Thánh Gioan Ai Cập (304?-394)

­Hôm nay Thứ 2, bạn cứ mơ ước thật nhiều đi nhé, nếu bạn cố gắng sống đạo đức Chúa không bỏ rơi bạn đâu. Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Gioan Ai Cập (304?-394), ngoài lịch phụng vụ. Xin ngài cầu bầu cho chúng ta.

Cha Vương

Thứ 2: 27/03/2023

Con người mơ ước được sống kết hợp với Thiên Chúa đã trở nên một trong số các vị ẩn tu danh tiếng nhất trong thời đại của ngài. Thánh Gioan Ai Cập sinh vào khoảng năm 304. Người ta không được biết nhiều về thời niên thiếu của thánh Gioan ngoài công việc thợ mộc. Khi lên 25 tuổi, Gioan quyết định lìa bỏ thế gian vĩnh viễn để dùng đời sống mình hy sinh, cầu nguyện và tôn thờ Thiên Chúa. Thánh Gioan chính là một trong số những vị tu rừng nổi danh vào thời ấy.

Suốt 10 năm trời, Gioan là môn đệ của một ẩn sĩ cao niên đầy kinh nghiệm. Vị ẩn tu thánh thiện này chỉ dạy Gioan cách thức sống cuộc đời đạo đức. Thánh Gioan gọi ngài là “cha linh hồn.” Sau khi vị ẩn sĩ già này qua đời, thánh Gioan trải qua 4 hay 5 năm nữa sống trong các đan viện khác nhau. Thánh nhân muốn làm quen với lối sống và cách thức cầu nguyện của các đan sĩ. Sau cùng, Gioan tìm được một hang đá khá sâu. Khu vực ấy thật yên tĩnh và được bảo vệ thật an toàn khỏi những cơn gió và sức nóng của sa mạc. Gioan chia chiếc hang làm ba phần: một phòng khách, một phòng làm việc và một nhà nguyện nhỏ. Dân cư trong vùng mua thức ăn và những thứ cần dùng cho Gioan. Nhiều người cũng đến nhờ Gioan khuyên bảo về những vấn đề quan trọng. Ngay cả hoàng đế Thêôđôsiô I cũng hai lần đến xin Gioan lời khuyên, một lần vào năm 388 và lần khác năm 392.

Những vị thánh danh tiếng như Augustinô và Giêrônimô đã viết sách nói về tinh thần thánh thiện của thánh Gioan. Trong số những khách tới thăm Gioan, có vài người đã trở nên môn đệ của ngài. Họ đã lưu lại nơi ấy và xây cất một nhà nghỉ. Họ trông coi nhà nghỉ để nhiều người có thể đến học hỏi sự khôn ngoan nơi vị ẩn sĩ này. Thánh Gioan được ơn tiên đoán những sự việc tương lai. Ngài có thể đoán biết được tâm hồn của những người tìm đến với ngài. Gioan có thể đọc được tư tưởng của họ. Khi Gioan xức dầu thánh trên những người mắc bệnh thể xác, họ thường được chữa lành.

Ngay cả khi nổi danh, thánh Gioan vẫn một mực giữ thái độ khiêm tốn và không bao giờ để cho mình được sống thoải mái dễ chịu. Thánh nhân chẳng khi nào dùng bữa trước lúc mặt trời lặn. Thức ăn của Gioan thường là rau quả sấy khô. Ngài không bao giờ dùng thịt hay những thức đã được nấu chín hoặc hâm nóng. Thánh Gioan tin rằng cuộc sống hy sinh hãm mình của ngài sẽ giúp ngài sống kết hợp mật thiết hơn với Thiên Chúa. Năm 394, thánh Gioan qua đời trong an bình, hưởng thọ 90 tuổi.

Chúng ta hãy cầu xin thánh Gioan ẩn tu chỉ cho chúng ta cách sống thân mật với Thiên Chúa. Thánh nhân sẽ giúp chúng ta quyết tâm để Thiên Chúa hoạt động trong và qua chúng ta. (Nguồn: Tin Mừng)

From: Đỗ Dzũng

Giêsu Con Mãi Yêu Ngài || Sáng tác : MỹLệ La || Trình bày : Kim Tuyến 

Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. (1 Cr 15:13-14)

Ngày Chúa Nhật hạnh phúc và thánh thiện bên người thân yêu nhé.

Cha Vương

CN: 26/03/2023

TIN MỪNG: ĐỨC CHÚA là THIÊN CHÚA phán như sau: “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en. (Ed 37:12)

SUY NIỆM: Có bao giờ bạn nghiêm túc tự vấn rằng: niềm tin của tôi vào việc kẻ chết sống lại xác thực đến mức nào chưa? Thiết tưởng rằng bạn đã có một lần đối diện với cái chết của người thân yêu, bạn cảm thấy đức tin của bạn có mạnh mẽ hơn tí nào không hay là rơi vào vực thẳm khổ đau tuyệt vọng?

