Khánh kiệt vì những ‘người tình online’

Anh:  chán vì dịch bệnh, bà Elwell Rachel hào hứng tham gia các ứng dụng hẹn hò online, cho đến khi bị “người tình” chưa từng gặp mặt cuỗm gọn 157.000 USD.

“Bức ảnh của anh ấy thật dễ thương. Anh ấy có nhiều sở thích giống tôi và có vẻ là người cởi mở và chân thành”. Rachel, người phụ nữ 50 tuổi đến từ Brownhills, West Midlands, nhớ lại người đàn ông quen qua mạng từ hồi tháng 1.

Covid-19 làm tê liệt nhiều hoạt động thường ngày của người châu Âu, trong đó có cả phụ nữ độc thân như Rachel, một quản lý văn phòng xuất khẩu. Tìm đến mục hẹn hò trên Facebook, ban đầu để “giết thời gian”, Rachel dần bị cuốn sâu.

Gã đàn ông 50 tuổi đẹp mã hằng ngày gửi cho bà nhiều tin nhắn ngọt ngào và hứa hẹn về tương lai. Tất cả những gì Rachel biết được về người này, là sống ở Cannock thị trấn gần đó, cùng con gái và bà quản gia. Nhưng trước lời đề nghị hẹn gặp, hắn nói đầy tiếc nuối: “Anh đang ở nước ngoài, thực hiện dự án kỹ thuật ở Ukraine”.

Sau thời gian ngắt quãng, gã liên lạc với cho bà, nói rằng luật pháp ở vùng đất mới đã thay đổi do đại dịch và giờ phải trả một khoản thuế lớn, trước khi có thể bắt đầu dự án.

“Công việc của anh sẽ dừng lại cho đến khi anh trả đủ”, người đàn ông kể lể với Rachel, không quên thêm thắt rằng đã sử dụng quỹ hưu trí của mình, bán xe hơi và cầm cố các tài sản với các dịch vụ vay lãi nặng. Ông ta thậm chí còn gửi cho bà một bản sao từ kho bạc Ukraine, yêu cầu phải trả thuế 160.000 USD để được tiếp tục làm dự án trong dịch Covid 19 ở đất nước này.

“Tất cả trông rất hợp pháp”, Rachel nghĩ, và đồng ý gửi cho hắn ta 45.000 bảng (khoảng 62.000 USD).

Nhưng mọi việc trở nên căng thẳng. “Người tình” tiếp tục liên lạc với bà nói rằng hai tên “côn đồ” từ công ty cho vay tiền đã đến nhà đòi tiền. Rachel liên tiếp nhận được những bức ảnh, trong đó, hắn bị trói chân tay, nhốt dưới tầng hầm. “Chúng sẽ không thả anh ra nếu anh không trả tiền. Chúng ta không thể gặp nhau nữa rồi”, gã khóc lóc van vỉ qua tin nhắn.

Lần thứ hai, Rachel quyết định gửi tiền để cứu người tình quen qua mạng. “Khi anh ấy nói với tôi rằng cuộc sống của anh ấy đang gặp nguy hiểm và tôi không nghe tin từ anh ấy, tôi nghĩ anh ấy đã bị sát hại. Bạn có thể tưởng tượng cảm giác có trách nhiệm với một người sống hay chết không?”. Nữ nạn nhân nhẹ dạ giải thích khi được hỏi tại sao lại gửi nhiều tiền như vậy cho một người mà bà không biết.

Song vụ lừa đảo không kết thúc ở đó, người đàn ông nói với bà rằng sau khi nhận được tiền họ đã thả anh ta ra, nhưng sẽ không trả lại hộ chiếu cho đến khi nhận tiền lãi. Và đó là lần thứ ba, bà “sa lưới”.

Cuối tháng 3, người đàn ông báo tin sẽ bay trở lại London. Rachel đến sân bay Heathrow để gặp, nhưng chỉ nhận được email từ các quan chức sân bay nói rằng ông ta đã bị bắt.

“Toàn bộ là một trò lừa đảo”, nhân viên hải quan trả lời bà. Bà không tin, cho đến khi bà tìm đến địa chỉ ngôi nhà hắn nói là của mình, để gặp bà quản gia và cô con gái vẫn nghe kể. Nhưng không có người nào như vậy.

“Chính tại thời điểm đó, tôi biết tất cả chỉ là dối trá”, Rachel khóc nghẹn, nhận ra một thực tế tàn khốc. Hơn 157.000 USD, toàn bộ số tiền tiết kiệm cả cuộc đời, đã bị “người tình online” cuỗm sạch. Tài khoản Facebook của người đàn ông, hiện không còn tồn tại.

Tuyệt vọng vì bị lừa tiền, lừa tình, Rachel quyết định công khai “bài học” của mình trên trang cá nhân Facebook. “Hồ sơ hẹn hò trên Facebook dưới đây, tên Stephen Bario Hugo, sinh ngày 18/2/1966, là giả mạo. Tôi đang chia sẻ nó với tất cả các bạn, để bạn có thể chia sẻ nó, như một lời cảnh báo cho những người khác”, Rachel viết, kèm bức ảnh gã người tình. Song chính người đàn ông trong ảnh rất có thể đã bị kẻ lừa đảo ăn cắp danh tính. Không ai biết chính xác hắn là ai.

Bà cũng tìm đến các công ty truyền thông địa phương để kể lại. Ngay khi thông tin được công khai, nhiều người đã chia sẻ những câu chuyện giống hệt Rachel. Họ đều là nạn nhân của bẫy hẹn hò online.

Phát ngôn viên của cảnh sát West Midlands nhận định: “Trường hợp của Rachel là một ví dụ xuất sắc về hành vi lừa đảo lãng mạn và cho thấy những kẻ lừa đảo này ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhiều như thế nào”. Vụ án chứa đựng tất cả đặc điểm điển hình của một trò gian lận ái tình. Những trò lừa bịp này chủ yếu xảy ra trên ứng dụng hẹn hò hoặc phương tiện truyền thông xã hội, nơi kẻ lừa đảo sử dụng danh tính giả.

Theo Action Fraud, Trung tâm báo cáo gian lận quốc gia của Vương quốc Anh, loại lừa đảo này thường bắt đầu bằng thủ đoạn tạo tài khoản hoặc hồ sơ giả, trên mạng xã hội hoặc trang web hẹn hò, với mục đích lừa đảo hoặc lạm dụng ai đó. Bọn lừa đảo thường làm mọi cách để thuyết phục nạn nhân rằng giữa họ đang có mối quan hệ thực sự gắn bó, sau đó dụ mọi người gửi tiền cho chúng.

Cơ quan này cũng chỉ ra, tình trạng phong toả, hạn chế hoạt động do Covid- 19 đóng vai trò thúc đẩy những trò lừa bịp này gia tăng. “Khi người ta không tìm được niềm vui đời thực, xã hội ảo là nơi duy nhất có thể bấu víu, tìm sự an ủi. Những kẻ lừa đảo lợi dụng rất tốt yếu tố này”, chuyên gia của Action Fraud phân tích.

Nạn nhân,do đó thường là những phụ nữ có tài sản, hoặc trung tuổi, độc thân, Rachel là một điển hình. Song không loại trừ nam giới. Tháng 2/2020, cảnh sát nước này cũng ghi nhận nạn nhân là của Thomas, người đàn ông 34 tuổi đến từ miền Tây nước Anh.

“Tonia và tôi có nhiều điểm chung đến mức chúng tôi nói chuyện hàng ngày trong suốt 7 tháng. Cô ấy xinh xắn, dễ mến và tốt bụng”, nạn nhân nói về người “bạn gái” quen qua ứng dụng hẹn hò. Họ gắn kết với nhau bởi niềm đam mê du lịch và thú cưng.

Tonia nói với anh rằng cha mẹ cô đã qua đời và cô sống với bà ngoại bị ung thư đang sống ở Mỹ. Cô ta nói phải trả tiền ăn uống và tiền thuốc men đắt tiền nên đã xin tiền Thomas. Đổi lại, cô cho Thomas xem bằng chứng rằng cô sẽ nhận được khoản thừa kế lớn. Nhưng tất cả chỉ là trò giả dối.

“Bây giờ tôi nhìn lại và tôi không thể tin được rằng cô ta có thể lợi dụng tôi dễ dàng như thế nào”. “Tôi đã đóng tài khoản trên mạng xã hội vì không muốn vướng vào một mối quan hệ khác như vậy. Tôi sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục và tin tưởng một ai đó trở lại”, Thomas nói, từ chối tiết lộ số tiền đã gửi cho người bạn gái chưa từng gặp mặt.

Katy Worobec, Giám đốc điều hành tội phạm kinh tế tại UK Finance, cho biết: “Những cuộc tình gian lận có thể gây tổn hại về mặt tình cảm và tài chính cho những người mắc phải nó. Sự phổ biến của các ứng dụng hẹn hò đã khiến bọn tội phạm trở thành con mồi của nạn nhân dễ dàng hơn”.

Tại Anh, một cuộc khảo sát cho thấy 27% những người được phỏng vấn sử dụng các trang web hẹn hò từng là mục tiêu của một âm mưu lừa đảo. Số tiền mỗi người bị mất trung bình hơn 400 USD.

Riêng ở Mỹ, năm 2020, Ủy ban Thương mại nước này cũng báo cáo, thiệt hại được thống kê từ loại hình lừa đảo tình ái đạt mức kỷ lục, hơn 304 triệu USD song con số thực tế có thể lớn hơn.

Văn phòng Tình báo Gian lận Quốc gia của Vương quốc Anh cảnh báo, những kẻ lừa đảo phân tích hồ sơ mục tiêu của chúng để thu thập thông tin về lối sống và tình hình tài chính của họ. Cơ quan này cũng khuyên người dùng mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò online, không bao giờ gửi tiền cho người lạ và suy nghĩ nhiều hơn một lần khi công bố thông tin cá nhân. Điều này có thể bị lợi dụng để thao túng người dùng.

Hải Thư (Theo BBC, Dailymail, Birminghammail)

From: Tu-Phung


Theo dating news 

10 dấu hiệu cho biết có thể bạn bị bạn tình lừa đảo qua cuộc hẹn hò trực tuyến

Theo nguyên tắc chung là Bạn càng biết nhiều về người kia thì bạn càng được an toàn hơn trong khi hẹn hò trực tuyến.

1. Hồ sơ của họ trần trụi không cho biết tin tức cá nhân

Một hồ sơ thực tế trống là một báo động  đỏ trong  hẹn hò trực tuyến người đó, hình như không quan tâm đến việc tìm kiếm đối tác  hoặc chỉ là một kẻ lừa đảo.

2. Họ chỉ đăng một vài bức ảnh (Hoặc không đăng gì cả)

Điều này đi đôi với việc không điền vào hồ sơ. Cẩn thận nếu người đó chỉ có một hoặc hai bức ảnh của họ.

3. Họ mắc nhiều lỗi ngữ pháp và chính tả

Không phải tất cả chúng ta đều là những nhà báo được đào tạo và những sai lầm chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng quá nhiều lỗi sơ đẳng có thể cho biết người kia  là một kẻ lạ và có thể không có nền giáo dục căn bản.

4. Họ hỏi rất nhiều câu hỏi cá nhân nhưng tránh câu hỏi của bạn

Phần đầu tiên của hẹn hò trực tuyến là tìm hiểu về những người phù hợp với bạn, vì vậy bạn sẽ trả lời rất nhiều câu hỏi từ họ. Bạn cũng sẽ tự đặt ra nhiều câu hỏi.

5. Ngay lập tức họ muốn rời khỏi trang web và chuyển sang email

Mọi trang web và ứng dụng hẹn hò đều có hệ thống nhắn tin cho phép các thành viên giao tiếp riêng tư. Khi người mới muốn rời khỏi trang web sau một tin nhắn và thay vào đó yêu cầu gửi email hoặc nhắn tin, điều đó hơi kỳ lạ. Có thể họ muốn tránh bị báo cáo các hành vi mờ ám cho nhà quản lý mạng chăng?

6. Cuộc sống của họ dường như quá tốt để trở thành sự thật

Có thể nào người kia có tất cả mọi thứ dễ dàng hay chỉ là một kẻ đang gài bẫy?

7. Họ nói với bạn rằng họ yêu bạn từ rất sớm

Điều này thường không xảy ra một cách tự nhiên trong thực tế,  do đó bạn cần tìm hiểu người kia thêm nếu thực sự tình cảm của chàng\nàng ta không cần thời gian và không gian mà nẩy nở được sao?

8. Họ không Skype hay gặp mặt trực tiếp

9. Họ gặp trường hợp khẩn cấp và cần tiền

10. Họ nổi điên khi bạn nghi ngờ động cơ của họ


 

Lời cảm ơn của mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng

Báo Tiếng Dân

Nguyễn Đức

13-8-2023

Bố mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Ảnh: FB tác giả

Tôi là mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng, tôi xin chào cộng đồng mạng và bà con cả nước.

Trong mấy ngày qua, mọi người đã giúp đỡ tôi rất nhiều, tôi cảm ơn tất cả bà con cả nước đã yêu thương và tin tưởng con tôi bị oan, con tôi bị cho là giết người trong một vụ án mà Công An Hải Phòng đã chụp lên đầu, con tôi Nguyễn Văn Chưởng không giết người bị xử oan mà không một cơ quan pháp luật nào điều tra để giải oan cho con tôi.

Tôi thấy mọi sự cứ nhắm vào Chưởng, không biết có một thế lực nào to lớn ghê gớm đang lộng hành làm mất lòng tin vào pháp luật của nhân dân.

Tôi đi kêu oan cho con trai Nguyễn Văn Chưởng đã gần 17 năm nay, chỉ mong các ông/bà và cơ quan pháp luật điều tra lại và trả tự do cho Nguyễn Văn Chưởng con tôi. Con tôi bị oan thấu trời như vậy, gia đình tôi đã bỏ thời gian – công sức – tiền của đi kêu oan cho Nguyễn Văn Chưởng. Gia đình tôi không sung sướng gì khi mưa gió, rét mướt, nóng gắt phải ngồi ôm biển kêu oan cho con như vậy.

