Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. (Lc 9:23)-Cha Vương

Mến chúc bạn và gia quyến Mùa Chay thật ý nghĩa trong sự tương quan với Thiên Chúa, với chính mình, và tha nhân nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 15/02/2024

TIN MỪNG: Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. (Lc 9:23)

SUY NIỆM: Mùa Chay là thời gian để xem xét coi điều gì khiến bạn xao lãng lời kêu gọi vác thập giá mỗi ngày và theo Chúa Giêsu. Nó nhắc nhở bạn rằng con đường của Chúa Giêsu là con đường đau khổ, con đường thập giá, chấp nhận cái chết và bị thế gian chối bỏ. Nhưng ở cuối cuộc hành trình là sự phục sinh. Hàng ngày bạn đang phải đối diện với một quyết định sinh tử. Con đường dẫn đến cái chết hay là con đường chết đi chính mình để được sống vĩnh cửu với Chúa? Bạn chọn đường nào? Jean Tauler OP, một nhà thần bí của thế kỷ 14 đã nói trong các bài giảng của mình: “Vì vậy, nếu bạn ra khỏi mình trọn vẹn, Thiên Chúa sẽ bước vào trọn vẹn; bạn ra khỏi mình bao nhiêu, Ngài bước vào bấy nhiêu, không hơn không kém.” Muốn có được Thiên Chúa, trước hết bạn phải mất tất cả, vì con đường của tâm hồn là con đường hạ xuống thấp. Tự cởi bỏ chính mình để giữ lại trang phục sống lại.

LẮNG NGHE: Khi tôi kêu khấn CHÚA Trời, / Người đã nghe tiếng tôi, cứu tôi khỏi bọn người xông đánh. Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay CHÚA, / Người sẽ đỡ đần cho, chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ. (Tv 55:17-20, 23)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con đặt hết niềm tin tưởng vào Chúa khi gặp khó khăn đau khổ trong cuộc sống vì con biết  rằng Chúa không bao giờ để con một mình trong cơn nguy hiểm. Có Chúa con sẽ không sợ hãi gì!

THỰC HÀNH: Mời bạn hãy trọn vẹn với Chúa bằng cách loại bỏ những thói hư tật xấu đang âm thầm huỷ hại mối quan hệ giữa mình với Chúa và những người chung quanh.

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=2B4BVEsZgfs

THÁNH GIÁ NÀO CHO CON. Ca sĩ: Ngọc Lan

Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh. (1 Pr 1:13-16)-Cha Vương 

Hôm nay ngày Thứ 3 “béo”, ăn uống no nê zui zẻ nhé. Ô mà, nhưng đừng quên dâng một lời cầu nguyện khẩn thiết cho những nạn nhân của chiến tranh trên thế giới nhé.

Cha Vương 

Thư 3: 13/02/2024

TIN MỪNG: Vì thế, anh em hãy chuẩn bị lòng trí, hãy tỉnh thức, hãy hoàn toàn đặt niềm trông cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện. Như những người con biết vâng phục, anh em đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội. Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh. (1 Pr 1:13-16)

SUY NIỆM: Hôm nay là ngày Thư Ba “béo” tức là ngày thứ 3 trước Thứ Tư Lễ Tro. Pháp ngữ gọi là Mardi Gras, Anh ngữ là Fat Tuesday – còn gọi là Pancake Day. Theo truyền thống, người ta cũng gọi là Shrove Tuesday – ngày mà các Kitô hữu đi xưng tội (shrive oneself) để được tha tội (be shrove, be shriven). Gọi là Thứ Ba “béo” vì hôm đó người ta “vui như Tết”, ăn uống linh đình để hôm sau (Thứ Tư Lễ Tro) bắt đầu bước vào Mùa Chay. Mùa Chay là mùa sám hối, người ta muốn tận hưởng “ngày cuối cùng” của không khí lễ hội. Đó là lý do người ta thường gọi Thứ Ba “béo” là Ngày Bánh Kếp (Pancake Day). Vào ngày này, các Kitô hữu thời Trung cổ ăn uống kham khổ hơn chúng ta ngày nay, họ dùng trứng, bơ và sữa để làm bánh kếp. Trứng, bơ và sữa cấm dùng trong Mùa Chay. Rõ ràng họ ăn chay nghiêm ngặt hơn chúng ta nhiều.

Ở Anh, truyền thống đó vẫn giữ cho tới ngày nay. Cha mẹ chuẩn bị cho con cái ăn chay và kiêng thịt vào Thứ Tư Lễ Tro, nên họ cho con cái ăn bánh kếp và thịt heo hun khói (bacon), rồi kể cho chúng nghe chuyện các Kitô hữu giữ chay 40 ngày: Không thịt, không trứng, không sữa. Họ giúp con cái biết thêm về “ngày cuối cùng” này của mùa lễ hội trước khi vào Mùa Chay.

Trong bầu không khí tưng bừng nhộn nhịp hoà với những hẹn hò ăn uống nhậu nhẹt của Thư Ba “Béo”, Thánh Phê-rô mời gọi những người theo Chúa hãy biết vâng phục, đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội nhưng hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em.

LẮNG NGHE: Chúa đã thương bênh đỡ phù trì, / Người kéo tôi ra chỗ thảnh thơi, / vì yêu thương tôi nên Người giải thoát. (Tv 17,19-20)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là chân lý của tình yêu, xin đốt lên trong con lửa yêu mến Chúa và đẩy lùi bóng tối sự dữ đang muốn phủ lấp tâm hồn con, xin giúp con biết sống phó thác và thực thi thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời con.