Trong hành trình đức tin bạn đã đọc Kinh Tin Kính rất nhiều lần, và tuyên xưng rằng: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.” Nhưng có bao giờ bạn dừng lại để tự hỏi mình rằng: Tôi có thực sự tin vào sự sống lại của người chết không? Nói cách khác, niềm tin vào sự sống lại có tác động gì đến cuộc sống của bạn trong lúc này? Bạn theo Chúa để được những gì?

Đối với một người một khi đã có tất cả mọi thứ tiền tài, sắc danh trên đời này rồi thì họ còn ao ước gì nữa hả? Có phải là sự sống mai sau chăng? Vậy bạn đã và đang làm gì để bảo đảm cho mình một sự sống mai sau? Bạn mua bảo hiểm nhưng bạn lại không mạo hiểm để sống trọn với đức tin của mình. Bạn hãy nhìn vào gương anh em nhà Macabe, họ sẵn sàng chịu tra tấn và bị giết chết vì không ăn thịt theo luật cấm của Giavê, “Chúng tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi”. Với niềm tin vào sự sống lại, họ mạnh dạn nói với những kẻ tra tấn rằng: “Nhà vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2Mcb 7, 2. 9).

Mạo hiểm quá đi chứ hả! Thà chết hơn là vi phạm giới răn Chúa. Còn bạn thì sao? Cái giá mà bạn phải trả cho đời sống mai sau là gì vậy? Đừng bán rẻ linh hồn mình vì một lợi nhuận nhất thời nay còn mai mất nhé.

LẮNG NGHE: Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. (1 Cr 15:13-14)

CẦU NGUYỆN: Lạy chúa, xin ban cho con đức tin để con hiểu và giúp con hiểu để đức tin con được gia tăng. (Lời cầu nguyện từ đáy lòng của thánh Augustinô, Tự Truyện)

THỰC HÀNH: Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 Kinh Kính Mừng, và 1 Kinh Vực Sâu cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời nhé.

From: Đỗ Dzũng

Sự sống thay đổi mà không mất đi 

Xin Chúa ban cho con sức mạnh và sự khôn ngoan của Chúa để con yêu mến Chúa trên hết mọi sự.

Thứ 6 rồi bạn ơi! Hành trình Mùa Chay của bạn đến đâu rồi? Quay đi quay lại, Mùa Chay lại sắp hết rồi đấy. Một cuối tuần an vui và hạnh phúc trong Chúa và Mẹ nhé. 

Cha Vương

Thứ 6: 24/03/2023

TIN MỪNG: Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. (Ga 7:28)

SUY NIỆM: Đối với người Do Thái, Chúa Giêsu không phải là Đấng Mêsia vì những việc làm của Ngài không đúng như những gì mà họ mong đợi. Vậy họ mong đợi một Đấng Cứu Thế như thế nào? Họ mong đợi một Đấng Cứu Thế cứu giúp họ về vật chất, cứu họ bằng quyền lực nghĩa là giúp họ phục hồi lại một đế quốc Israel hùng cường. Nếu bạn được hỏi: Chúa Giêsu là ai đối với bạn, thì câu trả lời của bạn như thế nào nhỉ? Có lẽ Ngài là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế. Nếu đúng như vậy, bạn có đặt Ngài làm tâm điểm trong cuộc đời mình không? Bạn có dành thời giờ để tìm kiếm Chúa và sự khôn ngoan của Ngài không? Bạn đang khao khát những gì vậy? Có những người chối bỏ và rời xa Chúa bởi vì họ muốn đưa Chúa vào đúng cái “khuôn” của họ. Mối quan tương quan với Chúa của họ chỉ dựa trên một sự mong muốn khát khao riêng tư máy móc, xin gì thì được đấy.

Mùa Chay là cơ hội để bạn củng cố và nuôi dưỡng lại mối tương quan của ban với Chúa. Nếu bạn thành tâm sống đúng với tinh thần Mùa Chay, hy sinh ăn chay cầu nguyện hoán cải đời sống, thì cuộc sống của bạn sẽ gặt hái được nhiều hoa trái của ân sủng và bình an.

Bạn có sẵn sàng và ngoan ngoãn để Chúa dạy bảo và hướng dẫn bạn qua những biến cố bất ngờ của cuộc đời không? Đừng quên rằng dù bạn đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa, Chúa vẫn kiên nhẫn đồng hành với bạn đó.

