Thánh tử đạo Việt Nam Giuse Marchand Du

 

 

 “Sau khi quân lính cắt 1 dao đầu tiên trên trán cha, cha đã kêu thét thất thanh lên vì đau đớn, và đến nhát dao thứ 7 thì cha tắt thở.

Sau đó xác của cha quân lính đem về băm nát ra rồi thả trôi sông. “

Đó là lời kể của những người tín hữu sống gần ngôi mộ của vị Thánh tử đạo Việt Nam Giuse Marchand Du cũng là nơi pháp trường chỗ cha bị xử bá đao 30.11.1835 tại Huế vì giữ đạo Chúa.

Cái chết của Cha Marchand nêu cao mẫu gương hết lòng vì giáo dân, và là nạn nhân để các tướng giặc trút lên ngài mọi tội phản nghịch lại quốc gia. Song từ quan cho đến dân đều xác nhận ngài phải chết vì không chịu bỏ đạo, mặc dù hình khổ bá đao dành cho những người phản nghịch.

Cha Giuse Marchand sinh ngày 17-8-1803 tại làng Passavant, tỉnh Doubs, nước Pháp. Cha mẹ ngài làm nghề nông, giầu lòng đạo đức. Ban đầu cậu Marchand đã ước muốn làm linh mục, hay bắt chước cha xứ đọc kinh, dâng hương và khuyên giảng. Năm 18 tuổi, 1821, cậu Marchand vào trường Orsans để học sửa soạn làm linh mục và tháng 11-1823 vào Ðại Chủng Viện Besancon. Bạn học làm chứng rằng Thầy Marchand chỉ ước ao gần gũi thân mật với Chúa và các Thiên Thần, còn ngoài ra rất mực khiêm nhường, hơi nóng tính một chút nhưng rất chân thành. Cậu tập hãm mình, mặc áo nhặm và ban đêm ngồi ghế để ngủ.

Sau khi chịu chức Phó Tế, Thầy Marchand muốn vào chủng viện truyền giáo, nhưng cha sở cố sức ngăn cản: “Thầy nên ở lại quê nhà lo liệu cho kẻ có tội và cứng lòng tin trở lại cùng Chúa trước đaõ”.

Thầy Marchand trả lời: “Nếu phải lo cho những người mất đức tin trong nước Pháp trước đã thì sẽ chẳng bao giờ có thể đi làm tông đồ giảng đạo. Có ai ăn ở như thiên thần đâu. Hơn nữa Ðức Thánh Cha đã dậy nhiều người phải đi xa để giảng đạo, thì không có lẽ chối vì muốn giảng đạo cho người xứ sở mà thôi?”

Tháng 11-1828, Thầy Phó Tế Marchand từ giã làng mạc lên chủng viện truyền giáo Paris học tập công việc tông đồ mới. Sau 5 tháng, thầy được chịu chức linh mục và sai đi truyền giáo ở viễn đông. Ngày 24-4-1829 Cha Marchand rời Paris và đến Macao 19-10-1829. Sau cùng vào đầu tháng 3-1830 Cha Marchand tới miền Nam được đức cha cho ở nhà trường Lái Thiêu để học tiếng Việt và lấy tên là Du.

Trước tiên Cha Du sang làm việc với người Việt ở Nam Vang, nhưng không hợp thủy thổ, đức cha chỉ cho người về dậy học ở trường Lái Thiêu và thăm các họ đạo chung quanh. Trong thời kỳ cấm cách các thừa sai ở nhiều dễ bị lộ, đức cha muốn cho Cha Du về Pháp để dậy trường truyền giáo, song cha yêu thích làm việc truyền giáo hơn dù có phải chết cũng cam. Ðức Cha Taberd giao cho ngài coi bổn đạo ở Bình Thuận. Cha Du viết về nhà như sau: “Ðịa sở của con hơn 7.000 bổn đạo, chia làm 25 họ nhỏ cách xa nhau nhiều lắm. Ðể làm hết bổn phận sẽ không còn giờ nào rảnh. Từ 5 giờ sáng cho tới 9 giờ tối không được nghỉ một chút nào. Chính vì con muốn sang đây để làm những việc này nên con rất hài lòng. Chỉ có một điều là con không thể có mặt nhiều nơi một lúc để có thể giúp cho bổn đạo. Phần lớn thời giờ con phải đi ghe nên cũng khó gặp được các bổn đạo hay lương dân để dẫn đưa họ về đạo thật….”

Ngày 6-1-1833 Vua Minh Mệnh ra lệnh bắt đạo toàn diện, các cha phải trốn chạy, nguyên địa phận Ðàng Trong có hơn 300 nhà thờ, 18 nhà dòng phải tháo gỡ. Số giáo dân địa phận Ðàng Trong là 60.000 người do Ðức Cha Taberd cai quản với 9 thừa sai và 17 cha Việt Nam. Ðức cha đang ở Biên Hòa được lệnh quan đã cùng với các cha khác trốn đi. Chỉ có Cha Delamotte trốn ở xứ Quảng, Cha Brigol ở Bình Thuận và Cha Marchand ở Vĩnh Long. Ba cha khác đã bị bắt là Cha Jaccard, Gagelin và Odorico. Cha Du lưu lạc hết Cái Nhum đến Cái Mơn, Bãi San, Rạch Rập. Quan đầu tỉnh Vĩnh Long biết có cụ đạo Tây trốn thì bắt một thầy bói tên là Oai Cú chỉ chỗ. Quan bắt được Cha Ðiền tra hỏi thì cha cứ một mực nhận là Cha Tây nhưng quan không tin.

Trong thời gian chạy trốn có nhiều lần ngài nói tiên tri như ngày nào có loạn, người nào sắp làm quan…. Dân chúng rất tin ngài. Ngày 5-3-1833 cha tới Mặc Bắc. Nhưng lý trưởng ở đây không chịu chứa, cha phải vào rừng để lẩn trốn. Ban đêm lên nhà ngủ, ban ngày chạy trốn, cứ thế trải qua cho đến khi giặc Lê Văn Khôi nổi loạn tháng 7-1833 bắt giáo dân tìm cho bằng được cố Tây về Sài Gòn. Trong thời gian này cha viết thư cho Cha Regéreau ở Nam Vang: “Bây giờ chỉ có mình tôi ở giữa con chiên. Tôi quyết chí bảo bọc họ dầu có phải chết. Có mình tôi là thừa sai ở giữa đàn chiên Chúa giao phó lẽ nào tôi cũng trốn chạy đi, để con chiên bị bách hại một mình. Ước chi tôi có thể đi khắp bốn phương trời mà làm cho đức tin họ thêm kiên cường”.

Các ông trùm định tâm đem ghe chở cha sang Xiêm để quan khỏi bắt được mà làm khốn cả làng. Thấy họ, cha chỉ mặt nói: “Kìa quân dữ đến bắt cha, đuổi nó đi”. Các ông trùm sợ hãi khóc lóc xin tha lỗi. Khi về họ nói với nhau: “Quái! Tính thầm với nhau sao mà cố biết được”. Từ cuối tháng 7, quân của Lê Văn Khôi đã kiểm soát toàn Nam Kỳ nên giáo dân được tự do đến gặp cha. Cha Du lăn xả vào việc giúp đỡ phần hồn cho giáo dân chịu thiếu thốn vì cơn bắt đạo. Giặc Khôi muốn có cha Tây trong thành để việc chiến tranh vững chắc, nên bắt cha sở họ chợ Quán là Cha Phước cùng với quan bộ Hộ mang về Mặc Bắc để bắt Cha Du. Hôm ấy cha đang ở nhà Tham Học, quân của Lê Văn Khôi ập đến mời cha về Gia Ðịnh. Cha nói: “Tôi đi giảng đạo mà thôi, việc chiến tranh tôi không biết chi. Nếu Chúa sai tôi đi đánh giặc thì một mình tôi một tỉnh tôi cũng không sợ”. Quan Ðội Miêng thưa: “Tướng Khôi chia Công Giáo làm ba vệ và tin tưởng người tâm phúc, nếu cha không về ông ta sẽ giận mà chém đầu hết những người có đạo, ở trong thành bây giờ có đạo đông lắm”.

Sau cùng cha chiều theo họ mà đi. Cha về ở họ Chợ Quán với Cha Phước. Quân của Lê Văn Khôi có đến nhờ viết thư sang Xiêm hay cầu cứu người Anh, cha đều từ chối hết. Khi có tin quân triều đình bao vây, cha xin giáo dân chở về Mặc Bắc, song họ nói mọi ngả đều bị vây không có cách nào đi khỏi. Quân của Lê Văn Khôi lại bắt Cha Du lên voi mà đem vào thành Phiên An (Gia Ðịnh). Ngài chỉ khóc mà nói: “Xưa quân dữ bắt Chúa Giêsu, nay nó cũng bắt cha”.

Ngày 24-9-1834, cha viết từ đồn Sài Gòn một lá thư gửi Ðức Cha Taberd nói đến tình cảnh bị bắt buộc ở chung với 4.000 lính Bình Thuận làm phản triều đình. Cha đã từ chối không vẽ mẫu cờ Constantinô để đạo thánh không bị mang tiếng vì quân phản nghịch. Cha khuyên đức cha ở nguyên bên Xiêm, để một mình cha lao đao chịu trận, gánh đỡ mọi sự khốn khó của cơn bắt đạo và giặc giã. Ngày 8-9-1835 tức là sau hai năm vây hãm, triều đình hạ được thành Phiên An bắt được 1940 người, trong đó chỉ có 64 người lính Công Giáo. Tất cả đã bị phân thây chôn ở Chí Hòa gọi là mả ngụy. Cha Du và 4 người bị ghép tội phản nghịch nên bị đóng cũi chờ lệnh.

Các tướng triều đình đóng quân ở Thổ Sơn cho điệu Cha Du đến tra hỏi: “Cha đã tới bao lâu, làm những gì, tại sao lại có mặt ở trong đồn giặc?” – “Tôi ở trong nước đã lâu để rao giảng đạo Thiên Chúa. Ban đầu tôi ở miền dưới song họ đem tôi về Chợ Quán và bắt tôi vào trong thành”. – “Cha có làm gì giúp giặc không?” – “Tôi chỉ giảng đạo và biết có việc giảng đạo mà thôi”. – “Ông có vợ con không, giảng đạo là làm gì?” – “Là đọc kinh, làm lễ và dậy dỗ bổn đạo”. – “Ông có biết làm thuốc mê dụ dỗ bọn ngụy cho nó theo không?” – “Tôi chỉ biết có một việc giảng đạo mà thôi”.

Tại Gia Ðịnh, cha bị tra hỏi ba lần mà cha đều chỉ thưa có vậy. Ngày 15-10, quân lính và tù binh về tới kinh đô trong tiếng reo hò chiến thắng. Các tù nhân bị nhốt trong cũi, xếp một hàng dài ở trại Võ Lâm. Ngày hôm sau các quan tòa tam pháp tra hỏi Cha Du: – “Ngươi có phải là Phú Hoài Nhân (tên vua đặt cho Ðức Cha Taberd) không?”

– “Không”.

– “Ông ấy bây giờ ở đâu?”

