KHÔNG NGỜ

KHÔNG NGỜ

 Sơn Tây, ngày 18-10-1990

           

Sáng nay mình đến Tuy Lộc dâng thánh lễ đồng tế với cha xứ nhân ngày bổn mạng họ đạo.  Nhà thờ nhỏ xíu, không có phòng thánh.  Áo lễ dọn ngay trên bàn thờ.  Mình đang mặc áo, thì cha xứ ghé tai nói nhỏ:

–          Piô giảng nhá.

–          … Dạ.

            Miệng thì dạ, mà lòng thì băn khoăn: có nên giảng ở đây không?  Điều gì nên nói, điều gì nên suy gẫm một mình?  Nội dung bài Tin Mừng hôm nay là “Lên đường truyền giáo.”  Mình không dám nói chuyện truyền giáo hôm nay, nên chỉ duyệt lại một khúc truyền giáo hôm qua: Vấn đề thờ cúng tổ tiên.

Dẹp bàn thờ ông bà là một sai lầm có tầm mức chiến lược, nhưng là một sai lầm gần như không thể tránh được.  Lý do:

            1- Lúc ấy hai nền văn hóa Đông Tây mới gặp nhau, không thể hiểu được nhau.  Bà Pearl Buck minh chứng điều đó bằng câu chuyện sau đây.

 Có một ông Tây vào một nhà hàng ở Thượng Hải để “ăn cơm Tàu” sau khi đã được “ở nhà Tây.”  Ông Tây đang ăn ngon miệng, thì bỗng khựng lại, lợm giọng…  Ở bàn kế bên, một thực khách Tàu lâu lâu lại nhổ nước bọt xuống sàn gạch hoa.  Cầm lòng không được, ông Tây bèn lên lớp:

–          Người Tàu dơ dáy quá!  Nhổ nước bọt xuống đất là bất lịch sự, là làm mất vệ sinh chung.

–          Nước bọt bẩn, nên người Tàu phải nhổ xuống đất.  Như thế là đúng.  Còn người da trắng các ông lại nhổ nước bọt vào trong khăn, gói lại, rồi cất trong túi quần!  Như thế mới mất vệ sinh…

Các vị thừa sai thời ấy không thể hiểu nổi danh từ ĐẠO và động từ THỜ trong tiếng Việt Nam.  ĐẠO đối với họ chỉ có một nghĩa là TÔN GIÁO.  Động từ THỜ họ chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi.  Còn trong tiếng Việt Nam thì ĐẠO vừa có nghĩa là TÔN GIÁO, vừa có nghĩa là cách đối xử: Đạo vua-tôi, đạo cha-con, đạo vợ-chồng, đạo bằng-hữu…  Động từ THỜ trong tiếng Việt Nam vừa có nghĩa là tôn kính Thượng Đế và Thần Thánh, vừa có nghĩa là trung thành, chung thủy, hiếu thảo… Dân trung thành với vua, vợ chung thủy với chồng, con hiếu thảo với cha mẹ, đều có thể dùng một động từ THỜ.         Ông Phan Văn Trị đã nhắc nhở Tôn Thọ Tường như sau:

“Anh hỡi, Tôn Quyền, anh có biết:

Tôi ngay THỜ chúa, gái THỜ chồng?”

            Đạo Công giáo là đạo độc thần, nên các vị thừa sai không thể cho thờ ông bà được.  “Chỉ thờ một mình Chúa mà thôi” (Lc 4,8; Đnl 6,13).  Các vị thừa sai lầm là thế, mà đúng cũng là thế.

2- Thời ấy người ta tin ông bà về ăn đồ cúng của con cái.  Niềm tin này được thể hiện rõ rệt trong ngày “xá tội vong nhân.”  Có những bà đạo đức nấu một nồi cháo lớn, cho hai đầy tớ khiêng.  Còn bà thì đi theo, múc từng muỗng cháo đổ vào lá mít để hai bên đường.  Đó là phần bố thí bà dành cho những linh hồn mồ côi.

            Niềm tin này không phù hợp với giáo lý Công giáo, nên người theo đạo Chúa không được cúng cơm cho người quá cố.

Từ đó sinh ra biết bao hiểu lầm giữa người đạo và người lương.  Người lương trách người đạo là bất hiếu.  Còn người đạo thì không những không bất hiếu mà còn nhờ cả Giáo hội báo hiếu hộ mình bằng cách xin họ đạo dâng lễ cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ…  Lúc ấy cấm cúng giỗ là đúng.

Ngày nay các Giám mục Việt Nam đã điều chỉnh lại toàn bộ việc thờ cúng ông bà.  Thờ cúng ông bà là văn hóa dân tộc và người tín hữu được tích cực tham gia mọi nghi lễ thờ cúng ông bà…

            Bài giảng của mình làm mọi người chưng hửng, ngơ ngác…  Mình ở lại ăn cơm với họ đạo.  Cha xứ không nói gì về bài giảng.

            Giáo dân cũng chẳng phát biểu gì.  Bài giảng rơi tõm xuống sông…

——————————————————————————–

 Sơn Tây, ngày 26-10-1990 .

Mình đang sửa soạn đi ăn cơm, thì bà phước ghé tai, nói nhỏ:

–          Cha có khách.

–          Ai thế?

–          Bốn ông… ở Tuy Lộc

–          Chết cha tôi rồi.  Chắc là có vấn đề.  Chị có đoán được là họ muốn gì không?

–          Con không biết.  Họ nói là họ muốn trao đổi với cha về bài giảng của cha đấy.

–          Bài giảng của tôi hiền khô à!  Chuyện một trăm năm về trước ấy mà.

–          Cha ra đi!  Con bưng nước ra sau.

            Mình đi thật chậm, và muốn có một không gian vô tận, để đi mãi mà không tới…

–          Chào linh mục.

–          Chào các ông.  Bài giảng của linh mục được thu băng, phổ biến khắp xã.  Chúng tôi không đi lễ, mà cũng được nghe.

–          Các ông thấy có vấn đề gì không?  Ai thu băng thì tôi không hề hay biết.  Nếu tôi biết thì tôi không cho thu băng.

–          Bài giảng của linh mục có rất nhiều vấn đề mà từ xưa đến nay chúng tôi chưa được biết.

–          Quý ông có thể cho tôi biết những vấn đề đó không?  Tôi chỉ chân thành nhắc lại những chuyện hiểu lầm giữa lương và giáo trong quá khứ mà nay thì không còn nữa.  Lương giáo đã hiểu nhau nhiều, mà cũng thương nhau nhiều rồi.

–          Chắc linh mục có băn khoăn về việc chúng tôi đến thăm linh mục hôm nay.  Tôi xin nói ngay để linh mục an tâm.  Nhờ bài giảng của linh mục, chúng tôi mới hiểu tại sao người Công giáo không thờ cúng tổ tiên.  Bây giờ hiểu rồi, chúng tôi đến đây để xin… học đạo.

–          Nghĩa là các ông muốn theo đạo Chúa?

–          Nếu đạo Công giáo cho thờ cúng ông bà, thì không có gì thắc mắc nữa.

–          Rất tiếc tôi sắp về rồi.  Nhưng không sao, tầm đạo với ai mà chả được…

Giã từ bốn ông, lòng thương mến vô vàn.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

 trích “Nhật ký Truyền Giáo”

From Langthangchieutim

Vẫn bị cám dỗ về tính chóng giận, chậm nghe

Vẫn bị cám dỗ về tính chóng giận, chậm nghe

“Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con. Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm, quá cao vời, con chẳng sao vươn tới. Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.  Dù chắp cánh bay từ hừng đông xuất hiện. Đến ở nơi chân trời góc biển phương tây.  Tại đó cũng tay Ngài dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con”. (Tv139, 5 – 10)

Năm học lớp đệ thất trường Nữ ở Dalat, lũ bạn cùng lớp chúng tôi có giờ nghỉ, bèn rủ nhau đi vào rừng Cam Ly hái trái muỗm (trái xoài rừng, nhỏ nhỏ xinh xinh bằng ba ngón tay em bé, chấm muối ớt ăn cay cay chua chua ngon tuyệt vời).

Ham chơi quá đến khi trở về thì nước trên giòng thác Camly đổ xuống cuồn cuộn. Cả lũ con gái sợ quá, đứa nào cũng nhanh chân lội qua suối bằng cách bước thật nhanh trên những thân cây thông to, người ta bắc ngang dòng nước làm cầu.

Vì vội vàng, tôi bị trợt chân, ngã xuống giòng nước đang cuồn cuộn kéo đi một đỗi vài thước, mấy cô bạn sợ xanh mặt la lối quá chừng…

May thay  tại đó cũng tay Ngài dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con, đẩy tôi đến một cây thông khác to bự, to lắm nằm vắt vẻo chắn ngang giòng nước. Một bạn người Thái Trắng đã cùng với tất cả lũ  quỷ sứ (thứ ba học trò), nắm tay nhau cho cô bạn Thái này lội xuống kéo con nhỏ ú ù này lên.

Trời xụp tối, đứa nào cũng ba chân bốn cẳng chạy nhanh về nhà.  Cả đám chúng tôi đứa nào đứa nấy, từ đầu đến chân ướt sũng. Chiếc quần đen của tôi bị rách toang một ống quần, hai tà áo dài, chúng tôi quấn quanh bụng cũng bị rách tung.

Về đến nhà bị bố la cho một trận tơi bời.  Cụ không đánh là may lắm. Chắc tại cụ nhìn con gái thảm thương quá nên không nỡ, vì cụ biết con nhỏ hay phá nghịch như con trai, chắc nó lại té suối té sông gì đây…

Lạy Chúa, tư tưởng Ngài khó hiểu biết bao, tính chung lại, ôi nhiều vô kể.

Lần đi hành hương Israel năm 1993, xe bus chở phái đoàn 50 người và 2 linh mục, một Việt Nam, một người Đức hướng dẫn, bị lật trên đường vào thành phố, người bị thương nặng nhất lại là hai vợ chồng tôi, tôi bị bể một bên đầu, bất tỉnh lâu giờ, khi tỉnh dậy thấy mình nằm trên giường bệnh của những thương binh.

Đây là bệnh viện quân đội của Israel. Mở mắt ra thì cặp mắt hư mất rồi, tôi nhìn mọi vật, mọi người như người bị loạn thị. Hai người ngồi hai bên cạnh giường, nắm hai tay tôi là Sr. Teresa Quy, Dòng Tiểu Muội sống và làm việc phục vụ người nghèo khổ ở tại Jerusalem đã mấy chục năm, và chàng của tôi, anh cũng bị gãy ba xương sườn nhưng không có giường để nằm, vì bệnh viện đang nhập nhiều thương binh.

Mùa đông năm 1998 tôi bị tai nạn té gãy xương sống, sau khi mổ và nối xương bằng những tấm Metal không rỉ sét với những cây đinh dài đến 10cm,(ông bác sĩ thật trẻ cho tôi giữ lại làm „kỹ nghệ“) tôi phải nằm nhà thương cả gần 8 tháng trời, mà vẫn được Ngài bao bọc con cả trước lẫn sau, bàn tay Ngài, Ngài đặt lên con, cánh tay Ngài hùng mạnh giữ lấy con.

Những gì xảy đến cho con là kế hoạch của Ngài trên tâm linh và thể xác của con. Những người trần như chúng con không làm sao hiểu nổi, vì tất cả là mầu nhiệm. Chúng con chỉ biết Ngài yêu chúng con vô vàn, và chúng con được Ngài mời gọi, hãy hưởng nếm êm ái hạnh phúc bình an trong tay Ngài.

 “Lạy Chúa, ươc chi Ngài tiêu diệt kẻ gian tà, ước gì bọn khát máu đi cho khuất mắt con! Chúng nói về Ngài với chủ tâm phỉnh gạt, nổi dậy chống Ngài nhưng chỉ uổng công. Lạy Chúa, kẻ ghét Ngài làm sao con không ghét. Làm sao con không tởm kẻ đứng lên chống Ngài. Con ghét chúng, ghét cay ghét đắng, chúng trở thành thù địch của chính con”. (Tv 139, 19 – 22)

 “ước chi Ngài tiêu diệt kẻ gian tà… bọn khát máu”

Đây chính là thần dữ và ngẫu tượng mà chúng con mong Ngài diệt hết chúng đi. Nó  chính là những kẻ đưa ra những cám dỗ ngọt ngào mà chúng con thường bị mắc bẫy, bị lôi cuốn chạy theo.

Hơn 10 năm nay con đã hứa từ bỏ dần dần mọi thứ để khi về với Ngài cho nhẹ nhàng thênh thang tâm hồn, nên con đã từ từ dần dần rũ bỏ được những tham lam, những se sua, những kiêu căng, tự mãn, háo danh, ganh tị, nói dối để khoe mình…

Ngài ghét chúng, chúng con ghét chúng… Con cảm nghiệm được Chúa ở trong con khi con ghét sự dối trá, ghét sự hợm hĩnh, sự ham tiền, sự khoe khoang v.v…

Nhưng con vẫn bị cám dỗ về cái tính hay bẳn gắt, hay trực tính, chóng giận, chậm nghe v.v… nhất là khi con đối diện với những người giả dối như vậy. 

Chúa cũng  huyết chí chi nộ bất năng hữu, nghĩa lý chi nô bất năng vô. (giận vì nóng không nên có, giận vì nghĩa lý không nên không) khi Chúa lấy giây thừng chấp ba mà đánh đuổi chiên bò và quân buôn bán trong nơi thờ phượng Chúa Cha. Nhưng Chúa giận có nghĩa lý còn con chỉ nóng giận khi không bình tâm bình tĩnh chi cả. Xin Chúa giúp con biết học cùng Chúa trong phản ứng này.

Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con, xin thử cho con biết những điều con cảm nghĩ. Xin Ngài xem con có lạc đường gian ác thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời. (Tv 139, 23 – 24)

Chúa ơi, con đã để cho Chúa yêu con khi con tâm sự với Chúa chứ không nhìn vào những thiếu sót bất toàn của con, qua ân sủng tình yêu Chúa, con nhận biết Chúa Thánh Thể đang hiện diện trong con và con rất hạnh phúc!

Nhìn lại giờ cầu nguyện

Suy niệm đoạn TV này, con cảm nhận được niềm vui khôn tả vì trải qua 74 năm sống, từ khi lọt lòng mẹ, bao nhiêu ngày sống ở thế gian đươc Ngài thấu suốt, gìn giữ, chăm sóc thật chu đáo. Mà cho đến nay, hơn 25 năm gặp được Chúa, con mới nhận ra.

Tạ ơn Chúa Thánh Thần ban cho trái tim con một niềm vui sâu xa, bình an lắng dịu trong tâm hồn.

Khi cầu nguyện với Thánh Vịnh, con đặt mình là tác giả TV nên chínhcon hiện diện với Chúa và Chúa hiện diện với con.

Cầu nguyện thật thông suốt và đầy hy vọng.  Cám ơn Chúa yêu dấu của con. Amen.                                    

Elisabeth Nguyễn

Nguồn  https://tramtubensuoi.blogspot.com/2018/10/van-bi-cam-do-ve-tinh-chong-gian-cham.html

Nhà Truyền Giáo sống trong tù, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận.

CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO THỜI ĐẠI (Phần ba)

 Tác giả: Phan Sinh Trần

Nhà Truyền Giáo sống trong tù, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận.