LẮNG NGHE: CHÚA gần gũi những tấm lòng tan vỡ, / cứu những tâm thần thất vọng ê chề. / Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, / nhưng CHÚA giúp họ luôn thoát khỏi. (Tv 34:19-20)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, trước những yếu đuối và bất toàn của con, xin ban cho con sức mạnh và sự khôn ngoan của Chúa để con yêu mến Chúa trên hết mọi sự.

THỰC HÀNH: Nhận định lại mối tương quan của bạn với Chúa, hãy dành thêm một ít thời gian trong ngày để kết hiệp với Chúa nhé.

From: Đỗ Dzũng

Tâm Tình Con Dâng 2 (Sáng tác: Mai Khanh) – Phi Nguyễn  

Thánh Turibius (St Turibius of Mogrovejo), giám mục. (1538-1606).

 Chúc bạn một ngày thật cương quyết để theo Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 23/03/2023

Hôm nay Giáo hội kính nhớ Thánh Turibius (St Turibius of Mogrovejo), giám mục. (1538-1606).

Cùng với Thánh Rosa ở Lima, Thánh Turibius là vị thánh nổi tiếng đầu tiên của Tân Thế Giới, phục vụ Thiên Chúa ở Peru, Nam Mỹ trong 26 năm.

Sinh năm 1538 tại Mayorga de Campos, Leon ở Tây Ban Nha và theo học về luật, ngài trở thành một học giả sáng giá đến nỗi được làm giáo sư luật cho Ðại Học Salamanca, và sau đó trở thành chánh án Toà Thẩm Tra ở Granada dưới thời Vua Philip II. Ngài rất thành công, nhưng vẫn chưa phải là một luật sư có thể ngăn cản được những biến cố đột ngột xảy ra trong đời.

Khi toà giám mục Lima trong thuộc địa Peru của Tây Ban Nha trống ngôi, nhà vua quyết định Turibius phải là người giữ chức vụ đó: vì ngài cương quyết và có tinh thần đạo đức. Sau khi được thụ phong linh mục và tấn phong giám mục, ngài được gửi sang Peru năm 1581, là nơi ngài chứng kiến sự tồi tệ của chủ nghĩa thực dân. Ở đây, người Tây Ban Nha xâm lăng vi phạm đủ mọi loại tội lỗi đối với người địa phương. Các lạm dụng của hàng giáo sĩ cũng thật lộ liễu, và Ðức Turibius đã dồn mọi nỗ lực để cải tổ lãnh vực này trước hết.

Ngài bắt đầu các cuộc thăm viếng lâu dài và gian khổ đến tất cả các giáo xứ trong tổng giáo phận mênh mông. Ngài học tiếng địa phương, và trong các chuyến công tác, có khi phải ở đó đến hai ba ngày mà thường không có thực phẩm cũng như giường chiếu. Mỗi sáng ngài đều xưng tội với cha tuyên uý, và cử hành Thánh Lễ với sự sốt sắng tột độ. Trong những người được Thêm Sức từ tay ngài là Thánh Rosa ở Lima, và có lẽ cả Thánh Martin de Porres nữa.

Ngài giúp thiết lập các trường học, nhà thờ, và mở cửa chủng viện đầu tiên trong Tân Thế Giới. Ðể sinh hoạt mục vụ với những người thổ dân, ngài còn sành sõi một vài tiếng địa phương.

Ngài qua đời ngày 23 tháng 5 năm 1606 tại Santa, Peru. Đức Giáo Hoàng Innocent XI tôn phong Chân Phước ngày 02 tháng 7 năm 1679 và Đức Giáo Hoàng Benedictus XIII đã tôn phong hiển thánh cho ngài năm 1726.

Quả thật Thiên Chúa đã uốn thẳng các đường lối quanh co. Trái với ý định của Turibius, và lại phát xuất từ điểm không ai ngờ là Toà Thẩm Tra, con người này đã trở nên vị chủ chăn giống như Ðức Kitô của các người nghèo và người bị áp bức. Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn biết yêu thương tha nhân như điều họ mong đợi. (Người Tín Hữu online)’

From: Đỗ Dzũng

Yêu Cho Đến Cùng – Thánh Ca Việt Nam | Nguyễn Hồng Ân

THIÊN CHÚA sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. (Ga 3:17)

Ước gì ngày hôm nay bạn trở thành cây sáo được đặt trong tay của Chúa để tấu lên những điều nhạc êm dịu thanh thót.

Cha Vương

Thứ 4: 22/03/2023

TIN MỪNG: Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49:15)

SUY NIỆM: Một nhà giáo dục đã phát biểu: “Hãy cho tôi trái tim của các bà mẹ, tôi sẽ biến đổi cả thế giới.” Câu nói này đề cao sức mạnh của thiên chức ơn gọi làm mẹ. Như người mẹ tốt lành, “một lòng một dạ”, liên lỉ phục vụ và hy sinh cho những đứa con của mình thế nào thì Thiên Chúa cũng đối sử với bạn không những như vậy mà còn tốt hơn nữa.

