Thánh Antôn Claret (1807-1870)-Cha Vương

Thánh Antôn Claret (1807-1870)

Tạ ơn Chúa đã cho bạn thức dậy để tận hưởng những kỳ công của Chúa. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Antôn Claret (1807-1870). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 24/10/2022

Người cha tinh thần của Cuba là một nhà truyền giáo, người sáng lập dòng, người cải cách xã hội, tuyên uý của hoàng hậu, nhà văn và nhà xuất bản, là đức tổng giám mục và cũng là người tị nạn. Ngài là người Tây Ban Nha mà vì công việc ngài đã đặt chân đến các nơi như quần đảo Canary, Cuba, Madrid, Paris và Công Ðồng Vatican I.

Thánh Antôn Claret sinh ngày 23 tháng 12 năm 1807 ở làng Sallent, tỉnh Catalonia, nước Tây Ban Nha. Ngài là con của một người thợ dệt. Trong khi làm thợ dệt cũng như vẽ kiểu cho một xưởng tơ sợi ở Barcelona, ngài dùng thời giờ rảnh rỗi để học tiếng Latinh và học cách in ấn: quả thật Chúa đang chuẩn bị ngài để trở nên một linh mục và nhà xuất bản tương lai.

Ðược thụ phong linh mục lúc 28 tuổi, vì sức khỏe yếu kém nên ước mơ trở nên một tu sĩ dòng Tên hay dòng Thánh Brunô không thành tựu, ngài đã trở nên một linh mục triều nổi tiếng về rao giảng ở Tây Ban Nha. Ngài dành 10 năm để đi giảng tuần đại phúc, và luôn luôn nhấn mạnh đến bí tích Thánh Thể và sự sùng kính Thánh Tâm Mẹ Maria. Người ta nói, chuỗi mai khôi không bao giờ rời khỏi tay ngài. Khi 42 tuổi, cùng với năm linh mục trẻ, ngài thành lập tu hội truyền giáo, mà ngày nay được gọi là tu sĩ dòng Claret.

Từ năm 1850 đến 1857, ngài được bổ nhiệm về làm tổng giám mục của giáo phận bị quên lãng từ lâu là Tổng Giáo Phận Santiago ở Cuba. Ngài bắt đầu cải cách bởi việc rao giảng không ngừng và giải tội. Dĩ nhiên ngài phải chịu nhiều chống đối cay đắng — phần lớn là vì ngài kịch liệt lên án vấn đề vợ lẽ và dạy giáo lý cho các người nô lệ da đen. Một tù nhân mà Cha Antôn chuộc ra khỏi tù đã được thuê mướn để giết ngài, nhưng ngài thoát chết và chỉ bị thương ở mặt và tay. Cũng chính Cha Antôn giúp người này thoát án tử hình. Ngài giúp thay đổi sự nghèo nàn của dân Cuba bằng cách giúp họ trồng trọt những thực phẩm khác nhau, cần cho thị trường. Ðiều này khiến các điền chủ tức giận, vì họ chỉ muốn dân chúng trồng mía để thu hoa lợi. Trong các văn bản về tôn giáo của ngài còn có hai quyển ngài viết khi ở Cuba: Suy Tư về Canh Nông và Lợi Nhuận Quốc Gia.

Ngài được gọi về Tây Ban Nha với một công việc mà ngài không ưa thích gì — làm tuyên uý cho nữ hoàng. Ngài đồng ý trở về với ba điều kiện: Ngài sẽ ở ngoài hoàng cung, ngài chỉ đến nghe nữ hoàng xưng tội và dạy giáo lý cho con cái họ, và ngài không bị dính líu gì đến sinh hoạt triều đình.

Cả cuộc đời Thánh Antôn, ngài chỉ mơ ước việc xuất bản sách báo Công Giáo. Ngài sáng lập Nhà In Công Giáo, một cơ sở xuất bản Công Giáo mạo hiểm kinh doanh ở Tây Ban Nha, và ngài đã viết cũng như xuất bản khoảng 200 cuốn sách lớn nhỏ.

Trong Công Ðồng Vatican I, ngài là người trung thành bảo vệ tín điều bất khả ngộ của đức giáo hoàng, ngài được sự thán phục của các giám mục bạn. Ðức Hồng Y Gibbons của Baltimore nhận xét về ngài, “Ðây thực sự là vị thánh.” Ngài mất ngày 24 tháng 10 năm 1870 tại tu viện dòng Xitô ở Fontfroide, Narbonne, nước Pháp  lúc 63 tuổi.

