SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH TÊRÊSA CHO THỜI NAY

SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH TÊRÊSA CHO THỜI NAY

Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng đã khám phá và sống trọn con đường tình yêu, con đường thơ ấu trong Phúc Âm.  Chính con đường đó đã dẫn đưa Têrêxa tới đỉnh cao thánh thiện và trở thành “Tiến Sĩ Hội Thánh”, tức là bậc thầy về đàng thiêng liêng.  Têrêxa đã ý thức về sự bất toàn và nhỏ bé của mình, nên biết rằng mình không thể nên hoàn thiện với sức riêng.  Têrêxa đã tìm thấy trong Phúc Âm chân lý về sự “nhỏ bé”, hoàn toàn tín thác nơi tình yêu Chúa, không cần phải trở nên “cao trọng”, nhưng trở nên bé nhỏ trong vòng tay của Chúa.

Trong bài thuyết trình tại Lisieux hồi cuối tháng 9-1996, ĐHY Paul Poupard, người Pháp, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Văn hóa, đã nêu những nét nổi bật trong sứ điệp của Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng cho nhân loại ngày nay như sau:

“Thiên Chúa là tình yêu.  Ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy” (1 Jn 4,16).  Têrêxa không ngừng suy niệm về những lời trên đây của thánh Gioan và của Tin Mừng, để từ tâm hồn thánh nữ nảy sinh những trang nồng cháy tình yêu đối với Chúa Giêsu, những trang sách này như một tiếng vọng Con Tim của Chúa: “Tôi hiểu rằng Tình Yêu bao gồm mọi ơn gọi.  Tình Yêu là tất cả; Tình Yêu tóm gọn mọi thời gian và không gian.  Trong con tim của Giáo Hội là Mẹ Tôi, tôi sẽ là tình yêu” (…).

“Vậy ai trở nên bé nhỏ như trẻ em ấy, sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (…).  Tại sao trở nên bé nhỏ?  Thưa để chọn con đường thơ ấu được thánh nữ Têrêxa tái khám phá, và thánh nữ đã vẽ lại khi khám phá tình yêu của Thiên Chúa.  Quan niệm của thánh nữ về Giáo Hội thật là độc đáo và táo bạo: trong con tim của Giáo Hội là Mẹ tôi, tôi sẽ là Tình Yêu.  Khi Têrêxa mô tả viễn tượng lớn lao trên đây cho chị ruột là Maria Thánh Tâm ngày 8 tháng 9 năm 1896, thánh nữ đã 23 tuổi và chỉ còn sống được một năm nữa.  Chắc hẳn thánh nữ phải có một nhận thức sâu xa về Thiên Chúa cũng như về Giáo Hội nên mới có thể quả quyết rằng Giáo Hội có một con tim, và trái tim ấy nồng nhiệt tình yêu.  Chúng ta hãy đọc lại những lời tuyệt diệu đó, vừa đơn sơ và sâu xa, được sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (n. 826) lấy lại:

“Tôi hiểu rằng nếu Giáo Hội có một thân mình, gồm những chi thể khác nhau, thì chi thể cần thiết nhất, cao thượng nhất trong tất cả các chi thể mà Giáo Hội không thể thiếu được, tôi hiểu rằng Giáo Hội có một Trái Tim, và Trái Tim ấy nồng cháy Tình Yêu.  Tôi hiểu rằng Chỉ có Tình Yêu mới làm cho các chi thể của Giáo Hội hành động, và nếu Tình Yêu ấy tắt lịm đi, thì các Tông Đồ sẽ không còn rao giảng Phúc Âm nữa, các vị Tử Đạo sẽ từ chối không đổ máu đào…  Tôi hiểu rằng Tình Yêu bao gồm mọi ơn gọi.  Tình Yêu là tất cả; Tình Yêu tóm gọn mọi thời gian và không gian…  Nói tắt một lời, Tình Yêu là vĩnh cửu!  Lúc ấy tôi kêu lên: Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của con, ơn gọi của con, nay con đã tìm được rồi, ơn gọi của con chính là Tình Yêu. Thực vậy, con đã tìm được chỗ của con trong Giáo Hội, và chỗ đó, lạy Chúa, chính Chúa đã cho con.  Trong con tim của Giáo Hội là Mẹ con, con sẽ là tình yêu” (…).

“Là Tiến sĩ Tình Yêu, thánh nữ Têrêxa từng biết rõ thử thách của đức tin trong một thế giới bị nghi ngờ và vô tín ngưỡng vây bủa.  Về phương diện đó, thánh nữ Têrêxa có tính chất hết sức thời sự, trong một nền văn hóa quá chú trọng đến các phương tiện nhưng ít quan tâm tới mục đích, tạo nên sự bất mãn sâu xa, gây nên sự trống rỗng sâu rộng, gợi lên tiếng kêu lo âu.  Nhiều người ngày nay cảm thấy mang máng tiếng gọi của Thiên Chúa Tình Yêu.  Chỉ một mình Chúa mới có thể đáp ứng thực sự những mong đợi của con tim và trí tuệ loài người, trong cuộc tìm kiếm tình thương và chân lý, ánh sáng và sự tươi đẹp.  Như Đức Gioan Phaolô II đã nói ở Lisieux: “Chúng ta cảm tạ Chúa vì thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu.  Cảm tạ vì vẻ đẹp sâu xa, đơn sơ và trong trắng, được biểu lộ nơi thánh nữ cho Giáo Hội và thế giới.  Vẻ đẹp này có sức quyến rũ.  Và Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux có một ơn đặc biệt thu hút bằng vẻ đẹp của tâm hồn ngài” (Lisieux 2-6-1980, trong cuốn Jean-Paul II, que fais-tu de ton baptême?, Le Centurion, Paris, 1980, p. 234).

“Thánh Nữ Têrêxa yêu mến Thiên Chúa với cùng tình yêu mà Chúa Cha yêu mến Chúa Con trong Chúa Thánh Linh.  Thánh nữ nhìn tha nhân với cùng cái nhìn như thế, cái nhìn được tình yêu biến đổi hoàn toàn, nhưng nhiều khi bị những tâm hồn nô lệ tội lỗi coi rẻ: “Tôi cảm thấy ước muốn nồng nhiệt hoạt động cho sự hoán cải người tội lỗi.” (…).

“Tình yêu Chúa lớn lên nơi thánh nữ Têrêxa, được nuôi dưỡng bằng cái nhìn hướng về Chúa Giêsu: khi còn nhỏ dù khi đi câu với cha, dù khi ngồi trên lòng đầu gối của mẹ đỡ đầu, hoặc ẩn núp sau chiếc màn che giường, Têrêxa đều nghĩ tới Chúa Giêsu, tới trời cao…  Về sau, Têrêxa hiểu rằng mình đã suy gẫm.  Thánh nữ nói: “Chúa Nhân Lành đã bí mật dạy tôi.”  Têrêxa sống và lớn lên trước nhan Chúa.  Ngày thánh nữ rước lễ lần đầu, biết Đấng mà mình tiếp rước: Từ lâu Chúa Giêsu và cô bé Têrêxa hèn mọn này đã nhìn nhau và hiểu nhau…  Hôm đó, không còn là cái nhìn bên ngoài nữa, nhưng là một sự kết hiệp thực sự, một sự chìm đắm sâu xa, như giọt nước bé nhỏ giữa lòng đại dương.  Được Tình yêu Chúa chiếm hữu, Têrêxa được Tình Yêu Chúa luôn dẫn đưa theo chiều hướng Bonum diffusivum sui (Điều tốt lành tự lan tỏa), như người xưa vẫn nói.  Tình yêu chỉ mong ước được trao hiến: Tôi cảm thấy tình bác ái đi vào trong tâm hồn tôi, nhu cầu phải quên mình để làm đẹp lòng, và từ đó tôi cảm thấy hạnh phúc.  Đó không phải chỉ là hạnh phúc mà thôi, nhưng còn là niềm vui mừng sâu xa nữa.  Têrêxa yêu Chúa bằng chính Tình yêu của Chúa.  Nơi Ngài, thánh nữ khám phá cái nhìn của Thiên Chúa về người khác, cái nhìn của Đấng Tạo Hóa say mê tạo vật của mình.  Têrêxa sống sâu xa mầu nhiệm Giáo Hội, mầu nhiệm các thánh thông công, trong đó tình yêu còn lớn lao hơn tình yêu gia đình, dù là gia đình lý tưởng nhất trên mặt đất này, như gia đình được triển nở ở Buissonnets.

“Một Chúa nhật kia, khi nhìn ảnh tượng Chúa Giêsu trên Thánh Giá, Têrêxa xúc động như thể máu đang chảy từ vết thương của mình.  Têrêxa cảm thấy vang dội trong con tim tiếng kêu của chính Chúa Giêsu trên Thánh Giá: “Ta khát.”  Têrêxa kể lại: “Những lời ấy khơi lên trong con một sự nồng nhiệt mãnh liệt chưa từng thấy…  Con muốn cho Đấng con yêu mến được giải khát và con cảm thấy chính mình đang bị dằn vặt vì niềm khao khát các linh hồn.  Bấy giờ con chưa bị thu hút vì linh hồn của các linh mục, nhưng là linh hồn của những người đại tội lỗi.”  Và Têrêxa quyết định vào dòng kín Camêlô, nơi Chúa Giêsu lôi kéo chị.  Chính trong nhà dòng kín đó mà chiều kích tông đồ của chị được phát triển đặc biệt.  Chị giúp việc đào tạo các tập sinh trong nhà dòng và đồng thời đảm trách việc hỗ trợ tinh thần cho hai thừa sai.  Sự cởi mở đó thật phù hợp với sự quan phòng của Chúa: đó là dịp để Têrêxa khám phá và biểu lộ sứ mạng tông đồ của chị trong Giáo Hội.  Ngày 18 tháng 8 năm 1890, chị Pauline của Têrêxa hỏi: “Vậy em có muốn lập công không?”  Têrêxa mau lẹ đáp: “Có chứ, nhưng không phải cho em, mà là cho những người tội lỗi đáng thương, cho các nhu cầu của Giáo Hội.”  Thái độ dâng hiến cho Tình Yêu Từ Bi thật là rõ ràng: “Con không muốn tích trữ công đức cho mình để được lên trời, con muốn làm việc cho Chúa là Tình Yêu duy nhất…  Con muốn nhận được từ Tình Yêu Chúa phần thưởng đời đời là chính Chúa” (Sách Giáo Lý Công Giáo, n. 2011).”

Cũng vì đạo lý của Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng rất hợp thời với con người ngày nay như thế, nên 50 HĐGM trên thế giới, trong đó có cả HĐGM Hoa Kỳ, đã ủng hộ đơn xin ĐTC tôn phong thánh nữ Têrêxa Hài Đồng làm Tiến Sĩ Hội Thánh, như chính ĐTC Gioan Phaolô II đã nhắc đến trong công thức phong Tiến Sĩ:

“Đáp ứng mong ước của đông đảo anh em trong hàng Giám Mục và rất nhiều tín hữu trên thế giới, sau khi nghe ý kiến của Bộ Phong Thánh và được ý kiến của Bộ Giáo Lý Đức Tin liên quan tới đạo lý nổi bật, sau khi đã suy nghĩ chín chắn và xác tín đầy đủ và chắc chắn, với trọn quyền Tông Đồ, Tôi tuyên bố thánh nữ đồng trinh Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan là Tiến Sĩ của Giáo Hội hoàn vũ.  Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Trong bài giảng ngày lễ phong Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng làm Tiến Sĩ Hội Thánh, ĐTC ghi nhận rằng vị tân Tiến Sĩ là một phụ nữ, một nữ tu chiêm niệm, một người trẻ tuổi, nhưng đã trưởng thành trên con đường thiêng liêng, đáng được liệt kê vào số các bậc thầy tu đức.  Trong số những điểm nổi bật trong các tác phẩm của thánh nữ Têrêxa, chúng ta phải nói tới khoa học tình yêu.  Thánh nữ đã viết: “Đức ái đã mang lại cho con chìa khóa ơn gọi của con.  Con hiểu rằng nếu Giáo Hội là một thân thể, gồm nhiều chi thể, thì không thể nào thiếu được cơ phận quan trọng nhất.  Giáo Hội có một trái tim và trái tim ấy được nồng cháy Tình Yêu.  Chỉ có Tình yêu mới có thể huy động các chi thể của Hội Thánh.  Nếu Tình yêu tắt lịm thì các tông đồ không còn rao giảng Tin Mừng nữa, các vị tử đạo sẽ không còn dám đổ máu đào nữa…  Con hiểu rằng Tình Yêu bao gồm tất cả mọi ơn gọi…  Lúc đó, trong niềm vui tột đỉnh con thốt lên: Lạy Chúa Giêsu Tình Yêu của con… con đã tìm được ơn gọi của con, ơn gọi của con chính là Tình Yêu!” (Thủ bản B, 3v).