Do đó Ngôn Sứ I-sai-a đã dùng hình ảnh người mẹ này để giúp bạn hiểu được việc làm liên lỉ của Chúa Cha và Chúa Con: đó là việc xót thương, cứu giúp loại người, nhất là những người cùng khổ. Bạn hãy nhìn vào cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu năm xưa, dường như Người cũng là con người của công việc. Chính Chúa Giêsu đã nói rằng: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”.

Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để bạn được làm con Thiên chúa. Nếu như mọi việc mà Chúa Giêsu đã làm đều nhằm thi hành thánh ý Chúa Cha, còn bạn, là những người được diễm phúc gọi Thiên Chúa là Cha, bạn có muốn thi hành thánh ý của Chúa Cha không? Bạn có vui vẻ chu toàn những bổn phận trong ơn gọi của mình không? Mỗi ngày bạn được mời gọi tham gia vào sứ mạng cứu độ của Chúa để biến đổi môi trường sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn.

LẮNG NGHE: THIÊN CHÚA sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. (Ga 3:17)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn bổn phận của con trong niềm vui.

THỰC HÀNH: Tập làm chủ cảm xúc của chính mình! Nếu có tức giận ai thì hãy đọc kinh cho người đó. Đừng giận cá chém thớt nhé.

From: Đỗ Dzũng

Dấu ấn tình yêu – Lệ Hằng 

Lễ trọng thể kính Thánh Giuse

Mến chúc bình an đến bạn và gia đình. Hôm qua 19/03, đáng lẽ ra Giáo hội mừng lễ trọng thể kính Thánh Giuse, bạn Đức Trinh Nữ Maria, nhưng bởi vì ngày 19 rơi vào ngày Chúa Nhật nên Giáo Hội dời qua ngày Thứ 2 để mừng kính Thánh Giuse quan thầy Giáo Hội hoàn vũ. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 20/03/2023

Thánh Giuse Bạn Ðức Trinh Nữ Maria, Phúc Âm đã ca ngợi Thánh Giuse là người “công chính”. Ý nghĩa của chữ “công chính” rất sâu xa. Khi Phúc Âm nói Thiên Chúa “công chính hóa” người nào, điều đó có nghĩa Thiên Chúa, là Ðấng cực thánh và “chính trực”, biến đổi người đó bằng cách cho họ được chia sẻ sự thánh thiện của Thiên Chúa, và bởi đó họ đáng được Thiên Chúa yêu mến.

Khi nói Thánh Giuse “công chính”, Phúc Âm muốn nói rằng ngài hoàn toàn mở lòng cho tất cả những gì Thiên Chúa muốn làm cho ngài. Ngài trở nên thánh thiện vì tự mở lòng cho Thiên Chúa. Với những gì còn lại chúng ta dễ phỏng đoán. Hãy suy nghĩ về tình yêu mà ngài đã theo đuổi và dành được con tim của Ðức Maria, và sự sâu xa của tình yêu mà hai người đã chia sẻ cho nhau trong cuộc hôn nhân. Khi Thánh Giuse quyết định từ bỏ Ðức Maria khi thấy người có thai, điều này không trái với sự thánh thiện của Thánh Giuse.

Phúc Âm có ghi lại một chữ quan trọng là ngài dự định thi hành việc này “cách âm thầm” vì ngài là “một người chính trực, nhưng không muốn tố giác bà để bị xấu hổ” (Mátthêu 1:19).

Người công chính thì đơn sơ, vui vẻ, hết lòng vâng lời Thiên Chúa – khi kết hôn với Ðức Maria, khi đặt tên cho Hài Nhi Giêsu, khi săn sóc gia thất ở Ai Cập, khi đem gia thất về lại Nagiarét, khi sống âm thầm trong bao năm trường với đức tin và dũng cảm. Vì Thánh Giuse không xuất hiện trong cuộc đời rao giảng công khai của Ðức Giêsu, nhiều sử gia tin rằng có lẽ Thánh Giuse đã từ trần trước khi Ðức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng.

Thánh Giuse là quan thầy của những người hấp hối, vì người ta cho rằng khi ngài từ trần có Ðức Giêsu và Ðức Maria ở bên cạnh, đó là điều mà tất cả chúng ta đều mong ước khi từ giã cõi đời.