– “Tôi không biết”.

– “Ngươi có biết ông ấy không?”

– “Tôi biết lắm nhưng đã lâu không gặp”.

– “Ngươi ở trong nước được bao lâu?”

– “Năm năm”.

– “Ngươi ở những đâu?”

– “Trước hết tôi ở Lái Thiêu, sau này tôi ở nay đây mai đó trong nhà nhiều người mà nay họ chết cả rồi”.

– “Ngươi có giúp Khôi làm giặc không?”

– “Không, ông Khôi cho quân đi bắt tôi đem về Sài Gòn. Việc chiến tranh tôi không biết gì, chỉ làm một việc là cầu nguyện cùng Chúa và làm lễ”.

– “Có phải ngươi viết thơ xin quân Xiêm và giáo dân Ðồng Nai đến giúp ngụy nữa không?”

– “Ông Khôi có bắt tôi viết thơ song tôi không chịu, và nói cho ông ta rằng đạo cấm làm chuyện chính trị. Tôi cũng nói thà chịu chết chứ không làm như thế được. Dù vậy ông Khôi còn đem mấy thơ đến bắt tôi ký tên vào nhưng tôi đã lấy mà đốt đi trước mặt ông Khôi”.

Lần tra khảo này Cha Marchand không bị đánh đập. Ngày hôm sau nữa quan lại hỏi các tướng nghịch. Những người này sợ tội nên đã đổ lỗi hoàn toàn cho Khôi đã chết và cho Cha Du. Họ bịa đặt ra là có đức cha xúi làm loạn để đưa An Hòa, là con của Ðông Cung (hoàng tử Cảnh) lên ngôi. Mấy tướng nghịch cũng đổ tội cho công chúa Kiên An là em của Minh Mệnh xúi dục khởi ngụy, và cho Thái Công Triều, trước theo giặc nhưng đã phản Khôi về hàng triều đình.

Ngày 17-10, quan cho đòi Cha Du đến công đường có bày sẵn các hình cụ và bắt nhận lời như bọn tướng nghịch đã khai. Cha Du cực lực chối bỏ. Cha bị tra tấn thật dã man: hai đứa kềm hai bên, một đứa khác vén quần lên cao để lộ hai bắp vế, một tên khác lấy kìm nung đỏ kẹp vào đùi bên trái. Mọi người nghe tiếng kêu xèo xèo và mùi khét phải quay mặt ra phía ngoài. Lý hình giữ nguyên kẹp cho đến khi nguội hẳn. Cha Du thét lên và ngất xỉu. Cách chừng nửa giờ sau quan lại hỏi nữa và bị kẹp đùi bên phải, thảm cảnh man rợ tái diễn làm Cha Du ngã xuống đất lần thứ hai. Cha vẫn một mực không chịu nhận tội làm giặc mà các quan ép buộc. Quan nói: “Thôi, tên này lớn gan lắm, để thủng thẳng bữa khác sẽ hay. Hãy đem về cũi giam lại”.

Cha còn bị tra hỏi nhiều lần khác song không bị kìm kẹp. Ðứa con lên 7 tuổi của Khôi cũng bị tra hỏi, nó cứ thật mà khai là Cha Du không có can dự gì vào chiến tranh, cũng chẳng làm những điều ông Khôi ép buộc. Không ép buộc được Cha Du nhận tội, các quan bắt cha phải bỏ đạo. Quan nói: “Ngươi chối hoài là không làm gì theo giặc thì thôi, nhưng ngươi không thể chối đã đến đây giảng đạo mặc dù ngươi biết có lệnh vua cấm. Tội này cũng đáng hình khổ nặng lắm. Nhưng nếu ngươi đành lòng bỏ đạo bước qua thập giá thì ta tha cho mọi hình phạt”.

– “Quan lớn rộng lượng như thế thì xin cám ơn, nhưng xuất giáo thì không bao giờ. Tôi thà chịu mọi hình phạt quái gở chứ chẳng thà chối Chúa như vậy”.

Các quan mặc sức chế nhạo và vu khống cho đạo như là làm thuốc mê, gian dâm với đàn bà…. Cha cực lực chối cãi: “Cái việc ấy chỉ là do những người ghét đạo bày đặt ra. Nếu đạo có như vậy thì còn ai dám theo?”

Các quan làm tờ trình như sau: “Năm Minh Mệnh thứ 15, tháng 9, ngày 13, chúng tôi, các quan tòa tam pháp theo lệnh hoàng thượng như sau. Tháng 5, năm vừa qua, chúng tôi xét xử vụ khởi loạn của Khôi ở thành Phiên An, trong số đồng phạm có linh mục Âu Châu tên là Du, cũng gọi là Marchand, đã theo tầu Trung Hoa đến nước năm Minh Mệnh thứ 12 tại cửa Cần Giờ, và trốn tránh tại Vĩnh Long và Biên Hòa để lén lút giảng đạo Gia Tô. Từ đó theo Khôi khởi loạn, liên lạc với kẻ thù của chúng ta là nước Xiêm và tập họp người Công Giáo trong thành…, đã bị bắt và dẫn giải về kinh đô giao cho chúng tôi xét xử. Sau đó chúng tôi đã mở cuộc thẩm vấn và thấy các câu trả lời của tội nhân vi phạm luật lệ quốc gia một cách trầm trọng. Chính tội nhân đã nhận tội lỗi. Vì thế tên đạo trưởng Âu Châu Du hay Marchand có hai tội không những không chịu đạp ảnh mà thực sự có dính líu đến nghịch tặc. Chúng tôi luận phải xử bá đao và phải bêu đầu. Sau khi nhận được lệnh vua, chúng tôi sai hai quan Lang Trung và Chủ cùng với 40 lính thuộc trấn phủ dẫn tù nhân Âu Châu Marchand đến nơi gọi là Trương Ðông, làng Dương Xuân, huyện Hương Toà để hành quyết và chặt đầu bêu như đã chỉ thị”.

Thừa Sai Delamotte và Marette thuật lại vụ hành quyết với nhiều chi tiết hơn: Cha Marchand bị giam tại trại Võ Lâm một tháng rưỡi chờ ngày Vua Minh Mệnh ra lệnh hành hình. Sáng 30-11, lễ Thánh Anrê, 7 phát súng đại bác đánh thức kinh thành Huế dậy đi chứng kiến vụ hành quyết có một không hai trong lịch sử. Các quan đến trại giam dẫn Cha Du, ba tên tướng nghịch và con của Khôi đến cửa Ngọ Môn cho Minh Mệnh thấy mặt. Lính túm ngực tội nhân mà dẫn đi như cách thức dẫn giải một tên phản nghịch, nhấn đầu xuống đất để lạy vua 5 lần. Minh Mệnh nhìn mặt rồi ném quạt xuống đất ra hiệu đem đi mà giết. Cha Du được dẫn đến đại sảnh nơi đô sát viện. Họ cởi áo cha, chỉ để lại một miếng khố nhỏ và một tấm vải ở cổ viết tên: “Ma-Sang danh Du”. Sau đó các tội nhân bị cột vào cây thập giá do 4 người lính khiêng đi đến nơi hành quyết. Tới tòa tam pháp, lính đem Cha Du vào trong trước mặt quan lớn. Hai tên lính ôm chặt hai ống chân kéo thẳng ra, 5 tên khác mỗi đứa một cái kìm nung đỏ kẹp vào 5 chỗ ở chân bên trái. Vì đau đớn quá Cha Du kêu lên: “Ôi cha ơi!” Quan sai lính đứng đàng sau 5 tên lý hình để thúc dục lý hình không được thương hại mà nới tay. Sau khi rút kìm ra, quan hỏi: “Vì lý do gì bên đạo móc mắt người chết?” – “Không bao giờ tôi thấy như vậy”.

Năm tên lý hình lại được lệnh mang kìm nóng kẹp vào chân phải. Mùi thịt cháy khét lẹt làm nhiều người bủn rủn chân tay. Kìm nguội rồi quan lại hỏi: “Tại sao nam nữ trước khi kết hôn đến trước mặt linh mục làm gì?”

– “Họ đến trước mặt linh mục để xin công nhận và toàn thể giáo dân chứng giám, đồng thời xin Thiên Chúa chúc lành”.

Năm mũi kìm nóng lại thi nhau đốt cháy da thịt của vị anh hùng tử đạo. Khi mùi khét và khói ngưng bốc lên, quan lại hỏi: “Trong nhà thờ các linh mục cho bổn đạo ăn thứ bánh quái gở gì mà họ trung thành đến nỗi chết?”

Cha Du phải gượng gạo trong hơi thở yếu ớt trả lời: “Không phải là bánh thường nhưng là Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng tôi, trở nên lương thực nuôi hồn…”

Những lời tra hỏi về đạo này làm chứng rằng Cha Du chịu hành hạ dữ tợn như thế là vì đạo mà thôi. Quan sợ cha chết chưa kịp thọ án nên ngưng tra khảo, và cho các tù nhân ăn uống. Cha Du không ăn gì, chỉ để hết tâm hồn cầu nguyện xin ơn chịu đau khổ cho đến cùng.

Sau khi các tù nhân ăn xong họ bị trói trở lại vào thập tự, miệng phải ngậm đá sỏi và khóa lại bằng tre để khi chịu đau kêu không ra tiếng. Khoảng chừng 100 lính theo lý hình ra pháp trường ở họ Thợ Ðúc. Tại đây có sẵn 5 cọc, lý hình cởi trói Cha Du khỏi thập giá và buộc vào cọc thứ hai, hai bên có hai lý hình, một người cầm kẹp, một người cầm đao, hai tên khác đứng gần để đếm miếng thịt lắt ra và ghi vào sổ. Sau hồi trống lệnh, lý hình xẻo trán Cha Du để che trước mắt, sau đó lấy kẹp mà lôi hai vú ném xuống đất. Lần lượt lý hình kẹp lôi thịt ở hai bên hông mà cắt vất xuống đất. Lúc ấy Cha Du không còn sức nữa, gục đầu xuống và linh hồn về với Chúa. Thấy cha đã chết, tên cầm đao túm tóc kéo đầu lên và chém đứt cổ, bỏ đầu vào thúng vôi. Lý hình xô xác cha xuống đất và tiếp tục cắt thân thể ra từng trăm mảnh, hết bổ dọc đến bổ ngang như một khúc cây. Vì Cha Du khắc khổ, chịu hành hạ nhiều nên không còn máu chảy ra. Khi xong xuôi tất cả, lý hình gom các miếng thịt vụn lại vào mấy thúng, rồi đem giao cho quan để vất xuống sông, còn đầu bỏ vào thùng đem đi khắp nơi trên toàn lãnh thổ. Ðầu Cha Du tới Hà Nội ngày 2-1-1836. Ði đến đâu người ta đều nghe một hơi lạnh ớn xương sống. Sau cùng đầu Cha Du được đưa về Huế bỏ vào cối xay nát và ném xuống biển. Không ai giữ được một di tích nào của vị thánh này.