Năm 1975, đang khi Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận trẻ trung ở tuổi bốn mươi bẩy, với sự hiểu biết uyên bác, thông thạo bẩy ngoại ngữ bao gồm tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Hoa, Ý, Latin, ngài lại giàu kinh nghiệm tổ chức, điều hành hội thánh. Đang khi ngài sẵn sàng để chăn dắt tổng giáo phận Sài Gòn thì Chúa gởi ngài vào chốn ngục tù, để làm một nhà truyền giáo sống trong lao xá. Ngày 15 tháng 8 năm 1975, Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, Ngài đã bị bắt giải ra Nha Trang, tạm thời bị cầm giữ ở nhà xứ Cây Vông. Trong năm tù thứ nhất, Ngài đã viết cuốn “Đường hy vọng”. Cuốn sách này được Ngài coi là di chúc tinh thần gửi tới mọi người công giáo Việt Nam trong và ngoài nước giúp họ chọn lựa Chúa trong muôn thử thách và học cách bước đi theo Chúa qua kinh nghiệm từ chính những gì Ngài đang trải qua trong chốn lao tù. “Đường Hy Vọng” là phương cách phúc âm hóa độc đáo từ nhà tù. Đức Cha kể:

– Trong làng Cây Vông, nơi tôi bị quản thúc, ngày đêm có nhân viên an ninh chìm nổi theo dõi. Trong óc một tư tưởng không ngừng làm tôi xót xa, thao thức: “Giáo dân của tôi! một đoàn chiên hoang mang, giữa bao hiểm nguy, thách đố của một giai đoạn  lịch sử mới. Làm sao tôi có thể gần gủi, liên lạc với họ, trong giai đoạn họ cần đến người mục tử nhất! Các nhà sách Công giáo bị đóng cửa, trường học Công giáo do Nhà nước quản lý, tôn giáo sẽ không còn được dạy dỗ trong các trường nữa; các linh mục, sư huynh, nữ tu có khả năng phải đi ra thôn quê, đi nông trường lao động, không được dạy học nữa! Sự xa lìa giáo dân là một cú “sốc” giày vò tan nát quả tim tôi.

  • Tôi không đợi chờ. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương. Nhưng làm thế nào?
  • Một đêm, một tia sáng đến với tôi: “Con hãy bắt chước thánh Phaolô. Khi ngài ở tù,

không hoạt động tông đồ được, ngài đã viết thư cho các giáo đoàn. Đơn giản vậy mà con đi tìm đâu cho xa?”

Chúa đã ban ơn cho tôi có nghị lực để tiếp tục làm việc, kể cả những lúc chán nản nhất. Tôi đã viết đêm ngày trong một tháng rưỡi, vì tôi sẽ bị “chuyển trại” và không có điều kiện hoàn tất được. Lúc viết đến số 1001 tôi quyết dừng lại, xem đây như công trình “nghìn lẻ một đêm”.

Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại (Mt 6, 34; Gc 4, 13-15).

Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. (Đường Hy Vọng, trang 997). 

Ngày nay sách “Đường Hy Vọng” được dịch ra nhiều thứ tiếng và phát hành bởi các nhà xuất bản khắp Âu Á.

Thời gian tiếp theo, cuộc điều tra của tổng cục an ninh, Bộ Công An gia tăng cường độ và việc đánh giá tội danh của chính quyền trung ương Cộng Sản Việt Nam nâng lên mức nghiêm trọng nặng nề, Đức Cha gặp nhiều khó khăn, bị liên tục tra khảo nhiều ngày đêm và bị hành khổ cho kiệt sức đến mức ngài cảm thấy mình đang bị chết dần mòn trong từng bộ phận của cơ thể, Đức Cha kể:

– Ngày 8-12-1975, tôi bị đưa vào trại Phú Khánh, biệt giam vất vả nhất. Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua 3 lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài. Dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh, ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra. 

Cán bộ điều tra của Bộ Công An Cộng Sản trừng phạt Ngài bằng cách để cho bị cô lập hoàn toàn trong bóng tối, thinh lặng triền miên, sự trừng trị kéo dài nhiều tháng trường, làm cho Ngài không còn ý thức được thời gian đang diễn ra thuộc về ban ngày hay đêm, cán bộ điều  tra ác độc đến mức họ không cho người tù ngay cả không khí để thở, thiếu không khí thở thì  tình trạng hôn mê diễn ra làm cho Ngài không còn thấy đói cũng như không buồn ngủ. Ngài  thường nôn oẹ và chóng mặt triền miên, và toàn thân đau đớn… Tâm trí ngài trống rỗng với cảm tưởng thời gian đang kéo dài ra đến bất tận. Khi nầy, trí nhớ bác học của ngài bắt đầu lung lay, cho đến nỗi ngài không thể nhớ một kinh Lậy Cha, kinh Kính Mừng để đọc. Ngài đã  ở trước ngưỡng cửa của bệnh điên dại. (ĐHV tr. 228). Trong nhiều tuần lễ nối tiếp nhau, sự u ám thinh lặng bao vây toàn diện đã làm cho tâm trí ngài khiếp sợ, bị thiếu vắng mọi dấu hiệu hiện diện của con người ở chung quanh, trong màn đen bao trùm, ngài hết sức ao ước nghe được các tiếng động, bất cứ tiếng động gì vì ngài có cảm tưởng là mình không thuộc thế giới của kẻ sống nữa… Trong các điều kiện khiếp đảm như thế, người tôi tớ Chúa chợt hiểu ra rằng sinh mạng mình có ra sao thì linh hồn mang hy vọng nơi Đấng toàn năng đầy yêu thương sẽ không bao giờ tắt và ngài có thể dâng tất cả đau đớn thống khổ cho Chúa vì yêu mến Người. Thế nên phòng giam của ngài dần dần trở nên một nơi có thể ở được, đau đớn nhường bước cho niềm vui và thống khổ trở thành nguồn suối hy vọng. 

o Nhưng trong cơn cơ cực này, Chúa đã cứu tôi! Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa: Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác”

o Ánh sáng ấy sẽ đem lại cho tôi niềm an bình mới, làm thay đổi hoàn toàncách suy tư của tôi và đã giúp tôi vượt thắng những khoảnh khắc hầu như không thể chịu nổi về phương diện thể lý. Từ đó, một sự an lành tràn ngập tâm hồn tôi trong suốt 13 năm tù đày…

Nhà Truyền Giáo cho Tù Cải Tạo, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận.

Ngày 1.12.1976, ngài cùng nhiều tù nhân chính trị khác đang bị giam ở miền Nam, được đưa xuống tàu Trường Xuân đi ra Bắc. Khi ra đi, vì không có gì để đựng các đồ tùy thân,  ngài phải lấy cái quần cột hai ống lại và dồn đồ vào trong rồi mang đi. Chúng ta hãy nghe chính ngài kể lại các diễn biến này:

– Ngày mồng 1 tháng 12 năm 1976, lúc 9 giờ tối, bất thình lình tôi bị gọi cùng với vài tù nhân khác. Chúng tôi bị xích người này với người kia từng hai người một và được đẩy lên một xe cam nhông. Cuộc hành trình ngắn đưa chúng tôi tới Tân Cảng, là hải cảng quân sự mới do người Mỹ mở mấy năm trước đó. Chúng tôi trông thấy một con tàu trước mặt, hoàn toàn chìm trong bóng tối để dân chúng khỏi để ý. Chúng tôi bị đưa lên tàu đi ra Bắc – một cuộc hải hành dài 1.700 cây số…

– Cùng với các tù nhân khác, tôi bị đem xuống hầm tàu, nơi chứa than. Chỉ có một ngọn đèn nhỏ leo lét cháy. Còn lại là hoàn toàn tối om. Chúng tôi tất cả là 1.500 người,  trong tình cảnh không thể tả được. Một cơn bão nổi dậy trong tâm trí tôi. … từ giờ phút  này trở đi không biết tôi sẽ phiêu bạt tới chân trời góc bể nào. Tôi suy niệm lời thánh Phaolô nói:

“Tôi đi Giêrusalem mà không biết điều gì sẽ xẩy ra cho tôi ở đó. Tôi chỉ biết rằng Chúa

Thánh Thần khuyến cáo tôi rằng tại mọi thành tôi tới, xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi.” (Cv 20:22-23). Tôi đã sống trong lo âu suốt đêm hôm ấy.

Trong lúc Miền Nam nước Việt đang tan tác, con dân bị đày ải thì Đấng quyền năng hay thương xót đã có sự an ủi nào cho đoàn tù nhân mang trọng tội với chính quyền Cộng Sản?

Chúa đã an bài cho Đức Cha Thuận bị áp giải chung trong hầm tầu u ám, đen ngòm để làm mục vụ cho một đoàn bao gồm các tù nhân trong số bị chính quyền cách mạng Cộng Sản  kết trọng tội, xếp họ vào hạng ác ôn nhất, ngay lập tức Ngài đem đến hy vọng cho nhiều tù nhân đang bị áp tải trên tàu nhất là cứu được một người đang treo cổ tự tử bằng dây thép,

Đức Cha kể lại:

– Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi những gương mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân khác. Bầu khí sầu thảm như đám tang. Một trong các tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi

dây thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh. Sau cùng anh lắng

nghe lời tôi. Cách đây hai năm, trong một cuộc họp liên tôn tại California, tôi đã gặp

lại anh. Mặt mừng rỡ, anh tiến tới gặp tôi và cám ơn tôi. Anh đã cho mọi người xem

các vết thẹo còn hằn trên cổ.

– Trong cuộc hành trình, khi các tù nhân biết có Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, họ đến với tôi để kể lể các nỗi lo âu của họ. Tôi đã chia sẻ các đau khổ của họ và an ủi họ hàng giờ và suốt cả ngày. Trong ba ngày trên tàu, tôi an ủi các tù nhân khác và tôi suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đêm thứ hai, giữa cái lạnh của Thái Bình Dương trong tháng 12, tôi bắt đầu hiểu rằng ơn gọi của tôi bắt đầu một giai đoạn mới. Trong giáo phận, tôi đã đưa ra các sáng kiến khác nhau cho công tác rao truyền Tin Mừng cho người bên lương. Giờ đây phải cùng Chúa Giêsu đi về nguồn gốc của việc loan báo Tin Mừng. Phải cùng Ngài đi chết “bên ngoài tường thành”, “bên ngoài tường thánh.”

Ông Nguyễn Thanh Giàu, người bị giam chung cùng khoang với ngài trên tàu Trường Xuân, đã tóm lược lại những gì xẩy ra trong khoang tàu của ngài như sau: 

– Suốt mấy ngày ngồi dưới sàn tàu chở than dơ bẩn, lại thêm mấy thùng chứa phân, chứa nước tiểu bị tràn ra ngoài, mọi người như ngồi trên hầm phân. Đức Cha Thuận một lần nữa lại an ủi anh em, cố gắng giữ vững tinh thần, nếu để tinh thần sa sút bị bịnh lúc nầy thì rất là khổ…

   Sau đó, Đức Giám Mục Thuận bị đưa ra trại Vĩnh Quang, khu rừng núi Vĩnh Dao tỉnh Vĩnh Phú. Ông Giàu có dịp cùng ở tù chung trại đã cho rằng nhờ sự an hòa giữa hoàn cảnh tù tội của nhà Truyền Giáo Nguyễn Văn Thuận, nó đã có ảnh hưởng gắn bó và nâng đỡ với hầu hết các tù nhân lương giáo, ông kể:

– Có một điểm rất đặc biệt, khi cán bộ trại giam bắt tất cả tù nhân lên hội trường, là một gian nhà trống giữa sân trại, để làm bản tự khai… Sau vài giờ viết tự khai, họ cho nghỉ giải lao, người thì đi uống nước, đi vệ sinh, hút thuốc, nhưng phần đông thì  bu quanh Ông Già để nghe Ông nói chuyện. Một cách rất trung thực mà nói, lúc bây giờ bu quanh Đức Cha Thuận không phải chỉ có giáo dân mà trong đó có đủ thành phần tín đồ các tôn giáo khác như Phật Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo. Riêng tôi, là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, lúc bấy giờ tôi không nhìn Đức Cha Thuận là Một Đức TGM Công Giáo mà nhìn Ngài là MỘT BẬC CHÂN TU, MỘT NHÀ TU HÀNH ĐÁNG KÍNH

Trong trại tù, ngài vẫn cử hành Thánh Lễ cho chính mình và cho những tù nhân khác. Những người đến thăm ngài tại trại cải tạo đã lén chuyển rượu lễ và bánh lễ cho ngài, ngụy trang bằng chai thuốc trị đau bao tử:

– Mỗi ngày tôi dùng ba giọt rượu và một giọt nước đổ vào lòng bàn tay để cử hành Thánh Lễ. Những người tù được chia làm 50 người. Chúng tôi ngủ chung trên một cái giường thật dài, mỗi người được 50 centimet. Mỗi đêm, chúng tôi thu xếp có 5 người công giáo nằm cạnh tôi. Đến 9.30 là giờ ngủ, trong bóng tối, tôi cúi mình trên giường để dâng Thánh Lễ thuộc lòng và phân phát Thánh Thể cho nhau bằng cách luồn tay dưới các tấm màn chống muỗi. Chúng tôi dùng bao thuốc lá để cất giữ Mình Thánh và đem cho người khác, riêng tôi luôn giữ Mình Thánh Chúa trong túi.

Thánh thể trở thành giây phút trung tâm của ngày sống ngài, ở đó, ngài có thể múc lấy năng lực cần thiết để củng cố đức tin mình và để làm cho mình được tràn ngập hy vọng. Hai tháng sau, ngài lại phải bị chuyển sang trại Thanh Liệt ở ngoại ô Hà Nội, ở đó, ngài bị giam chung phòng với một đại tá thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Ông này là một gián điệp có phận sự tường trình mọi cử chỉ và lời nói của Đức Cha Thuận. Nhưng dần dà, sự hiền hòa, chân thực và uyên bác của Ngài đã làm cho người bạn chung phòng này thay đổi và trở thành bạn hữu của ngài đến đỗi ông ta đã khuyên ngài một điều khôn ngoan lớn đó là cậy nhờ Đức Mẹ La Vang. Ngài kể:

– Ông Hải đã từng ở tù, nằm cùng buồng với tôi để mật thám tôi, sau đã thành bạn của tôi. Trước ngày ông ta ra về, ông đã hứa với tôi:

Nhà tôi ở Long Hưng, chỉ cách La Vang 3 km, tôi sẽ đi La Vang cầu nguyện cho anh”.

Tôi tin lòng thành thật của anh bạn, nhưng tôi hoài nghi làm sao một người cộng sản

mà đi cầu nguyện Ðức Mẹ cho tôi! Sáu năm sau, đang lúc tôi ở biệt giam, tôi đã được

một bức thư của ông Hải, lạ lùng thật! Lạ hơn nữa là lời lẽ của ông “Anh Thuận thân mến, tôi đã hứa với anh, tôi sẽ đi cầu nguyện Ðức Mẹ La Vang cho anh. Mỗi Chủ nhật, nếu trời không mưa, lúc nghe chuông La Vang, tôi lấy xe đạp vào trước đài Ðức Mẹ, vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện thế này: Thưa Ðức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa sẽ đi cầu nguyện Ðức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây. Xin Ðức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy”.

Tôi hết sức cảm động. Tôi đọc đi đọc lại rồi đặt thư xuống nhắm mắt lại: “Lạy Mẹ, Mẹ

đã dùng anh cộng sản này để dạy con cầu nguyện; chắc Mẹ đã nhậm lời anh ấy, con  mới còn sống đây!”

Sau 15 tháng sống trong trại Thanh Liệt ngoại ô Hà Nội, và nhờ các áp lực quốc tế bênh vực ngài, ngày 13.5.1978, ngài được chở xe đến một ngôi làng cách Hà Nội 20 cây số, làng Giang Xá, bị bắt buộc cư trú tại nhà xứ của giáo xứ, do một lính canh gác ngày đêm, và được phép lui tới và đi dạo, với điều kiện là không thông hiệp với bất cứ ai đang sống quanh đó, và những người nầy cũng có phận sự xem chừng đến ngài. Ngài kể:

– Năm 1980, lúc bị đưa ra quản thúc ở Giang Xá, Bắc Việt, tôi đã tiếp tục viết mỗi đêm trong bí mật cuốn thứ hai, “Đường Hy Vọng Dưới Anh Sáng Lời Chúa và Công Đồng Vatican II”, cuốn thứ ba, “Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng”. Tôi không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy yêu thương. Làm sao yêu thương đến cao độ như thế trong mỗi phút hiện tại? Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi.

 Nhà Truyền Giáo cho Cai Tù, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận.

 Chúa Thánh Thần sẽ làm cách nào để giúp cho Đức Giám Mục  Nguyễn Văn Thuận kết bạn với các cai tù nghiêm khắc đang theo chủ nghĩa vô thần.

Chúa có sự dạy dỗ trực tiếp nào cho Ngài?

Chúa có ban sức mạnh tinh thần, Chúa có đổ trong tim ngài một tình yêu chân thành vô điều kiện để có thể làm bạn với cai ngục, những người quen hành hạ tù chính trị bằng nhục hình hoặc các biện pháp tâm lý ác hiểm không?