Đề cập đến ý nghĩa việc tôn phong Tiến Sĩ Hội Thánh cho thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đối với con người thời nay, ĐTC nói rằng: “Đứng trước sự trống rỗng của bao nhiêu lời nói, Thánh nữ Têrêxa trình bày một giải pháp khác, Lời duy nhất cứu độ, khi được hiểu và sống trong thinh lặng, sẽ trở thành một nguồn mạch cuộc sống được đổi mới.  Đứng trước một thứ văn hóa duy lý và quá nhiều khi bị chủ thuyết duy vật thực hành tràn ngập, thánh nữ đơn sơ trình bày “con đường nhỏ”, nói lên cốt yếu của cuộc sống, dẫn tới bí quyết của cuộc đời: Tình yêu Chúa bao trùm và thấm nhập toàn thể cuộc phiêu lưu của con người.  Trong thời đại như thời chúng ta, thường bị ảnh hưởng một thứ văn hóa phù du và duy khoái lạc, vị Tiến Sĩ mới tỏ ra đặc biệt hữu hiệu trong việc soi sáng tâm trí những người khao khát sự thật và tình thương.”

Sau cùng, ĐTC khẳng định rằng “Thánh nữ Têrêxa đã đề ra một con đường nên thánh dành cho tất cả mọi người.  Đường nên thánh không phải hệ tại thi hành những công trình vĩ đại, nhưng là con đường tín thác và hoàn toàn phó thác cho ơn thánh Chúa.  Con đường đơn sơ đó không thiếu những đòi hỏi, vì Phúc âm đề ra nhiều yêu sách; nhưng lòng tin tưởng phó thác nơi lòng từ bi của Chúa khiến cho những cam go trở thành êm ái dịu dàng.”

Quả thực, trong một thế giới bị trào lưu vô thần, lý thuyết và thực hành, tấn công, các tác phẩm của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng là một thành trì bảo vệ vững chắc, vì chứng tỏ một niềm tin được sống một cách chân thành, trẻ trung và nồng nhiệt.  Cũng thì thế, và dòng tu, nhưng cả trong các nhóm, phong trào và hội đoàn giáo dân, cũng như trong các gia đình.  Tác phẩm của thánh nữ thuộc vào loại được đọc nhiều nhất thời nay, và trở thành một vị hướng đạo cho hàng triệu người.  Ấn bản đầu tiên của cuốn Truyện một tâm hồn, xuất bản năm 1898 đã được dịch ra, ấn hành và tái bản trong hơn 50 ngôn ngữ với hàng triệu bản.

ĐHY Dionigi Tettamanzi, TGM giáo phận Milano, đã từng nói với các nữ đan sĩ dòng kín Cát Minh ở Genova: “Nơi thánh nữ Têrêxa tôi thấy được sự dịu hiền từ ái vô biên của Thiên Chúa.  Lời Chúa phán qua Sứ ngôn Isaia đã trở thành kinh nghiệm hằng ngày của Thánh Nữ: “… Những người con nhỏ của Chúa sẽ được bồng ẵm trên tay, chúng được vuốt ve trên đầu gối của Người.  Như một người mẹ an ủi con mình, Ta cũng sẽ an ủi các con như vậy” (Is 66,12-13).  Sứ điệp này quả thực có tính chất thời sự dường nào!  Con người ngày nay đang cần tình thương, cần được quan tâm, cần có những quan hệ tình người đầy ý nghĩa, cần phải làm sao để họ gặp được những chứng nhân đích thực về sự dịu hiền từ ái của Chúa. Có lẽ cũng vì thế, con đường của thánh Têrêxa cũng là con đường trở về được chuẩn bị cho những người đã rời xa Thiên Chúa.” (Báo Avvenire, 14-10-1997).

Lm Trần Đức Anh, OP

From Langthangchieutim

CẢM TẠ CHÚA ĐI VÌ NGƯỜI THIỆN HẢO

CẢM TẠ CHÚA ĐI VÌ NGƯỜI THIỆN HẢO

Tuyết Mai

 Lạy Thiên Chúa Đấng muôn đời quyền năng và luôn yêu thương con cái của Người! Hết thảy chúng ta hãy luôn mở miệng cao rao dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh và kêu lên danh thánh Người. Để tỏ lòng biết ơn và cảm tạ Người luôn ban cho bao nhiêu điều thiện hảo mà Người không ngừng ban phát và không ngừng yêu thương chúng ta.

Nếu kể ra những điều thiện hảo mà Thiên Chúa ban cho từng người chúng ta suốt một năm dài thì xin thưa nó còn nhiều hơn số tóc trên đầu của chúng ta nữa, thật là thế. Nếu không phải thì là vì chúng ta quá ư là bận rộn với công ăn việc làm hay học hành mà không để ý tới thôi nên không cho là đáng kể hay tệ hơn nữa là nghĩ rằng mọi thứ ta có trên đời là do chính khả năng của mình tạo ra mới có!?.

Ở đây chúng tôi chỉ muốn đưa ra những điều rất nhỏ nhưng lại là nỗi lo sợ đến mất ăn, mất ngủ như mất chìa khóa xe, mất chìa khóa hộp thư, mất giấy tờ quan trọng và mất số tiền khá lớn hay gia đình đang có sự xung khắc và hiểu lầm nhau mà chưa giải quyết được, v.v… Nhưng sau khi chúng ta thành khẩn cầu nguyện trong lo lắng với Thiên Chúa (với thánh Anton giúp) thì Người đều cho tìm lại được hay được người tốt lượm và trả lại cho.

Chuyện là từ suốt nguyên ngày hôm qua vợ chồng chúng tôi cũng lo không đến nỗi ăn mất ăn, mất ngủ nhưng trong đầu cả hai không ngừng lo lắng là vì ông nhà tôi đi lấy thư mà bỏ quên luôn 2 chìa khóa quan trọng ngoài thùng thư nhất là trong thời buổi có nhiều người xấu. Họ thường chờ đêm đến thì đi cạy cửa thùng thư để ăn cắp thư về bán hay làm giấy tờ giả mà mãi sau này mình mới khám phá ra thì đã quá trễ … Cũng đủ làm tổn hại lớn cho mình, cho gia đình mà không thể lường trước được.

Điều mà chúng ta cần thiết để luôn dâng lời cảm tạ một Thiên Chúa đầy quyền năng thế mà lại luôn yêu thương con cái của Người cách chịu thua và CHỜ ĐỢI khi chúng ta thì luôn sống trong vô ơn, bội bạc và không ngừng than trách Thiên Chúa đã để cho chúng bị thế nọ hay bị thế kia … Ai làm cha làm mẹ mà có con cái lớn khôn còn độc thân hay đã có gia đình thì đều cảm nhận biết điều này mà thông hiểu cho nỗi lòng rất buồn phiền của Thiên Chúa là Cha của chúng ta ở trên Trời như thế nào?.

Là khi chúng con cái có vấn đề gì không ổn cho bản thân thì chúng không nghĩ đến cha mẹ ở tuổi cũng cần tâm trí được thảnh thơi, nghỉ ngơi mà chúng cứ làm phiền suốt ngày đêm để than thở, khóc lóc ỉ ôi cho những sự việc đáng trách, thiếu suy nghĩ mà chúng đã tự gây ra. NHƯNG khi chúng nó hằng ngày vui vẻ, ăn uống sang trọng, đi chơi đây kia thật tốn kém, mua sắm cho mình đủ thứ phủ phê mà chẳng hề quan tâm hay nghĩ đến cha mẹ GIÀ đang cần những gì dù rất căn bản hoặc dành thời giờ mà đến thăm cha mẹ xem còn khỏe hay đã yếu đi nhiều; nói chi đến sự trả hiếu đúng cho nghĩa.

Thật phải, khi cha mẹ tuổi càng già yếu thì mới hiểu được lòng Thiên Chúa yêu thương con cái của Người như thế nào. Đúng thật là một tình yêu vô bờ bến, một tình yêu luôn trải rộng, không ngừng trao ban và luôn chờ đợi như chuyện của Người con hoang đàng và vòng tay mở rộng của người Cha mừng chạy ra đón thằng con trai hư đốn của mình TRỞ VỀ vì tưởng rằng nó đã chết từ lâu lắm rồi …

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

2 tháng 10, 2018

——————————————————–

https://www.youtube.com/watch?v=rjQF0sa0yHM

Tâm Tình Với Chúa

Tuyết Mai (1) 10-08-2002

KÍNH MỪNG MARIA ĐẦY ƠN PHÚC ĐỨC CHÚA Ở CÙNG BÀ 

KÍNH MỪNG MARIA ĐẦY ƠN PHÚC ĐỨC CHÚA Ở CÙNG BÀ 

Julbell có một bài hát nổi tiếng khắp thế giới từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, và chắc có lẽ mãi mãi còn đọng lại trong lòng người nghe.  Bài hát rất quen thuộc.  Đó là bài Ave Maria.  Điều gì đã khiến cho nhạc sĩ có được cảm xúc một cách dạt dào để viết lên một bản nhạc tuyệt vời như vậy?

“Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà.  Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.”  Chính lời kinh tuyệt vời đó đã làm nên cảm xúc không phải chỉ một Julbell mà cho biết bao nhạc sĩ trong lịch sử âm nhạc của thế giới viết nên những bản nhạc tuyệt vời và chính lời kinh đó làm nên ngày lễ Mân Côi hôm nay.  Tại sao vậy? 

Trong lịch sử Giáo Hội vào khoảng thế kỷ 16.  Anh em Hồi giáo làm một cuộc chinh phục thế giới.  Họ đi từ vùng Trung Đông sang Á châu đến Ấn Độ.  Họ đổ bộ lên Âu châu.  Đi đến đâu thắng đến đó.  Khi đổ bộ đến Âu châu, đi vào một vịnh của nước Ý.  Một đoàn quân thiện chiến như thế thì quân Ý làm sao mà đối đầu được.  Nếu để thua thì Ý sẽ thất thủ, thủ đô của Hội Thánh Công giáo là Rôma cũng biến mất, và cả Âu châu cũng bị đe dọa.

Đức Giáo Hoàng Piô V bấy giờ lên tiếng kêu gọi cầu nguyện, và cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng.

Ngày 7/10 năm ấy quân của Công giáo chiến thắng.  Chiến thắng không phải nhờ khả năng quân sự mà là nhờ sự phù trợ của Mẹ Maria.  Vì thế Đức Giáo Hoàng đã lấy ngày đó làm ngày lễ Đức Bà chiến thắng.  Sau này thành lễ Mân Côi.

Nói đến chiến thắng, có lẽ chúng ta nghĩ đến chiến thắng về quân sự, kinh tế, chính trị.  Không, Chúa Giêsu không ban cho mình chiến thắng đó.  Khi đối diện với Philatô Ngài đã trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.  Nếu nước tôi thuộc về thế gian này thì binh lính tôi đã đến giải thoát tôi khỏi tay người Do Thái.”

Ta cần nhìn vào chiến thắng ở một góc độ khác.  Đó là chiến thắng chính mình.  Một danh tước trong lịch sử thế giới đã thường nói: “Không có cuộc chiến đấu nào khó khăn hơn chiến đấu với chính bản thân mình.”