THỰC HÀNH: Kiểm tra và thay đổi lại cách ăn nết ở của mình để nên giống Chúa hơn một tí nhé.

From: Do Dzung

Khát Khao – Hiệp Lễ (Mình Máu Thánh Chúa)

Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa-Cha Vương

Hôm nay mùng 3 Tết, chúc bạn và gia quyến Năm Mới lòng không bức rức, xác càng sung sức, cảm xúc không bực tức, long thể không đau nhức, việc làm gấp đôi lợi tức, tiền vào thơm phức, hăng say làm việc phúc đức…

Cha Vương

Thứ 2: 12/02/2024

TIN MỪNG: Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai,… trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ. (1 Cr 10:31-33)

SUY NIỆM: Trong tâm tình của ngày mùng 3 Tết là ngày cầu xin Chúa thánh hoá công ăn việc làm của bạn. Mời bạn hãy dâng lên Chúa tất cả những công việc sẽ làm trong năm mới này, cùng với những lao nhọc cực khổ bạn sẽ gặp:

* Xin Chúa giúp bạn có việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình.

* Xin Chúa giúp bạn cảm thấy hạnh phúc trong công việc của mình.

* Xin Chúa mở rộng con tim của bạn để bạn biết chia sẻ cho những người túng thiếu.

* Nhất là, xin Chúa giúp bạn được nên thánh trong công việc hằng ngày—bằng cách khi làm việc, bạn không quên Chúa, nhưng luôn nhớ đến Chúa và cậy nhờ vào Ngài.

LẮNG NGHE: Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm. (Tv 90:17)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa “giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người mà còn để làm trạng Danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại thế “ (Kinh Tiền Tụng lễ Mùng 3 Tết) Xin giúp con biết sử dụng những gì trong tầm tay để tôn vinh Chúa và vui vẻ hăng say dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân.

THỰC HÀNH: Ông Tê-tu-li-a-nô dạy người tín hữu phải làm mọi việc với tinh thần đức Tin như sau: “Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Mời bạn hãy thi hành lời dạy này trong năm mới nhé.

 From: Do Dzung

Sống Trong Niềm Vui – Nguyễn Hồng Ân ft Hiền Thục | Sáng Tác: Lm. Nguyễn Duy

Gia đình là Hội thánh thu nhỏ nghĩa là gì?- Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia quyến nhé. Bầu không khí Tết đang sôi động lòng người khắp nơi, nào ta hãy hướng về Chúa là niềm vui và là Chúa Xuân vĩnh cửu.

Cha Vương

Thứ 4: 02/07/2024

GIÁO LÝ: Khi nói gia đình là Hội thánh thu nhỏ nghĩa là gì? Hội thánh ở trên qui mô lớn, gia đình ở trên qui mô nhỏ, đó là hình ảnh Tình yêu Chúa trong cộng đồng nhân loại. Thực vậy, mọi cuộc hôn nhân đều được hoàn thành khi mở ra cho người khác, cho con cái Thiên Chúa gửi đến, cho sự chấp nhận nhau, cho sự hiếu khách, cho việc phục vụ mọi người. (YouCat, số 271)

SUY NIỆM: Điều quyến rũ nhất nơi các Kitô hữu của Hội thánh đầu tiên, những người vừa mới theo “đạo”, đó là các Hội thánh thu nhỏ. Một người đến và tin vào Chúa thường kéo theo cả gia đình họ; và nhiều người trở thành tín hữu và xin được Rửa tội (Cv 18,8). Nhiều gia đình trở về với Chúa đã trở thành những đảo nhỏ sống đạo trong một thế giới không đức tin, trở thành những nơi để cầu nguyện, để chia sẻ và để tiếp đón ân cần thân mật. Rôma, Côrintô, Antiôkia, những thành phố lớn thời xưa có rải rác nhiều Hội thánh thu nhỏ, giống như những điểm chiếu sáng. Ngày nay, những gia đình được Chúa Kitô cư ngụ cũng có thể trở thành men làm cho xã hội chúng ta được đổi mới.

❦  Nếu bạn muốn ai trở thành Kitô hữu, hãy mời họ sống trong nhà bạn một năm. (Thánh Gioan Kim Khẩu)

❦  Không ai lại không có gia đình trong thế giới này. Hội thánh là nhà, là gia đình của mọi người, đặc biệt của những người đau khổ và đang mang những gánh nặng.

(Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn gia đình), (YouCat, số  271 t.t.)

LẮNG NGHE: Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ. (Mt 18:20)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là cội nguồn của mọi gia đình dưới đất, xin Chúa thánh hoá mọi gia đình để họ trở nên nhân chứng cho tình thương bao dung và hợp nhất trong mọi lãnh vực.

THỰC HÀNH: Chúa có đóng vai trò quan trọng nhất trong gia đình (Giáo hội thu nhỏ) của bạn không? Cố gắng tạo điều kiện để có giờ cầu nguyện chung trong gia đình nhé.

