Thực phẩm và chế độ ăn cho cơ thể khỏe mạnh

Thực phẩm và chế độ ăn cho cơ thể khỏe mạnh

Việt Hà, phóng viên RFA
2013-03-14

064_be000391-305.jpg

Ảnh minh họa

AFP photo

Nghe bài này

Tháng 3 hàng năm được viện Dinh dưỡng và Ăn uống Hoa Kỳ chọn làm tháng dinh dưỡng. Năm nay, nhân kỷ niệm 40 năm tháng dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng và ăn uống Hoa Kỳ đưa ra khẩu hiệu ‘ăn đúng, theo cách của bạn, mỗi ngày’. Với khẩu hiệu này, những chuyên gia dinh dưỡng nói rằng mọi người vẫn có thể ăn những thực phẩm mình thích nhưng phải đúng cách, thay vì ăn kiêng hoàn toàn theo quan niệm của nhiều người, nhất là đối với những người có các bệnh phải ăn kiêng như bệnh tiểu đường. Vậy ăn thế nào là đúng cách và chế độ ăn nào là hợp lý cho những người có bệnh tiểu đường, vốn là bệnh khá phổ biến hiện nay trên thế giới? Mời quý vị tìm hiểu chủ đề này trong tạp chí sức khỏe đời sống do Việt Hà phụ trách.

Ăn đúng, theo cách của bạn, mỗi ngày

Nhiều người vẫn cho rằng chế độ ăn tốt cho cơ thể là phải kiêng ăn nhiều loại đồ ăn mình ưa thích, thậm chí bỏ hẳn. Tuy nhiên khẩu hiệu mới trong tháng dinh dưỡng của Hoa Kỳ mới đây lại cho thấy quan niệm khác hẳn của các chuyên gia dinh dưỡng. Khẩu hiệu mới được đưa ra với mọi người là ‘ăn đúng, theo cách của bạn, mỗi ngày’.

Nói về khẩu hiệu này, Giám đốc Viện Dinh dưỡng và Ăn uống, ông Ethan Bergman cho biết: ‘có một quan niệm sai lầm rằng, chế độ ăn mạnh khỏe có nghĩa là phải từ bỏ các đồ ăn mà bạn thích….. Khẩu hiệu của tháng dinh dưỡng này của chúng tôi là ăn đúng, theo cách của bạn, mỗi ngày, nhằm khuyến khích khách hàng ăn những thực phẩm mà họ thích trong chế độ ăn của mình phù hợp với cách sống của họ, truyền thống, nhu cầu sức khỏe và khẩu vị của họ’.

Cô Vandana Sheth, chuyên gia dinh dưỡng, người phát ngôn của Viện Dinh dưỡng và ăn uống Hoa Kỳ nói rõ hơn về khái niệm này như sau:

Tất cả các thực phẩm đều có thể được đưa vào một chế độ ăn khỏe mạnh với một mức độ hợp lý, chừng nào bạn có các hoạt động thể dục thể thao hợp lý. Ngoài ra các chuyên gia dinh dưỡng cũng có thể cho bạn những lời khuyên phù hợp với sở thích của bạn, văn hóa của bạn, giúp bạn ăn hợp lý. Một công cụ đơn giản nữa là sử dụng công cụ ‘đĩa ăn của tôi’ trong bản hướng dẫn chế độ ăn của Mỹ. Đó là cách dễ dàng để theo dõi đồ mình ăn vào. Hãy nhìn vào đĩa thức ăn của mình, nửa đĩa là đồ ăn nhiều màu sắc với rau, ¼ đĩa là protein như thịt nạc, cá, đậu phụ, đỗ, ¼ đĩa còn lại là thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt như gạo nâu, quinoa, mì. Nếu bạn ăn theo cách này thì bạn vẫn hấp thụ đủ chất vào người trong khi vẫn thưởng thức được đồ ăn của mình.

Chế độ ăn mất cân bằng và bệnh béo phì

045_IS686-052-250.jpg

Ảnh minh họa trẻ em béo phì. AFP photo

Trong khoảng một thập kỷ qua, nước Mỹ phải đối đầu với tình trạng người bị béo phì tăng, dẫn đến nguy cơ cao các bệnh không lây nhiễm nguy hiểm như tiểu đường, và bệnh tim mạch. Thống kê mới được công bố gần đây của Cơ quan kiểm soát và phòng chống bệnh dịch Mỹ cho thấy năm 2010, có khoảng 1/3 người Mỹ bị mắc chứng béo phì. Cũng trong khoảng thời gian 2009 đến 2010, số liệu thống kê tại Mỹ cho thấy có đến gần 17% trẻ em Mỹ mắc chứng béo phì.

Tại Việt Nam, những số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy số trẻ em mắc bệnh béo phì ngày một nhiều. Điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 cho thấy tỷ lệ học sinh tiểu học ở thành phố bị thừa cân cao gấp 15 lần so với suy dinh dưỡng và có đến gần 8% học sinh bị béo phì.

Béo phì là do chế độ ăn uống mất cân bằng. Những người bị béo phì, thừa cân thường do ăn tỷ lệ chất bột, đường, chất béo quá cao trong khi ăn rất ít hoặc hầu như không ăn rau quả. Chế độ ăn mất cân đối kết hợp với lười vận động đã dẫn đến tình trạng béo phì khá phổ biến hiện nay trên thế giới.

Để giảm cân, có những người đã tìm cách nhịn ăn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng việc nhịn ăn không phải là cách làm tốt để giảm cân. Một lần nữa, chế độ ăn cân bằng hợp lý phải được áp dụng ngay cả đối với những người thừa cân muốn giảm cân. Cô Vandana Seth giải thích:

Cách tốt nhất để giảm cân là ăn đúng tỷ lệ, đầu vào đầu ra cân bằng. Bạn ăn bao nhiêu calorie vào thì bạn cũng phải có hoạt động thể chất để tiêu lượng calorie đó. Cách tốt nhất để giảm cân là ăn đúng tỷ lệ, ăn nhiều bữa nhỏ đều đặn, và có hoạt động thể chất để tiêu calorie. Cách này còn tốt hơn là nhịn ăn, vì nhịn ăn làm giảm tốc độ hấp thụ thức ăn của cơ thể. Cơ thể chúng ta làm việc rất hữu hiệu, khi chúng ta nhịn ăn, cơ thể tự hiểu là ta đang bị đói và cứ thực phẩm nào ăn vào người liền sẽ bị biến thành chất béo để dự trữ. Cho nên nhiều khi nhịn ăn lại có tác dụng ngược lại điều bạn muốn.

Thừa cân, mỡ bụng nhiều, cũng là hiện tượng thường thấy ở những người phải ngồi một chỗ nhiều và không có điều kiện nấu nướng, nhất là đối với những người làm việc văn phòng. Lời khuyên mà Viện dinh dưỡng và ăn uống Hoa Kỳ đưa ra cho những người có điều kiện làm việc như vậy là hãy luôn giữ trên bàn hoặc trong cặp những đồ ăn như trái cây tươi, bánh ngũ cốc nguyên hạt hoặc cracker ăn với bơ đậu phộng. Với cách này, những người phải thường xuyên ngồi một chỗ, bận rộn công việc, vẫn có thể duy trì được cách ăn uống tốt cho cơ thể.

Tiểu đường và chế độ dinh dưỡng

050_ONLY_0144761-200.jpg

Minh họa một khẩu phần ăn. AFP photo

Tiểu đường cũng là căn bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Thống kê của tổ chức Y tế Thế giới vào năm 2011 cho thấy mỗi năm có khoảng 3 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến đái tháo đường. Thống kê tại Việt Nam năm 2008 cho biết có khoảng hơn 4 triệu rưỡi người đang bị mắc bệnh tiểu đường, chiếm 5% dân số, phần lớn tập trung tại các thành phố lớn.

Từ lâu chế độ ăn cho người bị bệnh tiểu đường cũng được các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng chú ý. Nhiều người bị tiểu đường được khuyên phải tránh hoặc hạn chế ăn các loại trái cây có lượng đường cao như xoài, na (mãng cầu), nho, chuối. Những người bị tiểu đường được khuyên nên ăn các loại trái cây họ cam, bưởi.

Ngoài ra, người bị bệnh tiểu đường phải cẩn thận khi ăn những thực phẩm có hàm lượng carbohydrates cao tức là giàu đường và tinh bột, như cơm gạo trắng, bánh mì, khoai, táo, kẹo, bánh ngọt. Carbohydrates là chất cần thiết cho sự vận động của cơ thể, tuy nhiên việc ăn quá nhiều các thực phẩm giàu carbohydrates có thể làm tăng lượng đường trong máu. Vậy lời khuyên về chế độ ăn uống của các chuyên gia dinh dưỡng dành cho những người bị bệnh tiểu đường là gì? Chuyên gia dinh dưỡng Vandana Seth giải thích:

Cách đơn giản nhất cho người tiểu đường là phải hiểu thực phẩm gồm 3 loại chính, là loại có carbohydrate, protein hoặc béo. Các thực phẩm có carbohydrate cao có ảnh hưởng rất nhiều đến lượng đường trong máu. Điều này không có nghĩa là bạn không ăn chút nào carbohydrate. Cơ thể chúng ta hoạt động tốt nhất nếu có cả 3 loại dinh dưỡng này. Nếu bạn bị tiểu đường nên nhớ là ăn nhiều bữa nhỏ đúng giờ, đừng để đói quá lâu để bạn có thể kiểm soát lượng đường trong máu. Cố gắng ăn đúng liều lượng thức ăn vào các lúc khác nhau trong ngày, vì cơ thể chúng ta có thể nhớ và điều chỉnh đến mức đường cần thiết trong máu. Cố gắng sử dụng thực phẩm tốt cho tim của bạn, nên ăn các thực phẩm nguyên hạt, như bánh mì nguyên hạt, mì nguyên hạt, ăn rau và đậu, ăn protein từ cá, gà, sữa chua có độ béo thấp.  Bạn cũng có thể sử dụng dầu olive, dầu canola. Nên nhớ là carbohydrate ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn nhiều hơn là protein và chất béo. Vì vậy cần kiểm soát được lượng carbohydrate mà bạn ăn vào ở mỗi bữa ăn.

Cũng có những người bị bệnh tiểu đường thường thắc mắc về việc có nên ăn các loại quả như nho, táo và chuối hay không. Câu trả lời nằm ở tỷ lệ các thức ăn mà người đó ăn trong một bữa. Cô Vandana Seth nói tiếp:

Bạn có thể ăn các loại quả mình thích nhưng điều quan trọng là biết được tỷ lệ cân bằng. Nếu bạn ăn cơm, mì ống, bánh mì trước đó, bạn biết mình đã hấp thụ vào bao nhiều carbohydrate, từ đó biết mình ăn bao nhiều nho hay táo. Nếu kiểm soát được mức carbohydrate, bạn có thể ăn 10 , 12 trái nho sau bữa ăn hoặc ăn một quả táo nhỏ sau bữa ăn cũng không có vấn đề gì. Cũng nên cân đối trái cây với các protein bạn hấp thụ vào, bạn có thể ăn một trái táo nhỏ với cracker có bơ đậu phộng, hoặc nếu là nho thì có thể ăn một ít nho với phomat, cách làm này sẽ giúp kiểm soát được mức đường trong máu cho bạn. Bạn vẫn cứ ăn bình thường, thậm chí những đồ ăn mà bạn thích, điều quan trọng là kiểm soát được mức carbohydrate mà mình ăn vào. Điều quan trọng với người tiểu đường là ăn điều độ đúng giờ, chọn các thực phẩm tốt cho cơ thể và đảm bảo tính cân bằng giữa các chất ăn vào.

Người Việt Nam vốn quen ăn cơm gạo trắng ngày ba bữa tức rất giàu carbonhydrate, chế độ ăn sử dụng nhiều nước mắm và nước tương có thể làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp. Lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng với những người bị tiểu đường đã quen ăn chế độ này là nên hạn chế ăn cơm gạo trắng bằng cách chuyển sang gạo nâu và nên tập ăn đồ nhạt hơn so với những đồ kho mặn thường ngày, không ăn quá nhiều các loại rau muối vì hàm lượng muối trong các loại rau này cũng rất cao.

Tất nhiên, theo như khẩu hiệu của tháng dinh dưỡng năm nay của Viện Dinh dưỡng vă Ăn uống Hoa Kỳ, mọi người vẫn có thể ăn thức ăn mình thích, phù hợp với sở thích và văn hóa, phong tục của mình. Điều quan trọng để đảm bảo một sức khỏe tốt là một chế độ ăn cân bằng và hài hòa giữa các chất.

Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG ĐỊA TRUNG HẢI.

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG ĐỊA TRUNG HẢI.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

nguồn:conggiaovietnam.net

Ngày 25 tháng 2, 2013 vừa qua, tạp chí y học New England Journal of Medicine đã phổ biến kết quả một nghiên cứu xác nhận giá trị phòng bệnh tim mạch của chế độ dinh dưỡng Đia Trung Hải.

Thực ra từ nhiểu thập niên vừa qua, chế độ này vẫn được coi là có nhiều ích lợi cho sức khỏe nhưng chưa được chứng minh bằng khoa học thực nghiệm.

Nghiên cứu kéo dài trong 5 năm với 7400 người có rủi ro bệnh tim mạch như mập, cao huyết áp, hút thuốc là, cao cholesterol tham dự  cho hay một chế độ dinh dưỡng nhiều trái cây, rau, các loại hạt và dầu olive có thể giảm rủi ro stroke và các bệnh tim mạch khác tới 30%.

Trước kết quả này, bác sĩ chuyên bệnh tim mạch Rita Redberg, California đưa ra nhận xét: “Nghiên cứu này hỗ trợ các hiểu biết của chúng ta về khoa học và kết quả của nghiên cứu thật ngoạn mục. Một trong những lợi điểm của chế độ dinh dưỡng Địa TRung Hải là mọi người có thể áp dụng suốt đời chứ không phải chỉ trong vài tháng”.

Xin cùng tìm hiểu chế độ dinh dưỡng này.

Trong lãnh vực dinh dưỡng,  “ Mediterranean Diet” được dùng để chỉ tập quán ăn uống lâu đời của dân chúng tại một số quốc gia dọc ven biển Địa Trung Hải. Nói chung, thực đơn trong chế độ ăn uống này gồm phần lớn là rau cải, trái cây và đặc biệt là dầu olive.

Nhiều quan sát cho thấy là dân chúng ở ven biển Địa Trung Hải ít bị bệnh tim mạch hơn dân chúng ở các nơi khác. Sự kiện này khiến người ta tìm hiểu chế độ ăn uống truyền thống của họ.

Trọng tâm của thực đơn này là nhẹ về thịt, nặng về rau trái nhưng không nhẹ về chất béo. Tuy nhiên chất béo được sử dụng thường xuyên là dầu của quả olive. Đây là điểm khác biệt giữa chế độ Địa Trung Hải với chế độ ăn uống được khuyến khích ở phương Tây, trong đó các chất béo, kể cả dầu olive, đều được khuyên là nên hạn chế tối đa.

Ngoài tác dụng tốt đối với các bệnh tim mạch, chế độ Địa Trung Hải còn có khả năng ngăn chận ung thư nũa. Theo tài liệu của Mayo Clinic, chế độ này còn giảm rủi ro bệnh Parkinson và Alzheimer.

Tạp chí Health, số tháng 9 năm 1998, công bố kết quả của một cuộc khảo cứu ở viện Đại Học Sainte – Etienne (Pháp) với đối tượng nghiên cứu gồm 605 người cả nam lẫn nữ, từng bị bệnh tim. Họ được chia làm hai nhóm với chế độ ăn uống theo hai thực đơn khác nhau. Nhóm thứ nhất ăn theo thực đơn phổ biến ở Tây phương với nhiều thịt và bơ được chấp nhận. Nhóm thứ hai ăn theo thực đơn của chế độ Địa Trung Hải, với nhiều trái cây, rau cải, ngũ cốc, đậu, cá, dầu o liu và bơ thực vật làm bằng dầu canola.

Sau 4 năm, nhóm thứ nhất, có 17 người bị ung thư, trong khi nhóm thứ hai chỉ có 2 trường hợp ung thư.

Theo Hội Tim Hoa Kỳ, dinh dưỡng Địa Trung Hải cũng tương tự như chế độ mà Hội này đề nghị. Nếu có khác chỉ là sự hơi quá nhiều calori trong chế độ Đia Trung Hải, với hậu quả là nạn mập phì bắt đầu xuất hiện và dân chúng bắt đầu e ngại. Tuần báo US News & World Report xếp giá trị chế độ này đứng hàng thứ hai, sau DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) cùa Hội Tim Hoa Kỳ, trong mục đích giảm cao huyết áp, mập phì. Năm 2010, Cơ quan Văn Hóa Thế giới UNESCO cũng ca ngợi chế độ dinh dưỡng này.

Năm 1994, do sự hợp tác giữa Phân Khoa Sức Khỏe Công Cộng của Đại Học Harvard, tổ chức Oldways Preservation & Exchange Trust (chuyên duy trì các lối ăn uống cổ truyền) và tổ chức Y Tế Thế Giới, một tháp dinh dưỡng về chế độ ăn uống lành mạnh, cổ truyền Địa Trung Hải được phác họa. Chế độ ăn uống này dựa trên tập quán lâu đời của dân chúng ở miền Nam nước Pháp, một phần nước Ý, đảo Crete và Hy Lạp.

Theo chế độ này , không phải tất cả chất béo đều bị coi là xấu. Thực vậy, trọng tâm việc chọn lựa không phải là loại bỏ một chất nào, mà phải chọn lựa một cách khôn ngoan loại chất béo nào nên dùng. Ở đây, hầu hết các chất béo trong thực đơn đều là đơn bất bão hòa có trong dầu olive, và acid béo omega-3.

Omega-3 có nhiều trong mỡ cá thu, cá hồi … và trong một vài loại hạt. Chất béo này có tác dụng làm giảm hàm lượng triglycerides trong máu, chống viêm, điều hòa nhịp tim… Còn chất béo dạng đơn bất bão hòa trong dầu olive có thể làm giảm cholesterol và LDL trong máu, giảm cao huyết áp, chống máu đóng cục, ngăn ngừa sự oxy hóa LDL, tăng nhậy cảm của cơ thể với insulin.

Ngoài chất đạm, carbohydrat và chất béo, các loại hạt có vỏ cứng còn có nhiều chất xơ, sinh tố E, folic acid, potassium, magnesium, nhưng không có cholesterol.

