Giáo Hội Hoa Kỳ mừng kính thánh Vinh-Sơn, Phó Tế, tử đạo

Chúc Mừng Năm Mới! Chúc Tết, chúc Tết—chúc bạn khôn ngoan và dẻo gai như mèo, thoát cảnh đói nghèo, giảm bớt kèo nhèo… Mùng Hai tết, người Việt Nam ta có truyền thống bày tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ còn sống và đã qua đời: Thắp nén hương và xin lễ cho ông bà tổ tiên; đến hoặc gọi điện mừng tuổi ông bà cha mẹ… Đó là những truyền thống tốt đẹp hợp với Lời Chúa dạy rất cần phải giữ và phát huy trong thời đại ngày nay. Hơn thế nữa, không chỉ nhớ đến tổ tiên ông bà cha mẹ trong những ngày xuân hay những ngày kỷ niệm khác, mà còn phải thực hiện hành vi thảo kính mỗi ngày: tham dự thánh lễ cầu nguyện cho các ngài, quan tâm chăm sóc khi cha mẹ già yếu, bệnh tật,… Bằng không hãy coi chừng, sẽ bị khiển trách như Chúa Giêsu đã quở trách những người Pha-ri-sêu là “kẻ đạo đức giả” đó.  Hôm nay cũng là ngày Giáo Hội Hoa Kỳ mừng kính thánh Vinh-Sơn, Phó Tế, tử đạo. Xin thánh nhân chuyển cầu cho chúng con.

Cha Vương

Ca nhập lễ, lễ thánh tử đạo có viết: “Vì lề luật Chúa. Vị thánh này đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, không sợ hãi lời đe dọa của người gian ác. Bởi Người được xây dựng trên tảng đá vững bền”. Thánh phó tế Vinh Sơn đã can đảm khi bị tù ngục, tra tấn, đánh đập dã man, Ngài đã hân hoan thốt lên:” Chúng tôi sẵn sàng chịu cực hình vì tình yêu Thiên Chúa”.

THÁNH VINH SƠN: Thánh sử Matthêu viết lại lời Chúa phán như sau:” Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(Mt 16, 24 ). Lời này quả rất thích hợp với con người của thánh phó tế Vinh-Sơn. Ngài sinh ra tại Huesca, nước Tây Ban Nha. Ngay từ nhỏ, thánh Vinh Sơn đã được hấp thụ một nền đạo đức vững chắc do Ðức cha Valêriô, giám mục Sagarosse hướng dẫn. Không những Ðức Cha Valêriô truyền đạt, hun đúc đời sống cho Vinh Sơn với tất cả nền đạo đức vững chắc mà Ngài còn dậy văn chương, chữ nghĩa cho Vinh Sơn. Ðược đào tạo, hun đúc trong bầu khí thánh thiện và tràn Thánh Thần của Chúa, thánh Vinh Sơn càng lúc càng trở nên con người tốt, trở nên mẫu mực và kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô. Thấy Vinh Sơn có khả năng, lòng đạo đức, Ðức Cha Valêriô đã truyền chức phó tế cho Vinh Sơn để phụ giúp Ðức Cha trong việc loan báo Tin Mừng. Sóng gió của cơn bách hại đạo nổi dậy, nhưng thánh Vinh Sơn vẫn một mực tin cậy vào Chúa:” Ðiều đẹp ý Ngài, xin dạy con thực hiện, bởi Ngài là Thiên Chúa của con. Xin thần khí tốt lành của Chúa, dẫn con đi trên miền đất phẳng phiu”( Tv 142, 10 )” Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ”( Tv 30, 2 ). Cơn bách hại đạo càng ngày càng gia tăng khi Ðacianô được đề cử làm tỉnh trưởng Valence thời Hoàng đế Ðioclêtianô năm 300. Việc đầu tiên, Ðacianô làm là truyền bắt giam Ðức Cha Valêriô và phó tế Vinh-Sơn. Ðacianô ra lệnh tra tấn Ðức Cha Valêriô và phó tế Vinh- Sơn cách hết sức dã man và tàn nhẫn hầu dằn mặt và lung lạc tinh thần các Kitô hữu. Ðức Cha Valêriô và phó tế Vinh Sơn lúc nào cũng hân hoan vui sướng như lời thánh vịnh:” Ai ra đi trong nước mắt, sẽ về giữa vui mừng “

CHÚA YÊU THƯƠNG THÁNH VINH SƠN: Sau nhiều ngày bị giam cầm, đánh đập, tra tấn, căng xác tàn nhẫn, bỏ đói, bỏ khát, thánh nhân đã hân hoan trở về với Chúa vào ngày 22/01/304. Chúa đã trao cho Ngài mũ triều thiên tử đạo như lời Giáo Hội hát lên:” Ðây thực là vị tử đạo. Ðã đổ máu mình vì danh Ðức Kitô, không sợ hãi lời đe dọa của quan tòa và đã tiến vào thiên quốc “.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tuôn đổ ơn Thánh Thần Chúa trên chúng con, để tâm hồn chúng con được thấm nhuần tình yêu can trường, cũng như thánh Vinh Sơn tử đạo đã nhờ tình yêu đó mà thắng mọi cực hình (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Vinh Sơn, phó tế, tử đạo).

(Nguồn: Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCC)

From: Đỗ Dzũng

Nhạc Thánh Ca | Cầu Cho Cha Mẹ 7 | Đoàn Văn Tú

Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! (Pl 4:4)-Cha Vương

Chúc mừng Năm Mới đến bạn và đại gia quyến. Chúc bạn có một tâm hồn tràn đầy HY VỌNG vào Chúa là đấng ban phát mọi ơn lành để bạn được hạnh phúc và tươi vui suốt năm. Nhớ cầu nguyện cho nhau, nhất là nhưng người cô đơn trong dịp Tết này nhé.