Làm sao có được một thứ quan hệ “bạn hữu” giữa Tù nhân và Cai Ngục, điều mong muốn gần như bất khả thi vì đã có nhiều người cố gắng mà không thể cảm thông được. Đức Cha kể:

–          Ở trại giam Phú Khánh, một đêm tôi đau quá, thấy một người gác đi qua, tôi kêu: “Tôi đau quá, xin anh thương tình cho tôi thuốc!” Anh ta đáp: “Ở đây chẳng có thương yêu gì cả, chỉ có trách nhiệm”. Ðó là bầu khí chúng tôi ở trong tù.

Tôi phải làm thế nào? 

Một đêm đông lạnh quá, không ngủ được, tôi nghe một tiếng nhắc nhủ tôi: “Tại sao con dại thế? Con còn giàu lắm: Con mang tình thương Chúa Giêsu trong tim con. Hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu con”.  Sáng hôm sau, tôi bắt đầu mến họ, yêu mến Chúa Giêsu trong họ, tươi cười với họ, trao đổi đôi ba câu nói…

Đức Cha Thuận không hề nản chí dù bị cai tù xa lánh và khinh mạn, “phạm nhân” Thuận có tình yêu dồi dài, phong phú và tha thiết của Chúa Giê Su cho “anh em cai tù” của mình. Ngài tiếp tục lân la trò chuyện, khơi gợi sự tò mò của cai ngục:

–         Lúc tôi bị biệt giam, trước tiên người ta trao cho năm người gác tôi: đêm ngày có hai anh trực. Cứ hai tuần đổi một tổ mới, để khỏi bị tôi làm nhiễm độc. Một thời gian sau không thay nữa, vì “cấp trên” nói: “Nếu cứ thay riết thì sở công an bị nhiễm độc hết!”

 Thực thế, để tránh nhiễm độc, mấy anh không nói với tôi, họ chỉ trả lời “có” hoặc “không”. Họ tránh nói chuyện với tôi. Buồn quá! Tôi muốn lịch sự vui vẻ với họ, họ vẫn lạnh lùng. Phải chăng họ ghét “cái mác phản động” nơi tôi: Tất cả áo quần đều đóng dấu hai chữ lớn “cải tạo”, kể từ ngày bước chân vào trại Vĩnh Quang ở Bắc Việt…          

–          Tôi thuật lại những chuyến đi ra nước ngoài, cuộc sống, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, tự do dân chủ ở Canada, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Pháp, Ðức, Úc, Áo, v.v… Những câu chuyện đó kích thích tính tò mò của họ, giục họ đặt nhiều câu hỏi. Tôi luôn luôn trả lời… Dần dần chúng tôi trở thành bạn. Họ muốn học sinh ngữ Anh, Pháp… tôi giúp họ. Từ từ mấy chiến sĩ gác tôi trở thành học trò của tôi! Bầu khí nhà giam đổi nhiều, quan hệ giữa họ với tôi tốt đẹp hơn. Thậm chí cả những ông xếp công an, thấy tôi đối xử chân thành, không những họ xin tôi giúp các chiến sĩ học hành ngoại ngữ, nhưng họ còn gửi anh khác đến học.

Tôi sống theo lời Chúa Giêsu dạy:

 “Ðiều gì con làm cho một người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính mình Ta”.

Tình hình trong trại cải tạo có sự cải thiện rõ nét, các lính gác đối xử với ngài khác trước, họ có thái độ tốt hơn. Có lần, ngài xin phép một người lính giúp ngài một nguyện vọng và sau khi anh ta hỏi lại để biết chắc ngài không phải có ý muốn tự tử, anh ta đã lén lút đưa cho ngài sợi giây thép và một cái kềm nhỏ để ngài có thể làm một sợi dây chuyền, dùng đeo thánh giá gỗ cũng do chính ngài tự đẽo gọt, trên cổ. Lại đến một lần khác, có một vị lãnh đạo (Ban Tôn Giáo?) vấn kế với Đức Giám Mục:

–  Một hôm một ông xếp hỏi tôi “Ông nghĩ thế nào về tờ tuần báo Người Công giáo?”

– Nếu viết đúng cả nội dung cả hình thức thì có lợi; nếu ngược lại thì không thêm đoàn kết, lại còn thêm chia rẽ, bất lợi cho cả người Công giáo và cho cả nhà nước.

– Làm thế nào cải thiện tình trạng ấy?

– Những cán bộ phụ trách về tôn giáo phải hiểu đúng mỗi tôn giáo thì việc đối thoại, tiếp xúc các chức sắc mỗi tôn giáo cũng như các tín hữu mới có tính cách xây dựng, tích cực và tạo nên thông cảm giữa đôi bên.

– Ông có thể giúp được không?

– Nếu các vị muốn, tôi có thể viết một cuốn Lexicon (từ điển bỏ túi) gồm những danh từ thông dụng nhất trong tôn giáo, từ A đến Z, chừng nào các vị có giờ rảnh, tôi sẽ giải thích rõ ràng, khách quan. Hy vọng các vị có thể hiểu lịch sử, cơ cấu, sự phát triển và hoạt động của Giáo hội…Họ đã trao giấy mực cho tôi, tôi đã viết cuốn “lexicon” đó, bằng tiếng Pháp, Anh, Ý, Latinh, Tây Ban Nha, và Trung Quốc với phần giải thích bằng Việt ngữ. Dần dà tôi có cơ hội giải thích hoặc giải đáp thắc mắc, tôi chấp nhận làm sáng tỏ những chỉ trích về Giáo hội. “Lexicon” ấy trở thành một cuốn giáo lý thực hành. Ai cũng muốn biết viện phụ là gì, thượng phụ là gì, Công giáo khác Anh giáo, Tin Lành, Chính Thống giáo chỗ nào? Tài chánh của Tòa thánh từ đâu mà có? Có bao nhiêu tu sĩ, giáo dân làm việc trong giáo triều, huấn luyện tu sĩ, giáo sĩ thế nào? Giáo hội phục vụ nhân loại thế nào? Tại sao Giáo hội gồm có nhiều dân tộc, sống qua nhiều thời đại cũng bị bắt bớ, tiêu diệt, cũng mang nhiều khuyết điểm mà vẫn tồn tại? Ngang đây là đến biên giới của siêu nhiên, của sự quan phòng của Thiên Chúa… Cuộc đối thoại từ A đến Z giúp xóa tan một số hiểu lầm, một số thành kiến, có những lúc trở nên thú vị và hấp dẫn. Tôi tin tưởng có nhiều người cởi mở, muốn tìm hiểu và với những biến chuyển trong thời đại ta, đã có những tầm nhìn mới mẻ và xây dựng.

–          Thời kỳ biệt giam ở Hà Nội, tôi được biết có 20 chiến sĩ nam nữ trẻ học tiếng Latinh với một cựu tu sĩ, để có thể đọc các tài liệu của Giáo hội. Trong số mấy anh gác tôi có hai anh trong nhóm học Latinh. Trông thấy bài vở, tôi nhận thấy họ học tốt. Một hôm, một trong hai anh ấy hỏi tôi:

– Ông có thể dạy tôi một bài hát tiếng Latinh không?

– Có nhiều bài hay tuyệt, nhưng biết anh thích bài nào?

– Ông hát cho tôi nghe, tôi sẽ chọn.

– Tôi đã hát Salve Regina, Veni Creator, Ave Maris Stella… Các bạn biết anh ta chọn bài nào không? Anh ta chọn bài Veni Creator (Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm…) Tôi đã chép trọn cả bài cho anh ta và anh ta học thuộc lòng. Mỗi sáng quãng 7 giờ, tôi nghe anh ta chạy xuống thang gỗ, ra sân tập thể dục, rồi múc nước vừa tắm vừa hát: Veni Creator Spiritus… Tôi rất cảm động, làm sao mỗi sáng trong nhà tù cộng sản lại có một cán bộ hát kinh “Veni Creator” cho mình nghe!

Bài hát Xin Chúa Ba Ngôi đoái thương viếng thăm, Veni Creator Spiritu

httpv://www.youtube.com/watch?v=33XotuYs-io

Chúa Thánh Thần không chỉ làm cho người Cộng Sản Việt Nam qua Đức Giám Mục Thuận được hiểu về Đạo hơn, thông cảm với tín hữu Công Giáo hơn, Chúa còn dùng Đức Cha để mang về cho Hội Thánh Công Giáo những người Cộng Sản có ý thức hoán cải trong đức Tin, trong số đó phải kể đến trường hợp của một sĩ quan An Ninh, bộ Công An, Ông Nguyễn Hoàng Đức, sau này ông làm chứng với phóng viên Mặc Lâm đài phát thanh Á Châu Tự Do như sau:

–          Tôi là một trong những phép lạ về Đức Tin…

o    Sau khi học tiếng Pháp với Ngài thì tôi cảm nhiễm tinh thần của Đức Cha. Sau này thì tôi thôi việc, lý do là sau khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn tôi không còn muốn làm công an nữa vì tôi làm ở Cục chống phản động nên biết để phải đi đàn áp và tôi đã xin chuyển ngành nhưng không được, tôi xin thôi việc cũng không cho. Tôi vẫn cứ bỏ việc.

o    Sau khi vào Sài Gòn tôi làm cho dầu khí Việt Nam. Tôi có đi một số các nhà thờ, nhà thờ trung tâm Đức Bà, nhà thờ Kỳ Đồng. Sau khi ra Hà Nội thì tôi được mặc khải trong một giấc mơ là tôi đi nhà thờ và tôi có rửa tội.

o    Tôi hiểu là việc phong Thánh cần phải có phép lạ. Phép lạ thứ nhất là Đức tin. Phép lạ thứ hai là chữa bệnh. Phép lạ thứ ba là “mồ mả phát”. Tôi là một trong những phép lạ về Đức tin.

Được Hội đồng Công Lý và Hòa Bình Tòa thánh Vatican mời qua Rôma làm chứng nhân dịp lễ kết thúc điều tra phong Chân phúc cấp giáo phận. Ngày 2/7/2013 anh Hoàng Đức lên đường sang Rôma, nhưng đã bị công an ngăn chặn và thu hộ chiếu tại sân bay Nội Bài mà không có lý do rõ ràng.

              Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức, cựu sĩ quan chống phản động, Bộ Công An.

Dần dần, Đức Cha Thuận trở nên bạo dạn hơn và bắt đầu vài hoạt động mục vụ. Người lính gác, ở bên cạnh ngài, đã cho phép giáo dân đến gặp ngài, có khi cả từng nhóm nhỏ. Nhưng mọi sinh hoạt đó đánh thức sự nghi ngờ của chính quyền, nên họ lại quyết định biệt giam ngài lại. Lúc đang còn rất sớm, ngày 5.11.1982, một xe chở hàng của nhà nước đến tìm ngài và chở ngài vào khu vực quân sự, trong một căn phòng mà ngài sẽ ở cùng với một sĩ quan công an, dưới sự canh gác của 2 lính gác. Trong sáu năm, ngài luôn sống biệt giam trong một phòng: ngài phó thác hoàn toàn cho Chúa. Vào ba giờ chiều hàng ngày, ngài cử hành thánh lễ, tiếp theo đó là một giờ cầu nguyện để suy ngắm cơn hấp hối và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Ngài cử hành thánh lễ trong lòng bàn tay, với ba giọt rượu và một giọt nước. Mỗi lần như thế, sự tốt lành của ngài đã chinh phục được những người canh gác, đó là điều làm cho chính quyền cấp trên khó chịu. Ngài lại phải bị chuyển qua một nhà tù an ninh hơn, trong một phòng giam hoàn toàn cách ly cho đến ngày ra tù 21 tháng 11 năm 1988. Năm 1991, Đức Cha bị chính quyền Việt Nam trục xuất khéo khỏi Việt Nam.         

                 Chúa Thánh Thần tiếp tục sử dụng Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận như một nhà truyền giảng về hy vọng bất diệt của Tin Mừng, nhưng mà lần này có sự đặc biệt hơn, ngài giảng linh thao cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và cho giáo triều Rôma dịp Mùa Chay Năm Thánh 2000. Sau buổi tĩnh tâm đó, Đức Thánh Cha tuyên bố “Tôi cám ơn Đức Cha thân yêu Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, với sự đơn sơ và linh hứng của Chúa Thánh Thần, Đức Cha đã hướng dẫn chúng tôi đào sâu ơn gọi làm chứng nhân của niềm Hy Vọng Tin Mừng vào đầu thiên niên kỷ thứ ba. Chính ngài là chứng nhân của thập giá trong những năm dài bị tù đày ở Việt Nam, ngài đã thuật lại cho chúng ta các sự việc và các thời kỳ của cảnh tù đày khổ ải của ngài, bằng việc củng cố chúng ta trong sự chắc chắn đầy an ủi rằng khi mọi sự sụp đổ quanh ta, cũng có thể từ thâm sâu của chúng ta, Đức Kitô vẫn là sự nâng đỡ không thể thiếu của chúng ta”.

Ngày 21 tháng 2 năm 2001 trong cuộc họp mật viện các Hồng Y, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trao mũ Hồng Y cho Ngài và đặt Ngài làm Hồng Y Phó tế, hiệu tòa Nhà thờ Santa Maria della Scala (Đức Mẹ tại các bậc thang).

Ngài qua đời lúc 18 giờ ngày 16 tháng 9 năm 2002 tại Rôma.

… Lạy Chúa, con không đợi chờ, con quyết sống phút hiện tại,

            và làm cho nó đầy tình thương,

vì chấm này nối tiếp chấm kia,

ngàn vạn chấm thành một đường dài.

Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.

Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp.

Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.

Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.

Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.

Như Chúa Giêsu, trọn đời đã làm những gì đẹp lòng Đức Chúa Cha.

Mỗi phút giây con muốn làm lại với Chúa,

“một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu”.

Con muốn cùng với Hội thánh hát vang:

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Alleluia! Alleluia! Alleluia!(Đường Hy Vọng- NVT)

Xin Cảm tạ ơn kỳ diệu của Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên các nhà Truyền Giáo trong thời đại của chúng con

Mời bạn thuê hoặc mua phim « Con đường Hy Vọng » nói về cuộc đời Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận trên mạng NetFlix : https://dvd.netflix.com/Movie/Road-of-Hope-The-Spiritual-Journey-of-Cardinal-Nguyen-Van-Thuan/70115506

Hẹn gặp các bạn trong phần 4 nói về các anh thư truyền giáo tại Việt Nam.

Tác giả: Phan Sinh Trần

                            Xem thêm:

Linh Đạo của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận (tác giả: Phùng Văn Phụng)

TRUYỀN GIÁO HAY RAO GIẢNG TIN MỪNG

TRUYỀN GIÁO HAY RAO GIẢNG TIN MỪNG

Dầu đã được trực tiếp tham gia vào công tác “truyền giáo” trong thời gian hai năm tại Mongolia, nhưng khi được nhiều bạn gửi ‘mail’ khuyến khích viết bài suy niệm nhân Khánh Nhật Truyền Giáo, tôi vẫn cảm thấy ngại ngùng.  Lý do là vì suy nghĩ của tôi sau thời gian “truyền giáo” trở về đã bị thay đổi nhiều quá; tôi cảm thấy lạc lõng và cô đơn trong suy tư, cũng như hụt hẫng trong truyền đạt về đề tài này.  Cuối cùng thì sáng nay trong thánh lễ, sau khi lắng nghe lời chia sẻ của các tập sinh, tôi đã quyết định viết, nhưng không phải cho ai khác mà là viết cho chính mình đấy thôi.

Tôi nhớ năm 2003, sau khi kết thúc nhiệm kỳ giám tỉnh cuối cùng, tôi vẫn chưa có một định hướng rõ rệt nào cho tương lai phục vụ của mình.  Vì Bề Trên trung ương rộng phép cho tôi được hưởng một năm bồi dưỡng tại bất cứ đâu…, nên tôi đã quyết định xin có một năm trau dồi thêm kiến thức về tu đức, và học hỏi về các tôn giáo thế giới tại đại học Berkeley – California (Hoa Kỳ).  Chính trong thời gian này mà tôi đã đi tới quyết định xin bề trên cho phép đi truyền giáo tại Mongolia (Mông Cổ), nơi mà tôi đã lui tới nhiều lần trong thời gian, với tư cách giám tỉnh, thành lập các cơ sở truyền giáo cho anh em tỉnh dòng Don Bosco Việt Nam.  Hơn nữa, trước khi lên đường đi Mongolia, tôi còn được tham dự một khóa học ba tháng chuyên đề về truyền giáo học tại đại học Universitá Pontificia Salesiana – Roma.  Ấy thế mà khi thực sự tới và làm việc trực tiếp tại một nơi truyền giáo ‘Ad Gentes’ thứ thiệt như Mongolia, cái kinh nghiệm “truyền giáo” tuy còn rất nông cạn và bé nhỏ mà tôi đã thủ đắc được trong thời gian ngắn ngủi này đã đủ để làm đảo lộn mọi suy nghĩ trước đó của tôi về lãnh vực này.