Mỗi chúng ta có thể cảm nghiệm điều đó trong cuộc sống.  Đức Cha Pul-ton-Shin nói: “Nếu bạn chấp nhận một cuộc chiến đấu trong tâm hồn bạn, thì sự bình an sẽ giải tỏa trong cuộc sống xã hội.  Ngược lại, nếu bạn không chấp nhận cuộc chiến đấu đó, mà bạn đi tìm thỏa hiệp với cái xấu, và tội lỗi trong tâm hồn bạn, thì chiến tranh sẽ lan tỏa trong cuộc sống xã hội.” 

Nói như thế có nghĩa là chuyện chiến thắng chính mình là một cuộc chiến rất khó, nhưng nó lại là căn bản để dẫn đến cuộc sống bình an cho mọi người.  Chuỗi Mân Côi, những lời kinh Kính Mừng đan kết lại với nhau thành xâu chuỗi.  Chuỗi Mân Côi đó có khả năng giúp cho ta tập chiến thắng chính mình.  Tại sao vậy? 

Ở phương Đông khi nói về con người, người ta hay nói đến thân, trí, tâm.  Triết học phương Tây ngày xưa, khi học tâm lý học nói đến con người, người ta nói đến tình cảm và ý chí.  Cũng tựa như nhau.  Khi các bạn lần chuỗi Mân Côi thì cả thân, cả trí, cả tâm, có nghĩa là tất cả con người toàn diện chúng ta được chi phối.  Chúng ta hãy nhớ lại, khi ta lần chuỗi có nghĩa là trong tay của mình cầm chuỗi đó là cái thân.  Việc cầm một xâu chuỗi ảnh hưởng đến trí và tâm mình.

Có một linh mục kể chuyện: Trong một lần ngài đi máy bay, ngồi cạnh nhà sư, thấy trên tay nhà sư cầm xâu chuỗi, miệng lâm râm nam-mô-a-di-đà-phật.  Linh mục hỏi nhà sư: Tại sao lần chuỗi vậy?  Nhà sư bảo: Chúng tôi lần chuỗi như thế này tâm trí đỡ căng thẳng.  Thế thì bên các ngài không có cái gì giống vậy à?

Linh mục trả lời: Có chứ, nhưng mà chúng tôi lần chuỗi không phải để cho tâm trí bớt căng thẳng, mà chúng tôi nhắm cái khác cơ.  Nhà sư nói với vị linh mục thế này: Cha ạ, nếu cha muốn tập trung vào một điều gì, thì trong tay của cha phải có một cái gì, nhờ đó cha sẽ dễ tập trung hơn.

 Vị linh mục học được một bài học, hóa ra chuỗi Mân côi mình cầm trong tay giúp cho cái trí của mình tập trung.  Khi các bạn lần chuỗi là trong tay cầm xâu chuỗi, nó giúp cho trí của mình tập trung vào lời kinh, và còn tập trung vào cuộc đời của Chúa Giêsu mà kinh Mân Côi mô tả từ khi Ngài sinh ra cho đến cuộc sống công khai, đến khi bị chết trên thánh giá chịu táng trong mồ, sống lại, lên trời, ban Thánh Thần xuống cho Giáo Hội.

Tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu.  Một thứ Tin Mừng thu gọn được tóm lại ở trong chuỗi Mân Côi, đồng thời khi chúng ta lần chuỗi như vậy tâm của mình tịnh lại.  Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ, mà người đọc như thế thật mất thì giờ.  Tôi đã từng nghĩ như vậy.  Nhưng sau này khi tìm hiểu lại lịch sử linh đạo, tôi mới thấy đó là một phương pháp rất hay cho cuộc sống tâm linh.  Những lời con người vắn tắt được lặp đi lặp lại như thế nó làm cho tâm của mình tĩnh lại. 

Có một người học trò người Việt Nam, sau này sang Mỹ viết thư về kể cho tôi nghe kinh nghiệm về việc sống đạo của anh ta: Cuộc sống quá nhiều khó khăn đến mức độ chịu không được, nên đêm đến về nhà muốn phá toang, la toáng lên: Tại sao lại đổ trên đầu tôi những sự khổ sở thế này.  Bất chợt nhìn lên đầu giường thấy một tràng chuỗi treo ở đấy.  Nó liền chạy đến cầm lấy ngồi đọc kinh.  Chỉ mới có 10 kinh thôi là thấy tâm hồn của mình lắng xuống….

Khi lần chuỗi Mân côi thì toàn diện con người của mình: thân, trí và tâm đều được chi phối.  Cùng sự chi phối đó thì chuỗi Mân côi làm cho nơi chúng ta hình thành một con người mới chống lại những gì xấu trong tâm hồn mình.

Con người ta sống ở đời này bao giờ cũng sống trong ba mối tương quan chính: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân, tương quan với thế giới vật chất.  Tội lỗi chúng ta nó cùng nằm trong ba mối tương quan đó.  Khi lần chuỗi Mân Côi, Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta sống những tương quan đó tốt đẹp.

Chẳng hạn khi chúng ta lần chuỗi chúng ta đọc: Chúa Giêsu lên trời, xin cho lòng con được hưởng những sự lên trời.  Chúng ta sẽ sống mối tương quan với Thiên Chúa; chúng ta sẽ sống một tâm hồn siêu thoát hơn; khi chúng ta đọc: Mẹ Maria đi viếng thăm bà Isave, xin cho được lòng yêu người.  Đó là lời cầu xin tương quan với tha nhân, bằng tình yêu thương chứ không phải là hận thù ghen ghét; khi chúng ta đọc Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin cho đóng đinh tính xác thịt mình vào thánh giá Chúa; đó là tương quan với thế giới vật chất, với chính xác thịt của mình. 

Chuỗi Mân Côi giúp cho chúng ta chiến thắng cái xấu ở nơi bản thân mình, hoàn thành một con người mới, con người mới đó sẽ tác động trong cuộc sống, làm cho cuộc sống được đẹp hơn.

Đức Cha Pul-ton-Shin là một diễn giả nổi tiếng ở Mỹ.  Ngài chỉ giảng trên đài truyền hình chứ không giảng ở nhà thờ.  Nhiều bạn trẻ xin Ngài chứng hôn cho lễ cưới của mình.  Ngài đồng ý chứng nhận với hai điều kiện, hai bạn đó phải hứa với Ngài mỗi ngày vợ chồng phải đọc chung với nhau 50 kinh Kính Mừng.  Lời kinh nối kết vợ chồng giúp cho vợ chồng xây dựng cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn.

Hình như bây giờ các bạn trẻ ít lần chuỗi lắm.  Hôm nay tôi muốn nói về giá trị của kinh Mân côi.  Chúng ta đừng xem thường, lại càng không nên xem đó là chuyện đạo đức rẻ tiền.  Chúng ta hãy cầu nguyện để khám phá ra giá trị tuyệt vời của kinh Mân Côi.  Nếu chúng ta không đọc được nhiều, tôi xin đề nghị mỗi ngày chỉ đọc 1 kinh Lạy Cha, 3 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh.  Chúng ta hãy nuôi dưỡng trong tâm trí mình ý nghĩ: khi tôi đọc kinh Mân Côi, đó là phương cách để tôi đào luyện bản thân, để tôi chiến thắng chính mình, để tôi sống đời đức tin tốt hơn.  Amen!

ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

From NguyenNThu

CHUỖI MÂN CÔI MẸ MARIA THƯƠNG BAN TẶNG

 

CHUỖI MÂN CÔI MẸ MARIA THƯƠNG BAN TẶNG

 

Tuyết Mai

 

Chuỗi Mân Côi Mẹ Maria thương ban tặng, ôi tuyệt vời

Là khí cụ dẫn đưa hết thảy con cái Mẹ

Trên thế trần đến cùng với Thiên Chúa Đấng tối cao

Đấng muôn đời yêu thương và tha thứ

Cho con cái bất tuân, bất xứng, bất phục tùng của Người.

 

Mẹ Maria dạy con cái Mẹ hãy luôn siêng năng

Đọc kinh Mân Côi sáng, trưa, chiều, tối

Để giữ linh hồn khỏi mọi chước cám dỗ

Khỏi mọi đam mê của thú vui tục trần

Cùng mọi việc xấu mà chúng quỷ thúc dục làm.

 

Việc siêng năng đọc kinh Mân Côi

Là để cầu xin Thiên Chúa ban cho gia đình

Xã hội và trên toàn nước VN

Người người luôn được sống trong an bình

Trong Tự Do, chia sẻ và yêu thương.

 

Cùng xin với Thiên Chúa ĐẨY LÙI mọi sự dữ

Mọi quyền lực của sự tối tăm của chết chóc

Mọi bệnh tật LẠ mà xưa nay không thấy có

Mọi ác tâm như dã thú rình rập chúng con đêm ngày

Làm chúng con cảm thấy bất an và sợ hãi Chúa ơi!.

 

Cảm ơn Mẹ Maria, mẹ nhân loại!

Đã luôn thương con cái của bà

Mà ban truyền cho khí cụ vô cùng lợi hại

Giúp chúng con không còn biết sợ hãi là chi

Giúp chúng con thêm mạnh mẽ đối mặt với quân thù.

 

Vì tin rằng khi kinh Mân Côi được đọc

Thì hết thảy chúng quỷ lớn, quỷ nhỏ

Sẽ rút hết tất cả xuống sâu dưới Hỏa Lò

Vì lời kinh nghe như có tác động mạnh

Làm cho chúng bị tê liệt cả toàn châu thân.

 

Tháng 10 là tháng Mân Côi

Chúng con xin đọc kinh hằng ngày để dâng lên Mẹ

Từng hạt kinh Mân Côi như từng bông hoa hồng nhỏ bé

Là tất cả tấm lòng thành

Là tất cả mà chúng con có được. Amen.

 

 

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

7 tháng 10, 2018

LỜI CHỨNG VỀ CHÚA CỦA MỘT PHI CÔNG!

LỜI CHỨNG VỀ CHÚA CỦA MỘT PHI CÔNG!

Cơ trưởng Mafella cho biết cả ngày thứ Sáu hôm ấy ông cứ cảm thấy bồn chồn, bất ổn mà không hiểu lý do tại sao.

Để loại bỏ cảm giác giác bồn chồn, lo âu này, ông ấy đã lớn tiếng hát vang những bài hát thờ phượng, tôn vinh Chúa suốt đường đi từ thành phố Ujung Pandang đến Palu, (“Thường thì tôi chỉ hát lí nhí, ấp úng trong miệng mình nhưng ngày hôm đó thật sự tôi muốn ca ngợi Chúa hết lòng và tốt nhất có thể”, ông nói). Thậm chí một phi công khác, đồng nghiệp người Hồi giáo của ông ngỏ ý vui rằng tại sao ông không đi thu âm và làm một đĩa CD các bài hát thờ phượng.

Sau đó, khi họ chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Palu, mặc dù lúc ấy bầu trời rất trong xanh nhưng gió thì lại rất mạnh và ông “nghe thấy một tiếng nói trong lòng mình”, rằng ông ấy hãy lượn một vòng trên bầu trời trước khi đáp máy bay xuống. Sân bay Palu nằm giữa hai dãy núi và điều này nhắc cơ trưởng Mafella về câu Kinh thánh được chép trong Thi thiên/Psalms 23:4

“Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi; Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.”

Theo cơ trưởng, các phi công gọi các sân bay nằm giữa hai dãy núi là “thung lũng tử thần”, bởi vì khi đó họ phải hết sức cẩn thận khi hạ cánh, vì thế mà các phi công người Cơ đốc nắm lấy Thi thiên/Psalms 23:4 như một lời hứa vững chắc.