Cha Vương

CN: 01/22/2023

TIN MỪNG: Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! (Pl 4:4)

SUY NIỆM: Hôm qua mình nhận được lời chúc Xuân thật ý nghĩa như sau: Chúc nhau câu nói đẹp lòng / Mừng nhau câu nói rộn ràng sắc xuân / Năm nay vạn phước bình an / Mới là hạnh phúc, mới là yêu thương! Ước mong lời chúc Xuân năm nay đều trở thành hiện thực trong lòng mỗi người hôm nay.

❦  Nếu mỗi ngày bạn chỉ nói những “câu nói đẹp lòng” thì mỗi ngày là một mùa Xuân phải không bạn?

❦  Nếu mỗi ngày bạn tìm cách để duy trì cảnh sắc mùa xuân trong lòng mình và chia sẻ cho nhau những gì tốt nhất, trẻ trung nhất, tươi đẹp nhất, đơn sơ nhất, chân thành nhất… thì ai cũng sẵn sàng đón nhận một ngày mới là một hồng ân.

❦  Nếu bạn muốn được bình an trong tâm hồn, trong gia đình, trong xã hội, trong đất nước, trong thế giới, bạn hãy tự hỏi tôi đang làm gì để xây dựng hoà bình ngay trong môi trường sống của tôi?

❦  Hạnh phúc thật không đến từ may mắn, không đến từ  tiền tài, danh vọng, vật chất nhưng nó đến từ Thiên Chúa, từ lòng ao ước sống theo Tám Mối Phúc Thật vì Chúa hứa:

1/ Ai có lòng khó khăn, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.

2/ Ai hiền lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy.

3/ Ai khóc lóc, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được yên ủi vậy.

4/ Ai khao khát nhân đức trọn lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy.

5/ Ai thương xót người, ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy.

6/ Ai giữ lòng sạch sẽ, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy.

7/ Ai làm cho người hòa thuận, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy.

8/ Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.

Ước mong mỗi ngày trong Năm Quý Mão này đều là một ngày Tết thật ý nghĩa tràn đầy hạnh phúc và yêu thương.

LẮNG NGHE: Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. (Mt 6:33)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, trong ngày đầu năm mới con dâng lời chúc tụng và ngợi khen Chúa là nguồn hạnh phúc và yêu thương, xin cho hết mọi người trong năm Quý Mão này được bình an mạnh khoẻ, càng thêm tuổi càng thêm nhân đức, luôn khao khát sống cuộc đời chính trực, để con trở nên giống Chúa, xứng đáng lãnh nhận phần thưởng là Nước Trời.

THỰC HÀNH: Chọn một 8 Mối Phúc Thật làm tâm điểm sống của bạn cho Năm Mới này nhé.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Annê, trinh nữ tử đạo, Người Ý (-304)

Chuẩn bị đón giao thừa chưa? Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Annê (Agnes), trinh nữ tử đạo. Mừng quan thầy đến những ai chọn Thánh nữ làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 21/01/23

Thánh Annê, trinh nữ tử đạo, Người Ý (-304)

  1. Đẹp nhưng thuộc về Chúa: Agnes là con một gia đình quý phái ở Roma, sống vào thời đang bắt đạo dữ dội. Chỉ mới 12 tuổi, cô đã chọn Chúa làm người yêu duy nhất và đem hết tâm tình yêu mến Chúa.

Tục truyền rằng Agnes rất xinh xắn, nên nhiều chàng trai muốn xin cưới, trong đó có một thanh niên ngoại giáo, con Tổng Trấn Roma xin cầu hôn. Lúc ấy ngài mới 13 tuổi.  Ngài trả lời :

-Tôi đã kết hôn với người trên trời, đã hiến trọn trái tim cho người, sống chết tôi cũng trung thành với người. Ngài chính là Chúa Giêsu vua cả, trời đất đều đáng khâm phục.

  1. Không nao núng trước cám dỗ, không sợ chết: Chàng thanh niên theo đuổi không được, nên đem lòng ghen tức, tố cáo cô là người Công Giáo. Giữa lúc cơn bắt đạo dữ dằn, thế là thánh nữ bị bắt và bị tra tấn. Agnes nhìn những dụng cụ tra tấn cách bình tĩnh.

Sau đó, tổng trấn cho dẫn cô tới nhà điếm để bị cám dỗ. Lạ lùng, tất cả những người đàn ông trong nhà đó trông thấy cô đều sợ hãi không dám lại gần. Một người nhìn cô với lòng ham muốn, liền bị mù ngay. Agnes cầu xin Chúa cho hắn, và hắn được khỏi mù. Tổng trấn thấy không chinh phục nổi cô bé, liền ra lệnh chém đầu. Thánh Ambrosio viết: “Agnes tiến ra pháp trường, còn vui hơn người ta đi ăn cưới”.

Hài cốt thánh nữ đã được an táng trong biệt thự của gia đình. Năm 321 công chúa của hoàng đế Constantinô được thánh nữ chữa lành bệnh, nên đã xây nhà thờ trên mộ thánh nữ. Thánh Ambrosio đã viết:”Hôm nay là ngày sinh nhật của trinh nữ, chúng ta hãy noi gương thánh nữ, quyết giữ hồn xác thanh sạch vì lòng mến Chúa, và dù có phải gian nan bắt bớ, chúng ta cũng hãy xin ơn trung thành bền đỗ tin yêu Chúa suốt đời”.