AnnaTrang

Gx. Cần Giờ, DCCT

Hai thánh Simon và Giu-đê – Cha Vương

Hai thánh Simon và Giu-đê

Hôm nay Giáo hội mừng kính trọng thể 2 thánh Simon và Giu-đê, uớc mong bạn là một người dũng cảm với một quả tim nhiệt thành trong mọi lãnh vực. Mừng quan thầy đến những ai chọn các ngài làm bổn mạng nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 28/10/2022

THÁNH SIMON được tất cả bốn Phúc Âm nhắc đến. Trong hai Phúc Âm, ngài được gọi là “người Nhiệt Thành” (Zealot). Phái Zealot là một nhánh Do Thái Giáo, đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Do Thái. Ðối với họ, lời hứa cứu tinh trong Cựu Ước, có nghĩa là người Do Thái sẽ được tự do và có được một quốc gia độc lập. Chỉ có Thiên Chúa là vua của họ, nên việc nộp thuế cho người La Mã – là người đang đô hộ – được coi là xúc phạm đến Thiên Chúa. Chắc chắn rằng, một số người Zealot là miêu duệ tinh thần của người Maccabee, muốn tiếp tục lý tưởng tôn giáo và tranh đấu cho độc lập. Nhưng nhiều người trong nhóm họ cũng giống như quân khủng bố ngày nay. Họ lùng bắt để giết những người ngoại quốc và người Do Thái “cộng tác với địch”. Họ là những người chủ chốt trong vụ nổi loạn chống La Mã, và kết thúc bằng việc tiêu hủy thành Giêrusalem vào năm 70.

THÁNH GIU-ĐÊ (Jude) là một nhân vật được đề cập đến trong Phúc Âm theo Thánh Luca, cũng như trong Công Vụ Tông Ðồ Thánh Mátthêu và Thánh Máccô gọi ngài là Thadeus (Ta-đê-ô), có nghĩa là “người dũng cảm”.  Sau ngày phục sinh Ta-đê-ô hỏi Chúa Giêsu: “Vì sao Thầy tỏ cho chúng tôi và không cho thế gian?” Và Chúa trả lời cho ông rằng Ngài tỏ mình qua những ai yêu mến Ngài. Ngoài ra, ngài không được nhắc đến ở chỗ nào khác trong các Phúc Âm, ngoại trừ, khi kể tên các tông đổ. Các học giả cho rằng ngài không phải là tác giả của các thư Thánh Giu-đa. Thực ra, Giu-đê cùng tên với Giu-đa Ítcariốt (Judas Iscariot). Do đó, vì sự bất xứng của tên Giu-đa (bán Chúa), nên người ta đã gọi tắt là “Giu-đê”. Tương truyền sau đó cho biết người giảng đạo ở xứ Mesopotamia và đã chết vì đạo tại đó. Thánh tích của người hiện ở đền thờ Thánh Phêrô – Rome, Rheims và Toulouse nước Pháp. Người ta tôn kính Thánh Giu-đê như quan thầy “những hoàn cảnh thất vọng”. Trong kinh kính người có câu: “Lạy thánh tông đồ Giuđa Taddeo được cầu khẩn như vị trạng sư của những hoàn cảnh đau thương, gần như thất vọng, xin nghe lời những kẻ đang gặp khó khăn…”

        Có tương truyền khác cho rằng người chịu tử đạo cùng lúc với thánh Simon Tông Đồ tại Persia (Ba Tư). Cả hai cùng được mừng lễ kính chung trong một ngày. Hôm nay mời bạn hãy xin Chúa ban cho hai ơn:

(1) Ơn “nhiệt thành” để rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh,

(2) Ơn “dũng cảm” để minh chứng cho đức tin của mình trong một thế giới đang bị sa đọa.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Antôn Claret (1807-1870)-Cha Vương

Thánh Antôn Claret (1807-1870)

Tạ ơn Chúa đã cho bạn thức dậy để tận hưởng những kỳ công của Chúa. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Antôn Claret (1807-1870). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 24/10/2022

Người cha tinh thần của Cuba là một nhà truyền giáo, người sáng lập dòng, người cải cách xã hội, tuyên uý của hoàng hậu, nhà văn và nhà xuất bản, là đức tổng giám mục và cũng là người tị nạn. Ngài là người Tây Ban Nha mà vì công việc ngài đã đặt chân đến các nơi như quần đảo Canary, Cuba, Madrid, Paris và Công Ðồng Vatican I.

Thánh Antôn Claret sinh ngày 23 tháng 12 năm 1807 ở làng Sallent, tỉnh Catalonia, nước Tây Ban Nha. Ngài là con của một người thợ dệt. Trong khi làm thợ dệt cũng như vẽ kiểu cho một xưởng tơ sợi ở Barcelona, ngài dùng thời giờ rảnh rỗi để học tiếng Latinh và học cách in ấn: quả thật Chúa đang chuẩn bị ngài để trở nên một linh mục và nhà xuất bản tương lai.

Ðược thụ phong linh mục lúc 28 tuổi, vì sức khỏe yếu kém nên ước mơ trở nên một tu sĩ dòng Tên hay dòng Thánh Brunô không thành tựu, ngài đã trở nên một linh mục triều nổi tiếng về rao giảng ở Tây Ban Nha. Ngài dành 10 năm để đi giảng tuần đại phúc, và luôn luôn nhấn mạnh đến bí tích Thánh Thể và sự sùng kính Thánh Tâm Mẹ Maria. Người ta nói, chuỗi mai khôi không bao giờ rời khỏi tay ngài. Khi 42 tuổi, cùng với năm linh mục trẻ, ngài thành lập tu hội truyền giáo, mà ngày nay được gọi là tu sĩ dòng Claret.

Từ năm 1850 đến 1857, ngài được bổ nhiệm về làm tổng giám mục của giáo phận bị quên lãng từ lâu là Tổng Giáo Phận Santiago ở Cuba. Ngài bắt đầu cải cách bởi việc rao giảng không ngừng và giải tội. Dĩ nhiên ngài phải chịu nhiều chống đối cay đắng — phần lớn là vì ngài kịch liệt lên án vấn đề vợ lẽ và dạy giáo lý cho các người nô lệ da đen. Một tù nhân mà Cha Antôn chuộc ra khỏi tù đã được thuê mướn để giết ngài, nhưng ngài thoát chết và chỉ bị thương ở mặt và tay. Cũng chính Cha Antôn giúp người này thoát án tử hình. Ngài giúp thay đổi sự nghèo nàn của dân Cuba bằng cách giúp họ trồng trọt những thực phẩm khác nhau, cần cho thị trường. Ðiều này khiến các điền chủ tức giận, vì họ chỉ muốn dân chúng trồng mía để thu hoa lợi. Trong các văn bản về tôn giáo của ngài còn có hai quyển ngài viết khi ở Cuba: Suy Tư về Canh Nông và Lợi Nhuận Quốc Gia.

Ngài được gọi về Tây Ban Nha với một công việc mà ngài không ưa thích gì — làm tuyên uý cho nữ hoàng. Ngài đồng ý trở về với ba điều kiện: Ngài sẽ ở ngoài hoàng cung, ngài chỉ đến nghe nữ hoàng xưng tội và dạy giáo lý cho con cái họ, và ngài không bị dính líu gì đến sinh hoạt triều đình.

Cả cuộc đời Thánh Antôn, ngài chỉ mơ ước việc xuất bản sách báo Công Giáo. Ngài sáng lập Nhà In Công Giáo, một cơ sở xuất bản Công Giáo mạo hiểm kinh doanh ở Tây Ban Nha, và ngài đã viết cũng như xuất bản khoảng 200 cuốn sách lớn nhỏ.

Trong Công Ðồng Vatican I, ngài là người trung thành bảo vệ tín điều bất khả ngộ của đức giáo hoàng, ngài được sự thán phục của các giám mục bạn. Ðức Hồng Y Gibbons của Baltimore nhận xét về ngài, “Ðây thực sự là vị thánh.” Ngài mất ngày 24 tháng 10 năm 1870 tại tu viện dòng Xitô ở Fontfroide, Narbonne, nước Pháp  lúc 63 tuổi.

Đức Giáo Hoàng Pius XI đã ghi tên ngài vào sổ Các Đấng Đáng Kính ngày 06 tháng 1 năm 1926. Tám năm sau, ngài được tôn phong Chân Phước ngày 25 tháng 2 năm 1934. Và Đức Giáo Hoàng Pius XII đã nâng Chân Phước Antony Mary Claret lên bậc hiển thánh ngày 07 tháng 5 năm 1950.

Ðức Giêsu đã nói trước cho những ai muốn theo Ngài là họ sẽ bị bách hại như chính Chúa. Ngoài những cám dỗ trong đời, Thánh Antôn còn phải chịu đựng biết bao vu khống xấu xa đến độ tên Claret của ngài đồng nghĩa với nhục nhã và bất hạnh. Ma quỷ không dễ gì buông tha con mồi của chúng. Chúng ta không cần phải đi tìm sự bách hại. Tất cả những gì chúng ta cần là sẵn sàng chịu đau khổ vì đức tin chân thật nơi Ðức Kitô, chứ không phải vì những bất cẩn và tính khí bất bình thường của chúng ta. (Nguồn: Người Tín Hữu Online)

Châm ngôn và chương trình đời sống thánh Antôn Maria Claret là: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”. Mời bạn tập sống tinh thần của thánh nhân nhé.

From: Đỗ Dzũng

Thánh PHAOLÔ TỐNG VIẾT BƯỜNG

Giáo xứ Cần Giờ – DCCT

Đây là nơi Thánh PHAOLÔ TỐNG VIẾT BƯỜNG, Thánh tử đạo Việt Nam bị chém đầu. Hiện nay xác của Thánh Nhân được lưu giữ tại nhà thờ Phủ Cam Huế.

Hôm nay là ngày 23 tháng 10 ngày cũng là ngày tưởng nhớ cái chết vì đạo của Thánh nhân.

Thánh Tống Viết Bường sinh năm 1773 tại Phủ Cam, Giáo phận Huế ngày nay. Ngài là quan thị vệ của triểu đình Huế. Ngài có hai đời vợ và có tất cả mười hai người con. Ông nội và thân sinh của ngài là những người kính sợ Thiên Chúa, nhiều đời làm quan phục vụ Chúa Nguyễn.

Quan thị vệ Bường là một vị quan liêm chính, được thăng đến chức thị vệ hoàn cung và nhiều lần được vua Minh Mạng khen ngợi. Dù bận việc quân, quan thị vệ vẫn luôn nhớ bổn phận làm con Thiên Chúa trong việc sống đạo và giáo dục đức tin cho con cái.

Sau một lần đánh dẹp quân nổi loạn, quan quân kéo đến chùa Non Nước để tạ ơn trời phật, nhưng quan thị vệ Bường không tham gia vì ngài là người Công giáo. Sự việc đã đến tai vua Minh Mạng. Trước mặt vua quan, quan thị vệ Bường khẳng khái tuyên xưng đức tin Công giáo. Nhà vua tức giận hạ lệnh xử trảm. Nhưng vì có các đại thần can gián, vua truyền lệnh đánh 80 đòn, lột hết chức tước bổng lộc và đuổi về làm thứ dân.