Trước hết, tôi thấy mình dị ứng ghê gớm với cái từ “truyền giáo” thông dụng, vì thấy nó quá mập mờ dễ gây hiểu lầm.  Nếu truyền giáo hàm ý làm cho một người “không có đạo” được rửa tội để gia nhập đạo Công giáo theo nghĩa “cải đạo,” thì rõ ràng là ta đã hiểu sai ẩn ý của Đức Kitô mất rồi.  May mắn thay nội dung này đã chính thức bị Công Đồng Va-ti-can II phế bỏ! “Missio” phải được hiểu là sứ vụ được sai đi (thừa sai) để “rao giảng Tin Mừng,” có nghĩa là để loan báo Tin Mừng cứu độ, để loan truyền tình yêu thương xót của Thiên Chúa đã từng được Đức Kitô Giêsu thực hiện trong cuộc sống của Người, đặc biệt qua cái chết Thập Giá.  Quan niệm cho rằng: ai đó phải gia nhập đạo, phải được rửa tội, thì mới được hưởng nhờ lòng nhân ái cứu độ của Thiên Chúa là một sai lầm lớn.  Lòng thương xót và ơn cứu độ đã được Chúa ban cho hết thảy mọi người cách vô điều kiện (x. Rô-ma 5).  Như thế “Loan báo Tin Mừng” không làm gì khác hơn là mở mắt cho người ta nhận biết rằng họ đã được hưởng ơn cứu độ và lòng thương xót, nhờ vào sự chết và phục sinh của Đức Kitô Giêsu.  Một khi họ đã tin nhận điều đó, ta mời gọi họ gia nhập cộng đoàn tín hữu để cùng chúng ta dâng lời cảm tạ tri ân lên Thiên Chúa về hồng ân vĩ đại đó.

Một suy nghĩ khác mà tôi cảm thấy rất “dội” đó là: nếu không có ai đi truyền giáo thì các dân ngoại sẽ mất linh hồn hết…, rằng nhà truyền giáo là những người mang ơn cứu độ tới cho kẻ ngoại…, rằng ơn cứu độ lệ thuộc vào một lối sống được xây dựng trên nền “luân lý Kitô giáo” mà ta sẽ mở mắt cho họ biết, để rồi, nhờ nắm giữ cặn kẽ các qui định, luật lệ đó, họ sẽ được vào hưởng nước thiên đàng.  Thiết tưởng: khi Đức Kitô sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, Người đâu có ám chỉ điều này: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”  Ngay câu nói: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” đâu có nghĩa là, chính phép rửa sẽ ban ơn cứu độ!  Nhìn vào chính Đức Giêsu ta sẽ thấy: Tin Mừng của lòng thương xót cứu độ vẫn có thể được rao giảng và mời gọi ngay cả một người nữ Sa-ma-ri đang sống chung chạ sau năm đời chồng. 

Khi còn ở Mongolia, cha sở nhà thờ chính tòa Ulaanbataar, một nhà truyền giáo người Ca-mơ-run, xin tôi dạy giáo lý cho một nhóm sinh viên.  Ngài muốn tôi dạy theo chương trình giáo lý tân tòng mà ngài đã soạn sẵn, khởi đầu bằng nội dung thập giới của Chúa và lục giới của Hội Thánh…  Ngài căn dặn: đó là các điều kiện tiên quyết để gia nhập đạo hầu được rỗi linh hồn…  Tôi đã quyết định không áp dụng chương trình đó, xác tín rằng “truyền giáo” tiên quyết phải là rao giảng Tin Mừng, mà Tin Mừng chính là cho mọi người nhận biết Thiên Chúa xót thương và cứu độ toàn thể nhân loại.  Tôi dọn một chương trình riêng, trong đó tôi phân tích cho các sinh viên Mongolia hiểu ra rằng: Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô yêu thương họ, không như các thần linh đạo Shaman của người du mục, luôn gieo rắc sợ hãi kinh hoàng khắp nơi.  Thế đấy, cái kinh nghiệm rất cụ thể của tôi về sự khác biệt quá lớn giữa “truyền giáo” và “loan báo Tin Mừng” đại loại là như thế.

Từ cái kinh nghiệm “thừa sai” còn rất thô thiển tại Mongolia tôi đã học được một bài học cơ bản: Thiên Chúa, không biết từ thuở nào, đã yêu mến và cứu chuộc các người Mông Cổ du mục sinh sống trên vùng thảo nguyên lạnh giá mênh mông tại Trung Á.  Cuộc sống du mục nay đây mai đó của họ, với văn hóa và các truyền thống từ bao đời, cho dầu có nhiều điểm khác biệt với nền “luân lý Kitô giáo” mang tính định canh định cư của lịch sử, vẫn không hề tách họ ra khỏi lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa đã và đang chủ động thực hiện nơi họ nhờ Đức Kitô Giêsu.  Công việc của một “thừa sai” như tôi đích thị phải là rao giảng Tin Mừng, là loan báo cho họ biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ trong chính lối sống và văn hóa của họ…, đồng thời mời gọi họ tin vào Đức Kitô Giêsu Cứu Chúa…, mời gọi họ lãnh nhận phép thánh tẩy… và gia nhập vào Hội Thánh là cộng đoàn những người nhận biết Thiên Chúa từ ái và yêu thương để không ngừng cất cao lời cảm tạ.  Và cũng từ đó tôi nghiệm ra một điều còn quan trọng hơn nữa là: một “người loan báo Tin Mừng” trước hết phải chính mình có cảm nghiệm sâu sắc về lòng thương xót cứu độ của Chúa.  Cảm nghiệm này chính là nền tảng của việc được sai đi, là sức mạnh trong khiêm tốn phục vụ, là hy vọng không hề suy chuyển trước các khác biệt và thách đố, và là chương trình và hành động trong sứ vụ thừa sai.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã cho con được tham gia chút ít vào chương trình cứu độ đầy yêu thương của Chúa đối với dân tộc Mongolia.  Cảm tạ Chúa đã mở lòng cho con nhận biết Chúa yêu thương họ vô cùng, trước cả khi con được sai tới với họ để nói cho họ biết điều đó.  Qua tâm tình tri ân này, xin cho con tiếp tục không ngừng khao khát tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa yêu thương và cứu độ, và tìm cách làm chứng cũng như loan truyền điều đó cho mọi người con gặp gỡ và tiếp xúc hàng ngày.  Con coi đó chính là công việc “truyền giáo = thừa sai” Chúa đang dành cho con lúc này và trong điều kiện sống này. Amen.

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

From Langthangchieutim gởi

SUY NIỆM VỀ CÁI CHẾT

SUY NIỆM VỀ CÁI CHẾT

Hãy nhớ rằng, cái chết không trì hoãn đâu và ngày hẹn của âm phủ, con nào có biết” Hc 14,12)

Không ai trong chúng ta biết được ngày chết và cái chết của mình như thế nào. Mỗi ngày sống của chúng ta là mỗi ngày đi dần đến cái chết, nhưng phần đông không ai nghĩ đến chúng cả.

 “Con đừng sợ án chết. Hãy nhớ rằng: có những kẻ đã đi trước con và sẽ có những người theo sau (Hc 41 3).

Sự chết dạy chúng ta sống như thế nào?

Trong đời sống, chúng ta nên thỉnh thoảng suy niệm về cái chết.

Một nhà tu đức khi suy niệm về cái chết đã thốt lên “cái chết của người già ở trước mặt, cái chết của người trẻ ở sau lưng”

Niềm tin Kitô giáo giúp chúng ta tránh đam mê những hạnh phúc giả tạo ở đời này và thúc đẩy chúng ta hãy can đảm chịu đựng những đau khổ để kết hợp đau khổ với Đấng Kitô, và biết đến ích lợi của cuộc đời, phải đi qua đau khổ để vào vinh quang với Ngài.

“Nếu có lúc con đau khổ xao xuyến, xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu, Chúa đã buồn muốn chết được. Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây con, xin nhắc con nhớ rằng: Trên Thập Giá, Chúa đã thốt lên: “sao Cha bỏ con” (Lời nguyện. Rabouni)

Suy nghĩ về cái chết không có nghĩa chúng ta phải buồn rầu, sợ hãi, hoặc ngã lòng.

Trái lại, khi suy niệm về cái chết chúng ta sẽ sống một cách hiểu biết hơn về cuộc đời và từ bi nhân ái hơn, vì đó chính là luật của Tạo Hóa.

Như cành lá trên cây rậm rạp; lá rụng xuống lá lại mọc ra, thì các thế hệ người phàm cũng vậy: lớp kết thúc, lớp lại sinh ra” (Huấn ca 14,18)

Mỗi khi gặp chuyện bực mình khó chịu mà gây gỗ, cãi nhau hay nóng giận với người khác thì được ích lợi gì?

Đau khổ, bịnh nạn thì nghĩ rằng đời sống rất ngắn, ai cũng sẽ chết.Đó là điều Đức Chúa quyết định cho hết mọi người phàm. Tại sao cưỡng lại điều Đấng Tối Cao đã muốn?

Dù người ta sống được mười năm, trăm năm, hay cả ngàn đi nữa, thì trong âm phủ, chẳng ai trách móc đâu” (Hc 41, 4).

Vậy lo lắng, buồn rầu hoàn toàn không được gì mà sinh ra bất an trong tâm hồn.

Là Kitô hữu, hằng ngày cầu nguyện với Lời Chúa, giúp ta biết suy nghĩ sâu xa về sự sống, sự chết theo lời dạy của Chúa và Giáo Hội.

Hãy phó thác và tin tưởng trong tay Ngài. Tất cả đều là hồng ân Ngài ban.

Hãy thinh lặng lắng nghe tiếng nội tâm, để Chúa Thánh Thần hướng dẫn ta ý thức và tự kiểm soát lấy mình, không để những suy nghĩ lệch lạc lôi cuốn, ta sẽ cư xử với mọi người hòa ái hơn.

Điều này luôn luôn không phải dễ làm, nhưng khi ta cầu nguyện, suy niệm về cái chết, Chúa sẽ nhắc nhở mình về sự mong manh và ngắn ngủi của cuộc đời, ta sẽ tự chế và ăn nói với sự dịu dàng hơn, sẽ biết sống đẹp lòng Chúa hơn.

Chúng ta biết khi chết là lúc chúng ta về với Chúa và sẽ được sống lại với Ngài trong vinh quang thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhân cái chết hơn.

Cái chết luôn bình đẳng cho tất cả mọi người, cho nên ta hãy chọn cách tốt nhất là sống theo Lời Chúa dạy, sống tỉnh thức, sống ý thức, sống yêu thương từng giây phút với hết sức lực, hết trí khôn của mình.

Hơn nữa, dù có lo hay không lo, tất cả chúng ta đều sẽ già và  chết. Ta sẽ nhẫn nại hơn, sẽ bao dung hơn , tử tế hơn , dịu dàng hơn, dễ dàng tha thứ hơn đối với bản thân ta và đối với người khác.

Cuộc đời thật sự hạnh phúc và có ý nghĩa hơn. Lòng thương yêu từ con tim nhân ái sẽ đâm chồi nở hoa, và khi cái chết đến chúng ta sẽ không có gì ân hận.

Lạy Chúa, xin Chúa cho con được chết một cách an bình, đừng đau đớn lâu ngày, nhưng Chúa cho con chết như thế nào tùy ý Chúa. Amen.

 Elisabeth Nguyễn

From Tamlinhvaodoi

THÁNH LUCA THÁNH SỬ 

 THÁNH LUCA THÁNH SỬ 

   

     Thánh Luca là người Hy-lạp ngoại giáo trở lại, và là môn đệ của Thánh Phaolô.  Người là tác giả sách Phúc Âm thứ ba và sách Tông Ðồ Công Vụ.

Thánh Luca là người học thức, có tài viết văn, có tài kể chuyện, người đề tặng cả hai tác phẩm của mình cho một nhân vật thế giá tên là Tê-ô-phim, mới theo đạo Kitô.  Thánh Luca viết sách Phúc Âm khoảng giữa năm 70 và 75 sau công lịch, nhấn mạnh đến:

–          Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ mọi người, giao hoà nhân loại với Thiên Chúa.  Chúa thu hút nhân loại bằng những đức tính cao cả của Ngài.  Ngài luôn cầu nguyện ngợi khen Chúa Cha.

–          Thiên Chúa nhân từ và thương xót.

–          Tinh thần bỏ mình và nghèo khó.

Thánh Luca dùng lời lẽ có ý nghĩa để diễn tả lại những trường hợp Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót các phụ nữ hư hỏng, và phục hồi quyền lợi thế giá cho họ.  Người đã kể lại những câu chuyện có ích lợi đặc biệt cho dân ngoại, như các chuyện bà Ma-đa-lê-na, ông Gia-kêu, người trộm lành, người Sa-ma-ri-a nhân hậu.  Phúc Âm theo Thánh Luca có lẽ là sách Phúc Âm hấp dẫn nhất đối với thế giới mới.

1. Thánh Luca là ai?

Luca bắt nguồn từ danh từ Latin “Lucanus” nói lên nguồn gốc của ngài là dân ngoại.  Theo lá thư Phaolô gởi cho Ti-mô-thê “chỉ mình Luca ở với Cha,” có nghĩa là Luca là bạn đồng hành truyền giáo của thánh Phaolô.  Trong Phi-lê-môn câu 24, Thánh Phaolô liệt kê thánh Luca vào số “những cộng sự viên của ngài”; còn trong Cô-lô-xê ngài được gọi là “lương y.”

2. Luca đã đóng vai trò nào trong Tân Ước?

Ngài không chỉ là tác giả của Phúc Âm thứ ba mà còn là tác giả sách Tông Ðồ Công Vụ nữa.

3. Thánh Luca viết sách Phúc Âm nhằm mục đích gì?

Ngài viết Phúc Âm để minh chứng rằng đạo Chúa Kitô là một đạo giáo toàn cầu qua cách giảng diễn lòng nhân từ của Chúa đối với những người nghèo khổ và bị áp bức; nêu cao lòng thiện cảm của Chúa dành cho dân ngoại.  Phúc Âm ngài đã diễn đạt chân lý mà Thánh Phaolô công bố trong thư Ga-lát chương 3 câu 28 như sau: “Không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì tất cả anh em là một trong Ðức Giêsu Kitô.”

4. Thánh Luca viết Phúc Âm nhằm cho loại độc giả nào?

Là một người dân ngoại, nên ngài viết cho các tín đồ dân ngoại.

  1. Thê-ô-phi-lô là ai mà Thánh Luca đề tặng ở đầu sách Phúc Âm của ngài?

Thê-ô-phi-lô là một danh từ Hy Lạp, có nghĩa là “kẻ yêu mến Thiên Chúa.”  Có thể ông là kẻ mới trở lại đạo và đại diện cho nhóm độc giả mà Luca nhắm tới, hầu họ am tường về giáo huấn của đạo mới.
6. Luca đã làm gì để minh chứng đạo Chúa Kitô là đạo phổ quát?

Ngài đã chứng minh gia phả của Chúa Giêsu không chỉ qua dòng dõi vua Ða-vít lên tới Abraham như Thánh Matthêu đã làm, mà còn trở ngược lên tới Adam.  Chủ đích muốn nhấn mạnh rằng: Giêsu không phải chỉ là một người gốc Do Thái, mà Ngài còn là con người của hoàn vũ, mang dòng máu nhân loại.  Hơn nữa Ngài còn đề cập tới cuộc thăm viếng của Chúa tại một làng dân ngoại tên là Sa-ma-ria.  Ngài đã đề cập tới người ngoại tốt lành Sa-ma-ri-ta-nô.  Ngài nhắc tới người ngoại trong số 10 người phong cùi được chữa lành, chỉ mình Luca tường thuật những lời Chúa tuyên bố về sứ vụ của Người.