Người ta vẽ hình thánh nữ bế con chiên, vì tên Annê (Agnes) có nghĩa là chiên. (Nguồn: Dân Chúa)

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã chọn những gì thế gian cho là yếu kém để hạ nhục những gì hùng mạnh, hôm nay chúng con mừng kỷ niệm ngày thánh nữ Annê tử đạo về trời, xin cho chúng con hằng noi gương thánh nữ mà giữ vững đức tin. Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Kitô Chúa chúng con. (Kinh Thần Vụ)

From: Đỗ Dzũng

Thánh Fabianô, Giáo hoàng tử đạo (250) – Cha Vương

Tạ ơn Chúa một ngày mới! Mới ngủ dậy mà mình đã nghe thấy tiếng mèo kêu ngoài cửa muốn đòi vào nhà rồi. Cọp vẫn còn trong nhà mà chú mèo ơi, rán đợi thêm 48 tiếng đồng hồ nữa nhé. Chúc mọi người một ngày an lành trong tâm tình chuẩn bị đón Xuân. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Fabianô, Giáo hoàng tử đạo (250). Xin thánh nhân cầu bầu cho chúng con.

Cha Vương

Thứ 6: 20/01/2023

Thánh Fabianô là Giáo hoàng tử đạo năm 250. Đó là thời bắt đạo của vua Desius. Các văn gia tiên khởi đã viết rằng ngài là một con người vĩ đại lạ thường, nổi tiếng thánh thiện. Trong một lá thư ngắn được viết sau cái chết của Đức Fabianô, thánh Cyprianô đã giải thích cách thức Đức Fabianô được chọn làm Giáo hoàng: nhóm người họp lại chọn vị Giáo hoàng kế tiếp đã nhận được một dấu lạ là phải chọn Fabianô làm Giáo hoàng.

Theo sử gia Eusebius của Giáo Hội, bỗng dưng có một con chim bồ câu từ trần nhà bay xuống, nhưng không đậu trên “bất cứ ai nổi tiếng”. Theo Eusebius, bồ câu “đậu trên đầu Fabian giống hệt như Chúa Thánh Thần ngự trên Ðấng Cứu Thế dưới hình chim bồ câu.” Ðiều đó phải có một ý nghĩa gì liên quan đến sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, và mọi người đồng thanh tuyên bố Fabian “xứng đáng” là giáo hoàng và tuyển chọn ngài lên ngôi Giáo Hoàng thứ 20 kế vị Thánh Phêrô ngày 10 tháng 01 năm 236. Ðối với chúng ta, bồ câu tượng trưng cho sự hòa bình, và chim bồ câu ấy là điềm báo trước. Ngài là người giáo dân đầu tiên được làm Giám mục, Giáo hoàng.

Bắt đầu từ gần ngày Fabian được tuyển chọn, việc bách hại và đau khổ của  Giáo Hội cũng chấm dứt. Hoàng đế Philip, thân thiện với Kitô Hữu và không những ông ngừng bách hại mà còn chấp nhận các nghi lễ của Kitô Giáo.

Trong thời gian hòa bình, Ðức Fabian đã có thể xây dựng cơ cấu Giáo Hội Rôma, ngài đặc biệt lưu tâm đến giới nghèo. Ngài chỉ định bảy phó tế phụ tá, trao bảy khu vực trong đế quốc La Mã cho các vị trông coi và đồng thời ra chỉ thị cho các vị phải chăm sóc đặc biệt cho những người nghèo khó trong khu vực trách nhiệm của mình. Ngài cho thu thập các chứng thư tử đạo trong những năm gần đấy. Ngài cho canh tân nghi thứ phụng vụ ngày thứ năm Tuần Thánh. Trong thời ngài, cuộc xuất hành ra khỏi Roma để trốn tránh sự bách hại của Decius đã làm nảy sinh đời sống tu hành của các ẩn sĩ.

Nhưng như ở bất cứ thời gian nào, những người có quyền thường không vui khi thấy các kẻ lạ mặt gia tăng và phát đạt. Có nhiều lần người ngoại giáo đã tấn công Kitô Hữu, và khi hoàng đế Philip từ trần thì thời gian bình an cũng chấm dứt. Hoàng đế mới là Decius, ra lệnh cho mọi Kitô Hữu phải khước từ Ðức Kitô bằng cách thờ cúng tà thần, hoặc tham dự các nghi thức ngoại giáo khác.

Sau một vài năm bình an, Giáo Hội vẫn chưa đủ mạnh. Nhiều người đã không đủ can đảm để tử đạo. Nhưng Ðức Fabian, một biểu tượng hoà bình nổi bật, đã đứng lên để can đảm làm gương cho mọi người trong đàn chiên. Ngài chịu tử đạo ngày 20 tháng 01 năm 250 và được chôn cất trong nghĩa trang Calixtus, là nơi chính ngài giúp tân trang.

Trong Nghĩa Trang Calixtus, ngày nay vẫn còn có một bia đá dùng để đậy mồ Thánh Fabian, bị vỡ làm bốn mảnh, có mang dòng chữ Hy Lạp, “Fabian, giám mục, tử đạo.” Những di tích của Đức Fabianô hiện đang được lưu giữ trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Sêbastianô. (Nguồn: ns Người Tín Hữu online, Cố Lm Hồng Phúc, CSsR)

From: Đỗ Dzũng

Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. (Ga 6:53)-Cha Vương

Một ngày bình yên và hạnh phúc trong Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 19/01/2023

GIÁO LÝ:  Tại sao có quá nhiều dấu hiệu và biểu tượng trong phụng vụ? Thiên Chúa biết chúng ta không những là con người có tinh thần mà còn có thể xác nữa; vì thế chúng ta cần dấu hiệu và biểu tượng để thấu hiểu và diễn tả các thực tại thiêng liêng hay thâm sâu trong lòng.