From: Đỗ Dzũng

CHÚA MÙA XUÂN – Thanh Hoài

Thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn, tử đạo – Cha Vương

Chuẩn bị đón Tết chưa? Chúc bạn và gia đình một ngày thật hạnh phúc trong yêu thương nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 06/02/2024

Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn, tử đạo. Ngày 5 tháng 2 năm 1597, hai mươi sáu Ki-tô hữu đã bị đóng đinh thập giá ở Na-ga-xa-ki (Nhật Bản). Trong số đó có những nhà truyền giáo từ châu Âu đến như các tu sĩ dòng Tên và dòng Phan-xi-cô, nhưng còn có cả các tu sĩ Nhật Bản, như thánh Phao-lô Mi-ki (sinh khoảng năm 1564/1566) và mười bảy giáo dân gồm: các giáo lý viên, các người thông ngôn, hai bác sĩ, và cả các trẻ em nữa. Tất cả đều tươi cười, nhiều người còn ca hát khi chịu chết để làm chứng cho Chúa Ki-tô. Sau đây là đoạn trích truyện tử đạo của thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn do một tác giả cùng thời thuật lại.

Thật là kỳ diệu khi thấy các vị tử đạo bị treo trên khổ giá mà tất cả đều một niềm kiên trung theo lời cha Pa-xi-ô và cha Rót-ri-ghê lần lượt khuyên bảo. Cha đặc uỷ vẫn ở yên dường như bất động, mắt đăm đăm nhìn trời. Để cảm tạ lòng nhân từ của Chúa, thầy Mác-ti-nô hát mấy thánh vịnh kèm theo câu : Trong tay Ngài, lạy Chúa. Thầy Phan-xi-cô cũng lên tiếng dõng dạc tạ ơn Thiên Chúa. Thầy Gun-xan-vô thì cất cao giọng đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng.

Phao-lô Mi-ki, người anh em của chúng tôi, khi thấy mình ở nơi cao trọng hơn hết mà trước kia chưa bao giờ được ở, trước tiên đã nói cho những người đứng chung quanh biết mình là người Nhật và thuộc dòng Tên, mình chết vì loan báo Tin Mừng và tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân cao cả đó, rồi thêm những lời sau đây : “Đã đến lúc này, tôi thiết tưởng không ai trong quý vị lại tin rằng tôi muốn che giấu sự thật. Vậy tôi xin tuyên bố cùng quý vị là không có con đường nào đưa tới ơn cứu độ, ngoài con đường các Ki-tô hữu đang đi. Vì con đường đó dạy tôi tha thứ cho kẻ thù và mọi người đã xúc phạm đến tôi, nên tôi vui lòng tha thứ cho nhà vua và mọi người đã gây ra cái chết cho tôi, và tôi xin họ hãy ao ước đón nhận bí tích Thánh Tẩy của người Ki-tô hữu.”

Rồi đưa mắt nhìn các bạn, người khuyến khích họ trong cuộc chiến đấu cuối cùng này. Trên nét mặt mọi người thấy rạng rỡ một niềm vui, nhất là niềm vui trên gương mặt Lu-y.

Khi một Ki-tô hữu nói lớn với người rằng chẳng bao lâu nữa người sẽ ở trên thiên đàng, thì các ngón tay và toàn thân người biểu lộ niềm vui chan chứa, khiến ai nấy đều đưa mắt nhìn người.

An-tôn, ở bên cạnh Lu-y mắt đăm đăm nhìn trời, sau khi kêu tên cực trọng Giê-su, Ma-ri-a, thì xướng thánh vịnh đã học được trong lớp giáo lý ở Na-ga-xa-ki : Hỡi tôi tớ Chúa, hãy dâng lời ca ngợi. Quả vậy, trong lớp đó, để dạy giáo lý, người ta cho các trẻ em học thuộc lòng một số thánh vịnh.

Sau hết, người thì lặp lại nhiều lần “Giê-su, Ma-ri-a” với nét mặt bình thản, người thì khuyên bảo những kẻ đứng chung quanh sống sao cho xứng danh Ki-tô hữu. Với những hành vi tương tự, các ngài tỏ ra sẵn sàng chịu chết.

Bấy giờ, theo thói quen của người Nhật, bốn đao phủ rút kiếm ra khỏi bao: thấy cảnh tượng khủng khiếp đó, mọi tín hữu kêu lên: “Giê-su, Ma-ri-a”, tiếng khóc than thảm thiết tiếp theo sau vang lên thấu tận trời. Trong khoảnh khắc, các đao phủ đã kết liễu cuộc đời mỗi vị bằng một hay hai nhát kiếm.

Bạn đã và đang làm gì để làm chứng nhân cho Chúa Giê-su Ki-tô trong môi trường sống của bạn?

From: Do Dzung

Anh Hùng Tử Đạo. Sáng tác: Hồ Khanh & Minh Hương. Ca Trưởng Thanh Tùng 

Thánh Agata Sicilê (c. 235?-251), đồng trinh tử đạo.- Cha Vương

Chúc một ngày thật ấm áp bên Chúa và người thân yêu nhé! Hôm nay 5/2, Giáo Hội mừng kính Thánh Agata Sicilê (c. 235?-251), đồng trinh tử đạo. Đặc biệt là qua lời chuyển cầu của thánh nhân nhiều bệnh nhân bị ung thư vú đã được chữa lành. Vậy hôm nay mời bạn hãy dành thời gian để cầu nguyện cho những ai đang mắc bệnh liên quan đến vú.

Cha Vương

Thứ 2: 05/02/2024

Cũng như trường hợp của Thánh Agnes, vị đồng trinh tử đạo thời Giáo Hội tiên khởi, chúng ta không có dữ kiện lịch sử chắc chắn về Thánh Agata, ngoại trừ sự kiện ngài chịu tử đạo ở Catania  trong thời kỳ cấm đạo của hoàng đế Rôma là Decius năm 251.