Đức Giáo Hoàng Pius XI đã ghi tên ngài vào sổ Các Đấng Đáng Kính ngày 06 tháng 1 năm 1926. Tám năm sau, ngài được tôn phong Chân Phước ngày 25 tháng 2 năm 1934. Và Đức Giáo Hoàng Pius XII đã nâng Chân Phước Antony Mary Claret lên bậc hiển thánh ngày 07 tháng 5 năm 1950.

Ðức Giêsu đã nói trước cho những ai muốn theo Ngài là họ sẽ bị bách hại như chính Chúa. Ngoài những cám dỗ trong đời, Thánh Antôn còn phải chịu đựng biết bao vu khống xấu xa đến độ tên Claret của ngài đồng nghĩa với nhục nhã và bất hạnh. Ma quỷ không dễ gì buông tha con mồi của chúng. Chúng ta không cần phải đi tìm sự bách hại. Tất cả những gì chúng ta cần là sẵn sàng chịu đau khổ vì đức tin chân thật nơi Ðức Kitô, chứ không phải vì những bất cẩn và tính khí bất bình thường của chúng ta. (Nguồn: Người Tín Hữu Online)

Châm ngôn và chương trình đời sống thánh Antôn Maria Claret là: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”. Mời bạn tập sống tinh thần của thánh nhân nhé.

From: Đỗ Dzũng

Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. (Lc 18:14b) – Cha Vương

Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. (Lc 18:14b) – Cha Vương

Ngày Chúa Nhật an vui và hạnh phúc bên Chúa và bên nhau nhé.

Cha Vương

CN: 23/10/2022

TIN MỪNG: Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. (Lc 18:14b)

SUY NIỆM: Giáo sư tâm lý học tại Đại học Georgia có viết: “Những người có lòng tự cao mong manh thường bù đắp cho sự nghi ngờ bản thân bằng các xu hướng phóng đại để bảo vệ và nâng cao giá trị của bản thân.” Nhìn vào thái độ của người Pha-ri-sêu khi họ cầu nguyện bạn cũng thấy sự ẩn hiện của lòng tự cao mong manh này. Họ nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” (Lc 18:11-12) Có bao giờ bạn tự phóng đại để bảo vệ nâng cao giá trị của bản thân mình không? Thường tình, con cá bị mất bao giờ cũng là con cá to nhất. Phải không bạn? Hôm nay Chúa dạy cho bạn một bài học khiêm tốn và tự trọng. Người khiêm tốt là người có thì nói có, không thì nói không, khi phạm lỗi thì biết xin lỗi. Họ không tìm cách biện hộ cho chính mình một cách quá đáng hoặc làm cho người khác hài lòng qua hành động và lời nói của họ. Còn người tự trọng là người có cách nhìn nhận sự việc và sự hiện tượng chính xác, rất khách quan, từ đó đưa ra lối ứng xử phù hợp giúp giữ gìn nhân phẩm và danh dự cho bản thân và cho người khác. Họ không thêm mắm thêm muối hoặc thổi phồng để bảo vệ họ hoặc hạ bệ người khác. Đừng trèo cao quá nhé bạn, kẻo bị té đau đó…

LẮNG NGHE: Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. (Cl 3:12)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, phận người con hay thích khoe khoang, không thèm học hỏi người khác và cũng không muốn bị người khác phê bình, góp ý, từ đó dẫn đến chủ quan và thất bại trong cuộc sống, xin cho con lòng tự trọng và khiêm tốn ĐỦ để bước theo chân Chúa và phục vụ anh em một cách tốt đẹp hơn.

THỰC HÀNH: Có bao giờ xem thường và đánh giá thấp người khác không? Tập tìm kiếm những điều tích cực nơi môi trường sống của bạn. Bạn tìm cái gì thì sẽ thấy cái đó… đừng tìm khuyết điểm của nhau hãy tìm những đức tính tốt để sống tốt đẹp hơn.                               

From: Đỗ Dzũng

Nếu Thiên Chúa là Tình yêu thì sao lại có Hỏa ngục?-Cha Vương

Nếu Thiên Chúa là Tình yêu thì sao lại có Hỏa ngục?

