Ơn thánh Chúa làm gì cho ta?- Cha Vương

Một ngày tràn đầy ơn thánh Chúa nhé. Hãy tiếp tục cầu nguyện cho nhau.

Cha Vương

Thứ 6: 7/2/2025

GIÁO LÝ: Ơn thánh Chúa làm gì cho ta? Ơn thánh đưa ta vào đời sống thân mật của Thiên Chúa Ba Ngôi, vào trong sự trao đổi Tình yêu giữa Cha, Con và Thánh Thần. Ơn thánh giúp ta sống trong Tình yêu Chúa và hành động nhờ Tình yêu này. (YouCat, số 339)

SUY NIỆM: Ân sủng từ trên đến với Ta, ân sủng được phú ban cho linh hồn, và không do các nguyên nhân “tự nhiên” (ta gọi là ân sủng siêu nhiên). Có ơn làm ta trở thành con cái Thiên Chúa “nhất là do ơn của bí tích Rửa tội”, và được thừa kế Nước Trời “đây là ơn thánh hóa hoặc thần hóa”. Có ơn giúp ta kiên trì làm điều tốt “ơn thường sủng”. Có ơn giúp ta phân định, muốn và làm tất cả những gì dẫn đến sự tốt, dẫn đến Thiên Chúa và dẫn về trời (ơn hiện sủng). Ơn này được ban đặc biệt trong các bí tích, đó là nơi tốt nhất mà ý Chúa cho ta gặp gỡ Chúa (ơn bí tích). Ân sủng cũng được bày tỏ ra đặc biệt cho một số người (gọi là đặc sủng), hoặc có thể là những sức chuyên biệt kèm theo các phận vụ như lập gia đình, chịu chức thánh, và tu dòng (ơn tùy phận vụ).

Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh? (1Cr  4,7)

❦  Tất cả là hồng ân. (Thánh Têrêsa Hài Đồng)

❦  Quá khứ của tôi không liên can đến tôi nữa, nó thuộc về lòng thương xót Chúa. Tương lai của tôi chưa liên can đến tôi, nó thuộc về Chúa quan phòng. Điều liên can đến tôi, điều thử thách tôi là hôm nay, nó thuộc về ơn Chúa và về sự dâng hiến của lòng tôi và thiện chí của tôi. (Thánh Phanxicô Salêsiô) (YouCat, số 339 t.t.)

LẮNG NGHE: Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. (Pl 4:13)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin ban ơn cho con những ơn cần thiết để con có thể vượt qua những khó khăn con gặp trong ngày hôm nay.

THỰC HÀNH: Nỗi sợ hãi lớn nhất của bạn trong lúc này là gì? Trước khi làm việc gì bạn đọc kinh Sáng Soi để xin ơn Chúa giúp nhé.

From: Do Dzung

*************************

Hồng Ân Chúa | Sáng tác : Falê | Trình bày : Kim Tuyến 

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. (Lc 9:23)- Cha Vương

Xin Chúa đồng hành với bạn hôm nay và mãi mãi nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 06/02/2025

TIN MỪNG: Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. (Lc 9:23)

SUY NIỆM: Đường Thánh giá: Con ơi! Càng thoát ly mình, con càng thấm tình Cha. Ta chỉ được bình an khi ta không lệ thuộc ngoại vật, ta cũng chỉ hiệp nhất với Chúa được khi bên trong ta biết tự thoát. Cha mong con tập sống xả kỷ, để hoàn toàn theo ý Cha, không từ nan (kiếm cớ từ chối việc khó khăn), không kêu trách. “Hãy theo Cha: vì Cha là Đường, là Chân lý, là Sinh lực” (Mt. 9, 9). Không có đường, biết đi về đâu. Không chân lý sao biết sống lành ? Thiếu sinh lực, sống sao nổi? Cha là đường con phải theo, là chân lý con phải tin, là sinh lực con phải cầu mong. Cha là đường không thể lạc, là chân lý không thể lầm, là sinh lực vô tận. Cha là đường thẳng tắp, là chân lý tối cao, là sống thật, sống hạnh phúc, sống tự hữu. Nếu con theo đường Cha “con sẽ biết chân lý, sẽ được tự do, và sẽ được sống muôn đời”. (Ga. 7, 42). Nếu con muốn được sống, hãy tuân giữ giới răn Chúa. (Mt. 19, 17). Nếu con muốn biết chân lý, hãy tin Cha. Con muốn nên hoàn thiện: hãy bán tất cả. Muốn làm môn đệ Cha: hãy dấn thân. (Ibib. 24; Lc.9,20). Muốn sống hạnh phúc: hãy coi nhẹ đời hiện tại. Muốn được địa vị cao trên trời: hãy tự hạ ở dưới đất. Muốn đồng trị với Cha hãy cùng vác Thánh giá với Cha. Chỉ có tôi trung của Thánh giá mới gặp được đường hạnh phúc và ánh sáng thật. Lạy Chúa! Đường Chúa đi hẹp quá và bị đời coi khinh: xin cho con biết theo Chúa và chịu đời khinh như Chúa. “Tôi tớ không trọng hơn chủ, môn đệ không ở trên Thầy” (Mt. 10, 24). Xin cho con biết tập sống cố gắng như Chúa, vì có thế con mới được rỗi và được nên thánh thật. Ngoài sự sống thần thiêng, mọi sách con đọc, mọi lời con nghe không khuây khỏa, thỏa mãn hẳn được con. (x. Sách Gương Chúa Giêsu, Q3:56)

LẮNG NGHE: Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. (Gl 2:19b-20)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, đường Chúa đi cũng là đường con đi, xin cho con nhận lấy thánh giá của đời con, cùng vác đi với Chúa lên đồi Calvariô, để cùng chết với Chúa, phục sinh với Chúa, và sống với Chúa muôn đời.