Trong dinh dưỡng Địa Trung Hải, các loại hạt được xếp chung với rau, trái cây, đậu. Các loại hạt này làm giảm nguy cơ gây ra bệnh tim bằng cách giảm lượng cholesterol và LDL trong máu.

Trong chế độ ăn uống này, phó mát, sữa chua đều ít được dùng tới, cá và gà còn ít hơn, và thịt chỉ “năm thì mười họa” mới được ăn.

Rượu vang được dùng điều độ. Đàn ông mỗi ngày uống khoảng 300ml, đàn bà dùng một nửa số lượng rượu đó. Với mức độ này, rượu vang được tin là có thể giảm nguy cơ bệnh tim.

Rượu vang đỏ có nhiều flavonoids, là chất ngăn sự oxy hóa LDL.

Rượu vừa phải làm tăng HDL, chống tiểu cầu dính với nhau, giống như tác dụng của aspirin, có thể giảm nguy cơ tiểu đường. Tuy nhiên, đang có bệnh tim hoặc thiên đầu thống migraine, không nên uống.

Điều cần lưu ý là sự thường xuyên vận động cơ thể phải đi đôi với chế độ ăn uống này.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

www.bsnguyenyduc.com

TRUY TÌM UNG THƯ RUỘT GIÀ

TRUY TÌM UNG THƯ RUỘT GIÀ

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

nguồn:conggiaovietnam.net

Từ năm 2000, tháng Ba mỗi năm đã được các tổ chức phòng chống ung thư tại Hoa Kỳ chọn là thời gian để nhắc nhở bà con ”đề cao cảnh giác” với nan bệnh ung thư Ruột Già và nhớ yêu cầu bác sĩ làm các xét nghiệm để sớm tìm ra bệnh.

Thống kê cho biết, năm 2008, có 139,000 người lớn tại Hoa Kỳ được xác định bị ung thư ruột già với hơn 50.000 tử vong.

Theo Hội Ung Thư Hoa Kỳ, phân nửa số tử vong này có thể được cứu sống nếu mọi người hiểu rõ bề bệnh, biết cách phòng tránh các nguy cơ gây ra bệnh và làm các thử nghiệm truy tìm bệnh. Theo bác sĩ Durado D. Brooks, Giám đốc khoa ung thư nhiếp tuyến và ruột già thuộc Hội Ung Thư Hoa Kỳ thì “Ung thư ruột già là một trong những ung thư duy nhất có thể phòng tránh qua khám nghiệm đều đặn”.

Ngoài ra nghiên cứu cho hay, 90% người được sớm khám phá ra ung thư ruột già có tỷ lệ sống sót 5 năm, trong khi đó nếu tìm ra trễ thì số người sống sót còn có 10%.

Vậy thì những thử nghiệm đó là gì và được thực hiện như thế nào, xin bà con ta cùng tìm hiểu.

1- Khám hậu môn với ngón tay

Thử nghiệm đầu tiên mà thầy thuốc sẽ làm là khám hậu môn.

Nói tới khám xét là ta cứ ngượng ngùng “em chã ”. Vì khi không lại phải “vạch mông” cho người coi cái ”cửa sau”, phần thầm kín của con người, thì cũng lạnh mình, đỏ mặt. Nhưng khi cần thì vẫn phải làm.

Chổng mông để lương y thọc ngón tay chuối mắn – ngọc ngà vào, ngoáy qua ngoáy lại từ trước ra sau, từ trên xuống dưới. Để coi mặt trong ruột có trơn tru, có cái u cái mụn nào không; rút ngón tay ra có chút máu dính vào bao cao su. Với chiêu thức ngoáy tay, thầy thuốc cũng kiểm tra coi cái tuyến tiền liệt của các ông xem có sưng, có gồ ghề. Chẳng là ung thư ruột cũng “ nhân nghĩa bà Tú Đễ ” thường tới thăm chú tuyến tinh dịch này của quý lão ông lắm đấy.

Với vài giọt hóa chất, thầy thuốc thử phân coi có vết máu.

Thử nghiệm này rất giản dị, không đau đớn mà lại rẻ tiền nhưng hữu ích thì “thần sầu”. Thần sầu vì có thể giúp ta sớm tìm ra những10% nan bệnh, sớm điều trị, nâng cao kết quả, nhiều hy vọng lành bệnh. Do đó, ta nên làm mỗi năm.

Nếu thử nghiệm thấy có máu thì thầy thuốc sẽ tìm cách trực tiếp nhìn vào trong ruột.

2-Tìm máu ẩn trong phân

Trong điều kiện bình thường, phẩn không có máu và đàm. Phẩn có máu là dấu hiệu của một bệnh nào đó của ống tiêu hóa.

Máu có thề đỏ tươi, bầm đen hoặc nâu sẫm tùy theo vị trí bệnh xa hay gần hậu môn.

Máu đỏ tươi thường là do trĩ hậu môn, trĩ mạch lươn dưới da chung quanh hậu môn, bướu thịt hoặc ung thư ruột già, trực tràng.

Máu bầm đen trong các bệnh loét dạ dày, đứt mạch máu ở ruột già, dùng quá nhiều aspirin hoặc rượu, uống thuốc chống đông máu.

Số lượng máu có thể nhiều hoặc ít như trong trường hợp máu ẩn (occult blood).

Máu ẩn có rất ít trong phẩn mà mắt thường không thấy và chỉ tìm ra được khi nhìn qua kính hiển vi hoặc thử nghiệm hóa học.

Nguồn gốc máu ẩn có thể từ loét viêm dạ dày, viêm đường ruột, trĩ, ung thư hoặc polyp trong ruột già.

Để thử nghiệm, phẩn được lấy trong ba ngày liên tiếp và đựng trong hộp đặc biệt do phòng thí nghiệm cung cấp. Giao hộp phẩn cho phòng thí nghiệm để họ tìm máu.

Ba ngày trước và trong thời gian lấy phẩn, bệnh nhân cần theo hướng dẫn như sau:

-Tránh dùng vitamin C hoặc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa sinh tố này như chanh, cam vì sinh tố này cho kết quả dương tính sai.

-Tránh ăn nhiều thịt đỏ có nhiều heme, thực phẩm có nhiều enzym peroxidase như nấm, broccoli, giá đậu, cauliflower,táo,cam, chuối, dưa canteloup, nho. Các chất này có thể làm cho kết quả thử nghiệm dương tính sai

-Nên ăn thực phẩm có nhiều chất xơ như đậu, rau để khối phẩn mềm lớn.

-Tránh thuốc kích thích dạ dày, ruột gây ra xuất huyết như thuốc chống acit, thuốc có chất steroid, thuốc chống viêm đau có chất aspirin, rượu.

-Tránh uống sinh tố có chất sắt.

Kiếm máu ẩn trong phẩn có khả năng tìm ra polyp và ung thư ruột già khá sớm. Tuy nhiên, kết quả dương tính không có nghĩa là đã bị ung thư vì có nhiều nguyên do khác gây ra xuất huyết đường ruột. Thí dụ khi dùng thuốc aspirin, ibuprofen, trong bệnh loét dạ dày, viêm ruột…Do đó, bệnh nhân có máu ẩn trong phân cần được xác định với phương pháp nội soi, quan sát đường ruột.

3- Nội soi ruột già

Có người ví Nội soi Ruột già (Colonoscopy) là tiêu chuẩn vàng (golden standard) để truy tìm ung thự ruột già-trực tràng.

Đây là phương pháp khảo sát mặt trong của toàn thể trực tràng với một ống dây quang học bằng nhựa mềm dễ uốn, có đèn sáng dẫn đường và máy chụp hình. Đưa ống sâu vào hậu môn, điều chỉnh máy, bác sĩ có thể làm một vòng thám hiểm bất cứ góc cạnh nào của ruột và mao tôn cương: qua đèn, nhìn ruột rõ như ban ngày, nào là gồ ghề bướu thịt, loét lở thành ruột, bê bết máu tươi đều thấy hết, ngoại trừ bầy vi sinh vật lúc nhúc cộng sinh. Nhắc lại là trong trường hợp bình thường, lòng ruột già chơn mềm như mặt trong của má. Hình ảnh ruột được chiếu trên màn hình TV để phân tích và có thể lưu trữ.

a-Cần làm gì trước khi nội soi?

Nội soi được làm tại bệnh viện hoặc phòng nội soi ngoại chẩn, trung bình kéo dài từ 30-60 phút và do bác sĩ chuyên ruột-bao tử thực hiện. Bệnh nhân được cho dùng liều thuốc an thần để giảm lo âu, khó chịu, do đó cần người lái xe đưa về nhà sau khám nghiệm.

Trước khi làm nội soi, bệnh nhân được cho thuốc tẩy rửa ruột sạch sẽ để bác sĩ dễ quan sát. Đây là điểm mà nhiều người e ngại vì phải uống một lọ thuốc xổ cộng thêm cả lít nước để rồi tiêu chẩy soèn soẹt. Hiện nay có thuốc tẩy rửa dạng viên cho nên việc sửa soạn ít khó chịu hơn.

Một ngày trước thử nghiệm, bệnh nhân không ăn thực phẩm mà chỉ uống nước trong không bã.

Nếu thử nghiệm vào buổi sáng, không ăn uống gì sau nửa đêm. Nếu là buổi chiều thì uống thuốc tẩy xổ theo đúng hướng dẫn.

Không nên uống aspirin hoặc thuốc chống viêm 5 ngày trước thử nghiệm để tránh nguy cơ xuất huyết khi polyp được cắt bỏ.

Cho bác sĩ hay nếu có vấn đề dị ứng, uống thuốc loãng máu, đang bị bệnh tiểu đường, có thai, cho con bú sữa mẹ hoặc khó khăn chích tĩnh mạch.

Sau thử nghiệm, bệnh nhân cảm thấy tưng tức ở bụng, nhưng hết sau vài giờ. Dăm giờ sau thử nghiệm, bệnh nhân có thể ăn lại như thường lệ.

b-Mục đích của nội soi gồm có:

-Đánh giá các u bướu, loét lở, thu hẹp lòng ruột già khi chụp hình X-quang ruột;

-Chẩn đoán viêm ruột;

-Tìm nguyên nhân gây ra tiêu chảy khi các thử nghiệm thông thường không thành công;

-Tìm nguyên nhân xuất huyết đường tiêu hóa, đặc biệt trong bệnh thiếu máu do thiếu sắt;

-Chẩn đoán ung thư ở người có thân nhân bị ung thư hoặc bướu thịt;

-Cắt bỏ bướu thịt, chữa xuất huyết ruột hoặc lấy vật lạ trong ruột.

Nội soi được áp dụng khi có một trong các bất thường như thay đổi thói quen đại tiện, máu trong phẩn, đau bụng liên tục, người từ 50 tuổi trở lên.

Hội Ung Thư đề nghị những ai trên 50 tuổi nên làm nội soi ruột già mỗi 7-10 năm. Người có rủi ro ung thư ruột già cần thực hiện sàng lọc này gần hơn, tùy theo ý kiến của bác sĩ điều trị.

Bình thường, phương pháp rất an toàn, hãn hữu lắm mới có khó khăn như lủng ruột.

Nếu có u bướu, bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết (biopsy) để xác định tế bào ung thư, chụp x-quang xương, CT scan…rồi điều trị.

Mặc dù nội soi ruột là phương thức tìm bệnh hữu hiệu, nhưng số người thực hiện cũng khá khiêm nhường. Lý do là nhiều người ngại đau, ngại phải uống thuốc tẩy sổ để làm sạch ruột và lý do quan trọng hơn là chi phí nội soi khá cao. Nếu bảo hiểm không đài thọ thì bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra trang trải.

Ngoài ra còn một số phương pháp khác như sau.

a-Chụp X-quang ruột với chất cản quang

Dung dịch cản quang được bơm vào ruột để hình ảnh ruột hiện rỏ ràng trên phim X-quang. Quan sát hình chụp, bác sĩ có thể tìm ra u bướu hoặc bất thường trong ruột. Nếu thấy bướu thịt, bác sĩ sẽ đề nghị làm nội soi.

b-Nội soi trực tràng (Sigmoidoscopy) quan sát phần dưới của ruột già.

c-Thử phân tìm tế bào ung thư (Stool DNA test)

Đây là thử nghiệm tương đối mới.

Bác sĩ đưa cho bệnh nhân một hộp thử nghiệm với hướng dẫn cách thức lấy phân rồi chuyển cho phòng thí nghiệm để tìm tế bào ung thư tách ra từ u bướu của ruột.

d-Virtual Colonoscopy

Đây là phương pháp để chụp hình hiện trạng thực sự của ruột với máy CT scan ( computerized tomography). Một loại gas được bơm vào để ruột già phồng lên rồi làm CT scan tìm polyp. Những hình ảnh này nom giống như khi nhìn trực tiếp ruột già.

Các nhà chuyên môn y học đề nghị là nam nữ từ 50 tuổi trở lên cần bắt đầu làm các xét nghiệm truy tìm ung thư ruột già.

-Nội soi ruột già mỗi 10 năm

-Kiếm máu ẩn trong phân mỗi năm

-Nội soi trực tràng mỗi 5-10 năm

Kết luận

Thưa đó là chuyện y học bên Mỹ của tháng Ba dương lịch.

Tháng 3 dương còn có ngày mồng 8 là ngày Phụ Nữ Thế Giới, ngày mà quý bà quý cô đã tranh đấu mãi mới được sự nam nữ bình quyền sau nhiều thế kỷ cảm thấy mình thiệt thòi, thua kém.

Riêng tháng Ba âm lịch mình cũng có nhiều việc đáng ghi nhớ.

Đây là tháng mà người Việt Nam ta “Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”. Vâng Quốc Tổ Hùng Vương 18 đời dựng nước, tình nghĩa Vua-Tôi sâu đậm, con dân sống trong hòa bình, thịnh vượng, thái hòa.

Rồi “Tháng 3 trồng cà” là nông vụ truyền thống của người mình. Trồng cà tháng 3, làm tương tháng 6.

Cà dầm tương vẫn là món ăn nhiều dân tộc tính của ta, vì thế cho nên mới có “Anh đi anh nhớ quê nhà; Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.”

Tương cà rau muống có khi cũng giúp ta giảm thiểu rủi ro đưa tới ung thư Ruột Già đấy, thưa bà con cô bác.

Vì tương cà rau muống không có chất béo động vật, không có cholesterol mà lại nhiều chất xơ thiên nhiên giúp gạt bỏ chất có hại có thể gây ung thư  đại tràng.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

www.bsnguyenyduc.com

Thuốc ở trong rau.

Thuốc ở trong rau.

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức

Kinh nghiệm dân gian ta vẫn thường nói: “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Nhưng thực ra, rau không chỉ là món ăn nhiều chất dinh dưỡng mà còn là những liều thuốc trị bệnh quý giá. Chẳng thế mà danh y Hải Thượng Lãn Ông của ta đã có nhận xét:
“Nên dùng các thứ thức ăn
Thay vào thuốc bổ có phần lợi hơn”
Và thánh tổ y học phương tây Hippocrates có đưa ra một đề nghị hết sức thuyết phục là
“Hãy để rau là vị thuốc”.
Mà những loại rau củ có vị đắng chứng tỏ các nhận xét này là rất đúng.

Trái Mướp Đắng màu xanh có bề ngoài gồ ghề ngộ nghĩnh đã được ghi trên sáu con tem biểu tượng cho sáu loại cây thuốc thiên nhiên có dược tính trị bệnh cao mà Liên Hiệp Quốc phát hành vào năm 1980.
Mướp đắng chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng căn bản như nước, đạm, carbohydrat, béo, sinh tố và một số khoáng chất với tỷ lệ khác nhau. Mướp đắng có thể dùng để ăn sống, nấu canh, xào với thịt bò, muối dưa, phơi khô làm trà pha nước uống…
Canh thịt heo bằm nhỏ nhồi vào mướp đắng là món ăn đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam.
Mướp đắng hấp với tôm tươi, thịt nạc, mộc nhĩ, nấm hương, hành khô, mắm muối tiêu, xào với thịt… tạo ra vị hơi đắng hòa với hương thơm mùi tôm thịt là món ăn giải nhiệt, bổ dưỡng… Món xà lách mướp đắng cũng rất hấp dẫn, ăn vào mát cơ thể..
Mướp đắng được coi như có khả năng làm hạ đường huyết, hạ huyết áp, chữa ho, giảm đau nhức, sát trùng ngoài da, trừ rôm sẩy ở trẻ em.
Trong mướp đắng cũng có một hóa chất có khả năng ngăn ngừa sự thụ thai ở loài chuột.
Trên thị trường hiện nay có bán trà khổ qua, được giới thiệu là có thể giúp ngủ ngon, đại tiện dễ dàng, mát gan, bổ mật, giải nhiệt, giải độc trong cơ thể và khi dùng thường xuyên sẽ ngừa được các biến chứng của bệnh tiểu đường, sỏi thận, mật….

 

Actisô Đà Lạt là loại thảo mộc nổi danh ở nước ta. Nổi danh vì khí hậu luôn luôn mát lạnh nơi cao nguyên nhiều nắng khiến cho actiso có năng suất cao.
Actisô có nhiều chất dinh dưỡng như các sinh tố C, B, folacin, chất xơ và một vài khoáng chất như sắt, kali. Về phương diện ẩm thực, actisô thường được luộc, hấp cách thủy để ăn hoặc ninh với thịt gà, thịt lợn. Actisô có thể được dùng tươi, để đông lạnh hoặc đóng hộp.
Nhiều nghiên cứu cho biết Actisô có tác dụng bảo vệ gan, làm hạ cholesterol trong máu và đường huyết, kích thích sản xuất mật, giảm đau khớp xương, thông tiểu tiện.
Tại vài quốc gia, dung dịch chế biến từ actisô được dùng làm thuốc chích chữa các bệnh về gan. Trà Actisô là thức uống được rất nhiều người ưa dùng.
Theo nhiều nhà chuyên môn, actisô không gây tác hại cho cơ thể.