Theo truyền thuyết, ngài sinh trưởng năm 235 tại Catania, Sicily (nước Ý) trong một gia đình giầu có. Khi còn trẻ, ngài đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, và từ chối bất cứ lời cầu hôn nào. Một trong những người say mê ngài là Quintian, là người có địa vị cao trong xã hội nên nghĩ rằng có thể ép buộc thánh nữ. Biết ngài là Kitô Hữu nên ông ra lệnh bắt giữ và đưa ra xét xử – bởi chính ông. Hy vọng rằng vì sợ hãi sự tra tấn và cái chết, thánh nữ sẽ đành phải trao thân cho ông, nhưng ngài nhất quyết tin tưởng vào Thiên Chúa, và cầu nguyện rằng: “Lạy Ðức Kitô Giêsu, là Chúa mọi sự! Ngài đã thấy lòng con, Ngài biết con muốn gì. Xin hãy làm chủ toàn thể con người của con – chỉ mình Chúa mà thôi. Con là chiên của Ngài; xin giúp con vượt qua sự dữ một cách xứng đáng.”

Sau đó, Quintian tống Agata vào nhà gái điếm lấy cớ ngài là người Công Giáo với hy vọng ngài sẽ thay đổi ý định. Sau một tháng bị đánh đập và xỉ nhục, Quintian lại đưa ngài ra xét xử, nhưng Agatha vẫn không lay chuyển, vẫn can đảm tuyên xưng rằng chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể ban cho ngài sự tự do. Quintian lại tống ngài vào ngục thay vì nhà gái điếm. Và khi ngài tiếp tục tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giêsu, Quintian ra lệnh tra tấn. Ðể trả thù, bạo quan hạ lệnh nướng ngài trên giường sắt. Sau đó, người ta lại tống giam thánh nữ. Tương truyền thì trong đêm đó, thánh Phêrô đã hiện ra và chữa lành cho ngài. Dù bị quan trấn Quintian nhiều lần dụ dỗ, ngài vẫn một lòng trung kiên với đạo Chúa. Dù đau đớn lăn lộn trên than hồng và mảnh chai nhọn, ngài vẫn tin cậy vào Chúa, Ðấng sẽ cứu linh hồn ngài. Chính cử chỉ của thánh nữ khiến cả thành phố náo động, Quintian sợ dân nổi loạn nên truyền giam thánh nữ trong ngục.

Ngài đã chết rũ tù ngày 25 tháng 2 năm 251 tại Catania, Sicily. Trước khi chết, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, là Ðấng dựng nên con, Ngài đã gìn giữ con từ khi còn trong nôi. Bởi tình yêu thế gian Ngài đã dẫn dắt con và ban cho con sự kiên nhẫn để chịu đựng đau khổ. Xin hãy nhận lấy hồn con.”

Thánh nữ đã làm nhiều phép lạ như che chở thành Catania khỏi hiểm họa núi lửa Etna. Ngay từ thời đó, người ta đã cầu khẩn và cậy trông vào sự cầu bầu của thánh nữ. Ngài được coi là quan thầy của xứ Palermo và Catania, và được chọn làm quan thầy các bà vú nuôi và cũng được cầu khẩn khi bị tai nạn vì lửa và vì bệnh nhủ bộ.

(Nguồn: Người Tín Hữu )

Lạy Chúa, thánh nữ A-ga-ta đã luôn luôn làm đẹp lòng Chúa, vì vừa sống cuộc đời kiên trinh, vừa can trường hy sinh tử đạo. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu cho chúng con được ơn tha thứ. Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Ki-tô Chúa chúng con. A men. (Lời nguyện, Lễ nhớ)

From: Đỗ Dzũng

Niềm Tin Kiêu Hùng – Anna Trần Thanh Huyền / Nhạc Thánh Ca 


Thánh Blase (Biagio)-Cha Vương

Thánh Blase (Biagio)

Mến chào bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay Giáo hội mừng kính Thánh Blase (Biagio), mời Bạn suy niệm về đời sống nhân đức của Ngài.

Cha Vương

Thứ 7: 03/02/2024

Chúng ta biết nhiều về sự sùng kính của Kitô Hữu đối với Thánh Blase hơn là tiểu sử của ngài. Trong Giáo Hội Ðông Phương, ngày lễ kính ngài được coi là một ngày lễ lớn. Công Ðồng Oxford, vào năm 1222 đã cấm làm việc xác trong ngày lễ Thánh Blase (hay còn gọi là Thánh Biagio). Người Ðức và người Ðông   u rất kính trọng thánh nhân, và trong nhiều thập niên, người Công Giáo Hoa Kỳ thường chạy đến với thánh nhân để xin chữa bệnh đau cổ họng.

Chúng ta được biết Ðức giám mục Blase chịu tử đạo năm 316 ngay trong giáo phận của ngài ở Sebaste, Armenia. Mãi cho đến 400 năm sau mới có huyền thoại viết về ngài. Theo đó, Thánh Blase là một giám mục tốt lành, làm việc vất vả để khuyến khích giáo dân sống lành mạnh về tinh thần cũng như thể xác.

Mặc dầu chỉ dụ Toleration, năm 311, đã cho phép tự do tôn giáo ở Ðế Quốc Rôma hơn năm năm, nhưng ở Armenia, việc bách hại vẫn còn dữ dội. Hiển nhiên là Thánh Blase buộc phải rời bỏ giáo phận và sống trong rừng núi. Ở đó ngài sống trong cô độc và cầu nguyện, làm bạn với thú rừng.