THỰC HÀNH: Hình ảnh Đức Giêsu chịu treo trên thập giá đem lại cho bạn ý nghĩa gì? Bạn hãy tập làm dấu thánh giá một cách chậm rãi, kính cẩn, và chủ tâm hơn để sứ điệp của cây thập giá được khắc sâu trong trái tim và trong cuộc đời bạn.

Nhạc Thập Giá Chúa

From: Do Dzung

***************************

Thập Giá Chúa || 십자가 || Nguyễn Anh Quý

Thánh Agata Sicilê (c. 235?-251), đồng trinh tử đạo.- Cha Vương

Chúc một ngày thật ấm áp bên Chúa và người thân yêu nhé! Hôm nay 5/2, Giáo Hội mừng kính Thánh Agata Sicilê (c. 235?-251), đồng trinh tử đạo. Đặc biệt là qua lời chuyển cầu của thánh nhân nhiều bệnh nhân bị ung thư vú đã được chữa lành. Vậy hôm nay mời bạn hãy dành thời gian để cầu nguyện cho những ai đang mắc bệnh liên quan đến vú.

Cha Vương

Thứ 4: 05/02/2025

Cũng như trường hợp của Thánh Agnes, vị đồng trinh tử đạo thời Giáo Hội tiên khởi, chúng ta không có dữ kiện lịch sử chắc chắn về Thánh Agata, ngoại trừ sự kiện ngài chịu tử đạo ở Catania  trong thời kỳ cấm đạo của hoàng đế Rôma là Decius năm 251.

Theo truyền thuyết, ngài sinh trưởng năm 235 tại Catania, Sicily (nước Ý) trong một gia đình giầu có. Khi còn trẻ, ngài đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, và từ chối bất cứ lời cầu hôn nào. Một trong những người say mê ngài là Quintian, là người có địa vị cao trong xã hội nên nghĩ rằng có thể ép buộc thánh nữ. Biết ngài là Kitô Hữu nên ông ra lệnh bắt giữ và đưa ra xét xử – bởi chính ông. Hy vọng rằng vì sợ hãi sự tra tấn và cái chết, thánh nữ sẽ đành phải trao thân cho ông, nhưng ngài nhất quyết tin tưởng vào Thiên Chúa, và cầu nguyện rằng: “Lạy Ðức Kitô Giêsu, là Chúa mọi sự! Ngài đã thấy lòng con, Ngài biết con muốn gì. Xin hãy làm chủ toàn thể con người của con – chỉ mình Chúa mà thôi. Con là chiên của Ngài; xin giúp con vượt qua sự dữ một cách xứng đáng.”

Sau đó, Quintian tống Agata vào nhà gái điếm lấy cớ ngài là người Công Giáo với hy vọng ngài sẽ thay đổi ý định. Sau một tháng bị đánh đập và xỉ nhục, Quintian lại đưa ngài ra xét xử, nhưng Agatha vẫn không lay chuyển, vẫn can đảm tuyên xưng rằng chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể ban cho ngài sự tự do. Quintian lại tống ngài vào ngục thay vì nhà gái điếm. Và khi ngài tiếp tục tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giêsu, Quintian ra lệnh tra tấn. Ðể trả thù, bạo quan hạ lệnh nướng ngài trên giường sắt. Sau đó, người ta lại tống giam thánh nữ. Tương truyền thì trong đêm đó, thánh Phêrô đã hiện ra và chữa lành cho ngài. Dù bị quan trấn Quintian nhiều lần dụ dỗ, ngài vẫn một lòng trung kiên với đạo Chúa. Dù đau đớn lăn lộn trên than hồng và mảnh chai nhọn, ngài vẫn tin cậy vào Chúa, Ðấng sẽ cứu linh hồn ngài. Chính cử chỉ của thánh nữ khiến cả thành phố náo động, Quintian sợ dân nổi loạn nên truyền giam thánh nữ trong ngục.

Ngài đã chết rũ tù ngày 25 tháng 2 năm 251 tại Catania, Sicily. Trước khi chết, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, là Ðấng dựng nên con, Ngài đã gìn giữ con từ khi còn trong nôi. Bởi tình yêu thế gian Ngài đã dẫn dắt con và ban cho con sự kiên nhẫn để chịu đựng đau khổ. Xin hãy nhận lấy hồn con.”