Diếp cá hoặc rau Giấp là món ăn ưa thích của bà con miền Nam.
Cách đây mấy chục năm, dân cư miền sông Hồng, núi Ngự vào giao lưu với Cửu Long Giang là rất lắc đầu “nhăn mặt” vì vị tanh tanh “lợm giọng” khi ăn phải cọng rau này. Vậy mà bây giờ, Nam Trung Bắc một nhà, nhiều người cũng đều ưa thích diếp cá.
Nhưng cái tanh tanh, béo béo của diếp cá lại rất “hiệp nhất” với cái tanh của những miếng cá còn tươi. Phải chăng đây là duyên tiền định với tên “diếp cá”. Trung Quốc gọi diếp cá là “Ngư Tinh Thảo” và tiếng Anh gọi là Fish Mint
Ở nước ta, diếp cá mọc hoang khắp vùng đất ẩm thấp và cũng được trồng làm rau ăn hoặc làm thuốc trị bệnh. Diếp cá có thể ăn sống hoặc dùng làm gia vị chung với các rau khác trong bữa ăn. Có người hầu như ghiền với diếp cá, thiếu nó như thiếu người tình hơi “bị” cho là chanh chua nhưng dễ thương.
Lá diếp cá ăn vào rất mát, có thể làm trĩ hậu môn xẹp xuống. Ngoài ra, diếp cá cũng được y học dân gian tại nhiều quốc gia dùng làm lợi tiểu tiện, hạ cao huyết áp, giảm ho, tiêu diệt vi khuẩn. Nghiên cứu tại viện y dược Toyama, Nhật Bản, cho hay diếp cá có chất chống oxy hóa rất mạnh quercetin có thể ngăn chặn nhiều loại ung thư và tăng cường tính miễn dịch..
Trong Lĩnh Nam Bản Thảo, danh y Hải Thượng Lãn Ông tóm tắt:
“Ngư Tinh Tảo gọi cây rau Giấp
Ấm cay, hơi độc, mùi hôi tanh
Ung thũng, thoát giang với đầu chốc
Đau răng, lỵ ngược chữa mau lành”.

Khát khô cả họng trong nắng tháng Bảy của Sài Gòn mà gặp một xe bán Nước Rau Má xanh mát thì cơn khát không những hết đi mà tâm hồn còn thấy sảng khoái.
Thực vậy, nghiên cứu tại Ấn Độ cho hay nước chiết rau má không những tăng khả năng trí tuệ của trẻ em có thương số thông minh (IQ) thấp mà còn làm người cao tuổi giảm bớt những quên này quên kia, giúp thị lực bớt nhạt nhòa.
Nhiều nghiên cứu khác còn gợi ý rằng rau má trị được cả bệnh vẩy nến, vết phỏng, vết thương, viêm khí quản, chống nhiễm trùng, chống độc, giải nhiệt, lợi tiểu.
Từ những năm 1960, Giáo sư Bửu Hội đã nghiên cứu tác dụng trị bệnh phong với rau má. Ngày nay, nhiều khoa học gia cho là chất Asiatioside của rau má có tác dụng tương đương với dược phẩm trị phong chính là Dapsone.
Rau má có tính lạnh cho nên người tỳ vị hàn, hay đi tiêu chảy, cần cẩn thận khi dùng.

Rau Đắng đã đi vào văn hóa âm nhạc trong những bài viết nhiều tình người, tình quê hương của nhạc sĩ Bắc Sơn từ rừng cao su Dầu Tiếng.
Nhạc phẩm “Còn thương rau đắng mọc sau hè” với tiếng hát Hương Lan, Như Quỳnh đã làm bao nhiêu khách ly hương khi nghe mà mắt nhòe ướt lệ.
“Ai cách xa cội nguồn
Ngồi một mình nhớ lũy tre xanh
Dạo quanh khung trời kỷ niệm
Chợt thèm rau đắng nấu canh”
Vì nhớ tới những lũy tre xanh nơi có người chị đầu bạc tóc ân cần nhổ tóc sâu cho chú em từ xa về thăm quê. Có những bà mẹ hiền luôn luôn chăm sóc miếng ăn, thức uống cho chồng cho con.
Rau đắng nấu canh với các loại cá, nhúng lẩu hoặc chấm mắm kho là những món ăn tuyệt hảo của bà con miệt đồng. Rau đắng còn có thể nấu với thịt heo bầm nhuyễn, với tép, với tôm…
Mới ăn rau có vị khá đắng, chỉ kém có khổ qua, nhưng ăn quen lại thấy ngòn ngọt, nhớ hoài.
Rau đắng cũng được dùng trong y học. Theo Giáo sư Đỗ Tất lợi, rau đắng được dùng làm thuốc lợi tiểu, bổ thận, giúp ăn ngon và giảm đau khi đắp lên nơi tê thấp, rắn cắn.

Kết luận
Nhà dinh dưỡng uy tín Hoa Kỳ Jean Carpenter phát biểu rằng “Trong thực phẩm có dược phẩm. Thay đổi dinh dưỡng có thể ngăn ngừa và giảm sự trầm trọng của bệnh tật”
Đây là lời khuyên khá hữu ích mà chúng ta cũng nên theo.

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức

Tuyen H0-Nguyen gởi

“Hỏng” gan vì uống atiso, trà suốt ngày

“Hỏng” gan vì uống atiso, trà suốt ngày

BS Lương Lễ Hoàng

Đưa liều lượng hoạt chất thái quá vào cơ thể chỉ làm tăng gánh nặng giải độc cho gan. Đừng quên hoạt chất nào muốn nên thuốc cũng phải được gan chuyển hóa mới có tác dụng như mong muốn.

Từ quan điểm “mát gan”, nhiều người đang dùng một số loại nước có pha dược thảo như nước uống suốt ngày. Việc sử dụng như thế là không đúng cách nên chẳng những đã không mát gan mà có khi còn hại gan một cách oan uổng.

Gan chưa mát, bụng đã trướng

Không thiếu người uống nước atisô cả lít mỗi ngày vì nghe nói uống như thế vừa bổ gan vừa đẹp da vừa trị đau bao tử nhưng sau đó lại bị đầy hơi khó chịu, đến bữa ăn bụng đói cồn cào nhưng mới ăn vài miếng thì đã no, trong khi con mắt còn thèm.

Atisô đúng là vị thuốc rất tốt để nhuận gan, lợi mật và để phục hồi nhu mô gan nên được dùng để giải độc cho cơ thể, nhất là ở đối tượng hút thuốc, uống rượu, làm việc trong môi trường ô nhiễm, người bị tăng mỡ máu… Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng cũng nên dùng atisô hỗ trợ chức năng biến dưỡng chất béo nhằm giảm bớt gánh nặng cho lá gan, trái thận và khung ruột. Nên nhớ là vết loét trên niêm mạc dạ dày, tá tràng sẽ rất lâu lành ở người cao mỡ máu, béo phì.

Nhưng không nên vì thế mà tự đầu độc bằng lượng atisô quá cao. Bởi cũng vì tác dụng tiết mật và co thắt túi mật để đẩy mật từ gan xuống ruột mà atisô nếu lạm dụng vì dùng quá thường xuyên hoặc mỗi lần dùng quá nhiều thì có thể gây co thắt toàn bộ cơ trơn của đường tiêu hóa. Cứ co vào dãn ra thì vết loét khó lành đồng thời nạn nhân sớm muộn cũng đầy hơi trướng bụng.

Táo bón như chơi

Nhiều người có thói quen chỉ uống trà thay nước trắng. Cũng như atisô, trà, dù là trà xanh hay trà đen, cũng là thuốc tốt vì hoạt chất kháng ôxy hóa trong trà (cụ thể là chất ECPG) có công năng phòng chống xơ vữa mạch máu, ngăn ngừa ung thư cho đối tượng phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, với hóa chất công nghiệp, nông nghiệp… Bằng chứng là các nhà nghiên cứu gần đây đã khuyên nên uống trà xanh khoảng 30 phút trước khi ra nắng để hoạt chất trong trà rải đều khắp cơ thể nhằm phong bế tác hại của tia tử ngoại trong ánh nắng gay gắt.

Nhưng bên cạnh đó, có hai điểm bất lợi thấy rõ khi chúng ta uống hơn 1 lít nước trà trong ngày. Đó là: Chất chát trong trà khiến khung ruột co thắt rồi đến lúc thành co cứng. Ẩm khách vì quá yêu trà sau đó sẽ trở thành nạn nhân của chứng táo bón; lượng sắt trong trà bao giờ cũng chiếm ưu thế khi tương tranh với các khoáng tố khác. Người yêu trà vì thế tuy thừa sắt nhưng lại thiếu nhiều khoáng tố vi lượng khác như kẽm, crôm, mangan… Đây lại là những nhân tố cần thiết cho hệ miễn dịch, biến dưỡng, thần kinh giao cảm. Lạm dụng nước trà vì thế có thể dẫn đến mệt mỏi, biếng ăn, buồn chán…

Tăng gánh nặng cho gan

Không chỉ riêng với atisô hay trà mà với cây thuốc nào cũng thế, người bệnh và ngay cả người chưa bệnh nhưng muốn phòng bệnh cũng không nên tự ý dùng thuốc theo lời đồn. Đừng quên là hoạt chất nào muốn nên thuốc cũng thế, phải được lá gan chuyển hóa mới triển khai được tác dụng như mong muốn. Gan thậm chí phải làm việc đến hai lần vì hoạt chất nào cũng vậy, dù là hóa chất tổng hợp hay dẫn xuất từ nguồn gốc thiên nhiên, sau khi tác dụng đều phải được gan biến thể lần nữa thành dạng không độc cho cơ thể trước khi theo đường bài tiết.

Mang hoạt chất vào cơ thể với liều lượng thái quá trong trường hợp không cần thiết thì chỉ tăng thêm gánh nặng giải độc cho lá gan. Tệ hơn nữa, nếu lá gan trước đó đã mệt nhoài vì gia chủ vướng một bệnh mãn tính nào đó.

Ngay cả khi dùng thuốc bổ cũng phải cân nhắc lợi hại. Không có thứ thuốc nào như thiên hạ thường đồn thổi là nếu không bổ chiều dọc cũng bổ chiều ngang. Vì đã là thuốc thì chỉ có thuốc độc hay thuốc không độc.

Theo BS Lương Lễ Hoàng

Nên ăn đậu.

Nên ăn đậu.

BS Nguyễn Ý Đức


Hỏi

Tôi bị bệnh tiểu đường từ hơn 10 năm và mới đi khám bác sĩ gia đình về, và bà ấy có khuyên tôi là nên ăn nhiều các loại hạt đậu. Theo bà ấy thì đậu có nhiều chất đạm tốt và cũng giảm đường trong máu. Có đúng không bác sĩ. Xin bác sĩ giải thích dùm nhé. Ông Nghi- GA

Đáp

Đúng như bác sĩ của ông nói, đậu là một loại thực phẩm có nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể, đặc biệt là bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Sau đây chúng tôi xin trình bầy cặn kẽ để bà và quý độc giả Trẻ hiểu rõ.

Đậu được trồng ở khắp nơi trên thế giới và có tới trên mười ngàn loại khác nhau. Tuy nhiên các bà nội trợ thường chỉ quen thuộc với một số ít các loại đậu như là đậu hà lan, đậu tây (cô ve), đậu đen, đậu đỏ, đậu pinto, đậu ngự, đậu nành…

Hạt đậu nằm trong vỏ dài mà khi chín khô sẽ nứt ra làm đôi. Theo các nhà khảo cổ thì đậu được trồng trước tiên ở các quốc gia Đông Nam Á châu từ cả chục ngàn năm về trước. Nhiều nơi, đậu được gieo giữa hai luống ngô, vì đậu có thể hấp thụ nitrogen từ không khí, tồn trữ dưới đất và làm đất giầu thêm chất này để giúp ngô tăng trưởng.

Giá trị dinh dưỡng
Hạt đậu là nguồn dinh dưỡng rất phong phú, ngon mà tương đối lại rẻ tiền.

Đậu nành cung cấp đủ các loại amino acid thiết yếu mà cơ thể cần. Đậu có nhiều calci, cho nên các vị tu hành, người ăn chay có thể sống lành mạnh chỉ với đậu hũ và các loại sản phẩm khác của đậu nành. Nói chung, đậu có lượng đạm chất cao hơn các các loại ngũ cốc khác từ hai đến năm lần.

Hạt đậu có nhiều sinh tố nhóm B, nhiều sắt, kali, rất nhiều chất xơ. Đa số hạt đậu đều có rất ít chất béo và năng lượng, ngoại trừ đậu nành và đậu phộng lại có nhiều chất béo tốt ở dạng chưa bão hòa.

Đậu có ít năng lượng nhưng chứa nhiều nước.

Một trăm gram đậu nấu chín cung cấp khoảng 100-130 Calori và 7 gram chất đạm, tương đương với số đạm trong 30 gram thịt động vật. Đậu nẩy mầm có nhiều đạm hơn đậu nguyên hạt. Khi ăn chung đậu với các loại hạt, đạm của đậu có phẩm chất tương đương với đạm động vật.

Người Bắc Mỹ và người châu Âu ít chú ý đến các loại đậu vì phải mất nhiều thời gian để nấu hoặc phải ngâm đậu trước khi nấu.

Để tiết kiệm thì giờ, dùng đậu chế biến nấu sẵn đựng trong hộp rất tiện lợi: chỉ cần đổ bớt nước mặn trong đậu hoặc rửa đậu cho bớt mặn rồi nấu.

Nhưng người Nam Mỹ và Á Châu xem các loại hạt đậu là một thành phần quan trọng của lương thực.

Ở Châu Mỹ La Tinh, từ Mễ Tây Cơ xuống đến Trung Mỹ, Nam Mỹ, đâu đâu cũng thấy có đậu đen và đậu đỏ (black and red beans) trong các bữa ăn.

Ở Ấn Độ, đậu lăng (lentil) được ăn trộn với gạo và rất phổ biến. Nhật Bản có loại đậu màu nâu gọi là azuki được ăn với cơm.

Ưu điểm của đậu
1. Đậu chứa một loại chất xơ gọi là pectin. Chất xơ này có khả năng hút nước và nở ra trong dạ dày khiến người ta có cảm giác no không thèm ăn. Nó cũng làm chậm tiến trình hấp thụ thực phẩm trong ruột, giúp bệnh nhân tiểu đường tránh được sự tăng gia quá mau đường huyết, và cơ thể khỏi phải tiết ra nhiều insulin.

Các loại đậu chứa nhiều pectin có thể giữ vai trò quan trọng trong sự làm giảm lượng cholesterol trong máu, còn tốt hơn cả loại cám yến mạch (oat bran).

Trong các loại đậu, đậu nành được xem là hữu hiệu nhất để giảm cholesterol và triglyceride trong máu.

Nghiên cứu ở Ý và Thụy Sĩ cho thấy là, bệnh nhân có cholesterol cao, mà ăn nhiều chất đạm từ đậu nành thay thế cho thịt cá, thì mức cholesterol của họ giảm xuống đến 31%. Kết quả này xem ra còn tốt hơn tác dụng của các loại thuốc giảm cholesterol đắt tiền bán trên thị trường.

Bác sĩ James Anderson thuộc Đại học Kentucky, khuyên bệnh nhân mỗi ngày ăn một cốc đậu pinto nấu chín để hạ cholesterol.

2. Cũng theo bác sĩ Anderson, ăn đậu thường xuyên giảm nhu cầu Insulin để chữa bệnh tiểu đường, vì đậu làm đường trong máu tăng lên rất chậm.

3. Gần đây các nhà khoa học lại mới tìm ra một tác dụng vô cùng bổ ích của các hạt đậu, đó là khả năng chống ung thư. Đậu có chứa chất acid phytic, một chất chống oxy hóa rất mạnh, có thể chận đứng tiến trình ung thư hóa của tế bào.

Ngoài ra, khảo cứu trên một số động vật trong phòng thí nghiệm cho thấy đậu, nhất là đậu “pea” và đậu lăng “lentil” có chứa chất ức chế protease là chất có khả năng phòng chống ung thư da, vú và gan ở động vật. Thử nghiệm ở người cũng thấy tác dụng tương tự về phòng chống ung thư vú và nhiếp hộ tuyến.

Chuyên gia về ung thư Anne Kennedy cho chuột ăn một hóa chất gây ung thư, nhưng khi chất ức chế protease được bôi vào miệng chuột thì ung thư không xẩy ra.

4. Đậu giúp đại tiện đều đặn, dễ dàng vì phẩn to hơn, mềm hơn, từ đó giảm thiểu được các nguy cơ ung thư ruột già và trực tràng. Đó là kết quả các nghiên cứu của Tiến sĩ Sharon Fleming, Đại học Berkeley, California.

5. Một khoa học gia Ấn Độ là SN. Sanyaldan nhận thấy dân số của người Tây Tạng không thay đổi trong suốt 200 năm. Thực phẩm chính của hột loại đậu. Sau nhiều năm tìm hiểu, ông ta thấy rằng đậu này có khả năng ngăn ngừa sinh đẻ nhờ hóa chất m-xylohydroquinone. Ông ta thử cho phụ nữ dùng chất này thì tỷ lệ sinh đẻ giảm hẳn, còn với nam giới thì chất này cũng làm cho số lượng tinh trùng giảm. Nhận xét này đang được nghiên cứu kiểm chứng thêm. Ngoài ra có lẽ tác dụng của nó không mạnh bằng các dược phẩm ngừa thụ tinh hiện có, nên ít ai để ý đến…

Coi vậy thì các loại đậu đều rất tốt cho cơ thể. Chúng tôi nghĩ là ông có thể làm theo như lời khuyên của vị bác sĩ gia đình. Nhưng cũng xin đừng quên dùng thuốc hạ đường huyết đều đặn và dành thời gian để vận động cơ thể mỗi ngày.

Chúc ông mọi sự bình an.

Bs NÝĐ

 

Bệnh viêm phổi

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Với thời tiết mưa lạnh thay đổi bất thường như hiện nay, thì số người mắc bệnh Viêm
Phổi cũng gia tăng.

Viêm phổi là bệnh khá phổ biến. Tại Hoa Kỳ mỗi năm có từ 2-3 triệu người bị Viêm
phổi với cả gần 50,000 tử vong, trong khi đó, tại các quốc gia đang phát triển
thì bệnh này là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong dân chúng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra Viêm phổi là do các loại vi khuẩn, virus có mặt thường xuyên trong môi trường mà ta sinh sống. Khi sức đề kháng với bệnh tật bị suy yếu, các vi
sinh vật này sẽ vượt qua hàng rào bảo vệ, xâm nhập phổi và gây ra bệnh.

Vi khuẩn Streptococcus pneumonia là vi khuẩn gây viêm phổi thông thường
nhất.