Một lát sau khi đã hạ cánh thành công, ông cảm thấy trong lòng rằng ông cần phải nhanh chóng rời khỏi đây. Do đó, ông chỉ thị cho phi hành đoàn của mình chỉ cần nghỉ 20 phút trước khi máy bay trở về thành phố Jakarta qua Ujung Pandang. Ông ấy thậm chí đã không rời khỏi buồng lái và xin phép Tháp kiểm soát không lưu cho phép mình khởi hành trước 3 phút. Ngay sau khi nhận được sự cho phép cất cánh từ nhân viên Cơ quan Kiểm soát Không lưu Indonesia, kiểm soát viên trẻ tuổi Agung [Anthonius Gunawan Agung] họ đã chuẩn bị cất cánh rời khỏi thành phố Palu. Cơ trưởng Mafella thừa nhận rằng vào thời điểm đó ông đã phá vỡ các thủ tục bay vì ông đã tiếp quản luôn cả công việc của đồng nghiệp mình bằng cách tăng tốc máy bay trong quá trình cất cánh. Ông không hiểu vì sao mình làm như vậy, chỉ biết là ông đã cứ giữ vững tay lái để tăng tốc máy bay trong quá trình cất cánh hôm ấy. Ngay cả khi, ông ấy thậm chí không biết rằng đã có một trận động đất tấn công vào thành phố Palu lúc đó, ông chỉ cảm thấy chiếc máy bay cứ lắc lư một chút sang trái và phải.

Theo cơ trưởng Mafella, nếu ông ấy cất cánh chỉ ba phút sau đó thôi thì ông ấy cũng đã không thể cứu được 140 hành khách trên máy bay, bởi vì lúc đó nhựa đường trên đường băng đã bị nứt ra, cứ dịch chuyển lên xuống như tấm màn bị thổi trong gió. Vài phút sau khi cất cánh, cơ trưởng đã cố gắng liên lạc với Tháp kiểm soát không lưu nhưng không nhận được bất cứ phản ứng nào từ kiểm soát viên Agung. Sau đó, cơ trưởng Mafella đã nhìn xuống dưới và chứng kiến một hiện tượng kỳ lạ. Khi ấy, nước biển tại bờ đã tạo thành một lỗ thủng rất lớn “lớn đến mức có thể để lộ ra mặt đáy biển.”

Khi máy bay bay đến thành phố Ujung Pandang, cơ trưởng Mafella được cho biết đã có một trận động đất và sóng thần ở Palu, và kiểm soát viên không lưu, người hướng dẫn chuyến bay này của ông ở trong tháp kiểm soát, anh đã không rời khỏi vị trí cho đến khi đảm bảo chuyến bay cất cánh an toàn, đã thiệt mạng ngay sau đó. Chiều cùng ngày, trước khi cơ trưởng Mafella rời đi để bay đến thành phố Kuala Lumpur, ông đã nhấn mạnh rằng việc chúng ta nghe được tiếng nói của Đức Chúa Trời thật là quan trọng dường bao. Và dẫu cho điều gì xảy ra, chúng ta cũng cần phải hết sức bình tĩnh, đừng bối rối hay sợ hãi để có thể nghe được điều Đức Chúa Trời phán với chúng ta qua Đức Chúa Thánh Linh – ông cho biết thêm, vì khi ông đảm nhận luôn vai trò của đồng nghiệp mình để tăng tốc khi cất cánh, lúc đó viên phi công cùng lái trông rất sợ hãi vì thân máy bay cứ lắc lư, chao đảo qua trái rồi phải.

Nguyện lời chứng của cơ trưởng Mefella hôm nay khích lệ mỗi chúng ta và giúp chúng ta nhận lấy những bài học cho riêng mình và nhìn thấy được những ơn lành và phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã ban cho.

Tố Quyên dịch

(Nguồn: theelijahchallenge.orghttps://news.oneway.vn/loi-chung-tu-co-truong-mafella-truo…/

Image may contain: 1 person, smiling, airplane and text

MƯỜI ĐIỀU RĂN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

MƯỜI ĐIỀU RĂN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Trong số Mười Điều răn, có một điều bắt đầu bằng chữ ‘Giữ’ Giữ ngày chúa nhật.  Nó nhắc cho chúng ta nhớ về một điều mình đã biết.  Có các giới răn của lòng thương xót ghi sẵn trong DNA của chúng ta. Chúng ta đã biết, nhưng cần phải nhớ rõ ràng hơn.  Đó là gì?

Mười Điều răn của Lòng thương xót

  1. Nhớ rằng lòng thương xót nằm sâu thẳm nhất trong trái tim Thiên Chúa.

Hiếm có điều nào thể hiện yếu tính Thiên Chúa hơn là lòng thương xót.  Lòng thương xót là yếu tính của Thiên Chúa.  Kinh thánh dùng những từ ngữ như trìu mến yêu thương và cảm thương để cố gắng định nghĩa lòng thương xót Chúa, nhưng khái niệm kinh thánh trọng tâm, nắm bắt từ khái niệm hesed của Do Thái, bao hàm một mối quan hệ yêu thương, ôm lấy và tha thứ ngay cả khi và nhất là khi chúng ta không thể vươn đến hay xứng đáng với những gì Chúa ban cho chúng ta.

  1. Nhớ rằng lòng thương xót là yếu tính của mọi tôn giáo.

Bên trong tôn giáo và linh đạo, bên trong mọi đức tin, có ba điều cần phải nằm ở vị trí trọng tâm, là hành đạo đúng hợp, vươn đến người nghèo, và lòng cảm thương.  Xét tận cùng, chúng không đối nghịch nhau, nhưng là những mảnh bổ trợ của một lòng đạo toàn diện.  Nhưng việc hành đạo và vươn đến người nghèo là sự mở rộng của tình yêu Thiên Chúa chứ không phải của bản ngã con người, chúng cần được căn cứ trên cảm thương, trên lòng thương xót.  Sâu thẳm bên trong mọi tôn giáo là một lời mời: Hãy động lòng thương, hãy thương xót như Thiên Chúa thương xót.

  1. Nhớ rằng tất cả chúng luôn mãi cần lòng thương xót.

Thiên đàng sẽ nhảy mừng vì một người có tội ăn năn hoán cải hơn là vì chín mươi chín người công chính.  Liệu Thiên Chúa yêu mến người có tội hơn là người công chính?  Chẳng có ai là công chính.  Đúng hơn là, chúng ta cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa rõ ràng hơn khi thú nhận mình là người có tội.  Không một ai trong chúng ta đủ tầm.  Nhưng, như thánh Phaolô đã không ngừng dạy rằng, chúng ta không cần phải đủ tầm.  Đó chính là ý nghĩa của lòng thương xót.  Lòng thương xót dành cho những người không xứng đáng.

  1. Nhớ rằng, khi được nhận lòng thương xót, chúng ta phải thương xót người khác.

Chúng ta chỉ đón nhận và cảm kích lòng thương xót của Chúa và của người khác, khi chúng ta cũng thực hiện lòng thương xót đó với người khác.  Lòng thương xót phải đổ tràn qua chúng ta.  Nếu chúng ta không chuyển lòng thương xót đến với người khác, thì chúng ta sẽ trở nên nuông chiều bản thân và khắc nghiệt với người khác.

  1. Nhớ rằng chỉ có thực hành lòng thương xót mới cho chúng ta tự do.

Đón nhận và trao đi lòng thương xót, là điều duy nhất giải thoát chúng ta khỏi chiều hướng bẩm sinh của mình là mưu cầu bản thân, tự bào chữa cho mình và phán xét người khác.  Không có gì giải thoát chúng ta khỏi bạo chúa bản ngã cho bằng thực hành lòng thương xót.

  1. Nhớ rằng lòng thương xót không mâu thuẫn với công lý, nhưng là thành toàn cho công lý.

Như hồng y Walter Kasper đã nói rất khôn ngoan, “Lòng thương xót là một dạng nước làm mềm vải, xói mòn giáo lý và giới răn, xóa bỏ ý nghĩa trọng tâm và nền tảng của chân lý.”  Đây chính là những gì mà người Pharisiêu cáo buộc Chúa Giêsu.  Lòng thương xót là khi công lý phải nhường bước.

  1. Nhớ rằng chỉ có thực hành lòng thương xót mới làm cho Nước Chúa trị đến.

Chúa Giêsu hứa với chúng ta rằng người hiền lành sẽ thừa hưởng địa cầu, người nghèo sẽ được ăn uống dư dật, và mọi nước mắt sẽ được lau khô.  Chuyện này chỉ có thể xảy ra khi lòng thương xót thế chỗ của tư lợi.

  1. Nhớ rằng lòng thương xót cần phải được thực hành chung.

Sống lòng thương xót trong đời mình mà thôi, thì không đủ.  Lòng thương xót bị đẩy ra ngoài rìa khi xã hội không để tâm đủ đến những con người yếu đuối hay túng quẫn, và cũng bị đẩy ra rìa khi giáo hội xét đoán.  Chúng ta phải tạo một xã hội thương xót và một giáo hội thương xót.  Chỉ mình lòng thương xót mới có thể cho người yếu đuối được sống.

  1. Nhớ rằng lòng thương xót kêu gọi chúng ta làm việc cả mặt thiêng liêng lẫn vật chất.

Đức tin Kitô giáo đòi buộc chúng ta biểu lộ lòng thương xót song song, vừa cụ thể vừa thiêng liêng.  Những việc làm lòng thương xót phần xác kinh điển là: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho khách đậu nhà, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng người bệnh, thăm kẻ tù rạc, và chôn cất kẻ chết.  Những việc thương xót phần hồn kinh điển là: dạy bảo kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn dạy kẻ có tội, tha kẻ dễ ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.  Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều ơn khác nhau và tất cả chúng ta đều hơn người khác ở một điểm nào đó, nhưng lòng thương xót thì được biểu lộ trong mỗi một người chúng ta, không chừa một ai.

  1. Nhớ rằng cuộc sống của chúng ta là đối thoại giữa lòng thương xót của Thiên Chúa và sự yếu đuối của con người.

Điều duy nhất làm chúng ta xứng đáng là vì chúng ta bất xứng.  Chúng ta luôn mãi bất toàn, dù cho có mạnh mẽ, chân thành, thiện ý đến đâu chăng nữa.  Chỉ có lòng thương xót, khi đón nhận và trao đi lòng thương xót, chúng ta mới có thể ra khỏi những lo lắng, băn khoăn và vô vị cuộc đời mình.  Chỉ khi biết lòng thương xót, chúng ta mới biết tri ân.

Năm 2016 Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn tất cả chúng ta sống một năm của lòng thương xót, để suy ngẫm mầu nhiệm lòng thương xót là “giếng nước niềm vui, thanh thản và bình an.”  Đức Giáo hoàng tin rằng Lòng thương xót là bí mật để cho thế giới thấy dung nhan đáng tin của Thiên Chúa, gương mặt khả tín của Giáo hội, và để cho chúng ta bước đi vững vàng trong cuộc sống.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Lạy Chúa Giêsu xin ban cho con có lòng thương xót và biết thực hành lòng xót thương như Cha trên trời là Đấng đầy lòng xót thương.  Amen!

 From: Do Tan Hung & KimBang Nguyen

Mỗi Người Đều Xứng Đáng Được Tôn Trọng

Mỗi Người Đều Xứng Đáng Được Tôn Trọng

Mục Sư Rick Warren

 “Hãy tôn trọng mọi người.” (I Phi-e-rơ 2:17a – BDM)

Lòng tôn trọng đã trở thành một giá trị có nguy cơ biến mất trong những thập niên qua.  Chúng ta đang sống trong “Thời đại bất kính”, nơi mà sự chế nhạo thống trị ngày đêm và mọi người yêu thích việc hạ nhục người khác.

Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rõ rằng những gia đình ổn định – và những xã hội bền vững – được xây dựng chung quanh sự tôn trọng.  Kinh Thánh dạy chúng ta phải kính trọng cha mẹ, tôn trọng chính quyền, và tôn trọng những người lãnh đạo hội thánh.  Trong thư Ê-phê-sô, những người vợ được kêu gọi phải tôn trọng chồng mình.  Trong sách I Phi-e-rơ, những người chồng được kêu gọi phải tôn trọng vợ mình.  Để cho rõ rằng Kinh Thánh không bỏ sót một ai, Kinh Thánh cũng dạy chúng ta “hãy tôn trọng mọi người.” (I Phi-e-rơ 2:17a – BDM).