7. Cho biết vắn tắt nội dung và bố cục của Phúc Âm Thánh Luca?

–          Tin Mừng thời niên thiếu của Chúa (chương 1-2)

–           Sứ vụ của Chúa tại Galilê (chương 3-9)

–          Hành trình lên Giêrusalem (chương 9-19)

–          Sứ vụ tại Giêrusalem (chương 19-21)

–          Thương khó và sống lại (chương 22-24)

 

  1. Phúc Âm của Luca có những đặc tính nào?

–    Là một soạn tác lịch sử được diễn đạt một cách văn chương trau chuốt.

–          Là một Phúc Âm cho những người bị áp bức .

–          Là một Phúc Âm cho dân ngoại.

–      Là một Phúc Âm của cầu nguyện.

–     Là một Phúc Âm của niềm vui.

–          Và là Phúc Âm đặc biệt nói về nữ giới.

 

  1. Tính cách văn chương trong Phúc Âm của Thánh Luca như thế nào?

Vì là một người học thức uyên thâm, nên lối viết của ngài thật chải chuốt, tránh những từ Do Thái; nhưng vì tác giả cố bắt chước lối hành văn Cựu Ước của bản dịch Hy Lạp nên kiểu nói “và xảy ra là…” được lặp đi lặp lại nhiều quá hoá nhàm.  Bù lại tác giả biết bố cục câu chuyện, xếp đặt ý tưởng mạch lạc, đón trước rào sau kỹ lưỡng…  Tóm lại Phúc Âm của Thánh Luca là một soạn tác thật là công phu.

 

  1. Làm sao Phúc Âm của ngài được gọi là Phúc Âm của người nghèo và bị áp bức?

–  Không Phúc Âm nào chúng ta có được một sự lưu tâm đáng yêu mà Chúa dành cho những người thu thuế và tội lỗi như trong Phúc Âm thánh Luca:  Chúa đến để tìm kiếm những gì đã mất.. một người nữ ngoại tình, một người thu thuế thống hối, một tên trộm ăn năn…

–     Không một Phúc Âm nào diễn tả được tấm lòng tha thiết của Chúa dành cho những người bơ vơ nghèo đói cho bằng dưới ngòi bút điêu luyện của Luca. 

  1. Tại sao gọi Phúc Âm Thánh Luca là Phúc Âm của niềm vui?

Là Phúc Âm của niềm vui vì ngay từ đầu, và bàn bạc trong Phúc Âm của ngài nhiều chỗ nói về niềm vui như ở đầu Phúc Âm là tin vui loan báo cho Za-cha-ri-a, truyền tin cho Maria.  Những niềm vui liên tục khi Thánh Gioan chào đời, lúc Chúa giáng sinh…
Những niềm vui trong chương 15 khi tìm thấy con chiên lạc, tìm được đồng tiền mất, gặp lại người con hoang và niềm vui nân hoan của các tông đồ khi trở lại Giêrusalem.  Ðúng như Harnack đã nói: 
“Có những nét vui tươi, can trường và chiến thắng âm vang trong toàn bộ cuốn Phúc Âm của Thánh Luca từ trang đầu cho tới trang chót.”

12. Thánh Luca có những nét cá biệt đặc sắc nào trong tường thuật giáng sinh của Chúa Cứu Thế?

Bằng giọng văn chương, Thánh Luca đã ghi lại cuộc truyền tin cho Ðức Maria, bài hoan ca của Mẹ Maria, bài ca của ông Gia-ca-ri-a chúc tụng Chúa, bài ca vinh danh của các thiên sứ trong đêm Chúa giáng sinh và bài ca của ông Si-mê-on: Giờ đây, lạy Chúa.

13. Lễ của ngài được mừng kính vào ngày nào trong năm phụng vụ?

Ngày 18 tháng 10 với danh tước là Luca thánh sử. 

From:KimBằngNguyễn &KittyThiênKim

TẠI SAO MA QUỶ GHÉT ĐỨC MẸ?

TẠI SAO MA QUỶ GHÉT ĐỨC MẸ?

“Tại sao ma quỷ ghét Đức Mẹ?”Câu hỏi này ngụ ý nhắc chúng ta phải tự hỏi chính mình: “Tại sao tôi yêu mến Đức Mẹ?”.

Satan rất ghét Đức Mẹ. Thật vậy, nó làm mọi cách để người ta giảm lòng sùng kính Đức Mẹ. Bạn có thấy rằng các tín điều về Đức Mẹ và lòng sùng kính Đức Mẹ tạo nên các phản ứng mạnh mẽ nhất ở những người chống đối Giáo Hội? Ngay cả một số người Công giáo tốt cũng thấy lúng túng về lòng sùng kính Đức Mẹ, họ cảm thấy chúng ta không nên quá cực đoan trong việc tôn kính Đức Mẹ.

Có thể chính bạn cũng thắc mắc tại sao Giáo Hội đề cao Đức Mẹ Vô Nhiễm như vậy. Có thể chính bạn cũng thắc mắc tại sao Thiên Chúa lại chọn Đức Mẹ để làm công việc cứu độ. Hôm nay, chúng ta hãy nhìn vào lý do mà ma quỷ ghét Đức Mẹ nhiều đến thế, và lý do mà chúng ta nên trở thành các hiệp sĩ của Đức Mẹ.

ĐỨC MẸ ĐẠP NÁT ĐẦU MA QUỶ

Khung cảnh là Vườn Địa Đàng. Các nhân vật là Thời Cuối Cùng, con rắn, ông Adam và bà Eva. Ma quỷ đang cười đắc thắng. Nó đã lừa được bà Eva, và lừa cả ông Adam qua sự nhõng nhẽo của bà vợ. Ôi chao, nó kiêu hãnh và tự mãn. Bạn có thể cảm thấy sự kiêu căng quỷ quyệt trong việc hủy hoại, vì nó đã thành công trong việc làm hư hại công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, và lôi kéo loài người vào sự chết và khốn khổ.

Thiên Chúa hiện ra tẩy sạch sự hỗn độn, tuyên bố lời nguyền rủa dành cho nó, nhưng cũng tuyên bố lời vui mừng, gợi ý đầu tiên trong Phúc Âm và số phận của ma quỷ. Thiên Chúa bắt đầu bằng cách cho Satan biết rằng nó phải bò đi bằng bụng và ăn bùn đất suốt đời (St 3:14). Rồi Ngài mặc khải điều làm cho nó co rúm vì hoảng sợ:CHIẾN THẮNG CUỐI CÙNG THUỘC VỀ MỘT NGƯỜI NỮ.

Thiên Chúa công bố:“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3:15).

Ngày nay, các học giả vẫn tranh luận về giới tính trong câu “dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi” – nghĩa là chính Đức Maria hoặc Đức Giêsu Kitô. Thiết tưởng điều đó không thành vấn đề. Bạn thấy đó, Chúa Giêsu đạp nát đầu Satan qua Đức Mẹ. Đức Mẹ là khí cụmà Chúa Giêsu sử dụng khi Ngài hủy diệt kẻ thù. Tại sao Thiên Chúa muốn dùng Đức Mẹ để chiến thắng Satan?

CHÚA HẠ BỆ NHỮNG AI QUYỀN THẾ…

Ma quỷ ghét Đức Mẹ vì chiến thắng cuối cùng nằm trong tầm tay của một Nữ Tỳ Hèn Mọn. Theo cách nào đó, trái tim kiêu ngạo của nó có thể xoay xở tình trạng thua cuộc vì Thiên Chúa toàn năng và tuyệt đối. Nhưng còn chuyện bị đạp nát đầu vì một phụ nữ người Na-da-rét rất khiêm nhường? Điều đó khiến nó phát điên lên. Bởi vì nếu có điều gì đó nó ghét nhất thì đó là đức khiêm nhường.

Satan thua một Trinh Nữ khiêm nhường vì người đó là phụ nữ, mà các phụ nữ đều là phái yếu (1Pr 3:7), và nó coi thường sự yếu đuối. Nó không thích gì hơn là thấy phụ nữ bị lạm dụng, bị hạ giá. Đó là chưa nói tới Đức Mẹ là thụ tạo, Satan ghét con người bởi vì chúng ta có thân thể, còn nó là“thần” nên nó nghĩ rằng thân thể đáng ghê tởm. Có một lý do khác sâu xa hơn khiến ma quỷ không thích bị thua Đức Mẹ, đó là Đức Mẹ đã thay thế vị trí của nó trên Thiên Quốc.

Bạn biết đó, lúc đầu quỷ vương Luxiphe là thành tựu hảo hạng của Thiên Chúa. Nó xinh đẹp hơn và mạnh mẽ hơn mọi thụ tạo của Thiên Chúa. Nó rấtrực rỡ, rất oai phong, rất uy quyền đến nỗi nó tưởng nó hơn Thiên Chúa. Đặc điểm của Satan là TÍNH KIÊU NGẠO và THAM LAM QUYỀN LỰC (nói theo kiểu ngày nay là Tham Quyền Cố Vị).

Còn đặc tính của Đức Mẹ? Trước tiên và hơn hết, đó là Đức Mẹ VÔ CÙNG KHIÊM NHƯỜNG. Thật vậy, Đức Mẹ là thụ tạo khiêm nhường nhất. Ma quỷ càng kiêu ngạo bao nhiêu thì Đức Mẹ càng khiêm nhường bấy nhiêu, còn khiêm nhường gấp đôi. Trái tim đen tối của Satan đầy độc tố ghen tương, ghen tỵ và hiềm khích;trái tim của Đức Mẹ chan chứa phẩm chất yêu thương, thờ phượng và chúc tụng. Tâm hồn ma quỷ đầy sự hư hỏng, tâm hồn Đức Mẹ đầy sự thuần khiết và sinh ích. Bằng ân sủng, Thiên Chúa đã làm cho Đức Mẹ trở nên thụ tạo tinh túy và vinh quang nhất – điều mà ma quỷ đã từng đòi hỏi.

Trong mọi cách, Đức Mẹ Vô Nhiễm là đối lập cực cấp của Satan, vì Đức Mẹ thay thế nó, và nó biết điều đó. Cuộc trao đổi của Đức Mẹ về Satan được mặc khải trong bài ca chúc tụng Magnificat (Lc 1:46-55) của Đức Mẹ:

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn!

Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

vì Người nhớ lại lòng thương xót

dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.

Trong Thánh Ca Magnificat, chúng ta thấy vai trò của Đức Maria trong việc cứu độ:

◾Sự khiêm nhường của Đức Mẹ: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới”.

◾Ân sủng của Thiên Chúa tác động nơi Đức Mẹ:“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!”.

◾Thiên Chúa triệt hạ Satan: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế”.

◾Thiên Chúa đặt Đức Mẹ vào vị trí của Satan: “Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.

Thật khốn cho Satan, vị trí của nó trên Thiên Đàng bị thay thế bằng một Trinh Nữ, Mẹ của Đấng Ngôi Lời Vĩnh Hằng, Đức Giêsu Kitô, Đấng chịu khổ đau và chịu chết để cứu độ nhân loại mà lũ quỷ tìm mọi cách để hủy hoại. Lời “xin vâng” của Đức Mẹ đã làm cho Thiên Chúa “gỡ rối” cho sự bất tuân của bà Eva, dọn đường cho công cuộc cứu độ của Adam Mới. Chính sự yếu đuối của bà Eva khiến Satan bị nguyền rủa đã được thay thế bằng sự tuân phục khiêm nhường của Đức Maria, tuân phục Thánh Ý Thiên Chúa làm cho Đức Mẹ quyền thế vượt qua giới hạn.

Đó là kế hoạch của Thiên Chúa đối với việc đánh bại kẻ thù Satan. Đó là nỗi nhục nhã và số phận của Satan và bè lũ của nó.

HASTA LA VISTA, SATAN – HẸN GẶP LẠI SATAN

Nếu bạn không “hẹn tái ngộ” thì Satan ghét bạn lắm. Nó cũng thù ghét bạn nếu bạn yêu mến Thiên Chúa và Đức Mẹ. Sự thèm khát của nókhiến nó hủy hoại cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, muốn kéo loài người xuống Hỏa Ngục với nó. Nó rất muốn chiếm đoạt bạn vì bạn là hình ảnh của Thiên Chúa,nó muốn bạn theo phe nó và vào hồ lửa đời đời với nó, cùng chịu cực hình với nó.

ĐỪNG SỢ NÓ! Con rắn xưa đã bất lực chống lại Đức Mẹ Vô Nhiễm, vì theo kế hoạch của Thiên Chúa, Đức Mẹ là khí cụ mà Chúa Giêsu sử dụng để tiêu diệt nó. Bạn có muốn đạp đầu ma quỷ trong cuộc đời của mình? Bạn có muốn an toàn trong cơn bĩ cực, cám dỗ, và bão tố trên đường về Quê Thật? Câu trả lời đơn giản: HÃY KÊU CẦU ĐỨC MẸ. Hãy yêu mến Đức Mẹ, là đầy tớ trung tín, là hiệp sĩ, là người bảo vệ, là tông đồ của Đức Mẹ.Hãy hoàn toàn tận hiến cho Đức Mẹ – vì không có gì thuộc về Mẹ mà phải hư mất. Thánh Gioan Damascene nói: “Lạy Đức Thánh Trinh Nữ, sùng kính Mẹ là cánh tay cứu độ mà Thiên Chúa ban cho những ai Ngài muốn cứu độ”.

Satan đang trong cơn điên loạn, tìm mọi cách để tung đòn trả thù – bởi vì nó biết thời gian của nó đang đến hồi kết thúc. Nó hoảng sợ và giận dữ, bởi vì nó biết“ngày tàn của bạo chúa” không còn bao lâu, nó sẽ bị Người Nữ đạp nát đầu,chính Người Nữ này khiến trái tim nó run rẩy, Người nữ đó đã được Kinh Thánh đề cập: “Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ?” (Dc 6:10).

CẦU NGUYỆN

Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và Nữ Vương Các Thiên Thần,Mẹ đã được Chúa ban uy quyền và sứ vụ đạp nát đầu Satan, chúng con khiêm nhường cầu xin Mẹ sai đạo binh Thiên Quốc tới, dưới quyền chỉ huy của Mẹ,để tiêu diệt mọi ác thần, kiềm chế sự lộng hành của chúng,và bắt chúng phải trở về Hỏa Ngục.

Lạy Mẹ nhân lành, Mẹ luôn là niềm cậy trông và tình yêu thương của chúng con.Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin sai các thiên thần tới bảo vệ chúng con và xua đuổi quân thù.Lạy các Thiên Thần và Tổng Lãnh Thiên Thần, xin bảo vệ và gìn giữ chúng con.

SAM GUZMAN

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicGentleman.net)

Đêm 13-10-2018

MAGNIFICAT: https://www.youtube.com/watch?v=cpxRpBwWEA4

From: hnkimnga & thunnguyen

HẠNH PHÚC VÌ CÓ MẸ Ở BÊN

HẠNH PHÚC VÌ CÓ MẸ Ở BÊN

  1. Nhân ngày 13 tháng 10 là kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, tôi đã nói với Đức Mẹ một cách đơn sơ và rất thiết tha thế này:

Mẹ ơi, nếu hôm nay, Mẹ lại hiện ra ở Fatima hay ở bất cứ nơi nào, thì Mẹ sẽ nhắn nhủ chúng con điều gì?

Mẹ trả lời tôi là những nhắn nhủ sẽ như cũ, nhưng rõ hơn và khẩn thiết hơn. Tóm tắt như sau:

  1. “Nguy cơ khủng khiếp nhất cho con người hôm nay là để Satan lôi mình xuống hỏa ngục, mất phúc thiên đàng, mà vẫn dửng dưng”.

Để thoát khỏi nguy cơ khủng khiếp đó, các con cái Mẹ hãy cùng với Mẹ mà cầu nguyện, và hãy lợi dụng mọi cơ hội để thực hiện bất cứ việc lành nào có tính cách xót thương cứu giúp con người bất cứ ai.