Thánh nữ đã làm nhiều phép lạ như che chở thành Catania khỏi hiểm họa núi lửa Etna. Ngay từ thời đó, người ta đã cầu khẩn và cậy trông vào sự cầu bầu của thánh nữ. Ngài được coi là quan thầy của xứ Palermo và Catania, và được chọn làm quan thầy các bà vú nuôi và cũng được cầu khẩn khi bị tai nạn vì lửa và vì bệnh nhủ bộ. (Nguồn: Người Tín Hữu )

Lạy Chúa, thánh nữ A-ga-ta đã luôn luôn làm đẹp lòng Chúa, vì vừa sống cuộc đời kiên trinh, vừa can trường hy sinh tử đạo. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu cho chúng con được ơn tha thứ. Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Ki-tô Chúa chúng con. A men. (Lời nguyện, Lễ nhớ)

From: Do Dzung

****************************

Niềm Tin Kiêu Hùng – Anna Trần Thanh Huyền 

Các Á Bí tích là gì?  Cha Vương

Chúa là tất cả đời con…  Xin Ngài ở bên cạnh bạn luôn mãi nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 04/02/2025

GIÁO LÝ: Các Á Bí tích là gì? Là các dấu tích thánh, hoặc các việc thánh có kèm theo sự chúc lành của Hội thánh. Ví dụ: làm phép nước thánh, làm phép chuông, đàn, làm phép nhà, xe, làm phép tro ngày xức tro, lá dừa, nến phục sinh, làm phép hoa quả lễ Đức Mẹ Lên trời, phép lành khi hành hương… (YouCat, số 272)

SUY NIỆM: Các Á Bí tích bắt nguồn từ chức tư tế cộng đồng của mọi tín hữu được mời gọi trở nên một lời chúc lành của Thiên Chúa và có khả năng chúc lành (St 12:2). Thừa tác viên của Á Bí tích ưu tiên cho những người có chức thánh (GL 1168).

— Chỉ có Giám mục hay linh mục được ủy quyền mới được cử hành các nghi thức thánh hiến hay cung hiến (chúc phong viện phụ, thánh hiến trinh nữ, cung hiến nhà thờ, bàn thờ).

— Linh mục hay phó tế có thể ban các phép lành trên người (chúc lành cho các giáo lý viên, khách du lịch,…), trên vật dụng (chuỗi Mân Côi, ảnh tượng thánh,…), và nơi chốn (làm phép nhà mới, làm phép trường học,…).

— (Nếu không có những người có chức thánh hoặc được sự uỷ thác của cha sở) Giáo dân cũng có thể chủ sự một số nghi thức chúc lành và làm phép (chúc lành cho đôi hôn phối ngoài thánh lễ, chúc lành cho con cái, làm phép nhà, chúc lành Sinh nhật,…).

— Hiệu quả của Phụ tích: Các Phụ tích không ban ơn Chúa Thánh Thần như các Bí tích, nhưng nhờ lời cầu nguyện của Hội Thánh, chuẩn bị các tín hữu sốt sắng đón nhận ân sủng và giúp họ đón nhận ân sủng một cách hiệu quả.

Tất cả mọi biến cố trong cuộc đời con người đều được thánh hóa từ mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Ki-tô vì Ngài là nguồn mạch mọi ân sủng. Không có việc sử dụng của cải vật chất chính đáng nào mà không liên quan đến mục đích thánh hóa con người và ca ngợi lòng từ bi của Thiên Chúa.

LẮNG NGHE: Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” (St 12:2-3)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin chúc lành và thánh hóa con để con thăng tiến và trưởng thành đời sống đức tin mà không rơi vào cạp bẫy của ma quỷ.

THỰC HÀNH: Chú tâm làm Dấu Thánh Giá một cách chậm rãi để tôn vinh và ngợi khen Chúa Ba Ngôi.

From: Do Dzung

***********************

Hạnh Phúc Bên Chúa – Thanh Hoài | St: Sơn Túi Đỏ | Minh họa: Vũ Đoàn Đại Dương 

Thánh Blase (Biagio)-Cha Vương

Mến chào bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay Giáo hội mừng kính Thánh Blase (Biagio), mời Bạn suy niệm về đời sống nhân đức của Ngài.

Cha Vương

Thứ 2: 03/02/2025

Chúng ta biết nhiều về sự sùng kính của Kitô Hữu đối với Thánh Blase hơn là tiểu sử của ngài. Trong Giáo Hội Ðông Phương, ngày lễ kính ngài được coi là một ngày lễ lớn. Công Ðồng Oxford, vào năm 1222 đã cấm làm việc xác trong ngày lễ Thánh Blase (hay còn gọi là Thánh Biagio). Người Ðức và người Ðông  Au rất kính trọng thánh nhân, và trong nhiều thập niên, người Công Giáo Hoa Kỳ thường chạy đến với thánh nhân để xin chữa bệnh đau cổ họng.

Chúng ta được biết Ðức giám mục Blase chịu tử đạo năm 316 ngay trong giáo phận của ngài ở Sebaste, Armenia. Mãi cho đến 400 năm sau mới có huyền thoại viết về ngài. Theo đó, Thánh Blase là một giám mục tốt lành, làm việc vất vả để khuyến khích giáo dân sống lành mạnh về tinh thần cũng như thể xác.