Dấu hiệu bệnh

Khi bị viêm phổi do vi khuẩn thì các dấu hiệu bệnh xuất hiện khá nhanh.

-Bệnh nhân bắt đầu ho ra đàm đôi khi lẫn máu. Đàm là những chất nhớt tiết ra từ
phổi khi bị các vi sinh vật kích thích. Ho là phản ứng của cơ thể để loại bỏ
đàm nhớt, nếu không thì sự hô hấp trao đổi không khí sẽ bị trở ngại.

-Sốt: Nhiệt độ cơ thể tăng, có khi tới 39 độ C hoặc 102 độ F. Bệnh nhân cũng
thấy ớn lạnh run lập cập và đổ mồ hôi.

-Khó thở, đau ngực. Hơi thở ngắn và dồn dập nhanh, không đủ thì giờ cho sự trao
đổi giữa dưỡng khí và thán khí, bệnh nhân mệt mỏi, xanh sao.

Nếu màng phổi cũng bị viêm nhiễm thì cơn đau ngực lại gia tăng như xé cắt lồng
ngực, nhất là khi ho hoặc thở mạnh hít vào.

– Nhức đầu, nhịp tim nhanh có khi lên tới trên 100 nhịp/phút.

– Cơ thể mệt mỏi, yếu sức uể oải không muốn cất nhắc làm bất công việc nặng nhẹ
nào.

– Nhiều người bị nôn mửa, thậm chí kèm theo tiêu chảy.

Ở người cao tuổi, nhiệt độ đôi khi lại không cao lắm, ho lại không có đàm khiến
cho họ không chú tâm tới bệnh, tới khi bệnh trầm trọng thì quá trễ.

Với viêm phổi do virus gây ra thì dấu hiệu lại không rõ ràng, đôi khi có thể
lầm tưởng là mình chỉ bị common cold.

Nhiều trường hợp, Cảm lạnh và Cúm tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập cơ thể, gây ra
Viêm Phổi, là biến chứng trầm trọng, có thể gây ra tử vong ở trẻ em và người
tuổi cao mà sức đề kháng suy kém.

Ai hay bị viêm phổi.

-Tuổi tác. Hai lớp người dễ bị viêm phổi là người trên 65 tuổi và các cháu bé
dưới 1 tuổi. Ở người trên 65 tuổi, tính miễn dịch của cơ thể giảm còn ở các
cháu bé thì sức đề kháng với vi khuẩn chưa được phát triển đầy đủ;

– Hút thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch khiến cho viêm phổi dễ dàng xảy ra dù là
ở người trai tráng khỏe mạnh;

– Người đang có bệnh kinh niên như tim mạch, tiểu đường, bệnh hen suyễn hoặc đang
trải qua hóa trị hoặc xạ trị với các bệnh ung thư;

-Uống nhiều rượu;

-Đang dùng các loại thuốc chống acid bao tử như Prisolex;

-Làm việc trong môi trường không khí ô nhiễm với bụi bặm hóa chất như tại nông
trại, công trường…;

-Sống chung với nhiều người như trường học, nhà dưỡng lão, bệnh nhiễm dễ lây lan
từ người nyày sang người khác.

Làm sao xác định bệnh

Khi các dấu hiệu bệnh kể trên kéo dài sau vài ba ngày mà không thuyên giảm thì nên
đi bác sĩ để khám tìm bệnh.

-Thường thường, chụp X-ray phổi xác định bệnh với các vết mờ của các vùng phổi bị
viêm xuất hiện trên phim.

-Thử máu để đo số lượng bạch huyết cầu. Nếu số lượng lên cao thì đó là dấu hiệu
của sự nhiễm trùng, vì các tế bào này được sản xuất nhiều để chống lại sự xâm
nhập của tác nhân gây bệnh.

Bác sĩ cũng thử đàm hoặc chất tiết ra từ cơ quan hô hấp để tìm ra các loại vi sinh
vật có thể gây ra bệnh rồi dùng các dược phẩm thích hợp.

Ta cũng thấy bác sĩ dùng ống khám bệnh để nghe hơi thở bất thường trên ngực trên
lưng bệnh nhân: những tiếng khò khè vì ống phổi có đàm, những vùng phổi bị
thương tích không truyền được âm thanh của hơi thở.

Bệnh viêm phổi có nguy hiểm không?

Với người khỏe mạnh, có sức đề kháng cao và được điều trị đúng lúc, đúng cách với
kháng sinh hữu hiệu, họ có thể vượt khỏi các biến chứng của bệnh viêm phổi.
Nhưng với người cao tuổi hoặc trẻ em quá nhỏ, viêm phổi có thể đưa tới các biến
chứng trầm trọng như:

-Nhiễm trùng huyết: khi vi khuẩn từ tế bào phổi xâm nhập dòng máu ở các phế
nang, đưa tới nhiễm vi khuẩn tổng quát, gây nguy hại cho các bộ phận khác của
cơ thể thậm chí cả tử vong.

-Túi mủ trong phổi khi mà vi sinh vật tích tụ trong phổi tạo ra các túi mủ, hủy
hoại sự hô hấp và gây tổn thương cho phổi.

-Viêm nhiễm màng phổi, màng phổi ứ nước gây đau đớn khó khăn khi thở.

-Khi phổi bị viêm gây ra tổn thương ở nhiều vùng, sự hô hấp giảm đưa tới rối
loạn trao đổi không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe chung của con người.

Bác sĩ chữa viêm phổi ra sao?

-Viêm phổi gây ra do virus thường mau lành dù không điều trị. Vả lại, cũng không
có thuốc đặc trị cho virus viêm phổi. Kháng sinh không có công hiệu gì với
virus. Bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tự chăm sóc ít ngày là vượt qua,
ngoại trừ khi lại bị bội nhiễm với các loại vi khuẩn.

-Với viêm phổi do vi khuẩn, bác sĩ có thể lựa nhiều loại kháng sinh thích hợp để
loại trừ vi khuẩn đó. Thời gian uống kháng sinh tùy theo tình trạng nặng nhẹ
của bệnh cũng như sức khỏe của mỗi người, có thể là 2 tuần lễ. Xin uống thuốc
theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ngưng thuốc khi thấy dấu hiệu bệnh
thuyên giảm, vì vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn và chúng có thể trở nên
quen nhờn với thuốc.

Ngoài ra, thuốc hạ nhiệt độ như Tylenol, Ibuprofen cũng cần dùng tới. Xin đừng cho
trẻ em dùng thuốc Aspirin vì thuốc có thể gây ra tác dụng phụ quan trọng.

Hỏi ý kiến bác sĩ coi có cần uống thêm thuốc ho, vì ho là để loại bỏ nhớt đàm từ
phổi. Nếu cần, chỉ nên uống vừa đủ thuốc ho để bớt khó chịu và ngủ dễ dàng.

Nên uống nhiều nước để đàm loãng, dễ được loại bỏ khỏi cơ thể.

Thường thường viêm phổi có thể điều trị tại nhà, uống các dược phẩm do bác sĩ biên
toa. Chỉ vào bệnh viện nếu trên 65 tuổi, ho nhiều, khó thở, nhịp tim nhanh,
huyết áp xuống thấp, cần thở với bình dưỡng khí, không ăn uống được.

Có thể phòng ngừa bệnh viêm phổi không?

Sau đây là một số biện pháp mà mọi người có thể áp dụng để giảm thiều rủi ro bị
Bệnh Viêm Phổi.

1.Ngưng hút thuốc lá, nếu đang hút.

2.Đừng tiếp xúc quá gần với người đang bị bệnh truyền nhiễm như cảm lạnh, cúm, viêm
phổi.

3.Rửa tay thường xuyên để giảm thiểu sự lây lan của bệnh vì vi sinh vật gây bệnh
dính trên tay của mình, rồi đưa tay dơ lên miệng, lên mũi. Nếu không có dịp rửa
tay bằng nước với xà bông, có thể tạm thời lau chùi tay với dung dịch có chất
cồn.

Khi ho, hắt hơi, dùng giấy hoặc khuỷu tay áo để che mũi miệng thay vì dùng bàn tay.

4.Chích ngừa

Với người trên 65 tuổi, người hút thuốc lá, hoặc người có bệnh kinh niên được chích
loại vaccine dành riêng cho họ gọi là PPSV (Pneumococcal polysaccharide vaccine).

Với trẻ em là pneumococcal conjugate vaccine (PCV).

Xin hỏi bác sĩ về lịch trình chích ngừa cho từng loại tuổi.

Ngoài ra, mọi người cũng cần chích ngừa các bệnh có thể gây ra viêm phổi, như chích
ngừa cúm mỗi năm; chích ngừa thủy đậu, ban sởi nếu chưa bao giờ mắc các bệnh
này hoặc chưa bao giờ chích ngừa chúng.

Tự chăm sóc

Ngoài việc uống thuốc theo toa bác sĩ, bệnh nhân nên có chương trình tự chăm sóc, như là:

-Nghỉ ngơi đầy đủ để dưỡng bệnh và trị bệnh;

-Không đi làm hoặc đi học cho tới khi hết nóng sốt để tránh truyền bệnh của mình
cho người khác;

-Uống nhiều chất lỏng như nước, các loại súp để tránh thiếu nước trong cơ thể và
để long đàm, dễ loại ra ngoài;

-Giữ hẹn tái khám với bác sĩ.

Kết luận

Một vài kết luận nên ghi nhớ:

– Tuy Viêm Phổi là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 6 trong số các bệnh tại Hoa
Kỳ, và

-Bệnh Viêm Phổi rất dễ lây lan tử người này qua người khắc, bằng những hạt nước
nhỏ li ti từ mũi miệng người bệnh đưa vào không khí mà mọi người hít thở.

-Nhưng Viêm Phổi là bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Anh chị Thụ Mai gởi

Già Ơi Chào Mi

Già Ơi Chào Mi

Tất cả chúng ta người trước kẻ sau ai rồi cũng phải già. Làm sao tránh được! Đã có “sinh” là có “lão”. Một giai đoạn tất yếu của cuộc sống. Nếu ngày đầu tiên mình sinh ra mà đã biết nghe, biết nói, nếu có ai bảo rằng mỗi ngày mình lớn lên là một ngày mình sẽ già đi, và tiến dần về cõi chết, chắc chắn là mình đã không tin.”…

Thật sự mà nói cũng có người tuy tuổi đời còn thấp, nhưng trong cách suy nghĩ hay ứng xử xem ra đã có những phản ảnh của người già như phản ứng chậm chạp, nói năng lẩm cẩm, xoay trở vụng về, để đâu quên đó, còn đi lại như là người chỉ còn nửa bầu sinh khí. Lại cũng có người tuy tuổi tác đã cao nhưng lúc nào cũng mau mắn, nhanh nhẹn, nói năng mạch lạc, lớp lang, đầu óc minh mẫn, sáng suốt, ưa thích những sinh hoạt ngoài trời như tắm biển, chơi thể thao, sẵn sàng tham gia các buổi họp mặt với bạn bè, không quá ngần ngại, bao giờ cũng sốt sắng, vui vẻ, lạc quan, biết sống trọn vẹn với thời gian hiện tại thay vì bận bịu, lo toan cho việc tương lai, chưa tới.

Tục ngữ Anh có câu “A man is as old as he feels, and a woman as old as she
looks”, nghĩa là cái già của đàn ông tùy thuộc vào cảm nghĩ của chính anh ta.
Còn đối với người đàn bà, nếu dung nhan vẫn tươi tắn, mặn mà thì già trẻ cũng
thế thôi, nhắc đến làm chi. Tựu trung già hay không là tùy ở cái đầu của mình.

“Age is mostly a matter of the mind! If you don’t mind, it doesn’t matter”

(Tuổi tác là chuyện cái tâm, nếu ta không thèm quan tâm, chả có vấn đề tuổi tác!)

Nếu mình ngồi lại với nhau và hỏi nhau “Bạn thấy mình già từ lúc nào?” thì chắc
chắn là mỗi người sẽ trả lời một cách, không ai giống ai …

Nếu bỏ qua các giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi 20 đến tuổi 60 mà chỉ so sánh một người đã quá 60 với thời anh mới 20 tuổi, thì theo Curtis Pesman, tác giả cuốn “How a Man Ages,” ta có thể ghi nhận những thay đổi như sau:

• Da mỏng hơn và chùng xuống, độ co giản của da càng ngày càng giảm sút, và qua
nhiều năm tháng biểu lộ vui, buồn, sướng, khổ, những nét nhăn trên mặt đã hằn
sâu và lớn.

• Tóc bạc, thưa, và nhẹ hơn, đường kính của tóc chỉ còn 86 microns (1 phần
triệu của 1m) so với 101 microns hồi 20 tuổi.

• Hai tròng mắt bị co lại, mức độ ánh sáng vào đến võng mạc giảm đi, khó phân
biệt được sự vật trong tối, do đó mà khi đọc cần phải có ánh sáng đủ.

• Tai không còn nghe được tiếng động trên tầm 10,000 hertz, như tiếng hót của
chim, vì chức năng chuyển thể độ rung từ tai ngoài vào tai trong đã suy thoái.

•Men răng càng ngày càng mòn dần vì quá trình nhai, nghiến, trong khi đó lợi
răng co rút lại làm lộ rõ khoảng trống giữa các chân răng.

• Xương mất dần calcium, trở nên xốp, dòn, dễ gãy, lớp sụn ở các đầu khớp không còn nguyên vẹn, chất nhờn giữa các khớp khô đi, sinh ra di chuyển chậm, khó khăn.

• Tim không còn bơm đủ máu ra khắp châu thân, một phần do cholesterol đóng dày
trên thành động mạch nên tim phải hoạt động nhiều hơn mới bơm được máu đi.

• Các cơ bắp làm cho phổi hoạt động bình thường suy yếu dần, độ co giản của
lồng ngực yếu đi, làm cho lượng dưỡng khí hít vào chỉ còn bằng một nửa thời 20
tuổi.

• Trọng lượng của thận giảm từ 20% đến 30%, sức lọc chất thải của thận chỉ bằng
nửa hồi trẻ, và sức chứa của bọng đái cũng chỉ còn chừng một nửa (8 fluid
ounces, khoảng non 230cl).

• Với năm tháng qua đi, khối não cũng rút nhỏ lại và giảm trọng lượng, hàng tỷ
tế bào não bị mất đi, trí nhớ bị giảm sút……

Gần đây trong bài viết “Tính Tuổi Theo Lối Mới” (Calculate Your Age in
Neo-Years) trên trang nhà của Giáo sư Tiến sĩ Davis Demko có liên quan đến cách
suy nghĩ về tuổi già. Theo ông, 75% tiến trình lão hóa của con người có thể
điều chế được do tác động của sáu yếu tố sau đây:

1/ Khắc chế yếu tố di truyền. Dĩ nhiên yếu tố di truyền tạo cho mỗi con người
một tình trạng có thể bị mắc những bệnh mà cha mẹ người đó đã từng bị, nhưng
những phương pháp phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe hiện đại, nếu áp dụng đúng mức,
có thể làm giảm đi rất nhiều tính đe dọa của yếu tố này.

2/ Tập thể dục, thể thao. Rất nhiều các chứng đau nhức phát sinh do
thiếu hoạt động. Nếu luyện tập thường xuyên thì hệ thống tim mạch sẽ được bảo
toàn, xương và bắp thịt sẽ rắn chắc, khỏe, và sự phối hợp chân tay sẽ nhịp
nhàng, hữu hiệu.

3/ Tinh thần luôn được kích thích. Những người tưổi cao mà vẫn có những
sinh hoạt tinh thần đều đặn và đầu óc luôn luôn được kích thích, suy nghĩ, tìm
tòi như đọc sách, học ngoại ngữ, chơi ô chữ, hay tham gia vào các cuộc thảo
luận hứng thú sẽ giữ được tinh thần minh mẫn, tỉnh táo lâu dài.

4/ Có tập quán dinh dưỡng tốt. Cách tốt nhất để chống lại già trước tuổi
hay bệnh tật. Thức ăn là năng lượng. Phải tìm hiểu những phương cách dinh dưỡng
lành mạnh, cũng như những sinh tố hay khoáng chất mà cơ thể mình cần.

5/ Sống có ý nghĩa. Sống phải có những mục đích đáng đeo đuổi. Ý thức rõ
mục đích công việc mình đang làm dễ gây cho mình cảm hứng, giúp mình tập trung,
chú ý, tránh được buồn nản, bẳn gắt, và kết quả tích cực sẽ nâng cao giá trị
của chính mình.

6/ Biết phòng ngừa bệnh tật. Đây là yếu tố quan trọng có giá trị điều
chế tiến trình lão hóa. Cần khám tổng quát thường xuyên để kịp ngăn chận các
bệnh hiểm nghèo. Đừng bao giờ nghĩ là các chứng đau nhức hành hạ mình chỉ là
hậu quả của tuổi già.

Sau khi phân tích các yếu tố nói trên, Giáo sư Demko đề nghị một lối tính tuổi
mới mà ông cho là chính xác hơn. Ông đặt tên cho công thức tính tuổi của ông
là: DNA-Plus. DNA là viết tắt của Demko’s Neo Age, Plus ngụ ý là già với những
đặc tính tích cực. Công thức DNA-Plus tính trung bình của 4 lọai tuổi:

• Tuổi thời gian, tính theo số năm đã sống.

• Tuổi thể chất, tính theo tình trạng sức khỏe.

• Tuổi xã hội, tính theo mức độ sinh hoạt hàng ngày trong việc làm, đời sống gia đình, giải trí, hay các công tác thiện nguyện.

• Tuổi tâm lý, tính theo khả năng đối phó với khủng hoảng, mâu thuẫn, sự căng
thẳng trong đời sống, hay thích ứng với mọi sự thay đổi bất ngờ.

Nếu áp dụng công thức này cho một người đã sống đến 80 năm (tuổi thời gian), có
tình trạng sức khỏe của một người sống 70 năm (tuổi thể chất), có mức độ hoạt
động của một người sống 60 năm (tuổi xã hội), và có khả năng ứng phó của một
người mới sống 50 năm (tuổi tâm lý), thì tuổi trung bình của người này sẽ là
(80+70+60+50) : 4 = 65 tuổi (Neo Years), nghĩa là tuổi chính xác của người này
chỉ mới 65 chứ không phải là 80 theo cách suy nghĩ thông thường.