Thứ Sáu rồi bạn ơi! Tạ ơn Chúa! Một cuối tuần hạnh phúc và ấm áp bên Chúa và những người thân yêu nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 21/10/2022

GIÁO LÝ: Nếu Thiên Chúa là Tình yêu thì sao lại có Hỏa ngục? Không phải Thiên Chúa kết án con người vào hỏa ngục mà chính con người là kẻ tự kết án mình khi gạt bỏ tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Họ tự tước mất cuộc sống vĩnh cửu khi chính họ tự ý loại mình ra khỏi sự thông hiệp với Thiên Chúa. (YouCat, số 162)

SUY NIỆM: Thiên Chúa ước ao sống hiệp thông ngay cả với tội nhân cuối cùng. Người muốn mọi người ăn năn trở lại và được cứu rỗi. Nhưng Thiên Chúa đã dựng nên con người được tự do, và Người tôn trọng quyết định của họ. Chính Thiên Chúa không thể ép buộc ai yêu mến. Thiên Chúa không kết án con người. Thiên Chúa là tình yêu phải chịu đầu hàng “những ai chọn hỏa ngục hơn là Thiên đàng”. 

(YouCat, số 162 t.t.)

❦ Thiên Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải. (2 Pr 3:9)

❦ Thiên Chúa nhân lành vô cùng sẽ không bao giờ loại bỏ những ai không muốn loại bỏ Người. (Thánh Phanxicô Salêdiô)

LẮNG NGHE: Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. (1 Tm 2:4)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa là Tình Yêu mà lòng con luôn khát khao, xin giúp con biết tránh xa những dịp tội hôm nay để khỏi bị xa lìa Chúa bao giờ.

THỰC HÀNH: Tập đưa câu này vào sau mỗi chục Kinh Mân Côi: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con cho khỏi Hỏa Ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn”.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Phao-lô Thánh giá (1694-1775)-Cha Vương

Thánh Phao-lô Thánh giá (1694-1775)

Mến Chúc bạn và gia đình ngày Thứ 5 an lành và cảm nghiệm được tình yêu sâu đậm của Con Thiên Chúa đã chết trên Thập giá để cứu chuộc bạn. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Phao-lô Thánh giá (1694–1775), đấng sáng lập Dòng Thương Khó Chúa Giê-su, vị Thánh ít người biết đến trong giáo dân Việt Nam. Chúc mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 20/10/2022

Thánh Phao-lô Thánh giá sinh tại Ô-vi-đa nước Ý, năm 1694, trong một gia đình thương gia giàu có đạo đức. Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã được mẹ dạy dỗ đầy đủ về đạo hạnh, đặc biệt về lòng tôn kính cuộc Thương khó Chúa. Vì thế khi lớn lên, ngài hết lòng kính mến Chúa Giê-su chịu đóng đinh, chịu chết trên khổ giá, hằng ngày thánh nhân thực hành việc hãm mình phạt xác và ăn chay, quỳ gối cầu nguyện lâu giờ trước ảnh chuộc tội.

    Năm lên 20 tuổi, thánh nhân gia nhập Đạo Binh Thánh giá, tham gia công cuộc bảo vệ Hội thánh, chống lại đạo quân Hồi giáo đang xâm chiếm Thánh Địa.

    Năm 1720, thánh nhân được Chúa soi sáng. Ngài thấy cần lập một hội dòng tôn sùng sự Thương Khó Chúa Giê-su. Ngài thảo bộ luật Dòng và gởi xin Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô thứ 14 phê chuẩn.

    Bảy năm sau, thánh nhân chịu chức Linh mục và được phép thâu nhận tập sinh vào dòng. Đó là Dòng Thương Khó, đặc biệt tôn sùng Chúa Giê-su chịu khổ hình chịu chết vì tội loài người. Ngài thường nói với các tập sinh: “Thật là việc tốt lành và thánh thiện khi suy tưởng và suy ngắm các khổ nạn của Chúa, vì nhờ con đường nầy mà người ta đạt tới sự kết hiệp thánh thiện với Thiên Chúa. Chính trong ngôi trường rất thánh nầy, mà người ta học được sự khôn ngoan chân thật, vì chưng, tất cả các thánh đều học khôn ở đó. Khi nào Thập Giá của Đức Giê-su dịu hiền đã đâm rễ trong tâm trí anh em, lúc ấy anh em hãy ca lên: “Chịu khổ chớ không chịu chết”, hay là “hoặc chịu khổ hoặc chịu chết”, hay hơn nữa “chẳng chịu khổ cũng chẳng chịu chết, nhưng chỉ trọn vẹn tuân theo thánh ý Thiên Chúa”.