Tôi làm những điều này chỉ mong các lãnh đạo cấp cao xem xét và điều tra lại vụ án mà con tôi không hề biết, đồng thời cũng để bà con cả nước thấu hiểu và biết đến vụ án từ trên trời này, để chia sẻ cứu giúp một tử tù mang trên người án oan khiên.

Tâm tư của tôi chỉ đơn giản đi kêu oan cho con Nguyễn Văn Chưởng, thế mà một thế lực nào đó đã âm mưu chia rẽ tình cảm của tôi với đất nước với bà con và nói tôi là chống phá nhà nước, phản động chính phủ, bán đứng tổ quốc. Vậy tôi hỏi chính phủ và bà con cả nước tôi chỉ là người dân đen không quyền thế, tiền bạc, tôi lấy gì để chống phá, phản động, bán đứng tổ quốc của tôi, tôi yêu đất nước tổ quốc tôi như yêu chính bản thân mình, như yêu con mắt mình vậy.

Vậy cớ gì cứ phải dồn tôi và con tôi Nguyễn Văn Chưởng phải chịu tiếng oan, án oan như vậy. Tôi mong mọi người nhìn thấu bằng trái tim, nhìn bằng hai mắt, nghe bằng hai tai, chỉ có một cái miệng đừng gây mâu thuẫn, chia rẽ tôi với các ông/bà cơ quan chính phủ và đồng bào cả nước.

Trong mấy ngày qua mà đã không ít các vị lãnh đạo Đảng và Nhà Nước, các đại biểu, các nhà báo, tiến sĩ luật sư và gia đình bà con cả nước đã bỏ thời gian công của giúp tôi và con tôi Nguyễn Văn Chưởng nói lên tiếng nói và nỗi oan này. Vậy tôi xin chân thành cảm ơn tất cả thành ý tốt đẹp của quý vị!

Mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng

Nguyễn Thị Bích

 

Phim ‘Ba! Con Không Muốn Làm Người Cộng Sản’ và sách ‘Ngày Tháng Buồn Hiu’ gây nhiều xúc động

Báo Nguoi-viet

August 6, 2023

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV)  Chiều Thứ Bảy, 5 Tháng Tám, Viện Việt Học và Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt đồng tổ chức công chiếu phim tài liệu “Ba! Con Không Muốn Làm Người Cộng Sản,” đồng thời ra mắt sách “Ngày Tháng Buồn Hiu,” tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, với đông người tham dự.

Giây phút xúc động trong ngày ra mắt sách “Ngày Tháng Buồn Hiu” của Trần Ngọc Ánh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cuốn phim nói về cuộc đời của bà Trần Ngọc Ánh, người trải qua 11 năm trong ngục tù Cộng Sản sau 1975 vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” và quyển sách “Ngày Tháng Buồn Hiu,” cũng của tác giả Trần Ngọc Ánh. Cả hai đều kể lại câu chuyện thật đời mình, khi bà Ánh có cha và chị đi theo Cộng Sản. Sau 1975, cha của bà khi đó là một cán bộ, đã ép bà đi theo con đường Cộng Sản mà thời đó mọi người đều lầm lẫn.

Sau những lần xung đột gia đình, bà dứt khoát bỏ nhà và thoát ly để theo chồng, ông Trần Thắng Tài, một quân nhân VNCH, và đã dứt khoát bồng con nhỏ mới 1tuổi theo chồng vào tù.

Bà Trần Ngọc Ánh kể về chuyện những ngày tháng trong tù. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Lần đầu tiên, trong bộ phim, người xem được nghe và thấy những chuyện do chính bà Trần Ngọc Ánh kể lại, oái ăm thay bà lại chính là con gái của một gia đình cán bộ, cha mẹ và các em đều theo Cộng Sản.

Người tham dự cũng được xem triển lãm, từ những hiện vật của ông Trần Thắng Tài, chồng bà Ánh, cùng những trang nhật ký của bà, cùng với hình ảnh của đứa con trai Trần Thắng Vy Dân với căn bệnh đã tàn phá cuộc đời của em từ khi theo mẹ vào tù lúc 1 tuổi!

Từ trái, cô Từ Ái, giáo viên tiểu học De Mille; bà Trần Ngọc Ánh và ông Châu Thụy, giám đốc Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cuốn phim dài khoảng gần hai giờ đồng hồ, do chính người nữ tù kể lại đời mình, từ một cô gái ngây thơ, cựu học sinh Hoàng Diệu, Sóc Trăng, sống và hít thở không khí miền Nam tự do thanh bình, đến sau ngày 30 Tháng Tư 1975 đầy nghiệt ngã, cả nước chìm đắm trong những đói khổ, bệnh tật, kinh tế bi thảm, đã khiến hàng triệu người Việt phải liều chết tìm đường vượt biển, nhưng bà cùng chồng chọn con đường ở lại chiến đấu cho tự do. Khi chồng bị bắt, bà thà bồng con thơ vào tù, chia sẻ những lao khổ tù đày cùng chồng cho đến khi ông bị tử hình, còn hơn là bị áp đặt một lý tưởng để sống an nhàn trong sự bảo bọc của cha và chị mình.

Cuốn phim này nằm trong dự án lịch sử qua chuyện kể của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, ghi lại những câu chuyện sống sót của những nhân chứng, kể lại biết bao nhiêu gian khổ trong lao tù Cộng Sản và trên bước đường đi tìm tự do, để làm chứng tích lịch sử cho hiện tại và mai sau.

Ông Trần Chí Hồng Tiên, đại diện Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt và bà Trần Ngọc Ánh nhận bằng tưởng lục từ TNS Janet Nguyễn, do ông David Nguyễn trao tặng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Sau buổi chiếu phim, Viện Bảo Tàng Lịch Sử Người Việt có triển lãm những hiện vật của ông Trần Thắng Tài, cựu quân nhân VNCH, đã dấn thân vào con đường đấu tranh cho tự do dân chủ của tổ quốc Việt Nam cho đến ngày ông hy sinh dưới làn đạn của Cộng Sản, lúc 38 tuổi đời, ngày 14 Tháng Sáu năm 1982 tại Phan Thiết.

Cô Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, chia sẻ: “Cô Trần Ngọc Ánh là người đơn giản, tính chất rất bình dị, ẩn chứa một ý chí và sự phấn đấu phi thường, tiêu biểu tinh thần của người phụ nữ Việt Nam. Lớn lên dưới chế độ Cộng Sản sau 1975, với những chuyện xảy ra trong gia đình cô cho chính cô và người chồng. Cô đã ở tù Cộng Sản và viết văn, quyển nhật ký của cô đã đi theo con đường của các trại tị nạn, theo các thuyền nhân ra tới hải ngoại, và có những người khi đọc lại tác phẩm ấy đã tìm lại được cô. Và cô tiếp tục viết câu chuyện đã xảy ra, đây là một sự hy sinh rất lớn, khi cô đã can đảm kể lại cho các thế hệ sau được nghe, và rút tỉa kinh nghiệm qua bài học của cô.”

Một số hiện vật dưới đáy mộ ông Trần Thắng Tài, kế bên là cột xử bắn, và ngôi mộ của ông tại Phan Thiết. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Sơn Rotha, hội trưởng Hội Ái Hữu Tương Tế Sóc Trăng tại Hoa Kỳ, cho hay ông rất hãnh diện vì là đồng hương Sóc Trăng và cũng là đồng môn cựu học sinh Hoàng Diệu, Sóc Trăng.

“Tôi đã được đọc cuốn sách này, với nhiều cảm xúc khi một phụ nữ vì lý tưởng tự do dám hy sinh tất cả. Nếu chị chịu nghe theo lời khuyên của cha mình, có thể giờ này chị đã có một chức lớn rồi. Nhưng chị đã từ bỏ hết tất cả để đi theo công cuộc chiến đấu chống lại Cộng Sản. Đây là vị anh thư nước Việt thời hiện đại, tôi rất tự hào.”

Nhóm hiện vật của bà Trần Ngọc Ánh, gồm những tập nhật ký trong tù, để sau này hình thành quyển “Ngày Tháng Buồn Hiu,” trong buổi ra mắt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Những câu chuyện như thế này phải cần thiết lưu truyền bằng mọi phương tiện truyền thông, nếu có thêm bản dịch tiếng Anh càng tốt. Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt đã thực hiện chương trình này thật quý, để cho mọi người hiểu rõ được bản chất của người Cộng Sản Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ sau này hiểu thêm một góc nhìn khác của thời VNCH.”

Không khí như chùng xuống khi cuộn phim vừa khép lại, chấm dứt trong sự thổn thức nghẹn ngào của người xem.

Giấy ra trại của bà Trần Ngọc Ánh, với tội danh “Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiếp đến, quyển hồi ký “Ngày Tháng Buồn Hiu” tác giả Trần Ngọc Ánh, được giới thiệu, với bút pháp rất đơn giản nhẹ nhàng nhưng đầy sức mạnh, biểu cảm của một phụ nữ với sức sống mãnh liệt, đứng lên tiếp nối cuộc chiến đấu của người chồng trên đường tìm tự do. Và tất cả tiền bán sách được tặng hết cho Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, để làm công việc duy trì và bảo tồn những di tích của người Việt tị nạn sau 1975.

Bà Phương Lê, cựu nữ sinh Gia Long, chia sẻ: “Khi nghe cô Ngọc Ánh kể lại cuộc đời, đó là một chứng nhân của lịch sử, rất quan trọng khi đất nước đã đổi chủ sau năm 1975. Cô Ngọc Ánh là người chứng kiến cuộc sống của người Việt ở hai bên giới tuyến của hai miền Nam và Bắc. Cô nói thật chính xác khi miền Bắc xâm lược tấn công vô Nam, cướp lấy vùng đất trù phú giàu có và yên bình, trong khi miền Nam chỉ chiến đấu để bảo vệ quê hương, chứ không bao giờ tấn công ra miền Bắc.”

Tác phẩm “Ngày Tháng Buồn Hiu” sau bao năm trăn trở, nay được đến tay bạn đọc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Tôi khâm phục cô là người dũng cảm khi trả lời trước phiên tòa rằng: Tôi yêu nước, yêu đồng bào tôi, đó không phải là tội!’ Câu trả lời đanh thép trước tòa án rất ít người dám nói và kết quả là án tử của chồng, và con trai phải chịu sống kiếp người không bình thường khi ở tù cùng mẹ. Tôi đã xem phim này hai lần, và đã không kìm được nỗi xúc động vô bờ với cô, người chiến sĩ can trường. Chỉ vì tham vọng của miền Bắc khiến xảy ra chiến tranh, thế rồi phe thắng cuộc với những chính sách trả thù tàn bạo khiến bao gia đình VNCH phải tan cửa nát nhà, tù đày giết chóc, mà trường hợp cô Ngọc Ánh là một điển hình. Những câu chuyện như thế này rất cần lưu truyền cho hậu thế, nhất là giới trẻ để hiểu biết người Cộng Sản là thế nào.”

Toàn thể nhân viên Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, cùng Viện Việt Học, trong ngày chiếu phim, ra mắt sách “Ngày Tháng Buồn Hiu”. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong nhạc phẩm “Sầu Lẽ Bóng,” nhạc sĩ Anh Bằng nói lên tâm trạng của một cô gái đau khổ khi bước vào đường tình yêu, chỉ khác trong trường hợp này, người con gái Trần Ngọc Ánh đã chịu nhiều đau khổ khi bước vào tình yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu dân tộc bị mất tự do! Và bà đã nói: “Nếu còn kiếp sau, tôi vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi Việt Nam không còn Cộng Sản!” [kn]

PHAN KHÔI-SAO LẠI “TÂM HỒN VONG BẢN”!?- Minh Diện

Nguyễn Hoành

Phan Khôi là một nhân cách lớn, xuất thân từ Nho học rồi bước sang Tây học với nhiều tâm huyết cho nước nhà. Thời xa xưa thơ thì phải đúng vần, đúng luật, phải nói đến tình yêu quê hương, đất nước v.v. Thế nhưng Phan Khôi đã bắn phát súng đầu tiên cho phong trào thơ mới bằng bài “Tình già” trong đó gieo chữ không đúng vần, nói về tình yêu đôi lứa mà là tình vỡ. Trong chương trình văn học phổ thông ở Miền Nam trước đây mở đầu phần Tân văn là bài Tình già, nó đã đi vào văn học sử. Cuộc đời ông bị lên bờ xuống ruộng cũng vì tấm lòng yêu nước nhưng bất hạnh hơn ông có một người con gái xổ toẹt bao nhiêu công sức vì dân vì nước của ông.

Tôi xin trích đăng bài viết của Mình Diện, trích từ Phạm Đức Bảo

Nguyễn Hoành

———————//

SAO LẠI “TÂM HỒN VONG BẢN”!?

Quan tài cha tôi đặt trên chiếc xe song mã màu đen. Đó là loại quan tài xấu nhất được mua phân phối giá hai đồng bảy hào năm xu. Sáu mảnh gỗ tạp, bào qua loa, vênh vẹo đóng đinh qua loa, không sơn phết, tấm thiên, tấm địa và bốn góc đều hở.

Trên nóc quan tài chỉ có ba nén nhang cắm vào quả trứng luộc để trong chén cơm. Không nến, không hoa. Không có một vòng hoa, một bông hoa nào trong đám tang cha tôi. Ngoài con ngựa già kéo xe, chỉ có 10 người đưa đám, kể cả hai nhân viên dịch vụ mai táng và người đánh xe ngựa. Người bạn, người đồng nghiệp duy nhất của cha tôi là nhà thơ Yến Lan, còn lại là người trong gia đình.

Chúng tôi bấu víu vào nhau, đẩy chiếc xe ngựa lăn bánh chậm chạp ra khỏi con hẻm, đi về hướng cửa Đông.

Người hàng phố đứng nhìn đám tang vội vã quay đi. Không ai dám tới dự và đưa cha tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng. Họ đều sợ liên lụy. Lúc cha tôi còn sống họ sợ đã đành, giờ cha tôi đã chết mà họ vẫn sợ.