Năm 1832, vua Minh Mạng duyệt xét danh sách binh lính Công giáo thì thấy thiếu tên thị vệ Bường, vì đã bị đuổi khỏi chức quan. Vua hạ lệnh bắt giam ngài vào Trấn Phủ.

Trong chốn ngục tù, bị xiểng xích và nhiều lần bị tra tấn, dụ dỗ bỏ đạo để được phục hồi chức tước, bổng lộc, nhưng ông đội Bường vẫn khăng khăng từ chối bỏ đạo và trung kiên chịu đựng nhục hình vì lòng yêu mến Chúa.

Khi được quan Thượng thư bộ hình Võ Xuân Cần khuyên bỏ đạo, thánh nhân khiêm tốn trả lời: “Quan lớn có lòng thương thì tôi đội ơn quan lớn, nhưng xin quan lớn để tôi được giữ trọn chữ trung với Đức Chúa Trời là Thiên Chúa tôi thờ”.

Vì quan thị vệ Bường có nhiều công lao với triều đình nên vua muốn cuộc xử án diễn ra âm thầm, tránh gây ồn ào trong dư luận. Án xử trảm được thi hành tại pháp trường Thợ Đúc vào buổi tối ngày 23/10/1833. Thi hài của thánh nhân được an táng trong cung thánh nhà thờ Phủ Cam.

Quan thị vệ Tống Viết Bường được tôn lên bậc chân phước ngày 27.05.1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19.06.198

AnnaTrang Gx. Cần Giờ DCCT

3 BÀI HỌC TỪ CUỘC ĐỜI CỦA THÁNH NỮ TÊRÊSA AVILA CHO NGƯỜI KITÔ HỮU HIỆN ĐẠI

3 BÀI HỌC TỪ CUỘC ĐỜI CỦA THÁNH NỮ TÊRÊSA AVILA CHO NGƯỜI KITÔ HỮU HIỆN ĐẠI

 Tác giả: Theresa Civantos Barber

Thánh Têrêsa là một nhà cải cách và một người lãnh đạo vĩ đại.  Cuộc sống và các tác phẩm của thánh nhân chứa đựng sự khôn ngoan lớn lao cho những người đi theo Chúa Kitô trong suốt nhiều thế kỷ. 

Có rất nhiều vị thánh đáng kính mang tên là Têrêsa – Mẹ Têrêsa Calcutta, Têrêsa thành Lisieux, Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá – đến nỗi vị thánh Têrêsa đầu tiên rất dễ bị bỏ qua.  Nhưng thánh Têrêsa Avila được gọi là “Têrêsa cả” vì lý do: Người nữ vĩ đại này đã sống đời thánh thiện và niềm xác tín mạnh mẽ mà những điều đó ghi dấu sáng ngời trong những trang lịch sử.  Cuộc đời phi thường của ngài mang lại nhiều bài học cho chúng ta hôm hay; dưới đây chỉ là một số ít trong đó. 

Hãy Cầu Nguyện Trước Rồi Mới Hành Động

Khi còn là một thiếu nữ, thánh Têrêsa đã bắt đầu cầu nguyện trong cuộc đối thoại suy niệm và chiêm niệm với Thiên Chúa, thường được gọi là “tâm nguyện”, và tình bạn của thánh nhân với Đức Kitô, cùng tình yêu sâu đậm dành cho Người đã theo đó mà triển nở.  Tuy nhiên, sau một lần bệnh nặng, thánh nhân đã ngưng cầu nguyện theo phương cách ấy, mà chỉ tham dự những giờ đọc kinh cộng đoàn trong hơn một năm, vì theo như tự truyện của mình, ngài đã thuyết phục bản thân rằng“kiềm chế cầu nguyện là một dấu hiệu của sự khiêm nhường lớn lao hơn.” 

Không ngạc nhiên gì, quyết định ngưng nguyện gẫm mang đến cho ngài sự đau khổ trong cảm xúc và tâm hồn.  Sau này, ngài đã gọi khoảng thời gian đó là “cám dỗ lớn nhất mà tôi gặp phải” và nói rằng“nó gần như hủy hoại tôi.” 

May mắn thay, thánh nhân đã tìm gặp được một linh mục dòng Đaminh thánh thiện và uyên bác làm cha giải tội cho mình, và vị linh mục ấy đã nhanh chóng giúp ngài trở lại.  Ngài đã không bao giờ rời bỏ tâm nguyện một lần nữa, và thúc giục mọi người thực hành tâm nguyện như một thói quen thường xuyên. “Những ơn lành mà một người thực hành cầu nguyện nhận được – ý tôi là tâm nguyện – đã được ghi nhận bởi nhiều vị thánh và người đạo đức… Và vì tình yêu của Thiên Chúa, tôi cầu xin bất cứ ai chưa bắt đầu cầu nguyện thì đừng bỏ lỡ một ân phúc lớn lao như vậy.” 

Những diễn giải của ngài về tâm nguyện đã trở nên những định nghĩa kinh điển cho việc thực hành thiêng liêng này.  Thánh nhân viết rằng tâm nguyện “không là gì khác ngoài sự giao tiếp thân tình, và thường xuyên trò chuyện cách riêng tư, với Đấng mà ta biết Ngài yêu thương ta.”  Tình bạn này là nguồn mạch của sự tốt lành vô hạn trong đời sống của một người và mang lại hoa trái thiêng liêng to lớn.  Ngài cam đoan với chúng ta: “Không ai xem Thiên Chúa là bạn mà không được thưởng.” 

Thánh Têrêsa đã để lại ảnh hưởng to lớn thông qua những cải cách thiêng liêng, những việc tốt lành và những tác phẩm, thậm chí ngài còn trở thành nữ tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên.  Tất cả những điều đó phát xuất từ cội nguồn sâu thẳm của tình bạn sâu sắc và mật thiết với Thiên Chúa.  Giống như rất nhiều vị thánh vĩ đại khác, cuộc đời của ngài cho thấy rằng những cố gắng trong việc tông đồ luôn phải bắt đầu và cắm rễ sâu trong cầu nguyện.  Hãy đặt cầu nguyện và chiêm niệm lên hàng đầu, và ơn gọi cũng như sứ vụ của bạn sẽ tự nhiên tuôn trào từ cội nguồn đó.

Hãy Sống Giữa Những Người Bạn Và Người Hướng Dẫn Tốt

 Một đề tài mà thánh Têrêsa đã lặp đi lặp lại trong tự truyện của mình là tầm quan trọng của việc gìn giữ những mối tương quan tốt lành và thánh thiện.  Thánh nhân nói về những người bạn và cả những cha giải tội đã đi vào cuộc đời của ngài tại những thời điểm khác nhau và dẫn ngài đến gần hoặc xa Thiên Chúa hơn.  Như một bài học có được qua những kinh nghiệm khó khăn, ngài viết:“Tôi đã học được ích lợi to lớn đến từ tình bạn tốt lành.”

 Thánh nhân đã nhận thức một cách sâu sắc sự tác động mà những người bạn có thể ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng của một người, đến nỗi ngài khuyến khích những người đang theo đuổi sự thánh thiện hãy cố gắng tìm kiếm những người bạn thánh thiện để cùng đi với họ trên cuộc hành trình đó – những người mà ngày nay chúng ta gọi là “người bạn cùng tiến.”

 Ngài viết: “Tôi muốn khuyên những người thực hành cầu nguyện, đặc biệt là lúc khởi đầu, hãy vun đắp tình bạn và mối tương giao với những người khác cùng ý hướng với mình.”  Đây là điều quan trọng nhất, không chỉ bởi chúng ta có thể giúp nhau bằng những buổi cầu nguyện chung, mà còn bởi nó mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích khác nữa.”

 Thánh nhân đã thấy sự ảnh hưởng của bạn bè như một yếu tố quan trọng đến nỗi trong tự truyện của mình, ngài dừng lại để gửi những lời khuyên đến các bậc cha mẹ của những thanh thiếu niên: “Nếu tôi phải khuyên nhủ các bậc cha mẹ, tôi sẽ bảo họ phải hết sức quan tâm đến những người mà con cái họ kết giao ở độ tuổi đó.  Nhiều điều tai hại có thể là kết quả từ mối quan hệ xấu và chúng ta tự bản tính có khuynh hướng làm theo những gì xấu xa, hơn là những điều tốt lành.”

Thanh thiếu niên đặc biệt nhạy cảm với áp lực từ bạn bè, bởi vì nhu cầu để được xã hội chấp nhận của họ ngày càng lớn, nhưng nguyên tắc trên vẫn đúng ở mọi lứa tuổi.

 Hãy Làm Cho Cuộc Sống Và Chính Bản Thân Bạn Trở Nên Nhẹ Nhàng 

Người ta nói rằng“các thiên thần bay vì họ khiến bản thân trở nên nhẹ nhàng.”  Cho dẫu tuyên bố này có thể bị nghi ngờ về mặt thần học, nhưng thực tế đúng là việc làm cho bản thân trở nên nhẹ nhàng là một dấu hiệu của sự thánh thiện, vì nó đòi hỏi sự khiêm nhường thật sự.

 Thánh Têrêsa rất có khiếu hài hước, nhất là khi nhận xét về bản thân và những ý tưởng điên rồ của mình: Thánh nhân thường đề cập đến chuyện đùa vui về điều này hay điều khác, và có lúc ngài viết: “Đôi khi tôi cười chính bản thân và nhận ra mình là một thụ tạo đáng thương.”  Sự khiêm nhường của ngài được thể hiện rõ khi ngài kể lại những hành động thiếu suy nghĩ của mình, hay khi liệt kê những lỗi lầm ngài phạm phải qua nhiều năm trong sự thật thà và không hề có ý tự cho mình là công chính.

 Làm cho bản thân trở nên nhẹ nhàng sẽ không giúp bạn bay được, nhưng chắc hẳn sẽ làm bạn cảm thấy vui vẻ và dễ chịu.  Quan trọng hơn, đó là một thái độ bắt nguồn từ sự hiền lành thánh thiện, và như Đức Kitô nói với những kẻ theo Ngài: “Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa là gia nghiệp.” (Mt 5,4)

 Sự hiền lành có thể không phải là điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến khi nhắc tới một nhà cải cách kiên cường như thánh Têrêsa Avila, nhưng hiền lành thật sự không có nghĩa là rụt rè hay chịu khuất phục.  Đúng hơn, nó ám chỉ sự tự chủ giữa nghịch cảnh, một phẩm chất mà thánh Têrêsa thể hiện xuất sắc khi ngài đã đương đầu với nhiều thử thách trong cuộc đời.

Những bài học trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng khi nói về sự khôn ngoan vượt thời gian trong những tác phẩm của thánh Têrêsa cả.  Để biết thêm, hãy xem 7 câu nói truyền cảm hứng cho cuộc sống từ các tác phẩm của ngài.

“Chỉ tình yêu mới mang lại giá trị cho tất cả mọi thứ.”

 “Thật ngu ngốc khi nghĩ rằng chúng ta sẽ vào thiên đàng mà không vào trong chính mình.” 

“Bạn ngợi khen Thiên Chúa bằng việc cầu xin những điều tuyệt vời nơi Người.” 