    “Tình yêu là một năng lực hiệp nhất; nó biến những khổ hình của Đấng thiện hảo đáng yêu mến của mình. Ngọn lửa tình yêu lan tới tận tâm can, biến người yêu thành kẻ được yêu thương, và một cách sâu hơn, tình yêu nhập vào trong khổ đau và đau khổ nhập vào tình yêu; cả hai hòa nhập keo sơn đến nỗi không thể phân biệt tình yêu với đau khổ. Bởi vậy tâm hồn yêu mến reo vui trong chính nỗi khổ sầu, và nhảy mừng hoan lạc trong chính tình yêu bi thương của mình”.

    “Vậy anh em hãy kiên trì thực hành mọi nhân đức, nhất là hãy noi gương bắt chước đức nhẫn nhục chịu đựng trong Đức Giê-su dịu hiền, vì đó chính là tuyệt đỉnh của tình yêu thuần khiết. Anh em hãy làm sao để mọi người thấy anh em không những mang lấy hình ảnh Đức Ki-tô chịu đóng đinh là gương mẫu cho mọi dịu ngọt và hiền lành tự đáy lòng, mà còn cả ở bên ngoài nữa…”

    Ngoài ra việc đào luyện các tu sĩ, thánh nhân còn đi khắp nước Ý, rao giảng kêu gọi mọi người tôn sùng sự Thương Khó Chúa. Đi tới đâu, dân chúng cũng tiếp đón ngài nồng hậu kính cẩn, vì họ nhìn nhận ngài là một Đấng Thánh.

    Thánh nhân qua đời ngày 18 tháng 10 năm 1775 và năm 1865 được tôn phong Hiển thánh.

* Quyết tâm: Hết lòng tôn kính Chúa Giê-su chịu khổ hình chịu chết trên Thánh giá, và hằng ngày sẵn lòng vác khổ giá theo Chúa, để được hưởng nhờ ơn cứu rỗi, theo gương thánh Phao-lô Thánh Giá. (Nguồn: Hạnh Các Thánh, Gx-Xuân Việt)

    Cùng với thánh nhân, mời bạn hôm nay đứng trước Thập Giá Đức Kitô đọc và suy niệm lời kinh sau đây nhé: Lạy cha Thánh Phaolô, là cha và là người anh em của chúng con, giờ đây, chúng con đang cùng ngài đứng trước Thập Giá Đức Kitô. Xin tình yêu được thể hiện cho chúng con nơi thập giá của Đức Kitô chiếm lấy khối óc, con tim và đời sống chúng con. Ngài đã noi gương Chúa Giêsu chịu đóng đinh, thì xin cho chúng con cũng gạt bỏ mọi sự, mà khao khát mỗi thánh ý của Thiên Chúa và làm cho sự tưởng niệm về cuộc Thương Khó và sự Chết của Chúa Giêsu Kitô, Đấng là hy vọng duy nhất của chúng con, luôn sống mãi. Amen.

From: Đỗ Dzũng

Hỏa ngục là gì? – Cha Vương

Hỏa ngục là gì? – Cha Vương

Nguyện xin Thiên Chúa ở bên cạnh bạn và gia đình hôm nay và mãi mãi nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 19/10/2022

GIÁO LÝ: Hỏa ngục là gì? Hỏa ngục là tình trạng xa lìa đời đời với Thiên Chúa, thiếu vắng tình yêu cách tuyệt đối. (YouCat, số 161)

SUY NIỆM: Ai chết trong tình trạng đã phạm tội nặng do biết rõ và cố tình mà không ăn năn hối cải, ai từ bỏ đến muôn đời tình yêu hay thương xót và tha thứ của Thiên Chúa, người đó tự loại bỏ mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và các Thánh. Có thể có ai lúc chết được nhìn ngắm tình yêu tuyệt đối ở trước mặt mà cứ nhất định bỏ không? Ta không biết. Nhưng vì ta có tự do, nên có thể có. Chúa Giêsu luôn ngăn ngừa chúng ta đừng có dứt khoát chia ly với Chúa bằng cách không quan tâm gì đến những khốn khổ của anh chị em chúng ta. Chúa nói với mọi người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời… vì xưa Ta đói các ngươi đã không cho ăn… Ta bảo thật mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé mọn nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 41.45). (YouCat, số 161 t.t.)