Một ngày kia, có nhóm thợ săn đi tìm thú dữ để dùng trong đấu trường và tình cờ họ đã thấy hang động của Thánh Blase. Từ kinh ngạc cho đến sợ hãi, họ thấy vị giám mục đi lại giữa đám thú dữ một cách điềm tĩnh để chữa bệnh cho chúng. Nhận ra ngài là giám mục, họ bắt ngài về để xét xử. Trên đường đi, ngài ra lệnh cho một con sói phải thả con heo nó đang cắn giữ vì đó là của người đàn bà nghèo. Khi Thánh Blase bị giam trong tù và bị bỏ đói, người đàn bà này đã đền ơn ngài bằng cách lẻn vào tù cung cấp thức ăn cho thánh nhân.

Ngoài ra, truyền thuyết còn kể rằng, một bà mẹ có đứa con trai bị hóc xương đã chạy đến ngài xin cứu giúp. Và sau lời truyền của Thánh Blase, đứa bé đã khạc được chiếc xương ra khỏi cổ.

Agricolaus, Thủ Hiến xứ Cappadocia, tìm mọi cách để dụ dỗ Thánh Blase bỏ đạo mà thờ tà thần. Lần đầu tiên từ chối, ngài bị đánh đập. Lần kế tiếp, ngài bị treo trên cây và bị tra tấn bằng chiếc lược sắt cào vào thân thể. Sau cùng ngài bị chém đầu năm 316. Người được tôn kính như quan thầy các thợ chải len, những người bị đau cuống họng.

(Nguồn: Người Tín Hữu online)

Sau đây là Kinh cầu Thánh Blase được dùng để khẩn cầu cho những ai mang bệnh của cổ họng: “Qua lời cầu bầu của Thánh Blase, là giám mục và là vị tử đạo, xin Thiên Chúa chữa con khỏi bệnh tật của cổ họng và khỏi mọi sự dữ. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Kinh cầu Thánh Blase). Xin Thánh Blase, cầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng

XIN CHÚA CHỮA LÀNH CON || ST: HUỲNH MINH KỲ || Trình bày: Triệu Ngọc Yến 


Lễ Dâng Chúa Giê-su vào Đền Thánh-Cha Vương 

Một ngày tuyệt vời trong Chúa nhé! Nào ta hãy tiếp tục tạ ơn Chúa và xin dâng hai chữ “tôn vinh” lên Ngài! Hôm nay Giáo Hội mừng kính Lễ Dâng Chúa Giê-su vào Đền Thánh ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy nhé.

Cha Vương 

Thứ 6: 02/02/2024

TIN MỪNG: Si-mê-ôn ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ. (Lc 2:29-30)

 SUY NIỆM: Cách đây bốn mươi ngày, chúng ta đã hân hoan cử hành lễ Chúa Cứu Thế giáng sinh. Hôm nay chúng ta mừng ngày Chúa Cứu Thế được Thân Mẫu và thánh Giuse dâng cho Thiên Chúa Cha trong đền thánh. Nhìn từ bên ngoài, ta thấy Người làm theo luật dạy, nhưng thực ra, qua biến cố này, Người đến gặp dân  Người. Quả vậy, cụ già Si-mê-on và nữ ngôn sứ An-na, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã tới đền thánh. Cũng chính nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng mà các ngài đã NHẬN  ra em bé Giêsu chính là Chúa của mình và hoan hỷ loan báo cho những người khác. (Sánh Lễ Rôma, lời dẫn) Việc gì xảy ra qua biến cố này? Họ đã (1) NHẬN RA em bé Giêsu chính là Chúa của mình và (2) HOAN HỶ loan báo cho những người khác. Nhìn lại những khoảnh khắc trong cuộc đời Bạn, có bao giờ Bạn NHẬN RA hay gặp được Chúa chưa? Bạn đã làm gì sau khi gặp được Ngài? Có phải Chúa Giêsu khi đồng bàn với hai môn đệ trên đường Em-mau thấy “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người.”? (Lc 24:30-31) Tâm tư của Bạn thế nào khi Bạn rước Chúa vào lòng trong Thánh Lễ?

LẮNG NGHE: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. (Ga 6:54)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu là Chúa của con, rao giảng Lời Chúa thì dễ      nhưng làm chứng cho Chúa thì rất khó vì nó đòi hỏi con phải dấn thân và hy sinh nhiều hơn, xin cho con dám mạnh dạn làm chứng cho Chúa bằng cách chia sẻ niềm vui và bình an cho tha nhân bất chấp thiệt thòi nguy hiểm.

THỰC HÀNH: Hãy chia sẻ khoảnh khắc gặp Chúa (God’s moment) của Bạn cho một người nào đó hôm nay nhé.

From: Đỗ Dzũng

Vâng Theo Ý Cha – Angelo Band (Lyrics Video)

Hội thánh có lập trường thế nào với những người li dị rồi tái hôn-Cha Vương 

Tháng 2 rồi bạn ơi! Chuẩn bị đón Xuân chưa? Chúc một ngày an lành nhé. Đừng quên cầu nguyện cho nhau.