Mọi người, bất kể niềm tin gì hay hành vi như thế nào, đều xứng đáng được tôn trọng.

Tại sao như vậy?

  1. Chúa dựng nên mọi người.  Thi thiên 8:5 chép: “Ngài làm cho con người kém hơn Đức Chúa Trời một chút.  Ban cho con người vinh quang và tôn trọng.” (BDM).  Chúa không tạo ra những tạo vật vô dụng.  Không ai là không có giá trị cả.  Con người luôn có những quyết định sai lầm, nhưng họ vẫn quý giá đối với Chúa.  Ngay cả người không đáng được yêu thương nhất trên thế giới cũng vẫn được Ngài yêu thương.
  1. Chúa Giê-xu chết thay cho tất cả mọi người.  Kinh Thánh chép: “Vì anh chị em biết rằng chẳng phải bởi những vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh chị em được chuộc khỏi lối sống vô dụng thừa hưởng của tổ tiên, nhưng bằng chính huyết báu của Chúa Cứu Thế.” (I Phi-e-rơ 1:18-19a – BDM).  Có thể bạn không coi trọng một số người nào đó, nhưng Chúa luôn coi trọng họ.  Thật ra, Ngài nói rằng mỗi một người mà bạn gặp đều xứng đáng để Ngài chết thay.
  1. Điều đó bày tỏ rằng bạn biết Chúa.  Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là tình yêu thương.  Nếu bạn biết Chúa, bạn sẽ làm tràn ngập đời sống bạn với tình yêu thương.  Kinh Thánh chép: “Ai không yêu thương thì không biết Đức Chúa Trời vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương.” (I Giăng 4:8).  Tình yêu thương luôn đối xử với người khác bằng sự tôn trọng.
  1. Bạn sẽ nhận lại bất cứ điều gì bạn cho ra.  Đó là quy luật của mùa gặt.  Gieo gì, gặt nấy.  Nếu bạn muốn được tôn trọng, bạn phải đối xử với người khác bằng sự tôn trọng.  Kinh Thánh chép: “Vì ai gieo điều gì thì sẽ gặt điều ấy.” (Ga-la-ti 6:7b).

 Thảo luận

Mỗi một người mà bạn gặp ngày hôm nay đều xứng đáng nhận được sự tôn trọng của bạn.  Điều đó sẽ thay đổi hành vi của bạn như thế nào?

Bạn gặp khó khăn nhiều nhất trong việc tôn trọng ai?  Tại sao như vậy?

Một vài cách nào bạn có thể “đổ đầy cuộc sống mình với tình yêu thương”?

From:: kimlecpa & NguyenNThu

Đường nên thánh

Bang Uong

Đường nên thánh

 

Phạm Minh-Tâm

Vào ngày 14-10-2018 sắp tới đây, Hội-thánh Công-giáo hoàn-vũ vui mừng về một tin vui cả-thể. Đó là Đức cố Giáo-hoàng Phao-lô VI được Đức đương kim Giáo-hoàng Phan-xi-cô cử-hành nghi-thức tôn vinh lên bậc hiển thánh. Và trong nỗi hân-hoan này, thiết-tưởng cộng-đồng Dân Chúa Việt-Nam – và toàn thể Hội thánh Chúa Ki-tô – cũng nên chia-sẻ những cảm-nghiệm đức tin về vị Cha Chung được vinh thánh này. Đang lúc người ta nhắc đến hành-trạng của Đức Giáo-hoàng Phao-lô VI với toàn là những việc “để đời”, thì người viết lại cứ quanh-quẩn với câu ngài nói đã thành thời-danh:”Con người thời đại chúng ta thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy. Hoặc nếu có nghe các bậc thầy thì vì những vị thầy này là chứng nhân”…Bởi vì đã từ lâu, rất lâu nay, hai chữ “chứng nhân” vẫn là nỗi băn-khoăn, niềm mong đợi và tìm kiếm của cộng-đồng tín-hữu Việt-Nam.

Và quả-thực, trong suốt triều-đại giáo-hoàng của mình, Đức Phao-lô VI đã hành-xử quyền Tông-toà trong các hành-động liên-tục theo ơn-nhưng-không với lòng trách-nhiệm…đã làm việc theo “đấng bậc mình” không chút đơn-sai.

Điều mà người ta nhớ đến Đức Phao-lô VI trước hết và trên hết là ngài đã kế-tục một công-trình nhiều khó-khăn của vị tiền-nhiệm là Thánh Giáo-hoàng Gio-an XXIII, để hoàn-tất Công-đồng Vatican II. Công-đồng này đã mở đầu một kỷ-nguyên quan-trọng trong lịch-sử Hội thánh Công-giáo hoàn-vũ. Bởi vì, mọi văn-kiện của Công-đồng Vatican II đã như một nguồn sáng mới soi rọi lại nhiều vấn-đề trong Hội-thánh như Phụng-vụ, Lời Chúa, Đại-kết, Tự-do tôn-giáo và nhất là định rõ vai trò của Hội thánh trong thế-giới ngày nay…Tất cả không chỉ đòi hỏi một nỗ-lực mà còn là một ý-thức tâm-linh cao-độ khởi đi từ các nhân-đức Tin – Cậy – Mến…

Trong tấn thảm-kịch thông-thường của con người, một thảm-kịch mà ánh sáng càng tăng thì định-mệnh con người lại càng ra đen tối. Bởi thế, nhận-định ấy phải được triển-khai bằng một cuộc đối-thoại với thực-tại thần-linh; nghĩa là tôi bởi đâu mà ra và chắc-chắn tôi sẽ đi về đâu theo ánh sáng của Đức Ki-tô, như cây đèn đặt vào tay cho chúng ta hoàn-thành cuộc vượt qua vĩ-đại… Tôi được chọn làm Giáo-hoàng; sự kiện này chứng-tỏ hai điều: một là sự hèn-mọn của tôi và hai là sự tự-do của Thiên Chúa, một sự tự-do đầy nhân-từ và mạnh-mẽ…(Đỗ Xuân Quế – Suy-tư của Đức Phao-lô VI về sự chết…trang 8).

Công-đồng Vatican II được hình-thành từ nhiều trở-ngại trong quá-khứ. Vào năm 1870, Đức Giáo-hoàng Pi-ô IX triệu-tập Công-đồng Vatican I, tuyên-bố quyền tối-thượng và ơn bất-khả-ngộ của Giáo-hoàng; đồng thời, lên án chủ-trương độc-lập của Giáo-hội Pháp và nhiều vấn-đề quan-trọng khác thuộc Giáo-hội. Song Công-đồng này phải ngưng vào ngày 20-10-1870 và đình-hoãn vô-hạn-định với biến-cố Giáo-phận Rome bị sáp-nhập vào nước Ý. Khi Công-đồng Vatican II được công-bố triệu-tập thì đã có nhiều ý-kiến về tên gọi, vì cho rằng đây chính là sự tiếp nối công-trình của Vatican I, mà phần lớn các vấn-đề đã bị bỏ dở. Vì vậy, vào ngày 07-12-1959, Thánh Giáo-hoàng Gio-an XXIII đã chính-thức dùng tên Công-đồng Vatican II để khai-hội và kéo dài sang đến triều-đại Đức Giáo-hoàng Phao lô VI mới kết-thúc.

Điều đăc-biệt, Công-đồng Vatican II được triệu-tập không theo truyền-thống sẵn có là chỉ triệu-tập công-đồng khi Hội-thánh cần phải công-bố một định-tín hay giải-quyết các khúc-mắc quan-trọng. Trong hoàn-cảnh lúc đó, Giáo-hội không gặp phải biến-cố hay khủng-hoảng nào rõ-rệt cả mà chỉ vì hậu-quả của hai cuộc thế-chiến và sự phát-triển nhanh chóng của khoa-học đã ảnh-hưởng nhiều đến hướng hành-đạo và sống đạo của người Ki-tô hữu, cho nên có nhiều vấn-đề để Công-đồng này cần phải đặt ra, nhất là đặt trọng-tâm vào cách-thế có mặt của Hội-thánh trong thế-giới hiện-đại cùng với sự hiệp-nhất Ki-tô hữu.

Với hướng hàng đầu nhắm vào sứ-vụ truyền-giáo của Giáo-hội, Đức Giáo-hoàng Phao-lô VI đã có cách nhìn cởi mở và chịu đối-thoại với thế-giới bên ngoài như một sự canh-tân cần-thiết. Trước hết là phải kể đến chủ-trương đối-thoại với cộng-sản, với các anh em trong cộng-đồng Ki-tô giáo, với các tôn-giáo khác và ngay cả với những người không có tín-ngưỡng. Ngài cũng bãi-bỏ một số quy-chế trong tổ-chức của Giáo-hội như chuyển sinh-hoạt phụng-vụ từ tiếng La-tinh sang tiếng bản xứ; tổ-chức lại thành-phần nhân-sự trong nhiệm-vụ giữ trật-tự an-ninh của Tòa-thánh; giảm bớt con số cảnh-vệ gốc Thụy Sĩ; bỏ việc dùng vương-miện cũ của giáo-hoàng và các lễ-phục mang sắc-thái vương-giả cao-sang, vì ngài từng khẳng-định rằng…giáo hoàng không phải là một vị vua, nhưng là một giám mục, một mục tử, một nô bộc…Ngài cũng chấm dứt truyền-thống về nghi-thức mỗi khi khai-mạc Năm Thánh thì giáo-hoàng lấy búa đập vào bức tường che Cửa Thánh; ra quyết-định sau Năm Thánh 1975 không cho xây bức tường che Cửa Thánh trong đền thánh Phê-rô nữa.

Tưởng cũng cần mở ngoặc để nhắc đến ở đây một sự-kiện “để đời” nơi Giáo-hội Việt-Nam, thoát-thai từ Tông-hiến Laudis Canticum : vào ngày Lễ Các Thánh, 1-11-1970, Đức Phao-lô VI ban-hành Tông-hiến Laudis Canticum, chính-thức công-bố về việc dùng sách nguyện của Hội-thánh là Các giờ kinh Phụng-vụ…Bài Ca Chúc Tụng Thiên Chúa hằng vang dội muôn đời trên Thiên-quốc, đã được Chúa Giê-su Ki-tô, Vị Thượng-tế của chúng ta đưa vào trần-thế. Bài ca này, Hội-thánh không ngừng tiếp-tục hát lên, qua những hình-thức vô cùng phong-phú với một tấm lòng bền vững trung-kiên”. Và trong Tông-huấn này, có một sứ-điệp gửi đi “…Các Hội Đồng Giám Mục trong mỗi quốc gia có nhiệm vụ phải cho xuất bản sách này bằng tiếng nước mình…” đã là cơ-duyên cho một nhóm giáo-sĩ, linh-mục, tu-sĩ Việt-Nam được thể-hiện khả-năng Chúa cho mà phục-vụ Giáo-hội quê-hương mình. Đó là Nhóm Các Giờ Kinh Phụng-vụ ra đời vào năm 1971, với các thành-viên toàn là linh-mục, tu-sĩ có trình-độ cao về học-thức, về chuyên-môn, về ngoại-ngữ và cổ-ngữ; thậm-chí còn đã từng hay đang là Bề Trên Dòng, là Giám-tỉnh, là giáo sư Đại-chủng-viện…và tính cho đến nay cũng đã cống-hiến rất nhiều cho Giáo-hội Công-giáo Việt-Nam.