Mặc dầu chỉ dụ Toleration, năm 311, đã cho phép tự do tôn giáo ở Ðế Quốc Rôma hơn năm năm, nhưng ở Armenia, việc bách hại vẫn còn dữ dội. Hiển nhiên là Thánh Blase buộc phải rời bỏ giáo phận và sống trong rừng núi. Ở đó ngài sống trong cô độc và cầu nguyện, làm bạn với thú rừng.

Một ngày kia, có nhóm thợ săn đi tìm thú dữ để dùng trong đấu trường và tình cờ họ đã thấy hang động của Thánh Blase. Từ kinh ngạc cho đến sợ hãi, họ thấy vị giám mục đi lại giữa đám thú dữ một cách điềm tĩnh để chữa bệnh cho chúng. Nhận ra ngài là giám mục, họ bắt ngài về để xét xử. Trên đường đi, ngài ra lệnh cho một con sói phải thả con heo nó đang cắn giữ vì đó là của người đàn bà nghèo. Khi Thánh Blase bị giam trong tù và bị bỏ đói, người đàn bà này đã đền ơn ngài bằng cách lẻn vào tù cung cấp thức ăn cho thánh nhân.

Ngoài ra, truyền thuyết còn kể rằng, một bà mẹ có đứa con trai bị hóc xương đã chạy đến ngài xin cứu giúp. Và sau lời truyền của Thánh Blase, đứa bé đã khạc được chiếc xương ra khỏi cổ.

Agricolaus, Thủ Hiến xứ Cappadocia, tìm mọi cách để dụ dỗ Thánh Blase bỏ đạo mà thờ tà thần. Lần đầu tiên từ chối, ngài bị đánh đập. Lần kế tiếp, ngài bị treo trên cây và bị tra tấn bằng chiếc lược sắt cào vào thân thể. Sau cùng ngài bị chém đầu năm 316. Người được tôn kính như quan thầy các thợ chải len, những người bị đau cuống họng.

 (Nguồn: Người Tín Hữu online)

Sau đây là Kinh cầu Thánh Blase được dùng để khẩn cầu cho những ai mang bệnh của cổ họng: “Qua lời cầu bầu của Thánh Blase, là giám mục và là vị tử đạo, xin Thiên Chúa chữa con khỏi bệnh tật của cổ họng và khỏi mọi sự dữ. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Kinh cầu Thánh Blase). Xin Thánh Blase, cầu cho chúng con.

From: Do Dzung

**************************

XIN CHÚA CHỮA LÀNH CON || ST: HUỲNH MINH KỲ || Trình bày: Triệu Ngọc Yến

Lễ Dâng Chúa trong đền thờ – Cha Vương

Ngày Chúa Nhật hạnh phúc và bình an trong tình yêu thương của Chúa nhé.

Cha Vương

CN: 2/2/2025

TIN MỪNG: Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ. Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.” (Lc 2: 30-32)

SUY NIỆM: Hôm nay là Lễ Dâng Chúa trong đền thờ. Năm 450, lễ này được gọi là Lễ Gặp gỡ của Chúa vì Chúa Giêsu tiến vào Đền Thờ và “gặp gỡ” các tư tế, cùng với ông Simêon và bà Anna, những đại diện của dân Thiên Chúa. Rồi vào khoảng giữa thế kỷ thứ 5, lễ này đã được cử hành tại Rôma. Và sau đó, nghi thức làm phép nến được thêm vào để nhắc nhở rằng Chúa Giêsu là “ánh sáng soi đường cho muôn dân.” Đó là lý do tại sao lễ này đôi khi còn được gọi là Lễ Nến.

Đền Thờ Giêrusalem là dấu chỉ của Giao Ước Thiên Chúa đã ký kết với dân riêng của Ngài là Ítraen, Thân Thể Chúa Giê-su là Đền Thờ mới, là dấu chỉ của Giao Ước mới được ký kết với Thiên Chúa bằng chính máu Ngài, qua hy lễ  Thánh Giá. Giao Ước mới  đã không chỉ được ký kết với một dân tộc, một mầu da, một tiếng nói, nhưng với toàn thể nhân loại, vì Đức Giêsu đã tự hiến mình để cứu chuộc tất cả mọi người, bất phân mầu da, ngôn ngữ, văn hoá, chính kiến, giai tầng,  hoàn cảnh … như chính Ngài đã nói với các môn đệ trước khi lên đường đi chịu chết: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14:24).

Trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội bạn được cha mẹ và những người thân thương đưa vào đền thờ của Giao Uớc Mới, bạn được sức dầu, được thánh hiến và trở thành con Chúa. Bạn cũng được trao cho một cây nến với ánh sáng lấy từ cây nến Phục Sinh. Điều này nhắc nhở rằng bạn đã được Chúa Kitô soi sáng, và hãy luôn luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin. Nhờ đó, khi Chúa đến, bạn được ra nghinh đón Người và toàn thể các Thánh trên trời. Bạn có thực sự sống như con cái sự sáng không? Xin Chúa Thánh Thần biến đổi và thánh hoá bạn để mọi người nhận ra bạn là con cái của sự sáng nhé.