Chiều mùa Đông gió mưa hun hút, lạnh tê tái.

Chiếc xe ngựa mầu đen và một dúm người mầu đen vón vào nhau líu ríu ra hướng cửa Đông.

Mẹ tôi bảo dừng lại một phút cho cha tôi chào Hà Nội một lần cuối.

Mẹ tôi và chúng tôi thay mặt cha tôi quỳ xuống lạy ba lạy.

Tôi nhớ những ngày mới về tiếp quản Thủ Đô, cha tôi thường dẫn chúng tôi đi thăm năm cửa ô và ba sáu phố phường Hà Nội, kể cho chúng tôi nghe về cụ ngoại tôi, Tổng đốc Hoàng Diệu.

Ông Phan An vừa lom khom chậm rãi bước đi trong con hẻm phố Thuốc Bắc (Hà Nội) vừa kể về đám tang của cha mình, nhà báo, nhà văn Phan Khôi.

Ông cứ nhắc đi nhắc lại, giọng nói như nấc lên:

– Không có đám tang nào ảm đạm như đám tang cha tôi! Không có đám tang nào buồn thảm, thê lương như đám tang cha tôi!

Một lần nữa Phan An lại từ Đà Nẵng ra Hà Nội, tìm về căn nhà số 73 hẻm phố này, nơi cha ông đã sống những ngày cuối cùng.

Ông tìm về quá khứ, tìm về nỗi đau xót mà gần hết cuộc đời vẫn chưa thể nguôi ngoai được.

Cụ Phan Khôi sinh ngày 6/10/1887 tức 20/8 năm Đinh Hợi, ở làng Bảo An, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Ông nội cụ là Phan Nhu, thân phụ là Phan Trần đều là bậc trí thức nổi tiếng. Mẹ cụ là Hoàng Thị Lê – con gái của Tổng đốc Hà Nội, Hoàng Diệu, người đã chỉ huy quân dân Hà Nội tử thủ chống lại quân đội Pháp, bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng. Khi Hà Thành thất thủ, ông tự vẫn ở Võ Miếu ngày 25/4/1882, quyết không để rơi vào tay giặc.

Chú ruột Phan Khôi là Phan Dinh – cha của nhà cách mạng Phan Thanh và Phan Bôi, tức Huỳnh Hữu Nam – nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Phan Khôi có người em gái là mẹ vợ cùa nhà văn Vũ Ngọc Phan và tướng Nguyễn Sơn.

Với một gia thế như vậy nên Phan Khôi được học hành tử tế, và với bản chất thông minh nên cụ là một người đa tài, và với tài năng vượt trội, cụ là một người mạnh mẽ, bộc trực không chịu cúi luồn.

Người thầy đầu tiên của Phan Khôi là Trần Quý Cáp. Chính con người thông minh lỗi lạc, ý chí kiên cường nhất huyện Điện Bàn này đã truyền cho Phan Khôi tri thức và lòng yêu nước nồng nàn.

Năm 1906, mười chín tuổi, Phan Khôi tốt nghiệp tú tài, và hai năm sau, 1908 ông phải chứng kiến cái chết chém ngang lưng của thầy mình.

“Lòng căm thù như ngọn lửa đốt cháy trái tim” Phan Khôi quyết nối bước thầy, tham gia phong trào Duy Tân, theo các cụ Phan Chu Chinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng chống thực dân Pháp.

Ông bị bắt giam gần một năm rồi được tha. Ông quyết định dùng ngòi bút và nghề báo để chiến đấu.

Phan Khôi kiến thức uyên bác, hiểu biết vô cùng phong phú, tầm hoạt động rộng lớn, đa phương trong sự biến thiên của lịch sử.

Chưa ai có thể tổng kết được thân thế sự nghiệp Phan Khôi, nhưng theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân:

“Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí nhưng qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn.

Phan Khôi là nhà tư tưởng đã đặt ra hàng loạt vấn đề: phê phán Khổng giáo, tiếp nhận tư tưởng Âu Tây, nữ quyền.

Ông cũng là một nhà Hán học và Trung Quốc học am hiểu những vấn để của xã hội Trung Quốc đương thời, ông là một dịch giả, đã dịch Kinh Thánh của đạo Thiên chúa ra tiếng Việt, một nhà Việt ngữ học cả ở phần lý thuyết lẫn thực hành; một nhà văn xuôi với thể hài đàm và một nhà phê bình văn học.

Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống, nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ, ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận.

Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng trí thức và văn hóa cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Pham Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng…

Phan Khôi thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho trí thức!”

Phan Khôi là một trong những nạn nhân của “Cuộc đấu tranh chống Nhân Văn – Giai Phẩm” bắt đầu từ năm 1957. Tuy ông không phải đi tù như Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, nhưng ông đày đọa khổ sở còn hơn tù.

Ngày 16/1/1959, ông đã ra đi vĩnh viễn thoát khỏi sự đọa đày đó.

Năm 2004, trên các báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Tiền Phong, Người Hà Nội, lần lượt đăng bài phỏng vấn nhà thơ Tố Hữu của Nhật Hoa Khanh.

Theo những bài báo đó, năm 1997, tại 76 Phan Đình Phùng, một trong những biệt thự đẹp nhất Hà Nội, của Pháp để lại, trị giá 7 triệu đô la nhà nước cấp cho Tố Hữu, ông ta đã ca ngợi hết lời nhóm “Nhân Văn – Giai Phẩm, trong đó có Phan Khôi.

Tố Hữu nói: “Trần Đức Thảo là một mẫu mực của lòng say mê nghiên cứu sáng tạo vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phan Khôi, Trần Dần, Lê Đạt là những trí thức lớn, những cây bút hạng nặng trong đội ngũ trí thức cách mạng!”

Không biết Tố Hữu có nói như vậy thật không?!

Nghe nói khi đã rời quyền lực, Tố Hữu đã sám hối, nhưng bà Vũ Thị Thanh – nguyên Phó Ban Tuyên huấn Trung ương – phu nhân nhà thơ Tố Hữu thì phủ nhận chuyện đó.

Nếu đúng, nó hoàn toàn mâu thuẫn với bốn mươi năm trước, kể từ 1977, khi Tố Hữu còn trẻ, nắm trọng trách công tác tư tưởng, văn hóa, văn nghệ của đảng.

Ngày ấy, Tố Hữu đã “làm bao nhiêu số phận, bao nhiêu cuộc đời bị rạn vỡ, bị lưu đày” (Phùng Cung).

Lời Tố Hữu kết tội Trần Đức Thảo, Phan Khôi và nhóm “Nhân văn-Giai phẩm” sau đây là sự thực, dẫu ma quỷ cũng không thể chối.

Tố Hữu đã viết: “Lật bộ áo “Nhân Văn – Giai Phẩm” thối tha, người ta thấy cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, Trotkit, địa chủ, tư sản… quần tụ trong những tổ quỷ với gái điếm, bàn đèn, sách báo phản động, đồi trụy và phim ảnh khiêu dâm…” (Qua cuộc đấu tranh chống nhóm “Nhân Văn – Giai Phẩm”, tác giả Tố Hữu, Nhà xuất bản Văn Hóa, 1958, trang 9)

Ngoài ra, Tố Hữu còn viết: “Trong cái công ty phản động “Nhân Văn – Giai Phẩm” ấy, thật sự đủ mặt các loại “biệt tính”, từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An; từ bọn Trotkit Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản Đảng như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt.

Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ, tư sản phản động cố giữ lập trường của giai cấp mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ!” (Trang 17sđd)

Theo chỉ đạo của “Anh Lành” bọn cơ hội nhào vào đánh hội đồng nhóm “Nhân Văn – Giai Phẩm” nói chung, Phan Khôi nói riêng.

Phê phán tác phẩm văn học, báo chí chán quay suy diễn, bịa đặt ra đủ thứ chuyện, chà đạp lên cả hương hồn cha mẹ, tổ tiên người ta.

Có những việc đổi trắng, thay đen, khi sự thật lịch sử vẫn còn đang sờ sờ trước mắt.

Phan Khôi với truyền thống yêu nước của gia đình, đã tham gia phong trào chống Pháp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từng bị bắt đi tù mà bảo ông làm mật thám cho Pháp thì trời đất nào chứng?

Phan Khôi viết hàng ngàn bài báo phê phán chế độ cũ, cổ vũ sự cách tân, bao nhiêu ruộng vườn quê nhà ông hiến hết cho cách mạng, mà bảo ông cố giữ lập trường giai cấp địa chủ, tư sản?

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Hồ Chủ tịch trọng tài đức của Phan Khôi, trực tiếp viết thư mời ông ra Hà Nội góp sức xây dựng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ.

Phan Khôi đã mang cả gia đình theo cụ Hồ lên chiến khu Việt Bắc, nằm gai nếm mật tham gia kháng chiến suốt mười năm trời. Thế mà khi ông tham gia phong trào “Nhân văn – Giai phẩm”, bị Tố Hữu quy là mật thám thì nhà văn Nguyễn Công Hoan hùa theo, xuyên tạc rằng Phan Khôi cầm đầu tổ chức Việt Nam quốc dân đảng chống phá cách mạng ở Quảng Nam.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan “đáng kính” viết: “Hắn phụ trách chi bộ Việt Nam quốc dân đảng Quảng Nam chống phá cách mạng điên cuồng. Sau đó hắn bèn ra Hà Nội họp với Trung ương đảng bộ Việt Nam quốc dân đảng của hắn, để đề nghị một chương trình chống Chính phủ!”

Nguyễn Công Hoan luôn dùng từ “hắn” để phỉ báng, mạt sát Phan Khôi: “Hắn xin vào yết kiến cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc đó là Bộ trưởng Nội vụ nhưng cụ không tiếp!”.

Năm 1957, Phan Khôi thọ 70 tuổi, Nguyễn Công Hoan làm bài thơ “mừng” (!) người bạn văn chương như sau:

Nhà báo Phan Khôi khốn kiếp ơi!

Thọ mi mi chúc chớ hòng ai,

Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc!

Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài!

Lô-gich trước cam làm kiếp chó,

Nhân văn nay lại hít gì voi!

Sống dai thêm tuổi cho thêm nhục!

Thêm nhục cơm trời chẳng biết gai!

Có thể nào ngờ đó là thơ của tác giả “Bước đường cùng” và “Kép Tư Bền”?

Quả thật công tác tư tưởng của ông Trường Chinh và công tác tuyên huấn của ôngTố Hữu quá tài tình! Họ đã biến nhà nho Nguyễn Công Hoan thành một kẻ bỗ bã đểu cáng đáng khinh bỉ.

Mà đâu chỉ một mình Nguyễn Công Hoan, cả Đào Vũ, Tế Hanh, Chế Lan Viên đều như vậy.

Phan Khôi hai đời vợ, bà trước tám người con, bỏ mất một, còn 7, bà sau được 3, tổng cộng 10 người con.

Ông có bài thơ tức cảnh gia đình mình như sau:

Hai nhà cộng lại có mười con

Năm gái năm trai nhắm cũng tròn

Gả, cưới tạm yên nguyền một nửa

Sữa răng riêng mũi máu ba hòn

Tự trào thôi hẳn còn chia rẽ

Nhân cách vẫn mong được vẹn tròn

Bé nhất Lang Sa mới ba tuổi

Tên này ghi cái nhục sông non

Năm 1956 sang Trung Quốc dự kỷ niệm 100 năm Lỗ Tấn cùng với Tế Hanh. Phan Khôi đọc cho Tế Hanh nghe, và nói:

“Tôi đặt tên thằng này là Lang Sa, để nhớ cái hận thực dân Pháp!”. Mà ngay trong bài thơ tác giả đã nói rõ ý đó rồi còn gì.

Vậy mà hai năm sau, khi Phan Khôi bị đánh thì Tế Hanh bịa ra chuyện thế này:

“Trong chuyến đi Trung Quốc, Phan Khôi nói với tôi, thằng này sinh ngày 9/3/1945, ngày Nhật đảo chính Pháp, tôi đặt tên nó để cho những người nào vui mừng việc Nhật lật đổ Pháp biết tay. Pháp sẽ trở lại cho coi”.

Và Tế Hanh kết tội Phan Khôi: “Phan Khôi đã đáp lại lòng thù ghét của nhân dân ta đối với thực dân Pháp như thế. Chỉ có một ‘‘tâm hồn vong bản’’ loại Phan Khôi mới mong Pháp quay trở lại!”.

Chế Lan Viên thì có lần chỉ thẳng tay vào mặt Phan Khôi quát: “Đừng cậy già mà láo!”. Còn Đoàn Giỏi thì vu cho Phan Khôi nói xấu đảng, Bác Hồ vì gọi cây cứt lợn là cây “cộng sản”!

Sự xuyên tạc, vu khống, nhục mạ được cất lên từ miệng những người được coi là hiền lành tử tế như thế mới kinh khủng làm sao!

Ông Phan Lang Sa tâm sự: “Khổ tâm nhất là anh Phan Thao. Anh ấy trong Ban biên tập báo Nhân Dân mà ngày nào cũng phải nghe, phải đọc những lời nhục mạ vu khống cha mình!” Không chịu nổi, Phan Thao phải xin từ nhiệm và Phan Lang Sa phải đổi tên thành Phan An. “Xin cầu lấy sự bình an!”

Cụ Phan Khôi bị đuổi khỏi ngôi nhà 51 Trần Hưng Đạo nơi cụ ở từ năm 1955. Đuổi – tôi dùng đúng nghĩa đen.

Trần Duy kể: Một hôm tôi đến 51 Trần Hưng Đạo thì gặp một quan chức có quyền lực chỉ vào Phan Khôi quát:

– Tống cổ thằng già này ra khỏi đây!

Phan Khôi lảo đảo bước ra cổng. Vợ ông, bà Huệ ôm chăn mền, sách vở. Gặp tôi ông Phan Khôi bảo:

– Thôi, anh về đi. Buồn không cần thiết!”