Đức Phao-lô VI cũng bỏ truyền-thống lâu đời của các giáo-hoàng vốn không ra khỏi Vatican. Ngài đã thực-hiện hàng loạt các cuộc tông-du qua nhiều miền đất của thế-giới như những cuộc hành-hương và tuy mỗi chuyến đi mang mục-đích khác nhau nhưng tựu-trung cùng trong tâm-tình viếng thăm thế-giới vì lợi ích của con người. Ngài đến Jérusalem, Jordanie, Istambul…để gặp gỡ các thượng-phụ của Chính-thống-giáo Ðông-phương vì muốn cùng anh em ly-giáo hoà-giải bớt những bất-đồng gây phân cách, đã xin lỗi Thượng-phụ Bartholomeo của Constantinople và kết-quả đem lại là đã cùng Thượng-phụ Giáo-chủ Athenagoras của Giáo-hội Chính-thống Constantinople xé bỏ án tuyệt-thông mà cả hai đã gieo vạ lẫn cho nhau từ năm 1054. Ngài đến Hoa-kỳ để đọc diễn văn tại Đại Hội-đồng Liên-hiệp-quốc lên án chiến-tranh và kêu gọi hòa-bình thế-giới. Ngài gặp Giáo-chủ Hồi-giáo trong tinh-thần đối-thoại và Tổng Giám-mục Canterbury của Anh-giáo để giảm bớt sự xa cách từ một quá-khứ ly-khai. Đến Châu Mỹ La-tinh, Ấn-độ, Pakistan, Columbia, Philippine, Uganda, Bồ-đào-nha, Thuỵ-sĩ …và gặp nhiều nguyên-thủ các quốc-gia… cũng không ngoài mục-đích viếng thăm theo tinh-thần phúc âm hóa đời sống và Ki-tô hoá xã-hội. Ki-tô hoá không phải là rửa tội cho người ta vào đạo mà là thể-hiện tinh-thần bác-ái, huynh-đệ như Chúa Ki-tô dạy, là truyền-đạt Giáo-lý của Đức Ki-tô bằng tâm-tình đi tìm hoà-bình và công-lý cho con người. Là lên tiếng bênh-vực cho nhân-quyền, nhất là quyền làm người và quyền sống.

Ủy-ban “Công lý và Hòa bình” của Giáo-hội đã được lập năm 1967. Tiếp đến là Thông-điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) ban-hành vào ngày 25-7-1968, xác-nhận lại quan-điểm của Giáo-hội Công-giáo không chấp-nhận các phương-pháp ngừa thai nhân-tạo như ngài đã từng tuyên-bố… là chuyên-gia về nhân-loại, chúng tôi tôn trọng con người…Vào năm 1971, để cổ-võ việc đấu-tranh cho quyền-lợi các nước nghèo, Đức Phao-lô VI công-bố Thông-điệp “Phát triển các Dân tộc” …

Tóm lại, với thời-gian tại vị không lâu nhưng Đức Phao-lô VI đã làm việc trong sự mẫn-cán tuyệt-vời của một mục-tử yêu thương đoàn chiên; của người tự nhận mình là…chuyên-gia về nhân-loại nên đã không bỏ sót một khía cạnh nào thuộc đời sống con người…cho đến cuối đời …Nhưng bây giờ trong buổi hoàng-hôn sáng tỏ này cộng thêm với ánh sáng cuối cùng của buổi chiều, điềm tiên báo hừng đông muôn thuở, một tư-tưởng khác làm tôi bận trí, đó là nỗi lo-lắng phải làm sao lợi-dụng giờ thứ mười một, là sự vội-vàng phải làm một cái gì quan-trọng trước khi quá muộn. Làm thế nào để sửa lại những gì mình đã làm không tốt; làm thế nào để lấy lại thời-gian đã mất; làm thế nào để nắm được điều cần duy nhất trong giai-đoạn cuối cùng còn được chọn này… Con theo Chúa và con thấy rằng con không thể lẻn ra khỏi sân khấu cuộc đời này. Có hàng ngàn mối dây ràng-buộc con với cộng-đồng nhân-loại, với Hội-thánh. Những mối dây này tự chúng sẽ tan đi, nhưng con không thể quên được những người có liên hệ với con, chờ đợi con làm một vài bổn-phận cuối cùng…( Đỗ Xuân Quế. Suy-niệm của Đức Phao-lô VI về sự chết…trang 10…13)

Giờ đây, trong tâm-tình tín-thác nơi ơn vô-ngộ của Hội thánh và của những định-tín khi người đại-diện Thánh Phê-rô công-bố trên toà, xin Chân-phước Phao-lô VI sắp được nâng lên hàng Hiển-thánh, cầu-bầu cho dân-tộc Việt-Nam chúng con đủ sức mạnh thắng vượt cơn khốn-khó. Cho mọi anh em trong Hội thánh Công-giáo Việt-Nam chúng con và những người đang trong trách-nhiệm lãnh-đạo Chúa giao, biết theo được gương sống đạo và làm việc theo lương-tâm ki-tô hữu của ngài; xin cho tất cả những ai chỉ vì muốn cầu-an, sống vô-cảm, chối bỏ trách-nhiệm liên-đới với xã-hội, với anh em đồng-bào mà đã vô-tình hay cố ý lý-luận rằng khi nói đến việc đấu-tranh cho quyền-lợi người nghèo, cho người bị đàn-áp bất-công, đòi nhân-quyền, đòi tự-do tôn-giáo, đi tìm công-lý và hoà-bình…như ngài đã từng dấn-thân tìm kiếm là những việc phạm đến chính-trị. A-men

Các Nhà Truyền Giáo thời đại. (phần 2)

  Các Nhà Truyền Giáo thời đại. (Phần 2)

Phan Sinh Trần 

1)Cha Pallu truyền giáo tại Ni-giê-ria Phi Châu

Một đặc điểm ở một số các vùng truyền giáo Phi Châu, Trung Đông, là sự hiểm nguy cho tính mạng của Nhà Truyền Giáo, nhất là ở những nơi đạo Chúa bị cấm cách, thù ghét hay bị cho là dị biệt với Hồi Giáo. Chỉ tính riêng tại nước Ni-giê-ria trong vòng chưa trọn năm 2018, đã có trên 6000 Ki Tô hữu bị dân quân vũ trang giết hại đa phần là phụ nữ, người già và trẻ em, trong số tử đạo có các linh mục và tu sĩ. Vào một cuối tuần của tháng 6, 2018 có 238 người theo đạo Chúa bị tàn sát ở tiểu bang cao nguyên, Ni-giê-ria. (https://www.express.co.uk/news/world/981611/christian-persecution-christianity-nigeria).

…Vào ngay thời điểm này, cha Pierluigi Maccalli thuộc dòng “Truyền Giáo Phi Châu” công tác mục vụ ở Ni-giê-ria vẫn còn đang bị mất tích. Vụ bắt cóc xảy ra vào đêm 19 tháng 9, 2018 ở vùng sát với biên giới gần nước Bur-kina Faso.

Phải, sẽ đến giờ mà ai giết các ngươi sẽ tưởng thế là tôn thờ Thiên Chúa. (Gioan 16:2)

Năm Ngoái, thông tấn xã CNA và đài TV EWTN tường thuật lại câu chuyện Cha Maurizio Pallu, 63 tuổi, linh mục Ý Đại Lợi, đi truyền giáo ở nước Ni-giê-ria, bị bọn tội phạm gồm tám tên trang bị vũ khí súng ống, chúng chận đường khi đoàn đang di chuyển trên đường từ Calabar tới thành phố Benin vùng cực nam của Ni-giê-ria, chúng cướp và bắt cóc Cha Pallu và hai thành viên của đoàn tông đồ “Con Đường Tân Dự Tòng” truyền giáo cùng đi trong xe vào ngày 12 tháng 10, năm 2017.

Trong lúc bị bách hại, Cha Pallu lúc đầu cũng hoang mang lo sợ khi nghĩ đến sinh mạng đang treo lơ lửng và cảm thấy mình chưa sẵn sàng để chết, Cha kể:

–  Tôi thưa với Chúa, con chưa đền đủ tội của con, nếu Chúa muốn con chết thì xin cho con được ơn và Thần Khí sức mạnh để chết như một người Ki tô hữu và dâng hiến đời sống mình (cầu chuộc) cho những người này vốn dĩ đã giết con.

Dẫu vậy, Cha nhớ lại những nhu cầu khác và đệ đạt với Chúa:

–  Xin Chúa cứu lấy sinh mạng con và con xin hứa rằng con sẽ tiếp tục công bố Tin Mừng với sự nhiệt thành gia tăng gấp đôi.

Trong tình huống nguy nan, Cha có thể chứng nghiệm sức mạnh của lời cầu nguyện qua kinh Mân Côi thể hiện rõ dần trong thời gian năm ngày bị bắt giũ. Vào lúc Ngài chỉ còn giữ được một cỗ tràng hạt, bởi vì bọn bắt cóc đã cướp đi thánh giá nhỏ bằng vàng và khi bị bắt bất ngờ, Cha đã không mang theo mình Kinh Thánh hay sách kinh Nhật Tụng :

–  Tôi chỉ có tràng chuỗi này, và bọn họ đã thấy tôi liên tục cầu kinh Mân Côi thành tiếng nho nhỏ. Tôi bảo họ rằng “Tôi cầu cho các anh nữa”, thế rồi … tôi thấy được sức mạnh của sự cầu nguyện, cho dù tôi là một người có đức tin nhỏ bé, tôi chỉ làm điều mà tôi có thể làm được nhưng đâu phải chỉ có lời nguyện của tôi mà còn có sự hỗ trợ nguyện xin của cả Hội Thánh Toàn Cầu cho sự vụ này.

Dần dần, Cha bắt đầu tạo được mối liên hệ với thủ lĩnh của bọn cướp, và có dịp nói chuyện với bọn họ. Cha kể:

–  Tôi có thể bảo anh ta rằng tôi coi anh như là một huynh đệ của mình và tôi đang cầu nguyện cho mấy người anh em. Điều tôi lưu ý được đó là, anh ta đã thay đổi dần trong cách nói và thái độ khi đối xử với chúng tôi, mấy ngày sau này, hễ tôi nhẹ nhàng nói với anh “tôi đang cầu nguyện cho anh”, đáp lại, bằng một giọng thành thực “Được, Cha hãy cầu nguyện cho tôi”.

Cha Pallu kết luận:

–  Tôi được sự can thiệp đặc biệt của Mẹ đồng trinh Maria, nhất là ơn của Đức Mẹ Fatima bởi vì cách Ngài hóa giải kế hoạch hãm hại, âm mưu đe dọa của thế lực sự dữ thật là hiển nhiên (qua việc hoán cải tâm hồn của thủ lĩnh băng cướp).

Cuối cùng, bọn cướp thả cho ba người được ra đi.

Cha Pallu là linh mục chứng nhân Tin Mừng tại Ni-giê-ria trong suốt ba năm qua, Cha bị bắt cóc lần này là lần thứ hai, trước đó Cha bị giữ vào ngày 13, tháng 10, năm 2016. Tuy nhiên ở lần đầu bị nạn, Ngài được thả ra chỉ sau một tiếng rưỡi đồng hồ bị nhóm vũ trang giam giữ. Tốt nghiệp cử nhân sử học, cha được ơn gọi đi tu làm linh mục triều, tiếp theo ơn gọi của Chúa tiếp tục dẫn đưa Cha vào con đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Cuộc đời của Cha đã trải qua 11 năm đi truyền giáo tại nhiều nước khác nhau.

Khi vị linh mục vốn xuất xứ từ Giáo Phận Rô Ma quay trở lại Ý Đại Lợi vào ngày 18, tháng 10, 2017 rồi sau đó được triều kiến Đức Thánh Cha Phan xi cô, nghe chuyện bắt cóc và được thả, người vui vẻ dịu dàng hỏi Cha Pallu “Thế rồi, khi nào con lại quay về (chốn xưa)?”

Ma Quỷ không chịu thua khi nhìn thấy cánh đồng truyền giáo của Chúa có thành quả đang nở rộ ở Ni-giê-ria, chúng gieo rắc chia rẽ và thù hận, có các nhóm Hồi Giáo quá khích như Boko Haram truy bức, bắt cóc và giết hại Tín Hữu Thiên Chúa Giáo. Tuy nhiên, càng bách hại, Đạo Chúa lại càng phát triển, hạt giống tử đạo nảy sinh muôn vàn hoa trái phúc âm, lúa chín đầy đồng với hàng triệu người Ni-giê-ria đón nhận đức tin mới. Trong vòng chưa tới mười năm, từ 2001 tới năm 2010, con số tín hữu gia tăng thêm hơn tám phần trăm, từ 40% lên đến 48.3%. Hiện nay, Thiên Chúa Giáo trở thành đạo có nhiều người tin theo nhất, khoảng 89 triệu Ki Tô hữu, người Công Giáo chiếm khoảng một phần tư trong số đó.