LẮNG NGHE: Lạy THIÊN CHÚA, giữa nơi đền thánh, chúng con hồi tưởng lại tình CHÚA yêu thương. Danh thánh CHÚA gần xa truyền tụng, tiếng ngợi khen Ngài khắp cõi lừng vang; tay hữu CHÚA thi hành công lý. (Tv 48:10-11)

 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con xin dâng linh hồn và thân xác con cho Chúa, “chớ gì sống chết con được giữ một lòng kính mến Chúa luôn.”

THỰC HÀNH: Hết lòng tin tưởng, hãy dâng lên Chúa tất cả những vui buồn sướng khổ trong ngày hôm nay.

From: Do Dzung

********************

DÂNG CHÚA TRONG ĐỀN THỜ – Lm Bùi Ninh

Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao-Cha Vương

Hôm nay Thứ 7 đầu tháng, kính Đức Mẹ, chúc bạn và gia đình một ngày bình yên trong Chúa và Mẹ yêu nhé. Đừng quên làm một hy sinh nhỏ như là một đoá hoa thiên dâng lên cho Mẹ trong ngày hôm nay.

Cha Vương

Thứ 7: 01/02/2025

TIN MỪNG: Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, trụy lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp. (1 Cr 6:9-10)

SUY NIỆM: Nhiều người sau khi đã đi đường nhân đức ít lâu, liền ngừng chân nghỉ bước vui lòng ở lại đường lối mình đã đi; xong ơn thánh sủng không khi nào nói được rằng: “Đủ rồi”. Có người lại nghĩ miễn sao đừng sống đạo ngược thì thôi; như thế chưa đủ! Người tốt hằng ngày phải gắng sức tiến tới trên đường lành. Đến ngày thế mạt nhiều giáo dân sẽ phải bỡ ngỡ thấy mình mắc nợ Chúa vì đã không dùng những phương thế tốt để nên thánh. Trên đường nhân đức ai không tiến tới, tức là lùi lại; ai không lợi dụng các dịp mình đã được, tức là hỏng mất. Ai tận tâm làm tôi Chúa, Người sẽ ban xuống cho muôn ơn lành. Và dầu con cư xử hẹp hòi với Chúa, người cũng sẽ ở nhân từ quảng đại với con. (x. Sách Gương Đức Mẹ, Q1:4:3)

LẮNG NGHE: Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí. (2 Cr 3:18)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, đôi khi con cố gắng một hồi rồi đuối sức, vì con rất giới hạn, tầm thường và yếu đuối, hơn nữa con còn bị chi phối bởi hoàn cảnh và môi trường sống nữa, bị chi phối bởi sức mạnh của ma quỉ nữa.

Chúa dạy con: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48)

Lạy Mẹ Maria, xin cầu bầu cùng Chúa cho con để con mỗi ngày một tiến trên đàng nhân đức và đừng để con dừng chân lùi bước làm mất lòng Chúa hôm nay.

THỰC HÀNH: Bạn sẵng sàng chưa? Cố gắng hết sức từ bỏ một tật xấu để trở nên hoàn thiện hơn.

From: Do Dzung

****************************

Hiền Thục – Mẹ Hằng Cứu Giúp

Thánh Gio-an Bốt-cô (1815 – 1888), linh mục.- Cha Vượng 

Hôm nay 31/01 Giáo Hội mừng kính Thánh Gio-an Bốt-cô (1815 – 1888), linh mục. Mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm quan thầy, đặc biệt là các nam nữ tu sĩ dòng Sa-lê-diên nhé. Chúc mừng! Chúc mừng!

Cha Vượng 

Thứ 6: 31/1/2025

TIỂU SỬ: Chào đời năm 1815 tại Cát-ten-nô-vô, giáo phận Tô-ri-nô, nước Ý, Gio-an đã trải qua thời thơ ấu trong hoàn cảnh khó khăn, vì thế khi làm linh mục, người dấn thân lo việc giáo dục thanh thiếu niên. Người lập dòng các tu sĩ Sa-lê-diêng và dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu để huấn luyện thanh thiếu niên về nghề nghiệp và đời sống đạo. Người qua đời năm 1888.

NHÂN ĐỨC:

+       Nhân đức đầu tiên đó là việc quan tâm đến việc giáo dục các trẻ em mồ côi và những trẻ “bụi đời”. Đây là lời khuyên cho những ai làm công tác giáo dục: “Hãy coi những trẻ em dưới quyền ta như con cái. Hãy đặt mình xuống phục vụ chúng, như Đức Giêsu đã đến không phải để chỉ huy, nhưng để phục vụ; hãy sợ cái gì có vẻ muốn điều khiển, và hãy điều khiển chỉ vì muốn phục vụ đắc lực hơn mà thôi.