“Điều quan trọng không phải là nghĩ nhiều mà là yêu nhiều, và vì vậy, hãy làm điều khơi dậy tối đa tình yêu của bạn. 

“Vì cầu nguyện không gì khác hơn việc ở trong tương quan tình bạn với Thiên Chúa.” 

“Dưới ánh sáng của thiên đàng, thì sự đau khổ tồi tệ nhất trên trái đất cũng chỉ được xem là không nghiêm trọng hơn việc phải trải qua một đêm trong khách sạn thiếu tiện nghi.”

 “Tình yêu biến công việc thành sự nghỉ ngơi.” 

Tác giả: Theresa Civantos Barber
Chuyển ngữ: Ngọc Quí

From: Langthangchieutim

Chân Phước Marie-Rose

Chân Phước Marie-Rose

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay mời bạn đọc và noi gương sống của Chân Phước Marie-Rose để được mạnh mẽ trong đức tin nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 06/10/2022

Eulalie Melanie Durocher sinh ngày 6 tháng 10 năm 1811 tại Saint Antoine-sur-Richelieu, Quebec (gần Montréal) và là người con thứ 10 trong gia đình 11 người con. Eulalie được giáo dục kỹ lưỡng, và tinh nghịch như con trai, biết cưỡi ngựa. Khi lên 16 tuổi, Eulalie cảm thấy muốn đi tu nhưng buộc phải từ bỏ ý định này vì thể chất yếu ớt. Lúc 18 tuổi, mẹ Eulalie từ trần, người anh linh mục của Eulalie mời người cha và em mình đến sống trong giáo xứ của linh mục ở Beloeil, không xa Montréal là bao. Trong 13 năm, Eulalie phục vụ như một người quản gia và trở nên tông đồ giáo dân của giáo xứ. Ngài nổi tiếng vì sự tử tế, hay giúp đỡ, tế nhị và giỏi lãnh đạo; quả thật, ngài được gọi là “vị thánh của Beloeil.”

    Gia Nã Đại lúc bấy giờ mới được độc lập, còn rất hoang dã chưa được thuần hóa, Gia Nã Đại chỉ có một giáo phận trải rộng từ đông sang tây. Số dân Công Giáo lúc đó là nửa triệu và được thừa hưởng tự do tôn giáo cũng như quyền công dân từ Anh Quốc mới 44 năm trước đó. Khi Marie-Rose được 29 tuổi, Đức GM Ignace Bourget làm Giám Mục Montréal. Ngài là người có ảnh hưởng đến cuộc đời của chân phước Marie-Rose.

    Đức giám mục phải đối phó với vấn đề thiếu linh mục và nữ tu, phần lớn số dân quê không có học vấn. Cũng như các giám mục ở Hoa Kỳ, ngài sục sạo khắp Âu Châu để tìm sự giúp đỡ và chính ngài thành lập bốn tu hội và giao cho Marie Rose một sứ mệnh mới giúp thành lập tu hội các Nữ Tu của Danh Thánh Giêsu và Maria (Sisters of the Holy Names of Jesus and Mary) để dậy dỗ cho những người nghèo và trẻ con bị bỏ rơi năm 1843. Nữ tu đầu tiên và cũng là vị sáng lập là Mẹ Marie-Rose. Nhiều người khác cũng xin gia nhập vào Dòng của người phụ nữ có tấm lòng quãng đại, tin vào sự giáo dục cho trẻ con là quan trọng vì tình thương của Chúa. 

    Khi còn trẻ, Marie-Rose thường hy vọng là một ngày nào đó sẽ có tu hội của các sơ chuyên lo việc giáo dục trong mỗi giáo xứ, không ngờ chính sơ  lại thành lập một cộng đồng như vậy. Cha linh hướng của Mẹ, Cha Pierre Telmon, O.M.I, sau khi tỉ mỉ (và khắt khe) hướng dẫn tinh thần của sơ, đã khuyên sơ thành lập một tu hội. Đức GM Bourget tán thành, nhưng sơ Marie-Rose chùn bước trước viễn ảnh đó. Chưa một phụ nữ Gia Nã Đại nào dám làm điều như vậy. Sơ thì yếu ớt, trong khi cha và anh sơ đang cần đến sự giúp đỡ của sơ.

    Sau cùng sơ đồng ý và với hai người bạn, sơ Melodie Dufresne và Henriette Cere, di chuyển đến một căn nhà nhỏ ở Longueuil, đối diện với Montréal qua con sông St. Lawrence. Cùng với họ là 13 thiếu nữ đã sẵn sàng vào nội trú. Lúc ấy Mẹ Marie-Rose 32 tuổi và chỉ còn sống thêm có sáu năm nữa — đó là những năm ngập tràn thử thách, khó khăn, đau yếu và nhiều điều vu cáo. Những đức tính mà ngài ấp ủ trong thời gian “ẩn dật” đã lộ ra — một ý chí mạnh mẽ, thông minh và có lương tri. Từ đó, phát sinh một tu hội có tầm vóc quốc tế gồm các nữ tu tận hiến cho việc giáo dục đức tin.

    Mẹ khắt khe với chính bản thân và cũng thật nghiêm khắc đối với các sơ trong dòng nếu dựa theo tiêu chuẩn ngày nay. Bên trong tất cả những điều ấy, dĩ nhiên, là điều phổ thông đối với các thánh: một tình yêu không lay chuyển dành cho Đức Kitô trên thập giá.

    Vào lúc lâm chung, lời cầu nguyện mà người ta thường nghe Mẹ thầm thĩ là “Giêsu, Maria, Giuse! Lạy Chúa Giêsu nhân lành, con yêu Chúa. Xin Chúa ở với con!” Trước khi chết, Mẹ mỉm cười và nói với các nữ tu “Lời cầu xin của các chị đã giữ tôi ở đây – hãy để tôi đi.” rồi Mẹ qua đời ngày 06 tháng 10 năm 1849. Tu hội các Nữ Tu của Danh Thánh Giêsu và Maria (Sisters of the Holy Names of Jesus and Mary) của Mẹ Marie-Rose ngày một bành trướng và lan rộng xuống tới Hoa Kỳ đến bang Oregon năm 1859, thánh địa và khắp nơi trên thế giới. Mẹ Marie Rose được Đức Giáo Hoàng John Paul II tôn phong Chân Phước ngày 23 tháng 5 năm 1982.

LỜI BÀN: Ba đặc tính Kitô Giáo luôn luôn đi với nhau là cầu nguyện, hãm mình và bác ái. Trong thời đại ngày nay, chúng ta thấy có những người nỗ lực sống bác ái, thực sự lưu tâm đến người nghèo. Biết bao Kitô Hữu đã cảm nghiệm được một hình thức cầu nguyện chân thành. Nhưng còn hãm mình thì sao? Chúng ta bối rối khi nghe thấy những hình thức hãm mình ghê gớm của các thánh, như Marie-Rose. Dĩ nhiên, không phải ai ai cũng được như vậy. Nhưng hấp lực của một nền văn hóa vật chất dẫn đến việc hưởng thụ và tiêu khiển thì không thể nào cưỡng chống được nếu không có một hình thức nào đó của sự chủ tâm và tiết chế vì Đức Kitô. Đó là một tiến trình trong việc đáp lời mời gọi của Đức Kitô để sám hối và thực sự quay về với Thiên Chúa.

  From: Đỗ Dzũng

Thánh Maria Faustina

Thánh Maria Faustina

Hôm nay 05/10, Giáo hội mừng kính Thánh Maria Faustina sứ điệp của lòng thương xót Chúa, ước mong bạn cảm nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm bổn mạng nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 05/10/2022

Khi vị thánh nữ này cất tiếng khóc chào đời tại Ba Lan ngày 25 tháng Tám năm 1905, thì song thân thánh nữ đã đặt tên cho ngài là Helen. Trong cuộc đời ngắn ngủi tại thế, Helen đã thực hiện một sứ vụ quan trọng là dạy cho thế giới biết về Lòng Thương Xót của Đức Chúa Giêsu. Ngay từ lúc lên 7, Helen đã muốn sống cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa như một nữ tu. Khi được 25 tuổi, Helen vào tu trong dòng Chị Em Con Đức Mẹ Thương Xót, và nhận tên là sơ Maria Faustina.

     Công việc của sơ Maria Faustina thật giản dị. Sơ nấu ăn, làm vườn và giữ cửa cho tu viện. Chỉ có sự tốt bụng, trầm lặng và hồi tâm là đáng lưu ý. Và ít có người biết được những chiều sâu đích thực về đời sống tâm linh của sơ Faustina. Thiên Chúa đã chúc lành cho sơ Faustina Maria bằng nhiều ân sủng đặc biệt, kể cả ơn thị kiến, ơn tiên tri và ơn được nhận năm Dấu Thánh cách vô hình.

     Trong một thị kiến mà sơ Maria Faustina nhận được, Chúa Giêsu đã hiện ra trong y phục màu trắng. Người giơ cao một tay để chúc lành và tay kia thì chạm vào Thánh Tâm Người. Có hai tia sáng phát ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, một màu đỏ và một màu nhạt. Tia sáng đỏ tượng trưng cho Máu cứu chuộc của Chúa Kitô, còn tia xanh nhạt biểu trưng nước thanh tẩy trong bí tích Rửa tội. Chúa Giêsu nói: “Con hãy cho vẽ lại bức ảnh như con xem thấy Cha, kèm theo dòng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa!” Chúa Giêsu đã nói với sơ Maria Faustina rằng Chúa nhật sau lễ Chúa Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót.

      Sơ Maria Faustina đã viết nhật ký, chép lại mọi điều Chúa Giêsu muốn cho thế giới biết về Lòng Thương Xót của Người. Trong đó, Maria Faustina đã viết những lời cầu nguyện thật dễ thương, biểu lộ mối tương quan rất mực thân thiết đối với Đức Chúa Giêsu. Và Đức Chúa Giêsu nói với Maria Faustina rằng thánh nữ chính là thư ký nhỏ của Người. Chính công việc đặc biệt của thánh nữ Maria Faustina đã khích lệ nhiều người tin tưởng vào Lòng Thương Xót vô hạn lượng của Thiên Chúa.

     Chúa Giêsu hứa ban ơn tha thứ và ân sủng dư tràn cho bất cứ ai tôn sùng lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Tận hiến cho Lòng Thương Xót Chúa bao gồm tin tưởng vào lòng nhân hậu Chúa, yêu thương tha nhân, năng lãnh nhận bí tích Hòa giải để luôn ở trong tình trạng có ân sủng và rước lễ ngày Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa.

     Chỉ sau 13 năm sống trong bậc tu trì, sơ Maria Faustina Kowalska đã về trời vào ngày mùng 5 tháng Mười năm 1938 vì bệnh lao phổi, vừa tròn 33 tuổi.

     Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Maria Faustina Kowalska: “Cha mong muốn con hãy luôn bày tỏ lòng thương xót ra khắp mọi nơi. Con không thể tự biện minh gì về điều này!” Phương thế tốt nhất để chứng tỏ chúng ta tin cậy vào Lòng Thương Xót của Đức Chúa Giêsu là biết tỏ bày lòng thương xót và luôn tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Chúng ta có sẵn lòng cùng nhau thực hiện như vậy không? Vậy hôm nay mời bạn dành thời gian lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa để đền tội mình và tội lỗi của toàn thế giới. Sau đây là câu nói của ngài:

(1) Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh! Bao nhiêu lần hít thở, bao nhiêu lần nhịp tim đập, bao nhiêu lần dòng máu luân chuyển trong cơ thể con là bấy nhiêu ngàn lần con muốn tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa. (Thánh Faustina)

(2) Chúa Thánh Thần không nói với một linh hồn chia trí và lắm lời. Chúa Thánh Thần nói qua những soi động lặng lẽ của người với một linh hồn tịnh tâm, một linh hồn biết giữ thinh lặng. (Thánh Faustina)

Câu nào đánh động bạn nhất?

From: Đỗ Dzũng

Thánh Phanxicô Assisi

Thánh Phanxicô Assisi

Hôm nay 04/10 Giáo Hội mừng kính thánh Phanxicô Átxidi (Assisi). Mừng lễ Bổn Mạng đến những ai nhận thánh Phanxicô làm quan thầy nhé. Nguyện cho bình an của Chúa toả lan trên khắp thế giới hôm nay.

Cha Vương

Thứ 3: 04/10/2022

        Thánh Phanxicô sinh khoảng năm 1181, tại thành phố Átxidi nước Ý. Thánh Phanxicô Átxidi chỉ sống cuộc đời trần thế có 45 năm. Nhưng cuộc đời của Ngài là cả một bài ca. Một bản nhạc với những dòng nhạc,với những cung bậc, hòa nên một bản trường ca tình yêu tuyệt vời. Người ta trong nhiều thế kỷ đã không ngớt ca ngợi thánh nhân vì con người lạ lùng của thánh nhân giữa cuộc đời. Ngay anh em trong Dòng cũng không nhận ra Ngài có gì đặc biệt mà sao lạ lùng thu hút mọi người. Thánh nhân đã rất khiêm nhượng, sự khiêm tốn của một tâm hồn thánh thiện đã nhìn ra con người đầy khiếm khuyết, đầy tội lỗi của mình và có làm được gì là do ân huệ nhưng không của Chúa, đã biến cái tầm thường nên cái phi thường, đã biến cái đơn sơ, nhỏ bé nên cái vĩ đại khôn lường. Vì thế, tình yêu của Phanxicô Átxidi là một tình yêu mang tính cụ thể, thánh nhân yêu mọi người, mọi vật. Ngài biến mọi sự vật, mọi thụ tạo nên sinh động và có nhân tính. Ngài yêu tất cả vì Ngài thấy Thiên Chúa nơi tất cả mà trung tâm là Chúa Giêsu. Thánh nhân yêu thương mọi người với tất cả con tim của mình, với cả cuộc đời mình vì chính Chúa đã chết cho nhân loại trong đó có cả Phanxicô Átxidi. Tình yêu của Phanxicô Átxidi là tình yêu mang tính vui tươi, thoải mái. Ngài sống trong niềm vui vì lúc nào Ngài cũng mang Chúa trong con người của mình, Ngài đồng hóa mọi sự và nhân cách hóa tất cả để tất cả ca ngợi Chúa trong niềm vui.

       Thánh nhân sinh ở Átxidi khoảng năm 1182. Cha Ngài là ông Bênađô là một thương gia tơ sợi nổi tiếng và mẹ Ngài là bà Pica, một người đạo đức, thánh thiện đã hun đúc Ngài nên một vị thánh thời danh. Cuộc nổi loạn của những người lê dân chống lại những nhà quí tộc. Thánh nhân bị bắt và bị giam cầm trong suốt một năm trời ròng rã. Ngài bị một căn bệnh hiểm nghèo và được Chúa cứu chữa, Ngài được khỏi bệnh và Chúa đã cảm hóa Ngài với câu:” Lạy Cha chúng tôi ở trên trời “. Năm 1206, thánh nhân quyết định rũ bỏ bụi trần, từ bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu, dù rằng bị người cha già hết sức phản đối, thánh nhân rất thương cha nhưng không dám làm trái ý Chúa. Thánh nhân phân phát tất cả của cải mình có cho những người nghèo, Ngài chỉ giữ lại một chiếc áo choàng cũ kỹ, rồi ra đi rao giảng Tin Mừng. Ðược Chúa thúc đẩy, soi sáng, thánh nhân đã lập Dòng anh em hèn mọn. Thời gian sau đó, Ngài lui về Alverne, một nơi thật cô liêu phía Bắc Átxidi để ăn chay, cầu nguyện và sống tình thân với Thiên Chúa. Chúa yêu thương Ngài cách đặc biệt, nên trong lúc Ngài xuất thần, Ngài nhìn thấy Tổng Lãnh Thiên Thần Séraphim và một ảnh chuộc tội. Tỉnh dậy, Ngài đã được Chúa in năm dấu thánh trên người lúc đó là năm 1224. Chỉ hai năm sau đó, Ngài lâm trọng bệnh. Trước khi ra đi về với Chúa, thánh nhân khuyên nhủ anh em trong Dòng giữ đức khó nghèo tuyệt đối và trung thành với Giáo Hội Chúa Kitô. Thánh nhân qua đời vào ngày 4.10.1226. Ðức Thánh Cha Grêgoriô đã tôn Ngài lên bậc hiển thánh. (Nguồn: SimonDalat)

 Nói đến Thánh Phanxicô thì chúng ta nghĩ ngay đến Kinh Hòa Bình. Có thể nói, từ những tư tưởng này, ngài được mệnh danh là Sứ giả hòa bình bởi vì chúng là điểm qui chiếu cho đời sống an hòa nơi ngài. Vậy hôm nay mời Bạn dành thời gian để suy niệm Kinh Hòa Bình nhé: Lạy Chúa, xin hãy dùng con / Như khí cụ bình an của Chúa / Để con đem yêu thương vào nơi oán thù / Đem thứ tha vào nơi lăng nhục / Đem tin kính vào nơi nguy nan / Đem trông cậy vào nơi thất vọng / Dọi ánh sáng vào nơi tối tăm / Đem niềm vui đến chốn ưu sầu. / Lạy Chúa, xin hãy dạy con / Tìm an ủi người hơn được người ủi an / Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết / Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu / Vì hiến thân chính là nhận lãnh / Tha thứ cho người chính là được thứ tha / Cam lòng chịu chết là được sống muôn đời. 

Câu nào đánh động bạn nhất? Mời bạn hãy đưa câu đó áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày. Đối với mình thì câu, “Đem yêu thương vào nơi oán thù.”   

From: Đỗ Dzũng

ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU-Vũ Duy Thống, Gm

ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU

Vũ Duy Thống, Gm

Ngày xưa còn bé, lúc vào Tiểu Chủng Viện, người ta đã trao đến tôi cuốn “Một tâm hồn” của thánh Têrêsa như là cuốn sách phải đọc, để học đời sống thiêng liêng. Thú thực, trong mắt nhìn của tôi lúc ấy, cuốn “Một tâm hồn” quả là một cuốn truyện vui với những trò chơi truyệt vời. Từ truyện chui qua bụng ngựa đến truyện ngắm mãi không chán ống kính vạn hoa, từ truyện nhìn trời buổi tối bỗng thấy sao kết tên mình, đến truyện nhìn đất lượm lên một cọng rác cũng vòi Chúa giải thoát cho một linh hồn. Tất cả đều là truyện vui của một cô bé ưa được nuông chiều.

Nhưng lớn lên, tôi mới ngộ ra rằng: đàng sau những trò tưởng là trẻ con “mít ướt” ấy lại là cả một tâm tình tự nhiên của trực giác tuổi thơ, cộng thêm những thao thức vươn lên của ước mơ xuân trẻ, và đi đi về về trên nẻo đường vừa thơ vừa trẻ ấy là nhấp nhô những cây Thánh giá của hy sinh đong đầy hy vọng. Đó là đường nên thánh của Têrêsa.

  1. ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA TÊRÊSA ĐƯỢC DỆT BẰNG NHỮNG TÂM TÌNH TỰ NHIÊN TUỔI THƠ

Người ta vẫn quen gọi đây là “đường thơ ấu thiêng liêng,” nghĩa là đường nên thánh khởi đi từ những tâm tình tuổi nhỏ. Rất đẹp và rất thơ. Một phương cách tuy không mới tuyệt đối, vì Chúa Giêsu đã gợi lên từ xưa:“Ai không nên như trẻ nhỏ sẽ chẳng được vào Nước Trời,” nhưng chính Têrêsa đã đem đến cho phương cách này một nét hấp dẫn mới và một độ rộng mới phù hợp trong tầm với của mọi người, dù là giáo sĩ hay tu sĩ hoặc giáo dân, dù là trí thức bụng đầy chữ nghĩa hay là bình dân ít học. Hết thảy đều có thể sử dụng phương cách này hoặc đi trên con đường này. Người Mỹ gọi xa lộ của họ là freeway nghĩa là đường tự do ra vào, không phải thuê bao, không cân mua vé. Đường thơ ấu thiêng liêng cũng thế, là freeway mở ra cho hết mọi người.

“Nên như trẻ nhỏ” là phương cách của Phúc Âm, nhưng nên như thế nào lại là điều thuộc về phong cách của Têrêsa. Thật vậy, qua truyện “Một tâm hồn,” thánh nữ đã vận dụng rất tự nhiên mọi biến cố xảy đến trong đời để, phải nói là, nũng nịu và vòi vĩnh Chúa dẫn mình trên đường nên thánh.

Ai trong chúng ta cũng biết tình yêu là điều đáng giá nhất trên đời, và chẳng cần ai bảo ai người ta vẫn cứ thi nhau làm những việc càng lớn càng tốt để diễn tả tình yêu ấy. “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.” Có biết đâu tình yêu xét cho cùng lại là điều thuộc về trật tự của tấm lòng, thế nên, khi có tấm lòng lớn thì dù việc làm có khiêm tốn đến đâu đi nữa, cũng vẫn là một tình yêu đầy đặn vuông tròn. Nhất là khi tấm lòng ấy xin dành cho Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Đó là nét đầu tiên của đường thơ ấu Têrêsa.

  1. ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA TÊRÊSA CŨNG ĐƯỢC GHI DẤU BẰNG NHỮNG ƯỚC MƠ TƯƠI TRẺ

Nếu “giống như trẻ thơ,” Têrêsa đã tham lam ôm lấy mọi biến cố trong đời, dù vui hay buồn dù lớn hay bé dù hữu ý hay vô tình dù được người khác biết đến hay không, để làm thành vốn liếng sinh lời trong tình yêu Chúa thì độ bền của nẻo đường thiêng liêng ấy lại ngày từng ngày làm bằng những thao thức rất trẻ trung táo bạo.

Trẻ trung ở chỗ thánh nữ luôn bị thiêu đốt bởi những ước mơ, nói theo kiểu Sea Games, là mơ “cao hơn xa hơn và nhanh hơn” trên đường thánh đức. Có lần Têrêsa muốn yêu Chúa thật nhiều như chưa bao giờ Chúa được yêu như thế. Lần khác thánh nữ lại muốn lên đường truyền giáo thật dài như đường đi của loài người mọi thời gom góp lại.