Một số điều sau đây luôn ẩn chứa những hiểm họa bất ngờ mà người cao tuổi cần phải lưu tâm đề phòng:

1/ Không nên tập luyện vào lúc sáng sớm. Ta vẫn có quan niệm cho rằng
tập luyện vào buổi sáng là tốt vì không khí trong lành. Điều đó không đúng. Vì
từ 4-6 giờ sáng theo quy luật của đồng hồ sinh học (biological clock) của người
già thân nhiệt đang cao, huyết áp tăng, thận thượng tuyến tố cũng cao gấp 4 lần
buổi tối, nếu vận động mạnh, chạy hoặc đi bộ nhiều gặp gió lạnh, tim dễ ngừng
đập. Đã có không ít cụ đi bộ buổi sáng sớm về ra mồ hôi, tắm xong huyết áp tăng
đột ngột, đứt mạch máu não, đột quỵ luôn. Tốt nhất là nên tập vào chiều tối,
tuy không khí không được thanh sạch như sáng sớm nhưng an toàn hơn nhiều.

2/ Đang ngủ không nên trở dậy vội vàng. Thần kinh người già thường chậm
chạp. Lúc ngủ muốn dậy đi tiểu hoặc có ai gọi đang ở tư thế nằm mà trở dậy
ngay, đi lại luôn dễ làm huyết áp tăng đột ngột, dễ dẫn đến đứt mạch máu não.
Vì vậy, đang ngủ khi có việc cần dậy phải từ từ theo 3 bước, mỗi bước khoảng
nửa phút. Bước 1 khi tỉnh giấc hãy nhắm mắt lại nằm thêm nửa phút. Bước 2, ngồi
dậy tại giường nửa phút xoa tay, xoa chân. Bước 3, cho hai chân chạm đất hoặc
chạm nền nhà nửa phút rồi mới đứng dậy đi.

3/ Không nên ngoái đầu một cách đột ngột. Người già mạch máu thường xơ
cứng, thành mạch dày hẹp và đàn hồi kém. Nếu đột nhiên quay ngoắt đầu về phía
sau, mạch máu ở cổ bị chèn ép, động mạch vốn đã hẹp bị chèn ép lại càng hẹp hơn
cộng thêm thần kinh giao cảm bị kích thích mạnh làm mạch máu co lại, máu lưu
thông chậm làm não thiếu máu cục bộ, thiếu ôxy nên bị choáng, hoa mắt, chóng
mặt.

4/ Không nên quá ngửa cổ về phía sau. Có lần một ông cụ đã về hưu, sức khỏe tốt, khi ăn tối xong ngồi nghỉ trên ghế tựa có lẽ do mỏi cổ nên ông đã ngửa cổ về phía sau hơi quá nên bị xỉu luôn. Khi con cháu biết thì nửa người bên phải của ông đã bị liệt, nước mũi nước dãi chảy ròng ròng và không nói được nữa, phải đưa ngay vào bệnh viện.
Trường hợp này là do gần mạch máu nơi cổ có nhiều đốt xương, bình thường giữa
các đốt có chất nhờn bôi trơn nhưng về già chất bôi trơn kém đi, các đốt xương
trở nên sắc cạnh. Khi ngửa cổ ra phía sau quá giới hạn cho phép, phần xương sắc
cạnh đó làm tổn thương đến mạch máu, hạn chế lượng máu đưa lên não gây ra thiếu
máu não làm ngất xỉu. Vì vậy, người già khi ngồi ghế tựa không nên ngửa cổ quá
mức về phía sau.

5/ Không nên thắt dây lưng quá chặt. Vùng bụng quanh dây lưng là nơi gần dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng và hậu môn. Dây lưng mà thắt chặt quá sẽ chèn ép các mạch máu bụng, cản trở máu lưu thông, đoạn trực tràng gần hậu môn có thể dễ bị lòi ra ngoài khi đi đại tiện mà ta thường gọi là lòi dom. Dây lưng thắt chặt, dạ dày, ruột non luôn ở trạng thái chịu sức ép ảnh hưởng xấu đến tiêu hóa. Vì vậy, không nên thắt
chặt dây lưng và tốt nhất là dùng dây đeo quần qua vai, tiếng Pháp gọi là Bretel. Bình thường ở nhà chỉ nên mặc quần ngủ lồng thun, không nên mặc quần Tây cứ phải thắt dây lưng làm bụng luôn bị gò bó.

6/ Khi đi đại tiện không nên rặn quá mức. Táo bón là hiện tượng thường gặp ở người già. Tâm lý khi đi đại tiện không ai muốn ở lâu trong nhà vệ sinh nên thường muốn rặn mạnh để đi cho nhanh nhưng nếu rặn quá sức, mặt mũi đỏ gay rất nguy hiểm. Các khảo nghiệm về y học đã cho biết khi rặn mạnh dễ giãn tĩnh-mạch ở hậu môn gây chảy máu nhưng điều quan trọng hơn là huyết áp sẽ tăng có thể dẫn tới tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Để đỡ phải rặn khi đi ngoài, người già cần ăn nhiều rau quả, chuối, khoai, uống nhiều nước để chống táo bón.

7/ Không nên nói nhanh, nói nhiều. Một số nhà khoa học Mỹ phát hiện khi chúng ta nói chuyện bình thường dù chỉ là chuyện vui nhẹ nhàng, các tế bào trong cơ thể vẫn chịu tác động và ảnh hưởng tới huyết áp. Thử nghiệm khoa học với 100 người mỗi người đọc 2 trang tài liệu với tốc độ nhanh chậm khác nhau. Kết quả cho thấy người đọc tốc độ vừa phải thì huyết áp, nhịp tim bình thường. Người đọc nhanh quá, đọc liến thoắng thì lập tức huyết áp tăng, nhịp tim tăng nhưng khi đọc thong thả trở lại, huyết
áp, nhịp tim lại giảm xuống. Qua đó chúng ta thấy người già nên nói ít, nói
chậm thì có lợi cho sức khỏe. Những cụ nào bị bệnh tim mạch, bị huyết áp
càng phải nói chậm, nói ít.

8/ Không nên xúc động. Đối với người già mạch máu đã lão hóa nếu xúc
động mạnh, quá giận dữ hoặc quá vui dễ bị nhồi máu cơ tim và đứt mạch máu não.
Do đó, người già không nên xúc động, tránh mọi sự tức giận, buồn phiền mà cần
sống thanh thản, hòa nhã, vui vẻ, bỏ qua hết mọi chuyện, ảnh hưởng đến tâm lý,
sức khỏe.

Bạn nghĩ thế nào khi có thể giảm rủi ro bị bệnh tim, tăng sức mạnh, giữ được vẻ
trẻ trung lâu dài chỉ trong vòng một thời gian ngắn. Thực vậy, muốn có một sức
khoẻ tốt thì cần có thời gian, nhưng không đến nỗi lâu như bạn tưởng. Bạn không
cần phải làm những điều thường được khuyên như tập thể dục 30 phút mỗi ngày và
ngủ đủ 7 tới 8 tiếng mỗi đêm.

1/ Chống ung thư (fight cancer): Ăn trái cây với cả vỏ (nhưng hãy coi chừng trái
cây TQ thường ngâm tẩm formol đấy!). Vỏ trái táo đem lại nhiều lợi ích. Theo
các thí nghiệm mới đây thì trong vỏ trái táo đỏ (Red Delicious Apple) có hơn 10
hoá chất ngăn chặn sự phát triển của ung thư vú, gan, và kết tràng. Giáo sư Rul
Hai Liu thuộc Đại học Cornell cho rằng vỏ các loại táo khác cũng rất tốt. Để
tránh nhiễm độc của thuốc trừ sâu, nên mua táo hữu cơ (nhất là tránh mua táo
Tàu).

2/ Dùng những thuốc dinh dưõng bổ sung cho đúng. Uống đủ liều lượng
vitamin D và calcium sẽ giảm rất nhiều rủi ro bị ung thư vì theo giáo sư Joan
Lappe thuộc Đại học Creighton “Vitamin D tăng cường hệ miễn nhiễm trong cơ thể
và chống ung thư rất tốt“. Da có thể sản xuất vitamin D nhờ ánh nắng mặt trời,
nhưng các nhà khoa học cho biết là tốt nhất nên uống thuốc vitamin D bổ sung để
bảo đảm có đủ vitamin này trong cơ thể (1,100 IU là đủ và an toàn).

3/ Làm chậm lão hoá (slow aging): Hít dầu thơm Lavender hay Rosemary.
Mùi thơm của Lavender (oải hương) giúp bạn ngủ ngon giấc vào ban đêm. Lavender
cũng rất tốt cho bạn vào ban ngày. Theo nghiên cứu mới đây, một số phụ nữ tình
nguyện hít dầu thơm Lavender hoặc Rosemary (Oải hương hoặc Hương thảo) nguyên
chất trong 5 phút. Kết quả cho thấy là mức hormone cortisol trong nước bọt giảm
24 %. Điều này rất tốt vì cortisol là hormone gây căng thẳng tâm thần, làm tăng
huyết áp và hủy hoại hệ miễn nhiễm. Hơn nữa, những người hít nước dầu thơm
Lavender (oải hương) có nồng độ thấp hoặc nước dầu thơm Rosemary (hương thảo)
có nồng độ cao sẽ thải được dễ dàng hơn các gốc tự do tức là những phân tử làm
tiến trình lão hoá và bệnh tật tăng nhanh.

4/ Cắt giảm cholesterol (cut cholesterol). Thí nghiệm  tại Đại học Pennsylvania cho thấy là nếu ăn 1½ ounce (hoặc một nắm) pistachios mỗi ngày thì sau 4 tuần cholesterol toàn phần giảm trung bình 6,7 % và cholesterol xấu (LDL) giảm 11,6%. Lợi ích chính của sự suy giảm này là rủi ro bị bệnh tim sẽ giảm theo (nếu mức cholesterol toàn phần giảm đươc 7 % thì rủi ro bị bệnh tim giảm 14 % ). Theo giáo sư Penny Kris-Etherton trưởng nhóm nghiên cứu thì pistachios là nguồn cung cấp tốt nhất các sterol thực vật tức là những hợp chất có tác dụng hấp thụ cholesterol. Cũng nên biết là 1 ounce pistachios chứa 100 calori, vì vậy nên bớt dầu giấm (dressing) hoặc nên ít dùng bơ hay dầu và rắc thêm pistachios lên trên sà-lách. – Dùng mật lúa
mạch thay vì dùng đường. Mật lúa mạch (buckwheat honey) cũng có những lợi ích
khác, như làm chậm sự oxy- hoá của chất LDL (cholesterol xấu) bởi vì khi
cholesterol xấu này bị oxy-hoá thì nó sẽ tạo những mảng (plaque) lắng đọng lên
thành mạch máu.

5/ Làm dịu các cơn bừng nóng (cool hot flashes). Thở thật sâu. Theo 3 nghiên cứu mới nhất thì thở đằng bụng thật sâu và chậm, có thể giảm nhịp độ bị các cơn bừng nóng xuống phân nửa. Lý do bị các cơn bừng nóng, một phần là vì estrogen giảm, nhưng các  nhà nghiên cứu cho rằng tinh trạng căng thẳng thần kinh có phần trách nhiệm trong đó vì nó khởi kích hệ thần kinh giao cảm. Cách giải quyết là thở thật sâu
để thúc đẩy hệ thần kinh đối giao cảm tăng hoạt phản ứng thư giãn của cơ thể và
nhờ thế mà nhịp tim sẽ chậm lai, cơ bắp sẽ thư giãn, và huyết áp sẽ giảm. Bạn
hãy ngồi thoải mái trên một chiếc ghế, thở thật sâu, hít vào đằng mũi. Thở ra
đằng miệng. Nhắm mắt lại để khỏi bị phân tâm… Giữ làm sao cho bụng ấn vào thấy
mềm– như vậy bụng có thể lên xuống theo mỗi nhịp thở.

6/ Giữ cho mắt được tinh tường (keep your vision sharp). Ăn một quả
trứng hoặc cà rốt cũng tốt. Nghiên cứu cho thấy “trứng” là nguồn tốt nhất để
cung ứng chất chống oxy hoá carotenoid bổ cho mắt. Lutein và zeaxanthin là hai
chất carotenoid chủ yếu đối với mắt vì chỉ có hai chất này là có bổ dưỡng cho
phấn vàng của võng mô mắt. Trứng không chứa nhiều lutein và zaxanthin bằng các
rau có lá xanh đậm, nhưng theo giáo sư Elizabeth Johnson thì cơ thể hấp thu các
chất chống oxy hoá này từ “trứng” dễ dàng hơn. Bạn đừng e ngại là mức
cholesterol sẽ tăng nếu ăn trứng bởi vì ăn một quả trứng mỗi ngày tăng lượng
lutein trong máu lên 26% và zeaxanthine lên 38 %, mà không làm tăng mức
cholesterol hay triglycetride.

7/ Tránh đừng để bị viêm (reduce dangerous inflammation) Ăn một tô ngũ cốc nguyên hạt. Nhóm Iowa Women’s Research Group đã quan sát khoảng 42 ngàn phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh trong vòng 15 năm đã báo cáo là những phụ nữ ăn từ 11 khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt trở lên mổi tuần sẽ có ít nguy cơ bị chết vì những xáo trộn do viêm gây ra so với những người ăn ít hơn (xáo trộn do viêm gây ra là những bệnh có liên hệ tới chứng viêm mãn tính kể cả tiểu đường, hen suyễn và bệnh tim).

Theo giáo sư David R. Jacobs thuộc Đại học Minnesota thì “ngũ cốc nguyên hạt chứa những thành phần có hoạt tính sinh học của cây. Những gì giúp cho cây sống được thì cũng giúp cho người ăn cây đó sống được”. Các ngũ cốc nguyên hạt nên dùng, là oatmeal (bột yến mạch), brown rice (gạo lức), dark bread, whole grain breakfast cereal, bulgur, và popcorn (bắp rang)

8/ Rèn luyện sức mạnh cơ bắp (build muscle strength). Duỗi thẳng chân.
Nếu bắp thịt chân bị cứng thì bạn hãy duỗi thẳng chân ra. Làm như vậy bạn sẽ
không những cải thiện tính chất mềm dẻo mà con tăng cường sức mạnh của cơ bắp.
Thí nghiệm thực hiện trong 6 tuần lễ với 30 ngụời lớn bị cứng gân hố khoeo
(hamstrings) chứng tỏ là nếu luyện tập co duỗi chân 5 ngày một tuần thì sẽ làm
bắp thịt bớt cứng và gia tăng tầm hoạt động.

9/ Tăng chất chống oxy hoá (boost antioxidants). Thêm trái bơ (avovado)
vào sà-lách. Rau (vegetable) đều không có chất béo, nhưng chúng ta lại cần chất
béo trong bữa ăn để hấp thu các chất carotenoid chống ung thư. Trong môt thí
nghiệm tại Đại Học Ohio , một số người tình nguyện đã ăn salade có avocado lát
mỏng hoặc không có avocado. Thử máu cho thấy là những người ăn avocado có một
lượng lutein cao gấp 5 lần, alpha carotene gấp 7 lần và beta carotene gấp 15 lần.
Ăn trái sung (figs, figues) phơi khô. Các trái cây sấy khô chứa nhiều chất
chống oxy hoá — đặc biệt là trái sung và trái mận (plums). Một nhúm trái sung
khô (lối 1 ½ ounce, lối 42 gr) tăng khả năng chống oxy hoá lên 9 % gần như gấp
đôi so với một tách trà xanh. Ăn sà-lách trái cây. Một hỗn hợp cam, táo, nho,
và blueberries có sức mạnh chống oxy hoá gấp 5 lần so với khi chỉ ăn có một
trong những thứ trái cây ấy mà thôi. Các thành phần dùng để trộn sa-lách trái
cây sắp theo thứ tự độ chứa phenol là việt quất (cranberries), táo, nho đỏ,
dâu, dứa, chuối, đào, cam và lê. (Phenol là một loại hoá chất thực vật có thể
giảm rủi ro bị bệnh mãn tính).

10/ Giữ nụ cười lành mạnh (keep your smile healthy). Hãy hôn thắm thiết
người bạn tình. Theo bác sĩ nha khoa Anne Murray thuộc Viện Academey of General
Dentistry, nụ hôn làm tiết nước bọt trong miệng và như vậy các vi khuẩn làm sâu
răng sẽ bị tiêu diệt. Nếu chẳng may bạn chẳng có ai … để mà hôn thì hãy chịu
khó dùng loại kẹo “gơm” (gum) không đường có chứa xilytol.

11/ Bảo vệ da dày chống vi khuẩn ( protect your stomach from bugs). Vặn
thấp nhiệt độ tủ lạnh. Nếu nhiệt độ trong tủ lạnh cao hơn 40 độ F (lối 3,5 °C)
thì thức ăn trong tủ lạnh sẽ bị hư vì các vi khuẩn bắt đầu nhân bội. Tại Hoa Kỳ
mỗi năm có trên 75 triệu người bị đau vì thức ăn nhiễm khuẩn và số người chết
lên tới 5000. Vì vậy tủ lạnh phải có bộ phận điều nhiệt để giữ cho nhiệt độ đủ
thấp.

12/ Ngăn ngừa chứng đau đầu (prevent headache). Hãy ngẩng đầu lên. Bác
sĩ Roger Cady, phó chủ tịch hội National Hedache Foundation, nhận định “tư thế
của đầu là một trong những yếu tố có liên quan tới đau đầu được ít người biết
tới nhất”. Một trong những tư thế có hại là “chúi đầu về phía trước” ( forward
head posture, FHP). Nếu cổ bạn cúi về phiá trước, bạn sẽ phải ngước đầu lên để
nhìn, điều này có thể làm các dây thần kinh và cơ bắp ở phiá dưới sọ đầu bị đè
ép. Tư thế FHP này thông thường xẩy ra khi làm việc với máy điện toán. Bác sĩ
Colleen Baker thuộc Headache Care Center, Springfield, MO, đưa ra những khuyến
cáo

sau đây nhằm giúp bạn giữ cho đầu thẳng mỗi khi sử dụng máy điện toán:

– Tưởng tượng có một sợi dây buộc vào đỉnh đầu và kéo lên trên.

– Kiểm điểm định kỳ xem tai của bạn có ở ngay phía trên vai hay không.

– Sắp đặt để máy điện toán nhắc nhở bạn lặp lại hai điều trên đây sau mỗi nửa tiếng đồng hồ.