+       Nhân đức thứ 2 là lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể: Thánh Don Bosco có lòng yêu mến phép Thánh Thể nồng nàn. Hằng ngày ngài dành nhiều thời giờ để viếng Chúa, cả khi tuổi đã già, sức đã yếu ngài vẫn giữ nguyên thói quen ấy. Chân ngài bị đau nên ngài phải cố gắng lắm mới qùy được. Ngài rất sốt sắng cầu nguyện. Mặt ngài lúc bấy giờ sáng láng như một thiên thần. Mỗi lần đi qua nhà thờ, ngài đều giở mũ ra chào. Ngài khuyên các linh mục nên đọc kinh thần tụng trước Thánh Thể. Ngài luôn cổ vũ các thanh thiếu niên mến mộ Mình Thánh Chúa.

+       Nhân đức thứ 3 là lòng sùng kính Đức Mẹ: Năm 1862, Chúa cho Don Bosco thấy một thị kiến. Ngài trông thấy chiếc thuyền của Thánh Phêrô bị nhiều tàu bè của địch đe dọa trên biển cả. Khi trận chiến đến hồi ác liệt Ngài thấy có hai trụ cột hiện ra. Một trụ thứ nhất có hình phép Thánh Thể và dòng chữ “Salus Credentium” (sự cứu rỗi các kẻ tin). Còn trụ kia thì có hình Đức Mẹ Maria và dòng chữ “Auxilium Christianorum” (Đấng phù hộ người công giáo). Ánh sáng tỏa ra từ hai trụ cột ấy làm cho binh lính Đức Giáo Hoàng thêm sức mạnh, niềm tin và làm cho quân thù phải kiếp sợ. Tàu thuyền quân địch chạy nhốn nháo, hỗn độn, bị chìm hoặc phải chạy đi nơi khác. Có hai thứ tình yêu- yêu Chúa trong phép Thánh Thể và yêu mến Đức Bà- là bảo chứng của mọi vị thánh. Đó là những Đấng phù hộ chính của Giáo Hội công giáo, là ánh sáng trong đại dương cuộc đời, là ngọn đèn soi chiếu con đường đi của người tín hữu, và làm mù mắt những kẻ chống đối Giáo hội.

NOI GƯƠNG THÁNH NHÂN: Để noi gương ngài mời bạn cố gắng sống những lời khuyên của ngài sau đây nhé:

❦  Nếu bạn muốn Chúa ban cho bạn nhiều ân sủng, hãy năng đến viếng Thánh Thể.

❦  Nếu muốn ma quỉ xa lánh, bạn hãy siêng viếng Chúa.

❦  Nếu muốn chiến thắng ma quỷ, hãy trú ngụ dưới chân Chúa Giêsu.

❦  Không yêu mến việc viếng Chúa, ấy là dấu chỉ sẽ thua ma qủy.

❦  Bạn thân mến, siêng năng viếng Thánh Thể là một phương thế hữu hiệu để chiến thắng ma quỷ.

❦  Hãy cố gắng siêng năng viếng Chúa Thánh Thể và ma qủy không thể chiến thắng bạn được.

From: Do Dzung

***************************

TÌNH YÊU MẾN – PM CAO HUY HOÀNG 

“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mc 1:10-42)-Cha Vương

Chúc mừng Năm Mới! Cảm ơn bạn đã gởi cho mình lời chúc Xuân tốt đẹp. Mùng 2 Tết, mọi người thường đi chúc Tết anh em nội ngoại gần xa. Nào ta hãy tiếp tục tạ ơn Chúa và xin dâng hai chữ “tôn vinh” lên Ngài nhé!

Cha Vương

Thứ 5: 30/1/2025

TIN MỪNG: Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. (Mc 1:10-42)

SUY NIỆM: Vì yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đi vào nỗi đau tinh thần và thể xác của con người với lòng thương xót của Ngài để chữa lành những bệnh tật và những vết thương của tội lỗi đang làm bạn xa lìa Chúa và anh em.

Hôm nay mùng 2 Tết, trong bầu không khí anh em họ hàng đoàn tụ; con cháu chúc tuổi ông bà, tưởng nhớ tổ tiên; ông bà dạy bảo con cháu giữ gìn nề nếp gia phong… thiết tưởng rằng không gia đình nào, không cộng đồng nào tránh khỏi những hiểu lầm, những rạn nứt đang gây ra nỗi đau âm ỷ tật đáy lòng trong ngày Tết. Nỗi đau này cũng giống như bệnh phong hủi, nó có thể lây nhiễm từ người này sang người khác và làm tổn thương đến những người xung quanh. Điển hình như việc buôn chuyện, nói hành nói tỏi, hay những hành động thiếu bác ái, sự ích kỷ, tính tham lam… sự tổn thương của nó cũng mang nặng tính lây lan và làm bạn xa lìa Chúa và những người thân yêu. Vậy hôm nay bạn hãy đặt hết niềm tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa đi. Ngài rất muốn đụng vào những vết thương mở của bạn đó. Bạn có muốn để Chúa đụng vào không? “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”

LẮNG NGHE: Hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. (Ga 1:21bc)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, xin giúp con mở lòng ra để Chúa có thể đến và chữa lành những vết thương đang âm ỷ trong lòng con suốt bao nhiêu tháng ngày. Xin Chúa chữa lành vết thương này cho con.