Táo bạo ở chỗ thánh nữ dù sống trong một đan viện kín cổng cao tường, như Đan Viện Cát Minh Sàigòn đây, ngài cũng không chịu dừng lại đôi cánh ước mơ, mà còn vươn lên những đỉnh cao thao thức, như khi một mình dưới ánh sáng Lời Chúa trong thư thứ nhất Côrintô chương 12, Têrêsa đã reo lên vì khám phá ra rằng: từ nay trong Giáo Hội mình sẽ là trái tim, trong trái tim mình sẽ là tình yêu, và trong tình yêu mình được ở trong lòng Thiên Chúa là Cha.

Thế đó, ước mơ trẻ trung và táo bạo, như con ốc nhỏ mơ uống cả đại dương tình thương Thiên Chúa, để dù phận ốc phải chôn vùi ở đáy sâu thầm lặng, cũng vẫn hiên ngang có Chúa gần kề, và dù có phải chết trong kiếp người đi nữa, cũng vẫn tin yêu phó thác, vì như Têrêsa đã quả quyết lúc lâm chung: “Tôi không chết, nhưng tôi đi vào cõi sống”.

  1. ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA TÊRÊSA CÒN LÀ ĐƯỜNG NGẢ NGHIÊNG BÓNG CÂY THÁNH GIÁ

Đẹp như tuổi thơ, đẹp như ước mơ, nhưng trên nẻo thiêng liêng ấy, Têrêsa đã gặp không ít khó khăn. Có điều là ngài chủ động tiếp nhận như Thánh giá gieo mầm cứu độ.

Chín tháng đầu tiên trong Nhà kín Lisieux, Têrêsa cảm nghiệm thật nhanh hương vị Thánh giá, tức là cái giá phải trả cho sự thánh đức. Đó là những muộn phiền về gia cảnh cha già neo đơn (nhớ nhà); đó cũng là những chịu đựng trước ánh nhìn của người khác, và đó còn là những vật lộn với chính bản thân khi phải trút bỏ tất cả để thích ứng được với cuộc sống chung. Về giai đoạn này, Têrêsa tâm sự là ngài đã gặp nhiều gai nhọn hơn hoa hồng. Ngài viết: “Đau khổ dang tay đón tôi và tôi đã gieo mình vào khổ đau với lòng yêu mến.”

Nhưng Thánh giá thường xuyên hơn cả trong suốt chín năm tu trì của ngài chính là những nỗi đau âm ỉ trong tâm hồn kìa, như thấy mình bất toàn kiểu Phêrô “Tinh thần thì mau lẹ nhưng xác thịt lại yếu đuối,” như thấy mình bị bỏ rơi không niềm an ủi kiểu “con tim vô tình,” như thấy mình bị mỏi mệt nản lòng kiểu “hai môn đệ trên đường Emmaus.” Song cũng khởi đi từ những Thánh giá trong lòng vốn nhiều thao thức ấy, thánh nữ khám phá ra tâm tình phó thác làm thành ý tưởng chủ đạo giúp ngài nên thánh, đó là “muốn những gì Chúa muốn”.

Đã đành, ai cũng có thể gặp đau khổ cách này cách khác, nhưng biết đón nhận đau khổ theo phong cách Têrêsa bằng niềm đam mê dâng hiến nguyện cầu truyền giáo, thì quả là đã nhận lấy Thánh giá một cách hiệu quả nhất. Đó là đường Thánh giá của hy sinh và cũng là đường Thánh giá của hy vọng.

Tóm lại, đường nên thánh của Têrêsa là một tâm tình tuổi thơ, là một ước mơ xuân trẻ, và cũng là chia sẻ tình yêu Thánh giá. Đó là trực giác một thời, nhưng cũng là bền bỉ một đời, và trên hết là hồng ân Thiên Chúa. Nẻo đường ấy rất thênh thang hôm nay được đặt vào tầm tay của mọi người.

Sống tâm tình con thảo trước Chúa là Cha yêu thương gần gũi, để reo vui trước thành công, cảm thông khi thất bại và quảng đạo dâng hiến chẳng tiếc với Chúa bất cứ sự gì. Đó là khởi đầu tập đi trên đường thơ ấu. Vẫn biết rằng “dòng đời không êm ái như dòng sông,” như dòng tu, nhưng đẩy ước mơ lên những đỉnh cao lành thánh như góp phần hy sinh cầu nguyện cho thế giới hoà bình hơn, cho người người thương yêu hơn, cho thị trường công bình hơn, cho chân lý toả sáng hơn, cho mình cho gia đình cho cộng đoàn được nên thánh hơn. Đó cũng là những bước chân âm thầm trên đường thơ ấu. Và với tình yêu phó thác sẵn sàng đón nhận tất cả như hồng ân, cho dẫu là hồng ân vinh quang hay Thánh giá, thể xác hay tâm hồn, cá nhân hay Giáo Hội, đó chính là tuyệt chiêu trẻ trung trên đường thơ ấu Têrêsa.

Đường nên thánh của Têrêsa như chiếc “thang máy tình yêu” rộng mở. Ai vào, thang sẽ tự động nâng lên. Vấn đề là ta có thích bước vào hay không? Câu trả lời xin dành cho riêng từng người hôm nay. Còn bây giờ là chứng từ của cô Linsay Younce người đóng vai chính trong một cuốn phim mới về thánh Têrêsa thành Lisieux. Cô đã trở lại đạo sau khi cuốn phim được hoàn thành. Được hỏi: điều gì hấp dẫn nhất nơi Têrêsa? Cô trả lời: việc nên thánh ở ngay trong tầm tay của mọi người. Mong rằng đó cũng là điều hấp dẫn chúng ta.

Vũ Duy Thống, Gm

Trich: suyniemhangngay.net

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su-Cha Vương

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su,

Nguyện xin bình an và xin ân sủng và bình an của Thiên Chúc ở cùng bạn và gia đình hôm nay và mãi mãi. Hôm nay 1/10 Giáo Hội mừng kính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su, mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 01/10/2022

Thánh Têrêxa là người con thứ năm của một gia đình Công giáo trung lưu thánh thiện và đạo đức. Mẹ của Bà qua đời khi Bà mới bốn tuổi, Bà cùng bốn người chị được người cha thánh thiện nuôi nấng dạy dổ. Cha của Bà là ông Martin và năm người con gái dọn về định cư tại Lisieux để được gần gủi với gia đình. Một thảm cảnh thứ hai lại xẩy đến với Bà là các chị Pauline và Maria mà Bà xem như người mẹ đều vào tu Dòng kín Carmel…

Trong một đêm Noen, với một ân sủng lạ lùng và cao cả, Bà tìm lại được niềm vui cho tuổi trẻ và trong niềm hy vọng tràn trề với Tình Yêu Thiên Chúa mà Bà được nhận lảnh. Một cô bé nhút nhát yếu ớt trở nên bạo dạn và cương quyết, Bà cùng với cha mình đến Roma, trong buổi triều kiến ngày 9 tháng 4 năm 1888, Bà đã vượt qua mọi người và lính gác đến quì duới chân Đức Giáo Hoàng và xin phép được vào tu Dòng Carmel dù Bà mới 15 tuổi. Với lòng trung kiên tuyệt đối Bà tiến tới trên con đường nên thánh.

Bà bị bệnh lao phổi trầm trọng và kinh niên, Bà phú thác mọi sự trong tay Chúa Kitô. Trong sự đau khổ triền miên, Bà hiến dâng lên Chúa để cầu xin cho những người tội lỗi trở lại với Đức Tin. Bà qua đời vào năm 1897 lúc mới 24 tuổi. Bà hứa sẽ làm “mưa hoa hồng” xuống trần thế và lên Thiên đàng bằng “con đường nhỏ”là làm những việc thiện dưới trần thế này.

Chỉ vài năm sau khi Bà lìa đời, câu chuyện cuộc đời của Bà “Câu chuyện một linh hồn”, viết theo lệnh của Bề trên Dòng được phát hành và mọi tầng lớp dân chúng đã đón nhận nồng nhiệt. Nhiều người hành hương đến viếng tu viện Lisieux, họ đã nhận được những phép lạ và những ân sủng lạ lùng khi cầu xin cùng Thánh Têrêxa. Bà được phong hiển thánh năm 1928, và tuyên xưng là Đấng Bảo trợ các nhà truyền giáo. Đến năm 1997 thì Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II tấn phong Tiến sĩ Hội Thánh. (Phó Tế J.B. Huỳnh Mai Trác)

Sau đây là những câu nói của thánh nhân, mời bạn hãy lắng nghe coi ngài đang muốn nhắn nhủ bạn điều gì:

(1) Xin nhớ rằng không có điều gì là nhỏ bé dưới mắt Thiên Chúa. Hãy làm mọi việc với tình yêu.

(2) Vẻ rực rỡ của bông hồng và màu trắng của bông huệ không tước mất hương thơm của bông hoa tím hay lấy đi vẻ hấp dẫn mộc mạc của bông cúc dại. Nếu mỗi bông hoa nhỏ cứ muốn làm một bông hồng, mùa xuân hẳn sẽ mất vẻ yêu kiều.

(3) Hẳn là bạn cũng biết rằng Chúa chúng ta không quan tâm nhiều đến vẻ lớn lao hay sự khó khăn của các hành vi chúng ta làm, nhưng là tình yêu chúng ta có khi làm.

(4) Không có tình yêu, các hành vi, dù sáng chói nhất, cũng không đáng kể gì.

(5) Tin tưởng và chỉ tin tưởng mới dẫn chúng ta đến tình yêu.

(6) Không nên bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào mà không làm một hy sinh nhỏ, ở đây bằng gương mặt tươi cười, ở kia bằng một lời khả ái, luôn luôn làm việc đúng đắn dù nhỏ bé nhất và làm vì tình yêu.

(7) Đối với em, cầu nguyện là một sự trào dâng của con tim; cầu nguyện đơn giản là một cái nhìn hướng về trời, là một tiếng kêu nhận biết và yêu thương, ôm lấy cả thử thách lẫn niềm vui.

(8) Một lời nói hay một nụ cười thường cũng đủ để đưa sự sống tươi mát vào trong một tâm hồn thất vọng.

(9) Bây giờ em biết rằng bác ái chân thật hệ tại gánh lấy tất cả những khuyết điểm của người thân cận – không ngạc nhiên trước sự yếu đuối của họ, nhưng vui sướng về những nhân đức nhỏ nhất của họ.

(10) Con cầm lấy quyển Kinh Thánh. Thế là mọi sự dường như sáng ra với con; chỉ một chữ thôi cũng mở ra cho con những chân trời vô biên, sự hoàn thiện tỏ ra đơn giản với con.

(11) Điều duy nhất con thực sự ước muốn… là yêu cho đến chết vì yêu.

Câu nào đánh động bạn nhất?