Cha Vương 

Thứ 5: 01/012/2024

GIÁO LÝ:  Hội thánh có lập trường thế nào với những người li dị rồi tái hôn? Theo lời dạy của Chúa Giêsu, Hội thánh vì tình yêu đón nhận họ cách yêu thương. Bất cứ ai thành hôn trong Hội thánh, sau đó li dị, rồi tái hôn, thì làm nghịch lại đòi hỏi rõ ràng của Chúa Giêsu là “hôn nhân bất khả phân ly”. Hội thánh không thể xóa bỏ đòi hỏi này. Đã rút lại sự trung tín khi ly dị, rồi lại tái hôn, đó là phản lại với bí tích Thánh Thể, là bí tích nói lên đặc tính Tình yêu Thiên Chúa không thể đảo ngược, không thể đổi thay. Do đó, những người tái hôn này đã sống trong tình trạng mâu thuẫn như thế, họ không được rước lễ. (YouCat, số 270)

*Lưu ý: Nếu một giao ước hôn nhân đã tháo gỡ (annulled) thì hai “vợ chồng” không còn bị ràng buộc gì với nhau nữa, hoàn toàn tự do, họ có thể lập gia đình với bất cứ ai hay với nhau. Tuy nhiên, phải lưu ý về những ngăn trở “cũ”, nếu chúng còn hiện diện, chúng sẽ là nguyên cớ khiến giao ước hôn phối vô hiệu một lần nữa.

**Nếu ai ly thân hoặc ly dị mà quyết định sống đời sống độc thân—không đi một bước nữa, thì họ vẫn được rước lễ.

 SUY NIỆM: Đức Bênêđictô XVI nói rằng không phải giải quyết mọi trường hợp như nhau, Đó là một “tình trạng đau khổ” và ngài mời gọi các mục tử cần phân biệt những tình trạng khác nhau, để giúp đỡ về phần thiêng liêng, và bằng cách thích hợp nhất các tín hữu đó. (Bí tích tình yêu, 29)

Những người ly dị tái kết hôn, mặc dầu trong tình trạng như vậy họ vẫn thuộc về Hội thánh, Hội thánh vẫn chăm chú theo họ cách đặc biệt, và ước mong họ cố gắng phát triển một lối sống Kitô hữu bằng cách vẫn tham dự Thánh lễ, nhưng không rước lễ ; bằng cách nghe Lời Chúa, thờ lạy Chúa trong bí tích Thánh Thể và cầu nguyện; bằng việc tham gia vào đời sống cộng đoàn; bằng việc đối thoại không ngần ngại với một linh mục hay một người hướng dẫn thiêng liêng, bằng việc tận tụy bác ái cụ thể và làm việc đền tội, bằng việc dấn thân để giáo dục con cái họ.

(Đức Bênêđictô XVI, Bí tích tình yêu) (YouCat, số  270 t.t.)

LẮNG NGHE: Thưa anh em, khi được kêu gọi ở địa vị nào, mỗi người cứ ở địa vị đó trước mặt Thiên Chúa. (1 Cr 7:24)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, bao nhiêu gia đình đang đau khổ về mặt thể xác lẫn tinh thần, xin Chúa hàn gắn và chữa lành những rạn nứt do tội lỗi và tính ích kỷ gây ra để cho gia đình họ được vui vẻ và hạnh phúc.

THỰC HÀNH: Làm một hy sinh để cầu nguyện cho những gia đình mà bạn biết đang gặp khó khăn nhé.

From: Do Dzung

TỰ TÌNH – Nguyễn Hồng Ân 


Thánh An-giê-la Mê-ri-si, Trinh nữ-Cha Vương

Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn một ngày mới để mang chữ “NHÂN” vào những mảnh đời đang đau khổ. Hôm nay 27/1 Giáo Hội mừng kính thánh An-giê-la Mê-ri-si, Trinh nữ. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 27/01/2024

Thánh nhân sinh ngày 21 tháng 3 năm 1474  tại Desenzano, xứ Lombardie, Ý Đại Lợi. An-giê-la  mồ côi cha mẹ và ở với các anh và cậu. Vào lúc 56 tuổi, An-giê-la Mê-ri-si (Angela Merici) từ chối lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng. Ngài biết Ðức Clementê VII muốn ban cho ngài một vinh dự lớn lao và một cơ hội vĩ đại để phục vụ khi đức giáo hoàng yêu cầu ngài nhận trách nhiệm lãnh đạo một dòng nữ tu chuyên về điều dưỡng. Nhưng An-giê-la  biết công việc điều dưỡng không phải là điều Thiên Chúa muốn mời gọi ngài thi hành.

Ngài mới từ Ðất Thánh trở về. Khi trên đường đến đó ngài bị bệnh nặng và bị mù. Tuy nhiên, ngài nhất quyết tiếp tục cuộc hành hương và thăm viếng các thánh địa với tất cả lòng sùng kính hơn là muốn chiêm ngưỡng bằng cặp mắt. Trên đường về ngài được chữa lành và được sáng mắt. Ðiều ấy chắc chắn đã nhắc nhở ngài rằng không thể nhắm mắt trước nhu cầu của những người chung quanh, và đừng đóng cửa lòng trước lời mời của Thiên Chúa.

Ở khắp nơi trong thành phố, đâu đâu ngài cũng thấy các em gái nghèo nàn, không có học vấn và cũng không có tương lai. Trong thế kỷ mười lăm và mười sáu của Thánh Angela, vấn đề giáo dục phụ nữ là dành cho người giầu và cho các nữ tu. An-giê-la là người có học thức. Cha mẹ ngài chết sớm khi ngài mới mười tuổi và sau đó ngài phải sống với người chú. Ngài thực sự bối rối khi thấy chị của ngài từ trần mà không được lãnh nhận các bí tích. Trong một thị kiến ngài được đảm bảo là chị của ngài được an toàn trong bàn tay Thiên Chúa — và cũng qua thị kiến ấy ngài tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa.