❦ Kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân. Và anh em biết không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong mình nó. (Ga 3,14-15)

❦ Tôi tự hỏi: “Hỏa ngục là gì?”. Tôi quả quyết rằng: là không thể yêu thương được. (Fedor Dostoievski, 1821– 1881, văn sĩ Nga)

LẮNG NGHE: Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. (Mc 9,43)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, mỗi ngày Chúa ban cho con là một cơ hội để chọn lựa Thiên đàng hay hoả ngục. Chúa muốn tất cả mọi người được hưởng hạnh phút Thiên đàng nhưng Chúa lại ban cho con tự do để chọn lựa, xin cho con biết luôn dứt khoát chọn Chúa và Thiên đàng bằng cuộc sống thánh thiện, bác ái yêu thương trong xã hội hôm nay. 

THỰC HÀNH:  Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 1035 có viết: “linh hồn của những người chết trong tình trạng đang có tội trọng, sẽ lập tức xuống hỏa ngục, lửa vĩnh viễn.” Bạn nghĩ gì về lời dạy này? Hãy tìm một giải pháp cho mình để khỏi bị vào hoả ngục nhé.

From: Đỗ Dzũng

  Ta có thể giúp được các linh hồn ở Luyện ngục không?-Cha Vương

  Ta có thể giúp được các linh hồn ở Luyện ngục không?

Chúc một ngày bình yên nhé, xin bạn một phút thinh lặng để cầu nguyện cho những linh hồn đang thanh luyện trong Luyện ngục nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 17/10/2022

GIÁO LÝ: Ta có thể giúp được các linh hồn ở Luyện ngục không? Có, vì tất cả những ai đã được rửa tội trong Chúa Kitô đều được tham dự vào việc “các thánh thông công” và họ liên đới với nhau. Những người còn sống có thể giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục. (YouCat, số 160)

SUY NIỆM: Bởi vì khi chết rồi con người không thể làm gì cho chính mình nữa, thời gian thử luyện đã qua rồi. Nhưng khi ta còn sống, ta có thể làm được việc gì đó giúp họ, vì tình yêu của ta vẫn hoạt động vươn tới cả đời sau, chẳng hạn ăn chay, cầu nguyện, làm các việc lành, nhất là dâng thánh lễ để xin ơn cho họ. (YouCat, số 160 t.t.)

❦ Bạn đừng ngại ngùng cứu giúp những người đã ra đi và dâng lời cầu nguyện cho họ. (Thánh Gioan kim khẩu)

LẮNG NGHE: Bấy giờ, ông ta [ông nhà giàu] kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” (Lc 16:24)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa giàu lòng xót thương, xin đoái nhìn đến ông bà, cha mẹ, những người thân thương, những tín hữu đã qua đời. Nếu họ còn vướng mắc tội gì, xin Chúa tha thứ và đưa họ về với Chúa trên nước Thiên Đàng.

THỰC HÀNH: Làm một việc hy sinh để cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời hôm nay.

From: Đỗ Dzũng

Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt 5:48)-Cha Vương

Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt 5:48)

Chúc bạn và gia đình ngày Chúa Nhật tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa nhé.

Cha Vương

https://youtu.be/ZUiGzu4rrCI

CN: 16/10/2022

TIN MỪNG: Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành. (1 Tm 3:17)

SUY NIỆM: Có bao giờ bạn dùng câu nói “nhân vô thập toàn” của Khổng Tử để xin người khác dung thứ cho lỗi lầm của bạn chưa? Con người vốn không ai là tuyệt vời, là hoàn hảo nhất. Dù ít hay nhiều, trong tất cả mọi người, ai cũng có những khiếm khuyết, khuyết điểm, trong lòng chứa đựng những thứ chưa “toàn vẹn”. Do đó đi đến đâu bạn cũng gặp những ca ẩu đả, cãi cọ, xích mích va chạm lẫn nhau. Kể cả trong những giáo xứ, họ đạo, cộng đồng, và trong nơi tu trì bạn cũng thấy dấu vết của sự bất toàn này. Dù bạn đang làm gì, sống ở đâu, đang sống trong bậc nào, bạn phải có Chúa là Đấng hoàn thiện thì bạn mới trở nên hoàn thiện được. Qua Bí tích rửa tội, bạn được trở thành người của Thiên Chúa cho nên mỗi ngày bạn phải quyết tâm và cố gắng sống xứng đáng là con của Chúa. Để được như vậy bạn phải tích chữ và trang bị cho mình những gì thuộc về Chúa, “hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô”(Gl 6:2), và đừng nguyền rủa nhau.