Xin Thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su, cầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Laurensô Ruiz và các bạn, tử đạo Nhật Bản. (1600-1637)-Cha Vương

Thánh Laurensô Ruiz và các bạn, tử đạo Nhật Bản. (1600-1637)

Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn một ngày mới để được sống vững vàng trong đức tin nhé. Hôm nay Giáo hội mừng kính Thánh Laurensô Ruiz và các bạn, tử đạo Nhật Bản. (1600-1637)

Cha Vương

Thứ 4: 28/09/2022

Thánh Laurensô Ruiz sinh năm 1600 tại Binondo, Manila, Phi Luật Tân và bố là người Trung Hoa, mẹ là người Phi Luật Tân, cả hai đều là Kitô Hữu. Bởi thế ngài biết tiếng Trung Hoa và Tagalog từ bố mẹ, và ngài còn biết tiếng Tây Ban Nha từ các cha Ða Minh mà ngài thường giúp lễ và dọn lễ cho các cha. Ngài sống về nghề chuyên môn viết chữ đẹp (calligrapher), biên chép lại các tài liệu trong một dạng tự tuyệt vời. Ngài là hội viên trung kiên của Hội Ái Hữu Mai Khôi dưới sự bảo trợ của các cha Ða Minh. Ngài lập gia đình và được hai trai một gái.

    Cuộc đời ngài thay đổi bất ngờ khi ngài bị kết tội sát nhân. Chúng ta không được biết gì hơn ngoài lời kể của hai cha Ða Minh là “ngài bị nhà cầm quyền lùng bắt vì tội giết người mà ngài có mặt tại hiện trường hoặc họ ghép tội cho ngài.”

    Vào lúc đó, ba linh mục Ða Minh, Antonio Gonzalez, Guillermo Courtet và Miguel de Aozaraza, chuẩn bị dong buồm sang Nhật mặc dù ở đó đang bắt đạo dữ dội. Cùng đi với họ có một linh mục Nhật Bản, Vicente Shiwozuka de la Cruz, và một giáo dân tên Lazaro, bị phong cùi. Lorenzo, đang lẩn tránh nhà cầm quyền nên muốn được nhập bọn, và mãi cho đến khi ra tới biển thì ngài mới biết là họ sang Nhật.

    Họ đổ bộ ở Okinawa. Lorenzo đã có thể đến Formosa, nhưng, ngài viết, “Tôi quyết định ở lại với các cha, vì nếu đến đó người Tây Ban Nha sẽ treo cổ tôi.” Họ ở Nhật không được bao lâu thì bị lộ tẩy, bị bắt và bị giải đến Nagasaki. Ðây là một nơi máu người Công Giáo đã chảy thành sông. Khoảng 50,000 người Công Giáo sống ở đây đã bị phân tán hay bị chết vì đạo.

    Ngày 29-30 tháng 9 năm 1637 tại Nagasaki, Nhật Bản tất cả bị tra tấn một cách dã man: sau khi bị đổ nước vào cổ họng, họ được đặt nằm ngửa trên mặt đất. Một tấm ván dài được đặt trên bụng nạn nhân, và các tên lính đạp lên tấm ván để nước ứa ra từ miệng, mũi và tai nạn nhân.

    Vị bề trên của họ, Cha Antonio, đã chết trong cùng ngày. Vị linh mục người Nhật và Lazaro vì khiếp sợ khi bị tra tấn bằng tăm tre đâm vào đầu ngón tay, nên đã chối đạo. Nhưng cả hai đã lấy lại cản đảm khi được các bạn khuyến khích.

    Khi đến phiên Lorenzo bị tra tấn, ngài hỏi người thông dịch, “Tôi muốn biết nếu bỏ đạo, họ có cho tôi sống không.” Người thông dịch không hứa hẹn gì, và Lorenzo, trong những giờ sau đó đã cảm thấy đức tin mạnh mẽ hơn. Ngài trở nên dũng cảm, ngay cả gan dạ với các lý hình.

    Cả năm người bị giết chết bằng cách treo ngược đầu trong một cái hố. Chung quanh bụng của họ bị đeo bàn gông và đá được chất lên các bàn gông để gia tăng sức ép. Họ bị trói chặt để máu luân chuyển chậm hơn và như thế cái chết sẽ kéo dài hơn. Họ bị treo như thế trong ba ngày. Vào lúc đó, Lorenzo và Lazaro đã chết. Ba vị linh mục Ða Minh vẫn còn sống, nên bị chặt đầu. Tất cả thi thể bị đốt ra tro rồi rải xuống biển.

    Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Chân Phước Tử Đạo ngày 18 tháng 2 năm 1981 rồi sáu năm sau Ngài nâng Lorenzo Ruiz và 15 bạn khác, là những người Á Châu và Âu Châu, nam cũng như nữ, là những người đã loan truyền đức tin ở Phi Luật Tân, Formosa và Nhật lên hàng các Thánh Tử Đạo ngày 18 tháng 10 năm 1987. Thánh Lorenzo Ruiz là người Phi Luật Tân đầu tiên tử đạo. (Nguồn: Người Tín Hữu)

LỜI TRÍCH: Quan án: “Nếu tao cho mày sống, mày có từ bỏ đức tin không?”

Lorenzo: “Tôi không bao giờ làm điều đó, vì tôi là một Kitô Hữu, và tôi sẽ chết cho Thiên Chúa, và nếu tôi có cả ngàn mạng sống tôi cũng sẽ dâng lên cho Thiên Chúa. Bởi thế, ông muốn làm gì thì làm.”

 Bạn đã và đang làm gì để minh chứng cho đức tin của mình?

From: Đỗ Dzũng

Thánh Vinh-sơn Phaolô, linh mục người Pháp (1581-1660)-Cha Vương

Thánh Vinh-sơn Phaolô, linh mục người Pháp (1581-1660).

Hôm nay 27/09 Giáo Hội mừng kính Thánh Vinh-sơn Phaolô, (St. Vincent de Paul), nguyện xin thánh nhân chuyển cầu cho Bạn và gia đình nhé.

Cha Vương

Thánh Vinh-sơn Phaolô, (St. Vincent de Paul) linh mục người Pháp (1581-1660). Thánh Nhân được biết là người thương những người bệnh, người nghèo. Sinh ngày 24 tháng 4 năm 1581.  Nhà nghèo, hồi nhỏ phải đi chăn cừu. Hồi 19 tuổi, sau khi làm linh mục, Vincent vuợt biển đi kiếm món tiền một ông già để cho. Tầu bị cướp bắt, và Vincent bị bắt và bị bán cho người đánh cá bên bắc Phi, rồi lại bị bán cho người khác, ông này hứa cho Vincent nhiều tiền, nếu chịu theo đạo Hồi. Vincent lịch sự nhưng cương quyết từ chối, Vincent hết lòng cầu xin Chúa và Đức Mẹ gìn giữ. Cuối cùng cha trốn về Rôma. Sau khi học hỏi một năm, cha được gửi về Paris, nơi đây cha nhận làm tuyên úy cho Nữ Hoàng Margaret de Valois. Cha hài lòng với cuộc sống giầu sang, thoải mái.

Đến tuổi trung niên một biến cố đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của ngài. Trong lúc giải tội cho một nông dân nghèo khổ trong nông trại của gia đình Condis, sau khi ban phép tha tội, người nông dân đã nói với ngài thà rằng chết trong tội lỗi còn hơn là xưng tội với một linh mục hờ hững như ngài. Từ đó ngài nhận thức về ơn gọi linh mục của mình và dấn thân làm việc để giúp đỡ người nghèo.

1- Năm 1625, cha Vincent nhận thấy sự hiểu biết về Thiên Chúa của đám đông nông dân thật thô sơ và việc đào luyện linh mục còn nhiều thiếu sót, ngài kêu mời anh em cùng ngài làm việc lập nên một tu hội cho nam giới, đào luyện các linh mục coi sóc xứ đạo, nhất là các xứ đạo ở vùng quê.

Ngài đã xây nhiều bệnh viện, nhà mồ côi, cũng như nhà cho người bệnh tâm thần. Ngoài ra ngài còn quyên tiền để chuộc những người bị quân Hồi giáo bắt làm nô lệ ở Bắc Phi châu.

Danh tiếng ngài vang lừng khắp  Âu châu, các nhà quý phái sẵn sàng giúp đỡ các dự án của ngài. Tinh thần của thánh Vincent là yêu mến Chúa bằng cách phục dịch người nghèo. Châm ngôn của ngài là: “Người nghèo là chủ nhân và chúng ta là những kẻ tôi tớ”.

2- Năm 1633, Ngài lập Dòng Nữ Tử Bác Ái để trợ giúp và giáo dục các thiếu nữ bụi đời, săn sóc bệnh nhân và người nghèo.  Ngài đi khắp các khu phố nhặt những trẻ bỏ rơi về nuôi.  Nhờ vào sự quen biết với giới thượng lưu, ngài đã nhờ các bà tiếp tay trong các công cuộc từ thiện giúp đỡ người nghèo. Hai bà đã giúp đỡ và hăng say trong công việc của ngài là bà Louise de Marillac và bà De Condis. Hai bà trên đã giúp ngài thành lập Dòng Nữ Bác Ái.

Khi gần chết, ngài đã thốt lên: “ Lạy Chúa, con đã làm những việc theo lệnh Chúa, nay xin Chúa ban cho con những gì Chúa đã hứa.” Ngài đã an nghỉ trong Chúa vào ngày 27 tháng 9 năm 1660, lúc 80 tuổi.

Đức Giáo Hoàng Lêô 13 tôn thánh Vincent làm bổn mạng các hội Từ thiện Công Giáo. Ngày nay trên thế giới , hội Bác ái Vinh sơn đã lan tràn rất nhiều nơi. (Nguồn: mạng Dân Chúa)

Sau đây là những câu nói để đời của Thánh Nhân, Bạn hãy bỏ ra mấy phút để đọc và lắng nghe coi thánh nhân đang muốn nhắn nhủ Bạn điều gì mà đến gần với Chúa hơn.

(1) Anh em hãy nhớ rằng cuộc sống Kitô hữu là một cuộc sống hoạt động; chứ không phải chỉ là lời nói và mộng mơ.

(2) Vũ khí mạnh nhất để chống lại ma quỷ là đức khiêm nhường. Bởi vì, như ma quỷ không có bất cứ một ý niệm nào về sự “khiêm nhường” thì ma quỷ cũng không biết làm thế nào để rũ bỏ sự “khiêm nhường”.

(3) Chúng ta nên đơn giản trong tình cảm, ý tưởng, hành vi và ngôn từ, chúng ta nên làm những gì chúng ta thấy không có sự giả tạo hoặc lừa lọc trong đó. 

(4) Tôi ước muốn từng giây phút quá khứ, hiện tại và tương lai đều được tôi cũng như mọi người sử dụng một cách tốt nhất.

(4) Trên thiên đàng chúng ta sẽ nghỉ ngơi.

(5) Một người càng tấn tới trong việc yêu mến Thiên Chúa thì nhất định càng yêu thích đau khổ, chịu bị khinh thường, đó chính là dấu hiệu của lửa tình ái, những thứ khác đều là mây khói.

Câu nào đánh động bạn nhất? Đối với mình thì câu (3) và (4)

From: Đỗ Dzũng