  1. Mẹ nói với tôi một cách rất nhẹ nhàng, nhưng mỗi lời Mẹ nói đã gây trong tôi ấn tượng sâu sắc. Những ấn tượng đó có thể tóm tắt lại, tất cả đều về con người hôm nay:
  2. Cuộc sống con người hôm nay đang bị bóng tối rùng rợn đe dọa. Bóng tối do Satan và tội lỗi con người.
  3. Cuộc sống con người hôm nay đang có ánh sáng cứu độ. Ánh sáng do Thiên Chúa, và lòng tin vào lòng thương xót Chúa theo gương Đức Mẹ.
  4. Cuộc sống con người hôm nay đang được kêu gọi phải biết lựa chọn giữa bóng tối và ánh sáng. Chọn lựa là một hành trình dài. Suốt hành trình đầy những khó khăn, con người hôm nay hãy tin tưởng chạy đến bên Mẹ.
  5. Những ấn tượng trên đây là do lời Mẹ nói với tôi. Nhưng đột nhiên những ấn tượng đó lại được sáng thêm lên do chính kinh nghiệm của tôi là đứa con yếu đuối của Mẹ.
  6. Tôi yếu đuối lắm, hèn mọn lắm, tội lỗi lắm. Thế mà tôi đã được Chúa xót thương, đã được Mẹ ủi an rất nhiều.
  7. Thực vậy, đã có những trường hợp tôi rơi vào cảnh hết sức bi đát. Xung quanh tối tăm, mưa giông, sấm sét, ngập lụt, tôi cô đơn một mình, tưởng mình không thể nào thoát chết.

Thế mà Chúa đã cứu tôi.

Do vậy, tôi tin rằng Chúa vẫn có mặt trong cuộc đời coi như đã thất bại. Chúa có mặt để cứu, trong lúc không ngờ.

  1. Ngoài tôi ra, tôi đã thấy nhiều người cũng như tôi, và còn bi đát hơn tôi. Thế mà họ đã được Chúa cứu.

Do vậy, tôi tin rằng: Chúa vẫn có mặt trong những cuộc đời coi như đã hư hỏng, bị loại trừ. Chúa có mặt, để cứu họ trong lúc không ngờ.

  1. Khi nhìn những việc lạ lùng Chúa đã làm nơi những cuộc đời coi như thất bại, tôi coi đó là những ơn Chúa ban cho tôi qua họ, giúp tôi cởi mở hơn.
  2. Chúa đã gieo vãi hạt giống hy vọng nơi những cuộc đời coi như khô cạn, đó là ơn trọng Chúa ban tặng tôi, để tôi sống đức tin bằng cách ra đi tới những cuộc đời coi như đã chết.
  3. Một điều mà Mẹ Maria nhắn nhủ tôi một cách khẩn thiết, đó là:

Đừng bỏ lỡ cơ hội Chúa đến tìm thăm tôi. Nghĩa là đừng chần chừ, nhưng hãy bắt đầu ngay, hãy lợi dụng ngay giây phút hiện tại, để đón nhận ơn Chúa xót thương.

Cụ thể là: Hãy lo cho nhau biết để ý đến phần rỗi đời đời, hãy cầu nguyện ngay, hãy xót thương kẻ khác, hãy bám vào Chúa bằng tất cả tấm lòng khiêm tốn cậy trông.

  1. Tất cả những gì tôi vừa chia sẻ trên đây đều là sự thật. Mẹ không hiện ra với tôi, mà cũng là như hiện ra. Tôi rất hạnh phúc. Bởi vì Mẹ ở bên tôi.
  2. Hãy coi hôm nay là cơ hội cuối cùng. Đừng bỏ lỡ. Mẹ muốn như vậy.
  3. Thế rồi, có một lúc, tôi tự nhiên như nghe thấy Chúa Giêsu nói với tôi lời mà Người đã nói xưa với thánh Gioan từ cây thánh giá: “Gioan ơi, đây là Mẹ con”. Tôi hết sức mừng, và tạ ơn Chúa, vì Mẹ Maria là Mẹ của tôi, và tôi là con của Mẹ. Tạ ơn của tôi không thể diễn tả bằng lời nói, nhưng bằng chính cuộc đời bé nhỏ thơ ngây này của tôi.

Mẹ ơi, Mẹ của con ơi.

Long Xuyên, ngày 13.10.2018

Gm. Gioan B BÙI TUẦN    

From Vongtaysongnguyen

TRẺ THẤY GIÀU MÀ HAM THẾ GIÀ CÓ HAM GIÀU KHÔNG?

TRẺ THẤY GIÀU MÀ HAM THẾ GIÀ CÓ HAM GIÀU KHÔNG?

(CN XXVIII TN, năm B)

 Tuyết Mai

Chúng ta ai là bậc cha mẹ thường hay dạy con mình từ khi chúng bắt đầu hiểu lờ tờ mờ thế nào là có lợi ích chỉ cho mình chúng mà thôi? Thưa rằng nhiều nhiều lắm do đó mà trong xã hội, ngay trong trường học và nhất là trong trường mầm non; thì thấy rằng đứa mạnh hay ức hiếp đứa yếu. Nguyên do chính có thể là do chúng học từ cha mẹ, anh chị em của chúng trong nhà luôn tranh giành nhau … hoặc được sự chỉ dạy của cha mẹ hay anh chị em lớn của chúng.

Chúng ta cũng nhìn ra là sự dạy dỗ của bậc cha mẹ hay anh chị em lớn trong nhà là thường XÚI mấy đứa nhỏ để chúng làm, rồi mà nếu không thành công thì chúng sẽ không bị gì cả vì LÀ chúng con nít có biết gì đâu? Nhưng lại vô tình chúng ta cha mẹ đã dạy cho con cái của mình lớn lên trở thành người vơ vét, tham lam, lấy của người làm của mình cách rất tự nhiên mà không cho là tội vì nghĩ rằng người ta giàu nứt vách nên lấy bớt của họ thì cũng là điều chính đáng thôi. Nhưng chính đáng mà lại không dám ra tay làm ban ngày mà chờ đêm xuống mới làm!?.

Do học cách hành xử lươn lẹo từ nhỏ như thế thì khi lớn lên khó có thể để cho một người thay đổi cách sống mà đi đúng con đường Thiên Chúa dạy bảo, chỉ vạch cho được lắm. Nó khó cũng giống như sự thay đổi của ông thánh Phaolô bị Chúa cho ngã ngựa năm xưa vậy. Hay nó cũng khó y như người đàn ông Do Thái trong bài Phúc Âm của tuần này … Vì ông có nhiều của cải mà không muốn sự đổi chác để muốn lấy kho tàng trên Trời.

Và khi già cả thì thật chẳng ai lại muốn cái của cải chất đầy ấy nó lọt ra ngoài nên làm cho người già không sống được thoải mái tâm hồn khi mà ngày ngày cứ phải suy nghĩ cho nát cái óc là để của lại cho đứa con, cháu nào mới thật là xứng đáng đây?. Rồi phải tốn tiền mướn luật sư để sau khi mình chết thì chúng không dành giật, chia chác không đều; rồi thì đứa mạnh tiếp tục ức hiếp đứa yếu, đứa hiền lành, khờ khạo hoặc đứa có bệnh.

Chúng tôi đã thấy và sẽ tiếp tục thấy những cảnh tranh giành của cải ngay khi cha mẹ chúng còn sống kìa. Ở tuổi gần đất xa trời của cha mẹ giàu có thì con cái tham lam chúng về nhà thường lắm, cũng là để muốn mua chuộc tình thương của cha mẹ mà thôi chớ nhà có người giúp việc mà … Là này nhé con thường xuyên đến thăm cha mẹ đây rồi dụ dỗ ông bà ký những giấy tờ thương nhượng nhà cửa, tiền của trong ngân hàng và có nhiều khi giả cả chữ ký của hai ông bà vì họ không còn tỉnh táo nữa.

Còn những cha mẹ giàu có ở tuổi gần đất xa trời nhưng còn tinh anh, đầu óc chưa bị lú lẫn thì sao? Thì thưa rằng bị nhức đầu luôn chớ sao vì mải tính toán, xem nhà cửa, tiền trong nhà băng của mình nó sẽ được phân chia và tiêu xài như thế nào cho đến khi mình chết vì cả đời sống chắt chiu không dám xài, dám hưởng thật sự cho mình mà không là vì muốn khoe của nổi với người ta nên chỉ bôn ba tậu nhà 2,3 tầng cho mình ở, tậu nhiều nhà cho người thuê … nhưng lại khổ sở, già rồi mà cứ vẫn mãi còng lưng xách đồ nghề đi sửa nhà cho người mướn, người thuê.

Bài Phúc Âm của tuần này quả là bài học muôn đời khó, mà Chúa Giêsu luôn buồn sầu quá đỗi vì lòng tham lam của con người trần gian. Đến giờ chót, đến hơi thở cuối cùng, đến hai con mắt lờ đờ nhưng vẫn không chịu nhắm vì có những của chìm giấu sâu trong vách tường, ngoài sân nhà, trên mái nhà mà họ không sao nhắn lại được cho người mà họ yêu thương muốn nhắn … Nên phúc cho ai sống trong tinh thần nghèo khó, chia sẻ và yêu thương vì chúng ta bậc cha mẹ chỉ cần lắm là để lại gương sống tốt lành cho con cháu là điều duy nhất mà Thiên Chúa mong muốn nơi chúng ta thôi. Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

14 tháng 10, 2018

Này em, có nghe gì trong lời buồn của gió,

Suy Tư Chúa nhật thứ 28 thường niên năm B 14/10/2018

 (Mc 10: 17-30)

            Một hôm, Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giêsu đáp:“Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói:“Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta:“Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Đức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau:“Thế thì ai có thể được cứu?” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói:”Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

Ông Phêrô lên tiếng thưa Ngài:”Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đức Giêsu đáp:”Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”

+   +   +  +  +

“Này em, có nghe gì trong lời buồn của gió,”

“Có cảm gì tiếng xào xạc của cây?”

(dẫn từ thơ Nguyễn Tâm Hàn)

Buồn của gió, nay lại cứ len lỏi ngập hồn anh. Bởi, anh đã lạnh lùng gạt bỏ lời mời của Chúa, như chàng trai buồn ở Phúc Âm. Lời mời da diết Chúa gửi đến hết mọi người. Cả người giàu, lẫn kẻ nghèo, lâu rày nhiều tình tiết.

Lời Chúa, nay bàn tiếp về lối sống “như con trẻ” để trở thành đồ đệ Chúa. Lời Chúa, trước nhất gửi người thanh niên giàu có đại diện cộng cho đoàn dân con Do thái chuyên giữ luật Torah, tức: những người vẫn giúp cô nhi, quả phụ hoặc kẻ nghèo bằng của dư của để, mình vẫn có. Nhưng, vấn đề Chúa đặt ra với chàng trai giàu, không có nghĩa cho đi hay tiếp nhận của cải, mà là: có nên chấp nhận lời mời “theo chân Chúa”. Và, có sống “như con trẻ” vẫn vui vẻ mà cho đi hay không?

Trước nhất, “theo chân Chúa”, là tin vào Đức Giêsu và mọi giá trị cũng như nếp sống Ngài trù định. “Theo chân Chúa”, là trao cho Ngài mọi sáng kiến về hướng đi của mình, từ bây giờ. Là, chấp nhận mọi cảnh tình xấu/tốt xảy đến khi dấn bước theo Ngài. Và, cứ để Ngài đi trước mà định vị, rồi đưa ra đòi hỏi để tự làm. Và ở đây, chàng trai giàu biết luật đã thực thi mọi sự như luật buộc, lại vẫn muốn tự mình định đoạt đường lối cho đời mình, nên thấy khó nếu bỏ hết tất cả để bước đi theo.

Với ngôn ngữ đời thường, thì “bước đi theo Ngài” sẽ mang nhiều ý nghĩa, rất điển tích. Như ngôn sứ Êlya có lần nói: ông cũng từng “bước theo Ngài.” Và, cái khó của việc này, không là: tìm hiểu xem Ngài là thần thánh hay Đức Chúa rất thực/hư, mà tự hỏi xem mình có đủ thực lực khi quyết định “bước đi theo Ngài” cho đến mút cùng cuộc đời? Đó chính là vấn đề.

Vấn đề, như nội dung truyện “Anh em nhà Karamazov” của Dostoievsky, trong đó có vấn nạn của tay tội đồ đưa ra với Chúa: “Phúc Âm của Ngài, ôi lạy Chúa, sao đưa ra quá nhiều đòi hỏi đến thế? Đòi hỏi ấy, chỉ nên đem đến với giới tuyển lựa hoặc nhóm/hội ở cấp cao chỉ muốn điều tuyệt đối, không khuyết điểm. Đòi hỏi này, không dành để cho người thường. Và, đó là lý do khiến bọn tôi sắp đổ ụp xô nước lên đầu họ. Bọn tôi sẽ loại bỏ chủ thuyết quyết liệt từng khiến nhiều người hãi sợ. Bọn tôi còn tính dìm sâu thứ ấy xuống mức độ chỉ những người hững hờ, lờ vờ mới chấp nhận, thôi. Bọn tôi cũng quyết tâm khiến thế giới chối bỏ đòi hỏi này, nhân danh tình thương của mọi người. Và sẽ không để sự thế này quấy rầy làm mất đi sự êm ắng vẫn có.”

Trình thuật, nay cho thấy đòi hỏi của Chúa thật cũng cao so với người giàu và cả những người Do thái sủng mộ rất đức độ từng bỏ hết mọi sự, để “bước đi theo Ngài”.

Có truyện kể về người trẻ nọ cũng khá giàu, từng nghe đấng bậc vị vọng trong Đạo vẫn khuyên mọi người đừng sống đời cao sang, ngạo mạn nhưng cứ khiêm nhu, dễ bảo như con trẻ. Anh nghĩ đó là động thái dễ coi rẻ, chẳng bận tâm. Nghe mãi cũng nhàm tai, cuối cùng anh rời Đạo Chúa trước nay mình từng đi theo. Ít năm sau đó, anh như một số người ở trong nước, cũng đầu quân tham gia cuộc chiến khốc liệt ở Việt Nam, để thi hành nghĩa vụ người dân như dân quân trong nước.

Buổi tối trời nọ, anh được giao trọng trách phải thức suốt, hầu canh gác cho đồng đội ngủ/nghỉ. Quá buồn chán với lối sống không lộ hé tương lai ngời sáng, anh bị bệnh trầm thống và căng thẳng đến độ đã ra tay giết người, cách vô cớ. Tối hôm đó, anh rơi vào cảnh tình tối tăm, mọn hèn bèn tự hỏi: “Chúa đâu rồi, sao không đến cứu con khỏi tình huống kiệt quệ và rất quẫn này? Cứ thế, rồi anh lang thang, lan man chốn vô định rồi nghĩ quẩn: sẽ có ngày anh cũng bị đồng đội giết chết. Nghĩ thế rồi, anh bèn theo đường khác để sống sót. Con đường anh tìm gặp, là cảnh huống biết tuân phục, xót thương người đồng loại và rất mực công chính, khác với kiểu cách mà xã hội lâu nay dẫn dụ anh đi theo.

Từ đó về sau, anh sống tốt lành như thời trẻ, rất hồn nhiên/vui vẻ với mọi người. Thế rồi, nhờ ơn lành đến từ đâu đó, anh trở về sống giống mọi người được dạy hãy “bước đi theo Ngài” như đấng bậc hiền từ, biết hy sinh mọi sướng vui vật chất hầu thuyết phục thế giới trở thành chốn an vui, lành mạnh.

Trình thuật hôm nay, cũng mô tả việc Chúa kêu mời những người “bước theo Ngài” biết nhận đón đám trẻ bé, rất vui tươi. Có lẽ, thánh Máccô khi viết trình thuật hôm nay, là muốn bảo với người đọc rằng: hãy đáp ứng lời mời của Chúa mà từ bỏ lối sống nhiều đắng cay, sai sót của người lớn. Hãy đáp ứng, trở về với cách sống đầy tin tưởng như trẻ nhỏ. Tin tưởng như trẻ nhỏ, là có tâm tình vẫn cứ tin vào người khác, chẳng bận tâm chuyện thực/hư, hơn/thiệt. Tin như trẻ nhỏ, là cứ để người lớn dẫn dắt mình rồi dấn bước, chẳng nghĩ suy.