    Tâm lý thông thường của con người là thích đòi hỏi người khác hơn là đòi hỏi chính mình. Bạn thích đòi hỏi người khác phải thế này thế nọ với bạn, nhưng bạn quên rằng bạn chưa làm những gì người khác cũng trông chờ nơi bạn.

    Chúa Giêsu đã đề ra cho bạn khuôn vàng thước ngọc để xử sự trong cuộc sống: “Những gì ngươi không muốn người khác làm cho người, thì ngươi cũng đừng làm điều đó cho người khác”. Nếu bạn không muốn ai đối xử bất công, không tử tế với bạn, bạn hãy sống tử tế, công bình trước đi. Nếu bạn không muốn ai cư xử hẹp hòi ích kỷ với bạn, bạn hãy sống quảng đại, độ lượng với họ đi. Nếu bạn không muốn người khác cau có với bạn, bạn hãy luôn mang bộ mặt của tươi vui, phấn khởi đến với người ta đi. Nếu bạn cứ làm như vậy, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và bình yên hơn đó.

LẮNG NGHE: Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt 5:48)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin bạn cho con một quả tim giống như Chúa để con biết mang yêu thương vào những nơi bất hoà trong cuộc sống hằng ngày của con.

THỰC HÀNH: Mỗi khi gặp xích mích, bạn hãy tập xin ơn Chúa soi sáng để nhìn vào những điểm tốt của người ấy và thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực của mình nhé.

 Luyện ngục là gì? – Cha Vương

 Luyện ngục là gì?

Chúc bạn một ngày an lành và bình an trong ơn nghĩa của Chúa nhé. Chúa thương bạn nhiều lắm đó.

Cha Vương

https://youtu.be/gQ00ov6PoRo

Thứ 6: 14/10/2022

GIÁO LÝ: Luyện ngục là gì? Luyên ngục thường được coi là một nơi, nhưng đúng ra là một tình trạng của những người chết trong ơn nghĩa Chúa, đã được cứu độ, nhưng còn cần thanh luyện trước khi họ có thể được xem thấy Thiên Chúa mặt đối mặt. Đó chính là luyện ngục. (YouCat, số 159)

SUY NIỆM: Khi thánh Phêrô chối Chúa Giêsu, Người quay lại và nhìn ông: “Và Phêrô đi ra khóc lóc một cách cay đắng”, việc thánh Phêrô bày tỏ một tình cảm ăn năn như thế có thể có ở luyện ngục. Một luyện ngục như thế chắc sẽ chờ đợi đa số chúng ta lúc chúng ta chết: Chúa nhìn ta với cái nhìn yêu thương, và ta cảm thấy một tình cảm hổ thẹn cháy bỏng và một hối hận đớn đau đối với việc ta đã làm điều ác hoặc đã có những hành động chỉ “ thiếu” có tình yêu thôi. Chỉ sau khi chịu đau khổ để thanh luyện như vậy ta mới có thể gặp được cái nhìn yêu thương trong niềm vui vĩnh hằng mà không gì làm xáo trộn được. (YouCat, số 159 t.t.)

❦ Vì thế ông Giuđa Macabê đã làm việc đền tội cho người đã chết, để họ được tha thứ tội lỗi. (2 Mcb 12:45)

LẮNG NGHE: Những công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Thiên Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. (1 Cr 3:13)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, nhìn lại cuộc đời có những lần con cảm thấy hổ thẹn và hối hận vì những hành động thiếu bác ái, thiếu yêu thương, xin Chúa giúp con biết hoán cải và canh tân đời sống để khỏi bị đau khổ đời đời.

THỰC HÀNH: Có bao giờ bạn ăn năn khóc lóc cay đắng như Phêrô chưa? Bạn đang làm gì cho chính mình để khỏi bị thanh luyện trong luyện ngục? Hãy quyết tâm làm một thay đổi để sống trong ơn nghĩa của Chúa mỗi ngày nhé.