Khi được nhà báo hỏi về sự quay trở lại quốc gia cũ đang đắm chìm trong bạo lực có là một điều dại dột? Cha Pallu trả lời rằng ngài không sợ âm mưu của Quỷ, bọn chúng vốn đã bị đánh thua, bị bại trận nhờ vào cái chết và sự sống lại của Chúa Giê Su Ki Tô:

– Ở nước Ni-giê-ria, bây giờ là thời kỳ hồng ân. Quỷ phải rất sợ hãi vì chúng bị sổng mất nhiều linh hồn quay về với Chúa nên chúng quay ra tấn công đoàn hai lần qua việc bắt cóc. Tôi muốn dẫn chứng lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II, “Lục địa Phi Châu là tương lai của Giáo Hôi”

Xin Chúa Mẹ thương đến dân tộc Ni-giê-ria đang phải gồng mình trong bách hại và bạo lực khi họ muốn vươn lên đón nhận Tin Mừng và ôm ấp hy vọng rạng ngời của Đức Tin.

2Tín Hữu Yun truyền đạo ỏ Hồ Nam, Trung Quốc.     

 Ở các quốc gia theo chủ nghĩa Cộng Sản, vấn đề bách hại tôn giáo còn khốc liệt hơn gấp nhiều lần so với các quốc gia Hồi Giáo. Năm 1970 phái đoàn dân biểu quốc hội Hoa Kỳ qua thăm Trung Hoa Cộng Sản, khi họ trở về đã cho biết “Không còn một người tín hữu Ki Tô nào sót lại ở Trung Cộng”, trước đó, từ năm 1958 chính Giang Thanh vợ của Mao Trạch Đông thủ lĩnh Cách Mạng Văn Hóa tuyên bố: “ Ki Tô Giáo ở Trung Hoa đã bị khai tử, nhốt vào bảo tàng lịch sử. Nó chết rồi và bị chôn vùi”. Các nhà thờ không thuộc giáo hội quốc doanh đều bị đóng cửa (Phong trào tam tự ái quốc do chính quyền thiết lập năm 1957), linh mục, giám mục, mục sư Tin Lành chân chính bị giết hại hoặc giam cầm cho chết dần mòn trong các trại cải tạo, sách Kinh Thánh bị đốt và cấm đọc.

Làm sao Chúa có thể đem ánh sáng Tin Mừng đến cho dân tộc Trung Hoa đáng thương?                   

Chúa có bỏ rơi con chiên cho đàn sõi vô thần hùng mạnh, dữ dằn chăng?                                            

Chúa Thánh Thần sẽ sáng tạo cách thế nào để loan báo Tin Mừng tại Trung Quốc?

Chúa có nhiều cách rất phong phú và tài tình để cứu đàn chiên và làm cho Trung Hoa trong tương lại, rồi mai đây, lại trở thành một nước có nhiều người Tin Chúa nhất trên địa cầu, một tiêu biểu là câu chuyện của Anh Yun, người Hà Nam, Trung Quốc, trong vùng nông thôn nghèo đói, nhà tranh vách đất u tối và dột nát, nơi đó, cả làng đều bỏ Đạo, các em nhỏ không biết Chúa là ai. Trong tự chuyện, anh Yun kể lại như sau:

–  Vào năm 1974, khi Cách Mạng văn hóa còn đang hoành hành, cha tôi bị bệnh ung thư phổi, ung thư lan xuống bao tử. Bệnh rất nặng, làm cho không thở được. Bác sĩ nói với mẹ của tôi, “không còn hy vọng chữa trị gì cho ông chồng bà, hãy đem về nhà lo chuẩn bị đám tang”. Gia đình làm nông rất nghèo, đem Cha về nhà, chúng tôi vẫn dồn hết sức lực cho việc chạy chữa, không còn tài sản nào có thể đem bán, năm anh em Yun phải đi ăn xin hàng xóm để sống sót qua ngày. Họ chạy tìm mọi nguồn lực, mời thày cúng, làm đủ cách mà bệnh tình của người Cha tiếp tục nặng, mẹ của Yun lo lắng, sợ hãi quá phát rồ dại, bà định tự tử. Một đêm nọ, vừa mơ mơ màng màng thiếp ngủ, chợt bà nghe rõ, có tiếng nói dịu dàng, thương cảm cất lên “Chúa Giê Su yêu con”. Nghe xong, bà liền vùng dậy, choàng tỉnh, nhận ra hoàn cảnh của mình với Chúa, bà quỳ gối xuống sàn đất và bắt đầu nhỏ nước mắt ăn năn khóc cho tội lỗi của mình, giống như cảm nhận của một người con hoang đàng muốn quay về nhà, bà cảm thấy muốn trở lại nhận Chúa làm Thượng Đế, đấng trên hết của mình. Rồi bà gọi hết mọi người trong nhà đến để cầu nguyện với Chúa, bà bảo họ “Chúa Giê Su là hy vọng duy nhất cho Bố các con”, khi được bà kể lại những gì đã xảy ra cho Mẹ, tất cả chúng tôi phó thác đời sống mình cho Chúa, rồi chúng tôi đặt tay lên mình Cha và cả đêm hôm đó, chúng tôi vừa khóc vừa nói lải nhải một câu cầu xin “Chúa Giê Su, chữa cho Cha. Chúa Giê Su, chữa cho Cha”. Tảng sáng hôm đó, Cha cảm thấy đỡ hơn nhiều, lần đầu tiên sau nhiều tháng, ông muốn ăn. Chỉ trong vòng một tuần lễ, ông được hoàn toàn bình phục, chẳng thấy còn một dấu vết nào của bệnh ung thư và sống khỏe mạnh. Cả nhà của tôi quay về làm con Chúa và bắt đầu muốn chia xẻ niềm vui về Chúa.

Thế là công cuộc làm chứng về Chúa và phục hồi Đạo bắt đầu trong ngôi làng bỏ Chúa của Yun, anh kể:

– Cha Mẹ tôi rất biết ơn Chúa về những gì mà Ngài đã làm cho Cha, đến độ họ muốn chia sẻ tin tốt lành này cho hết mọi người dân làng ngay lập tức, họ có kế hoạch cho con nít trong nhà lén đi mời thân thuộc và bạn hữu đến nhà của chúng tôi. Ai cũng đinh ninh được mời đến tẩm liệm cho Cha vừa qua đời, nào có ngờ, đến nhà, họ được Cha tôi ra tận cửa vui vẻ, khỏe mạnh đón chào, mời vào trong nhà. Sau khi mọi người tề tựu đông đủ, Cha Mẹ tôi đóng cửa, cài then, che rèm của sổ và kể cho mọi người hiện diện về phép lạ nhiệm mầu của Chúa đã làm cho gia đình. Rồi, tất cả thân hữu đều quỳ xuống xin tiếp nhận Chúa là chủ của đời mình. Mẹ tôi dù là một người thất học, không biết đọc, biết viết nhưng lại là người đầu tiên thuyết giảng về Chúa cho dân làng. Nhớ lõm bõm câu Kinh Thánh nào thì nói ra rồi kêu gọi chúng tôi luôn chú tâm, quy hướng mọi sự vào Chúa Giê Su.

Một hội thánh tư gia thuộc loại tiên khởi đã ra đời, các hội thánh tư gia khác thuộc Giáo Hội chui ở Trung Quốc có thể đã bắt đầu tương tự như trường hợp nêu trên, qua cách làm sáng tạo, diệu kỳ của Chúa Thánh Thần.

– Tôi hay hỏi Mẹ của tôi, “Chúa Giê Su là ai?” Bà trả lời, “Chúa Giê Su là con Thiên Chúa đấng đã chết trên thập giá đền thay mọi tội lỗi và bệnh tật của chúng ta. Ngài ghi lại tất cả sự giảng dậy trong Kinh Thánh”. Kể từ ngày đó, tôi khao khát được đọc Kinh Thánh, nhưng mà cả làng không ai biết mặt mũi cuốn Kinh Thánh như thế nào. Điều khó khăn là làm sao có Kinh Thánh để biết về Chúa Giê Su trong khi trên phạm vi toàn quốc, tất cả Kinh Thánh đều bị đốt và bị cấm đọc, nếu có ai đọc Kinh Thánh mà bị bắt quả tang, họ sẽ bị đánh đập tàn tệ và sẽ bị tra khảo công khai ở giữa dân làng.

Không sợ hãi, cậu nông dân Yun, 16 tuổi, học lực mới đến trình độ lớp ba trường làng, ngày đêm ăn chay, cầu nguyện kêu nài xin Chúa ban cho một cuốn Kinh Thánh, anh khẩn khoản đến mức quên ăn, quên ngủ, sau mấy tháng cầu nguyện Chúa thúc giục một cụ già được thị kiến, dù cụ ở rất xa làng của Yun và chưa hề quen biết, cụ liền đào cuốn Kinh Thánh đã chôn dưới mặt đất, nằm trong một cái lon, dấu diếm đã nhiều năm, moi sách lên và lặn lội đến làng của Yun, gõ cửa đúng ngay căn nhà Yun đang ở và trao cho anh quyển sách. Kể từ sau sự huyền nhiệm xảy ra đó, Yun biết rằng Lời ghi trong Kinh Thánh chính là Lời Chúa nói với anh. Anh không rời xa quyển sách thánh, lúc ngủ anh đặt sách trên ngực, lúc đi cầy cấy anh buộc sách vào trong người. Hàng ngày từ sáng sớm tới chiều tối Yun say sưa ngấu nghiến đọc quyển Kinh Thánh. Anh cố gắng học thuộc lòng mỗi ngày một chương sách Tân Ước, sau 28 ngày, anh thuộc lòng sách thánh Mát Thêu, tiếp tục học thuộc sách Công Vụ Tông Đồ. Khi đọc đến đoạn Công Vụ Tông Đồ chương 1, câu 8:

“…nhưng các ngươi sẽ chịu lấy quyền lực Thánh thần đến trên các ngươi. Và các ngươi sẽ là chứng tá của ta ở Yêrusalem, trong toàn cõi Yuđê và Samari, và cho đến mút cùng cõi đất”.

Yun kể:

– Đây là khoảnh khắc quyết định của đời tôi, tôi ước ao hiểu được Lời Chúa có ý nghĩa gì và tôi cầu nguyện “Con cần quyền năng của Chúa Thánh Thần. Con muốn làm chứng cho Chúa”. Sau khi cầu xin thần khí Chúa, tôi được Chúa ban ơn, có một niềm vui chan hòa trong lòng, tình yêu Chúa bao phủ tràn ngập tâm hồn tôi, tôi bật lên lời ca ngợi Chúa dù trước đó tôi không biết hát hò gì. Sau này, tôi ghi lại lời những bát hát và cho đến hôm nay các bài này vẫn còn được lan truyền, được hát lên trong các nhà thờ.

Chúa ban cho anh Yun phép rửa trong Chúa Thánh Thần, rồi Ngài sắp xếp cho anh Yun, dù mới có mười sáu tuổi, đi từ làng này sang làng khác, kết hợp với một vài người địa phương, hàng đêm lén lút quy tụ bà con dân làng lại, rồi anh đọc thuộc lòng cho nghe về Sách Tin Mừng Mát Thêu, hát thánh ca trong đêm nhóm cầu nguyện đầu, qua đêm kế tiếp anh cũng làm như vậy với phần đọc thuộc lòng Sách Công Vụ Tông Đồ, có những lần buổi nhóm say sưa kéo dài thời gian đến gần như suốt đêm. Đã có sức mạnh của Lời Chúa và vinh quang Chúa trong buổi hát ca ngợi vì mỗi lần như vậy, Chúa dục lòng, hàng tá người quỳ xuống, họ thống hối ăn năn tội lỗi và xin được trọn đời sống theo ý Chúa. Có thật nhiều dân trong các làng tin yêu Chúa, tuy nhiên càng có nhiều người tin Chúa thì chính quyền càng gia tăng theo dõi, bắt bớ. Họ cần tìm cho ra ai là người truyền bá “mê tín dị đoan” vì trước đây không hề có lấy một người theo đạo Chúa. Anh Yun bị bắt lần đầu tiên vào năm mười bẩy tuổi, sau đó là những năm tháng tù đầy, vượt ngục, chạy trốn, bị Công An rượt đuổi xảy ra liên tiếp ở các nơi anh đến truyền đạo, anh cũng không dám quay về nhà vì luôn có công an rình rập ở nhà.