13/ Giữ cho trí óc minh mẫn. Uống 2 tách trà xanh mỗi ngày. Nghiên cứu
cho thấy trà xanh điều hoà mức cholesterol và có thể giảm rủi ro bị ung thư.
Các nhà khoa học còn nhận định trà xanh bảo vệ chức năng nhận thức. Và càng
uống nhiều trà xanh thì càng tốt. Một nghiên cứu tại Nhật trên 1000 người ở
tuổi trên 70 cho thấy những người uống 2 tách trà xanh mỗi ngày đạt đươc thành
quả tốt khi làm một số trắc nghiệm về khả năng trí óc (kể cả trí nhớ). Có thể
còn có ảnh hưởng lên sự minh mẩn tinh thần, chẳng hạn như sự giao tiếp với bạn
bè trong khi nhâm nhi tách trà. Phải chăng chính nhờ vào điều này mà tỷ lệ sa
sút trí tuệ (dementia) kể cả Alzheimer tại Nhật thấp hơn so với Hoa Kỳ, vì
người Nhật thường hay uống trà xanh.

Có người đã nói: “Đừng để chết vì thiếu hiểu biết”. Thực ra đã có rất
nhiều người chết vì thiếu hiểu biết kể cả những người còn trẻ.

Qua kinh nghiệm cuộc sống và qua tham khảo các tài liệu y học mới nhất, ước mong sẽ giúp các bậc cao niên sống lâu, sống khỏe, sống vui, … và tăng thêm nhiều tuổi thọ. ST

Anh Nguyễn Hương Thành gởi

Mì ăn liền

Mì ăn liền
(phía Bắc gọi là Mì Tôm)
Thiếu dinh dưỡng
Mặc dù sau mỗi lần ăn mì ăn liền, bạn cảm thấy rất no, nhưng thực chất, cảm giác no này là do carbohydrate đem lại. Mì ăn liền chỉ chứa nhiều năng lượng chủ yếu từ chất béo và tinh bột. Dùng nhiều mì ăn liền không những khiến bạn có nguy cơ bị mất cân
bằng dinh dưỡng, thiếu chất xơ, vitamin, chất đạm, khoáng chất… mà lại còn có
nguy cơ béo bụng do tiêu thụ quá nhiều tinh bột.

Tiện lợi và ngon miệng, mỳ ăn liền đã trở thành một phần của lối sống hiện đại nhưng kèm theo nó là các vấn đề về sức khỏe như ung thư, suy dinh dưỡng…
Bệnh tim mạch
Thường xuyên dùng mì ăn liền, bạn có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quỵ cao hơn bình thường. Nguyên nhân nằm ở thành phần chất béo có trong hầu hết các loại mì ăn liền. Loại chất béo này là transfat và chất béo bão hòa, chúng vô cùng có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với những người cao
tuổi hay người có tiền sử bệnh tim mạch.
Tiện lợi và ngon miệng, mỳ ăn liền đã trở thành một phần của lối sống hiện đại nhưng kèm theo nó là các vấn đề về sức khỏe như ung thư, suy dinh dưỡng…
Hư thận, hại xương
Một thành phần có mặt trong mỗi gói mì ăn liền mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra chính là muối. Mì ăn liền thường được ướp rất nhiều muối, với lượng muối cao như vậy, khi ăn, bạn đã vô tình làm hại thận, thậm chí dùng nhiều có thể gây sỏi thận.
Ngoài ra, mì ăn liền cũng chứa đầy phosphate, một chất giúp cải thiện mùi vị thức ăn. Tuy giúp bạn ngon miệng nhưng chất này lại khiến chúng ta dễ bị loãng xương, mất xương, răng cũng yếu dần đi nếu dùng nhiều.
Ung thư
Đã có nhiều nghiên cứu đánh giá sự độc hại của mì ăn liền, với các thành phần phụ gia như màu thực phẩm, quá nhiều muối, chất béo bão hòa… Và hầu hết các nghiên cứu đều kết luận mì ăn liền có khả năng gây ung thư nếu ăn nhiều trong thời gian dài.
Dị ứng
Trong mì ăn liền thường chứa một phụ gia gọi là “bột ngọt” (còn được gọi là mì chính,
là chất monosodium glutamate monohydrate = MSG), đây là loại phụ gia
tổng hợp mùi vị, khiến cho món mì trở nên ngon miệng hơn, kích thích vị giác
tối đa. Thế nhưng, trên thế giới cũng đã ghi nhận trường hợp dị ứng với MSG do
dùng nhiều mì ăn liền. Các triệu chứng bao gồm:
– Cảm giác nóng rát ở ngực, lưng và tay
– Buồn nôn, khó thở, uể oải
– Đau đầu, đau ngực
– Tim đập nhanh, khó thở, chóng mặt
– Bị tê tay chân.
TTVN
Thứ năm, 01/09/2011
Mì ăn liền có tốt cho sức khỏe?
Mì ăn liền, thường được gọi là “mì tôm”, thực chất chẳng có con tôm, miếng thịt nào hoặc nếu có thì chỉ là hình vẽ hoặc chút nước vỏ tôm.
Thành phần mì ăn liền:
– Bột mì (98 – 99%), có khi trộn lẫn một ít bột ngũ cốc khác hay khoai củ.
– Gói bột nêm mà chủ yếu là muối, mì chính (MSG) rất mặn.
– Gói sa tế (dầu cọ + gia vị tỏi, tiêu…) hoặc gói hành phi.
– Dầu mỡ để chiên mì (thường là shortening: loại acid béo trans).

Về mặt lợi ích:

Mì ăn liền được chế biến rất tiện lợi (chỉ cần chế nước sôi vào là có ngay tô mì vị thịt), thơm ngon, có thể nói ai ăn cũng thích, nhưng đó là vị giác của con người bị phỉnh
lừa bởi mì chính (bột ngọt) là chất có vị ngọt của thịt mà muốn cho có vị ngọt
thịt thì phải cho thêm thật nhiều muối (NaCl) nó mới tạo ra vị thịt.
Về giá trị dinh dưỡng
Mì ăn liền chủ yếu cung cấp chất bột từ bột mì và 9% chất đạm thực vật – cũng từ bột mì, nếu trộn khoai tây vào thì đạm rất kém (vì khoai tây chỉ chứa 1 – 2% protein thôi).
Protein động vật kể như không có (hình vẽ hoặc chỉ thêm mươi “viên thịt cỡ bằng hột tiêu” trong gói hành phi!).
Giá trị dinh dưỡng của mì ăn liền là không cân bằng vì thiếu đạm động vật và sinh tố từ rau quả tươi. Chẳng những thế mà mì ăn liền còn rất mất cân bằng vì lượng bột ngọt và muối quá nhiều!
Nếu bạn ăn hết tất cảnhững gì trong một gói mì ăn liền, kể cả gói bột nêm và nước dùng thì cả buổi sau đó bạn có thể “bí tiểu” mà không hay! Bí tiểu thì cơ thể không được giải độc, nếu ăn mì tôm thường xuyên thì bạn sẽ bị ngộ độc vì ít đi tiểu…
Cái nguy hại nhất thường có trong mì ăn liền là chất béo trans. Đó là các dầu thực vật được hydrogen hóa mất các nối đôi ở vị trí trans nên chúng trở nên “trơ”, nghĩa là
không bị oxy hóa (ôi dầu) khi mì được tồn trữ lâu ngày. Vì thế đa số các loại mì tôm đều được chiên bằng chất béo trans, còn gọi là “bơ thực vật” như shortening, margarin…
Chất béo trans (trans fat) có cái lợi là ở thể rắn có thể dùng như bơ và không bị oxy hóa, có lợi về mặt công nghiệp thực phẩm (dùng trong các loại fastfood như mì tôm, khoai tây chiên, các món “giòn giòn” (crackers), đậu phộng da cá, bánh mì kem, kem, các loại bánh ngọt có “bắt bông kem”…).
Nhưng chúng rất có hại về mặt sức khỏe người tiêu dùng vì nó làm tăng cholesterol xấu (LDL) và đồng thời cũng làm giảm cholesterol tốt (HDL) xuống gây xơ vữa động mạch (gây hẹp lòng động mạch) nên làm giảm sự lưu thông của máu.
Chất béo trans không thể được chuyển hóa hoàn chỉnh trong cơ thể mà “đọng lại” trong thành mạch thành khối xơ vữa, nếu dùng lâu ngày sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là xơ vữa động mạch nên rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng (Đến tuổi 40 trở đi, những người dùng nhiều acid béo trans sẽ bị thiếu máu cơ tim, tai biến tim
mạch).
Các nghiên cứu khoa học ở các nước Âu Mỹ đã chứng minh điều trên nên ngày nay họ đã có luật cấm dùng các chất béo trans trong thực phẩm hoặc phải ghi đầy đủ hàm lượng acid béo trans trong thực phẩm trên nhãn hiệu thực phẩm ấy để người tiêu dùng biết mà tránh.
Tóm lại, mì ăn liền
(mì tôm) là loại thức ăn nhanh, có thể được dùng theo như vai trò của nó là
dùng để ăn tạm “chữa cháy” khi thật cần thiết chứ không nên dùng thường xuyên
và khi dùng cũng nên đập thêm vào một quả trứng, thêm một ít rau tươi, và chỉ nên dùng 1/3 gói bột nêm trong đó mà thôi. Và ngành công nghiệp mì ăn liền cũng cần sản
xuất ra sản phẩm không có chất béo trans.
Theo DS. Phan Bảo AnKhoa học phổ thông
Sử dụng mì ăn liền
nhiều gây hại cho sức khỏe
30/08/2010 | 16:31:00
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tại buổi tọa đàm “Hiểu đúng về dinh dưỡng của mì tôm” do báo Khoa học và
Đời sống tổ chức ngày 30/8, các chuyên gia cho rằng, sử dụng mì ăn liền liên
tục và trong khoảng thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Không nên ăn mì thay cơm

Thừa nhận mì ăn liền là thức ăn rẻ và tiện lợi trong đời sống công nghiệp,
song Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Sửu (Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn vệ
sinh thực phẩm, thuộc Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam) cho
biết thành phần của mì ăn liền chứa nhiều chất béo bão hòa, chất bột và ít chất
xơ. Đáng chú ý, mì ăn liền có thành phần chất béo (Shorterning) từ 15-20%, chủ
yếu là dạng axit béo no (axit béo bão hòa) là loại chất béo khó tiêu hóa. Ngoài
ra, mì ăn liền còn có chất béo dạng trans (Trans fat) nếu sản xuất shortening
theo phương pháp hydrogen hóa. Khi sử dụng mì ăn liền có chất béo dạng Trans sẽ
gây tăng mức cholesterol xấu trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ bị các bệnh tim
mạch. Do vậy ở các nước trên thế giới, trên nhãn sản phẩm mì ăn liền đều ghi
rất đầy đủ thành phần dinh dưỡng và axit béo bão hòa, axit béo dạng Trans, nếu
trên nhãn ghi Trans fat (0-2 gram) người tiêu dùng sẽ yên tâm sử dụng.
“Ngoài ra, trong gói gia vị của mì chứa nhiều chất phụ gia có tác dụng làm
ngon miệng. Song, những chất này cũng không có dinh dưỡng và còn cay nóng, gây
bất lợi cho người cao huyết áp hoặc có thân nhiệt cao,” bà Sửu nói.Về mặt dinh
dưỡng, mì ăn liền chủ yếu cung cấp bột và đạm thực vật. Do đó, mì ăn liền thiếu
cân bằng dinh dưỡng bởi thiếu đạm động vật và vitamin từ rau quả tươi. Bởi vậy,
không nên dùng mì ăn liền thay cho các bữa ăn chính hằng ngày vì nó chỉ cung
cấp nhiều calo chứ không cung cấp đủ vitamin hay protein cho cơ thể.
Phải công bố dinh dưỡng của sản phẩm

Hiện nay, trên các gói mì ăn liền, đa phần các nhà sản xuất chưa nêu cụ thể
giá trị dinh dưỡng của sản phẩm. Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó Viện
trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến nghị, các nhà sản xuất phải tuân thủ
nghiêm ngặt quy trình để làm ra thành phẩm. “Ngoài ra, trên bao bì cần công bố
giá trị dinh dưỡng của sản phẩm, phần trăm chất béo, hàm lượng muối, chất lượng
chất béo trong mì ăn liền để người dân chọn lựa” bà Mai nói.Thạc sĩ, Bác sĩ
Phan Hướng Dương, Phó Trưởng Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nội tiết) thì cho hay,
mì tôm là thức ăn nhanh, rẻ và tiện dụng. Tuy nhiên, nếu sử dụng mì ăn liền
thường xuyên và kéo dài sẽ gây hại cho sức khỏe. Bác sĩ Phan Hướng Dương còn
cho biết, hiện nay tỷ lệ béo phì của trẻ em thành phố gia tăng. Gần đây nhất,
ông đã khám và tư vấn cho một cậu bé mới 12 tuổi nhưng có cân nặng 62kg và cao
1m63. Bệnh nhân này đã bị bệnh đái đường tuýp 2.Ông Dương cho rằng, nếu các gói
mì đều ghi rõ hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm thì người tiêu dùng sẽ hoàn
toàn có thể lựa chọn xem có phù hợp với thể trạng của mình không trước khi sử
dụng. Nếu không, họ sẽ vô tình tự làm bệnh tình của mình gia tăng.Các nhà khoa
học cũng đưa ra kiến nghị cơ quan quản lý cần có những tiêu chuẩn rõ ràng đối
với mặt hàng mì ăn liền như hàm lượng chất béo, nhất là chất béo dạng Trans,
chất xơ… là bao nhiêu. Từ đó đưa ra các biện pháp quản lý chặt đối với các mặt
hàng không đúng quy định. Có như vậy các nhà sản xuất bắt buộc phải thực hiện
đúng việc sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và
có như vậy mới có trách nhiệm với người tiêu dùng.
Sử dụng mì ăn liền đúng cách

Để bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng mì ăn liền, các chuyên gia dinh dưỡng
cũng khuyến cáo cần bổ sung thêm rau xanh và các loại đạm từ thịt, trứng để bù
đắp lượng vitamin, chất xơ và protein thiếu hụt trong mì ăn liền.Thạc sĩ Lê Thị
Hải, Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh Dưỡng) đưa ra dẫn
chứng, có trường hợp bố của một cậu bé 7 tuổi đến nhờ bà Hải tư vấn bởi từ khi
biết ăn, cậu bé chỉ ăn mì ăn liền. Tuy nhiên, trong mỗi bữa ăn, gia đình cậu bé
luôn bổ sung thịt, trứng, rau vào mì ăn liền nên cậu vẫn đủ chất dinh dưỡng và
phát triển bình thường. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Sửu thì khuyên người tiêu
dùng cần phải tự bảo vệ bản thân bằng cách chọn mua các sản phẩm của các nhà
sản xuất có thương hiệu, nhất là các cơ sở đã áp dụng Hệ thống quản lý An toàn
thực phẩm theo tiêu chuẩn Quốc tế HACCP/ISO 22000./.
Trung Hiền
(29-1-2011)
NẤU MÌ ĂN LIỀN ĐÚNG CÁCH
CORRECT WAY OF COOKING INSTANT NOODLES
Thưa quý bạn, ai trong chúng ta cũng đã từng ăn mì gói ăn liền, nhưng mấy có ai biết ăn đúng cách? Theo kiểu Việt Nam chúng ta xưa nay là đổ nước vào mì rồi chờ cho mì chín 3 phút là ăn ngay, nhanh gọn. Đó là cách làm mì gói có hại sức khỏe cho bạn,
bạn hãy đọc bài dưới đây để thay đổi cách ăn sẽ thay đổi đời sống sức khỏe của
bạn càng sớm càng tốt vì “Sức khỏe là Vàng” “Sức khỏe là hạnh phúc an vui”.
Thường thì chúng ta nấu mì ăn liền bằng cách cho vào nước sôi, cho bột nêm vào và nấu khoảng 3 phút. Thế là mì sẵn sàng cho ta ăn.
Normally, how we cook the instant noodles is to put the noodles into a pot with water, throw in the powder and let it cook for around 3 minutes and then it’s ready to eat.
Đấy là cách SAI để nấu mì ăn liền.
This is the WRONG method of cooking the instant noodles.
Làm cách đó, khi chúng ta nấu sôi các gia vị mà trong đó bột ngọt là chính (MSG: Monosodium glutamate). Nấu thế sẽ làm biến dạng cấu trúc phân tử của bột ngọt biến chúng thành chất độc.
By doing this, when we actually boil the ingredients in the powder, normally with MSG, it will change the molecular structures of the MSG causing it to be toxic.

Một vấn đề khác là chúng ta có thể đã không biết là sợi mì ăn liền được phủ bởi một lớp sáp và cơ thể chúng ta phải mất 4 hay 5 ngày mới tiêu hoá hết phần sáp này (hèn chi ăn mì gói hay khó chịu bụng!)
The other thing that you may or may not realize is that, the noodles are coated with wax and it will take around 4 to 5 days for the body to excrete the wax after you have taken the noodles.

CÁCH ĐÚNG NHẤT LÀ: CORRECT METHOD:
1 – Luộc mì trong nồi nước sôi.
Boil the noodles in a pot with water.
2 – Khi mì đã chín đủ, lấy hết mì ra và đổ bỏ nước sôi.
Once the noodles is cooked, take out the noodles, and throw away the water which contains wax.
3 – Nấu nồi nước sôi mới, bỏ mì vô trở lại nồi nước sôi, tắt lửa.
Boil another pot of water till boiling and put the noodles into the hot boiling waterand then shut the fire.
4 – Sau khi tắt lửa, nước còn đang nóng, bỏ bột nêm vào.
Only at this stage when the fire is off, and while the water is very hot, put the ingredient with the powder into the water, to make noodle soup.
5 – Tuy nhiên, nếu muốn ăn mì khô thì lấy mì ra và trộn với bột nêm.