Trời là gì?-Cha Vương

Một ngày an lành trong niềm hy vọng vào Chúa Cứu Thế nhân hậu nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 13/10/2022

GIÁO LÝ: Trời là gì? Trời là thời gian vô tận của tình yêu không bao giờ còn xa cách nữa giữa Thiên Chúa và lình hồn đã yêu mến và tìm kiếm Người suốt đời. Được hiệp nhất với tất cả các thiên thần và tất cả các thánh, linh hồn được vui hưởng hạnh phúc luôn luôn ở gần Chúa và với Chúa. Trời là Thiên đường. (YouCat, số 158)

SUY NIỆM: Đôi bạn trẻ nhìn nhau với đôi mắt tình tứ, một em bé đang bú mẹ tìm đến cái nhìn của mẹ nó, như muốn giữ gìn mỗi nụ cười đó mãi mãi…. đó là những thí dụ có thể cho ta một ý niệm nhỏ về trời hay thiên đường. Được nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt là như thời gian độc nhất của tình yêu kéo dài đến vô tận. (YouCat, số 158 t.t.)

❦ Một người có thể mất hết của cải đời này trái với ý muốn của mình, nhưng không bao giờ họ mất của cải đời đời nếu không hoàn toàn do ý muốn của mình. (Thánh Augustinô)

LẮNG NGHE: Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. (1 Cr 13:12)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, là con người thì có lẽ ai cũng có những lần lo âu xao xuyến, nhất là khi con đang sống trong một thế giới bất ổn, xin Chúa cũng cố niềm tin cho con để con luôn xác tín vào lời Chúa dạy: Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14:1-3)

THỰC HÀNH: Để hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa, bạn cần phải sạch tội. Tội nào đang làm bạn xa lìa Chúa? Hãy cố gắng tránh xa dịp tội hôm nay nhé.

From: Đỗ Dzũng

Chúng ta có phải chịu xét xử sau khi chết không?-Cha Vương

Chúng ta có phải chịu xét xử sau khi chết không?

Một ngày an lành đến với bạn và gia đình, đừng để những ảnh hưởng trần tục làm bạn rời xa Chúa hôm nay nhé.

Cha Vương

https://youtu.be/wESgj5oaSJw

Thứ 4: 12/10/2022

GIÁO LÝ: Chúng ta có phải chịu xét xử sau khi chết không? Có. Sau khi chết, mỗi người tức khắc sẽ chịu cuộc xét xử. Cuộc xét xử này được gọi là cuộc xét xử riêng. Còn đến ngày sau hết, sẽ xảy ra một cuộc xét xử được gọi là cuộc xét xử chung, khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang của Người. (YouCat, số 157)

SUY NIỆM: Khi chết, mỗi người đi tới giờ của sự thật. Lúc đó không gì có thể bị gạt đi và che giấu nữa. Ta phải đối mặt với cuộc xét xử của Chúa, Đấng công nhận sự công chính của ta, vì Thiên Chúa gần gũi ta, ta chỉ có thể hoặc là công chính như Chúa muốn khi Người tạo dựng ta. Hoặc có thể ta cần phải qua một tiến trình thanh luyện chăng, hoặc có thể ta được đón ngay vào vòng tay của Chúa chăng? Nhưng cũng có thể ta đầy tội ác, hận thù, từ chối tất cả; ta sẽ từ chối vĩnh viễn bộ mặt của Tình yêu, bộ mặt của Thiên Chúa. (YouCat, số 157 t.t.)

❦  Xét xử. Việc xét xử riêng hay cá nhân sẽ xảy ra lúc mỗi người chết. Việc xét xử chung tất cả cũng gọi là xét xử sau cùng sẽ xảy ra khi tận thế lúc Chúa trở lại. 

❦ Khi đời đã về chiều, ta sẽ chịu xét xử về tình yêu của ta. (Thánh Gioan Thánh giá, 1542-1591, nhà thần bí Tây ban nha, tiến sĩ Hội Thánh và thi sĩ)

LẮNG NGHE: Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái… Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời. (Mt. 25:31,32,33,46)

 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa là vị thẩm phán công minh, và là vị Vua tình yêu. Chính vì tình yêu mà Chúa đã xuống thế làm người để cứu độ nhân loại. Sống trong thân phận con người, Chúa luôn thông cảm chạnh lòng thương xót và giải thoát con người khỏi những đau khổ mà họ đang gánh chịu, xin cho con biết kết hiệp với Chúa trong mọi hoàn cảnh để khỏi bị án phạt đời đời.

THỰC HÀNH: “Đến cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu.” Bạn đã và đang yêu mến Chúa và tha nhân đến mức nào?

From: Đào & Trắng

 Sự sống vĩnh hằng là gì?