(YouCat, số 181)

SUY NIỆM: – Chúng ta luôn dùng những dấu hiệu để diễn tả những tâm tình thâm sâu giúp chúng ta hiểu nhau: những bông hồng, những hình vẽ … Thiên Chúa đã làm người cũng dùng những dấu hiệu của loài người để sinh sống và hành động giữa chúng ta: bánh và rượu, nước rửa tội, dầu của Thánh Thần. Còn chúng ta đáp lại các dấu hiệu thánh của Thiên Chúa bằng các dấu hiệu như cung kính, quì gối, đứng để nghe Lời Chúa, cúi mình, chắp tay. Trong lễ cưới chúng ta trang trí nơi Chúa hiện diện bằng những gì đẹp nhất: hoa, đèn, nhạc. Tuy nhiên cũng cần giải thích ý nghĩa của các dấu hiệu đó. (YouCat, số 181 t.t.)

❦ Các biểu tượng diễn tả bằng ngôn ngữ hữu hình những gì là vô hình. (Gertrud Von Le Fort)

❦ Tôi dám chắc rằng ngôn ngữ biểu tượng phải là ngôn ngữ xa lạ duy nhất mà mỗi người chúng ta phải học cho biết. Eric Fromm (1900 – 1980, nhà tâm lý)

LẮNG NGHE: Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. (Ga 6:53)

CẦU NGUYỆN: “Lạy Chúa là Chúa Cả Càn Khôn, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con.” Lời nguyện ý nghĩa đến thế mà con lại đọc lướt qua vô ý tứ; lạy Chúa, xin giúp con cử hành Phụng Vụ một cách sống động hơn và nhờ đó, đón nhận Mình và Máu Chúa Kitô một cách tích cực hơn.

THỰC HÀNH: Đọc chậm rãi và suy niệm các lời kinh trong ngày hôm nay nhé.

From: Đỗ Dzũng

Tôi chính là Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. (Ga 10:10-11)-Cha Vương

Thứ Tư rồi bạn ơi! Tết sắp đến rồi cố gắng dọn tâm hồn để đón xuân nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 18/01/2023

GIÁO LÝ: Tại sao phụng vụ được coi như là công trình của Thiên Chúa? Công trình của Thiên Chúa trước hết là công trình mà Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta, sau đó mới là công trình chúng ta dâng lên Thiên Chúa. Chúa ban mình cho ta dưới hình thức các dấu hiệu thánh, để chúng ta cũng làm như Chúa đã làm, là hiến trọn mình cho Người. (YouCat, số 180)

SUY NIỆM: Chúa Giêsu có mặt trong Lời Người và trong Bí tích. Thiên Chúa có mặt! Đó là điểm quan trọng trước hết và trên hết trong toàn bộ cuộc cử hành Thánh Thể. Sau đó mới đến chúng ta. Chúa Giêsu hiến mình cho ta để ta dâng cho Người hiến tế thiêng liêng của đời ta. Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô hiến mình cho ta để ta hiến mình ta cho Người. Ta đưa cho Người như thể là một tấm séc để trống về cuộc đời ta. Như thế ta tham dự vào hy tế của Chúa Kitô, Đấng cứu độ và biến đổi ta. Đời sống ta ở trên trần được phóng chiếu lên Nước Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể sống đời sống Người trong cuộc sống của ta.

❦ Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Tôi chính là Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. (Ga 10:10-11) (YouCat, số 180 t.t.)

LẮNG NGHE: Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. (Mc 10:44-45)

 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa ngự thật trong bí tích Thánh Thể. Xin cho con năng tham dự thánh lễ và rước lễ sốt sắng. Xin cho con năng thăm viếng Chúa ngự nơi nhà tạm và có thái độ hết lòng cung kính khi vào nhà thờ. Xin cho lời hứa của Chúa “ai ăn bánh này thì được sống đời đời” (Ga 6,51) được thực hiện nơi con.

THỰC HÀNH: Bày tỏ lòng tha thiết biết ơn khi rước Chúa vào lòng.

https://www.youtube.com/watch?v=65xwfHt8mn8

Bài Ca Người Mục Tử – Chúa Nhật 4 C Phục Sinh

From: Đỗ Dzũng

Thánh An-tôn, Viện Phụ, Thế kỷ IV-Cha Vương

Thánh An-tôn, Viện Phụ, Thế kỷ IV

Chúc bình an! Hôm nay 17/1 Giáo Hội mừng kính thánh An-tôn, Viện Phụ, Thế kỷ IV. Mời bạn đọc/đọc lại hành trình nên thánh của ngài nhé, lý thú lắm!

Cha Vương

Thứ 3: 17/01/2023

Thánh Antôn chào đời năm 250 tại Corma, gần Hieraclens, miền thượng Ai cập. Cha mẹ Ngài nổi danh giàu có lẫn đạo đức, đã lo lắng dạy dỗ Ngài sống đạo ngay từ nhỏ. Khi được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài qua đời. Sáu tháng sau ngày mất cha mất mẹ, tại một giáo đường, thánh nhân đã nghe đọc lời sách thánh: “Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải và đem phân phát cho kẻ nghèo khó rồi theo Ta” (Mt 19,21). Tưởng như Thiên Chúa nói riêng với mình đã về bán hết của cải và đem phân phát cho người nghèo khó.

Sau khi lo lắng gửi gấm em gái của mình cho một nữ tu viện, Ngài lui vào sa mạc để làm việc và cầu nguyện, Ngài theo đuổi một cuộc sống rất khắc khổ, chỉ ăn bánh với muối và uống nước ngày một lần sau khi mặt trời lặn. Để giữ được sự cô tịch trọn vẹn, Ngài còn ẩn thân vào một ngôi mộ bỏ trống. Thỉnh thoảng một người bạn mang bánh đến cho Ngài nhưng ma quỉ đã tìm cách quấy phá để trục Ngài ra khỏi “căn phòng” và cuộc sống khắc khổ, chúng thường hay la hét và hiện hình kỳ quái. Phản ứng lại, thánh nhân thường cầu nguyện nhiều hơn và tăng gấp những việc hãm mình. Giận dữ vì các mưu mô bị thất bại, ma quỉ còn công khai hành hạ Ngài nữa.