Khi chú ngài từ trần, trở về nhà ngài nhận thấy các em gái trong vùng không có một chút học vấn. Nhưng ai sẽ dạy các em? Thời ấy thật khác biệt. Phụ nữ không được phép làm nghề giáo và các cô chưa chồng thì không được tự ý đi ra ngoài — dù để phục vụ người khác. Nữ tu là các phụ nữ có kiến thức nhưng họ không được phép bước chân ra khỏi tu viện. Thời đó không có dòng nữ tu chuyên về giáo dục như ngày nay.

Ðể giúp đỡ các em, An-giê-la nghĩ ra một phương cách mới. Ngài quy tụ một nhóm các cô thuộc dòng Ba Phanxicô, đi ra đường phố và tụ tập các em gái lại để dạy học cho các em. Các cô không có tiền cũng như không có quyền thế, họ chỉ có tấm lòng tận tụy cho việc giáo dục và cho Ðức Kitô. Sống trong chính nhà của mình, họ gặp gỡ để cầu nguyện và dạy học. Họ thành công đến nỗi An-giê-la được yêu cầu đưa sáng kiến ấy để thực hiện ở các thành phố khác, và đã làm nhiều người kinh ngạc, kể cả đức giáo hoàng.

Mặc dù ngài từ chối đức giáo hoàng, nhưng có lẽ thỉnh cầu của đức giáo hoàng đã gợi ý cho ngài thấy rằng cần phải chính thức hóa tổ chức của ngài. Mặc dù chưa bao giờ là một nữ tu, Hội Thánh Ursula của An-giê-la  là nhóm nữ tu đầu tiên hoạt động ngoài khuôn khổ nhà dòng và là dòng nữ đầu tiên chuyên lo giáo dục.

Thánh An-giê-la Mê-ri-si từ trần ngày 27 tháng 1 năm 1540 tại Brescia, khi ngài khoảng bảy mươi tuổi. Mộ phần trở nên một nơi hành hương. Thánh tích còn tại thánh đường Thánh Afra, Brescia Ý Đại Lợi. Ngay sau khi qua đời, nữ tu Angela đã được dân chúng thành phố ca tụng như một đấng thánh. Họ đến kính viếng thi hài của chị thánh đông đảo đến độ phải hoãn lễ an táng đến 30 ngày sau.

Thánh nữ được tôn phong Chân Phước năm 1768 do Đức Giáo Hoàng Clement XIII và đến ngày 27 tháng 5 năm 1807 Đức Giáo Hoàng Pius VII đã ghi tên thánh nữ vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội.

(Nguồn: Dòng Tên)

Mời bạn suy niệm 2 câu nói của ngài hôm nay nhé:

1/ Chúng ta phải làm phúc bố thí. Đức bác ái chinh phục và lôi kéo các linh hồn đến với nhân đức.

2/ Hãy nhớ rằng ma quỷ không ngủ đâu nhưng luôn tìm đủ mọi cách để huỷ hại chúng ta.

3/ Hãy làm ngay bây giờ những gì mà bạn ao ước làm khi giờ lâm tử của bạn đến.

Câu nào đánh động bạn nhất? Theo mình thì câu 3

Lạy Thiên Chúa nhân từ, Chúa đã cho thánh An-giê-la trinh nữ nên gương bác ái và khôn ngoan; vì lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con cũng noi theo Người mà trung thành tuân giữ lời Chúa dậy, và tuyên xưng đức tin trong cuộc sống hằng ngày

(Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh nữ An-giê-la Mê-ri-si).

 From: Do Dzung

Lời Nguyện Cầu (Sáng tác: Sr. M. Tigon) – Tuyết Mai

Lễ Thánh Phaolô trở lại – Cha Vương

  • Chúc một ngày an lành và mọi sự tốt đẹp trong bàn tay quan phòng của Chúa. Hôm nay 25/1 Giáo Hội mừng kính Lễ Thánh Phaolô trở lại, ta hãy xin cho được sự hoán cải trong tâm hồn. Xin một hy sinh nhỏ để cầu nguyện cho những người tội lỗi được ăn năn trở lại.

Cha Vương

 Thứ 5: 25/01/2024

Toàn thể cuộc đời của Thánh Phaolô có thể nói hệ tại ở một biến cố — ngài được gặp Ðức Giêsu trên đường đi Damascus. Ngay khoảng khắc đó, mọi sự hăng say của một người nhiệt huyết như ngài đều trở nên vô ích, như quả đấm ngàn cân của một tay quyền anh bị hụt hẫng. Có lẽ ngài chưa bao giờ được gặp Ðức Giêsu, mặc dù chỉ lớn hơn Ðức Giêsu vài tuổi.

Nhưng ngài ghét cay ghét đắng những gì Ðức Giêsu chủ trương khi ngài bắt đầu bắt bớ Giáo Hội: “đi vào từng nhà và bắt bỏ tù những người đàn ông cũng như đàn bà” (CVTÐ 8:3b). Bây giờ, chính ngài được “đi vào”, được chiếm ngự, mọi năng lực của ngài được khai thác cho một mục đích — trở nên một người nô lệ cho Ðức Kitô trong sứ vụ hòa giải, thành một khí cụ giúp người khác cảm nhận được Ðấng Cứu Thế.

Câu nói sau đã xác định lập trường đức tin của ngài: “Ta là Giêsu, người mà ngươi đang bách hại” (CVTÐ 9:5b). Một cách huyền nhiệm Ðức Giêsu đã đồng hóa với dân của Ngài – là những người mà Thánh Phaolô trước đây đã từng săn đuổi như các tội nhân. Ngài nhìn thấy nơi Ðức Giêsu, sự hoàn tất một cách huyền nhiệm những gì ngài đang theo đuổi cách mù quáng.