Thánh Giuse còn là quan thầy của Giáo Hội hoàn vũ, của các người làm cha, các thợ mộc, và vấn đề công bằng xã hội. (Nguồn:  ns Người Tín Hữu online)

Hôm nay mời bạn cùng với mình dâng mình cho Thánh Giuse nhé:

Lạy Thánh Giuse yêu dấu, xin nhận con làm con của Cha. Xin Cha chăm lo phần rỗi con, xin trông chừng con ngày đêm, xin gìn giữ con khỏi các dịp tội, xin cho con được trong sạch hồn xác. Nhờ lời chuyển cầu của Cha với Chúa Giêsu, xin cho con được lòng khiêm nhượng, hy sinh và bỏ mình; một tình yêu nồng cháy dành cho Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể; một tình yêu dịu ngọt dành cho Đức Maria – Mẹ con; một tình yêu vâng phục dành cho Đức Thánh Cha và Hội Thánh. Lạy Thánh Giuse, xin ở với con khi sống và lúc chết. Xin cho con được sự phán xét may lành của Chúa Giêsu – Chúa Cứu Thế nhân hậu của con. Amen. (Kinh Dâng Mình Cho Thánh Giuse)

From: Đỗ Dzũng

Giuse Chuyện Về Người – Sáng tác: Thế Thông – Trình bày: Lm Nguyễn Minh Tâm- Thánh Cả Giuse 

Thánh Patrick (Patricio), Giám mục—385?-461

Mừng Lễ Thánh Patrick đến bạn và gia đình nhé! Đây là ngày lễ hội truyền thống của nước Ái Nhĩ Lan. Màu y phục thích hợp cho ngày hôm nay là màu xanh lá cây. Tối thiểu bạn phải mang một tí màu xanh trên người, nếu không có thì bạn sẽ bị thiên hạ nhéo cho bầm người luôn đó. Lưu Ý: Những ai sống trong Tổng Địa Phận Galveston-Houston, TX được phép ăn thịt trong ngày thứ sáu Mùa Chay hôm nay. Thành thật cảm ơn Đức Hồng Y DiNardo. Ăn nhậu xả láng để mừng Thánh Patrick đi bà con ơi!

Cha Vương

Thứ 6: 17/03/2023

Thánh Patrick (Patricio), Giám mục—385?-461. Truyền thuyết về Thánh Patrick thì quá nhiều; nhưng điều có ích lợi cho chúng ta là khi nhìn đến hai đức tính chắc chắn của ngài: khiêm tốn và dũng cảm. Chính thái độ cương quyết khi chấp nhận đau khổ cũng như thành công đã hướng dẫn cuộc đời của Thánh Patrick, một khí cụ của Thiên Chúa, để chiến thắng cho Ðức Kitô hầu như tất cả tâm hồn người Ái Nhĩ Lan.

Chi tiết về đời ngài thì không chắc chắn. Về nơi sinh trưởng của Thánh Patrick, có người cho là ở Kilpatrick, Tô Cách Lan, có người nói ở Cumberland, Anh Quốc. Cha mẹ ngài là người Rôma sống ở Anh Quốc với nhiệm vụ cai quản các bán đảo.

Khoảng 14 tuổi, chính ngài và phần lớn các nô lệ cũng như các quần thần của cha ngài bị hải tặc Ái Nhĩ Lan bắt và bán làm nô lệ để chăn cừu. Trong thời gian này, Ái Nhĩ Lan là đất của người Druid và ngoại giáo. Ở đây, ngài học ngôn ngữ và phong tục của dân tộc đang bắt giữ ngài.

Sáu năm sau, Patrick vượt thoát, có lẽ đến nước Pháp, và sau đó trở về Anh đoàn tụ với gia đình. Trong thời gian bị bắt tinh thần ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài bắt đầu học làm linh mục, và được chịu chức bởi Thánh Germanus, Ðức Giám Mục của Auxerre.

Sau đó, khi 43 tuổi ngài được tấn phong giám mục. Trong một thị kiến, dường như “mọi trẻ con ở Ái Nhĩ Lan từ trong lòng mẹ vươn cánh tay” đến ngài. Ngài hiểu thị kiến này là một lời mời gọi đi rao giảng Tin Mừng cho người ngoại giáo Ái Nhĩ Lan. Ngài đến phía tây và phía bắc, là nơi chưa bao giờ đức tin được rao giảng ở đây, và ngài đã được sự bảo vệ của các vua chúa trong vùng và đã hoán cải rất nhiều người.

Ngài tấn phong nhiều linh mục, chia quốc gia này thành các giáo phận, tổ chức các công đồng, thành lập vài đan viện và tiếp tục thúc giục dân chúng sống thánh thiện hơn. Ngài chịu đau khổ vì bị các tăng sĩ ngoại giáo chống đối, và bị chỉ trích cả ở Anh và Ái Nhĩ Lan vì đường lối truyền giáo của ngài.

Trong 40 năm rao giảng và hoán cải, ngài đã làm nhiều phép lạ và đã viết Confessio nói về tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa. Ngài từ trần năm 461 ở Saul, County Down, Ái Nhĩ Lan là nơi ngài xây dựng nhà thờ đầu tiên.