Gia đình Phan Khôi bị đuổi khỏi 51 Trần Hưng Đạo, phải dọn về số 10 Nguyễn Thượng Hiền. Rồi lại bị đuổi, phải dọn tới 73 phố Thuốc Bắc.

Bà Bích Thủy – con gái nhà thơ Yến Lan – tả chỗ ở mới của gia đình cụ Phan Khôi như sau:

“Gia đình tôi ở phía dưới, giữa 5 gia đình khác, kế vách là gia đình cụ Khôi. Phía ngoài cầu thang của hộ bà Cán, đến bể nước công cộng.

Căn dành cho gia đình cụ là một cái buồng 9 m2, bằng 3/4 căn nhà tôi, có thể đấy là nơi thờ cúng của chủ trước. Giữa nhà tôi và nhà cụ là một hẻm nhỏ, to bằng cái bàn cờ tướng. Tôi thường ngồi cạnh cửa sổ nhà cụ giặt giũ”.

Căn nhà cụ Phan Khôi vắng lặng, xét nét, xa lạ không ai lui tới vì cụ bị coi là cầm đầu nhóm Nhân văn – Giai phẩm.

Cụ vốn gầy yếu, bị hành hạ sức khỏe càng suy sụp. Nhiều lần cụ xin đi khám bệnh nhưng không ai ký giấy cho đi khám đành phải chịu.

Cụ thường ôm ngực ho từng cơn, và chống gậy ra giếng nước công cộng rửa chân lúc xế chiều.

Rồi cái buổi chiều mùa đông rét mướt ngày 16 tháng 1 năm 1959 đó, người chung nhà không nhìn thấy cụ Phan Khôi. Đó là lúc cụ nằm úp mặt vào tường, ho cơn ho cuối cùng, thổ những giọt máu tươi ra quyển sách đang đọc dở trên tay.

Chiếc xe ngựa – chở chiếc quan tài phủ bạt lăn bánh nghiêng ngả ra nghĩa địa Hợp Thiện phía Đông Hà Nội – đưa cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng, chỉ có vợ con cụ và nhà thơ Yến Lan tác giả “Bến Mi Lăng”.

Bà Bích Thủy, con gái nhà thơ Yến Lan kể lại:

“Sáng hôm sau nghe người ta nói, có thằng cha nhà thơ nào đó dám cả gan đưa đám Phan Khôi. Ba tôi bảo đó là đạo lý của người Việt, nghĩa tử là nghĩa tận!”.

Một nấm mồ nông vùi người con Quảng Nam nơi đất Bắc, trên đơn sơ một mảnh ván viết hai chữ Chương Dân.

Năm tháng qua đi nấm mộ ấy chìm trong cỏ dại và xương cốt cụ Phan Khôi phiêu bạt nơi nào không biết nữa.

Vừa qua con cháu cụ đành gói một nắm đất về đặt trong lòng ngôi “mộ gió” ở quê nhà.

Hơn nửa thế kỷ qua, bây giờ người ta đã nhìn nhận, đánh giá một cách công bằng, trả lại danh dự cho những trí thức, nhà văn, nhà thơ trong phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Hầu hết những nhà văn, nhà thơ, và trí thức trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm đã được nhận giải thưởng, nói như nhà thơ Trần Mạnh Hảo, là để tạ lỗi. Nhưng cụ Phan Khôi vẫn bị lãng quên.

Tôi không hiểu đằng sau đó có những lý do gì, mà đồng hương xứ Quảng (ông Tế Hanh ở Quảng Ngãi), cùng tập kết ra Bắc, nhưng “Nhớ con sông quê hương” đến mức nào, nhớ kiểu gì, mà lại cố tình nói điêu, ”nâng quan điểm”, ám hại ông Phan Khôi (Quảng Nam) ”báo cáo cấp trên” quy chụp, bịa chuyện: “Chỉ có một ‘‘tâm hồn vong bản’’ loại Phan Khôi…”.

Nay, người ta thương tiếc, cảm phục Phan Khôi, ít ai nhắc tới Tế Hanh!

Với thân thế và sự nghiệp của cụ, với những tác phẩm báo chí và văn học đã tái xuất bản trong những năm gần đấy, cụ xứng đáng nhận giải thưởng hơn rất nhiều người mà xã hội minh bạch đã ghi nhận.

Minh Diện

Đạo Ông Nhà Lớn Long Sơn, bảo tàng sống văn hóa khẩn hoang ở Nam Kỳ

Báo Nguoi-viet

August 5, 2023

Phạm Anh

BÀ RỊA-VŨNG TÀU, Việt Nam (NV) – Xã Long Sơn, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có khoảng 2,000 nhà dân, đa số theo đạo Ông Trần hay còn gọi là đạo Ông Nhà Lớn. Trung tâm của cộng đồng là ngôi Nhà Lớn, một quần thể kiến trúc cổ bao gồm nhà ở, nhà thờ, phố, chợ, trường học do cộng đồng cùng chung tay chăm sóc.

Y phục truyền thống của đạo Ông Trần là quần áo màu đen dù là áo bà ba hay áo dài, dù là lúc đi làm nông hay khi dự tiệc tùng lễ hội. (Hình: Phạm Anh)

Nếp sống của họ từ lễ nghi sống chết, ăn mặc, sinh hoạt, ứng xử thậm chí nói năng chữ nghĩa với khuôn mẫu riêng theo phong cách của những người khẩn hoang thời thế kỷ 18-19. Ngoài ra còn có một cộng đồng ở xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Có thể nói đây là bảo tàng sống của văn hóa thời khẩn hoang.

Tên là đạo Ông Trần nhưng người lập đạo mà nói chính xác hơn đó là thủ lĩnh của cộng đồng khẩn hoang vùng này tên thật là Lê Văn Mưu. Do thói quen của lối sống thời khai mở đất suốt ngày ở trần nên người ta gọi là ông Trần giống như những ông đạo Đèn, đạo Điên, Sải Vãi Bán Khoai ở miền Tây thời trước. Ngay bây giờ chính những thành viên tham gia công quả, tiếp khách tế tự trong Nhà Lớn vẫn thành kính kiêng kỵ không dám nói đến tên thật của ông. Chỉ có người cháu đời thứ ba của ông là Lê Thị Kiếm mới dám tiết lộ.

Nhóm khẩn hoang dung chứa người xiêu tán

Theo truyền ngôn thì năm 1891, ông Trần cùng đoàn người đi tàu buồm từ Hà Tiên dừng chân ở chợ Long Điền, thấy đảo Long Sơn chưa có người khai phá, ông chọn nơi này mở đất lập nghiệp. Họ khai hoang, làm ruộng muối, làm rẫy, khai thác biển làm cá, mắm. Hiện nay Nhà Lớn vẫn còn giữ được mô hình chiếc thuyền buồm, đặc biệt là nguyên mẫu bánh lái khổng lồ của chiếc thuyền được đẽo từ thân cây nguyên khối. Điều này cho thấy ông Trần hẳn là một điền chủ có tài vật lực hoặc một lãnh tụ một bang hội nào đó bỏ xứ tìm vùng đất mới

Họ không làm ăn riêng lẻ mà sống cộng cư cùng ăn cùng ở, cùng làm và từng bước xây dựng ngôi Nhà Lớn thành một tổ chức xã hội khép kín, người chỉ huy việc khai phá tổ chức đời sống vừa là người lãnh đạo tinh thần vừa giống như mô thức đồn điền triều Nguyễn vừa mang phong cách trại ruộng của Phật Thầy Tây An.

Ông Trần còn hào sảng cưu mang những người xiêu tán từ khắp nơi về đây lập nghiệp và dần tạo lập vùng Long Sơn từ cù lao hoang địa thành ruộng rẫy trù phú và xây dựng nên cơ ngơi Nhà Lớn.

Trong lần thăm viếng năm 2021, chúng tôi tiếp xúc với cô Bảy hơn 70 tuổi là thành viên phụ trách tiếp tân. Quê quán cô ở Hương Mỹ, Bến Tre, ông nội cô đã rời quê tìm phương lập nghiệp và trở thành bổn đạo sống trong Nhà Lớn, tiếp đó đến lượt cha cô, bản thân cô sinh ra lớn lên dựng vợ gả chồng đều trong Nhà Lớn. Mãi sau 1975, chính sách đất đai của chính quyền bình quân ruộng đất cho mỗi đầu người những thành viên, bổn đạo mới tách ra sống riêng và làm ăn riêng nhưng tất cả vẫn gắn bó và chu toàn công quả với Nhà Lớn như là nhà thờ tổ của mình. Cộng đồng Nhà Lớn Long Sơn đã hình thành như vậy.

Chuẩn bị kỉnh cơm, chỉ là cơm trắng và muối chứa trong các thố có nắp đậy. (Hình: Phạm Anh)

Cấu trúc xã hội từ khẩn hoang đến tân thời

Nhà Lớn là một quần thể kiến trúc khép kín, gồm khu nhà dài phía trước để tiếp khách, khu nhà thờ, khu lăng mộ Ông Trần. Đặc biệt nhất, là khu nhà thờ. Khu nhà quay mặt về hướng Đông, tọa lạc trên diện tích 7,800 mét vuông, gồm tam quan, vườn hoa bát quái, và nhiều nhà thờ, trong đó có các nhà lầu hai tầng (tầng dưới lát gạch, tầng trên lát gỗ) mái ngói là: Lầu Cấm (tiền điện), Lầu Phật (chính điện), Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Dài; và nhà trệt lợp ngói là Nhà Thánh, Nhà Hậu (hậu điện) thành hình chữ “Khẩu.” Trong khoảng sân lộ thiên dùng để thông gió và lấy ánh sáng có hồ nước ngầm, một bể nước nổi trong có hòn non bộ.

Bên trong các ngôi nhà này, các trụ cột và xà nhà đều có treo câu đối, câu liễn và hoành phi. Nổi trội nhất là các bộ bao lam đều chạm trổ hình hoa, hình thú rất khéo léo, công phu và đều được tô son thiếp vàng rực rỡ. Tại đây thờ cả Phật Giáo, Đạo Giáo, Nho Giáo; và thờ Ông Trần cùng những người trong gia tộc họ Lê.

Trong các gian thờ là vô số kỷ vật cổ (đa phần bằng gỗ quý) sưu tầm từ cả ba miền Nam-Trung-Bắc như bàn ghế, tủ thờ, những bức hoành phi, liễn thờ… Trong đó có giá trị nhất là bộ bàn ghế bát tiên (được cẩn hoa cương và xà cừ mà con cháu ông Trần khẳng định là của vua Thành Thái từng dùng ở Bạch Dinh tại thành phố Vũng Tàu) và bộ tủ thờ cổ cẩn xà cừ gồm 33 chiếc, và gần 40 ghế nghi để thờ cúng có nguồn gốc từ vùng Hà Đông.

Di vật quý nữa là bản văn chữ Nôm truyện “Lục Vân Tiên” vẽ trên lụa, mà trước đây ông Trần vẫn thường trích đọc và giảng dạy cho bổn đạo về những giá trị trung hiếu tiết nghĩa như một thứ giáo lý truyền khẩu. Ngày nay những thế hệ kế tục vẫn sống và dạy dỗ con cháu theo các chuẩn mực đó.

Đến năm 1928, các khu thờ cúng đã hoàn chỉnh, ông cho dựng tiếp Lầu Dài, phần dưới làm nơi ăn nghỉ cho người đến thăm viếng. Lầu Dài là dãy nhà rất dài nhiều căn nối nhau có đến hơn 50 mét. Bên trong có những bộ ván ngựa (phản) cũng rất dài tầm bốn đến năm mét để khách sinh hoạt, nghỉ ngơi.

Những năm tiếp theo, ông Trần xây năm dãy phố là những dãy nhà trệt cho lưu dân mới đến lập nghiệp có chỗ cư ngụ, nhà Long Sơn hội là nơi hội họp của cộng đồng, trường học dạy chữ quốc ngữ cho trẻ, nhà lồng chợ Long Sơn khánh thành ngày 16 Tháng Tám, 1929, nhà máy xay xát lúa gạo, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, các hồ và lu dùng để tích trữ nước ngọt… Dấu ấn đặc biệt dấu tích thời khẩn hoang của chợ Long Sơn ở Nhà Lớn là hai đặc sản rất ngon và rất rẻ: chao và mắm ruốc.

 

Kỉnh cơm ông bà đơn giản nhưng đặt trong thố nghiêm cẩn. (Hình: Phạm Anh)

Lưu giữ đạo lý lối sống thời xưa

Với những cơ sở vật chất như vậy Nhà Lớn có đủ thiết chế của một làng xã kiểu mẫu và tiên tiến so với xã hội đương thời. Cô Bảy cho biết trong hơn 2,000 nhà dân xã Long Sơn hiện nay thì hơn 90% là thành viên của Nhà Lớn trước đây.

Tấm lòng hào sảng nghĩa khí và lối sống đạo đức của ông Trần không chỉ chinh phục người dân sở tại mà ở hầu hết Nam Kỳ Lục Tỉnh đều ít nhiều có người tự nguyện theo đạo Ông Trần. Đặc biệt là ở xã Nhị Bình, Châu Thành, Tiền Giang, có cả cộng đồng theo đạo Ông Nhà Lớn, đến nay vẫn liên lạc thường xuyên và duy trì các sinh hoạt tập tục y như Nhà Lớn Long Sơn.

Những vị lão thành ở Nhị Bình kể rằng trong trận bão năm Giáp Thìn 1904, ông Trần đã về Mỹ Tho và cứu đói vùng này 1,000 giạ lúa. Từ đó người dân cảm phục và tự nguyện sống theo đạo Ông Trần.

Không chỉ xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức cho các thành viên làm ăn, thời ấy ông Trần còn tạo dựng một nếp sống đạo nghĩa, những tập quán, lễ nghi sinh hoạt cho cả cộng đồng và vẫn còn duy trì đến nay.