Về với thực tế, có hai yếu tố quan trọng cần chú ý: một là, cứ nghĩ suy như thể mình không là nhân vật quan trọng, ở trần thế. Nghĩ như thế, cũng là điều tốt vì sẽ giúp ta biết hoà mình với người khác qua thực hành. Và, cũng là điều tốt, vì biết rằng mọi người quan trọng hơn ta. Thứ hai nữa, hãy để người khác kể cho ta biết con đường tốt/xấu, mà quyết định thực hiện; thay vì cứ bị những chiều hướng và cảnh tình không quan yếu khiến ta sống cứng ngắc. Hai yếu tố này, giúp ta hiểu rõ và chấp nhận rằng: dù mình có là đấng nào đi nữa, chẳng ai là người trọn lành, toàn thiện vào mọi lúc.

Trẻ bé nhỏ, vẫn hồn nhiên thực hiện những gì chúng thấy vui tươi thích thú. Chỉ người lớn mới là người lúc nào cũng thấy mọi sư ra khó khăn, dễ tự kỷ ám thị để rồi mãi mãi bị ám ảnh mình đã tốt lành rồi, chẳng cần đổi thay, biến cải để nên trẻ bé hồn nhiên, vui tươi.

Ví dụ điển hình kể ra ở đây, là trường hợp của một người khá giàu, nhưng đã cho đi tất cả để rồi nghe theo tiếng mời gọi của Đức Chúa mà làm việc thiện, là Lm Helder Camera, ở Brazil. Ông nay cũng đã trăm tuổi, nếu kể về ngày sinh. Ông được hấp thụ một nền giáo dục bảo thủ, chuyên chăm đạo đức khá chính thống, vẫn được khuyến khích trở thành linh mục Dòng, và sau đó làm Giám mục khá trổi trang. Ông khám phá ra nước Brazil mình khá nghèo khổ, khốn khó. Kể từ đó, ông đã nghe theo tiếng Chúa mời gọi ông “bước đi theo Ngài” mà sống giữa người nghèo, để phục vụ họ.                        

Cũng vì sống chung đụng với người nghèo khó, nên ông đã trở thành tiếng nói của họ, cho họ; tức: đã đại diện cho những người không có tiếng nói. Không dám nói. Ông đã ngả về phía người nghèo bằng và qua tư cách của ngôn sứ. Ông đòi hỏi mọi người đem đến cho người nghèo không chỉ mỗi tấm lòng bác ái thôi, nhưng cả sự công bằng nữa. Ông tập trung nhấn mạnh vào sự công chính như điều kiện để được bình an. Ông sống rất năng động nhưng không bạo loạn. Ông hoạt động năng nổ nhưng không nổ dòn, để lấy tiếng.

Cứ từ từ, ông gầy dựng tình huynh đệ nơi những người có tính nhân bản, để họ gia nhập nhóm/hội người nghèo, như kẻ nghèo. Ông gần gũi những người bị coi như đồ bỏ; giúp họ trỗi dậy tìm giải pháp cho các khó khăn họ vẫn gặp. Ông thiết lập một thứ “ngân hàng thiên định” chuyên chăm lo cho những người có nhu cầu bức thiết qua “tín dụng vĩ mô” để họ sở hữu những gì tối thiểu hầu sống theo cung cách có tình người, mà chung sống. Ông từng nói và chứng tỏ cho người nghèo thấy một số chức sắc trong Đạo vẫn muốn mọi người quên đi cuộc sống và tiếng nói của ông. Đức Gioan Phaolô đệ Nhị vẫn coi ông như người anh em của kẻ nghèo và như huynh đệ đích thực của ngài.

Thật rất dễ, để nghĩ rằng mình đang “bước đi theo Ngài” nếu cứ tưởng tượng Chúa đã nói với mình trong giấc mơ. Nhưng, như thế không là “bước đi theo Ngài” cách đích thực. Quả thật, Đức Giêsu đã đi theo và đi đến với người nghèo. Ngài quay về phía ta để yêu cầu ta cũng bước đi theo Ngài mà gia nhập nhóm/hội người nghèo. Chỉ khi đó, ta mới nhận ra được sự thật nơi Lời Ngài từng nói: Thật khó cho anh nhà giàu làm được chuyện ấy. Khó cho anh, dám bỏ mọi sự mà dấn bước theo Ngài. Thế nhưng, với ta, tất cả chẳng có gì khó vì Chúa vẫn giúp ta, hỗ trợ ta nếu ta biết sống như trẻ bé, vui tươi, và sẵn sàng. Đó là khả năng tiềm ẩn nơi con trẻ dám dấn bước dõi theo sự thật, dù rất nghèo.

Trong tâm tình đó, có lẽ cũng nên ngâm thêm lời thơ vừa vang vọng ở trên, để hát rằng:

            “Em biết chăng, giấc thuỷ tinh vỡ tan từ buổi đó.

            Lúc cúi đầu lặng lẽ bước chân đi.

            Chút loạn cuồng xa lạ nẻo đường về.

            Trong lồng ngực anh nghe tim rạn nứt, ô hay nhỉ…” 

             (Nguyễn Tâm Hàn – Này em)

Giấc thủy tinh có vỡ tan, anh vẫn lặng lẽ “bước đi theo Ngài”. Theo Ngài, là theo người nghèo có Chúa trong họ. Nơi lồng ngực vỡ tan, rạn nứt. Bởi, tim của người nghèo là con tim tuy bé bỏng nhưng rất cao sang. Yên hàn. Rộng mở.    

Lm Kevin OShea DCCT biên soạn –

Mai Tá lược dịch.

Chiều thơm, ru hồn người bồng bềnh

Chuyện Phiếm đọc trong tuần 28 Thường niên năm B 14-10-2018

 “Chiều thơm, ru hồn người bồng bềnh”
“Chiều không, im gọi người đợi mong
Chiều trông cho mềm mây ươm nắng
Nắng đợi chiều nắng say
Nắng nhuộm chiều hây hây.”

(Vũ Thành An – Bài Không Tên Số 8)

(2 Thessalônikê 3: 3)

 Mùi thơm của buổi chiều vàng, cũng “ru hồn người bồng bềnh” được thế sao? Thế còn, các hiện-tượng ở đời lâu nay vẫn ru hồn người vào chốn phù du, khó thấy thì thế nào?

Thế đó, là hiện-tượng của cái gọi là “fake news”, tức: tin dỏm, tin giả, hoặc tin ngụy-tạo toàn những chuyện nhảm-nhí trong đời người, rất chán ngán. Vừa qua, có một nhận định cũng “cháng ngán” được diễn-tả bằng các ngôn-từ như sau:

“Fake news” = tin giả, tin dỏm, tin đồn, tin nhảm, tin ngụy tạo… – đang bùng nổ trong kỷ nguyên thông tin không biên giới. Fake news đang như một đại dịch toàn cầu. Khi có thể ảnh hưởng cả cuộc bầu cử tổng thống thì vấn đề fake news không phải là chuyện nhỏ vô hại như bề ngoài nhảm nhí của nó… 

Vượt phạm vi gây nhiễu xã hội với những tin đồn mua vui vô thưởng vô phạt, “fake news” còn đang được sử dụng cho mục đích chính trị. Có thể nói đây là biến tướng mang tính xu hướng của thời đại thông tin nằm dưới những ngón tay lướt chạm màn hình.”

Thế đấy, là những sự-kiện trải dài trong đời người, hệt như lời nghệ sĩ từng phát-biểu ở nhạc-bản được hát tiếp, sau đây:

“Ngày đi qua vài lần buồn phiền.
Người quen với cuộc tình đảo điên.
Người quên một vòng tay ôm nhớ.
Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay.
Vắng nhau một đêm, càng xa thêm nghìn trùng.
Tiếc nhau một đêm, rồi mai thêm ngại ngùng.
Mai sau rồi tiếc, những ngày còn ấu thơ.
Lần tìm trong nụ hôn lời nguyện xưa mặn đắng.
Về đâu, tâm hồn này bềnh bồng.
Về đâu, thân này mòn mỏi không.
Về sau và nhiều năm sau nữa.
Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay”.

(Vũ Thành An – bđd)

Hôm nay, ngồi buồn theo dõi những lời ca, tiếng hát của người nghệ sĩ đã “ru hồn” tôi, hồn người vào chốn miền rất nhung nhớ. Nhớ, cả khung trời kỷ niệm từng hằn in nơi ký-ức nhiều người, mãi đến hôm nay.

Hôm nay và mai rày, vẫn còn đó niềm vui/nỗi buồn làm lung-lạc cả người nghe lẫn người hát, rất khủng khiếp. Mai ngày hoặc hôm nay, còn thấy mãi khung trời kỷ niệm miên man ấy. Cũng một “lũ kỷ niệm” từ đâu đó, giờ đây về “ru hồn người” chốn phù du xuyên suốt. Bềnh bồng, nhưng không nhiêu khê, khó tả. Hôm nay và mai ngày, người người sẽ còn ru như thế đến muôn đời, rất khôn nguôi.

Hôm nay đây, lại đã thấy một thứ “ru hồn người” cũng khá “chuẩn” qua một số câu chuyện hoặc sự việc khiến lòng người tỉnh-táo với những lời từng được trích-dẫn như sau: 

“Ngày xưa, có nhóm 138 học giả đạo Hồi từ 43 nước trên thế giới có thư ngỏ gửi cộng đồng tín hữu Đức Kitô vốn đề cập và đề nghị đưa tình thương yêu vào vị trí ưu tiên cao nhất cho hai Đạo. 

Và, các vị đã đồng thuận ký thư trên để tỏ bày rằng tình thương yêu vẫn là và phải là mẫu-số-chung cho sinh hoạt của hai Đạo. Mẫu-số-chung ấy, là nền tảng và mục tiêu để hai đạo đặt ra cho mình thực hiện. Mẫu-số-chung, là mẫu số rất chung về lòng mến Chúa và yêu người đồng loại, cả hai gộp lại làm một. Một mục tiêu, một điểm nhấn ngõ hầu ta phụng thờ chỉ một Chúa, thôi. 

Bởi, Ngài là Tình Yêu đích thật để ta biến nó thành hiện thực, với mọi người. Chính đó, là lòng mến mà tỏ ra với Chúa và với nhau để tôn vinh, kiến tạo cùng một chí hướng. Đức Chúa của Tình Yêu luôn đi bước trước trong sáng tạo và trao ban Tình Yêu cho ta theo cung cách cả hai Đạo đưa ra cho mọi người. Các học giả đạo Hồi ở trên lâu nay nới rộng vòng tay thân thương/hợp tác để cùng với cộng đoàn tín-hữu Chúa Kitô, coi đó như sáng kiến quả cảm, đặc biệt.

    Để phúc đáp, nhóm đối-tác bên Đạo là các học-giả từng đặt cơ-sở ở đại học Yale, Hoa Kỳ cũng nới rộng vòng tay yêu thương của Đạo, với người anh em bên đó. Nhưng, trước khi hồi đáp bằng động-thái thương yêu, các vị trong nhóm nói đây đã yêu cầu anh em đạo Hồi “hãy thứ tha các động-thái mà tiền-nhân mình xử sự trong quá-khứ. Các đấng bậc trên cũng xin cộng-đồng người Hồi và các vị trong tổ chức “Xót-Xa-Tình-Nên-Một” hãy thứ tha cho các lầm lỡ mà anh em bên Đạo Chúa mắc phạm. 

Điều mà tiền-nhân xưa từng sơ-xuất, người thời đó gọi là “Thánh chiến”, nay đổi lại bằng tên gọi rất mới và cũng rất thời thượng, đó là: “Chiến tranh chống khủng bố”, nhưng thực sự chỉ nhắm vào anh em Hồi giáo, mà thôi. Bằng việc này, các học-giả Đạo Chúa đã xưng thú lỗi lầm mình sai phạm với người anh em đạo Hồi và mong là những việc như thế sẽ không tái-diễn.

           Học-giả Đạo Chúa công-nhận rằng: ngay từ đầu, sự xung-đột giữa hai đạo, dù được gán cho cái tên nào thánh thiêng đi nữa, vẫn không mang tính đạo-giáo và hàm-ẩn tầm-kích chỉ biết chống/phá thương yêu, mà thôi. Và, các vị lại cũng công-nhận, rằng: vấn-đề gây ưu-tư, trăn trở ở nhiều thời, đã tạo ảnh hưởng xấu lên phân nửa số dân trên thế giới. Và, các ngài lại khẳng định: việc này ảnh-hưởng không ít lên viễn-tượng hoà-bình và công-chính, cho thế-giới. 

Từ đó, các học giả nói trên đã dùng mẫu-số-chung “yêu thương” với lời lẽ làm nền cho mọi hành-xử để các vị không còn đặt nặng tính cá-biệt giữa hai đạo, mà chỉ tập-trung lên mấu-số chung căn-bản của Đạo. Bởi, cuối cùng thì: trọng-tâm của mọi nhóm/hội đoàn-thể vẫn nhắm vào tình thương yêu trải dài với mọi người. Thương yêu, là lòng kính-sợ Chúa, mến mộ Đạo và cảm thông với hết mọi người bằng mẫu-số-chung của hai đạo. 

Thương yêu, là lòng sủng-mộ ta có với Chúa và với người đồng-loại, bất kể người đó là ai? Theo tôn giáo nào? Về điểm này, hai nhóm trên đều cố lướt thắng hết mọi sự, ngõ hầu đạt cùng đích là cảm-thông/yêu thương, xoá bỏ mọi khác biệt dễ gây hận thù. 

Nhóm anh em đạo Hồi cũng nói đến tình thương yêu từ Đấng Thánh Vô Giới Hạn luôn xót thương mọi người. Trong khi Đạo Chúa, dưới tầm nhìn của người Do thái giáo, cũng nói nhiều về Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu, Đấng làm cho mặt trời toả sáng trên mọi thứ tốt/xấu. Ngài là Đấng khiến cho mưa rơi trên đầu người công-chính cũng như những kẻ bất-lương, chia rẽ. Mưa vẫn rơi, cho thế giới đạo Hồi và Đạo Chúa, suốt mọi thời. 

Hai bên đã tôn trọng nhau qua kinh-nghiệm về Thiên-Chúa-Đầy-Lòng-Yêu-Thương đã đi bước trước trong việc thương yêu loài người, dù người đó là nam hay nữ, già hay trẻ, Công giáo hay đạo Hồi. Không thể nói: mình tin Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu cho đến khi nào mình nhận ra rằng: mọi người đều đã xích gần nhau bằng tình thương-yêu Ngài ban tặng ta, cùng một kiểu. Điều này sẽ cải biến ý-tưởng về “người đồng loại”. Ta thương yêu người đồng-loại như Chúa dạy rằng: tất cả phải nên một, gom gộp lại. Không thể nói là mình thật sự tin vào Chúa mà lại không ưa thích những gì mà đồng-loại mình mong ước hoặc không thực-thi hành-động những gì mình muốn cho đồng-loại của mình có được.    

Ngày 4/11/2008, một nhóm các lãnh-đạo và thần-học-gia từ các nước theo đạo Hồi đã đến Rôma để đối-thoại với thủ-lãnh và các thần-học-gia Công giáo về “Giới Lệnh” Chúa ban. Mỗi nhóm gồm 24 vị đã đích-thân hội-kiến Đức đương-kim Giáo-Hoàng nhằm tái-lập mẫu-số-chung thương-yêu từng để lạc mất.

 Ngay ngày đầu, các vị trao đổi về nền-tảng Giới Lệnh thương-yêu theo truyền-thống của cả hai bên. Những ngày sau đó, các vị cũng bàn về phẩm-giá con người, về việc tôn trọng phẩm-giá đã nẩy mầm từ nền-tảng yêu thương Chúa tạo cơ-sở cho hiệp-nhất.    

Ngày cuối cùng mở ra cho mọi người, cả chúng dân ngoài nhóm nữa. Tất cả như một, đều nguyện-cầu để mọi người trở nên một trong Yêu-thương do Chúa đề xuất. Đây là bước ngoặc lịch-sử sẽ dẫn dắt cả hai đạo tiến xa/tiến mạnh đem hoà-bình đến cho thế-giới. Điều thú-vị, là các thần-học-gia Công giáo cũng nhấn-mạnh sự quan-ngại về hành-xử của tín-đồ Đạo Chúa đối với đồng loại, nói chung. Trong khi đó, các thần-học-gia đạo Hồi tập-trung nhiều vào Tình thương yêu Chúa.    