Một ngày kia người bạn mang bánh đến, bỗng thấy thánh nhân nửa sống nửa chết, mình đầy thương tích. Nhưng khi vừa bừng tỉnh, thánh nhân liền chỗi dậy và la lớn: – Tôi còn sẵn sàng chiến đấu. Lạy Chúa, không, không gì có thể tách lìa con khỏi lòng yêu mến Chúa được. Giữa những đau đớn vì các cuộc tấn công của ma quỉ, Ngài khinh bỉ trả lời: – Ồn ào vô ích. Dấu thánh giá và lòng tin tưởng vào Chúa là những thành trì kiên cố.

Thánh nhân luôn tin tưởng nơi Chúa. Ngày kia, được an ủi trong tâm hồn và cảm thấy là ma quỉ đã lùi bước, Ngài cầu nguyện: -Ôi, lạy Chúa, Chúa ở đâu? Sao Chúa không ở đây lau sạch nước mắt và thoa dịu những dày vò của con?

Tiếng Chúa trả lời: – Cha ở gần con, cha giúp con chiến đấu. Bởi vì con đã chống trả lại ma quỉ, cha sẽ bảo vệ quãng đời còn lại của con. Cha sẽ làm cho tên con rạng rỡ trên trời.

Tràn đầy nghị lực, thánh nhân chỗi dậy tạ ơn Chúa. Muốn xa mọi người hơn nữa, Ngài vượt sông Nil đến trú ngụ trong một pháo đài hoang phế đầy những rắn rết. Nhưng sự thánh thiện của Ngài như một sức nam châm, vẫn thu hút nhiều người đến xin làm môn đệ. Thế là một phong trào ẩn tu nổi lên mạnh mẽ. Sa mạc mọc lên những mái tranh, từ đó không ngừng vang lên những lời kinh ca khen Chúa. Thánh nhân trở nên vị thủ lãnh của nếp sống ẩn tu.

Dầu vậy, thánh An tôn đã hai lần từ giã sa mạc. Vào năm 311 khi có cuộc bách hại của Alaximiô, Ngài nói: – Nào ta cùng đi chiến đấu với anh em ta.

Ngài lên đường đi Alexandria. Người ta thấy thánh nhân khích lệ các tù nhân nơi các trại giam, theo họ tới trước quan tòa và khuyên nhủ họ can đảm chết vì đạo, Ngài còn xuống hầm trú để an ủi các linh mục. Ngài thoát chết là một điều lạ lùng.

Cuộc bách hại chấm đứt được một năm, thánh nhân lại tìm về sa mạc. Số các môn sinh ngày càng tăng thêm đông. Sợ bị cám dỗ thành kiêu căng, và thấy gương các thánh tử đạo, thánh Antôn khao khát sống khắc khổ để đền tội. Ngài tiến sâu hơn nữa vào sa mạc. Sau ba ngày đi theo đoàn người buôn bán, Ngài dừng lại gần biển Đỏ, dưới chân núi Kolzim và dựng một căn lều vừa đủ để nằm để ở. Dân Bê-đu-anh (Bédouins) cho Ngài bánh ăn. Về sau các môn sinh tìm tới và mang cho Ngài một cái xuổng với một ít hạt giống, đây là nguồn gốc của tu viện thánh Antôn hay là Deir-el-Arat, một tu viện theo nghi lễ Cốp (Copte) ngày nay vẫn còn.

Lần thứ hai, thánh nhân trở lại Alexandria theo lời mời của đức giám mục Athanasiô, để chống lại lạc giáo. Dân chúng cả thành chen lấn nhau đi đón Ngài. Các lương dân cũng bảo nhau : – Chúng ta đi gặp người của Thiên Chúa.

Nhiều người cảm động vì những bài diễn thuyết và những phép lạ Ngài làm, đã xin lãnh bí tích rửa tội, người ta tưởng sẽ gặp một lão già tám mươi hoang dại, nhưng đã ngạc nhiên khi thấy Ngài rất lịch thiệp, xử dụng ngôn ngữ văn hóa và diễn tả tư tưởng rất uyên thâm. Các triết gia ngoại giáo ngạc nhiên hỏi Ngài:

– Ngài làm gì được trong sa mạc không có sách vở chi hết? Thánh nhân trả lời: Thiên nhiên đối với tôi là một cuốn sách mở rộng.

Và người ta ngỡ ngàng về những điều thánh nhân đã khám phá được trong cuốn sách vĩ đại này của Đấng Tạo hóa.

Điều đáng kể dường như không phải những nhiệm nhặt Ngài theo đuổi, mà là tâm hồn trong trắng Ngài kết hiệp mật thiết với Chúa, Ngài nói: – Hư danh là kẻ thù nguy hiểm nhứt của chúng ta.

Danh tiếng của thánh Antôn lan rộng đến nỗi vua Constantinô và con cái ông đã viết thư tham khảo ý kiến Ngài, Môn sinh của Ngài hãnh diện lắm. Nhưng Ngài bảo họ: Đừng ngạc nhiên lắm khi thấy nhà vua là một con người viết thư cho một con người. Đáng ngạc nhiên là chính Thiên Chúa đã muốn viết luật cho loài người, và đã nói với chúng ta qua đức Giêsu Kitô.

Và trả lời cho lớp người vương giả ấy, Ngài dùng những lời cao thượng để khuyên họ biết khinh chê danh vọng mà nhớ tới cuộc chung thẩm.

Khi Ngài đã quá 90 tuổi, Thiên Chúa qua một thị kiến đưa ngài đến thăm thánh Phaolô ẩn tu trong sa mạc. Ngài còn được cho biết là sẽ sống tới tuổi 105.