THỰC HÀNH: Đọc chập và suy niệm Kinh Lạy Cha.

From: Do Dzung

***************************

Cầu Cho Cha Mẹ 2 – Phương Anh

Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho anh em!’” (Ds 6:23-26)-Cha Vương

Chúc mừng Năm Mới đến bạn và đại gia quyến. Chúc bạn có một tâm hồn tràn đầy HY VỌNG vào Chúa là đấng ban phát mọi ơn lành để bạn được hạnh phúc và tươi vui suốt năm. Nhớ cầu nguyện cho nhau, nhất là nhưng người cô đơn trong dịp Tết này nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 29/1/2025 (Mùng Một Tết)

TIN MỪNG: Đức Chúa phán với ông Mô-sê: “Hãy nói với A-ha-ron và các con ông ấy rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: ‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em, và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho anh em!’” (Ds 6:23-26)

SUY NIỆM: Trong bài đọc một của Thánh Lễ đêm giao thừa, Lời Chúa nhắc nhở bạn về cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và ông Mô-sê qua đó Đức Chúa dạy ông Mô-sê hãy chúc lành cho con cái Ít-ra-en. Mỗi khi làm như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của Danh Thánh Chúa, và Chúa sẽ chúc lành cho họ.

Hôm nay là ngày đầu năm Ất Tỵ, mọi người thân thương trong gia đình từ khắp bốn phương trời đổ về để đón Xuân. Đây là một cơ hội để “gặp gỡ” để chúc nhau, không những chúc sức khỏe, chúc phát đạt, chúc mọi sự như ý… mà còn xin Chúa tuôn đổ muôn phúc lành xuống cho nhau nữa… Nhìn vào những cuộc gặp gỡ trong Tin Mừng, bạn thấy có một điểm nổi bật đó là sự biến đổi nội tâm. Thí dụ, khi các môn đệ gặp Chúa, cuộc đời của họ thay đổi đến độ họ từ bỏ tất cả để chạy theo Ngài. Tại sao? Lý do là vì họ khám đã phá ra Chúa là ai: một người nồng ấm, thân thiện, yêu thương và ân cần tiếp đón. Họ cảm nghiệm mình đã gặp một người khác thường và một người bạn đặc biệt. Cuộc gặp mặt “đi dễ khó về” này đã để lại nơi họ sự bình an sâu lắng và niềm hạnh phúc vô biên để họ có thể làm một bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời. Họ bỏ tất cả những gì quí yêu nhất là gia đình, nghề nghiệp, bạn bè , làng xóm để dấn thân theo Ngài. Ước mong những cuộc gặp gỡ trong ngày đầu năm Ất Tỵ của bạn cũng mang một tâm tình như vậy để mọi người cảm nghiệm được sự nồng ấm, thân thiện, bình an và yêu thương dưới muôn vàn ơn lành của Chúa Xuân.

LẮNG NGHE: Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay. Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện, thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn. Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng. (Tv 36:3-4)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, trước thềm Năm Mới, xin Chúa tươi nét mặt nhìn đến con và những người thân yêu của con.

THỰC HÀNH: Để cuộc gặp gỡ của bạn có ý nghĩa mời bạn hãy sử dụng những ngôn ngữ tích cực và tránh những lời phàn nàn tiêu cực nhé.

From: Do Dzung

*************************8

Xuân hy vọng

Thánh Tôma Aquinô (1225-1274)-Cha Vương

Mừng quan thầy đến những ai chọn Thánh Tôma làm quan thầy nhé.

Cha Vương

TIỂU SỬ: Thánh nhân sinh năm 1225 trong một gia đình quý tộc ở A-qui-nô, nước Ý, rồi theo học tại đan viện Mon-tê Cát-xi-nô, tiếp đến tại đại học Na-pô-li, cuối cùng Tô-ma nhập Dòng Anh Em Thuyết Giáo và hoàn tất việc học tại Pa-ri và Cô-lô-nhơ, dưới sự dẫn dắt của một bậc thánh sư là An-bê-tô Cả. Thánh Tô-ma đã thể hiện trọn vẹn lý tưởng dòng thánh Đa-minh là chiêm niệm và truyền đạt cho tha nhân điều mình đã chiêm niệm. Vừa là triết gia, vừa là thần học gia, trong vai trò giáo sư, thánh nhân đã suy nghĩ, giảng dạy và viết rất nhiều. Nhưng trước hết và trên hết, thánh nhân là người chiêm niệm, người đã cầu nguyện nhiều và đã tuân thủ một kỷ luật nghiêm khắc để có thể đạt tới ánh sáng tinh tuyền. Thánh nhân qua đời ngày 7 tháng 3 năm 1274 tại đan viện Xi-tô ở Phốt-xa-nô-va. Ngày 28 tháng Giêng là ngày thi hài thánh nhân được cải táng đưa về Tu-lu-dơ năm 1369.

NHÂN ĐỨC: 

1/ Thánh Tô-ma có lòng yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Ngài nói:

❦  Nếu bạn muốn tìm một gương bác ái, thì này đây chẳng ai có lòng bác ái lớn hơn người thí mạng sống mình cho bạn hữu. Đó là việc Đức Giêsu đã làm trên thập giá.