Ngày nay cả toàn dân Á Nhĩ Lan qua các thời đại, nhớ công ơn người, ngày 17 tháng 3 được coi là ngày quốc lễ. Ái Nhĩ Lan, qua các vị thừa sai, các dòng tu đã đem Tin Mừng cho nhiều nước khác. (Nguồn: Nhóm Tinh Thần)

Thánh Patrick viết: “Khao khát của tôi là: dù không có khả năng chu toàn một công trình tốt đẹp và xứng đáng, tôi ước ao giống như những người được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng làm chứng cho Người trên khắp thế giới.” (Trích “Lời tuyên xưng đức tin của thánh Patriciô Giám mục,” Bài đọc 2 Kinh Sách, ngày 17/3)

Ước mong bạn hãy noi gương thánh nhân luôn nuôi dưỡng khát khao làm điều tốt đẹp, rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh, và đưa mọi người đến gần với Chúa hơn mỗi ngày.

From: Đỗ Dzũng

Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. (Mt 5:17)

Một ngày tràn đầy hồng ân và ân sủng của Chúa nhé bạn.

Cha Vương

Thứ 4: 15/03/2023

TIN MỪNG: Ông Mô-sê nói với dân rằng: “Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA của cha ông anh em, ban cho anh em. (Đnl 4:1)

SUY NIỆM: Có những người cho rằng đạo Công Giáo khó khăn và khắt khe quá, làm cái gì cũng phải theo luật: luật tự nhiên, luật Thiên Chúa, luật luân lý, luật Giáo Hội, luật phụng vụ, luật giáo xứ, v.v. Nếu nhìn vào những khía cạnh của luật không thì có vẻ nặng nề và phiền phức đấy. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói rằng: “Thiên Chúa đã nắm lịch sử trong tay, Người giữ tôi trên tay, nhưng Người cũng để tôi tự do, để tôi tự mình trở nên một kẻ yêu hay chối từ tình yêu.”

Bạn là một thụ tạo của Thiên Chúa. Tuy rằng Chúa ban cho bạn món quà tự do. Tự do ở đây không phải là muốn làm gì thì làm nhưng mà là tự do để sống trong một “khuôn khổ” để được tự do và hạnh phúc—yêu mến Chúa và tha nhân.

Lề luật là phương tiện chứ không phải là mục đích. Nó giúp con người sống bác ái, quảng đại, xả kỷ đối với nhau. Chính vì thế, càng yêu thương, chúng ta càng chu toàn lề luật. Vì lề luật là để phục vụ con người, chứ không phải con người nô lệ lề luật.

Nhưng, cuộc sống không phải ai cũng hiểu được như vậy, có những người đã dùng lề luật để đàn áp con người, có những người luôn dùng lề luật làm thước đo cho người khác, họ quên rằng lề luật trên hết mọi lề luật là YÊU THƯƠNG…

Mình để ý có nhiều người rơi vào tình trạng nệ luật: giữ luật để được người khác khen, để cho người lớn khen thưởng. Hoặc có những người giữ luật vì sợ bị phạt, sợ bị khiển trách v.v…Thái độ giữ luật này vẫn còn non nớt lắm. Chúa không muốn bạn giữ luật như thế mà Ngài muốn bạn trưởng thành, vững chắc và giữ luật vì tình yêu, chứ không giữ luật không ý thức, máy móc, không trưởng thành vì sợ hãi, vì sợ khiển trách, không được khen thưởng vv…

LẮNG NGHE: Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. (Mt 5:17)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con biết tuân giữ lề luật một cách trưởng thành vì lòng yêu mến Chúa chứ không phải vì sợ phạt, sợ bị khiển trách để được vào miền đất hứa mà Chúa đã hứa ban cho những ai lắng nghe và thực hành luật Chúa.

THỰC HÀNH: Hãy sống và thực hành luật yêu thương nhé.

Luật Yêu Thương – Mai Thảo,Thanh Sử 

From: Đỗ Dzũng

“Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?-Cha Vương

Giữa Tháng 3 rồi, thời tiết gì mà kỳ quặc quá đi thôi! Đừng quên mang áo ấm khi ra ngoài nhé. Chúc một ngày bình an trong tinh thần Mùa Chay.

Cha Vương

Thứ 3: 14/03/2023

TIN MỪNG: Khi ấy, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. (Mt 18:21-22)

SUY NIỆM: Một điều không thể phủ nhận được trong cuộc sống là bạn phải luôn đối diện với những điều không vừa ý và với những người gây tổn thương cho bạn. Phản ứng thông thường của bạn là đáp trả, là ăn miếng trả miếng.