Biết sắp tới giờ từ giã trần gian, Ngài đi thăm anh em Ngài lần chót. Ngài nói với họ về sự chết với niềm vui của người hồi hương. Họ đã khóc ròng, nhưng Ngài khuyên nhủ họ: – Hãy sống như phải chết mỗi ngày. Hãy cố gắng noi gương các thánh.

Thánh nhân trở lại núi với hai môn sinh. Trong căn phòng nghèo nàn của mình, Ngài đã phó linh hồn trong tay Chúa lúc 105 tuổi. Chúng ta biết được ân sủng giai thoại quý báu của đời thánh An tôn là nhờ thánh Athanasiô kể lại. (Nguồn: Mạng Vui Học Thánh Kinh)

Chết là từ bỏ cái tôi cái ích kỷ để được sống tự do với Chúa. “Hãy sống như phải chết mỗi ngày.” Mời bạn hãy cố “chết” đi một tí hôm nay nhé.

Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, thì Người cho họ quyền trở nên con THIÊN CHÚA. (Ga 1:14a,12a)

Một ngày CN thật hạnh phúc trong Chúa là Đấng đã dựng nên bạn một cách quá lạ lùng.

Cha Vương

CN: 15/01/2023

TIN MỪNG: Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung,… Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi. (Is 49:5)

SUY NIỆM: Có bao giời bạn nghĩ tới điều mà Ngôn sứ I-sai-a nói: Thiên Chúa nhào nặn ra tôi từ khi tôi con trong lòng mẹ… chưa? Khi nói rằng mỗi con người, bạn và mình,  đều được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa có nghĩa là gì? Nếu bạn nghĩ rằng được tạo dựng theo “hình ảnh và giống với Thiên Chúa” có một chiều kích thể lý nào đó thì quả là một cách hiểu sai lầm. Bạn không thể giống với Thiên Chúa về thể lý bởi vì Thiên Chúa thì hoàn toàn thánh thiêng. Vậy để trả lời cho câu hỏi này, mời bạn hãy nghĩ tới những mối quan hệ thánh thiêng sau đây:

(1) Trong tất cả sự sáng tạo, chỉ có bạn và mình là người có thể đại diện cho Thiên Chúa trên thế gian này.

(2) Bạn cần phải biết Thiên Chúa là ai để sống như bạn đã được tạo dựng để sống. Bạn biết được Thiên Chúa thông qua Chúa Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người hoàn hảo. Nhìn vào Chúa Giêsu thì bạn sẽ biết được Thiên Chúa.

(3) Bạn được Thiên Chúa giao phó để thực thi quyền thống trị trên trái đất. Thống trị ở đây không được hiểu theo nghĩa đen nhưng mà là con người phải chăm sóc cho việc sáng tạo, không đơn giản là sử dụng nó cho mục đích riêng của mỗi người. Đó là lý do tại sao sinh thái là một mối quan tâm quan trọng của Giáo Hội.

(4) Bạn được Thiên Chúa ban cho có trí tuệ và năng lực là có lý do; bạn có thể hiểu thứ tự của các vật, muốn biết thế giới xung quanh và hiểu nó sâu sắc nhất có thể.

(5) Bạn được nhào nặn ra với ý chí tự do. Điều này không phải là bạn muốn làm bất cứ điều gì bạn muốn. Đó là vô luật pháp, không phải tự do đích thực. Giáo Lý cho biết, “Người ta càng làm điều tốt, người đó càng trở nên tự do” (1733). Điều đó cũng nói với bạn rằng tự do của con người “đạt được sự hoàn hảo của nó khi hướng về Thiên Chúa, mối phúc của chúng ta” (1731).

(6) Bạn có thể nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa thúc giục bạn làm điều tốt và tránh sự dữ. Thuật ngữ thông thường cho điều này là lương tâm.

(7) Khi dự nên bạn Chúa ban cho bạn có khả năng hướng về Thiên Chúa. Điều này được Thánh Augustine khẳng định rất rõ ràng và rất chắc chắn khi ngài viết: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con cho chính Chúa, và lòng chúng con không ngừng khắc khoải cho đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa”.  Tuyệt vời quá đi! Chỉ có con người mới được tạo dựng theo một cách rất đặc biệt cụ thể như vậy bạn ạ. Bạn không thể hạnh phúc cho đến khi bạn có mối quan hệ thánh thiêng với Thiên Chúa.

Bạn nghĩ thế nào về vai trò làm người của bạn? Thật là hổ thẹn với Thiên Chúa khi bạn chỉ vì một tí “tham sân si” mà đánh mất đi mối quan hệ thánh thiêng này.

LẮNG NGHE: Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, thì Người cho họ quyền trở nên con THIÊN CHÚA. (Ga 1:14a,12a)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Chúa đã dựng nên con. Xin giúp con biết ý thức hơn về sự đặc biệt thế nào khi được Chúa ở trong con và vai trò độc đáo của con thế nào trong ánh mắt và công trình sáng tạo của Chúa, và lạy Chúa, xin giúp con biết khiêm nhường theo Chúa cho đến cùng và đừng để con xa lìa Chúa bao giờ.

THỰC HÀNH: Mời bạn hãy nhìn vào gương soi và thốt nên lời cảm tạ đến Thiên Chúa nhé.

From: Đỗ Dzũng

Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). (Đnl 6:4,5)

Cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc trong Chúa và Mẹ nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 14/01/2023

TIN MỪNG: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). (Đnl 6:4,5)

SUY NIỆM: Từ lúc niên thiếu Đức Mẹ Maria chỉ cầu xin và kính mến một Đức Chúa Trời nên Chúa đã ban cho Người đầy ơn phúc, và sẽ đặt người lên địa vị cao trọng nhất, hợp thánh ý Chúa. Muốn được ơn Chúa kêu gọi, phải tùy sự vật và hoàn cảnh Chúa quan phòng, định liệu cho những linh hồn trung nghĩa muốn cầu xin Người để biết mình ở trong bậc nào. Một thanh niên theo thú tính say hoa đắm nguyệt có đáng trông cậy Chúa thương định phận cho mình không?