 Sự sống vĩnh hằng là gì?

Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn một ngày mới để đổi mới đời mình trong mối tình không đổi thay của Chúa. Hãy nhớ cầu nguyện cho nhau nhé.

Thư 3: 11/10/2022

GIÁO LÝ: Sự sống vĩnh hằng là gì? Sự Sống vĩnh hằng đã khởi đầu khi ta lãnh Bí tích Rửa tội. Nó tiếp tục sau khi chết và nó sẽ vô cùng tận. (YouCat, số 156)

SUY NIỆM: Những người yêu nhau có kinh nghiệm rằng: họ muốn cho chuyện tình của họ không ngừng lại bao giờ. Thiên Chúa là tình yêu, thư thứ nhất của thánh Gioan nói thế (1Ga 4:16). Thư thứ nhất gửi Côrintô nói đức ái không bao giờ mất được (1Cr 13:8). Thiên Chúa thì vĩnh hằng vì Người là tình yêu và tình yêu thì vĩnh hằng bởi vì tình yêu là thần thiêng. Khi ta sống trong tình yêu, là ta đi vào hiện tại vĩnh viễn của Thiên Chúa. Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên, đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. (2 Pr 3:8) (YouCat, số 156 t.t.)

❦ Thời gian để tìm Chúa, đó là sống. Thời gian để tìm được Chúa, đó là chết. Thời gian để có được Chúa là đời đời. (Thánh Phanxicô Salêdiô)

 LẮNG NGHE: Phúc thay người lắng nghe ta dạy, ngày ngày canh thức trước cửa nhà ta, túc trực ở ngay lối ra vào. Vì gặp được ta là gặp sự sống, và hưởng ân lộc ĐỨC CHÚA ban cho. (Cn 8:34-35)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, hạnh phúc tuyệt đối và trường cửu là của Chúa. Xin cho con biết dành thời giờ Chúa ban để kết hiệp với Chúa qua việc tích cực tham dự các Bí Tích và sống Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời con.

THỰC HÀNH: Khi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, bạn cảm thấy thế nào khi tuyên xưng “Tôi tin hằng sống vậy.”?

From: Đỗ Dzũng

 Nếu ta trông cậy vào Chúa Kitô, Người sẽ giúp ta thế nào vào lúc ta chết?

 Nếu ta trông cậy vào Chúa Kitô, Người sẽ giúp ta thế nào vào lúc ta chết?

Cầu chúc bạn một ngày tràn đầy niềm trông cậy vào Chúa Ki-tô như em bé được nằm trong tay mẹ hiền vậy nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 10/10/2022

GIÁO LÝ:  Nếu ta trông cậy vào Chúa Kitô, Người sẽ giúp ta thế nào vào lúc ta chết? Chúa Kitô sẽ tới gặp ta và đưa ta vào cuộc sống đời đời. Thánh Têrêsa Hài đồng nói: “Không phải cái chết sẽ đến đón tôi mà là chính Thiên Chúa”. (YouCat, số 155)

SUY NIỆM: Khi chiêm ngắm những đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu, đoạn nói về cái chết của Chúa có thể dễ hiểu hơn. Trong hành vi tin cậy và yêu mến Chúa Cha, ta có thể “xin vâng” như Chúa Giêsu đã làm trong vườn cây dầu. Loại thái độ này được gọi là “hiến dâng linh thiêng”. Người đang chết kết hợp với cuộc hiến dâng của Chúa Kitô trên thập giá. Chết như vậy trong niềm tin cậy nơi Chúa và trong bình an với mọi người, thì không có tội nặng, đó là lên đường đi tới cộng đồng của Chúa Kitô phục sinh. Cái chết của ta làm ta rớt xuống, nhưng ta rớt trong tay Chúa. Người chết không hành trình tới hư vô, nhưng trở về nhà trong tình yêu của Đấng đã tạo dựng họ. (YouCat, số 155 t.t.)

❦ Tôi không chết, tôi đi vào sự sống. (Thánh Têrêsa Hài đồng, 1873-1897, nhà thần bí và tiến sĩ Hội thánh)

LẮNG NGHE: Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa. (Rm 14:8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin gia tăng lòng tin cậy mến cho con để con tin vào tình yêu của Chúa và đặt niềm tin vào sự sống vĩnh cửu mai sau. 

THỰC HÀNH: Làm một việc hy sinh nhỏ hôm nay để cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời.

From: Đỗ Dzũng