Nhưng thực ra, giận dữ phản kháng, trả đũa chẳng hóa giải được điều gì, có khi còn làm cho tình huống thêm căng thẳng thêm. Có lẽ ông Phêrô cũng đã ngán ngẩm về chuyện này. Nếu không thì ngài đã không hỏi Chúa phải tha thứ đến mấy lần. Đối với Thiên Chúa tha thứ không lệ thuộc vào con số nhưng mà là do tấm lòng bao dung tha thứ.

Để cho việc tha thứ được dễ dàng bạn phải đề cao cái “tình” và coi nhẹ cái “lý”.  Nếu cuộc đời cứ bám lấy cái “lý”— “oán báo oán – oán sẽ chập chùng” thì sẽ biến gia đình và thế giới thành nơi hoang tàn đổ nát và nguội lạnh.

Chỉ có tình yêu tha thứ và lòng bao dung mới xây dựng tình người và dựng xây thế giới/gia đình ngày một tốt đẹp hơn thôi. Bạn hãy noi theo bài học tha thứ nơi Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng tha thứ bạn cho dù tội bạn xúc phạm đến Ngài rất nhiều. Hôm này Ngài cũng đòi hỏi bạn làm như vậy. Ước gì bạn có được trái tim bao dung của Chúa để bạn có thể nói lời tha thứ cho nhau và đón nhận anh em chung sống trong tinh thần hiệp nhất và yêu thương.

LẮNG NGHE: ĐỨC CHÚA phán: Ngay lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, bởi vì Ta từ bi nhân hậu. (Ge 2:12-13)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, đôi khi con ôm ấp một quá khứ nặng nề và khép chặt với tha thứ, xin đổ vào tim con sức mạnh của Lòng Thương Xót Chúa để con hàn gắn những nghi kỵ, hiểu lầm, ghen tương đang làm tổn thương đến chính con và những người chung quanh.

THỰC HÀNH: Ai là người đang cần đến sự tha thứ của bạn trong lúc này? Làm một việc hy sinh và cầu nguyện cho người đó. Trong hành trình tha thứ, đôi khi bạn phải đành chấp nhận sự mất mát để tìm được hai chữ “BÌNH AN”.

From: Đỗ Dzũng

Tấm Lòng- Mai Thiên Vân

 

“Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Luca 4:24) 

Mến chào bình an, có lẽ bạn và gia đình đang đi nghỉ Spring Break ở chỗ nào đó hay bạn chỉ ở nhà thôi. Mong bạn dành một chút thời giờ thinh lặng để nhìn lại cuộc đời mình và lắng nghe tiếng Chúa đang muốn nói với bạn điều gì hôm nay nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 13/03/2023

TIN MỪNG: Khi đến Na-da-rét, Đức Giê-su nói với dân chúng trong hội đường rằng: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Luca 4:24)

SUY NIỆM: Có bao giờ bạn nhận ra bàn tay Chúa trong đời mình chưa nhỉ?

Bàn tay Chúa làm việc một cách rất lạ lùng trong mọi sự. Điều này không hẳn là bạn nhìn vào mọi phân tích về tôn giáo, chính trị, xã hội để cố hiểu xem thế giới đang có chuyện gì, nhưng đúng hơn, là bạn nhìn vào mọi sự kiện trong đời mình, cả cá nhân lẫn toàn cầu, và tự hỏi: Chúa đang nói gì với TÔI điều gì qua sự kiện này?  Chúa muốn nói gì với NHÂN LOẠI qua sự kiện này?

Thiên Chúa luôn nói chuyện với bạn không những qua những sự kiện rất bình thường và cả những biến cố đau đớn vui buồn trong đời sống. Thí dụ: từng hơi thở mà bạn đang có cũng là do bàn tay Chúa tạo ra, những thức ăn được biến đổi bởi quá trình tiêu hoá cơ học và hoá học, để từ đó cơ thể có thể sử dụng hoặc lưu trữ các chất dinh dưỡng cho cơ thể bạn.

Bạn nghĩ gì về những việc tài tình đó? Đôi khi bạn tự nghĩ rằng Chúa làm ngơ trước những đau khổ của bạn và của nhân loại, và oán trách Chúa. Không phải vậy đâu. Chúa vẫn nói chuyện và tích cực can thiệp vào mọi việc nhưng chỉ vì bạn không biết lắng nghe thôi. Có lẽ nhiều người đang sống trong một thế giới điếc đặc. Thiên Chúa luôn nói, nhưng hầu như họ chẳng nghe thấy gì cả.

LẮNG NGHE: Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng CHÚA!  Người phán: “Các ngươi chớ cứng lòng.” (Tv 95:7b,8a)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin ban cho con một con tim bén nhạy và một tấm lòng khiêm nhường để con lắng nghe những gì mà Chúa đang muốn nói với con trong những biến cố hằng ngày của đời con.

