỉnh, miễn cưỡng rút túi lấy 100.000 đồng, ném vào ông và nói: “Tiền nè!” rồi bực bội quay vào nhà.
Dù đây là một số tiền đáng kể đối với lão ăn xin, nhưng nhìn thái độ hách dịch của người cho, ông cảm thấy cay đắng và oán hận. Ông quay mặt ra đi không thèm lấy.
Ông sang nhà bên cạnh, một căn nhà đơn sơ nghèo nàn, có một bé gái chạy ra, cầm 1.000 đồng với cả hai tay, miệng tươi cười vui vẻ, thưa với ông: “Cháu không có gì nhiều, xin ông nhận lấy thảo.”
Ông lão nhận lấy món quà nhỏ bé của cô gái nhỏ với tấm lòng hân hoan. Ông chưa bao giờ nhận được món quà quý báu đến thế, một món quà nhỏ nhưng được gói ghém với rất nhiều yêu thương.
Của cho không lớn, nhưng cho với tấm lòng yêu thương trìu mến, với thái độ trân trọng, thì giá trị của nó tăng lên cả trăm lần.
Khi Chúa Giê-su quan sát những người bỏ tiền dâng cúng cho đền thờ, Ngài thấy có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền, cũng có một bà goá nghèo bỏ vào hòm tiền hai đồng xu nhỏ, nhưng đó là tất cả những gì bà có để nuôi thân.
Lễ vật của bà tuy bé mọn nhưng gói ghém rất nhiều tình yêu. Chính vì thế, Chúa Giê-su cho rằng bà goá nầy đã dâng cho Thiên Chúa nhiều hơn tất cả những người khác.
Thiên Chúa là Đấng vô cùng giàu có, Ngài chẳng thiếu của gì. Điều Ngài chờ đợi nơi chúng ta là tấm lòng yêu mến. Vì thế, chúng ta hãy dâng cho Ngài những công việc nhỏ bé hằng ngày, được thực hiện với nhiều yêu thương.
Làm việc nhỏ với một tình yêu lớn
Mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta không chủ trương làm những công việc to lớn, nhưng thường xuyên làm những việc nhỏ với tình yêu lớn. Mẹ nói: “Chúng ta không thể làm những việc lớn lao, nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ với tình yêu lớn lao.”
Trong bức thư gửi cho đấng đáng kính là cố Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận, mẹ Tê-rê-xa viết: “Điều đáng kể không phải là số lượng công việc ta làm, nhưng là mức độ yêu thương mà ta đặt vào trong mỗi công việc.”
Đúng thế, dù làm được cả chục việc lớn để mưu cầu danh lợi… cũng không bằng làm một việc nhỏ bé chỉ vì lòng mến Chúa yêu người.
Thánh Phao-lô dạy: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (I Cr 13, 3).
Cảm hứng từ bức thư trên đây của mẹ Tê-rê-xa Calcutta, đấng đáng kính Fx Nguyễn Văn Thuận quyết tâm “thực hiện từng công việc nhỏ bé hằng ngày, từng cuộc tiếp xúc hằng ngày với tình yêu lớn” và biến những phút sống hiện tại thành những giây phút đẹp nhất cuộc đời. Ngài viết: “Tôi quyết sống từng giây phút hiện tại và đong đầy tình thương vào đó” (Trích: “Năm chiếc bánh và hai con cá”).
Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con biết lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp muôn vàn ân huệ Chúa thương ban? Không lẽ chúng con liên tiếp nhận ơn Chúa ban mà không biết báo đền?
Xin cho chúng con mỗi ngày dâng cho Chúa một hy sinh nhỏ bé, nhưng được thực hiện với nhiều yêu thương; đó là lễ vật cao đẹp làm vui lòng Chúa hơn hết. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
(Nếu muốn đọc những bài suy niệm khác, vui lòng vào website: https://nguonvui.net )
TIN MỪNG Mác-cô 12, 41-44
Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”
From: ngocnga_12& NguyenNThu