Việc Đức Mẹ kết hôn với thánh Giuse, đã được Chúa quan phòng lảy lấy biết bao hoa trái tươi tốt trong các nhân đức của Mẹ. Nếu người ta chỉ bàn hỏi nhân thế để biết Đức Mẹ phải kết hôn với người nào, chắc họ sẽ chọn cho Đức Mẹ một người thần thế giàu sang; chứ không chọn người nhân đức hằng kính thờ Chúa từ lúc còn niên thiếu, vì nhân thế không quen làm như vậy. (x. Sách Gương Đức Mẹ, Q1:8:1)

LẮNG NGHE: Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. (1 Ga 4:19)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, Mẹ được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn cách đặc biệt, xin giúp con biết trau dồi nhân đức để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhau trong cuộc sống.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Hãy Nhớ: Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Ðức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Ðức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con cùng. Amen

From: Đỗ Dũng

TRINH VƯƠNG MARIA | Sáng tác Phạm Đức Huyến | Ca sĩ Thanh Hoài

Thánh Hi-la-ri-ô, giám mục, (315-368), tiến sĩ Hội Thánh

Dù bạn đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, nơi nào, lúc nào, chúc bạn có được một cảm thức sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa đang nói với bạn: Ta biết con… It’s OK! Con đừng sợ, đã có Thầy đây…”

Cha Vương

Thứ 6: 13/01/2023

Hôm nay 13/1 Giáo Hội mừng kính Thánh Hi-la-ri-ô, giám mục, (315-368), tiến sĩ Hội Thánh. Ngài là đấng bầu cử cho những ai bị rắn cắn và bệnh thấp khớp. Thánh Hilariô được đánh động bằng một lời Cựu Ước: “Ta là Ðấng tự hữu”. Từ khi được Chúa Thánh Thần soi sáng và tác động mạnh mẽ, thánh nhân đã quyết tâm tìm gặp Chúa và quyết đi theo Chúa.

MỘT CUỘC ÐỜI: Thánh nhân sinh tại Aquitaine nước Pháp vào năm 315 trong một gia đình thế giá và giầu có, danh tiếng. Thánh nhân đã được hấp thụ một nền giáo dục tốt và đầy đủ. Chính vì thế, Ngài đã có một đức tính cương trực, ngay thẳng và trong sạch. Thánh nhân ham mê và thích văn chương, triết lý ngay từ thuở thiếu thời. Mặc dầu ngoại giáo nhưng sự đắm chìm vào những suy tư sâu sắc, Hilariô đã sớm giác ngộ và tìm về chân lý. Ngài đã xin trở lại đạo và xin rửa tội làm con Chúa và con của Giáo Hội. Trở về với Chúa, thánh nhân đã nêu gương một đời sống thánh thiện và đạo đức. Nhờ tài ăn nói lưu loát, thánh nhân đã mau chóng trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu. Vào năm 350, thánh nhân được chọn làm giám mục Poitiers. Ngài nhiệt thành với sứ vụ mới Chúa trao. Ngài hăng say chống lại bọn lạc giáo Ariô. Ngài đã triệu tập công đồng các giám mục để ra vạ tuyệt thông cho Ursace và Valens vì bọn lạc giáo được hoàng đế Constance che chở. Tuy nhiên, bọn lạc giáo đã cấu kết với nhau để đầy Ngài qua đảo Phrygie. Dù tù tội, thánh nhân không nao núng, Ngài đã viết bộ tổng luận 12 cuốn trình bầy về Thiên Chúa Ba Ngôi để chống lại bè rối Ariô. Bốn năm tù đầy, thánh nhân luôn hướng về địa phận của Ngài và viết nhiều thư luân lưu, động viên giáo dân của Ngài giữ vững niềm tin. Hoàng đế Constance đã cho triệu tập công đồng tại Séleucide, tại đây thánh Hilariô cũng được mời tham dự. Thánh nhân với tác động của Chúa Thánh Thần đã hăng say bênh vực Hội Thánh và thuyết phục được toàn bộ các giám mục tin vào Giáo Hội, tin vào giáo lý chân chính của Chúa Giêsu và các tông đồ. Tại công đồng Séleucide, bọn lạc giáo bị thất bại chua cay, nên đã bàn với hoàng đế Constance tha cho Ngài được hồi hương. Ngày trở về địa phận của thánh nhân đã làm cho mọi người hân hoan, vui mừng Chúa đã làm một phép lạ minh chứng quyền năng của Ngài qua bàn tay của thánh nhân: một em bé đã chết chưa kịp rửa tội, được Ngài làm cho sống lại.

CHÚA THƯỞNG CÔNG THÁNH NHÂN: Mặc dầu tuổi già, sức yếu, thánh Hilariô vẫn hăng say chu toàn sứ mạng mục tử và tiếp tục viết nhiều sách rất có giá trị. Thánh nhân được Chúa gọi về ngày 13/01/369. Tại Bordeaux, các giám mục đã thỉnh cầu Ðức Thánh Cha Piô IX ban cho thánh Hilariô tước vị tiến sĩ Hội Thánh ngày 10/01/1852.