THỰC HÀNH: Mùa Chay này mời bạn hãy gạt bỏ những thành kiến/định kiến đang làm tổn thương đến mối quan hệ của bạn với Thiên Chúa và tha nhân. 

Tạ Ơn Lòng Chúa Xót Thương – St Lê Đức Hùng – Ca Sỹ: Thanh Hoài

From: Đỗ Dzũng

Chúa Giê-su nói: “nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (Luca 13:5)

Hôm nay đổi giờ, bạn mất đi một tiếng để ngủ nướng. Chúc bạn và gia đình ngày Chúa Nhật tràn đầy nhiệt huyết để theo Chúa nhé.

Cha Vương

 CN: 12/03/2023

TIN MỪNG: Chúa Giê-su nói: “nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (Luca 13:5)

SUY NIỆM: Điều mà Chúa Giêsu muốn cảnh cáo là nếu họ cứ tiếp tục tìm kiếm một vương quốc trần gian và chối bỏ Nước Thiên Chúa thì họ chỉ đi vào chỗ chết mà thôi! Ngày nay, có thể nói sự dữ của tội lỗi đang hoành hành khắp nơi hơn bao giờ hết, và nó được ngụy trang rất tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau và được bao che bởi bức màn của “văn hóa sự chết.” Nền văn hóa này được tạo ra bởi con người dưới sự điều khiển của ma quỷ. Điều quan trọng là Bạn phải sử dụng ý chí tự do để can đảm xét tội mình, phải đấm ngực mình để sám hối, để cải thiện chính mình, để tẩy chay nền văn hóa sự chết. Nếu ai cũng lo sám hối và cải thiện nên người tốt thì việc mới tốt, xã hội mới tốt, tôn giáo mới tốt, chính trị mới tốt và mọi thứ văn hóa, kỹ thuật khoa học đều tốt, sẽ không còn nổi loạn bắt bớ, tranh đấu, chiến tranh chém giết nhau nữa.

LẮNG NGHE: Mắt tôi nhìn CHÚA không biết mỏi / vì chính Người sẽ gỡ chân tôi khỏi dò lưới. / Lạy CHÚA, xin đoái nhìn và xót thương con, / vì thân này bơ vơ cùng khổ. (Tv 25:15-16)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Ðấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy con cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và chia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo. Nay con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn. Xin Chúa tha tội cho con.

THỰC HÀNH: Kiểm thảo lại việc ăn chay hãm mình  của bạn trong Mùa Chay nhé.

From: Đỗ Dzũng

Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường – Cha Vương

Xin Chúa chúc lành và gìn giữ hồn xác bạn khỏi các dịp tội hôm nay. Đừng quên cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 10/03/2023

TIN MỪNG: Đức Giê-su bảo họ: “Kinh Thánh có câu: ‘Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của CHÚA, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.’” (Mt 21:42b)

SUY NIỆM: Cái nhìn của Chúa khác với cái nhìn của loài người. Khả năng của Chúa cũng tuyệt vời hơn khả năng của loài người. Viên đá mà những người thợ xây—tức là loài người, là bạn, là mình, coi là đồ bỏ đi, thì Thiên Chúa có thể biến thành tảng đá góc tường. Bạn hãy nhìn xem viên đá Phêrô đã ba lần chối Chúa, viên đá Phaolô trên đường Đa-mát, viên đá Augustinô… Chúa đã biến đổi họ thế nào? Nhiều anh chị em khác và ngay cả chính bạn cũng có thể là những viên đá như thế…, vậy bạn hãy khoan dung và hãy hết lòng trông cậy vào sức mạnh của lòng Thương Xót và Tình Yêu Thiên Chúa nhé

LẮNG NGHE: Con ẩn náu bên Ngài, lạy CHÚA, / xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. / Lưới kẻ thù giăng, xin gỡ con ra khỏi, / vì nơi con trú ẩn, chính là Ngài. (Tv 31:2.5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa đầy lòng khoan dung và tha thứ, việc Chúa làm thật kỳ diệu trước mắt con, xin cho con có được cái nhìn của Chúa để con nhận ra Chúa đang hiện diện nơi những người con gặp hôm nay mà đối xử với họ như Chúa vậy. Cho dù cuộc sống hiện tại của họ đang ở trong tình trạng như thế nào, xin giúp con biết đối xử với họ với lòng khoan dung và tha thứ.

THỰC HÀNH: Tha thứ (forgive) thì dễ, quên đi (forget) mới khó, và càng khó hơn khi bạn tha thứ và quên đi cùng một lúc. Hôm nay mời bạn hãy là một việc thật khó nhé. Chúc bạn thành công nhờ ơn Chúa trợ giúp.

From: Đỗ Dzũng