❦  Nếu bạn muốn tìm một tấm gương về sự kiên nhẫn, thì trên thập giá bạn sẽ thấy một sự kiên nhẫn tuyệt vời. Đức Kitô trên thập giá đã chịu những đau khổ lớn lao mà vẫn kiên nhẫn, bởi vì “khi bị sỉ vả, Người không đe loi, như con chiên bị dẫn vào lò sát sinh, Người không hề mở miệng “

❦  Nếu bạn muốn tìm một tấm gương về sự khiêm nhường, bạn hãy nhìn lên Chúa chịu đóng đinh: Người là Thiên Chúa, thế mà Người đã muốn chịu xử dưới thời Philatô và chịu chết.

❦  Nếu bạn muốn tìm gương khinh chê của cải trần gian, thì bạn chỉ cần chạy theo Đấng là Vua các vua và là Chúa các chúa. Nơi Người tiềm ẩn mọi kho tàng khôn ngoan và thông thái; thế mà trên thập giá, Người đã nên trần truồng, bị chế giễu, đập đánh, đội vòng gai và uống mật đắng với dấm chua…

2/ Ngài có một đời sống khiêm nhường sâu thẳm và một ý hướng ngay chính trong công việc chuyên môn. Truyền thuyết thuật lại rằng: Một ngày nọ, đang lúc cầu nguyện, thánh nhân bỗng nghe những lời phát ra từ tượng Chúa Chịu Nạn:

– Hỡi Tôma, con đã viết rất hay về Cha. Con muốn Cha ban thưởng gì cho công việc của con không ?

Thánh nhân đáp lại:

– Lạy Chúa, con không muốn gì khác ngoài một mình Chúa.

Vâng! Có Chúa là có tất cả. Ngoài Chúa ra thì mọi sự đều vô ích.

NOI GƯƠNG THÁNH NHÂN: Thánh nhân nói: “Chỉ cần chạm một cái rất nhẹ, rất mong manh vào lửa Luyện ngục thì con rùng rợn hơn tất cả những cực hình đau đớn chết người trên trái đất này.” Cố gắng tránh xa dịp tội để được sống trong ơn nghĩa Chúa.

From: Do Dzung

**********************

Giêsu! Con yêu Ngài

Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. (Lc 4:1)-Cha Vương

Ngày CN hạnh phúc và tràn đầy ân sủng của Chúa nhé.

Cha Vương

CN: 26/1/2025

TIN MỪNG: Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. (Lc 4:1)

SUY NIỆM: Chúa Giê-su được Thần Khí thúc đẩy. Vậy Thần Khí là gì? Thần khí là một Ngôi Vị – Thần khí của Cha và của Con. “Thần khí là một năng lực vô hình mang tính thiêng liêng, vượt khỏi không gian và thời gian, một sức mạnh tự than có tính siêu phàm, tác động cả bên trong lẫn bên ngoài, có sức mạnh đẩy con người phải làm theo và có thể bị lệ thuộc hoàn toàn. Trong đời sống tâm linh, mỗi Kitô hữu có những lúc phải đối mặt với những thử thách, có thể làm đức tin của con người bị chao đảo, tê liệt hay tắt lịm. Những lúc như thế, con người rất cần phải phân định để biết rõ thần khí nào đang hoạt động nơi linh hồn.” (Hàn Cư Sĩ) Theo cha Jordan Anmaun o.p,

“các thần khí có thể được sắp thành ba loai: thần khí của Thiên Chúa, thần khí của ma qủy, thần khí của con người.

Thiên Chúa luôn hướng chúng ta về điều thiện hoăc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các nguyên nhân phụ.

Ma qủy luôn xúi giục chúng ta làm điều xấu, nó hoạt động bằng sức riêng của mình hoặc qua vẻ quyến rũ của những sự vật trần thế.

Thần khí của con người có thể hướng về điều xấu hoặc điều tốt, tùy theo cá nhân đó trong lẽ phải hay theo những ước muốn vị kỷ”.  Bạn đang sống trong xã hội vàng thau lẫn lộn, để phân định được đâu là thần khí của Thiên Chúa, bạn phải dành thời giờ để cầu nguyện và phân định coi đâu ra là hoa trái của Thần Khí. Hoa trái của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết. Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Gal 5, 22-23). Bạn cứ nhìn vào quả thì sẽ biết cây thôi.

LẮNG NGHE: Lạy CHÚA, Lời CHÚA là thần khí và là sự sống. (Ga 6:63c)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin ban cho con lòng trí sáng suốt để con nhận ra và sống trong Thần Khí của Chúa.

THỰC HÀNH: Thần khí nào đang lấp đầy khoảng trống của con tim bạn vậy? Đọc lại hoa trái của Thần Khí coi lối sống của bạn có sống đúng với Thần Khí Chúa không nhé.

From: Do Dzung

*************************

THẦN KHÍ CHÚA SAI ĐI -Trình bày: Thành Trung (ST: Nguyễn Đức Tuấn)