Những người theo đạo Ông Nhà Lớn không phải ăn chay, niệm Phật đọc kinh, nhưng phải giữ những giá trị đạo đức nhân nghĩa theo tinh thần Nho Giáo đã đươc Việt hóa theo khuôn mẫu của Vân Tiên, Hớn Minh, Tử Trực, Nguyệt Nga trong truyện “Lục Vân Tiên.” Phải giữ đạo hiếu và lễ nghi với ông bà tổ tiên, sống chan hòa với cộng đồng xã hội.

Dù tại Nhà Lớn hay ở nhà riêng, mỗi ngày cúng bốn lần. Theo ngôn ngữ riêng của đạo, cúng gọi là kỉnh. Sáng sớm kỉnh nước, nhang. Trưa, chiều, kỉnh cơm (chỉ là cơm trắng và muối chứa trong các thố có nắp đậy). Tối kỉnh nhang. Trên bàn thờ chính trong Nhà Lớn và bàn thờ của các gia đình bổn đạo ở Nhị Bình, có trang thờ phủ vải màu đỏ. Phải chăng đây là một “gánh” của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương?

Dù tại Nhà Lớn hay ở nhà riêng, mỗi ngày trưa, chiều phải kỉnh cơm. (Hình: Phạm Anh)

Lối sống giản dị, lành mạnh

Ở gia đình thì đơn giản chỉ một bàn thờ nhưng Nhà Lớn có đến 70 bàn thờ nên việc kỉnh cơm, cúng lễ, quét dọn, tu sửa khánh tiết, tiếp tân hằng ngày được tổ chức chặt chẽ. Những công việc lao động bình thường sẽ do 30 thanh niên làm công quả. Mỗi ngày thay phiên một lần.

Việc cúng kỉnh do Phiên Ngũ (năm người có chức phận đã từng làm công quả hơn 10 năm) đảm nhiệm, cứ ba ngày thay phiên một lần. Nhà Lớn hiện có 68 phiên với 340 người tự nguyện thực hiện, nửa năm đáo lại một lần. Người thâm niên hơn có trách nhiệm cao hơn và Phiên Hầu và nhóm có trách nhiệm cao nhất trong việc coi sóc Nhà Lớn là Hương Quản gồm có tám người.

Y phục truyền thống của đạo Ông Trần là quần áo màu đen dù là áo bà ba hay áo dài, dù là lúc đi làm nông hay khi dự tiệc tùng lễ hội. Màu đen có thể là dấu tích của thời khẩn hoang 100 năm trước nhưng đó cũng là sự lựa chọn cho lối sống đơn giản thanh đạm theo chủ trương của ông Trần. Một bô lão ở Nhị Bình mỉm cười khẳng định: “Đã quen rồi, bắt mặc đồ màu khác không mặc được!”

Việc tang ma và mồ mả của người theo đạo Ông Trần cũng theo quy tắc riêng. Tại Long Sơn và Nhị Bình đều có một cái “Bao Quan.” Hình thức giống như một cổ quan tài sơn màu đỏ trang trí hoa văn đẹp mắt. Phần trên Bao Quan và tấm liệt dưới lòng quan tài có thể tháo rời. Người trong đạo qua đời sẽ được bó chặt trong một tấm vải đỏ và thi hài đưa vào Bao Quan. Khi đưa thi hài xuống huyệt, Bao Quan được tháo ra và đưa về lại Nhà Lớn.

Trên trăm năm qua tất cả những người theo đạo qua đời đều dùng chung cái Bao Quan này. Màu đỏ của nó không phải do nước sơn mà do sáp của hàng ngàn chiếc đèn cầy phủ lên. Việc dùng chung Bao Quan vừa tiết kiệm vừa thể hiện đạo lý “sống đồng tịch đồng sàn, chết đồng quan đồng quách.” Ông Trần xưa có dạy “sáng tử chiều táng, chiều tử sáng táng.” Tang lễ cũng thật giản tiện, không trống nhạc, không tụng kinh, không tiệc tùng.

Cả Long Sơn và Nhị Bình đều có khu dành riêng chôn cất người trong đạo. Mồ mả cũng có điểm đặc biệt, đơn giản, tươm tất, kích thước bằng nhau không cái nào lớn hơn cái nào.

Bà Kiếm cho biết ông Trần đã dạy: “Kẻ hèn, người sang, dân nghèo hay người có chức quyền khi chết đi, đều ngang hàng, bình đẳng như nhau.” Đặc biệt hơn nữa trên mộ bia chỉ đánh số mà không ghi họ tên người mất. Con cháu nhớ số ấy mà chăm sóc cúng viếng hằng năm.

Từ năm 1991, Nhà Lớn đã được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.

Hằng năm vào ngày giỗ Ông Trần (20 Tháng Hai Âm Lịch) và ngày Tết Trùng Cửu (9 Tháng Chín Âm Lịch), Nhà Lớn Long Sơn đều tổ chức lễ hội long trọng, thu hút hàng chục ngàn người gần xa (chủ yếu từ các tỉnh ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ) về tham dự.

Với những người thân quen có thể gọi là bổn đạo, họ đến Nhà Lớn như trở về nguồn cội của mình, những thức cúng viếng không phải là tiền bạc, phẩm vật mua sắm mà chính từ sản phẩm của địa phương, của gia đình. Người mang chục trái dừa, người mang cả cần xé cam, quýt…

Với tấm lòng hiếu khách truyền thống của đạo, khách dù là thân hay khách lạ, dù là ngày thường hay ngày giỗ kỵ đều được tiếp đón ân cần chu đáo theo câu “tứ hải giai huynh đệ.” (Phạm Anh)

Đỗ Trọng Khoa 19 tuổi được đích thân ông Elon Musk mời làm việc

Nhật báo Calitoday

Qua Mỹ chưa đầy 4 năm, nhưng với thành tích học tập xuất sắc, cá tính độc lập, Đỗ Trọng Khoa, 19 tuổi, đã được đích thân ông Elon Musk, người sáng lập kiêm Chủ tịch và CEO của Tesla, Inc. và SpaceX, gửi email mời về làm việc với chức danh “kỹ sư nhu liệu điện toán cấp cao” (Software Engineer – senior level).

Với vị trí công việc này, SpaceX sẽ bảo trợ Khoa có được quốc tịch Mỹ, làm việc tại trụ sở của SpaceX tại Hawthorne, California. Nhưng vì muốn học lên cao nữa, cho nên đến tháng 8 này Khoa mới nhận lời dù đã nhận được thư từ ngày 12/4/2018. Ngoài mức lương cao, Khoa được hưởng những quyền lợi khác như bảo hiểm sức khỏe, tiền thưởng…, theo báo người Việt.

Niềm vui đến cùng một lúc, khi Khoa nhận được lời mời của ông chủ SpaceX đồng thời với thư chấp nhận vào chương trình cao học tại trường đại học UC Berkeley. Sau đó, lại tiếp tục nhận được thư mời của trường đại học Stanford University, tuy nhiên Khoa đã chọn Stanford University để học lên tiến sĩ. Để có được cơ hội nghề nghiệp và tương lai tươi sáng như hôm nay, Khoa đã phải nỗ lực rất nhiều khi chỉ ngủ 2-4 tiếng mỗi ngày.

Khoa kể, qua Mỹ vào năm 2014 khi đang học chuyên toán tại trường trung học Nguyễn Khuyến ở Đà Nẵng. Khoa tự kiếm học bổng trong hai năm học lớp 11 và 12 để gia đình không phải tốn tiền, mà chỉ chi trả tiền ăn khi Khoa học tại trường Boca Prep International School ở Florida.

Với cá tính tự lập, Khoa lên mạng tìm trường, nộp đơn xin nhập học, I-20, cho tới visa. Sang Florida, Khoa ở nhờ nhà người chị bà con. Chồng của chị là luật sư người Mỹ. Anh đã giúp Khoa nâng cao khả năng tiếng Anh và anh chị họ giúp Khoa đi thi bằng lái, mua quần áo và các vật dụng cần thiết. Đối với Khoa, thời gian ấy là khoảng thời gian quý giá khi chân ướt chân ráo đến Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp bằng tú tài quốc tế (IB, International Baccalaureate) với số điểm cao nhất trường, Khoa nộp đơn xin vào nhiều trường đại học và được University of Miami trao học bổng 96.000USD, trung bình mỗi năm được 24.000USD, rồi University of Michigan, UCLA, UC Berkeley… Cuối cùng, Khoa chọn học UCLA.

Năm 2016 Khoa qua California học, và chỉ trong vòng hai năm, Khoa đã lấy đủ credit. Tính toán “sát nút” việc học của mình để làm sao học vừa nhanh mà điểm lại cao, nên mỗi ngày chàng trai 19 tuổi chỉ ngủ tối đa 2 đến 4 tiếng. Nhờ vậy, khi vừa học xong ở UCLA, Khoa được ngay các trường UCLA, UC San Diego, UC Berkeley, Cal Poly Pomona, Cal State Long Beach, San Jose State University, Harvey Mudd College, Stanford University là những trường đại học hàng đầu chuyên về toán, khoa học, và kỹ thuật, mời học chương trình cao học.

Ngoài việc sắp xếp thời gian học và đọc sách. Khoa lên Google tìm các dự án để làm thêm. Nhiều dự án trên trang mạng MindSumo của Stanford University. Trang mạng này có vô số dự án lớn của các công ty, mọi ngành nghề, và chia ra 6 lĩnh vực là Kinh doanh, Kỹ thuật, Khoa học Máy tính, Khoa học Thực phẩm, Toán và Khoa học, và Nhân văn & Nghệ thuật.

Trong năm 2017 Khoa kiếm được kha khá tiền. Những dự án có giá 200-300USD thì Khoa làm cả trăm cái. Rồi có những cái có giá hơn 1.000USD. Riêng những dự án mất nhiều thời gian đầu tư như 11.000USD của ngân hàng Wells Fargo, hay lớn nhất là 50.000USD của SpaceX Khoa cũng giành được. Khoa kể, dự án của SpaceX làm gần cả năm mới xong và chỉ hai tháng sau ông chủ SpaceX nhận Khoa vào làm toàn thời gian. Đây là điều Khoa chưa bao giờ nghĩ tới.

Tìm project kiếm tiền

Chàng trai 19 tuổi kể, khi còn ở Việt Nam “chỉ biết học cho ba mẹ vui. Nhưng khi qua Mỹ thì xác định học là cho tương lai của mình, cho dòng họ mình. Trước khi đi học thì bà nội có dặn: ‘Con đi làm sao để về làm rạng danh dòng họ Đỗ,’ bởi vì bà nội từng sống 15 năm ở Orange County nhưng cuối cùng về do thấy không phù hợp với cuộc sống ở Mỹ.” Nhớ lời nội dặn, ngoài học, anh còn đi làm thêm, vì không muốn phụ thuộc vào tiền cha mẹ gửi qua. “Lúc đi học thì em cố gắng để giáo sư chú ý, và thường gặp giáo sư để hỏi về bài vở, nhờ vậy vừa làm trợ giảng, vừa làm gia sư trên trường. Rồi thời gian rảnh em đi dạy đàn, vì em biết chơi piano, guitar, electric guitar, violin, kèn clarinet và saxophone,” anh nói.

“Hồi còn nhỏ em được học piano rồi, lên lớp 6 thì học guitar, lớp 9 học violin và electric guitar. Qua Mỹ thì học kèn kèn clarinet và saxophone. Lúc đầu sang học ở UCLA, em ở thành phố Walnut, Los Angeles County. Sau đó tìm được nhiều mối dạy piano và guitar ở khu người Việt tại Little Saigon nên chuyển xuống Buena Park, Orange County, và cũng để dạy SAT cho một trung tâm ở đây. Mới chuyển xuống đúng một năm thì giờ em phải chuyển lên Bắc California để đi học, đi làm,” anh nói thêm.

Đặc biệt, anh rất mê sách. “Em đọc đủ thứ hết, nhưng đa phần là sách vật lý, sách kỹ thuật, sách tâm lý. Đọc để học, để có kiến thức, để có kỹ năng sống thôi. Ở Việt Nam thì em lười lắm, chơi không hà. Nhưng qua đây thì đọc sách rất nhiều. Năm đầu tiên đọc được 30 cuốn, đến năm thứ hai thì được 50 cuốn. Hiện tại thì 80 cuốn một năm. Nó cũng không có khó,” anh nói nhẹ tênh.

Và cũng vì “Em học ‘phức tạp’ lắm” như Khoa nói, nên đọc sách mới giúp anh giải quyết chuyện học “phức tạp” của mình. “Ở Việt Nam, cấp hai em học chuyên hóa, cấp ba học chuyên toán. Qua Mỹ tiếp tục học chuyên toán. Khi vào đại học UCLA thì học ngành khoa học máy tính (computer science) và khoa học dữ liệu (data science). Nhưng em lại mạnh về computer science nên muốn vào UC Berkeley. Tuy nhiên, em cũng thích data science nữa, nên sẽ tự tìm tòi,” anh cho hay. Do thích những gì liên quan đến toán, khoa học, và kỹ thuật nên anh nghĩ đến chuyện kiếm tiền bằng những kiến thức được thu nạp nhờ đọc sách. Anh lên Google “tìm việc!”

“Em tìm được nhiều project trên trang mạng MindSumo của Stanford University. Trang mạng này có vô số project lớn của các công ty, mọi ngành luôn, và chia sáu lĩnh vực là Business, Engineering, Computer Science, Food Science, Math & Sciences, và Humanities & Arts,” anh kể. “Nhờ vậy, trong năm 2017 em kiếm được kha khá tiền. Những project có giá $200-$300 thì em làm cả trăm cái rồi. Rồi có những cái có giá hơn $1,000. Riêng những project mất nhiều thời gian đầu tư như $11,000 của ngân hàng Wells Fargo, hay lớn nhất là $50,000 của SpaceX em cũng giành được,” anh khoe.

Anh kể, project của SpaceX anh làm gần cả năm trời mới xong. “Lúc đó là lúc em chia tay vợ sắp cưới của em hiện nay. Khi đó về tới nhà là chán lắm, nên em làm project đó để hết thời gian,” anh cho hay. Theo anh, SpaceX yêu cầu thay vì phóng hỏa tiễn trên mặt đất, thì bầu khí quyển tốn nhiều năng lượng để phóng do oxy dày. Trong khi đó, ở Bắc Cực muốn xây một thang máy ra ngoài khí quyển, để có trạm phóng ngoài không gian. Điều này để tiết kiệm nhiên liệu, và hỏa tiễn bay thì trở về được, như máy bay vậy.

