Các vị tổng lãnh thiên thần—Mi-ca-en, Gáp-ri-en, và Ra-pha-en
Chúc bạn và gia đình một ngày bình an nhé! Xin một lời cầu nguyện cho dân cư ở tiểu bang Florida và những tiểu bang lân cận đang phải đương đầu với bão Ian.
Cha Vương
Thứ 5: 29/09/2022
Hôm nay ngày 29/9, Giáo Hội mừng kính các vị tổng lãnh thiên thần—Mi-ca-en, Gáp-ri-en, và Ra-pha-en, nhưng đồng thời cũng mừng tất cả các thiên sứ được nhắc tới từ sách Sáng thế cho tới sách Khải huyền. Các vị hiện diện cách vô hình để hướng dẫn dòng lịch sử cứu độ. Tuy các vị là những sứ giả của Chúa, nhưng chỉ có các thiên thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en, và Ra-pha-en là có tên. Các vị có nhiệm vụ bộc lộ cho con người biết các kế hoạch của Chúa và mang tới lệnh Người truyền, nhưng trước hết các vị là cộng đoàn đông đảo những vị thờ lạy Thiên Chúa hằng sống. Có rất nhiều loại Thiên Thần khác nhau được đề cập đến trong Thánh Kinh theo từng cấp bậc, đó là: angels (Thiên Thần), archangels (các Tổng Lãnh Thiên Thần), cherubim (Tiểu Thiên Sứ), seraphim (Thiên Thần Tối Cao), thrones (các Thần Cung), choirs (các tập hợp Thiên Thần), dominions (các Quyền Chi Phối), principalities (các Chức Vương, Công Quốc), và powers (Các Quyền Bính).
THÁNH MI-CA-EN—danh từ Hebrew có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” ám chỉ sự siêu việt của Thiên Chúa được nói đến trong sách Daniel (10, 13-21) thánh Mi-ca-en xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Daniel như “hoàng tử vĩ đại” bảo vệ Israel chống lại quân thù và trong sách Khải Huyền của thánh Gioan (12-7) ngài dẫn đầu đạo binh Thiên Chúa chiến đấu với ma quỷ trong trận chiến vẻ vang sau cùng để bênh vực quyền tối cao của Thiên Chúa. Giáo Hội tôn kính người như Đấng Bảo Trợ và tin rằng Người vẫn dâng lời cầu nguyện của chúng ta lên ngài tòa Chúa. Thánh Mi-ca-en là quan thầy của những người phải dùng đến lò nung như làm bánh. Thánh Mi-ca-en cũng là quan thầy đoàn lính dù. Nhiều thành phố mang tên Người. Thánh Mi-ca-en cũng được cầu khi giúp bệnh nhân sắp qua đời.
THÁNH GÁP-RI-EN—theo danh xưng Hebrew có nghĩa là “Uy lực của Thiên Chúa” cũng còn gọi là “Sứ Thần Truyền Tin”. Ngài luôn can thiệp vào những sứ mạng liên quan đến việc cứu rỗi loài người. Chính Ngài đã báo cho tiên tri Daniel (Dn 8, 16; 9, 21-27) thời đại xuất hiện của Đấng Cứu Thế với ông Zachariah. Sự xuất hiện của Thánh Gáp-ri-en mà nhiều người biết đến là sứ giả được phái đến cùng trinh nữ Maria (Lc 1, 11-38; 8, 16-27; 9, 21-27) để loan báo ý định của Thiên Chúa, và cũng chính là người đã nhiều lần hiện ra với thánh Giuse. Năm 1951 Đức Giáo Hoàng Pius XII đặt Ngài làm quan thầy các chuyên viên truyền thông, truyền thanh và điện thoại.
THÁNH RA-PHA-EN—theo tiếng Hebrew có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành”. Chúng ta biết danh hiệu của vị Tổng Lãnh Thiên Thần này qua những trang sách Tobit thời Cựu Ước. Chính Ngài đã được Thiên Chúa sai đến giúp đỡ gia đình ông trong cơn hoạn nạn. Trong chuyện này ngài xuất hiện để dẫn dắt con ông Tobit là Tobia qua những cuộc mạo hiểm dị thường mà sau cùng dẫn đến một kết quả thật tốt đẹp: Tobia kết hôn với Sarah, ông Tobit được chữa khỏi mù mắt và tài sản của gia đình ông được hồi phục. Ngài cho hai cha con ông biết: “Ta là Ra-pha-en là một trong bảy khâm sai của Thiên Chúa, hằng ở bên cạnh Ngài trong huy hoàng của Ngài hiện diện”. Mục đích của câu chuyện này là để minh chứng sự Thiên Chúa quan phòng hằng hoạt động trong đời sống con người và hằng nghe lời cầu xin. Tổng lãnh Thiên Thần Raphael được cầu xin cho thể xác an khang và linh hồn khỏe mạnh. Ngài là quan thầy của người đi đường. (Tóm lược từ Nhóm Tinh Thần)
Lạy Chúa là Đấng thượng trí vô song, Chúa đã muốn cho thiên thần và người thế cộng tác vào chương trình cứu độ, xin cho các thiên thần đang phục vụ Chúa trên trời cũng luôn luôn phù hộ chúng con ở dưới đất. Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Ki-tô Chúa chúng con. Amen. (Lời nguyện đầu Lễ kính)
From: Đỗ Dzũng