However, if you need dry noodles, take out the noodles and add the ingredient with the powder and toss it to get dry noodles.
Một số lớn bệnh nhân trong tuổi 18-24 ngã bệnh về lá lách như lá lách bị sưng hay nhiễm trùng vì đã thường xuyên ăn mì ăn liền… Nếu ăn mì ăn liền 3 lần trong mỗi tuần là có thể nguy hại cho cơ thể.
A large number of patient with the ages ranging from 18-24 years are ending up with pancreatitis either as a swelling or infection of the pancreas due to regular consumption of instant noodles… If the frequency is more than 3 times a week, then it is very hazardous…
Xin gởi E-mail/chuyển kiến thức này tới bạn bè và người thân để phòng bệnh.
Câu chuyện phụ đề: Có một vị người Phật tử thường đi tu học tại Tu Viện Hộ Pháp, Los Angeles, vị này có người bạn bên Canada. Cô bạn này vì muốn có một chiếc xe BMW để bản ngã thân mạng của cô ta ra đường không bị mặc cảm là thua kém với các cô bạn khác nên cô ta chỉ toàn ăn mì gói suốt 3 buổi luôn nhiều tháng để dành tiền trả góp cho chiếc xe mua thiếu của ngân hàng. Một thời gian sau 3 tháng cô bạn đã ngã bệnh vì sức khỏe đề kháng kém cộng thêm lá gan và lá lách đã bị hư hại nặng. Mặc dù bác sĩ đã tận tình chữa chạy, nhưng cô bạn đó vẫn không được cứu sống và cô ta đã chết để lại xe BMW cho ngân hàng và một bài học vô cùng quý giá cho chúng ta vì phải trả hết một mạng người.
Các bạn chớ có lạm dụng ăn mì gói nhiều, nếu ăn mì trong tô đã gói sẵn mà không tiện để nấu, thì các bạn phải nhớ rửa mì thật kỹ bằng nước sôi trước khi dùng, mai mốt quý vị lớn tuổi một chút thì sẽ biết tác hại sức khỏe của nó như thế nào, và khi ăn mì gói ăn liền phải biết nấu đúng cách như bài này đã chia sẻ. Mong thay và rất mong!

TRÍ NHỚ GIẢM SÚT PHẢI LÀM SAO?

TRÍ NHỚ GIẢM SÚT PHẢI LÀM SAO?

Bài viết của hai bác sĩ Mehmet Oz và Michael Roizen

Đôi lúc, bạn có cảm  giác mất trí nhớ tạm thời nên chẳng biết mình đang và cần làm gì? Càng lớn  tuổi, con người càng hay quên.

Đó là lý do bạn nên quan tâm, chăm sóc cho “bộ nhớ” của mình từ bây
giờ.

Trí nhớ và hoạt động trí tuệ nói chung là chức năng thần kinh cao cấp của con
người. Ở mỗi người, trí nhớ lại có những phương thức hoạt động phù hợp với
hoàn cảnh nghề nghiệp, gia đình, vị thế xã hội của họ.

Trí nhớ ngắn hay dài hạn đều phụ thuộc vào não bộ.

Người ta phân biệt hai loại trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Trí nhớ ngắn hạn là
khả năng lưu giữ những thông tin mới tiếp nhận trong vài giây, trước khi nó
được củng cố để giữ lại lâu dài. Trí nhớ dài hạn là quá trình lưu giữ các
thông tin tiếp nhận được và con người có thể nhớ tới chúng sau một thời gian.

Dù ngắn hay dài hạn, việc hình thành và duy trì trí nhớ đều trông cậy vào một
khu vực nằm sâu trong não bộ, gọi là vùng hippocampus. Bên cạnh nó là vùng
hạnh nhân (amygdala), tạo cảm xúc, in dấu những ký ức của mỗi người. Lớp
ngoài của võ não lưu giữ trí nhớ dài hạn ở những khu vực khác nhau nhờ những  loại hình thông tin đa dạng như ngôn ngữ, cử chỉ, cảm giác…

Để những vùng nói trên hoạt động hiệu quả, các động mạch nuôi não phải thông  suốt để não có đủ ô-xy, năng lượng, các chất dẫn truyền thần kinh không thiếu  hụt và các “khớp thần kinh” (synase) được bảo tồn.

Tuy nhiên, trong thực tế, những điều kiện đó dễ bị xâm hại do tác động của
nhiều yếu tố, khiến chúng ta sa sút trí tuệ, mất trí nhớ, bị bệnh Alzheimer,
Parkinson…

Những phương pháp cải thiện trí nhớ hiệu quả:

Kẻ thù nguy hiểm nhất của trí nhớ là stress. Trong gia đình cũng như ngoài xã
hội, mọi người đều chịu nhiều áp lực. Không ít người bị stress trầm trọng
khiến cơ thể phóng thích nhiều cortisol (hormone stress), làm tổn thương vùng  hippocampus.

Mặt khác, stress còn làm giảm, thậm chí mất tập trung. Ngoài ra, cortisol còn
thúc đẩy việc sản xuất insulin, ngăn không cho vùng hippocampus sử dụng đủ
đường huyết để não có năng lượng cho việc ghi nhớ. Hơn thế stress còn gây khó  khăn cho việc “truy cập” ký ức đã được lưu giữ.

Dưới đây là các cách giúp cải thiện trí nhớ.

1.Hóa giải stress bằng phương pháp thiền hay yoga.Đây là cách gỡ bỏ
các áp lực, làm trùng giãn tâm thần, tăng khả năng tập trung… Ngoài ra, bạn
có thể luyện tập thể lực ngoài trời như bơi lội, đi bộ, đạp xe, tập  aerobic… Hoạt động thể lực chính là biện pháp đốt cháy stress, vì chúng cho  tim tăng cung lượng máu tới não và các phủ tạng, khiến tinh thần phấn chấn,  sảng khoái.

2.Tập thể dục cho não bằng cách đọc sách, báo, lướt các trang web lành  mạnh và bổ ích. Đồng thời, bạn nên chơi các trò chơi trí tuệ như ô chữ,
cờ tướng (hoặc cờ vua), học ngoại ngữ hay chơi một loại nhạc cụ nào đó…
Cách này làm tăng lượng ô-xy tới não, thúc đẩy quá trình dịch chuyển từ bộ
nhớ ngắn hạn sang dài hạn.

3.Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, nhiều rau, trái cây, giúp
tăng cường các chất dinh dưỡng như lecithin (có trong dầu đậu nành, trứng,
lạc, mầm lúa mạch, gan), vitamin C (trong cam, chanh, rau, quả) và các
vitamin nhóm B (trong gan, thận, thịt nạc, sữa, yoghurt). Tất cả các chất này
hỗ trợ cho việc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh acetylchline.

Các a-xít béo omega-3 như DHA được coi là “thức ăn của não”.. Chúng
có nhiều trong các loài cá biển vùng nước lạnh như cá hồi, các trích… giúp
bù đắp một lượng đáng kể chất xám của não. Chất béo trong não làm thành các
màng tế bào và giữ vai trò quan trọng trong hoạt động sống còn của tế bào
não. Các nơ-ron thần kinh cũng rất giàu a-xít béo omega-3 còn giúp cân bằng
xảm xúc lành mạnh và tâm trạng tích cực ở người cao tuổi. DHA cũng là thành
phần chính của các “khớp thần kinh”.

Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy, các chất chống ô-xy hóa từ rau, trái
cây, các quả mọng (mâm xôi), khoai lang, cà chua, bông cải xanh, củ cải
đường, cam, nho, quả cherry, kiwi, gấc… làm giảm đáng kể nguy cơ suy giảm
trí nhớ di chứng trung hòa hoặc vô hiệu hóa các gốc tự do. Ngoài ra, các chất
chống ô-xy hóa còn cải thiện dòng chảy ô-xy qua cơ thể và não.

Với những người cao tuổi, chế độ ăn hạn chế năng lượng xem ra rất hữu ích. Họ
sẽ tránh được các nguy cơ thừa cân, béo phì, dẫn tới những bệnh mạn tính như
cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch… Chúng không những đe dọa khả  năng ghi nhớ mà cả sinh mạng người cao tuổi.

Não có chừng 50% nước cho nên bạn phải uống đủ nước (1.500-2.000ml mỗi ngày)  để thủy hợp (hydrate hóa) não dễ dàng. Thiếu nước hoặc mất nước nhẹ có thể  làm gia tăng hormone stress, khiến não bị tổn thương, giảm thiểu trí nhứ. Bạn  có thể uống nước sôi để nguội hoặc nước trà. Trong trà có nhiều chất tăng thư  giãn tâm thần, tăng sự lanh lợi, hoạt bát… Thế nhưng, bạn cần tránh uống  trà đặc vào buổi tối vì có thể dẫn đến mất ngủ.

Mỗi ngày, bạn nên uống một đến hay ly rượu vang đỏ. Chúng có tác dụng làm
giãn nở mạch máu. Các chất chống ô-xy hóa trong rượu còn bảo vệ tế bào não,
qua đó cải thiện trí nhớ của bạn. Tuy nhiên, không nên lạm dụng rượu vì uống
nhiều làm tăng cholesterol, nguy cơ xơ vữa động mạch và cản trở dòng máu tới
não. Các nghiên cứu của Đại học Harvard, Mỹ, đã chứng minh, người lạm dụng
rượu thường kém tập trung. Khi tham gia những thử nghiệm về nhận thức, họ kém  hơn hẳn những người uống rượu vang có chừng mực.

4.Phải tạo được giấc ngủ tốt để giúp não củng cố trí nhớ ngắn hạn
cũng như dài hạn. Nghiên cứ của Đại học Lubeck , Đức, đã cho thấy sự sáng tạo
và khả năng giải quyết vấn đề có liên quan mật thiết đến giấc ngủ đầy đủ của
mỗi người. Chứng mất ngủ hay chứng ngừng thở khi ngủ làm cho người ta mệt mỏi  nên không thể tập trung.

5.Kiểm soát tốt những căn bệnh mãn tính như cao huyết áp, đái tháo đường… cũng  là một giải pháp hữu hiệu để tăng cường trí nhớ.

6.Lối sống tích cực, lạc quan, cởi mở có tác động rất lớn trong  việc giảm thiểu nguy cơ trầm cảm, nhất là đối với phụ nữ tiền mãn kinh, mãn  kinh và những người lớn tuổi. Đồng thời, cách này còn cải thiện đáng kể trí  nhớ và các hoạt động trí tuệ nói chung. 

Bài viết của hai bác sĩ Mehmet Oz và Michael Roizen

Nguyễn Minh Tâm dịch

   

Sáu Bước Đơn Giản Để Giữ Đầu Óc Minh Mẫn

Phúc trình mới nhất của chính phủ cho biết rằng thuốc bổ (supplements), hay thuốc
chữa bệnh không giúp gì được cả trong việc ngăn ngừa bệnh Alzheimer, tức là
bệnh mất dần trí nhớ, bệnh lú lẫn. Đây là căn bệnh nhiều người già bị vướng
phải, giống như trường hợp của cựu Tổng thống Ronald Reagan.

Nhưng nếu chúng ta đọc thật kỹ phúc trình của chính phủ, để ý đến những dòng chữ nhỏ, chúng ta sẽ tìm thấy được nhiều thông tín hữu ích trong việc gìn giữ những tế bào chất xám trong đầu không bị lão hoá.

Sự thực được báo cáo này đưa ra cho chúng ta thấy là không có hồ sơ bằng chứng nào cho biết thuốc chữa bệnh, hay thuốc bổ đem lại ích lợi cho việc chống lại căn bệnh quái ác này. Nhưng ngược lại, phúc trình đó lại đưa ra những bằng chứng rõ ràng là nếu chúng ta chịu khó tập thể dục, tỏ ra năng động, ăn uống lành mạnh, giữ cho áp huyết thấp để máu có thể đưa lên não dễ dàng, chúng ta sẽ ngăn ngừa được bệnh mất trí nhớ.

Bản phúc trình không giải thích vì sao. Nhưng chúng tôi sẽ phân tích cho độc giả biết rõ: Không phải mọi hiện tượng mất dần trí nhớ- dementia- đều trở thành bệnh Alzheimer. Nhưng đầu óc của chúng ta trở nên cùn lụt khi lớn tuổi là do ảnh hưởng gộp của nhiều yếu tố khác nhau. Yếu tố chính là óc của chúng ta không nhận đủ máu đưa lên đầu, vì mạch máu bị tắc nghẽn, hay bị hở, gọi chung là vascular dementia..Trong cả hai trường hợp đều khiến cho trí nhớ của chúng ta trở nên yếu kém, sự suy nghĩ của chúng ta trở nên loạng quạng (fuzzy), hậu quả bởi việc óc của chúng ta không nhận đủ dưỡng khí (oxygen) và đường (blood sugar).

Nhiều bệnh nhân của căn bệnh Alzheimer không ít thì nhiều đều vướng phải tình trạng vascular dementia. Những trở ngại khi suy nghĩ mà các cụ già gặp phải phần lớn vì máu không đưa lên đầu dễ dàng. Chúng ta có thể ngăn ngừa những rắc rối này, hay sửa chữa những trục trặc đó bằng cách giữ cho mạch máu dẫn máu lưu thông lên não bộ đuợc thông tuông dễ dàng.

Phòng bệnh là biện pháp chúng ta nên làm sớm. Điều này có nghĩa là chúng ta cần làm những gì để giúp máu bơm lên đầu dễ dàng.

1- Mỗi ngày đi bộ, ít nhất 10,000 bước đi:Hoạt động thể lực giúp máu chạy đều lên óc. Phân bón tự nhiên cho não bộ chính là máu đưa lên đầu. Mỗi ngày ráng bước đi khoảng 10,000 buớc chân, bằng cách này hay cách khác để máu từ tim đi lên đầu. Các nghiên cứu khoa học cho thấy các cụ già trên 65 tuổi chịu khó tập thể dục ít
nhất ba lần một tuần tránh được một phần ba rủi ro vướng bệnh Alzheimer . Bạn
có thể làm một trong những hoạt động sau đây tùy theo sở thích của mình: Đi bộ,
Làm Vườn, hay Khiêu vũ.

2- Ăn thục đơn có nhiều rau và hoa quả như người Hy Lạp: Rau tươi, trái cây
tươi là thức ăn chính cho bộ óc. Trong hoa quả và rau có chứa chất “flovonoids” giúp tăng cường sức mạnh cho hệ thống ngăn ngừa độc tố. Trong một cuộc nghiên cứu nhóm đàn ông đàn bà thích ăn rau quả tươi, uống trà, cà phê, hay rượu nho, có nhiều chất flovonoids. Họ thường có não bộ hoạt động tốt hơn người không dùng rau quả tươi. Và sự suy sụp của não bộ tránh được tới 10 năm. Ngoài ra, nhiều cuộc nghiên cứu khác cho thấy mỗi tuần uống vài lần nước ép từ rau quả, sẽ giúp ngừa được 76% bệnh lú lẫn, hay mỗi ngày uống khoảng 900 mg thuốc bổ để thay thế rau, sẽ giúp tăng sự bén nhậy của trí óc, và giúp trẻ thêm được khoảng 3.5 tuổi.

3- Hay ăn thực đơn của dân Địa Trung Hải: ăn uống hàng ngày giống thực đơn của người Ý và người Hy Lạp, gồm có rau tươi, hạt đậu (grain), dầu olive, cá, và các loại hạt (nuts) sẽ giúp áp huyết giữ ở mức tốt.

Ăn theo kiểu dân Điạ Trung Hải sẽ giúp đầu óc minh mẫn sáng suốt tránh được bệnh Alzheimer khoảng 48%.

Cương quyết từ bỏ những thói hư, tật xấu như hút thuốc lá, và nghiện rượu. Thuốc lá chứa độc tố rất hại cho não bộ, vì thế người hút thuốc lá có nhiều rủi ro bị Alzheimer hơn người không hút thuốc đến 80%.

4- Đừng uống rượu mạnh quá độ. Đa số những người nghiện rượu đều vướng vào bệnh Alzheimer. Đàn bà chỉ nên uống rượu tối đa mỗi ngày một ly thôi. Đàn ông đuợc uống tới hai ly. Uống một chút  rượu có lợi cho việc gìn giữ tế bào chất xám. Nhưng uống nhiều quá lại gây nguy hại cho đầu óc, 25% người bị bệnh mất trí nhớ dính líu đến nghiện rượu.

5- Ráng duy trì huyết áp ổn định ở mức thấp: Huyết áp cao có thể làm cho mạch máu trên đầu bị hở hay đứt. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế nói rằng huyết áp cao là nguyên nhân của 50% trường hợp gây ra lú lẫn, hư trí nhớ. Chúng ta hãy ráng duy trì huyết áp ở mức thấp – lý tưởng là 115/75 – bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục hàng ngày, giữ trọng lượng thân thể thấp, đừng để lên cân, béo mập. Nên theo dõi mức đường trong máu. Bệnh tiểu đường, hay thậm chí sắp sửa bị tiểu đường cũng là dấu hiệu báo trước có thể bị hở mạch máu đầu, gây ra bệnh lú lẫn. Bệnh tiểu đường dễ làm các mạch máu nhỏ bị hở, và chảy máu trong não.

6- Tránh đừng để bụng phệ: Vòng bụng ở tuổi trung niên to báo hiệu trước có thể bị vướng bệnh lú lẫn khi về già. Cuộc nghiên cứu theo dõi 6,000 người đưa ra kết quả cho thấy cái bụng phệ rất hại cho động mạch chính dẫn máu về tim, và máu lên đầu. Vì thế cho nên chúng ta nên cố gắng duy trì vòng bụng dưới 35 inches cho các bà, và dưới 40 inches cho các ông.

Chỉ có một bộ phận nên gìn giữ cho to lớn. Đó chính là não bộ của bạn..

Nguyễn Minh Tâm dịch theo S.F Examiner

__._,_.___

Những nguy cơ sức khỏe khi bước qua tuổi 30

Những nguy cơ sức khỏe khi bước qua tuổi 30

Theo Tienphong

Khi bước vào ngưỡng tuổi 30, bạn cần chú ý tới việc chăm sóc sức khỏe không chỉ cho bản thân mà còn cho nửa kia của mình nhiều hơn.

Bởi vì cả hai đều phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng nếu không duy trì một lối sống lành mạnh và tích cực. Dưới đây là những căn bệnh bạn có thể mắc phải khi ở độ tuổi 30.

Những nguy cơ sức khỏe khi bước qua tuổi 30 1

1. Ung thư cổ tử cung

Bạn có biết rằng đây là một trong những bệnh có nguy cơ mắc cao
nhất ở phụ nữ độ tuổi 30 – 40? Vì vậy bạn cần kiểm tra sức khỏe định kì để sớm
phát hiện các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời.