“Project này kết hợp giữa vật lý và khoa học máy tính. Đối với em, toán không phải là môn học, dù em học chuyên về toán. Nó chỉ là nền tảng của mọi khoa học, dùng để mượn công cụ thôi. Với project này của SpaceX thì những bước để làm việc này đều thuộc về khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, lập trình, vật lý, không xài toán nhiều trong đó,” anh nói về số tiền $50,000 giành được khi đưa ra ý tưởng cho SpaceX. “Từ giữa năm 2017 em làm project này nhưng mãi đến Tháng Hai, 2018, mới xong. Vui nhất là chỉ hai tháng sau thì ông chủ SpaceX nhận em làm việc full-time. Đây là điều em chưa bao giờ nghĩ tới,” anh chia sẻ.

“Gia đình em thì kêu bỏ học đi làm liền. Nhưng em thì nghĩ, đây là một trong những cơ hội lớn chứ không phải duy nhất, nên em phải từ từ suy nghĩ. Dù biết rằng ngoài lương thì SpaceX đưa nhiều phúc lợi như chứng khoán $60,000 một năm, xe Tesla, housing nếu ở campus của họ, bảo hiểm, quốc tịch… nhưng nếu không học thì không làm gì được. Mà đi học, công ty còn trả tiền nữa mà, tại sao lại không học?” anh cho hay.Mặc dù được SpaceX tạo mọi điều kiện, nhưng Khoa cho hay: “Nếu có cơ hội, em vẫn thích Apple, Google, Airbnb. Trong đó em thích nhất là Airbnb, vì ‘benefit’ dữ lắm dù là công ty không nổi tiếng bằng những công ty kia, nhưng lương cũng bằng vậy, và làm ít áp lực hơn.”

“Em thích làm data science, bởi vì làm dữ liệu thì đỡ áp lực hơn nhiều. Trước đây cứ nghĩ là học xong ở UCLA thì em sẽ làm chuyên gia phân tích rủi ro bên bảo hiểm. Nhưng dự tính của mình không giống như mình nghĩ. Cuối cùng thì lại ‘dính’ vào Space X. Nghề tay phải muốn làm là data science thì không được rồi, đành phải làm nghề tay trái computer science vậy!” anh nói.

Và Khoa rất tâm đắc câu: “Sometimes you make choices in life and sometimes choices make you,” tức là “Đôi lúc bạn tạo ra cơ hội trong cuộc sống và đôi lúc cơ hội tạo ra bạn.”

SAIGON BÂY GIỜ – BS. Đỗ Hồng Ngọc

SAIGON BÂY GIỜ (BS. Đỗ Hồng Ngọc)

Cái đẹp của Saigon ngày xưa nay còn đâu! Nguồn internet.

Saigon bây giờ không thấy có người đẹp nữa! Xưa ra đường cứ thấy người ta vừa chạy xe vừa… ngoái đầu lại để nhìn gái đẹp , phụ nữ xinh đẹp ! Bây giờ hết rồi !!!

Bây giờ ra đường người con gái nào cũng trùm kín mặt, mang vớ dài tay, găng tay kín mít, áo khoác sùm sụp, đầu đội mũ bảo hiểm, chỉ chừa hai con mắt lom lom qua kính bảo hộ… ! Ở trên cao nhìn xuống người người dày đặc, từng luồng từng luồng cuồn cuộn trôi đi, lâu lâu cụng mũ bảo hiểm một cái rồi mạnh ai nấy đi, cứ như đàn kiến…..

Đi bộ trên đường nhiều khi gặp người chào hỏi thân thiện mà chẳng biết ai là ai, đến lúc như chợt nhớ ra họ mới gỡ khẩu trang cười lỏn lẻn. May thay, con gái Saigon bây giờ tuy che mặt mà lại hở đùi!

Họ mặc quần short thật ngắn ra đường bất kể sáng trưa chiều tối. Nhờ đó mà cũng có thể nhìn ra người đẹp! Có điều hơi nguy hiểm cho giao thông công cộng vì đường sá không thông thoáng như xưa.

Áo dài thì khó mà tìm thấy nữa rồi- trừ trên sân khấu và sàn diễn thời trang. Con gái vì thế mà không còn yểu điệu, dịu dàng, tha thướt nữa. Ngay cả những ngày lễ tết, ở đường hoa Nguyễn Huệ rực rỡ vậy mà cũng khó tìm thấy một tà áo dài.

Năm nay chợ Hoa Tết đã dời về đường Hàm Nghi , nhưng mà bị ế ẩm thê thảm.

Áo dài kiểu , áo dài thời trang chỉ thấy ở một số đền , chùa và mấy địa điểm chọn lựa để quay phim ảnh xã hội , thời trang , ca nhạc để lôi cuốn, dụ dỗ dân chúng.

Mọi người trở nên hấp tấp, vội vã, căng thằng hơn bao giờ hết. Cái lý do vì sao mất áo dài rồi phải trùm kín mít cả người như vậy thì ai cũng biết. Bụi khói mù trời. Không khí hừng hực, ô nhiễm …. Môi trường đô thị ngày càng xấu đi….. Cây xanh tàn rụi. Cao ốc vùn vụt bốc lên !!!!!!!!!!  Đến năm 2020 thì Cộng Sản Trung Quốc sẽ sang làm chủ, xâm chiếm, cai trị, đô hộ, điều khiển mọi thứ, mọi sự, mọi điều ở Việt – Nam theo như Mật Ước thành đô 1990 trong đó các lãnh đạo CSVN đã buôn bán toàn thể đất nước, sơn hà, xã tắc và biển đảo cho CS Trung Quốc …. Vậy mà một số Việt Kiều và các công ty ngoại quốc vẩn nhào vô, chạy về đầu tư xây các cơ sở và các cao ốc như điên ……. Cộng Sản Việt Nam đã dụ dỗ, lọc lừa, mưu chước tài giỏi thật ……. Không trách gì quỷ vương Satan, Lucifer và các quỷ con của hỏa ngục cũng thua các mưu mô, mưu chước gian trá, lọc lừa của họ !!!!!!!Các tiệm ăn fastfood, các quán ăn đủ loại mọc lên như nấm ……. Năm nay đã có khoảng chừng Một Triệu Việt Kiều theo lời dụ dỗ ngọt ngào, gian trá của nhà nước CSVN nên đã đua nhau về ăn Tết, hưởng xuân hoan lạc ở Việt Nam, nên họ đã đem tiền ngoại tệ về nuôi cho dân Sai-Gon được béo bổ, mập phì ra ……..

Ai cũng biết fastfood tới đâu thì các bệnh béo phì, tim mạch, tiểu đường, huyết áp… theo tới đó. Mà bệnh tật càng tăng nhiều thì… càng tốt chớ sao. Thuốc men, thực phẩm chức năng, quảng cáo ồn ào thì kinh tế càng phát triển. Thức ăn thức uống toàn là  hương liệu, hoá chất, bột nêm độc hại …. thế nhưng các thứ đó làm cho chuyện bếp núc trở nên đơn giản…… Có một số quán ăn , tiệm ăn bình dân , công cộng lại có các nàng tiếp viên , tiếp thị và các nàng phục vụ chạy bàn ….khỏa thân 100 % trần truồng như nhộng để câu khách ….  và họ được phép làm như vậy …… Thế là Việt Kiều và các du khách ngoại quốc rủ nhau , kéo nhau về VN để hưởng các cảnh hoan lạc , thú vui nhục dục của thiên đường hạ giới Sai-Gon !!!!!!!!! .

Cứ xem TV thì biết. Người nào người nấy già trẻ lớn bé mặt mũi bóng lưỡng, hí hửng chụp giựt nước uống thức ăn, nhảy nhót mừng vui tưng bừng mọi nơi mọi lúc!

Saigon bây giờ cận thị quá trời! Trẻ con nứt mắt đã cận thị. Mẫu giáo tiểu học cận thị tùm lum. Tiệm kiếng mở ra tràn ngập, góc nào cũng có……

“Chỗ nào rẻ hơn trả lại tiền!”. Ấy cũng nhờ vi tính, game online, TV… các thứ ngày càng hấp dẫn. Thế giới nhỏ trong lòng bàn tay. Trẻ con sướng như tiên. Đồ chơi trên trời dưới biển khắp hang cùng ngõ hẹp…..

Thỉnh thoảng kêu có hóa chất độc hại. Khi biết thì mọi thứ đã muộn rồi…. Kể cả thuốc “cam” nổi tiếng một thời nay gây ngộ độc chất chì không thuốc chữa. Lạ là người ta vẫn cứ tin và vẫn cứ nhắm mắt uống càn , uống ẩu tả , mặc kệ nó !

Các loại sữa “thông minh” dành cho trẻ con ngày càng nhiều, khiến các bà mẹ không muốn cho con bú sữa mình nữa. Rõ ràng các thế hệ trước đây không được uống sữa thông minh nên có vẻ kém… thông minh ??? !!!!!!

Saigon bây giờ loãng xương hơi nhiều. Đi ngoài đường thấy người ta lố nhố, tụ tập, tưởng gì, hóa ra đang túm tụm đo xương! Có người tử tế, vì sức khỏe cộng đồng, đem máy đo mật độ xương ra ngoài đường đo cho ông đi qua bà đi lại. Ai cũng loãng xương kẻ ít người nhiều! Sau đó ai cũng mua một vài hộp sữa, một vài loại thuốc chống loãng xương là xong.

Saigon bây giờ đua nhau sửa sắc đẹp. Ai cũng sửa được, không cần phải học. Ai cũng nên sửa, từ cô hoa hậu đến ca sĩ, người mẫu, cô hàng xén, anh doanh nhân.

Bơm vú bơm mông, cắt mắt, xẻ mũi, chẻ cằm rào rào…..

Ai cũng thành người mẫu , ca sĩ Hàn quốc. Nhan sắc rộ lên khiến các nhà thơ bí lối, bí nguồn cảm hứng, không còn làm thơ được nữa!

Saigon bây giờ trẻ con bỗng dậy thì sớm……

Không dậy thì sớm cũng uổng! Mọi thứ kích thích nhục dục , tình dục  cứ rần rật chung quanh. Phim ảnh, internet, sách báo , phim dâm , phim con heo 3-4x… các thứ đầy dẫy khắp nơi …… Thức ăn thức uống béo bổ các thứ. Khí hậu nóng lên , nhiệt khí cơ thể lúc nào cũng nóng sôi lên , đòi hỏi , thèm khát tình dục …..Bởi vậy tỷ lệ phá thai của các vị thành niên gia tăng một cách đáng lo ngại….. Các thanh thiếu niên phần nhiều đua nhau sống cuồng, sống vội, sống ẩu tả, bừa bãi, vô văn hoá, vô giáo dục, sống lăng loàn, ma túy, bất cần đời ……..

Tình trạng vô sinh cũng nhiều. Ly dị cũng gia tăng nhiều và mau. Người ta đua nhau mổ đẻ cho đúng giờ hoàng đạo. Các trẻ sanh non, suy hô hấp, thiếu dưỡng khí não, thiếu chăm nom, săn sóc tốt nên lớn lên bị các chứng bệnh tâm thần cả đống,  cũng bộn !!!!

Tóm lại, sức khỏe và các đường lối, các phương cách giáo dục cộng đồng ở Saigon bây giờ có nhiều điều đáng suy gẫm…… Sài Gòn đẹp lắm nay còn đâu !!!!

 Đỗ Hồng Ngọc

Chuyện một ông gốc Việt thoát khỏi ma lực của sòng bài

Báo Nguoi-viet

Tâm An/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – “Tôi cứ nghĩ trong đầu, nếu mà tôi có tiền, tôi sẽ thuê giờ phát sóng, để tôi được nói với tất cả đồng hương mình trên đài radio rằng: Quý vị hãy tránh xa những trò đỏ đen, cờ bạc. Những ai đã lỡ dính vô, thì phải tìm mọi cách để thoát ra. Không bao giờ quý vị thắng được casino đâu, nên đừng cố gỡ lại, chỉ lãng phí tiền!”

Đây là lời cảnh tỉnh của ông Minh Trần, một hưu trí ở Garden Grove, đang làm thêm nghề lái taxi ở khu vực quanh Little Saigon.

“Tôi nói những lời này, là lời chân thành rút ra từ chính cuộc đời tôi, từ kinh nghiệm bản thân tôi. Đồng thời cũng từ những cảnh đau lòng mà tôi chứng kiến: Rất nhiều người Việt, đã đốt sạch tiền tài, danh vọng và cả hạnh phúc sự nghiệp bằng những lá bài,” ông Minh bộc bạch.

Từng là một sĩ quan quân đội VNCH, sau năm 1975, ông bị đi tù dưới chế độ hà khắc của nhà tù Cộng Sản sáu năm. Năm 1981, được ra tù, ông từng nhiều lần tìm cách vượt biên nhưng không thành. Trải qua bao phen sóng gió, có khi cận kề cái chết, đói khổ, bần cùng nhưng ông không hề sa ngã. Khi được sang Mỹ năm 1994, ông đã tự nhủ đây là cơ hội làm lại cuộc đời, ông nguyện sẽ không bao giờ vướng phải những thứ như cờ bạc, rượu chè, hút xách.

Và quả đúng như vậy, khi sang Mỹ, ông đã chăm chỉ làm việc để nuôi dạy con cái, chăm lo gia đình. Hai mươi năm, ngoài giờ làm hãng, ông còn tranh thủ kiếm thêm bằng vài “cuốc” taxi. Đến nay, con cái ông đều đã tốt nghiệp đại học thành tài. Cách đây mấy năm, ông bị bệnh nên phải nghỉ hưu sớm.