Cách đây 150 năm, chức sắc nọ trong chính quyền Hoa-Kỳ đến gặp Joseph, một lãnh tụ Da Đỏ có tên là “Lỗ Mũi Xỏ” của Hoa Kỳ. Chức sắc này, nói nhiều về lợi-ích ban tặng người sắc-tộc nếu họ chấp-nhận mở trường học tại khu-vực họ sinh-sống. Ngay lúc ấy, tộc trưởng Joseph nói: “Chúng tôi thật chẳng muốn có trường học nào ở đây hết”. Khi được hỏi lý-do sao lại thế, thì trưởng tộc Joseph cho biết đơn-giản chỉ vì: “Làm thế, người Mỹ sẽ chỉ lo mỗi chuyện dạy con em chúng tôi cách xây nhà thờ mà thôi.” 

Chức sắc kia lại hỏi: “Vậy thì, các ông không muốn có nơi phụng thờ sao?” Câu trả lời thật dễ hiểu: “Không! Chúng tôi không muốn nhà thờ! Tại sao ư? Thì, có nhà thờ rồi, bọn tôi chỉ mải mê tranh-cãi về Thượng Đế, đến độ không bao giờ chấm-dứt. Và chúng tôi chẳng muốn cãi nhau về Thượng Đế, bởi con người chúng ta chỉ rành rẽ cãi tranh những gì thuộc con người, thôi. Chúng tôi chẳng muốn học và biết những chuyện như thế!”

 Ai giỏi vi-tính, hãy vào “Google” mà đánh chữ “linh thiêng” sẽ thấy hơn một chục trang diễn-giải từ-ngữ này. Có trang, còn nói cả tuồng vọng cổ do nghệ-sĩ Hương Lan thủ vai nữa. Có trang, lại bàn về tính thánh-thiêng cao cả, nơi con người. Có trang, cũng đề-cập đến cách sống mật-thiết với Tình Yêu “lành thánh” vẫn rất thực. 

Sống mật thiết với Chúa bao gồm ba lãnh-vực. Thứ nhất, về bản-chất của kinh-nghiệm, tức: bản-chất niềm-tin đích-thực, của con người. Thứ hai, gợi kinh-nghiệm của con người về tôn-giáo vốn diễn-giải sự thể lâu nay gọi là triết/thần. Một khi con người tìm ra ngôn-ngữ chung cho lãnh-vực thứ nhất, sẽ không cần gì hơn cho hai lãnh vực kia. 

Tóm lại, chỉ một lĩnh-vực duy-nhất cần-thiết cho mọi người, là “yêu thương người đồng-loại”, mà thôi.” (X. Lm Kevin O’Shea DCCT, Suy niệm Lời Ngài Chúa Nhật 22 Thường Niên năm B 2/9/2018)

Thật ra, nếu bảo rằng các linh mục Đạo Chúa lại cứ giảng rao Tin Mừng bằng lời lẽ hoặc tư-tưởng hệt như kiểu “ru hồn người bồng bềnh” với sóng dồn, thì chắc chắn người nghe cũng đi vào Nước Trời im ắng, chẳng cần thưa thốt.

Thật ra thì, giảng rao Tin Mừng ở đâu đi nữa, cũng chẳng là chuyện “ru hồn người” theo cách sao đó, mà chỉ là chuyển-tải cho nhau, đến với nhau bằng một tình huống êm-ru bà rù, rất nghe quen.

Quả thật, có nhiều cách “ru hồn người” vào chốn miền nào đó, nhưng vẫn không làm người được ru cứ thế đắm chìm trong chốn tối tăm mịt mù “đợi nắng nhuộm chiều hây hây” đâu. Quả thật, đời người cũng có nhiều tình-huống rất “ru hồn người” bằng câu truyện kể cũng đáng nể nhưng khá buồn như câu truyện ở bên dưới còn giữ lại:

“Truyện rằng,

Tại trước khu chợ Phúc Lộc Thọ, CA, Phuc Jean cũng đã gặp một bà già Việt Nam lụ khụ ngả nón ăn mày. Không biết bà sang Mỹ đã lâu hay bây giờ mới qua? Tại sao bà lại phải ăn mày ở cái xứ người già có tiền trợ cấp xã hội đàng hoàng? Ôi, vì sao? tại sao? làm sao? 

Trong giờ lễ Chủ Nhật, tại nhà thờ Saint Columban, linh mục T.  đã làm nhiều người nghe phải nhỏ lệ khi ông kể một câu chuyện về một người Mẹ đã nuôi cả mười đứa con thành công về tài chánh, đứa bác sĩ, đứa kỹ sư, dược sĩ, nhưng rồi cả mười đứa con ấy, không nuôi nổi một bà Mẹ già. Đứa nào cũng có lý do để từ chối không muốn ở với Mẹ. 

Linh mục T. cũng kể lại lúc ông còn ở Chicago, có một lần trong thời tiết lạnh giá, đến thăm một bà Mẹ, thấy căn nhà rộng mông mênh, không có ai, vì hai vợ chồng đứa con đi làm cả. Điều ông quan tâm là thấy trong nhà rất lạnh, bà Mẹ phải mặc hai áo nhưng vẫn lạnh cóng. Ông có hỏi bà mẹ tại sao không mở máy sưởi, thì bà Mẹ cho biết là không dám mở vì sợ khi con đi làm về, sẽ càm ràm là “tốn tiền điện quá!” Những đứa con sang trọng kia, có thể chờ đến ngày Lễ Mẹ, thì đưa mẹ ra ăn tô phở, hoặc gọi điện thoại về nhà, nói: “I love you, mom!” Thế là đủ bổn phận của một đứa con thành công ở Mỹ đối với người mẹ yêu dấu của mình. 

Những Bà Mẹ ở đây là hiện thân của Mẹ Việt Nam đau khổ, đã hy sinh cả cuộc đời cho con cái, nhưng khi con cái phụ rẫy, bỏ bê, cũng im lặng chấp nhận cho đến hết cuộc đời.

Có biết bao nhiêu trường hợp như thế trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại? Biết bao nhiêu bà mẹ âm thầm, lặng lẽ chịu đựng tất cả những đau khổ từ khi lấy chồng, sinh con, rồi ráng nuôi dạy con nên người, sau đó lại chấp nhận những đứa con bất hiếu như một định mệnh mà không hề thốt lời than vãn?

 Một bà mẹ đã dành dụm bao năm buôn gánh bán bưng để cho con vượt biên một mình, sau đó, khi qua đến Mỹ, thằng con sợ vợ quá, không dám để mẹ ngủ trong phòng, mà bảo mẹ phải ngủ dưới đất trong phòng khách. Một lần, con chó xù của hai vợ chồng đứng đái ngay vào đầu mẹ. Bà mẹ kêu lên, thì đứa con dâu cười, trong khi chồng đứng yên, chẳng dám nói gì. 

Bà mẹ khác, không được ở chung với con trai, phải thuê một phòng của người bạn, vì sức khoẻ yếu, lúc nào cũng lo là chết không có ai chôn. Khi nghe nói về bảo hiểm nhân thọ, bà có năn nỉ thằng con trai đứng tên mua giùm, để bà bớt chút tiền già và đóng hàng tháng để mai sau, con có tiền lo hậu sự cho bà, nhưng đứa con dâu nhất định không chịu, cho rằng “tốn tiền vô ích, chết thì thiêu, liệng tro xuống biển là xong, chôn làm gì cho mất thời giờ đi chăm sóc.” Bà cụ uất quá, phát bệnh và qua đời. Không biết rồi bà có được chôn cất đàng hoàng theo ý muốn, hay lại bị cô con dâu vứt tro ra biển. 

Không thiếu những bà mẹ khi đến thăm con trai, phải ngồi nhìn vợ chồng ăn uống ríu rít với nhau, vì con dâu không chịu dọn thêm một chén cơm mời mẹ. Một bà mẹ nhớ con nhớ cháu quá, đến thăm con, nhưng sợ con dâu sẽ nhiếc móc thằng chồng, nên vừa vào tới cửa đã vội thanh minh: “Mẹ không ăn cơm đâu! Mẹ vừa ăn phở xong, còn no đầy bụng. Mẹ chỉ đến cho thằng cháu nội món quà thôi!”

 Không thiếu những bà mẹ vì lỡ đánh đổ một chút nước trên thảm mà bị con nhiếc móc tơi bời. “Trời đất ơi! Cái thảm của người ta cả vài ngàn bạc mà đánh đổ đánh tháo ra thế thì có chết không?” 

Có bà mẹ bị bệnh ung thư, biết là sắp chết, mong được con gái đưa về Việt Nam, nhưng con đổ thừa cho chồng không cho phép về, rồi biến mất tăm, sợ trách nhiệm.. Mẹ phải nhờ người đưa ra phi trường, nhờ người dưng đi cùng chuyến bay chăm sóc cho đến khi về tới nhà. Từ lúc đó đến lúc mẹ mất, cả con gái lẫn con rể, cháu chắt cũng chẳng hề gọi điện thoại hỏi thăm một lần.

 Một bà mẹ già trên 70 tuổi rồi, có thằng con trai thành công lẫy lừng, bốn năm căn nhà cho thuê, nhưng bà mẹ phải lụm cụm đi giữ trẻ, nói đúng ra là đi ở đợ vì phải lau nhà, rửa chén, nấu cơm, để có tiền tiêu vặt và để gộp với tiền già, đưa cả cho… con trai, một thanh niên ham vui, nhẩy nhót tung trời, hai, ba bà vợ. Mỗi khi gặp bà con, chưa cần hỏi, bà đã thanh minh: “Ấy, tôi ngồi không cũng chả biết làm gì, thôi thì đi làm cho nó qua ngày, kẻo ở nhà rộng quá, một mình buồn lắm!”

 Trong một cuộc hội thoại, một bà mẹ đã khóc nức nở vì chỉ đứa con gái phụ rẫy, bỏ bà một mình cô đơn. Bà chỉ có một đứa con gái duy nhất, chồng chết trong trại cải tạo. Trong bao nhiêu năm, bà đã gồng gánh nuôi con, rồi cùng vượt biên với con, tưởng mang hạnh phúc cho hai mẹ con, ai ngờ cô con chờ đúng 18 tuổi là lẳng lặng xách vali ra đi.. Nước mắt bà đã chảy cho chồng, nay lại chảy hết cho con. 

 Tại những nhà dưỡng lão gần trung tâm Thủ Đô Tị Nạn, có biết bao nhiêu bà mẹ ngày đêm ngóng con đến thăm nhưng vẫn biệt vô âm tín. Một bà cụ suốt ba năm dài, không bao giờ chịu bước xuống giường, vì biết rằng chẳng bao giờ có đứa con nào đến thăm. Bà đã lẳng lặng nằm suốt ngày trên giường như một sự trừng phạt chính mình vì đã thương yêu con cái quá sức để đến tình trạng bị bỏ bê như hiện tại.. 

Sau ba năm, bà mất vì các vết lở, vì nỗi u uất, mà những người chăm sóc bà vẫn không biết gia cảnh bà như thế nào, vì bà không hề nhắc đến. Có điều chắc chắn là khi bà còn là một thiếu nữ, bà phải là một mẫu người làm cho nhiều người theo đuổi, quyến luyến, tôn sùng. Chắc chắn bà đã trải qua bao năm tháng thật tươi đẹp, vì cho đến khi mất, khuôn mặt bà, những ngón tay bà, và dáng dấp bà vẫn khoan thai, dịu dàng, pha một chút quý phái. Nhưng tất cả những bí ẩn đó đã được bà mang xuống mồ một cách trầm lặng.

 Một buổi chiều tháng 5, tại một tiệm phở Việt Nam, một mẹ già đứng tần ngần bên cánh cửa. Khi được mời vào, mẹ cho biết mẹ không đói, nhưng chỉ muốn đứng nhìn những khuôn mặt vui vẻ, để nhớ đến con mình, đứa con đã bỏ bà đi tiểu bang khác, để mẹ ở với đứa cháu là một tên nghiện rượu, đã hăm doạ đánh mẹ hoài. Hắn đã lấy hết tiền trợ cấp của mẹ, lại còn xua đuổi mẹ như cùi hủi. Hôm nay, hắn lái xe chở mẹ đến đầu chợ, đẩy mẹ xuống và bảo mẹ cút đi! Mẹ biết đi đâu bây giờ? 

Trong một căn phòng điều trị tại bệnh viện Ung Thư, một bà cụ đã gào lên nức nở khi người bệnh nằm bên được chuyển đi nơi khác. “Bà ơi! Bà bỏ tôi sao? Bà ơi! Đừng đi! Đừng bỏ tôi nằm một mình! Tôi sợ lắm, bà ơi!” Những tiếng kêu, tiếng khóc nấc nghẹn đó lặp đi lặp lại làm người bệnh sắp chuyển đi cũng khóc theo. Người y tá cũng khóc lặng lẽ. Anh con trai của người sắp đi xa, không cầm được giọt lệ, cũng đứng nức nở. Cả căn phòng như ngập nước mắt. Mầu trắng của những tấm trải giường, mầu trắng của tấm áo cánh của bà cụ như những tấm khăn liệm, tự nhiên sáng lên, buồn bã. Bà cụ nằm lại đó đã không có đứa con nào ở gần đây. Chúng đã mỗi đứa mỗi nơi, như những cánh chim không bao giờ trở lại. 

Trên đại lộ Bolsa, thỉnh thoảng người ta thấy một bà mẹ già, đẩy chiếc xe chợ trên chứa đầy đồ linh tinh. Mẹ chỉ có một cái nón lá để che nắng che mưa. Khuôn mặt khắc khổ của mẹ như những đường rãnh bùn lầy nước đọng, đâu đó ở chợ Cầu Ông Lãnh, Thủ Thiêm, gần bến Ninh Kiều, Bắc Mỹ Thuận hay ở gần cầu Tràng Tiền, Chợ Đông Ba? Mẹ đi về đâu, hỡi Mẹ? Những đứa con của mẹ giờ chắc đang vui vầy…” (Chu Tất Tiến – trích gia đình NAZARETH) 

Cuối cùng thì, có “ru hồn người” cách êm ả thế nào đi nữa, thì hồn người/lòng người vẫn “tỉnh như sáo sậu”, đến khôn nguôi.

Cuối cùng thì, “ru hồn người” theo cách nào đi nữa, cũng chỉ ru bằng những câu ca rất ư êm ả qua các hát ở trên, vẫn thêm thắt một đoạn kết, những hát rằng:

“Chiều thơm, ru hồn người bồng bềnh”
“Chiều không, im gọi người đợi mong
Chiều trông cho mềm mây ươm nắng
Nắng đợi chiều nắng say
Nắng nhuộm chiều hây hây.

Ngày đi qua vài lần buồn phiền.
Người quen với cuộc tình đảo điên.
Người quên một vòng tay ôm nhớ.
Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay.
Vắng nhau một đêm, càng xa thêm nghìn trùng.
Tiếc nhau một đêm, rồi mai thêm ngại ngùng.
Mai sau rồi tiếc, những ngày còn ấu thơ.
Lần tìm trong nụ hôn lời nguyện xưa mặn đắng.
Về đâu, tâm hồn này bềnh bồng.
Về đâu, thân này mòn mỏi không.
Về sau và nhiều năm sau nữa.
Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay”.

(Vũ Thành An – bđd)

Và, dù tôi/dù bạn có hát những lời ru miên-man như thể bảo: “Về sau và nhiều năm sau nữa, có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay”, câu hát này vẫn không thể nào sánh kịp lời đấng thánh hiền từng bảo ban, như sau:

“Nhưng Chúa là Đấng trung tín:

Ngài sẽ làm cho anh chị em được vững mạnh,

và bảo vệ anh chị em khỏi ác thần.

Trong Chúa, chúng tôi tin tưởng vào anh chị em:

anh chị em đang làm

và sẽ làm những gì chúng tôi truyền.

Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh chị em,

để anh chị em biết yêu mến Thiên Chúa

và biết chịu đựng như Đức Kitô.”

(2Thess 3: 3)

Xem thế thì, niềm tin của tôi và của bạn cũng sẽ chắc-nịch hơn “lời buồn thánh” những hát lên câu “Chiều thơm, ru hồn người bềnh bồng”… mỏi mòn, mãi về sau. 

 Trần Ngọc Mười Hai

Và những điệu ru hơi buồn

về cuộc đời người.

Rất hôm nay.