Chúa an ủi anh rất nhiều, càng bị khốn khó công việc truyền bá Tin Mừng Chúa càng phát triển, lúc ban đầu từ năm 1978 đến 1989 đa số người theo Chúa là nông dân, nhưng về sau kể từ năm 1989, có nhiều học sinh, sinh viên và công chức tin nhận Chúa. Bob Fu, thủ lãnh sinh viên phong trào dân chủ Thiên An Môn sau này lưu vong và sống ở Texas Hoa Kỳ cho biết, chỉ tính riêng tại đại học Bắc Kinh, (nơi quy tụ những sinh viên ưu tú, taì giỏi hạng nhất Trung Quốc) vào thời kỳ 1989 đã có 18 nhóm Kinh Thánh cầu nguyện của sinh viên, sinh hoạt hàng tuần.

             Yavê là ánh sáng và sức tế độ cho tôi, nào tôi phải sợ ai?

            Yavê làm đồn trú cho kiếp sinh tôi, nào tôi phải khiếp vì ai? (Thánh vịnh 27:1)

 Anh Yun đi khắp nơi, anh tổ chức rất nhiều buổi nhóm sốt sắng ở nhiều tỉnh thành: An Huy,Hà Nam, thủ phủ Trịnh Châu, Chiết Giang, Thiểm Tây nơi có cố đô Thiên An, Cát Lâm … , theo ơn Chúa soi dẫn, anh bí mật huấn luyện cho các thanh niên trẻ về Kinh Thánh, trại huấn luyện là các hang động trên núi cao, trại viên học thuộc lòng một chương Kinh Thánh Tân Ước mỗi ngày.

Chúa rộng ban ơn đổi mới đời sống cho nhiều người biết tin nhận Ngài. Qua các buổi nhóm Ca Ngợi và Cầu Nguyện, Chúa chữa lành nhiều bệnh tật, người què được bước đi, người điếc được nghe rõ, người mù được sáng mắt, người bị quỉ ám được giải thoát, có cả những cán bộ cao tuổi Đảng, họ được Chúa ban ơn đổi mới, họ quyết định từ bỏ Đảng Cộng Sản để đi làm chứng về Chúa. Trong giai đoạn bùng cháy ơn Chúa Thánh Thần, đi đến đâu, anh Yun cũng gặp được đám đông có khi lên đến hai ngàn người (ở Tỉnh An Huy) khao khát tìm kiếm Chúa, họ ái mộ anh như một đại diện của Chúa và vây quanh, họ bao vây mong đụng chạm vào y phục của anh vì tin rằng Chúa sẽ ban ơn cho họ qua vị đại diện là Yun. Càng tiến sâu trong tình yêu Chúa, gia đình Yun càng bị bách hại nặng nề hơn. Yun vào tù, trốn tù nhiều lần, mỗi lần bị bắt lại, anh chịu đựng sự tra tấn nhiều cách khủng khiếp hơn trước, hình phạt bao gồm, cùm khóa chân tay và đánh nhừ tử, đau đớn như chết đi sống lại nhiều lần, dùng roi điện cường độ mạnh nhất chích vào lưỡi, bắt bò lặn chìm qua hầm phân lớn của cả trại tù nơi có hàng triệu giòi bọ lúc nhúc, đâm kim tiêm, loại có đường kính lớn nhất vào kẽ mười móng tay, kẽ mười móng chân làm ra các cơn đau chấn động, nghiền buốt tận óc tủy cho đến lúc ngất xỉu, ném ra ngoài trời lạnh, đá dập phổi, đánh bể xương cả hai chân, cho tù hình sự ném anh vào cầu tiêu, tiểu tiện lên người và đánh hội đồng…  Ngay cả những lần bị bắt ở trong tù anh cũng cảm hóa được nhiều tù nhân hình sự rất hung dữ quay về với Chúa, trong số phải kể cả hai tù ăng ten, gián điệp có nhiệm vụ bí mật báo cáo thái độ của anh cho Công An Trung Quốc, anh làm chứng và giúp một số cán bộ cai tù được nhận biết tình yêu của Chúa, cũng giống như sự sai đi cho thánh hồng y Nguyễn văn Thuận vào trại tù ở Việt Nam, Chúa có ý định rất rõ ràng khi gởi  các môn đệ xuất xắc nhất “đi làm mục vụ trong nhà tù Cộng Sản”, kết quả là có nhiều linh hồn lên đến con số trăm được ơn Chúa, nhóm người mà Chúa muốn cứu nhất đã được ơn quay về làm con cái Chúa, chương trình của Chúa thật tuyệt diệu! 

Một vài hình ảnh có tính tham khảo về các trại tù ở Trung Quốc:

             Một vài cách điều tra dùng nhục hình tiêu biểu trong nhà tù Trung Quốc:

                                                                                                                                            Trong một trại tù nọ anh rất thích trò chuyện với linh mục Công Giáo tên là Yu bị án mười năm lao động khổ sai vì trung thành với Chúa và Đức Thánh Cha. Về sau khi ra tù, Cha Yu đã đến thăm gia đình anh Yun và trở thành một người bạn của cả gia đình anh.  

Trong lần tù tội cuối cùng, năm 1997, ở độ tuổi 39, anh bị gởi tới nhà tù tăng cường an ninh tối đa, trại tù số một, thành phố Trịnh Châu. Trong lich sử nhà tù này, chưa hề tù nhân nào có thể vượt ngục, quả thực điều này đúng, vì việc đầu tiên là cán bộ công an tỉnh và cán bộ an ninh trung ương trong nhiều ngày thay nhau đánh dập xương cả hai chân từ đầu gối đến bàn chân để anh không thể trốn tù, đau đớn quá đỗi không còn sức chịu đựng, anh xin Chúa cứu mình qua cơn thử thách. Chúa giải thoát anh một cách hy hữu cũng như Thánh Phê rô xưa, trong khoảnh khác, Chúa giúp cho chân anh lành mạnh, không còn đau đớn, có thể đứng lên tự mặc quần áo, đi được, không cần người khiêng vác trên lưng nữa, trong lúc anh đang cầu nguyện, Chúa cho anh thị kiến với hình ảnh thoát được về nhà rồi có chị ở bên cạnh chăm sóc vết thương chân, anh mạnh dạn phó linh hồn cho Chúa vì biết rằng, anh có thể bị bắn chết ngay tại mỗi trạm canh cổng của trại giam, anh can đảm ra đi, bước qua 4 lần cửa được canh gác nghiêm nhặt bên trong, bên ngoài, từ lầu 3 xuống tầng trệt, cán bộ  lính canh, đứng nhìn trừng trừng mà không thấy anh bước qua, vượt hành lang, vào sân trại vào lúc hơn 8 giờ sáng khi có đông lính canh, cán bộ, cai tù đi lại làm việc mà không ai nhìn thấy anh kể cả lính vũ trang trên tháp canh gần cổng chánh, giống như một người vô hình anh bước qua cổng chánh ra đường và đi taxi đến nhà một giáo dân an toàn, sau đó, Chúa làm một cơn mưa bão kéo mây đen đặc, tối mờ nhờ đó, anh có thể đạp xe đến một điểm trốn an toàn chờ vượt biên qua nước Đức. Chúa Thánh Thần phối hợp nhịp nhàng với thị kiến cho Chị Yun biết anh sẽ thoát ngục, thị kiến cho một giáo dân chủ nhà tiếp nhận anh và cho anh ẩn núp, thị kiến cho mưa bão tối đen xóa hết dấu vết để đoàn quân công an, bộ đội đi lùng sục khắp thành phố, họ dùng nhiều đàn chó thám thính mà không ngửi thấy dấu vết của người tù trốn trại. Chúa tiếp tục giúp anh qua phi trường Bắc Kinh, phi trường Frankfurt với hộ chiếu của người khác mà không bị bắt lại và trả về nhà tù. Cho tới hôm nay, tài liệu điều tra về cuộc vượt ngục của chính quyền Cộng Sản đã kết luận, “đương sự vượt ngục mà không có sự đồng lõa của người trong trại giam”.                             

Vượt thoát khỏi Trung Quốc năm 1997, đang cư ngụ ở nước Đức, cho đến ngày hôm nay, Anh Yun đang tiếp tục đi khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ để làm chứng cho Chúa, trên mạng Youtube có ghi lại các buổi làm chứng ở các nhà thờ.

Cuốn tự truyện “Người của Thiên Đàng – The Heavenly Man” của anh Yun và Paul Hattaway phát hành ở nước Anh vào năm 2002, tiếp tục được in lại nhiều lần, được các nhà xuất bản Âu, Á phiên dịch, phát hành với gần 50 ngôn ngữ trong đó có cả tiếng Mông Cổ, Mã lai, Thái và tiếng Việt. Sách đã được bán ra trên một triệu cuốn, được độc giả khắp thế giới tìm đọc, Bạn có thể tìm mua bản Anh ngữ ở mạng Amazon, để biết thêm về các điều kỳ diệu khác Chúa đã làm trên cuộc đời của anh Yun kể cả cuộc tuyệt thực nhịn ăn uống kéo dài 72 ngày trong tù mà không chết, thông thường thân thể con người chỉ cần nhịn uống nước uống ba, bốn ngày là sinh lực kiệt quệ, ngưng thở. https://www.amazon.com/Heavenly-Man-Remarkable-Chinese-Christian/dp/082546207X

        Vâng, Người đã thử thách chúng tôi, lạy Chúa.

      Người thí luyện chúng tôi như bạc luyện lò,

      Người đã xô chúng tôi sa tròng sa lưới, để cho lận đận thúc luôn bên sườn.

            Người để đứa phàm nhân cỡi ngựa đi trên đầu chúng tôi,

           chúng tôi phải ngang qua lửa cùng nước.

      Nhưng rồi Người lại cho qua khỏi, thở ra khoan khoái

      Tôi sẽ tiến vào nhà Người với lễ toàn thiêu,

      với Người, tôi sẽ trọn lời khấn dâng… (Thánh Vịnh 66: 10-13)

Kết: Cám ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội các nhà truyền giáo thời đại với đức tin mạnh mẽ, hy sinh không tiếc mạng sống, có phong cách độc đáo như ở Trung Quốc. 

Xin Chúa thương đến các con cái Chúa ở các nước chìm đắm trong chủ nghĩa Cộng Sản  

Con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện

Con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện

Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo Hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng Đức Tin trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học.

Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris  Đứng cuối Nhà Thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère.

Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.

Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi: “Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?”

Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ: “Thưa Thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép Thầy cho con hỏi một vấn đề liên quan đến Đức Tin!”

Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn: “Anh lầm rồi, Đức Tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm?”

Chàng sinh viên liền hỏi: “Thưa Thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?” Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:

“Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!”

&   &   &

Louis Pasteur – Nhà bác học thiên tài – Một tâm hồn khiêm tốn và cầu nguyện

Trên tuyến xe lửa đi về Paris, có một thanh niên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội.

Sau một hồi lâu, xem chừng không thể chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng: “Thưa Ông, Ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à?”

Cụ già thản nhiên trả lời: “Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?” Người thanh niên xấc xược trả lời: “Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi Ông sẽ thấy rằng những gì Ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.”

Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên: “Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không?” Người sinh viên nhanh nhẩu trả lời: “Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi sách vở đến cho ông, rồi ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.”
 
Cụ già từ từ rút ra trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi: Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris

From: ngocnga_12 & NguyenNThu