Kể từ đó, ông coi nghề chạy taxi là nghề kiếm cơm chính của mình. Các con đã có việc làm, vợ  ông cũng còn đi làm, nhà có nhiều nguồn thu nhập, không đến nỗi ông phải sống trong thiếu thốn. Nhưng vốn bản tính chăm chỉ, dù đã lớn tuổi, ông vẫn đăng báo kiếm khách đi taxi, đặng có thêm tiền tự trang trải cuộc sống.

Gần 25 năm ở Mỹ, ông chưa bao giờ ham muốn những trò đỏ đen, cờ bạc. Hơn 10 năm đi taxi, ông chở không biết bao nhiêu người lên sòng bài, nhưng ông không bao giờ màng tới nó.

Ma lực của sòng bài, thử một lần là dính!

Nhưng, một lần… vào casino để chờ một người khách chơi bài, ông cũng thử đánh một lần. Và chỉ lần duy nhất đó ông trở thành “con nghiện” cờ bạc lúc nào không hay.

Nhấp một ngụm cà phê, người tài xế ngoài 70 tuổi, với vẻ mặt hiền lành, phúc hậu, nói: “Nếu cô gặp tôi vào hai năm về trước, cô sẽ nhận không ra tôi đâu. Tôi trông bệ rạc, rã rời, chán chường lắm. Bây giờ, tôi đã lấy lại tinh thần, tâm hồn thanh thản nhẹ nhõm, không tham luyến gì nữa. Tôi đã trở lại là chính tôi như trước kia rồi.”

“Đến giờ, mỗi khi nghĩ lại quãng thời gian đó, tôi lại thấy kinh hãi. Tôi cảm giác tôi không còn là mình nữa. Tôi gọi đó là một con quỷ, chính xác là một con quỷ, nó chiếm hữu tôi, nó sai khiến tôi, thúc giục tôi làm đủ cách để có tiền, để tiếp tục ném vào trò đỏ đen, may rủi,” ông nói thêm.

Ông Minh nhớ lại: “Lần đó, có một bà khách gọi cho tôi, yêu cầu tôi chở bà ấy đi sòng bài nào gần đây nhất. Bà ấy nói mới từ Việt Nam qua nên muốn đi casino tham quan. Tôi nhìn bà ấy bộ dạng lơ ngơ, ăn mặc thì có vẻ quê mùa, nên tôi hỏi bà ấy rằng ‘Bà lên casino làm gì, ở đấy có gì hay đâu mà đi?’ thì bà ấy chống chế là ‘Tôi đi coi cho biết.’ Thế rồi tôi chở bà ấy tới một sòng bài cách Bolsa chừng 20 phút.”

Ông Minh Trần, một người đã nghỉ hưu ở Garden Grove, kể chuyện đã thoát khỏi ma lực của sòng bài như thế nào và luôn mong muốn đồng bào gốc Việt hãy tránh xa những trò đỏ đen, cờ bạc, vé số. (Hình: Tâm An/Người Việt)

“Thông thường chở khách tới nơi, nếu phải chờ tôi thường ra bãi xe hoặc ngồi ở ngoài hiên, chứ tôi không vào trong. Nhưng lần này, vì tôi nghĩ bà ấy còn lạ lẫm, nên tôi dẫn bà ấy vào bên trong sòng bài. Ngay khi mở cửa vô trong, thì bà ấy ngồi xuống một cái bàn, bà ấy đánh bài, chứ không phải là đi coi cho biết như bà ấy nói,” ông tiếp tục câu chuyện.

“Lần đó, tôi không ngờ là bà ấy thắng. Bà vui vẻ ‘tip’ cho tôi tới vài trăm đô la. Chỉ một chốc đã kiếm mấy trăm đô la trong khi tôi chạy xe cả ngày kiếm được mấy chục. Tôi thoáng nghĩ như vậy. Tôi mừng rỡ đem tiền về, đưa cho vợ một phần, còn khoe với bà ấy là hôm nay được khách ‘tip’ rất hậu hĩnh,” ông kể tiếp.

“Tới ngày hôm sau, bà ấy lại gọi tôi chở đi lên sòng bài tiếp. Bà ấy nói tôi chơi thử đi, dễ lắm. Lòng tham nổi lên, tôi dùng số tiền bà ấy cho đang còn trong túi, để thử vận may. Tôi không biết luật chơi như thế nào, nên thấy người ta đặt tiền làm sao, tôi làm theo y vậy. Tôi thua ngay ván đầu tiên. Tôi đánh tiếp vài ván nữa mong gỡ gạc lại. Nhưng tôi đã thua hết số tiền trong túi,” ông Minh kể thêm.

Giọng trầm xuống, ánh mắt suy tư, ông kể tiếp: “Ngẩn ngơ vì tiếc tiền, hôm sau tôi lẳng lặng lên sòng bài đánh nữa. Tôi lại thua sạch số tiền mặt mà tôi lái taxi mấy ngày mới có được. Tôi thẫn thờ ra về, như kẻ mất hồn.”

“Ngày tiếp theo, tôi lại mò lên sòng bài. Kiếm được bao nhiêu tiền lái taxi, tôi ném vào đó hết. Cũng chỉ vài ván bài là lại hết sạch tiền. Tức khí, tôi lấy luôn thẻ tín dụng ra cà, lấy tiền chơi tiếp. Và tôi lại thua…” ông tự trách mình.

Trong vài tháng liên tục đánh bài, con số nợ thẻ tín dụng của ông Minh đã lên tới hơn $10,000. Càng thua, ông lại càng muốn chơi tiếp để mong có tiền trả nợ thẻ tín dụng. Nhưng chưa bao giờ ông thắng một ván nào. Con số nợ đã vượt quá khả năng tự chi trả của ông.

Cuộc chiến giằng xé giữa “thiên thần” và “ác quỷ”

Nhớ lại khoảng thời gian hãi hùng, ông Minh chưa hết bàng hoàng. Ông tâm sự: “Lúc đó tôi vừa tiếc tiền, vừa cắn rứt lương tâm, vừa xấu hổ với vợ con, vừa lo lắng về khoản nợ tín dụng. Tôi trở nên bấn loạn. Tôi không còn cách nào khác là tự thú với vợ và các con tôi. Lúc đầu thì họ sốc và giận tôi. Nhưng sau thì mọi người thông cảm nên các con đã an ủi tôi rằng: ‘Thôi bố đừng tiếc tiền nữa, coi như số tiền này là ‘của đi thay người’ thôi mà.’ Rồi các con trả nợ hết cho tôi.”

Là một người theo đạo Thiên Chúa, ngày nào ông Minh cũng cầu nguyện Chúa giúp ông thoát khỏi thảm cảnh này. Nhưng hình như Chúa muốn tiếp tục thử thách ông.

Ông Minh kể tiếp: “Tôi đã cố gắng không lên casino nữa. Nhưng con quỷ tham lam trong tôi vẫn không chịu buông tha tôi. Nó luôn thôi thúc tôi thử vận may lần nữa bằng trò vé số cào. Hằng ngày có nhiêu tiền lái taxi, tôi lại mua vé cào. Cào cho tới khi nào không còn một đồng nào trong túi thì thôi, có khi hết cả tiền đổ xăng. Tôi phải đóng kịch, kiếm ra đủ lý do để nói dối vợ con, để biện minh, che giấu cho việc làm xấu xa đó của mình.”

Có quá nửa người chơi bài tại sòng bài gần khu vực Little Saigon, là người gốc Việt. (Hình: Tâm An/Người Việt)

“Càng ngày, tôi càng xuống tinh thần, giằng xé nội tâm ghê gớm. Vừa mắc cỡ với vợ con, vừa chán nản về bản thân. Càng ngày tôi càng rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Tôi nói với vợ con là tôi không thể chiến thắng được con quỷ đó, hãy nhốt tôi trong nhà, để tôi khỏi ném tiền vào vé số,” ông nhớ lại.

“Gia đình tôi vội tìm trên mạng những phương cách để giúp tôi. Cuối cùng con tôi tìm được một khóa tu tại một nhà thờ ở một thị trấn nhỏ, được biết là có nhiều người đã được chữa khỏi các bệnh về tâm lý. Sau chín ngày thành tâm cầu nguyện, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, tôi tưởng mình đã thay đổi. Nhưng ngay khi vợ con tôi lên đón tôi về, tôi không thể nào cưỡng lại được ham muốn bài bạc. Tôi đã lẻn đi mua vé số cào ngay hôm đó,” ông nói thêm.

Ông Minh kể, đã có lúc ông tuyệt vọng đến mức muốn tìm đến cái chết. Có lúc nửa đêm, ông bỏ đi lang thang, ngủ trong công viên, tới sáng mới về. Cũng may, ông có một người vợ nhân hậu và hiền lành, những người con hiếu thảo và hiểu nỗi giày vò của cha. Họ tiếp tục tìm những cách chữa trị tâm lý khác để giúp ông thoát khỏi ma lực của cờ bạc, nhưng vẫn vô phương cứu chữa.

Cứ như vậy ròng rã hai năm trời…

Thoát nạn

Rồi đến một ngày, cách đây vài tháng. Ở nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô (Christ Cathedral), thường gọi là nhà thờ Kiếng, tại thành phố Garden Grove, có khóa tu chữa lành của Linh Mục Thanh Tâm chủ trì. Ông Minh đã đi cầu nguyện 10 ngày, ngày nào cũng từ 6 giờ chiều tới nửa đêm, vợ ông cũng đi cầu nguyện cùng ông.

Ông cho biết: “Tới ngày thứ 9, thứ 10 thì tôi bắt đầu thấy có sự chuyển biến. Người tôi nhẹ bẫng đi, trong lòng không còn tham muốn gì nữa. Tôi thử ra chỗ bán vé số, mua một vé cào $5 cào thử. Vẫn không trúng. Chỉ có điều là, tôi không tiếc nuối gì cả, tôi dửng dưng bước ra khỏi tiệm vé số. Con quỷ đó đã biến mất rồi. Lòng tôi thanh thản, nhẹ nhàng, vui sướng như vừa thoát ra khỏi một kiếp nạn.”

Mặc dù là ngày giữa tuần, giữa giờ làm việc tại các cửa tiệm, công xưởng, nhưng bãi đỗ xe của một sòng bài rộng cả chục hécta, vẫn chật ních không còn một chỗ trống. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Có lẽ Chúa đã thử thách tôi, cho tới ngày hôm nay, Chúa mới dang tay cứu tôi,” ông cảm động nói.

Từ đó tới nay, đã ba tháng trôi qua, thi thoảng ông Minh vẫn thử đi vào cửa hàng vé số xem mình có còn bị con quỷ trong tâm xui khiến không. Ông vui mừng khi thấy mình không còn tham luyến gì nữa.  Ông đã lấy tinh thần trở lại. Gia đình ông, ai cùng mừng như ông đã đi chiến trận trở về.

Vẫn còn đó, nhiều cảnh khổ đau vì cờ bạc

Câu chuyện của ông Minh chỉ là một trường hợp “nghiện” cờ bạc nhẹ, thế nhưng đã ảnh hưởng tới cuộc sống của ông một cách tệ hại đến mức có thể đẩy ông vào bế tắc muốn tự vẫn.

Thế nhưng, có tới sòng bài mới thấy, nơi đó, có hàng trăm người gốc Việt, vẫn ngày đêm bị “con quỷ tham luyến tiền bạc” sai khiến, họ lao đầu vào như con thiêu thân, không biết đường thoát ra.

Là một người lái taxi bao năm nay, ông Minh cho hay: “Trong số những hành khách kêu tôi, đòi chở họ lên sòng bài, có những bà đã bán cả căn nhà của mình để đánh bạc. Có những cô có mấy cửa tiệm ở phố Bolsa, sáng nào cũng đến tiệm lo mọi cách để có tiền, chiều tối là gọi tôi chở đi sòng bài đốt hết số tiền cô có. Có những ông vừa lãnh lương ra, kêu tôi chở lên sòng bài, trong một tiếng, bay luôn cả tháng lương. Rất nhiều người đã không còn xu nào để trả tiền taxi cho tôi. Thậm chí có người còn năn nỉ mượn lại tiền tôi nữa.”

“Không chỉ người có tiền mới đánh bạc, mà cả những người không có tiền cũng đánh. Có một ông đã nghỉ hưu, sống bằng tiền trợ cấp thôi, nhưng cũng gọi tôi, đòi chở đi casino. Thế rồi chỉ nửa tiếng sau đã thất thểu đi ra, thua hết sạch số tiền trợ cấp,” ông kể.

“Những người đã thua bạc, trong đầu họ lúc nào cũng nghĩ tới làm sao có tiền để đánh tiếp. Họ sẽ nghĩ ra đủ lý lẽ gian dối với mọi người, kể cả người thân, chỉ cốt để lấy được tiền để đi đánh bài, bất chấp đạo lý, không hề thương tiếc,” ông cho hay.

Ông khẳng định: “Ở mấy sòng bài xung quanh đây, người chơi có tới quá nửa là người Việt mình. Chứng kiến bao nhiêu cảnh tiền bạc mồ hôi nước mắt cứ thế ra đi trong tích tắc. Tất cả đều tán gia bại sản, tan nát cửa nhà, tiêu tan hạnh phúc gia đình và sự nghiệp. Tôi đau lòng lắm.”

“Tôi muốn thông qua trải nghiệm thực tế của chính bản thân tôi, và thông qua những cảnh khổ mà tôi đã gặp trong hành trình làm nghề lái taxi của mình, để cầu xin quý vị hãy tránh xa cờ bạc, vé số, những trò may rủi, đỏ đen. Và hết sức cảnh giác để không bị vô tình dẫm chân vào vũng lầy, như tôi đã từng,” ông nhắn nhủ. (Tâm An)

—–
Liên lạc tác giả: pham.taman@nguoi-viet.com

Đi chơi, người mẹ ở Ohio bỏ con nhỏ ở nhà một mình 10 ngày tới chết

Báo Nguoi-viet

June 27, 2023

CLEVELAND, Ohio (NV) Một phụ nữ ở Ohio bị truy tố tội giết người sau khi bỏ con gái 16 tháng tuổi ở nhà một mình suốt 10 ngày tới chết trong lúc người mẹ này đi chơi ở Detroit, Michigan, và Puerto Rico, công tố viên loan báo hôm Thứ Hai, 26 Tháng Sáu.