Từ đó trở đi, công việc của ngài là “giúp mỗi người trở nên hoàn thiện trong Ðức Ki-tô. Vì đó mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi” (Colossê 1:28b-29). “Vì tin mừng được loan báo cho anh chị em không chỉ bằng lời nói, mà còn trong quyền năng và trong Thánh Thần và với niềm xác tín sâu xa (1 Thess. 1-5a).

Cuộc đời Thánh Phaolô trở nên sự rao truyền không mệt mỏi và ngài sống sứ điệp thập giá: qua sự rửa tội, người Kitô chết cho tội lỗi và được mai táng với Ðức Kitô; họ là người chết đối với những gì sai trái và không giúp đưa đến sự cứu chuộc của thế gian. Họ được tạo thành một tạo vật mới, được chia sẻ vinh quang của Ðức Kitô và một ngày nào đó họ sẽ được sống lại từ cõi chết như Người. Qua Ðức Kitô phục sinh, Thiên Chúa Cha tuôn đổ Thánh Thần trên họ, biến họ trở nên hoàn toàn mới.

Do đó thông điệp vĩ đại của Thánh Phaolô cho thế giới là: Bạn đã được Thiên Chúa cứu chuộc, không do bởi bất cứ gì bạn thi hành. Ðức tin cứu độ là món quà tặng cho những ai tận hiến cho Ðức Kitô một cách tuyệt đối, tự nguyện và cá biệt, mà sự tận hiến ấy mang lại kết quả trong “công việc” nhiều hơn là những gì luật lệ mơ tưởng. (Nguồn: Người Tín Hữu)

❦  “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Côrintô 13:4-7).

Lạy Chúa, xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý. Xin hãy dẫn dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác. Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hòa bình. Xin hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con, trong thế giới chúng con, trong vũ trụ chúng con.

(Nguồn:TGP Saigon) 

From: Do Dzung

LỄ THÁNH PHAOLÔ TRỞ LẠI – Soeur TÊRÊSA || Thành Danh 

Thánh Phanxicô De Sales-Cha Vương

Chúc bình an! Hôm nay 24/01 Giáo Hội mừng kính Thánh Phanxicô De Sales. Mừng quan thầy đến những ai chọn Thánh Phanxicô De Sales là quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 24/01/24

Thánh Phanxicô De Sales (Francis de Sales) sinh năm 1567 trong một vùng biên giới nước Pháp, là con ông chúa vùng Boisy, một gia đình thượng lưu quyền quý nhà Savoia. Sống giữa hai thế kỷ XVI-XVII. Thánh nhân quy tụ nơi mình cái tinh túy của các giáo huấn và các chinh phục văn hóa thời đó, bằng cách hòa giải gia tài của thuyết nhân bản với sự thúc đẩy hướng tới cái tuyệt đối của các trào lưu thần bí. Lối sống của Ngài được đặt trên nền tảng của Lời Chúa: “Hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường thật.” (Mt 11:29) Vào lúc tột đỉnh của một cuộc thử thách, Phanxicô đến nhà thờ các cha dòng Đaminh ở Paris, rộng mở con tim cho Chúa và cầu nguyện như sau: ”Lạy Chúa là Đấng nắm giữ mọi sự trong tay, và các con đường của Ngài là công lý và sự thật, bất cứ sự gì xảy ra, bất cứ gì Chúa đã thiết định cho con… Chúa luôn luôn là thẩm phán công bằng và là Cha thương xót, con sẽ yêu Chúa, lạy Chúa… Con sẽ yêu Chúa ở đây và sẽ luôn luôn hy vọng nơi lòng thương xót Chúa và sẽ luôn luôn lập lại lời ca ngợi Chúa… Ôi lạy Chúa Giêsu, Chúa sẽ luôn mãi là niềm hy vọng và ơn cứu độ của con trên cõi đất của các kẻ sống” (I Proc. Canon., Vol I, art 4).

Nếu bạn đang lo sợ một điều gì đó, mời bạn đọc và suy niệm lời huấn từ của Thánh Phanxicô De Sales dưới đây, hãy noi gương thánh nhân để lại, biết đặt chọn niềm tin vào Chúa, hết lòng phục vụ anh em và làm chứng cho lòng yêu thương nhân hậu của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Đừng lo sợ về những biến đổi trong cuộc sống; thay vào đó, hãy nhìn vào sự kiện với trọn niềm hy vọng khi nó xảy ra. Thiên Chúa là Đấng tác tạo nên con giống hình ảnh của Ngài, sẽ dẫn dắt con vượt qua một cách an toàn; và khi con không thể chịu đựng được nữa, Chúa sẽ ẵm con trên đôi tay của Ngài. Đừng sợ hãi những gì có thể xảy ra vào ngày mai; Thiên Chúa là Đấng thấu hiểu hết mọi sự đang chăm sóc con hôm nay sẽ gìn giữ con mỗi ngày và mãi mãi. Ngài sẽ che chở con khỏi mọi đau khổ hoặc sẽ ban cho con sức mạnh bền bỉ để chịu đựng nó. Để được bình an, con hãy gạt bỏ những bồn chồn lo lắng trong suy nghĩ và trí tưởng tượng. (Để Được Bình Yên—Thánh Phanxicô De Sales)

Lạy thánh Phanxicô De Sales, xin cầu cho chúng con.

From:Do Dzung

Con thuộc về Ngài – Gia Ân