Lạy thánh Hilariô, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con trước tòa Chúa để chúng con luôn hăng say nhiệt thành loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng cứu độ của Chúa. (Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

 

Mời bạn đọc chậm và suy niệm Kinh Tin Kính, nhất là đến câu: “Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh…” “Như trong Kinh Tin Kính trong ngày lễ Giáng Sinh bạn quỳ gối để tôn thờ mầu nhiệm Nhập Thể này. Thiên Chúa đã trở nên xác phàm. Ngài đã trở thành thịt và máu: Ngài tự hạ mình đến nỗi trở thành như chúng ta, chịu nhục đến nỗi mang lấy những đau khổ và tội lỗi của chúng ta, và vì vậy, Ngài xin chúng ta hãy tìm kiếm Ngài, không phải bên ngoài cuộc sống và lịch sử mà trong mối tương quan với Chúa Kitô và với anh chị em. Hãy tìm kiếm Chúa trong cuộc sống, trong lịch sử, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Và đây là con đường để gặp gỡ Thiên Chúa: là sống mối tương quan với Chúa Kitô và với anh chị em. (Lời huấn dụ của ĐTC Phanxicô)

From: Đỗ Dzũng       

Nếu bí tích được người không xứng đáng cử hành, bí tích có mất đi hiệu quả không?-Cha Vương

Ai có con CỌP đang ở trong nhà thì chuẩn bị gọi Ubờ đi nhé. Chúc một ngày vui tươi trong Chúa để dọn tâm hồn đón xuân Quý Mão.

Cha Vương

Thứ 5: 12/01/2023

GIÁO LÝ: Nếu bí tích được người không xứng đáng cử hành, bí tích có mất đi hiệu quả không? Không. Các bí tích có hiệu quả khi hành động được hoàn tất, nghĩa là hiệu quả của bí tích không tùy vào bản thân người làm, vì chính Chúa Kitô hoạt động trong các bí tích. Tuy nhiên các bí tích chỉ có hiệu quả khi người làm có ý muốn làm như Hội thánh làm. (YouCat, số 178)

SUY NIỆM: – Những ai cử hành các Bí tích phải sống đời sống gương mẫu. Các bí tích có tác động không phải do sự thánh thiện của người cử hành nhưng do chính Chúa Kitô hoạt động trong họ. Tuy nhiên, Người vẫn tôn trọng tự do cả ta khi ta lãnh nhận bí tích. Vì thế các bí tích chỉ tác động một cách tích cực nếu ta cộng tác với Chúa Kitô. (YouCat, số 178 t.t.)

❦ Để chuẩn bị đón nhận bí tích Thánh Thể cách xứng đáng, các tín hữu phải giữ chay theo qui định của Hội Thánh (x. CIC khoản 919). Thái độ bên ngoài (cử chỉ, cách ăn mặc) phải biểu lộ lòng tôn kính, sự trang trọng và niềm vui của giây phút được Chúa ngự đến trong tâm hồn. (SGLGHCG số 1387)

LẮNG NGHE: Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. (1 Cr 11:26-27)

CẦU NGUYỆN: “Lạy Con Thiên Chúa, hôm nay xin cho con được hiệp thông vào bàn tiệc huyền nhiệm của Chúa. Con không nói cho kẻ thù điều kín nhiệm của Chúa, con cũng không trao cho Chúa cái hôn của Giu-đa. Nhưng như tên trộm lành, con kêu xin Chúa: Lạy Chúa, khi vào Nước Ngài xin nhớ đến con”. (Thánh Gio-an Kim Khẩu)

THỰC HÀNH: Thái độ của bạn khi đi dự tiệc huyền nhiệm của Chúa thế nào? Chỉnh đốn lại một tí để đón nhận bí tích Thánh Thể cách xứng đáng nhé.

From: Đỗ Dzũng

Tại sao khi nhận lãnh bí tích, cần có lòng tin trước?-Cha Vương

Chuẩn bị đuổi con hổ đi chưa? Nếu ai cần một tí thông minh và nhanh nhẹn thì chuẩn bị mở cửa toang ra để cho con mèo nó vào nhé. Chúc một ngày an lành.

Cha Vương

Thứ 4: 11/01/2023

GIÁO LÝ: Tại sao khi nhận lãnh bí tích, cần có lòng tin trước? Vì bí tích không phải là ảo thuật. Bí tích chỉ sinh hiệu quả khi người ta hiểu biết và lãnh nhận với đức tin. Các bí tích không chỉ đòi có đức tin mà nó còn gia tăng và diễn tả đức tin nữa. (YouCat, số 177)

SUY NIỆM:

 Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ bằng việc rao giảng Tin Mừng, làm phép Rửa cho họ, nghĩa là trước hết khơi dậy đức tin cho họ rồi sau mới rửa tội. Như thế chúng ta nhận 2 điều từ Hội thánh: đức tin và bí tích. Ngày nay, người ta không trở thành Kitô hữu bằng cách chỉ nhận một lễ nghi hoặc chỉ ghi tên vào sổ, nhưng là bằng đón nhận đức tin chân thật. Chúng ta nhận được đức tin chân chính này từ Hội thánh. Hội thánh lo bảo đảm đức tin đó. Bởi vì đức tin của Hội thánh được diễn tả trong phụng vụ, nên không một nghi lễ bí tích nào được thay đổi hoặc làm khác đi theo sở thích của một người hay của một cộng đoàn nào. (YouCat, số 177 t.t.)

❦ `Cũng như một cây nến được thắp sáng nhờ lửa của cây nến khác, thì đức tin cũng được thắp sáng nhờ đức tin. (Romano Guardini)

LẮNG NGHE: Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám. (Dt 1:1-2)

CẦU NGUYỆN:  Lạy Chúa, đức tin là “cửa” mở ra, đưa con đi vào đời sống kết hiệp thân tình với Thiên Chúa và bước vào Hội Thánh của Người, xin giúp con sống đức tin bằng sự chuyên cần cử hành và lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải để được thông phần vào đời sống vĩnh cửu mai sau.

THỰC HÀNH: Cố gắng tham dự thánh Lễ thường xuyên hơn.

From: Đỗ Dzũng