Bà Kristel Candelario, 31 tuổi, cư dân Cleveland, bị truy tố một tội sát nhân nghiêm trọng, hai tội sát nhân, một tội tấn công đại hình, và một tội gây nguy hiểm cho trẻ em, Biện Lý Cuộc Cuyahoga County ra thông cáo báo chí cho hay.

Bà Kristel Candelario. (Hình: Cuyahoga County Sheriff’s Office)

Hôm 6 Tháng Sáu, bà Candelario để đứa con gái nhỏ ở nhà một mình, không có ai trông coi, và mãi tới khoảng 8 giờ sáng ngày 16 Tháng Sáu mới về, theo biện lý cuộc.

“Về tới nhà, bà Cadelario thấy đứa con gái 16 tháng tuổi bất tỉnh nên gọi cảnh sát,” biện lý cuộc cho biết.

Khi tới nơi, cảnh sát thấy cô bé “mất quá nhiều nước” và cô bé được công bố thiệt mạng ở hiện trường, theo biện lý cuộc.

Cô bé được tìm thấy trong cũi em bé Pack ‘n Play “trên tấm đệm dính đầy nước tiểu và phân, và mấy tấm mền bị dơ,” biện lý cuộc cho hay.

Bà Cadelario đang bị giam, tiền thế chân tại ngoại $1 triệu, và sẽ ra tòa sáng Thứ Tư, theo hồ sơ tòa án. (Th.Long) 

Tòa thánh Vatican công bố thành lập Quỹ Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận (BBC)

BBC

Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận là người Việt từng giữ các chức vụ cao nhất ở Tòa thánh Vatican

Tòa thánh Vatican vừa công bố việc thành lập Quỹ Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận, hợp nhất hai quỹ có từ thời hai đức giáo hoàng trước.

Trang tin Vatican News cho hay Đức Giáo hoàng Francis đã ban phúc chiếu có hiệu lực từ ngày 25/07/2023, lập ra Quỹ Văn Thuận, thay thế hai Quỹ được thành lập trước đây là “Người Samari nhân lành” và “Công lý và Hòa bình”.

Quỹ mới được đặt theo tên vị hồng y Việt Nam (1928-2002), người Việt từng giữ các chức vụ cao nhất ở Vatican.

Vẫn nguồn tin của Tòa thánh cho hay Quỹ “Công lý và Hòa bình” được Đức Giáo hoàng Benedict XVI thành lập vào năm 2007, còn Quỹ Người Samari nhân lành ra đời theo phúc chiếu của cố Giáo hoàng John Paul II năm 2004.

Cả hai quỹ hoặc có chức năng hỗ trợ nhân đạo cho các nước đang phát triển theo học thuyết xã hội của Giáo hội hoặc để chống các bệnh tật.

Bằng quyết định mới nhất này, Vatican hợp nhất hai quỹ để lập ra tổ chức mới, vinh danh cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận, người từ năm 1998 cho đến khi qua đời, là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.

Bài của nữ phóng viên trang Catholic News, Hannah Blockhaus viết từ Rome hôm 25/07 mô tả rằng cố Hồng y Thuận “bị bắt sau khi Sài Gòn rơi vào tay quân đội Bắc Việt. Ngài bị tù 13 năm trong trại cải tạo của cộng sản. Trong thời gian đó, ngài bị biệt giam (solitary confinement) 9 năm liền”.

Các tài liệu tiếng Việt nói Hồng y Thuận sinh tại Phủ Cam, Huế ngày 17/04/1928. Thân phụ ông là ông Nguyễn Văn Ấm và thân mẫu là bà Elizabeth Ngô Đình Thị Hiệp, em ruột của Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm.

Được thụ phong linh mục năm 1953 ông đã du học tại Rome, đậu bằng tiến sỹ tại đó năm 1959.

Năm 1967, ở tuổi 39, ông được chọn làm Giám mục Giáo phận Nha Trang.

Tám năm sau, vào ngày 24/04/1975, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sàigòn với quyền kế vị.

Ngày 15/08 năm 1975, ông bị chính quyền mới bắt giữ, đưa về Nha Trang rồi vào nhiều trại giam khác nhau ở miền Bắc.

Bài báo của Hannah Brockhaus nói Giám mục Nguyễn Văn Thuận đã “chuyển từ trong tù những thông điệp về phúc âm và hy vọng tới cộng đồng Công giáo”.

Các lá thư này say được in thành sách, cuốn “The Road of Hope: A Gospel from Prison”, ấn hành năm 2013. Những bài cầu nguyện ngài soạn khi ở tù được công bố sau này, với tựa đề “Prayers of Hope”.

Các nguồn tiếng Việt cho biết đây là các trang “Sứ điệp từ ngục tù” gửi cho giáo dân và sau được đăng thành sách “Đường Hy Vọng”.

Sang Rome năm 1990, ông không được CHXHCNVN cho phép về thăm quê hương cho đến khi tạ thế năm 2002.

Cố Hồng y Thuận từng là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình

Quá khứ hay tương lai?

Các trang tin Công giáo cho hay ba đời giáo hoàng đều trân trọng Đức Hồng y người Việt Nam và những chức vụ phong cho ông đều đem lại niềm tự hào cho người Công giáo Việt Nam.

Một nhà lưu niệm ông hiện có tại Huế nhưng quan điểm chính thống của nhà nước VN hiện nay là không để báo chí đề cập gì về ông, nhất là việc Tòa thánh tiến hành thủ tục phong thánh cho ông từ 2013.

“Ngày 04/05 năm 2017, Giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn các sắc lệnh của Bộ Tuyên thánh, tiến thêm một bước trong án tuyên thánh cho Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận… Giáo hoàng tuyên bố Hồng y Thuận là Đấng đáng kính, đây là bước tiến quan trọng trong án phong thánh cho ông,” trang Lavang.vn cho hay.

Tuy thế, các nhà quan sát cho rằng việc giảm dần sức nặng của các ý thức hệ đối đầu trong Thế kỷ XX đã giúp Vatican và chính quyền XHCN ở Việt Nam hóa giải dần các nghi kỵ và việc bình thường hóa quan hệ có thể đạt được.

Các báo VN cho hay kể từ khi lập Nhóm công tác hỗn hợp năm 2008, quan hệ hai bên đã cải thiện nhiều.

“Lãnh đạo hai bên gần đây đã có các cuộc thăm lẫn nhau”, theo trang tin VietnamPlus, mà gần nhất là chuyến thăm Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (7/2023).


 

Hai thanh niên gốc Việt giết người bị dẫn độ từ Việt Nam về Texas

Báo Nguoi-viet

July 24, 2023

HOUSTON, Texas (NV) –Thông cáo báo chí của Sở Cảnh Sát Houston đưa ra hôm Thứ Hai, 24 Tháng Bảy, cho biết hai nghi can gốc Việt bị dẫn độ từ Việt Nam đã được đưa vào nhà giam tại Harris County Jail lần lượt vào các ngày 19 và 21 Tháng Bảy.

Hai nghi can có tên lần lượt là Polie Phan, 26 tuổi, và Jaidan Nguyễn, 25 tuổi, bị truy nã vì tội sát nhân trong một án mạng xảy ra ở Houston hồi đầu năm.

Hai nghi can gốc Việt, Polie Phan (trái) và Jaidan Nguyễn, bị dẫn độ từ Việt Nam đã được giải giao cho cảnh sát Houston. (Hình: Houston Police Department)

Sau đó, hai nghi can bỏ trốn về Việt Nam, và vào nửa cuối Tháng Sáu, công an Việt Nam bắt giữ hai nghi can giải giao cho phía Mỹ.

Ngày 29 Tháng Sáu, hai nghi can bị đưa về Mỹ giam ở San Francisco, California.

Theo đài ABC 13, hồi Tháng Ba, cảnh sát Houston, Texas, truy nã hai thanh niên gốc Việt là Polie Phan và Jaidan Vũ Nguyễn vì tham gia vào một vụ nổ súng, làm chết hai người đàn ông tên là Dana Ryssdal, 35 tuổi, và James Martin III, 37 tuổi.

Vụ án mạng được phát giác sáng 27 Tháng Giêng, khi cảnh sát Houston nhận tin báo về một chiếc xe hơi hiệu Toyota Prius nổ máy trong nhà để xe quá lâu. Khi cảnh sát đến nơi, cảnh sát phát giác thi thể của ông Ryssdal với nhiều vết đạn bắn, tại nhà của ông Martin; còn ông Martin bị mất tích cùng với chiếc xe pickup truck hiệu Dodge Ram của ông Ryssdal.

Vào ngày 30 Tháng Giêng, cảnh sát tìm thấy chiếc Dodge Ram bị bỏ lại bên cạnh đường Cullen và tìm thấy xác ông Martin, với nhiều vết thương do đạn bắn, nằm bên trong một chiếc xe khác, tại một ngôi nhà ở đường West TC Jester.

Trong tiến trình điều tra, cảnh sát bắt nghi can Kathy Vũ, 23 tuổi, bạn gái của nghi can Polie, người bị cáo buộc “tìm cách che giấu,” đã làm thay đổi hiện trường bằng cách dọn dẹp và dùng các thứ thuốc tẩy để giúp xóa sạch chứng cứ.

Ngày 17 Tháng Ba, thông cáo báo chí của Sở Cảnh Sát Houston cho biết hai thanh niên Polie Phan và Jaidan Vu Nguyen bị buộc tội giết hai người đàn ông cùng một lúc. Mặc dù xác hai người đàn ông này được tìm thấy ở hai địa điểm khác nhau, nhưng được cho là cùng bị sát hại vào ngày 26 Tháng Giêng.

Ông Ryssdal và ông Martin là những người trồng cần sa thương mại, cùng điều hành một cơ sở bán cần sa hợp pháp tại miền Nam tiểu bang Oregon, theo hồ sơ cảnh sát.

Hai nghi can Polie Phan (trái) và Jaidan Nguyễn vào thời điểm Việt Nam bàn giao cho Mỹ. (Hình: Công An Nhân Dân)

Nghi can Polie Phan dường như nợ ông Martin tiền, từ đó dẫn đến vụ sát hại bằng súng. Nhưng bạn gái Kathy khai rằng ông Martin mới là người nợ bạn trai của mình $40,000, “sau một vụ mua bán ma túy bất thành,” theo hồ sơ tòa án.

“Nếu có chuyện gì xảy ra, đó là vì người ta không muốn trả lại tiền cho anh ấy. Nếu bất kỳ chuyện gì xảy ra, chắc chắn đó là tự vệ,” cô Kathy khai với cảnh sát và cho biết thêm rằng ông Martin từng đe dọa rất nhiều người khác, trong đó có nghi can Polie.

Theo đài CW9 Houston, cô Kathy khai bạn trai và Jaidan có lẽ đã trốn về Việt Nam.

Báo Công An Nhân Dân cho biết nghi can Polie Phan bị bắt tại Sài Gòn, và nghi can Jaidan Nguyễn bị bắt tại phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. (MPL)


 

Học sinh gốc Việt đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế website toàn quốc

Báo Nguoi-viet

July 19, 2023

FARMINGTON, Missouri (NV) – Trong cuộc tranh tài hằng năm về đủ mọi lãnh vực kinh doanh thu hút hàng chục ngàn học sinh và giáo sư trung học các cấp vừa diễn ra ở Atlanta, Diệp Phan từ trường Farmington High School ở tiểu bang Missouri đã đoạt giải nhất về thiết kế trang web, báo Daily Journal loan tin hôm Thứ Tư, 19 Tháng Bảy.

Cuộc thi do hiệp hội Future Business Leaders of America Inc (FBLA – Các Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp Tương Lai của Hoa Kỳ) tổ chức từ ngày 26 đến 30 Tháng Sáu ở tiểu bang Georgia. Đây là hiệp hội lớn nhất Hoa Kỳ liên quan đến ngành nghề cho học sinh chuyên về lãnh vực kinh doanh. Hằng năm, hội FBLA tổ chức hội thảo lãnh đạo quốc gia National Leadership Conference (NLC).

Em Diệp Phan, học sinh trường Farmington High School, tiểu bang Missouri. (Hình: LinkedIn Diep Phan)

Sinh hoạt thường niên của hội thu hút hơn 13,000 giáo chức và học sinh trung học từ lớp Sáu tới lớp Mười Hai trên toàn quốc để dự tranh cả trăm cuộc thi thắng giải và tiền mặt.

Trường Farmington cử bảy học sinh đi thi năm nay. Chưa lần nào trường được vinh dự tối ưu hạng ở cấp quốc gia. Năm nay, học sinh lớp Mười Hai Diệp Phan vượt qua hơn 100 đối thủ để đem về cho trường của cô vinh dự hạng nhất này.

Diệp Phan nói với tờ Daily Journal: “Hội Thảo Lãnh Đạo Quốc Gia [của FBLA] là sinh hoạt tuyệt vời để kết thúc năm cuối trung học của em. Các học sinh hội viên của trường đã có rất nhiều cơ hội để học hỏi về kinh doanh, hiểu biết về tài chánh, và làm quen nhiều người. Hội thảo này cho các em rất nhiều nguồn nhân lực tài lực đặc biệt hữu ích cho các em ra trường, bao gồm cả học bổng.”

“Em không thể bày tỏ hết lòng tri ân đối với các vị cố vấn, hướng dẫn, và điều hành đã thực hiện hội thảo này. NLC là một trong những điều hay ho nhất trong quá trình trung học của em,” em nói tiếp.

FBLA được thành nhà giáo dục Hamden Landon Forkner, Sr. (1897-1975) lập năm 1937, trụ sở ở Reston, Virginia. Năm 1987, hiệp hội FBLA đạt mức 200,000 hội viên với các chi nhánh tại trường học khắp nước Mỹ, tới nay vẫn giữ mức trên con số đó, có thể được xem là hiệp hội dành cho học sinh lớn nhất thế giới. (TTHN)