2. Tiểu đường týp 2

Gần 20% nam giới và phụ nữ trên 30 tuổi mắc bệnh tiểu đường týp 2.
Tiểu đường là một bệnh nghiêm trọng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bạn.
Phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tiểu đường týp 2 là duy trì cân nặng hợp
lí, ăn uống khoa học và hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Những nguy cơ sức khỏe khi bước qua tuổi 30 2

3. Ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn chiếm tới 15% số các bệnh ung thư ở nam giới
trong độ tuổi 30 – 40. Vì vậy bạn hãy nhắc nhở nửa kia của mình khám sức khỏe
định kì hàng năm để phát hiện và ngăn chặn nguy cơ mắc căn bệnh này.

4. U sắc tố da

Nam giới và phụ nữ ở độ tuổi 30-39 vẫn có nguy cơ cao mắc u sắc tố
da. Ung thư da là một vấn đề nghiêm trọng. Để phát hiện u sắc tố da, bạn cần
chú ý tới sự xuất hiện của nốt ruồi và các dấu hiệu khác trên cơ thể. Nếu phát
hiện có sự thay đổi, bạn cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Khám da liễu hàng
năm cũng là một cách để bạn phát hiện bệnh sớm và phòng chống bệnh hiệu quả.

5. Ung thư đại tràng

Những nguy cơ sức khỏe khi bước qua tuổi 30 3

Nam giới ở độ tuổi 30 trở lên cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng. Tuy nhiên, bệnh này có thể chữa trị được nếu phát hiện sớm trước khi các triệu chứng phát triển. Vì vậy, bạn hãy khuyến khích anh ấy đi khám bệnh để sàng lọc ung thư đại tràng và cách giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

6. Ung thư vú

Phụ nữ trên 30 tuổi có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú rất cao. Nguy cơ mắc căn bệnh này phụ thuộc vào tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú ở tuổi dưới 40 tuổi. Cũng giống các bệnh ung thư khác, ung thư vú có thể chữa trị được nếu phát hiện sớm, vì vậy, hãy tự khám vú hàng tháng và đi khám ngay khi phát hiện có biểu hiện bất thường.

7. Bệnh tim

Bệnh tim là căn bệnh gây chết người số 1 ở nam giới trên 35 tuổi và ở phụ nữ nói chung. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tim mạch ở bất cứ độ tuổi nào. Bạn cần kiểm tra huyết áp thường xuyên và nồng độ cholesterol 5 năm/lần. Đồng thời, cần duy trì lối sống lành mạnh để cải thiện sức khỏe trái tim của bạn.

8. Béo phì

Bạn không nên quá lo ngại vì béo phì chỉ là một trong nhiều nguy cơ sức khỏe trầm trọng ở lứa tuổi 30. Để giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì ở độ tuổi trên 30, bạn cần tạo cho mình thói quen ăn uống khoa học và một lối sống năng động

XẢ . . .STRESS

XẢ . . .STRESS

(không phải uống thuốc)

Bs. Đỗ Hồng Ngọc

Không có stress có lẽ con người cũng không thể tồn tại. Thế nhưng, vượt ngưỡng đến một mức nào đó thì con người cũng…không thể tồn tại, bởi chính stress gây ra nhiều thứ bệnh về thể chất và tâm thần, nên rất cần biết cách “xả” stress trong cuộc sống đầy căng thẳng, âu lo hiện nay.

Stress là một phản ứng bảo vệ, khi cơ thể bị một mối đe dọa, mối nguy hiểm xảy đến cho nó. Người ta gọi nó là phản ứng (hay đáp ứng) “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (fight or flight response), nghĩa là  trong tình huống đó, chỉ có hai cách để chọn lựa: chiến đấu để sinh tồn hoặc bỏ chạy để… sinh tồn!

Lúc đó, cơ thể phải huy động toàn lực để đối phó. Não thùy sẽ ra lệnh tiết các kích thích tố cần thiết, nào adrénaline, nào norepinephrine, cortisol…ồ ạt đổ vào máu. Tim đập nhanh để bơm máu về các cơ bắp lớn, phổi hổn hển tăng tốc bơm oxy, đường huyết vọt lên cao nhằm tăng cường khẩn cấp năng lượng, đồng tử mắt nở to để nhìn cho rõ, tai vểnh lên, mũi phồng ra… Tóm lại, mọi thứ đều phải trong tư thế sẵn sàng. Trong lúc các mạch máu lớn chuyển máu đến các bắp cơ thì mạch máu nhỏ ngoại biên co thắt lại, để nếu có bị thương thì máu cũng không bị mất nhiều… Vì thế mà người bị
stress thường mặt mày tái ngắt, xanh lè, tay chân đơ cứng!

Stress cấp tính có những phản ứng mạnh hơn ta tưởng. Một người đang đứng trước chuồng cọp, thấy cọp sổng chuồng thì… phân, nước tiểu tóe ra mà không hay, tay chân bủn rủn, ngất xỉu. Nguy cơ qua đi, hiểm họa chấm dứt thì mọi thứ lại trở về trật tự cũ. Tim đập chậm lại, hơi thở điều hòa, bắp cơ buông xả. Nếu sự đe dọa không mãnh liệt nhưng cứ dồn dập, hết lớp này tới lớp khác, đến một lúc vượt quá mức chịu đựng gọi là “mất bù” thì sẽ tạo ra những hiệu ứng âm thầm gây tác hại không lường được lên thể chất và tâm thần của ta.

Thời đại ngày nay, con người ít có dịp chiến đấu một mất một còn trước thú dữ hay trước “hòn tên mũi đạn” như xưa. Nhưng con người ngày nay lại phải thường xuyên đối đầu với những “hòn tên mũi đạn” còn nguy hiểm hơn, kiểu “bề ngoài thơn thớt nói cười / bề trong nham hiểm giết người không dao”. Stress vượt qua ngưỡng lúc nào không hay và dẫn tới vô số bệnh tật mà bác sĩ cũng phải bó tay, đành gắn cho những cái tên mơ hồ như “rối loạn chức năng”, “mệt mỏi kinh niên”, “rối loạn thần kinh thực vật”… Đại học Y khoa Harvard ước tính có từ 60%- 90% bệnh nhân (ở Mỹ) tìm đến bác sĩ là do stress.

Stress liên quan đến rất nhiều bệnh lý như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tiểu đường, suyễn, đau nhức kinh niên, mất ngủ, dị ứng, nhức đầu, đau thắt lưng, một số bệnh ngoài da, ung thư, tai nạn thương tích, tự tử, trầm cảm, giảm miễn dịch v.v… Tóm lại là rất phức tạp. Bác sĩ nếu không quan tâm đúng mức – đau đâu chữa đó – thì chỉ chữa đựơc triệu chứng bên ngoài còn cái gốc sâu thẳm bên trong là stress vẫn không đựơc giải tỏa, bệnh vẫn cứ luẩn quẩn loanh quanh , chuyển từ “bệnh” này qua “bệnh” khác, và do đó, chất lựơng cuộc sống bị giảm sút rõ rệt! Nhiều khi ta tưởng
cholesterol xấu tăng cao trong máu là do thức ăn, nhưng không phải, do stress
nhiều hơn! Tiểu đường tưởng do ăn nhiều chất ngọt, thực ra do stress nhiều hơn.
Ta thấy đời sống càng căng thẳng, bệnh tiểu đường càng phát triển mạnh!. Ở nước
ta mới mấy năm trước, tiểu đường chỉ lai rai, bây giờ thì… “năm sau cao hơn năm
trước”, lan tràn cả ở thành thị lẫn nông thôn! Các nghiên cứu trên thế giới
cũng cho thấy vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, người làm việc ở những khu vực
dễ bị sa thải thì chết vi tim mạch, tai biến mạch máu não cao gấp đôi các khu
vực khác…!

Stress thay đổi từ người này sang người khác. Cùng một sự việc, với người này thì nổi điên lên còn với người kia chỉ là một trò cười, với người này là cả một sự sụp đổ, với người kia là một bài học… Cùng là con ông bà “viên ngoại họ Vương”, cùng “sắm sửa bô hành chơi  xuân”, mà Thúy Kiều thì khóc sướt mướt, thở than, nằm mộng, làm mười khúc đoan trường đầy nước mắt trong khi Thúy Vân ngạc nhiên sao chị mình “kỳ cục” vậy! Hẳn là bên trong Thúy Kiều có cái gì đó khác với Thúy Vân, bởi bên ngoài thì cả hai đều “mười phân vẹn mười” cả!

Người dễ bị stress là người thường có tính quá lo lắng, cầu toàn, hay tự chỉ trích, thiếu quyết đoán, hay do dự… Nếu bị thêm sức ép từ bên ngoài thì dễ suy sụp, dễ bị vượt ngưỡng! Nhiều học sinh học giỏi mà thi rớt cho là “học tài thi phận” một phần chính là do stress! Gia đình kỳ vọng nhiều quá, tạo một áp lực vô hình, khiến em không còn là chính mình nữa!

Những dấu hiệu sớm để nhận biết stress là có vấn đề về trí nhớ như hay quên, mất định hướng, thường hoang mang…

Về cảm xúc thì dễ dao động, bứt rứt, dễ bị kích động, tâm tính bất thường, hay cáu gắt, lúc nào cũng có cảm giác bị tràn ngập, rất khó tìm được sự thư giãn. Trong lúc nghỉ ngơi mà vẫn cứ lo lắng, thậm chí còn lo lắng nhiều hơn!

Các triệu chứng về thể chất dễ nhận ra như nhức đầu, đau lưng, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, chóng mặt.. Đặc biệt đau cột sống cổ hay cột sống thắt lưng. Cứ tưởng là loãng xương, là gai cột sống, là thoát vị điã đệm gì gì đó, thực ra gốc ở stress.

Người bị stress dễ bị bệnh vặt, cảm cúm triền miên vì sức đề kháng giảm sút đáng kể, dễ bị mất ngủ, tức ngực, tim đập nhanh và … dễ nổi mụn, nổi chàm trên da. Không có gì ngạc nhiên vì ở trong phôi thai, não và da vốn cùng xuất phát từ một lá mầm ngoai bì (ectoderme). Não mà bất an thì da cũng nhăn nhúm, nổi mụn, nổi chàm, chữa hoài không khỏi, thoa mỹ phẩm đắc tiền cũng vô ích. Não mà an vui thì da cũng tưoi nhuận, hồng hào, sáng láng.

Người bị stress còn hay có những hành vi bất thường như tự dưng thèm ăn, ăn hoài, lên cân đột ngột; hoặc bỗng nhiên bỏ ăn, sụt ký đột ngột…

Có người còn đi qua đi lại, đi tới đi lui, cắn móng tay, nhai nhóp nhép. Các huần luyện viện bóng đá, ông nào cũng hay đi qua đi lại, đi tới đi lui, nhai nhóp nhép “sinh-gom” hoặc phì phèo thuốc lá liên tục giữa lúc hai đội bóng vờn nhau trên sân. Họ bị stress. Nhưng đó là một thứ stress cấp, coi căng vậy mà hiền, chóng qua, hết trận đấu là xong, lại bắt tay nhau vui vẻ! Còn cái thứ stress nhai nhóp nhép kiểu “gặm một khối căm hờn trong cũi sắt”… mới là thứ stress nặng, mạn tính, triền miên, sinh đủ thứ
chuyện.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Nguyên tắc là đừng tự đòi hỏi mình phải luôn hoàn hảo, phải luôn luôn đúng!

Cũng đừng bao giờ so sánh mình với người khác. Con vịt là con vịt mà con gà là… con gà. Con gà mà dại dột so với con vịt thì sẽ chìm nghỉm trong nước! Lục súc tranh công không thể nào vui đựơc! Một khi đã so sánh thì dù hơn, dù kém, dù ngang bằng cũng đều khổ!

Nên tránh những kẻ chuyên “phun” nọc  độc! Họ rất sung sướng khi “tiêm” được nọc độc cho kẻ khác. Tránh những kẻ nhỏ mọn, đố kỵ, “đâm bị thóc, thọc bị gạo”

Bói ra ma quét nhà ra rác, dị đoan mê tín… làm ta căng thẳng lo lắng vô lối. Một lời nói, một cử chỉ của thầy thuốc cũng có thể gây stress trầm trọng không ngờ. Bác sĩ vừa xem phim X quang vừa lắc lắc cái đầu đủ cho bệnh nhân thót tim, nhưng thực ra chì vì bác sĩ mỏi cổ do cả đêm thức coi bóng đá. Bác sĩ chỉ cần “phán” một câu mơ hồ như tim hơi  lớn, gan hơi yếu, phổi hơi dơ… đủ cho bệnh nhân sống trong hoang mang ám ảnh dài lâu. Lời nói của bác sĩ không chỉ mang thông tin, mà còn truyền cảm xúc,
gây stress, bởi người bệnh luôn ở trong một trạng thái tâm lý rất nhạy cảm khi
tiếp xúc với thầy thuốc.

Có nhiều cách “xả” stress!

Nhậu nhẹt, hút thuốc lá, ma túy… cũng là một cách xả stress, nhưng rõ ràng là có hại, “chạy ô mồ mắc ô mả”!

Nhảy múa, ca hát, viết nhật ký, viết blog…. là những cách xả stress tốt. Nói chuyện tào lao (tám) cũng là một cách xả stress… , miễn là đừng có “chuyển lửa” từ người này qua người khác! Thực ra, nói ra đựơc với ai đó, một bạn thân thiết, một người có khả năng lắng nghe, một người sẵn sàng làm “thùng rác” cho mình thì mình sẽ cảm thấy nhẹ gánh! Không có bạn bè để tâm sự thì có thể tâm sự cùng tượng đá. Trải lòng ra một lúc, tượng đá cũng xiêu. “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” là vậy! “Chửi chó mắng mèo”, “Giận cá chém thớt” cũng được. Đập bể mấy cái ly cái dĩa… cũng hay! Có điều nên chọn trứơc một ít ly tách, chén dĩa mẻ, để dành sẵn, khi nào cần thì đập nghe
vừa rôm rã vừa đỡ tốn kém!

Nguyên tắc chung là phải làm một cái gì đó cho năng lượng bị dồn nén trong stress có chỗ “xì” ra, thoát ra.

Ta vẫn thường nói “xả xú bắp”, “xả hơi” đó thôi…

Tóm lại, đừng có ngồi đó mà gậm nhấm, suy nghĩ vẩn vơ. Giặt đồ, nấu ăn, rửa chén, lau nhà gì cũng tốt. Chạy bộ, đánh đấm, la hét, khóc lóc… cũng đựơc. Đọc sách, xem phim càng hay, miễn là biết chọn phim, chọn sách!

Thấy người chồng trằn trọc mãi không ngủ được, lăn qua lộn lại cả đêm, người vợ hỏi có chuyện gì vậy anh? “Anh mắc nợ anh John hàng xóm một số tiền, hẹn ngày mai trả mà không có một xu dính túi!”. Người chồng đau khổ nói. Lập tức bà vợ tung mền dậy, chạy ra bờ rào gọi với sang nhà hàng xóm: “Anh John ơi, ngày mai chồng tôi chưa có tiền trả cho anh đâu nhé!”. Xong, bà quay vào bảo chồng: “Anh yên tâm ngủ đi, bây giờ là lúc để cho anh John trằn trọc”. Cô vợ đã rất thông minh! Cô đã “chuyển
lửa” từ chồng mình sang … chồng hàng xóm. Chắc chắn anh John sẽ trằn trọc cho
tới sáng, còn ông chồng cô sẽ ngủ ngon!

“Chuyển” như vậy vẫn chỉ là ở bên ngoài. Chuyển bên trong hay hơn. Chuyện xưa kể bà mẹ già có hai cô con gái, một cô bán dù, một cô bán giày vải. Cô bán dù sống nhờ những ngày mưa, cô bán giày làm ăn khá nhờ những ngày nắng ấm. Bà mẹ lo buồn cho cô bán giày suốt những ngày mưa và đau khổ cho cô bán dù ngày nắng ráo. Có người biết chuyện khuyên bà sao không làm ngược lại, mừng cho cô bán dù ngày mưa và mừng cho cô bán giày ngày nắng?

Não ta có một đặc điểm lý thú là không thể cùng lúc nghĩ tới hai việc. Đã nghĩ điều này thì quên điều kia. Và người ta đã “lợi dụng” đặc điểm này để dịch chuyển các điểm tập trung trên võ não từ vùng này sang vùng khác. Chẳng hạn đang giận sôi lên thì… xảy ra động đất hay cháy nhà, lập tức vùng “giận sôi” của vỏ não tắt ngấm để nhường chỗ cho vùng sợ hãi! Ta biết giận dữ hay sợ hãi đều tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Nó
có thể làm ta kiệt sức, suy sụp, thở không ra hơi… Có thể chọn cách nào khác chuyển dịch hay hơn, có lợi cho sức khỏe hơn chăng?

***Có đó***.

Đó là cách thở sâu, thở bụng, đưa hơi xuống huyệt… đan điền (dưới rún chừng 4 cm). Nó giúp làm cho ta tĩnh tâm lại, nó chuyển dịch vùng căng thẳng ở vỏ não qua vùng êm ái của … cái rún, với điều kiện là phải để tâm quan sát xem cái hơi thở đó nó vào ra lên xuống ra sao.

Khi chú tâm vào hơi thở, lắng nghe  hơi thở , quan sát nó, dòm ngó nó, nghiền ngẫm nó… thì ta đã đánh “lạc hứơng” cảm xúc ta rồi! Vỏ não khi đã tập trung vào hơi thở thì “quên” tập trung vào các chuyện linh tinh khác.

Cách đơn giản này có khả năng giải stress rất tốt. Tập luyện đúng mức, não thùy sẽ tiết ra một kích thích tố gọi là endorphine, một thứ á-phiện nội sinh, làm cho dịu nhẹ toàn thân, tạo sự sảng khoái, lâng lâng, mà không gây tác dụng phụ.

Thiền, yoga, dưỡng sinh, tài chí, khí công… đều là những cách làm cho thân tâm hợp nhất, làm cho ta quay trở lại với chính mình bằng cách lắng nghe hơi thở của chính mình (có thể kết hợp với động tác hay không cần động tác) đó thôi. Hiện nay các kỹ thuật này ngày càng được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi ở các Trung tâm y khoa lớn trên thế giới để trị liệu các bệnh do stress gây ra, các chứng trầm cảm, tâm thần, lo âu, đau nhức…, kể cả nghiện rượu, thuốc lá, ma túy… một cách rất có hiệu quả.

BS Đỗ Hồng Ngọc